Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:14:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 4  (Đọc 7705 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2022, 06:47:59 am »

ANH HÙNG HỒ THỊ LÝ


Hồ Thị Lý, sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở tã Hòa Đa, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 4 năm 1967. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung úy, quận đội phó quận 3, thành phố Đà Nẵng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1964 đến tháng 4 năm 1967, Hồ Thị Lý là chiến sĩ du kích. Đồng chí đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, tích cực đánh địch. Ngoài ra Hồ Thị Lý còn vận động được 8 thanh niên tham gia du kích, xây dựng được nhân mối trong hàng ngũ địch, cung cấp tin tức cho ta.


Từ tháng 5 nãm 1967 đến tháng 11 năm 1969, Hồ Thị Lý là chiến sĩ biệt động hoạt động trong nội thành Đà Nẵng. Đồng chí đã kiên trì bám trụ, tích cực xây dựng được đội biệt động 60 người và tổ chức được 27 cơ sở. Quá trình hoạt động, dù khó khăn nguy hiểm thế nào Hồ Thị Lý cũng mưu trí, dũng cảm kiên quyết chỉ huy đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí đã chỉ huy đánh 26 trận, diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch, phá hoại nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng Hồ Thị Lý diệt 79 tên (có 31   tên Mỹ), làm bị thương 18 tên, phá hủy 6 xe quân sự, thu 24 súng. Một số trận nổi bật:

- Ngày 3 tháng 3 năm 1968, Hồ Thị Lý đã cải trang vào câu lạc bộ của địch, đặt mìn diệt 36 tên (có 13 sĩ quan từ thiếu tá đến trung tá), phá hủy 2 xe quân sự.

- Ngày 6 tháng 11 năm 1968, Hồ Thị Lý chỉ huy đội đánh hỏng nặng đài phát thanh Đà Nẵng.

- Ngày 22 tháng 11 năm 1969, địch tập trung xe tăng ở đầu cầu Trịnh Minh Thế để chuẩn bị đi càn quét, Hồ Thị Lý đã bí mật đến đặt mìn và một gói truyền đơn lớn giữa bãi xe; mìn nổ, một số xe bốc cháy, truyền đơn bay khắp bãi.


Từ tháng 12 năm 1969 đến tháng 3 năm 1973, Hồ Thị Lý bị địch bắt; những ngày trong trại giam, mặc dầu bị địch tra tấn cực hình, nhiều lần chết đi sống lại nhưng đồng chí vẫn giữ trọn khi tiết cách mạng, không khai báo, kiên quyết vạch mặt kẻ thù. Hồ Thị Lý liên tục tham gia cấp ủy trong tù, góp phần lãnh đạo 36 lần đấu tranh với địch, chống đàn áp, đòi quyền sống và các quyền lợi khác thắng lợi.


Sau khi ra tù, từ tháng 4 năm 1973 đến năm 1976, Hồ Thị Lý tiếp tục công tác, là giáo viên trường Đặc công Quân khu, quận đội phó quận 1, quận 3, thành phố Đà Nẵng, nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành tốt.


Hồ Thị Lý sống gương mẫu, hết lòng thương yêu đồng đội, khiêm tốn giản dị, được đồng đội mến phục, nhân dân tin yêu. Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 6 bằng khen, hai lần là Chiến sĩ thi đua, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.


Ngày 20 tháng 10 năm 1976, Hồ Thị Lý được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2022, 06:48:50 am »

ANH HÙNG LÊ ĐÌNH CHINH
(LIỆT SĨ)


Lê Đình Chinh, sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trú quán: nông trường Sông Am, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh đồng chí là thượng sĩ, tiểu đội trưởng, đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Ở gia đình Lê Đinh Chinh là người con ngoan; ở trường phổ thông Lê Đình Chinh là học sinh giỏi toàn diện, là đội viên tốt. Lê Đinh Chinh luôn luôn gương mẫu, hăng hái phấn đấu, rèn luyện tốt, được mọi người rất quý mến.


Được vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Lê Đình Chinh học tập, rèn luyện hăng say, luôn luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, trưởng thành nhanh chóng và vững chắc.


Lê Đình Chinh đã tham gia chiến đấu nhiều trận chống quân Pôn Pốt - Iêng Xa-ri gây chiến tranh biên giới Tây Nam. Đồng chí đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc.


Ngày 26 tháng 8 năm 1978, hàng chục tên côn đồ và công an Trung Quốc cải trang đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đinh Chinh đã mưu trí tấn công địch, bằng tay không, đánh gục hàng chục tên côn đồ và công an Trung Quốc góp phần tích cực cùng đơn vị và nhân dân đánh đuổi bọn côn đồ Trung Quốc gây rối về bên kia biên giới, đồng thời giải tỏa được số người Hoa ùn tắc ở cửa khẩu Hữu Nghị. Giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên phòng Ải Bắc.


Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh, nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chi Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng đồng chỉ huy hiệu "Vì thế hệ trẻ"; phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào "Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh".


Ngày 31 tháng 10 năm 1978, Lê Đình Chinh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2022, 06:49:29 am »

ANH HÙNG ĐOÀN THỊ NGHIỆP
(LIỆT SĨ)


Đoàn Thị Nghiệp (tức Đoàn Thị Bẩy) sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Hội Cự huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, trú quán xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhập ngũ năm 1968. Khi hy sinh, đồng chí là đại úy, phó tỉnh đội trưởng tỉnh đội Mỹ Tho, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đoàn Thị Nghiệp tham gia cách mạng từ năm 1945 và liên tục hoạt động đến lúc hy sinh. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, khi là cán bộ dân chính, khi là cán bộ quân sự, công tác và chiến đấu ở hai tỉnh Tiền Giang và An Giang, đồng chí luôn luôn bám đất, bám dân, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng cơ sở, chỉ đạo phong trào nhiều nơi từ yếu lên mạnh.


Từ năm 1959 đến năm 1960, với cương vị là huyện ủy viên, hoạt động ở huyện Cai Lậy, Đoàn Thị Nghiệp tích cực vận động quần chúng nổi dậy giành thắng lợi trong cuộc đồng khởi. Sau được cử sang công tác tại tỉnh An Giang, lúc phong trào ở đây còn yếu. Đồng chí đã tới những nơi khó khăn nhất để xây dựng cơ sở, góp phần tạo bước chuyển biến mới cho phong trào.


Năm 1968, Đoàn Thị Nghiệp chuyển vào quân đội giữ chức tỉnh đội phó tỉnh đội Mỹ Tho.


Từ năm 1968 đến năm 1972, địch càn quét quyết liệt để thực hiện âm mưu "bình định". Đồng chí tiến hành xây dựng nhiều đội du kích và trực tiếp chỉ huy chiến đấu kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận. Sáu tháng đầu năm 1968, lực lượng vũ trang tỉnh diệt và làm rã ngũ 2.000 tên địch, bẻ gãy cuộc càn quét nhằm "bình định" đoạn đường 20. Sau đó, Đoàn Thị Nghiệp tiếp tục chỉ đạo xây dựng vành đai Bình Đức. Đồng chí vào tận trong các xã, ấp nắm tình hình và đặt kế hoạch chiến đấu. Nhờ đó, lực lượng vũ trang địa phương đã diệt được nhiều địch, lập thành tích xuất sắc.


Đoàn Thị Nghiệp có hai con trai hy sinh trong chiến đấu, đồng chí nén đau thương, động viên chồng cùng mình hăng hái công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Năm 1972, Đoàn Thị Nghiệp bị địch bắt, chúng tra tấn rất dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng và đã anh dũng hy sinh trong nhà tù Mỹ - ngụy.


Đoàn Thị Nghiệp được nhân dân địa phương và đồng đội tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng ba, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Đoàn Thị Nghiệp được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2022, 06:50:24 am »

ANH HÙNG LÊ THỊ TRUNG
(LIỆT SĨ)


Lê Thị Trung sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Chuẩn, huyện Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé, nhập ngũ tháng 2 năm 1964. Khi hy sinh, đồng chí là chính trị viên huyện đội Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ tháng 2 năm 1964 đến tháng 5 năm 1974, Lê Thị Trung hoạt động ở huyện Lái Thiêu, đồng chí tích cực tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, góp phần quan trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, phá thế kìm kẹp của địch, tạo địa bàn đứng chân cho bộ đội chủ lực đánh vào Sài Gòn.


Từ cuối năm 1964, đến đầu năm 1968, Lê Thị Trung phụ trách xây  dựng phong trào ở xã Bình Nhâm. Đồng chí tìm mọi cách bám dân, xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng du kích phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1967, địa phương đã thành chỗ đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn mùa Xuân năm 1968.


Từ năm 1968 đến tháng 12 năm 1969, Lê Thị Trung được giao nhiệm vụ xây dựng đội pháo binh gái của huyện. Trong khi địch càn quét và cho máy bay B.52 ném bom liên tục, đồng chí vẫn tổ chức và động viên chị em vượt qua hàng trăm ki-lô-mét tới Phước Long nhận súng đạn. Dưới sự chỉ huy của Lê Thị Trung, đơn vị pháo binh đã trưởng thành và đánh hàng trăm trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Năm 1974, Lê Thị Trung trở về huyện công tác. Lúc này, địa phương đang gặp khó khăn; địch ra sức càn quét, cày ủi phá trụi làng xóm, khủng bố kìm kẹp nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngần, bản thân cùng huyện ủy và ban chỉ huy huyện đội xây dựng lại nhiều cơ sở, phát động quần chúng phối hợp với lực lượng vũ trang diệt ác, phá kìm, tạo điều kiện cho tiểu đoàn Phú Lợi bám trụ chiến đấu.


Một lần, địch điều 2 tiểu đoàn chủ lực và 30 xe tăng, xe ủi, có máy bay, pháo binh yểm hộ đánh phá ác liệt vào căn cứ của huyện. Lê Thị Trung chỉ huy 2 đại đội bám trụ chống càn, diệt 11 xe tăng và nhiều địch, nhanh chóng bẻ gãy cuộc hành quân của chúng.


Ngày 15 tháng 5 năm 1974, Lê Thị Trung xung phong gác cho đồng đội nghỉ. Khi địch sục vào chỗ đóng quân, đồng chí đã chiến đấu bảo vệ đơn vị và hy sinh anh dũng.


Lê Thị Trung luôn luôn xung phong gương mẫu, tích cực xây dựng lực lượng, xây dựng phong trào.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Lê Thị Trung được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2022, 06:51:09 am »

ANH HÙNG LÊ THỊ PHA
(LIỆT SĨ)


Lê Thị Pha sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 5 năm 1962. Khi hy sinh, đồng chí là chính trị viên đại đội pháo binh gái "Mồng 8 tháng 3", bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1962 đến tháng 6 năm 1972, Lê Thị Pha hoạt động ở tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí đã qua các cương vị chiến đấu; chính trị viên đội vận tải của tỉnh, đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền vùng địch hậu, chính trị viên đại đội pháo binh.


Trong nhiệm vụ vận tải có nhiều khó khăn; đường đi lắm đèo dốc, qua những nơi địch thường phục kích, đánh phá ác liệt nhưng Lê Thị Pha luôn luôn động viên, xây dựng quyết tâm cho đơn vị bảo đảm vận chuyển vũ khí, lương thực tới đích an toàn.


Khi làm đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh, đồng chí đã chỉ huy đội đi vào những nơi địch kiểm soát kìm kẹp ngặt nghèo, vận động xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở 10 xã.


Từ năm 1971 đến năm 1972 Lê Thị Pha là chính trị viên đại đội pháo binh gái. Đồng chí đã cùng đại đội trưởng chỉ huy đơn vị đánh 10 trận, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi viện đắc lực cho bộ binh. Riêng những trận đánh độc lập, đơn vị đã diệt gần 200 tên địch.


Trong chiến đấu, Lê Thị Pha luôn luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, kiên quyết tiến công địch và luôn luôn quan tâm đến sự tiến bộ về mọi mặt của đơn vị. Đồng chí gương mẫu, đoàn kết trong đơn vị, được mọi người yêu quý.


Trong trận chiến đấu ngày 6 tháng 6 năm 1972, Lê Thị Pha đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương chiến Công giải phóng hạng ba.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Lê Thị Pha được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #105 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2022, 04:13:07 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN THỊ NHẠ
(LIỆT SĨ)


Nguyễn Thị Nhạ sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 11 năm 1966. Khi hy sinh, đồng chí là thượng sĩ, trung đội trưởng tiểu đoàn 33 công binh, trung đoàn 14 Bộ tư lệnh 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ tháng 5 năm 1965 đến tháng 10 năm 1966, Nguyễn Thị Nhạ là thanh niên xung phong mở đường chiến lược ở tây Nghệ An và Quảng Bình. Mặc dù bom đạn địch đánh phá rất ác liệt, đồng chí vẫn dũng cảm dẫn đầu đơn vị bám mặt đường, tích cực đào đất, chặt cây, thường xuyên vượt mức chỉ tiêu từ 10 đến 50 phần trăm.


Tháng 11 năm 1966 đến tháng 12 năm 1967, Nguyễn Thị Nhạ chuyển sang bộ đội, đồng chí chỉ huy một trung đội nữ công binh bảo đảm giao thông đường dài 12 ki-lô-mét trên đường 20. Nơi đây là một trọng điểm địch tập trung đánh phá, nhiều ngày chúng cho đủ loại máy bay thay nhau ném bom, bắn rốc két, thả mìn lá v.v... Nguyễn Thị Nhạ nhiều lần bị sức ép của bom nổ làm ngất đi hoặc bị thương, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn dẫn đầu trung đội bám đường, phá gỡ bom, mìn, san lấp hố bom, thường xuyên thông đường trước giờ quy định.


Đêm 28 tháng 12 năm 1967, địch dùng thủ đoạn đánh bom mìn hỗn hợp nhằm cắt đứt tuyến vận tải của ta. Nguyễn Thị Nhạ vừa làm vừa chỉ huy đơn vị phá gỡ bom chờ nổ, thu nhặt mìn lá, mìn tai hồng. Máy bay địch quay lại đánh phá, đồng chí đã hy sinh anh dũng.


Gương dũng cảm mở đường và bảo đảm giao thông của Nguyễn Thị Nhạ có tác dụng động viên lớn đối với các chiến sĩ trên tuyến vận tải chiến lược, nhất là với chiến sĩ gái.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Nguyễn Thị Nhạ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #106 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2022, 04:13:46 pm »

ANH HÙNG HUỲNH THỊ KHÁ
(LIỆT SĨ)


Huỳnh Thị Khá sinh năm 1951, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nhập ngũ tháng 1 năm 1969. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội phó bộ binh bộ đội địa phương huyện Hòa Đa, tỉnh Thuận Hải, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tháng 1 năm 1969, được tin năm anh ruột đi bộ đội và công tác thoát ly đều bị hy sinh, tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn bố mẹ già và bốn em nhỏ, nhưng Huỳnh Thị Khá vẫn kiên quyết xin vào bộ đội đánh giặc. Cùng với trung đội chiến sĩ gái, đồng chí đã tham gia chiến đấu 30 trận, tự tay diệt 50 tên địch.


Đặc biệt trong đêm 21 tháng 5 năm 1970, Huỳnh Thị Khá cùng tiểu đội vào ấp Hiệp Thành làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền. Khi trở ra thi gặp địch phục kích. Đồng chí bị thương gãy cả hai chân nhưng Huỳnh Thị Khá đã động viên chị em dìu các chiến sĩ khác bị thương ra trước, còn mình ở lại chiến đấu kìm giữ địch, bảo vệ cho tiểu đội rút lui an toàn. Địch xông tới bao vây chặt và gọi hàng. Huỳnh Thị Khá không trả lời, chờ chúng đến gần rồi bất ngờ nổ súng diệt tại chỗ 7 tên. Bọn còn lại hoảng sợ chạy lùi ra xa. Địch lại bắn xối xả và hò nhau xông vào. Đồng chí bắn trả quyết liệt cho đến lúc ngất đi vì vết thương quá nặng. Sa vào tay giặc, mặc dù chúng đánh đập rất dã man nhưng trước sau Huỳnh Thị Khá chỉ nói: "Tao không biết đầu hàng". Cuối cùng, kẻ thù đã bắn chết đồng chí tại trận địa.


Gương chiến đấu của Huỳnh Thị Khá đã được phát động học tập trong toàn lực lượng vũ trang quân khu.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Huỳnh Thị Khá được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #107 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2022, 04:14:18 pm »

ANH HÙNG KIÊN THỊ NHẪN
(LIỆT SĨ)


Kiên Thị Nhẫn sinh năm 1950, dân tộc Khơme, quê ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vào du kích năm 1965. Khi hy sinh, đồng chí là xã đội phó xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Cửu Long, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1965 đến tháng 4 năm 1971, Kiên Thị Nhẫn chiến đấu và chỉ huy đội du kích đánh giặc bảo vệ xã. Đồng chí chiến đấu dũng cảm, một mình một trận địa cũng kiên quyết đánh; chỉ huy mưu trí, linh hoạt, lập nhiều chiến công xuất sắc. Kiên Thị Nhẫn đã cùng đơn vị diệt hơn 100 tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng đồng chí diệt 26 tên (có 3 sĩ quan), thu 16 súng.


Tháng 4 năm 1969, Kiên Thị Nhẫn cùng một tổ du kích táo bạo tiến công bốt địch đóng trong xã giữa ban ngày. Chỉ trong 5 phút, trận đánh kết thúc thắng lợi, làm cho địch rất hoang mang, giảm bớt sự hung hăng khủng bố, đàn áp của chúng đối với nhân dân địa phương.


Đầu năm 1970, Kiên Thị Nhẫn đang cùng tổ du kích cáng thương binh phục vụ bộ đội chiến đấu thì gặp 1 đại đội địch. Ngay phút đầu, 3 chiến sĩ trong tổ bị thương, còn một mình nhưng đồng chí kiên quyết đánh địch để bảo vệ thương binh. Khi dùng súng tiểu liên, lúc ném lựu đạn, Kiên Thị Nhẫn đã đẩy lùi ba đợt phản kích của giặc, diệt và làm bị thương nhiều tên, buộc chúng phải lui ra củng cố lại đội ngũ. Lợi dụng lúc đó, đồng chí lần lượt đưa thương binh ra khỏi khu vực trận địa được an toàn.


Tháng 7 năm 1971, trên đường đi dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn Miền, Kiên Thị Nhẫn bị trúng đạn pháo địch bắn chặn, đồng chí đã hy sinh.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Kiên Thị Nhẫn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #108 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2022, 04:15:03 pm »

ANH HÙNG TRẦN THỊ THU
(LIỆT SĨ)


Trần Thị Thu (tức Kim Hồng), sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tham gia du kích năm 1960. Khi hy sinh, đồng chí là xã đội phó xã Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1960 đến lúc hy sinh (tháng 5 năm 1968), Trần Thị Thu kiên trì bám đất, bám dân xây dựng cơ sở, nuôi giấu cán bộ, thương binh, phục vụ bộ đội chiến đấu và phát triển lực lượng du kích diệt ác, phá kìm, hỗ trợ cho đồng bào giành quyền làm chủ. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy du kích đánh nhiều trận, diệt hàng trăm địch, trong đó có hơn 10 tên ác ôn. Trần Thị Thu xây dựng được 20 cơ sở cách mạng, phát triển du kích từ vài ba người lên 50 người.


Năm 1962, Trần Thị Thu kiên trì vận động quần chúng đào hầm bí mật, tạo được địa bàn đứng chân cho bộ đội huyện đánh tiêu diệt 1 đại đội địa phương khét tiếng gian ác của địch. Sau trận đánh, đồng chí đã làm nhiệm vụ tổ chức chuyển thương binh, tử sĩ vượt qua nhiều đồn bốt giặc ra vùng căn cứ an toàn.


Năm 1966, Trần Thị Thu chỉ huy lực lượng du kích mật theo dõi quy luật đi lại của những tên ác ôn và vạch phương án diệt chúng. Có trận, đồng chí táo bạo dẫn du kích vào ngay sát đồn địch trừng trị hai tên ác ôn, cổ vũ được khí thế cách mạng của quần chúng.


Mùa Xuân năm 1968, Trần Thị Thu chỉ huy du kích phối hợp với bộ đội tiến công vào thị xã trong 3 ngày đêm liền và hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, đồng chí đã cùng đơn vị kiên cường bám trụ đánh địch phản kích ở vùng ven; trong trận đánh quyết liệt, khi hết đạn, Trần Thị Thu đã nhanh chỏng đi vác từng hòm đạn vượt qua hỏa lực dày đặc của địch đưa vào trận địa phân phối cho từng người.


Ngày 10 tháng 5 năm 1968 trong một trận chiến đấu ngoan cường, Trần Thị Thu đã anh dũng hy sinh.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Trần Thị Thu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #109 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2022, 04:15:39 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN THỊ MƯỜI
(LIỆT SĨ)


Nguyễn Thị Mười (tức Chệt Năm), sinh năm 1920, dân tộc Kinh, quê ở xã An Biên, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, trú quán xã Hưng Phú, huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải, vào dân quân năm 1960. Khi hy sinh, đồng chí là chiến sĩ dân quân du kích của địa phương, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1960 đến năm 1970, địch đánh phá trong xã rất ác liệt nhưng Nguyễn Thị Mười vẫn tích cực làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù và tham gia xây dựng xã, ấp chiến đấu, giúp tiền, gạo nuôi du kích, riêng bản thân còn đào hầm bí mật trong nhà để giấu cán bộ, bộ đội, bảo đảm bí mật, an toàn.


Ngày 22 tháng 4 nãm 1970, địch ập tới giữa lúc trong nhà có hơn một chục du kích và thương binh đang ăn cơm. Trước tình huống này, Nguyễn Thị Mười bình tĩnh dũng cảm chặn ngang cửa và đánh trả tên lính đi đầu để can chúng lại, kịp cho thương binh và du kích rút ra ngoài an toàn. Địch đã bắn đồng chí tại chỗ.


Gương hy sinh vô cùng dũng cảm của Nguyễn Thị Mười làm cho nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương rất xúc động, ca ngợi và kính phục, tăng thêm lòng cãm thù địch trong quần chúng.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.


Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Nguyễn Thị Mười được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM