Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:33:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu ở phía trước  (Đọc 5176 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:46:07 am »

15 giờ ngày 9 tháng 1 năm 1985, các tiểu đoàn của Trung đoàn vào vị trí triển khai vận động tiến công địch. Trên hướng Tiểu đoàn 5, khi phát hiện có một tốp địch khoảng 30 tên, Tiểu đoàn nổ súng tiến công chính diện và tổ chức một đại đội đánh vu hồi vào bên sườn phía sau lưng địch. Bị tấn công dồn dập từ nhiều hướng, toán địch hoảng loạn bỏ chạy, ta làm chủ trận địa, diệt 7 tên. Phát hiện lực lượng ta tiến công, bọn địch trong căn cứ Trung đoàn 11 và các căn cứ xung quanh cho lực lượng phân tán để tránh bị tiêu diệt. Đến ngày 10 tháng 1 năm 1985, ta làm chủ căn cứ bắc Năm Nhà, bắt tay với Trung đoàn 13 của bạn.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường, phát huy truyền thống tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, “đã đi là đến, đã nổ súng là tiêu diệt địch”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 đã đoàn kết vượt qua muôn vàn gian khổ, hi sinh, góp phần vào những chiến công vẻ vang, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chiến đấu bước 1, tạo thuận lợi cho Sư đoàn, Trung đoàn triển khai bước 2 của chiến dịch quan trọng có ý nghĩa to lớn này.

Trong hội nghị lãnh đạo, chỉ huy chủ trì các cơ quan, đơn vị rút kinh nghiệm trong chiến đấu bước 1, tiếp tục quán triệt nhiệm vụ chiến đấu bước 2, tôi nhấn mạnh ba nguyên nhân và cũng là ba bài học kinh nghiệm góp phần làm nên những chiến thắng của Trung đoàn trong thời gian qua:

- Một là, cùng với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị dà làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho bộ đội, luôn nêu cao ý thức chính trị “giúp bạn là tự giúp mình”, luôn nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, vượt lên trên khó khăn, gian khổ, chấp nhận hi sinh; tinh thần ấy đã góp phần quyết định vào chiến thắng của Trung đoàn.

- Hai là, trong từng nhiệm vụ chiến đấu, mỗi trận đánh, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn xác định cách đánh đúng, phát huy sức mạnh của đơn vị, hạn chế khả năng của địch, khắc phục địa hình, địa vật.

- Ba là, chăm lo sức khỏe bộ đội để chiến đấu giúp bạn lâu dài, bảo đảm sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Từ những gợi mở này, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục suy nghĩ, tổng kết rút kinh nghiệm ở đơn vị mình, nghiên cứu, vận dụng cho những đợt hoạt động sắp tới.

Thực hiện kế hoạch bước 2 đánh chiếm căn cứ Cácđamon, Bộ Tư lệnh Mặt trận điều Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 của Sư đoàn bộ binh 330 từ Tức Sóc hành quân về Năm Nhà phối thuộc với Sư đoàn 339 tiêu diệt căn cứ Trung ương Pôn Pốt. Giữa tháng 1 năm 1985, Trung đoàn nhận lệnh của Sư đoàn để lại một bộ phận giữ cứ, còn lại nhanh chóng tổ chức hành quân đánh chiếm điểm cao 501, bắt tay với Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 của Sư đoàn bộ binh 330.

Nhận nhiệm vụ trên giao trong điều kiện Trung đoàn đang bung lực lượng ra lùng sục tìm kho tàng xung quanh căn cứ địch; thời gian thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm điểm cao 501 gấp, không có thời gian làm công tác chuẩn bị; tôi nhanh chóng trao đổi ý định chiến đấu với đồng chí Nguyễn Văn Mười - Bí thư Đảng ủy, Phó Trung đoàn trưởng về chính trị và tổ chức quán triệt giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Sau khi triển khai xong đội hình xuất phát tiến công, tôi lên điểm cao 1047 quan sát thấy dưới chân đều là nhà, các điểm tựa, cụm điểm tựa phòng ngự của địch cùng với hệ thống hỏa lực dày đặc được bố trí trên điểm cao có lợi, nhiều tầng, nhiều lớp, có thể chi viện vòng trong, vòng ngoài của căn cứ. Theo kế hoạch hiệp đồng chiến đấu, tôi lệnh cho Tiểu đoàn 5 nổ súng mở màn trận đánh. Địch dùng hỏa lực mạnh kết hợp với bộ binh phản kích quyết liệt, làm cho Tiểu đoàn 5 phải dạt lên hướng tây bắc của điểm cao 501. Trên hướng Tiểu đoàn 7 - Trung đoàn 2 - Sư đoàn 330, địch cũng phản kích mạnh, Tiểu đoàn bị thương vong nhiều, không chiếm được mục tiêu, buộc phải lùi về vị trí xuất phát tiến công củng cố lại lực lượng. Trước tình hình trên, tôi lệnh cho anh Mai Văn Lập - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 cho bộ đội xuất phát tiếp tục tiến công địch. Anh Lập chỉ huy bộ đội vận động lên gần đồi, địch tập trung hỏa lực bắn quyết liệt. Đồi xanh là thế, sau ba ngày đêm, hỏa lực địch đã cày xới xung quanh đồi xơ xác, cây cối ngả nghiêng, bị thiêu trụi, lớp này đè lên đến lớp khác. Tôi và một số anh em tháng sau lỗ tai còn ù đặc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:46:28 am »

Tiểu đoàn 4 không thể tiếp cận được mục tiêu, bị thương và hi sinh gần chục đồng chí. Tôi mở máy liên lạc với đồng chí Đặng Trọng Lư (Dương Tử) - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 979 để báo cáo tình hình, song không thể nào liên lạc được. Sau này, trong hội nghị tổng kết chiến dịch mùa khô 1984-1985 của Mặt trận, chú kể lại: Khi Mặt trận mất liên lạc với Trung đoàn 9, mình có nói với mọi người trong Sở Chỉ huy rằng: “Trong chiến đấu, thằng Ba Hổ không bao giờ tắt máy, nay không liên lạc được với nó, nó đi rồi”. Khi kết thúc trận đánh, tôi tiếp tục mở máy liên lạc được với chú. Với tính cách bộc trực, thẳng thắn, hay la rầy cấp dưới khi có khuyết điểm, nhưng sau đó lại rất xuề xòa, gần gũi với cấp dưới, nên mọi người hiểu và rất thương, quý chú. Song, riêng chuyện này của tôi, chú không la mắng gì mà reo lên: “Ba Hổ đây rồi, khôn đấy con ạ, lúc đó mà mở máy thì con đi rồi”.

Do địa hình mới lạ, công tác chuẩn bị chiến đấu lại quá gấp gáp nên ta tổ chức chiến đấu chưa chặt chẽ, nhất là khâu nắm địch trong khi địch tập trung hỏa lực mạnh với cối 100mm, 120mm. Quá trình phát triển chiến đấu của cả Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 gặp nhiều khó khăn, không đánh chiếm được điểm cao 501. 9 giờ ngày 18 tháng 1 năm 1985, Trung đoàn đã bắt tay được với Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh 330, song lực lượng của Trung đoàn bị tổn thất lớn, số hi sinh, bị thương tổng cộng là 30 đồng chí. Theo kế hoạch, Trung đoàn hành quân về Năm Nhà để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu mới, bước vào bước 2 của chiến dịch.

Tại khu vực Năm Nhà, Trung đoàn tổ chức họp rút kinh nghiệm trận chiến đấu vừa qua: Hiệu quả chiến đấu thấp, bộ đội thương vong nhiều, nguyên nhân chủ yếu được tổng kết là do: “Sử dụng lực lượng phân tán, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy chưa chặt chẽ (Trung đoàn có lúc mất liên lạc với mặt trận, Tiểu đoàn 4 mất liên lạc với Trung đoàn...)”. Đối với tôi, đây thực sự là bài học thực tiễn hết sức sâu sắc trong điều kiện tổ chức chỉ huy bộ đội không có thời gian làm công tác chuẩn bị. Bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào, có thời gian hay không có thời gian đều phải làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, có thời gian thì tiến hành bài bản, tuần tự các bước; không có thời gian thì phải tổ chức triển khai tốt các nội dung cơ bản, tăng cường các biện pháp tham mưu song song để hoàn thành tốt nhất công tác chuẩn bị chiến đấu, vì vai trò của công tác chuẩn bị có khi quyết định đến 50% thắng lợi của trận đánh. Đối với tôi, nó là một trong yếu tố quyết định đến thắng lợi của một trận chiến đấu.

Ngày 6 tháng 2 năm 1985, tại Sở Chỉ huy của Trung đoàn ở phía tây dãy Sa Mác Đen, đồng chí Nguyễn Văn Tấn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 339 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn: “Tổ chức thọc sâu vào nam đường 56, vượt qua sông Cơ Long, luồn sâu sát biên giới Thái Lan bịt lấp đầu đường 56 thông với căn cứ Cácđamon, không cho địch tháo chạy”.

Nhận nhiệm vụ được giao, tôi tranh thủ trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Mười - Bí thư Đảng ủy, Phó Trung đoàn trưởng về chính trị những thuận lợi, khó khăn của Trung đoàn trong trận chiến đấu này, xác định một số việc làm ngay, trong đó tổ chức một lực lượng đi trinh sát nắm địch, dự kiến đường cơ động, bến vượt sông Cơ Long. Trong hội nghị Đảng ủy thông qua quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn, tôi phát biểu nhấn mạnh vai trò ý nghĩa và vinh dự của Trung đoàn được trên tin tưởng giao tiến công đánh chiếm cơ quan đầu não Trung ương của Pôn Pốt. Khó khăn muôn vàn, vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang này, yêu cầu từng cấp ủy, các ban chỉ huy tiểu đoàn, đại đội, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đầu tàu đi trước, kiên quyết lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giành thắng lợi cho trận đánh lịch sử này.

Sau khi được Sư đoàn phê duyệt quyết tâm chiến đấu, tôi tiến hành giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị. Tôi yêu cầu: Đây là trận đánh vào cơ quan đầu não của địch nên có nhiều khó khăn trong đột phá đánh chiếm các mục tiêu; có nhiều đơn vị tham gia nên phải làm tốt và kiên quyết thực hiện kế hoạch hiệp đồng chiến đấu. Đặc biệt, từ nơi làm công tác chuẩn bị chiến đấu (trú quân) đến trận địa xuất phát tiến công cự ly khá xa, lại phải vượt sông Cơ Long, nếu bị lộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức vượt sông, vì vậy phải bảo đảm tuyệt đối bí mật trong hành quân, tổ chức vượt sông phải khẩn trương, chặt chẽ, có nhiều phương án.

Đúng như dự báo của Trung đoàn, sau khi không kể ngày đêm hành quân vất vả, Trung đoàn đến sông Cơ Long tổ chức hai bến vượt sông, bị địch phát hiện, chúng dùng hỏa lực bắn quyết liệt vào khu vực hai bến vượt. Lúc này, Trung đoàn đã có 1/3 lực lượng vượt qua được sông, 2/3 lực lượng đang làm công tác chuẩn bị. Trước tình thế khó khăn này, tôi lệnh cho lực lượng đã vượt sông nhanh chóng cơ động vào vị trí triển khai chiến đấu, lực lượng còn lại chuyển sang thực hiện phương án 2 (bí mật tổ chức vượt sông ở bến dự bị). Toàn Trung đoàn đã vượt sông an toàn trong sự đánh phá, ngăn cản quyết liệt bằng hỏa lực của địch, nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:46:45 am »

Ngày 9 tháng 2 năm 1985, sau những loạt pháo lệnh của chiến dịch (hỏa lực chuẩn bị), toàn Trung đoàn đồng loạt nổ súng tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Đúng theo kế hoạch hiệp đồng chiến đấu, Trung đoàn đã phối hợp tốt với Trung đoàn 1, Sư đoàn bộ binh 330 đánh chiếm cầu Vạn Thắng. Sau một ngày chiến đấu càng thẳng, quyết liệt, địch liên tiếp dùng hỏa lực mạnh và nhiều lần cho bộ binh thực hành phản kích nhằm ngăn chặn, đẩy ta ra xa, bẻ gãy các đợt xung phong đánh chiếm mục tiêu của ta, ta và địch giành nhau từng mét đất. Song, trước tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của bộ đội ta, địch một phần bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy. Trưa 10 tháng 2, ta đã chiếm được cầu Vạn Thắng, mở toang cửa cho Sư đoàn 339 và 330 nhanh chóng phát triển chiến đấu vào bên trong, xóa sổ căn cứ trung tâm chỉ huy của địch.

Theo lệnh của Sư đoàn, tôi chỉ huy Trung đoàn cùng với các lực lượng khác nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được phân công trong Cácđamon. Trước sức tiến công mạnh mẽ từ các mũi, các hướng của ta, bọn địch trong căn cứ này không chịu đựng nổi, số thì bị diệt, số tháo chạy; rất tiếc lực lượng ta được giao nhiệm vụ chốt giữ bịt chặt đường tháo chạy của địch đã chốt không chắc, bịt không chặt, để một phần sinh lực địch chạy thoát sang đất Thái Lan. Kết quả là ta và bạn đã làm chủ căn cứ Cácđamon do Sư đoàn 111 địch và Trung ương Pôn Pốt chiếm giữ, diệt 550 tên, thu 2.304 súng các loại, 476 tấn đạn, 66 tấn lương thực, phá 16 kho chứa lương thực và vũ khí của địch.

Đóng góp vào chiến công chung ấy, trong trận này cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 đã diệt 63 tên, thu 121 súng, 3 xe vận tải, được Bộ Tư lệnh Mặt trận biểu dương là một trong các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu. Viết đến đây, tôi lại nhớ bài thơ nối tiếng về Tà Sanh của nhà thơ Vương Trọng khi ông mô tả chính xác về những trận chiến đấu này:

“Trận đánh kéo dài những ngày nắng lửa
Những điểm cao không tên
Những điểm cao xác định bằng tọa độ
Những điểm cao xác định bằng máu đổ
Lửa ta thiêu trụi cứ Son San
Tan tành mật khu Pôn Pốt
Cửa thông sang Thái Lan bịt chặt
Những trung đoàn chiến thắng gặp nhau”.


Cảm ơn anh! Cảm ơn nhà thơ Vương Trọng đã nói hộ tôi về tính chất ác liệt của những trận chiến đấu này. Để làm nên chiến thắng to lớn ấy, nhiều đồng chí, đồng đội tôi đã phải nằm xuống trong mỗi khu rừng, bờ suối, ven sông, nương rẫy trên đất bạn xa xôi, ngày toàn thắng vắng mặt các anh trong đoàn quân chiến thắng trở về.

Trong trận này, ngay giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, tôi thấy người ngai ngái, khó chịu, biểu hiện cơn sốt rét sắp đến, tôi uống thuốc chặn lại và lao vào công việc. Tuy vậy, giữa lúc đang chỉ huy bộ đội chiến đấu đánh những trận lớn, liên tiếp các cơn sốt rét kéo đến hành hạ tôi, có lúc tôi đã bị đái huyết cầu tố. Ai đã từng sống, chiến đấu trên đất bạn Campuchia, nhất là đã từng chiến đấu vùng rừng núi Tà Sanh, Tức Sóc, một vùng nổi tiếng rừng thiêng nước độc, mới cảm nhân hết được những vần thơ hay của nhà thơ Vương Trọng khi ông mô tả về độ khắc nghiệt, nguy hại của mảnh đất này:

“Tà Sanh một vùng bí hiểm
Bát Đom Boong rùng mình khi nghĩ đến
Chướng khí bay lên đen kịt mây trời”.


“Sốt Tà Sanh không ai tránh nổi đâu
Người Pailin đi dân công hỏa tuyến
Vài tuần thôi về sốt trọc đầu
Bác sĩ chuyên khoa vi trùng sốt rét
Lên dăm ngày, cấp cứu về sau...

... Con voi trụi lông quay đầu đi hướng khác”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:47:26 am »

Điều kiện thời tiết, khí hậu của một địa bàn độc hại, bí hiểm như vậy, cùng với điều kiện khó khăn, thiếu thốn ở chiến trường, khó có cán bộ, chiến sĩ nào không bị sốt rét. Qua tổng kết 10 năm chiến đấu giúp bạn của Quân khu, sốt rét rừng là một trong nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự hi sinh, mất mát, tổn thất lực lượng của ta trên chiến trường đất bạn. Sốt rét rừng ở Tà Sanh nói riêng, ở các khu rừng độc hại khác của núi rừng Campuchia nói chung không lay chuyển được ý chí chiến đấu và tinh thần giúp bạn của người lính Quân tình nguyện Việt Nam, đứng như nhà thơ Vương Trọng khẳng dinh:

“Nhưng bạn tôi ở lại chẳng đi đâu
Ra viện lại xin vào giữ chốt
Tự nguyện che lá chắn tuyến đầu”.


Thấy tôi bị bệnh, các anh trong Ban Chỉ huy Trung đoàn động viên tôi bàn giao công việc, về tuyên sau chữa trị, giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ, đơn vị đang đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu trên hướng tấn công chủ yếu của chiến dịch, là người chỉ huy, tôi cùng với các cơ quan xây dựng kế hoạch và trực tiếp điều hành tổ chức chỉ huy tác chiến đánh địch ngay từ lúc mở màn, nay về tuyến sau đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn; ở thời điểm quyết liệt này thêm một khó khăn là mất một thời cơ, khả năng tiêu diệt địch; hơn nữa trong lúc khó khăn quyết liệt nhất, người chỉ huy về phía sau trị bệnh, còn anh em, đồng chí tiếp tục phải vào sinh ra tử, tôi không đành lòng, bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn chắc chắn sẽ bị tác động đến tư tưởng. Nghĩ vậy, dù Sư đoàn, các anh trong Ban Chỉ huy Trung đoàn yêu cầu tôi phải về tuyến sau, song tôi kiên quyết ở lại, lệnh cho đơn vị vận tải làm cáng đưa tôi đi đến các vị trí chỉ huy của Trung đoàn theo dõi tiến độ tiến công, vừa truyền dịch, vừa nghe tác chiến báo cáo tình hình, vừa sử dụng máy thông tin PRC-25 chỉ huy đơn vị đánh chiếm các điểm cao 954, 1167, 1500, 1004, làm chủ khu vực A3, A4, Đèo Gà, cầu Vạn Thắng và căn cứ Cácđamon.

Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trên giao, tôi nhận thấy mình cũng đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy của bản thân. Chiến dịch vừa kết thúc, đồng chí Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Chính trị của Mặt trận 719 đã đến ngay Trung đoàn động viên cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu. Khi nói về nguyên nhân thắng lợi, đồng chí khẳng định: “Do phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí chiến đấu kiên cường, quả cảm, không sợ hi sinh; một trong những tấm gương đó là đồng chí Trung đoàn trưởng, dù bị sốt rét quyết không rời trận địa. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt này, không phải không có cán bộ tìm mọi cách ốm đau để về phía sau, còn đồng chí Trung đoàn trưởng vẫn kiên cường bám trận địa, chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi; không có cán bộ, đảng viên như thế, không có chiến thắng vẻ vang này...”.

Lời động viên của đồng chí Lê Khả Phiêu đối với đơn vị và cá nhân tôi là nguồn động viên cổ vũ kịp thời, to lớn, giúp chúng tôi vững vàng hơn trong nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn. Còn gì sung sướng, hạnh phúc, tự hào hơn, giữa chiến trường nóng bỏng còn hơi mùi thuốc súng, giữa núi cao, rừng sâu thăm thẳm của một vùng khí hậu độc hại sát biên giới Campuchia - Thái Lan, lại được một trong những người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của Mặt trận 719 kịp thời có mặt, động viên, cổ vũ Trung đoàn; điều đó có sức mạnh tinh thần to lớn lắm! Lời động viên, cố vũ này không chỉ đã phát huy vai trò công tác đảng, công tác chính trị mà cao hơn chính là lời động viên cổ vũ của Đảng, Quân đội, của hậu phương lớn cả nước đối với Quân tình nguyện Việt Nam đang chiến đấu giúp bạn ở Campuchia. Ghi lòng, tạc dạ những lời động viên căn dặn của đồng chí Lê Khả Phiêu, tôi thay mặt anh em trong đơn vị xin hứa với đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719: “Quyết tâm lập nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Chiến thắng Cácđamon kết thức thắng lợi chiến dịch mùa khô 1984-1985 của lực lượng vũ trang Quân khu 9 trên chiến trường Campuchia giúp bạn. Thắng lợi to lớn này có ý nghĩa quyết định đập tan mưu đồ phản công giành thế chủ động trên chiến trường của địch, tạo ra những thời cơ, điều kiện thuận lợi cho bạn vươn lên làm chủ phum, sóc, địa bàn nông thôn chiến lược, bảo đảm cho cách mạng Campuchia có bước phát triển toàn diện, đủ khả năng tự đảm đương toàn bộ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, từng bước thay thế để Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam rút quân về nước.

Sau chiến dịch Cácđamon, tôi tiếp tục chỉ huy Trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch K5 (công trình rào chắn biên giới), truy quét tàn quân địch, tham gia huấn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang cho bạn, góp phần giúp bạn đứng vững vả làm chủ biên giới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:47:59 am »

Đánh giá cao thành tích của Trung đoàn, trong Hội nghị tổng kết chiến dịch 1984-1985, đồng chí Lê Đức Anh - Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia tặng cho Trung đoàn bộ binh 9 danh hiệu “Trung đoàn sơn cước” và tặng tôi danh hiệu “Con cọp xám rừng Ca La Van”. Nhận danh hiệu này, tôi nghĩ, đây là sự đánh giá, ghi nhận của đồng chí nguyên là người chỉ huy Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Campuchia dành cho tôi trước hết thuộc về cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 9, một trung đoàn đã ba lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng: lần thứ nhất (năm 1983), lần thứ hai (năm 1989), lần thứ ba (năm 2007); tập thể anh hùng ấy đã nói lên tất cả.

Tháng 9 năm 1985, cấp trên quyết định để tôi bàn giao chức Trung đoàn trưởng cho đồng chí Hồ Khải Hoàn - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, để về Trường Văn hóa Quân khu 9 ở Đồng Tâm học văn hóa. Cũng tại thời điểm này, Ban Chỉ huy Trung đoàn 9 có nhiều thay đổi: anh Nguyễn Văn Mười - Bí thư Đảng ủy, Phó Trung đoàn trưởng về chính trị được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng về chính trị Bệnh viện 120, anh Đặng Văn Năm thay anh Mười làm Bí thư Đảng ủy, Phó Trung đoàn trưởng về chính trị; anh Nguyễn Thành Tho thay anh Hoàn làm Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng; trên bổ nhiệm anh Mai Văn Lập, Lê Văn Bi làm Phó Trung đoàn trưởng.

Tạm rời xa Trung đoàn, giữa lúc đơn vị đang bước vào giai đoạn cuối của nhiệm vụ 10 năm giúp bạn ở Campuchia, có nhiều điều mới mẻ, khó khăn, phức tạp. Nhận quyết định đi học, trong tôi trào lên niềm cảm xúc vui buồn, vui vì được trên quan tâm cho đi học, buồn vì phải xa đơn vị, xa đồng chí, đồng đội. Tôi biết cuộc chiến đấu này rồi sẽ kết thúc, chúng tôi - những người lính chiến đấu giúp bạn ở Campuchia trở về trước yêu cầu xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ phải “đại học hóa”. Được đi học là một vinh dự lớn, là sự quan tâm của trên, là bước chuẩn bị tiếp theo trên giành cho tôi trên con đường phấn đấu sau này. Tuy vậy, phải xa Trung đoàn, xa đơn vị đã gắn bó với tôi suốt bảy năm trời từ ngày đầu thành lập (1978-1985), nơi tôi trưởng thành từ cán bộ đại đội, phát triển đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Trung đoàn, đảm nhiệm các nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, đến những năm tháng gian lao, vất vả, đầy gian khổ, hi sinh, chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia. Trung đoàn đã phát triển, trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, nhất là thành tích và kinh nghiệm chiến đấu, được trên khen tặng là “Trung đoàn sơn cước”, Trung đoàn có truyền thống chấp hành nghiêm mệnh lệnh, một trung đoàn “có lệnh là đi, đã đi là đến, đã nổ súng là tiêu diệt được địch”, mang chiến thắng trở về... Là người chỉ huy trưởng đơn vị, cũng như các anh trong Ban Chỉ huy Trung đoàn, tôi rất tự hào, hạnh phúc trước sự phát triển và truyền thống chiến đấu của Trung đoàn. Tuy vậy, hơn ai hết, tôi rất hiểu Trung đoàn 9 lúc này mạnh - yếu những gì, nhiệm vụ giúp bạn trong thời gian tôi còn rất nhiều khó khăn, vất vả, gian khổ, hi sinh; những thử thách, khó khăn ở phía trước đang chờ đón cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn.

Xa Trung đoàn, tôi thực sự buồn vì không còn được kề vai sát cánh, đoàn kết, chung sức chung lòng với cán bộ, chiến sĩ, những người anh em đồng chí đã cùng tôi chiến đấu vào sinh ra tử trong gần chục năm qua với hàng trăm trận đánh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình theo chủ trương của Đảng, cứu giúp dân tộc Campuchia ra khỏi họa diệt chủng theo truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc Việt Nam, ra sức cứu giúp bạn khi bạn lâm nguy, gặp cơn hoạn nạn, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Trung đoàn 9 chính là nơi đầy ắp những kỷ niệm vui buồn trong tôi. Vui vì Trung đoàn trong chiến đấu lập nhiều chiến công, cán bộ, chiến sĩ trưởng thành, tiến bộ; buồn vì những đồng chí, đồng đội thân yêu đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Có những đồng chí đã được trở về quê hương, đất mẹ, được đoàn tụ với gia đình, vợ con; còn có những đồng chí tận đến hôm nay vẫn còn nằm đó trong những khu rừng, bờ suối, ruộng đồng, nương rẫy trên đất bạn mà ta và bạn đang tích cực tìm kiếm, cất bốc đưa về Tổ quốc. Cảm ơn những người mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con trung hiếu, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước, sống rất nhân hậu, nghĩa tình, hiếu thảo với gia đình và nhân dân, coi nhân dân bạn cũng như nhân dân mình.

Khi phải xa Ban Chỉ huy Trung đoàn, nơi tôi rất hạnh phúc được sống, công tác với những người anh em đồng chí hết sức thân tình như các anh Nguyễn Văn Mười, Hồ Khải Hoàn, Mai Văn Lập... Đây thực sự là một tập thể lãnh đạo, chỉ huy đoàn kết, trách nhiệm cao với đơn vị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ, luôn hướng về phía trước. Trong cuộc sống đời thường, tập thể Ban Chỉ huy ấy sống có nghĩa tình, tôn trọng nhau, choàng gánh cho nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Một tập thể mạnh mẽ, nghĩa tình như vậy mà phải tạm xa, lòng tôi không buồn sao được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:48:31 am »

Tháng 10 năm 1985, tôi có mặt ở Trường Văn hóa Quân khu ở Đồng Tâm làm thủ tục nhập học. Học văn hóa đối với tôi thật là khó khăn, vất vả, bởi lẽ kiến thức cơ bản thiếu tính hệ thống, chắp vá những kiến thức có được khi học ở lớp học thời chiến tranh vùng giáp ranh giữa ta và địch, trong căn cứ địa U Minh đã rơi rụng đi nhiều. Được sự giúp đỡ, động viên của anh em trong lớp học, nhất là tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tính kiên trì, phương pháp giảng giải đậm chất sư phạm đối với những đối tượng như tôi của các thầy cô làm tôi tự tin và quyết tâm phấn đấu “học cho được”. Tôi nghĩ, anh em học được, sao mình không học được! Đánh giặc được, học cũng phải được! Bằng sự cố gắng ngày đêm cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, đồng chí, đồng đội, sau hơn một năm chịu khó “dùi mài kinh sử”, tôi đã hoàn thành xong chương trình phổ thông trung học. Đây là nền tảng văn hóa cơ bản nhất giúp tôi có điều kiện tổng kết và tiếp thu các tri thức chính trị, văn hóa, xã hội và quân sự sau này.

Rời mái trường văn hóa ở Đồng Tâm, tôi lại được trên tiếp tục cho đi học, làm học viên Trường H16, nơi bổ túc cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch của Quân khu 9. Hơn một năm học tập, tôi đã có nhiều kiến thức mới về chính trị, quân sự, đã hiểu sâu sắc hơn đặc điểm tình hình, địa hình, thời tiết, hình thái ta và địch trong các chiến lược và sự vận dụng sáng tạo trong xây dựng và phát triển cách đánh của Đảng ủy, Bộ Tự lệnh Quân khu 9, lãnh đạo chỉ huy các đơn vị trong cá cuộc kháng chiến chống xâm lược, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia.

Tháng 5 năm 1988, kết thúc khóa học quan trọng này, tôi nhận được quyết định bổ nhiệm làm Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 339. Tôi về đến Sư đoàn thì được biết Ban Chỉ huy Sư đoàn có sự thay đổi lớn. Đồng chí Nguyễn Minh Châu được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng thay đồng chí Nguyễn Văn Tấn, đồng chí Bùi Văn Minh làm Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng.

Trở về Sư đoàn đang vào giai đoạn đánh địch cuối mùa khô và đã giành nhiều thắng lợi rất quan trọng. Những chiến thắng liên tiếp của Sư đoàn và các đơn vị bạn đã làm thất bại ý đồ phản công của địch, tiêu diệt địch trên toàn khu vực trung tuyến và biên giới, bóc dỡ nhiều cơ sở mật trong nội địa, làm cho địch đã suy yếu càng suy yếu thêm, tạo điều kiện cho bạn vươn lên đảm nhiệm các nhiệm vụ xây dựng và quản lý đất nước một cách vững chắc.

Gặp anh Nguyễn Minh Châu - Sư đoàn trưởng ở Ban Chỉ huy Sư đoàn, với tác phong lãnh đạo, chỉ huy cởi mở, chân thành, gần gũi, anh ân cần trao đổi, thông báo với tôi tình hình chung về ta và địch, tình hình nhiệm vụ của Sư đoàn, nhất là kết quả và nhiệm vụ chiến đấu mà Sư đoàn đang đảm nhiệm. Anh nói với tôi, trước mắt tập trung nắm tình hình Sư đoàn, vì tôi xa Sư đoàn đã mấy năm, tình hình Sư đoàn có nhiều thay đổi, nhất là về đội ngũ cán bộ. Anh yêu cầu tôi cần đi sâu nắm tình hình các trung đoàn đang chiến đấu ở phía trước, sau đó Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn sẽ giao nhiệm vụ cụ thể sau. Sau khi nắm toàn bộ tình hình của Sư đoàn, tôi đi sâu theo dõi kết quả chiến đấu và phối hợp với bạn xây dựng cơ sở, thực lực chính trị của các Trung đoàn trên các địa bàn như Trung đoàn 9 đang hoạt động độc lập ở huyện 14 và huyện 19 - Côngpông Chnăng, Trung đoàn 8 đang đánh địch ở Pursat, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 14 đang hỗ trợ đắc lực cho Sư đoàn 196 bạn đánh địch ở Pailin và nội địa.

Để xiết chặt biên giới, khóa chặt địch, Trung đoàn đã tổ chức các chốt: Năm Nhà, Hai Mươi Nhà, khu vực sông Mê Tức, Bảy Nhà. Nhận rõ vai trò, vị trí quan trọng của các chốt này, địch tập kích liên tục, Trung đoàn 14 gặp rất nhiều khó khăn, mất chốt liên tục. Để tăng cường sức chiến đấu cho Trung đoàn 14, trên quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Phương Nam về làm Trung đoàn trưởng. Trước đó tôi đề xuất với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn đề nghị lên trên bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Phương Nam từ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 lên làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, khi đồng chí Lê Đức Anh đến làm việc tại Sở Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn 339, có hỏi tôi: “Căn cứ vào đâu đồng chí bảo đảm đồng chí Nguyễn Phương Nam từ Tiểu đoàn trưởng lên làm Trung đoàn trưởng, có thể hoàn thành nhiệm vụ ở một Trung đoàn đang gặp nhiều khó khăn như vậy. Đồng chí lấy cái gì bảo đảm?”. Tôi trả lời: “Tôi lấy cái đầu tôi”. Đồng chí Lê Đức Anh cười vang. Chỉ ít lâu sau, anh Bảy Nam có quyết định bổ nhiệm từ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 giữ chức Trung đoàn trưởng. Một quyết định bổ nhiệm vượt cấp cán bộ ở chiến trường vừa kịp thời, vừa chính xác.

Sư đoàn cũng kịp thời hỗ trợ các mặt cho Trung đoàn đứng vững trên các chốt tiền tiêu biên giới Campuchia - Thái Lan. Đây là Trung đoàn hoạt động tuyến 1, chốt chặn đường biên giới, phải đứng chân trên vùng rừng núi khắc nghiệt, đường giao thông cách trở, nhất là về mùa mưa, mọi hoạt động bảo đảm hậu cần, kỹ thuật từ phía sau ra phía trước và vận chuyển thương binh, bệnh binh về phía sau phải dùng trực thăng của Bộ Quốc phòng. Để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đứng vững trên các chốt tiền tiêu quan trọng này, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn sau khi được củng cố đã triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp từ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, triển khai xây dựng hệ thống hầm hào, công sự, kho tàng, trạm xá, doanh trại kín đáo, thoáng mát, bảo đảm cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, có điều kiện ngủ nghỉ an toàn, nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2022, 07:49:06 am »

Khi đến thăm, tôi nhận thấy Trung đoàn được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, đời sống ăn ở được cải thiện, tư tưởng phấn khởi, không mang tư tưởng tạm bợ, tôi ghi nhận sự sáng tạo, quyết tâm cao của lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn và tin tưởng Trung đoàn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Thực tiễn Trung đoàn đã đứng vững trên tuyến biên giới, góp phần cùng với các đơn vị bạn đánh bại ý đồ lấn chiếm Tà Sanh, Bãi Tàng, Săm Lốp của địch, tạo điều kiện cho ta và bạn khôi phục lại thế trận biên giới, củng cố K5, tiếp tục rút quân theo kế hoạch.

Để bảo đảm thế làm chủ vững chắc của bạn, ta chủ trương đánh một số trận vào sâu đất Thái Lan từ 7 đến 9km, nơi có các kho tàng, căn cứ của Pôn Pốt lợi dụng sự giúp đỡ của người Thái xây dựng các căn cứ tiếp nhận sự viện trợ, giúp đỡ của bọn phản động quốc tế để duy trì phát triển lực lượng, hòng lật ngược thế cờ ở Campuchia.

Đầu năm 1989, Sư đoàn 339 tổ chức đánh điểm cao 408, trong đó có ba mục tiêu: điểm cao 215, điểm cao 113 trên đất Thái, điểm cao 183 trên đất Campuchia. Trong trận này tôi và đồng chí Nguyễn Phương Nam - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 có một kỷ niệm sâu sắc thấm đượm tình anh em, đồng chí. Để nắm và theo dõi tình hình địch, tôi lên điểm cao 171, từ đây tôi nhìn rất rõ ba điểm cao là căn cứ Pôn Pốt tập trung xây dựng hệ thống kho tàng, trang trại để tiếp nhận hàng đưa vào nội địa. Trên điểm cao 408, địch bô trí một khẩu súng (dàn hỏa tiễn) H12 mới sản xuất, nước sơn còn bóng loáng, đạn dài tới 2m, bắn như ĐK. Tôi gọi Bảy Nam (Nguyễn Phương Nam) di chuyển vị trí chỉ huy về địa điểm mới cho an toàn để mình tôi ở lại tổ chức đánh lấy khẩu súng này. Bảy Nam không nghe, dứt khoát khẳng định: “Em không đi, chết thì cùng chết, bỏ anh một mình chỉ huy sao được”. Tôi và Bảy Nam chỉ huy Đại đội 21 đánh và thu được khẩu súng này mang về phía sau phục vụ cho việc nghiên cứu vũ khí mới của địch. Tất cả các Trung đoàn trong Sư đoàn đều chiến đấu đạt kết quả tốt, tiêu diệt địch, làm chủ địa bàn, phối hợp tốt với bạn, cùng với bạn làm tốt công tác vận động quần chúng, chăm lo củng cố hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho bạn vươn lên làm chủ, thực hiện vững chắc ba mục tiêu chiến lược.

Đang tìm hiểu, nắm tình hình mọi mặt của Sư đoàn, tháng 9 năm 1989 tôi được trên quyết định đi học tại Học viện Quân sự cấp cao ở Hà Nội, nơi đào tạo cán bộ quân sự cấp chiến thuật, chiến dịch. Lại một bước ngoặt nữa trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tạm biệt chiến trường, tôi lại quay về với nhiệm vụ học tập, nơi không chỉ cho tôi bản lĩnh, trí tuệ mà còn uốn nắn, rèn luyện tôi sống xứng đáng với phẩm chất, danh hiệu “Anh bộ đội Cụ Hồ”, nhà trường tiếp tục sẽ chắp cánh cho tôi trên con đường phấn đấu. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng học thật tốt, rèn luyện tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Quân đội và nhân dân.

*
*   *

Gần một thập kỷ tham gia chiến đấu, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, tôi thấy mình trưởng thành, phát triển lên nhiều, cả về bản lĩnh lẫn tri thức quân sự, chính trị, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy. Để đạt được kết quả đó, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của bản thân, còn có sự quan tâm, động viên sâu sắc của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 9. Những gì tôi có được trong gần 10 năm ấy có sự đóng góp, hi sinh của anh em, đồng chí, đồng đội trong “Trung đoàn sơn cước” anh hùng này.

Trung đoàn 9 ba lần được tặng danh hiệu anh hùng, hôm nay vẫn còn đây, từ Nam ra Bắc, trên mọi nẻo đường quê hương, đất nước, đã hiến dâng những đứa con ưu tú, nhiều thế hệ thanh niên xuất sắc hội tụ về đây, bằng công sức, máu xương, tài năng và phẩm chất cao đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ” xây đắp nên truyền thống vinh quang của Trung đoàn. Với tư cách là một trong cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chủ trì của Trung đoàn ở một trong những giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất, tôi xin tỏ lòng cảm ơn đến mọi cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, học tập, công tác, chiến đấu ở Trung đoàn 9 trên mọi miền Tổ quốc. Chúc anh em, đồng chí, đồng đội mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Đã nhiều lần được đi học, riêng lần đi học này, tôi định gói ghém toàn bộ những thực tiễn kinh nghiệm quý báu từ chiến trường về nhà trường để kiểm nghiệm nó, để chứng minh bản lĩnh, sự sáng tạo, nhạy bén của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trên chiến trường giúp bạn. Đây là một trong những nhân tố làm nên những chiến công xuất sắc của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia. Lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với chiến trường, đó là phương châm giáo dục, đào tạo rất đúng đắn của nhà trường Quân đội ta; nó cũng rất đúng đối với tôi, từ chiến trường về các nhà trường, từ nhà trường lại ra chiến trường, sau đó quay lại nhà trường tiếp tục trau dồi kiến thức. Cuộc đời quân ngũ của tôi đã đi đúng phương châm ấy. Nghĩ vậy, tôi vui vẻ hăng hái lên đường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 08:18:30 am »

Chương IV

SÁNG DANH NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ
(1990-2012)

Sau ba thập kỷ chiến đấu kiên cường quả cảm, nhân dân ta đã phát huy hết sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc và cống hiến tất cả những gì thân thiết nhất, quý báu nhất trong mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam cho sự nghiệp thiêng liêng cứu nước và giữ nước. Đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, trong niềm hạnh phúc to lớn của ngày toàn thắng, được sự giúp sức của bọn phản động quốc tế, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, phản bội nhân dân Campuchia, tổ chức xây dựng và thực hiện một thứ “chủ nghĩa cực đoan, tàn bạo, diệt chủng” chưa từng có trong lịch sử. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Quân khu cùng với các đơn vị bạn đã lên đường chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, trở về Tổ quốc trong sự chào đón và niềm tin yêu vô hạn của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long và nhân dân cả nước; sự tin tưởng, quý mến của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ, các cấp lãnh đạo, chính quyền Campuchia. Nhiều người dân Campuchia gọi cán bộ, chiến sĩ ta là “Bộ đội của nhà Phật”. Đó là phần thưởng cao quý nhất của một đội quân đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn đã giành thắng lợi to lớn cả quân sự và chính trị.

Tháng 9 năm 1989, trong niềm vui lớn của Sư đoàn 339 và lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn trở về Tổ quốc, tôi tạm xa gia đình, đơn vị lên đường ra Hà Nội học tại Học viện Quân sự cấp cao.

Sau nhiều năm trực tiếp chiến đấu trên mảnh đất quê hương xã Trần Phán anh hùng, tiếp theo đó tham gia lực lượng chủ lực của Quân khu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, một vài lần được đi học, chủ yếu các trường của Quân khu, Bộ, nằm trên địa bàn các tỉnh phía Nam, tôi chưa có điều kiện, thời gian nhiều ở miền Bắc như đợt đi học này. Từ miền Tây, tôi đến ga Sài Gòn, sau ba ngày ba đêm, con tàu Thống Nhất, con tàu của khát vọng, niềm tin và ý chí Bắc - Nam một nhà của dân tộc Việt Nam trải qua những thăng trầm lịch sử, nay đã trở thành hiện thực, băng băng từ thành phố mang tên Bác đưa chúng tôi và những người khách đồng hành qua các ga trung tâm Đà Nẵng, Huế, Vinh, từ từ tiến vào ga Hàng Cỏ (Hà Nội).

Được chiêm ngưỡng địa hình, phong cảnh ruộng đồng, nương rẫy rộng lớn, xanh tươi, núi rừng bát ngát, biển đảo mênh mông của Tổ quốc hình chữ S, trong tôi trào dâng niềm tự hào sâu sắc về ý chí và công lao to lớn của ông cha trên con đường xác lập và làm chủ đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng vĩ. Bằng mồ hôi, công sức và máu xương của nhiều thế hệ, ông cha ta đã xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông, đất nước và bàn giao cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau một sản nghiệp vô cùng to lớn và thiêng liêng. Đó là một giang sơn thống nhất từ mũi Cà Mau đến Mục Nam Quan sừng sững soi mình bên bờ biển Thái Bình Dương, cùng chung sống hòa bình, hữu nghị và thân thiện với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tôi nhớ lại lời dặn ân cần, sâu sắc của Bác Hồ vào mùa thu năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô, Người ghé thăm Đền Hùng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 (Sư đoàn Quân tiên phong), Bác dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; Bác đã tổng kết một cách nhẹ nhàng, sâu sắc quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta đó là: dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Đây không chỉ là quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng, của Quân đội ta mà là niềm tin, quyết tâm sắt đá của mỗi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tranh thủ thời gian làm công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng, tôi háo hức đi thăm Thủ đô, vào lăng viếng Bác. Ở miền Nam, tôi đã được nghe nói nhiều về lăng Bác, nơi yên nghỉ của Người.

Từ ngoài vào trong lăng, được ngắm nhìn thi hài Bác, tôi mỗi lúc một hồi hộp, dồn nén, tự hào, xúc động sâu sắc. Không xúc động sao được khi tất cả giá trị truyền thống văn hóa hàng ngàn năm văn vật của dân tộc được tích tụ từ trong nhân cách, tư tưởng và tầm vóc của Người; nay lại được tỏa sáng, truyền cảm, lan tỏa tới các thế hệ người dân Việt Nam. Từ sâu tận trong trái tim mình, lòng tôi dâng trào niềm yêu thương, quý trọng, thương nhớ Bác khôn nguôi. Đó cũng chính là tình cảm của những đứa con miền Nam, của đồng bào quê tôi dành cho Bác trong suốt những năm kháng chiến cho đến tận bây giờ. Tôi nhớ vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước, khi Mỹ - Diệm thực hiện chiến lược “chiến tranh đơn phương” ở miền Nam bằng một loạt âm mưu, thủ đoạn, chính sách dã man và tàn bạo như “tố cộng, diệt cộng” hòng truy sát, tiêu diệt cộng sản, diệt tận gốc con đường cách mạng miền Nam. Một gia đình nông dân ở Cà Mau quê tôi treo một bức tranh vẽ cảnh một ông già ngồi câu cá ở một vị trí trang trọng nhất trên tường nhà, dưới bức ảnh có bốn câu thơ đề vịnh:

“Cụ già thong thả buông cành trúc
Hồ rộng thênh thang cá vẫy vùng
Muôn dặm khơi xa làn nước biếc
Tuổi già vui mãi với non sông”.


Lính Diệm, từ bọn cảnh sát ác ôn đến bọn chiến tranh tâm lý, bọn mật vụ chìm nổi ra vào nhiều lần, tích cực khám xét mà không phát hiện ra chữ đầu của tứ thơ là câu khẩu hiệu “Cụ Hồ muôn tuổi”. Niềm tin, tình cảm của quân dân miền Nam đối với Đảng, Bác Hồ vô cùng sâu nặng, lớn lao, không có thứ vũ khí nào, súng đạn nào ngăn cản được, cũng không có thủ đoạn nào che lấp được.

Vào viếng lăng Bác, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, được tận mắt ngắm nhìn cuộc đời, công đức, những di sản mà Người để lại, tôi càng hiểu sâu sắc hơn những tình cảm yêu thương, quý trọng mà nhân dân quê tôi, quân dân miền Nam, đồng bào, chiến sĩ cả nước giành cho Bác sâu nặng đến nhường nào. Xúc động trong niềm tự hào, sung sướng được vào lăng viếng Bác, tôi nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bi cho ngày khai giảng khóa học với quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 08:18:53 am »

Ba năm theo học khóa đào tạo cán bộ quân sự cấp chiến thuật, chiến dịch khóa 10 ở Học viện Quân sự cấp cao, phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo ở một học viện danh tiếng của Quân đội ta, nơi đã đào tạo nên những cán bộ quân sự cấp cao của Quân đội, trực tiếp góp phần vào sự phát triển, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang của Quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia. Đây là khóa học tôi được nghiên cứu, học tập một cách cơ bản nhất, toàn diện, chuyên sâu về tri thức khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự, nhất là các môn: cơ sở lý luận, quan điểm, tư tưởng đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự, phục vụ tốt cho nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy mà tôi đảm nhiệm sau này.

Tháng 7 năm 1991, tốt nghiệp Học viện, tạm biệt ngôi trường danh tiếng này, về Quân khu, tôi được trên bổ nhiệm làm Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh 339. Về đến Sư đoàn giữa lúc Đảng bộ Sư đoàn đang bước vào chuẩn bị Đại hội vòng II nhiệm kỳ 1991-1995. Do làm tốt công tác chuẩn bị cả về nhân sự, hệ thống các văn kiện, nhất là đã phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm chính trị của đảng viên, từng tổ chức cơ sở đảng, Đại hội vòng II Đảng bộ Sư đoàn 339 đã thành công tốt đẹp cả trong việc xác định chủ trương, giải pháp đúng đắn trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Sư đoàn vững mạnh toàn diện, lẫn việc bầu Đảng ủy, bầu đoàn đại biểu Đảng bộ Sư đoàn đi dự Đại hội Đảng bộ Quân khu. Đại hội cũng đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Sư đoàn do đồng chí Huỳnh Minh Chí - Phó Sư đoàn trưởng về chính trị làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Minh Châu - Sư đoàn trưởng làm Phó Bí thư. Tôi được Đại hội bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn.

Sau khi nắm tình hình đơn vị, trên cương vị được giao, tôi đề xuất với Đảng ủy Sư đoàn ra nghị quyết chuyên đề “Đổi mới công tác huấn luyện”, trong đó vừa quán triệt tốt phương châm “thiết thực, thực tế, vững chắc” phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và nhiệm vụ của Sư đoàn; vừa tiếp tục kết hợp huấn luyện dã ngoại với công tác vận động quần chúng, trong đó Sư đoàn chọn Trung đoàn 9 làm điểm. Thực hiện chủ trương và kế hoạch huấn luyện của Sư đoàn, các cơ quan, đơn vị bước vào mùa huấn luyện với khí thế và quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả tốt, nổi bật nhất là huấn luyện kỹ - chiến thuật phục vụ cho diễn tập tiểu đoàn tiến công, phòng ngự ở đồng bằng có nhiều kinh rạch; huấn luyện gắn liền rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; huấn luyện dã ngoại kết hợp với công tác vận động quần chúng.

Những kết quả đạt được của Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 9 trong quá trình hành quân dã ngoại về các xã thuộc huyện Lai Vung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp mang nhiều lợi ích, ý nghĩa quan trọng cho cả đơn vị và địa phương. Đối với đơn vị, qua đợt hoạt động này, cán bộ, chiến sĩ được sống với dân nên tình hình chính trị, tư tưởng, tác phong sinh hoạt có chuyển biến tốt, trình độ chỉ huy vận dụng kỹ - chiến thuật ở địa hình đồng bằng có nhiều kinh rạch của cán bộ được nâng lên. Đối với địa phương, từ những hoạt động của đơn vị làm cho nhân dân càng yêu mến “Anh bộ đội Cụ Hồ”, tin tưởng vào chính quyền địa phương, góp phần xây dựng củng cố thế trận lòng dân vững chắc.

Ở thời điểm này, Sư đoàn khó khăn về quỹ vốn để tổ chức tăng gia sản xuất. Qua nhiều đêm suy nghĩ, tôi đề xuất với các anh Nguyễn Minh Châu - Sư đoàn trưởng, Huỳnh Minh Chí - Phó Sư đoàn trưởng về chính trị cho tôi về Cà Mau xin đất nuôi tôm mở khu tăng gia sản xuất cho Sư đoàn. Được hai anh nhất trí, tôi về Cà Mau xin 300ha đất ở Nông trường Trảng Sáo, huyện Ngọc Hiển làm vuông tôm. Để có tiền đầu tư đào kinh, tôi đi vay công ty kiều hối, lãi suất 13%. Kết quả vuông tôm trúng nhiều vụ, không chỉ hoàn trả cả vốn lẫn lời mà hằng năm đưa về cho Sư đoàn từ 5 đến 6 tỷ đồng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

Cuộc sống, tình cảm gia đình của những người lính về cơ bản cũng như bao nhiêu các gia đình khác trong xã hội, song có không ít khó khăn thử thách riêng, nhất là trong chiến tranh. Do không có điều kiện tìm hiểu kỹ từ ban đầu, tôi và người vợ đầu (Phạm Thị Bé) sau khi lấy nhau phát sinh nhiều mâu thuẫn; mặt khác trong những năm 1976-1980 tôi phải xa nhà liên tục, cùng đơn vị tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, trở thành bộ đội chủ lực của lực lượng vũ trang Quân khu. Vì vậy càng ít được gần gũi gia đình, vợ con; mâu thuẫn gia đình ngày càng tăng lên, không thể hàn gắn được. Biết chuyện riêng của tôi không “thuận buồm xuôi gió”, má động viên tôi: “Cố gắng sắp xếp chuyện gia đình để yên tâm tập trung lo nhiệm vụ cho đơn vị con ạ! Đừng để việc riêng ảnh hưởng tới việc chung”. Hiểu lòng má, chuyện riêng của tôi do tôi quyết định. Đầu năm 1980, tôi giải quyết xong chuyện gia đình, ổn định đòi sống tình cảm, tinh thần, tập trung lo cho đơn vị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 08:20:20 am »

Những năm 1987-1988, khi đang học văn hóa của Trường Văn hóa Quân khu ở Đồng Tâm, tôi về Trung đoàn 9 chơi và quen anh Lê Niệm trước đây là y sĩ chuyên bảo vệ sức khỏe của đồng chí Lê Đức Anh - nguyên là Tư lệnh Quân khu. Là bạn bè thân của nhau, anh mời tôi về nhà chơi và giới thiệu tôi làm quen với em gái anh (Lê Thị Quyến). Cuối năm 1991, tốt nghiệp xong Học viện Quân sự cấp cao, tôi lại về Sư đoàn 339 nhận nhiệm vụ. Lúc này, anh Lê Niệm từ trợ lý tác chiến xuống làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn bộ binh 9.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy Cà Mau, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn 339 và đông đảo họ hàng hai gia đình, anh em bạn bè, năm 1992, tôi quyết định xây dựng gia đình với vợ tôi (Lê Thị Quyến). Lễ cưới được tổ chức tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh, do Tỉnh ủy và Sư đoàn 339 phối hợp tổ chức. Năm 1994, vợ chồng tôi sinh được một cháu gái Trần Thị Tố Như, sau khi học xong phổ thông trung học, cháu học đại học ở Xingapo. Tố Như là cô con gái cưng mà vợ chồng tôi hết mực yêu thương. Chứng tôi sinh cháu và nuôi dạy cháu những năm đầu đời gặp rất nhiều khó khăn, lên 5-6 tuổi cháu bị bệnh nặng phải chữa trị trên Thành phố(1). Tôi vừa phải đi làm, vừa tranh thủ chủ nhật, có lúc phải nhảy xe đò đi thăm con và động viên vợ ráng cố gắng chăm sóc con sớm khỏi bệnh. Rất may cô con gái cưng của vợ chồng tôi nhanh chóng vượt qua “thử thách”; dường như thấu hiểu nỗi vất vả của ba má, cháu thông minh, học giỏi, hiếu thảo với ba má, lễ phép với ông bà... Là con gái, cháu thường xuyên gần gũi má, song rất quý trọng và yêu thương ba, luôn dành cho ba sự quan tâm sâu sắc, những chia sẻ, động viên, cổ vũ kịp thời, tình nghĩa cha con vô cùng sâu đậm. Sự trưởng thành của cháu đã chiếm trọn niềm tin và lòng tự hào của vợ chồng tôi. Ở tuổi tôi bây giờ, con cái chính là mạch sống, sự hứng khởi, hạnh phúc và niềm tin để đi trọn cuộc đòi. Tố Như, cô con gái cưng của chúng tôi chính là đứa con đã đem lại cho vợ chồng tôi đầy đủ những niềm hạnh phúc đó.

Gia đình bên vợ tôi là gia đình cách mạng, ba vợ (Lê Việt Cương) đi bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở Lữ đoàn 6 Pháo binh Quân khu. Trong gia đình vợ, anh Lê Niệm là anh hai, chị Lê Thị Ánh là chị ba, chị xây dựng gia đình với anh Trần Văn Việt (Hai Dũng), anh Việt tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng kinh qua các nhiệm vụ: Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cà Mau; đến vợ tôi Tư Quyến.

Ngày 11 tháng 4 năm 1994, thực hiện chủ trương và quy định của Bộ, Tư lệnh Quân khu ra quyết định sáp nhập Sư đoàn bộ binh 8 và Sư đoàn bộ binh 339 thành một Sư đoàn, lấy phiên hiệu là Sư đoàn bộ binh 8. Toàn bộ Sư đoàn bộ, Trung đoàn 8, Trung đoàn 10 (khung thường trực huấn luyện dự bị động viên) của Sư đoàn 339 chuyển về căn cứ Đồng Tâm, xã Bình Đức, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Riêng Trung đoàn 9 đứng chân ở căn cứ Trần Quốc Toản trên địa bàn thị xã Cao Lãnh(2), tỉnh Đồng Tháp, trực thuộc Quân khu. Như vậy, biên chế tổ chức của Sư đoàn 8 sau sáp nhập gồm bốn cơ quan Sư đoàn bộ, Tiểu đoàn văn hóa, có ba Trung đoàn (1, 10, 2) khung thường trực huấn luyện dự bị động viên (Trung đoàn 8 sáp nhập Trung đoàn 2). Ban Chỉ huy Sư đoàn sau sáp nhập gồm các đồng chí: Bùi Văn Minh - Sư đoàn trưởng, Huỳnh Văn Chí - Phó Sư đoàn trưởng về chính trị, tôi (Trần Phi Hổ) - Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng; các anh Nguyễn Văn Thận, Hồ Bé làm Phó Sư đoàn trưởng.

Năm 2010, thực hiện chủ trương của Quân khu về việc sớm hoàn thành các công trình lịch sử truyền thống các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu. Đối với Sư đoàn bộ binh 339 do Sư đoàn đã giải tán, được Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đồng tình, nhất trí cao, tôi đã giao nhiệm vụ cho Đảng ủy, Đan Chỉ huy Sư đoàn bộ binh 8 và Phòng Khoa học - Công nghệ - Môi trường Bộ Tham mưu Quân khu (nay là Phòng Khoa học quân sự Quân khu) nghiên cứu biên soạn “Lịch sử Sư đoàn bộ binh 339 Quân khu 9 (1978-1994)”. Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Quân khu, sau gần hai năm tích cực nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và biên soạn, năm 2012, Ban Biên soạn công trình đã hoàn thành bản thảo, được Hội đồng Khoa học - Công nghệ quân sự Quân khu nghiệm thu đưa vào xuất bản và phát hành, đáp ứng được sự mong mỏi, nguyện vọng chân thành của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 339 trên mọi miền Tổ quốc. Đây là một công trình lịch sử tổ chức quân sự, ghi lại và mô tả quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu của Sư đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và suốt 10 năm chiến đấu giúp bạn ở Campuchia. Với dung lượng hơn 200 trang, bạn đọc có dịp tiếp cận với các nguồn sử liệu trung thực để hiểu rõ hơn những hi sinh, gian khổ cũng như ý chí chiến đấu kiên cường, trách nhiệm chính trị cao trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân (cả nhân dân ta và nhân dân Campuchia) của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 339, một trong những sư đoàn xuất sắc của lực lượng vũ trang Quân khu 9, của Quân đội ta; một sư đoàn với nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Khi cuốn sách được xuất bản, đọc xong trang cuối của cuốn lịch sử này, trong tôi vẫn còn tràn ngập niềm vui, phấn khởi, tự hào được sống, chiến đấu cùng với đồng chí, đồng đội, góp phần vào những trang sử vẻ vang của Sư đoàn, đồng thời cũng trỗi dậy niềm tiếc thương vô hạn biết bao anh em, đồng chí của Sư đoàn đã hi sinh anh dũng vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân bạn. Với những cống hiến và sự hi sinh cao cả ấy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã góp phần xây đắp tình hữu nghị đoàn kết liên minh chiến đấu lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia thêm vững chắc, ngày càng bền chặt, không kẻ thù nào chia rẽ, phá vỡ được.


(1) Người Cần Thơ quen dùng từ “Thành phố” để gọi Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Nay là thành phố Cao Lãnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM