Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 05:16:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7458 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:26:17 am »

Tiểu đoàn trưởng cười hưởng ứng và nói:

- Mắt thằng địch bị cận thị!

- Ta vẫn phải đề phòng, biết đâu ngày mai địch mang kính cận - tôi tán thành ý nhắc nhở tế nhị của tiểu đoàn trưởng.

Trong niềm phấn chấn trận đầu thắng lợi, ban chỉ huy tiểu đoàn tranh thủ hội ý, thống nhất nhắc nhở những việc cần làm thì trung đoàn điện xuống nhắc cần kíp thời động viên bộ đội, nhắc nhở kiên trì chờ đợi nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật, tranh thủ sửa lại ngụy trang trận địa không để một dấu vết gì khác lạ. Khi có máy bay kể cả lúc nó bay trên đầu không được nhúc nhích, ai ở đâu ở nguyên đấy, kể cả khi máy bay thả lựu đạn khói thăm dò.

Chúng tôi chia nhau xuống các đại đội truyền đạt mệnh lệnh của trung đoàn đến tận tiểu đội, trung đội.

Ngày 16 đã đến. Thời tiết thật đẹp, trong xanh và thoáng mát không một gợn mây nhưng với chúng tôi thì lo hơn là thanh thản, vì đây là điều kiện thuận lợi để máy bay địch dễ phát hiện. Mãi 9 giờ máy bay địch lại tới, vẫn rà soát trên đoạn đường - trận địa của trung đoàn. Nhưng số vòng bay lượn nhiều so với ngày 15, bay cả ra hai bên đường, ngó nghiêng, chao đảo. Tuy chưa đụng độ mà căng thẳng bởi tiếng động cơ cứ phành phạch đều đều gây khó chịu trong đầu óc, căng thẳng về sự im lặng, bất động như phải nằm, ngồi mãi trong một tư thế, gây mỏi mệt; thèm một cái vươn vai, hít thở và cả tiếng cười, tán chuyện tếu táo...

Một ngày nữa qua đi, khu chiến - đường Hoàng Hoa Thám vẫn yên ắng, hoang sơ, không một bóng người. Đêm về lại bận rộn thay “áo” cho trận địa, giữ nguyên một màu vốn có. Và một đêm thay ngày nữa lại đến. Tất cả mọi người đều đứng dậy, vươn vai, hít thở, cười nói râm ran, tán gẫu đủ chuyện, lấy lại sức cho ngày mai vào trận.

Ngày 17 đã đến, ngày thứ ba của cuộc đấu trí. Thời tiết không đẹp lắm. Hơn 8 giờ mà mây mù vẫn dăng dầy và thấp như sắp đổ mưa oi nồng khó chịu. Tất cả chúng tôi như sống dưới một lòng chảo khổng lồ, tức thở vì thiếu không khí.

Vẫn mụ “đầm già” quen thuộc nhưng hôm nay đến rất nhanh, mánh khóe xảo quyệt hơn những ngày trước đó. Lúc vọt cao, khi hạ thấp rà soát kỹ mặt đường, vòng hai lần ở cứ điểm Cửu An để ngó nghiêng, vừa như dò tìm thận trọng vừa như hối hả cho xong nhiệm vụ để mất hút thật nhanh về hướng tây.

Chúng tôi dõi theo cẩn trọng và nghe ngóng động tĩnh từ các hướng, thì cũng là lúc trung đoàn qua thông tin hữu tuyến gọi xuống giao nhiệm vụ cụ thể: Tiểu đoàn sơn chiến số 8 của địch từ căn cứ An Khê đang chia thành hai ngả - một ngả theo đường đèo Thượng An vòng vào Cửu An - ngả thứ hai theo đường Hoàng Hoa Thám hợp điểm chiếm lại Cửu An. Một cánh quân khác từ An Khê theo hướng đông đánh chiếm Tú Thủy... Các đơn vị sẵn sàng đánh địch theo kế hoạch đã định.

Tất cả chúng tôi đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao hơn, đạn đã lên nòng. Công sức ba ngày chờ đợi không uổng. Trận đánh chưa xảy ra mà chúng tôi đã tin phần thắng nhất định thuộc về ta! Vì cho đến giờ này địch vẫn cho rằng con đường mà chúng tôi ém sẵn là nơi khô cằn, trống trải không người, không cả muông thú.

Trinh sát trung đoàn, tiểu đoàn từ đường 19 báo về địch đang triển khai đội hình đi về hướng trận địa phụ sẵn của ta. Chúng tôi thật sự phấn khởi, cùng với cả hồi hộp căng thẳng. Địch đã lọt vào thế trận của ta, vẫn đội hình hàng dọc, ngông nghênh, ngạo mạn, không ngó nghiêng đề phòng. Đúng là địch quá chủ quan, sao ta không tranh thủ thời cơ nổ súng? Địch đến cách Cửu An 500 mét thì tiểu đoàn 79 làm nhiệm vụ khóa đuôi nổ súng, báo hiệu địch đã lọt hết vào trận địa phục kích của ta, tức thì tiểu đoàn 19 làm nhiệm vụ chặn đầu, đồng loạt nổ súng. Thế là địch bị dồn vào một tình thế đuôi bị khóa, đầu bị chặn, tiểu đoàn 50 tiến công khúc giữa. Đội hình địch bị rối loạn hoàn toàn như rắn không đầu. Tên Rút-sen, thiếu tá chỉ huy cuộc hành quân chưa kịp hoàn hồn thì bị một chiến sĩ từ phía sau sáp vô ôm chặt, cùng lúc một chiến sĩ khác kịp thời xông tới trói ghì hai tay y về phía sau, chỉ cho y ngồi nơi cạnh đường, tiếp tục cùng đồng đội xốc tới. Cuộc cận chiến diễn ra trong cảnh đan xen ta địch, có cái gì như hỗn chiến, không còn phân ranh khu vực nhiệm vụ được giao của từng đơn vị. Tiến công diệt những tên ngoan cố chống lại, đối xử nhân đạo với những binh sĩ thức thời bỏ súng giơ tay đầu hàng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:27:09 am »

Trận chiến đấu kết thúc nhanh gọn, ta diệt 70 tên, địch bị bắt sống và đầu hàng 200 tên, trong đó có tên thiếu tá Rút-sen, một đại úy, hai trung úy và sáu thiếu úy; thu hai xe bọc thép cùng toàn bộ vũ khí trang bị của tiểu đoàn sơn chiến. Về phía ta thương vong không đáng kể. Nhưng trong niềm vui chiến thắng thật giòn giã này cũng có chuyện buồn thương đã hằn sâu trong ký ức tôi. Số là được tin trận đánh bắt được nhiều tù binh, trong đó có nhiều sĩ quan người Pháp, một số cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn trợ chiến đến xem, chẳng may bị máy bay địch ập đến bắn phá với dã tâm phi tang số tù binh mà ta bắt được, có 50 binh sĩ địch bị chết. Một số cán bộ, chiến sĩ ta đến xem cũng bị thương, trong đó có tiểu đoàn phó Thụng và chính trị viên Cầu phải đưa vào trạm xá cấp cứu nhưng không qua được vì cả hai người đều bị thương quá nặng.

Phối hợp với trận chặn viện, đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21 tháng 1 ta thực hiện mệnh lệnh đợt hai chiến dịch, trung đoàn 803 tiến công tiêu diệt cứ điểm Thượng An và tháp canh Đầu Đèo. Như vậy là một vòng cung phòng ngự rộng lớn gồm bốn cứ điểm (Cửu An, Tú Thụy, Thượng An, Kon Lía) và hai tháp canh (Eo Gió, Đầu Đèo) chỉ trong chín ngày đã bị quân ta tiêu diệt và bức rút (đồn Kon Lía). Quân dân An Khê (Gia Lai), quân dân Bình Định, nhất là quân dân Bình Khê quê tôi vô cùng phấn khởi. Khẩu pháo 155 mi-li-mét ở lô cốt Đầu Đèo suốt mấy năm liền đã tàn phá làng mạc, ruộng đồng các xã Bình Giang đã thuộc về ta. Hai nghìn người tự nguyện xung phong lên Đầu Đèo kéo pháo về. Sau bảy ngày đêm vất vả, khẩu pháo được đưa về Gò Găng (An Nhơn) cất giấu an toàn trước sự hân hoan của bà con cô bác.

Liên tiếp trong hai ngày 24, 25 tháng 1, trung đoàn 803 phục kích tiêu diệt hai đại đội thuộc tiểu đoàn dù ngụy số 1, làm thất bại âm mưu tái chiếm Thượng An của chúng; đại đội 68 và đại đội địa phương huyện An Khê phục kích diệt một đại đội ngụy, phá hủy 25 xe quân sự. Thừa thắng, đại đội địa phương huyện Đắc Bớt tập kích địch bức chúng phải rút đồn Dgiama.

Cùng lúc trung đoàn 108 thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, đã và đang khẩn trương chuẩn bị đợt hoạt động đánh phục kích địch trên đường 19 từ Thượng An đi An Khê. Mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì được lệnh lui quân. Chúng tôi phải rút bỏ nơi mà ta đang chiến thắng, nơi mà địch đã và đang thất bại thật đau - cả một khu vực phòng ngự đồng bắc An Khê của chúng được coi là bất khả xâm phạm đã bị ta san bằng.

Ngỡ ngàng, thắc mắc vì sao lại lui quân trong thế thắng? Nhưng không ai giải đáp được ngoài Bộ chỉ huy chiến dịch. Nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch lại là người ra lệnh phải lui quân. Và dù thế nào, chúng tôi cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh khi đã có lệnh...

Cán bộ từ tiểu đoàn trở lên lại được về cơ quan Bộ tư lệnh Liên khu họp tổng kết chiến dịch. Mọi việc đã vỡ lẽ, nhưng trên đường về dự tổng kết chúng tôi cũng muốn cấp trên giải đáp một số vướng mắc mà bản thân thấy chưa thật thoải mái.

Phần chính của tổng kết đã xong. Ai cũng thấy vinh dự được tham gia một chiến dịch lớn chưa từng có từ trước đến nay; ai cùng phấn khởi vì đã được góp phần mình vào một chiến thắng thật lớn và giòn giã; thấy được sự trưởng thành lớn mạnh và cả những ấu trĩ cần tránh. Lần đầu tiên, tiểu đoàn 19 chúng tôi trong đội hình chiến dịch; lần đầu tiên trung đoàn 108 chiến đấu trong đội hình bốn tiểu đoàn; lần đầu tiên hai trung đoàn chủ lực 108 và 803 của liên khu chiến đấu hiệp đồng trên quy mô chiến dịch, cùng đánh hai trận then chốt mở đầu (108 đánh Cửu An, 803 đánh Tú Thủy) và cùng chiến thắng trong một đêm mở đầu, đã mang lại cho chúng tôi nhiều bài học về chọn hướng tiến công; bài học đánh điểm diệt viện; bài học về nghi binh lừa địch, tạo bất ngờ cả về chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu; giúp ích cho các đợt chiến đấu hiệp đồng quy mô sau đó bớt được những tổn thất không đáng có, chủ động và có bản lĩnh hơn trong quá trình tổ chức, chỉ huy, chiến đấu.

Phần phụ, nhưng chúng tôi xem như là phần chính. Những lướng vướng về nhận thức của chúng tôi đã được anh Nguyễn Chánh giải thích. Anh nói: Chiến thắng An Khê làm xáo trộn thế trận của địch ở miền Trung Đông Dương, chấn động về chính trị đối với toàn bộ vùng Tây Nguyên chiến lược, buộc địch phải tăng viện không những vào An Khê mà còn đưa lực lượng đổ bộ lên Quy Nhơn, ở chiến trường Bắc Bộ địch đã làm, như khi ta mở chiến dịch Biên Giới địch đánh lên Thái Nguyên, khi ta mở chiến dịch Tây Bắc địch đánh ra tây nam Phú Thọ. Nhưng tương quan cả thế và lực ngoài ấy khác, chiến dịch Biên Giới và chiến dịch Tây Bắc vẫn mở theo kế hoạch đã định đồng thời ta vẫn có lực lượng đánh địch phía sau, kết quả là ta thắng lợi kép, vừa mở rộng vùng giải phóng đồng thời vẫn giữ vững vùng tự do. Còn điều kiện ở chiến trường Liên khu 5 chưa cho phép. Nếu chiến dịch An Khê vẫn tiếp tục thì khả năng chiến thắng vẫn còn, nhưng thương vong có thể sẽ lớn. Mặt khác với lực lượng tập trung địch có thể mở các cuộc phản kích gây tổn thất cho ta ở phía trước, đồng thời mở cuộc hành quân đánh phá vùng tự do, thậm chí chúng có thể chiếm đóng một số vị trí quan trọng, lúc ấy chủ lực ta quay trở lại thì đã muộn. Đó chính là lý do để Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch An Khê.

Cuối cùng anh đích thân đọc thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Thắng lợi này, chứng tỏ các đồng chí đã tiến bộ về chính trị cũng như về kỹ thuật sau thời kỳ chỉnh huấn, đặc biệt là đánh điểm nhỏ, viện nhỏ”.

Hội nghị tổng kết chiến dịch kết thúc. Chúng tôi ra về trong thanh thản và tự tin mùa hoạt động quân sự 1953 - 1954 sẽ có những thắng lợi lớn và những bất ngờ lớn đối với địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:28:39 am »

Chương V
LÊN TÂY NGUYÊN HAY Ở LẠI ĐỒNG BẰNG


Đầu tháng 1 năm 1954, sau đợt chỉnh huấn chỉnh quân tập trung, cán bộ trung cấp được Bộ tư lệnh Liên khu triệu tập về nghe phổ biến nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động quân sự Đông Xuân 1953 1954.

Nhận lệnh ai nấy đều háo hức lên đường, vì được tin anh Nguyễn Chánh vừa từ Việt Bắc(1) trở về, chắc sẽ được nghe anh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu đối với chiến trường Nam Trung Bộ đang trong tình hình cực kỳ khẩn trương, địch ráo riết chuẩn bị lực lượng mở cuộc hành quân Át-lăng đánh chiếm vùng tự do Khu 5... Sau nữa được nghe anh kể chuyện cuộc sống nơi căn cứ địa Việt Bắc - cái nôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, điểm tựa của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của cả nước, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ ở và làm việc mà bấy lâu chúng tôi hằng ngưỡng mộ, mong ước được ra thăm hoặc những ai từ ngoài đó vô đây kể chuyện.

Chiều ngày 4 tháng 1, đoàn cán bộ trung đoàn 108 và 803 tới Ân Tường (xã Ân Tường, huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định), nơi ở và làm việc của cơ quan Bộ tư lệnh Liên khu. Người gặp đầu tiên là anh Nguyễn Bá Phát, một thời làm trung đoàn trưởng trung đoàn 108 chúng tôi. Kỷ niệm xưa cũ được dịp bung ra thành cuộc hàn huyên không đầu, không đuôi mà sôi nổi, hào hứng, đậm đà, tình cảm cứ như anh em trong một gia đình lâu ngày gặp lại. Được biết anh giữ chức phó tham mưu trưởng chiến dịch Đông Xuân này, chúng tôi vây quanh, bám sát anh đua nhau “khai thác” về tình hình nhiệm vụ quân sự sắp tới; trung đoàn 108 và 803 làm gì, ở đâu. Nghĩ thế nào hỏi thế ấy, không e dè, giữ ý:

- Hướng hoạt động quân sự sắp tới là đâu?

- Âm mưu đánh chiếm vùng tự do của địch và kế hoạch đối phó của ta?

- Nhiệm vụ cụ thể của trung đoàn 803 ở hướng nào ra lại Quảng Nam hay vào Phú Yên; hay đứng chân ở Tuy Phước - Diêu Trì chặn địch từ An Khê đánh xuống, sẵn sàng đánh địch từ tàu biển đổ bộ đánh chiếm thị xã Quy Nhơn, v.v...

Thế là đang từ hàn huyên tâm tình chuyển sang không khí làm việc nghiêm túc, cấp dưới thắc mắc hỏi cấp trên để thông suốt nhiệm vụ. Anh Nguyễn Bá Phát vẫn thân tình cởi mở, chăm chú lắng nghe, phảng chút đăm chiêu.

- Còn ai có ý kiến gì nữa không? - Anh Phát hỏi

- Dạ đủ - Tôi đứng gần anh trả lời.

Phút im lặng chứa đựng ý thức trách nhiệm của cả người hỏi và người được hỏi. Bỗng Phó tham mưu trưởng chiến dịch đằng hắng lấy giọng và chậm rãi nói như tâm tình - những thắc mắc của các đồng chí sẽ được cuộc họp ngày mai giải đáp đầy đủ. Tôi tranh thủ trao đổi một số nội dung chính về chủ trương chỉ đạo chung đã được Thường vụ Khu ủy và Thường vụ Đảng ủy Liên khu thông qua, gồm ba nội dung chính như sau:

Một là, tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực cơ động lên hướng Tây Nguyên, trước mắt là Bắc Tây Nguyên, vì đây là hướng tiến công chủ yếu, cần phải có lực lượng tiến công đủ mạnh, đánh những trận then chốt nhằm tạo ra một chuyển biến về cục diện có lợi cho ta trên chiến trường Nam Trung Bộ...

Hai là, giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho các lực lượng địa phương; trước mắt các tỉnh cần khẩn trương xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp với làng xã chiến đấu liên hoàn theo phương án tác chiến mà Bộ tư lệnh Liên khu đã giao cho từng vùng. Thực hiện địch đánh đến địa phương nào địa phương đó tự đối phó, tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch; kìm chân không cho chúng mở rộng phạm vi kiểm soát; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do địch gây ra. Địa phương nào địch chưa đến, phải tích cực động viên nhân dân phục vụ tiền tuyến...

Ba là, các tỉnh vùng sau lưng địch tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, đốt phá kho tàng, đánh phá giao thông, bao vây chia cắt đồn bốt địch; đánh sâu vào thị trấn, thị xã gây rối loạn ngay trong lòng địch. Khi chủ lực ta đánh mạnh ở Tây Nguyên hoặc lúc địch đánh ra vùng tự do phải tổ chức các đợt hoạt động quân sự mạnh, kìm giữ không cho địch rút lực lượng đi nơi khác; đồng thời lợi dụng lúc địch sơ hở, ra sức tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng du kích, vùng giải phóng...


(1) Ngày 4 tháng 8 năm 1953, anh Nguyễn Chánh ra Trung ương nhận nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, 45 ngày sau mới đến Tuyên Quang. Ngày 2 tháng 12 năm 1953 anh Chánh rời Việt Bắc, 30 ngày sau về đến liên khu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:30:38 am »

Tất cả như có cái gì ngỡ ngàng, bởi những điều anh Phát nói là dễ hiểu, đã được cấp trên phê duyệt thành chủ trương chung nhưng nằm ngoài những điều chúng tôi thắc mắc, muốn hỏi, muốn tìm hiểu tức thì. Gặp đoàn cán bộ trung đoàn 803 từ Phù Cát ra hồi sáng cũng có chung tâm trạng như chúng tôi, vì ở trong đó tin tức về cuộc hành quân Át-lăng của địch lan rộng ra cả nhân dân, đi đâu cũng nghe tiếng bàn tán nhỏ to, ai cũng mong đợi cấp trên sớm phổ biến kế hoạch đánh địch bảo vệ vùng tự do để làm công tác chuẩn bị.

Đêm hôm đó cả hai đoàn cán bộ trung đoàn 108 và 803 thao thức đến tận khuya, phần vì lâu mới có dịp gặp nhau thả sức tâm sự về những kỷ niệm vui, buồn, lúc thảnh thơi thư giãn, lúc cập rập những cơ cực của người chiến sĩ trong các đơn vị chủ lực trên một chiến trường quá rộng... Chuyện gì thì chuyện cuối cùng lại trở về câu hỏi lên Tây Nguyên hay ở lại đồng bằng!

- Tại sao địch đang tích cực, khẩn trương triển khai kế hoạch đánh chiếm vùng tự do, thì ta lại đưa chủ lực lên Tây Nguyên?

- Nếu tiến quân lên Tây Nguyên mà không phá được thế phòng thủ của địch, không giành được một khu vực có giá trị về chiến lược thì tình hình sẽ ra sao?

Cũng có ý kiến không thắc mắc mà khẳng định, bảo vệ vùng tự do lúc này phải là nhiệm vụ hàng đầu, chứ không phải hàng giữa, càng không thể là hàng cuối, vì mất vùng tự do là mất tất cả, mất hậu phương.

Từ thắc mắc đơn phương dẫn đến cuộc tranh luận khi một đồng chí trong đoàn nêu ý kiến đưa chủ lực phát triển tiến công lên Tây Nguyên là đúng thì cuộc tranh luận sôi nổi hẳn lên. Nhưng chiều hướng chung vẫn ngả về lý lẽ ở lại bảo vệ vùng tự do là đúng, là hợp lòng dân, song không mấy thuyết phục. Đêm đã về khuya và để đảm bảo yên tĩnh chung, chúng tôi tự nhủ ngày mai sẽ rõ.

Sáng hôm sau, cảnh vật Hoài Ân, một huyện trung du đang còn đọng sương mai đầy mờ ảo, chúng tôi đã thức giấc, tranh thủ làm vệ sinh cá nhân, đánh răng rửa mặt xong là lên ngay phòng họp. trước cả bộ phận tổ chức hội nghị.

Buổi sáng nghe Tham mưu trưởng chiến dịch Nguyễn Đôn phổ biến kế hoạch chung và nhiệm vụ cụ thể của hai trung đoàn 108 và 803.

Buổi chiều khi anh Nguyễn Chánh đến, tất cả chúng tôi đứng dậy vỗ tay hồi lâu. Anh tươi cười vỗ tay đáp lại, nhìn về phía cử tọa, ra hiệu ngồi xuống và bắt đầu làm việc.

Phòng họp yên tĩnh trở lại, tất cả những người dự họp đều hướng về phía diễn giả chờ đợi.

Mở đầu buổi họp, anh Nguyễn Chánh thông báo: Trong lúc chúng ta mở hội nghị bàn nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động quân sự Đông Xuân 1953 - 1954 thì diễn biến chiến sự ở các chiến trường khác trên toàn quốc đã trở nên khẩn trương, sôi động, bước đầu thu được những thành tích quan trọng. Đại đoàn 316 thực hành cuộc hành quân bôn tập dài 300 ki-lô-mét, kịp thời tiêu diệt 24 đại đội địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Lai Châu; trung đoàn 66 Đại đoàn 304 và trung đoàn 101 Đại đoàn 325 cùng phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào nổ súng mở đầu chiến dịch Trung - Hạ Lào làm đảo lộn kế hoạch phản công chiến lược trên toàn Đông Dương của tướng Na-va. Từ chỗ tập trung phần lớn lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ, địch buộc phải phân tán lực lượng, vội vã đưa sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, bảo vệ vùng Thượng Lào; đưa 22 tiểu đoàn sang Sê Nô nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của ta đang phát triển xuống thị xã Thà Khẹt và thị xã A-tô-pơ...

- Còn chúng ta thì sao? - Anh dừng lại hỏi - Rõ ràng đúng như Bộ Tổng Tham mưu khi xây dựng kế hoạch chung đã dự đoán: Chủ lực Liên khu 5 có khả năng nổ súng muộn hơn so với các chiến trường khác. Như vậy là cấp trên đã thông cảm với khó khăn của chúng ta. Song không vì thế mà lề mề, chậm chạp. Tình hình đang đòi hỏi các đơn vị chủ lực Liên khu 5 phải thật khẩn trương, nỗ lực vượt bậc, sớm đưa đợt hoạt động quân sự ở chiến trường Nam Trung Bộ hòa nhập vào kế hoạch chung mà Bộ Chính trị đã thông qua(1).


(1) Cuối tháng 9 năm 1953, tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chính trị họp thông qua quyết định về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Tham gia hội nghị có Chủ tịch Hồ Chí Minh (chủ trì hội nghị), đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, v.v...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:32:13 am »

Phòng họp nhúc nhích, có tiếng rì rầm và cả cái huých tay, ai nấy cảm thấy có cái gì thúc giục, rồi lại chăm chú nghe, ghi chép khi anh đi vào nhiệm vụ cụ thể của liên khu. - Sau khi nghe phổ biến kế hoạch chung, các đồng chí đều thấy đặc điểm trong đợt hoạt động quân sự Đông Xuân này là: chúng ta vừa khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên vừa phải triển khai nhiệm vụ chống lại cuộc hành quân Át-lăng của địch nhằm đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. Có lẽ đây là nét thật riêng của mặt trận Nam Trung Bộ và cũng là một trọng trách nặng nề và rất vinh quang mà lịch sử đang giao phó cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải đạp bằng khó khăn, vượt lên thời gian trong cuộc chạy đua này.

Trong cùng một thời gian có nhiều nhiệm vụ đặt ra, ta phải suy nghĩ lựa chọn nhiệm vụ nào là trọng tâm, hướng tiến công nào là chủ yếu để tập trung sức lực hoàn thành cho được, cho dù có khó khăn đến mây cũng phải vượt qua giành cho được thắng lợi quyết định, tạo ra chuyển biến cục diện có lợi cho ta... Là người được tham dự hội nghị phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động quân sự Đông Xuân 1953-1954 do Bộ Tổng tư lệnh triệu tập cuối tháng 11 năm 1953 tại căn cứ Việt Bắc, anh không đi vào đối thoại thắc mắc cụ thể mà là truyền đạt những tư tưởng chỉ đạo có tầm nhìn xa của Bộ Chính trị, của Tổng Quân ủy làm cơ sở để chúng tôi suy nghĩ, tự mình giải đáp, tự mình thông suốt làm tốt chức năng lãnh đạo và chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Vừa chỉ lên bản đồ anh vừa nói: Nhìn nhận về chiến trường Nam Trung Bộ nói riêng, toàn miền Nam Đông Dương nói chung, thì Tây Nguyên có vị trí quan trọng hơn cả. Trong hội nghị Bộ Chính trị và hội nghị Tổng Quân ủy, khi thảo luận giao nhiệm vụ cho Liên khu 5 trong đợt hoạt động quân sự Đông Xuân này đã nhấn mạnh: Phải tích cực và mạnh bạo phát triển lên Tây Nguyên, trước hết là phía bắc, đồng thời tiếp tục củng cố vùng tự do hiện nay. Có phát triển lên Tây Nguyên mới giành được khu chiến lược quan trọng nhất ở miền Nam. Nếu khu chiến lược đó còn ở trong tay địch thì cục diện miền Nam rất khó cải biến.

Rõ ràng chỉ có phát triển về phía tây, mở rộng vùng tự do về hướng đó, mới giữ vững vùng tự do hiện nay. Thậm chí địch có thể tạm thời chiếm đóng một bộ phận đất đai vùng tự do của ta, nhưng nếu cuộc tiến công của ta phát triển thuận lợi trên chiến trường Tây Nguyên, thì cuối cùng chúng cũng bị bắt buộc phải rút quân, có khi phải rút khỏi nhiều địa phương khác.

Cuối cùng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Nguyễn Chánh kết luận, đồng thời cũng là kêu gọi: Tổng Quân ủy đã xác định “phát triển lên Tây Nguyên lúc này là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”(1), đòi hỏi chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tìm mọi biện pháp thực hiện một cách tốt nhất.

Anh nói ngắn mà sâu, gần mà xa trúng vào những băn khoăn, vướng mắc của chúng tôi. Những tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tổng Quân ủy, của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu mà anh truyền đạt giúp cán bộ trung cấp chúng tôi rộng đường suy nghĩ đi vào ngóc ngách của chân lý mà trước đó chưa nhận ra, hoặc có thể phiến diện chưa đủ lý lẽ giải quyết cho bản thân, chưa đủ cơ sở thuyết phục cán bộ chiến sĩ cấp dưới, đến nỗi đã có lúc nghĩ đến phải dùng mệnh lệnh để giải quyết nhận thức và tư tưởng.

Cũng vẫn không gian và thời gian ấy, cũng vẫn những diễn biến đã và đang xảy ra ấy mà nay đã nhận ra nhiều điều mới mẻ, tạo lòng tin mới trước khi vào trận. Tây Nguyên đúng là địa bàn chiến lược quan trọng nhất, chính vì vậy mà khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, trong kế hoạch tốc chiến đánh chiếm Nam Trung Bộ, bằng mọi giá chúng đánh chiếm cho được Tây Nguyên trước để quay lại khống chế đồng bằng. Gần tám năm qua, do địa bàn chiến lược Tây Nguyên bị địch chiếm, vùng tự do Khu 5 không có chỗ dựa lưng, luôn luôn bị chúng uy hiếp, nhiều lúc từ đây chúng mở những cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm làm cho vùng tự do phía tây Khu 5 luôn trong trạng thái mất ổn định, đã có lúc cả hai trung đoàn chủ lực 108 và 803 mất nhiều công sức và thời gian đánh địch ở bắc Kon Tum, bảo vệ vùng tự do thuộc hai huyện Sơn Hà và Ba Tơ.

Đúng là tương quan lực lượng lúc này, ta tạm thời chấp nhận “tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, đánh địch ở những nơi sơ hở”(2), thì Tây Nguyên hội đủ những điều kiện đó. Sau bảy năm đọ sức thế trận của địch ở đây bộc lộ nhiều điểm yếu; địa bàn rộng nhưng lực lượng chiếm đóng mỏng bố trí phân tán thành từng cụm rải dài theo thị trấn, thị xã, dọc các trục lộ dễ bị bao vây, chia cắt, khả năng ứng chiến yếu và chậm. Đó là một trong những yếu tố đảm bảo chắc thắng của chiến dịch Bắc Tây Nguyên mà Thường vụ Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu ủy đã hạ quyết tâm trong đợt hoạt động Đông Xuân này.


(1) Báo cáo của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 27 tháng 11 năm 1953.
(2) Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, tháng 3 năm 1953.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:33:25 am »

Hội nghị kết thúc vào buổi sáng, thì sau bữa cơm trưa cùng ngày, tất cả những người dự họp đều tỏa về các đơn vị để kịp triển khai chuẩn bị cho mùa vào trận mới. Riêng tôi được Bộ tư lệnh Liên khu gọi lên trao quyết định về làm chủ nhiệm chính trị trung đoàn 803 và được nghỉ phép một tuần để cưới vợ!

Như bao anh em khác, mỗi khi được lên cấp lên chức đều là một lần phấn khởi trong đời, kèm theo cả lo sao hoàn thành nhiệm vụ, khỏi phụ lòng cấp trên. Còn việc được nghỉ phép để lo việc riêng thì trong tôi, phấn khởi và ngỡ ngàng xen lẫn. Thông thường, hôn nhân là kết quả của tình yêu đã chín muồi. Nhưng tình yêu của hai chúng tôi sự chín muồi lại đúng vào mùa ra trận, nhưng là một mùa ra trận lịch sử, có sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất trên phạm vi toàn quốc nên sau khi viết đơn lên cấp trên xin nghỉ phép... tôi tự nhủ - việc này không diễn ra thì tốt, chờ dịp khác. Nhưng nào ngờ cấp trên không quên, vẫn tạo cho tôi được thực hiện nguyện vọng riêng. Khi nhận lệnh vì quá xúc động tôi quên cả cám ơn cấp trên, cứ thế một mạch chạy về nhà vợ sắp cưới ở xã Nghĩa Diễn, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) báo tin vui và lao vào chuẩn bị cho ngày lễ thành hôn như đã dự định.

Mọi việc diễn ra đơn giản, gọn nhẹ và hạnh phúc ban đầu mang lại nhanh đến mức ngỡ ngàng! Kết thúc tuần trăng mật, tôi lên đường đi chiến dịch, vợ mang bầu; kết thúc chiến dịch, trở về thăm gia đình, vợ sinh con trai tròn tháng tuổi. Sự sinh tồn nảy nở trong chiến tranh biến thành kỷ niệm sâu đậm thật riêng, mỗi khi nhớ lại, cả hai chúng tôi vẫn thấy nơi tim mình rộn rã nhịp sống của tuổi trẻ năm xưa, quên cả năm tháng và tuổi cao, thấy đời vẫn như ngày nào cách đây tròn nửa thế kỷ.

Đường về trung đoàn 803 tận Phù Cát (Bình Định). Nhớ thương, bịn rịn, có cả níu kéo theo tôi suốt chặng đường dài. Không buồn nản mềm yếu, chỉ thấy có cái gì sưởi ấm tâm hồn, xua đi những trống vắng khi cuộc sống lúc độc thân. Lại có cả cái gì như vợi bớt những tính toán, lo toan vì đã làm xong một việc đại sự(1), đã nâng bước tôi những ngày sau đó.

Tôi đến huyện Phù Cát vào buổi chiều tà, sau bốn ngày rưỡi vượt bộ trên chặng đường dài 160 ki-lô-mét. Thấy tôi các anh trong ban chỉ huy trung đoàn tay bắt mặt mừng, như đón người con của trung đoàn đi xa dài ngày trở về khiến tôi xúc động muốn khóc!

- Tụi này mong Nam Khánh hoài! - Trung đoàn trưởng Phan Hàm nắm tay tôi hồi lâu.

Tôi định trình bày lý do được phép cấp trên ở lại cưới vợ nhưng tự nhủ - chuyện riêng mà, nên chỉ thanh minh chung chung:

- Tôi mắc công chuyện đang phải làm dở, phải ở lại, mong các anh thông cảm.

- Không sao!- Trung đoàn trưởng Phan Hàm động viên - Vào đến đây là tốt rồi. Tụi mình vẫn để phần việc cho Nam Khánh.

Thật may, tôi đến đúng lúc trung đoàn đang triển khai chuẩn bị chiến đấu theo kế hoạch hướng dẫn tại hội nghị phổ biến nhiệm vụ mà tôi được tham dự.

Đúng là làm anh lính chủ lực cơ động cũng có cái hay, có điều kiện thỏa chí tang bồng, đi nhiều, biết nhiều, đánh những trận thối động có tiếng vang. Nhưng cũng lắm “cơ cực”, chưa ấm chỗ đã có lệnh chuyển quân, mới quen người quen cảnh, cả chuyện tỏ tình mới qua khóe mắt, nụ cười cảm thông, chưa kịp bén duyên đã lại đi liền! Suốt ba mùa vào trận (1951-1953) trung đoàn 108 và trung đoàn 803 những đi là đi, trận đánh này chưa kết thúc đã tiếp nối trận đánh khác. Sau đợt hoạt động hè ở Bắc Kon Tum là đến chiến dịch An Khê. Sau An Khê theo lệnh chúng tôi lại hối hả lên đường chia làm hai ngả: Trung đoàn 108 ngược hướng bắc đánh địch ở Đà Nẵng, Hội An; Trung đoàn 803 xuôi vào Nam Tây Nguyên thực hành một cuộc bôn tập thật dài qua địa phận ba tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc sát tận Khánh Hòa.

Trận đánh cuối cùng kết thúc cuối tháng 5 đầu tháng 6, chưa kịp tổng kết rút kinh nghiệm chúng tôi lại được lệnh của Bộ tư lệnh Liên khu gọi về: Trung đoàn 108 đứng chân ở Quảng Ngãi, trung đoàn 803 đứng chân ở Phù Cát tiến hành chỉnh huấn, chỉnh quân, sau chỉnh huấn chỉnh quân hai trung đoàn được lệnh gấp rút chuẩn bị tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên mở đầu đợt hoạt động Đông Xuân (1953-1954).

Chủ lực cơ động ở chiến trường Nam Trung Bộ là như vậy đó. Lực lượng ít, mỏng, chiến trường rộng, nhiệm vụ nhiều, vất vả, gian nan, cơ cực, lúc đầu chưa quen thấy ớn! Sau quen dần thấy bình thường, háo hức mỗi khi mùa ra trận mới lại đến.


(1) Người xưa nói: tậu trâu, lấy vợ, làm nhà là ba việc lớn của một đời người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2022, 06:34:43 am »

Thời gian đang nhích dần qua giữa tháng 1 năm 1954. Bầu trời mặt đất vùng trung du Phù Cát, nơi trung đoàn 803 đứng chân cứ sau những trận mưa cuối mùa cảnh trí càng nên thơ, in đậm màu xanh dịu mát, thanh bình, no ấm, thì cũng là lúc công việc chuẩn bị chiến đấu của chúng tôi đang đi vào giai đoạn hoàn tất nhưng không mấy êm ả. Trước đó một tuần một không khí tràn đầy hứng phấn chờ ngày ra trận... Trên báo tường của các đơn vị đầy ắp những bài báo, tranh vẽ đủ loại nhưng nhiều nhất vẫn là thơ ca, hò vè động viên, nhắc nhở nhau ráng làm tốt việc chuẩn bị để có lệnh là đi. Một lần xuống làm việc với ban chỉ huy tiểu đoàn 59, tôi ghé đọc báo tường số mới nhất, trong đó có bài ca dao ngắn, vần điệu chưa nhuyễn nhưng nói được cái khí thế thúc giục, sẵn sàng của tiểu đoàn, đến nay tôi vẫn còn nhớ:

Đông Xuân nay đã đến rồi
Súng ơi! Súng có bồi hồi hay không?
Tiến quân dưới ngọn cờ hồng
Đã nghe tiếng súng diệt đồn nổ vang


Bỗng dưng có sự trùng xuống, có cái gì tẻ nhạt ít ra là vẻ bề ngoài! Lúc này đến đơn vị nào cũng dễ thấy chuyện bàn tán nhỏ to của chiến sĩ về chuyện ở và đi, như: vì sao ta lại thả lỏng vùng tự do trước nguy cơ địch đang ráo riết đánh chiếm; liệu thắng ở Tây Nguyên có bù được mất mát ở hậu phương không; có buộc địch phải nhả vùng tự do của ta không? hoặc hành quân lên Tây Nguyên là đánh vào núi xương, còn bầu sữa (vùng tự do) thì bỏ, v.v...

Một cán bộ đại đội có tên rất con gái là Lan, tuổi còn trẻ, đẹp trai, hồn nhiên, quê Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) thuật lại chuyện mắt thấy tai nghe: Sáng hôm qua tôi vừa ra khỏi nhà, gặp ông chú ruột xăm xăm bước tới, kéo tay tôi bắt đứng lại để ông giãi bày. Tôi thật bất lực không biết nói thế nào, khi ông giận dữ dồn tôi, lúc không có giặc thì có tụi bay, lúc giặc sắp vô tụi bay đi. Thôi được, để súng lại cho tao! Nhưng chú ơi, có súng đâu mà để lại. Cháu hết hạn nghỉ phép trở lại đơn vị đây, thưa chú!

Rõ ràng thắc mắc ở hay đi đang là hiện tượng phổ biến, lan ra cả nhân dân, ảnh hưởng đến tư tưởng bộ đội.

Ý thức được vấn đề, một cuộc họp Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn được triệu tập, diễn ra gần trọn một ngày để bàn kế hoạch ổn định tư tưởng bộ đội. Không khí thảo luận sôi nổi, có lúc tranh luận gay gắt, căng thẳng, ai cũng cho cái đúng thuộc về mình. Có ý kiến đồng với tâm tư thắc mắc của quần chúng; có ý kiến cho đây là hữu khuynh tiêu cực, thoái thác nhiệm vụ, cần phải phê phán. Nhưng số đông không đồng tình với hai khuynh hướng võ đoán trên. Ở lại với mong muốn được tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương đâu phải là sai. Song tuyệt đối hóa cho bảo vệ quê hương lúc này là trên hết cũng là phiến diện, không ổn. Ta ôn tồn giải thích chắc quần chúng sẽ thông. Hầu hết cán bộ chiến sĩ ta đều là nông dân mặc áo lính, tình cảm, tâm tư đều gắn chặt với những biến động thăng trầm của quê hương. Hơn nữa quê hương đang đứng trước một thử thách đầy cam go thì sao lại không lo lắng, trăn trở. Có gì sai mà phải phê phán, cái tình cảm đầy trách nhiệm ấy cần được trân trọng, biểu dương, nhưng lại phải hướng nó vào một suy nghĩ toàn diện hơn, vào cái yêu cầu chung tối thượng lúc này, chắc chắn sẽ trở thành nhận thức đúng và nó biến thành hành động đúng...

Thấy không còn ai ý kiến gì ngược lại, đồng chí chính ủy kiêm bí thư đảng ủy trung đoàn kết luận: Dù là nhận thức, nhưng nhận thức không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chung, cần tích cực giải quyết. Nhưng phải có lý có tình. Vì vậy ngay sau cuộc họp này cần tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị nhẹ nhàng, ngắn gọn, có lãnh đạo chặt chẽ. Làm trong chi bộ, tổ đảng trước, đại đội, trung đội, tiểu đội sau, để anh em thoải mái trao đổi tâm tư vướng mắc của mình, thực hiện quần chúng giải quyết nhận thức, tư tưởng cho quần chúng. Trên cơ sở đó các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy ôn tồn giảng giải để mọi người thấy rõ.

Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu chủ trương mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên là đúng đắn, đánh vào nơi địch yếu, nhiều sơ hở nhằm tiêu diệt lớn sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ, không để cho địch dùng Tây Nguyên làm bàn đạp như chúng đã và đang làm để uy hiếp tiến công vùng tự do của ta ảnh hưởng đến sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân vùng tự do.

- Trong khi chủ trương đưa lực lượng chủ lực lên Tây Nguyên thực hành đánh lớn, giải phóng đất đai, lãnh đạo và chỉ huy Liên khu đồng thời có kế hoạch chiến đấu bảo vệ vùng tự do, đã cử 200 cán bộ của Khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu về các địa phương tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận làng xã chiến đấu, sẵn sàng đánh địch khi chúng kéo đến.

Âm mưu địch tuy thâm độc nhưng chúng có những yếu điểm, lực lượng phân tán, tiếp tế lương thực đạn dược gặp nhiều khó khăn, tinh thần binh lính địch hoang mang sợ chết. Ta tuy có khó khăn nhưng với sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân nhất định chúng ta sẽ thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2022, 07:50:52 pm »

Đúng là khi được giảng giải cặn kẽ đầu đuôi, có lý có tình, biểu dương nhận thức đúng, ôn tồn nhắc nhở những suy nghĩ không đúng, các chiến sĩ nhanh chóng nhận ra lẽ phải, không khí háo hức lên đường trở lại như cũ.

Hạ tuần tháng 1 năm 1954, các lực lượng nằm trong đội hình chiến dịch(1) được lệnh hành quân lên Bắc Tây Nguyên. Cùng hành quân với chúng tôi là hàng vạn dân công(2) vận chuyển đạn dược và đủ các loại lương thực, nhu yếu phẩm theo sát đoàn quân đến tận hỏa tuyến. Sự chuẩn bị được tiến hành khá chu đáo. Các cầu lớn nhỏ trên các nẻo đường hành quân của bộ đội lên chiến dịch đã được sửa chữa. Các lực lượng an ninh được huy động và tăng cường hoạt động, khống chế bọn tề điệp bắt giam một số tên phản động tay sai ở Măng Bút, Vi-ô-lắc, Nước Chè, Nước Lờ đảm bảo an toàn cho bộ đội hành quân, vận chuyển hậu cần,

Ngày 21 tháng 1 năm 1954, đội hình chiến dịch vừa đến đỉnh đèo Gia Vực thuộc vùng Vi-ô-lắc, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) thì được lệnh dừng lại, cũng là lúc tin địch đánh ra Phú Yên được lan truyền, đến đâu cũng nghe cán bộ, chiến sĩ sì sào bàn tán: Thế là ta bỏ thịt gặm xương mà xương nào đã thấy; hoặc ta chưa tới Tây Nguyên địch đã ra Phú Yên biết làm gì đây, đi ở đều dở dang!

Đúng là trận đánh chưa bắt đầu, địch đang còn xa mà tình hình đã thấy phức tạp, trước hết là nhận thức, tư tưởng đang có vấn đề, điều đã thông suốt nay lại trở lại. Vừa lúc Bộ chỉ huy chiến dịch điện gọi lên gấp. Trên đường đến sở chỉ huy chiến dịch ai nấy đều sôi nổi bàn tán với những dự đoán về nội dung cuộc họp sẽ có nhiều vấn đề mới. Nhưng không ai trong chúng tôi nghĩ rằng có chuyện thay đổi chủ trương, bởi địch đánh ra Phú Yên đã nhằm trong phương án dự kiến. Mục tiêu của các đơn vị chủ lực trước mắt vẫn là Bắc Tây Nguyên.

Đến nơi đã thấy anh Nguyễn Chánh ngồi chờ. Anh thân mật bắt tay từng người, hỏi thăm sức khỏe bộ đội qua đợt một của cuộc hành quân đường dài, vẫn khuôn mặt xương xương với đôi mắt sáng quen thuộc, bình thản, kiên nghị nhưng đang ẩn chứa những suy tư và cả trăn trở của một vị tư lệnh đang giữ trọng trách điều hành một trong ba mũi tiến công chiến lược chung của cả nước.

Tất cả những người thuộc diện đến họp đã có mặt đầy đủ, ai nấy vẫn đang còn sung sức, tràn đầy khí thế mặc dầu biết rằng phía trước vẫn còn lắm cam go. Cuộc họp bắt đầu vào lúc 9 giờ, bầu trời trong xanh, tiết trời dịu mát, mọi người đều ngồi bệt xuống đất, lấy lá rừng làm chiếu.

Chúng ta tranh thủ làm việc. - Anh Nguyễn Chánh mở đầu rồi đi vào nội dung. Giọng trầm ấm xúc động, anh thông báo: - Mười giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 1954 địch huy động bốn binh đoàn cơ động(3) số 10, 41, 42, 100 và hai tiểu đoàn dù có sự yểm trợ tôi đa của không quân và hải quân, pháo hạm đánh ra Phú Yên gây xáo trộn cuộc sống yên bình của nhân dân làm xao xuyến tâm tư tình cảm cán bộ chiến sĩ ta.

Ngay khi hình thành chủ trương, kế hoạch hoạt động quân sự Đông Xuân, lãnh đạo và chỉ huy Liên khu(4) đã lường trước tình huống này, đã có định hướng đối phó. Nhưng làm sao mà đoán định được ngày giờ và diễn biến cụ thể. Những lo lắng của cán bộ, chiến sĩ, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng yêu quê hương, có cả nhận thức và tầm nhìn là điều đương nhiên dễ hiểu.

Điều quan trọng là chúng ta vẫn đứng vững trên thế chủ động chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đó là yếu tố quyết định phát triển cục diện có lợi cho ta; chỉ cần khắc phục những nhược điểm, những ấu trĩ có thể xảy ra trong chiến đấu cụ thể là đâu sẽ vào đó.


(1) Trên hướng chủ yếu bắc Kon Tum, lực lượng gồm các trung đoàn 108, 803 (thiếu đại đội 11), tiểu đoàn 30, liên đội đặc công; toàn bộ các đơn vị pháo, cối, phòng không, phần lớn các đơn vị trinh sát, công binh, thông tin trực thuộc Bộ tư lệnh Liên khu.
- Hướng thứ yếu Đường 19 - An Khê, lực lượng gồm trung đoàn 120 địa phương Gia Lai, tiểu đoàn 40 chủ lực liên khu, đại đội 11 thuộc tiểu đoàn 59 trung đoàn 803.
(2) Đồng bào Kinh, Thượng, Nam Trung Bộ đã góp 200.000 dân công (bằng 6 triệu ngày công), 2.000 xe đạp thồ, 1.000 ngựa thồ, hàng chục thớt voi vận chuyển ra mặt trận hơn 1.000 tấn gạo, 50 tấn muối, hàng nghìn trâu, bò, lợn, hàng chục tấn mắm, đường.
(3) Groupement Mobile (viết tắt GM) - binh đoàn cơ động, trên lữ đoàn, dưới sư đoàn.
(4) Từ đây cụm từ lãnh đạo và chỉ huy Liên khu dùng để chỉ Khu ủy, Đảng ủy quân sự và Bộ tư lệnh Liên khu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2022, 07:52:43 pm »

Ngừng một lát, giọng anh bỗng dõng dạc: - Dù tình thế nào, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn không thay đổi quyết tâm phát triển thế tiến công lên Tây Nguyên, trước mắt là Bắc Tây Nguyên. Nhưng bước đi cụ thể cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Không khí cuộc họp bỗng chùng xuống, yên lặng và nghiêm túc hơn. Tất cả cử tọa đều nhìn anh và bồi hộp chờ đợi anh nói tiếp về nội dung điều chỉnh cụ thể. Ngược lại, anh cũng nhìn chúng tôi như để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cấp dưới, rồi dõng dạc như ra lệnh. - Sau khi cân nhắc, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định:

Một là, tiểu đoàn 365 trung đoàn 803 tách khỏi đội hình chiến dịch, khẩn trương chuẩn bị hành quân gấp vào Phú Yên phối hợp cùng lực lượng vũ trang tại chỗ(1) tổ chức các trận phục kích, tập kích nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; gây xáo trộn đội hình hành quân, kìm hãm tốc độ hành quân của địch, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng ra vùng tự do.

Hai là, điều chỉnh lại kế hoạch tiến công cụm cứ điểm phòng thủ bắc Kon Tum như sau: bỏ kế hoạch 1 đánh bóc vỏ(2), thay bằng kế hoạch tiến công đồng loạt cả ba cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Kông Brây ngay trong đêm ngày 28 (đêm mở đầu chiến dịch). Nhiệm vụ tiêu diệt Măng Đen, Măng Bút vẫn do trung đoàn 108 đảm trách; tiêu diệt Kông Brây giao cho tiểu đoàn 59 (thiếu) trung đoàn 803 - Bỗng giọng anh chậm rãi, tâm tình - với kế hoạch điều chỉnh này các đơn vị có thêm khó khăn, nhất là tiểu đoàn 59. Kế hoạch cũ các đồng chí làm nhiệm vụ chặn viện Kông Brây - Măng Đen, nay tiểu đoàn 59 đảm nhiệm tiến công Kông Brây cùng một đêm với trung đoàn 108 đánh Măng Đen, Măng Bút. Biết vậy nhưng không có cách nào khác. Bởi địch đã đánh ra Phú Yên, đòi hỏi cuộc tiến công của ta phải nhanh về tốc độ, mạnh về cường độ, cùng một lúc tiến công dồn dập và phải đập tan bằng được cụm cứ điểm phòng thủ mạnh của địch ở bắc Kon Tum ngay đêm mở màn chiến dịch, tạo sức áp đảo lớn buộc địch phải điều quân tăng viện cho Tây Nguyên tạo thuận lợi cho ta đánh địch ngoài công sự, góp phần làm đảo lộn cuộc hành quân Át-lăng của chúng, hỗ trợ cuộc chiến đấu tại chỗ của quân dân Phú Yên...

Cuộc họp kết thúc vào lúc 1 giờ chiều khi mặt trời đã xế bóng, cái nóng nung như đang thử sức mọi người. Chúng tôi tỏa về các đơn vị mang theo lòng tin và quyết tâm mới được Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch tiếp sức.

Công việc chuẩn bị cho tiểu đoàn 365 lên đường đi làm nhiệm vụ mới tưởng khó nhưng mọi việc diễn ra đều suôn sẻ. Vì hầu hết cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn quê ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, gắn bó với nơi đây ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến; từng sát cánh cùng các đơn vị Nam tiến trong nhiệm vụ chặn địch ở nam bắc Đèo Cả, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Đồng Cam, Buôn Hai Đức, Ma Đrắc, Hảo Sơn, Núi Sầm, Củng Sơn, v.v... nay được lệnh trở lại chiến trường quen thuộc, chứa đựng bao kỷ niệm sâu nặng, gắn bó đùm bọc quân dân, sống chết, đói no có nhau qua tám mùa đánh giặc thì anh em hò reo hết cỡ, vang động cả khu rừng trú quân yên tĩnh. Gần như không ai băn khoăn, lo lắng trước nhiệm vụ đi xa mà chỉ hỏi cán bộ chỉ huy trung đoàn ngày giờ xuất phát, hướng và khu vực tiểu đoàn triển khai chiến đấu là đâu, là tiểu đoàn tổ chức thực hiện liền. Khỏi cần xoi đường vào qua bản đồ, tiểu đoàn cũng lên được kế hoạch hành quân theo đường nào, qua những đâu là thuận lợi, an toàn, tới đích nhanh nhất. Bởi đường vô trong đó, kể cả vùng Nam Tây Nguyên, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 365 thuộc như thuộc lòng bàn tay do nhiều lần vào trận.

Thường vụ đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn còn cử phó trung đoàn trưởng Hà Vi Tùng đi cùng với tiểu đoàn nhằm tăng cường sức mạnh lãnh đạo và chỉ huy, đủ năng lực quyết đoán xử trí các tình huống gay cấn nảy sinh trong quá trình chiến đấu độc lập xa trung đoàn. Sức mạnh tình cảm quê hương, cộng với bề dày truyền thống là nguyên nhân trực tiếp để tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp xâm lược tại chính quê hương mình. Vượt qua đường 19, đặt chân lên mảnh đất quê hương, tiểu đoàn 365 liên tiếp đánh thắng nhiều trận gây ấn tượng được ghi vào lịch sử chiến đấu của chiến trường Nam Trung Bộ nói chung và mặt trận Phú Yên nói riêng trong những ngày đánh trả cuộc hành quân Át-lăng của địch, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954: Ngày 21 tháng 3 phục kích địch tại Suối Cối (Đồng Xuân). Sau 15 phút chiến đấu đã loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn “ngự lâm quân” số 2 ngụy, diệt 100, bắt sống 200 tên, thu 28 súng trung liên, 20 súng tiểu liên, hơn 100 súng trường; ngày 21 tháng 4, vượt sông Đà Rằng, tập kích tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy tại bắc cầu Bàn Thạch (Tuy Hòa). Ngày 21 tháng 6 về đội hình trung đoàn 803 (thiếu) cùng với lực lượng vũ trang địa phương tập kích quân Pháp tại thị xã Tuy Hòa, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn, phá hủy hơn 100 xe; Ngày 25 tháng 6 chặn đánh đoàn xe vận chuyển trên đỉnh Đèo Cả, bắn cháy 79 chiếc, diệt và bắt sống 200 tên địch, thu hơn 100 súng các loại; Ngày 17 tháng 7 phát triển xuống tây nam, cắt đứt đường 21 tại khu vực thị trấn Ma Đrắc, mở đường về thị xã Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc).

(Ngày nay hầu hết cán bộ chiến sĩ năm xưa của tiểu đoàn 365 trong chống Pháp đã về nghỉ hưu, đã hòa nhập vào cuộc sống đời thường ở khắp các thôn ấp tại tỉnh Phú Yên quê hương. Nhưng sức mạnh của truyền thống, của tình bạn, tình đồng chí một thời gắn bó đã thôi thúc họ lập ra một tổ chức mang cái tên thân thương Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ hưu trí tiểu đoàn 365, để họ có điều kiện thực hiện nghĩa tình với nhau, ôn lại truyền thống xưa, động viên nhắc nhở nhau sống sao cho xứng đáng với những gì hào hùng nhất, đẹp đẽ nhất, nghĩa tình nhất của tiểu đoàn 365 trong những ngày chống Pháp năm xưa, “khuyên nhủ nhau” phát huy bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường “nơi quê hương mình”).


(1) Bao gồm dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực được giao nhiệm vụ tại địa phương.
(2) Kế hoạch đánh bóc vỏ chia làm hai đợt:
a- Đợt 1, trung đoàn 108 và liên đội đặc công tiêu diệt Măng Đen, Măng Bút; trung đoàn 803 đánh viện trên đường Kông Brây - Măng Đen.
b- Tiến công diệt Kông Brây, đánh viện trên đường thị xã Kon Tum - Kông Brây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2022, 07:53:24 pm »

Xin được tiếp tục trở lại chuyện đang kể. Nếu như việc chuẩn bị cho tiểu đoàn 365 lên đường ra trận không mấy khó khăn, thì việc chuẩn bị cho tiểu đoàn 59 bước vào chiến đấu lại mất nhiều thời gian, mọi việc đều phải làm lại gần như từ đầu. Bởi vì từ nhiệm vụ diệt viện chuyển sang nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm là hoàn toàn khác nhau. Có lẽ vì thế mà sau cuộc họp nghe phổ biến kế hoạch điều chỉnh sáng nay tôi và tiểu đoàn trưởng Lê Hữu Trừ được lệnh ở lại cùng Phó tham mưu trưởng chiến dịch Nguyễn Bá Phát bàn kế hoạch cụ thể: Tuy là chủ nhiệm chính trị trung đoàn, từ giây phút này tôi được các anh trong thường vụ Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn phân công đi với tiểu đoàn 59 cho đến khi kết thúc đợt hoạt động quân sự Đông Xuân 1953-1954.

Cả buổi chiều ngày 22 tháng 1 năm 1954, chỉ có ba người mà ý kiến trao đổi diễn ra thật sôi nổi, hào hứng. Người này nói chưa hết người khác chen vô, hoặc tán thành có bổ sung, hoặc phủ định. Thế là lại trao đổi, lại tranh luận để tìm chân lý.

Mở đầu buổi làm việc, Phó tham mưu trưởng Nguyễn Bá Phát truyền đạt lại tư tưởng chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch. So với Măng Đen, Kông Brây là một cứ điểm nhỏ cả về binh lực, hỏa lực, hệ thống hầm hào vật cản và cả về mặt bằng phòng thủ. Nhưng lại có vị trí rất quan trọng, nằm trên tỉnh lộ 5 (Kon Tum - Quảng Ngãi), cách thị xã chưa đầy 30 ki-lô-mét về phía đông bắc. Đánh chiếm Kông Brây ta có điều kiện uy hiếp thị xã tỉnh lỵ Kon Tum, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên của địch... Khi hạ quyết tâm đưa cứ điểm Kông Brây vào một trong ba mục tiêu cùng đánh chiếm trong đêm mở đầu chiến dịch, các anh trong Bộ chỉ huy chiến dịch đã nhìn thấy khó khăn, nhưng như Tư lệnh kiêm Chính ủy Nguyễn Chánh nhấn mạnh, gì thì gì cũng chỉ được bàn cách đánh thắng chứ không bàn lui!

Rồi giọng anh chùng xuống, thủ thỉ, tâm tình. - Thời gian không còn nhiều, đề nghị chúng ta để cao trách nhiệm, phát huy dân chủ cùng nhau bàn bạc những biện pháp thiết thực, phù hợp với thực tế, khỏi phụ lòng cấp trên tin cậy nơi bọn mình.

Thế là chúng tôi vào việc liền. Từ những nguồn thông tin tổng hợp do cơ quan tham mưu chiến dịch cung cấp, từ nguồn trinh sát của trung đoàn, của tỉnh ủy Kon Tum gửi về, chúng tôi chụm đầu vào nhau trên tấm bản đồ quân sự mảnh bắc Kon Tum mà đối chiếu lần tìm:

Cứ điểm Kông Brây nằm trên một gò đồi cây lúp xúp, kề bờ tây sông Kông Brây, sát tỉnh lộ 5, chếch tây nam Măng Đen 25 ki-lô-mét.

Muốn tiếp cận Kông Brây phải vòng phía dưới Măng Đen, Măng Bút dài trên 30 ki-lô-mét, qua nhiều đồi núi, nhiều buôn làng thuộc khu vực đồng bào còn bị địch lừa mị khống chế.

Khả năng nổ súng sau Măng Đen, Măng Bút là điều chắc chắn, nên yếu tố bất ngờ không còn, địch sẽ đề phòng kể cả tăng viện đối phó khi ta bị tiến công. Những thông tin quan trọng khác đang còn sơ sài, ngoài quân đồn trú ở đây có chừng một đại đội người Thượng do hai tên sĩ quan Pháp chỉ huy.

Trong khi bàn bạc, chúng tôi đã thống nhất một số việc cần làm ngay, có việc chỉ ra yêu cầu sẽ vừa hành quân vừa tiếp tục chuẩn bị, không thể cầu toàn ngồi chờ đủ điều kiện mới làm. Việc phải làm ngay là chuẩn bị tư tưởng và tổ chức, tinh thần và vật chất để đảm bảo hành quân vừa đi vừa chạy nhưng chạy nhiều hơn di, kịp giờ nổ súng. Ngay trong hành quân đã hình thành đội hình bao vây tập kích xung hỏa lực kết hợp để đến nơi có thể tiến công được ngay theo ba hướng chính, tây, đông và đông bắc đánh vào.

Buổi họp giao nhiệm vụ kết thúc. Từ sở chỉ huy chiến dịch chúng tôi theo tốc độ mã hồi, về đến đơn vị lúc kim đồng hồ đã chỉ 16 giờ.

Được Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn dự liệu trước, cuộc họp ban chỉ huy tiểu đoàn 59 mở rộng đến các đại đội trưởng, trung đội trưởng được triệu tập do trung đoàn trưởng Phan Hàm chủ trì. Trước hết tiểu đoàn trưởng Lê Hữu Trừ báo cáo lại ý kiến chỉ đạo của bộ chỉ huy chiến dịch, các biện pháp thực hiện đã được ba chúng tôi thống nhất; tiếp đến là phần trao đổi lấy ý kiến rộng rãi của các đồng chí đại đội trưởng, trung đội trưởng là những người trực tiếp chỉ huy chiến sĩ thực hiện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM