Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:22:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Sở Công an Bắc Bộ ra đi  (Đọc 3704 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:49:11 am »

12. Giới tuyến Hiền Lương, những năm dài chia cắt Bắc - Nam

Thế là tôi đơn thương, độc mã lên đường vào giới tuyến khu phi quân sự. Sau hai ngày rong ruổi trên xe ô tô, tồi đã đặt chân xuống Hồ Xá, nơi cuối cùng của mọi hành khách đi xe. Còn từ Hồ Xá đến cầu Hiền Lương dài 5 km là khu phi quân sự...


Tối hôm ấy, sau khi cơm nước xong, tôi ngồi nói chuyện với đồng chí trưởng ty Công an Vĩnh Linh ở ngoài sân. Tuy mới là cuối xuân, ngoài Bắc vẫn còn mặc áo len cộc tay, nhưng ở đây trời nắng nóng và lác đác có nơi đã gặt lúa xuân chín vàng.

- Đồng chí là người đầu tiên của Bộ vào giới tuyến đấy, đồng chí có yêu cầu gì không?

- Tôi đề nghị được đi dọc giới tuyến theo con sông Hiền Lương, nhưng không biết có được ở lại thời gian dài không!

- Yêu cầu của đồng chí không có gì khó để giải quyết, nhưng còn tuỳ thuộc vào sức khoẻ và sự chịu đựng của đồng chí...

- Tôi được ủy nhiệm công tác vào giới tuyến chính là để thấy rõ được những thử thách lớn lao mà các đồng chí công an vũ trang phải chịu đựng khi giáp mặt hàng ngày với quân thù...

- Thế thì tốt! Tôi sẽ điện xuống đồn ở đầu cầu Hiền Lương để đón tiếp đồng chí... Đón tiếp không phải là bày vẽ chuyện ăn uống đâu vì anh em cũng sống kham khổ lắm mà là vì cần có sự bảo vệ chu đáo cho đồng chí đi đến các đồn Công an vũ trang dọc giới tuyến, vì đi ra khỏi đồn cần có hai người, đề phòng địch sát hại hay bắt cóc...

- Tôi rõ rồi và cũng chuẩn bị tư tưởng trước lúc lên đường vào đây... Còn một việc nữa là sắp đến ngày bầu cử Hội đồng nhân dân, tôi muốn được làm nhiệm vụ công dân thì đi bỏ phiếu ở đâu?

- Cách đồn Cửa Tùng vài cây số là nơi bỏ phiếu cho cả vùng giới tuyến phía hạ lưu sông Hiền Lương. Đồng chí thu xếp thời gian đi thăm đồn công an vũ trang ở Cửa Tùng vào giáp ngày bỏ phiếu là tiện nhất...


Sáng hôm sau, chiếc xe mô tô ba bánh đưa tôi vào khu phi quân sự. Tôi thấy ở thùng xe là một đống vải cờ chất đầy, cao...

- Sao đem nhiều cờ thế?

- Có đâu! Đây là một lá cờ thôi đấy, rộng gần 100 mét vuông và chỉ trong vòng dăm bảy ngày lại phải đem cờ đi vá vì nơi đây gió thổi suốt ngày như cơn bão nhỏ, nên chẳng có thứ vải nào chịu đựng được quá tuần lễ...


Xe đi trên đường nhựa phẳng, thấp ngang với mặt ruộng. Tôi thấy khu phi quân sự vắng lặng, mặc dầu đồng lúa vẫn xanh bát ngát, nhưng chỉ thấy sự cô đơn im lìm vì không có bóng người nào đi trên đường và đồng ruộng... Một sự hoang vắng đến lạnh lùng!


Xe đến đồn công an vũ trang đầu cầu Hiền Lương chi mất vài phút. Một ngôi nhà gạch đơn sơ như kiểu một trạm bưu điện ở một huyện nhỏ. Xung quanh đồn là vườn rau, chuối, đu đủ... um tùm. Đồn nằm ở bên trái con đường, bên phải là cột cờ xây trên bệ xi măng cao mấy lớp. Đầu cầu là chiếc cổng chào bằng gạch, trên nóc có hình quốc huy của Việt Nam dân chủ cộng hòa và mấy lá cờ xanh đỏ trang trí...


Tôi vào đồn gặp đồng chí đồn trưởng tươi cười đón tiếp tôi. Qua những câu chuyện tỏi được biết các đồng chí công an vũ trang đóng dọc giới tuyến đều là bộ đội đã chiến thắng giặc Pháp ở các chiến trường chuyển sang làm công an vũ trang. Theo yêu cầu của nhiệm vụ mới cần coi trọng phẩm chất chính trị và tinh thần kiên trì, vững vàng đấu tranh với địch, nên các đồng chí đều tự nguyện (trên hình thức) hạ cấp bậc của mình xuống như: đại uý tiểu đoàn trưởng lại đeo quân hàm thiếu uý hay thượng sĩ làm đại đội trưởng hay trung đội trưởng. Đa số các đồng chí ở đây là người ở Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình hay Quảng Trị. Trông đồng chí nào cũng có nước da đen xạm, khuôn mặt xương xẩu, góc cạnh, thái độ trầm tĩnh... tỏ rõ sự gan góc, bền bỉ...


Theo hiệp định Genève thì trong khu phi quân sự hai bên chỉ được đặt đồn công an (bờ Bắc) và cảnh sát (bờ Nam) cách nhau từng quãng độ hơn 1 km. Bên này có đồn công an như cái điếm canh đê, thì bên kia cũng có đồn của cảnh sát nguỵ. Lực lượng hai bên bờ không được trang bị súng máy, ngoài súng trường để làm nhiệm vụ bình thường... Đấy là trên giấy tờ, còn thực tế thì bên nào cũng giấu súng liên thanh hay trọng liên. Đồn công an và cảnh sát ở hai bờ không được đắp công sự chiến đấu... Nhưng sau này trên đường đi từ đồn này sang đồn khác, tôi vẫn thấy những con hào chạy ngoằn nghèo trên các cánh ruộng với cái cớ: dân đào mương dẫn nước tưới ruộng..., nên ủy ban quốc tế không nói vào đâu được. Dưới lòng sông, nước vỗ ì oạp vào bờ, chiếc canô của ủy ban quốc tế sơn màu trắng nổ máy đi chầm chậm làm nhiệm vụ giám sát cả hai bên, trông thanh bình như chiếc canô du lịch.


Cơm nước buổi trưa xong, gọi là cơm chứ chỉ là gạo lốc đỏ trồng ở nương cạn, muối vừng và rau vườn nhà là chủ yếu, tôi theo một chiến sĩ bước lên cầu mà lòng cứ nao nao một tâm trạng khó tả...

Cây cầu gỗ dài gần 100 mét, hai bên thành cầu cũng là lan can bằng gỗ. Sàn cầu bắc ván gỗ, đóng đinh, ghép vào nhau... Một chiếc cầu đơn sơ như ở một vùng quê thanh bình ngoài Bắc, nhưng bao trùm lên khu vực này là sự nguy hiểm của chết chóc. Đồng chí đồn trưởng dặn tôi cẩn thận: "Đồng chí cùng với chiến sĩ gác đầu cầu có thể đi suốt chiều dài cây cầu, nhưng không được đặt chân xuống đất liền bên bờ Nam, địch sẽ nổ súng bắn ngay... Trên cầu, đồng chí sẽ gặp bọn cảnh sát nguỵ, có thể chuyện trò với nó nhưng luôn nhớ là mọi câu chuyện đều phải cảnh giác với âm mưu khiêu khích của chúng và luôn nắm vững tư tưởng đấu tranh bằng chính trị với chúng theo cách ôn hoà. Bọn cảnh sát ở bờ Nam đều là những lính dù, lính thủy đánh bộ và các sắc lính khác, khoác áo cảnh sát. Chúng đều là những dân công giáo toàn tòng ở Bùi Chu, Phát Diệm, di cư vào Nam năm 1954, khét tiếng về chống cộng đến cùng..."

- Tôi có phải cải trang như các đồng chí công an vũ trang không?

- Không cần! Chúng nó sẽ nhận ra ngay là đồng chí mới vào đây, suốt mấy năm giáp mặt với nhau hai bên đã thuộc làu hình dáng từng người của nhau rồi...

Tôi đi cùng với một chiến sĩ gác và được biết đồng chí ấy đã là đại đội phó của một đơn vị sư 354. Hai chúng tôi không mang súng ung dung bước lên cầu. Ở phía đầu cầu bên kia, ngay lập tức cũng có một tên cảnh sát nguỵ hấp tấp đến đón gặp chúng tôi. Hai bên chào nhau bình thường. Tôi chưa kịp nói gì thì tên cảnh sát nguỵ đã hỏi ngay: "Anh mới ở Hà Nội vào đây?"

- Phải... Tôi muốn được xem cây cầu của đất nước, nhưng lại là ranh giới chia cắt hai miền Bắc - Nam.

Tên cảnh sát nguỵ cười nhạt:

- Điều ấy các anh biết rõ hơn tôi vì đấy là thái độ của miền Bắc.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:49:50 am »

Đồng chí công an vũ trang khẽ bấm vào tay tôi nên tôi không đáp lại câu nói đó của tên cảnh sát nguỵ, mà chỉ thong thả đếm bước đi trên từng tấm ván của cây cầu. Tên cảnh sát nguỵ đi sau nói nhỏ gì với đồng chí công an vũ trang. Khi đến chỗ ranh giới cây cầu và đất liền, tôi dừng lại, đứng ngắm sang bờ Nam. Đồn cảnh sát nguỵ lại đóng ở phía bên phải con đường nhựa, bên trái là chiếc lô cốt cũ của Pháp để lại, trên nóc dựng cột cờ có treo cờ vàng ba màu sọc đỏ. Đồn công an và cột cờ của ta và của nguỵ xếp ngược vị trí của nhau. Tôi nhìn xuống sân đồn cảnh sát thấy hai cô gái phốp pháp, mặc quần áo hở hang lằn từng ngấn mỡ, đeo kính đen, ngồi trên ghế tựa, kê dưới gốc cây dừa, cứ lặng im nhìn sang bờ Bắc...

- Hai cô gái kia là người thế nào và cứ ngồi ở đấy làm gì?

- Người nhà, em gái của anh em trong đồn ở Quảng Trị ra chơi, mai mốt lại về. Bên chúng tôi, anh em được đưa vợ con và gia đình ra thăm thoải mái... để giải quyết tình cảm đỡ khô khan...

Hắn ngừng nói và cười mỉm như muốn nói tiếp câu: "Không như cộng sản có trái tim bằng đá đến lạnh lùng..." mà tôi nghe bọn nguỵ quyền miền Nam thường rêu rao...

- Anh ở Hà Nội vào chắc biết hồ Hoàn Kiếm sâu đến không thấy được đáy...

Tôi cười, ý nhị đáp lại:

- Hồ ở Hà Nội cũng như mọi hồ trên đất nước Việt Nam, không có hồ nào là không có đáy... Ngay đến đại dương cũng còn có đáy sâu... duy chỉ có lòng người là không có đáy mà thôi!

Cả ba cùng cười về càu nói của tôi... Tôi liền chủ động chào hắn rồi quay về.

Vào trong nhà đồng chí đồn trưởng nói ngay: "Đồng chí tận mắt chứng kiến cây cầu lịch sử rồi đấy, nhưng mới thấy được hiện trạng bây giờ. Còn mấy năm về trước, ngoài việc đấu tranh ngầm với nhau về cột cờ thì quanh cây cầu cũng xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Lúc đầu khi mới đóng vị trí, bọn chúng còn sơn cây cầu màu vàng tượng trưng cho nền lá cờ của chúng, nhưng chỉ sơn một nửa cầu theo phần quản lý của chúng. Ta không muốn để cho bản thân cây cầu phải chia cắt nên cũng xin trên cung cấp sơn màu vàng sơn nốt phần còn lại bên bờ Bắc để tỏ ra cây cầu vẫn là thống nhất... Được ít lâu địch lại sơn nửa phần cầu của chúng thành màu đỏ. Ta lại cũng thay đổi sơn màu đỏ ở phần cầu bên bờ Bắc. Tiếp sau, địch lại sơn màu xanh lá cây, ta cũng lại sơn màu như vậy... Lâu dần nước sơn không chịu được nắng gió vùng giới tuyến nên bạc và bong dần. Địch thôi không sơn lại cầu, ta cũng ngừng đấu tranh theo cách đó... Và bây giờ, cây cầu không có người đi lại và không được tu sửa nên lan can thành cầu đã nứt nẻ, ván đã long đinh... Ta cũng có sửa nhưng việc được cấp vật liệu kéo dài thời gian nên các ván cầu chỉ được đóng đinh tạm... nên đồng chí thấy ván cầu thưa thớt nhìn rõ cả dòng nước chảy...


Đấy là chuyện cây cầu, còn chuyện cột cờ cũng đã diễn ra sự ganh đua quyết liệt như vậy.

Tôi ở lại đồn công an đầu cầu hai ngày để ghi tài liệu về mọi vấn đề cần thiết, rồi lại đi tiếp xuôi dòng sông về đồn Cửa Tùng.

Đồn Cửa Tùng là nơi duy nhất hai bên trao đổi người sang bờ Bắc và Nam cùng nhau làm nhiệm vụ kiểm soát thuyền bè ra biển...

Đồn Công an vũ trang đóng ở ngôi biệt thự trước đây là nơi nghi mát của Bảo Đại. Đồn nằm bên bờ Bắc cao hơn đồn bên bờ Nam đóng trong bãi cát trắng dưới rặng phi lao của làng Cát Sen. Từ sân đồn có đường mòn xuống sâu độ hơn 10 mét là bãi cát trắng xoá, rồi đến dòng sông xanh cuồn cuộn sóng chảy ra biển khơi. Ven sông có vài chiếc thuyền buồm neo đậu ở bờ Bắc để công an vũ trang và cảnh sát nguỵ xuống kiểm tra giấy tờ, các chất nổ, vũ khí... Dòng sông Hiền Lương đổ ra biển chỗ này có hai nhánh, ở giữa nổi lên một cồn cát trắng hẹp. Đồn có hai lớp nhà ngói một tầng gồm nhiều phòng rộng và dãy nhà ăn, nhà vệ sinh. Một phòng lớn được dành cho tiểu đội cảnh sát nguỵ sang bờ Bắc làm nhiệm vụ, kê những chiếc giường cá nhân, có màn, chiếu, bàn để sách báo, bàn nước... Bên cạnh là phòng rộng có ba gian làm phòng ăn và kê bàn bóng cho cảnh sát nguỵ giải trí... Tôi đi qua phòng, ghé mắt nhìn vào thấy chúng cởi trần đang nằm nghêu ngao ca vọng cổ, không trò chuyện gì với chúng. Đồng chí đồn trưởng Cửa Tùng cho tôi biết:

"Mình đối xử với chúng không hẹp hòi gì, bố trí cho chúng nơi ăn nghỉ thoải mái, nơi vui chơi đàng hoàng cũng như các chiến sĩ của mình. Nhưng lúc đầu ta sang làm nhiệm vụ bên bờ Nam Cát Sơn, chúng đê tiện cất ngôi nhà nhỏ thấp lè tè ngay giữa trảng cát nóng như thiêu, như đốt, cửa ra vào, cửa sổ trống toang hoác, không có cánh cửa che. Ban ngày hơi nóng phả vào như rang người, trên mái cái nóng đổ xuống như một lò nung, làm anh em rất mệt. Đêm ngủ sợ cửa trống nên chỉ dám thay phiên nhau ngủ 1/3 quân số, còn 2/3 phải thức gác từ xa ở mọi ngả đề phòng địch manh động. Ta kiên trì đấu tranh với chúng, đưa ra đủ lý lẽ và sự thực điều kiện mà bọn chúng được hưởng ở đồn Công an vũ trang bên bờ Bắc... Mãi sau chúng phải lắp cánh cửa, nhưng vẫn không chịu rời vị trí vào dưới rặng phi lao nơi đồn của chúng được xây dựng khang trang, mát mẻ... Qua đấu tranh hàng năm trời nay chúng đã phải rời nơi ở của anh em mình vào dưới rặng phi lao, nhưng lại khoanh vùng không cho nhân dân bên bờ Nam được gần gũi chúng ta..."


Ngày hôm sau, đúng phiên tiểu đội công an vũ trang của ta sang làm nhiệm vụ bên bờ Nam, tôi đề nghị đồng chí đồn trưởng bố trí cho tôi cũng mặc quân phục như anh em, bổ sung vào quân số sang bên bờ Nam làm nhiệm vụ. Đồn trưởng ngần ngừ, tôi thấy là không tiện vì lỡ ra có thể gây thêm những chuyện phiền phức khác nên đã rút lời đề nghị của mình. Khi anh em chống thuyền sang bờ Nam, tôi mượn ống nhòm ngồi nấp sau bụi cây quan sát mới thấy sáng sớm, mặt trời ngoài biển Đông vừa ló, quét ánh sáng vàng rực lên dòng sông, mặt biển, bên bờ Nam đã có toán đông nhân dân ăn mặc đủ kiểu, nam thì âu phục hay áo quần dài, khăn xếp, nử mặc áo dài hay váv thướt tha... nhưng họ đều ăn mặc đẹp như người đi du lịch. Họ đang đứng tụ tập gần sát mép sông nhìn sang bờ Bắc. Đồng chí đồn trưởng bảo tôi: "Ngày nào cũng như vậy. Ngày chủ nhật thì đông hơn có tới trăm người. Đấy là nhân dân muốn ngắm nhìn các chiến sĩ bên bờ Bắc sang làm nhiệm vụ và cũng để hướng về miền Bắc với ẩn sâu một ý nghĩ mong chờ đất nước thống nhất. Nhưng trong số đó cũng có bọn mật thám nguỵ trà trộn, tuyên truyền nói xấu chế độ cộng sản bên bờ Bắc và gán cho các chiến sĩ của ta đủ mọi tính tàn ác xấu xa...
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:50:40 am »

Qua ống nhòm tôi thấy khi tiểu đội chiến sĩ của ta cắm thuyền lên bờ thì toán người cứ lui dần vào sâu, lúc nào cũng giữ một khoảng cách xa với tiểu đội Công an vũ trang, cho đến khi mọi người khuất vào rặng phi lao ở Cát Sơn... Tôi ở Đồn Cửa Tùng hai hôm, cũng để chờ ngày đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân. Đến gần 10 giờ, có chị dân quân mặc quần áo đểu là màu đen, thắt lưng bao đạn, mang khẩu AK, chân đất trần trụi, vào đồn tươi cười chào hỏi các chiến sĩ. Tôi hỏi ra mới biết chị dân quân được ban tổ chức bầu cử cử đến đồn để đón tôi về địa điểm bỏ phiếu. Đường đi ở đồi thoai thoải, cao hơn mặt biển, dưới chân là bãi cát trắng đến loá mắt, mặt biển xanh màu ngọc bích, cuộn những đợt sóng bạc đầu ầm ầm xô vào bờ cát, rồi lại nhẹ nhàng tan ra êm dịu... Con đường đất đỏ lắm bụi, nắng chang chang, không một bóng cây, hai bên là những mảnh ruộng nương, xung quanh là những bụi dứa dại cao tới 2-3 mét và những bụi cây xấu hổ um tùm gai góc tua tủa... Cảnh vật lặng lẽ, im lìm dưới sức nóng của mặt trời đang đổ lửa xuống vùng cát. Tôi hỏi chuyện chị dân quân:

- Đường đồi vắng vẻ như thế này, bụi cây lại rậm rạp, có sợ bọn biệt kích nguỵ lần sang không?

- Ban ngày chúng không thể mò sang đây được vì có những con mắt cảnh giác của mọi người dân và cả ngư dân đang đánh cá trên biển... Nhưng ban đêm thì chúng em đi tuần tra liên tục. Nếu có tên biệt kích nào lọt được vào đất liền mà cứ nấp lủi ở bờ bụi thì làm được việc gì... Còn nếu chúng lộ mặt ra hay có âm mưu phá hoại khó lọt qua được con mắt cảnh giác của nhân dân. Họ lặng lẽ làm việc trên những cánh bãi, nhưng nếu anh thử một mình đi vào đường ngang, lối tắt thì thế nào cũng có người chặn anh lại để xét hỏi... Chính vì thế nên em được giao nhiệm vụ đi đón anh về địa điểm bỏ phiếu đấy...

Trên chặng đường dài vài cây số, nói chuyện với chị dân quân tôi càng hiểu thêm sức chịu đựng về tinh thần, lòng kiên nhẫn bám đất, bám biển, tinh thần cảnh giác của nhân dân trong khu phi quân sự là thế nào!


Đến nơi bỏ phiếu xong, tôi trò chuyện với nhân dân một lúc rồi lại cùng chị dân quân quay trở lại Đồn Cửa Tùng. Chị dân quân đưa tôi về tới đơn vị mới quay trở lại.

Hôm sau tôi được một chiến sĩ công an vũ trang đưa đi theo dọc sông trở về đồn đầu cầu. Lúc qua làng Cát Quế nằm ngay sát bờ sông, đồng chí đưa tôi vào một nhà dân bên rìa dòng sông, nước vỗ oàm oạp vào bụi cây ô rô và dừa nước. Có lúc nước bắn tung toé cả vào trong sân gạch.


Tôi hỏi ông chủ nhà: Như thế này có sợ ngập lụt không? Ông cho biết: "Ở đây gần biển nên nếu có lũ đổ về cũng rót vào biển vô tận nên nước chỉ mấp mé bên sân mà thôi." Qua hàng cây ô rô tôi lại nhìn thấy chiếc ca nô sơn màu trắng đang lướt trên sông như kiểu đi du lịch, tiếp sau là mấy cánh buồm cưỡi sóng ào ào lướt qua trước cửa nhà.

- Thuyền của ngư dân miền Bắc ra khơi đấy! Họ chỉ được phép đi sát mé sông bên bờ Bắc. Nếu vô ý láng qua bên kia là bị tụi cảnh sát nổ súng bắn liền...

- Chúng nó thường xuyên nổ súng sang bên này không?

- Mấy năm trước thì thường xuyên... Nhưng đến nay cũng đỡ rồi. Tuy thế chúng tôi vẫn luôn canh phòng dè chừng...

Đồng chí công an vũ trang cũng cho tôi biết: "Mấy hôm đồng chí ở Đồn Cửa Tùng, bọn cảnh sát nguỵ đã kháo nhau là có cán bộ công an ngoài Bắc vào dò xét khu giới tuyến... Chắc chắn chúng đã loan báo cho các đồn của chúng dọc bờ Nam theo dõi đồng chí đấy! Chúng ta cần cảnh giác..."

- Chúng ta cứ bất ngờ ra đi thì chúng cũng khó theo dõi...

Đồn Công an vũ trang đóng ngay ở đầu làng Cát Quế bên mấy gốc đa cổ thụ. Khi hai chúng tôi vừa ra khỏi đồn độ hơn 100 mét, tôi bỗng giật mình vì có tràng súng máy nổ, luồng đạn bay vút trên đầu. Đồng chí công an vội kéo tôi nhảy xuống con hào bên đường. Chúng tôi nghé mắt nhìn sang đồn bên bờ Nam thấy mấy tên cảnh sát nguỵ nằm phục sau khẩu súng liên thanh đặt ở giữa sân đồn, đang thay băng đạn...


Cùng lúc đó bên này sông rộ lên tiếng súng trọng liên 12,7 ly bắn vào bờ tường, cánh cửa bên đồn nguỵ làm vôi vữa bay tứ tung. Mấy tên cảnh sát nguỵ lồm cồm bò vào trong nhà. Khi bên ta im tiếng súng, chúng cho một đứa trẻ chạy ra sân, buộc dây vào càng súng để chúng kéo vào nhà. Đứa trẻ lại nhớn nhác chạy ra nhặt lấy băng đạn còn rơi ở ngoài sân. Bên ta cũng chỉ bắn cảnh cáo chúng mà thôi. Tiếng súng của hai bên nổ vang động cả khúc sông hẹp yên tĩnh... Tôi cứ nghĩ là sẽ có canô của Ủy ban quốc tế đến ngay bây giờ... Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy gì... Khi vừa nghe tiếng nổ, canô đã vội tăng tốc lỉnh mất vì họ cũng chẳng dại gì lao đầu vào họng súng của hai bên. Còn chuyện kiểm soát súng máy thì ai hơi đâu làm việc đó, nên thực chất sự có mặt của nhân viên quốc tế ở trên dòng sông giới tuyến chỉ là hình thức, còn hành động của hai bên là tuỳ thuộc vào tình hình...


Về đến đồn đầu cầu, đồng chí đồn trưởng đã được tin này, ra đón tôi, cười hỏi: "Chúng nổ súng tiễn anh đấy. Bên ta cũng phải đáp lễ lại cho sòng phẳng..." Thấy cách nói đùa vui của đồng chí tỏi hiểu ngay được những sự việc địch khiêu khích như vậy là chẳng đáng kể gì, cũng không làm cho các đồng chí phải quan tâm.

- Bây giờ đồng chí định đi đến đồn nào nữa?

- Thời gian còn sớm, đề nghị đồng chí cho tôi đến một đồn phía trên thượng nguồn dòng Hiền Lương...

- Đồng chí sẽ đến đồn ngay cạnh đây cách độ vài cây số.

Và thế là một đồng chí công an lại mang theo súng đưa tôi đến đồn mới. Đồn này nằm ở ngôi làng trù phú, cây cối xum xuê ngay trên đường sát mép sông. Đoạn sông này đã hẹp dần, đứng bên bờ này hét to có thể bcn kia nghe thấy được. Đồn cảnh sát nguỵ cũng đóng trên vùng đất rộng, nhà cửa san sát ngay ở giữa làng. Trước kia chắc chắn dân làng hai bên sông thường qua lại thăm hỏi nhau, buôn bán, trao đổi tâm tình ngõ xóm, tình làng... Nhưng bây giờ dân làng hai bên đành phải tạm gác những tình cảm lâu đời và làm mặt giả ngơ với mọi diễn biến của bên kia. Làng bên bờ Bắc đã quay hướng mặt trông vào đất Hồ Xá, lưng quay lại bờ sông...


Thoạt vừa đến, tôi choáng tai vì tiếng loa quá cỡ bên kia sông cứ oang oang, lải nhải nói đủ thứ chuyện bà rằn trên đời... Ngay sát mé nước ba bốn chiếc loa đặt dưới đất, miệng loa to như cái nia, đang gào lên những câu vọng cổ rẻ tiền và những lời xuyên tạc chế độ miền Bắc.


Đồng chí công an đưa ngay tôi vào trong nhà, có lẽ để tránh những con mắt cú vọ luôn rình mò bên đồn cảnh sát nguỵ, rồi anh dặn tôi:

- Ở đồn này nguy hiểm hơn các đồn phía hạ lưu sông Hiền Lương, vì dòng sông hẹp, chỉ rộng độ 30-40, mét hai bên đều quan sát được mọi động tĩnh của nhau, vì thế đồng chí không nên ló mặt ra ngoài. Nếu muốn quan sát, cứ đứng sau cánh cửa nhìn sang rõ mồn một.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #63 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:51:31 am »

Suốt ngày hôm ấy hai tai tôi cứ lùng bùng âm vang một thứ tiếng động quái gở. Loa bên chúng công suất lớn, dòng sông hẹp, hai bờ thẳng đứng cùng cộng hưởng làm tiếng loa ầm ầm như cuộc náo loạn của đất trời thời hỗn mang. Lúc đầu tôi còn nghe được chúng đang nói dự báo thời tiết theo kiểu tự sáng chế: "Hôm nay trời nắng nóng. Buổi tối có thể có mưa vì chuồn chuồn bay thấp... Nhiệt độ lên tới 37-38 độ..." Tin thời sự cũng kiểu phóng tác nói về mặt trận này, nọ quân của Chính phủ Cộng hoà đã tiêu diệt hết Cộng quân và thu nhiều súng đạn... Nếu cứ theo tin của chúng thì quân giải phóng miền Nam đã không còn đủ sức chống lại được chúng mà như chúng nói "bây giờ Cộng quân chỉ như đám giặc cỏ lẩn trốn sự trừng phạt..."


Đến quá trưa, khi cơm nước xong thì hai tai tôi đã ù đặc, chỉ còn lùng bùng những tiếng rú, tiếng la hét như kẻ động kinh, rồi tiếp đến là những bài ca vọng cổ của mấy đứa con gái trong tổ chức Phượng Hoàng, đứng õng ẹo, cầm micro, mặc áo ba mảnh, thân hình béo mũm mĩm, hát và làm những điệu bộ khêu gợi hướng sang bờ Bắc...


Hình như đến gần chiều thì chính chúng nó cũng thấy mệt nên ngừng nói vào loa và đến lúc đó tôi mới có thể chuyện trò được với các đồng chí trong đồn...

- Ngày nào chúng cũng nói như thế này hay sao?

- Ngày nào cũng thế! Có hôm từ sáng sớm cho đến tối mịt. Lúc đầu chúng tôi cũng nhức đầu không chịu đựng được tiếng ồn và những lời chúng nói láo về chế độ miền Bắc, có khi còn xúc phạm cả những lãnh tụ của ta... Nhưng mãi rồi cũng quen dần. Tuy thế lúc chúng mở loa to thì chúng tôi bàn công việc gì đều phải viết ra giấy để trao đổi với nhau. Anh ở đây chỉ vài ngày có thể sụt ba bốn cân đấy vì mất ngủ, thần kinh bị căng thẳng với chúng...

Đến gần 5 giờ chiều tiếng loa của chúng lại ậm oẹ một, hai, ba, rồi "xin đồng bào bờ Bắc lắng nghe tin thời sự mà chúng tôi vừa nhận được từ Sài Gòn điện ra..."

Lúc xẩm tối là chương trình ca nhạc... xen trong tiếng loa ầm ầm của chúng thoảng theo chiều gió tôi nghe loáng thoáng tiếng nói nhẹ nhàng của cô gái vùng Quảng Trị, lúc rõ, lúc không nói trên đài truyền thanh đặt ở Hồ Xá...

- Loa của ta đặt ở đâu thế?

- Nếu đặt ở bờ sông thì không sao nghe được câu gì, vì thế ta phải đặt loa trên cột cao, lui sâu vào trong đất liền. Mỗi cột treo độ 12-15 chiếc để tiếng nói của miền Bắc vọng vào bờ Nam sâu hơn. Nhân dân bên kia sông muốn nghe được cũng chờ lúc có chiều gió và phải lắng nghe trong im lặng mới thấy được tiếng nói thân thương của cô phát thanh viên nói giọng Quảng Trị.


Đêm hôm ấy quá mệt nhưng đến gần sáng tôi mới chợp mắt được, một lúc lại giật mình choàng dậy khi nghe tiếng bài hát: "Câu hò trên bến Hiền Lương" tha thiết của một nữ ca sĩ như ru hồn người vào sự bình yên, êm dịu... làm tôi thấy lòng nao nao và tỉnh hẳn giấc ngủ. Tiếng hát cứ thánh thót rót vào lòng người một cảm giác buồn man mác giữa hai làng bên bờ sông, với tình cảm nồng nàn về Tổ quốc, làng quê và những con người chân chất làm ăn, tối lửa tắt đèn có nhau cùng chia sẻ ngọt bùi của cuộc đời...


Lúc này tiếng loa của địch lại oang oang với bài tập tho dục buổi sáng. Cũng một hai và hết động tác tay lại đến chân... Cả ngày hôm ấy tôi vào thăm các nhà dân thấy mấy nhà ở mép sông đã bịt lối ra sông, mở cổng lối đi ra phía đồng ruộng. Người nào cũng cởi mở thân tình thấy khách đến nhà là đem ra bày lên bàn cây trái theo mùa để đãi khách ăn đến no thì thôi.

- Chúng tôi sống ở đây đã quen rồi, bỏ mặc ngoài tai những lời xuyên tạc của chúng, chẳng ai thèm để ý đến nữa...

Ngày hôm sau tôi được đồng chí công an vũ trang mang theo súng dẫn tôi lên một đồn khác phía thượng nguồn. Trên đường đi đã là dốc đổi thoai thoải với lau lách xào xạc, với tiếng chim rừng líu lo, bỏ xa đần tiếng loa eo éo phía sau... Hết đồi là đến núi rừng và đây là bàn chân của dãy núi Trường Sơn rồi. Cảnh vật lặng im đến rợn người. Dòng sông ngày càng hẹp, có chỗ chỉ rộng hơn một cây nứa và có thể lội qua được. Đồn công an vũ trang và đồn cảnh sát nguỵ vẫn đối mặt với nhau trong cái im lặng đến lạnh lùng... Ở vùng trên này đi đến đâu, tôi cũng thấy toát lên sự cảnh giác cao độ và lòng hận thù sâu sắc với bọn nguỵ quvén miền Nam của mọi người dân bên bờ Bắc...


Kết thúc cuộc hành trình gần một tháng trời dọc theo giới tuyến bên bờ Bắc, chia sẻ với mọi thử thách, gian khổ cùng các đồng chí công an vũ trang, tôi trở về Hồ Xá, được đồng chí trưởng ty chờ đón trong niềm vui khi thấy tôi khoẻ mạnh trở về.

- Sao anh đen quá vậy và gầy đi đến khiếp như thế? Lúc mới vào đây anh trắng trẻo trông thư sinh lắm, còn bây giờ về nhà không biết chị và các cháu có nhận ra anh được không?

Sau khi nghe báo cáo lại mọi sự thu nhận của tôi dọc theo bờ sông Hiền Lương, đồng chí trưởng ty vui vẻ nói đùa:

- Anh là Burchette1 (Nhà báo người Úc đầu tiên được phép vào đầu cầu Hiền Lương) của Việt Nam rồi đấy... Thế còn chuyện địch nổ súng khiêu khích ra sao?

Thì ra đồng chí trưởng ty cũng nắm được hết mọi diễn biến tình hình trên đường đi của tôi rồi...

- Anh nghỉ lại đây vài hôm cho khoẻ người rồi hãy về.

- Xin anh cho tôi rõ thêm một điều... Tôi thấy nhà cửa của đồng bào thưa thớt quá. Mỗi nhà xây cất trên một khoảng đồi riêng... thế thì lúc địch dồn dân bờ Nam sang bờ Bắc, ta bố trí người vào ở các nhà dân, nếu địch trà trộn bọn gián điệp thì ta kiểm soát chúng ra sao?

- Điểm chính là chỗ đó. Chúng tôi bố trí đồng bào ở với các nhà dân là để nhờ nhân dân kiểm tra phát hiện rõ kẻ địch trá hình. Vì người dân rất cảm thông với những người nông dân lương thiện, sống chân chất như họ. Nếu có tên gián điệp trà trộn trong số người bị địch dồn ra Bắc thì rất dễ bị nhân dân phát hiện ra ngay qua sự nhạy cảm của dân đối với mọi cách sinh hoạt, cư xử, thái độ của chúng.


Ở đây người dân nào cũng đều là công an cả. Ngay như hôm anh mới ở giới tuyến về có đến đài truyền thanh để góp ý về tiếng loa quá kém, thế mà họ đã điện ngay cho chúng tôi để hỏi về anh đấy! Điều anh nhận xét là đúng, vì kỹ thuật sản xuất loa của ta còn kém nên ta đành đấu tranh với địch theo kiểu con nhà nghèo chống với công nghệ khoa học hiện đại của địch được Mỹ viện trợ...


Hiền Lương giới tuyến! Câu chuyện về dòng sông lịch sử, thanh bình cũng như cái tên của nó đã ghi đậm sự kiện chia cắt hai miền Bắc - Nam trong suốt 21 năm trời từ tháng 8-1954 đến tháng 4-1975.


Hiền Lương, cái tên tha thiết khắc ghi trong lòng tôi những kỷ niệm đẹp về cảnh vật và con người vùng giới tuyến...
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #64 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:52:48 am »

13. Câu chuyện "điếc không sợ súng"

Mùa hè năm 1959, Bộ Công an xôn xao tin Công an Hải Phòng đã phá được vụ án gián điệp lớn, thu được nhiều loại mìn có sức công phá mạnh. Tôi mới chuyển sang làm công tác biên tập báo Công an nhân dân được hơn một năm, nhận nhiệm vụ của đồng chí Đinh Châu, vụ trưởng Vụ Tổ chức cùng với đồng chí chụp ảnh, xuống Hải Phòng để lấy tin tức và chụp ảnh làm tài liệu.


Hai chúng tôi đến Công an Hải Phòng được các đồng chí lãnh đạo Sở nhiệt tình giúp đỡ điều hẳn một xe commăngca và cử một cán bộ của Phòng Chính trị đưa chúng tôi đến các cơ sở tay chân của bọn gián điệp, đến những nơi chúng giấu mìn ở dưới tầng hầm của một ngôi nhà bỏ hoang và xếp lẫn một số mìn và trong đống than của nhà ga Hải Phòng với âm mưu phá hoại nghiêm trọng. Chúng tôi đã chụp ảnh hết các nơi có liên quan đến vụ án và sau đó vào trại giam để chụp ảnh tên đầu sỏ gián điệp là Trần Minh Châu tức Cập. Tôi bắt nó mặc quần áo nguỵ quân, đội mũ dạ có vành to, hất ngược một bên, chân đứng gác lên chiếc ghế đẩu để chụp ảnh.


Tên Châu mặt trắng trẻo, xương hàm bạnh ra, đôi mắt sắc sảo, gò má hơi cao. Hắn nhìn trừng trừng vào đồng chí chụp ảnh, không nói gì, đôi mắt lộ rõ vẻ căm giận. Tôi thấy thái độ của nó như vậy đã giúp cho tấm ảnh chụp về nó thể hiện rõ tính cách phản động, chống đối chính quyền của ta rất quyết liệt.


Tôi được các cán bộ Phòng Chính trị Sở Công an Hải Phòng cung cấp đầy đủ tài liệu từ khi vụ án mới hình thành cho đến lúc ta phá án.

Nhiệm vụ của tôi như vậy đã hoàn thành, lấy đủ tài liệu để viết bài về vụ án gián điệp lớn từ sau ngày hoà bình lập lại.

Trước đó cũng có vụ án gián điệp Nguyễn Quang Hải, câu kết với tên cha cố De Bonfils ở nhà thờ Soeur Antoine, Hàng Bột, đã bị Công an Hà Nội bắt gọn và Chính phủ cũng đã ra lệnh trục xuất tên De Bonfils ra khỏi Việt Nam. Nhưng vụ gián điệp tên Nguyễn Quang Hải mới nhen nhóm và chỉ riêng mình nó có khẩu súng ngắn, mà chưa có đầy đủ các thứ vũ khí phá hoại như vụ án tên Trần Minh Châu.


Mấy tháng sau, vào một ngày đầu thu, đồng chí Đinh Châu lại gọi tôi sang phòng và cho tôi biết: "Bộ có chủ trương mở cuộc triển lãm về vụ án gián điệp Trần Minh Châu, đồng chí đã theo dõi nắm được toàn bộ tài liệu vụ án này, nên Bộ cử đồng chí đem số mìn đã thu được nhờ công binh xưởng của quân đội phá bỏ các kíp và thuốc mìn để trưng bày hiện vật cho được an toàn. Đồng chí chuẩn bị đi công tác cùng với đồng chí sĩ quan công binh bên quân đội về địa điểm công binh xưởng trong Thanh Hóa".


Tôi nghĩ đơn giản như mọi lần đi công tác nên sẵn sàng ngay.

Sáng hôm sau, tôi xuống nhà (vì tôi ở tập thể ngay trong Bộ Công an) đã thấy đồng chí đại uý công binh đang thận trọng xếp từng loại mìn vào trong hòm gỗ, có chèn nhiều rơm và giấy vụn. Tôi thấy nét mặt đồng chí căng thẳng, không nói gì, còn tôi lại vui thích vì được trở về nơi vợ tôi ở tản cư hồi chống Pháp, để thăm lại cảnh cũ!


Chiếc xe Com-măng-ca lên đường, tôi ngồi ở ghế trước nói chuyện với đồng chí lái xe. Còn đồng chí sĩ quan công binh ngồi ở ghế sau với đồng chí chụp ảnh, dang rộng hai tay ôm chặt lấy mấy hòm mìn, cũng được đặt lên trên ghế đệm mà không để xuống sàn xe.


Dọc đường tôi trao đổi vài nét chính về vụ án gián điệp này với đồng chí đại úy công binh, nhưng thấy đồng chí ấy ít nóị, không mặn mà gì với chuyến đi này, tôi lại cho rằng vì hai chúng tôi ở hai ngành khác nhau, còn lạ nên chưa hợp trong chuyện trò. Còn đối với đồng chí lái xe và đồng chí chụp ảnh thì chúng tôi hay đi công tác cùng với nhau nên chuyện trò vui trên đường dài.


Đường trường, xe qua lại ít nên đồng chí lái xe cho đi với tốc độ 70-80 cây số/giờ. Chuyện vãn rồi cũng hết. Xe lắc lư nhẹ như ru ngủ, tôi nhắm hai mắt lại chập chờn ngủ, quên cả chặng đường xa.

Xe qua thị xã Thanh Hoá, rồi đến Rừng Thông, rồi Hậu Hiền, đường đi đã không còn tốt và xóc hơn. Tôi đưa mắt nhìn đồng chí đại uý thấy vẫn tỉnh táo nhưng im lặng, hai cánh tay vẫn giang rộng giữ chặt lấy mấy hòm mìn, nét mặt vẫn căng thẳng như khi mới lên xe. Tôi cho rằng đồng chí này ít nói, nên cũng không gợi chuyện để trao đổi nữa.


Chợt xe rẽ vào con đường đá lổn nhổn to như củ đậu, làm xe xóc tưng tưng. Lúc này đồng chí đại uý mới lên tiếng: "Đồng chí lái xe! Đi từ từ thôi!"

Qua Hậu Hiền rồi đến bến đò Kiểu, đồng chí lái xe dừng lại, quay hỏi đồng chí công binh xem đường đi như thế nào.

- Qua sông Chu, rồi đến thành Nhà Hồ, đi độ vài ba cây số nữa thì đến bờ sông nhỏ, không có phà nên xe phải dừng lại ở trong làng.

Xe xuống phà, tôi đứng ở đầu phà ngắm nhìn dòng sông đã cạn nhiều. Hai bên bờ là dải cát rộng thoai thoải xuống đến dòng nước trong xanh. Tôi hồi tưởng lại trong thời gian kháng chiến cũng hay qua lại nơi này, để sống lại với những kỷ niệm cũ.


Xe qua cổng giữa của thành Nhà Hồ, hay còn gọi là thành Tây Giai, chúng tôi đi bộ thong thả để ngắm cảnh hoang tàn trong khu nội thành. Đó đây chỉ còn sót lại những vạt đất cao mà xưa kia chắc là nền của những lâu đài, đình tạ. Vài bậc thềm đá và hình rồng cuốn đã vỡ, sứt nhiều trông tang thương lắm. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa, xe ngựa, hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài, bống tịch dương...


Nơi đây xưa kia chắc dập dìu xe ngựa, các cung nữ xiêm y tha thướt và những quan chức phẩm phục lụng thụng, sặc sỡ rồng, phượng..., bây giờ chỉ còn là bãi cỏ đìu hiu lay lắt trong gió chiều thu.

Xe qua khỏi thành Nhà Hồ một quãng đường độ vài ba cây số thì đến bờ con sông nhỏ. Hai bên bờ cao, dòng sông đục lờ ở dưới sâu, chảy lặng lờ. Đồng chí đại uý công binh cho biết là đến nơi rồi. Chúng tôi vào làng thuê mấy người dân gánh bốn hòm mìn sang sông. Đồng chí lái xe ở lại bên này, nghỉ ở trong làng để trông xe.


Lúc này, tôi mới thấy đồng chí sĩ quan công binh nói nhỏ, như trút được gánh nặng vẫn đè trên hai vai:

- Chúng ta phải đi bộ đến dãy núi đá trong kia mới tới được công binh xưởng, đóng ở vùng Đan Nê, Thọ Vực, Phủ Quảng, xa bản làng, nằm giữa vùng núi đá thấp, nhỏ với đủ hình thù kỳ lạ!
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #65 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:54:13 am »

Chúng tôi đến trụ sở của công binh xưởng là ba dãy nhà dài lợp lá gianh, tường phên nứa đan, hình thành chữ U. Hai dãy nhà bên cạnh là nơi ở của anh chị em công nhân quốc phòng, dãy nhà ở giữa là văn phòng, nơi ở tiếp khách và phòng họp, ở giữa những dãy nhà là sân rộng. Chúng tôi vào gặp đồng chí phụ trách xưởng công binh, đưa giấy giới thiệu. Sau khi uống nước nói vài câu chuyện, đồng chí phụ trách công binh xưởng Nguyễn Công Cậy cùng chúng tôi ra xem lại các hòm đựng mìn. Thoạt nhìn, đồng chí Cậy đã hỏi ngay:

- Các đồng chí chuyên chở số hòm này bằng phương tiện gì?

- Chúng tôi đi xe com-măng-ca tới bên kia sông, thuê người gánh hòm đựng mìn sang đây.

Đồng chí Cậy nghe nói thế, tròn đôi mắt nhìn chúng tôi một lúc rồi chỉ nói một câu: "Liều thật!"

Đồng chí đại uý trả lời: "Vâng! Chúng tôi cũng biết là liều và nguy hiểm lắm, nhưng..."

- Thôi được! Đã đến nơi đây an toàn là mừng rồi. Các đồng chí để chúng tôi xem xét từng loại mìn, nghiên cứu cách phá kíp và lấy thuốc ra.

Tôi là người "ngoại đạo" dốt đặc về nghề công binh nên để cho đồng chí đại uý làm việc với đồng chí Cậy và cách xử lý, tháo từng loại mìn.

Nơi đây xa nhà dân vừa để giữ bí mật, vừa để đề phòng tai nạn cho dân nếu xảy ra việc gì bất trắc về mìn. Tôi không có việc gì làm nên cả ngày ngoài hai bữa ăn, đi lang thang xem phong cảnh núi non.


Tình cờ tôi đến một quả núi đá nhỏ nằm chơ vơ giữa bãi cỏ rộng bát ngát, bằng phẳng, thấy sườn núi đá mấp mô, nhiều hang hốc, nên đi vòng quanh quả núi để xem phong cảnh. Thì ra đây là nơi làm việc của anh chị em công nhân quốc phòng. Mỗi người làm việc riêng biệt trong một hốc đá, người nọ cách người kia độ 40-50 mét. Thấy tôi đi qua, các anh chị chào, cười nhưng nhã nhặn mời tôi đi nơi khác vì anh chị em đang tháo các kíp mìn, đề phòng tai nạn cho tôi.


Tôi phải chờ trong gần một tuần lễ mới được biết là các loại mìn lõm để công phá xe bọc thép, mìn hộp, mìn đĩa... để phá hoại công trình xây dựng. Riêng loại mìn than, vì trông nó thoạt đầu chỉ thấy đấy là viên than mà đường sắt vẫn thường dùng để đốt lò súp-de của đầu tàu, to bằng 6 viên gạch xếp chồng lên nhau hai hàng, là chưa tháo xong thuốc và kíp mìn.


Đồng chí Cậy cho tôi biết: "Các loại mìn thông thường thì dễ tháo kíp và thuốc vì anh em đã rõ cấu trúc của nó. Duy có loại mìn than thì chưa rõ địch đã nhồi bao nhiêu kíp mìn vào trong và các kíp đó nằm ở vị trí nào, vì thế việc tháo thuốc và kíp loại mìn này phải làm ở trong núi đá xa hơn nữa!"


Tôi chỉ biết thế, và lại ăn chực nằm chờ để xong công việc.

Mấy hôm sau, đồng chí đại uý công binh gặp tôi cho biết là mọi việc đã xong xuôi, an toàn và cho tôi biết qua cách tháo thuốc và kíp loại mìn than này.

Quả mìn được chôn thật khít vào chiếc hố nhỏ đúng kích thước của nó. Từ chỗ quả mìn, đào tiếp một đường rãnh dài đến một hố cá nhân để người công nhân phá mìn, ngồi lọt thỏm trong đó, nhưng phải có tư thế thoải mái vì công việc tháo kíp mất lâu thời gian. Trên đường rãnh đó đặt một cây nứa dài, được đục thủng các mấu để đặt một mũi khoan được nối dài, luồn vào trong cây nứa đó. Đầu mũi khoan được đặt đúng vào tâm quả mìn. Người công nhân từ từ xoay mũi khoan để khoét thuốc. Việc làm này phải hết sức thận trọng, không sốt ruột, người công nhân phải thật kiên nhẫn, xoay nhẹ từng vòng mũi khoan. Nếu xoáy mạnh, mũi khoan ma sát vào thuốc mìn, gây nóng và kích thích kíp mìn nổ ngay. Hơn nữa mũi khoan cũng có thể chạm vào kíp mìn mà chưa rõ nó nằm ở vị trí nào trong lõi quả mìn. Người công nhân phải thấy được sự đụng chạm vào kíp mìn qua mũi khoan được nối kéo dài, như chính bàn tay của mình đã sờ thấy nó.


Mỗi ngày chỉ tháo được hai quả mìn "than" nên mất thời gian lâu. Khi xong mọi công việc, đồng chí Cậy đã cho chúng tôi đi đến nơi thử quả mìn than để xem công dụng và sức mạnh của nó như thế nào.


Tôi đứng ở đầu một tảng đá cao gần 1,70 mét, dài hơn 3 mét, đầu kia là đồng chí bộ đội gác công binh xưởng đứng, để ước lượng được khối đá này nặng bao nhiêu tấn. Một đồng chí công nhân đặt quả mìn than dưới tảng đá, lồng dây cháy chậm rồi chạy ra xa. Chúng tôi chạy theo đồng chí ấy đến gần 100 mét mới dừng lại, nhìn đồng chí bật lửa châm vào đầu dây cháy chậm. Tôi hồi hộp nhìn theo làn khói xanh nhẹ lem lém dần trên đoạn dây dài cho đến khi thấy nó chỉ còn là chấm khói nhỏ thì chợt thấy bùng lên tiếng nổ cực lớn, làm tất cả chúng tôi giật bắn người. Chỗ tảng đá chỉ thấy là đám khói bụi bốc lên cao vài chục mét. Một cơn mưa đá vụn bay rào rào, có mảnh rơi ngay trước mặt chúng tôi. Khi cơn mưa đá đã tạnh, đồng chí Cậy kéo chúng tôi chạy đến chỗ tảng đá để xem kết quả.


Tôi ngạc nhiên không nhìn thấy tảng đá to lớn nữa mà nơi đây chỉ còn là đống đá vụn.

- Đồng chí thấy rõ sức công phá của loại mìn này rồi chứ. Nếu bọn gián điệp để những quả mìn này lẫn lộn trong đống than dùng để đốt nồi súp-de đầu xe lửa thì chỉ cần một quả mìn thôi cũng đủ phá nát chiếc đầu tàu nặng hàng chục tấn.

Đồng chí đại uý công binh lúc này mới nói cho tôi rõ:

- Chính vì thế, lúc đầu tôi đến Bộ Công an, thấy các đồng chí cho chuyển số mìn này bằng xe con trên chặng đường dài thật là nguy hiểm. Đường xa gặp một ổ chướng ngại, xe xóc mạnh kích thích một quả mìn nổ, dắt dây chuyền làm các quả mìn khác cùng nổ, nhất là trong đó có đến mười quả mìn than, thì chiếc xe chỉ là cái vỏ trứng mong manh nát tan như cám, kể cả những người ngồi trong xe.

Tôi chỉ biết há miệng tỏ nỗi lo sợ vì trước kia đúng là tôi đã "điếc không sợ súng" nên không còn biết nói gì hơn.

- Lúc tôi đến Bộ Công an thấy rõ được sự nguy hiểm như vậy, nhưng không dám nói ra vì sợ các đồng chí lại cho tôi là sợ hãi, không muốn đi làm công việc này, nên đành liều. Cũng may mà chúng ta được an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

Về đến Bộ Công an, đồng chí Đinh Châu đã mời các vụ, cục trưởng đến họp, nghe tôi trinh bày lại tác dụng của từng loại mìn, có ảnh kèm theo sức công phá của quả mìn than, để mọi người thấy rõ âm mưu thâm độc của bọn thực dân Pháp, tuy phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam, nhưng chúng vẫn cài tay chân ở lại để phá hoại công cuộc xây dựng đất nước sau những năm dài kháng chiến bị tàn phá nặng nề.

Chuyện tôi đi phá mìn, thật như là một giấc mơ của người "điếc không sợ súng!"
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #66 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2022, 06:55:23 am »

14. Ta lại bắt ta

Để kết thúc cuốn hồi ký này, tôi xin kể lại câu chuyện vui, để những ai muốn tìm hiểu về các sự kiện của những ngày đầu khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Sở Công an Bắc Bộ, biết thêm một chi tiết.

Cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã thành công ở Hà Nội, chúng tôi, những thanh niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, đã tham gia vào bộ máy chính quyền của cách mạng. Những người vào chiếm trại Bảo an binh đều gia nhập giải phóng quân, chia nhau đi canh gác cơ quan của chính quyền mới. Những người vào chiếm Sở Liêm phóng cũ đã nhanh chóng đem nhiệt tình của tuổi trẻ điều hành có kết quả cơ quan chuyên đàn áp của kẻ địch.


Ngay ngày hôm sau, tới được cử phụ trách một tiểu đội giải phóng quân bảo vệ trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng đóng ở toà thị chính cũ. Một sáng, tôi đang đôn đốc anh em canh gác trước cổng, chợt thấy một đoàn người cưỡi ngựa, mặc đồng phục, có vũ trang, đi diễu trên đường qua trước cổng trụ sở. Nhìn cách ăn mặc, và nhất là kiểu đi ngựa diễu phố như thế, tôi đoán không phải là lực lượng cách mạng mà có thể là lực lượng vũ trang của Chính phủ Trần Trọng Kim còn sót lại. Tôi cầm khẩu súng ngắn, gọi một đồng chí giải phóng quân đi cùng, chạy ra chặn đường một thanh niên cưỡi ngựa đi đầu, người nhỏ nhắn, trắng trẻo, dáng chừng là người chỉ huy đoàn quân cưỡi ngựa. Tôi liền hỏi:

- Các anh là ai?

- Chúng tôi là công an xung phong của Chính phủ Trần Trọng Kim!

- Chính phủ bù nhìn ấy đã bị giải tán rồi. Các anh phải xuống ngựa đầu hàng.

Người chỉ huy ấy nói: "Nhưng lực lượng công an xung phong của tôi vẫn còn!"

- Xuống ngựa. Nộp vũ khí. Nếu không tôi bắn. Các anh không chống lại được lực lượng cách mạng đâu!

Đoàn người cưỡi ngựa đi phía sau, thấy thái độ của tôi cương quyết và nhất là tôi lại mặc bộ quần áo nâu, nên họ nghĩ tôi là giải phóng quân mới ở Việt Bắc về, nên vài người đã nhấp nhỏm muốn xuống ngựa. Còn số đông kìm cương, yên lặng chờ người chỉ huy của họ ra lệnh.


Thấy tình hình như vậy, tôi giơ tay ra hiệu cho anh em trong tiểu đội tản ra, nấp sau các gốc cây sẵn sàng yểm hộ cho hai chúng tôi.

Vẫn cái giọng ngang nhiên, viên chỉ huy không chịu xuống ngựa, còn nói: "Chính quyền cách mạng cũng phải cần có chúng tôi!"

- Nhưng các anh phải tuân lệnh tổ chức Sở Liêm phóng chỉ huy. Xuống ngựa ngay!

Tôi lên đạn khẩu súng ngắn Chiêu Hoà, chĩa vào người thanh niên ấy.

Anh ta vẫn cứng cỏi nói: "Các anh không có quyền bắt chúng tôi!" Rồi thúc gót vào mình ngựa cho nó tiến lên.

Thấy thái độ của anh này chưa phải là muốn chống cự, nhưng vẫn không chịu nghe lệnh tôi xuống ngựa, giao nộp vũ khí, tôi suy nghĩ rất nhanh: "Hãy bắn cảnh cáo!"

Tôi mới nghĩ như vậy đã thấy tiếng súng nổ ngay bên cạnh, thì ra anh đội viên đi cùng với tôi thấy anh thanh niên không chịu xuống ngựa nên đã nổ súng ngay vào mình con ngựa làm nó ngã quỵ xuống, hất người cưỡi ngựa ngã lăn ra đất. Anh ta lồm cồm bò dậy, đã thấy mũi súng của tôi chĩa thẳng vào ngực. Biết không thể chống lại được lực lượng cách mạng và sợ tôi dễ nổi nóng thì tính mạng của anh cũng chẳng còn, nên anh ta vội giơ cả hai tay tỏ ý đầu hàng quy phục.


Thế là cả đoàn người xuống ngựa, đều giơ tay lên hàng. Anh em tiểu đội giải phóng quân xông ra bắt họ cởi trần ngồi gom vào dưới gốc cây, đứng canh gác. Tôi vội gọi dây nói về Sở Liêm phóng để hỏi về đội công an xung phong này. Sở Liêm phóng đã cử người, mang xe đưa cả đoàn người này về giam ở xà lim và violon1 (Violon là buồng giam rộng giam được nhiều người) của Sở.


Mấy hôm sau, tôi được rỗi rãi đến thăm anh em Việt Minh do tôi phụ trách, đang công tác ở Sở Liêm phóng, trong đó có anh Quỳ và anh Bảo Toàn, để hỏi về số phận những người ấy. Anh Quỳ đưa tôi xuống thăm buồng giam rộng, tôi nhìn vào thấy lố nhố đám người cởi trần, nằm, ngồi trên sạp gỗ dài. Anh nào cũng to cao trên 1m70, nhưng ủ rũ như gà toi. Thấy tôi vào, họ nhỏm cả dậy chào vì tưởng tôi là người có thẩm quyền ở đây:

- Thưa ông! Chúng tôi không hiểu gì về chuyện này và cũng không dám chống lại cách mạng, mà chỉ nghe lệnh anh chỉ huy bảo sao, theo vậy.

- Các anh cứ yên tâm. Nếu các anh không có ý chống lại cách mạng thì các anh sẽ được xét tha ngay.

Sau đó tôi đến xà lim ở phía sau ngôi nhà lớn, gặp anh thanh niên, được biết anh tên là Lê Văn Lăng, sinh viên trường Luật. Anh bị giam riêng một mình, thấy tôi vào, anh nhận ngay ra tôi qua ô cửa con con và trình bày lý lẽ của anh là muốn biểu dương lực lượng của mình để làm thanh thế cho cách mạng.

- Sao anh không đưa đội công an xung phong của anh đến trình diện tại Sở Liêm phóng và xin nhận công việc mới? Anh đã là sinh viên trường Luật phải hiểu rõ điều đó.

- Thưa ông! Luật ấy là của Pháp, còn bây giờ... Anh nhún vai nói một câu tiếng Pháp: "Có thế mới nên chuyện. Chúng tôi không hiểu!"

Tôi mỉm cười nghĩ thầm: Anh này có máu yêng hùng, bốc đồng mà không phải là người chống phá cách mạng, nên bảo anh cứ yên tâm, nếu sau này chính quyền cách mạng xét thấy đúng như lời anh nói thì sẽ trả lại tự do cho anh.


Đến đầu tháng 9-1945, tôi được lệnh phụ trách một đơn vị giải phóng quân sang Lào giúp nước bạn làm cuộc khởi nghĩa dành chính quyền cho nhân dân vùng Thượng Lào, lại đến thăm số anh em tổ viên Việt Minh cũ thì được biết: Anh Lê Trọng Nghĩa, một trong ba xứ ủy viên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã sang nhận anh Lê Văn Lăng là người của Việt Minh cử vào Đảng Dân chủ để hoạt động bí mật. Anh Lăng đã xin được làm đội trưởng công an xung phong của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, nhưng đáng ra anh phải đến Sở Liêm phóng trình diện và nói rõ nhiệm vụ của anh trong phong trào cách mạng. Sau đó anh Lê Văn Lãng và tất cả số đội viên công an xung phong của anh đều được trả lại tự do.


Hơn một năm sau, khi tôi trở về nước, theo đúng hiệp định Tạm ước ngày 14-9, tôi được điều về làm quận trưởng Công an quận 5 Hà Nội, lại gặp anh Lê Văn Lăng ở làng Dét, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Anh Lăng thấy tôi liền giơ cả hai tay lên trời, vẫn dùng tiếng Pháp nói với anh Tài và tôi: "Quả đất tròn thật! Chúng ta lại gặp nhau. Xin cảm ơn các anh và rất khâm phục mọi kế hoạch đưa tôi ra vùng tự do an toàn như thế này. Trông các anh còn quá trẻ, nhưng đầu óc suy nghĩ và hành động của các anh thì lại thật già dặn, tuyệt vời".


Sau đấy anh Lê Văn Lăng lên Việt Bắc, tham dự lớp học Tổng phản công rồi về phụ trách Đội Hành động của Ty Điệp báo Trung ương do anh Doãn làm trưởng ty, lấy tên là Đội Hành động Lạc Long.

Anh Lăng đã góp công trong việc thu phục hai hàng binh Âu là Chapuis và Bossu. Chapuis là người Pháp, còn Bossu là lính lê dương của Đức quốc xã. Hoà bình lập lại Chapuis lấy tên là Nguyễn Văn Sĩ, công tác ở đài Tiếng nói Việt Nam và đã lấy chị Xuân là cấp dưỡng của Sở Công an Hà Nội từ ngày còn ở bản Đồng Chờ, Hoà Bình.


Nhân ngày cách mạng tháng Tám, tôi cứ nghĩ lại biết bao nhiêu số phận con người được cách mạng giáo dục đã trở thành những người có lý trí biết suy xét để phục vụ Tổ quốc và nhân dân cho đến cùng.

Câu chuyện "Ta lại bắt ta" cũng là một kỷ niệm vui giữa tôi và anh Lê Văn Lăng!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM