ĐIỂM ĐỘT PHÁ
Trích chương hai
Đường tới Điện Biên Phủ
1
Sáng ngày 5 tháng 8 năm 1950, đoàn nghiên cứu thực địa lên đường rất sớm. Sương mù dày đặc. Chúng tôi phóng ngựa trên con đường đá chưa có người qua lại. Đoàn khá đông. Ngoài tham mưu phó chiến dịch Phan Phác, trưởng phòng quân báo, phó văn phòng Bộ, còn có anh Lâm Kính, Tham mưu trưởng Đại đoàn 308, và anh Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn, anh Vũ Năng An, nhà nhiếp ảnh. Nhiều văn nghệ sĩ sớm có mặt ở chiến dịch. Anh Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị, đã đề nghị với Bộ cho hai văn nghệ sĩ cùng đi. Năm trước, Trần Đăng, một nhà văn trẻ rất có triển vọng của ta, đã hy sinh tại mặt trận này.
Mặt trời đứng bóng, chúng tôi tới đèo Mã Phục, ở đây có ngã ba Quảng Uyên - Trà Lĩnh - thị xã Cao Bằng. Đồng chí Quốc Trung, trưởng đài quan sát, đã đứng đón. Chúng tôi để ngựa lại, bỏ đường cái, bắt đầu đi theo đường rừng.
Trời không mưa, nhưng đường rất lầy lội. Trèo đèo, lội suối, qua nhiều khu rừng rậm rịt, mãi nửa buổi chiều mới tới một đỉnh núi ở ngoại vi thị xã Cao Bằng. Đài quan sát đặt tại đây với một kính viễn vọng có bội số quang học lớn. Trưởng đài nhắc mọi người chú ý ngụy trang, không đi lại, không đứng lố nhố, vì ngọn núi này nằm ngay cạnh sân bay, trong vòng lượn của máy bay. Tiểu đội bảo vệ nhanh chóng bố trí cảnh giới.
Tôi tới vị trí quan sát nhìn xuống phía dưới chỉ thấy một biển sương mù. Tôi hỏi trưởng đài:
- Từ đây tới thị xã bao xa?
- Báo cáo anh, khoảng 1.000 mét theo đường chim bay. Khi trời quang, nhìn thị xã bằng mẳt thường rất rõ. Ngọn núi này nằm ở phía đông thị xã.
Chúng tôi đứng chờ khá lâu. Chưa nhìn thấy chút bóng dáng thị xã. Tôi nói:
- Đi trinh sát thời tiết này có một ưu điểm: bảo đảm bí mật. Địch không thể nhìn thấy mình!
Mọi người đều mỉm cười. Tôi hỏi Quốc Trung:
- Phải chờ tới khi nào?
- Nếu trời có gió là nhìn rõ thị xã ngay.
Bỗng nghe tiếng hát và tiếng đàn từ đâu đây vọng lại rất gần. Quốc Trung nói:
- Đó là tiếng máy hát ở một đồn tiền tiêu.
Người chiến sĩ đứng gác máy quan sát bỗng quay lại nói:
- Trời bắt đầu có gió to. Sắp nhìn thấy thị xã.
Tôi trở lại vị trí đặt kính viễn vọng. Sương mù phía dưới đang trôi đi. Thung lũng hiện ra với những mỏm đồi đỏ loét, rồi vệt sáng lấp lánh ánh vàng của một con sông. Một người nói:
- Sông Bằng Giang!
Cả thị xã đã nằm trước mắt. Tôi đã nhiều lần qua lại Cao Bằng nhưng lúc này nhìn từ trên cao, qua kính viễn vọng, Cao Bằng rất khác.
Hai con sông Bằng và sông Hiến như đôi cánh tay ôm vòng lấy ba mặt thị xã. Những đường phố hầu như nguyên vẹn với hai dãy nhà quét vôi trẳng và nhựng hàng cây xanh. Một chiếc Dakota nằm trên sân bay dưới chân núi, bên tả ngạn sông Bằng. Nổi bật lên ở một góc thị xã là tòa thành cũ, bộ đội thường gọi là pháo đài, có tường cao và dày bao bọc. Cái tôi mới nhìn thấy lần đầu là ngoài hai con sông, còn có một hệ thống những đồn tiền tiêu địch đã xây dựng trên những quả đồi bao quanh thị xã. Màu đỏ ối của những vị trí này và những hàng rào dây thép gai như dập vào mắt. Tôi lần lượt đếm được 15 vị trí.
Đồng chí Phan Phác bước lại đứng bên tôi, trỏ con đường số 4 nằm quanh co bên sườn núi chạy vào thị xã, sân bay Nà Cạn, chiếc cầu màu đen nằm vắt ngang sông Bằng. Đây là một trục đường mà quân ta có thể tiến vào thị xã. Anh lại trỏ tiếp lần lượt từ trái qua phải, pháo đài Cao Bằng, trại lính lê dương, trại lính ngụy, phố xá, cổng ra vào thị xã, trụ sở ngụy quyền.
Tôi hỏi đồng chí Cao Pha, trưởng phòng quân báo:
- Trinh sát của ta đã vào tới sân bay và bờ sông chưa?
Tổ trưởng trinh sát báo cáo đã cho hai trinh sát viên hai lần lợi dụng ban đêm tiềm nhập nhưng đều nhưa tới được sân bay và bờ sông, vì cách sân bay 500 mét địch đã lập một hệ thống đồn bốt ngăn chặn, ngày đêm có quân cảnh lê dương đi tuần tra.
Tôi quay lại hỏi tiếp Phan Phác:
- Đồng chí đã trực tiếp quan sát phía nam pháo đài và phía tây thị xã lần nào chưa?
- Tôi đã hai lần đến thực địa quan sát cả hai phía ấy. Ở phía tây thị xã, địa hình và cách bố phòng của địch cũng như hướng này, có sông, có công sự kiên cố và chướng ngại vật vững chắc, ở phía nam thi có thành dựng đứng với nhiều lỗ châu mai, hai bên đều có lô cốt và tháp canh, bên ngoài là bãi trống bằng phẳng, chằng chịt dây thép gai. Ở cả hai hướng này, đường từ ngoài đi vào thị xã có nhiều đồi trọc nối tiếp nhau.
Tôi lần lượt quan sát từng vị trí, hỏi kỹ số lượng và thành phần binh lính, cách bố phòng, những con đường bộ đội có thể tiến vào, thử hình dung những khó khăn mà các mũi sẽ gặp trên thực địa, và nghĩ xem có thể vượt qua bằng cách nào.
Tôi đã hiểu vì sao bộ chỉ huy Pháp chưa chịu rút quân khỏi Cao Bằng. Với một vị trí được phòng thủ như thế này, địch chưa phải lo ngại một cuộc tiến công của ta.
Đèn ở thị xã đã bật sáng.
Đồng chí trưởng đài quan sát nhắc tôi ra về vì mùa này ban đêm hay mưa. Chúng tôi chợt nhớ ra khi đi không ai đem theo áo mưa.
Trời tối rất nhanh, và bắt đầu mưa lâm thâm. Xuống tới lưng chừng núi thì mưa như trút. Quốc Trung đề nghị vào lán của tổ trinh sát nghỉ tạm, chờ tạnh mưa sẽ đi tiếp.
Chiếc lán quá chật. Anh em bảo vệ đều phải đứng ngoài. Mưa vẫn không hề ngớt. Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 7 giờ tối, tôi quyết định cứ đi tiếp.
Các chiến sĩ bảo vệ đốt hai bó đuốc. Nhưng đi được một quãng thì hai bó đuốc đều tắt ngấm. Không còn nhìn thấy lối đi. Chúng tôi mỗi người cài lên mũ một mảnh tre mục để người đi sau nhận ra người đi trước qua những đốm sáng lân tinh. Người chiến sĩ dẫn đường quyết định đi lần theo dòng nước từ trên núi đổ xuống. Cuối cùng, xuống tới chân núi, chúng tôi gặp lại con suối đã đưa tới đây. Đã nhận ra đường về. Nhưng dòng suối không còn êm đềm nên thơ như buổi sáng. Nó trở nên hung dữ. Nước chảy xiết. Lòng suối lổn nhổn đá đầy rêu trơn. Mọi người đều ngã lên ngã xuống. Riêng tôi ngã nhiều nhất. Không phải vì tôi chưa quen lội suối; sáng nay, đồng chí cần vụ khuyên tôi nên đi giày da để chống gai. Có lần ngã nước ngập tới thắt lưng.
Chúng tôi bì bõm hết lội suối lại lội bùn suốt đêm trong rừng. Quần áo ướt sũng. Gần sáng ghé vào một bản bỏ hoang nghỉ tạm. Đồng bào ở đây đã rời đi nơi khác. Các chiến sĩ kiếm củi nhen một đống lửa. Chúng tôi đều cởi quần áo, vắt cho hết nước rồi hong trên lửa. Cả đoàn công tác ngồi kín ngôi nhà sàn. Chưa lần nào có cuộc đi trinh sát đông đảo thành phần như lần này! Tôi nói với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:
- Ngày hôm nay, trong bulletin của nó chắc lại nhận xét: Không có hiện tượng gì đáng kể chung quanh Cao Bằng!
Tác giả "Vũ Như Tô" nở một nụ cười dễ thương.
Sau chuyến đi trinh sát, mọi người có vẻ trầm ngâm. Tôi nói tiếp:
- Không chuẩn bị kỹ không bảo đảm thắng lợi!
Trời sáng, khi trở về Trà Lĩnh, chúng tôi đã có được bộ quân phục khô ráo.
Người và ngựa lại rong ruổi trên con đường về Quảng Uyên.
Tôi nói với các đồng chí Phan Phác, Lâm Kính trước khi chia tay:
- Chuyến đi trinh sát lần này vất vả một chút, nhưng rất hữu ích: thấy rõ thực địa, nắm được thực chất!
Cùng thời gian này, chỉ huy trưởng các trung đoàn cũng đi trinh sát thực địa.