Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:37:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7164 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:13:45 am »

Tên sách: Miền Trung những tháng ngày không quên
Tác giả: thượng tướng Nguyễn Nam Khánh
Thể hiện: Nhật Tiến
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2003
Số hóa: macbupda


Chương I
MIỀN ĐẤT - CON NGƯỜI


Có một miền đất - con người vừa là quê hương tôi, vừa là một địa bàn quân sự trọng yếu, có quan hệ máu thịt với những chiến dịch, những trận đánh mà tôi sẽ kể lại cùng bạn đọc trong tập ký ức này.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một tỉnh thuộc Liên khu 5 cũ - một miền quê giàu về tài nguyên, đa dạng về di tích, danh thắng do tạo hóa ban tặng và do cả bàn tay khối óc, kể cả máu xương của các thế hệ tiếp nối tạo dựng lên theo năm tháng.

Từ thủ đô Hà Nội, qua thành Vinh quê Bác, qua cố đô Huế đến đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống là bạn đang đi vào vùng địa đầu quê tôi - đất Quảng Nam, một trong những tỉnh lớn của cả nước. Nhắc đến Quảng Nam - Đà Nẵng là ta liên tưởng đến những cảnh quan mĩ lệ, di tích danh thắng nổi tiếng: Ngũ Hành Sơn, tháp Chiêu Sơn, núi Bà Nà, bảo tàng Chăm - nơi trưng bày lưu giữ hàng nghìn tác phẩm điêu khắc vô giá bằng đá vẽ lại đầy đủ đời sống tâm linh phong phú của cộng đồng người Chăm cách đây hàng chục thế kỷ... cùng những sản phẩm dồi dào, đặc biệt như nước mắm Năm Ô, thuốc lá Cẩm Lệ, quế Trà Mi, khoai Trà Đỏa, lụa Phú Bông, vàng Bồng Miêu, than Nông Sơn, v.v...

Hội An, một phố cổ nổi tiếng nằm gọn bên tả ngạn của sông Thu Bồn, lập nên cách đây vài ba trăm năm, đã có thời nổi tiếng cùng với kinh kỳ và phố Hiến(1) ngoài Bắc... nay vẫn còn giữ lại một nét của thời xa xưa ấy. Nơi đây có nhiều chùa, song nổi tiếng là chùa Bà Mụ, chùa Cầu với những đường nét kiến trúc tinh vi độc đáo. Đến Hội An, ta không thể không ăn những món ăn đặc biệt của xứ Quảng: mắm nêm, canh hến, cao lầu(2).

Sẽ là thiếu sót khi du khách thăm Quảng Nam lại không thăm một địa danh, một di tích được các nhà nghiên cứu đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á, như Ăng-co (Cam-pu-chia), Pa-gan (Mi-an-ma), Bô-rơ-bu-đua (In-đô-nê-xi-a). Đó là khu Thánh đô(3) Mỹ Sơn, cách thành phố Đà Nẵng 68 ki-lô-mét về phía tây nam, ẩn sâu trong một thung lũng có đường kính dài 2 ki-lô-mét với vòng núi cao bao kín.

Là thánh đô của vương quốc Chăm-pa, Mỹ Sơn chứa đựng một tổng thể kiến trúc đa dạng nhất của nghệ thuật Chăm với hơn 70 đền tháp và một số bi ký có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ.

Tháp Chàm xây dựng bằng gạch nung. Nhưng kỹ thuật sử dụng gạch ở đây thật tuyệt diệu, tinh vi. Những viên gạch được xếp nằm khít nhau không hề thấy mạch hồ và rất mỏng mà vẫn đứng vững hàng nghìn năm phơi sương gió, mưa nắng. Cát bụi chỉ làm mòn dần chứ không thể bóc rời những viên gạch ấy ra khỏi nhau.

Tháp chính mang tên Ka-lau, là nơi vua và các đại thần cùng giáo sĩ đến hành lễ. Thần thờ duy nhất đặt trong ngôi tháp này là Thần Ba-ha-ơ-re-sva-ra được biểu hiện dưới hình thức một bộ sinh lực khí Lin-ga. Đây là Lin-ga thờ vua - thần xưa nhất tìm thấy ở miền Đông Nam Á.

Lin-ga vật thờ vua - thần có hình dáng thông tục mà khái quát về khởi nguồn cuộc sống con người trong tư duy tâm linh của dân tộc Chăm.

Mặc dầu thời gian có phôi pha, bão lửa chiến tranh xâm lược của quân viễn chinh Mỹ có tàn phá, Thánh đô Mỹ Sơn vẫn đáng được đề nghị UNESCO công nhận là một danh thắng của thế giới, có sức sống trường tồn cả về ngoại hình kiến trúc, và về nội dung độc đáo trong đời sống tâm linh phong phú của cộng đồng dân tộc trên mảnh đất Quảng Nam.

Qua tượng đài chiến thắng Núi Thành xuôi phía nam trên dưới 10 ki-lô-mét là đến Quảng Ngãi - sông Trà, với mười hai cảnh đẹp, trong đó nổi tiếng nhất có: “Thiên ấn niên hà” (dấu nhà trời đóng trên dòng sông), “Long đầu hý thủy” (đầu rồng đùa nước), “Thiên bút phê vân” (bút trời chấm mây), “La Hà thạch trận” (bãi đá La Hà), “Liên trì vục nguyệt” (đầm sen trăng tắm), “Cổ lũy cô thôn” (thôn vắng cổ lũy), “Thạch Bích tà dương” (chiều tà ở Thạch Bích), v.v... cảnh vật thiên nhiên đã vô cùng kỳ thú lại thêm óc tưởng tượng của con người hình dung tô vẽ càng sinh động, nên thơ.

Trà Khúc là dòng sông nhỏ, nước nông nhưng nó đã in hình bao thắng cảnh, khăng khít gắn bó đến nỗi khi nhắc đến núi Ấn - sông Trà là ta nghĩ đó là Quảng Ngãi.

Trà Khúc, cái tên thân thương, bình dị mà thơ mộng đã gắn quyện với núi, với người tạo thành bức tranh thủy mặc gắn cái đẹp của thiên nhiên với cái đẹp của con người nơi đây. Từ xa xưa dòng sông không chỉ in bóng núi Ấn mà còn in cả những bờ xa nước - một hệ thống dẫn thủy nhập điền vừa có chiều dài lịch sử xa xưa vừa mang tính khoa học và thẩm mĩ. Dọc sông cứ cách trăm mét có một bò xe nước, mỗi bò có chín mười bánh xe, có bánh to đến mươi mười hai mét đường kính. Các bò xe thường đặt dưới lùm tre hay bên gốc đa cổ thụ ngày đêm cần mẫn chạy rầm rì không nghỉ, đưa nước vào ruộng đồng, nhờ đó mà đồng ruộng Quảng Ngãi không kém phần phì nhiêu.

Mía và sản phẩm làm từ mía cũng được coi là nét riêng của vùng núi Ấn sông Trà. Mía trồng khắp nơi trong tỉnh, ruộng mía bạt ngàn tít tắp. Mía biến thành đường, nhưng đường được chế biến bằng kỹ thuật thủ công mang tính khoa học và kinh nghiệm dân gian truyền thống thành đủ các thứ đường với các tên gọi: đường bánh, đường phổi, đường phèn, đường dăm, đường trứng cá, v.v...

Ngày nay các loại đường trắng được sản xuất bằng công nghiệp hiện đại, bày bán khắp nơi, nhưng đường thủ công Quảng Ngãi vẫn có chỗ đứng trong thị phần, vì nó ngon, có vị riêng, có thứ đường là vị thuốc như đường phèn, có thứ đường thay cho kẹo như đường phổi.


(1) Kinh kỳ, Hà Nội trước đây. Phố Hiến nơi buôn bán sầm uất thời trước, ở thị xã Hưng Yên.
(2) Một món ăn như phở áp chảo, đậm đà ngon miệng.
(3) Thủ đô của các vị thánh, nơi các vua Chăm-pa hành hương đến hành lễ tổ tiên và vua - thần.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2022, 06:56:12 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:18:25 am »

Qua đồng muối Sa Huỳnh vượt đèo Bình Đê nhìn xuống là bắt gặp rừng dừa Tam Quan của tỉnh Bình Định.

Phải chăng công uổng, công thừa
Công đâu mà tưới cho dừa Tam Quan.

Thật thế, làm sao mà tưới được dừa Tam Quan? Vì ở đây dừa như rừng. Dừa theo ven sông, dừa men bờ ruộng, dừa leo sườn đồi, dừa ngút ngàn in bóng trên bãi biển. Từ đây trở đi sẽ là xứ dừa của Liên khu 5 anh dùng. Suốt dọc những miền đất ven biển, dù là huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ hay Phù Cát, An Nhơn, ta sẽ thấy bên trái là biển Đông xanh thẳm, trên đầu là bầu trời nhiệt đới xanh trong và bên phải là rừng dừa xanh biếc.

Công dụng của cây dừa thật nhiều. Nhưng yêu mến nhất vẫn là chùm “lơ lửng giữa trời, sông không đến, bến không vào, sao có nước"(1). Quả dừa thật quý. Nước dừa là một loại nước giải khát ngọt ngào và tinh khiết tuyệt vời, nước dừa còn dùng kho cá, kho thịt, nấu canh và chế biến thành loại nước mắm dừa Bình Định - vừa ngọt vừa bùi, vừa thơm vị dừa vừa thừa vị cá, vừa có cái mặn nồng của chất đạm lại vừa có cái dịu ngọt của chất đường. Còn cùi dừa thì hoặc ăn sống với bánh đa(2), kho riêng hoặc kho với thịt làm thức ăn, hoặc làm bánh, làm kẹo. Song chủ yếu dùng để nấu dầu. Một loại dầu rất cần cho công nghệ sản xuất xà phòng.

Quy Nhơn, thị xã tỉnh lỵ tỉnh Bình Định với bao phong cảnh hữu tình. Nếu ta đứng trên núi Bà Hòa vào lúc chiều buông mà ngắm nhìn cảnh quan thị xã cùng vùng phụ cận có khác gì bức tranh thêu nhiều mầu sắc. Nhìn ra phía đông, xa xa ngoài vũng Quy Nhơn là bán đảo Phương Mai. Trên bán đảo có dãy núi cùng tên Phương Mai, cuối dãy núi mang tên mũi Đất nằm sõng soài trên mặt biển là mũi Én. Đây là đại bản doanh của loài chim yến, hàng năm cung cấp tới ba bốn nghìn tổ yến quý giá. Tổ yến đem hấp với lòng đỏ trứng gà và đường phèn Quảng Ngãi thì trở thành món ăn tuyệt vời, vừa ngon vừa bổ.

Loại đặc sản này không phải chỉ có ở Quy Nhơn mà có rải rác từ đảo Vĩnh Sơn (Quảng Bình) cho đến vịnh Hà Tiên giáp giới Cam-pu-chia. Nhưng trong khu vực có một số địa điểm tập trung nhiều nhất, đó là Cù lao Chàm (Quảng Nam), vùng hải phận tỉnh Khánh Hòa (bảy đảo ngoài khơi theo thứ tự từ bắc vào: hòn Chà Là, hòn Hố, hòn Động (hay Đụm), hòn Mun (hay Mơn), hòn Xưởng, hòn Nội, hòn Ngoại...).

Chim én (còn gọi là chim yến) thịt không ngon, lông không đẹp, hót không hay nhưng xưa nay vẫn được người ta nhắc tới luôn, vì loài chim này sản sinh ra một loại thực phẩm rất quý: tổ yến. Tổ yến chữ Hán là yến sào, chính là do chim yến nhỏ dãi ra làm thành tổ trên những hốc đá ngoài các hải đảo.

Người Trung Quốc gọi chim ấy là huyền điểu (chim sắc đen như đá huyền) hoặc du ba điểu (chim bay chơi trên sóng nước). Loại này mình nhỉnh hơn chim sẻ một chút, cánh dài và nhọn, đuôi ngắn, mỏ cong, lông ở lưng và bụng màu xám; lông đuôi và lông cánh đen nhánh như huyền.

Chim én ở trong những hang núi mà cửa quay ra phía đông. Không bao giờ ta bắt gặp chúng làm tổ ở các hang hướng tây. Chim én thường làm tổ vào quãng cuối tháng chạp âm lịch. Ban ngày từ rạng đông cho tới xế chiều chim rời hang bay đi kiếm ăn rất xa. Khi bóng tối sắp buông chim tìm về hang suốt đêm nhả dãi vào những hốc đá làm tổ như kiểu tằm nhả tơ, dãi ra từng dây chằng chịt dính với nhau thành tổ.

Tổ yến là một loại thức ăn rất bổ, rất đắt tiền, một ki-lô-gam ngang giá một lạng vàng, chủ yếu xuất khẩu. Tổ yến có hình dáng một phần tư vỏ quả cam chanh và nhìn như một sợi dệt rối rít, chằng chịt. Các tổ tìm thấy ở hốc đá khô, cao ráo thì màu trắng; còn tổ màu xám, màu xanh thì nằm ở hốc đá ẩm thấp. Có điểm sắc đỏ thường gọi là yến huyết vì người ta cho rằng sắc đỏ là do chim mẹ ứa máu ra. Yến huyết bổ nhất, đắt tiền nhất. Trước năm 1945, mỗi năm ở nước ta thu hoạch được trên một vạn tổ yến. Tổ yến ở Cù lao Chàm quen gọi là yến Quảng, to nhất, nhưng yến Khánh Hòa thơm hơn và nhiều hơn.

Trước kia nguồn lợi này nằm trong tay thực dân Pháp. Chúng độc quyền chiếm các hang chim, cho trưng thầu hoặc thuê nhân công thu lượm và nắm quyền kinh doanh, thu lợi nhuận không nhỏ; còn người đi tìm kiếm tổ yến vẫn phải sống cảnh lặn lội đói nghèo và nguy hiểm.

Đến Bình Định là du khách đến với Tây Sơn thượng đạo (An Khê, Vĩnh Thạnh), căn cứ của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, thế kỷ XVIII. Đến Bình Định là ta đến với Cây Me, giếng nước ở thôn Phú Lạc, nơi có Nhà bảo tàng Quang Trung trưng bày và lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử giúp du khách tìm hiểu một thời huy hoàng của vua Quang Trung được nhân dân ủng hộ, đã đập tan tập đoàn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và tập đoàn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, lập lại sự thống nhất đất nước, đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc), bảo vệ chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Từ Bình Định đi tiếp là tới:

Phú Yên có đỉnh Cù Mông
Có hòn Nhạn Tháp có dòng sông Ba

Câu ca dao giản dị đó đã ghi được những chấm phá có giá của bức tranh địa lý tỉnh Phú Yên. là một tỉnh tuy không lớn nhưng có địa thế đẹp và hùng vĩ.

Sông Ba lớn nhất miền Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ Tây Nguyên uốn khúc quanh co từ bắc xuống, qua Cheo Reo rồi quặt sang phía đông băng qua phần nam của Phú Yên mà đổ ra biển, ở miền thượng lưu lòng sông hẹp, lắm thác ghềnh nước chảy xiết nhưng càng về xuôi dòng chảy càng rộng, nước hiền hòa, chậm chạp. Từ Đồng Cam trở xuống dòng sông mang cái tên khác: sông Đà Rằng. Qua một đoạn đường dài gần 300 ki-lô-mét, thu hút hàng chục nhánh sông lớn từ cao nguyên đất đỏ về, sông Ba mang về Phú Yên một khối phù sa tươi tốt khổng lồ bồi đắp nên đồng bằng Tuy Hòa rộng lớn nhất, phì nhiêu nhất của miền Nam Trung Bộ.

Cũng có thể nói đồng bằng Tuy Hòa là một kho lương thực - thực phẩm của Nam Trung Bộ, khắp nơi là những ruộng lúa, những bãi mía mênh mông. Lúa ở đây nhiều loại, tẻ có ba giăng, tám thơm, móng chim, nếp có nếp bầu, nếp tượng thơm và dẻo. Mía Tuy Hòa ngọt, trồng nhiều nhất là ở Đồng Bò, ở đây thực dân Pháp cho lập nhà máy đường.

Tuy An nổi tiếng là bông, vào giữa mùa, cánh đồng tràn ngập một màu trắng mênh mông bát ngát. Bông ở đây không những cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh mà còn đi các tỉnh khác của Nam Trung Bộ, ra cả nhà máy dệt Nam Định. Ngoài ra Phú Yên còn nhiều sản vật khác, như thuốc lá Sơn Hòa, khoai lang Suối Mít, đậu tương Hòn Dung, dừa Sông Cầu, Chí Thạnh, muối Lộ Uyên, v.v...

Thị xã Tuy Hòa tuy nhỏ nhưng duyên dáng. Đứng trên núi Nhạn Tháp nhìn về phía tây là hòn Vọng Phu mịt mù mây bạc, quay về phương nam xa xa dãy Đèo Cả khi tỏ khi mờ. Trên đèo có núi Đá Bia cao vút lên như chọc thủng trời xanh, quanh năm mây mù bao phủ. Men theo bờ biển bắt gặp đầm Ô Loan, vũng Xuân Đài, vũng Rô nước trong, gió mát, sóng vỗ thông reo thật nên thơ, ngoạn mục.


(1) Câu đố về quả dừa.
(2) Tục ngữ có câu: đánh chết không chừa cùi dừa bánh đa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:20:12 am »

Nam chân Đèo Cả là cảng cá Đại Lãnh thuyền bè đầy ắp, nhộn nhịp đông vui thuộc địa đầu của tỉnh Khánh Hòa. Trước khi vào thành phố Nha Trang, ta phải qua Vạn Ninh, Ninh Hòa, một thời tự hào là huyện có nhiều loại hàng lâm sản quý như gạc nai, trầm hương, loại hàng hóa được trao đổi khắp trong Nam, ngoài Bắc mỗi khi có xe hỏa chạy qua ga Ninh Hòa; cũng là thế mạnh xuất khẩu một thời.

Nha Trang, một thành phố không lớn của Nam Trung Bộ nhưng phong cảnh hữu tình. Ở đây có sóng nước mênh mông nhưng không dữ dằn, biển phẳng lỳ cát trắng, những lớp sóng nhấp nhô ngày đêm vồ vập. Ở đây lại có dòng sông Cái ghé qua trước khi ra biển. Dòng sông chảy trên phía bắc thành phố cùng với biển ở phía đông bao bọc, Nha Trang như một bán đảo nhưng cũng không xa rừng là mấy. Vị trí nằm sát bên bờ biển, tạo cho Nha Trang một khí hậu hiền hòa. không nóng như đổ lửa mà cũng không lạnh đến thấu xương. Nhiệt độ trung bình tháng giêng là 24oC, tháng tám là 28oC. Nơi đây thường trời quang mây tạnh. Những trận mưa rào về mùa hè chỉ đổ ào ào trong chốc lát, sau đó trở lại sáng trong, đất cát thấm hết nước, đường mịn màng không chút lầy lội.

Nha Trang là nơi nghỉ mát và tắm biển vào loại tốt nhất ở nước ta, nước trong xanh, sóng hiền hòa, bãi tắm thoai thoải, phẳng lỳ không lầy lội, không có lẫn hà cứa chân, đi lại thoải mái.

Nha Trang là nơi lắm cá, có nhiều loại nổi tiếng: cá nụ. cá thu, cá ngừ. Cá mực càng nhiều, to, ngon và giá phải chăng được bán nhiều ở chợ Đầm, ở ga xe lửa phục vụ khách du lịch và tàu xuôi, ngược Bắc Nam. Ban đêm những chiếc thuyền câu mực đốt đuốc, thắp đèn câu đêm, đứng từ bờ nhìn ra chẳng khác ngàn sao lấp lánh.

Đến Nha Trang du khách không thể không đến Cam Ranh, một cảnh quan non nước hữu tình do thiên nhiên ban tặng, ở đây dãy Trường Sơn hùng vĩ không những mở rộng ra sát bờ mà còn vươn những cánh tay dài ra biển. Một cánh tay hay một mũi đất nhô ra biển rồi quặt xuống phía nam song song với bờ biển quặp lại thành một vùng biển dài như chắn gió biển Đông, tạo ra một Cam Ranh có chiều dài trên 20 ki-lô-mét, chiều ngang trên 10 ki-lô-mét. Cam Ranh thực sự là một hồ nước hiền lành, kín đáo với độ sâu từ 16 đến 24 mét, thuận tiện cho hàng trăm tàu lớn, kể cả tàu sân bay (hàng không mẫu hạm) ẩn nấp, cập bến.

Nằm sát biển nhưng Cam Ranh lại sẵn nước ngọt. Thủy triều xuống đến đâu, chỉ cần moi cát lên là có nước ngọt. Sát Cam Ranh có ngọn núi Rồng (giống như đầu con rồng đang vươn ra biển, nên người ta gọi là Hòn Rồng). Trước đây đồng bào Thượng ở rải rác trên đỉnh núi thường đốt lửa, những đóm lửa đó nhiều lúc đã trở thành những ngọn đèn phương hướng cho các tàu bè ra vào Cam. Ranh hoặc ra Bắc vào Nam. Rõ ràng Cam Ranh hội đủ điều kiện cho việc xây dựng một hải cảng. Nước sâu, kín gió, tàu bè có thể vào ra dễ dàng, có thể tránh được gió to, sóng dữ, lại sẵn nước ngọt để dự trữ trên tàu. Hồi Nga - Nhật chiến tranh (1905) cả một hạm đội của Nga Hoàng đã vào đây trú ẩn. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) có lúc Nhật đã đưa hàng trăm chiến hạm vào Cam Ranh. Và trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ đã biến Cam Ranh thành một quân cảng và là một căn cứ quân sự lớn để đánh phá phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Không chỉ có thế. Vùng biển Cam Ranh còn là nguồn hải sản dồi dào, đặc biệt là ba ba, đồi mồi, trứng víc...

Ninh Thuận có thị xã tỉnh lỵ là Phan Rang. Con sông Dinh cắt đôi Ninh Thuận thành hai vùng: Thuận Nam, Thuận Bắc. Cái tên địa lý mà đầy tính trữ tình của thơ ca. Ninh Thuận có thác Krông-pha ngoạn mục, cách thị trấn Tháp Chàm hơn 30 ki-lô-mét về phía tây, có lưu lượng nước lớn thuận tiện cho quy hoạch thủy lợi và thủy điện phục vụ cho sản xuất và đời sống của một tỉnh được xếp vào vùng ít mưa.

Ninh Thuận được xem là xứ sở của các cánh đồng nho bát ngát chạy dọc theo chiều dài của tỉnh, cho sản phẩm là những chùm nho chín ngả màu tím sẫm được người tiêu dùng cả nước biết đến vì nó chứa nhiều vi lượng rất cần cho sự sống. Một thời nơi đây sản phẩm, thuốc lá được xếp vào loại nhiều và chất lượng, phong phú về chủng loại, hàng năm các hãng thuốc lá nổi tiếng của Pháp như Bát-tô, Cô-táp, Mích... đặt đại lý thu mua. Miền biển Ninh Thuận có những cơ sở sản xuất muối lớn: Phương Cửu, Ninh Chữ, Cà Ná. Sở muối Cà Ná thời trước có tới 500 công nhân, ngày mùa lên tới ba bốn nghìn công nhân. Muối Cà Ná thuộc loại dùng trong công nghiệp, xuất nhiều ra nước ngoài.

Tháp Chàm, Đầm Vua, Núi Đền... là những di tích danh thắng hấp dẫn du khách muốn có phút giây thư giãn để chiêm ngưỡng, thả tâm hồn mình vào dĩ vãng xưa trên con đường xuyên Việt vào Nam hay ra Bắc.

Bình Thuận với tỉnh lỵ là thị xã Phan Thiết, một tỉnh cuối cùng của Nam Trung Bộ quê tôi, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200 ki-lô-mét.

Nhắc đến Bình Thuận, điều người ta nghĩ đến ngay không phải là những danh lam thắng cảnh mà là một đặc sản nổi tiếng - nước mắm! Hầu hết các thị xã, thị trấn lớn của tỉnh đều nằm trên bờ biển và nghề nước mắm tại đây rất phát triển.

Kể từ ngoài vào các thị xã, thị trấn ấy là La Gàn, Phan Rí, Mũi Né, Phan Thiết, La Gi; khách đến chơi đây, bất cứ nơi nào sẽ được thưởng thức bữa cơm toàn cá. Cá thu ăn gỏi, cá chuồn gành kho nghệ, cá ngọn nguồn nấu canh chua, cá mại nướng chả, cá núc (cá song) ăn sống với “mù tạt”... rồi mắm cá mòi ăn lót với cá sông, mắm cá ngừ ngấu, mắm cá cơm hấp tới dừ... mỗi thứ một vị ngon riêng. Đến nhà nào ta cũng bắt gặp thùng ướp cá để làm nước mắm cao ngất ngưởng, quá đầu người. Nước mắm trong như hổ phách, sánh như mật ong, ngọt bùi thơm nức.

Ngoài sản phẩm nước mắm, Bình Thuận còn có đặc sản nổi tiếng nữa là nước khoáng Vĩnh Hảo đang được bán rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu; vì nước suối Vĩnh Hảo có nhiều chất khoáng hòa tan như sắt, i-ốt, brô-muya có giá trị lớn về y học và sức khỏe con người. Trước đây trong đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945) nước suối nổi tiếng của Pháp là nước suối Vi-sy không chở sang Việt Nam được, thực dân Pháp mới nghĩ tới việc điều chế nước suối Vĩnh Hảo và sau đó dùng thấy tác dụng không kém gì nước khoáng Vi-sy.

Đến Bình Thuận, nơi du khách thường đến thăm đầu tiên là ngôi trường Dục Thanh nhỏ bé và giản dị nằm bên bờ nam sông Ca Ty, từ lâu đã trở thành, một di tích lịch sử mang tầm vóc lớn lao của cả nước. Nơi đây Bác Hồ - thầy giáo Nguyễn Tất Thành, một thời là thầy giáo của trường này trước khi Người xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước vào những năm đầu của thế kỷ XX. Du khách có thể đi thăm Núi Ông; thăm chiến khu Ô-rô, căn cứ kháng chiến hồi chín năm với bao chuyện chính sử mang tính dã sử, huyền thoại mà sống động về hiện thực với bao bi tráng; hoặc ra bãi biển Phú Hải, đứng trên đồi có lầu ông Hoàng... Tất cả phong cảnh vùng biển khơi Phan Thiết nên thơ nằm gọn dưới tầm mắt bạn.

Nhưng một miền quê mà tôi gắn bó còn bao gồm cả vùng Tây Nguyên với năm cao nguyên được tính theo thứ tự từ Bắc vào Nam: Kon Tum, Plây Cu, Đắc Lắc, Lâm Viên và Di Linh, giữ vị thế trọng yếu trên bán đảo Đông Dương, có diện tích 67.000 ki-lô-mét vuông, giáp với Hạ Lào, đông bắc Cam-pu-chia, là cửa ngõ đi vào Sài Gòn, Nam Bộ.

Tây Nguyên một vùng đất giàu có của Tổ quốc. Núi đồi Tây Nguyên mang trên mình những cánh rừng nguyên sinh, chứa nhiều gỗ quý, nhiều dã thú, sơn cầm; lòng đất Tây Nguyên ấp ủ nhiều khoáng sản; đồng cỏ Tây Nguyên xanh tươi mườn mượt; sông ngòi Tây Nguyên có sức nước dồi dào. Tây Nguyên còn là xứ sở của phong tục, lễ hội và những truyện cổ tích chất phác mà giàu tính nhân văn, của những bản trường ca giàu tính chiến đấu và trữ tình. Phong cảnh Tây Nguyên như một bức tranh nhiều màu sắc và đường nét thơ, có sức thu hút hấp dẫn du khách. Những đỉnh núi cao Ngọc Linh, Ngọc Long, Chu Yang Sin quanh năm tuyết phủ. Kon Tum có thác Yaly cao trên 40 mét, Gia Lai có hồ Tơ-rưng trong trẻo, có suối Ya Pét ánh bạc, có Biển Hồ trong xanh lúc nào cũng đầy nước; Đắc Lắc có suối Đrông Sập, thác Đrông Linh và hồ Lắc mênh mông, v.v...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:24:02 am »

*
*   *

Như bạn đọc đã biết, cư dân quê tôi vốn từ nơi Đất Tổ vô đây lập nghiệp: có lớp người theo Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tôn, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Hoàng đi mở cõi; có lớp người bất phục chế độ phong kiến, nặng lòng thương nước, thương dân mà đi tìm nơi lập nghiệp cứu nước; có lớp người phải lìa bỏ quê hương vì loạn lạc triền miên, thiên tai dồn dập, bị chế độ phong kiến áp bức, bóc lột không có đất làm ăn, còn bị quan lại cường hào truy nã đày ải mà phải ra đi. Công cuộc di dân, khai khẩn đất hoang càng đẩy mạnh thì người di cư đến càng đông, liên kết với cư dân tại chỗ(1), hình thành cộng đồng nhiều dân tộc gắn bó với nhau, hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam(2).

Con đường di cư, định cư lập nghiệp tuy có khác nhau nhưng ít nhiều trong họ đều mang theo tiến nơi ở mới cái hào khí “Trải Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần nối đời dựng nước, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo - NG(3)) - Cái cội nguồn ấy góp phần tạo nên một truyền thống yêu nước, bất khuất trong không gian và thời gian mới.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII do anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo là đỉnh cao của tinh thần quật khởi của nông dân Nam Trung Bộ chiến đấu đánh đổ thế lực phong kiến đồi bại, cát cứ, thực hiện thống nhất nước nhà, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn độc lập dân tộc, thực hiện những cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội có lợi cho dân cho nước.

Ngày 1 tháng 9 năm 1858, Pháp đưa tàu chiến đổ quân đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu âm mưu dùng sức mạnh quân sự xâm lược nước ta. Nhưng chúng đã bị nhân dân Đà Nẵng đánh trả mãnh liệt và liên tục trong 19 tháng (từ ngày 1 tháng 9 năm 1858 đến ngày 2 tháng 3 năm 1860) buộc thực dân Pháp phải chuyển quân vào đánh chiếm vùng Gia Định. Thắng lợi trận đầu này, ta đã làm phá sản kế hoạch của địch biến Đà Nẵng thành đầu cầu để đánh ra kinh đô Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng.

Suốt 42 năm tiếp theo (1858-1900) hưởng ứng hịch “Cần vương” của Hàm Nghi, phong trào chống Pháp ở Nam Trung Bộ đã bùng lên nhanh chóng với hàng trăm cuộc khởi nghĩa, nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược. Trong đó có các cuộc nổi dậy của Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam), Mai Xuân Thưởng (Bình Định), có liên hệ và phối hợp với các cuộc nổi dậy của các tỉnh Phú Yên (do các ông Lê Thành Phương, Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ, Trần Cao Vân lãnh đạo), Khánh Hòa (do các ông Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, Trần Đường lãnh đạo), Ninh Thuận, Bình Thuận (do các ông Phạm Đoan, Phạm Sằng, Ung Chiến, Cao Hành, Phùng Hân, Phùng Tá lãnh đạo) kéo dài được một thời gian, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cùng thời gian trên đồng bào Thượng ở Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng liên tục nổi dậy chống Pháp, diệt các đoàn thám hiểm, chống lại các cuộc hành quân càn quét của chúng; vẫn sống hiên ngang trong những buôn làng bất khả xâm phạm của họ. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa liên minh các dân tộc Mơ-nông, Ê-đê, Mạ, Xơ-tiêng, Cơ-ho, ở Đắc Lắc do N’trang Lơng lãnh đạo diễn ra liên tục hơn hai mươi năm (1912 - 1935) gây nhiều tổn thất cho Pháp.

Phong trào “Cần vương” bị dập tắt, phong trào “Đông du” và “Duy tân” lại bùng lên, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 1908 - 1909 phong trào chống sưu cao, thuế nặng tập hợp dưới danh nghĩa “Đồng bào” mạnh “như nước lụt vỡ đê, cuốn cả toàn kỳ trên mười tỉnh vào làm xoáy khu ốc, ảnh hưởng sâu rộng khắp trong nước, cả Nam, Bắc”.

Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cổ súy phong trào khai dân trí. chấn dân khí, hậu dân sinh, dấy lên các hoạt động chấn hưng thương nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở trường dạy chữ quốc ngữ, lập trường kiểu mẫu. Nghĩa thục ở Quảng Nam, trường Dục Thanh ở Bình Thuận, vận động chống đồi phong, bại tục, chống cường hào, vua quan thối nát. bỏ khăn đen, áo dài, cắt tóc ngắn...

Chi nhánh “Việt Nam quang phục hội” ở Nam Trung Bộ do ông Thái Phiên lãnh đạo đã xây dựng lực lượng nghĩa quân từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, ráo riết chuẩn bị vũ khí, lương thực để thực hiện kế hoạch khởi nghĩa dự định ngày 3 tháng 5 năm 1916 bắt đầu khởi sự từ Huế, nhưng bị lộ, việc khởi nghĩa không thành.

Giặc Pháp đàn áp dã man phong trào yêu nước của nhân dân Nam Trung Bộ. Chúng đã xử tử các ông Trần Quý Cáp. Nguyễn Bá Loan, Tựu Khiết, Phan Long Bằng, Trần Cao Vân. Thái Phiên, Lê Nguy, Mai Xuân Thưởng, N’trang Lơng; đày đi Côn Đảo các ông Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành và nhiều người khác.

Kết quả của các phong trào chống Pháp lúc bấy giờ còn hạn chế do chưa có đường lối và phương pháp đấu tranh đúng. Nhưng tinh thần yêu nước, chí quật cường của thế hệ cha ông quê tôi thật tuyệt vời, mãi mãi là tấm gương soi trong suốt cho mọi thế hệ tiếp sau nối bước. Sự hy sinh lẫm liệt vì nước vì dân của các sĩ phu yêu nước có sức thôi thúc nhân dân Nam Trung Bộ và nhân dân cả nước trong các cuộc vận động cách mạng trong sự nghiệp giữ nước sau này.

Ngay từ các năm 1927-1930, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Tân Việt cách mạng Đảng - các tổ chức tiền thân của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hình thành từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Lâm Viên với khoảng 500 đảng viên, 134 chi bộ, 10 ban huyện ủy lâm thời. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã thành lập ban chấp hành tỉnh ủy lâm thời để chỉ đạo điều hành công việc được thống nhất. Từ đây phong trào yêu nước chống sự thống trị của thực dân Pháp và tập đoàn phong kiến tay sai có hướng đi đúng, có phương pháp đấu tranh phù hợp, nhờ đó đã dấy lên cao trào chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11 tháng 3 năm 1945. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa này như là một hiệu lệnh chung thúc giục sự nhất tề khởi nghĩa của toàn vùng. Sau Ba Tơ là đến các tỉnh: Quảng Ngãi, 14-16 tháng 8; Quảng Nam, 18 tháng 8; Khánh Hòa, 19 tháng 8; Ninh Thuận, 21 tháng 8; Bình Định, 22 tháng 8; Gia Lai, 23 tháng 8; Kon Tum, Lâm Viên, Đắc Lắc, Phú Yên, 24 tháng 8; Bình Thuận, 25 tháng 8...

Dân cư quê tôi là như vậy đó. Truyền thống yêu nước bất khuất, tình đoàn kết cộng đồng luôn là sức mạnh tiềm ẩn, khi có Đảng lãnh đạo thì sức mạnh tinh thần ấy bật dậy, biến thành hành động, thành sức mạnh vật chất, quyết định khởi nghĩa. Và chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 14 đến ngày 28 tháng 8 năm 1945 toàn bộ chính quyền địch ở 12 tỉnh của Nam Trung Bộ đã về tay nhân dân.


(1) Từ ngàn xưa, trên vùng đất Nam Trung Bộ ngày nay đã từng sinh sống các dân tộc: Cà-tu, Cor, Xơ-đăng, Giẻ-triêng, Bờ-râu, Bơ-năm, Ba-na, Hrê, Chăm, Gia-rai, E-đê, Ra-gơ-lây, Mơ-nông, Mạ, Cơ-ho, Chu-ru, Xơ-tiêng...
(2) Dân số Nam Trung Bộ năm 1945 là 3,4 triệu người. Năm 1979 có 7,5 triệu, năm 1990 là 9,2 triệu, trong đó trên một triệu là người các dân tộc thiểu số.
(3) Người ghi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:26:16 am »

*
*   *

Ở vào khoảng giữa của tấm bản đồ Tổ quốc, Khu 5 rộng trên 97.000 ki-lô-mét vuông, kéo dài từ vĩ tuyến 16 đến vĩ tuyến 11, có địa giới chung với Thừa Thiên Huế ở phía bắc, Bình Phước, Bình Dương ở phía nam; có biên giới chung hai nước Lào và Cam-pu-chia ở phía tây, với một ngã ba biên giới gần đến nỗi chỉ tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe thấy.

Trong kháng chiến chống Pháp, Khu 5 chia thành 10 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận (vùng đồng bằng ven biển), Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng (vùng Tây Nguyên). Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu 5(1) chia thành 14 tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai. Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng.

Nằm ở miền Trung của đất nước, trước mặt là biển Đông có dải Trường Sơn và cao nguyên hùng vĩ, Khu 5 là một địa bàn quân sự có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước; là một căn cứ vững chắc và lâu dài của cách mạng Việt Nam; là chỗ dựa và bàn đạp tỏa đi các hướng chiến lược khác.

Khu 5 là hành lang chiến lược nối liền hai miền Nam và Bắc nước ta, gắn với Khu 4, giao tiếp với Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, tạo thành thế đứng vững ở phần giữa nước ta và phần nam Đông Dương, không chỉ trong chiến tranh giải phóng trước đây mà cả sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Hình thể tự nhiên quê tôi là như vậy! Giàu về sản vật, tài nguyên, đẹp về cảnh quan, giữ thế hiểm về quân sự.

Trong trận chiến 30 năm (1945 - 1975), những đồng ruộng ven biển miền Trung, những nương rẫy mầu mỡ trên cao nguyên đất đỏ đủ lúa ngô, khoai sắn nuôi bộ đội đánh giặc dài ngày; những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh, những quần thể đồi núi sông suối và mạng đường sá dọc ngang đã tạo “địa lợi” cho giấu quân, lập cứ, tiến hành hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ, hàng trăm loại hình chiến dịch tạo thế, tạo lực thực hành tiến công, phòng ngự, bao vây vu hồi, thọc sâu chia cắt, làm nên những trận đánh hiện thực mà huyền thoại: Vạn Giã, Hiền Lương, Ngân Sơn, Chí Thạnh, Com-plông, Tú Thủy, Thượng An, Cửu An, Măng Đen, Măng Bút, Công Brây, Đắc Đoa, Plây Ring, Đắc Pơ, Chư Đrếch, Kỳ Sanh, Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me, Sa Thầy, Núi Sầm, Hiệp Đức, Minh Long, Thuận Ninh, Nông Sơn, Tuy Phước, Bồng Sơn, Gò Loi, Hòn Bồ, Cấm Dơi, Thượng Đức, Tam Kỳ, Đường 19 - An Khê, Buôn Ma Thuột, Củng Sơn, Cheo Reo, v.v... góp phần dẫn tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cảm ơn một mảnh đất, một miền quê nơi tôi sinh thành, đã cho tôi cơ hội thử thách, phấn đấu trưởng thành, cùng đồng đội góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung để giờ đây có điều kiện kể cùng bạn đọc những điều tôi được chứng kiến, được tham gia vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược với những tâm đắc, cảm thụ riêng của mình.


(1) Về tổ chức chỉ huy quân sự, toàn miền Nam chia thành bốn chiến trường, mang ký hiệu:
- B1: các tỉnh duyên hải từ Quảng Nam đến Khánh Hòa.
- B3: các tỉnh vùng Tây Nguyên: Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum.
- B4: các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
- B2: các tỉnh Cực Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng) và các tỉnh thuộc Nam Bộ cũ từ Đồng Nai trở vào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:32:14 am »

Chương II
NHỮNG NGÀY THÁNG ĐỔI ĐỜI


Cũng như các nơi khác trong cả nước, một cao trào cách mạng mới đã đến với Bình Định ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp đêm ngày 9 tháng 3 năm 1945 tại thị xã Quy Nhơn. Không thể chậm trễ, giữa tháng 4 tại huyện Hoài Nhơn, Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh được thành lập để lo công việc chỉ đạo chung... Cuối tháng 5, đại biểu các nhóm Việt Minh ở Phú Lạc, Vĩnh Thạnh, thị trấn Phú Phong và các đảng viên cũ ở Thủ Thiện... huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) họp tại hãng dệt Đờ-li-nhông(1) thống nhất thành lập Ủy ban vận động Việt Minh huyện do đồng chí Võ Xán(2) làm bí thư. Từ đây phong trào cách mạng huyện Bình Khê bước vào giai đoạn mới, trực tiếp gấp rút chuẩn bị lực lượng tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Như lớp thanh niên sống nửa đầu thập niên bốn mươi đầy sóng gió và bất hạnh, tôi tìm đến cách mạng bằng tất cả sự thôi thúc, mong đợi như nắng hạn mong mưa rào. Tôi sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân như bao gia đình nông dân khác ở huyện Bình Khê, bị những tên chủ thực dân chiếm đoạt hết ruộng đất(3), phải làm công nhân hãng dệt Đờ-li-nhông. Nhưng ba má tôi cắn răng chịu cực, tần tảo chắt chiu cho tôi ăn học những mong khỏi bị địa chủ và tây bắt nạt. Hết tiểu học tôi lều chõng xuống Quy Nhơn theo tiếp trung học được hơn một năm thì bỏ học vì ba má không sao thắng nổi cái nghèo khó đến gõ cửa. Tuy sự học bị dở dang nhưng năm tháng học trường huyện, thầy giáo Nguyễn Đông (vừa là chú họ) đã chỉ cho tôi nhận biết nhiều điều về nhân tình thế thái. Những giờ sử ký, ông thường xen vào kể chuyện về khởi nghĩa Tây Sơn, về chuyện sĩ phu Mai Xuân Thưởng(4) hưởng ứng hịch “Cần vương” lãnh đạo nhân dân huyện Bình Khê chống Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất... khơi dậy trong học sinh chúng tôi lòng tự hào về quê hương, đất nước. Chúng tôi cứ mong đến giờ sử ký để được nghe thầy kể chuyện lịch sử nước mình, dân mình. Những lúc chỉ có thầy và tôi, ông lấy tình cha chú trong gia đình thẳng thắn khuyên nhủ - con ráng học để thành người, sau này làm việc gì cũng được, chớ làm nghề bợ đỡ Tây.

Cuối năm 1943 tôi trở thành công nhân dệt thực thụ của hãng dệt mà ba má tôi đang làm. Cuộc sống gia đình bớt chút khó khăn, nhưng trong tâm tư lúc nào cũng bị ức chế. Mỗi khi nhìn thấy những tên chủ, tên quản đốc da trắng, mũi khoằm, mắt xanh, tóc hung đi đứng ngông nghênh, ngạo mạn, tự đắc, nói năng hống hách, khinh miệt là tôi nóng mặt. Những lúc đó, tôi lại nghĩ đến lời khuyên của chú tôi...

Một hôm làm việc quá căng, người lảo đảo muốn ngã, tôi phải dừng máy ít phút để lấy lại thăng bằng thì thằng chủ Tây vừa đến. Không nói không rằng hắn giơ tay tát mạnh vào mặt tôi và mồm chửi “Tet an liair”, tạm dịch: Mày nhìn gì trong không trung. Bỗng trời đất tối sầm, toàn thân tôi khựng lại như muốn đổ. Tôi gắng gượng, đứng thẳng người, nhìn chiếu tướng vào tên quản đốc cao to, lông lá đầy ngực định trả đũa lại bằng một cái tát. Nhưng tôi kịp thời kìm chế - tự nhủ - làm như vậy liên lụy đến cả gia đình, cả ba má tôi sẽ bị cúp lương, tống giam và đuổi việc, cuộc sống gia đình sau đó sẽ ra sao? Tên quản đốc nhìn tôi, chờ tôi cúi đầu nhận tội. Không, tôi không làm gì cả ngoài cái nhìn nghiêm khắc. Hắn bỏ đi kèm theo câu chửi khinh miệt quen thuộc “đồ con lợn”.

Đêm hôm đó, tôi thao thức không sao ngủ được, với bao suy nghĩ mông lung, kể cả ý nghĩ muốn thoát khỏi nơi đây. Nhưng đi đâu và làm gì, liệu có tốt hơn nơi quê mình thì không có lời giải.

Giữa lúc đang đứng ngã ba đường chưa biết đi về đâu thì cách mạng về với cái từ mới mẻ mà gần gũi: Việt Minh! Sự thôi thúc, sự mong đợi trong tôi bật dậy, như bao thanh niên khác nơi quê hương Bình Khê đã được cách mạng đón nhận và chắp cánh cho bay cao, bay xa theo nguyện vọng của mình.


(1) Là một trong những nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương (năm 1911 có 600 công nhân, năm 1945 có 2.000 công nhân) đặt tại thị trấn Phú Phong, độc quyền khai thác, chế biến tiêu thụ tơ lụa ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
(2) Đồng chí Võ Xán, quê Bình Hòa, Bình Khê, là một chiến sĩ cộng sản (từ năm 1937) kiên cường, bị địch bắt, đưa từ nhà tù Sơn La về giam tại nhà lao thị xã Quy Nhơn. Tại đây đồng chí Võ Xán cùng các đảng viên khác vận động thành lập chi bô đảng trong nhà tù do đồng chí làm bí thư. Cuối năm 1943, chi bộ tổ chức vượt ngục, ra khỏi tù đồng chí trở về Bình Khê hoạt động, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại Quy Nhơn.
(3) Hai tên thực dân Pháp Đờ-li-nhông và Ma-rít đã chiếm hơn 40.000 mẫu ruộng của nông dân huyện Bình Khê, lập các đồn điền trồng chè, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi trâu bò, khai thác rừng.
(4) Mai Xuân Thưởng, sinh năm 1860 tại làng Phúc Lạc, xã Bình Thành, huyện Bình Khê, đỗ cử nhân năm 1885. Ông bị Pháp bắt đưa ra xử chém ngày 7 tháng 6 năm 1887. Hiện trên đất Bình Khê còn nhiều dấu tích căn cứ do ông dựng nên để chống Pháp liên tục trong ba năm (1885-1887): Hương Sơn (Bình An), Bắc Trai (Bình Hiệp), Nam Trai (Bình Tường), Lai Đông (Bình Phú), Hòn Kho (Bình Giang).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:33:46 am »

Cuối tháng 3 năm 1945, cán bộ Việt Minh mà lần đầu tôi được gặp ngay tại hãng dệt Đờ-li-nhông là hai anh Lê Văn Nhiễu và Nguyễn Chơn vừa thoát khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột sau ngày 9 tháng 3 Nhật đảo chính Pháp được phân công ở lại Bình Khê hoạt động. Các anh vẫn còn xanh gầy, dấu vết của những năm tháng bị thực dân Pháp giam cầm. đày ải, lao động khổ sai. Nhưng dáng dấp các anh thì hoạt bát, tinh nhanh, sôi nổi, dễ gần, khóe mắt, nụ cười luôn lạc quan, yêu đời. Các anh đều là những người con của quê hương Xô-viết Nghệ Tĩnh đã đi vào lịch sử, tham gia cách mạng khi đang còn tuổi học sinh vì yêu nước, yêu giai cấp cần lao, không chấp nhận cảnh đời nô lệ, mất nước; không chấp nhận áp bức bất công mà dấn thân, không chịu khuất phục địch giam cầm, tra tấn, vẫn kiên trinh, tin tưởng, tìm cách thoát tù tiếp tục lao vào hoạt động không biết mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Chính cuộc đời thật đẹp của các anh đã thuyết phục chúng tôi, và bằng những điều giảng giải của các anh sau đó, ngắn gọn mà rõ ràng, giải tỏa được các băn khoăn, trăn trở và cả mặc cảm đã làm chúng tôi giác ngộ, trở thành hội viên của tiểu tổ Việt Minh đầu tiên ở hãng dệt Đờ-li-nhông. Sự đổi đời của tôi được bắt đầu từ cuối tháng 3 năm 1945. Và sau đó cả ba chúng tôi: Trần Đình Chi, Bùi Tấn Ba, Nguyễn Nam Khánh trở thành hội viên Việt Minh cốt cán. Cuộc đời phơi phới, lâng lâng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do Ủy ban vận động Việt Minh huyện giao.

Mặc dầu vẫn còn một tiểu đội lính khố xanh canh gác, mặc dầu tri huyện Tôn Thất Diện vẫn có mặt ở huyện đường Bình Khê, hãng dệt Đờ-li-nhông lúc này hoàn toàn thuộc về ta. Là nơi hội họp, tập luyện của các tiểu tổ Việt Minh, của tổ tự vệ cứu quốc và thanh niên cứu quốc. Anh Lê Văn Nhiễu và Nguyễn Chơn đã vận động được Phạm Lương, giám đốc điều hành hãng dệt Đờ-li-nhông vào tổ chức Việt Minh, nên Phạm Lương đã dành hẳn một gian phòng rộng để thanh niên và công nhân sinh hoạt, đọc sách báo, nghe nói chuyện, vui chơi, văn nghệ, tổ chức cho thanh niên đi thăm các di tích lịch sử đền Tây Sơn, lăng Mai Xuân Thưởng, Hầm Hồ... qua đó phổ biến chương trình, điều lệ mặt trận Việt Minh. Đối với nữ công nhân ở bộ phận nhuộm, anh Nguyễn Chơn còn mở nhiều lớp để tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Chị em đã đánh máy thành nhiều bản giới thiệu chương trình Việt Minh để phổ biến rộng rãi cho mọi người biết và vận động họ tham gia vào các đoàn thể như phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc...

Đầu tháng 4, sau khi được kết nạp vào tổ chức Việt Minh, cả ba chúng tôi được bổ sung vào Đội tuyên truyền xung phong lưu động trên địa bàn các huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước và thị xã Quy Nhơn, do anh Lê Văn Nhiễu làm đội trưởng, anh Nguyễn Chơn đội phó. Đội chia thành hai tổ: tổ diễn thuyết và tổ văn nghệ - ngâm thơ, diễn kịch.

Trước khi lên đường, anh Võ Xán, bí thư Ủy ban vận động Việt Minh huyện Bình Khê đến thăm động viên khích lệ chúng tôi rất nhiều. Từ lâu đã nghe tên anh, biết nhà anh khác xã nhưng liền với thôn tôi, nhưng hôm nay mới gặp, thật bất ngờ mà vui! Dáng thư sinh, nho nhã mà chắc khỏe. Mới gặp mà đã như biết nhau từ lâu, anh thân mật, cởi mở, dễ gần. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, công việc chuẩn bị lên đường có khó khăn gì, anh vào đề luôn. Từng ý nhấn mạnh anh đều bắt đầu từ chữ muốn. Anh nói: Muốn khởi nghĩa thành công phải có đông đảo quần chúng tham gia; muốn có đông đảo quần chúng tham gia, phải có công tác tuyên truyền cổ động; muốn tuyên truyền cổ động đạt kết quả cao không chỉ rỉ rả từng người mà phải thực hiện tuyên truyền xung phong, vũ trang, tổ chức những cuộc mít tinh, diễn thuyết công khai, kết hợp tán phát truyền đơn, áp phích, băng cờ nhằm hô hào cổ động mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân tham gia đội ngũ cách mạng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Ngừng một lát, anh chậm rãi tiếp: Nội dung kế hoạch cụ thể các đồng chí đã bàn, tôi chỉ nhấn thêm về vai trò công tác tuyên truyền xung phong lúc này là rất quan trọng, có tác dụng góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng tiến tới cao trào, hy vọng các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ này...

Anh lần lượt nắm chặt tay từng người lắc mạnh tạm biệt trong lưu luyến, tự tin với nhiệm vụ được giao. Mọi người tranh thủ hoàn thành tiếp những việc được phân công. Tổ diễn thuyết lại đọc, lại nhẩm cho thật thuộc lòng các đề cương diễn thuyết đã được biên soạn theo các chủ đề: kháng Nhật là con đường sống còn duy nhất của dân tộc ta; những chính sách cấp bách cứu nước cứu nhà của Mặt trận Việt Minh, v.v... Tổ văn nghệ học thuộc hai kịch bản: Kịch thơ Nguyễn Trãi - Phi Khanh. Riêng tôi được phân diễn vở tuồng Trần Bình Trọng, đã học thuộc cách đây hai ngày; giờ chỉ còn nghĩ cách diễn như thế nào cho hay, đặc biệt luyện nói như thế nào cho dõng dạc, khí phách của Trần Bình Trọng: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:35:22 am »

Thượng tuần tháng 4 chúng tôi lên đường theo đò dọc xuôi dòng sông Côn cập bến An Vinh. Quang cảnh bến đò tấp nập người lên xuống, nhưng khi thấy chúng tôi từ đò bước lên, tuy không có đồng phục, ai nây đều vận quần áo gọn gàng, sạch sẽ, đầu đội mũ rộng vành, bo mũ có múi đúng kiểu hướng đạo sinh, người đi trước vác cờ đỏ sao vàng, có hai người, một mang mã tấu, một mang súng trường đi hai bên bảo vệ, khiến mọi người vòng quanh nhìn ngó, có tiếng xì xào: Việt Minh! Việt Minh! Rồi cứ đi theo đoàn. Anh Nhiễu phải đứng lại đưa tay lên thay loa, nói: Đồng bào ai việc nào vào việc nấy, tối nay mời đồng bào đến xem kịch và nghe diễn thuyết. Đến lúc này mọi người mới tản ra, bến đò tấp nập trở lại.

Chúng tôi gặp tổ Việt Minh thôn An Vinh thống nhất kế hoạch tổ chức bảo vệ cuộc mít tinh - diễn thuyết tối nay và đề nghị vận động bà con đến dự càng đông càng tốt.

Trời mới nhá nhem mà bà con đã đến rất đông, thành ba bốn lớp bao quanh ánh lửa hồng đã cháy bén vào thân củi, sáng rực cả khu vực chung quanh. Nơi diễn thuyết là một cái bàn được kê sẵn, trước bàn là cột cờ cao mười mét, dưới chân cờ là tôi được phân công bồng súng đứng gác. Cảnh trí oai nghiêm mà gần gũi, bà con ai nấy vui vẻ cười đùa và ai cũng hết ngước nhìn cờ bay phần phật trước gió lại nhìn tôi đứng gác với quần áo giày mũ chỉnh tề, tư thế nghiêm trang, uy thế Việt Minh lên cao trong ánh mắt mọi người.

Anh Lê Văn Nhiễu giới thiệu chương trình, anh Bùi Tấn Ba được phân công diễn thuyết mở đầu buổi mít tinh theo đề cương Kháng Nhật là con đường sống còn duy nhất của nhân dân ta, đang đứng trên bàn cao nhìn khắp lượt bà con đứng xung quanh. Phút im lặng trôi qua vẫn chưa thấy anh vào đề? Tôi đứng cạnh anh vừa hồi hộp vừa bồn chồn lo lắng, hay là anh chưa thuộc bài!

Bỗng anh dõng dạc: Hỡi các giới đồng bào !... Chúng tôi vui hẳn lên, thực sự phấn khởi vì anh đã hùng hồn, lưu loát diễn giải vì sao ta phải kháng Nhật, được đồng bào nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh sau khi anh hô lớn khẩu hiệu có sức cổ vũ, thôi thúc lòng người, kể cả những người trong cuộc chúng tôi:

Đánh đuổi giặc Nhật!

Tiễu trừ Việt gian!

Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!

Nước Việt Nam cộng hòa dân chủ muôn năm!

Đêm mít tinh kết thúc, cả diễn thuyết và diễn kịch - vở tuồng Trần Bình Trọng do tôi phụ trách đều đạt kết quả tốt mà nguyên nhân chính là hai chúng tôi đều thuộc bài, thuộc vở, chủ động trong diễn xuất hấp dẫn người xem, người nghe.

Rời An Vinh, An Thái chúng tôi xuôi xuống thành Bình Định, thị xã Quy Nhơn, Diêu Trì rồi ngược lại Phú Phong lên An Khê. Từ tháng 4 đến tháng 8 Đội tuyên truyền xung phong Bình Khê đã đi qua hơn 100 thôn xã thuộc các huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước, thị xã Quy Nhơn. Đến đâu chúng tôi cũng tổ chức mít tinh diễn thuyết và diễn kịch công khai hô hào quần chúng không tham gia làm việc cho Nhật, không hợp tác với kẻ thù, không tiếp tay cho chúng áp bức bóc lột nhân dân, không giúp chúng dò xét, phá hoại cách mạng; hãy tham gia biểu tình, thị uy, bãi công, bãi thị, bãi khóa do Việt Minh tổ chức làm cho giặc Nhật bối rối thêm...

Đến đâu cũng vậy, đêm tổ chức mít tinh, diễn thuyết, diễn kịch, ngày nấu thạch in truyền đơn, khẩu hiệu (theo nội dung hướng dẫn của trên) phát xuống cơ sở, cùng tổ Việt Minh địa phương căng băng, cờ, dán áp phích hô hào, cổ động nhân dân sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Những ngày như thế này thật vui, đến đâu cũng được bà con cô bác niềm nở đón tiếp, tạo điều kiện cho đội hoàn thành nhiệm vụ một cách suôn sẻ, an toàn. Chỉ một lần khi chúng tôi đang diễn thuyết ở chợ Tuy Phước thì cảnh sát địch đến đòi giải tán. Do có chuẩn bị trước, tổ tự vệ cứu quốc Diêu Trì đã có mặt tức thì - nghiêm khắc cảnh cáo toán cảnh sát và mở lối ra cho chúng - muốn tính mạng được an toàn, các anh phải rút ngay và không được báo cho Nhật biết... Cuộc diễn thuyết và diễn kịch lại tiếp tục, dân đi chợ kéo đến ngày một đông nghe chúng tôi nói chuyện về nhiệm vụ kháng Nhật. Khí thế quần chúng càng lên cao.

Đầu tháng 8, Đội tuyên truyền xung phong được lệnh giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tình hình đang diễn biến phức tạp, công việc chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa đòi hỏi cụ thể và khẩn trương. Các anh Lê Văn Nhiễu, Nguyễn Chơn trở lại Quy Nhơn tham gia ban chỉ đạo khởi nghĩa, tỉnh giao lãnh đạo phong trào cách mạng Bình Khê cho các anh Phạm Lương, Trần Đình, Nguyễn Đãi đảm nhiệm; tôi lại trở về Đội tự vệ cứu quốc hãng dệt Đờ-li-nhông thành lập hồi tháng 6 mà tôi được giao nhiệm vụ đội phó.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:37:18 am »

Bình Khê vào những ngày đầu tháng 8, không khí cách mạng đã thực sự trở nên nhộn nhịp, sôi động. Nhiều đội tự vệ cứu quốc ở thị trấn Phú Phong và các xã phụ cận ra đời. Riêng số đội viên tự vệ cứu quốc trong công nhân hãng dệt Đờ-li-nhông lên tới hơn 100 người, lấy xưởng cơ khí của nhà máy là nơi sản xuất vũ khí (chủ yếu là rèn kiếm, giáo mác, dao găm, mã tấu) trang bị cho các đội viên tập luyện, chờ ngày hành động.

Tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh (Anh, Mỹ, Pháp, Nga) đến Bình Khê vào chiều ngày 14 tháng 8 năm 1945, sau đó lan nhanh khắp thị trấn Phú Phong và các thôn xã lân cận. Đi đến đâu cũng nghe tiếng xôn xao bàn tán công khai: Nhật đầu hàng, Nhật thua trận, đáng đời quân xâm lược, đáng đời tên giặc lùn... Bộ máy chính quyền từ huyện đến xã bắt đầu hoang mang dao động, một số xã trưởng, thôn trưởng đến gặp cán bộ Việt Minh phân trần, thanh minh, tự nguyện nộp con dấu và sổ sách. Ngược lại về ta, khí thế cách mạng của quần chúng bỗng sôi sục hẳn lên, đâu đâu cũng hỏi đã có lệnh khởi nghĩa chưa. Thời cơ thuận lợi đã đến, nhưng làm gì và làm như thế nào thì không ai trả lời được. Vả lại cũng chưa có lệnh của cấp trên. Đang lúc lúng túng chưa biết xoay xở ra sao thì anh Võ Xán từ Quy Nhơn trở lại Bình Khê triệu tập một cuộc họp lớn tại hãng dệt Đờ-li-nhông. Tôi cũng được tham dự.

Mãi tới 8 giờ tối cuộc họp mới bắt đầu, vì còn phải chờ đại biểu Việt Minh các thôn, xã ở xa tới. Qua ánh đèn dầu tôi thấy anh Võ Xán vẫn dáng dấp khắc khổ mà lanh lợi, kiên nghị mà tình cảm, hai mắt trũng sâu, thâm quầng biểu hiện của nhiều đêm mất ngủ. Chưa họp mà mọi người cứ vây quanh anh hỏi đủ thứ tình hình, hỏi Bình Khê bao giờ khởi sự.

Mở đầu cuộc họp, anh thông báo tóm tắt tình hình chung: Ngày 13 tháng 8, Hội nghị toàn quốc của Đảng do Bác Hồ chủ trì họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) bàn về công tác chuẩn bị khởi nghĩa, về kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời thì được tin phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa và phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; đồng thời ngay trong đêm Ủy ban khởi nghĩa hạ lệnh số 1 với nội dung: ... Giờ tổng khởi nghĩa đã điểm! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy độc lập của nước nhà. Đập tan muôn tràng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến!...

Như vậy là phát xít Nhật, kẻ thù chính của chúng ta đã ngã gục, thời cơ đã chín muồi, yêu cầu các thôn xã, nhất là hãng Đờ-li-nhông cần kiểm điểm lại lực lượng, sắp xếp lại tổ chức, trang bị vũ khí, sẵn sàng khi có lệnh là vùng dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền. Để đảm bảo cho khởi nghĩa thành công yêu cầu chúng ta phải hành động nhanh chóng, kiên quyết, anh dũng và thận trọng...

Cuối cùng anh Võ Xán trình bày dự kiến sau khi khởi nghĩa thành công, là phải thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện và Ủy ban cách mạng lâm thời các xã, để điều hành công việc chung và tuyên bố thực hiện mười chính sách Việt Minh... Trước hết cần làm ngay các việc bãi bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; chia lại ruộng công cho dân nghèo, thực hiện giảm địa tô, giảm tức, hoãn nợ, cứu tế dân bị nạn; thực hiện dân tộc bình đẳng nam nữ bình quyền.

Mãi 12 giờ đêm cuộc họp mới kết thúc. Mặc dầu đêm đã khuya, anh Võ Xán không nghỉ lại mà về ngay Quy Nhơn. Ôi! Thật là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo. Lúc này công việc chuẩn bị khởi nghĩa ở thị xã, tỉnh lỵ thật nhiều phức tạp, anh vẫn bứt ra, về với Bình Khê, phần vì anh vẫn còn trách nhiệm là bí thư Ủy ban vận động Việt Minh huyện; phần vì tình cảm sâu nặng với quê hương. Anh về thật đúng lúc, qua bốn tiếng làm việc liên tục không nghỉ đã tháo gỡ những lúng túng của chúng tôi, chỉ cho chúng tôi công việc bắt đầu từ đâu và làm thế nào để khởi nghĩa thành công.

Ngày 21 tháng 8, Đội tự vệ cứu quốc của hãng dệt Đờ-li-nhông do tôi làm đội trưởng đang tiếp tục thực hiện công việc chuẩn bị khởi nghĩa tại huyện nhà do anh chỉ thị, lại được lệnh do chính tay anh ký - chuẩn bị gấp về tham gia khởi nghĩa tại thị xã Quy Nhơn.

Vinh dự, phấn khởi đi liền với lo lắng, lệnh đến quá gấp mà đoạn đường lại xa! Làm thế nào đến đúng thời gian quy định? Tính tới tính lui, cuối cùng chúng tôi quyết định ra đường 19 chặn xe đò xin quá giang(1). Để đảm bảo thành công tôi đã vận động ông Ngô Phiên là lái xe cho tên chủ hãng dệt giúp đỡ. ông đồng ý ngay, chúng tôi phấn khởi và rối rít nắm tay ông lắc mạnh, cám ơn, cám ơn! Đang vui, thỏa mãn với thành công ngay từ đầu thì đồng chí đội phó đến ghé tai – cần hai tài xế mới đủ, vì đội tự vệ của ta khá đông, trên 50 đội viên.


(1) Đi nhờ xe, nhờ thuyền.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:40:34 am »

Lấy đâu ra tài xế lúc này? Tôi trao đổi băn khoăn của mình với ông Ngô Phiên:

- Có chớ - bác Phiên vui vẻ trả lời.

- Ở đâu, thưa bác - tôi hỏi.

- Thằng Ẩn, Ngô Ngọc Ẩn con trai tôi - bác Phiên trả lời.

- Ngô Ngọc Ẩn? - Tôi băn khoăn và thắc mắc!

Bác Phiên cười sảng khoái nói - Đúng là thằng nhỏ chưa có bằng, nhưng nó tự tập do tôi kèm. Nó đã nhiều lần đưa rước ông chủ thay tôi phần mắc bận, phần vì tôi muốn cho nó có điều kiện thực hành.

Thế là yên tâm người lái. Tôi và hai đội viên tự vệ dáng người cao to, khuôn mặt thoáng nét dữ dằn đứng trên đoạn đường 19, tây thị trấn Phú Phong. Thật may chỉ nửa tiếng sau đó có tiếng động cơ ầm ì từ phía An Khê vọng lại mỗi lúc một gần. Tôi thật sự hồi hộp và lo lắng không biết người ta có cho mình quá giang không? Lúc này đầu óc tôi lóe lên bao giả thiết, kể cả giả thiết họ không chịu thì làm gì.

Hai xe xuất hiện, tôi mừng thầm tự động viên – đủ số lượng xe mình cần. Xe cách khoảng 200 mét cả 3 chúng tôi dang tay ra hiệu dừng xe. Xe giảm tốc độ và dừng lại. Nhìn lên xe thấy hành khách và bác tài tỏ vẻ hoang mang, lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra với mình?

Thấy vậy, tôi trấn an:

- Xin bà con cô bác yên tâm! Chúng tôi là Đội tự vệ cứu quốc của Ủy ban vận động Việt Minh huyện Bình Khê muốn thưa chuyện.

Phong trào cách mạng ở huyện Bình Khê có từ những năm đầu của thập kỷ ba mươi. Đến năm 1936, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập ở huyện Bình Khê nhằm mở rộng phong trào cách mạng ở phía tây tỉnh. Từ cuối năm 1944 đầu năm 1945 phong trào cách mạng càng phát triển rộng khắp các vùng nông thôn và miền núi. Cộng sản, Việt Minh - những từ ngữ ấy không còn xa lạ, không bị ngộ nhận, trái lại đã trở thành quen thuộc đối với nhiều người; nhất là những tháng gần đây, sau ngày Nhật đảo chính Pháp nhiều gia đình có con em tham gia Việt Minh, tham gia các đoàn thể cách mạng như thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc. Ở Bình Khê từ giữa tháng 7 năm 1945, nhiều đội tự vệ cứu quốc ăn mặc gọn gàng, tay súng tay mác thường xuất hiện trong các làng xã tham gia trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ làm hả lòng hả dạ đồng bào các thôn xóm... Có lẽ vì thế mà công việc thương lượng của chúng tôi diễn ra suôn sẻ, bà con cô bác vui vẻ xuống xe. Tuy vậy đó mới chỉ là bước đầu.

Đường 19 giờ này còn vắng người qua lại. Phút yên tĩnh với tôi lúc này không phải chờ đợi sự đồng ý của bác tài mà là đang bật dậy trong đầu óc tôi một kế khác - phải chạy bộ, chạy thật nhanh, nếu bác tài từ chối, là kế hoạch dự phòng thực hiện liền.

Tất cả phụ thuộc vào bác tài. Hai bác đang đi về phía tôi và tôi chủ động đi về phía các bác tiếp tục thương lượng. Lúc này tôi mới có dịp ngắm nhìn gần thấy thần sắc hai bác uể oải, có cái gì tư lự, không vui.

- Hai bác đang đau bệnh? - Tôi thăm dò.

Cả hai bác nhìn tôi, miệng mấp máy định nói rồi lại thôi.

Bỗng bác tài người thấp đậm, da xanh tái, tuổi chạc 40 hắng giọng rồi phân trần - Mấy chú cần xe vì có công vụ gấp, tụi tôi đâu dám từ chối. Nh...ưng... như...ng hiềm một nỗi hồi này khách ngược xuôi đều thưa vắng nên cứ cách hai ngày mới có xe lên và xe về. Nếu chúng tôi đưa các chú về Quy Nhơn thì không có xe lên đón bà con trong ngày hôm sau, e bà con lỡ việc. Tụi tôi đang tính mà chưa ra!

Tôi định chen ngang - Bác khỏi lo, chúng tôi đã có lái xe. Nhưng muốn được nghe hết những điều bác muốn nói, để cho người thanh thản. Bác nhìn tôi, tỏ vẻ áy náy, ân hận vì không giúp được chúng tôi. Còn tôi nhìn bác càng vui và cảm động về một tình cảm đẹp đã dành cho đội quân khởi nghĩa trước lúc lên đường.

Đợi cho bác nói hết, tôi mới tiếp - chúng tôi đã chuẩn bị hai lái xe thay hai bác đưa anh em chúng tôi tới Quy Nhơn sẽ quay lại tại nơi đây giao lại xe cho hai bác.

- Dạ cảm ơn! - Cả hai bác đều đồng thanh cảm ơn chúng tôi.

Cuộc thương lượng đầy cởi mở và đã thành công. Được tin cả đội nhảy lên reo vui “hên rồi, hên rồi”, vang vọng cả đoạn đường. Toàn đội với 50 đội viên xếp thành hai hàng dọc ra xe lên đường trong tư thế hùng dũng. Lúc này, ngoài khẩu súng trường với 30 viên đạn tước của tiểu đội lính khố xanh được Nhật cử lên canh gác bảo vệ nhà máy, số anh em còn lại trang bị toàn dao găm mã tấu, giáo mác vẫn sáng mầu thép do xưởng cơ khí của hãng Đờ-li-nhông sản xuất.

Đường 19 lúc ấy còn nhỏ, to hơn đường kiểm lâm chút ít, chưa láng nhựa, xe chạy không nhanh vì quá xóc. Nhưng dù sao còn hơn là chạy bộ!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM