Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:31:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu về Biển, Đảo Việt Nam  (Đọc 2684 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #30 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:46:36 am »

* Đảo Thổ Chu

Đảo Thổ Chu (Việt Sơn đảo), hay còn gọi là Thổ Châu, là đảo lớn nhất của quần đảo Thổ Châu. Đơn vị hành chính là xã đảo Thổ Châu, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đảo nằm trong khu vực gồm 8 đảo và là đảo lớn nhất, điểm cao nhất là 167m. Đảo cách mũi Cà Mau khoảng 80 hải lý, cách đảo Phú Quốc hơn 100km về phía Tây Nam. Đảo được các nhà thám hiểm phương Tây biết đến với tên Mã Lai là Poulo Panjang.


Trong khu vực gần đảo Thổ Chu có các đảo như: Hòn Cao Cát, Hòn Mô, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Nước, Hòn Keo Ngựa; đặc biệt có Hòn Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở dùng để xác định lãnh hải Việt Nam. Ngoài Hòn Nhạn là lãnh hải Việt Nam và trở vào vùng nội thủy còn có Hòn Cao Cát là hai hòn đảo nhỏ cách đảo 15km về hướng Đông Bắc.


Kinh tế của xã đảo Thổ Chu chủ yếu là đánh bắt hải sản và lâm nghiệp. Cư dân chủ yếu trên đảo là ngư dân từ Cà Mau ra sinh sống và bộ đội biên phòng.


Ngày 1 tháng 5 năm 1976, quân Khmer Đỏ tấn công đảo, tàn sát gần 500 thường dân ngay ngày lễ Quốc tẽ Lao động. Năm 1977, Khmer Đỏ lại tập kích đảo một lần nữa, nhưng bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước những năm thập niên 80, quần đảo chứng kiến nhiều cuộc tấn công của cướp biển Thái Lan và Campuchia.


Hiện nay, khu vực rừng trên đảo Thổ Chu chưa hề bị tàn phá. Khu hệ thực vật trên đất liền có ít nhất là 200 loài, ưu thế bởi các loài thuộc họ Bứa, họ Đậu và họ Hồng xiêm. Các rạn san hô gặp phổ biến trong vùng và đặc trưng với mật độ cao nhưng tính đa dạng về thành phần loài thấp. Khu vực biển, đảo Thổ Chu đã xác định được tất cả 99 loài san hô. Các rạn san hô trong khu bảo tồn biển là nơi làm tổ lý tưởng đối với các loài rùa biển đang bị đe dọa trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển tại khu vực đảo Thổ Chu là nơi kiếm ăn quan trọng của các loài rùa biển trên. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây các loài rùa đến đây làm tổ đã giảm đáng kể, hiện chỉ có một vài tổ rùa được ghi nhận.


Đảo Thổ Chu lần đầu tiên được đề xuất thành lập khu bảo tồn biển năm 1995. Khu vực này cùng với các đảo Nam Du và Phú Quốc thành khu bảo vệ biển gồm "Các đảo Tây Nam Bộ". Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đề xuất việc xây dựng khu bảo tồn biển, đảo Thổ Chu với diện tích 22.400ha, trong đó phần đất liền có diện tích 1.190ha và mặt biển là 21.210ha. Khu vực này hiện do quân đội quản lý.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:47:00 am »

* Đảo Hòn Khoai

Hòn Khoai là tên một đảo lớn nhất trong cụm đảo thuộc tỉnh Cà Mau. Đảo cách đất liền khoảng 14,6km, nằm về phía Tây Nam thị trấn Năm Căn huyện Ngọc Hiển.

Khu vực này bao gồm 5 hòn đảo sát nhau: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương với tổng diện tích trên 4km2. Hòn lớn và cao nhất là Hòn Khoai với chiều cao 318m, do nhìn từ trên cao có hình dạng giống củ khoai nên có tên là Hòn Khoai. Cũng có giả thuyết cho rằng, trên đảo có suối nước ngọt nên có rất nhiều dây khoai mỡ, ngư dân thường dùng để làm lương thực trong những ngày ra khơi nên hòn đảo này được gọi là Hòn Khoai. Hòn Khoai còn nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa năm 1941 của 10 chiến sĩ dưới sự lãnh đạo của thầy giáo Phan Ngọc Hiển.


Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng nguyên sinh còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao và một quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên còn hoang dã. Trên đảo có một tháp hải đăng. Cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá.


Hòn Khoai là nơi lý tưởng phát triển du lịch sinh thái với rừng nguyên sinh và suối nước ngọt, du khách đến đây còn có thể tắm biển và leo núi thám hiểm. Bên cạnh đó, du lịch lịch sử về lại chiến trường xưa cũng được đưa vào khai thác. Từ Năm Căn có thể ra đảo Hòn Khoai bằng 2 cách: đến cửa biển Rạch Gốc và chuyển sang tàu biên phòng ra thăm đảo hoặc đón tàu ra mũi Cà Mau rồi chuyển sang tàu biên phòng để ra đảo. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bộ đội biên phòng và hải quân chỉ cho phép du khách đến tham quan vào mùa biển lặng (từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm).
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:48:33 am »

II. QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai quần đảo san hô nằm ở giữa Biển Đông. Trong nhiều thế kỷ trước đây hai quần đảo thường được gọi dưới tên chung là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, v.v... Các nhà hàng hải và truyền giáo phương Tây (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp) gọi dưới các tên Paracels, Parcels hoặc Pracels.


Trên các bản đồ đầu tiên của các nhà hàng hải phương Tây, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thường được vẽ thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm dọc bờ biển nước ta từ khoảng ngang Đà Nẵng tới cuối đồng bằng Nam Bộ. Vào thế kỷ gần đây nhờ sự phát triển của ngành hàng hải và ngành đo đạc bản đồ biển, người ta mới tách ra hai quần đảo riêng biệt mang tên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, trên các bản đồ nước ngoài thường gọi là quần đảo Paracels và quần đảo Sprataly.


Quần đảo Hoàng Sa nằm trong khoảng vĩ độ 15°45' đến 17°15' Bắc; kinh độ 111° đến 113° Đông, án ngữ ngang cửa vịnh Bắc Bộ, cách đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) Quảng Ngãi hơn 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Quần đảo gồm trên 30 hòn đảo, đá cồn, san hô, bãi cát nằm rải trên một vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, chiếm một diện tích khoảng 15.000km2. Quần đảo Hoàng Sa chia thành hai nhóm.


Nhóm phía Đông, gồm khoảng 8 hòn đảo nhỏ và một số mỏm đá san hô nhô lên khỏi mặt nước. Lớn nhất là đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn rộng trên dưới 1,5km2, có nhiều cây cối, xung quanh có những bãi san hô và bãi cát ngầm. Một số đảo khác như đảo Cây, đảo Bắc, đảo Trung, đảo Nam... có diện tích từ 0,4km2 trở xuống, nhiều đảo có bờ cát trắng hoặc bãi san hô viền quanh.


Nhóm phía Tây, gồm khoảng 15 hòn đảo nhỏ. Các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà, Duy Mộng, Chim Én, Tri Tôn... diện tích khoảng từ 0,5km2 trở xuống và cao hơn mặt nước từ 4m đến 6m. Trong quần đảo Hoàng Sa, đảo Linh Côn nằm ờ ngoài cùng về phía Đông và đảo Tri Tôn nằm ngoài cùng về phía Nam. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo thuộc quần đảo khoảng 10km2. Ngoài các đảo, còn có những cồn san hô, vành đai san hô bao bọc một vùng nước tạo thành một đầm nước giữa biển khơi. Có cồn dài tới 30km, rộng 10km như cồn Cát Vàng.


Ở phía Đông đảo Hoàng Sa, có một cầu tàu bằng đá và bê tông dài khoảng 180m, do một công ty Nhật Bản được nhà cầm quyền Pháp trước đây cho phép khai thác phân chim xây dựng, nay vẫn còn nguyên dấu tích. Trên đảo Hoàng Sa còn có một trạm khí tượng được xây dựng và hoạt động từ năm 1938, đến năm 1947 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công nhận và đặt số hiệu 48860 trong mạng lưới khí tượng quốc tế (số 48 chỉ khu vực Việt Nam).


Quần đảo Hoàng Sa không có mùa đông lạnh giá và mùa hè nóng nực, nhiệt độ trung bình thấp nhất trong tháng 1 là 23°, cao nhất trong tháng 7 là 28°. Thời tiết có thể chia làm hai mùa. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6, mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 12. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.170mm. Từ tháng 6 đến tháng 8, bão thường xuyên đi qua quần đảo này. Thảm thực vật của quần đảo Hoàng Sa rất đa dạng. Có đảo cây cối um tùm, nhưng có đảo chỉ có các bụi cây nhỏ và cỏ dại. Thực vật phần lớn thuộc các loài có nguồn gốc ở miền duyên hải Việt Nam. Nhiều triều vua trước đây của Việt Nam đã ra lệnh đem các loại cây ra trồng trên các đảo để thuyền bè qua lại dễ nhận, tránh khỏi tai nạn.


Trên các đảo có nguồn phốt phát vôi do phân chim tích tụ từ lâu đời bị phong hóa. Qua khảo sát các nhà địa chất Pháp ước tính trữ lượng khoảng gần 10 triệu tấn. Đây là nguồn phân bón có giá trị lớn. Hải sản ở Hoàng Sa, có nhiều loài quý như tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, vích, ốc tai voi, v.v... và một loại rau câu quý hiếm, rất có giá trị trên thị trường quốc tế.


Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 gọi là xã Định Hải, quận Hoà Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1982, Chính phủ ta quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Nay trở thành huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.


Quần đảo Trường Sa ở về phía Đông Nam nước ta trong khoảng vĩ độ 6°30' đến 12°00' Bắc; kinh độ 111°30' đến 117°30' Đông, gồm khoảng hơn một trăm hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, nằm rải trên một vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng gần 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng hơn 360 hải lý, chiếm một diện tích biển khoảng từ 160.000 đến 180.000km2. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 250 hải lý, cách hòn đảo ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhất cũng khoảng trên 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 960 hải lý.


Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước từ 3 đến 5m. Lớn nhất là đảo Ba Bình rộng khoảng 0,6km2, sau đó là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta, Sinh Tồn, Vĩnh Viễn, An Bang, v.v... Ngoài ra còn nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài... Các đảo ở đây cũng có vành đá san hô ngầm, rộng hàng trăm mét, che chở cho đảo khỏi bị sóng đánh tràn lên. Có những vành đai san hô bao quanh dài, rộng hàng chục ki-lô-mét như đảo Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lớn. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo, đá, cồn, bãi ở quần đảo Trường Sa khoảng 10km2 tương đương với quần đảo Hoàng Sa, nhưng quần đảo Trường Sa trải ra trên một vùng biển rộng gấp hơn 10 lần quần đảo Hoàng Sa.


Trên đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây có đài khí tượng ngày đêm theo dõi và thông báo các số liệu về thời tiết ở vùng biển này cho mạng lưới quan trắc khí tượng thế giới và trên một số đảo có đèn biển của Tổng công ty bảo đảm Hàng hải Việt Nam như đảo Song Tử Tây, An Bang, Đá Tây. Chất đất trên các đảo của quần đảo Trường Sa là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim và mùn cây có bề dày từ 5 đến 10cm. Một số đảo trong quần đảo có nước ngầm như đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, đảo Song Tử Đông. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như cây phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo cỏ dại.


Nguồn lợi hải sản ở quần đảo Trường Sa rất phong phú, có nhiều loại cá tập trung với mật độ cao, đặc biệt có loại vích là động vật quý hiếm, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao...

Khí hậu, thời tiết ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn với các vùng ven bờ. Mùa hè mát hơn và mùa đông ấm hơn. Một số hiện tượng thời tiết cũng diễn biến khác với trong đất liền. Hàng năm ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đồng đều trong các tháng. Có thể chia ra làm 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm rất lớn. Hiện tượng dông trên vùng biển quần đảo này rất phổ biến, có thể nói quanh năm, tháng nào cũng có dông và là nơi thường có bão lớn đi qua, tập trung vào các tháng mùa mưa.


Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm gần như giữa Biển Đông, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa án ngữ trong khu vực vùng biển có nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới và khu vực, năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đẽn Biển Đông bao gồm các con đường từ Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy ê, Trung Đông đên Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niudilân, con đường hàng hải Bắc Thái Bình Dương từ Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á, con đường từ Đông A đến úc và Niudilân, và từ Đông đến Trung Đông. Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo... phụ thuộc sống còn vào các tuyến hàng hải này.


Về tài nguyên thủy sản, tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa do hoàn cảnh khách quan, ta chưa có điều kiện điều tra, đánh giá. Tại vùng biển Trường Sa, theo số liệu mới nhất, qua khảo sát, các nhà khoa học Việt Nam đã xác định được 18 họ hải sản với 32 giống và 37 loài. Ngoài ra còn xác định được 9 họ hải sản với 13 giống và 14 loài cá, trong đó có các họ cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá thu ngàng. Cùng với tài nguyên thủy sản, vùng nước quần đảo còn là nơi có trữ lượng san hô lớn, có thể dùng sản xuất ra các sản phẩm mỹ nghệ và sử dụng trong lĩnh vực y học.


Bên cạnh đó, khu vực đáy biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng một trữ lượng dầu khí khổng lồ và các mỏ khoáng sản sunphít đa kim, kết cuội sắt mangan. Theo số liệu của nhiều nhà khoa học và cơ quan khoa học quốc tế dự đoán, Biển Đông chứa khoảng 130 tỷ thùng dầu và khí tự nhiên, do đó khu vực Biển Đông được coi như vịnh Ba Tư thứ hai. Riêng dự đoán khu vực Trường Sa có trữ lượng dầu khoảng sáu tỷ thùng, trong đó khí chiếm khoảng 70%.


Theo các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà nước ta là một thành viên, quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên một vùng biển rộng gấp rất nhiều lần diện tích lãnh thổ đất liền; kiểm soát các tuyến hàng hải, làm chủ các vị trí chiến lược về quốc phòng cũng như các tài nguyên biển và lòng đất dưới đáy biển. Bởi những lẽ đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:49:45 am »

2. Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, hai quần đảo được thể hiện liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa, ban đầu được người Việt gọi chung một tên nôm là Bãi Cát Vàng. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm "đội Bắc Hải" lấy người thôn Tứ Chính, xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử như: "Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư" của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn (1776), "Lịch triều Hiến chương loại chí' của Phan Huy Chú (1821), "Đại Nam thực lục tiền biên" (1844-1848), "Đại Nam thực lục chính biên" (1844-1848), "Đại Nam nhất thống chí" do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910), Dư địa chí "Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ", "Quốc triều chính biên toát yếu" (1910). Đồng thời, hai quần đảo và các hoạt động của triều đình phong kiến Việt Nam trên đó cũng được nhắc đến trong các tác phẩm nước ngoài như Nhật ký Batavia (1936), Hải ngoại ký sự (1696) An Nam đại quốc hoạ đồ (1838)... Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hoá trên quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo... liên tục trong các năm 1834, 1835 và 1836.


Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.


Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo. Trong suốt các năm 1931-1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.


Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14 tháng 10 năm 1950, Pháp chính thức trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam.


Ngày 6 tháng 9 năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam trong phát biểu của mình đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo: "Và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Sprataly và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam". Tiếp đó chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam trao cho quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do.


Trong thời gian này, các Chính phủ Việt Nam đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo bằng các hoạt động Nhà nước. Chính quyền Sài Gòn đã quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên vào xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam và quyết định sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Tháng 4 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và trong khi chưa kịp triển khai trên các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, quân đội nước ngoài đã bí mật ra chiếm đóng nhóm đảo này.


Tháng 1 năm 1974, khi quân đội nước ngoài dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã tố cáo việc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía nước ngoài. Ngày 14 tháng 2 năm 1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Tháng 4 năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tuyên bố giành cho mình quyền bảo vệ chủ quyền đó.


Ngày 2 tháng 7 năm 1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo.


Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:50:47 am »

Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo, ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghía Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai; ngày 28 tháng 12 năm 1982, trong kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hoà). Nghị quyết ngày 6 tháng 11 năm 1996 kỳ họp thứ mười Quốc hội khoá IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Chính quyền hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện đang thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình.


Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ năm ngày 23 tháng 6 năm 1994 phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 nêu rõ: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực". Quốc hội nhấn mạnh: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982".


Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.


Cho đến nay, Việt Nam đang thực sự quản lý 21 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất và đời sống kinh tế - xã hội nhằm từng bước xây dựng huyện đảo trở thành đơn vị hành chính ngang tầm với vị trí và vai trò của nó trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa - Việt Nam có dân trên 21 đảo, bãi cạn. Trong đó có 9 đảo nổi gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Trường Sa, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang và 12 bãi cạn gồm: Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn, Núi Thị và Đá Nam. Cụ thể:

1. Đảo Song Tử Tây: Tọa độ 11°25'55" vĩ độ Bắc, 114°19'44" kinh độ Đông. Cách đảo Nam Yết khoảng 75 hải lý, cách Nha Trang khoảng 310 hải lý. Đảo có hình bầu dục, dài khoảng 630m, rộng khoảng 270m, diện tích khoảng 0,17km2, độ cao trung bình của đảo khoảng 3,9m, so với mực nước biển trung bình. Địa hình bề mặt của đảo có dạng lòng chảo, mặt đảo là cát san hô. Xung quanh đảo có thềm san hô rộng khoảng 300 - 500m. Trên đảo có nhiều cây như phong ba, bàng vuông, phi lao, trồng được rau xanh, đảo không có nước ngọt.


2. Đảo Nam Yết: Tọa độ 10°11'00" vĩ độ Bắc, 114°22'21' kinh độ Đông, cách đảo Sơn Ca khoảng 12 hải lý, cách Nha Trang khoảng 320 hải lý. Đảo có hình bầu dục, dài khoảng 650m, rộng khoảng 170m, diện tích khoảng 0,11km2, độ cao trung bình khoảng 3,5m. Địa hình bề mặt đảo khum dáng mu rùa, khá bằng phẳng, mặt đảo là cát san hô, xung quanh có thềm san hô rộng. Trên đảo có cây xanh như mù u, phong ba, dừa, phi lao; trên đảo trồng được rau xanh nhưng không có nước ngọt.


3. Đảo Sơn Ca: Tọa độ 10°22'42" vĩ độ Bắc, 114°28'30" kinh độ Đông, cách đảo Nam Yết khoảng 15 hải lý, cách Nha Trang khoảng 450 hải lý. Đảo có dáng hình bầu dục, dài khoảng 450m, rộng khoảng 150m, độ cao trung bình khoảng 3,5 - 3,8m. Địa hình mặt đảo khum dạng mu rùa, khá bằng phẳng, mặt đảo là cát san hô, xung quanh có thềm san hô rộng. Trên đảo có cây xanh như mù u, phong ba, dừa, phi lao. Trên đảo trồng được rau xanh, đảo không có nước ngọt.


4. Đảo Sinh Tồn: Tọa độ 9°52'25" vĩ độ Bắc, 114°19'10" kinh độ Đông, cách đảo Nam Yết khoảng 22 hải lý, cách Nha Trang khoảng 330 hải lý. Đảo có dáng hình vuông, chiều dài và rộng gần tương đương nhau khoảng 100m, độ cao trung bình khoảng 3,0m. Địa hình mặt đảo tương đối bằng phẳng, mặt đảo là cát san hô, xung quanh đảo là thềm san hô. Trên đảo có cây xanh như phi lao, đảo không có nước ngọt.


5. Đảo Sinh Tồn Đông: Tọa độ 9°52'30" vĩ độ Bắc, 114°34'45" kinh độ Đông, cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý, cách Nha Trang khoảng 345 hải lý. Đảo có dáng hình bầu dục, dài khoảng 2.200m, rộng khoảng 50m, độ cao trung bình khoảng 2,5 - 3,0m, địa hình mặt đảo khá bằng phẳng, mặt đảo là cát san hô, xung quanh đảo là thềm san hô, đảo không có nước ngọt.


6. Đảo Trường Sa: Tọa độ 8°38'25" vĩ độ Bắc, 111°55'00" kinh độ Đông, là đảo lớn trong cụm đảo Trường Sa và gần đất liền nhất, cách Nha Trang khoảng 240 hải lý, cách đảo Trường Sa Đông khoảng 30 hải lý. Đảo có dáng gần hình tam giác vuông, dài khoảng 650m, rộng khoảng trên 300m, diện tích khoảng trên 0,2km2, độ cao trung bình khoảng 2,5 - 3,0m. Địa hình mặt đảo khá bằng phẳng, mặt đảo là cát san hô, xung quanh đảo là thềm san hô, trên đảo có nhiều cây xanh như dừa, phi lao, bàng vuông..., trồng được rau xanh, đào giếng có nước lợ. Trên đảo có trạm thông tin liên lạc, trạm quan trắc khí tượng, cầu tàu.


7. Đảo Trường Sa Đông: Tọa độ 8°55'00" vĩ độ Bắc, 112°21'00" kinh độ Đông, cách đảo Trường Sa khoảng 30 hải lý, cách Nha Trang khoảng 270 hải lý. Chiều dài đảo khoảng 200m, chiều rộng nửa phía Đông đảo khoảng 60 - 70m, chiều rộng nửa phía Tây đảo khoảng 10 - 20m, độ cao trung bình đảo khoảng 1,5 - 1,6m, mặt đảo là cát san hô và khá bằng phẳng, xung quanh đảo là thềm san hô. Trên đảo có cây xanh như bàng vuông, phi lao, trồng được rau xanh, đảo không có nước ngọt.


8. Đảo Phan Vinh: Tọa độ 8°58’00" vĩ độ Bắc, 113°41'30" kinh độ Đông, cách đảo Nam Yết khoảng 85 hải lý, cách Nha Trang khoảng 330 hải lý. Đảo có dáng hình gần tròn, đường kính khoảng 70 - 80m, độ cao trung bình khoảng 1,5 - 1,8m, mặt đảo là cát san hô và khá bằng phẳng, xung quanh đảo là thềm san hô. Trên đảo nhiều cây xanh như bàng vuông, phi lao, dừa. Đảo không có nước ngọt.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:51:24 am »

9. Đảo An Bang: Tọa độ 7°52’00" vĩ độ Bắc, 112°54'10" kinh độ Đông, là đảo tận cùng phía Nam của quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa khoảng 71 hải lý, cách Nha Trang khoảng 340 hải lý. Đảo có chiều dài khoảng 220m, chiều rộng chỗ rộng nhất khoảng 100m, chỗ hẹp nhất khoảng 20 - 30m, độ cao trung bình khoảng 3,5m, mặt đảo là cát san hô và khá bằng phẳng, xung quanh đảo là thềm san hô. Đảo ít cây xanh và không có nước ngọt.


10. Bãi Đá Lát: Tọa độ 8°36' vĩ độ Bắc, 111°40' kinh độ Đông, cách đảo Trường Sa khoảng 14 hải lý về phía Tây, bãi nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Chiều dài bãi khoảng 5 - 6km, chiều rộng khoảng 1,8 - 2,0km, độ cao trung bình mặt bãi khoảng 0,4m. Khi thủy triều xuống thấp nhất, các bãi nhỏ và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Trong bãi có hồ, không có luồng thông ra ngoài; độ sâu trung bình khoảng 2,5 - 3,0m, đáy hồ là cát trắng và có nhiều đá mồ côi nằm rải rác.


11. Bãi Thuyền Chài: Tọa độ 8°10' vĩ độ Bắc, 113°18' kinh độ Đông, cách Trường Sa khoảng 87 hải lý về phía Đông. Bãi nam theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 17 hải lý, rộng khoảng 3 - 4 hải lý, thềm san hô xung quanh bãi rộng 250 - 300m. Khi thủy triều xuống thấp nhất có đá mồ côi nhô lên, đáy là cát san hô. Năm 1987, ta đã mở luồng ở phía Nam của bãi vào lòng hồ, dài 300m, rộng 20m, sâu 1,6 - 1,8m để xuồng ra vào lòng hồ.


12. Bãi Đá Tây: Tọa độ 8°52' vĩ độ Bắc, 112°21' kinh độ Đông, là cụm gồm bốn bãi đá san hô cách đảo Trường Sa khoảng 22 hải lý về phía Đông Bắc. Các bãi nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài cụm bãi khoảng 9 - 10km, chiều rộng khoảng 5 - 6km, diện tích khoảng 44km2, độ sâu trung bình khoảng 0,2 - 0,3m, khi thủy triều xuống thấp, các đá mồ côi nổi trên mặt nước. Các bãi cách nhau bởi các lạch sâu từ 1,5 - 5 hoặc 6m, rộng khoảng 200 - 300m. Bãi san hô phía Đông có một doi cát nổi cao khoảng 0,5 - 0,8m. Có hai luồng chính cho xuồng vào hồ là luồng ở phía Đông Nam và Tây Nam bãi.


13. Bãi Đá Đông: Tọa độ 8°50' vĩ độ Bắc, 112°34' kinh độ Đông, là bãi san hô tương đối khép kín, chỉ có một luồng vào hồ, cách bãi Châu Viên khoảng 6,5 hải lý về phía Tây. Bãi nằm theo hướng Đông - Tây, dài khoảng 14km, rộng khoảng 4 - 5km, diện tích khoảng 44km2. Bề mặt của vành đai san hô phía Bắc cao hơn phía Nam, thủy triều xuống thấp nhất thì mặt bãi nhô lên khỏi mặt nước. Trong bãi có hồ dài khoảng 9km, rộng 2km, sâu từ 5 - 15m. Ven bờ phía Bắc và phía Đông có nhiều đá ngầm. Luồng vào hồ nằm ở phía Tây, dài khoảng 300m, rộng khoảng 30 - 40m, sâu khoảng 4 - 8m.


14. Bãi Tốc Tan: Tọa độ 8°50' vĩ độ Bắc, 114°02' kinh độ Đông, là cụm bãi san hô nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dài khoảng 20km, rộng khoảng 0,7km, độ cao trung bình 0,2m, khi thủy triều xuống thấp nhất có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Giữa cụm bãi có hồ dài khoảng 14km, rộng khoảng 3km, sâu 10 - 30m, có nhiều đá ngầm nổi lên lập lờ dưới mặt nước. Có hai luồng chính vào hồ là luồng phía Bắc rộng khoảng 600m, sâu khoảng 10m và luồng phía Tây Nam rộng 250m, sâu 4 - 5m.


15. Bãi Núi Le: Tọa độ 8°45' vĩ độ Bắc, 114°11' kinh độ Đông, là vành đai san hô tương đối khép kín chỉ có một cửa phía Nam. Bãi nằm theo hướng Bắc - Nam, chiều dài khoảng 10km, rộng khoảng 4 - 5km, diện tích khoảng 40km2, độ cao trung bình khoảng 0,3m. Khi thủy triều xuống thấp nhất, rải rác có nhiều khu vực nổi cao trên mặt nước, phía Nam bãi có nhiều đá mồ côi. Giữa bãi có hồ dài khoảng 8km, rộng khoảng 3,5km, sâu khoảng 6 - 10m, đáy hồ lòng chảo, dưới có nhiều đá ngầm. Luồng vào hồ rộng 200m, dài 300m, giữa luồng có nhiều đá ngầm nằm rải rác.


16. Bãi Tiên Nữ: Tọa độ 8°52' vĩ độ Bắc, 114°39' kinh độ Đông, cách bãi Tốc Tan 33 hải lý về phía Đông. Bãi dài khoảng 9km, rộng khoảng 4 - 5km, cao trung bình khoảng 0,3m, là vành đai khép kín, mặt bãi có nhiều đá mồ côi luôn nổi trên mặt nước, bờ Đông Bắc có ba hòn cao khoảng 2,1m. Khi thủy triều xuống thấp nhất, mặt bãi nổi lên trên mặt nước. Giữa bãi là hồ kín dài khoảng 7km, rộng 1,5 - 3,5km, sâu khoảng 10m, trong hồ có nhiều đá ngầm.


17. Bãi Len Đao: Tọa độ 9°45' vĩ độ Bắc, 114°21' kinh độ Đông, cách đảo Sinh Tồn khoảng 7,5 hải lý về phía Đông Nam, dài khoảng 1,5 - 2,0km, rộng khoảng 0,5 - 1,0km, khi thủy triều xuống thấp nhất còn ở độ sâu 0,1m.


18. Bãi Cô Lin: Tọa độ 9°45' vĩ độ Bắc, 114°13' kinh độ Đông, cách đảo Sinh Tồn 9 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi Gạc Ma khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc. Bãi dài khoảng 1,2 hải lý, rộng khoảng 1,0 hải lý, khi thủy triều xuống thấp nhất bãi vẫn còn ngập nước, chỉ có một số đá mồ côi nổi lập lờ trên mặt nước.


19. Bãi Đá Lớn: Tọa độ 10°04' vĩ độ Bắc, 113°52' kinh độ Đông, cách đảo Nam Yết khoảng 28 hải lý về phía Tây - Tây Nam, là bãi san hô nổi khi thủy triều xuống thấp nhất. Bãi nằm theo hướng Bắc - Nam, dài khoảng 15km, rộng khoảng 2,0km, độ cao trung bình khoảng 0,3m, diện tích khoảng 30km2, trong bãi có hồ chạy theo hướng Bắc - Nam và có luồng thông ra ngoài.


20. Bãi Núi Thị: Tọa độ 11°23' vĩ độ Bắc, 114°34' kinh độ Đông, cách đảo Sơn Ca khoảng 7 hải lý về phía Đông - Đông Bắc. Bãi nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 2,0km, rộng khoảng 1,3km. Khi thủy triều xuống thấp nhất mặt bãi nhô lên khoảng 0,3m.


21. Bãi Đá Nam: Tọa độ 11°23' vĩ độ Bắc, 114°18' kinh độ Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 2,5 hải lý về phía Tây Nam. Bãi theo hướng Bắc - Nam, dài khoảng 2,2km, rộng khoảng 1,0 - 1,5km, độ cao trung bình khoảng 0,3m, khi thủy triều xuống thấp nhất có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Phía Đông Nam bãi có tảng đá mồ côi cao 0,8m; có hồ dài khoảng 600m, rộng khoảng 100m, sâu khoảng 3 - 15m, có luồng rộng 30 - 50m, sâu 2,5 - 3,0m thông ra ngoài.


Về kinh tế, khu vực quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu mỏ - khí đốt. Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, đơn vị hành chính là huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.


Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và kinh tế của nước ta, vì vậy vấn đề bảo vệ chủ quyền của ta đối với quần đảo Trường Sa và khu vực Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược trước mắt và lâu dài.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2022, 06:52:50 am »

Phần thứ ba
MỘT SỐ VỊNH, VŨNG Ở BIỂN VIỆT NAM


* Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ, trước năm 1975 còn được gọi là vịnh Bắc Phần hay vịnh Bắc Việt là vịnh nước mặn nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng khoảng 207km (112 hải lý). Bờ vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài khoảng 763km và bờ biển thuộc hai tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài khoảng 695km.


Vịnh Bắc Bộ tương đối nông (sâu chưa tới 60m). Sông Hồng là con sông chính chảy vào vịnh này. Thành phố Hải Phòng và Vinh (tỉnh Nghệ An) thuộc Việt Nam và Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây) thuộc Trung Quốc là những hải cảng chính trong vịnh. Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng khoảng 35,2km (19 hải lý) và cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ, Việt Nam tới đảo Hải Nam, Trung Quốc rộng khoảng 207,4km (112 hải lý). Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền khoảng 110km, cách đảo Hải Nam khoảng 130km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.


Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Trong vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của nhân dân hai nước. Các dự báo cho thấy đáy biển và lòng đất dưới đáy của vịnh có tiềm nàng về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng - an ninh của nước ta. Đối với khu vực phía Nam Trung Quốc vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác vịnh.


Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ là thoả hiệp ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong vịnh Bắc Bộ. Đây là kết quả sau nhiều đợt đàm phán kể từ năm 1973. Hiệp định này thay thế Công ước Pháp - Thanh 1887. Ngày 15 tháng 6 năm 2004, Hiệp định thông qua Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI và lễ trao đổi văn kiện thư phê chuẩn diễn ra ngày 30 tháng 6 năm 2004.


Vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ, mà cụ thế là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ được đặt ra sau khi có sự phát triển tiến bộ của Luật biển quốc tế từ giữa những năm 1950 trở lại đây.


Theo quy định của Luật biển quốc tế năm 1982, quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, vùng đặc quyên kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý.


Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước trong vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần phải được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giũa hai nước.


Thực tế cho thấy, trước đây do chưa có đường biên giới và ranh giới biển rõ ràng trong vịnh Bắc Bộ nên giữa hai nước thường xảy ra các vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò khai thác dầu khí, gây bất ổn định và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước, hạn chế việc khai thác bền vững và hiệu quả tiềm năng của vịnh.


Chỉ khi có một đường ranh giới biển rõ ràng trong vịnh, được hai nước chấp nhận và phù hợp với luật pháp quốc tế, hai nước mới có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành việc quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển và bảo tồn các tài nguyên biển của mình trong vịnh Bắc Bộ.


Quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được tiến hành theo các nguyên tắc và cơ sở pháp lý như sau:

- Hai bên đã thống nhất và căn cứ vào luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc và quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà cả hai nước đều là thành viên để giải quyết vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ. Luật pháp quốc tế nói chung và Công ước của Liên Hợp quốc vẽ Luật biển năm 1982 nói riêng không quy định một phương pháp bắt buộc áp dụng chung cho việc phân định các vùng biển giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau.

- Căn cứ vào các quy định của công ước này và thực tiễn quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận thông qua đàm phán để phân định vịnh Bắc Bộ, với nguyên tắc giải quyết là "áp dụng Luật biển quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế" và "theo nguyên tắc công bằng, có tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng".


Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ có 11 điều, trong đó Điều II hai bên thống nhất xác định một đường phân định với 21 điểm nối tuần tự từ cửa sông Bắc Luân ra đến cửa vịnh phía Nam, chia vịnh Bắc Bộ ra làm hai. Trong đó từ điểm 1 đến điểm 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 đến điểm 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cửa vịnh lấy đường thẳng từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam đến mũi Oanh Ca, đảo Hải Nam, Trung Quốc.


Trong hiệp định, hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ. Theo đó, mỗi bên tự chủ tiến hành việc thăm dò, khai thác một cách độc lập các tài nguyên khoáng sản trong phạm vi thềm lục địa của mình. Đối với những cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thỏa thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác. Ngoài ra, hiệp định cũng quy định về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trong vịnh Bắc Bộ.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #37 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2022, 06:50:25 am »

* Vịnh Bái Tử Long

Vịnh Bái Tử Long là vùng lõm trong vịnh Bắc Bộ, ở Đông Bắc của Việt Nam. Vịnh Bái Tử Long bao gồm một vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và huyện đảo Vân Đồn. Phía Tây Nam giáp vịnh Hạ Long, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp đất liền với thị xã Cẩm Phả và phía Đông Bắc giáp huyện đảo Cô Tô. Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, trong đó nhiều đảo lớn và có dân sinh sống.


Vịnh Bái Tử Long là vùng đảo có khí hậu phân hóa 2 mùa rõ rệt: mùa hạ nóng ẩm và mùa đông khô lạnh. Nhiệt độ trung bình năm từ 15°C - 25°C; lượng mưa vào khoảng từ 2.000mm - 2.500mm/năm. Vịnh Bái Tử Long còn có hệ thống thủy triều với mức triều vào khoảng 3,5 - 4m/ngày. Độ mặn vào khoảng từ 31 đến 34,5 MT vào mùa khô và thấp hơn trong mùa hè.


Địa hình, địa mạo đáy vịnh là hệ thống các lạch biển có địa hình đáy phức tạp, được hình thành bởi quá trình mài mòn, xâm thực và tích tụ ngầm. Có 2 hệ thống lạch định hướng Tây Bắc - Đông Nam và Đông Bắc - Tây Nam. Hệ thống lạch theo hướng Tây Bắc - Đông Nam chia cắt các đảo chắn ngoài và đạt tới độ sâu 32m ở giữa hòn Sậu Đông và đảo Sậu Nam, 20m ở giữa đảo Sậu Nam và hòn Vành (Cửa Sậu), 22m ở giữa hòn Vành và đảo Ba Mùn (Cửa Nội), 20m ở giữa đảo Ba Mùn và Quan Lạn (Cửa Đối), ở các lạch này, hoạt động xâm thực - mài mòn đáy mạnh mẽ, lộ ra các vật liệu thô. Hệ thống lạch theo hướng Đông Bắc - Tây Nam tương đối rộng, sâu phổ biến 5 - 15m, nơi đây diễn ra quá trình hỗn hợp mài mòn - tích tụ.


Cấu trúc hình thái bờ đảo không đồng nhất do khác nhau về thành phần vật chất cấu thành đảo và động lực biển hiện đại. Bờ phía Đông các đảo chắn ngoài cấu tạo từ các đá vụn lục nguyên, tương đối thẳng và dốc, thường xuyên chịu tác động của sóng ở tất cả các mùa, nơi phát triển các dạng địa hình bờ kiểu vách và bãi tảng. Ngược lại, bờ phía Tây các đảo và bờ các đảo phía trong ít chịu tác động của sóng hơn dòng triều, nơi phổ biến các dạng tích tụ triều như bãi triều ven bờ lạch giữa đảo Trà Ngọ Lớn và Trà Ngọ Nhỏ, ở cung lõm giữa đảo Ba Mùn (Cao Lồ) và đặc biệt ở sườn Tây Bắc đảo Quan Lạn.


Hệ thống đảo trong khu vực vịnh Bái Tử Long nằm trong đối địa chất duyên hải Bắc Bộ, hướng cấu trúc kiến tạo Đông Bắc - Tây Nam, song song với bờ biển của đất liền. Các đảo này thuộc phức hệ nếp lồi Quảng Ninh, và ở đơn vị cấp nhỏ hơn là khối nâng đơn nghiêng Vân Đồn. Trên các đảo Sậu Nam, Ba Mùn, Trà Ngọ Nhỏ và phần núi đất trên đảo Trà Ngọ có tầng đá mẹ là đá lục nguyên màu đỏ, tuổi Đề - Vôn Sớm hệ tầng Vĩnh Thực, với những thành phần cát sạn, thạch anh, kết cấu cát và cuội dạng quắc zít, pha lẫn trầm tích vụn thô - nguồn gốc hình thành từ trầm tích cơ học. Phần còn lại, bao gồm cả phần lớn đảo Trà Ngọ đá và các đảo đá nằm rải rác trong vịnh, tầng đá mẹ là đá vôi - có nguồn gốc hình thành là trầm tích hóa học. Như vậy đảo Trà Ngọ lớn có cấu tạo địa chất khá đặc biệt, một thân đảo có 2 nền địa chất với nguồn gốc hình thành rất khác nhau. Phần Bắc đảo là "núi đất" trên nền đá lục nguyên (gồm các đá mẹ sa thạch, cuội kết, cát kết) chiếm diện tích hơn 1/3 đảo. Phần Nam đảo là núi đá vôi, đặc trưng bởi địa hình castơ có nhiều hang động và thung áng. Do chịu ảnh hưởng thủy triều, các thung áng này hình thành thành các vụng kín trong lòng núi, tạo ra những cảnh quan rất đặc sắc và hấp dẫn.


Về địa hình, các đảo trong vịnh thuộc địa hình đồi núi thấp, bao gồm những đỉnh núi cao dưới 300m so với mặt biển, cao nhất là đỉnh Cao Lồ trên đảo Ba Mùn với độ cao 314m. Các đảo này nhìn chung hẹp về chiều ngang và kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Độ dốc của 2 sườn đảo có sự phân hóa rõ rệt, sườn đảo phía Đông của dãy đảo Ba Mùn và Sậu Nam rất dốc, vách núi gần như dựng đứng sát mép biển, trong khi sườn Tây khá thoải. Ven chân các đảo có nhiều vũng, bãi gian triều đất bùn, hoặc nhiều bãi cát hẹp và bãi đá ở chân đảo rộng từ 30m đến 70m, ngập triều theo chu kỳ. Một số vùng rộng hàng trăm héc-ta, vừa có bãi bùn, vừa có bãi cát, bãi đá, vừa có chỗ sâu, cảnh quan đẹp, thuận lợi cho việc neo trú tàu thuyền, như vũng Cái Quít, vũng Ổ Lợn, lạch Cống giữa 2 đảo Trà Ngọ Lớn và Trà Ngọ Nhỏ, vũng Cái Đé. Đặc sắc nhất là các bãi Chương Nẹp, bãi Nhãng Rìa thuộc xã Minh Châu và bãi Sơn Hào thuộc xã Quan Lạn. Các bãi cát thuộc xã Minh Châu dài hàng cây số, rất bằng phẳng, hạt cát rất trắng mịn và sóng êm ả. Trái lại các bãi cát ở xã Quan Lạn cũng rất dài, bằng phẳng nhưng hạt cát thô hơn, có màu vàng và sóng ở đây cũng mạnh hơn.


Đất trên các đảo hầu hết thuộc loại đất feralit vàng nhạt phát triển trên đá trầm tích và biến chất có kết cấu hạt thô. Từ độ cao hơn 100m đất có rừng che phủ, độ ẩm cao, tầng dày khoảng 50cm và giàu dinh dưỡng. Ở độ cao thấp hơn 100m, ven chân đảo đất có tầng mỏng khoảng 40cm, nghèo dinh dưỡng do bị xói mòn, rửa trôi. Trên các đảo Ba Mùn, Sậu Nam, Trà Ngọ Nhỏ và một phần núi đất Trà Ngọ Lớn đất còn tốt, giàu chất dinh dưỡng, thuận lợi cho quá trình tái sinh tự nhiên và nhân tạo của hệ thực vật.


Các đảo ở vịnh Bái Tử Long có dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, là hình ảnh cổ xưa của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất khoảng 300 triệu năm, do quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình castơ bào mòn, phong hoá tạo ra một hình thái đặc biệt như một bức tranh thủy mạc được tạo ra từ biển và đảo. Trên các đảo đá của vịnh cũng có các hang động castơ, đặc biệt là hang Quan (hang Hải quân) mà người ta dùng làm nơi trú ẩn của tàu thuyên xưa kia trong những khi biển động.


Những cảnh vật thể hiện giá trị địa chất, địa mạo trong vịnh Bái Tử Long đã tạo ra sức hấp dẫn. Hệ thống đảo đá với và đảo đất xen kẽ nhau đã tạo ra một cảnh quan địa hình với cảnh sắc tuyệt vời còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên kỳ thú. Nhiều đảo đá vôi với nhiều hình thù kỳ lạ đã thu hút trí tưởng tượng của con người. Có đảo trông giống con công hay thiên nga đang bơi lội, có đảo lại giống một con ngựa đá khổng lồ... Cùng với đó là những quần thể thực vật tươi tôt quanh năm che phủ trên núi đá như mái tóc của các mỹ nhân. Những lạch biển trong xanh chạy dài giữa hai bên là các đảo có rừng xanh che phủ. Những bãi cát vàng với vẻ đẹp tinh khôi ẩn mình tĩnh lặng phân bố rải rác dưới chân các đảo nhỏ còn rừng tự nhiên tươi tốt. Một cảnh quan nổi tiếng là bãi cát trắng tự nhiên dưới chân rừng Trâm trên xã đảo Minh Châu, một điểm đến đẹp nhất vùng Đông Bắc. Khi triều xuống thấp, những ngấn đá hằn sâu dưới chân đảo cũng là những biểu hiện ngàn năm của các vận động địa chất hải văn, biển tiễn, biển lùi và thủy triều lên xuống.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #38 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2022, 06:50:59 am »

Cũng giống như vịnh Hạ Long, trong vịnh Bái Tử Long có hàng trăm đảo có tên gọi riêng gắn với những truyền thuyết, sự tích hay tên loài vật nào đấy theo trí tưởng tượng của con người. Đó là hòn Mẫu Tử kể về nghĩa mẹ thiêng liêng, qua câu chuyện một người mẹ trẻ vì chút tình thơ ngây bị vua cha quở trách đày xuống thủy cung không cho nhận con nhỏ, nhưng ngày ngày người mẹ trẻ vẫn nâng bầu sữa tràn đầy sự sống lên trên mặt nước, để con mình được nuôi dưỡng bằng tình thương của mẹ. Còn đây là hòn Thiên Thư niềm an ủi của những bậc văn nhân miệt mài đèn sách - Thiên Thư là chồng sách của trời, cả một hòn đảo đá khổng lồ được hình thành bởi những phiến đá phẳng xếp hơi nghiêng như những trang sách đang mở ra trước mắt một bậc hiền triết. Quay nhìn lại phía sau ta thấy hòn Con Quy như hứa hẹn đón ta về trong vinh quang, sau những vất vả nhọc nhằn mà ta đã vượt qua để tô đẹp thêm cuộc sống. Xa hơn nữa là hòn Thạch Mã xung quanh ngổn ngang nào cung, kiếm, khiên, đao, gậy tày, giáo vạt. Phải chăng đây là nơi ngày xưa một vị đại tướng nhà trời trên đường trở về sau cuộc chinh chiến, vì mải mê cảnh đẹp đã trút bỏ ngựa chiến và binh khí, ở lại nơi đây để xây đắp hạnh phúc và hoà bình cho mình và cho người trên mảnh đất này. Nơi đây còn có hòn Bàn Cờ Tiên với bàn cờ bằng phẳng trải ngay mép nước, bên cạnh một ngọn đèn lớn luôn sẵn sàng thắp sáng. Và còn biết bao dáng hình của đá, một thế giới hình khối cứng rắn như đá mà mềm mại như nước, một phòng trưng bày rộng đến khôn cùng.


Vịnh Bái Tử Long cùng với vịnh Hạ Long trở thành một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Nơi đây còn in dấu nền văn hóa Hạ Long từ hàng nghìn năm trước và cũng còn lưu giữ khá vẹn nguyên nét tinh khôi của một quần đảo thủa hồng hoang với những hòn đảo xinh đẹp và những bãi cát dài trắng xóa. Đặc biệt khu sinh thái Bái Tử Long thuộc huyện đảo Vân Đồn trải dài trên diện tích 100ha, có trên 10km bờ biển, khu du lịch sinh thái được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hoà kiến trúc truyền thống Á Đông với phong cách hiện đại phương Tây. Những nhà sàn khép kín, sát biển tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, xoá nhoà ranh giới giữa thế giới hiện đại ồn ào, náo nhiệt với biển cả mênh mông. Nhịp sống của Vạn Chài với những truyền thuyết về biển cả và thưởng thức những đặc sản biển như cá giò, cá song, tôm, cua, ghẹ, hến, mai, ốc nhảy, ốc hương, mực...


Lịch sử vịnh Bái Tử Long gắn liền với những trang sử của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn, nơi cửa biển sầm uất thời Lý cách đây gần 900 năm, một vùng trên bến dưới thuyền, bộn bề hàng hoá, tấp nập thương nhân từ Xiêm La sang, Trung Quốc xuống, lại thêm những chuyến tàu bè cập cảng của Ấn Độ, Nhật Bản, từ vùng Trung Cận Đông.


Năm 1149 vua Lý Anh Tông cho thành lập trang Vân Đồn để buôn bán với người nước ngoài, mở ra sự hình thành và phát triển của hệ thống thương cảng Vân Đồn - cánh cửa hội nhập đầu tiên của nước ta. Đây cũng là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam, trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia,... Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là: Lý - Trần - Hậu Lê (Lê Sơ) rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích thương cảng Vân Đồn còn chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống ngoại xâm lại vừa có dấu ấn về giao thương, buôn bán. Sau khi thương cảng Vân Đồn được hình thành từ thời Lý đến thời Trần đã phát triển tới hưng thịnh. Di tích thương cảng cổ Vân Đồn đã được xếp hạng di tích quốc gia.


Nhiều hiện vật đã được tìm thấy tại nhiều điểm trên các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, trong đó có một trung tâm chính tại Cái Làng thuộc xã Quan Lạn. Các bến thuyền cổ trung chuyển hàng hoá gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản hình thành dọc ven sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho tới các đảo Cống Đông, Quan Lạn. Tại đảo Cống Đông (nay là xã Thắng Lợi), các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô thời Trần như chùa, tháp, nhiều di vật bia đá, lan can, chân kê cột... Đây là những minh chứng rõ nhất cho sự phát triển phồn thịnh về thương mại dưới triều nhà Trần.


Thương cảng cổ Vân Đồn không phải là một bến cảng với những cầu tàu nối tiếp trên một vũng biển như hiện nay mà gồm nhiều bến thuyền phân bố trên chiều dài hàng chục ki-lô-mét từ Nam lên Bắc. Từ đại dương đi vào, bến đầu tiên của cảng Vân Đồn là Cái Làng nằm sát dưới chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn. Đối diện với bến Cái Làng là bến Cống Cái nằm dưới chân núi Vân. Rồi bến Con Quy ven đảo Ngọc Vừng, các bến thuyền nằm giữa hai đảo Cống Đông, Cống Tây, v.v... Việc bố trí cảng ở nhiều địa điểm là nhằm giảm lưu lượng tàu thuyền tập trung quá đông vào một bến, đồng thời quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền ngoại quốc và tàu thuyền trong nước, tránh đỗ xen kẽ để dễ bề quản lý. Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó gồm: các sản vật tự nhiên phong phú như hương liệu, ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu. Loại hàng hoá này thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hàng xuất khẩu hàng năm của quốc gia Đại Việt. Loại hàng hoá thứ hai, đứng sau sản vật tự nhiên là đồ sứ. Thời Lý, đồ sứ men ngọc với kỹ thuật chế tác khá cao, không kém đồ sứ men xanh "Long Tuyền" của Trung Quốc hồi đó. Đồ sứ thời Lý dáng thanh nhã, hoa văn trang trí khéo léo, đẹp mắt, thường là hoa văn đắp nổi cả trong và ngoài mặt thành đồ vật. Theo một nhà sử học Nhật Bản từng nghiên cứu về Vân Đồn, thì đồ sứ triều Lý được nhiều nước ưa chuộng và đã thấy bán ở tận xứ Đông Ấn.


Đến thời Trần, đồ sứ phát triển thêm một bước mới, kiểu dáng khoẻ khoắn, men son nâu thanh thoát, giản dị chẳng những làm cho thương nhân nhiều nước ưa chuộng, mà ngay đến cả vua chúa triều Nguyên (Trung Quốc) cũng ưa dùng, muốn trong số những công vật của nhà Trần dâng cho "Thiên triều" phải có loại bát sứ. Loại hàng hoá thứ ba là lụa là, gấm vóc. Tuy tỷ trọng xuất khẩu không lớn, những đồ dệt của thợ thủ công kỷ nguyên Đại Việt khá đa dạng, kỹ thuật tinh tế, màu sắc rực rỡ đã làm cho thương nhân ngoại quốc rất ưu chuộng.


Vịnh Bái Tử Long cũng là nơi tưởng nhớ chiến công oai hùng của Trần Khánh Dư cùng 3 anh em họ Phạm, người xã Quan Lạn đánh tan đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên Mông - Trương Văn Hổ (1288). Ngoài ra, trên vịnh Bái Tử Long có các đền thờ nổi tiếng như: Đền Trần Quốc Tảng (còn gọi là đền Suốt), gần Cẩm Phả. Anh hùng Trần Quốc Tảng (tước Hưng Nhượng Vương) là con thứ ba của Đức ông Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, góp công rất lớn trong nhiều trận đánh quân Nguyên Mông. Ông còn là một nhà văn thơ khoáng đạt và một nhà tư tưởng sâu sắc về Thiền tông. Dân chúng ghi ơn và lập đền thờ; hàng năm đều mở hội kỷ niệm vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Đồn Tĩnh Hải, thành nhà Mạc (trên đảo Ngọc Vừng), đình Quan Lạn (trên đảo Quan Lạn), chùa 100 gian ở xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn - Quảng Ninh) là một trong những công trình kiến trúc lớn trên dải đất vùng Đông Bắc thuộc vịnh Bái Tử Long.
Logged
hqnd
Thành viên
*
Bài viết: 229


« Trả lời #39 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2022, 06:51:43 am »

Vịnh Bái Tử Long là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới.

Hệ sinh thái rạn san hô là một hệ sinh thái đa dạng nhất hành tinh và được ví như "rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển", nó chỉ phân bố ở vùng biển nông ven bờ. Đây là nơi sinh sống, đẻ trứng, ẩn náu, kiếm mồi cho rất nhiều loài hải sản. Hệ sinh thái rạn san hô còn có năng suất sinh học cao, là nguồn sản sinh ra hữu cơ, cung cấp thức ăn không chỉ cho chính nó, cho các sinh vật sống trong rạn mà còn có ý nghĩa cho toàn vùng biển. Vì vậy, đây là nơi lưu trữ nguồn gen của nhiều loài hải sản. Rạn san hô cũng là một hệ sinh thái rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường sống nên nó còn có ý nghĩa chỉ thị môi trường.


Các nhà khoa học đã thống kê được 106 loài san hô cứng thuộc 34 giống 12 họ phân bố chủ yếu tại khu vực Hòn Mang Khơi, Soi Mao, Đầu Cào, Đá Ấy, Nam Sậu Nam, phía Đông Ba Mùn... Các rạn san hô khu vực Bái Tử Long đều thuộc kiểu rạn không điển hình, rạn viền bờ ven đảo (island fringing reefs). Do đặc điểm là rạn hở chịu tác động mạnh của sóng và dòng chảy để lộ ra các tảng đá gốc lớn, địa hình đáy gồ ghề nên rạn thường hẹp. Có quan điểm cho rằng rạn san hô chỉ tồn tại ở những nơi có nhiệt độ trên 18°C, nhưng hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Bái Tử Long đã tồn tại trong điều kiện nhiệt độ có lúc xuống dưới 18°C và kéo dài tới hàng tháng trong 1 năm.


Sự phân bố mặt rộng của san hô phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, độ muối, địa hình và chế độ thủy động học. Do có nhiều đảo đất nên khu vực phía trong có nhiều trầm tích bùn, chất đáy là bùn cát và sỏi cuội nên không thích hợp cho san hô phát triển. Mặt khác khu vực này gần các cửa sông như Tiên Yên, Cửa Ông, nên vào mùa mưa lượng nước ngọt và bùn đất trên các đảo đổ xuống làm vẩn đục và ngọt hoá làm cho san hô không phát triển được. Sự phân bố theo độ sâu của san hô cứng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: địa hình (độ nghiêng, nền đáy, độ sâu,...) độ trong và cường độ thủy động lực. Nhưng quan trọng nhất là độ muối và độ trong của nước biển vì trong san hô có chứa hàng triệu tế bào tảo Zooxanthellae cộng sinh, nhờ năng lượng mặt trời tảo quang hợp tạo nguồn thức ăn rất quan trọng cho san hô và tăng sự vôi hoá. Do ảnh hưởng của độ đục cao, độ trong thấp nên san hô không vươn xuống sâu.


Tính đến thời điểm tháng 1 năm 2008, ở vịnh Bái Tử Long các nhà khoa học đã thống kê được 1.909 loài động, thực vật. Trong đó hệ sinh thái rừng có 1.028 loài, gồm các nhóm: thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Hệ sinh thái biển có 881 loài gồm: thực vật ngập mặn, rong biển, thực vật phù du, động vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, da gai, san hô, cá. Tổng số loài quý hiếm lên đến 60 loài, trong đó có 52 loài trong sách đỏ Việt Nam (1996); 10 loài có tên trong Nghị định 32/2006/CP-NĐ của Chính phủ quy định danh sách các loài động thực vật quý hiếm cần bảo vệ (NĐ 32) và 2 loài có tên trong cả 2 danh sách.


Thành phần loài động vật hoang dã trên đảo có: Lốp thú có 24 loài thuộc 13 họ, 6 bộ. Lớp chim có 71 loài thuộc 28 họ, 9 bộ. Lớp lưỡng cư có 15 loài thuộc 1 họ, 1 bộ. Lớp bò sát có 33 loài thuộc 12 họ, 2 bộ. Côn trùng bộ Cánh phấn (Lepidoptera) có 120 loài, thuộc 8 họ.


Nằm trong danh sách được đưa vào sách đỏ về động vật rừng có: Bồ câu nâu, báo gấm (Neofelis nebulosa), báo lửa, sơn dương (Capricornis sumatraensis), rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata), tắc kè (Gekko gekko), kỳ đà hoa (Varanus salvator), trăn đất (Python molurus), rắn ráo thường (Ptyas korros), rắn cạp nong (Bungaus fasciatus), rắn hổ mang (Naja naja), rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah)...


Vịnh Bái Tử Long có hệ thực vật khá phong phú và đa dạng. Hệ thực vật ở đây bao gồm 780 loài, 468 chi, 135 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó ngành Mộc lan (Magnoliphyta) chiếm đa số với 729 loài, 438 chi 114 họ. Ngành Dương xỉ (Podipidiophyta) với 16 họ, 24 chi, 45 loài. Hai ngành ít loài nhất là Lá thông (Psiliophyta) và ngành Thông đất, mỗi ngành chỉ gặp mỗi một họ, 1 chi, 1 loài. Ngành Thông (Polyphyta) có 3 họ, 4 chi, 4 loài.


Trong tổng số 135 họ thực vật có ở vịnh, số loài gặp trong mỗi họ có khác nhau. Có 31 họ mới gặp 1 loài, 32 họ có 3-4 loài, 28 họ có 5-9 loài và 24 họ có trên 10 loài. Hai họ có số lượng trên 40 loài là Rubiaceae (47 loài) và Euphorbiaceae (41 loài). Đây cũng là những họ có số chi và loài đa dạng nhất trong hệ thực vật Việt Nam.


Vịnh Bái Tử Long có 21 loài thực vật quý hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam (1996) và 10 loài có tên trong các phụ lục IA, IIA của Nghị định 32/2006/CP-NĐ của Chính phủ quy định danh sách các loài động, thực vật quý hiếm cần bảo vệ.


Nguồn tài nguyên cây có ích bao gồm: 431 loài cây thuốc, 126 loài cây cho gỗ, 44 loài cây cho quả và hạt ăn được, 33 loài cây làm rau ăn, 27 loài cây cho tinh dầu và dầu béo, 14 loài cây làm thức ăn cho gia súc.


Kết quả khảo sát điều tra cho thấy sự đa dạng về các loại động vật biển gồm 391 loài. Hầu hết các loại động vật biển ở đây đều là loài hải sản có giá trị knih tế cao và mang ý nghĩa khoa học rất lớn. Sự có mặt của ấu trùng sông phù du và sự có mặt của con non phản ánh chu kỳ khép kín của một vòng đời các loài hải sản. Sự tồn tại của hai dạng sống đồng thời này có được nhờ những hệ sinh thái biển thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, nó là nơi phân bố, phát sinh, lưu giữ nguồn sống. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như bào ngư, hải sâm, sá sùng, trai ong còn gọi là bò hải ngưu (Sirenia) thế giới đã đưa vào loài quý hiếm cần được bảo vệ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM