Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:11:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu ở phía trước  (Đọc 5159 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2022, 08:10:32 am »

Đây là một trong những vần thơ hay nhất của nhà thơ Nguyễn Bính khi ông cùng với “Đoàn nghệ sĩ chiến binh” sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từ bỏ Sài Gòn hoa lệ vào Chiến khu Đồng Tháp Mười theo kháng chiến. Ở Đồng Tháp Mười, ông có bài thơ xuất sắc về Đồng Tháp Mười; đến năm 1950, ông cùng Ban Văn nghệ Khu 8 về căn cứ U Minh, ông tiếp tục có bài thơ hay về mảnh đất lịch sử này. Nhiều câu thơ, bài thơ xuất sắc của ông được phố nhạc, lưu truyền trong các thế hệ lưu dân vùng căn cứ kháng chiến và lan tỏa cả vùng đất Nam Bộ và cả nước, như bài thơ, bài hát Tiểu đoàn 307 đã sống mãi với thời gian, đi cùng năm tháng.

Là vùng đất cách mạng, căn cứ địa, cái nôi trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, Khu ủy (Trung ương Cục) trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cũng như các địa phương khác ở Nam Bộ phải sống trong sự kìm kẹp của Mỹ - ngụy, song vùng đất quê tôi, mọi người, nhất là lớp thanh niên thường xuyên được soi rọi lý tưởng cách mạng do ông bà, cô bác cùng với các cô, các chú hướng dẫn chỉ đường.

Đối với tôi, nợ nước thù nhà đè nặng cả hai vai. Năm 1962, tỏi lên 9 tuổi, đã phải chứng kiến một tai họa, một thảm kịch diễn ra trong gia đình mình. Trong một chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ - ngụy đã cho quân lùng bắt được ông ngoại cùng với ông thông gia của ông bà và cậu Năm của tôi (Lê Văn Quang). Ông ngoại là đảng viên cộng sản tích cực hoạt động trên mảnh đất cù lao giàu truyền thống cách mạng, được Đảng “điều lắng” về căn cứ địa kháng chiến tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào cách mạng. Cậu Năm là chiến sĩ du kích của xã Trần Phán. Vì hoạt động cách mạng của hai người này mà ông thông gia của ngoại bị bắt oan. Chúng tổ chức tra tấn vô cùng dã man ngay tại nhà, song ngoại và cậu Năm không khai lấy nửa lời, ông thông gia của ngoại nói: “Tôi bị bắt oan”, nhưng chúng không tin, càng đánh ông nặng tay hơn. Chúng lần lượt bắn từng người một hòng lấy cái chết của người trước uy hiếp tinh thần của người sau. Cậu Năm bị chúng bắn đầu tiên, tiếp đó đến ông thông gia, ông ngoại tôi bị bắn sau cùng. Trước khi “tử hình ông ngoại”, chúng cho ông được gặp bà ngoại. Với phong thái, niềm tin bất diệt của người cộng sản, ông bình tĩnh, ân cần động viên bà: “Nó giết tôi nhưng không diệt được cộng sản, bà cố gắng nuôi dạy thằng Quý nên người và nói với nó ai là người giết ông ngoại của nó”. Ông vừa dứt lời, chúng lôi bà khỏi ông và nổ súng. Riêng thi thể của cậu Năm, chúng đem thả dưới đìa sau nhà. Khi chủng rút di, thi thể cậu được đông đảo bà con, cô bác cùng với bà ngoại vớt lên và tổ chức chôn cất ba người chu đáo sau nhà.

Do hoàn cảnh gia đình, ông bà nội mất sớm, ba thường xuyên vắng nhà, cả nhà tôi phải tá túc bên ngoại, nôn tôi là người thường xuyên gần gũi ông, được ông chỉ bảo, chăm lo, nuôi dạy từ miếng cơm, manh áo đến từng điều hay lẽ phải. Vì vậy, ngày ông bị kẻ thù giết hại, tôi buồn rầu, bỏ ăn, ít nói, lầm lũi mấy ngày liền. Được bà ngoại, má và các cậu, các dì động viên, tôi ra mộ thắp hương cho ông và cậu rồi tiếp tục vác dá đi đào đất mướn, song tâm trí tôi không thể quên được vóc dáng, hình ảnh của ông; trong lòng nung nấu quyết tâm phải trả thù cho ông, đó là suy nghĩ duy nhất ngự trị trong tôi sau khi ông mất.

Sau này, khi đã trưởng thành, mỗi lần về quê sang bên ngoại, việc làm đầu tiên của tôi như đã trở thành thói quen, là nhanh chóng ra mộ ngoại thắp hương cho ông và kính báo với ông sự tiến bộ của mình theo lời ngoại dặn. Mỗi lần như vậy tôi không cầm được nước mắt, nhớ ông và biết ơn ông ngoại vô cùng. Tuy ngoại mất đã nhiều năm, song gia đình ngoại được địch xếp loại A (gia đình cộng sản), tiếp tục cho lực lượng hội đồng xã, dân vệ, bảo an, cảnh sát chìm nổi bao vây, mật phục, theo dõi để tiêu diệt “gốc rễ cộng sản” như hội đồng xã tuyên bố.

Nhớ lời ông dặn, bà ngoại vừa tần tảo nuôi dạy đứa cháu ngoại nên người, vừa đấu trí, đấu sức với giặc, tỉm trăm phương ngàn kế bịt mắt chúng, đào hầm nuôi chứa cách mạng. Trong nhà của bà có hầm tránh pháo và các căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Đánh hơi thấy hoạt động của bà, giữa năm 1969, một buổi sáng khi ngoại đang gói bánh cho mấy đứa em tôi đi bán sớm, địch bất ngờ ập đến, sau một hồi sục sạo, tìm kiếm, không phát hiện được gì, chúng đưa bà ngoại về hội đồng xã tra khảo. Ra tù, ngoại kể: Ở cái tuổi của một bà già hơn 60, phải đương đầu với hệ thống giam cầm, tù đày những người yêu nước của Mỹ - ngụy, ngoại phải cắn răng, cắn lợi, gồng mình lên vượt qua ba ngón đòn tra tấn của xã trưởng và chân tay của hắn. Đòn đầu tiên nó cho bà nếm là ngón đòn “máy bay cất cánh”, dùng dây trói chân, tay bà treo lên khỏi mặt đất, bà không khai nửa lời; thấy vậy chúng lại triển khai ngón đòn thứ hai, cho bà đi “tàu ngầm”, cột chân tay bà ngâm dìm xuống kinh cho đến khi gần chết mới kéo lên, bà vẫn không khai; chúng tức quá lồng lộn “thưởng” cho bà ngoại đòn thứ ba, chúng gọi tên là “xích đu”. Quá sức chịu đựng sau ngón đòn thứ hai, bà ngất đi, người lạnh toát, khi tỉnh lại mở mắt thấy ba thằng cảnh sát to cao lực lưỡng ở ba góc treo bà lên, đá qua đá lại. Nghĩ đến ông, bà ráng chịu dựng, sức cùng lực kiệt bà lại ngất đi một lần nữa, tỉnh dậy bà thấy mình được chăm sóc trong những vòng tay, sự quan tâm yêu mến của các cô, các chú tại nơi giam giữ của Hội đồng xã. Hôm sau, không khai thác được gì, trước sự đấu tranh của bà con, bọn Hội đồng xã phải thà bà về. Đúng là luật pháp hà khắc, vũ khí hiện đại, tâm địa độc ác, âm mưu, hành động dã man và tàn bạo của kẻ thù không làm lung lay ý chí, niềm tin của nhân dân miền Nam nói chung, những người phụ nữ như bà ngoại tôi nói riêng đối với con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2022, 08:18:00 am »

Đón ngoại về trong vòng tay yêu thương của cả nhà, nghe ngoại kể những đòn tra tấn. tinh thần chiến đấu và chiến thắng trước âm mưu, hành động dã man, tàn bạo của địch để bảo vệ cách mạng, tôi càng thấy tự hào và xác định ngay con đường mình đã chọn. Đó là con đường cách mạng mà ông bà nội, ông bà ngoại, ba và các chú, các cô đã đi. Nợ nước, thù nhà càng thôi thúc tôi đi theo kháng chiến.

Ngày 5 tháng 7 năm 1969, tôi chính thức tham gia cách mạng. Tôi nhớ tối hôm ấy, cơm nước xong, bà ngoại nhắc: “Tối nay con đừng đi chơi đâu, nhà có việc đấy”. Hiểu ý ngoại, tôi không đi đâu cả. Đến khuya, ngoại đánh thức tôi, dẫn tôi xuống hầm bí mật, căn hầm mà một đôi lần ngoại cho tôi xuống để gặp ba và chú Tám Phớn (cán bộ giao liên của tỉnh) mỗi lần ba về thăm nhà. Trong căn hầm này, ngoài ngoại còn có cậu Bảy Thắng, nghe bà giới thiệu là cán bộ huyện đoàn, gặp tôi cậu nói luôn: “Ba Quý năm nay đã 16 tuổi, có muốn tham gia cách mạng không?”. “Cháu đã sẵn sàng”, tôi khẳng định ngay với cậu. Nói xong tôi nhìn ngoại, ngoại thấy tôi lập tức trả lời dứt khoát với cậu Bảy Thắng mà không cần suy nghĩ, ngoại nói luôn: “Việc cách mạng gian khổ lắm đó con, cái sống cái chết liền kề, liệu con có vượt qua được không, con suy nghĩ cho kỹ. Đi là phải tiến, dừng lùi, xấu hổ với ông ngoại lắm đó!”.

Nhìn ngoại, tôi biết ngoại sung sướng biết nhường nào vì đứa cháu ngoại cưng đã lớn khôn, biết chọn con đường mà ông ngoại, ba nó đã đi. Bà đã sớm hoàn thành phần quan trọng nhất trong ước nguyện của ông ngoại trước lúc ra đi. Bà rưng rưng nước mất, giọt nước mắt ấy tôi biết bà rất sung sướng vì tôi đã làm đúng những điều bà hằng mong ước. Tuy vậy bà rất lo cho tôi, vì con đường phía trước đầy gian khổ, hi sinh, thử thách, không biết đứa cháu yêu của bà còn non nớt như vậy có vượt qua nổi không?

Cậu Bảy phổ biến luôn: “Thời gian qua, tổ chức đã theo dõi và giao cho cháu một số việc cháu đã hoàn thành, nay cháu đã đủ điều kiện trở thành Đoàn viên thanh niên lao động Việt Nam (Đoàn Thanh niên giải phóng). Hôm nay, tổ chức Đoàn sẽ làm lễ kết nạp cho cháu”. Tuy phải sống trong lòng địch, song trong căn hầm của ngoại vẫn được các cô, chú, ngoại trang trí khá nghiêm chỉnh, có cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Khi tổ chức lễ kết nạp, ngoại ra khỏi hầm làm nhiệm vụ cảnh giới. Cậu Lê Văn Tân (Bảy Tân), chị Hai (Trần Kim Loan) vào hầm cùng tham dự. Cậu Bảy Thắng đọc quyết định kết nạp. Tôi ngồi nghiêm trang trước bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, ở giữa hai lá cờ có ảnh Bác Hồ. Trong niềm xúc động, tự hào, tôi giơ tay xin thề ba lần, nguyện hi sinh, phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đọc mấy câu đầu, tôi xúc động quá, tim đập thình thịch, người cứ rung lên, miệng lắp bắp không nói nên lời. Được chị Hai động viên, tôi bớt hồi hộp hơn, đọc các câu còn lại khá hơn, tuy được chị Hai nhắc nhở nhiều lần.

Sau phần tuyên thệ, cậu Bảy Thắng phân công tôi sinh hoạt Tổ du kích bí mật do cậu Tân làm Phân đoàn trưởng, chị Hai tôi làm Phân đoàn phó. Lúc đó, tôi mới biết hai người này là chiến sĩ du kích của xã. Từ đây, tôi vừa là em, vừa là đồng chí của chị. Tôi hứa với lòng mình sẽ sống, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, xứng đáng với sự tin tưởng của cách mạng, sự quan tâm, yêu thương của mọi người, trong đó có ngoại, ba, má, cậu Bảy và chị Hai của tôi. Lặng đi ít lâu, cậu Bảy Thắng lại nói tiếp: “Để dễ bề hoạt động, tổ chức đổi tên cho cháu là Trần Phi Hổ, thay cho tên Trần Lê Quý mà cháu đang mang. Mang danh này tổ chức muốn cháu dũng mãnh lên trong hoạt động cách mạng, xứng đáng với truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Cà Mau vùng căn cứ địa kháng chiến”.

Từ đây, tôi được mang tên Trần Phi Hổ, cái tên gắn bó với cuộc đời chiến đấu của tôi từ khi đó đến những năm tháng trưởng thành, phát triển sau này. Sau lễ kết nạp, cậu Bảy Thắng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: “Cháu hoạt động bán công khai, vừa đi làm giúp má vừa theo dõi, phát hiện các hoạt động của bọn tề điệp, hội đồng xã... kịp thời cung cấp thông tin về địch cho cậu Bảy Tân”. Lần đầu tiên được cách mạng trực tiếp giao nhiệm vụ, tôi phấn khởi và háo hức vô cùng, từ tận sâu trái tim mình tôi như thầm hứa với ông ngoại, với các cô, các chú sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng giao dù phải hi sinh đến tính mạng. Muốn nói lắm mà không nói nên lời.

Ngay sau ngày giải phóng, tôi tranh thủ về thăm ngoại, cùng ngoại thăm lại căn hầm này, ngoại nói: “Ba ạ! Chiến tranh kết thúc rồi, ngoại muốn tháo gỡ căn hầm này để khép lại quá khứ của chiến tranh, mọi người tập trung lo làm ăn, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn và cũng để ngoại đỡ nhớ ông ngoại, cậu Năm, cậu Bảy mày hơn”. Vâng lời ngoại, tôi đã mất hơn một buổi mới tháo gỡ hết căn hầm này trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm láng giềng về quy mô, độ mật, tính bất ngờ của nó. Bà Sáu Lùng, bà Năm Đá, hàng xóm của ngoại chia sẻ với tôi: “Tao biết căn hầm này từ lâu, địch tra hỏi tao nhiều lần, tao đâu có khai”. Đồng bào ta là vậy! Cách mạng có cái gì, cả ưu điểm và khuyết điểm mà giấu được dân! Càng trưởng thành, trên các cương vị khác nhau, tôi lại càng cảm nhận vai trò to lớn của quần chúng, của nhân dân với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với từng nhiệm vụ của đơn vị mà tối tham gia lãnh đạo, chỉ huy. Từ thông tin của bà Sáu Lùng, bà Năm Đá, hai bà hàng xóm của ngoại, tôi càng thấm tình làng nghĩa xóm; lòng tin vào cách mạng của người dân quê tôi là trên tất cả, hơn cả cái chết của họ. Lặng đi một hồi lâu, tôi chỉ còn biết cảm ơn bà Sáu và bà Năm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2022, 08:18:21 am »

Sau lễ kết nạp Đoàn đầy ấn tượng ấy, tôi tiếp tục đi làm mướn lấy tiền giúp má và ngoại. Công việc hằng ngày của tôi thường không ổn định, khi đào đìa mướn, khi đi cấy mướn... việc gì làm ra tiền tôi đều chịu khó làm. Tuy vậy, so với trước, tôi đã biết chú ý hơn tới hoạt động của địch, nhất là bọn Hội đồng xã trong thôn, trong ấp.

Giữa năm 1969, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực sự được Mỹ - ngụy thực thi một cách quyết liệt trên địa bàn U Minh. Họ nhằm bình định bằng được căn cứ địa kháng chiến của ta. Ở Đầm Dơi, Tiểu khu An Xuyên, ngụy tăng cường lực lượng, trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh cho căn cứ Chà Là, phân chi khu Tân Hưng và các đồn bốt; bố trí cả trận địa pháo hai khẩu 105mm tại Đầm Dơi, khống chế tuyến sông Đội Cường (Bảy Háp); triển khai hệ thống đồn bốt dầy đặc như các đồn: Hòa Trung, Hội đồng Viễn, Hội đồng Ninh, Cài Keo, Bờ Đập, Nhị Nguyệt, Chà Là... Đồng thời với việc tổ chức, hệ thống đồn bốt, chúng liên tục tổ chức các cuộc hành quân càn quét thọc sâu vào hai bên sông Đội Cường (Bảy Háp), gây thiệt hại nhiều tài sản, tính mạng của nhân dân, uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng.

Tại xã Trần Phán, do đặc thù địa hình của xã nằm giữa hai con sông Mương Điều và Đội Cường (Bảy Háp), nên địch quyết tâm sớm bình định cho được địa bàn quan trọng này, làm bàn đạp bình định sang địa bàn các xã khác. Chúng tập trung nâng cấp đồn Tân Hưng thành Hội đồng xã, có cảnh sát, xã trưởng, xã phó, chủ ấp, lực lượng phòng vệ dân sự, lực lượng thám báo, biệt kích thường xuyên hoạt động; chúng rình rập, thọc sâu vào khu vực Nhị Nguyệt, Cây Trâm, kinh Giáo Cử, kinh Quẹo... để phục kích phát hiện, bắt cóc, bắn giết cán bộ ta, đe dọa, uy hiếp gia đình có con em tham gia kháng chiến. Nguy hại nhất là bọn tâm lý chiến, ngày đêm cùng với bọn tình báo, cảnh sát, tề ấp, bọn tay sai rình rập chỉ điểm cơ sở cách mạng, truy bức, sát hại nhân dân, truy bắt những người cộng sản nhằm chia cắt, tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Phối hợp với lực lượng này, địch tập trung một lực lượng lớn bảo an, dân vệ tổ chức càn quét, chiếm đất, giành dân, tổ chức hệ thống đồn bốt tiếp tục khống chế dân, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi dân nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch bình định cấp tốc của địch. Trên địa bàn xã Trần Phán, chúng đã tổ chức được một hệ thống đồn bốt dày đặc với 7 đồn nằm ở 7 ấp và 3 đồn giáp ranh ở khu vực xã liền kề và 1 đồn ở giáp phân chi khu.

Trước hành động càn quét và bình định của địch, trong xã Trần Phán có một số cán bộ ta bị tróc khỏi địa bàn, chạy dạt sang xã khác, làm cho xã trở thành vùng trắng. Quán triệt chủ trương về chống phá bình định của địch, giữ vững phong trào cách mạng của Huyện ủy Đầm Dơi với phương châm cơ bản là “cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch”, thực hiện quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”. Triển khai chủ trương của Huyện ủy, Chi bộ xã Trần Phán đã quán triệt thông suốt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xác định rõ tư tưởng bám trụ (ba bám như chủ trương của Huyện ủy Đầm Dơi). Trong đó, trước hết phải xây dựng được cơ sở bám trụ (cơ sở cách mạng không để vùng trắng), tiếp đó là củng cố ngay lực lượng giao liên để kịp thời nhận chỉ thị của trên, nắm tin tức địch, truyền đạt được mệnh lệnh lãnh đạo, chỉ huy; củng cố, phát triển lực lượng dân quân du kích, nhất là phải củng cố, kiện toàn tổ du kích mật.

Giai đoạn này, Ban Chỉ huy Xã đội Trần Phán, có đồng chí Lâm Văn Tống (Tư Long) trên đường đi công tác bị rơi vào ổ phục kích của bọn biệt kích Mỹ đã hi sinh anh dũng. Trên quyết định đồng chí Ba Luyến làm Xã đội trưởng, đồng chí Trần Văn Cơ (Bảy Cơ) làm Chính trị viên, đồng chí Cọp làm Xã đội phó, đồng chí Huỳnh Thành Quyền làm Chính trị viên phó. Lực lượng du kích phát triển hơn một tiểu đội bao gồm nhiều tổ, trong đó có tổ du kích mật do cậu Lê Văn Tân - Phân đoàn trưởng làm Tổ trưởng.

Sau khi được đứng trong đội ngũ của Đoàn, là chiến sĩ của Tổ du kích mật xã Trần Phán, chờ mãi mà không thấy cậu Bảy (Lê Văn Tân) - Tổ trưởng phân công nhiệm vụ cụ thể nào, tôi rất sốt ruột hỏi chị Hai, chị nhìn tôi mỉm cười rồi bảo: “Chuyện đánh giặc là chuyện lớn, lâu dài, phải kiên nhẫn chờ đợi, em còn trẻ lại mới vô du kích, các chú, các anh phải giao việc cho em từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn để rèn luyện bản lĩnh, đừng nóng vội mà hỏng việc”. Nghe lời chị, tôi tiếp tục chờ đợi. Rồi một buổi tối, cậu Bảy Tân gọi tôi ra sau nhà giao cho tôi một số lượng lớn truyền đơn và nói: “Theo thông báo của trên, sắp tới bọn chủ lực ngụy thuộc Sư đoàn 21 cùng với lực lượng hải quân, không quân, sẽ mở cuộc càn quét nhằm bình định cho được căn cứ U Minh, trong đó huyện Đầm Dơi, xã Trần Phán là địa bàn quan trọng mà địch muốn chiếm. Nhân cơ hội này, bọn Hội đồng xã sẽ tung lực lượng kết hợp quân chủ lực thực hiện chiến lược “Phượng hoàng” đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, dùng loa phóng thanh, truyền đơn trên máy bay phóng xuống hòng đe dọa, mua chuộc lực lượng vũ trang và nhân dân, bôi xấu cách mạng, ca ngợi quân lực Việt Nam cộng hòa để tổ chức bắt lính. Chi bộ xã quyết định giao cho em tổ chức hai việc: thu tin địch và rải truyền đơn vào đồn bốt, các cơ sở, trụ sở trong Hội đồng xã”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2022, 08:18:44 am »

Nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ, hai việc này liên quan với nhau dữ lắm. Nắm, thu được tin địch mới có kế hoạch đưa truyền đơn vào các cơ sở của địch, phải ưu tiên tổ chức nắm thu tin địch trước. Lực lượng làm tốt cả hai việc này là các em thiếu niên và các chị phụ nữ dễ tiếp xúc với bọn lính ngụy, ít bị chúng nghi ngờ. Nói là làm, hàng ngày đi đào đất mướn, tôi vừa kết hợp tranh thủ quan sát các cơ sở của địch, làm quen với bọn lính. Tối tôi gom một số em thiếu niên gợi mở chuyện về tội ác của bọn ngụy, dò thử thái độ của từng em để chọn lựa giao nhiệm vụ. Khi đã hiểu được các em, tôi hướng dẫn cho các em biết cách dò la thu tin địch. Cùng với việc tổ chức các tổ thiếu niên thu tin địch, tôi còn tổ chức phát triển được hai cơ sở phụ vận.

Sau một thời gian, được sự cung cấp thông tin của các em, của các cơ sở cách mạng, tôi đã nắm khá rõ hệ thống đồn bốt và hoạt động của địch ở trong xã, tôi đã làm kế hoạch rải truyền đơn vào các cơ sở của địch. Được cậu Lê Vân Tân – Tổ trưởng nhất trí, các tổ thiếu niên, các cơ sở cách mạng lợi dụng sự sơ hở của địch, vừa bí mật, vừa công khai tiếp cận đưa truyền đơn vào tận sào huyệt địch, bảo đảm an toàn.

Chiến công đầu tiên của tôi được các cô, các chú biểu dương vì đã góp phần vạch trần âm mưu, thủ đoạn nhằm đổi trắng thay đen của địch. Tôi cũng bước đầu rút ra cho mình một bài học đầu tiên về công tác tổ chức lực lượng cách mạng: Bất cứ nhiệm vụ nào, dù phức tạp hay đơn giản, dù khó hay dễ, phải dựa vào nhiều người, căn cứ vào khả năng, đặc điểm của từng đối tượng để tổ chức và giao việc thì sẽ giành thắng lợi.

Sau ngày Quốc khánh 2-9-1969, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng, được tin Bác Hồ kính yêu qua đời, người dân quê tôi, khắp nơi từ những người đang làm đồng đến làm việc nhà, ở trong các nhà thương, chợ búa, trường học... đều đau buồn khôn xiết; mọi hoạt động như ngừng lại, một không khí đau thương, mất mát to lớn bao trùm mọi làng quê, thôn ấp của khắp vùng căn cứ địa. Theo chủ trương của Huyện ủy Đầm Dơi, trong điều kiện khó khăn ác liệt của chiến tranh, tùy điều kiện cụ thể từng xã tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác thật trang nghiêm, chu đáo, bảo đảm an toàn. Riêng huyện sẽ tổ chức xây dựng đền thờ Bác ở Bầu Hầm để bà con có dịp đến lễ viếng thỏa lòng mong nhớ Người.

Xã Trần Phán là xã vùng trắng, các cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang địa phương mới khôi phục lại chưa mạnh, để bảo đảm an toàn, Chi ủy quyết định không tổ chức lễ viếng tập trung, chỉ tích cực kịp thời phổ biến tin Bác mất cho các đối tượng, từng tổ du kích phát động phong trào “Biến đau thương thành hành động cách mạng”, tổ chức các trận đánh tiêu hao, tiêu diệt địch.

Thực hiện chủ trương của Chi ủy giao, cậu Lê Văn Tân họp toàn tổ bàn kế hoạch tổ chức một trận đánh. Nhiệm vụ đang triển khai tích cực thì cậu Bảy Tân lâm bệnh nặng rồi mất. Chi ủy quyết định giao cho tôi thay cậu làm Đội trưởng chỉ huy Tổ du kích bí mật của xã. Cậu mất, lòng tôi đau xót, ngổn ngang bối rối vô cùng. Cậu mất, tôi mất đi một người cậu mà tôi hết mực yêu thương, quý trọng. Sau ông ngoại, cậu Năm, giờ đến cậu Bảy, không biết bà ngoại tôi có chịu nổi những đau thương, mất mát quá lớn này không? Chiến tranh ác liệt quá! Nó cướp dần đi từng người con ưu tú của mỗi gia đình. Chính vì vậy, đất nước này, dân tộc này đang phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa để loại bỏ cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Cậu Bảy mất, tôi mất đi một người đồng chí, người chỉ huy trực tiếp đã định hướng, hướng dẫn tôi đến với cách mạng, dìu dắt tôi những ngày đầu tham gia kháng chiến. Nay cậu đi rồi, tôi không còn người chỉ bảo thân tình, ruột thịt như cậu, cấp trên lại giao cho tôi đảm nhiệm nhiệm vụ của cậu để lại. Thật là một thử thách quá lớn với tôi! Song, chiến tranh không cho phép mỗi người trong cuộc kéo dài sự ủy mị, đau buồn quá lâu. Ngoại, má, các chú, các cô đã phải nhiều lần gạt nước mắt nhìn về phía trước. Thương cậu, thương ngoại, tôi tự hứa với lòng mình dù phải hi sinh đến tính mạng, tôi quyết phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà cậu để lại, nối tiếp xứng đáng con đường mà cậu đã đi.

Cuối năm 1969, Ban Chỉ huy Xã đội Trần Phán có sự thay đổi. Đồng chí Trần Vãn Cơ lên làm Xã đội trưởng, đồng chí Huỳnh Thanh Quyền làm Chính trị viên phó, đồng chí Nguyễn Văn Huấn làm Xã đội phó. Thời kỳ này, địch đẩy mạnh chiến lược “bình định cấp tốc”, là xã trọng điểm trong kế hoạch bình định của địch nên đã khó khăn, càng khó khăn hơn.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1970, trên địa bàn xã, địch tiếp tục củng cố thêm các đồn Mương Điều, ngã tư xóm Ruộng, Miễu Ông Tà, Tân Lợi, Tân Bình và Tân Long. Lợi dụng lực lượng địa phương quân của xã Trần Phán đang giai đoạn củng cố, chưa mạnh, địch đi lại tự do, chúng tích cực tổ chức lực lượng lùng sục thôn xóm, ruộng vườn trong các ấp để tìm kiếm, bắt bớ lực lượng cán bộ bám trụ của ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2022, 08:20:26 am »

Ngày 29 tháng 3 năm 1970, được tin cơ sở báo có hai tên thám báo từ vàm Nhị Nguyệt đi xuồng máy vào ngọn Nhị Nguyệt. Lực lượng du kích xã Trần Phán do đồng chí Huỳnh Thanh Quyền chỉ huy, tổ chức trận phục kích gồm hai tổ; trong đó Tổ 1 (Tổ du kích mật) do tôi phụ trách, làm nhiệm vụ đánh xuyên hông (chính diện). Đúng kế hoạch, hai tên thám báo lọt vào trận địa phục kích của ta, tôi phát lệnh nổ súng tiêu diệt gọn hai tên tại chỗ, trong đó có tên Nhân - thám báo ác ôn vùng này, thu 2 súng M16.

Trong những năm 1970, địch tiếp tục gia tăng kế hoạch “bình định cấp tốc” trên địa bàn huyện Đầm Dơi, xã Trần Phán là trọng điểm của Tiểu khu An Xuyên. Chúng tiếp tục tô dày hệ thống đồn bốt, xây dựng Giá Ngựa thành đặc khu tổ chức trận địa pháo 105mm; nâng Hội đồng xã và đồn Tân Hưng lên thành phân chi khu. Địch đẩy mạnh các cuộc càn quét, bình định chà đi xát lại, bao vây chia cắt địa bàn, khủng bố, vây ráp, bắt bớ, giam cầm. bắt tất cả những người mà chúng nghi là cộng sản. Tên Xã trường Út Đệ, một tên tay sai đắc lực của Mỹ - ngụy(1), được trên tâng bốc và khuyến khích, đã cùng với bọn ác ôn khát máu ngày đêm lừng sục, đe dọa, truy sát cán bộ, đảng viên ta; tích cực đôn đốc sát cánh với bọn chủ ấp áp sát gia đình cán bộ, chỉ điểm nhiều cơ sở cách mạng cho địch, bắt bớ, chém giết rất dã man. Trước âm mưu, thủ đoạn và hành động đánh phá quyết liệt của kẻ thù, nhiều cán bộ không bám nổi địa bàn, phải lánh qua xã bạn, kể cả lực lượng du kích xã. Tình hình xã Trần Phán giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, thử thách to lớn. Từ vùng trắng mới củng cố lại, lực lượng cách mạng tuy chưa mạnh song ít nhiều cũng đã có cơ sở cách mạng bám trụ. nay đứng trước nguy cơ trở lại vùng trắng.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đầm Dơi về chống phá đến cùng kế hoạch bình định cấp tốc của địch, Chi ủy xã Trần Phán có chủ trương: “Gấp rút củng cố lực lượng từ trên xuống dưới, tập trung cố gắng xây dựng cơ sở, bám trụ địa bàn, đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh”. Xã Trần Phán được Huyện ủy Đầm Dơi chọn làm điểm để chỉ đạo đánh phá kế hoạch bình định của địch. Huyện đã đưa đồng chí Lê Công Bình (Bảy Rẫy) về làm Bí thư Chi bộ xã Trần Phán.

Trước mắt, vì chưa có cơ sở cách mạng vững vàng, lực lượng vũ trang xã Trần Phán phải rút về xóm mới, Cây Kè, Cống Đá thuộc xã Tân Duyệt: Nhà Cũ, Lung Lá. kinh Cạn.- thuộc xã Quách Văn Phẩm A; Nông trường Thanh Tùng, Hiệp Hòa thuộc xã Quách Văn Phẩm B. Tuy hoạt động ở xã bạn, song du kích xã Trần Phán phải trực tiếp tham gia chiến đấu chống càn theo kế hoạch chung của Ban Chỉ huy Huyện đội. Vừa đánh giặc, vừa xin gạo của dân ăn, lại chiến đấu trên địa bàn xã bạn, anh em nói đùa “đi đánh giặc mướn”. Khi lực lượng vũ trang xã phải rời khỏi địa bàn, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Công Bình - Bí thư Chi bộ xã, đồng chí Trần Văn Cơ - Xã đội trưởng giao nhiệm vụ cho tôi chỉ huy Tổ du kích nòng cốt của xã trụ lại bám địch xây dựng cơ sở cách mạng, khôi phục lại phong trào.

Trước nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này, tôi đã động viên anh em: “Đảng, cách mạng và nhân dân rất tin yêu và đang cần sự hi sinh, cống hiến của anh em. Đừng vì thiếu suy nghĩ, cân đong đo đếm thiệt hơn mà đánh mất đi danh dự của mình, quên đi nhiệm vụ trả thù cho biết bao đồng bào, đồng chí đã bị địch sát hại”. Được động viên kịp thời, cả Tổ du kích mật của xã trụ lại địa bàn, hăng hái đi bám địch và xây dựng cơ sở cách mạng. Thực hiện các nhiệm vụ này trong điều kiện địch vây ráp, khủng bố liên miên, cơ sở cách mạng trên địa bàn của xã rất yếu, là một thử thách to lớn đối với anh em. Toàn đội nhiều ngày đêm không vào được các ấp vì địch phục kích, lùng sục ráo riết phải ở bờ đìa, bờ liếp, bờ sậy. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa người ướt sũng, lạnh rét đến run người. Cực nhất là bị vắt cắn, hễ thấy chỗ nào ngứa là thấy có máu do vắt cắn. Trong những ngày bám địa bàn, ban ngày nằm ngoài bờ, ngoài bụi, chờ đêm xuống mới xâm nhập vào các thôn ấp thực hiện nhiệm vụ được giao. Có đồng chí nằm phục cả ngày ở đám lức dưới trời nắng chang chang, bụng đói, ráng chịu chờ trời tối vô ấp đến nhà dân xin cơm ăn. Cực là vậy, nhưng toàn đội đã bám trụ dài ngày, hoàn thành tốt hai nhiệm vụ trên giao: nắm địch và xây dựng được cơ sở bí mật trong xã, được đồng chí Trần Văn Cơ - Xã đội trường và đồng chí Lê Công Bình - Bí thư Chi bộ xã biểu dương.

Trong số các cơ sở bí mật, tôi đã xây dựng được cơ sở bí mật ở đồn Mương Điều. Cuối năm 1970, thông qua cơ sở mật ở đồn này, ta đã điều được tên Hai Giái - Phó đồn có nhiều nợ máu với dân, rất hung hăng, hận thù với cách mạng. Đúng kế hoạch, cơ sở đã dụ được hắn ra khỏi đồn đến đoạn trống của đập Bảy Gương, hắn lọt vào ổ phục kích của Tổ du kích. Tôi hạ lệnh nổ súng xử tử hắn, găm lên ngực hắn bản án tử hình của “Việt cộng” vì tội làm tay sai cho giặc, phản nước, hại dân, để cảnh cáo những tên tay sai, ác ôn đầu sỏ khác. Sau cái chết của Hai Giái, tình hình trong ấp dễ thở hơn rất nhiều, bọn địch trong đồn không còn nghênh ngang, hống hách như trước.


(1) Tên Út Đệ thời chống thực dân Pháp đã từng làm Chủ ấp, nay tiếp tục theo Mỹ làm Chủ ấp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2022, 08:21:23 am »

Thông qua công tác nắm địch, Tổ du kích mật của xã đã kịp thời cung cấp thông tin cho Ban Chỉ huy Xã đội, góp phần vào những chiến công của du kích xã Trần Phán trong giai đoạn này là diệt hai tên lính ngụy trong đồn Cai Hựu (tháng 4-1970), cùng với lực lượng nội tuyến diệt đồn ngã tư xóm Ruộng (tháng 12-1970); trong trận này lực lượng vũ trang của xã đã diệt 15 tên địch, thu 11 súng các loại, 1 máy vô tuyến điện PRC-25 và nhiều trang bị vũ khí khác.

Sống giữa vòng vây kìm kẹp của Mỹ - ngụy, ngày đêm chúng huy động mọi lực lượng, sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc chia rẽ, mua chuộc, đe dọa, bắt bớ, giam cầm, bắn bỏ. Chấp nhận tất cả, bà con, cô bác xã Trần Phán vẫn hướng về cách mạng, hướng về Đảng, Bác Hồ với niềm tin son sắt. Ý chí, tình cảm, niềm tin ấy được thể hiện bằng những biểu hiện tình cảm và việc làm cụ thể đối với cách mạng. Tổ chức chỉ huy Tổ du kích mật của xã trụ lại bám địch trong thời điểm thử thách, khó khăn, gian khổ ấy, tôi càng cảm nhận rõ hơn tấm lòng nồng nàn và sâu nặng với cách mạng của bà con thân thuộc quê tôi.

Nói xã Trần Phán trong giai đoạn 1969-1970 là vùng trắng là do các cơ sở không bám trụ được, hoặc là tạm thời không hoạt động vì không an toàn, chứ tấm lòng của bà con vẫn hướng về cách mạng, nhiều gia đình vẫn âm thầm lặng lẽ đào hầm bí mật, tích trữ lương thực, sẵn sàng đón “người đàng mình” về nuôi giấu, đùm bọc, bám trụ để hoạt động. Tổ du kích mật đã móc nối xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng như gia đình chị Lê Thị Bây, gia đình bà Thu Hồng, gia đình bà ngoại…

Giữa năm 1971, một tổ do tôi chỉ huy gồm Sáu Ân và Tài, giả làm người giăng câu đột nhập vào nhà Tư Quang - Trưởng ấp Hội đồng Viễn để phát triển, xây dựng cơ sở mật. Qua nắm tình hình thông tin của cơ sở cung cấp, Tư Quang tuy là Trưởng ấp song cư xử đối với dân khá lễ phép, không hống hách, chèn ép, thường giữ thái độ im lặng khi nói về cách mạng, không như những tên tay sai khác, tôi quyết định cho tổ tiếp cận với Tư Quang tại nhà ông ta vào một buổi tối, ban đầu Tư Quang từ chối, chỉ hứa làm Ấp trưởng, sẽ không tố giác (báo cáo lên trên) về hoạt động của du kích. Sau một hồi vận động, thuyết phục, tôi chủ yếu đi sâu so sánh: “Bọn bán dân, hại nước của ngụy quân, ngụy quyền hiện nay có mạnh, song không tồn tại được lâu. Tình thế cách mạng tuy còn khó khăn song được dân ủng hộ, cưu mang tất yếu sẽ giành thắng lợi. Tôi biết ông làm Ấp trưởng cũng chỉ là mưu cầu sự yên ổn, bình an cho gia đình, thực tình ông không có hận thù cách mạng”. Đánh trúng vào thái độ lừng khừng của Tư Quang, cuối cùng ông ta đã nhận lời làm cơ sở cho cách mạng. Sau này, với vị thế là Trưởng ấp, ông đã có nhiều đóng góp cho kháng chiến.

Hoàn thành xong nhiệm vụ, để tránh gây hậu quả cho ông, ba chúng tôi liên hệ với nhà bên tìm chỗ ngủ vì đêm đã khuya không kịp lánh ra ngoài. Đang ngủ, chúng tôi bỗng nghe tiếng chó sủa dữ dội, mỗi lúc một gần, tiếp theo là tiếng chạy uỷnh uỵch vội vã và nặng trịch của bọn lính ngụy đi vây ráp và bắt bớ. Tư Quang chạy sang báo: “Có biến, bọn lính ngụy đi bắt lính”. Tài kéo Sáu Ân ở lại vì chủ quan có ông già là thương phế binh của ngụy chắc không hề hấn gì. Còn tôi không có giấy tờ nên phải xé vách nhà chạy sang nhà bên, không ngờ lại là nhà của một tên lính ngụy. Quá bất ngờ vì một vị khách không mời mà đến giữa đêm khuya khoắt, vợ của người lính ngụy hỏi: “Ông là ai, từ đâu đến?”. Tôi trả lời: “Tôi bị bắt lính”. Ngoài ngõ, tiếng bọn ngụy quát tháo ầm ĩ. Vợ của người lính ngụy đã hiểu ra sự việc, thông cảm với hoàn cảnh của tôi, chị chỉ ngay vào cái giường ngủ của vợ chồng chị nói: “Ông vô mùng đi, chúng nó vây ráp sát lắm rồi, không có con đường nào khác”. Tôi chui ngay vào mùng mà trước đó vợ người lính ngụy đang nằm, lặng im, hồi hộp nằm theo dõi diễn biến sự đối đáp, xử lý tình huống này của chị. Kết thúc đợt vây ráp này, Sáu Ân và Tài bị bắt đi lính ngụy, còn tôi thoát được. Cảm ơn sự may mắn và lòng tốt của dân, ngay cả với vợ con của những người thuộc lực lượng bên kia, nhiều người cầm súng không phải ai cũng thực tâm theo giặc, mà chủ yếu vì bị ép buộc, vì miếng cơm manh áo mà phải mang tiếng với đồng bào, với dân, với nước.

Đầu năm 1972, Tổ du kích mật do tôi phụ trách đã có những hoạt động thực sự hiệu quả, góp phần vào những chiến thắng liên tiếp của lực lượng vũ trang xã Trần Phán, làm cho lực lượng du kích, cơ sở cách mạng phát triển mạnh, lực lượng vũ trang đã quay về địa bàn bám địch, cán bộ, đảng viên đã bám dân, bám cơ sở, nhân dân đã quay về bám đất, bám ruộng vườn để làm ăn sinh sống. Sự phát triển của cách mạng làm cho dân tin tưởng, phấn khởi bao nhiêu, thì lại làm cho kẻ thù tức tối, hằn học bấy nhiêu. Biết tôi chỉ huy Đội du kích bí mật của xã, tên Lê Chí Cường - Tỉnh trưởng Cà Mau đã chỉ đạo cho tên Liêm - Xã trưởng, Út Đệ -Trưởng ấp rêu rao trao giải thưởng: “Ai bắt được Phi Hổ đem nộp sổ được thưởng 400.000 đồng tiền ngụy”.

Số tiền y trao thưởng để lấy đầu tôi thật là một việc “khôi hài” của kẻ làm tay sai cho giặc. Năm ấy tôi vừa tròn 20 tuổi, mới vào du kích được 4 năm, thành tích chiến đấu của tôi còn rất ít ỏi, những chiến công làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên chủ yếu là của lực lượng vũ trang xã Trần Phán, có một phần đóng góp nhỏ bé của Tổ du kích mật mà tôi chỉ huy. Lẽ ra, nếu muốn an toàn, không còn bị cách mạng đe dọa, trừng trị thì tên Tỉnh trưởng Lê Chí Cường và chân tay của y phải trao giải thưởng để bắt hết lực lượng vũ trang xã Trần Phán, chứ chỉ đặt ra giải thưởng bắt một mình tôi thì thấm tháp gì! Nhưng để làm được điều đó đâu có dễ vì cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến tranh nhân dân, làm sao bắt hết dân; triệt hết dân, chúng sống với ai? Kẻ thù không hiểu về cách mạng, về nhân dân thì làm sao thắng nổi! Hiểu sai, làm sai thì thất bại sẽ là cái kết cục chắc chắn xảy ra đối với bè lũ cướp nước, bán nước, hại dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2022, 07:54:03 am »

Nghĩ vậy, tôi cười thầm vì đồng tiền đặt không đúng chỗ của những kẻ nhục nhã cúi mình làm tay sai cho giặc như tên Lê Chí Cường, tên Liêm... Tuy vậy, tôi thấy mình sau bốn năm tham gia du kích đã ít nhiều trưởng thành cùng với sự phát triển của cách mạng và lực lượng vũ trang xã Trần Phán. Một khoảng thời gian đầu đời tham gia kháng chiến đã đi qua trong thử thách, gian khổ, hi sinh, song rất quan trọng vi con đường tôi chọn đã đúng hướng, như ý nguyện của ông bà ngoại, của ba, của các cô, các cậu. Còn gì hạnh phúc hơn khi được tắm trong dòng nước mát trên những con kinh quê hương, được ăn những hạt gạo từ đất làng mình do người dân nghèo đóng góp cho cách mạng với biết bao nghĩa tình, niềm tin yêu cháy bỏng với Đảng và Bác Hồ. Điều sung sướng hơn đó là được cầm súng tiêu diệt địch, bảo vệ mảnh đất mình gắn bó, yêu thương. Nghĩ như vậy, tôi thấy mình phải cố gắng nhiều hơn cho những chặng đường tiếp theo.

Cuộc phản công mùa mưa cuối năm 1971 của lực lượng vũ trang Quân khu 9 giành thắng lợi lớn, bẻ gãy và đập tan kế hoạch “tô dày lấp kín U Minh” của địch, buộc chúng phải rút một số đồn bốt, chốt ở rạch Cái Tàu và xã Khánh Bình. Thắng lợi trên tạo nên đà phát triển mới về thế và lực cho phong trào cách mạng trên địa bàn Quân khu.

Trên địa bàn xã Trần Phán, thực hiện chỉ thị của trên và chủ trương của Huyện ủy Đầm Dơi; lãnh đạo, chỉ huy Đội du kích xã đã quán triệt và thực hiện tốt chủ trương: “Bám trụ kiên cường, phát triển mạnh mẽ cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang địa phương, kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định cấp tốc, bình định đặc biệt của địch. Đẩy mạnh tiến công địch bằng ba mũi giáp công, giành ưu thế trên địa bàn”(1). Bằng một loạt trận đánh diệt ác ôn, chống càn, tiến công đồn giành thắng lợi, làm cho phong trào cách mạng có bước phát triển mới. Lực lượng vũ trang xã được củng cố và tăng cường, thường xuyên tổ chức được một trung đội du kích có từ 20 đến 30 đồng chí, trang bị vũ khí có súng trường, cácbin, M16, AR15, M79, đại liên, trung liên do trên cấp, song chủ yếu là do đánh địch thu được trang bị cho ta. Tổ chức đảng phát triển mạnh từ chi bộ xã đã thành lập được đảng bộ với nhiều chi bộ. Ban Chỉ huy Xã đội lúc này do đồng chí Dương Văn Luyến làm Xã đội trưởng, đồng chí Nguyễn Quốc Việt - Xã đội phó làm Bí thư chi bộ. Trong Ban Chỉ huy Xã đội còn có các đồng chí: Huỳnh Thanh Quyền, Võ Văn Mức, Nguyễn Văn Huấn làm Xã đội phó. Riêng gia đình tôi, tham gia lực lượng du kích xã Trần Phán lúc này có ba người, ngoài tôi, chị Hai (Trần Kim Loan) và em thứ Tư (Trần Phi Hùng) cũng đã là chiến sĩ du kích xã.

Như vậy, sau một thời gian là xã trắng, được sự tăng cường lãnh đạo của Huyện ủy Đầm Dơi, thực lực và phong trào cách mạng của xã Trần Phán đã có sự phát triển khá vững chắc, so với nhiều năm trước đây, chưa bao giờ du kích xã có lực lượng (quân số, trang bị vũ khí) mạnh như giai đoạn này, lại được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã, nhân dân địa phương hết lòng cưu mang, đùm bọc, che chở; trình độ chỉ huy tác chiến qua từng trận chiến đấu đã được nâng lên. Đây là những thuận lợi cơ bản, to lớn để lực lượng vũ trang xã tiếp tục giành thắng lợi những trận đánh tiếp theo, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng yêu mến, tin tưởng của nhân dân.

Khi phong trào xã đang lên, ngày 2 tháng 5 năm 1972, tôi bất ngờ nhận được quyết định điều về căn cứ (vùng giải phóng) cùng với bốn đồng chí (Chín, Chín Nghé, Út Lùng, Út Bảnh) do quá trình hoạt động ở cơ sở đã bị địch phát hiện, để bảo đảm an toàn. Nhận được quyết định “điều lắng” của trên, tôi vô cùng sửng sốt vì quá bất ngờ. Bởi lẽ, được trực tiếp cầm súng tiêu diệt kẻ thù để trả thù cho ông ngoại, các cậu tôi và biết bao đồng bào, đồng chí bị địch sát hại ngay trên quê hương mình là điều tôi hằng mơ ước. Mấy năm vào du kích, thành tích chiến đấu của tôi chưa được nhiều, giữa lúc phong trào phát triển thuận lợi, thời cơ diệt nhiều địch để trả thù nhà, đền nợ nước đã tới, tôi lại phải ra đi. Buồn thật! Nghĩ vậy, tôi quyết định, trước mắt chấp hành mệnh lệnh của trên, sau đó về gặp các anh trong lãnh đạo, chỉ huy, sẽ đề xuất nguyện vọng được ở lại bám trụ, trực tiếp chiến đấu.

Trong năm người được lệnh “điều lắng” về cứ, trên giao cho tôi chỉ huy. Nhận được lệnh, tôi gom anh em lại phổ biến quyết định của trên và thống nhất kế hoạch hành quân. Khi giáp mặt, mọi người mới biết mặt nhau, biết tôi là Trần Phi Hổ chỉ huy tổ, cả tổ đề xuất ý kiến: Gần đến Tết mùng 5 tháng 5 âm lịch, xin các chú ăn tết xong mới về cứ, vì lên cứ vào vùng giải phóng biết bao giờ mới trở lại nhà, hơn nữa chiến tranh biết ai còn, ai mất. Tôi thấy có lý và đề đạt lên trên, các chú gạt đi ngay “quân lệnh như sơn”. Trước khi đi, tôi còn tổ chức cho cả nhóm rải truyền đơn trong các ấp với yêu cầu “không được đàn áp cộng sản, không được truy bức gia đình kháng chiến, không truy đuổi Trần Phi Hổ”. Một số truyền đơn được rải trực tiếp vào nhà của một số tên lính ngụy, trưởng ấp, hội đồng xã ác ôn có nợ máu với dân để có tác dụng răn đe, cảnh cáo.


(1) Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã Trần Phán: Lịch sử du kích xã Trần Phán (1964-1975), Nxb. Phương Đông, 2005, tr. 44.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2022, 07:54:36 am »

Theo kế hoạch, 20 giờ ngày 2 tháng 5 năm 1972, cả nhóm từ nhiều ngả tập trung tại một điểm gần nhà ngoại tôi, đó là đìa “Trâm Bầu”, nơi cách đây 10 năm (1962), địch đã giết cậu Năm, thông gia của ngoại và ông ngoại, rồi vứt xác cậu Năm dưới đìa này. Sở dĩ tôi chọn địa điểm này vì nó thuận tiện và bảo đảm kín đáo. Hơn nữa, trước khi đi xa, tôi muốn thăm lại nơi ông ngoại tôi và cậu Năm đã hiên ngang, bất khuất, hi sinh trước mũi súng của kẻ thù và cũng là nơi bà ngoại nhận từ ông một lời trăng trối cuối cùng của người sắp đi xa mãi mãi không về, một lời dặn dò rốt quan trọng đối với tôi: Ráng nuôi thằng Quý nên người để trả thù cho ông. Vượt qua biết bao gian khổ, hi sinh, trong nghèo khó và sự truy bức, truy sát của kẻ thù, cho đến hôm nay bà đã thực hiện đúng lời ông dặn. Tôi muốn xuất phát chuyến đi xa này từ chính nơi ông hi sinh, làm nguồn sức mạnh để tôi vững vàng vượt qua những thử thách cho những chặng đường sắp tới. Sau này trưởng thành, tôi cảm nhận tâm lý, tình cảm tôi lúc đó đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông mô tả:

“Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”


Đất nước mình là như vậy! Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biết bao thế hệ người Việt Nam lớp cha trước, lớp con sau, phải cầm súng xuống đường ra trận. Trong cuộc trường chinh ấy, bằng mồ hôi, xương máu và những chiến công hiển hách, ông cha ta đã viết nên những trang sử hào hùng, dân tộc Việt Nam đã trở thành một dân tộc tiên phong chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do trong mọi thời đại.

Đúng giờ hẹn, tôi nghe thấy từ xa ba tiếng chim cú kêu “Cú! Cú! Cú!”, tôi đáp lại “Quốc.! Quốc! Quốc!”. Nhận đúng tín hiệu đáp trả, hai cán bộ giao liên của xã và tôi nhanh chóng tiếp xúc với nhau thống nhất một số quy định an toàn dọc đường hành quân. Tạm xa làng quê, thôn ấp lúc này, lòng tôi buồn da diết. Buồn vì ở đó còn có gia đình với những người thân yêu thương tôi hết mực, buồn vì quân giặc còn đó ngày đêm chúng đang điên cuồng truy sát, giết hại đồng bào; buồn vì tôi chưa diệt được nhiều tên ác ôn trả thù cho ngoại, cho cậu. Đi được một đoạn, tôi quay lại nhìn bóng dáng làng quê xã Trần Phán mờ mờ trong màn đêm, tôi nhớ đến một bài ca dao rất nổi tiếng được lan truyền sâu rộng trên mảnh đất căn cứ địa này thời chống thực dân Pháp:

“Đêm nay đứng ở đầu làng
Nhìn đồn giặc đóng lòng càng giận thay
Tay vớ lấy lưỡi dao phay
Tao thề xé xác quân mày Tây Dương”.


Đi mãi, đi mãi, đến hết đêm 2 tháng 5 năm 1972, tổ của chúng tôi mới vượt qua xóm Nhị Nguyệt; trời sáng, chúng tôi ém lại đây, chờ đến tối tiếp tục hành trình. Chúng tôi mất hơn hai ngày hành quân vất vả, song không gặp phải bất cứ sự ngăn chặn nào của địch. Tối 4 tháng 5 năm 1972, chúng tôi đã đến được khu vực trú quân của Đội du kích xã Trần Phán, đến với vùng giải phóng. Nơi chúng tôi đặt chân đầu tiên là một căn nhà lá đơn sơ nằm gọn trong một khu vườn rộng. Sáng ra, tôi được anh em giới thiệu đây là khu vườn trước đây của địa chủ Chinh (Sáu Chinh), một tên địa chủ giàu có trên địa bàn này thời chống thực dân Pháp. Trong vườn cây lá xanh tươi, có dừa, có bình bát và nhiều loại cây đặc sản ăn trái của Nam Bộ. Nhìn phong cảnh này, tôi lại nghĩ về mảnh đất quê tôi xã Trần Phán, hai địa điểm này chỉ cách nhau vài ngày đi bộ, sao một nơi nóng bỏng khói súng của chiến tranh, một nơi ấm áp, thanh bình, tự do thoải mái đến thế.

Sáng 5 tháng 5 năm 1972, chúng tôi được Út Việt - giao liên của xã đón đưa về nhà Quảng Hanh gặp cấp ủy, Ban Chỉ huy Đội du kích xã Trần Phán. Thay mặt lãnh đạo, chỉ huy Đội, trực tiếp hai đồng chí Dương Văn Luyến (Ba Luyến) - Xã đội trưởng và Nguyễn Quốc Việt - Xã đội phó - Bí thư chi bộ gặp gỡ, động viên và giao nhiệm vụ cho từng người. Sau một hồi thăm hỏi về gia đình, về sức khỏe, về quá trình hành quân, đồng chí Ba Luyến nhắc nhở chúng tôi tập trung ăn, nghỉ lấy lại sức và thông báo một số quy định chung, tình hình hoạt động của địch, chủ yếu phòng tránh pháo hạm và máy bay địch ném bom. Đồng chí Quốc Việt động viên chúng tôi và yêu cầu: “Xác định sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới”.

Tại nhà Quảng Hanh, trước khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi được cấp quân trang: một bộ đồ điphăng, một nón tai bèo, một đôi dép và khẩu súng. Mặc bộ đồ mới xúng xính, trong bộ đồng phục Quân giải phóng lòng tôi dâng trào một niềm vui, sung sướng khó tả, đúng như như các cụ xưa nói: “Già được bát canh ngon, trẻ được manh áo mới”. Đối với tôi lúc này, đúng thật niềm vui ấy trong tôi như được nhân lên gấp bội vì đây là ước mơ của tôi từ tấm bé, từ tuổi thiếu niên cho đến bây giờ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2022, 07:55:06 am »

Đang xúng xính, vui sướng trong bộ quần áo mới thì ba đến, trông ba ốm và già đi nhiều. Tuy vậy, những gian khổ, thử thách của chiến tranh không làm mất đi tác phong sôi nổi, tính cách thẳng thắn và làn da trắng trẻo, thư sinh của ba. Nhìn tôi vừa vặn trong bộ quân phục Quân giải phóng, ông mỉm cười, lặng đi một hồi. Tôi biết, gặp tôi ở khu trú quân này, lại nhìn con trai được mặc quân phục Quân giải phóng, ông xúc động lắm. Không chỉ riêng tôi, niềm vui, hạnh phúc của ba cũng trào dâng trong niềm tự hào sâu sắc vì con đã nối tiếp theo ba.

Lặng đi hồi lâu, ba nói với tôi: “Đáng lẽ ba không nói với con tin này, song ba nghĩ con đã lớn và trưởng thành nên ba thông báo với con một hung tin. Khi con vừa đi, bọn địch trong đồn Hội đồng Diễn đã lập tức cho lính đến vây bắt bà ngoại, má và em Phi Hùng. Chúng tra khảo bà ngoại và má, tra tấn Phi Hùng hòng truy tìm con. Song cả ba người không khai lấy một lời. Sau bốn ngày điên cuồng tra khảo, tra tấn thấy không moi được tin tức gì, hơn nữa sau khi ngoại, má và Phi Hùng bị địch bắt, bà con, cô bác đã tổ chức ngay lực lượng kéo về đồn Hội đồng Diễn đấu tranh với địch. Trước lý lẽ sắc bén của bà con, địch đã thả ngoại, má và em Phi Hùng”. Thấy tôi im lặng, mặt buồn rười rượi, biết tôi quá lo lắng cho ngoại, má và em, ba động viên: “Địch đã không làm gì được ba má con, được anh em, bà con, cô bác đùm bọc, giúp đỡ, sau này chúng cũng chẳng làm gì được. Con yên tâm tập trung làm tốt nhiệm vụ cách mạng giao”.

Tôi đã hứa với ba: “Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bất cứ nhiệm vụ nào”. Thấy tôi vui trở lại, ba hỏi tôi: “Đưa con về cứ, các chú có hỏi ý ba muốn giữ con lại đưa con sang công tác bên huyện đoàn cho đỡ vất vả và an toàn hơn, ý con sao?”. Không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi nói luôn: “Ba thưa với các chú, con không về huyện đoàn, con muốn quay lại Đội du kích xã Trần Phán, bám trụ đánh địch. Ba ủng hộ con, các chú ủng hộ con, ngày mai con sẽ trở về xã Trần Phán đánh giặc”. Thấy thái độ dứt khoát và quyết tâm cao của tôi, ba tôi mừng lắm, ông nói với tôi: “Ba tôn trọng ý kiến của con” và nắm tay tôi thật chặt, không nói thêm lời nào. Tôi biết lòng ba lúc này phân vân, đắn đo nhiều! Ba chắc hẳn muốn con ở lại cứ sang làm công tác đoàn để cha con gần nhau, độ an toàn cho tôi cao hơn nhưng mặt khác lại muốn tôn trọng quyết định của con vì thấy con đã trưởng thành. Cuối cùng, trách nhiệm người làm ba trong ông đã đúng. Đất nước còn chiến tranh, trách nhiệm và chỗ đứng của thanh niên là phải trên trận tuyến đánh quân thù. Sau này, tôi được biết, cả một thế hệ thanh niên chúng tôi, mà tiêu biểu như anh hùng Lê Mã Lương cũng đã nhận thức và hành động đúng như thế.

Ngày 9 tháng 5 năm 1972, tôi được đồng chí Nguyễn Quốc Việt - Xã đội phó, Bí thư chi bộ gọi lên giao nhiệm vụ: “Đồng chí được bổ nhiệm từ Đội trưởng Đội du kích bí mật lên Tiểu đội phó và cùng với Tiểu đội trưởng phụ trách 12 chiến sĩ du kích quay về bám trụ xã Trần Phán chiến đấu giải phóng quê hương”. Mừng quá! Tôi khẩn trương lên đường vì sợ trên thay đổi quyết định. Với tâm trạng háo hức, phấn khởi, sung sướng, tôi không kịp đến tạm biệt ba. Không sung sướng sao được! Khi đi, chúng tôi chỉ có năm người, không súng ống, không quân phục, ai có gì mặc nấy; nay trở về cả một tiểu đội 12 người, súng ống và quân phục chỉnh tề với tâm nguyện được chiến đấu trên quê hương mình, giữa lòng dân xã Trần Phán là một niềm hạnh phúc không tả xiết.

Về đến địa bàn, tôi cùng đồng chí Tiểu đội trưởng tập trung huấn luyện cách đánh (chiến thuật) cho Tiểu đội, chủ yếu giới thiệu về cách bố trí đội hình ở hai loại chiến thuật chiến đấu cơ bản là phục kích và tiến công; huấn luyện bồi dưỡng cho các chiến sĩ du kích các động tác chiến đấu (lăn lê bò toài, sử dụng các loại súng, ngắm bắn...); tổ chức lực lượng trinh sát đi nắm bắt thông tin địch...

Trong thời kỳ này, tình thế cách mạng đang lên, do vậy bọn địch cũng không còn hung hăng tung quân càn quét như trước. Tuy nhiên, được sự chi viện hỏa lực của trên, bọn địch ở xã Trần Phán ban ngày thì bung ra “nằm” ngoài đường theo các trục lộ, ban đêm lại kéo nhau về đồn cố thủ; có lúc ban đêm chúng cho một lực lượng bí mật ra ngoài phục kích nơi nghi ngờ có lực lượng ta qua lại hoạt động. Nếu bị pháo ta pháo kích thì chúng gọi pháo 105mm từ Giá Ngựa, Đầm Dơi, Cà Mau, Chà Và bắn vào chi viện. Đặc biệt, trong giai đoạn này có một trung đội thám báo ác ôn thường xuyên hoạt động lùng sục, phục kích vào ban đêm trong khu vực từ Đầm Dơi kéo về các tuyến đường trong xã. Hệ thống đồn bốt của địch vẫn dày đặc, chúng đóng đồn cách nhau khoảng 1.500 đến 3.000 mét.

Đêm ngày 22 tháng 5 năm 1972, theo tin từ cơ sở, bọn địch tại Hội đồng Ninh cho một lực lượng đi xuồng vào kinh Kẹo để canh giữ đồn. Ban Chỉ huy Xã đội đã sử dụng Tiểu đội tôi do đồng chí Nguyễn Văn Huấn - Xã đội phó trực tiếp chỉ huy. Cùng với đồng chí Tiểu đội trưởng, tôi (Tiểu đội phó) chỉ huy Tiểu đội chia làm hai lực lượng chặn đầu, khóa đuôi tại khu vực đầu kinh Kẹo. Bọn địch vừa vào ổ phục kích, được lệnh nổ súng, cả hai bộ phận đồng loạt nhả đạn tiêu diệt hai tên địch, thu hai súng M16.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2022, 07:55:44 am »

Ngày 4 tháng 10 năm 1972, một trung đội địch từ Cây Trâm hành quân càn quét vào ngã ba Hai Thép. Ban Chỉ huy du kích xã Trần Phán giao nhiệm vụ cho Tiểu đội tôi dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Văn Mức - Xã đội phó vận động tiến công địch. Toàn Tiểu đội đang vận động lên, lọt vào ổ phục kích của địch, bị địch đánh giữa đội hình chia cắt lực lượng làm hai; trong đó bộ phận đi đầu gồm các đồng chí Võ Văn Mức, Hồ Văn Đấu, Nguyễn Văn Chín, Sáu Huỳnh và tôi. Khi bị địch tập kích vào đội hình, đồng chí Võ Văn Mức và Hồ Văn Đấu bị thương nặng. Tôi bình tĩnh chỉ huy Nguyễn Văn Chín và Sáu Huỳnh chiếm địa hình có lợi chặn địch lại. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, đồng chí Nguyễn Văn Chín và Sáu Huỳnh tiếp tục bị thương nặng, còn lại một mình tôi nhanh chóng xử lý tình huống, tích cực cơ động trên địa hình có lợi, liên tiếp bắn gần hết 12 hộp tiếp đạn súng M16; khi nổ súng ở điểm này nhanh chóng di chuyển đến địa điểm kia tiếp tục nổ súng bắn trả địch. Bọn địch mắc mưu, thấy tiếng súng nổ ở nhiều nơi, tưởng lực lượng ta còn đông, tên chỉ huy ra lệnh rút lui.

Tan trận, tôi băng bó vết thương cho hai đồng chí Nguyễn Văn Chín, Sáu Huỳnh và kiểm tra vết thương cho các đồng chí Võ Văn Mức, Hồ Văn Đấu. Anh Hồ Văn Đấu bị thương quá nặng, biết mình khó qua khỏi, Đấu gỡ nón tai bèo đưa cho tôi và dặn: “Hổ gửi cái này về cho Hai Hồng, người vợ sắp cưới của tôi nhé!”. Sau khi sơ cứu cho thương binh xong, tôi lấy súng bắn ba viên đạn liên tiếp báo hiệu lực lượng đến cứu viện. Ít phút sau, các đồng chí được Ban Chỉ huy Đội du kích và nhân dân đưa về phía sau nuôi dưỡng và điều trị.

Cuối năm 1972, Sư đoàn 21 ngụy đổ quân xuống Cầu Kè - Nhà Cũ. Đụng với chủ lực ngụy, một số đội du kích các xã khác rút lui để bảo toàn lực lượng. Riêng Đội du kích xã Trần Phán, trong đó có Tiểu đội du kích của tôi kiên quyết trụ chống càn. Tiểu đội tôi được Ban Chỉ huy xã phân công xây dựng trận địa tại vườn ông Sáu Trinh, đánh vào sau lưng địch. Nghe thấy tiếng súng nổ, biết lực lượng du kích xã Trần Phán bám trụ đánh vu hồi quân ngụy đi càn, Ban Chỉ huy Huyện đội cử người xuống nắm tình hình, đưa lực lượng và hỏa lực xuống chi viện để đánh tiếp. Sau trận này, Đội du kích xã Trần Phán nhận được lời khen của đồng chí Tư Tấn - Tỉnh đội phó: “Du kích xã Trần Phán đánh nở hoa trong lòng địch”.

Khi bọn địch đánh chiếm khu vực đồn ngã tư xóm Ruộng. Trước sức mạnh tấn công của địch, quân đông, hỏa lực mạnh, cơ động nhanh, tấn công nhiều mũi, nhiều hướng, ở hướng chính, địch tập trung lực lượng rất mạnh, các hướng phụ khác lực lượng giảm đi rõ rệt. Còn cách đánh của du kích chủ yếu bám sau lưng địch, chỗ nào mạnh thì rút, chỗ nào yếu thì bám sát nổ súng tiến công, hiệu quả chiến đấu thấp. Thấy vậy, tôi ra lệnh cho Tiểu đội du kích rút lui, tôi cùng một tổ ba người ở lại nghiên cứu thị sát tìm hiểu cách đánh của địch, sau đó về nhà suy nghĩ xem trước các cách đánh của ta như: chống càn, tập kích, phục kích, vận động tiến công... thì phản ứng và hành động của địch như thế nào, khả năng và kết quả thu được của ta ra sao; từ đó đi sâu vào việc bố trí đội hình, sử dụng lực lượng; sau đó đem trao đổi với các anh trong Ban Chỉ huy Đội du kích xã: Huỳnh Tấn Đạt (Út An) - Xã đội trưởng, Nguyễn Quốc Việt, Huỳnh Hành Quyền - Xã đội phó. Được các anh khuyến khích, tôi từng bước hoàn chỉnh ý kiến của mình, phổ biến và huấn luyện cho Trung đội du kích xã, góp phần nâng cao trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang xã.

Trong năm 1972, thực hiện đứng đắn chủ trương của Huyện ủy, các lực lượng vũ trang của huyện đã bám trụ vững chắc, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tham gia có hiệu quả các cao điểm kế hoạch tiến công tổng hợp của trên, góp phần làm phá sản kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch. Huyện Đầm Dơi đã bao vây bức rút 13 đồn. làm chủ tuyến sông Bảy Háp - Đội Cường, giải phóng hoàn toàn hai xã Tân Tiến, Tân Thuận và phần lớn các xã Tạ An Khương. Trần Phán, Quách Văn Phẩm, giải phóng gần 20.000 dân. Lực lượng vũ trang xã Trần Phán đã phải vượt qua một giai đoạn khó khăn, gian khổ, ác liệt, từ vùng trắng thực hiện quyết tâm của Đảng bộ xã, Đội du kích xã quyết tâm bám trụ, bám đất, bám dân, bám địch, vừa xây dựng cơ sở cách mạng, vừa phát triển, củng cố lực lượng du kích, tiếp tục tiến công địch, từng bước phát triển thực lực cách mạng, đưa phong trào cách mạng phát triển vững chắc, lập những chiến công xuất sắc. Trong sự phát triển chung ấy, tôi thấy mình cũng có sự tiến bộ về nhiều mặt, cả về nhận thức tình hình nhiệm vụ cách mạng, cả về phong cách chỉ huy và kiến thức quân sự. Tất cả những kinh nghiệm và kiến thức quan trọng ấy hết sức quý báu, là bản lề giúp cho tôi trong quá trình đảm nhiệm các chức vụ mà Đảng, Quân đội giao cho sau này.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, sau nhiều lần tráo trở, lật lọng, Mỹ - ngụy buộc phải ký Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Đông Dương, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đối với chính quyền Thiệu, ký Hiệp định Pari không phải để chấm dứt chiến tranh, mà để tiếp tục chiến tranh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM