BÀI HỌC KINH NGHIỆM PHỤC VỤ
KHÁNG CHIẼN Ở LIÊN KHU II HÀ NỘI
Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, nhân dân Liên khu II dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy, và UBKC Liên khu đã góp phần tích cực ngăn chặn một bước âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân xâm lược Pháp.
Tổ chức tản cư, sơ tán di chuyển các cơ sở kinh tế kỹ thuật trong Liên khu như đài VTĐ Bạch Mai, nhà máy, xí nghiệp trong Liên khu, đặc biệt là tổ chức chiến đấu trên đường phố đã được thực hiện tốt.
I. Tuyên truyền động viên kháng chiến:Thuận lợi cơ bản lúc đó là nhân dân Bạch Mai (cũng như nhân dân toàn quốc) tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức nhà nước (Ủy ban kháng chiến, ủy ban hành chính các cấp), qua các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, công đoàn, mặt trận Việt minh, Liên Việt...).
Những người già yếu, trẻ em bình tĩnh sơ tán, thanh niên nam nữ trẻ khỏe hăng hái ở lại chiến đấu làm tốt những nhiệm vụ được giao là do được tuyên truyền, bồi dưỡng cụ thể, được giúp đỡ thực hiện tốt.
Nguyên nhân cơ bản đưa đến thắng lợi là lòng tin. Quân cũng như Dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ mà người đứng đầu là Hồ Chủ tịch, đã hoàn thành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến quyết tâm đánh bại đế quốc Pháp xâm lược.
Các Ủy ban kháng chiến Liên khu, khu phố đã tổ chức lực lượng tuyên truyền xung phong làm tỉ mỉ công tác chính trị tư tưởng, làm cho mọi người yên tâm làm nhiệm vụ.
Khu 17 (Bạch Mai, Hoàng Mai) cùng với Ban tuyên truyền ở các khu và các tổ tuyên truyền ở từng xóm đã vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của UBKC liên khu, UBKC khu phố. Người sơ tán ngoài các thứ có thể mang theo đã tự nguyện giao lại cho UBKC khu phố (Ban quản lý) lương thực thực phẩm còn lại không có khả năng mang theo được.
Thanh niên nam nữ tự nguyện nhận nhiệm vụ: chiến đấu, cứu thương, tuyên truyền, tiếp tế.
Những người làm công tác tuyên truyền hầu hết là giáo viên bình dân học vụ sẵn có quan hệ tốt với nhân dân được dân mến nên nói được dân nghe và tự nguyện thực hiện.
Tổ chức tuyên truyền động viên được sâu rộng thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chiến đấu ở từng đường phố, từng xóm. Tổ chức tuyên truyền, động viên rất có kết quả. Một phần quan trọng nữa là do kết hợp chặt chẽ với sự giúp đỡ từng gia đình từng người thực hiện những chủ trương của Đảng và nhà nước.
Việc khen thướng, động viên được thực hiện kịp thời bằng cách nêu những gương chiến đấu tốt, kể cả việc kết nạp đảng viên mới trong những ngày đầu khói lửa.
Có thể nói làm công tác tuyên truyền động viên kháng chiến đạt được kết quả tốt, trước hết là do dân tin chính phủ cách mạng, tin cán bộ trong các tổ chức của UBKC.
II. Tổ chức xây dựng cơ sở lực lượng kháng chiếnNgoài nhiệm vụ tổ chức các lực lượng sẵn sàng chiến đấu như các khu phõ khác, khu 17 còn được Liên khu giao cho nhiệm vụ tổ chức các cơ sở hậu cần, các địa điểm cho UB kháng chiến Liên khu rút về để chỉ huy chiến đấu và khi bắt đầu chiến đấu, lại phải dành những địa điểm cần thiết cho lực lượng chiến đấu của các khu phố khác tập hợp đế chiến đấu ngăn chặn địch từng bước.
UBKC khu 17 phối hợp với ủy ban bảo vệ đã điều tra nghiên cứu, nắm tình hình và lựa chọn những địa điểm an toàn cho các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của liên khu, tổ chức điện đài được sẵn sàng đảm bảo liên lạc với cấp trên, tổ chức các trạm cứu thương để làm nhiệm vụ cấp cứu và tổ chức chuyển những người bị thương về tuyến sau an toàn hơn. Đặc biệt là tổ chức tiếp tế cho cơ quan lãnh đạo liên khu, cho các lực lượng chiến đấu của liên khu đã được chuẩn bị chu đáo với việc tổ chức các kho lương thực, thực phẩm cho những bếp nấu ăn hàng ngày và những cơ sở chế biến thực phẩm. Hoàn cảnh thuận lợi của khu 17 có phố buôn bán đông đúc, có nhiều cửa hàng bán lương thực, thực phẩm, có bò, lợn, có vườn rau đã được tận dụng để tập trung và tổ chức phân phối kịp thời ngay từ ngày đầu kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Lực lượng phụ nữ cứu quốc đã tích cực tham gia nấu nướng, chế biến thức ăn và đi tiếp tế cho lực lượng chiến đấu bố trí rải rác ở nhiều trọng điểm trong liên khu.
Lương thực thực phẩm dân để lại do UBKC khu phố được ghi chép lại để sau này thanh toán cho nhân dân. Rất tiếc là những tài liệu này bị thất lạc khi ban quản lý rút về tuyến sau.
Sau khi địch mở rộng mặt trận, UBKC Liên khu rút xuống phía nam và nhập với Mê Linh - Đề Thám thành UBKC quận 6, ban quản lý của Liên khu II mà nòng cốt là tổ chức quản lý của Khu 17 trở thành nòng cốt của ban quản lý quận 6.
Khu 17 đã làm tròn nhiệm vụ Liên khu giao là do chuẩn bị chu đáo tỉ mỉ, có điều tra, nghiên cứu khả năng vật chất sẵn có của nhân dân, lực lượng thanh niên nam nữ có điều kiện ở lại chiến đấu và phân công cụ thể, tận dụng khả năng của mỗi người. Để chuẩn bị tiếp tế cho Liên khu, ban quản lý đã điều tra khả năng của các làng xung quanh, và sau này Liên khu II sáp nhập vào quận 6, thì ban quản lý cũng kịp thời tổ chức lực lượng bảo vệ và thu nhặt rau tại các xã ven nội để tiếp tế cho lực lượng chiến đấu của quận. Có những lúc lực lượng tiếp tế phải chiến đấu bắn tỉa để ngăn chặn địch cướp rau mà chúng cũng rất cần. Ta đêm đêm lại tổ chức bảo vệ chu đáo việc thu nhặt rau chuyển về quận.
Lực lượng chiến đấu của Khu 17 bao gồm đông đảo thanh niên mà nòng cốt là đảng viên cộng sản và thanh niên cứu quốc đã được tập luyện và chuẩn bị chu đáo.
Việc đào hầm hố chiến đấu, đục tường để thông giữa các nhà hai bên đường phố, việc bố trí ụ súng ở các nhà gác ở góc đường đầu phố, nhất là việc đắp ụ ngăn đường ở Ô Cầu Dền đã tạo điều kiện cho lực lượng chiến đấu của Khu 17 phối hợp với một phần lực lượng của một số khu phố khác trong Liên khu, đã ngăn chặn được địch không chọc thẳng được xuống phía nam qua phố Bạch Mai, bảo vệ an toàn cho cơ quan chỉ huy của Liên khu. Ban quân sự Liên khu đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội được điều về chiến đấu ở mặt trận này, và sau khi mặt trận mở rộng, UBKC Liên khu II nhập vào UBKC quận 6 thì một số khá đông tự vệ có vũ khí gia nhập bộ đội, một số gia nhập vào lực lượng an ninh làm công tác tình báo.