Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:55:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7410 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 07:46:21 am »

*
*   *

Mười lăm giờ ngày 15, sau khi chúng tôi nghe bộ phận tác chiến sư đoàn báo cáo tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 đã liên lạc được với nhau, anh Hoàng Kiện vui mừng: như vậy là tốt - rồi quay sang đồng chí trợ lý tác chiến sư đoàn hỏi:

- Ý kiến Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch?

- Dạ có - Đồng chí trợ lý tác chiến báo cáo tiếp - Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch chấp nhận đề nghị của sư đoàn và còn lệnh cho trung đoàn 33 tập kích trận địa pháo địch ở Cô-lơm-bớc hỗ trợ cho tiểu đoàn 7.

Tình hình địch ở bãi “Tia X” đã có thay đổi. Theo tin trinh sát chiến dịch và trinh sát nằm vùng của sư đoàn, của tiểu đoàn 9, thì tiểu đoàn 2 trung đoàn 5 lữ đoàn 3 đã đến “Tia X” lúc 12 giờ trưa nay, hiện đang phòng giữ phía bắc và phía đông vành đai bảo vệ. Tiểu đoàn 1 của Mo cùng 2 đại đội A, B, tiểu đoàn 2 được tăng cường giữ phía nam và đông nam, nơi mà sáng nay bị tiểu đoàn 7 tiến công. Riêng đại đội C của tiểu đoàn này không còn làm được nhiệm vụ vi bị chết và bị thương quá nhiều trong trận đánh sáng nay.

Như vậy là lực lượng địch chốt giữ khu vực hạ cánh “Tia X” lên tới 10 đại đội, gần bằng 1 trung đoàn, trong khi lực lượng tập kích đêm nay chỉ có 1 đại đội được tăng cường trung đội 1 của đại đội 1 (đang bám địa bàn), 1 khẩu súng cối 82mm. Sau khi đi lấy gạo về, đại đội 3 tiểu đoàn 7 được giao nhiệm vụ tải thương nhưng nguyện vọng của anh em vẫn muốn được tham gia chiến đấu, nhất là khi được tin đại đội 1, đại đội 2 lập công, đánh quỵ 1 đại đội Mỹ anh em càng háo hức, quyết tâm. Khi được tin trên cho tham gia chiến đấu ngay đêm nay, anh em chủ động, nhắc nhở nhau thu xếp, sẵn sàng chờ lệnh là lên đường tham gia chiến đấu.

Hòa vào cái khí thế lạc quan ra trận ấy, nhưng chúng tôi những người có trách nhiệm cao nhất của đơn vị, không thể không lo lắng, băn khoăn trước một tương quan địch ta quá chênh lệch, mặc dù nghệ thuật đánh tập kích không nhất thiết lực lượng phải nhiều. Nếu ta tạo được thế lợi, bất thần đánh vào tung thâm địch thì khả năng lập công lớn không phải không có trong lịch sử quân sự xưa và nay.

Bàn tới bàn lui, chúng tôi quyết định tập hợp kinh nghiệm thành công của đại đội 1, đại đội 2 và những gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm trong trận đánh sáng nay phổ biến kịp thời cho đại đội 3.

Về yêu cầu trận đánh, khi làm việc với cán bộ chỉ huy, chúng tôi nêu định hướng với mức khiêm tốn, vừa phải: Tiếp tục tiến công quân sự, tiêu hao sinh lực địch, gây sức ép tinh thần và ý chí quân địch. Còn cụ thể thế nào, tùy tình huống diễn biến mà thực hiện đánh nhanh, dứt điểm gọn, rút ra an toàn.

Đêm xuống nhanh. Trăng trung tuần mọc muộn, trời tối đen như mực. Ở hướng đông bắc súng nổ lẻ tẻ mà liên tục ngay từ 7 giờ tối. Đó là tiếng nổ chủ động phối hợp của các chiến sĩ tiểu đoàn 9 gây sức ép trên phòng tuyến của tiểu đoàn 2 trung đoàn số 5 lữ đoàn 3. Nhưng không gian ở hướng nam - đông nam vẫn yên tĩnh. Tin từ tiểu đoàn 7 báo về, đại đội 3 hành quân đến sở chỉ huy tiểu đoàn vào lúc 22 giờ 30 phút, dừng lại chấn chỉnh đội hình, kiểm tra lần cuối, tiếp tục hành quân vào chiếm lĩnh trận địa chiến đấu. Nhưng lúc này đã là 1 giờ 30 phút ngày 16 tháng 11, vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Sau này được biết lý do chậm là do phi pháo địch bắn dự phòng rất dữ dội, đường hành quân vào trận địa bị cày xới, lấp lối. Cũng còn do vị trí mục tiêu địch do trinh sát trung đội 3 đại đội 1 xác định hồi chiều có thay đổi, địch đã chuyển lùi về phía bắc, phải mất thời gian quan sát, đối chiếu mới thấy lại.

2 giờ 30 phút ngày 16 tháng 11, đại đội 3 tiểu đoàn 7 mở đầu trận tập kích thứ hai bằng 20 quả đạn cối 82mm bắn vào tuyến phòng thủ đại đội B, gần sở chỉ huy tiểu đoàn 1 về phía tây. Mo cho rằng đây là dấu hiệu cảnh báo rằng đối phương chưa từ bỏ ý định tiến công khu vực hạ cánh “Tia X”. Từ đây cho đến sáng, đại đội 3 đã liên tiếp tổ chức 6 cuộc tiến công, chủ yếu đánh vào khu vực vành đai bảo vệ của đại đội B (tiểu đoàn 2) ở bắc - đông bắc khu vực hạ cánh buộc địch phải đưa máy bay C.123 của không quân vào liên tục phóng ra những dù pháo sáng, cầu cứu hai trận địa pháo ở Cô-lơm-bớc và Phan-côn bắn yểm trợ. Như trên đã kể, để phối hợp với tiểu đoàn 7, Bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch hạ lệnh cho trung đoàn 33 pháo kích vào trận địa pháo địch nhưng trung đoàn đã không thực hiện được lệnh này, nên địch đã phát huy hỏa lực chi viện đắc lực cho tiểu đoàn 1 địch, gây khó khăn cho tiểu đoàn 7.

Trận đánh kết thúc vào 6 giờ 30 phút sáng ngày 16 tháng 11, kết quả cụ thể không cao nhưng tinh thần của những người tham chiến thì tuyệt vời. Tương quan lực lượng quá chênh lệch, địch có kế hoạch đề phòng suốt cả buổi chiều, lại đưa hỏa lực không quân và pháo binh chi viện tối đa. Còn về phía ta chỉ có 1 đại đội, vừa đi lấy gạo về, sức khỏe chưa được hồi phục, đã chủ động xin được tham gia chiến đấu.

Trong hơn 2 giờ 30 phút, đại đội 3 tiểu đoàn 7 đã tổ chức 5 đợt tiến công (2 giờ 30 phút, 4 giờ, 4 giờ 30 phút, 5 giờ 30 phút, 6 giờ) đánh vào các mục tiêu cách sở chỉ huy tiểu đoàn 1 năm mươi mét về phía tây, vào sở chỉ huy đại đội B tiểu đoàn 1, vào sở chỉ huy đại đội B tiểu đoàn 2, v.v... Những tiếng hô xung phong làm vỡ vụn màn đêm, khi quân ta ào ào xuống núi. Trận tập kích của đại đội 3 tiểu đoàn 7 đêm ngày 15 rạng ngày 16 như giọt nước làm tràn cốc nước, dẫn đến việc quân Mỹ phải vội vã rút khỏi khu vực hạ cánh “Tia X” sáng ngày 17 tháng 11.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 07:48:52 am »

4

An-ba-ny (Albany) là trận đánh Mỹ thứ tư và cũng là trận đánh Mỹ cuối cùng trong thung lũng Ia Đrăng, kết thúc thắng lợi chiến dịch Plây Me lịch sử trên chiến trường Tây Nguyên hồi cuối năm 1965.

Trận đánh xảy ra vào lúc 1 giờ 15 phút chiều thứ tư, ngày 17 tháng 11 năm 1965 tại bãi đổ quân đông nam thung lũng Ia Đrăng (địch gọi là bãi đổ quân An-ba-ny), và kết thúc vào sáng hôm sau, ngày 18 tháng 11.

Hai mươi năm sau, phóng viên Mỹ Gơ-lâu-uây có mặt tại mặt trận đã viết bài “Một câu chuyện về Việt Nam” đăng trên tờ Tin tức Hoa Kỳ số ra ngày 29 tháng 8 năm 1990. Bài báo có đoạn: “Tiểu đoàn 2 lữ đoàn 3 sư đoàn kỵ binh bay số 1 bị thiệt hại nặng nề: Đơn vị đi đầu, đại đội A đã mất đúng 2 trung đội 50 người ngay phút đầu nổ súng. Đến khi ra khỏi khu vực An-ba-ny nó chỉ còn 20 trong số 100 người. Đại đội C lúc tập hợp ở “Tia X” để hành quân có 110 người thì lúc này đã chết 50 người, bị thương 50. Đến lúc mặt trời mọc, tiểu đoàn 2 của Mê-đên đã mất 155 chết, 125 bị thương và ít nhất 5 người bị mất tích trong chiến đấu. Một trung úy đến trước mặt chuyên viên Uôn-le-ni-út, pháo thủ súng cối của đại đội B và yêu cầu được tình nguyện đi gom xác lính Mỹ chết về. Lúc đầu, họ đưa về những xác còn lành lặn; sau đó đến những người lính còn từng mảnh; Uôn-le-ni-út và những người khác đã phải đưa những “kiện hàng” khiếp đảm đó đến chờ những chiếc máy bay trực thăng Si-núc, chất lên trực thăng cuối cùng đầy sát nóc. Anh ta kể: Khi chúng tôi nâng đuôi cầu thang máy lên, máu trào ra chảy ròng ròng qua các khe bản lề...”

Nhưng nguyên nhân dẫn đến trận đánh này và quá trình diễn biến của trận đánh ra sao, đó là điều mà tôi muốn kể thêm cùng bạn đọc.

Như trên đã kể, ngày 14 tháng 11 Mỹ đã thực hiện cuộc đột kích đường không, đổ tiểu đoàn 1 do trung tá Mo, tiểu đoàn trưởng chỉ huy xuống khu vực hạ cánh “Tia X” với nhiệm vụ “tìm diệt” trung đoàn 66. Nhưng liên tiếp trong các ngày 14, 15 và rạng sáng ngày 16, tiểu đoàn 1 Mỹ đã bị chính trung đoàn 66 phản công đánh quỵ, hơn nửa quân số của tiểu đoàn đã bị loại khỏi vòng chiến, như chính tiểu đoàn trưởng Mo đã thừa nhận, cho đến sáng ngày 16 tiểu đoàn 1 đã có “79 lính Mỹ chết, 121 bị thương”(1). Đại đội C gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, không còn khả năng tham chiến, buộc phải cầu viện.

Không thể để mất “Tia X”, đại tá Tim Brao, chỉ huy lữ đoàn 3 tức tốc điều tiểu đoàn 2 trung đoàn 7 và tiểu đoàn 2 trung đoàn 5 đến tăng viện cho tiểu đoàn 1. Thế là từ 12 giờ trưa thứ ba ngày 16 đã hội đủ 3 tiểu đoàn trong biên chế chính thức của lữ đoàn 3 sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ sống chen chúc trong một khu đất hẹp mang tên bãi hạ cánh “Tia X”. Rõ ràng “Tia X” cần được bảo vệ, để biến nơi đây thành điểm tựa, thành căn cứ hành quân dã ngoại của sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ tiếp tục thực hiện “tìm diệt” trung đoàn 66 nói riêng, khu vực Chư Pông nói chung. Vì Chư Pông địch vẫn coi là “căn cứ chính của đối phương”(2), là “một mật khu của Việt cộng” (tức quân giải phóng), một trọng điểm của “tìm diệt”. Đến trưa ngày 16, địch có điều chỉnh, rút tiểu đoàn 1 về thị xã Plây Cu vì tiểu đoàn này đã mất sức chiến đấu, để lại 2 tiểu đoàn còn nguyên vẹn, sung sức.

Lường trước diễn biến của tình hình, chiều ngày 15 tôi và anh Hoàng Kiện thống nhất cần phải đưa tiểu đoàn 8 đang đứng chân ở Ba Bỉ trở về hợp sức với tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 9 đánh địch co cụm với lực lượng khá đông. Được anh Nguyễn Hữu An trong Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch chấp thuận, chúng tôi cho triển khai thực hiện: củng cố lực lượng tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 hợp cùng tiểu đoàn 8 (đang trên đường trở về) thành thế trận mới đánh địch trong co cụm dã ngoại và trong hành quân “tìm diệt”.

Nhưng tình hình đã diễn biến ngược lại. 8 giờ sáng ngày 17 chúng tôi còn đang khẩn trương chuẩn bị kế hoạch theo phương án trên, thì sở chỉ huy tiền phương chiến dịch thông báo: Địch ở “Tia X” có dấu hiệu chuẩn bị rút, các đơn vị cần có kế hoạch theo dõi mọi động tĩnh... Đến 9 giờ 30 phút, đài quan sát đặt trên núi Chư Pông thông báo: Địch đang rút về hướng bắc.


(1), (2) Sách đã dẫn, tr. 239, 29.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 07:51:08 am »

Chúng tôi thực sự bất ngờ trước diễn biến quá mau lẹ. Đã có ý kiến đề nghị kiểm tra độ chính xác của thông báo. Tại sao địch rút và rút về đâu, để làm gì? Sau này qua sách báo Mỹ nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam; qua tiếp xúc với đoàn sĩ quan cựu chiến binh sư đoàn kỵ binh bay số 1 từng tham gia cuộc hành quân tại thung lũng Ia Đrăng sang thăm Việt Nam trong các năm 1991, 1997 để tìm hiểu “Vì sao chúng tôi (Mỹ) thua thì được biết ngay cả người trong cuộc như trung tá Tun-li, chỉ huy tiểu đoàn 2 trung đoàn 5; trung tá Mê-đên(1), chỉ huy tiểu đoàn 2 trung đoàn 7 lữ đoàn 3 kỵ binh cũng đều hoàn toàn bất ngờ khi nhận lệnh rút lui. “Thực sự chúng tôi không biết một tý gì, không có tin tức tình báo khi Tun-li và tôi rời khỏi “Tia X”. Chúng tôi không hề biết cái gì chờ đợi chúng tôi ở đó. Họ bảo chúng tôi đi đến một địa điểm gọi là An-ba-ny và thiết lập ở đó một khu hạ cánh. Không ai nói với chúng tôi sẽ phải tìm đường đến khu hạ cánh đó, chỉ nói đi và thiết lập nó”(2). Mãi đến khi binh sĩ của 2 tiểu đoàn này khoác ba lô lên vai, thì mới có mệnh lệnh truyền xuống “Các máy bay hạng nặng B.52 của lực lượng không quân đã cất cánh từ đảo Gu-am và mục tiêu của họ là sườn núi Chư Pông phía gần quân Mỹ. Lực lượng quân ta (tức Mỹ) phải ở ngoài khu vực an toàn đường kính 2 dặm (1 dặm = 1,609 ki-lô-mét) vào giữa buổi sáng, nên 2 tiểu đoàn phải di chuyển”(3).

Trong cái tất bật lo ứng phó với diễn biến quá nhanh, chúng tôi cũng có những phút giây thư thái, tin ở công việc mình đã làm. Trong mệnh lệnh gửi tiểu đoàn 8 sáng ngày 16, Bộ tư lệnh Sư đoàn nhẹ 304 nhấn mạnh: Tiểu đoàn cần có kế hoạch chiến đấu trong hành tiến nếu gặp địch đi ngược trở lại. Cái nếu ấy nay đã không còn là giả thiết nữa, mà đã trở thành sự thật. 9 giờ sáng thứ tư ngày 17 cả hai tiểu đoàn cùng lúc rời “Tia X”. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 5 hướng tới bãi Cô-lơm-bốc (cách “Tia X” 5 ki-lô-mét về phía đông), tiểu đoàn 2 trung đoàn 7 đi sau đến ngã ba đường mòn, rẽ hướng tây bắc đến khu vực hạ cánh An-ba-ny (cách Ia Đrăng 4km về phía nam).

Một ngày đầy nắng, nắng chui qua khe lá thành hoa nắng đủ thứ hình thù in khắp nơi trong khu vực. Sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 304 nom rất ngộ nghĩnh và vui mắt. Chúng tôi đang được hưởng không khí trong lành của một buổi sáng yên tĩnh thì bỗng một loạt tiếng nổ rền, kéo dài, mặt đất rung lên như động đất. Khói bụi quyện vào nhau theo gió bay cao lan rộng, bầu trời sẫm lại. Một sự chi viện khó hiểu, vì lúc này “Tia X” đâu còn lính Mỹ. Đúng là bom B.52 đang rải thảm phía trước mặt Sở chỉ huy Sư đoàn nhẹ 304 - bắc núi Chư Pông.

Nhưng điều mà chúng tôi quan tâm lúc này là ở phía trước và chờ đợi một cái gì đó là tiếng súng. Song vẫn yên tĩnh, hay là tiểu đoàn 8 đã lạc đường, sa vào một bãi cỏ voi lút đầu như một trận đồ bát quái, không lối ra.

Nhưng tôi và anh Hoàng Kiện vẫn tin điều đó không thể xảy ra. Chúng tôi tin ở Lê Xuân Phôi, một tiểu đoàn trưởng giàu bản lĩnh chiến đấu, trưởng thành từ chiến sĩ mà lên. Anh đã có mặt trong các chiến dịch Bắc Bắc, Trung Du, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trận tập kích cụm quân địch Bản Ban trong chiến dịch Thượng Lào (4-1953), với cương vị trung đội trưởng xung kích, Lê Xuân Phôi xông xáo dẫn đầu đơn vị thọc sâu, đánh chia cắt diệt hàng chục tên địch. Trận đánh địch phản kích ở Bản Bông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Xuân Phôi là trung đội trưởng đại liên đã chỉ huy trung đội dũng cảm chiến đấu diệt nhiều địch. Trận đánh diễn ra quyết liệt, bộ đội bị thương vong nhiều. Đồng chí chỉ huy bộ binh hy sinh, Lê Xuân Phôi chỉ huy cả hai lực lượng chiến đấu, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn thương binh. Lê Xuân Phôi được tặng huân chương Chiến công hạng nhì. Chúng tôi xếp Lê Xuân Phôi thuộc chất lượng loại một, chỉ huy tiểu đoàn 8 sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy trong đợt hoạt động này. Chúng tôi chờ một trận đánh ngoạn mục sẽ xảy ra, vì tiểu đoàn 8 đã và đang trên đường hành quân, không thể lạc được. Anh rất thạo tác nghiệp công tác tham mưu, thạo sử dụng bản đồ. Còn địch thì cả 2 tiểu đoàn sáng nay mới nhận lệnh một cách thụ động.

Chiều ngày 16, sau khi nhận lệnh, tiểu đoàn 8 đã khẩn trương chuẩn bị cho đơn vị hành quân trở lại trung đoàn với kế hoạch hiệp đồng chiến đấu, đánh địch trong hành tiến - tìm địch mà đánh, địch lớn hơn cũng đánh. Không đánh địch toàn bộ thì đánh một bộ phận. Dọc đường hành quân, đội hình luôn bị đứt đoạn do phi pháo địch bắn phá, nên sau khi qua cầu Ba Bỉ, tiểu đoàn tạm dừng để điều chỉnh đội hình, nấu cơm ăn và nắm cơm cho cả ngày hôm sau dự phòng gặp địch phải di chuyển và chiến đấu liên tục. 5 giờ sáng thứ tư ngày 17 tháng 11 tiểu đoàn tiếp tục hành quân quặt theo hướng tây nam. Càng đi, càng gặp phi pháo địch bắn phá dữ dội. Bằng sự từng trải của mình, Lê Xuân Phôi linh cảm thấy dấu hiệu của pháo địch bắn dọn đường cho bộ binh ở phía sau đang đi tới. Anh nhắc đơn vị triệu chứng địch đang tới gần, cần phải sẵn sàng chiến đấu cao, gặp địch là đánh được ngay.


(1) Mê-đên từng chỉ huy trung đội ở Nam Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, chỉ huy 1 đại đội trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), là nhân vật chính trong trận thất bại ở An-ba-ny.
(2), (3) Sách đã dẫn, tr. 259, 261.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 07:53:57 am »

Trong khi tiểu đoàn 2 trung đoàn 5 đã đến khu hạ cánh Cô-lơm-bớc thì tiểu đoàn 2 của Mê-đên đang đi vào khu vực có tiểu đoàn 8 trung đoàn 66. Đại đội A của tiểu đoàn 2 địch đi đầu đến con suối cạn (cách An-ba-ny khoảng 100 mét), bắt được 2 chiến sĩ trong tổ săn máy bay của tiểu đoàn 1 trung đoàn 33, ba chiến sĩ khác còn lại chạy về báo cáo tiểu đoàn đã gặp quân Mỹ.

Được tin bắt được tù binh, tiểu đoàn trưởng Mê-đên hạ lệnh đơn vị đóng quân tại chỗ và tự mình đến thẩm vấn tù binh 20 phút, trong khi binh sĩ ở phía sau đội hình nằm lăn lóc ra bãi cỏ ngủ vì quá kiệt sức. Sau đó Mê-đên lệnh cho các đại đội trưởng thuộc quyền cùng mình lên phía trước tiến vào khu vực An-ba-ny, đại bộ phận còn lại của tiểu đoàn vẫn ở phía sau trong một đội hình kéo dài 400 mét phân tán về phía đông khu vực mục tiêu.

Về phía ta (theo anh Lã Ngọc Châu, chính ủy trung đoàn 66 thuật lại trong hội nghị tổng kết chiến dịch Plây Me): Khoảng 12 giờ trưa, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 sau khi được trợ lý tác chiến tiểu đoàn báo cáo 2 chiến sĩ của đơn vị bị bắt, đã nhanh chóng cho bộ đội triển khai tiếp cận địch, sẵn sàng chiến đấu. Cùng lúc tiểu đoàn 8 cũng vừa đến khu vực đó, được trinh sát phái đi trước báo cáo địch đang ở phía trước. Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi lệnh cho đơn vị triển khai chuẩn bị vì địch đang tới gần; đồng thời nhanh chóng bắt liên lạc với tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 chủ động bàn kế hoạch phối hợp tiến công, trong khi binh sĩ địch đang nằm nghỉ trên một bãi cỏ dày hoang mang không biết làm gì vì các đại đội trưởng của họ đang ở phía trước.

Trong khi tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi khẩn trương dẫn tiểu đoàn vào chiếm lĩnh trận địa, các chiến sĩ phân tán ẩn nấp sau các gò mối, trong các đám cỏ cao, trên các cây gỗ tán lá xòe rộng kín đáo, sẵn sàng đợi lệnh, thì nhóm chỉ huy tiểu đoàn 2 địch do Mê-đên cầm đầu vẫn đang lần đường tìm vào khu vực bãi trống An-ba-ny, coi như không có gì phía trước mặt.

Nhìn rõ địch đang đi vào khu rừng thưa nằm giữa hai khu đất trống, cự ly gần, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 phát lệnh tiến công. Đại úy Lê Xuân Phôi trên lưng vẫn nguyên chiếc ba lô khoác miếng vải dù, đầu đội mũ bên ngoài cùng bọc vải dù, một tay rút khẩu súng ngắn, một tay cầm gậy tre ở gốc có hình giống như đầu con thỏ (chắc là vật kỷ niệm quý của anh). Anh vừa chỉ thị mục tiêu cho hỏa lực cối, đại liên, vừa điều động các đại đội vận động theo hướng cây gậy của anh vòng trái, vòng phải. Anh[ vẫn thẳng người chạy đến 2 khẩu đại liên của ta đang nhả đạn về hướng địch. Trong lúc trên không máy bay trực thăng vũ trang vừa phóng rốc két vừa nhả đạn cối, dưới mặt đất đạn AR15 nổ rùm trời, anh vẫn đứng thản nhiên quan sát và chỉ huy. Hình như anh lo chỉ huy chứ không lo tránh đạn(1).

Sau đợt súng cối bắn dồn dập mở đầu là tiếng nổ của các loại súng tiểu liên. trung liên, thoảng có cả tiếng lựu đạn, lẫn tiếng hô xung phong của ta, tiếng la inh ỏi của lính Mỹ. Dưới sự chỉ huy dũng cảm và mưu trí của Lê Xuân Phôi, tiểu đoàn 8 từ hướng bắc - tây bắc đánh thẳng vào trung đội trinh sát, đại đội A, tiến công cắt ngang đội hình tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 kỵ binh; chia cắt phần đầu đội hình tiểu đoàn khỏi phần còn lại và chặn đứng nó lại; tiêu diệt phần lớn 2 trung đội của đại đội A trong nửa giờ chiến đấu đầu tiên; dồn địch vào thế bị động đối phó, không đào được hầm hào phòng tránh, tất cả đều dựa vào cây cối, gò mối, các bụi cỏ cao để ẩn nấp.

Cuộc đụng độ bắt đầu ở phía đầu đội hình, tiểu đoàn 8 phát triển thế tiến công xuống phía dưới đội hình. Đại đội C đang đi về phía trái đại đội D thì gặp phân đội đi đầu của tiểu đoàn 8 đang di chuyển về hướng đó. Địch cho rằng “đại đội C đã rơi vào tử địa phục kích của đối phương”(2) hoặc đã “đâm đầu vào một cuộc tiến công hấp tấp của quân Bắc Việt Nam”(3) (tức tiểu đoàn 8). Như vậy rõ ràng là đại đội C đã rơi vào trận địa bày sẵn của tiểu đoàn 8, hoàn toàn bị động trước cuộc tiến công chủ động của ta.

Sau khi dùng hỏa lực súng cối bắn xối xả vào trận địa địch, tiểu đoàn 8 chia thành 3 mũi đánh thẳng vào đại đội C, chiếm khu gò mối khống chế chung. Đội hình đại đội C bị ta chia cắt làm đôi, thực hành bao vây nhỏ để sát thương chúng. Địch ngoan cố chống lại, tìm mọi cách phản kích đẩy ta ra xa, gọi phi pháo đến hỗ trợ. Các phân đội địch xông vào dãy gò mối, bị các xạ thủ súng máy của ta sau ở gò mối bắn chặn lại, địch chết như ngả rạ. Cuộc đụng độ biến thành trận đánh giáp lá cà dữ dội, ta và địch trộn vào nhau trong một trận diễn ra cực kỳ quyết liệt nhưng kết thúc thật nhanh. “Đại đội C tiểu đoàn 2 trung đoàn 7 lữ đoàn 3 kỵ binh bay đã bị thương vong nặng nề nhất so với các đơn vị khác tham chiến ở khu vực An-ba-ny. “Trước cuộc đụng độ dữ dội của nó đối với quân Bắc Việt Nam (chỉ tiểu đoàn 8), quân số của đại đội là 112 người. Vào rạng sáng ngày hôm sau, ngày 18 tháng 11 chỉ còn đúng 12 người có thể trả lời “có mặt” trong buổi điểm danh”(4).


(1) Chiến thắng Plây Me ha mươi năm nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 239.
(2), (3), (4) Sách đã dẫn, tr. 286, 349, 291
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 07:55:56 am »

Thừa thắng, tiểu đoàn 8 tiếp tục phát triển về phía cuối đội hình đánh vào đại đội D. Trên đường tiến quân, tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi chẳng may trúng đạn địch, hy sinh, chính trị viên tiểu đoàn bị thương nặng. Trước tình thế đầy thử thách đó, đồng chí Luận, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 đang phối hợp chiến đấu với tiểu đoàn 8 đứng ra nhận trách nhiệm chỉ huy chung cả hai tiểu đoàn tiếp tục chiến đấu, tiếp tục thực hiện ý định của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8, đã được tất cả cán bộ, chiến sĩ hai tiểu đoàn nhiệt liệt ủng hộ và triệt để chấp hành mệnh lệnh.

Thiếu tướng Trần Đối (hồi đó là tham mưu trưởng tiểu đoàn 4 trung đoàn 320) kể lại trong hồi ức của mình về trận đánh Mỹ đầu tiên ở Tây Nguyên như sau: “... Sau trận tiêu diệt chiến đoàn ngụy trên đường 21, tôi dẫn 1 trung đội vận tải từ Làng Gà về phối thuộc cho tiểu đoàn 635 (sau gọi là tiểu đoàn 5) để tập kích trận địa pháo Mỹ vừa thiết lập ở Gia Bò. Đến gần suối Gia Giao kề chân núi Chư Pông thì gặp một đơn vị đang bố trí đội hình chiến đấu hai bên đường. Tôi đoán biết là trung đoàn 66 mới vào, anh em cứ nhìn chúng tôi hình như muốn tìm người quen. Gần hết đội hình của bạn. tôi thấy một người và đoán là thủ trưởng của đơn vị bạn. Tôi định dừng lại hỏi thăm tình hình, thì đồng chí ấy bắt tay tôi và rất phấn khởi hỏi có phải trung đoàn 320 không? Tôi đáp “phải”. Đồng chí nhanh nhẹn giới thiệu là Lê Xuân Phôi, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 trung đoàn 66. Đồng chí nói: Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chúng tôi đang trên đường vào vị trí đứng chán thì gặp Mỹ, chúng đang ở bên kia bờ suối, phía trước mặt địa hình rừng núi trùng điệp và hiểm trở mà đơn vị mới vào còn lạ nước lạ cái. May quá gặp được các anh, vậy các anh cùng chúng tôi phối hợp đánh bọn này đi. Anh hỏi tiếp: Đơn vị có bao nhiêu người. Tôi đáp: 1 trung đội bộ binh và 1 trung đội vận tải. Tôi là Đối, Trần Đối, tham mưu trưởng tiểu đoàn 34 (sau đổi phiên hiệu tiểu đoàn 4). Tôi đang suy nghĩ, phần lo đi gặp tiểu đoàn 635, phần muốn ở lại tham gia chiến đấu. Lê Xuân Phôi đang chờ quyết định của tôi thì súng phía trước nổ; anh chỉ nêu một đề nghị tôi giữ cánh sườn và phía sau giúp anh, còn chính diện do tiểu đoàn 8 của anh đảm nhiệm. Tôi đồng ý ngay. Lê Xuân Phôi đứng dậy phấn khởi nắm chặt tay tôi lắc mạnh: Cám ơn anh Đối. Trên đường trở về vị trí được phân công, tôi vẫn dõi theo anh: Lúc chạy qua cánh phải, lúc chạy qua cánh trái, khuất dần vào đội hình chiến đấu, chìm vào trong khói bụi của bom đạn với những tiếng nổ chát chúa và những tin thắng lợi giành được... Rồi một tin sửng sốt, đau lòng: Anh bị một viên đạn súng máy M.60 bắn chéo trúng tim, máu lênh láng đầy ngực nhưng chiếc gậy tre của anh vẫn chĩa thẳng về hướng địch. Nhớ lại trận đánh của tiểu đoàn 8 trong chiến dịch Plây Me, tôi không bao giờ quên được người bạn từ miền Bắc vào mà tôi chưa hề quen biết, nhưng lại rất gần gũi tâm đồng, ý hợp trong một trận chiến đấu ác liệt, mở đầu sự đọ sức giữa quân đội ta với quân cơ động chính quy siêu hiện đại - sư đoàn kỵ binh bay số 1 Hoa Kỳ. Lê Xuân Phôi hy sinh trong khi cuộc tiến công đang ở vào giai đoạn cuối là một tổn thất không thể bù đắp được. Nhưng tư thế hiên ngang hướng về phía trước của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho những người còn sống. Cường độ cuộc tiến công tăng lên, tốc độ cuộc tiến công nhanh hơn, hiệu quả cuộc tiến công cao hơn. Sau nay về tổng kết nghe cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 8 kể lại: Lúc đó không có ai hô hào, kêu gọi (nếu có thì chẳng ai nghe được ngoài tiếng bom đạn các loại nổ liên hồi) nhưng trong chúng tôi bỗng có sự thôi thúc, sự nhắc nhở tự thân phải có hành động cụ thể trả thù cho người tiểu đoàn trưởng mẫu mực của mình không còn nữa. Chính trị viên phó đại đội 6 mặc dù đã ba lần bị thương nhưng vẫn cương quyết ở lại chỉ huy đơn vị chiến đấu, tự tay dùng dao găm đâm chết tên giặc thứ tám trong ngày. Trung đội trưởng hy sinh, trung đội phó trung đội 3 đại đội 6 đã hai lần bị thương, nén chịu đau đớn, tự tay băng bó vết thương tiếp tục chỉ huy trung đội chiến đấu. Xạ thủ trung liên Nguyễn Văn A, đại đội 7 bình tĩnh chờ địch tới gần bắn 2 phát diệt tên Mỹ đi đầu, sau đó diệt tiếp 12 tên Mỹ khác. Đồng chí Huân, chiến sĩ cứu thương nêu cao tinh thần yêu thương đồng đội, lăn lộn dưới làn bom đạn địch, không bỏ sót một thương binh, tử sĩ. Và đồng chí Mỹ, tiểu đội trưởng khi thấy trung đội trưởng đại đội 8 hy sinh đã chủ động nhận trách nhiệm đứng ra chỉ huy đại đội chiến đấu, rồi tìm đến đồng chí Luận tiểu đoàn phó tiểu đoàn 33 báo cáo tình hình và xin chỉ thị hiệp đồng chiến đấu. Việc làm thật đẹp ấy càng thôi thúc đồng chí Luận làm hết sức mình chỉ huy cả hai tiểu đoàn chiến đấu cho đến khi đồng chí bị thương nặng và hy sinh. Nhờ sức mạnh căm thù được nhân lên mà ý tưởng của tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi đã được thực hiện. Mục tiêu di tối của tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 33 là đại đội D tiểu đoàn 2 trung đoàn 7 lữ đoàn 3 kỵ binh đang ở phía trước, rất gần. Tình thế bất ngờ không còn nữa, cả ta và địch đều hiểu ý của nhau. Nhưng ta đông hơn, tinh thần phấn chấn, tự tin sau khi đã loại đại đội C ra khỏi vòng chiến; địch yếu hơn và tinh thần thì hoang mang dao động. Tiểu đoàn phó Luận thay đổi cách đánh dùng đại liên, súng cối bắn khống chế và đánh lạc hướng chú ý của địch; đồng thời các mũi bộ binh giấu quân ở các gò mối, hàng cây hình thành thế trận bao vây ba mặt. Trận tiến công bắt đầu. Cường độ hỏa lực của cả hai bên đều tăng nhanh đến mức không thể nghe được một cái gì ngoài tiếng súng các loại đang bắn. “Những hàng cây đầy quân Bắc Việt Nam (tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 1), nhưng gần như không thể phát hiện được một người nào, họ hòa lẫn vào màu cây”(1). Từ những nơi này các chiến sĩ ta bất thần đạp lên những bụi cây đánh thẳng vào đội hình quân địch. Địch phản công chống lại bằng hỏa lực súng máy M.60, tiểu liên, súng trường tự động M.16. Một số chiến sĩ ta trúng đạn hai lần vẫn tiến lên áp sát địch. Bị sức ép mạnh từ phía trước, bị đánh thọc sườn, địch buộc phải lùi về co cụm ở phía cuối đội hình, nơi đang có đại đội A tiểu đoàn 1 trung đoàn 5 được tăng viện ra ứng cứu thì cũng là lúc trận đánh kết thúc. Như vậy, chỉ sau 20 phút dụng độ với ta, đại đội D của tiểu đoàn 2 địch đã mất 26 lính Mỹ chết, 15 lính Mỹ bị thương.


(1) Sách đã dẫn, tr. 291.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 07:59:18 am »

Trận chiến diễn ra tại khu vực An-ba-ny ở vào cái thế ta hoàn toàn chủ động, còn địch thì bị động từ đầu đến cuối. Trong khi binh sĩ tiểu đoàn 2 của trung tá Mê-đên đang còn nằm nghỉ trên bãi cỏ vì quá mệt sau nhiều giờ hành quân bộ (chứ không phải bằng trực thăng vận); trong khi các đại đội trưởng các đại đội cùng với tiểu đoàn trưởng đi trước khảo sát địa hình ở khu vực An-ba-ny và thiết lập khu vực hạ cánh ở đó thì cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 8 đã ở trong các vị trí giấu quân, được lệnh của tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi nổ súng tiến công vào phía đầu đội hình, đánh vào trung đội trinh sát và các trung đội thuộc đại đội A là những đơn vị đi trước; sau đó phát triển xuống dưới đội hình, vây quanh và xông thẳng vào đại đội C, tiến công một bộ phận đại đội D và cả đại đội A, thực hiện “bám thắt lưng địch mà đánh”. Chính địch phải thú nhận: “Thật là hỗn loạn, một vài người nghĩ họ đang bị bắn bởi những người Mỹ khác ở trong khu vực. Sự hỗn loạn chấm dứt khá nhanh khi làn sóng tiến công của quân Bắc Việt Nam (tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 33) đến gần tới mức chúng tôi có thể nhìn thấy họ và nghe họ trao đổi. Họ đột nhiên xuất hiện phía sau những gò mối và ở phía trước những hàng cây, họ bắn vào bất cứ cái gì di chuyển... Khi chúng tôi bò quanh trong đám cỏ voi cao thì thật khó mà nói ai đang ở đâu, họ là bạn hay là thù. Một điều mà tôi nắm bắt rất nhanh là quân Bắc Việt Nam đang ra hiệu cho nhau trong đám cỏ cao bằng cách gõ vào báng gỗ các khẩu súng AK.47 của họ”(1).

Máy bay trinh sát địch bay chữ chi trên bầu trời An-ba-ny nhằm xác định điểm chuẩn trên vị trí quân Mỹ đang đứng chân để thực hành phi pháo yểm trợ. Nhưng tất cả đều không gặp may, thậm chí địch dùng cả những viên đạn khói của pháo binh để xác định vùng hỏa lực phòng thủ của Mỹ cũng không có kết quả. “Không thể hỗ trợ được vì lúc này trên mặt đất mọi người hòa lẫn vào nhau”(2). Ngay cả đại tá Brao, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 kỵ binh bay khi báo cáo tình hình lên tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày cũng than phiền: “Chúng tôi ở cái thế không thể bắn được một chùm đại bác hay tiến công đường không vì chúng tôi không biết đặt chúng vào đâu”(3).

Cuối cùng địch đã áp dụng cách tiểu đoàn 1 của trung tá Mo đã làm ở bãi “Tia X” là một mệnh lệnh truyền miệng, tất cả đồng loạt ném lựu đạn khói, qua màn khói đó khoanh vùng các vị trí đứng chân của quân Mỹ. Mãi 3 giờ chiều đợt không kích mới được thực hiện bằng những máy bay Skai-rai-đơ (Skyraider), A.1E ném bom na-pan chứa xăng đặc. Nhưng trớ trêu thay, ngay đợt oanh kích đầu tiên 2 quả bom na-pan đã rơi đúng vị trí số binh sĩ sống sót của trung đội 2 đại đội A đang trụ lại. Song đây không phải là lần thả nhầm duy nhất. Vì làm sao qua màn khói mà phân biệt được rạch ròi trong cái thế trận mà lính Mỹ và các chiến sĩ tiểu đoàn 8 trộn vào trong một trận đánh giáp lá cà. Hiệu quả của các phi vụ lầm lẫn đó đã được đại úy Đi-đu-ry, chỉ huy đại đội B tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường kể lại “Xác chết (lính Mỹ) nằm ngổn ngang khắp nơi, nhiều xác chết bị băm nát bởi các trận không kích, bởi bom, pháo binh và hỏa lực rốc-két đường không. Thật là khủng khiếp, hết sức khủng khiếp. Một vài người trong họ bị tan tành từng mảnh bởi không quân và pháo binh. Chúng tôi phải dùng xẻng để súc chúng vào những chiếc poncho và đưa chúng đi”(4).

Hoạt động yểm trợ của phi pháo địch có gây khó khăn nhất định cho ta nhưng không chặn được cuộc tiến công của ta. Khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh” lại được thực hiện. Trận địa phòng không được thành lập kề bên quân Mỹ khiến chúng sửng sốt. “Mỗi khi các máy bay Skyraider thả bom thì khu rừng xung quanh lại rộ lên hỏa lực của đối phương vì quân Bắc Việt Nam nhắm tất cả các vũ khí của họ vào chiếc máy bay đang tiến công”(5). Nhóm xạ thủ đại liên của tiểu đoàn 8 bố trí ở một gò mối rất gần địch, khi máy bay A.1E bay đến không hề dao động, ngẩng cao đầu tiếp tục bắn khiến chúng phải vọt lên cao lánh đạn, nhưng sau đó lại bị đạn pháo, cả tổ hy sinh.


(1), (2), (3), (4), (5) Sách đã dẫn, tr. 297, 297, 299, 315, 363.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 08:00:06 am »

Tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 1 chuyển hướng tiến công chủ yếu nhằm vào đại đội A và đại đội B tiểu đoàn 1 trung đoàn 5 đến tăng viện cho tiểu đoàn 2 đang đứng chân ở cuối đội hình. Ta dùng khẩu súng máy M.60 vừa mới lấy được của địch bắn vào đội hình đại đội A, sau đó tiến vào áp sát địch, thực hiện đánh gần. Đại đội này đã bị nhiều thương vong và đang bị mất tích 1 trung đội. Đại đội B của đại úy Tun-ly vừa từ khu vực Cô-lơm-bốc tới trên đường di chuyển về phía trước thì bị hỏa lực súng cối và đại liên của ta bắn chặn, cả 3 trung đội của đại đội này đã bị ta ra đòn phủ đầu, hàng ngũ rối loạn. Sau đó cả hai đại đội A và B tiểu đoàn 1 trung đoàn 5 được lệnh cụm lại thành vành đai phòng thủ ở cuối đội hình, nhưng trên vành đai phòng thủ này vẫn còn 20 lính Mỹ bị thương nằm rải rác rên la trong khi màn đêm đang tới gần.

Trận đánh kéo dài đến rạng sáng ngày 18 tháng 11 mới kết thúc, tiểu đoàn 2 của Mê-đên đã bị mất 155 người chết, 125 bị thương và 5 người bị mất tích trong chiến đấu.

Đây là trận then chốt thứ hai (trận then chốt thứ nhất trung đoàn 320 tiêu diệt chiến đoàn 3 thiết giáp ngụy đi cứu viện trên tỉnh lộ 21) và là trận then chốt quyết định của chiến dịch Plây Me toàn thắng.

Sau thất bại ở khu vực An-ba-ny, các đơn vị thuộc sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đã lần lượt rút khỏi thung lũng Ia Đrăng.

Ngày 20 tháng 11, tiểu đoàn 1 của trung tá Mo được lệnh lui quân. Tiểu đoàn đã tổ chức diễn tập chiến thuật phản phục kích trước khi lên những chiếc quân xa loại hai tấn rưỡi, đề phòng lịch sử sẽ lặp lại trận quân Việt Minh (trung đoàn 96 bộ đội Liên khu 5) phục kích bắt sống toàn bộ binh lính, sĩ quan binh đoàn cơ động 100 của Pháp tháng 6 năm 1954 trên đoạn đông đèo Măng Giang mà tiểu đoàn phải đi qua để về căn cứ An Khê.

Ngày 21 tháng 11, tiểu đoàn 2 của trung tá Mê-đên được giao 4 chiếc xe tải quân sự đủ chở 100 binh sĩ (trong tổng số 450 người) còn sống sót sau trận An-ba-ny để đưa họ vượt qua đèo Măng Giang về nhà (căn cứ An Khê - NG). Trên đoạn đường Plây Cu - An Khê, binh sĩ của tiểu đoàn này nơm nớp lo sợ lại sẽ xảy ra những việc như đã xảy ra ở “Tia X” và An-ba-ny; sợ bị đối phương tiến công trên đoạn đèo. Tất cả bọn họ đều ngồi quay mặt ra ngoài, súng sẵn sàng, quan sát từng bụi cây, từng cái hố, từng hòn đá trong nhiều giờ căng thẳng trên dọc đường 19 trở lại căn cứ An Khê.

Ngày 27 tháng 11, đến lượt lữ đoàn 2 kỵ binh bay cũng được lệnh rút quân. Số là trưa ngày 20 tháng 11, đại tá Brao, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 được lệnh của thiếu tướng Kin-na, tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay số 1: Chuyển quyền chỉ huy cuộc hành quân ở thung lũng Ia Đrăng cho lữ đoàn 2 do đại tá lữ đoàn trưởng Ray-lin chỉ huy. Bảy ngày lữ đoàn 2 tuần tiễu lùng sục đến tận biên giới Cam-pu-chia vẫn không có trận đụng độ nào với đối phương, nên được lệnh lui quân. Đây là đơn vị kỵ binh bay cuối cùng còn ở chiến trường đã rút về căn cứ An Khê.

Nhưng vì sao lại có việc làm khó hiểu này trong khi chiến dịch Plây Me đang đi vào giai đoạn kết thúc? Pi-tơ Ác-nét, phóng viên báo Mỹ cùng đại tá Brao chỉ huy lữ đoàn 3 từ trên trực thăng Huey nhảy xuống thung lũng Ia Đrăng từ ngày đầu tiên, sau này trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa, đã kể lại những dòng sau đây, hy vọng bạn đọc có thể lý giải phần nào về cái việc làm không đáng có như đã nêu trên:

“Tại sở chỉ huy tiền phương sư đoàn kỵ binh bay số 1 đặt tại Plây Cu, chiều thứ ba, đại tá Brao có nói với tôi (Pi-tơ Ác-nét) là ông ta muốn rút ngay khỏi thung lũng Ia Đrăng. Bám lấy vùng đất như thế và tiến sâu hơn là trò chơi nguy hiểm. Quân Bắc Việt Nam (trung đoàn 66) đang thâm nhập rất nhanh...

Tôi hỏi: Thế sao ông không cho rút ra?

- Tướng Oét-mo-len không muốn cho tôi làm thế. Ồng nói rằng nếu chúng tôi triệt thoái, báo chí sẽ cho là chúng tôi rút lui”.

Thế là rõ. Tướng Oét-mo-len muốn đánh lạc hướng dư luận bằng việc đưa lữ đoàn 2 lên thay thế lữ đoàn 3 tiếp tục thực thi cuộc hành quân “tìm diệt”, sau 1 tuần lại điều về căn cứ An Khê thì việc làm đó là chuyện bình thường, chứ không phải rút lui, vì có đánh, có thua đâu mà phải rút lui.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 08:03:14 am »

*
*   *

Như vậy là từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 11 năm 1965, bằng 4 trận đánh của trung đoàn 66 và trung đoàn 33, ta đã tiêu diệt tiểu đoàn 2 của trung tá Mê-đên, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 của trung tá Mo thuộc lữ đoàn 3 sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ.

Đối với quân đội Mỹ, trận đánh ở thung lũng Ia Đrăng đã trở thành nỗi kinh hoàng. Trong hồi ký của mình, tướng Oét-mo-len đã thừa nhận - đây là tổn thất nghiêm trọng của sư đoàn kỵ binh bay số 1 trong trận đầu ra quân ở Tây Nguyên.

Nhưng không chỉ giới hạn ở “tổn thất nghiêm trọng” mà hơn thế nữa - nó như một thứ hội chứng. Bởi trận đánh ở thung lũng Ia Đrăng đã vượt qua khuôn khổ chiến thuật, trở thành trận đánh có tầm cỡ chiến dịch, chiến lược, “một trận đánh làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Tin sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ thất trận ở la Đrăng bay về Mỹ đã gây nỗi hoang mang bất bình trong dân chúng Mỹ đối với chính phủ Mỹ; gây bàng hoàng, làm thay đổi những suy nghĩ, tính toán đối với người cầm đầu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Theo lệnh của tổng thống Giôn-xơn, Mắc Na-ma-ra, bộ trưởng quốc phòng đã phải hai lần tức tốc sang Sài Gòn và đáp máy bay lên tận An Khê (hậu cứ của sư đoàn kỵ binh bay) để trực tiếp nghe tướng Kin-na, tư lệnh sư đoàn này báo cáo chi tiết những gì đã xảy ra ở Ia Đrăng?...

Ngay sau khi trở về thủ đô Oa-sinh-tơn, Mắc Na-ma-ra đã trình lên tổng thống một phương án - hoặc đi đến một giải pháp thỏa hiệp... hoặc đáp ứng yêu cầu tăng (quân) của tướng Oét-mo-len. Tôi cảnh báo là phương án hai sẽ không đảm bảo thành công, số lính Mỹ chết trận có thể lên đến 1.000 người/tháng”(1). Ngày 12 tháng 12 năm 1965, Mắc Na-ma-ra lại điện thoại tiếp cho tổng thống Giôn-xơn khẳng định lại suy nghĩ của mình - “từ khi ở Sài Gòn về tôi đã ngày càng tin tưởng là chắc chắn chúng tôi nên nghĩ đến một hành động nào khác chứ không phải hành động quân sự là chương trình duy nhất”(2).

Cũng như nhiều quan chức khác trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, Mác Na-ma-ra, người được xem là người có bộ óc “điện tử”, là người thiết kế chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và ném bom miền Bắc Việt Nam, lập hàng rào điện tử ở đường 9 và người kiến trúc sư tạo dựng mô hình sư đoàn kỵ binh bay số 1; đồng thời là tác giả của chiến thuật hiện đại “trực thăng vận” giờ đây bắt đầu hoài nghi về vai trò của cái sư đoàn có gần 500 máy bay lên thẳng là quá cồng kềnh, tốn kém mà không thể đánh bại được đối phương trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ trận đánh này bởi nó là trận đánh phủ đầu, đồng thời là lá cờ đầu diệt tiểu đoàn Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Đây cũng là trận đầu tiên Mỹ đưa quân vào Tây Nguyên với tham vọng lớn đảo ngược thế cờ để lần đầu buộc phải rút chạy về chiến dịch.

Sau khi nhận được báo cáo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Miền đã điện gửi Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên: Bộ tư lệnh Miền không có loại huân chương nào cao hơn, nhưng để xứng đáng với chiến công xuất sắc nên quyết định tặng các lực lượng tham gia trận đánh Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng 2 huân chương Giải phóng hạng nhất.

Độ lùi thời gian càng xa càng giúp ta nhận thức sâu sắc ý nghĩa nhiều mặt của trận thắng Ia Đrăng, càng bồi đắp lòng tự hào về bản anh hùng ca bất diệt ấy.

Nhưng với trung tá Mo (sau này là trung tướng công tác tại bộ quốc phòng Mỹ), nguyên chỉ huy tiểu đoàn 1 lữ đoàn 1 sư đoàn không vận số 1 Mỹ thì vẫn còn sửng sốt về trận đánh này. Đã gần 30 năm trôi qua, trong lòng ông ta vẫn canh cánh nỗi đau thua trận. Năm 1992, trung tướng Mo trong đoàn cựu chiến binh sư đoàn kỵ binh bay số 1 sang Việt Nam xin được gặp những người chỉ huy của ta trong trận đánh này như Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An... để tìm hiểu vì sao thua trận.

Dưới đây là những ý chính cuộc đối thoại của Đại tướng Chu Huy Mân với trung tướng Mo xung quanh trận đánh này.


(1), (2) Mắc Na-ma-ra, Nhìn lại quá khứ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 224, 225.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 08:04:35 am »

Hơ-rôn Mo:

- Trận Ia Đrăng ngài đã thắng chúng tôi về chiến thuật nhưng ngài đã thua về chiến lược, vì ý định của các ngài định đánh chiếm miền Trung từ Tây Nguyên, Khánh Hòa, Nha Trang, Bình Định, cắt miền Nam thành hai mảng, nhưng khi quân Mỹ vào Việt Nam các ngài bỏ cuộc.

Chu Huy Mân:

- Tình báo của các ngài nhiều và thạo việc nhưng đã không phát hiện được ý định của chúng tôi. Đúng là trước năm 1965, chúng tôi có ý định đó nhưng khi quân Mỹ vào chúng tôi không theo ý định đó nữa.

Hơ-rôn Mo:

- Quân của ngài đánh ở chiến trường Tây Nguyên là chiến trường rừng núi, khó khăn thiếu thốn về vật chất, ngài lấy gì ăn để hoạt động.

Chu Huy Mân:

- Quân đội nhân dân Việt Nam vừa chiến đấu vừa sản xuất. Chúng tôi sản xuất ra lương thực để ăn nhưng phần lớn là các ông đã tiếp tế cho chúng tôi.

Hơ-rôn Mo:

- Ngài thắng quân Mỹ trong trận Ia Đrăng là vì theo tôi biết quân của ngài gấp 7 lần quân Mỹ. Ngài đã dùng chiến thuật lấy thịt đè người nên đã thắng chúng tôi.

Chu Huy Mân:

- Việt Nam là một nước nhỏ, kinh tế lại nghèo nếu chúng tôi đánh theo ý nghĩ của các ông suy diễn thì chúng tôi lấy đâu ra nhiều người, nhiều của để đánh thắng Mỹ. Chúng tôi thắng Pháp trước đây, thắng Mỹ ngày nay là do lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của mỗi cán bộ và chiến sĩ. Có được tinh thần ấy là do chúng tôi tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa, vì độc lập tự do, vì thống nhất Tổ quốc. Tinh thần là yếu tố cơ bản nhất của sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghệ thuật quân sự của chúng tôi luôn sáng tạo và thực tiễn, chúng tôi đã bắt các ông phải đánh theo cách đánh của chúng tôi.

Đến khi hiểu rằng tỷ lệ đó là 1/1 (chứ không phải là 7/1) thì Mo thực sự thán phục “bộ đội các ông thật tuyệt vời!”.

Với tư cách là một nhân chứng trong trận đánh này tôi muốn nói đôi điều về yếu tố làm nên chiến thắng. Một là, thường xuyên chăm sóc, vun trồng yếu tố cơ bản nhất tạo thành sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù. Gốc có vững, cây mới chắc khỏe, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt. Hai là, công tác chuẩn bị chiến đấu phải chu đáo mọi mặt, nhất là chuẩn bị về chính trị. Tư tưởng có vị trí đặc biệt quan trọng, vì thắng lợi cuối cùng trên chiến trường phụ thuộc vào yếu tố tinh thần và tâm lý của người chiến binh cầm súng trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 đã có ý thức chuẩn bị theo định hướng này ngay từ những ngày còn ở hậu phương lớn, vào chiến trường tiếp tục chuẩn bị theo yêu cầu cụ thể của chiến đấu: mỗi cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện tốt khẩu hiệu quyết thắng để tìm cái biết thắng; chủ động, linh hoạt thực hiện “hiệp đồng theo tiếng súng”, “bám thắt lưng địch mà đánh” để thắng địch giòn giã trong điều kiện vô cùng ác liệt do bom đạn Mỹ gây ra(1).

Có thể nói Ia Đrăng - trận đánh đã được chuẩn bị trong mười năm, mọi diễn biến, mọi thắng lợi trong chiến đấu đều do kết quả của công tác chuẩn bị, không hề có sự tham gia của bất cứ một yếu tố ngẫu nhiên nào.


(1) Sau các trận đánh ngày 14, đêm ngày 14 rạng ngày 15, đêm ngày 15 rạng ngày 16, từ cái chung, chúng tôi đã hiểu địch mạnh yếu một cách cụ thể. Ngoài hoả lực không quân cường kích còn có uy lực của trực thăng vũ trang của sư đoàn kỵ binh bay số 1, mỗi đại đội có 21 khẩu đại liên đặt trên trực thăng và nhiều dàn rốc-két. Ngoài máy bay cường kích, địch còn dùng máy bay chiến lược B.52 làm nhiệm vụ chi viện chiến thuật cho quân ở mặt trận, về pháo binh, lúc đầu ta dự đoán ở vùng rừng núi, cách xa căn cứ hoả lực và đường giao thông chính, sẽ hạn chế được hoả lực pháo binh mặt đất của địch. Nhưng trong thực tế thì ngược lại. Máy bay trực thăng CH.47 (cần cẩu bay) có thể cẩu pháo đến bất cứ nơi nào, để luôn luôn bảo đảm cho mỗi tiểu đoàn bộ binh có từ 2 trận địa pháo (12 khẩu 105mm) trở lên chi viện chiến đấu với mật độ hoả lực 6.000 viên đạn pháo cối/ngày. Với mật độ pháo cối như vậy, chúng có khả năng làm thay đổi địa hình khu vực tác chiến một cách nhanh chóng. Hoặc về khả năng cơ động, với số trực thăng gần 500 chiếc các loại, chúng có thể thực hành chiến thuật “nháy cóc” khắp nơi, kể cả vùng nằm sâu trong hậu phương ta, có thể cơ động từng lữ đoàn đến khu vực giao chiến trong thời gian ngắn, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho chúng, có thể làm đảo lộn hình thái bất lợi cho ta... Song bên cạnh chỗ mạnh đó, qua đọ sức với tiểu đoàn 1 của trung tá Mo ở bãi “Tia X” trong 3 trận, chúng tôi càng khẳng định những mặt yếu cơ bản của địch là hoàn toàn chính xác như Mỹ sợ đánh gần, đánh đêm, thiếu sự chi viện hoả lực đắc lực của pháo binh, không quân thì tinh thần dễ hoang mang, dao động, đội hình dễ hỗn loạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2022, 08:09:05 am »

Chương VIII
NGÀY XUÂN ĐẾN MUỘN


1

Kết thúc chiến dịch Plây Me, tôi được Bộ tư lệnh B3 điều về làm chính ủy nông trường 4 (Mặt trận Kon Tum). Cùng Tư lệnh trưởng anh Nguyễn Hữu An đang bắt tay vào công việc chuẩn bị mở chiến dịch Sa Thày, thì Bộ quyết định điều tôi về làm Chính ủy Sư đoàn 3, Quân khu 5.

Ngày 25 tháng 12 năm 1966, tôi từ sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Sa Thày trở về Khu 5. Cùng đi với tôi có hai chiến sĩ liên lạc, công vụ và đồng chí Đinh Đế, người dân tộc Cà-tu quê Quảng Nam cũng chuyển công tác về Khu 5. Chặng đường thật xa, càng ngược lên bắc Kon Tum rừng núi càng âm u, nhiều núi cao, suối sâu và thú dữ mà vẫn thấy phơi phới vui. Đã 10 năm xa quê, tôi chỉ ước gì có cánh để bay đến thật nhanh. Từ Ngọc Hồi, qua Binh trạm 5 chếch đông xuôi về Binh trạm 10 ở bờ sông Khâm Đức là đi vào đất Quảng Nam. Trời đổ mưa to, tầm tã, kéo dài, nước sông Khâm Đức dâng cao, chúng tôi phải nằm lại đúng một tuần, thì cũng là lúc binh trạm hết gạo, lượng dự trữ sẵn chỉ đủ ăn hai ngày, may mà còn da nai khô, chúng tôi đem chế biến ăn thay cơm. Da nai nướng cho cháy hết lông, rửa sạch, cắt miếng to bằng bao diêm, bỏ nồi luộc dừ là ăn được. Ba ngày đầu ai cũng tấm tắc khen ngon, có thể thay cơm dài dài. Đến ngày thứ tư, thứ năm thấy ớn! Và sang ngày thứ sáu thì đành chịu đói vì hễ ngửi thấy da hai luộc là tôi ói liền.

Ngày 3 tháng 2 năm 1967 tôi đến cơ quan Quân khu bộ ở bờ tây sông Tranh, huyện Trà My (Quảng Nam). Người gặp đầu tiên là Tham mưu trưởng quân khu, anh Giáp Văn Cương. Là bạn bè cũ, cứ thế chúng tôi ôm nhau hồi lâu như muốn khóc.

- Sao vào muộn thế? - Anh Giáp Văn Cương hỏi.

- Các cụ ngoài Bộ giữ hoài tiếp tục rèn luyện để chờ thời cơ, nay mới được lệnh - tôi trả lời.

Anh Giáp Văn Cương thân mật nói:

- Thôi mọi việc sẽ bàn sau, Nam Khánh đi rửa mặt chân tay cho tỉnh táo, rồi ăn với nhau bữa cơm mừng quả đất tròn hai đứa mình lại gặp nhau nơi chiến trường quen thuộc một thời gắn bó.

Bữa cơm đạm bạc mà ngon, tôi ăn liền bốn bát. Ngon vì cả tuần nay chưa có hạt cơm nào vào bụng, ngon vì đã lâu lắm rồi mới được ăn món “mắm cái” quen thuộc, một đặc sản của Nam Trung Bộ.

Cơm xong, anh Giáp Văn Cương động viên tôi:

- Cứ nghỉ cái đã, các anh trong Bộ tư lệnh xuống đơn vị chưa về. Ngoài Tết ta vào việc vẫn chưa muộn.

- Tôi muốn được đọc tài liệu trước.

- Được, mình sẽ nói với bảo mật, tài liệu tổng kết, các báo cáo kết quả hoạt động trong hai mùa khô, rất nhiều, v.v... không có sức mà đọc.

Rồi anh Giáp Văn Cương trực tiếp dẫn tôi đến nghỉ tạm tại căn lán của một đồng chí phó tư lệnh đi công tác xa, phải ra Tết mới về.

Bản tổng kết chung dày 200 trang như một chiếc chìa khóa mở lối để tôi tiếp cận thực tế sống động của chiến trường Khu 5 qua hai mùa khô đánh giặc, những thành tích, những mất mát do kẻ thù gây ra và những bài học rút ra mang lại cho tôi phấn khởi, tự hào, lòng tin và cả những bùi ngùi, đau xót về những tội ác mà kẻ thù đã gây ra.

Tôi thực sự tâm đắc bài học rút ra thành công thức “bốn bám”(1), xem đây như là một bước phát triển mới mang tính đặc thù của phong trào toàn dân đánh giặc tại chiến trường Khu 5.


(1) + “Đảng bám dân” để lãnh đạo nhân dân chống địch. Đây là vấn đề cơ bản nhất, ở đâu Đảng tồn tại, Đảng bám vào dân, lãnh đạo nhân dân và nhân dân đấu tranh chống địch, ở đó có phong trào chống “bình định” sôi nổi, mạnh mẽ và thắng lợi.
+ “Dân bám đất” để giữ thế hợp pháp đấu tranh không cho địch phân tuyến phân vùng, tạo thế cho du kích, bộ đội đánh địch.
+ “Du kích và bộ đội bám địch” để chống phá các cuộc càn quét, cướp bóc, trừng trị những tên ác ôn ngoan cố, những toán “cán bộ bình định”, tạo thế cho quần chúng bám đất đấu tranh.
+ “Cấp trên bám cấp dưới” để kịp thời nghiên cứu phát hiện các thủ đoạn đánh phá của địch, cùng cấp dưới đề ra những chủ trương đối phó thích ứng với từng vùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM