Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:28:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7166 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:41:51 am »

Chúng tôi tới ngã ba Diêu Trì đúng vào lúc mặt trời đậu trên đỉnh đầu. Nắng gắt, người mệt và khát nước, như qua một trận dần xương, tứ chi đâu cũng đau, cũng mỏi.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, bầu trời Quy Nhơn trong xanh, cả thị xã bừng lên như một ngày hội, đường phố tấp nập đông vui. Ai nấy đều rạng rỡ mà nghiêm trang, như chờ đón một cái gì thiêng liêng sắp đến. Hơn một vạn nhân dân nội thị và các vùng phụ cận đô về nhà ga theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh. Tại đây sau khi cử hành lễ chào cờ là phần diễn thuyết. Không khí đang ồn ào, náo nhiệt, bỗng trở lại trật tự. Mọi người hướng về phía kỳ đài, ai cũng cố nghển cổ, kiễng chân để mình được cao hơn, nhìn rõ hơn người cán bộ Việt Minh có khuôn mặt tươi tỉnh, đang quay một vòng nhìn những người đến dự mít tinh thuộc đủ mọi lứa tuổi đang hướng về mình, đang chờ đợi một điều gì mà họ muốn biết.

Người cán bộ Việt Minh trông còn rất trẻ, dõng dạc nói: Hỡi đồng bào! Quân Nhật ở Việt Nam đã hạ súng đầu hàng Đồng minh chờ ngày về nước... Giờ khởi nghĩa đã đến! Tất cả đồng bào có mặt tại đây hôm nay hãy kết thành hàng ngũ, hành động thật khẩn trương với tinh thần quả cảm, đánh đuổi giặc Nhật, đập tan chính quyền tay sai Nhật, lập nên chính quyền của nhân dân...

Dứt lời kêu gọi của Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa, khối người dự mít tinh rùng rùng chuyển động xếp thành đội ngũ theo các đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, lão thành, đi đầu là các lực lượng tự vệ cứu quốc có sự hướng dẫn của cán bộ Việt Minh, biến thành cuộc tuần hành thị uy, lần lượt diễu qua các cơ sở chính quyền địch trong thị xã. Hai trăm chiến sĩ tự vệ cứu quốc tỉnh dẫn đầu, tiếp đến là các đại đội thuộc địa phương Phú Phong, hãng dệt Đờ-li-nhông, Diêu Trì với nhiệm vụ được giao: đánh chiếm dinh tổng đốc, tòa đốc lý và các mục tiêu trọng điểm khác.

Được coi là lực lượng quân sự của cuộc khởi nghĩa, nhưng các đội tự vệ hồi đó đâu có nhiều vũ khí? Mỗi đội tự vệ khoảng 50 - 60 người mà vũ khí chỉ có dăm bảy khẩu súng trường cổ của Pháp, Nhật, đạn càng ít hơn (mỗi khẩu chỉ trên dưới 10 viên), còn lại là gậy gộc, giáo mác; hiểu biết quân sự càng ấu trĩ, ngay cả động tác đội ngũ đang còn lúng túng. Chỉ có tinh thần yêu nước dám xả thân, ý thức kỷ luật và tình đoàn kết thương yêu nhau thì ai cũng tràn đầy, ai cũng sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ gì.

Cuộc đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, tòa đốc lý, sở mật thám, đồn cảnh sát được thực hiện ngay từ đợt đầu. Các đội tự vệ nhanh chóng áp sát mục tiêu, hỗ trợ phía sau là đông đảo quần chúng cách mạng (có cả sự vận động thuyết phục của cán bộ Việt Minh trước đó) đã buộc tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết, án sát Nguyễn Ngọc Sỹ nhanh chóng giao nộp vũ khí, ấn triện ngay. Riêng ở trại lính bảo an, tên chỉ huy Nguyễn Ngọc Dụ ỷ vào thế lực còn đông, vũ khí còn nhiều ngoan cố không chịu đầu hàng. Ta dừng lại, nhanh chóng chấn chỉnh đội hình, đưa toàn bộ lực lượng tự vệ áp sát mục tiêu, hình thành thế bao vây bốn mặt. Sát phía sau là gần một vạn quần chúng hỗ trợ, dùng loa hô đả đảo Nguyễn Ngọc Dụ ngoan cố; đồng thời cho người tiếp cận vận động, kêu gọi binh sĩ dưới quyền y hãy mau chóng tỉnh ngộ trở về hàng ngũ cách mạng, tình thế không thể chần chừ, Nhật đã đầu hàng Đồng minh đang đợi ngày xuống tàu về nước... Mặt khác ta cử người vào bắt liên lạc với số binh sĩ địch là nhân mối của ta, nhân lúc này vừa hù dọa vừa tự mình hợp pháp đấu tranh gây sức ép lên chỉ huy. Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng cách mạng, Nguyễn Ngọc Dụ buộc phải vác cờ trắng ra hàng quân khởi nghĩa. Cùng lúc 500 binh lính theo sau mang đầy đủ vũ khí trên mình giao nộp cho cách mạng rồi đứng về phía cách mạng; một số xin tham gia đoàn diễu hành đi đánh chiếm các mục tiêu còn lại như ngân hàng, bưu điện, v.v...

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23 tháng 8 năm 1945 ở thị xã Quy Nhơn đã thành công, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ (tên mới của tỉnh Bình Định thời kỳ đó) được thành lập gồm sáu đồng chí do đồng chí Võ Xán làm chủ tịch.

Một thành công nữa mà tôi được chứng kiến kể cùng bạn đọc. Thừa thắng trận đầu, ban khởi nghĩa tỉnh đã tranh thủ tiếp xúc với quân Nhật đang còn đóng tại thị xã Quy Nhơn. Bằng biện pháp khôn khéo thuyết phục, chúng đã đồng ý giao cho ta 1.000 khẩu súng và nhiều loại đạn các cỡ (trang đó có khẩu pháo đã mất kim hỏa), mà chúng tước của Pháp trong cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3. Đây là một thắng lợi lớn, góp phần đáng kể tăng tiềm lực quân sự của Bình Định trong lúc ta đang “đói” vũ khí, trang bị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:43:35 am »

Ngày 25 tháng 8, trong khi chúng tôi đang chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp sau thì anh bạn đồng hương cùng công nhân dệt với tôi từ Phú Phong xuống dáng vẻ vừa vui vừa vội vã.

- Có việc gì mà xuống sớm thế - Tôi hỏi.

- Có chứ - Bạn tôi trả lời.

- Nói nghe - Tôi giục.

- Có tin vui!

- Tin vui gì?

Anh bạn tôi đặt vội ly nước chưa kịp uống xuống bàn rồi kể liền một mạch, rất say sưa: Không có thời gian mình tranh thủ ghé thăm cậu và báo cậu hay. Sáng qua ngày 24 tháng 8 năm 1945 lúc trời còn chạng vạng, thị trấn Phú Phong mới lác đác một vài nhà hàng mở cửa, chợ phiên chưa có người, đường 19 còn thưa vắng khách qua lại, thì đã có hơn 3.000 người, gồm công nhân hãng dệt Đờ-li-nhông mình và nhân dân một số làng Kiên Mỹ, Phú Phong, Phù Mỹ, Trịnh Tường thuộc tổng Phú Phong, Vĩnh Thạnh, có tự vệ cứu quốc đi đầu, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Việt Minh huyện tiến về huyện lỵ, đánh chiếm huyện đường, buộc tri huyện Bình Khê Tôn Thất Diện cùng bộ hạ phải đầu hàng, giao nộp con mộc cùng giấy tờ sổ sách như giấy thu thuế, sổ địa bạ, sổ đinh, sổ điền... cho Ban lãnh đạo khởi nghĩa. Làm xong nhiệm vụ xóa bỏ chính quyền tay sai Nhật, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Việt Minh, quần chúng nhân dân tiếp tục tuần hành thị uy qua các khu vực dân cư trong thị trấn. Đi đến đâu nhân dân cũng chào đón và gia nhập đoàn tuần hành ngày một đông, khí thế sục sôi, vừa đi vừa hô khẩu hiệu: đả đảo phát xít Nhật, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm, v.v...

Tại sân vận động Trịnh Tường (Bình Tường) Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Bình Khê được thành lập và ra mắt trước đông đảo nhân dân đứng chật cứng sân vận động với tiếng hô và tiếng vỗ tay như sấm dậy.

- Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện có những ai? - Tôi hỏi.

- Toàn người mình cả, gồm công nhân cứu quốc hãng dệt Đờ-li-nhông và cán bộ Việt Minh các làng trong huyện do đồng chí Phạm Lương làm chủ tịch.

Tôi đang định hỏi tiếp tên các thành viên trong Ủy ban cách mạng lâm thời huyện, xem có ai quen, có ai là bạn bè, thì có lệnh lên đường. Chỉ còn kịp nắm tay bạn lắc mạnh và cám ơn, là chúng tôi vào việc ngay.

Đội tự vệ cứu quốc hãng dệt Đờ-li-nhông chúng tôi được lệnh tỏa ra các vùng phụ cận như An Nhơn, Diêu Trì, Tuy Phước hỗ trợ quần chúng giành chính quyền. Vất vả, khẩn trương có cả căng thẳng nhưng vẫn thấy phơi phới yêu đời.

Đi đến đâu là ở đó có những thay đổi: Ngày 25 tháng 8, quần chúng cách mạng kéo theo bao vây thành Bình Định, bắt tri phủ An Nhơn giao nộp ấn tín cho cách mạng,xóa bỏ chính quyền tay sai Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Nguyễn Thành Mẫn làm chủ tịch, ở Tuy Phước sau khi tri phủ Trần Ngọc Liễn bị bắt giữ vì có nhiều tội ác với nhân dân, quần chúng khắp nơi trong phủ dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh và sự hỗ trợ của tự vệ cứu quốc tỉnh đã nổi dậy. Tại đề-pô Diêu Trì đã thành lập đội tự vệ trong công nhân xe lửa. Các tổng An Định, Thiều Quang, Dương An... thanh niên yêu nước chủ động nổi dậy phá rã các tổ chức thanh niên thân Nhật làm chủ thôn xã. Ngày 3 tháng 9, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Phước được thành lập do đồng chí Đoàn Như Khương làm chủ tịch...

Liên tục 20 ngày đêm tham gia hỗ trợ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền có bao nhiêu việc phải làm, nhiều đêm chúng tôi thức trắng hoặc chỉ chợp mắt một hai giờ nhưng vẫn tỉnh táo, phần vì công việc, phần vì quá vui! Vui này vẫn chưa hết vui khác lại đến nhanh, dồn dập mà lắng sâu. Chỉ chín ngày đêm (từ ngày 23 đến ngày 31 tháng Cool cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi giòn giã.

Những ngày này đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt những nụ cười rạng rỡ, trên gương mặt mỗi người không phân biệt nam nữ, già trẻ đều đã xóa đi những nét hằn của ưu tư mặc cảm. Những danh từ độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng được cắt dán trên băng vải treo trong phòng họp, kẻ thành khẩu hiệu dán trên các ngả đường vào thị xã, thị trấn, các lối vào thôn xã, những từ mà thời kỳ cách mạng còn trong bóng tối chỉ truyền miệng thì nay đã đi vào đời thường, dễ hiểu, nó là những tín hiệu đổi đời của mọi người dân.

Thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 ở tỉnh Bình Định được xem như là một sự kiện thần kỳ, góp một nét son chói lọi không thể nào phai trong lịch sử cứu nước của dân tộc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:50:51 am »

Chương III
MỘT THỜI NAM TIẾN


Cái từ thiêng liêng ấy trở thành thân quen với mọi người kể từ khi các đoàn tàu hỏa hối hả ngày đêm liên tiếp đưa quân Nam tiến từ các tỉnh phía Bắc qua dải đất Nam Trung Bộ vào chi viện cho Mặt trận Nam Bộ sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945. Khí thế hùng dũng, lạc quan yêu đời với tiếng hát đầy khí phách hiên ngang của những đoàn quân Nam tiến mỗi khi qua ga Diêu Trì: Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam, ta muốn băng mình tới phương Nam giết hết quân tham tàn... Những chuyến tàu Nam tiến tiếp theo, chúng tôi còn được nghe bài hát mới, lời ca giản dị mà đầy khí phách hùng dũng, dễ nhớ - Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi, nào có sá chi mong ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui đã thực sự thôi thúc tuổi trẻ chúng tôi.

Những ngày này đi đến đâu cũng bắt gặp các khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân phản động Pháp xâm lược”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”, “Hi sinh hết thảy vì mặt trận phía Nam”, v.v... Ở thị xã Quy Nhơn hay ra Tuy Phước, Diêu Trì, An Nhơn, Đập Đá... đâu đâu cũng thấy không khí sục sôi, hội họp, mít tinh, biểu tình hô hào Nam tiến. Ngay tháng 8 năm 1945, trung đội Đỗ Trừ được thành lập tại thị xã Quy Nhơn được lệnh sáp nhập với hai trung đội của Quảng Ngãi thành đại đội B lên đường vào chiến đấu tại mặt trận Bến Phần, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một ở miền Đông Nam Bộ.

Công tác chuẩn bị chiến đấu được xúc tiến với nhịp độ khẩn trương. Tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ gấp rút bổ sung quân số thành ba đại đội hoàn chỉnh, đủ sức làm nhiệm vụ tại chỗ và sẵn sàng Nam tiến. Chi đội 2 vệ quốc đoàn Quảng Ngãi (sau đổi tên thành trung đoàn 94) được điều vào Bình Định sẵn sàng đối phó với mọi tình thế. Các lớp y tá, cứu thương được đào tạo cấp tốc sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Một hệ thống bệnh xá được thành lập từ Plây Cu đến Phú Phong (Bình Khê), Bồng Sơn để phục vụ cứu chữa thương bệnh binh từ phía trước chuyển về. Các công binh xưởng Quang Trung, Cao Thắng của tỉnh ngày đêm hối hả sản xuất các loại vũ khí thô sơ (lựu đạn, mìn) và sửa chữa vũ khí phục vụ chiến đấu.

Nam tiến! Cái từ giản dị mà thiêng liêng ấy đã như tiếng kèn báo hiệu sơn hà nguy biến, là lời kêu gọi của Tổ quốc có sức cổ vũ và thôi thúc mạnh mẽ lóp tuổi trẻ chúng tôi thời đó.

Cuối tháng 9 năm 1945, nguyện vọng Nam tiến của tôi đã được thực hiện. Tôi tranh thủ bàn giao công việc xong (lúc này tôi đang công tác tại Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh) là đến cơ quan quân sự tỉnh nhận nhiệm vụ. Tại đây tôi và 30 bạn bè cùng trang lứa được biên chế về tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ; riêng tôi và một vài anh em khác được phân công về đại đội Mai Xuân Thưởng, đóng quân ở trại lính khố xanh cũ của Pháp để huấn luyện quân sự.

Thị xã Quy Nhơn (nay gọi là thành phố) sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vẫn còn 50 lính Nhật đóng tại nhà băng Đông Dương (trụ sở ngân hàng của Pháp) đặt dưới sự chỉ huy của Phái bộ quân Anh ở Nha Trang. Ngày 15 tháng 10, một tàu chiến Nhật tiến vào Cù lao Xanh với âm mưu giải vây cho số lính Nhật đang bị ta bao vây (tại địa điểm kể trên) và phối hợp cùng bọn này tiến hành đánh phá, lập đầu cầu dọn đường cho thực dân Pháp trở lại chiếm đóng thị xã Quy Nhơn.

Bọn chỉ huy Nhật trên tàu viết đơn xin chính quyền cách mạng tỉnh cho phép chúng được lên bờ để liên hệ với số lính Nhật đang đóng quân trên thị xã. Nắm được tim đen của giặc Nhật, các anh lãnh đạo tỉnh đã một mặt trả lời - chỉ một viên sĩ quan và ba lính được phép lên bờ nhưng không ai được mang súng; mặt khác chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh có kế hoạch xóa bỏ ngay cái gai này sớm ngày nào hay ngày ấy. Lực lượng tham gia tiến công gồm đại đội Phan Đình Phùng và đại đội Mai Xuân Thưởng chúng tôi. Chỉ huy chung trận đánh là anh Nguyễn Chính Cầu, chính trị uỷ viên chi đội Phan Đình Phùng. Nhưng 50 lính Nhật có đầy đủ vũ khí. lại đóng trong ngôi nhà kiên cố, tường móng đều dày, vững chắc xây bằng xi măng cốt thép, cần phải có pháo binh yểm trợ. Ngay lúc này lực lượng vũ trang tỉnh đã có một khẩu pháo 75mm do ta tranh thủ thuyết phục Nhật nộp cho cách mạng ngay từ ngày đầu khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quy Nhơn.

Súng, đạn có nhưng thiếu kim hỏa (do Nhật tước của Pháp sau đảo chính ngày 9 tháng 3). Thảo luận mãi tưởng như bế tắc, thì một sáng kiến được anh Nguyễn Bá Phát, chi đội phó chi đội Phan Đình Phùng nêu ra - Dùng đinh chữ T và búa thay cho kim hỏa. Thoạt nghe thấy ngồ ngộ thế nào ấy. Sau trao đổi thấy có lý, được mọi người chấp nhận và cử người chuẩn bị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:51:54 am »

Trận đánh triển khai ngay trong đêm ngày 12 tháng 12 năm 1945. Đại đội Phan Đình Phùng tiến vào vị trí xuất phát tiến công hình thành thế bao vây quanh vị trí quân Nhật đóng quân. Đại đội Mai Xuân Thưởng đứng phía sau làm lực lượng dự bị. 10 giờ 30 phút đêm, sau hiệu lệnh tiến công, đại đội Phan Đình Phùng đồng loạt nổ súng vào các cánh cửa của ngôi nhà, cửa kính vỡ loảng xoảng. Bọn Nhật bị bất ngờ, 5 phút sau chúng nổ súng chống lại. Ta bắn tiếp, chúng dựa vào hầm hố và tường nhà kiên cố chống lại ta quyết liệt. Đã đến lúc phải dùng hỏa lực mạnh, ta quyết định đưa pháo vào cách địch 200 mét ngắm bắn trực tiếp. Chiến sĩ Từ Công Kế được huấn luyện trước cầm đinh chữ T đặt đúng hạt nổ, dùng búa đập mạnh vào đinh, đạn nổ lao trúng bức tường phá một mảng lớn, địch im tiếng súng. Thấy thành công, Từ Công Kế cho nổ quả đạn thứ hai rồi quả thứ ba, địch chống cự yếu dần, đạn nổ lẻ tẻ, rời rạc.

Thời cơ đã đến, anh Nguyễn Chính Cầu ra lệnh xung phong. Các chiến sĩ đại đội Phan Đình Phùng, tiếp theo là đại đội Mai Xuân Thưởng tiến vào mục tiêu, vừa bắn vừa kêu gọi đầu hàng. Quân Nhật phải kéo cờ trắng xin hàng.

Trận đánh kết thúc nhanh, ta diệt và bắt sống 50 lính Nhật (trong đó có tên quan tư vừa từ tàu lên khi chiều cũng bị thương nặng), thu toàn bộ vũ khí đạn dược và bảy triệu đồng tiền Đông Dương.

Bọn trên bờ bị diệt, bọn ngoài biển buộc phải rút lui.

Thị xã Quy Nhơn sạch bóng thù.

Cuộc chiến đấu anh dũng và bền bỉ của nhân dân ta đã gây cho quân Pháp những khó khăn. Đã hết năm 1945 mà kế hoạch đánh chiếm đến vĩ tuyến 16 của chúng vẫn chưa được thực hiện. Đây là thất bại có ý nghĩa chiến lược đầu tiên của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhưng với bản chất ngoan cố và được các thế lực phản động quốc tế hà hơi, thực dân Pháp vẫn cố dồn sức nhằm đẩy nhanh cuộc tiến công xâm lược.

Cuối tháng 1 năm 1946, sau khi có quân tăng viện từ chính quốc sang, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tập trung 15.000 quân phối hợp với không quân và hải quân do tướng Lơ-cờ-léc trực tiếp chỉ huy mở cuộc hành quân Gô đánh chiếm Nam Trung Bộ. Quân dân Nam Trung Bộ lại tích cực chuẩn bị mọi mặt để làm thất bại cuộc hành quân đầy tham vọng này.

Sau khi tham gia trận tiến công xóa bỏ một chốt quân Nhật cắm lại nhà băng Đông Dương ở thị xã Quy Nhơn, đại đội Mai Xuân Thưởng trở lại đội hình tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ tiếp tục học tập quân sự, kết thúc khóa học cũng là lúc mặt trận Nha Trang vỡ. Đại đội Mai Xuân Thưởng được bổ sung quân số thành một đại đội, được lệnh vào Phú Yên với nhiệm vụ ngăn chặn quân Pháp từ Đèo Cả đánh ra, từ Đắc Lắc đánh xuống.

Trước khi lên đường tôi có tin về nhà - sắp tới con được lệnh đi xa để gia đình khỏi mong. Nào ngờ cha tôi từ Phú Phong lội bộ xuống Quy Nhơn thăm tôi. Từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 3 tháng 2 năm 1946, cha con có dịp gần nhau trò chuyện. Tôi hỏi sức khỏe của mẹ và các em, hỏi tình hình thầy giáo Nguyễn Đông giờ sống ra sao, có còn dạy học hay chuyển nghề khác? Và một điều tôi chưa kịp hỏi, thì cha tôi kể liền, sôi nổi và tự tin - Phú Phong thay đổi dữ lắm. Hãng dệt Đờ-li-nhông đóng cửa hoàn toàn, hàng ngàn công nhân tản mát khắp nơi để kiếm sống, cũng chật vật lắm con ạ.

- Gia đình nhà mình sống thế nào? - Tôi hỏi.

- Cũng khó đấy nhưng đỡ hơn so với nhiều gia đình khác vì nhà mình vốn nông dân nên dễ xoay xở, cả nhà quay về làng làm ruộng, phát rẫy trồng thêm khoai bắp, có thứ đã cho thu hoạch. Mẹ con không lúc nào rảnh rỗi, quần quật suốt ngày ngoài đồng, ngoài rẫy. Về đến nhà lại lo ăn cho đàn heo, đàn gà. Mẹ con ham việc lắm, chẳng lúc nào chịu ngồi không.

Mẹ tôi là như vậy. Bà lam lũ, tần tảo, chắt chiu. Khi còn là công nhân sống bằng đồng lương rẻ mạt, bà vẫn (nói theo ngôn ngữ thời nay) là một nhà quản lý giỏi, người kế toán có tài đến chi ly, đủ tiền nuôi sống gia đình với bảy miệng ăn mà vẫn dành tiền cho tôi ăn học. Nghe cha kể, tôi càng nhớ càng thương, càng thán phục mẹ, càng ân hận chưa một lần báo đáp! Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu, biết là không tưởng nhưng vẫn cứ mơ, cứ ước - giá có phép màu nào bay được thì ngay bây giờ ta bay thật nhanh về thăm mẹ để mẹ vợi mong, đỡ đần bất cứ việc gì để mẹ bớt vất vả là mãn nguyện trước lúc lên đường. Đời trai thời chiến biết đâu mà lường trước được mọi việc…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:52:55 am »

Những ngày ngắn ngủi này cha tôi sống như một người chiến sĩ sắp ra trận. Cùng ở một nhà với chúng tôi, sáng cũng dậy sớm theo giờ quy định của đơn vị, ăn những bữa cơm đạm bạc, chẳng đủ no nhưng cha tôi lại vui, đầu óc thanh thản. Ngày đó đâu có nhà khách như bây giờ. Mọi nhu cầu sinh hoạt của chúng tôi đều do nhân dân tổ chức quyên góp.

Ngày 4 tháng 2 năm 1946, tiểu đoàn Mai Xuân Thưởng lên đường. Lễ tiễn đưa được tổ chức tại sân ga Quy Nhơn. Có đại biểu Mặt trận Việt Minh thị xã Quy Nhơn, đại biểu các đoàn thể thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc tỉnh, các đồng nghiệp trong ban tuyên truyền cổ động tỉnh nơi tôi công tác, đông đảo người thân có con em là cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn Mai Xuân Thưởng. Họ từ thị xã Quy Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê, Tuy Phước đến đây từ ngày hôm trước ăn trực, nằm chờ để đưa tiễn con em mình Nam tiến. Họ ăn mặc đủ kiểu loại quần áo và màu sắc, đứng chật cứng trước sân ga nhìn xa như một tấm thảm nhiều màu. Hàng quán bán đủ thứ hàng hóa và quà bánh.

Hai cha con tôi thủng thỉnh bước đều trên sân ga hòa nhập vào không khí náo nhiệt, ầm ầm âm thanh chuyện trò, cười nói, chúc nhau, hẹn hò của buổi tiễn đưa đoàn quân Nam tiến lớn nhất của tỉnh Bình Định. Gần đến giờ tập trung lên tàu cha tôi mới chậm rãi thủ thỉ... Nhìn thấy con khỏe mạnh, nhìn thấy anh em trong đơn vị đều là người khắp nơi trong tỉnh nhưng sống chan hòa, đối xử với nhau như anh em trong một nhà là cha vui lắm, yên tâm lắm. Chẳng có gì phải lo lắng cả. Mọi việc đã có cấp chỉ huy hướng dẫn, cha chỉ mong sao con giữ gìn sức khỏe, mọi công việc sao cho bằng anh bằng em, làm tốt bổn phận của mình. Quốc gia đang lâm nguy, phải có trách nhiệm gánh vác, vì con là con trai. Khi nào nước nhà được độc lập hoàn toàn lúc ấy con hãy nghĩ đến chuyện vợ con! Cha nghĩ sao nói vậy, chẳng có đầu có đuôi, con thấy thế nào?.

- Dạ cha nói phải, con xin hứa!

Nhưng tôi tự hỏi - sao đến giờ này ông mới căn dặn? Những ngày qua có đủ thời gian nhưng cha tôi chỉ nói chuyện về quê hương đổi thay, về công việc làm ăn kiếm sống trước mắt và lâu dài, về dự kiến sơ tán, cất giấu lương thực đề phòng Pháp tiến công, v.v...

Dẫu lý do gì đi nữa, thì những căn dặn của cha tôi tuy mộc mạc lại đúng vào không gian và thời gian của buổi tiễn đưa đầy ấn tượng đã thực sự khắc sâu trong tâm khảm tôi, giúp tôi xử thế sau này khi vào trận. Chẳng hạn như việc xây dựng gia đình, trong sáu năm từ năm 1946 đến năm 1952, cũng có lúc nghĩ tới như một yêu cầu bức xúc. Tôi lại tự mình an ủi, khi nào nước nhà được độc lập hãy tính đến chuyện vợ con như lời cha tôi căn dặn.

Buổi tiễn đưa được tổ chức đơn giản mà trang nghiêm, nhanh gọn mà đủ nghi thức, lưu luyến mà không bịn rịn. Người đi và người ở lại đều ý thức rõ công việc của mình phải làm trong lúc đất nước đang đứng trước thử thách độc lập hay nô lệ!

Đoàn tàu rú một hồi còi thật dài chào tạm biệt hậu phương, từ từ lăn bánh, rời khỏi ga Diêu Trì. Tôi cố vươn người ra ngoài cửa tàu vẫy tay đáp lễ và tạm biệt bà con cô bác ra tiễn. Tôi vẫn nhìn thấy cha mình mặc bộ đồ xanh công nhân của hãng dệt Đờ-li-nhông mà gọi thật to - Cha ơi, con tạm biệt cha, con chúc cha mạnh khỏe, cho đến khi con tàu lùi xa, không còn nhìn thấy bóng cha... (không ngờ đó lại là lần cuối cùng cha con gặp nhau. Tháng 11 năm 1950, tôi nhận được thư nhà báo tin ông mất hồi đầu năm, khi máy bay Pháp bất thần đến bắn phá một thôn yên lành quê tôi, trong lúc mọi người đang làm công việc sản xuất trên đồng ruộng như thường nhật). Màn đêm buông dần, không gian hai bên đường là những dãy núi cao, rừng rậm che lấp, bầu trời hẹp lại và cao hơn, xa hơn. cảnh vật thưa vắng, chỉ có tiếng bánh xe lăn đều. Thỉnh thoảng con tàu hơi nghiêng chao đảo ngả nghiêng một tiếng kịch kèm theo, là lúc bánh xe chạm vào đầu nối hai thanh ray. Cái âm thanh to nhỏ - xình xịch, xình xịch đều đều ấy như tiếng ru êm tạo thành giấc nồng, nhưng lại là một đêm trắng với đông đảo “du khách” lần đầu xa nhà. Câu chuyện cứ râm ran to nhỏ, lúc đầu chỉ là thăm dò lạc quan, sau đủ điều tâm sự đổi trao... cả chuyện phút giây bịn rịn lúc cầm tay người yêu hơi nóng truyền sang cả hai phía trước lúc lên đường.

Từ ga Chí Thanh trở vào đồi núi thấp dần, không gian rộng ra, bầu trời lấp lánh đầy sao, sáng như trăng, sương mờ mờ ảo ảo, xuất hiện rồi lại khuất nhanh ngược chiều con tàu: một vạt ruộng, một xóm ấp, một cây cầu, một thị tứ với sáng đèn le lói, yên tĩnh, thanh bình. Xa xa nơi chân trời phía đông ửng hồng báo hiệu một ngày mới đang đến. Cảnh quan bừng sáng, rõ dần, như một bức tranh muôn sắc sống động, tưởng như con tàu đang đi tới nơi phố đông chứ không phải vào nơi có tiếng súng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:54:52 am »

Chín giờ sáng ngày 5 tháng 2 tàu tới ga Tuy Hòa. Tất cả chúng tôi đều thò đầu ra ngoài cửa đưa tay vẫy vẫy đáp lại đông đảo bà con, có cả bộ đội đứng dưới sân ga vẫy tay hoan hô chào đón chúng tôi - Lại có thêm một đoàn quân Nam tiến vừa vào với mảnh đất Phú Yên giờ đây đang bị quân thù lăm le tiến công từ phía nam và phía tây.

Đến đây được gặp nhiều đơn vị Nam tiến mới từ Bắc vào, ăn mặc thật oai, đi giày, đội mũ ca-lô, có anh đi ghệt bó chặt ống quần. Có đơn vị mặc toàn màu xanh thống nhất, hồi đó gọi là xanh cỏ úa hoặc xanh cứt ngựa, đầu đội mũ ca-lô và đính hình tròn viền vàng chung quanh, giữa là cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng. Nhưng cũng có nhiều đơn vị ăn mặc đủ kiểu quần soóc, quần xà lỏn, áo sơ mi hoặc áo cánh với đủ thứ mũ: mũ bê-rê, mũ cát, cả mũ phớt. Có đơn vị quần soóc, áo sơ mi ngắn tay, mũ ca-lô của lính bảo an (sắc lính do Nhật lập ra sau đảo chính Pháp).

Phú Yên lúc này hội đủ các đơn vị bộ đội Nam tiến, từ ngoài Bắc mới vào; từ Nha Trang ra, từ Buôn Ma Thuột xuống sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn làm chậm các cuộc hành quân xâm lược của thực dân Pháp, rút về đây nghỉ ngơi củng cố(1). Và có đơn vị Nam tiến của tỉnh Bình Định quê tôi vừa tới sáng nay làm nhiệm vụ đánh chặn địch tại mặt trận Phú Yên. Tiểu đoàn Mai Xuân Thưởng chúng tôi cũng vậy, còn lôi thôi lếch thếch hơn. Lúc ấy không có quần áo phát thống nhất, quần áo tự túc từ nhà mang đi, có gì mặc nấy, đủ kiểu loại cũ mới, có người còn mặc quần áo vá, chân đất, không màn không chiếu. Lương thực ăn hàng ngày chủ yếu cũng dựa vào sự đùm bọc của nhân dân. Nhưng vẫn lạc quan yêu đời; chẳng ai thắc mắc, đòi hỏi.

Niềm vui dồn dập niềm vui khi chúng tôi vừa đặt chân lên sân ga. Vui vì có dịp hòa nhập cùng các đơn vị Nam tiến đến từ phía Bắc vừa vào, từ Nha Trang ra, đủ thứ chuyện vui buồn, mất mát được chia sẻ. Vui vì được anh em cơ quan chi đội Thu Sơn do anh Trương Hầu, trưởng ban chính trị chi đội dẫn đầu ra tận cửa lên xuống tàu thân mật chào hỏi và dẫn đơn vị về nơi đón tiếp chính thức. Vui vì tại dây có hơn một nghìn bà con cô bác thị xã Tuy Hòa, đang chờ sẵn trương khẩu hiệu “Hoan nghênh thanh niên Nam tiến”!

Tim tôi như muốn văng ra khỏi lồng ngực, vì mơ ước bấy lâu nay trở thành sự thật. Từ nay chúng tôi chính thức mang danh hiệu đội quân Nam tiến, nằm trong đội hình trung đoàn 79 do anh Thu Sơn, quê Cao Bằng - một chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm trung đoàn trưởng; anh Võ Bẩm, quê Quảng Ngãi - một chiến sĩ trong đội du kích Ba Tơ làm chính trị viên. Từ đây tiểu đoàn Mai Xuân Thưởng của tỉnh Bình Định chính thức là thành viên của một trung đoàn phần lớn lực lượng nòng cốt là chi đội Thu Sơn - một trong những đơn vị Nam tiến có mặt đợt đầu tại chiến trường Nam Trung Bộ, đã tham gia vây hãm quân Pháp suốt 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang.

Tình hình chiến sự lúc này đã trở nên vô cùng căng thẳng. Sau khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, thị trấn Ninh Hòa, Vạn Giã bị quân Pháp chốt giữ, chúng đang ráo riết chuẩn bị lực lượng đánh nống mở rộng vùng kiểm soát ra phía bắc mà mục tiêu trước mắt là Phú Yên. Các lực lượng phía trước trong thực tế đã bước vào chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Ban chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã điều tiểu đoàn Cao Thắng cùng đại đội tự vệ thị xã Tuy Hòa vào lập phòng tuyến chiến đấu ở Đèo Cả và đường mòn Gia Long để chặn địch từ bắc Khánh Hòa theo đường 1 nống ra. Huyện Tuy Hòa cũng được lệnh huy động hàng ngàn dân công cùng bộ đội đào phá băm nát đường Đèo Cả, đắp nhiều công sự, chướng ngại vật trên đèo và lấp các miệng hầm xe lửa... Cùng thời gian này các thủy đội Bạch Đằng cũng được thành lập ở Hòa Hiệp và Tiên Châu để vận chuyển cán bộ vũ khí của Khu và Trung ương chi viện cho chiến trường Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Một không khí hừng hực chiến đấu đã diễn ra thôi thúc mọi người khi đặt chân lên mảnh đất Phú Yên...

Nhưng trung đoàn 79 vẫn được lệnh đứng chân ở phía sau, trước mắt là tranh thủ mở một đợt huấn luyện quân sự mà nội dung chủ yếu là các động tác kỹ thuật chiến đấu cá nhân như lăn, lê, bò toài, bắn súng đâm lê, ném lựu đạn, có cả phần đội ngũ.


(1) Sau khi mặt trận Bắc Sài Gòn bị địch phá vỡ, nhất là sau khi Pháp đổ bộ đánh chiếm Nha Trang (19-10-1945) đường xe lửa bị cắt đứt, hầu hết các đơn vị Nam tiến từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, v.v... đều dừng lại chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ.
Trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu, một số chi đội (tương đương trung đoàn) nhập vào các đơn vị tại chỗ, các đơn vị khác tổ chức lại thành sáu chi đội: Thu Sơn, Bắc Bắc, Vi Dân, Hữu Thanh, Hùng Việt, 51.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:57:40 am »

Đợt huấn luyện quân sự tuy ngắn mà căng thẳng, vất vả. Đã xuất hiện tư tưởng nôn nóng, đòi được ra trận ngay. Lường trước vấn đề, trên các thao trường, các anh trương khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” đã có tác dụng động viên cổ vũ mọi người yên tâm và hăng say học tập.

Đợt huấn luyện quân sự tuy vất vả nhưng cũng có phút nghỉ ngơi, thư giãn. Hàng ngày sau bữa cơm chiều, trừ trực ban và những người làm nhiệm vụ canh gác, số còn lại xen thành từng đợt được thay nhau đi ngắm cảnh quan nơi đóng quân. Tuy Hòa là một phố thị ngày ấy thuộc loại nhỏ, nhà cao tầng rất ít, có thể đếm đầu ngón tay. Ngoài tòa thị chính và nhà đoan, còn lại đều là nhà cấp bốn thấp, bé. Ngoài đường dẫn vào tòa thị chính được láng nhựa, còn lại là đường rải đá, lòng đường hẹp, mặt đường gồ ghề khó đi. Nhưng nơi đây đang thực hiện chiến dịch “tiêu thổ kháng chiến”, một vài khu vực nội thị, các tên đường, tên phố và các biển hiệu theo yêu cầu “vườn không nhà trống” đã trở thành gạch vụn, cỏ bắt đầu mọc. Tất cả một thời vang bóng chỉ còn lại trong tâm tưởng của các chủ nhân mà giờ đây họ đã tản cư ra các vùng phụ cận hoặc về hẳn miệt quê tính chuyện làm ăn lâu dài.

Tôi và anh Hoàng Thuyên (sau này là đại tá công tác tại Bộ Tổng Tham mưu) trở thành bạn tri kỷ ngay từ buổi đầu ở thị xã Quy Nhơn cùng nhau gia nhập đội quân Nam Tiến. Hai chúng tôi như đôi tình nhân, ngày nào cũng vậy, cứ chiều đến rong ruổi vừa dạo chơi ngắm cảnh vừa đổi trao tâm tình. Chuyện ấu thơ, học hành, gia cảnh, quê hương... kể cả hứa hẹn đánh Pháp xong sẽ đi thăm nhau: tôi ra Huế quê anh thưởng ngoạn cảnh sông Hương núi Ngự, ăn cơm hến, bún bò; anh vào Bình Khê quê tôi thăm cảnh vật, dấu tích một thời ba anh em họ Nguyễn từ dân ruộng trở thành vương triều một thời làm rạng rỡ non sông đất nước và thưởng thức đặc sản chim mía(1) chiên giòn, chè bột sóng thần(2)... Cái dòng chuyện lan man chẳng có đầu đuôi ấy đã đưa chúng tôi tới chân núi Chóp Chài mà ngắm nhìn không thấy chán về hình dáng hao hao tựa như Kim Tự Tháp khổng lồ; có lúc dừng chân thật lâu nơi núi Nhạn, có cấu trúc dáng hình như hòn non bộ nằm kề bên hữu ngạn sông Ba. Trên đỉnh núi sừng sững ngôi tháp Chàm đồ sộ và cổ kính, bọc quanh thân núi là một lớp rừng xanh ngắt, thân cây to, tán lá rộng chẳng khác nào một tiểu rừng nguyên sinh. Nhạn Tháp đứng giữa một khu dân cư đông đúc, liền kề với đường 1 và đường xe lửa ngày đêm tấp nập người, xe xuôi ngược, vào ra lại có một đàn khỉ sống tự do, như được thuần hóa, không bỏ trốn, nhưng cũng không mất một con nào, tự kiếm sống không cần có người nuôi. Nó được sống như vậy vì nhà cầm quyền ở đây có lệnh không ai được bắn, được bắt chúng. Đến mãi bây giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi một chuồng thú nhưng không có chuồng, không có người chăm sóc bảo vệ mà vẫn tồn tại để chúng tôi có dịp được vui với chúng trong những ngày chờ đợi ra trận.

Tiếng súng trận từ phía trước vọng về mỗi ngày mỗi gần, nhưng ở cái phố thị nhỏ bé này vẫn bình tĩnh và chủ động, vẫn việc nào việc ấy. Đường số 1, đường xe lửa từ Tuy Hòa đi Bình Định vẫn giữ nguyên; tàu lửa, ô tô vẫn liên tục chạy cả ngày lẫn đêm vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường phía nam. Từ đây ta đã tổ chức chuyến tàu biển đưa chị Nguyễn Thị Định (sau này là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam) và một số vũ khí của Trung ương đến Nam Bộ an toàn.

Cuối tháng 3 năm 1946, sau đợt huấn luyện quân sự như đã kể trên, tiểu đoàn Mai Xuân Thưởng được lệnh trung đoàn hành quân gấp lên phía tây đảm nhiệm giữ mặt trận Củng Sơn, cùng với tiểu đoàn Cao Thắng (trung đoàn 80) giữ mặt trận Đèo Cả, hình thành hai hướng chủ yếu chặn quân Pháp đánh ra Phú Yên.

Nhưng làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ trên giao? Vì tại Củng Sơn địch có thể từ Ma Đrắc theo tỉnh lộ 5 đánh sang, từ quốc lộ 7 đánh xuống. Trong cuộc họp cán bộ mở rộng đến cấp trung đội, ý kiến trao đổi rất sôi nổi, cuối cùng đều thống nhất tập trung lực lượng chặn địch từ hướng Ma Đrắc sang. Nhưng cụ thể bố trí lực lượng ở khu vực nào thì không ai trả lời được, vì tất cả đều không ai nắm được tình hình tự nhiên nơi đây. Vả lại ngày ấy đâu có bản đồ quân sự đầy đủ như bây giờ (mà nếu có cũng như không, vì tất cả chúng tôi đều “i tờ” về quân sự) để mà nghiên cứu, xác định trước trên bản đồ sau đó đi khảo sát thực địa là có đáp số. Vì vậy chúng tôi phải lội bộ đi nghiên cứu thực địa kết hợp khai thác nhân dân địa phương - là những “thổ công” tin cậy, mới đi đến quyết định lấy khu vực Buôn Mùi, Buôn Đức làm nơi chặn địch.

Tinh thần Nam tiến có cơ hội được thực hiện, lại được bà con các dân tộc tại chỗ giúp đỡ cả người và cho mượn cả cuốc, xẻng, dao, nhờ đó chỉ một tuần lễ là tiểu đoàn hoàn thành công việc xây dựng hầm hào chiến đấu, bao gồm:

Tuyến 1: Chốt giữ vòng ngoài.

Tuyến 2: Làm nhiệm vụ cơ động.

Tuyến 3: Làm lực lượng dự bị, mỗi tuyến bố trí một đại đội.


(1) Như loại chim sẻ, chuyên ăn sâu mía.
(2) Bột làm bằng đậu xanh, khi nấu chín, cứ trong suốt như thạch trắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 08:58:48 am »

Công việc xây dựng trận địa chặn địch đã hoàn thành, tình hình nói chung vẫn yên ắng. Tiểu đoàn tổ chức một lực lượng phân tán vào các buôn làng làm công tác tuyên truyền vận động bà con các dân tộc tham gia kháng chiến. Công tác dân vận đang tiến hành suôn sẻ, có kết quả thì ngày 1 tháng 5 tôi nhận được lệnh của trung đoàn gọi về Củng Sơn gặp anh Võ Bẩm là để kết nạp tôi vào Đảng mà tôi đã được các anh trên ban chính trị trung đoàn báo trước cách đây một tuần. Mặc dầu bạn bè kéo đến chia vui và hỏi tôi lý do sự việc, hay là được cấp trên cất nhắc? Biết là có lỗi với bạn bè nhưng biết làm sao được! Vì như các anh hồi đó căn dặn: Đảng chưa ra hoạt động công khai, cơ sở Đảng trong quân đội còn quá mỏng, toàn trung đoàn 79 mới có một chi bộ. Mọi sinh hoạt, hội họp, học tập đều phải tranh thủ ngoài giờ, hoạt động phương thức bán công khai.

Buổi lễ kết nạp do anh Võ Bẩm chủ trì, diễn ra trong căn nhà nhỏ ở thị tứ Củng Sơn. Đơn giản mà nghiêm túc, không có Đảng kỳ, không có ảnh Bác Hồ. Có cờ Tổ quốc nhưng bằng giấy, chỉ to hơn vở học sinh, nền đỏ sao vàng đều mua phẩm màu về nhuộm. Hoàn cảnh lúc đó vô cùng thiếu thốn. Năm người chúng tôi được kết nạp hôm ấy lần lượt đứng quay mặt về phía bàn thờ Tổ quốc, năm ngón tay trái nắm lại, giơ cao ngang đuôi mắt theo tư thế chào và tuyên thệ. Không khí trang nghiêm, yên lặng...

Đến lượt tôi là người cuối cùng đọc tuyên thệ. Tôi xúc động và hồi hộp, tim đập nhanh, hơi run run, mất bình tĩnh, mãi mới nói được: Kể từ giờ phút này tôi đã là đảng viên Cộng sản Việt Nam, đứng trước bàn thờ Tổ quốc tôi xin tuyên thệ gọn trong sáu chữ: trung thành, trung thực, trung kiên. Trung thành với lý tưởng cộng sản; trung thực với Đảng, với đồng chí và kiên định giữ vững lòng tin vào cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, nguyện hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao... Tôi xin hết.

Lời tuyên thệ từ đáy lòng, đã đi suốt cuộc đời tôi và thực sự đã giúp tôi vượt qua khó khăn mà tôi sẽ kể cùng bạn đọc trong các phần sau. Bây giờ xin tiếp tục trở lại chuyện đang kể.

Những ngày tháng 5, địch từ phía Ma Đrắc gần như chưa có động tĩnh gì, ngoài những cuộc hành quân nhỏ lẻ có tính chất thăm dò, phát hiện ta. Các đại đội 1, 3 tạm thời chưa có “việc làm”, riêng đại đội 2 do tôi làm đại đội trưởng giữ vị trí cơ động thì bận tối ngày. Theo phân công của tiểu đoàn, chúng tôi phải tổ chức lực lượng thay nhau tuần tra, phát hiện, kể cả đánh địch từ xa bảo đảm an toàn trận địa trước khi xảy ra đánh lớn; tổ chức lực lượng bí mật phục kích nơi địch có thể đi qua thâm nhập, thăm dò lực lượng ta. Đã hai lần đại đội 2 chúng tôi gặp địch và chủ động tiến công, diệt hàng chục tên, chỉ có tính chất tiêu hao, xua đuổi chúng, tạo thêm lòng tin cho đơn vị, góp phần bảo vệ an toàn khu vực trận địa.

Đầu tháng 6 thực dân Pháp thất bại bước đầu trong âm mưu mở hướng tiến đánh chiếm Củng Sơn từ hướng Buôn Đức, Buôn Mùi, đại đội 2 chúng tôi được lệnh chuyển sang mặt trận Cà Lúi - Bà Lá làm nhiệm vụ bảo vệ Củng Sơn. Nắm được quy luật tuần tra của địch, một tuần lễ sau đó đại đội 2 tổ chức một trận phục kích từ xa (vận động phục kích). Ở đây cứ cách đều hai ngày địch từ Cà Lúi lại tuần tra một lần vừa lùng sục phát hiện đối phương, vừa cướp bóc lương thực, thực phẩm và cưỡng hiếp phụ nữ một số buôn làng người dân tộc Ê-dê, kề bên đường kiểm lâm. Địch rất nghênh ngang, chủ quan vì nhiều lần trước đấy chúng đi về đều an toàn, chỉ gặp những người dân tay không. Hôm ấy là ngày 10 tháng 6. Khi sương đêm vừa tan, địch vẫn theo lối cũ đi tuần tra cách trận địa phục kích của ta nơi xa nhất 100 mét, nơi gần nhất 30 mét, chúng tôi nhìn rất rõ khoảng một trung đội. Đi đầu là tốp lính người dân tộc, còn lại toàn lính da đen cao to. Đúng kế hoạch đã định, khi địch lọt hết vào trận địa, Tuynh, một chiến sĩ người cao to, da bánh mật chắc khỏe, quê An Nhơn giữ trung liên nổ một băng thật giòn. Địch bị bất ngờ, hoảng loạn không biết tiếng nổ từ đâu tới, chưa kịp đối phó, tôi lệnh cho Tuynh bồi tiếp băng thứ hai, chúng càng lúng túng, tất cả đều nằm rạp xuống đất. Liền đó toàn đại đội vừa vận động tiếp cận địch vừa hô xu...ng pho...ng, xu...ng pho...ng! Thực hành đánh gần, rồi rút thật nhanh. Địch chết 6, bị thương 10. Ta hai chiến sĩ bị thương nhẹ do mảnh đạn cối sượt bờ vai trên đường rút. Thắng lợi không lớn, chỉ nhằm tiêu hao sinh lực địch, nhưng là một đòn cảnh cáo rất mạnh vào tinh thần quân địch. Từ đây nhân dân quanh vùng không còn bị địch xách nhiễu, yên tâm làm ăn.

Lúc này cả hai hướng Đèo Cả và Củng Sơn đều yên tĩnh, bộ đội có giờ phút thư giãn. Tôi tranh thủ tổ chức cho bộ đội học tập 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật quân đội và thông báo tổng hợp tin tức thời sự. Tôi thông báo với bộ đội, Pháp đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 nhưng chúng vẫn trắng trợn phá hoại, ở Khánh Hòa Pháp vẫn liên tiếp xua quân tiến công vào các tuyến phòng thủ của ta ở Tu Bông, đèo Cổ Mã. Tiểu đoàn Cao Thắng trấn giữ mặt trận Đèo Cả đã kiên quyết đánh trả. Đặc biệt đêm ngày 7 tháng 5 hai trung đoàn vệ quốc quân do trung đoàn trưởng Hữu Thành chỉ huy, từ Phú Yên cơ động vào cùng lúc tiến công phá hủy hai phần ba chi khu Vạn Giã, đánh thiệt hại nặng cứ điểm Hiền Lương, diệt và làm bi thương 100 tên, thu 100 súng các loại... Xen vào đó, tôi nhận xét có lẽ vì thế mà địch chưa dám đánh ra Đèo Cả, vì còn phải dồn lực lượng đối phó với các hoạt động của ta ở phía sau... Tuy tin tức đã cũ nhưng anh em rất hứng thú nghe và mong tôi thường xuyên nói chuyện thời sự.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:40:38 am »

Vào giữa tháng 6, trung đoàn thông báo địch đang ráo riết chuẩn bị, có khả năng sắp tới chúng sẽ tiến công đánh chiếm khu vực Đèo Cả - Củng Sơn và nhắc các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng. Những ngày sau tin tức càng rõ dần. Địch tập trung trung đoàn bộ binh cơ giới từ Nha Trang theo đường 1 đánh ra Tu Bông; chúng còn cho một tiểu đoàn đổ bộ lên Đại Lãnh đánh lên phòng tuyến Đèo Cả; đồng thời một tiểu đoàn Âu Phi tiến đánh Củng Sơn. Như vậy là cùng một lúc địch tiến công ra Phú Yên từ hai hướng, phía nam và phía tây.

Biết là việc phải đến sẽ đến. Nhưng khi cái phải đến đang đến gần vẫn thấy hồi hộp! Đã qua đợt huấn luyện quân sự trước khi lên đây, trận địa chặn địch đã được chuẩn bị. Vậy mà chúng tôi vẫn cảm thấy có cái gì thiếu thiếu? Trước đó tuy có đụng độ với địch, song chỉ là những trận nhỏ lẻ với các tốp tuần tiễu của địch. Còn giờ đây đối tượng phải đương đầu là một đơn vị lớn, thiện chiến đang thách thức đối với nhiệm vụ mà chúng tôi được giao là cố giữ cho được Củng Sơn. Rõ ràng vấn đề đặt ra lúc này là không thể bằng lòng với công việc đã làm mà còn phải rà soát xem còn phải làm gì nữa để đáp ứng nhiệm vụ cụ thể đang đặt ra một cách cực kỳ khẩn trương? Bàn đi tính lại tất cả chúng tôi đều nhất trí triệu tập ngay một cuộc họp giữa chỉ huy tiểu đoàn với chỉ huy các đại đội để thống nhất nhận thức (đến cả chiến sĩ) về ý nghĩa và tầm quan trọng mang tính nghiêm túc của trận chiến đấu chặn địch không cho chúng đánh chiếm Củng Sơn; nhân lên trách nhiệm thiêng liêng của đội quân Nam tiến, niềm vinh dự, tự hào của tiểu đoàn Mai Xuân Thưởng được trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ bảo vệ một hướng quan trọng trong thế trận chặn địch tại mặt trận Phú Yên; cần phải củng cố lại trận địa, sửa sang, gia cố lại hầm hào cho chắc hơn, nhiều hơn; điều chỉnh lại lực lượng và thế bố trí - hai đại đội chặn địch phía trước, một đại đội phía sau, động viên bà con các dân tộc tham gia tiếp tế tải thương để đủ quân số; tổ chức một trung đội mạnh làm lực lượng dự bị chung. Và sau hết, nhắc nhở động viên mọi người sẵn sàng, có quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ. Sau cuộc họp, tiểu đoàn ra lệnh chuyển vào trạng thái chiến đấu cao, trừ anh em đau yếu, tất cả đều có mặt tại trận địa, mọi sinh hoạt ăn, ngủ đều tại chỗ.

Ngày 21 tháng 6, một ngày yên tĩnh, và cái nóng của đầu mùa khô cũng nung trận địa nóng thêm khi mặt trời cao dần, đứng bóng, lúc này nhu cầu ăn ít hơn uống, mặc dầu khấu phần lương thực hàng ngày cho mỗi người còn thiếu.

Đúng lúc kim đồng hồ chỉ 12 giờ, trung đoàn thông báo xuống: Địch từ Nha Trang đã mở cuộc hành quân ra hướng Đèo Cả vào 8 giờ sáng nay, tiểu đoàn Trần Tạo (trung đoàn 80) đã đánh bại nhiều đợt tiến công của địch tại Tu Bông, đèo Cổ Mã. Nhận được tin, tôi kịp thời thông báo xuống các tiểu đội, khắp các trận địa tiếng vỗ tay vang lên và râm ran bàn tán. Một số anh em yếu mệt nằm phía sau xin ra phía trước tham gia chiến đấu.

18 giờ cùng ngày, trung đoàn lệnh xuống - nhắc chúng tôi phải sẵn sàng chiến đấu cao, trăm phần trăm quân số có mặt tại trận địa kể cả ban đêm, có khả năng ngày mai địch tiến sang hướng tây.

Cái đêm trước khi xảy ra trận đánh ở miền sơn cước sao mà dài thế, mãi không sáng. Tất cả đều thao thức không sao ngủ được! Biết bao ý nghĩ miên man về một trận đánh mà tất cả mọi người đều tham dự lần đầu.

Trời sáng dần, tất cả những người đi trực tiếp chiến đấu đều dùng bữa sớm hơn mọi ngày, đề phòng địch đến sớm không còn điều kiện để ăn, để uống. Nhưng rồi bữa sáng qua đi. Mặt trời lên cao, đã 10 giờ mà trận địa vẫn yên tĩnh. Thời ấy thông tin chiến trường đâu có hiện đại như bây giờ, tất cả đều chạy bộ, mãi 11 giờ chúng tôi mới nhận được tin tức cụ thể hướng Đèo Cả của ngày hôm qua; trung đoàn cơ giới của địch từ Nha Trang đã bị tiểu đoàn Trần Tạo chặn đứng ở Tu Bông và đèo Cổ Mã. Cánh quân đổ bộ lên Đại Lãnh cũng bị một bộ phận của trung đoàn 79 do trung đoàn trưởng Thu Sơn trực tiếp chỉ huy từ phía sau phát triển lên chặn đánh phủ đầu khi chúng chưa kịp lên đèo. Bị thiệt hại nặng nên ngay hôm đó địch phải vội vã xuống tàu bỏ chạy ra khơi. Mặt trận Đèo Cả được giữ vững. Tin tức thật phấn khởi, nhất là tin trung đoàn 79 đánh mạnh, buộc địch phải rút xuống tàu chạy thẳng càng làm anh em phấn khởi tự hào và nhắc nhở nhau thi đua với mặt trận Đèo Cả quyết không để mất Củng Sơn! Dù một ngày sau mới có tin tức đầy đủ về quân ta thắng to ở mặt trận Đèo Cả, nhưng đối với chúng tôi những thông tin đó đến đúng lúc có tác dụng động viên cổ vũ cán bộ chiến sĩ mặt trận phía tây càng tin ở sức mình, tin ở thiên thời, địa lợi, nhân hòa nơi mình đang trấn giữ nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Đúng 11 giờ ngày 22 tháng 6 chúng tôi bước vào trận đánh. Địch từ hướng tây tràn xuống cùng với hỏa lực yểm trợ tối đa, các cỡ súng như vãi đạn, sau đó bộ binh tiến lên. Hình như chúng rửa hận cho thất bại ở Đèo Cả ngày hôm trước?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2022, 07:43:17 am »

Theo kế hoạch, các đơn vị phía trước đánh chặn địch ở Cà Lúi, Chấn Đơn, buôn Xã Ninh, Lỗ Lương, đại đội 2 chúng tôi nổ súng vào hai bên sườn đội hình. Địch hoang mang chững lại một lúc rồi lại tiến công tiếp với sự yểm trợ tối đa của pháo, cối và đại liên. Trận địa mờ trong khói súng. Hai bên trong thế giằng co. Đến 14 giờ cùng ngày địch lại mở đợt tiến công mới nhưng vẫn bài bản cũ. Lần này chúng tôi rút được kinh nghiệm, khi địch bắn phá dữ dội vào trận địa ta là lúc bộ binh địch nằm chờ, vậy ta cũng giấu mình trong công sự tránh thương vong không cần thiết, chờ thời cơ xuất kích diệt bộ binh. Trận đánh bắt đầu, ngoài hình thành thế trận trước mặt, hai bên sườn, chúng tôi còn cho một lực lượng nhỏ luồn sâu đánh phía sau đội hình địch. Gần như đội hình tiến công của địch lọt vào giữa trận địa đánh chặn của ta. Địch chết ít nhưng bị thương nhiều vì bị ta đánh trả từ nhiều phía. Tinh thần địch càng hoang mang, cuối cùng chúng buộc phải lui quân về cụm lại ở Cà Lúi, Bà Lá, cách Củng Sơn 28 ki-lô-mét về phía tây bắc.

Trong lúc địch tập trung lực lượng đánh ra Phú Yên, thì trung đoàn 80 đưa ra hai tiểu đoàn luồn sâu vào Khánh Hòa hoạt động, gây nhiều khó khăn cho chúng. Kế hoạch từng bước đánh chiếm Phú Yên của giặc Pháp đã bị quân dân Phú Yên đánh bại.

Sau thắng lợi, Bộ chỉ huy quân sự Khu 6 và tỉnh Phú Yên chủ trương tăng cường lực lượng, củng cố các tuyến phòng thủ tại mặt trận Đèo Cả và Củng Sơn. Chúng tôi phấn khởi đón thêm đơn vị bạn lên chia lửa với mình.

Lại có thời gian yên tĩnh để củng cố, nghỉ ngơi; lại văn nghệ, ngâm thơ ca hát - “Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam, ta muốn đem mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn”; lại “đoàn vệ quốc quân một lần ra đi, nào có sá chi mong ngày trở về”... Lời hai bài hát tủ của chúng tôi ai cũng thuộc lúc hát đồng ca, khi thì hát cá nhân, lúc nào cũng ngân vang. Củng Sơn những ngày này bớt u tịch. Ngồi đâu, đến đâu cũng bắt gặp không khí lạc quan, yêu đời và cả tự tin được nhân lên sau trận thắng! Có chiến sĩ cao hứng ngâm thơ:

Giặc từ Vũng Rô bắn tới
Giặc từ trong tràn ra
Nhưng Đèo cả vẫn đứng vững
Đèo Cả Nam
Máu giặc
Mấy lần
Vàng khô...
(1)

Cuối tháng 9 đầu tháng 10, chúng tôi mở một đợt hoạt động mới. Ở mặt trận Đèo Cả, tiểu đoàn Trần Tạo sử dụng từng tiểu đội đánh nghi binh, quấy rối liên tục ở ga Đại Lãnh, dùng bom phục kích địch ở Dốc Mỏ, làm chết và bị thương hàng chục tên địch. Ở mặt trận Củng Sơn, tiểu đoàn chúng tôi tổ chức tiến công hai đồn Cà Lúi và Ma-rốc. Do công tác điều tra chuẩn bị chưa tốt, nên không hoàn toàn làm chủ được trận địa, thắng lợi thu được hạn chế (diệt 12 tên, thu 5 thùng thuốc nổ TNT). Cùng ngày tự vệ huyện Sơn Hòa chống địch càn quét ở buôn Ma Dung, diệt và làm bị thương 10 tên, thu hai lựu đạn, phá hủy một súng trung liên.

Từ hạ tầng tháng 6 đến tháng 12 mặt trận chặn địch ở Phú Yên tương đối yên ắng. lực lượng vũ trang có khoảng thời gian tương đối dài để củng cố lực lượng, tổ chức lại thế trận, điều chỉnh thế bố trí, vì kẻ địch chưa từ bỏ âm mưu đánh chiếm Nam Trung Bộ, trước mắt là phải thôn tính bằng được tỉnh Phú Yên. Đi trước một bước, Bộ chỉ huy quân sự Khu 6 và tỉnh Phú Yên đã tăng cường lực lượng, củng cố công sự ở các trận địa trên Đèo Cả và mặt trận Hà Roi ở phía tây. Trung đoàn 80 cùng lực lượng tự vệ Tuy Hòa trấn giữ bảo vệ phòng tuyến Đèo Cả. Trung đoàn 79 chúng tôi cùng lực lượng tự vệ Sơn Hòa bảo vệ mặt trận Hà Roi. Đưa hai tiểu đoàn của trung đoàn 80 vào Khánh Hòa hình thành thế đánh địch giữa hướng chính diện và hướng sau lưng địch, giữa vùng địch tạm chiếm và vùng tự do. Ngoài ra còn có tiểu đoàn Ba Dương của Nam Bộ đang đứng chân tại Phú Yên củng cố sẵn sàng cơ động chiến đấu khi có yêu cầu.

Có thêm viện binh từ chính quốc sang, thực dân Pháp xúc tiến chuẩn bị mở một cuộc tiến quân quy mô lực lượng lớn, dài ngày và ác liệt với tham vọng chí ít cũng chiếm cho được thị xã Tuy Hòa.

Mờ sáng ngày 13 tháng 1 năm 1947, hai trung đoàn địch chia làm hai cánh cùng tiến công vào trận địa của ta trên Đèo Cả và “đường mòn Gia Long”. Lợi dụng sương mù buổi sáng quân địch không bắn pháo chuẩn bị, đồng thời bắt dân lùa trâu bò đi trước để phá nổ bom mìn và ép số dân đi xen trong đó gây khó khăn cho bộ đội ta làm nhiệm vụ chiến đấu.


(1) Một đoạn trong bài thơ của nhà thơ Hữu Loan sáng tác khi đi đến mặt trận Đèo Cả đăng trên báo Chiến sĩ năm 1946.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM