Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:03:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7416 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 08:10:16 am »

Loáng một cái Tết Đinh Mùi đã đến. cả cơ quan chiều nay bừng lên không khí đón năm mới. Các lán làm vệ sinh riêng và chung trong khu vực cơ quan Bộ tư lệnh. Sôi động nhất vẫn là khu vực anh nuôi, tiếng lợn kêu, tiếng dao chặt băm pha chế biến các món chuẩn bị cho bữa liên hoan chung chào đón xuân mới.

Hoàng hôn buông nhanh. Đêm ba mươi trời tối đen như mực, nhưng ở đây còn hơn mực bởi các tán cây rừng che khuất, có lán không nhìn thấy khoảng trời, máy bay địch đành chịu thua nếu ta giữ nghiêm kỷ luật khói và ánh sáng đèn. Tôi sửa soạn áo quần chỉnh tề đến dự đêm giao thừa cùng Tham mưu trưởng Giáp Văn Cương theo lời mời của anh khi chiều.

Anh đã chờ sẵn tự bao giờ. Tài liệu, sổ sách được xếp gọn vào một góc, trên bàn làm việc có thuốc lá và chè Blao sản xuất từ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thêm nữa là giò lan cánh vàng thay cho mai vàng, biểu hiện cảnh sắc đón Tết cổ truyền của người Việt phương Nam. Một đĩa ngũ quả theo phong tục, nhưng chỉ có nhị quả: dăm bảy quả cóc bày xen trên buồng chuối màu vàng ươm.

Không gian tĩnh lặng mà ấm cúng. Các lán đều le lói ánh sáng đèn tự chế bằng đủ các chai lọ. Đủ các loại đài bán dẫn mờ nghe các chương trình ca nhạc, ngâm thơ, tấu hoạt cảnh dân ca Bắc - Trung - Nam, v.v... chào mừng năm mới cùng với tiếng cười nói râm ran làm ấm lòng người.

Tiếng chuông giao thừa đã điểm, ngân vang, thánh thót, nghiêm trang, tất cả đều chờ tiếng chuông thứ 12, thế là phút giây đầu tiên của năm con Dê đã đến.

Bác lại đọc thư chúc Tết đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Giọng Bác dõng dạc mà ấm áp. Nghe sao mà gần gũi thế, cứ như Bác đang ở bên mình, bỗng lại nhớ câu nói bất hủ của Bác - miền Nam trong trái tim tôi.

Giờ phút thiêng liêng của cái đêm trừ tịch đã hết. Không khí các lán lúc này rộ lên, thả sức nói cười chúc mừng xuân mới.

Khêu to ngọn đèn cho sáng hơn, anh Giáp Văn Cương ra góc trái căn lán mang vào đủ thứ bày lên bàn: vịt hầm rút xương, nem chua, hột vịt lộn và một chai mang nhãn hiệu annis (một loại rượu mạnh lưu hành ở miền Nam trong những năm này).

Sự ngạc, nhiên của tôi lên tới đỉnh điểm, sắp sửa bật thành câu hỏi kiếm đâu ra những thứ này, thì anh Giáp Văn Cương bình thản nói: Tất cả đều là cây nhà lá vườn, đều là tự sản, tự chế biến, tự tiêu thụ, ai cũng có, riêng chú vịt này anh em nhà bếp bổ sung vì có Nam Khánh từ Bắc mới vào. Còn chất cay của bà con trong Quy Nhơn gửi biếu, mình cố giữ cho đến hôm nay.

Hai chúng tôi vừa nhấm nháp vừa hàn huyên, đủ các thứ chuyện chung riêng; chuyện đã qua, chuyện hiện tại, có cả mơ ước về một ngày mai...

Biết rằng ra Tết có bao nhiêu điều cần phải tìm hiểu, nhưng tình hình chung, nhiệm vụ chung và cả chặng đường đã qua của Sư đoàn 3, mà người am tường lại là anh Giáp Văn Cương, nguyên Sư đoàn trưởng vừa mới xa sư đoàn về quân khu theo sự phân công mới của cấp trên, tôi ngỏ ý muốn được anh kể cho nghe chuyện thăng trầm mà Sư đoàn 3 đã nếm trải, rút ngắn thời gian bỡ ngỡ khi về sư đoàn công tác.

- Được, mình sẵn sàng. - Anh Giáp Văn Cương đồng ý. - Nhưng biết kể cái gì đây, nội dung thì nhiều, mà thời gian có hạn.

- Anh nói những gì mà anh tâm đắc. - Tôi đề nghị.

Hai chân mày sát lại như nghĩ một điều gì rất lung, bỗng tươi tỉnh, anh nói:

... Tính đến tháng 10 năm 1965, tổng số quân chiến đấu Mỹ và chư hầu ở địa bàn Khu 5 lên tới 120.000 tên, bằng hai phần ba tổng số quân Mỹ ở chiến trường miền Nam. Riêng Bình Định địch tập trung 20.000 quân Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên với 500 máy bay các loại, hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh, vì Bình Định là trọng điểm của cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ trên địa bàn Khu 5.

Thực hiện ý định của Bộ tư lệnh Quân khu, cho đến cuối tháng 12 năm 1965, phối hợp với thế trận chiến tranh nhân dân địa phương ba huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Sư đoàn 3 đã hình thành xong thế bố trí chân vạc: trung đoàn 2 ở Hoài Ân, trung đoàn 22 ở Hoài Nhơn, trung đoàn 12 đứng chân tại bắc Phù Mỹ. Cả ba trung đoàn đều có thể cơ động theo đường số 1 tiến công quận lỵ Bồng Sơn theo hai hướng bắc và nam, hoặc lật đội hình giải phóng quận lỵ Phù Mỹ; hoặc dễ dàng khống chế địch thực hiện chia cắt chiến dịch. Trường hợp địch mở cuộc tiến công trước, các trung đoàn của ta đã đứng chân ở những địa bàn quân Mỹ có thể đổ bộ đường không và sẵn sàng chi viện cho nhau. Với đội hình trên, toàn sư đoàn có thể kết hợp chặt chẽ với các lực lượng quân sự, chính trị của ba huyện đánh địch bảo vệ nhân dân, đủ điều kiện về địa thế và lương thực để đánh địch nếu đợt hoạt động kéo dài.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 08:11:38 am »

Ngày 28 tháng 1 năm 1966 mở đầu cuộc hành quân mùa khô, hai vạn quân Mỹ - ngụy và chư hầu Nam Triều Tiên do tướng Kin-na, tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay số 1 chỉ huy bắt đầu đánh ra Bồng Sơn và thị trấn Tam Quan. Tại đây địch đổ lữ đoàn 3, sư đoàn kỵ binh bay số 1 do đại tá Mo chỉ huy.

- Lữ đoàn 3? - Tôi hỏi.

- Sao? Nam Khánh hỏi sao, đúng lữ đoàn 3. - Anh Giáp Văn Cương khẳng định.

Tôi thông báo hai tiểu đoàn 1 và 3 của lữ này đã bị trung đoàn 66 tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng ở thung lũng Ia Đrăng trong chiến dịch Plây Me.

- Vậy hả! - Anh Giáp Văn Cương nói tiếp. - Về đây nó lại bị đánh bồi.

- Còn Mo có đúng là đại tá không? - Tôi hỏi.

- Đúng, tin từ tình báo Bộ thông báo vào.

- Thế là rõ. - Tôi chen ngang. - Cách đây hai tháng y còn là trung tá, nay đã là đại tá, kiểu gì mà lên dữ vậy. Lúc ấy y chỉ huy tiểu đoàn 1 bị ta đánh đau phải rút chạy khỏi bãi đáp “Tia X” tây nam thung lũng Ia Đrăng.

Nhân đây xin mở ngoặc kể cùng bạn đọc một số chi tiết về viên đại tá Mo. Gần ba mươi năm sau ông ta mang quân hàm trung tướng đi trong đoàn cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam, gặp chúng tôi tìm hiểu vì sao sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 Mỹ lại thất bại? Và Mo cũng là đồng tác giả của cuốn sách mang tựa đề “Đã một thời chúng tôi là những người lính và trẻ trung”. Nội dung cuốn sách kể về những ngày sư đoàn kỵ binh số 1 nói chung, tiểu đoàn 1 lữ đoàn 3 kỵ binh của Mo nếm mùi thất bại ở thung lũng Ia Đrăng tháng 11 năm 1965. Trang 422 của cuốn sách này Mo viết: “Trong đợt đột kích vào Bồng Sơn ngày 28 tháng 1 năm 1966, tôi đi trên chuyến đầu tiên và xông vào một hàng cây. Có một ngôi nhà nhỏ lợp mái rạ ẩn dưới những tán cây; một gia đình nông dân dồn cục lại, sợ mất hồn bởi hỏa lực dọn đường của pháo binh đang rơi xuống xung quanh họ...

Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và khi đối phương (trung đoàn 22 - NG) rút đi, 82 binh sĩ của tôi bị chết cùng với 318 binh sĩ khác bị thương. Cái giá phải trả thật là cao... Trong vòng một tuần sau khi chúng tôi rút đi, quân Bắc Việt Nam và các đơn vị chủ lực Việt cộng đã trở lại những xóm làng ở Bồng Sơn. Lữ đoàn của tôi được phái trở lại trong một cuộc biểu dương lực lượng vào tháng 4 và một lần vào tháng 5, lần này số binh sĩ của chúng tôi bị chết và bị thương còn đông hơn nữa”. Mo đổ lỗi gây nên sự thiệt hại của cuộc hành quân này là trách nhiệm của Đại sứ quán Mỹ và Bộ chỉ huy yểm trợ quân sự Mỹ (MACV) đã không thành công trong chương trình phối hợp những hành động quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam với các chương trình phối hợp tiếp sau của chính phủ Việt Nam cộng hòa (chỉ ngụy quyền Sài Gòn) nhằm tái lập sự kiểm soát ở những vùng mới giải phóng (vùng mới trải qua các cuộc hành quân càn quét bình định của địch).

Xin được tiếp tục trở lại chuyện đang kể. Theo Tham mưu trưởng Giáp Văn Cương lúc ấy là chỉ huy trưởng mặt trận Bình Định thì lữ đoàn 3 vừa đặt chân xuống khu vực Bồng Sơn - Tam Quan đã bị trung đoàn 22 trực sẵn chủ động tiến công. Trong bốn ngày chiến đấu (từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 1 năm 1966) trung đoàn 22 đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng bốn đại đội thuộc lữ đoàn 3 kỵ binh bay. Quân Mỹ tiếp tục dồn sức vào trận đánh quanh khu vực thị trấn Tam Quan nhằm đạt cho được mục tiêu “tìm diệt” vì đã đánh hơi thấy trung đoàn 22 đang đứng chân ở khu vực này. Đoán được diễn biến bất lợi có thể xảy ra, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 cho đại bộ phận trung đoàn 22 tạm rút ra vòng ngoài thực hiện đánh nhỏ nhằm bảo toàn lực lượng, thì địch lại cho rằng đối phương đã rút về phía sau. Từ phán đoán đó, tướng Kin-na tức tốc tập trung toàn bộ lực lượng sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 mở cuộc hành quân mới mang tên “Cánh trắng 1” “tìm diệt” lực lượng còn lại của Sư đoàn 3 mà y cho rằng đang đứng chân ở thung lũng An Lão. Kết quả là cuộc hành quân “Cánh trắng 1” đã đánh vào chỗ không người. Các trung đoàn 2, 12 khi ấy đang chuẩn bị cho những trận đánh của mình ở các khu vực khác. Trung đoàn 22 vẫn đứng ở bắc Bồng Sơn.

Cay cú vì vồ hụt ta ở An Lão, ngày 6 tháng 3, địch mở cuộc hành quân “Cánh trắng 2” đánh vào thung lũng Kim Sơn (Hoài Ân). Phút căng thẳng có cả sự bối rối đã qua. Lúc này bọn mình có chút thanh thản để lựa chọn cách đối phó. Một quyết định gần như tức thì. Mở cuộc phản công có ý nghĩa quyết định bằng việc điều trung đoàn 2 đang đứng chân ở bắc Phù Mỹ về Hoài Ân cùng với trung đoàn 12 đánh mạnh vào hai bên sườn quân địch, dồn chúng vào một trận phục kích bày sẵn, ta diệt thêm ba đại đội thuộc lữ đoàn 3 kỵ binh bay vẫn do đại tá Mo chỉ huy.

Ngày 6 tháng 3 năm 1966, địch buộc phải kết thúc cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất ở bắc Bình Định. Kin-na, tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay số 1 và là người chỉ huy cánh quân lớn nhất của cuộc phản công đầy tham vọng bị cách chức vì đã để một phần ba quân số và 75% trực thăng bi ta tiêu diệt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:41:35 am »

Đêm về khuya, không gian càng yên tĩnh, các căn lán trong khu vực cơ quan Bộ tư lệnh đã chìm vào giấc ngủ sâu, chỉ hai chúng tôi còn thức, thì thầm nhỏ to như đôi tình nhân, không bao giờ hết chuyện.

Anh vẫn say sưa kể, còn tôi thì tỉnh như sáo và tự nhủ - chỉ còn đêm nay cần phải tập trung tối đa thời gian để nghe, để hiểu. Anh lại rót rượu và nâng ly, lần này anh cũng dốc cốc để chứng minh đã cạn trăm phần trăm. Còn tôi thì chỉ nhấm nháp. Mâm cỗ tối giao thừa vẫn còn nhiều. Anh động viên tôi “ăn đại đi Nam Khánh, lấy sức mà nhịn dài dài, chiến tranh mà”.

Anh kể tiếp: “Ngay từ mùa hè năm 1966, Bộ tư lệnh Quân khu họp quyết định mở chiến dịch Hè - Thu nhằm tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, cũng là để thiết thực phối hợp với chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị đang xúc tiến triển khai theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh. Trong chiến dịch này, Sư đoàn 3 được lệnh của Quân khu tiến quân vào Vĩnh Thạnh mở một đợt hoạt động tiêu diệt sinh lực địch ở đó; đồng thời sử dụng một số đơn vị phối hợp với địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phá kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch ở phía bắc Bình Định”. Bỗng anh dừng lại kèm theo tiếng thở dài nhỏ, như có cái gì buồn buồn bật dậy trong anh. Thấy vậy tôi không gặng hỏi và cũng im lặng theo anh.

Rồi anh tiếp tục nói giọng trầm buồn: “Nhưng sư đoàn không thực hiện được ý định trên giao, vì bộ phận trinh sát pháo binh bị địch phục kích để mất sơ đồ kế hoạch tiến công. Hướng tiến công bị lộ”.

Nhưng lúc này đâu phải ngồi đây mà buồn phiền, hối hận, ăn năn, mà phải xốc tới, thua keo này bày keo khác. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn họp ra quyết tâm. Để đảm bảo hiệp đồng với các chiến trường toàn quân khu, Bộ tư lệnh Sư đoàn quyết định thay đổi phương án tác chiến: Lệnh trung đoàn 2 gấp rút quay ra bắc Phù Mỹ đánh cắt giao thông, đoạn từ Phù Cũ đi Đèo Nhông. Trung đoàn 12 thọc xuống tây Phù Cát, tiến công khu vực Phù Mỹ, Phù Cát. Ở bắc Hoài Nhơn, tiểu đoàn 9 trung đoàn 22 phải có kế hoạch cụ thể tăng cường hoạt động, làm lạc hướng và giam chân quân Mỹ ở đó.

Ngừng một lát, anh Giáp Văn Cương nhấn mạnh - Rời Vĩnh Thạnh về đồng bằng là quyết định nhạy bén, kịp thời. Bởi nếu sư đoàn cứ bám quyết tâm cũ chẳng những không thực hiện được ý đồ chiến dịch mà rất có thể còn bị thương vong. Mặt khác đột ngột chuyển hướng tiến công xuống đồng bằng sẽ tạo được thế chủ động mới và gây được bất ngờ lớn đối với địch.

Nếu mùa khô một, về phía địch nhiệm vụ “bình định” nông thôn được xếp hàng thứ yếu thì trong mùa khô hai, nhiệm vụ “bình định” được xếp ngang với nhiệm vụ “tìm diệt”. Quân Mỹ đảm nhận “tìm diệt” để cho quân ngụy “bình định”. Mục tiêu chủ yếu mùa khô hai là Đông Nam Bộ, trọng điểm là Chiến khu Dương Minh Châu (còn gọi là vùng căn cứ R - nơi làm việc của các cơ quan Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Còn ở chiến trường Tây Nguyên và Khu 5, chúng sử dụng lực lượng nhỏ để kiềm chế không cho ta đánh lớn. Lực lượng xung kích chủ yếu của địch trên chiến trường Bình Định vẫn là sư đoàn kỵ binh bay số 1 (vì chúng vẫn đóng căn cứ chính ở An Khê). Nhưng lực lượng ngụy quân, đặc biệt là lực lượng vũ trang địa phương (bảo an, dân vệ, thanh niên chiến đấu) tăng lên rõ rệt. Do đó việc chống phá “bình định” ở nông thôn khốc liệt hơn mùa khô trước. Nếu mùa khô 1965-1966, Mỹ ào ạt đánh lướt khiến quân ngụy không trụ nổi ở những vùng quân Mỹ vừa “tảo thanh” để gom dân lập ấp, thì mùa khô thứ hai này quân Mỹ chủ trương đánh phá dai dẳng ở từng khu vực. Chúng dùng máy bay chở lô cốt, rào kẽm gai, máy cưa, máy ủi... thiết bị các trận địa pháo, xây dựng các cứ điểm dừng chân dài ngày làm chỗ dựa cho quân ngụy tiến hành “bình định”.

Tháng 10 năm 1966, Bộ tư lệnh Quân khu quyết định mở chiến dịch Đông - Xuân 1966-1967 nhằm đánh quỵ cả hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của quân Mỹ và quân ngụy trên địa bàn quân khu.

Từ ý định chỉ đạo trên, Bộ tư lệnh Sư đoàn chia thành hai đợt hoạt động: đợt 1, từ trung tuần tháng 12 năm 1966 đến hết tháng 1 năm 1967; đợt 2, kết thúc vào cuối tháng 3 năm 1967.

Nhiệm vụ chủ yếu của sư đoàn là đánh bại các cuộc hành quân bình định của quân Mỹ và quân ngụy song song với việc đánh vào các căn cứ “điểm tựa” của chúng. Chiến trường của Sư đoàn 3 vẫn là bắc Bình Định mà khu vực chính là huyện Hoài Ân, trọng điểm càn quét và đóng chốt của Mỹ.

Bước vào mùa khô thứ hai, Mỹ - ngụy đã thực hiện một chiến dịch xúc tát dân hết sức thâm độc và tàn bạo. Chúng dùng xe ủi san bằng nhà cửa, vườn tược, cả phương tiện sống như nồi niêu, bát đĩa chúng cũng đập phá, dân không còn cơ sở kinh tế và phương tiện sinh hoạt để quay về làng cũ; đồng thời dùng máy bay trực thăng bốc đi từng làng, từng xã đổ xuống các khu dồn quanh các thị xã, thành phố trong vùng chúng kiểm soát. Kết hợp với chiến dịch xúc tát, lập vành đai trắng, là các cuộc hành quân “chài lết”(1) dai dẳng ở các vùng giáp ranh, các khu căn cứ và dùng máy bay B.52 thả bom trải thảm, hóa chất độc tàn phá núi rừng. Chúng đánh vào hai chỗ dựa chủ yếu của lực lượng vũ trang là dân và vùng căn cứ rừng núi, bọn Mỹ hy vọng có thể có lập và tiêu hao lực lượng kháng chiến để giành thế chủ động trong mùa khô 1966-1967.


(1) Từ bộ đội và đồng bào Khu 5 thường dùng để chỉ bọn địch rải quân phục kích, sục sạo dai dẳng từ một tuần đến hàng tháng ở một địa điểm, ngăn chặn sự di chuyển của ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:42:29 am »

Do việc xúc tát dân và tăng cường đánh phá hành lang, cửa khẩu của địch, Sư đoàn 3 gặp khó khăn không nhỏ. Càng ngày việc tiếp tế lương thực, đạn dược càng trở nên hiếm hoi. Trong các trận đánh, hỏa lực sư đoàn, trung đoàn đã phải bắn cân nhắc từng viên một. Đạn súng trường, tiểu liên cũng trong tình trạng tương tự.

Tháng 10 năm 1966. Thường vụ Khu ủy và Quân khu uy ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong liên khu quyết tâm vượt lên khó khăn ác liệt, đánh bại cuộc hành quân mùa khô lần thứ hai của địch.

Trong những ngày sư đoàn chuẩn bị bước vào chiến dịch, biệt kích Mỹ - ngụy, Nam Triều Tiên không ngừng thay nhau lùng sục vào các hẻm núi, đổ quân xuống các điểm cao nhưng vẫn không sao phát hiện được hướng tiến công chính của sư đoàn.

Ngày 17 tháng 12 năm 1966, trận đánh mở màn chiến dịch Đông - Xuân 1966-1967 của sư đoàn đã nổ ra tại hai thôn Lộc Giang và Long Giang (Hoài Ân), đối tượng tác chiến vẫn là sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ. Bảy ngày trước khi bước vào trận đánh này, trung đoàn 12 vẫn đang đứng chân ở Vĩnh Thạnh. Nhận lệnh, trung đoàn lên đường trong khi không còn một hạt gạo nào. Cơ quan trung đoàn bộ phải gom góp từng lon mới đủ nấu cho tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 6 mỗi người một nắm cơm mang theo. Vừa hành quân cấp tốc trở lại phía bắc, các đơn vị vừa lo liệu cái ăn trên dọc đường, chủ yếu là sắn, củ nần (khác với củ mài ở miền Bắc), chuối và các loại rau rừng...

Đến vị trí chiếm lĩnh, bộ đội vừa bám địch vừa ra đồng cắt lúa hoang, bới các ruộng lúa bị giặc đốt cháy, hót từng nắm, từng bát đem về bỏ vào mũ sát giã. Nỗi đau mất dân lúc ấy thực sự ngấm vào tâm trí mọi người. Hai thôn Long Giang, Lộc Giang trước kia đông đúc, trù phú là thế, giờ đây hoang tàn chỉ còn dăm cụ già ở cách nhau hàng trăm mét, trong những túp nhà đơn sơ, hoặc những căn hầm sụt lở.

Vào một buổi chiều, các chiến sĩ trinh sát trung đoàn gặp má Diên sống lặng lẽ trong một túp nhà siêu vẹo. Vừa gặp anh em má Diên òa lên khóc. Má kể, cả nhà có bảy người thì sáu người đã bị bom đạn Mỹ giết chết. Khi địch đem trực thăng đến định xúc má đi khu dồn, má đã kiên quyết ở lại. Hàng ngày má đeo giỏ, lặn lội từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để mò cua bắt ốc, nên má biết quân Mỹ hay dừng lại nghỉ mỗi khi qua Long Giang, Lộc Giang.

Theo phương án cơ bản đã vạch, dựa vào tin tức của trinh sát trung đoàn và ý kiến “cố vấn” của má Diên, trung đoàn quyết định tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 6 sẽ triển khai một trận phục kích tiêu diệt từ một đến hai đại đội Mỹ ở khu vực Long Giang và Lộc Giang.

Mười giờ sáng, hai tiểu đoàn Mỹ không đi vào trận địa phục kích của ta, mà chia thành ba mũi thọc vào sườn và sau lưng đội hình phục kích của trung đoàn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Duy Hồng, chính ủy Lê Hoài Thanh đã kịp thời thay đổi phương án, từ phục kích chuyển thành phản kích.

Mãi 13 giờ ngày 17 tháng 12 năm 1966, trận đánh của trung đoàn 12 mới xảy ra. Đợt đầu địch bị diệt 47 tên. 16 giờ, địch dùng chín trực thăng đổ thêm một đại đội, thêm 21 tên bị diệt. 18 giờ, địch đổ tiếp đại đội nữa, đưa tổng số quân Mỹ lên tới bảy đại đội. Trận đánh diễn ra giằng co, ác liệt, tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 6 đã tiêu diệt gần hết bốn đại đội, đánh thiệt hại nặng nhiều đại đội khác, bắn rơi 12 máy bay lên thẳng.

Trong chiến công ấy, có chiến công của một người mẹ, mà sau này các chiến sĩ trung đoàn 12 thường gọi là “người mẹ trinh sát”, đó là má Diên.

Sau trận Long Giang, Lộc Giang là trận tập kích cụm quân Mỹ ở Xuân Sơn (Hoài Ân) đêm ngày 25 tháng 12 năm 1966.

Vào những ngày cuối năm trời mưa tầm tã. Từ An Lão, các tiểu đoàn 8, 9 trung đoàn 22 trải qua hai ngày đêm vượt rừng lội suối vào tới vị trí tập kết. Đến nơi người nào cũng ướt sũng, mệt vì đói và mất ngủ. Mỗi đại đội chỉ còn 35 đến 40 tay súng.

So với hai tiểu đoàn địch trong căn cứ, có công sự lô cốt dã chiến, tương quan lực lượng chênh lệch không có lợi cho ta. Nhưng biết chắc bọn địch mới từ Tây Nguyên về, không thông thạo địa hình, lại chủ quan, Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn hội ý nhanh chóng xác định quyết tâm tiêu diệt căn cứ này. Mọi việc chuẩn bị được hoàn thành vào đêm ngày 23 nhưng trưa ngày 24 trời đột nhiên đổ mưa lớn, nước lũ tràn về ngập đầy các cánh đồng, bộ đội phải vượt qua để vào chiếm lĩnh trận địa. Sau khi hội ý, Thường vụ Đảng ủy trung đoàn quyết định lùi giờ nổ súng vào đêm ngày 25 rạng ngày 26. Việc hoãn giờ nổ súng cũng căng thẳng quyết liệt như khi phát lệnh nổ súng, bởi bộ đội đã vào tới vị trí tập kết, dừng lại hai ngày liệu có giữ được bí mật trong khi máy bay trực thăng, trinh sát địch thường xuyên quần lượn, xoi mói trên đầu. Rồi bom, pháo không ngớt giội xuống xung quanh căn cứ tạo thành một vành đai chết bảo vệ an toàn cho quân đồn trú. Cuối cùng trung đoàn quyết định chuyển đội hình vào sát căn cứ, cách địch từ 200 đến 500 mét để đón thời cơ nổ súng tiến công và tránh phi pháo địch sát thương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:43:22 am »

Với quyết định vừa táo bạo vừa có sự phân tích các yếu tố khác, ban chỉ huy trung đoàn 22 đã tạo được thế bất ngờ lớn. Địch không thể lường được cách chúng chỉ vài trăm mét đối phương đã ém sẵn trong các khe, bụi cây. Chúng rất yên tâm bởi những loạt bom và pháo không ngớt dập xuống các vị trí mà chúng cho rằng muốn tiến đánh Xuân Sơn đối phương không thể không tập kết, giấu quân ở đó.

12 giờ đêm ngày 25 tháng 12, vào đúng thời điểm địch cho rằng đã qua giờ tiến công của ta thì trung đoàn trưởng Sơn Diệp phát lệnh nổ súng...

Cuộc chiến đấu diễn ra trong năm ngày đêm. Địch điều lữ đoàn 3 sư đoàn 25 Mỹ phối hợp với sư đoàn kỵ binh bay số 1 đi giải tỏa, trận đánh lại diễn ra vô cùng khốc liệt. Đạn pháo, rốc-két từ trực thăng vũ trang phóng xuống và bom đánh nát các khu rừng còn sót lại. Từng tốp trực thăng bốc lên, đổ xuống đen đặc. Trời vẫn mưa tầm tã. Bộ đội, thương binh không còn gì để ăn. Đói lúc gặp được một tổ du kích hoặc một vài bà con địa phương đem cho ít gạo nhưng không thể nào nấu nổi, đành chia mỗi người một nắm nhai sống để giữ sức.

Kể đến đây anh Giáp Văn Cương xúc động như muốn khóc!

Tôi vừa thán phục vừa thương mến đồng đội của mình đã gồng mình lên để chịu đựng, để mà vượt qua, để mà chiến thắng và buột miệng so sánh:

- Gay go hơn cả ở Ia Đrăng!

Anh Giáp Văn Cương định kể tiếp những chi tiết để minh họa cho bản anh hùng ca - trận Xuân Sơn, nhưng vẫn xúc động về sự chịu đựng, sự hy sinh quá lớn của đồng đội, cuối cùng anh đằng hắng lấy hơi như để kết luận. - Trận tập kích Xuân Sơn đã kết thúc giòn giã năm 1966. Nó đã giáng một đòn nặng vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” để càn quét dai dẳng của quân đội Mỹ. Trong tổng kết của Bộ tư lệnh Quân khu 5, trận Xuân Sơn được đánh giá là một trận điển hình về tập kích tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mỹ, là trận đánh có giá trị về chiến thuật cao, mở ra khả năng cho trung đoàn chủ lực thực hiện rộng rãi hình thức tập kích diệt gọn từng tiểu đoàn Mỹ.

Với chiến thắng Xuân Sơn, trung đoàn 22 được Nhà nước tặng thưởng huân chương Quân công hạng nhì.

Tiếng gà gáy dồn từ căn lán các chiến sĩ nuôi quân vọng lại, anh Giáp Văn Cương vẫn còn say sưa truyền lại những điều mà anh chứng kiến, tâm đắc trong những ngày làm chỉ huy trưởng mặt trận bắc Bình Định. Còn tôi vẫn tỉnh táo nghe anh kể, nhưng thời gian không còn nhiều, trời sáng dần. Tôi chủ động:

- Còn nam Bình Định thế nào, xin anh kể tiếp.

- Nam Bình Định? - Anh Giáp Văn Cương hỏi.

- Vâng thưa anh.

- Nhưng thời gian đâu còn nhiều?

- Anh kể những điều thật xúc động, cả thành công và không thành công.

Giây phút suy nghĩ đắn đo qua nhanh, anh lại bắt đầu - Mặt trận nam Bình Định hoạt động cũng sôi động và có hiệu quả. Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với một số đơn vị hỏa lực của sư đoàn pháo kích vào căn cứ tiền phương sư đoàn kỵ binh bay số 1 ở Núi Một, Phù Cát, phá hủy 60 trực thăng, 4 pháo 105mm, 70 xe quân sự, gần 500 lính Mỹ bị diệt. Các tiểu đoàn 50, 51 chủ lực tỉnh đánh quân địch càn quét và chặn viện từ nam Phù Mỹ đến Phù Cát; tiểu đoàn 52 phục kích diệt 140 lính Nam Triều Tiên ở Khánh Phước, Cát Hạnh, và đánh đoàn xe Mỹ chở vũ khí từ bắc Phù Mỹ đi chợ Gồm, đánh thiệt hại nặng một đại đội Mỹ đi hộ tống.

Ngày 22 tháng 8 năm 1966, du kích thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Bình Khê phối hợp với đại đội 2 tiểu đoàn 52 tiến công lữ đoàn không vận 101 Mỹ đến càn quét. Thôn này được giải phóng từ năm 1965, du kích cùng nhân dân xây dựng làng chiến đấu, xây dựng công sự, địa đạo, chuẩn bị đánh địch bảo vệ vùng giải phóng. Địch cậy quân đông, vũ khí hiện đại đánh ồ ạt, ta ít người thực hành đánh du kích quần đảo với địch suốt một ngày, diệt 150 lính Mỹ, bắn rơi tại chỗ bốn máy bay lên thẳng, cuối cùng chúng phải rút ra khỏi làng.

Đồng chí Võ Lai, người chỉ huy tài trí và dũng cảm trong trận Thuận Hạnh đã được Quốc hội tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:44:10 am »

Nhưng trong cái được ấy cũng có nỗi đau nhớ đời. Ngừng một lát, giọng anh trầm xuống xúc động - đó là sự kiện Núi Bà.

Núi Bà, như Nam Khánh đã biết, là một dãy núi lớn, nằm giữa vùng đồng bằng ven biển giữa huyện Phù Cát và Tuy Phước có nhiều hang đá lớn, là căn cứ vững chắc của lực lượng địa phương tỉnh và huyện trong nhiều năm qua. Suốt năm năm, bom, pháo, chất độc hóa học Mỹ không ngừng trút xuống căn cứ hiểm trở này, nhưng vẫn không sao phá hủy được.

Ngày 17 và ngày 18 tháng 9 năm 1966, địch huy động một lực lượng lớn gồm sư đoàn Mãnh Hổ, một bộ phận sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), lữ đoàn kỵ binh bay số 1 và hai trung đoàn của sư đoàn 22 ngụy mở cuộc càn quét vào khu vực Núi Bà. Địch nham hiểm ở chỗ chưa tiến công Núi Bà ngay mà chúng rải quân càn vào các khu vực xung quanh, từ Mỹ Chánh, Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát), Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang (huyện Tuy Phước) một cách khốc liệt, nhằm dồn cả cán bộ, du kích và đồng bào các vùng xung quanh vào khu Núi Bà để tiêu diệt. Khi đồng bào, du kích, cán bộ cơ sở chạy dồn vào chân núi, chúng dùng trực thăng thả dây thép gai xung quanh núi, kết hợp với bao vây bằng bộ binh, cơ giới từ bốn phía.

Lúc này trên căn cứ Núi Bà có một bộ phận lực lượng Sư đoàn 3, tiểu đoàn 50, Đ10, một số phân đội vũ trang của Phù Cát, Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, bệnh xá tỉnh và trạm xá của ba huyện. Ngoài ra còn có cán bộ cơ sở, du kích và đồng bào các xã bị địch càn chạy vào núi. Tất cả hơn một vạn người. Sau khi vây chặt chân núi, địch cho máy bay phát loa kêu gọi chiêu hồi. Thấy lực lượng cách mạng trên núi không nao núng, sáng ngày 22 tháng 9 từng đợt B.52 và máy bay phản lực kéo đến ném bom dữ dội toàn bộ vùng căn cứ Núi Bà. Sau đó máy bay trực thăng đổ quân chiếm các điểm cao kết hợp với bộ binh từ dưới đánh lên. Khẩu hiệu của chúng là “lật đá tìm cộng sản”. Chúng lùng sục từng hang đá, ném lựu đạn, dùng xăng đốt, thả chất độc hóa học. Cán bộ, chiến sĩ ta trên núi đã đánh trả kiên cường, nhưng lâm vào thế bất lợi, nhiều bộ phận đã chiến đấu đến người cuối cùng và anh dũng hy sinh. Nhiều đơn vị phân tán thành nhiều tổ quần lộn đánh nhỏ lẻ và duy trì cuộc chiến đấu nhiều ngày. Một số cán bộ quê các huyện Phù Cát, An Nhơn tập kết ra Bắc tình nguyện trở lại quê hương chiến đấu bắt liên lạc với gia đình, vợ con vừa mới gặp chưa kịp chuyện trò, thăm hỏi quê nhà ai còn ai mất đã bị địch lùa vào Núi Bà giết hại.

Địch không từ một thủ đoạn dã man nào không đem ra áp dụng. Mỹ - ngụy rút đi, quân Nam Triều Tiên ở lại tiếp tục lùng sục, chà xát hàng tháng trời mới rút.

Trong những ngày đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng chói chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đồng chí Xơ, nữ y tá một mình chống chọi lại mấy chục tên lính Nam Triều Tiên. Hết đạn, hết lựu đạn đồng chí luồn lách, thoát ra khỏi vòng vây của chúng. Đội du kích xã Phước Quang, sau khi chiến đấu, hy sinh hết chỉ còn đồng chí Lẹ, một mình tìm cách tự nuôi sống và chiến đấu hàng tháng trời với địch... và còn biết bao tấm gương chiến đấu oanh liệt khác.

Lực lượng cách mạng và nhân dân các huyện phía nam tỉnh Bình Định chịu tổn thất nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh giữ nước 30 năm. Đây là cuộc tàn sát lớn nhất của kẻ thù đối với đồng bào Bình Định. Nỗi đau này không thể nào quên.

Ngày ấy, được tin này hầu hết cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 lặng người đi vì căm thù quân cướp nước, vì thương xót đồng bào, đồng chí và bà con phía nam tỉnh đã đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi, nhờ đó mà sư đoàn tồn tại, trụ vững trên thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao trên địa bàn tỉnh Bình Định, đánh thắng kẻ thủ qua hai mùa khô đọ sức.

Với trách nhiệm của mình, sau tổn thất ở Núi Bà, Tỉnh ủy, Ban cán sự và Ban chỉ huy tỉnh đội đã nghiêm khắc kiểm điểm: Thỏa mãn với những thắng lợi ở phía bắc tỉnh, thiếu cảnh giác, không nắm vững bản chất và âm mưu thủ đoạn tàn ác của địch, từ đó thiếu biện pháp chỉ đạo cụ thể cho nhân dân và lực lượng vũ trang các huyện phía nam tích cực chuẩn bị phương án đối phó với các cuộc càn quét lớn của địch...

Khoảnh khắc bỗng trở nên yên lặng, như cố nén nỗi đau đã tới đỉnh điểm trở thành những dòng lệ rơi, rồi giọng trầm buồn, anh Giáp Văn Cương kể tiếp - Khuyết điểm của Tỉnh ủy và tỉnh đội cũng là khuyết điểm của mình, bởi trong thời gian đó cấp trên giao trách nhiệm chỉ huy trưởng mặt trận Bình Định và anh Trần Quang Khanh, Bí thư Tỉnh ủy làm chính ủy. Mình thực sự có lỗi để xảy ra một tổn thất quá lớn, một tổn thất lẽ ra là không đáng có, vì lúc này lực lượng ta đang phát triển mạnh. Rồi anh kết luận - chủ quan bao giờ cũng phải trả giá.

Đến đây thấy anh Giáp Văn Cương thanh thản trở lại, do cất được gánh nặng mặc cảm nơi tâm tư. Anh nhìn thẳng vào tôi:

- Nam Khánh thấy thế nào, kể như vậy được chưa?

- Dạ được, xin cám ơn anh đã cho tôi được sống lại với những bước đi thăng trầm đầy tự hào của Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:47:08 am »

2

Ra Tết, tôi còn lưu lại cơ quan Quân khu bộ ít ngày để tìm hiểu sâu thêm tình hình, nhiệm vụ chung, gặp anh Đoàn Khuê, Phó chính ủy quân khu nhận nhiệm vụ đợt hoạt động Xuân Hè 1967. Ngày 26 tháng 3, tạm biệt Quân khu bộ, tôi lên đường về Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Con đường không tên mà tôi đang đi dài hàng trăm ki-lô-mét song song với đường xuyên Việt được xem như một nhánh phía đông của con đường Trường Sơn vạn dặm mang tên Bác, trước mắt nó mới nối Quảng Nam - Bình Định, sát bắc đường 19. Dẫu lòng đường còn hẹp, mặt đường còn gồ ghề khó đi, nhưng nó đang ẩn chứa một ý tưởng kéo dài, dài mãi về phía nam, thế hiện tinh thần quyết thắng và biết thắng của quân và dân Khu 5, cho dù đế quốc Mỹ có giở trăm phương nghìn kế xảo quyệt gì gì đi nữa.

Con đường mới định hình mà đã tấp nập người vào, người ra như mạch máu đã lưu thông đều đặn trong cơ thể một con người, đã và đang đi vào cuộc chiến tranh cứu nước.

Ngày thứ ba, khoảng 10 giờ, tôi vừa tới Nà Niu thuộc địa phận huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) thì gặp anh Hoàng Văn Thái(1) từ trong đi ra. Cuộc gặp bất ngờ mà như hẹn trước để lại trong tôi một ấn tượng khó quên về một vị tướng ở cấp vĩ mô, một tinh thần năng động say mê với nhiệm vụ được giao, một đức tính khiêm nhường, đoàn kết, cởi mở dễ gần.

Anh xởi lởi nắm chặt tay tôi lắc mạnh, nhắc tên tôi hồi công tác ở lữ đoàn 305. Rồi anh kéo tôi lên cái chòi canh lúa của đồng bào dân tộc cách đường 200 mét ẩn dưới tán cây tranh thủ làm việc.

Anh hỏi tình hình sức khỏe của tôi, hỏi tình hình vợ con ngoài Bắc, hỏi thời gian làm việc ở cơ quan Quân khu bộ thế nào, còn gì chưa rõ...

- Báo cáo anh, thắc mắc thì không, nhưng băn khoăn, lo lắng về tổ chức thực hiện thì có. - Tôi trả lời.

- Băn khoăn lo lắng là đúng, là thể hiện tinh thần trách nhiệm tìm ra các giải pháp để thực hiện. - Anh biểu dương.

Đúng là trước mắt Sư đoàn 3 đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chỉ là khó khăn tạm thời, khó khăn trong phát triển đi lên. Thắng lợi Đồng khởi ta phải đối phó với “chiến tranh đặc biệt”, thắng “chiến tranh đặc biệt” ta gặp vô vàn khó khăn đặt ra của “chiến tranh cục bộ” - đối tượng tác chiến là đội quân viễn chinh Mỹ - một đội quân chưa biết thất bại là gì. Nhưng chúng đã thua ta trong hai mùa khô đọ sức.

Con đường vượt qua khó khăn của Sư đoàn 3 không có gì khác hơn là phải dựa vào tập thể, phát huy trí tuệ tập thể; nắm chắc và vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp cách mạng “hai chân ba mũi”(2) phù hợp với điều kiện địa bàn đứng chân của sư đoàn.

Anh nhấn mạnh, Sư đoàn 3 là đơn vị chủ lực của quân khu, đứng chân trên một địa bàn cụ thể nên phương thức hoạt động phải kết hợp chặt chẽ các mối quan hệ giữa tiêu diệt sinh lực địch với việc xây dựng cơ sở quần chúng, hỗ trợ quần chúng nổi dậy chống phá bình định; giữa đánh địch trong đội hình sư đoàn đủ, sư đoàn thiếu với bố trí các trung đoàn làm nhiệm vụ độc lập trên một hướng hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích. Chiến tranh nhân dân tại chỗ, không nhất thiết lúc nào cũng phối hợp với chiến trường bằng tập trung đánh lớn. Anh nhấn mạnh, dù khó khăn đến mấy cũng không được để địch đánh bật Sư đoàn 3 ra khỏi chiến trường Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, vì chiến tranh nhân dân giữ vững và phát triển là bao gồm có lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Cuối cùng anh kết luận - Dù khó khăn thế nào cũng giữ cho được đội hình sư đoàn làm nhiệm vụ tạo thế tạo lực trên một địa bàn có ý nghĩa chiến lược của quân khu, sẵn sàng đón thời cơ chiến lược.

Từ Nà Niu còn phải đi tiếp ba ngày mới đến địa điểm trú quân của sư đoàn. Càng đi vào các tỉnh phía trong, mức độ ác liệt của bom đạn tọa độ của máy bay B.52, B.57 càng tăng.

Trưa ngày 30 tháng 3 tôi tới sở chỉ huy sư đoàn ở dốc Lá Lốt, cách sông Re 3 ki-lô-mét về phía đông. Tôi vừa kịp đặt ba lô xuống bãi cỏ thì bom B.52 trải thảm ngay phía trước mặt trùm lên cơ quan Sư đoàn bộ. Khói bụi mù mịt bốc cao, tỏa rộng, trời bỗng sầm lại, đất đá bị cày xới, cây cối đổ ngổn ngang.


(1) Tháng 2 năm 1966, anh Hoàng Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng tham mưu trường được Trung ương cừ vào Khu 5 truyền đạt Nghị quyết Trung ương lần thứ 12. Sau hội nghị khu ủy, anh được Bộ Chính trị quyết định ở lại làm Bí thư quân khu ủy, chính ủy Quân khu, đồng thời làm Bí thư Khu ủy 5 thay anh Võ Chí Công ra Bắc chữa bệnh.
(2) Hai chân là quân sự, chính trị song song; ba mũi là quân sự, chính trị, binh vận.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:49:14 am »

Ngay chiều hôm đó, sau khi khắc phục xong hậu quả, Sở chỉ huy sư đoàn di chuyển gấp về Vực Lim, cách thị trấn Ba Tơ 10 ki-lô-mét về phía đông nam. Ba ngày sau di chuyển gấp về Sa Lung (An Lão - Bình Định). Vừa đến nơi, tranh thủ giữa hai đợt bom B.52 trải thảm, chúng tôi tổ chức lễ thành hôn cho đồng chí Đặng Hòa, Chính ủy sư đoàn kết duyên cùng cô Mai, tình yêu đã qua thời gian dài thử thách. Lễ cưới đời mới, chỉ có nước lá rừng và ít kẹo (đã chảy nước) bày tượng trưng không đủ chia đều cho hơn ba mươi người của họ nhà trai là cán bộ, chiến sĩ cơ quan Sư đoàn bộ. Sau hôn lễ, anh Đặng Hòa chính thức bàn giao công việc chính ủy sư đoàn cho tôi, để cùng cô Mai về Quân khu bộ công tác.

Nhưng ở đây cũng bất ổn, B.52 cứ theo riết, sở chỉ huy sư đoàn lại rời về dốc An Toàn, tây An Lão, giáp với tỉnh Gia Lai. Ở đây là hậu cứ của Tỉnh ủy và cũng là hậu cứ của Sư đoàn 3.

Cũng vẫn là những khó khăn mà các anh trên quân khu đã nói, nhưng qua các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn trao đổi thì những khó khăn đó ở đây có thể nhìn thấy, sờ thấy và cả ngửi thấy. Nó không còn là định tính mà là định lượng, có thế cân, đong đo đếm được.

Mặc dầu bị thất bại sau hai cuộc phản công chiến lược mùa khô, nhưng Mỹ vẫn còn tiềm lực quân sự mạnh, chúng điên cuồng phản kích, triệt để thực hiện chính sách “tam quang”(1) để xúc tát quần chúng, lập ngụy quyền ở khắp các vùng đông dân, biến vùng giáp ranh - bàn đạp của Sư đoàn 3 thành vùng trắng, tự do bắn phá. Ở những vùng địch tạm thời kiểm soát, bình quân cứ ba người dân có một tên lính trực tiếp kìm kẹp. Những làng mạc, thị trấn, thị xã, thành phố bỗng phút chốc trở nên ngột ngạt, chật chội bởi dân các vùng nông thôn và giáp ranh bị dồn đến. Hàng trăm khu dồn được thành lập. Người dân sống chui rúc sau những hàng rào kẽm gai. Đi làm hoặc trở về đều phải qua trạm kiểm soát. Ban đêm mỗi nhà phải đặt một ngọn đèn dầu trước cửa. Nhiều người chưa kịp trả lời đã bị bọn lính rình rập bắn chết ngay tại chỗ.

Ở vùng giáp ranh, nơi trước đây là những làng mạc, vườn tược xanh tốt, hoa trái sum suê giờ đây chỉ còn lơ thơ một vài bờ tre, một vài ngọn dừa khô héo khẳng khiu.

Những cánh rừng già nguyên thủy ngút ngàn ở tây các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão nối liền với dải Trường Sơn hùng vĩ, chỉ sau một trận mưa có hóa chất độc đã rụng lá, trơ lại những thân cây khẳng khiu. Máy bay địch còn dàn hàng ngang phun thuốc trắng xóa như mưa phùn. Mỗi lần các chiến sĩ đi công tác, đi cõng gạo bị “mưa” hóa học giội ướt từ đầu đến chân, mùi tanh, mùi khét xông lên nồng nặc. Tàn bạo hơn địch còn dùng máy bay thả bột hóa học vào khe suối, hang đá. Nhiều khi tình hình gay cấn sư đoàn phải dùng nước cuối nguồn sinh hoạt, ăn uống. Khi đó anh em chỉ có một ý nghĩ duy nhất: ăn để sống, sống để đánh giặc.

Sư đoàn 3 sau hai mùa khô chiến đấu liên tục, quân số mỗi ngày một hao hụt, gạo đạn mỗi ngày một khan hiếm, đến mức sư đoàn phải chỉ thị cho các đơn vị chi được ăn lá, tuyệt đối không được nhổ gốc cây các loại rau rừng tự nhiên để khai thác lâu dài. Đói rách, bệnh tật, bom đạn cứ bám riết lấy người chiến sĩ.

Đúng là giờ đây chúng tôi đang bị dồn đẩy đến chân tường của sự khó khăn.

Sau khi trao đổi với Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn, tháng 7 tôi xuống nắm tình hình các trung đoàn. Đến trung đoàn 22, đứng chân ở bắc Hoài Nhơn đang tìm cách áp sát Đồi 10 và căn cứ Đệ Đức của địch; đến trung đoàn 2 ở khu vực Ân Tường, Hoài Ân. Dân quanh khu vực trung đoàn 2 làm nhiệm vụ đều bị địch xúc tát vào các khu dồn, nhà cửa vườn tược xơ xác, hoang tàn, trơ lại những cây dừa cô quạnh, thân mình đầy vết xước bom đạn Mỹ. Trải, chiến sĩ cần vụ đi cùng tôi quê Bắc Giang lần đầu gặp cây dừa và quả dừa, liên tưởng đến câu đố thời niên thiếu đi học - “sông không đến, bến không vào, sao có nước”, bèn bổ quả dừa để chứng minh lời giải. Đúng là có nước mà nước trong tinh khiết, uống mát và ngọt, nếm thử cùi dừa thấy giòn, béo như mỡ, có mùi vị thơm thơm. Trải ăn liền một lúc bốn năm quả, lúc sau đầy bụng ấm ách khó chịu lại ngẩm ngẩm đau, người thấy rạo rực. Nhưng ở cái vùng đất chết này tìm đâu ra cách chữa, Trải đành ôm bụng ngồi chờ cho cỗ máy tiêu hóa làm việc.


(1) Đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Tử ngày Mỹ kéo vào Bình Định đến hết năm 1966 Mỹ và tay sai đã đốt cháy gần bốn vạn nóc nhà, cướp đốt hàng vạn tấn gạo, hàng vạn héc-ta lúa và hoa màu, lùa bắt 150.000 dân. Sau những lần càn quét lớn của quân Nam Triều Tiên, ở vùng căn cứ và vùng giải phóng bắc tỉnh Phú Yên chỉ còn một vạn dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:51:03 am »

Sau khi đi thăm vị trí đóng quân của các đơn vị, tôi trao đổi với các đồng chí trong chỉ huy trung đoàn 2:

- Đứng ở đây cũng được nhưng hơi xa, không thực hiện được bám địch để đánh địch, tạo thế cho quần chúng bám đất đấu tranh. Phải lùi xuống An Bảo, xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ).

Các đồng chí chỉ huy trung đoàn 2 chấp nhận ý kiến gợi ý của tôi và ngay sau đó tổ chức thực hiện.

Tôi cùng đi với trung đoàn 2, rời Hoài Án là tới khu vực xã Mỹ Lộc huyện Phù Mỹ, phải qua đèo Ông Bồ. Trên đường đi tôi và đồng chí chính ủy trung đoàn 2 Nguyễn Văn Hà, quê ở Hoài Nhơn, năm đó 35 tuổi, có người yêu là một nữ y tá của trung đoàn 2, lên đồi quan sát vùng giáp ranh Mỹ Lộc. Địch phát hiện nã pháo, đồng chí chính ủy trung đoàn hy sinh. Trong đợt bắn pháo này, Trải, chiến sĩ cần vụ của tôi cũng hy sinh. Cả chính ủy trung đoàn và Trải đều được chôn cất chu đáo, đúng thủ tục, có đánh dấu mộ chí cẩn thận. Nhưng ở vùng trọng điểm này chiến sự liên tục xảy ra ác liệt suốt từ 1967 đến 1975, đất đá lớp lớp bị bom đạn Mỹ cày xới, sau này mộ chí không còn. Thế là hai đồng chí trở thành liệt sĩ vô danh nằm yên nghỉ trong nghĩa trang của huyện Hoài Ân đặt cạnh Gò Loi - một địa điểm xảy ra trận đánh lịch sử mở đầu cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giành thắng lợi giòn giã giải phóng bắc Bình Định, cắt đứt đường 1 đoạn tiếp giáp giữa quân khu 1 và quân khu 2 của địch.

Trước tình hình địch tập trung lực lượng điên cuồng phản kích, để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài ta phải tạm thời lùi về phía sau là cần thiết, là lấy nhu chế cương, tiếp tục chuẩn bị tạo lực, tạo thế mới, đón thời cơ. Nay thời cơ mới đã và đang manh nha cần phải cướp lấy. Chính sách dùng sức mạnh, dùng bộ máy kìm kẹp hà khắc của Mỹ trong chương trình tranh thủ “trái tim khối óc” dân chúng ngày càng làm cho dân chúng Việt Nam dần dần nhận diện đầy đủ hơn, góc cạnh hơn, Mỹ là kẻ thù của họ. Mỹ càng rải quân kiểm soát, bình định càng tạo nhiều sơ hở... Thời cơ đưa lực lượng về gần dân, thực hiện bám địch đã hé mở. Phải hạ sơn đưa lực lượng về áp sát vùng giáp ranh, xuống vùng đồng bằng, chủ động lập lại thế trận “bám địch” để đánh địch.

Đầu tháng 9 năm 1967, Đảng ủy sư đoàn họp mở rộng, có mời các anh Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định sang trao đổi. Tôi được Thường vụ Đảng ủy sư đoàn phân công trình bày những suy nghĩ của mình sau chuyến đi nghiên cứu tình hình thực tế các trung đoàn và báo cáo dự kiến kế hoạch hoạt động quân sự Hè Thu, được các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định nhất trí. Anh Nguyễn Trung Tín, Bí thư Tỉnh ủy còn hứa - tỉnh ủy sẽ cử lực lượng phối hợp thực hiện.

Để có thêm cơ sở thực tế, Bộ tư lệnh sư đoàn quyết định tổ chức một đoàn cán bộ đi nắm tình hình và khảo sát thực địa vùng đông Phù Mỹ để đưa lực lượng xuống làm nhiệm vụ phối hợp với vùng tây Phù Mỹ khi kế hoạch chung bắt đầu triển khai thực hiện. Đoàn gồm có tôi, Chính ủy, Phó sư đoàn trưởng Huỳnh Hữu Anh, bộ phận nhẹ sư đoàn bộ (các trưởng ban tác chiến, trinh sát, thông tin). Cùng đi còn có một đại đội bảo vệ sở chỉ huy nhẹ sư đoàn, một bộ phận tiểu đoàn thuộc trung đoàn 2 gồm 70 người.

Đoàn lên đường vào đúng ngày 15 tháng 8 âm lịch, trăng thu vằng vặc sáng, trời trong xanh không một gợn mây, thuận lợi cho quan sát và nhận biết đường, hướng hành quân.

Vậy mà đến hai giờ sáng ngày 16 tháng 8 từ Mỹ Lộc đoàn mới vượt qua được đường 1 thì trời sắp sáng phải dừng lại, trú tạm tại hang núi đá xã Mỹ Phong. Đêm thứ hai, có xã đội trưởng Mỹ Thọ dẫn đường, từ hang xã Mỹ Phong xuống hang Điện Biên (tên do đoàn tự đặt). Đêm thứ ba, cũng phải chờ quá 12 giờ khuya, trinh sát phái đi trước nắm tình hình, nghe ngóng không thấy động tĩnh, đoàn chia thành hai mũi: mũi thứ nhất bộ phận tiểu đoàn của trung đoàn 2 chếch hướng đông nam xuống thôn Dương Liễu, xã Mỹ Thành; tôi, anh Huỳnh Hữu Anh, bộ phận sở chỉ huy nhẹ sư đoàn, một đại đội bảo vệ chọc thẳng xuống Tân Phụng, xã Mỹ Thọ - một thôn nằm sát mép biển, thế không hiểm, đất không rộng, người không đông đang là căn cứ “lõm” của vùng làm chủ đông Phù Mỹ.

Mặc dầu ba mặt đều có đồn bốt địch nhưng chúng tôi vẫn ăn, ở làm việc một cách đàng hoàng ngay trong lòng dân Tân Phụng, vì nơi đây không một ai làm việc cho địch(1), tất cả một lòng theo kháng chiến, nhà nào cũng có hầm hào trước hết là để phòng tránh phi pháo địch bắn bừa bãi hàng ngày, sau nữa là để phục vụ du kích, bộ đội triển khai chiến đấu chống địch hành quân càn quét, bình định.


(1) Ở Khu 5, nhiều nơi Mỹ - ngụy không tìm ra tay sai để thành lập bộ máy cai trị ở thôn xã. Lính Mỹ phải đứng ra làm ấp trường hoặc đại diện xã, như ở các ấp Lệ Mỹ (Quảng Đà, nay là Quảng Nam), Tân Hy (Quảng Ngãi), Ba-rơ-manh (Gia Lai). Tờ Thời báo Nữu Ước số ra ngày 24 tháng 5 năm 1967, chua xót thú nhận: “Theo ý kiến của nhiều quan chức quân sự và dân sự thạo tin thì chương trình “bình định” tại các tỉnh có tầm quan trọng chiến lược ở phía bắc Nam Việt Nam đã dừng lại và thụt lùi, các quan chức cấp thấp, gần với thực tế hơn thì thậm chí bi quan, thất vọng”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2022, 07:53:13 am »

Ba ngày làm việc liên tục với xã đội trưởng các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Đức, Mỹ Chánh vừa nắm tình hình địch, tình hình ta; vừa đối chiếu địa hình in trên bản đồ quân sự tỷ lệ 1/100.000 với địa hình trên thực địa để hỏi những thông tin cần thiết như: đồi núi nào có khe suối còn có nước, có bao nhiêu hang đá rộng hẹp thế nào, có sức chứa được bao nhiêu người, v.v... Cũng có lúc thư giãn, chiều đến chúng tôi thả bộ như khách du lịch ngắm cảnh, mới thấy Tân Phụng đẹp như một bức tranh, có biển cả, có đồi núi, có đồng ruộng xen kẽ. Quý nhất đối với chúng tôi lúc ấy là Hòn Rồng, nơi có hang đá đủ sức chứa cả tiểu đoàn.

Tuy được xã phân về các gia đình là cơ sở nòng cốt, có hầm bí mật chắc chắn, nhưng ba ngày đầu chúng tôi làm việc trong nhà có bàn ghế thoải mái; có cả nước chè pha sẵn... nên không phải sử dụng đến nó. Sang ngày thứ tư, vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng tôi sang thăm nhà anh Bình, đang hỏi tình hình, và nghe Bình kể về nghề biển của gia đình gặp khó khăn vì hải thuyền của ngụy quân quậy phá dữ lắm, thì có tiếng phành phạch máy bay trực thăng từ hướng tây nam lao tới, đổ một đại đội Mỹ, chia thành hai mũi đánh vào thôn Tân Phụng, một mũi đã đến lối rẽ vào nhà Bình. Rất bình tĩnh, Bình đóng cửa trước coi như chủ nhà đi làm vắng, rồi anh nắm tay tôi theo cửa sau vọt ra vườn xuống hầm bí mật dự bị. Thế là ổn nhưng lo cho đồng bào không tản kịp. Ngồi dưới nghe rất rõ tiếng chân lính Mỹ chạy đi chạy lại trên mặt đất, vừa chạy chúng vừa la “Vi-xi! Vi-xi” (VCL. VC!)(1).

Địch rút, vừa lên khỏi mặt hầm tôi sửng sốt:

- Cháy, cháy, Bình ơi nhà cháy rồi!

Tôi vỗ vai, chưa kịp động viên an ủi thì Bình thản nhiên.

- Không sao đâu, của đi thay người mà chú!

Tôi xúc động, ôm chặt lấy Bình - Chú cám ơn cháu, ch... ú, c... ám ơn ch... áu!

Có một việc làm mãi lúc sửa soạn tạm biệt Tân Phụng chúng tôi mới được biết. Số là nhìn thấy anh em từ miệt rừng trở về người nào cũng mắc chứng sốt rét da xanh như tàu lá, thân thể gầy còm chỉ còn da bọc xương, bà con thấy thương xót và bàn nhau “phải kiếm cái gì cho tụi nó ăn mau lại sức”. Bàn tới bàn lui bà con bảo nhau làm bánh xèo(2).

Đúng là bữa cơm nào chúng tôi cũng thấy có một đĩa bánh xèo to và đầy đặn nơi gia đình mình ở mang ra chiêu đãi. Anh em quê ngoài Bắc lần đầu được thưởng thức tấm tắc khen ngon và hỏi cách làm để sau này trở lại quê hương cũng làm và phổ biến cho nhiều người cùng làm một thứ bánh đơn giản dễ làm mà ngon, bổ. Còn tôi, cái ngon được tái hiện càng ngấm sâu. Đã 13 năm mới được thưởng thức, cũng là bánh xèo nhưng bánh xèo đặc sản quê hương bọc nhân cá nục chấm với mắm “cái”.

Ôi! Việc làm thầm lặng mà cháy bỏng tình nghĩa quân dân. Sau này mỗi khi thưởng thức bánh xèo, tôi lại nhớ về bà con cô bác nơi làng quê Tân Phụng thân thương.

Sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che của bà con cô bác nơi đồng quê Tân Phụng đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của chuyến đi; từ cái điểm tựa trong lòng dân này mà chúng tôi hiểu được, nắm được, tận mắt thấy được các điều kiện để hạ quyết tâm đưa lực lượng về lại đồng bằng, không chỉ đứng chân trên các “địa lợi” mà còn đứng chân trong điều kiện “nhân hòa” của vùng đông Phù Mỹ để mở đợt hoạt động Đông Xuân 1967-1968 mà cả sau những năm 1968-1969...

Ngày 25 tháng 8, đoàn khảo sát thực tiễn đông Phù Mỹ về tới sở chỉ huy sư đoàn. Ngay tối hôm đó Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn tranh thủ làm việc, nghe đoàn báo cáo kết quả chuyến đi và dự kiến kế hoạch hạ sơn, đưa đội hình sư đoàn trở lại địa bàn bám địch để đánh địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy chống phá chương trình “bình định” của địch. Cũng tại buổi làm việc tối nay chúng tôi quyết định triệu tập hội nghị liên tịch giữa Đảng ủy sư đoàn và Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định để có một kế hoạch thống nhất trong đợt hoạt động Đông Xuân tới.

Cái khó đặt ra trong lúc này là lấy gì ăn để hội nghị họp trong hai ngày?

Đành rằng các anh bên tỉnh ủy cũng chung hoàn cảnh như sư đoàn. Tối sắn cộng môn thục, sáng môn thục cộng sắn thay cơm. Mà đâu có dư dật gì, vẫn phải dè xẻn, ăn bữa sáng lo bữa tối, ăn bữa tối lo bữa mai, bữa mốt, v.v... và, v.v... Cái chu kỳ luẩn quẩn ấy cứ bám riết chúng tôi, cố gỡ mà không sao gỡ nổi.


(1) Việt cộng... Việt cộng.
(2) Bánh làm bằng bột gạo tẻ xay ướt, tráng mỏng trên chảo rồi gập đôi lại, trong đó có nhân tôm, thịt và giá sống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM