Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:49:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu về Biển, Đảo Việt Nam  (Đọc 2692 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2022, 06:30:27 am »

* Vịnh Vân Phong

Vịnh Vân Phong, người Pháp gọi là Port Dayot (tức Bến Gối) nằm ở phía Bắc trên địa phận hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà. Cách thành phố Nha Trang 50km, cách thị xã Tuy Hoà 35km, chạy từ chân núi Mã Cảnh đến chân phía Bắc núi Phước Hà. Vịnh Vân Phong nằm giới hạn trong khoảng 109°10’ - 1 09°26’ Đông và 120°29’ - 120°48’ Bắc.


Phía Tây vịnh Vân Phong (cách bờ vịnh 20 - 30km) là phần kéo dài của dãy Trường Sơn. Phía Đông Nam vịnh rộng 17km thông ra Biển Đông. Phía Đông Bắc là bán đảo Hòn Gốm gồm các dãy núi nhỏ và cồn cát kéo dài nên tránh được sóng. Bán đảo Hòn Gốm trải dài 27,5km có hình dáng như một cánh tay vươn ra nâng niu viên báu vật - đảo Hòn Lớn.


Đảo Hòn Lớn nằm trong vịnh Vân Phong có chiều dài 14,2km, chiều ngang chỗ rộng nhất 6km. Diện tích mặt cắt của đảo Hòn Lớn khoảng 46km2. Hình dáng đảo thu hẹp ở hai đầu. Nằm trên đầu thon hướng về đất liền là một ngọn núi có độ cao 567m. Phần thân chính giữa của đảo có độ cao khoảng 250m. Phần thân này có một địa hình mặt bằng tương đối phẳng ở độ cao 180m. Phần hướng ra biển có độ cao khoảng 320m thu hẹp dần và xuống độ cao khoảng 260m vươn ra Biển Đông.


Phía Đông Nam nằm giữa bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và đảo Cổ Cò có dải nước hẹp chiều rộng 200m, độ sâu trung bình 25m là kênh tàu tự nhiên rất thuận lợi. Tổng diện tích khu vực này khoảng 150.000ha; trong đó diện tích mặt nước vùng vịnh khoảng 80.000ha và diện tích đất liền khoảng 10.000ha. Khu vực này có địa hình phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu và kín gió, bờ và bãi biển, cồn cát hấp dẫn và là khu vực có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ. Từ Cổ Mã đến Đầm Môn có nhiều bãi tắm và các làng đảo như Đầm Môn, Ninh Đảo, Khải Lương, Vĩnh Yên và Điệp Sơn. Trong đó lý tưởng nhất là Đầm Môn vài hơn 30 bãi tắm hầu hết vẫn còn hoang sơ như Sơn Đừng, Bãi Tây, Bãi Búa, Bãi Nhàu, Bãi Lách...


Đặc biệt ở đây nhiệt độ ấm áp quanh năm, cảnh quan đặc sắc và môi trường tự nhiên hầu như còn được giữ nguyên vẹn chưa bị ô nhiễm, thực sự là một nơi có những điều kiện lý tưởng để xây dựng thành một khu du lịch biển hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.


Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã tạo cho vịnh Vân Phong có tiềm năng để phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp. Về mặt địa lý, vịnh Vân Phong có bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn rất đặc biệt bởi vì nó nằm ở chính giữa của châu Á và châu Úc, trung tâm của một khu vực có trên 3 tỷ dân. Vịnh biển Vân Phong, theo đường chim bay, cách Thủ đô Hà Nội, cách thủ đô của Lào, cách thủ đô của Brunây và cách thủ đô của Thái Lan khoảng 1.000km. Vịnh Vân Phong cách thủ đô của Malaixia, thủ đô của Myanma, cách Xinhgapo, cách Hồng Kông, cách Quảng Đông và cách thủ đô của Philippin khoảng 1.250km. Vịnh Vân Phong đến thủ đô của Trung Quốc, đến thủ đô của Hàn Quốc, đến Nhật Bản, đến thủ đô của Ấn Độ, đến hải phận của nước Úc có quãng đường gần tương đương.


Vịnh Vân Phong đặc biệt hơn nữa là bởi nó nằm tiếp giáp ngay tuyến hàng hải tấp nập, vận chuyển đến 50% lưu lượng hành khách và hàng hóa của thế giới. Ngoài các đặc điểm này, vịnh Vân Phong, bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn còn có các đặc điểm khác là có thể liên kết với các tuyến đường ô tô và đường sắt cao tốc Bắc Nam của Việt Nam; có thể tạo ra một trục trung chuyển hành khách quốc tế bằng đường hàng không; có ưu thế để mở các cầu cảng trung chuyển hành khách du thuyền quốc tế với năng lực không giới hạn; có thể tạo cảng trung chuyển Container quốc tế với năng lực rất lớn; có thể tạo các cầu cảng trung chuyển quốc tế về hàng hóa vật liệu, nông, lâm, thủy, hải sản; trung chuyển các chất lỏng, khoáng sản; có thể tạo địa hình thành địa điểm du lịch lý tưởng; có thể quy hoạch vịnh là nơi bảo tồn sinh vật biển; có thể bố trí các diện tích lớn cho khu phi thuế quan, chế biến, lắp ráp, gia công hàng hóa; có thể kết nối đảo Hòn Lớn với bán đảo Phước Hà và bán đảo Hòn Gốm bằng cầu và các tuyến xe điện tạo lưu thông cho hành khách và hàng hóa; có đủ diện tích để xây dựng các khu mua sắm và các tòa nhà của một trung tâm tài chính tầm cỡ thế giới.


Trên thế giới hiện nay ít có một khu vực nào lại có thể kết hợp giữa trung chuyển hành khách hàng không, trung chuyển hành khách du thuyền, trung chuyển container, trung chuyển hàng hóa và kết hợp với các dịch vụ khác tại chỉ ở một địa điểm duy nhất, không tách rời, một khu phức hợp đa năng như khu vực trên vịnh biển Vân Phong. Để kết hợp được các ưu thế này, đảo Hòn Lớn nằm chính giữa vịnh đóng vai trò quan trọng nhất. Phần chính giữa của đảo Hòn Lớn có một khu vực tương đối bằng phẳng ở độ cao 180m so với mặt biển, là nơi có thể cải tạo làm một sân bay quốc tế. Khu vực tương đối bằng phẳng này có chiều dài khoảng 4,5km và chiều rộng khoảng 2,2km. Với một địa hình, địa thế như vậy, đảo Hòn Lớn đủ khả năng tạo ra một cảng hàng không có năng lực trung chuyến hành khách khổng lồ.


Khi xây dựng một trục hàng không đặt tại đảo Hòn Lớn thì sự kết hợp các ưu thế trung chuyển khác nhau sẽ được phát huy tác dụng tối đa. Khu phức hợp này, nếu phát huy được tiềm năng sẽ tạo ra những lợi thế mới trong phát triển kinh tế đất nước.


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia Liên Hợp quốc và các nhà nghiên cứu đầu tư phát triển thì Vân Phong là nơi có tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á để phát triển du lịch sinh thái, có sức thu hút đông đảo du khách bốn phương. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xếp Vân Phong vào "Vùng du lịch trọng điểm phát triển" trong kế hoạch dài hạn của ngành đến năm 2010. Vịnh Vân Phong cũng được Hiệp hội Biển thế giới công nhận là một trong bốn vịnh có vị trí du lịch biển lý tưởng nhất hiện nay.


Ngày 11 tháng 3 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 51/2005/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. Một thành phố du lịch cảng, trung tâm phân phối hàng hóa cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với một cảng trung chuyển Container quốc tế sẽ ra đời trên vùng vịnh Vân Phong trong tương lai không xa.


Để sử dụng và khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy mọi nguồn lực quý giá của vùng vịnh tuyến nước sâu này, phía Bắc vịnh Vân Phong sẽ được đầu tư tập trung phát triển du lịch biển ở khu vực Đại Lãnh, cảng trung chuyển quốc tế, du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh, trung tâm thương mại - tài chính và khu dân cư phát triển tại bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và toàn bộ phần nước vùng vịnh. Phía Nam vịnh Vân Phong, khu đô thị bao gồm các khu Dốc Lết, Ninh Thủy, Ninh Phước gắn kết với thị trấn Ninh Hòa, Hòn Hèo, Đầm Nha Phu phát triển thành đô thị loại III, với tính chất là đô thị du lịch, dịch vụ, giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề và công nghiệp. Hai khu đô thị quy hoạch trên vịnh Vân Phong (Bắc và Nam), đều được chú trọng đầu tư du lịch biển.


Ngoài hai cảng tàu khách du lịch tại phía Đông vũng Đầm Môn (0,5ha) và cảng tàu khách du lịch Hòn Khói, phía Tây Bắc khu Dốc Lết (4-5ha) các khu du lịch trên vịnh Vân Phong cũng đã được xác định cụ thể trong quy hoạch. Khu du lịch thuộc Bắc Vân Phong gồm có khu du lịch nghỉ mát Tuần Lễ - Hòn Ngang (khoảng 350ha), bãi Cát Thắm (khoảng 210ha), bán đảo Hòn Gốm (khoảng 200ha), Đại Lãnh (40ha) các khu du lịch thuộc khu đô thị Nam Vân Phong gồm khu Dốc Lết - Mũi Dù (diện tích khoảng 150ha).


Sự phát triển của vùng vịnh Vân Phong không chỉ làm thay da đổi thịt mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân địa phương hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây không chỉ là vùng vịnh đẹp mà còn hội đủ mọi điều kiện thuận lợi nhất để trở thành thành phố du lịch cảng tầm cỡ quốc tế.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #51 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2022, 06:31:16 am »

* Vịnh Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đây được xem là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới. Vịnh Cam Ranh diện tích hơn 60km2, chỗ rộng nhất khoảng 6km, ăn sâu vào nội địa chừng 12km, phần lớn vịnh có độ sâu từ 18 - 32m. Cửa biển vào vịnh có đoạn rộng 3km, có đoạn nhỏ hơn, sâu 20m, không có phù sa bồi, bảo đảm tàu tải trọng 100.000 tấn và hạng nặng hơn nữa có thể ra vào dễ dàng bất cứ lúc nào trong năm và có khả năng đón nhận nhiều hạm đội tàu một lúc. Đây là lợi thế thiên nhiên tuyệt đối của Cam Ranh so với các hải cảng lớn của nước ta như Đà Nẵng, Chân Mây, Cẩm Phả chỉ có độ sâu giới hạn 9 - 12m nước. Từ đường hàng hải quốc tế vào Vũng Tàu cách ba giờ tàu biển, vào Hải Phòng cách tám giờ, còn vào Cam Ranh chỉ mất một giờ. Nếu biển Cam Ranh thành cảng trung chuyển quốc tế thì hiện không thể có cảng nào ở Việt Nam và nhiều cảng trong khu vực so sánh được với mức độ rút ngắn thời gian vận chuyển, chi phí và độ an toàn.


Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ trải dài như một dải lụa xanh thẳm, chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây. Phía Nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn - được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước luôn êm đềm.    Du thuyền trên vịnh như "đi trên thảm" bởi không có sóng lớn... Quanh năm nắng ấm chan hòa, bầu trời trong xanh tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu.


Thủy triều trong vịnh khá đều đặn, hằng ngày hai con nước lên xuống tương đối đúng giờ. Đặc điểm hải dương này có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và kỹ thuật hàng hải. Về địa chất hải dương, đáy vịnh gần như bằng phẳng, cấu tạo bởi loại cát pha bùn khá chắc, thuận tiện cho việc thả neo. Vịnh Cam Ranh được bán đảo che chắn nên khá kín gió, là nơi trú bão tốt cho tàu thuyền. Phía ngoài vịnh có một số đảo và cù lao án ngữ, trong đó có điểm cao thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống đèn biển và ra-đa hàng hải.


Thiên nhiên ở vịnh Cam Ranh đẹp gần như còn nguyên sơ với những bãi cát trắng vàng, trải dài mịn màng như chưa bao giờ có dấu chân người (cát ở Cam Ranh có hàm lượng silic và titan rất lớn, từng xuất khẩu sang Nhật Bản để chế tạo thủy tinh), dưới lòng vịnh có những rặng san hô và những đàn cá nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Nhưng đẹp nhất vẫn là những quần thể ghềnh đá granit do sự xâm thực của gió, của nước biển đã tạo nên những hình thù chồng chất. Vịnh còn có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, bên cạnh những rặng dừa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của miền duyên hải Trung Bộ.


Bán đảo Cam Ranh dài khoảng 12km, với hơn 10.000ha rừng, hồ nước ngọt lớn và nhiều bãi tắm tuyệt đẹp, trong đó nhiều bãi tắm có thể khai thác quanh năm. Bán đảo còn là nơi cư trú của nhiều loại thú rừng và không thể không kể đến những loại hải sản nổi tiếng xưa nay như: tôm hùm Bình Ba, sò huyết Thủy Triều... Với phong cảnh nên thơ, bán đảo Cam Ranh được xem là nơi có tiềm năng du lịch lớn; nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi... Xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió. Sân bay trên bán đảo Cam Ranh có thể tiếp nhận cùng lúc 10 máy bay vận tải cỡ lớn. Hệ thống đường sá, kho bãi, hạ tầng kỹ thuật trên bán đảo rất thuận lợi cho việc xây dựng một đặc khu kinh tế.


Vịnh Cam Ranh có vị trí rất quan trọng về quân sự. Trước đây, người Pháp đã dùng vịnh làm cảng hải quân cho các lực lượng của họ ở Đông Dương. Vịnh Cam Ranh cũng từng được dùng làm vùng chuẩn bị cho hạm đội Đế quốc Nga trước trận Tsushima năm 1905 và được người Nhật Bản dùng làm địa điểm chuẩn bị cho cuộc tấn công Malaixia năm 1942.


Ngày 18 tháng 10 năm 1946, thị xã Cam Ranh là nơi diễn ra cuộc hội kiến giữa Hồ Chủ tịch và cao ủy Pháp D'Argenlieu. Cuộc gặp gỡ được tổ chức trên thiết giáp hạm Suffren, có các vị chỉ huy hải, lục, không quân Pháp và nhà báo nước ngoài.


Từ năm 1965 - 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự được bảo vệ "bất khả xâm phạm" để làm căn cứ tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía Tây Thái Bình Dương. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới. Tuy nhiên bộ đội đặc công tinh nhuệ của ta đã từng đột kích thành công vào căn cứ này, đốt cháy máy bay C130 và cho nổ kho bom của Mỹ.


Sau khi chiến tranh chấm dứt và Việt Nam thông nhất, năm 1978, Chính phủ Xô-viết ký một thỏa thuận với Việt Nam để thuê cảng này trong vòng 25 năm; cảng Cam Ranh trở thành một căn cứ hải quân quan trọng trong thời Chiến tranh Lạnh của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô.


Sau khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga tiếp tục thực hiện thỏa thuận đó. Trước khi hết thời hạn thuê 2 năm, ngày 2 tháng 5 năm 2002, Nga đã quyết định rút toàn bộ nhân viên về và trả vịnh Cam Ranh lại cho Việt Nam.


Trước thế kỷ XX, Cam Ranh còn là một vùng đất rất ít người ở. Năm 1939, toàn quyền Đông Dương Pháp ban hành nghị định thành lập địa lý hành chính Ba Ngòi. Năm 1965, thị xã Cam Ranh được thành lập do cắt một phần đất của quận Cam Lâm. Đến năm 1970, thị xã Cam Ranh tiếp tục được củng cố với hai quận Bắc và Nam.


Sau năm 1975, Cam Ranh được tổ chức lại là đơn vị hành chính cấp thị trấn và huyện. Năm 2000, thị xã Cam Ranh được tái lập trên cơ sở thị trấn Ba Ngòi có diện tích tự nhiên 690km2, dân số khoảng trên 200 nghìn người, hiện có 27 phường, xã. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương đầu tư quy hoạch nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng khu vực vịnh Cam Ranh.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #52 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2022, 06:32:17 am »

* Vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507km2 bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất, với diện tích trên 3.000ha; đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc chỉ khoảng 4ha. Cửa sông Cái đổ ra giữa hai bãi biển hình trăng khuyết, cát mịn mát trải dài hàng 6 đến 7km.


Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt mùa khô kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12; nhiệt độ bình quân hàng năm là 26°C; nóng nhất 39°c, lạnh nhất 14,4°c. Dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, màu xanh của những triền núi nhấp nhô trên bờ, của các hòn đảo hoà cùng màu biển biếc, như tôn thêm vẻ quyến rũ của những dải cát vàng dạt dào sóng trắng. Trong vịnh Nha Trang có gần mười đảo yến. Dưới mặt vịnh Nha Trang lại có một thế giới kỳ thú khác, đó là thế giới của 350 loài san hô, 190 loài cá, các loài nhuyễn thể, giáp xác, cỏ biển...


Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt khu vực Hòn Mun của vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới.


Vịnh Nha Trang là một trong số 29 vịnh trên thế giới được câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003. Cùng với vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang là vịnh thứ hai của Việt Nam được xếp vào hàng danh dự này.


Trong số các đảo trong vịnh có nhiều đảo là các thắng cảnh nổi tiếng như: Hòn Nhiều (còn gọi đảo Bồng Nguyên) nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng. Hòn Mun với những hang động hiểm trở, đá trên đảo có màu đen tuyền như gỗ mun nhưng bãi tắm lại được lát bằng đá trắng. Dưới đáy biển ven đảo là rừng san hô bạt ngàn với nhiều sinh vật biển kỳ lạ. Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam. Hòn Tằm với những bãi tắm tô điểm bằng những đá vân màu sặc sỡ trắng, xanh, nâu, đen... Dọc bãi tắm là bóng mát của những hàng cây ăn quả bao gồm xoài, mít, sa-pô-chê... Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m. Hòn Tre là đảo lớn nhất trong vịnh với bãi cát trắng trải dài mênh mông, nước biển ở đây xanh biếc. Đi về phía cuối bãi là những làng chài nho nhỏ.


Hòn Chồng - Hòn Vợ là những quần thể đá lớn với đủ loại hình thù, xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển. Hòn Chồng là khóm nằm trên bờ, Hòn Vợ là khóm dưới biển. Truyền thuyết kể rằng xưa có vị khổng lồ qua đây ngoạn cảnh, gặp lúc các nàng tiên đang tắm. Mải ngắm, vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi làm cả mảng núi sụp đổ thành Hòn Chồng ngày nay. Trên một khối đá lớn ở đây còn in dấu một bàn tay khổng lồ, đủ cả năm ngón. Hòn Nội (Đảo Yến) có bãi cát đẹp, đây là khu vực khai thác Yến sào. Ngoài ra trong vịnh còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác.


Chạy dọc theo các đảo là bờ biển Nha Trang dài khoảng 7km, trải dài từ xóm Cồn đến cảng Cầu Đá. Là những bãi tắm lý tưởng nằm trên đường Trần Phú. Đó là một con đường rất đẹp nằm lượn theo bờ biển với rất nhiều ngôi biệt thự xinh xắn, những khách sạn cao cấp, nhà hàng sang trọng nối liền nhau.


Hòn Mun là hòn đảo thơ mộng nhất trong hệ thống đảo của vịnh Nha Trang. Đảo này nằm ở phía Nam vịnh Nha Trang và cách cảng Cầu Đá 10km. Được gọi là Hòn Mun vì phía Đông Nam của đảo có những mỏm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác.


Kết quả khảo sát đa dạng sinh học và nơi sinh cư khu bảo tồn biển cho thấy: Hòn Mun với rạn san hô và hệ sinh vật biển đa dạng, phong phú là khu bảo tồn biển đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện nay, đã được Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) đánh giá là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam, đặc biệt rất phong phú về san hô, hiện tại đã phát hiện được khoảng 350 loài trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới.


Hệ sinh thái động, thực vật biển ở khu vực biển Hòn Mun vô cùng phong phú. Ở đây, san hô nằm ở độ sâu 10m, cùng với rất nhiều loại cá đủ màu sắc và chủng loại. Với độ sâu dưới 18m, thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng có rất nhiều hang động. Có những hang sâu 10-15m, phải dùng đèn để quan sát những sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối như tôm, mực, tôm hùm, cá đuôi...


Trong những hang động đá đen của Hòn Mun hàng năm có chim yến về làm tổ. Do địa thế của đảo rất gần với dòng hải lưu nóng từ phía xích đạo đưa tới nên thích hợp với điều kiện phát triển của san hô và nhiều loại sinh vật biển nhiệt đới cũng về đây quần tụ, đáy biển vùng Hòn Mun là một tập hợp quần thể sinh vật biển phong phú, đa dạng, là nơi quan sát, nghiên cứu rất lý thú, bổ ích cho các nhà nghiên cứu sinh vật biển, hải dương học và du khách muốn tìm hiểu về biển. Đến Hòn Mun, du khách có thể lặn biển hoặc đi tàu đáy kính để ngắm nhìn các rạn san hô nhiều màu sắc với nhiều loài sinh vật biển tung tăng bơi lội.


Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160km2 bao gồm khoảng 38km2 mặt đất và khoảng 122km2 vùng nước xung quanh các đảo. Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun - dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và IUCN - Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới thực hiện. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới; Chính phủ Hoàng gia Đan Mạch thông qua DANIDA và IUCN - Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ, cùng với vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.


Khu bảo tồn Hòn Mun được xây dựng nhằm mục đích "Bảo tồn một mô hình điển hình về đa dạng sinh học biển có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa" và đạt được các mục tiêu "giúp các cộng đồng dân cư tại các đảo nâng cao đời sống và cộng tác với các bên liên quan khác để bảo vệ và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các Khu bảo tồn biển của Việt Nam".
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2022, 06:33:06 am »

* Vũng Tàu

Vũng Tàu là một thành phố phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 125km và cách thành phố Biên Hoà 90km. Vũng Tàu giống như một hòn đảo bởi nó được bao bọc ba mặt là biển và sông án ngữ mặt thứ tư. Nếu nhìn theo chiều Bắc Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới chữ S (bản đồ Việt Nam) và nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất, có chiều dài khoảng 14km và chiều rộng khoảng 6km. Đây là nơi có thể ngắm nhìn Biển Đông cả khi mặt trời mọc và lúc hoàng hôn.


Suốt thế kỷ XIV và XV, mũi đất trở thành Vũng Tàu bây giờ là một đầm lầy mà những tàu buôn từ châu Âu ghé đến thường xuyên. Cái tên Vũng Tàu (nơi tàu đậu) cũng ra đời từ đây. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi đi qua mũi đất này đã lấy tên Thánh Giắc đặt cho nó, do đó người Pháp gọi nơi này là Cap Saint Jacques (mũi đất mang tên Thánh Giắc), tiếng Việt là Cap Xanh Giắc. Người Việt theo đó gọi là Cấp (gốc tiếng Pháp: Cap) hoặc Ô Cấp (gốc tiếng Pháp: au Cap). Hiện nay mũi đất cực nam của Vũng Tàu có tên gọi là mũi Nghinh Phong. Vũng Tàu cũng từng có tên là Tam Thoàn hay Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập ba làng đầu tiên ở đây: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam. Chữ Tam Thắng là biến âm của Tam Thoàn, tức Ba Thuyền.


Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì "Thuyền Úc", tục danh Vũng Tàu... phía Bắc ôm cửa Tắc Khái, phía Nam đỡ núi Thát Sơn để che cửa Cần Giờ. Mặt vụng trông về hướng Tây, rộng lớn mênh mông để thu nạp các dòng nước sông đầm chảy về biển mà làm nơi êm đềm cho thuyền bè ẩn đậu".


Vũng Tàu chỉ có 2 mùa trong năm: Mùa khô (tháng 11 đến tháng 4 năm sau) khô và lạnh suốt những tháng mùa đông và trước, sau ngày Tết; trở nên nóng hơn vào tháng 4. Mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) nhưng mưa ít hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh.


Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hiện nay Vũng Tàu được quan tâm đầu tư và nhanh chóng trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trước hết là tiềm năng dầu khí. Trên thềm lục địa Đông Nam Bộ tỷ lệ các mũi khoan thăm dò, tìm kiếm gặp dầu khí khá cao, tại đây đã phát hiện các mỏ dầu có giá trị thương mại lớn như: Bạch Hổ (lớn nhất Việt Nam), Rồng, Đại Hùng, Rạng Đông.


Kinh tế trên địa bàn đã vượt qua nhiều khó khăn lớn hồi đầu thập kỷ 90 của Thế kỷ XX, sớm tạo được thế ổn định và đạt tốc độ phát triển khá; chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Năng lực sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng nhanh. Ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước.


Vũng Tàu là một trong những cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam và thế giới, có hệ thống đường biển, đường sông và đường hàng không rất thuận tiện. Bên cạnh những tiềm năng to lớn về dầu khí. Vũng Tàu là một quần thể thiên nhiên hài hoà, sơn thủy hữu tình, có các dãy núi che chắn, xa xa Biển Đông có Côn Đảo bao bọc, ở gần có Long Sơn quy tụ.


Vũng Tàu có hai hòn núi là Núi Lớn và Núi Nhỏ. Núi Lớn có diện tích khoảng 400ha, có ba đỉnh lớn là Vũng Mây, Núi Lớn và Hòn Sụp. Theo đường Núi Lớn (đường Trần Phú) quanh sườn núi từ Bến Đình sẽ đến chùa Thích Ca Phật Đài, Bãi Dâu, đến Bãi Trước dài 10km, đường dốc quanh co, trên là núi, dưới là biển, phong cảnh hữu tình, hùng vĩ nên thơ. Có nhiều thắng cảnh dọc đường đi như tượng Đức Mẹ, tượng Phật Bà Quan Âm, Bạch Dinh... Núi Nhỏ có diện tích khoảng 120ha, đỉnh núi cao 170m. Về truyền thuyết, Núi Nhỏ mang tên Tao Phùng kể về câu chuyện giữa người con gái vua Thủy Tề và một chàng trai làng chài. Theo đường vòng Núi Nhỏ (đường Hạ Long) chạy từ Bãi Trước qua Bãi Ô Quắn, Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong và ra Bãi Sau dài khoảng 6km. Đường mới, rộng và đẹp. Hai bên đường có nhiều di tích và danh thắng hấp dẫn như: Bãi Trước, chùa Niết Bàn Tịnh Xá, tượng Chúa Kitô, Hòn Bà...


Mũi Nghinh Phong nằm ở hướng cực Nam thành phố Vũng Tàu. Bãi tắm này hẹp, nước rất sạch, sóng gió dồn dập, ba bề vách đá cheo leo vô cùng hùng vĩ. Mũi Nghinh Phong nhô ra Biển Đông trông như một chiếc đầu cá sấu khổng lồ. Quanh mũi có nhiều tảng đá lớn hình thù kỳ dị vô cùng lạ mắt, đây là nơi tuyệt vời dành cho những người thích câu cá và ưa mạo hiểm.


Bãi Trước hay còn gọi là Bãi Tầm Dương nằm giữa hai ngọn Núi Lớn và Núi Nhỏ, đột khởi từ mặt biển, theo một đường vòng cung khá đều. Dọc theo bãi biển có trồng nhiều dừa, dương liễu và bàng. Bãi Sau nằm ở Đông Nam thành phố Vũng Tàu, dài khoảng trên 8km từ chân Núi Nhỏ đến Cửa Lấp sạch, đẹp và rộng rãi. Đi lên phía Bắc, phi lao được trồng san sát che mát bãi tắm, phong cảnh quyến rũ, nên thơ. Bãi Sau tựa lưng vào những đồi cát và rừng cây, trước mặt là Biển Đông. Kề ngay Bãi Sau là núi Hải Đăng, những vách đá hang Dơi và Hòn Bà. Phía xa ngoài biển, phía trái chân trời là dãy núi Long Hải chạy dài đến núi Kỳ Vân. Mặt biển phang lặng vào mùa gió nam, nhưng lại sóng to và lạnh vào mùa gió bắc. Bãi Sau là bãi biển đông vui, náo nhiệt nhất trong các bãi biển ở Vũng Tàu. Bãi Dứa cách Bãi Trước chừng hơn một cây số. Đây là một bãi biển đẹp nằm dưới chân Núi Nhỏ, ở đây có những mỏm đá lởm chởm màu đen láy và những bụi dứa dại mọc rải rác trên bờ tạo cho cảnh biển thêm vẻ hoang sơ, tự nhiên. Bãi Dâu nằm ven Núi Lớn và cách bãi trước khoảng 3km. Bãi biển này hẹp, nông nhưng rất sạch sẽ. Hai đầu bãi biển có nhiều mỏm đá nhô ra biển, sau lưng bãi địa hình lòng chảo, cây cối um tùm bao bọc, tựa lưng vào triền Núi Lớn.


Dọc theo bãi trước về phía Núi Lớn, có một dinh thự màu trắng, mái ngói đỏ sừng sững trên núi nổi bật trên nền xanh tươi của cây cỏ đấy chính là Bạch Dinh. Bạch Dinh được người Pháp xây dựng năm 1898 đến năm 1916 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Pháp Paul Doumer, dân địa phương quen gọi Bạch Dinh là biệt thự trắng. Sau đó nhiều đời toàn quyền Đông Dương (người Pháp) cũng dùng Bạch Dinh làm nơi nghỉ ngơi giải trí nên gọi là (Dinh toàn quyền). Sau này Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu cũng lấy Bạch Dinh làm nơi nghỉ ngơi giải trí nên Bạch Dinh còn có tên là Dinh ông Thượng.


Phía trước Bạch Dinh hướng ra biển có thể nhìn bao quát cảnh bãi trước, Núi Nhỏ, Núi Lớn; khi nhìn thẳng xuống ta sẽ thấy hòn Hải Ngưu, đó là mũi đá nhỏ nhô ra biển có hình dáng một con trâu nằm dưới nước. Bây giờ Bạch Dinh được dùng làm nhà bảo tàng trưng bày cổ vật tìm được ở Hòn Cau - Côn Đảo.


Theo đường vòng Núi Nhỏ (đường Hạ Long) từ Bãi Trước qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong có Tượng Chúa. Tượng Chúa được xây dựng từ năm 1972 nhưng công trình bị bỏ dở, do yêu cầu của đồng bào giáo dân ngày 28 tháng 1 năm 1992 Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định xây dựng tiếp công trình Tượng Chúa trên Núi Nhỏ. Sau hai năm xây dựng ngày 2 tháng 2 năm 1994 công trình đã được hoàn tất. Tượng Chúa được xây dựng trên núi cao 136m và cao so với mực nước biển 176m. Tượng đài cao 31m, hai tay dang rộng 18,4m được đặt trên một ngôi nhà hình vuông có trạm trổ chúa và 13 tông đồ.


Hải đăng Vũng Tàu được xây dựng từ năm 1907, lúc đầu đặt ở mỏm thấp của Núi Nhỏ, thắp bằng dầu, năm 1911 được xây dựng thành tháp tròn có đường kính 3m cao 18m được làm trên đỉnh cao nhất của Núi Nhỏ có độ cao 170m. Hải đăng Vũng Tàu dọi xa đến 35 hải lưu có kính viễn vọng để theo dõi tàu và hướng dẫn thuyền trên biển.


Cảng Cầu Đá được xây dựng từ năm 1896 nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, đồng thời phục vụ cho việc bốc xếp về kho, hàng hoá phục vụ cho thành phố nghỉ mát và các căn cứ quân sự. Tiền cảng Vũng Tàu là một con đê dài hơn 400m, chân đê rộng 15m, mặt đê rộng 4m được kè bằng đá đổ bê tông chạy dài từ mũi phía Bắc Núi Nhỏ ra giữa biển, song song với Bãi Trước. Cùng với trận địa pháo trên Núi Nhỏ, cầu Đá Bãi Trước hợp thành một quần thể di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp quốc gia.


Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ, dưới chân đảo sóng biển đánh tung bọt trắng xoá, nằm phía ngoài biển theo đường Hạ Long vòng qua Núi Nhỏ, từ Bãi Trước, qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong. Hòn Bà nằm cách chân Núi Nhỏ khoảng 200m. Trên đảo có xây dựng một ngôi miếu gọi là Miếu Bà. Miếu Bà hiện nay có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m. Trong là điện thờ các vị thần linh. Bên dưới có một tầng hầm dài 6m rộng 3m, trước kia là nơi hội họp bí mật của đồng bào yêu nước chống đế quốc. Khi thủy triều xuống thấp, có thể men theo một lối đá trập trùng để ra đảo. Ngày rằm hay mồng một, bà con thường ra đảo rất đông để thắp hương cầu may tại ngôi miếu nhỏ này.


Ngoài ra, Vũng Tàu còn có khu di tích Nhà Lớn, chùa Linh Sơn Cổ Tự, chùa Thích Ca Phật Đài, Đình Thần Thắng Tam, Miếu Bà Ngũ Hành, Lăng Ông Nam Hải (Cá Ông), chùa Niết Bàn Tịnh Xá (chùa Phật Nằm), chùa Quan Âm Bồ Tát...


Vũng Tàu cũng là miền đất có truyền thống văn hoá lịch sử lâu đời với những khu di tích mang đậm dấu ấn của những thời kỳ lịch sử, nhiều khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Từ lợi thế về tiềm năng thiên nhiên và nhân văn phong phú, những danh lam thắng cảnh của Vũng Tàu đã và đang khẳng định thế mạnh du lịch của mình trong thời kỳ mới.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #54 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2022, 06:34:33 am »

* Vịnh Thái Lan

Vịnh Thái Lan (còn gọi là vịnh Xiêm) là một biển nửa kín, với diện tích khoảng 320.000km2, giới hạn bởi bờ biển của bốn nước Thái Lan (1.560km), Việt Nam (230km), Malaixia (150km) và Campuchia (460km). Đỉnh phía Bắc của vịnh này là vùng lõm Băng Cốc ở cửa sông Chao Phraya, gần Băng Cốc. Ranh giới của vịnh này được xác định theo đường nối từ mũi Cà Mau ở miền Nam Việt Nam tới thành phố Kota Baru trên bờ biển Malaixia. Vịnh khá dài (chừng 450 hải lý) nhưng có diện tích nhỏ, chiều rộng trung bình là 385km (208 hải lý).


Vịnh Thái Lan tương đối nông, độ sâu trung bình của nó chỉ khoảng 45m, độ sâu lớn nhất là 80m. Điều này làm cho sự đối lưu nước tương đối chậm và dòng chảy mạnh của nước các con sông làm cho nước vịnh tương đối nhạt (3,05-3,25%) và giàu trầm tích. Chỉ ở những vùng nước sâu thì nước biển có độ mặn cao hơn (3,4%) từ Biển Đông chảy vào vịnh và chiếm lĩnh các chỗ trũng có độ sâu hơn 50m. Các sông chính chảy vào vịnh này là Chao Phraya (bao gồm cả sông nhánh của nó là Ta Chin) và Maeklong ở vùng lõm Băng Cốc và ở mức độ thấp hơn là sông Tapi vào vịnh Bandon ở phía Tây Nam của vịnh này.


Do nhiệt độ của vùng nhiệt đới là tương đối cao nên trong các vùng nước của vịnh Thái Lan có nhiều bãi đá san hô ngầm, vì thế nó tạo điều kiện phát triển du lịch phục vụ cho du khách có sở thích bơi lặn. Nổi tiếng nhất đối với loại hình du lịch này là đảo Ko Samui ở tỉnh Surat Thani, Ko Tao là trung tâm của du lịch bơi lặn ngầm. Vịnh này có chứa một số nguồn dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng tương đối lớn.


Căn cứ vào các quy định mới Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, toàn bộ vịnh Thái Lan là đối tượng của các yêu sách mở rộng quyền tài phán của các quốc gia ven biển ra tới hạn 200 hải lý. Thái Lan và Việt Nam là hai nước có bờ biển đối diện, cùng có quyền mở rộng vùng biển của mình, do đó đã tạo ra một vùng chồng lấn rộng khoảng 6.074km2. Do vậy, vịnh Thái Lan là nơi diễn ra các mâu thuẫn về việc phân chia lãnh hải giữa các quốc gia Malaixia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.


Đối với Việt Nam và Thái Lan, sau chín vòng đàm phán, ngày 9 tháng 8 năm 1997, tại Băng Cốc - Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Ngài Prachuab Chaiyasan Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Thái Lan đã ký Hiệp định về biên giới biển Việt Nam - Thái Lan, chấm dứt một phần tư thế kỷ tranh cãi giữa hai nước về giải thích và áp dụng Luật biển trong phân định vùng chồng lấn Việt Nam - Thái Lan.


Theo Hiệp định, hai bên đã đi đến thoả thuận:

1. Đường phân chia thoả thuận là một đường thẳng kẻ từ điểm C (7049'0"B, 103002'30"Đ), tới điểm K (8046'54"B; 102012'11"Đ). Điểm C chính là điểm nhô ra nhất về phía Bắc của khu vực phát triển chung Thái Lan - Malaixia được xác định rõ trong bản ghi nhớ ngày 21 tháng 2 năm 1979 và trùng với điểm 43 của đường yêu sách thềm lục địa của Malaixia năm 1979. Điểm K nằm trên đường thẳng cách đều Thổ Chu và Poulo Wai, đây là đường "dàn xếp tạm thời" Việt Nam - Campuchia năm 1991. Với hiệu lực 32,5% của đảo Thổ Chu, đường phân định thoả thuận này trên thực tế cho thấy Việt Nam được hưởng 1/3 diện tích và Thái Lan được hưởng 2/3 diện tích vùng chồng lấn.

2. Đường biên giới biển CK tạo thành biên giới phân định thềm lục địa giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan, đồng thời cũng là đường phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Mỗi bên ký kết đều thừa nhận các quyền chủ quyền và tài phán của bên kia trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nam trong phạm vi đường biên giới biên được xác lập bởi Hiệp định.

3. Trong trường hợp có cấu trúc dầu hoặc khí duy nhất hoặc mỏ khoáng sản có tính chất bất kỳ nào nằm vắt ngang đường biên giới thì hai bên phải có trách nhiệm trao đổi thông tin, cùng tìm kiếm thoả thuận sao cho các cấu trúc hoặc mỏ này được khai thác một cách hiệu quả nhất và chi phí cũng như lợi tức từ việc khai thác sẽ được phân chia một cách công bằng.

4. Hai bên cũng cam kết sẽ tiến hành đàm phán với Malaixia về khu vực yêu sách thềm lục địa chồng lấn giữa ba nước, nằm trong vùng phát triển chung Thái Lan - Malaixia được xác định bởi Bản ghi nhớ giữa Vương quốc Thái Lan và Malaixia về thành lập cơ quan quyền lực chung khai thác tài nguyên đáy biển trong khu vực thềm lục địa xác định của hai nước trong vịnh Thái Lan, ký tại Chiềng Mai ngày 21 tháng 2 năm 1979.


Hiệp định ngày 9 tháng 8 năm 1997 đã mở ra một trang mới không chỉ trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam - Thái Lan mà cả trong lịch sử phân định vịnh Thái Lan. Hiệp định bao gồm những điểm nổi bật sau:

- Đây là hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan. Ngoài tranh chấp giữa Việt Nam và Thái Lan, vẫn tồn tại vấn đề phân định biển giữa Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Thái Lan, Việt Nam - Thái Lan - Malaixia và Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.

- Đây là hiệp định về phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 có hiệu lực, đồng thời cũng là hiệp định về phân định toàn bộ các vùng biển đầu tiên trong khu vực. Trong khu vực đã có Hiệp định về phân định thềm lục địa giữa Inđônêxia và Malaixia ngày 27 tháng 10 năm 1969 và ngày 21 tháng 12 năm 1971, phân định thềm lục địa giữa Inđônêxia và Thái Lan ngày 17 tháng 12 năm 1971 và phân định thềm lục địa giữa Thái Lan và Malaixia ngày 21 tháng 12 năm 1971; Bản ghi nhớ Thái Lan - Malaixia ngày 21 tháng 2 năm 1979 về thiết lập Cơ quan quyền lực chung nhằm khai thác tài nguyên đáy biển trong khu vực xác định trong vịnh Thái Lan, Hiệp định về khai thác chung Việt Nam - Malaixia ngày 5 tháng 6 năm 1992, nhưng đây là lần đầu tiên có một hiệp định phân chia cả thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước thành viên ASEAN có tranh chấp biển.

- Hiệp định này đã khẳng định xu thế có thể thoả thuận về một đường biên giới biển duy nhất phân định đồng thời thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong các vùng biển không rộng quá 400 hải lý giữa các bờ biển đối diện nhau.

- Cùng với việc ký kết Hiệp định về phân định, hai Chính phủ còn đạt được thoả thuận về hợp tác bảo đảm an ninh trên biển và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật trong vịnh thông qua việc tổ chức tuần tra chung giữa Hải quan Thái Lan và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngư dân hai nước tôn trọng quy định về đánh cá và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật.

- Quá trình yêu sách kéo dài từ những năm 1971, 1973, nhưng quá trình đàm phán để đạt được hiệp định giải quyết vấn đề đã được tiến hành trong một thời gian ngắn. Trong vòng năm năm, từ 1992 đến 1997, với chín vòng đàm phán, hai bên đã nhanh chóng đi đến kết quả cuối cùng, thê hiện thiện chí của cả hai nước Việt Nam - Thái Lan, tinh thần hợp tác phát triển giữa các nước thành viên ASEAN. Trong khi đó Thái Lan và Malaixia đã mất hơn 10 năm đàm phán để tìm một giải pháp cho tranh chấp thềm lục địa giữa họ trên vùng chồng lấn rộng 7.250km2. Năm 1979, họ mới đạt được một thoả thuận về thành lập Cơ quan quyền lực chung phát triển chung vùng chồng lấn đó và phải tới năm 1992 cơ quan này mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Việc giải quyết một cách nhanh chóng và chính xác vấn đề phân chia vùng chồng lấn đã thể hiện quyết tâm của hai nước trong khu vực trong việc thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, mà Việt Nam và Thái Lan đều là các nước thành viên.

- Đối với Việt Nam, đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được với các nước láng giềng. Việt Nam là nước có số lượng các tranh chấp biển liên quan nhiều nhất trong số các tranh chấp biển của khu vực. Hiệp định ngày 26 tháng 7 năm 1997 có tác động nhất định thúc đẩy các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp biển giữa Việt Nam với các nước hữu quan trên tinh thần khoản 7, Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 5 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

- Hiệp định phân định biển này tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan, góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên biển, đẩy mạnh sản xuất dầu khí giữa hai nước. Nó mãi mãi là một mốc son trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #55 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2022, 06:35:02 am »

Từ điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển của vùng biển và ven biển nước ta trong khu vực vịnh Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 18/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan đến năm 2020. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển vùng này thành khu vực kinh tế năng động, góp phần vào thịnh vượng chung của khu vực biển và ven biển Tây Nam Tổ quốc, đồng thời kết nối với các khu vực ven biển khác trong cả nước tạo thành một vành đai kinh tế từ Móng Cái đến Hà Tiên.


Theo quy hoạch, sẽ tập trung xây dựng hành lang kinh tế ven biển vịnh Thái Lan từ Năm Căn - Cà Mau đến Rạch Giá - Hà Tiên, từng bước hình thành vùng động lực quan trọng ở ven biển cực Nam Tổ quốc; triển khai xây dựng tuyến trục giao thông ven biển qua 3 nước Việt Nam - Campuchia - Thái Lan kết nối trục kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn (Việt Nam) với Xinhgapo.


Tại đây, phát triển các ngành mũi nhọn có ưu thế như công nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ biển. Xây dựng đảo Phú Quốc thành Khu kinh tế biển tổng hợp có Trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo cao cấp hoàn chỉnh, tầm cỡ trong khu vực đê thu hút khách du lịch quốc tế. Nhanh chóng thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Khu bảo tồn biển phục vụ du lịch. Phấn đấu đến năm 2010 thu hút được khoảng 1,3 -1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 350 - 400 ngàn lượt khách quốc tế.


Theo đó, phát triển các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ trang sức, đồ lưu niệm, cơ khí sửa chữa phục vụ vận tải biển và chế biến hải sản; hình thành một số cụm công nghiệp quy mô phù hợp tại Dương Tơ, An Thới với các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao phục vụ du lịch và xuất khẩu. Xây dựng nhà máy phát điện diezen, điện khí, phát triển điện gió, điện mặt trời, xây dựng tuyến cáp ngầm đưa điện ra đảo Phú Quốc và hệ thống lưới điện thống nhất trên toàn đảo.


Tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và ven biển, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông thôn ven biển. Từng bước xây dựng Phú Quốc thành trung tâm thương mại lớn trong khu vực; nâng cấp cửa khẩu Giang Thanh để mở rộng giao thương hàng hoá giữa vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan với Campuchia và các nước trong khu vực. Tiếp tục phối hợp với các quốc gia liên quan thực hiện các thoả thuận đã đạt được trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở các vùng biển chồng lấn; đẩy mạnh hợp tác với Malaixia phát triển khai thác các mỏ dầu khí thuộc khu vực hợp tác khai thác chung (PM-3) và tìm kiếm, thăm dò những mỏ khác trong khu vực chồng lấn giữa hai nước; mở rộng hợp tác với các công ty dầu khí khác trên thế giới, nhất là những công ty lớn để thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô thuộc vịnh Thái Lan.


Bên cạnh đó, hệ thống đô thị ven biển cũng được đẩy nhanh tốc độ xây dựng như xây dựng thành phố Rạch Giá thành trung tâm kinh tế biển mạnh, trung tâm nghề cá lớn và hiện đại của cả nước. Phát triển thành phố Cà Mau trong sự gắn kết với khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau và các đô thị vệ tinh.


Nội dung quy hoạch nêu rõ việc tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty dầu khí lớn; phát triển hợp lý hệ thống cảng biển trong vùng, nâng cấp, mở rộng cảng Năm Căn, Hòn Chông đạt công suất từ 700-800 nghìn tấn/năm; từng bước xây dựng tại Phú Quốc một Trung tâm cảng biển và dịch vụ hàng hải lớn của khu vực vịnh Thái Lan.


Cùng với việc hình thành và phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn, vùng và ven biển vịnh Thái Lan sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,4 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng mức sống vật chất của nhân dân trong vùng lên gấp 5 lần hiện nay và giảm tỷ lệ đói nghèo.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #56 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2022, 06:43:49 am »

Phần thứ tư
MỘT SỐ BÃI BIỂN NỔI TIẾNG ở VIỆT NAM


* Bãi Cháy

Bãi Cháy là một dải đồi thấp chạy thoai thoải về phía biển kéo dài hơn 2km ôm lấy hàng thông cổ thụ nằm xen kẽ với những khách sạn cao tầng, những biệt thự nhỏ với kiến trúc riêng biệt nằm sát dọc theo bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), với bãi cát dài hơn 500m, rộng 100m..., sóng nước êm đềm.


Cái tên Bãi Cháy có nhiều truyền thuyết khác nhau. Theo truyền thuyết xưa, Bãi Cháy chính là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược Việt Nam đã bị Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió đông bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Khu rừng bị cháy đó thành Bãi Cháy ngày nay.


Một truyền thuyết dân gian lại cho rằng trước đây tàu thuyền thường neo đậu vào bãi biển phía tây Cửa Lục. Dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền, vì thế dân chài phải lấy lá phi lao đốt xung quanh. Từ bên phía Hòn Gai và các nơi khác nhìn vào đó luôn luôn thấy lửa cháy rực lên nên gọi nơi này là Bãi Cháy.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #57 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2022, 06:44:14 am »

* Bãi biển Trà Cổ

Trà Cổ là nơi "đặt nét bút đầu tiên để vẽ hình chữ S bản đồ Tổ quốc Việt Nam", cách trung tâm thị xã Móng Cái 7km, bờ biển Trà Cổ uốn vành hình khuyên trải dài 17km từ mũi Gót ở phía Bắc đến mũi Ngọc ở phía Nam, dược mệnh danh là "Bãi biển trữ tình nhất Việt Nam" với bãi tắm rộng và bằng phẳng, nền cát trắng mịn hoà trong làn nước xanh biếc in bóng hàng dương xanh suốt bốn mùa. Nếu như Nha Trang được ví như là cô gái tân thời thì Trà Cổ được mệnh danh như một nàng thiếu nữ thôn quê còn e ấp nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn, duyên thầm chưa được khám phá.


Do nằm cách xa các thành phố, các khu công nghiệp, bến cảng nên Trà cổ có khí hậu mát mẻ, nồng nàn hương biển trong không gian tĩnh mịch và mang đậm chất hoang sơ. Do Trà Cổ là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo thành, nên dọc bờ biển là những cồn cát cao từ 3 đến 4m, có làng ấp và dân cư trú đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề nông và chài lưới. Sát bờ biển là các dải rừng phi lao chắn gió, râm mát giữ cát và gần đó còn có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn.


Gần Trà Cổ có một nơi đón bình minh hoặc hoàng hôn cực kỳ lãng mạn, đó là Cồn Mang, Cồn Mang cách Trà Cổ chừng 6km. Cát ở đây chắc và mịn đến mức có thể thoải mái phóng xe máy trên bãi biển mà không hề sợ lún hay trơn trượt.


Ngồi trên những hòn đá to, lắng nghe những con sóng bạc đầu rì rào vỗ về đá và xung quanh hoàn toàn vắng vẻ, có cảm giác như mình được hòa tan cùng thiên nhiên, tự do, thư thái và tĩnh tại.


Cũng gần Cồn Mang, có một điểm địa đầu Tổ quốc, đó là mũi Sa Vĩ, nét bút đầu tiên tạo hóa vẽ nên chữ S của Việt Nam, khung cảnh êm đềm, thơ mộng.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #58 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2022, 06:44:34 am »

* Bãi biển Đồ Sơn

Bãi biển Đồ Sơn nằm ở thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đồ Sơn là một bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng vươn dài ra biển tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, với hàng chục mỏm cao từ 25 đến 130m. Nơi đây có bãi cát mịn, bên bờ biển rợp bóng phi lao. Sau là những ngọn núi và đồi thông.


Bãi tắm Đồ Sơn chia làm 3 khu riêng biệt: khu 1 nằm ngay đầu thị xã Đồ Sơn, khu 2 có nhiều khách sạn hiện đại, khu 3 yên tĩnh và kín đáo. cả ba khu vực đều có nhiều di tích lịch sử giá trị cùng với những bãi tắm trải dài, mềm mại ôm lấy mép biển.


Ở đây còn lưu dấu nhiều di tích lịch sử có giá trị từ thời Pháp như: đường Hồ Chí Minh trên biển, bến Nghiêng - nơi những lính viễn chinh cuối cùng rút khỏi, biệt thự hình bát giác kiên cố thời vua Bảo Đại - ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đền Bà Đế linh thiêng, đảo Dấu dưới nước, đảo Dấu trên bờ, vườn Trúc Đào, thác Rồng nằm khuất sau vườn thông...
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #59 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2022, 06:44:59 am »

* Bãi biển Đồng Châu

Bãi biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình 30km đi theo quốc lộ 39B.


Bãi tắm Đồng Châu có chiều dài khoảng 5km, mang nhiều nét hoang sơ. Điều thú vị là từ bãi tắm Đồng Châu du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm biển ở Cồn Thủ, Cồn Vành.


Nằm cách đất liền khoảng 7km, Cồn Thủ và Cồn Vành nổi lên như hai ngọn sóng xanh trên cồn cát rộng khoảng 5ha. Trên Cồn Thủ có bãi cát trắng mịn, có rừng thông, phi lao xanh ngắt, có những bãi tắm nhỏ yên tĩnh và thơ mộng. Cồn Vành rộng khoảng 15km2, có khu bảo tồn rừng ngập mặn, là điểm dừng chân của các loài chim quý hiếm như cò thìa, bồ nông, mòng biển. Bãi biển Đồng Châu không đẹp lắm nhưng khí hậu thật trong lành, bãi tắm luôn lộng gió, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, đặc biệt hải sản ở đây rất ngon và rẻ. Ngoài ra, du khách còn được tham quan đền Nhà Bà thờ vợ một vị vua đời Tống bên Trung Quốc đã có công giúp nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông, và đây cũng là cơ sở hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM