Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:06:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7167 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:47:47 am »

Phát hiện được thủ đoạn nham hiểm của địch, các chiến sĩ ta được lệnh nằm im chờ cho toán địch đi đầu vượt qua mới nổ súng. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn, lúng túng đối phó vì địa hình hẹp, quanh co, nhiều tên chết và bị thương, một số rơi xuống hố sâu, xuống biển.

Sau khi chấn chỉnh đội hình, lại được nhiều tốp máy bay thay nhau yểm trợ tối đa, quân Pháp tiếp tục tiến công Đèo Cả. Tiểu đoàn 6 (trung đoàn 8) do tiểu đoàn trưởng An Huy Vỹ chỉ huy và tự vệ Tuy Hòa vẫn ngoan cường bám trụ chiến đấu, đẩy lùi các đợt tiến công, giữ vững trận địa. Một số đơn vị đánh giáp lá cà, giành giật với địch từng gộp đá, từng đoạn đèo. Cả ngày và đêm ngày 14 bộ đội ta chiếm giữ nhiều điểm cao quan trọng trên Đèo Cả...

Mờ sáng ngày 15, được Bộ chỉ huy quân sự Khu 6 tăng viện thêm hai đại đội, trung đoàn 80 dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Hải tổ chức phản công quyết liệt. Qua ba ngày chiến đấu, ta diệt hơn 400 địch. Mặt trận Đèo Cả vẫn được giữ vững. Sáng ngày 16 tháng 1, quân Pháp đổ bộ một trung đoàn lên Vũng Rô và bãi Xép, chia làm hai cánh đánh lên trận địa ta, kết hợp với cánh theo đường 1 và đường mòn “Gia Long”... Trước sức ép của địch từ nhiều phía, tiểu đoàn 6 và tự vệ Tuy Hòa được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng.

Mặc dù đã chọc thủng mặt trận Đèo Cả của ta, phải mất hơn hai ngày sau (trưa ngày 18 tháng 1) quân Pháp mới đến nam cầu Đà Rằng. Nhưng cầu đã bị ta phá, nhìn sang bắc cầu. phòng tuyến ngăn chặn của đối phương với những hầm hào dày đặc, địch vội vã lui về cụm lại tại thị trấn Phú Lâm.

Từ nhận định phải lui về trú quân dã ngoại là điều kiện thuận lợi cho ta lập công, Bộ chỉ huy quân sự Khu 6 quyết định dùng một tiểu đoàn chủ lực của khu, tiểu đoàn Ba Dương(1) và lực lượng còn lại của trung đoàn 80 tổ chức tập kích cụm quân địch ở Phú Lâm. Mọi công việc chuẩn bị chiến đấu được khẩn trương triển khai. Đúng 14 giờ ngày 19 tháng 1 trận tiến công bắt đầu. Bị tiến công từ nhiều phía, địch hoảng loạn vội vã tháo chạy khỏi thị trấn, bỏ lại hơn chục xác chết và một số vũ khí, quân trang, quân dụng.

Thừa thắng các đơn vị tiếp tục truy kích đuổi địch đến cầu Bàn Thạch. Đến ngày 25 tháng 1 (ngày 4 Tết Đinh Hợi), tiểu đoàn Ba Dương cùng tiểu đoàn 6 (trung đoàn 80) phối hợp sử dụng cối 81 mi-li-mét pháo kích vào đội hình địch đóng quân dã ngoại tại Bàn Nham, tiêu diệt gọn một đại đội, trong đó có tên quan tư...

Giấc mộng cuối cùng đánh chiếm đồng bằng phía nam tỉnh Phú Yên của địch đã bị đập tan, buộc chúng phải co về bắc chân Đèo Cả, khu vực Hảo Sơn - Núi Hiềm thuộc xã Hòa Xuân.

Thắng lợi của cuộc phản công mưu trí và dũng cảm của ta là to lớn, tạo sự hình thành vùng tự do Phú Yên(2) liên hoàn với các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, nam Quảng Nam trở thành một vùng tự do mang cái tên đã đi vào lịch sử, vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chín năm, trở thành hậu phương - nhân tố thường xuyên - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Trung Bộ nói riêng, của cuộc kháng chiến cả nước nói chung.

Thắng lợi này là kết quả của quá trình chiến đấu đầy hi sinh gian khổ của quân và dân Nam Trung Bộ, được cả nước tiếp sức. Một trong sự tiếp sức đầy sôi động, đầy ấn tượng ấy là hình ảnh đội quân Nam tiến, con em của hầu hết các tỉnh phía Bắc có mặt ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp mở cuộc hành binh đầy tham vọng - chỉ vài ba tháng sẽ đánh chiếm đến vĩ tuyến 16(3).

Nhưng trước hết và trên hết, có được thắng lợi mang tầm chiến lược này là Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Trung Bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến tranh có tầm nhìn xa của Trung ương Đảng, của Bác Hồ vĩ đại(4): là sự vận dụng đúng đắn quyết đoán và sáng tạo của Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ bằng một chủ trương với ba nội dung ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với điều kiện thực tế lúc bấy giờ: tích cực chặn địch, tiêu hao ngăn chặn địch từng bước; bảo tồn lực lượng ta; cố giữ cho được một vùng tự do để làm căn cứ kháng chiến lâu dài.

Vùng tự do Phú Yên rộng lớn đồng thời là địa bàn chiến lược quan trọng, là tiền đồn phía nam của vùng tự do Liên khu 5, là kho nhân tài vật lực, làm hết mình trong trọng trách là hậu phương trực tiếp của chiến trường Khánh Hòa, Đắc Lắc trong đánh Pháp trong những năm đầu và những năm tiếp theo cho đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm(5).


(1) Tiểu đoàn của Nam Bộ, đang đứng chân ở Phú Yên để củng cố, Khu được phép sử dụng khi cần thiết.
(2) Trừ hai xã bị địch tạm chiếm: Hòa Xuân (huyện Tuy Hòa), Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Năm 1950, ta tiến công giải phóng xã Xuân Hòa, bắc Đèo Cả sạch bóng quân thù. Năm 1952, ta bức địch phải rút khỏi xã Krông Pa, từ đây 100% số dân và đất đai Phú Yên đều là vùng tự do.
(3) Ngày 19 tháng 10 năm 1945, một đơn vị quân Pháp đổ bộ phối hợp với quân Nhật đánh chiếm thành phố Nha Trang, chuẩn bị bàn đạp cho cuộc tiến công lớn của chúng đánh ra Nam Trung Bộ đến vĩ tuyến 16.
(4) Cuối tháng 9 năm 1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Trung Bộ họp bàn kế hoạch thực hiện Chỉ thị kháng chiến của Trung ương Đảng, Lời kêu gọi Nam Bộ và Nam Trung Bộ kháng chiến của Bác Hồ... đã quyết định thành lập Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ để chỉ huy chiến đấu tại mặt trận phía nam gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng. Các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trương Quang Giao được cử làm trưởng ban, phó ban và chính trị ủy viên.
(5) Năm 1947, Phú Yên đã đóng góp 230 tấn lúa, 750 tấn gạo, 180 tấn muối ủng hộ quỹ nuôi quân. Riêng lương thực, nhân dân Phú Yên quyên góp ủng hộ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi gặp khó khăn 304 tấn gạo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong sáu năm (1948-1954) nhân dân Phú Yên đã quyên góp ủng hộ bộ đội 48.200.000 đồng, 117 lạng vàng, 151 lạng bạc, 6.690 bộ quần áo, 200 mùng màn, 131 tấn bông, 2.891 con trâu bò, 60 con ngựa; đã huy động 72.000 dân công (1.879.624 ngày công), 2.116 ngựa, 55 ghe thuyền, 71 xe bò để vận chuyển tiếp tế lương thực: 4.685 tấn gạo; 24.835 tấn thóc, 1.700 tấn cá khô, muối, vũ khí, thuốc men, đào, đắp, xây dựng trận địa chiến đấu. Riêng tháng 4 năm 1954, Phú Yên đã huy động được 5.752 dân công, 75 ngựa và nhiều lương thực thực phẩm phục vụ mặt trận Nam Tây Nguyên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:49:05 am »

Cuối năm 1947, tôi được lệnh cấp trên điều sang đơn vị khác. Tin đến thật đột ngột trong lúc tôi đang quen người, quen việc, quen phong thổ, cả bệnh sốt rét rừng đã phải kiêng nể. Tất cả đang đi vào hòa nhập, gắn bó, nay phải xa! Thời gian sống và chiến đấu trên mảnh đất này thật ngắn, trên dưới một năm, nhưng những gì để lại trong tôi vào cái thuở ban đầu ấy sao mà sâu đậm, không thể phai mờ trong tâm khảm.

Nhớ buổi ban đầu đặt chân lên mảnh đất Củng Sơn bốn bề chỉ thấy rừng núi âm u hiểm trở, dân cư thưa thớt, buôn làng yên ắng, có cái gì tẻ nhạt, quạnh hiu. Nhưng đó chỉ là cảm nghĩ thoáng qua. Thấy bộ đội lên là đồng bào xáp vô, thăm hỏi, mộc mạc mà đằm thắm. Khi biết chúng tôi lên đây chặn thằng Tây không cho chúng từ Ma Đrắc sang, từ Cheo Reo xuống là bà con nói: Tụi bay làm vậy là vui cái bụng tao rồi. Nó ác lắm. Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ bộ đội không tiếc một thứ gì. Họ ăn bắp, ăn sắn, ăn củ rừng nhường gạo cho bộ đội. Thiếu cuốc có cuốc, thiếu dao có dao để bộ đội phát cây đào hầm hào, đắp ụ, đào hào xây dựng trận địa chặn Tây. Ngoài dân tộc Ê-đê, Giá Rai, nơi đây còn có dân tộc Xà Huống (gốc Chăm) lên định cư từ mấy thế kỷ. Phong tục tập quán khác nhau nhưng đều chung một căm ghét thằng Tây độc ác, khinh rẻ dân tộc, đã giúp họ gần nhau, nhanh chóng hòa nhập với bộ đội đuổi thằng giặc ác.

Chúng tôi ấm lòng khi có bà con các dân tộc đứng bên. Họ tham gia xây dựng trận địa, đưa dẫn bộ đội cắt rừng chưa có dấu chân người để chúng tôi phục kích, tập kích khiến quân địch bị bất ngờ, hoang mang rối loạn. Từ đông về quân số, mạnh về vũ khí mà hóa yếu sa vào cái thế trận bất lợi. Chính họ bằng những việc làm cụ thể, không ồn ào đã giúp chúng tôi thêm nhiều tai, nhiều mắt hiểu rõ địch hơn, rõ và đầy đủ. Chi một tiểu đoàn quân số không đông, vũ khí quá ít đã ba lần đọ sức với địch từ phía nam ra, từ phía tây xuống mà chúng không phá vỡ nổi mặt trận Củng Sơn, không thể thực hiện được âm mưu đánh chiếm thị xã Tuy Hòa từ phía tây. Ta không phải qua sông Đà Rằng, góp phần vào nhiệm vụ giữ vững vùng tự do Phú Yên ngay từ cái thuở ban đầu ấy.

Sốt rét cũng là một kỷ niệm khó quên trong những ngày chúng tôi lên trấn giữ tại mặt trận Củng Sơn. Lúc đầu lác đác một vài người, sau tăng dần, ảnh hưởng đến quân số chiến đấu, có đại đội tỷ lệ sốt rét chiếm đến 35 - 40%. Tôi thuộc diện ngã bệnh sớm và vào loại nặng. Nhìn hình hài tôi thay đổi quá nhanh, da xanh tái, môi thâm, mặt mũi hốc hác kèm theo cả chứng rụng tóc, người chỉ còn da bọc xương, bà con thương cảm khuyên: Bệnh mày nặng quá rồi, phải nuốt mật heo thôi, buôn làng tao nhiều lắm, nhà nào cũng phơi khô để dành phòng khi ngã bệnh đấy.

Lúc đầu còn phân vân, nhưng thấy chẳng còn cách nào khác, vì sốt vẫn chưa cắt cơn mà thuốc dự trữ của đơn vị đã hết từ lâu, nên tôi chấp nhận cách chữa bệnh của bà con dân tộc.

Đắng! Thuốc đắng giã tật, nghĩ như vậy tôi kiên trì nuốt chứ không phải uống để cái đắng không đụng vào lưỡi gây cảm giác ói mửa. Cứ thế ngày qua ngày, tính ra tôi đã đưa vào cơ thể mình ngót nghét một trăm túi mật, thấy đỡ, cuối cùng cắt cơn và khỏi, chỉ còn bệnh lỵ thì dai dẳng cho đến ngày nay vẫn còn hội chứng.

Ở Củng Sơn, Bà Lá săn bắn được xem như một nghề phụ vì nơi đây ra ngõ gặp thú rừng, nên nhà nào cũng có súng săn, và xạ thủ giỏi cũng không hiếm. Nhiều ít tuy khác nhau nhưng gần như nhà nào cũng có da nai và gân nai khô treo lủng lẳng trên gác bếp, coi như một thứ thực phẩm dự trữ, khi mùa mưa, mùa phát rẫy đến không đi săn được. Cũng là thức ăn để đãi khách đến chơi đột xuất, không có chợ phiên. Chế biến đơn giản, không cầu kỳ, nếu khách lần đầu thưởng thức thì đúng như người xưa nói, miếng ngon nhớ lâu. Gân nai nướng qua lửa phồng lên như bóng bì lợn, ngâm nước rửa sạch, phơi ráo nước, cắt khúc cho vào chảo rán bằng dầu hoặc mỡ làm phồng lên, bắc ra cho mắm muối vừa, ăn kèm với dưa leo (dưa chuột). Da nai khô nướng qua lửa hết lông, rửa sạch cắt miếng cho chảo rán phồng lên, làm nộm với hoa chuối, ăn kèm dưa leo.

Một kỷ niệm sâu sắc xuyên suốt trong cuộc đời là tôi cùng một số đồng đội, trong đó có Hoàng Thuyên, bạn chí thân đã trở thành đảng viên cộng sản Việt Nam ngay trên mảnh đất Củng Sơn khói lửa. Chính nơi đây là môi trường rèn luyện thử thách sống động nhất, rõ ràng và cụ thể nhất để chi bộ xem xét quyết định tổ chức kết nạp tôi vào Đảng. Những gì diễn ra trong buổi lễ kết nạp đơn giản mà trang nghiêm, ngắn gọn mà thấm sâu, tạo thành chất “xúc tác” ban đầu mạnh mẽ và bền vững thúc đẩy hóa thân trong tôi, nhắc nhở, động viên thôi thúc tôi vượt qua những lúc gay cấn nhất.

Tháng 6 năm 1947, tôi tạm biệt mảnh đất Củng Sơn một thời sâu nặng về công tác tại Phân khu 15, sau đó được giao nhiệm vụ trưởng ban chính trị trung đoàn 120, rồi xuống làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 80 vào hoạt động ở vùng bắc Khánh Hòa. Là trợ lý chính trị kiêm bí thư tiểu đoàn ủy vì đồng chí chính trị viên tiểu đoàn bị khai trừ Đảng nhưng vẫn là chính trị viên đã gây khó khăn cho tôi khi thực hiện nhiệm vụ. Sau ba tháng về làm trưởng ban chính trị Phân khu 15, trên lại điều xuống làm nhân viên thống kê của ban cán bộ thuộc phòng chính trị Liên khu 5. Con đường đi của tôi thật gập ghềnh khúc khuỷu. Từ trưởng ban chính trị trung đoàn, xuống làm trợ lý chính trị tiểu đoàn kiêm bí thư tiểu đoàn ủy, rồi xuống làm nhân viên thống kê của ban cán bộ.

Tôi có suy nghĩ nhưng chỉ thoáng qua, bởi tuổi trẻ thời đó nghĩ về Tổ quốc thấy thiêng liêng và tối thượng lắm, nghĩ gì làm gì thấy có ảnh hưởng đến trách nhiệm đối với Tổ quốc, với dân tộc thấy như mình đã xúc phạm đến nhân cách của chính mình. Hoàn toàn không lên gân, không giả tạo mà thực lòng tôi lúc ấy lại nghĩ về cái hình ảnh buổi lễ kết nạp Đảng tại mặt trận Củng Sơn, nhớ cả hôm ấy là ngày 1 tháng 5 năm 1946, nhớ cả sáu lời tuyên thệ của tôi trước Đảng kỳ làm thành sức mạnh trong tôi nhắc nhở - mình đã là đảng viên rồi cần phải có ý nghĩ và việc làm vươn lên, không những nó đã giúp tôi vượt qua hàng loạt thử thách ban đầu như đã kể cùng bạn đọc mà cả các thời gian tiếp nối cũng vậy. Có lẽ chính vì thế mà suốt mấy chục năm công tác cho đến lúc nghỉ hưu vẫn sống trong thanh thản và yêu đời, yêu cuộc sống chung.

Tạm biệt Phú Yên mà vẫn lưu luyến với Phú Yên, bởi nơi đây tôi đã sống một thời Nam tiến đầy sôi động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:51:20 am »

Chương IV
NGƯỢC ĐÈO AN KHÊ


Hạ tuần tháng 10 năm 1952, sau khi tham gia đợt hoạt động quân sự Hè - Thu ở vùng Kon Plông (đông Kon Tum) trung đoàn 108 chúng tôi được lệnh phân tán làm nhiệm vụ của một đội quân công tác - vận động quần chúng, xây dựng cơ sở ở vùng núi Sơn Hà (Quảng Ngãi). Công việc thật mới, lúc đầu bỡ ngỡ không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Trước lạ nhưng sau quen dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại thấy hứng thú, mọi việc đều suôn sẻ, tình cảm quân dân đậm đà, gắn bó, thì có điện của Bộ tư lệnh triệu tập cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên về họp nghe phổ biến nhiệm vụ mới.

Khi nhận điện, tôi có linh cảm sắp tới có đánh lớn. Tôi trao đổi ý nghĩ này với các anh trong ban chỉ huy tiểu đoàn 19 mà tôi là chính trị viên. Các anh đều có chung dự đoán như tôi. Thế là một cuộc “loạn đàm” diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng không kém phần hào hứng. Ý kiến nêu ra sôi nổi và nhiều lý lẽ: hướng nào, ra Quảng Nam, vào Khánh Hòa hay lên Tây Nguyên?, v.v...

Những ý kiến chẳng đâu vào đâu ấy lại gây sự tò mò khiến chúng tôi càng hăm hở lên đường. Ngoài yêu cầu nắm chắc nhiệm vụ về tổ chức thực hiện, còn có cả mong muốn phụ - nhanh chóng tới sở chỉ huy Liên khu để được giải đáp, ai đúng, ai sai, ai có năng khiếu “tham mưu con” cầm đèn đi trước ô tô...

Cũng không phải chuẩn bị gì nhiều, ngoài bàn giao công việc cho các đồng chí ở nhà tiếp tục chỉ huy đơn vị hoàn thành các việc đang làm dở, là chúng tôi lên đường ngay, vì trong điện triệu tập có ghi: cần về gấp!

Dọc đường gặp mưa, một trận mưa đầu mùa xối xả, thật to kèm theo sấm chớp và gió giật. Đường lầy lội khó đi, mọi người ướt sũng nhưng vẫn lầm lũi đi tới.

Chúng tôi tới Đức Phong (Quảng Ngãi) là địa điểm họp thì mưa cũng tạnh, trời hửng nắng, quang mây. Làng mạc, cánh đồng huyện Đức Phổ hiện ra rõ nét như một bức tranh, tất cả đều là một màu xanh mượt mà, no nước.

Đoàn cán bộ trung đoàn 803 cũng vừa đến, sau chúng tôi chừng nửa giờ. Anh Nguyễn Duy Trinh, Bí thư Liên khu ủy, anh Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh Liên khu đã chờ sẵn, lần lượt thân mật bắt tay chúng tôi.

- Các đồng chí có mặt đúng thời gian quy định - Anh Nguyễn Duy Trinh biểu dương.

Được đồng chí Bí thư Liên khu ủy khích lệ, chúng tôi thấy nhẹ nhõm, xua nhanh cái mệt nhọc, vất vả trong lúc đi đường, không khí buổi đầu trước khi họp rộ lên tiếng cười nói chuyện trò râm ran.

Cuộc họp bắt đầu. Ngoài đại biểu của hai trung đoàn 108. 803 còn có đại biểu quân, dân, chính, đảng hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Rõ ràng địa bàn tiến công quân sự trong đông xuân này nằm trên vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Gia Lai, nhưng cụ thể là đâu chưa rõ, chắc chắn không phải Quảng Nam, càng không thể là Khánh Hòa, vì ở đó xa hậu phương, bảo đảm hậu cần gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Duy Trinh khai mạc hội nghị. Anh nói: Đầu tháng 10, hội nghị Ban chấp hành Liên khu ủy lần thứ 3 họp thảo luận và ra nghị quyết về các mặt công tác cần kíp trước mắt, trong đó có nghị quyết mở một đợt hoạt động quân sự trên toàn chiến trường liên khu. Trọng điểm của đợt hoạt động này là khu vực An Khê.

An Khê! Thế là mọi phán đoán của chúng tôi đều trật hết, chẳng ai có năng khiếu tham mưu cả - tôi tự trách thầm mình như vậy.

Anh Trinh nói tiếp: Sau đây anh Nguyễn Chánh sẽ trình bày cụ thể. Tôi chỉ lưu ý các đồng chí: Nhiệm vụ chiến đấu rất nặng nề, khối lượng chuẩn bị cho đợt chiến đấu lại nhiều mà thời gian có hạn. Các đồng chí cần tập trung theo dõi, nắm chắc nhiệm vụ, có gì chưa rõ cần mạnh dạn nêu ra trao đổi tìm biện pháp đánh thắng. Vì đây là trận đánh lớn đầu tiên trên địa bàn liên khu, mang nhiều mục đích: không chỉ tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh mà còn nhằm phối hợp với chiến trường toàn quốc trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy (nay là Đảng ủy Quân sự Trung ương)... Thay mặt Thường vụ Liên khu ủy, chúc sức khỏe các đồng chí, chúc hội nghị của chúng ta thành công!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:55:07 am »

Cử tọa tuy không đông, tiếng vỗ tay không vang xa nhưng giòn đanh, kéo dài hồi lâu và tất cả mọi người đứng dậy hướng về anh Nguyễn Duy Trinh, biểu thị sự đồng tình, hứa hẹn làm theo lời căn dặn của anh - người lãnh đạo cao nhất của liên khu.

Phòng họp nhanh chóng trở lại trật tự khi anh Nguyễn Chánh thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu phổ biến quyết tâm chiến đấu. vẫn vóc dáng cao gầy, khuôn mặt xương xương, nghiêm nghị mà tình cảm, trước khi vào nội dung, anh như tâm sự với những người dự họp hình dung về bối cảnh mà trận đánh sắp diễn ra.

Anh nói: Như các đồng chí đã biết, sau chiến dịch Biên Giới, cuộc kháng chiến của chúng ta đã chuyển sang một bước ngoặt mới. Thực dân Pháp tự mình không kham nổi cuộc chiến tranh mà phải dựa vào Mỹ. Từ đây viện trợ Mỹ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong ngân sách chiến tranh Đông Dương của chính phủ Pháp(1), nhưng cũng không thay đổi được tình thế!

Về ta, cũng sau chiến dịch Biên Giới, trong khí thế chuyển mạnh sang phản công và tiến công, các lực lượng vũ trang ta đã liên tiếp mở sáu chiến dịch(1) và hàng chục đợt hoạt động quân sự ở khắp các chiến trường toàn quốc, quy mô tương đối lớn ở trung du đồng bằng, miền núi đánh bại nhiều âm mưu thủ đoạn mới về chiến tranh “tổng lực”(3) của địch, tạo ra một cục diện và hình thái chiến tranh ngày càng có lợi cho ta. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh là phải “giữ vững và phát triển du kích chiến tranh để thực hiện kiềm chế và phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả”(4), sáu năm qua lực lượng vũ trang Liên khu 5 chúng ta đã liên tiếp tổ chức các đợt hoạt động và các chiến dịch quân sự nhỏ(5) tiến vào vùng sau lưng địch, biến hậu phương địch thành tiền tuyến của ta. Trong cuộc tiến công đầy gian khổ và hi sinh này, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Phong trào du kích chiến tranh được phục hồi. Các khu du kích Lê Hồng Phong, Tam Giác (Bình Thuận), Bác Ái (Ninh Thuận), Hòn Hèo, Đá Bàn (Khánh Hòa), Gò Nổi, Điện Bàn (Quảng Nam) sau một thời gian bị địch đánh phá, lấn chiếm nay đã phục hồi và mở rộng. Vùng du kích bắc Tây Nguyên ngày càng mở rộng và hình thành những mảng lớn khá hoàn chỉnh từ Đắc Tô, Đắc Pét đến Đắc Lây, dọc đông, tây đường 14 nối liền với vùng du kích Hạ Lào và vùng đông bắc Cam-pu-chia. Khu tam giác Cheo Reo - Buôn Hồ - Ma Đrắc về phía tây đã mở rộng đến đường 14, về phía bắc nối liên lạc với du kích Đắc Pét của tỉnh Gia Lai. Một vùng du kích liên hoàn đã được xây dựng trong khu vực nam đường 19 đến đường số 7. Ở Lâm Đồng, mặc dù còn nhiều khó khăn, ta vẫn giữ vững các khu căn cứ Anh Dũng, La Ba, mở rộng được các vùng cơ sở du kích dọc đường 20 và đường 11 trong vùng đồng bào Mạ và đồng bào các dân tộc ở tây bắc Đà Lạt, v.v... Ngừng một lát, đồng chí Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu đưa mắt nhìn những người dự họp, nở nụ cười như chia vui với chúng tôi tiếp tục biểu dương: Gần đây - anh cao giọng nói - một chiến công vẫn đang còn nóng hổi do hai trung đoàn chủ lực 108 và 803 tạo nên trong đợt hoạt động Hè (8-1951) ở bắc Kon Tum chẳng những đã khôi phục lại căn cứ Sơn Hà (tây Quảng Ngãi) mà còn đẩy phạm vi chiếm đóng của địch phải lùi xa sát tận địa phận Kon Tum. Sau đó tháng 7 năm 1952 trung đoàn 108 chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ tư lệnh Liên khu đã ngược ra phía bắc cùng lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch Hè ở Quảng Nam, liên tục chiến đấu. diệt 1.200 địch san bằng bảy cứ điểm, năm tháp canh, phá vỡ hệ thống cứ điểm bảo vệ vòng ngoài căn cứ quân sự Đà Nẵng, mở rộng vùng du kích bắc Quảng Nam đến sát thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An.

Một lần nữa, thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu, tôi biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc của cán bộ chiến sĩ hai trung đoàn 108 và 803. Các đồng chí đã làm tốt vai trò của các đơn vị chủ lực của liên khu, góp phần tạo nên thế lực mới để hôm nay chúng ta có đủ yếu tố chắc thắng của một đợt hoạt động một trận tiến công trên bình diện tương đối rộng mà sau đây tôi sẽ trình bày với các đồng chí.


(1) Năm 1950: 52 tỷ phờ-răng, chiếm 19% ngân sách; 1951: 62 tỷ phờ-răng, chiếm 19%; năm 1952: 200 tỷ phờ-răng, chiếm 35%; năm 1953: 285 tỷ phờ-răng, chiếm 43%; năm 1954: 555 tỷ phờ-răng, chiếm 73%.
(2) Chiến dịch Trung Du (Trần Hưng Đạo) 1950-1951; chiến dịch Đường 18 (Hoàng Hoa Thám) từ 3-1951 đến 4-1951; chiến dịch Hà Nam Ninh (Quang Trung) từ 5-1951 đến 6-1951; chiến dịch Hòa Bình, Đông Xuân 1951-1952; chiến dịch Tây Bắc, tháng 10 năm 1953.
(3) Bình định vùng tạm chiếm và vùng du kích nhằm vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng của chúng, chuẩn bị phản công ta.
(4) Tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (10-1951).
(5) Chiến dịch Phạm Văn Đồng (8-1948), chiến dịch Đông Xuân 1949-1950 ở Quảng Nam; chiến dịch Võ Nguyên Giáp (1-1950); chiến dịch Hoàng Diệu (10-1950) ở Quảng Ngãi; chiến dịch Hồ Chí Minh (6-1949) ở Gia Lai; chiến dịch Nguyễn Huệ (7-1950) ở Đắc Lắc; chiến dịch Đông Xuân (1948-1949), chiến dịch Đông Xuân (1949-1950), chiến dịch Trường Chinh (1-1950) ở Khánh Hòa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:57:56 am »

Một lần nữa, thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu, tôi biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc của cán bộ chiến sĩ hai trung đoàn 108 và 803. Các đồng chí đã làm tốt vai trò của các đơn vị chủ lực của liên khu, góp phần tạo nên thế lực mới để hôm nay chúng ta có đủ yếu tố chắc thắng của một đợt hoạt động một trận tiến công trên bình diện tương đối rộng mà sau đây tôi sẽ trình bày với các đồng chí.

Dứt lời, anh vỗ tay và chúng tôi đứng dậy vỗ tay theo. Không khí hội trường sôi động hẳn lên, cười nói râm ran tán thưởng những điều Tư lệnh kiêm Chính ủy trình bày ngắn gọn mà khái quát, vừa mang tư duy của người một thời công tác ở cơ quan Tổng cục Chính trị vừa là những cảm nhận của một tư lệnh chiến trường, mang lại cho chúng tôi không chỉ niềm tin mà cả tầm nhìn xa và các công việc cần làm trước mắt, tiếp tục giữ vững và phát triển thế chủ động trong bối cảnh chung đã tạo ra.

Vừa đúng năm phút giải lao ngoài kế hoạch kết thúc, Tư lệnh kiêm Chính ủy Nguyễn Chánh tiếp tục công việc phổ biến quyết tâm chiến đấu. Dựa vào tư tưởng chỉ đạo của Trung ương - Bộ Chính trị; vào tình hình thực tiễn chiến trường Nam Trung Bộ như đã nêu trên, đầu tháng 10 vừa qua Hội nghị Ban Chấp hành Liên khu ủy họp lần thứ 3 thảo luận ra nghị quyết về nhiệm vụ chung và nghị quyết về hoạt động quân sự Đông Xuân 1952-1953 gồm hai nhiệm vụ:

Tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch do các trung đoàn chủ lực phụ trách địa phương(1) đảm nhiệm.

Tổ chức lực lượng đủ mạnh mở cuộc tiến công khu vực phòng thủ của địch ở An Khê do các trung đoàn chủ lực trực thuộc liên khu đảm trách.

Nhiệm vụ và kế hoạch đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, Bộ tư lệnh Liên khu đã phổ biến đến các trung đoàn đứng chân ở các địa phương, ở cuộc họp này tập trung trao đổi hướng An Khê, trận tiến công lớn đầu tiên trên địa bàn liên khu.

Trước hết vì sao Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu chủ trương mở đợt tiến công vào khu vực An Khê? Vì An Khê(2) là khu vực phòng thủ mạnh của địch, án ngữ. đường 19, bảo vệ vùng chúng tạm chiếm đóng tỉnh Gia Lai, khống chế vùng du kích ở đông sông Ba, ngăn chặn ta tiến công lên phía tây. An Khê cũng là nơi uy hiếp gây nhiều khó khăn cho các vùng giáp ranh thuộc huyện Bình Khê, Vĩnh Thạnh; đồng thời cũng là bàn đạp tiến công vùng tự do đồng bằng ven biển của ta. Một khi nơi này bị địch uy hiếp và tiến công thì vùng tự do bốn tỉnh của ta bị chia cắt ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò hậu phương trực tiếp của cả mặt trận Nam Trung Bộ.

Tuy là khu vực hiểm yếu, có hệ thống phòng thủ mạnh nhưng An Khê có nhiều nhược điểm, sơ hở do không gian phòng thủ rộng, khoảng cách giữa các cứ điểm quá xa, sự hỗ trợ cho nhau (nhất là hỗ trợ bộ binh) khó khăn, ta có thuận lợi tiếp cận mục tiêu, thực hành đánh gần, thọc sâu chia cắt, đánh điểm diệt viện, v.v...

Về phía ta, lực lượng tham chiến có trung đoàn 120, tiểu đoàn 40 nhưng lực lượng chủ công trong đợt hoạt động này Bộ tư lệnh giao cho hai trung đoàn chủ lực cơ động 108 và 803.

Một thuận lợi đáng kể nữa, là chúng ta có hậu phương liền kề là vùng tự do các huyện Bình Khê, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát (Bình Định) thuận tiện cho việc huy động lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu(3)...

Kết thúc phổ biến quyết tâm chiến đấu, Tư lệnh kiêm Chính ủy hỏi: Ai có thắc mắc gì cứ nêu để chúng ta cùng trao đổi thông suốt trước khi vào trận.


(1) Trung đoàn 120, đặc trách bắc Tây Nguyên; trung đoàn 84 đặc trách nam Tây Nguyên; trung đoàn 812 đặc trách bốn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.
(2) Khu vực phòng thủ An Khê gồm các cử điểm: Kon Lía, Tú Thuỷ, Cửu An, Thượng An, Đầu Đèo, Eo Gió. Mỗi cứ điểm thường xuyên có một đại đội sơn pháo đóng giữ trong công sự vững chắc, có hệ thống hỏa lực bố trí ở Tú Thuỷ, Cửu An, trận địa pháo đầu đèo An Khê (có cả pháo 155 ly) tạo thành một hệ thống hỏa lực mạnh khi bị đối phương tiến công.
(3) Tỉnh Bình Định đã huy động 32.500 dân công vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược phục vụ chiến dịch An Khê. Ngoài ra còn hàng nghìn dân công hoả tuyến gồm du kích và thanh niên xung phong hăng hái hành quân bám sát đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu. Mỗi ngày các mẹ, các chị phụ nữ khu giáp ranh huyện Bình Khê cung cấp cho các đơn vị chiến đấu 5.000-6.000 nắm cơm, kéo dài trong một tuần lễ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:59:10 am »

Không khí cuộc họp bỗng sôi động hẳn lên, tiếng rì rầm bàn tán, nhiều cánh tay giơ cao xin phát biểu, ý kiến tuy nhiều, song đều tập trung vào hai vấn đề:

- Là đợt tiến công lớn đầu tiên sao không thành lập đại đoàn để thực hiện.

- Trong mục đích của đợt tiến công không thấy có yêu cầu giải phóng đất đai.

Tư lệnh kiêm Chính ủy hoan nghênh thắc mắc chung của những người dự họp và anh giải đáp liền. Giọng sôi nổi, tự tin anh nói:

- Đúng là muôn đánh lớn phải có “quả đấm” chủ lực (cỡ từ đại đoàn trở lên), đó là nguyên tắc chung. Nhưng để “quả đấm” chủ lực phát huy được tác dụng thì quả đấm đó không thể chỉ là sự liên kết số cộng đơn thuần, mà là sự liên kết hữu cơ, các chiến sĩ phải thành thạo kỹ thuật cá nhân và chiến thuật chiến đấu hiệp đồng; cơ quan của “quả đấm” phải có nghiệp vụ tham mưu giỏi, những cán bộ chỉ huy của “quả đấm” phải có kiến thức và năng lực tổ chức huấn luyện, phải tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng, phải có chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ và rộng khắp để đánh địch liên tục, kéo căng quân địch tạo điều kiện cho “quả đấm” rảnh tay tập trung lực lượng vào những nơi địch sơ hở, đứng chân ở địa bàn đã được chiến tranh du kích chuẩn bị trước để tổ chức những trận đánh then chốt có sức thôi động toàn cục làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Ngừng một lát. anh nói tiếp: - Những điều kiện trên đây chúng ta đang có. hoặc mới manh nha đang có xu thế phát triển. Còn hiện tại thì chưa đủ. Như chúng ta đã biết, từ tháng 5 năm 1946, Liên khu đã thành lập ba đại đoàn 23, 27, 31; liền sau đó không lâu thấy việc làm này chỉ có tác dụng giảm đầu mối, chứ không phát huy được hiệu quả như mong muốn nên Bộ tư lệnh Liên khu đã quyết định giải thể, trở lại hình thức tổ chức trung đoàn. Ngay ở chiến trường Bắc Bộ, từ năm 1947 có tới 25 trung đoàn chủ lực, mãi tháng 8 năm 1949 mới hội đủ điều kiện để ta thành lập Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên của toàn quân.

Trước tình hình và nhiệm vụ đã thay đổi, yêu cầu đánh lớn đang xuất hiện, đòi hỏi phải có những thay đổi nhất định về tổ chức lực lượng trong các đợt hoạt động quân sự sắp tới của liên khu, trước mắt là đợt tiến công khu vực phòng thủ của địch ở An Khê.

Bộ tư lệnh và Đảng ủy đã trao đổi, tính toán nhiều mặt, cuối cùng quyết định - đợt tiến công này ta sử dụng hai trung đoàn tiến công chính diện, một trung đoàn và một tiểu đoàn độc lập phối hợp cùng bộ đội địa phương và du kích các địa phương đánh địch vòng ngoài; tất cả đều thực hiện theo một kế hoạch tác chiến hiệp đồng thống nhất. Trên thực tế đây là cuộc tiến công đội hình đại đoàn nhưng không có bộ tư lệnh đại đoàn mà do Bộ tư lệnh Liên khu trực tiếp chỉ huy... Nhìn xuống cử tọa thấy chúng tôi trong trật tự, chăm chú lắng nghe, anh kết luận: - Theo ý kiến riêng tôi, các đợt hoạt động tiếp sau An Khê, hình thức tổ chức lực lượng và điều hành chỉ huy này vẫn còn phù hợp với thực tiễn chiến trường Nam Trung Bộ.

Về ý kiến thắc mắc thứ hai, anh nói: - Trên chiến trường Bắc Bộ vấn đề giải phóng đất đai đã được đặt ra từ chiến dịch Biên Giới. Tiếp đến chiến dịch Hòa Bình ta đã giải phóng thị xã và vùng phụ cận. Và ngay lúc ta đang họp bàn triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động quân sự Đông Xuân 1952-1953, thì chiến dịch Tây Bắc đang mở màn nhằm thực hiện chỉ thị của Bác Hồ “phải tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng đất đai” vì ngoài đó đã có đủ điều kiện để bảo vệ vùng giải phóng đã giành được.

Còn chiến trường Liên khu 5 thì sao? Anh nêu câu hỏi và giải đáp luôn. Giải phóng đất đai là mục tiêu hướng tới của chúng ta, có giải phóng đất đai từ cục bộ đến toàn cục mới hoàn thành sự nghiệp chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc. Trước mắt trong đợt hoạt động quân sự này chúng ta chưa đặt ra vì chưa phù hợp với tương quan lực lượng của liên khu. An Khê là khu vực phòng thủ hiểm yếu đối với toàn bộ phía đông Gia Lai, địch chịu thua chứ không chịu để mất. Chúng sẽ bằng mọi cách, huy động tối đa lực lượng để phản kích chiếm lại. Nếu chúng ta trụ lại chẳng những không giữ được, có thể bị thương vong lớn, từ thắng trở thành tạm thời thất bại, mục tiêu “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta” không được thực hiện, sẽ dẫn đến bất lợi cho ta về mặt so sánh lực lượng nói riêng, về cục diện chiến trường nói chung.

Anh dừng lại tỏ vẻ cảm thông và nói tiếp, chậm rãi và tâm tình: Ý tưởng về tổ chức đại đoàn, về giải phóng đất đai của các đồng chí là hoàn toàn chính đáng, chúng ta cần phải có ước mơ đó để mà vươn tới, rất đáng khích lệ. Nhưng nôn nóng muốn đốt cháy giai đoạn thì không nên. Ý kiến của tôi là như vậy, ai còn ý kiến gì sẽ phản ảnh sau, bây giờ không còn thời gian để trao đổi mà là bắt tay vào công việc chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu, tình hình đã thật khẩn trương, chậm là yếu tố bí mật, bất ngờ sẽ không còn nữa.

Thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh Liên khu và Bộ tư lệnh chiến dịch, chúc các đồng chí thành công, góp phần cho ý tưởng của chúng ta không bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực...

Chúng tôi đứng dậy vừa vỗ tay hồi lâu tán thưởng những điều anh nói, vừa ngước lên phía anh biểu hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi đợt hoạt động quân sự này, cho dù có khó khăn và phải xả thân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 08:00:55 am »

Cuộc họp kết thúc vào lúc 20 giờ, sáng sớm hôm sau ngày 19 tháng 10 chúng tôi trở lại đơn vị, vì thời gian đã trở nên khẩn trương. Dọc đường vừa đi vừa trao đổi, trung đoàn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu đoàn, để khi về đến nơi đóng quân của trung đoàn là các đơn vị có thể triển khai công việc chuẩn bị theo nhiệm vụ được giao:

- Tiểu đoàn 19 do tôi làm chính trị viên được tăng cường đại đội 215 tiểu đoàn 50 tiến công cứ điểm Cửu An.

- Tiểu đoàn 50 (thiếu một đại đội) tiêu diệt cứ điểm Eo Gió.

- Tiểu đoàn 79 làm nhiệm vụ chặn viện tạo điều kiện cho hai tiểu đoàn trên hoàn thành nhiệm vụ.

Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ? Đó là điều tôi trăn trở. Từ kinh nghiệm rút ra qua đợt tham gia tiến công phân chi khu Kon-plông ở bắc Kon Tum tháng 8 năm 1951, từ kết quả chỉnh quân và được nghe cơ quan tham mưu Bộ tư lệnh Liên khu phổ biến kinh nghiệm tổ chức chiến đấu qua các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Đường 18 ở chiến trường Bắc Bộ, tôi mạnh dạn kiến nghị với ban chỉ huy trung đoàn:

- Một là, phải tổ chức cho cán bộ đi trinh sát thực địa, nắm chắc địch về cách bố phòng trong và ngoài các cứ điểm mà đơn vị có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt.

- Hai là đắp sa bàn(1) để cán bộ, chiến sĩ tập luyện thành thục trước khi bước vào chiến đấu.

- Quy định và thực hiện các quy định về giữ bí mật, nhất là thời gian và địa điểm tiến công địch.

Ban chỉ huy trung đoàn đồng ý và báo cáo lên Bộ tư lệnh Liên khu, được Bộ tư lệnh chấp nhận, điện xuống trung đoàn cho tổ chức thực hiện.

Ngoài việc đắp sa bàn trận đánh cho đơn vị tập luyện, tiểu đoàn 19 chúng tôi còn dựa vào tình hình tư tưởng, trình độ chiến thuật, kỹ thuật của từng chiến sĩ theo ba mức độ: khá, trung bình và yếu để từ đó sắp xếp vào các tổ theo nhiệm vụ chiến đấu: tổ đánh bộc phá mở cửa, tổ kìm chế lỗ châu mai, tổ đánh chiếm đầu cầu, tổ thọc sâu đánh vào tung thâm. Các chiến sĩ thuộc loại thứ ba (yếu) khi vào chiến đấu thường được giao nhiệm vụ ở phía sau, thử thách dần sẽ chuyển lên loại trung bình, khá, làm nhiệm vụ nặng nề hơn.

Trong thời gian tập luyện chuẩn bị chiến đấu, từ cán bộ tiểu đoàn trở lên được cơ quan tham mưu Bộ tư lệnh Liên khu thường xuyên thông báo các thông tin về quá trình chuẩn bị chung, về các hoạt động chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch sẽ diễn ra phối hợp với chiến dịch An Khê; về tình hình liên khu đã huy động dân công và giờ đây dân công các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đã lên đường vận chuyển lương thực, vũ khí vào Khánh Hòa, lên Đắc Lắc, Kon Tum, ra Đồng Xanh, Đồng Nghệ, Phú Túc (Quảng Nam) để đánh lạc hướng địch trong lúc dân công Bình Định đang bí mật vận chuyển lên hướng Vĩnh Thạnh để vào địa bàn An Khê chuẩn bị cho ngày mở màn chiến dịch. Nhận được những thông tin này ai nấy đều phấn khởi, yên tâm và thán phục sự tài tình trong điều hành của Bộ chỉ huy chiến dịch do anh Nguyễn Chánh trực tiếp làm tư lệnh kiêm chính ủy. Cái vui cứ để bụng thật khó chịu, không thể nói cùng ai, vì bản thân những việc làm ấy đang là nghệ thuật lừa địch, tạo thế thuận lợi cho chúng tôi khi bước vào chiến đấu.

Sau một tháng chuẩn bị chiến đấu ở khu vực huyện Sơn Hà, ngày 8 tháng 1 năm 1953 trung đoàn 108 được lệnh lên đường. Từ đây ra Quảng Ngãi đi bộ, gần tới thị xã dồn đội hình, hành lý, kiểm tra đảm bảo mang đủ nhưng phải gọn và chắc để lần lượt lên tàu lửa. Mặc dầu cán bộ từ tiểu đoàn trở lên đã được thông báo trước vẫn cứ ngạc nhiên, anh em từ cán bộ đại đội trở xuống đến chiến sĩ thì sự ngạc nhiên đến khó hiểu bật thành các âm thanh bàn tán, mừng có, nghi ngờ có: tàu lửa nào, địch phá hết trọi từ lâu rồi, lấy đâu ra? Lấy gì mà bắc cầu cho tàu qua? Mãi khi ngồi lên xe rồi mà vẫn chưa hết ngạc nhiên, thấp thỏm chờ đợi cái gì sẽ xảy ra sau đó? Tàu lửa chỉ là những toa xe cũ biến thành xe goòng, lực đẩy là sức người, nhưng làm sao mà qua được cầu. Rồi goòng qua cầu thật, tuy chậm nhưng vẫn hơn là đi bộ, được thoải mái ngắm trăng sao trên đường ra trận. Tiểu đoàn tôi là đơn vị đi sau, có thì giờ trò chuyện với anh em cán bộ, công nhân đường sắt, các anh đã nhận lệnh phục hồi cách đây nửa năm. Mọi việc diễn ra thật vất vả gian nan, nhưng cứ âm thầm làm, ai biết cứ biết, ai không biết càng tốt, không tuyên truyền cổ vũ. Mọi thứ đã sẵn sàng. Chỉ sau 6-8 giờ là cầu hình thành. Sau khi đưa toàn bộ trung đoàn 108 qua sông, anh em công nhân đường sắt lại kích sập cầu, che mắt địch.


(1) Hình mẫu một khu vực địa hình đắp theo tỷ lệ thu nhỏ để trình bày, nghiên cứu và tập luyện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:22:52 am »

Đến ga Phù Cát, chúng tôi ngược phía tây vào tập kết tại khu vực rừng dầu Thuận Ninh. Tất cả đều an toàn, sức khỏe vẫn bình thường, nhờ có “tàu hỏa” dã chiến đưa rước.

Ngày 10 tháng 2 năm 1953 chỉ huy các tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc đi trinh sát thực địa theo nhiệm vụ được giao. Đoàn cán bộ tiểu đoàn 19 chúng tôi đi theo đường cán bộ địa phương hướng dẫn, kín đáo và an toàn, thuận tiện tiếp cận mục tiêu. Khoảng 11 giờ chúng tôi tới địa điểm. Nắng chói chang, sương mù cao nguyên không còn vương trên các núi cao, cứ điểm Cửu An hiện ra rõ nét trước mắt mọi người, chìm trong yên vắng, vì thời điểm này là lúc vào bữa trưa, chỉ thấy bóng lính ra vào đổi gác xuất hiện và khuất nhanh.

Thực địa nơi đây so với sa bàn mà đơn vị thiết kế để tập luyện, trong thời kỳ chuẩn bị chiến đấu có khác chút ít về hình dáng, cự ly của cảnh vật tự nhiên. Hệ phòng thủ, số lượng hầm hào, kẽm gai có nhiều hơn so với sa bàn. Chỉ huy sở cứ điểm không phải đỉnh cao điểm mà ở sườn dốc phía tây. Khác cũng là phải, vì hồi đó đâu có đầy đủ bản đồ quân sự và nếu có thì chẳng ai đã qua lớp học bản đồ để nhận biết các ký hiệu thể hiện, cũng không ai được qua các lớp kỹ thuật đắp sa bàn, cho nên không thật đúng với thực địa là tất nhiên. Nhưng dù sao có vẫn hơn không, chính nhờ đó mà các chiến sĩ đã ít nhiều hiểu nhiệm vụ chiến đấu và hành động chiến đấu phải như thế nào khi thực tế tiến công Cửu An.

Chúng tôi từ ba hướng đông, đông nam và đông bắc nhìn vào căn cứ, đã thay đổi ý định chuyển hướng đột phá chủ yếu sang hướng đông bắc vì đây là nơi hiểm yếu, đánh vào đây là đập ngay vào đầu não chỉ huy cứ điểm mà địa hình lại kín đáo.

Ba ngày dừng lại ở khu tập kết đã hết. Ngày N-13 tháng 1 năm 1953 đã đến, toàn đội hình trung đoàn 108 đã qua sông Côn, Vĩnh Thạnh, vượt đèo Mây vào chiếm lĩnh trận địa tiến công. Đêm hạ tuần trời tối như mực, không gian yên tĩnh, thoáng tiếng nai gọi đàn đâu đây và tiếng súng cầm canh vọng lại đan xen giữa yên bình và chiến tranh, làm bật dậy trong suy nghĩ của người lính ra trận chúng tôi những trọng trách phải giải quyết.

Sở chỉ huy tiểu đoàn bố trí trên hướng đột phá chủ yếu, sau đại đội 213 làm nhiệm vụ chủ công. Ba đại đội bộ binh và một đại đội trợ chiến của tiểu đoàn được sắp xếp có từ 35-40% chiến sĩ thuộc loại khá - nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng (không có loại kém) đã an toàn tiến vào chiếm lĩnh trận địa tiến công. Đồn địch vẫn yên ắng, như vậy là công tác giữ bí mật của chúng tôi đã chấp hành tốt. Nếu có ai đó lỡ để súng cướp cò thì yếu tố bất ngờ vẫn còn giá trị, vì giờ G đã tới gần, có lộ thì địch cũng hết đường xoay xở.

Đêm ngày 13 rạng ngày 14 tháng 1 năm 1953 trận đánh được bắt đầu bằng viên đạn súng trường bắn chỉ thiên; tiếp theo là tiếng súng các cỡ nổ dồn dập bất thần ập vào đồn địch: Tú Thủy, Cửu An, Eo Gió. Chỉ sau 30 phút tiểu đoàn 19 trung đoàn 108 đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Cửu An. Ai cũng thấy phấn khởi khi lần đầu tiên nhìn thấy khẩu pháo 88 mi-li-mét đã thuộc về mình. Nhưng loay hoay mãi không sao tháo được vì địch gắn chặt nó vào bệ xi măng cốt thép (có lẽ địch đã lường trước sẽ có tình huống này xảy ra). Không thể để chậm! Chúng tôi cử ngay cán bộ về phía sau nhờ bộ phận quân giới tiền phương lên tháo giúp; sau đó đơn vị dân công hoả tuyến khẩn trương tháo dỡ tạm giấu vào cánh rừng phía sau để phòng trời sáng địch phản kích cướp lại hoặc phá hủy phi tang thất bại.

Kiểm tra số địch chết, bị thương và bắt sống ít hơn số địch do quân báo cung cấp, nhất là không thấy tên chỉ huy, chẳng lẽ y có phép tàng hình? Không thể như thế, cùng lúc ta nhất tề bốn mũi tiến vào đồn địch, trừ số canh gác khi ta ập vào chúng mới tỉnh giấc, chưa kịp súng trong tay.

- Hay là địch trốn xuống hầm ngầm. - Một câu hỏi của đồng chí đại đội trưởng đại đội 213.

- Đúng! Đồn địch có hầm ngầm. Ta cần tìm cho ra, càng sớm càng tốt - Tôi khẳng định.

Một kế hoạch lùng sục hầm ngầm được triển khai.

Không gian yên tĩnh, nhưng màn đêm dăng đầy. May mà các đơn vị đều chuẩn bị đèn pin, nên chỉ sau 30 phút bộ phận trinh sát của tiểu đoàn phát hiện ra miệng hầm. Ta dùng loa kêu gọi, địch không trả lời; ta tiếp tục gọi, địch bắn trả. Đúng là dưới hầm có địch và chúng rất ngoan cố. Đã có ý kiến liệng lựu đạn xuống, tiêu diệt luôn, đáng đời bọn ngoan cố.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:24:20 am »

Thời gian vẫn đang còn ủng hộ chúng tôi. Thực hiện kế hoạch bắt sống địch, vừa thể hiện chính sách khoan hồng của Bác Hồ vừa có điều kiện khai thác, vì những thông tin về địch lúc này đang rất cần không những cho nhiệm vụ trước mắt mà cho cả nhiệm vụ tiếp sau. Ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi hội ý chớp nhoáng thống nhất kế hoạch: đào thêm nhiều nhánh phụ áp sát hầm bí mật địch, dùng quần áo của địch đốt phả khói vào cửa hầm kết hợp với kêu gọi đầu hàng thì sống, chống lại thì chết. Biện pháp này quả là có hiệu nghiệm. Địch vừa bị ngạt vừa nghe ta kêu gọi đầu hàng thì được khoan hồng, nên chỉ mấy phút sau cò trắng xuất hiện nơi cửa hầm. Ta kêu gọi tiếp: Tất cả bỏ súng tại chỗ, ra khỏi hầm!

Dứt tiếng hô, lần lượt từng người hai tay giơ cao ra khỏi hàng đứng vào nơi quy định, trong đó hai phần ba là lính Âu Phi. Tên cuối cùng là tây da trắng cao to, đẫy đà dáng vẻ tiều tụy, hai mắt lơ láo, sợ sệt, hai tay giơ thẳng run run. Y là viên trung úy sĩ quan chỉ huy đồn Cửu An.

Chúng tôi thực sự nhẹ nhõm, thở phào. Thế là đủ số ra hàng 50 tên, cộng với số bị bắt, quân số đúng một đại đội, trong đó số bị bắt làm tù binh là 60 tên.

Những giờ đầu của đợt tiến công ta đã diệt Cửu An và Eo Gió, trong khi ở hướng Tú Thủy vẫn có tiếng súng vọng về nghe rất rõ. Chắc là gặp khó khăn? Vừa lúc đó, trung đoàn thông báo xuống: ở Tú Thủy địch dựa vào công sự ngoại vi vững chắc, có hào sâu, dưới cắm chông dày đặc chống cự, tiểu đoàn 365 trung đoàn 803 đang đánh trả quyết liệt.

Nhận được thông báo, bỗng trong tôi lại bật dậy ký ức xưa về một trận cũng ở địa danh ấy đã đi vào lịch sử như một khúc ca bi tráng xảy ra vào ngày 13 tháng 4 năm 1947. Hồi ấy Tú Thủy nằm trong hệ thống cứ điểm vòng ngoài của căn cứ An Khê - một cứ điểm mạnh, nơi xuất phát hành quân của địch mỗi khi chúng càn xuống Định Quang, Vĩnh Thạnh; nơi đánh phá, kìm kẹp quần chúng quanh vùng, nơi gây bao tang tóc cho nhân dân xã Tú An.

Phải diệt Tú Thủy, chủ trương này được giao cho trung đoàn 95 do Vi Dân là trung đoàn trưởng, nguyên là chi đội trưởng chi đội(1) Nam tiến gồm những người con của Hà Nội, có mặt ở chiến trường Nam Trung Bộ ngay từ ngày đầu của cuộc kháng chiến.

Trong trận đánh này, trung đoàn 95 áp dụng lối đánh tinh nhuệ hóa đội hình, chọn ra một lực lượng phần lớn là cán bộ vừa tốt nghiệp ở trường lục quân Quảng Ngãi ra - tất cả đều sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.

Sau khi tuyên thệ, đội quân cảm tử do Vi Dân chỉ huy tiến về Tú Thủy. Nhưng do hiệp đồng chưa tốt, các mũi tiến công vẫn chưa đến kịp và điều quan trọng hơn là yếu tố bí mật không giữ được, việc chuẩn bị cho trận đánh quá rầm rộ mất yếu tố bất ngờ, địch phát hiện, chuẩn bị đối phó. Đúng 4 giờ 30 phút sáng (theo quy định đã quá muộn) nhưng trận đánh vẫn diễn ra. Khi ta nổ súng, địch dùng hỏa lực ngăn chặn, nhiều chiến sĩ hy sinh. Chỉ huy trưởng Vi Dân vẫn thẳng người đứng trên bệ cát ở gò mối bình tĩnh chỉ huy, chẳng may một quả đạn pháo rơi trúng. Anh hi sinh, trận đánh không thành, nhưng đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Bình Định về tinh thần anh dũng tuyệt vời, vì Tổ quốc sẵn sàng xả thân. Ngay cả kẻ địch cũng hết sức khâm phục hành động chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ quyết tử. Số tử sĩ trong đó có Vi Dân không đưa ra được, quân địch chôn cất theo nghi thức quân sự. Riêng với trung đoàn trưởng Vi Dân, chúng xây mộ, dựng bia trân trọng tỏ lòng khâm phục người chỉ huy anh dũng của Việt Minh.

Ngay những ngày đó nhân dân Bình Khê đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể các chiến sĩ tử vong trong trận ngày 13 tháng 4 năm 1947 và xây dựng đài tưởng niệm ở chùa Kiên Mỹ, xã Bình Thạnh, huyện Bình Khê (nay là khối 1 thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách khu bảo tàng Quang - Trung khoảng 500 mét). Trong những năm dưới chế độ Mỹ - ngụy, kẻ địch nhiều lần định đập phá, nhưng nhân dân đã đấu tranh gìn giữ di tích này, cho đến hôm nay di tích hầu như còn nguyên vẹn.

Ngay lúc này đây, địch ở Tú Thủy điên cuồng chống cự, nhưng tinh thần chiến đấu của trung đoàn 95 Vi Dân là nguồn cổ vũ vô giá, tiểu đoàn 365 trung đoàn 803 sẽ vượt qua. Tôi tự nhủ mình như vậy. Và khoảng 4 giờ 30 sáng, trong lúc chúng tôi đang thảo luận về trận đánh địch phản kích sẽ xảy ra vào ngày 14 thì trung đoàn thông báo: Ta diệt xong Tú Thủy. Cả tiểu đoàn reo vui, trung đoàn bạn đã hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Thế là ta đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đợt một của chiến dịch, cả ba cứ điểm Tú Thủy, Cửu An, Eo Gió đã bị tiêu diệt.

Đánh điểm diệt viện đã được anh Nguyễn Chánh nêu ra trong cuộc họp phổ biến quyết tâm chiến dịch. Và sau khi tiểu đoàn 19 chúng tôi diệt cứ điểm Cửu An thì Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh trung đoàn 108 khẩn trương chuyển sang đánh viện trên đường Hoàng Hoa Thám(2) - ngã ba tây đèo An Khê đi Cửu An.


(1) Tương đương với tổ chức trung đoàn ngày nay.
(2) Mật danh ta đặt cho đoạn đường nối với đường 19 (tây chân đèo An Khê) đi Cửu An dài 3 ki-lô-mét.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:25:27 am »

Ngay trong đêm, Thường vụ Đảng ủy trung đoàn họp mở rộng bàn kế hoạch lãnh đạo thực hiện. Trong cuộc họp có ý kiến đề nghị Bộ chỉ huy chiến dịch cho phép trung đoàn 108 được tiếp tục thực hiện diệt các cứ điểm địch còn lại như Thượng An, Đầu Đèo, vì trung đoàn có truyền thống tiến công cứ điểm. Ý kiến khác (chiếm đa số) cho rằng, đúng là trung đoàn chưa có kinh nghiệm đánh viện, nhưng xin thay đổi nhiệm vụ trong lúc tình hình đang diễn biến cực kỳ khẩn trưởng chắc chắn cấp trên không chấp nhận, vì như vậy sẽ dẫn đến mất thời cơ, lúc đó dẫn tới nhiều khó khăn, phức tạp khó lường.

Cuối cùng Thường vụ Đảng ủy quyết định chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của trên, ngay trong đêm triển khai thực hiện kế hoạch. Trước hết cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội đi khảo sát thực địa, khảo sát đến đâu dự kiến bố trí quân đến đấy. Kết thúc khảo sát thực địa đồng thời kết thúc bố trí lực lượng diệt viện.

Đêm hạ tuần nhưng trời đầy sao giúp chúng tôi nhận biết cảnh quan địa hình nơi dự kiến xảy ra trận đánh. Đây là đoạn đường đất, rộng bốn mét, hai bên là rừng thưa, cây thấp, có đoạn trống trải xen kẽ những vạt ruộng. Địch muốn tái chiếm nhất thiết phải qua đoạn đường này.

Mọi việc diễn ra an toàn, thuận lợi, thỉnh thoảng có pháo sáng từ Thượng An, Đầu Đèo vút lên tỏa màu xanh đậm đặc, lan xa rồi tắt ngấm trong tĩnh không. Địch chẳng phát hiện được gì, mặc dầu lúc này đây cả một trung đoàn đối phương đang trong tầm pháo, với nhịp điệu hối hả, tấp nập, dàn trận một cách bình thản, như một cuộc dàn quân diễn tập thực binh đã ngoại trong đêm tối, nơi gò đồi vùng tự do tây Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Đêm ngày 14 tháng 1 là một đêm sôi động mà êm ả với bao công việc bộn bề, nặng nhọc mà yên lặng không tiếng động, không ồn ào hối thúc mà mọi việc vẫn chạy đều, đúng tiến độ, đúng quy trình kỹ thuật khắt khe của chiến đấu. Hầm hố chiến đấu đủ cho người, cho vũ khí mà không làm gãy cây, không thay đổi màu cỏ. Đất đào lên được mang ra xa, dàn đều, phủ lá cây và cỏ hòa lẫn vào màu sắc tự nhiên, không một sơ hở dù là nhỏ để máy bay trinh sát địch phát hiện. Tất cả đã hoàn thành trước khi trời sáng.

Toàn trung đoàn 108 đã vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định trước 6 giờ sáng ngày 15 tháng 11 năm 1953, cách cứ điểm Cửu An chừng 500 mét.

Từ trên nhìn xuống, từ trong nhìn ra, từ đường 19 nhìn vào cảnh vật đoạn đường trận địa phục kích đánh viện binh địch vẫn như nó vốn có. Tất cả vắng lặng không một bóng người, không một dấu vết khác, lạ, gây nghi ngờ mặc dầu đoạn đường và những cánh rừng thưa hai bên đường đã chứa đựng một trận đánh đã bày sẵn: tiểu đoàn 19 chúng tôi làm nhiệm vụ chặn đầu, tiểu đoàn 79 khóa đuôi, tiểu đoàn 50 đánh khúc giữa đội hình địch, tiểu đoàn trợ chiến phân tán các đại đội hỏa lực xuống phối thuộc với các tiểu đoàn bộ binh làm nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp. Ban chỉ huy tiểu đoàn 19 đứng cách sau đơn vị phía trước khoảng 200 mét để tiện chỉ huy chung.

Trời sáng dần, gió mạnh từ hướng đông thổi về xua những mảng mây đen tan nhanh, bầu trời trong xanh hiện lên cao lồng lộng như cảnh trời thu. Lúc ấy là 8 giờ 30 phút, đằng đông đã ửng hồng, tiếng động cơ máy bay bà già hướng thị xã Plây Cu vọng về mỗi lúc một gần, rõ dần. Đó là chiếc máy bay bà già thân hình mảnh khảnh, đen trũi phành phạch hướng về phía trận địa của trung đoàn, tốc độ bay chậm lại, thấp dần và bám theo đường Hoàng Hoa Thám xuống Cửu An rồi vòng lai. Cứ thế con cú vọ này lượn đi rồi lượn lại bốn vòng.

- Lộ rồi? - Tôi tự hỏi mình.

Tôi ngước mắt dõi theo, thấy tư thế bay bình thường, không chao đảo, ngó nghiêng.

- Không lộ! -Tôi tự nhủ và thở phào.

Cũng là lúc tiếng chiếc bà già rên rỉ xa dần về phía Thượng An, Đầu Đèo rồi quặt lại theo đường 19 ngược phía tây, tắt hẳn.

Tôi quay sang phía tiểu đoàn trưởng, nói vui:

- Trận địa của ta đạt chất lượng tốt, đã được phương tiện kỹ thuật của địch kiểm nghiệm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM