Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:17:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: FULRO - Tập đoàn tội phạm  (Đọc 17395 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #80 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 06:59:58 am »

27. BỐN CÔ GÁI - BỐN CUỘC ĐỜI

Từ hôm Trang ra đi, bà Tìm suy nghĩ nhiều, sinh ốm. Con gái bà đã khôn lớn, sắp gả chồng, bao công lao bà nuôi dưỡng, thế mà đùng một cái, nó đi theo một tên lừa đảo, tàn ác. Bà khổ tâm hơn nữa là gia đình thành chia sẻ. Bác bà (ông Phú Lập) theo Việt Minh chống Tây; hai anh trai bà (ông Phú Mách, Phú Trực) theo kháng chiến chống Mỹ; các ông đều là liệt sĩ. Bà theo cách mạng từ thời chống Pháp đến nay vẫn là ủy viên Hội đồng nhân dân, cán sự phụ nữ xã. Còn con trai, con gái bà lại theo FULRO chống Cách mạng, chống cha mẹ.


Tưởng rằng con đã chết trong rừng, bà lập bàn thờ trong nhà. Một tấm ảnh, một cây nến, một bát hương, ngày ngày bà khấn vái cầu cúng cho con.

Bỗng một đêm, có tiếng gọi cửa. Nghe đúng tiếng con, bà vừa mở cửa, vừa run.

Trang bước vào, mặt hốc hác... mắt trũng sâu, da xanh bủng. Cô vạch váy áo, chỉ cho mẹ thấy những vết bầm trên tay, chân:

- Chúng nó tàn ác quá, con không thể ở được nữa, con trốn về. Tên Sắng biết con về, cho người đuổi theo bắn con. Con chạy, bị thương, thoát chết má ạ!

Bà vừa lau vết thương cho con, vừa xuýt xoa. Có nên báo cho chánh quyền biết Trang về hay không? Nó theo bọn phản động, chống lại chánh quyền, liệu có bị bắt đi không? Bà tin là chánh quyền khoan hồng nhưng vẫn lo lắng.

Bà thủ thỉ:

- Con non dại, cả tin, bị lừa dối. Mẹ cũng không ngờ con khổ đến thế. Đã về rồi, con nên khai báo với chánh quyền. Chánh quyền sẽ khoan hồng cho con thôi.

Liệu chánh quyền có khoan hồng không? Nhớ lời đe dọa của Sắng nhưng Trang vẫn tin mẹ. Mẹ Trang đã từng làm việc cho Cách mạng, lại rất thương Trang. Trang thở mệt nhọc:

- Vâng! Mẹ đi báo cho Cách mạng biết. Con mệt lắm!

Nhận được tin Trang về đang đau ốm, ông Lê Thanh Bình điện ngay cho ông Trưởng ty Công an Chín Huỳnh. Ông Chín cử ngay chiến sĩ Lê Đức Trọng về đưa Trang đi bệnh viện Phan Rang.

Nghe nói chánh quyền đưa Trang đi bệnh viện, một thày Chang đến nói với bà Tìm.

- Từ xưa đến nay, chẳng có chánh quyền nào lại đi cứu vớt những người chống lại mình. Tôi thấy con Trang như bị ma ám, nói mê, nói sảng. Phải cầu Pô Yang, phải đưa nó vào Tháp cúng.

Mặc tiếng ra tiếng vào, Bà Tìm vẫn cho con đi bệnh viện.

Một chiếc ô-tô đến nhà chở Trang đến bệnh viện Phan Rang. Trọng theo giúp Trang lo liệu các thủ tục, giấy tờ và liên lạc với gia đình.

Xe đến viện, các thầy thuốc ân cần đón nhận Trang. Một cô y tá trẻ bằng tuổi Trang dìu vào giường nằm. Bác sĩ khám, băng vết thương, cho thuốc. Hôm sau, một người trạc 60 tuổi, tóc hoa râm, cao lớn, trông phúc hậu, vào thăm Trang. Trọng nói với cô:

- Bác Chín, Trưởng ty Công an đến thăm đó!

Trang nhìn bác Chín, nghi nghi, ngờ ngờ. Người chỉ huy công an này làm cho Trang chợt liên tưởng đến Huỳnh Ngọc Sắng. Trang tự hỏi: Vì sao ông chăm lo, săn sóc Trang như thế? Có ý đồ gì không? Sắng cùng dân tộc, cùng quê hương, mà còn tàn ác thế thì một người khác dân tộc, khác quê hương sẽ đối xử với Trang như thế nào?

Tiếng nói trầm trầm, ôn tồn của bác Chín vọng vào tai cô:

- Cháu đỡ đau chút nào chưa?

- Dạ, đỡ một chút bác ạ!

- Cháu đừng lo lắng gì cả. Các bác, các cô chú ở đây coi cháu như con mà thôi. Cháu lầm đường, lạc lối, giờ cháu trở về. Ai cũng thương cháu. Má cháu khổ về cháu nhiều rồi. Giờ cháu cố ăn uống, bớt lo nghĩ cho chóng khỏe trở về với má!

Trang bỗng cảm thấy xót xa, thương má.

Bác Chín cho Trang hai hộp sữa rồi về.

Hôm sau, Trang phải tiêm Pê-ni-xi-lin. Mũi tiêm vừa rút ra, Trang thấy đầu óc quay cuồng, choáng váng rồi ngất lịm đi.

Khi tỉnh dậy, Trang run lên sợ hãi. Lúc này những lời nói của thày Chang trở lại trong tâm trí Trang. Những câu chuyện sắng kể về âm mưu của những người cầm quyền ở Mỹ, Pháp, Căm-bốt, Sài Gòn, Nhật, Đức, nhất là bọn phát xít Hít-le lại hiện lên. Chúng có hàng trăm cách giết người rất "dịu ngọt", "nhân đạo". Một trong những cách đó là tiêm thuốc "bổ" để kết liễu đời một người chúng cần thủ tiêu. Trang rơi vào tình trạng đó rồi.


Nhưng tại sao Trang chưa chết? Trang nhìn quanh. Căn phòng chỉ có mình Trang và hai thầy thuốc. Trang xòe tay, những vân tay vẫn hiện rõ. Tay cô vẫn nóng, co bóp được. Trí nhớ vẫn tốt. Cô y tá đã tiêm cho Trang, tâm sự:

- May quá, Trang chết, mình đi tù rồi đấy! Mình tiêm Pê-ni-ci-lin quên không thử phản ứng. Ai không chịu được thuốc này, tiêm vào là bị phản ứng, ngất hoặc chết. Mình sơ xuất quá, mình có lỗi với Trang. Mình đã phải làm kiểm điểm rồi.

Đôi mắt tròn của Trang mở to rồi từ từ khép lại. Nỗi nghi ngờ trong cô tan đi. Lòng cô dần thanh thản lại.

Bác Chín luôn đến thăm Trang.

Lần nào đến, bác cũng mang quà. Khi thì vài hộp sữa, khi chục cam, khi nải chuối. Bác vẫn ân cần hỏi han Trang như một người cha đối với con. Bác hỏi toàn chuyện tình cảm, gia đình, chẳng có ý khai thác, chẳng nói đến chuyện chánh trị, quân sự gì.


Những mặc cảm tan dần trong Trang.

Một buổi, thấy Trang nhìn mình với vẻ chăm chú, e ngại, Trọng biết cô sợ mình vì anh có bộ râu quai nón khá rậm. Trọng cười:

- Trang sợ tôi lắm phải không?

Nghe câu nói cởi mở Trang mạnh dạn:

- Sao tôi lại sợ anh?

- Tôi là công an này! Tôi trông dữ tướng quá này!

Trang bật cười:

- Anh cạo râu đi thì hết dữ, lành khô luôn!

Hai người cùng cười.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #81 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 07:01:55 am »

Hôm Trang ra viện, Trọng vào đón và báo cho cô một tin mới. Anh chưa biết Trang sẽ đón nhận tin này như thế nào nên ngập ngừng nói:

- Tên Sắng đã bị bắt rồi.

Trọng chậm rãi kể cho Trang biết là do bị truy lùng ráo riết nên Sắng phải di chuyển về địa bàn đồng bằng đông đúc để khỏi chết đói và dễ lẩn trốn trong dân. Hắn phải cải trang, dùng giấy tờ giả mạo, luôn thay đổi địa điểm mà vẫn không lọt qua khỏi lưới bủa vây của nhân dân và các cơ quan chuyên môn.


Hôm vừa qua, một chiếc xe khách Sài Gòn - Phan Rang qua thị xã Phan Thiết. Đến trạm kiểm soát, xe dừng lại. Hai chiến sĩ công an Kỳ và Minh bước lên xe. Đến trước mặt một vị khách đầu hói, Kỳ hỏi:

- Xin ông cho xem giấy căn cước?

Vị khách mỉm cười:

- Vâng!

Kỳ ôn tồn:

- Chúng tôi có việc hỏi ông, xin ông vui lòng xuống xe.

Vị khách lắc đầu:

- Tôi là dân lành, tôi không có tội gì. Tôi không xuống!

- Ông không xuống bắt buộc chúng tôi phải có hành động kiên quyết.

Vị khách nổi khùng lên, vung tay:

- Các ông vi phạm quyền tự do đi lại của dân chúng, các ông vi phạm nhân quyền!

Vị khách đó, không ai khác là Huỳnh Ngọc Sắng.

Kể xong, Trọng hồi hộp chờ đợi phản ứng của Trang. Không ngờ, nét mặt Trang lúc đầu còn hoài nghi vì việc bắt được sắng, chuyển dần sang tin tưởng sau mỗi chi tiết cụ thể, và cuối cùng thì rạng rỡ hẳn lên. Cô nhìn Trọng, giọng hoan hỉ:

- Bắt được thằng đó là giải thoát cho không biết bao nhiêu người bị hắn làm khổ nhục!

Rồi Trang vui vẻ bước lên xe, giục Trọng cho về nhà nhanh để còn gặp mẹ.

Số phận của tên cầm đầu quan trọng nhất của FULRO Chàm kết thúc như thế đó, trong cuộc đời chánh trị và cả trong niềm tin yêu của người gần gũi nhất.

Trang ra viện được nửa tháng thì ông Chín về tận Chung Mỹ thăm cô.

Vừa trông thấy ông, Trang chạy ra, reo lên:

- Quà cháu đâu, bác ơi!

Câu nói ngây thơ, hồn nhiên của Trang bỗng làm ông xúc động. Tình cảm cha con làm ấm áp lòng người cha đã từng xa con lâu ngày trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đưa cân đường, hộp sữa cho Trang:

- Cháu đã khỏe hẳn chưa?

- Cháu khỏe lắm, bác ạ!

- Từ hôm về đến giờ, cháu làm gì?

- Cháu giúp má cháu và chị Kiều. Cháu dệt vải, làm mộng.

Ông nói rất chân tình:

- Cháu nên trở lại trường, học tiếp hết lớp 12 rồi thi vào đại học. Ngoài Bắc, nhiều kỹ sư, bác sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ, là người dân tộc Tày, Thái, Mèo... Họ cùng các trí thức người Kinh xây dựng đất nước. Cháu cũng phải thế. Tương lai đất nước trông vào lớp trẻ như cháu.

Trang băn khoăn rồi mạnh dạn:

- Cháu đã lớn, lại bỏ mấy năm rồi, giờ học với số lớp dưới mới lên, cháu ngượng lắm. Hơn nữa, má và chị cháu vất vả, cháu muốn đi làm, giúp đỡ gia đình bác ạ!

- Không học tiếc lắm. Nhưng tùy cháu. Nếu cháu muốn đi làm, bác sẽ giúp cháu. Cháu thích dạy học, làm y tá, hay bán hàng mậu dịch?

Trang mừng rỡ:

- Làm gì cũng được bác ạ!

Ông Chín đi gặp ông Trưởng phòng thương nghiệp huyện An Sơn

Ông Trưởng phòng nói thành thật:

- Đồng chí giới thiệu người khác, chúng tôi không dám từ chối. Nhưng trường hợp này thì khó nghĩ quá. Cô ta đi theo FULRO chống phá Cách mạng, giờ xin làm cán bộ Nhà nước, tôi sợ các nhân viên khác phản đối.

Ông Chín giải thích mãi, ông Trưởng phòng hứa:

- Đồng chí để chúng tôi bàn bạc thêm, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết.
Trang ở nhà được ít lâu thì Phú Mỹ đến thăm. Nhìn thấy người yêu cũ, cô hổ thẹn, không dám nhìn thẳng vào mặt anh. Cô đã bỏ anh ra đi, đã lầm lỡ, sa ngã. Bao chuyện đau lòng đã diễn ra. Anh sẽ nghĩ về cô ra sao đây, nhất là khi anh đã trở thành một cán bộ Phòng văn hóa - thông tin huyện An Sơn.

Như đoán biết điều suy nghĩ của Trang, Phú Mỹ nói trước:

- Anh ở huyện về. Hôm nay đến thăm em và nói với em câu chuyện. Anh đã suy nghĩ rồi, anh muốn em cưới anh...

Trang sửng sốt chạy vụt vào giường, nằm úp mặt trên gối, òa lên khóc. Phú Mỹ chạy vào nhà, ngồi trên một chiếc ghế cạnh giường. Trang nói trong tiếng nấc:

- Anh còn lấy em làm gì? Em là kẻ hư hỏng, bỏ đi rồi.

Phú Mỹ lắc đầu:

- Anh biết tất cả. Chỉ tại thằng Sắng khốn nạn. Gặp hắn, anh sẽ giết để trả mối thù này. Em nhẹ dạ, cả tin anh bỏ qua tất cả. Anh vẫn yêu em!

Trang không dám tin lời Phú Mỹ, không dám nhận lời.

Những ngày sau, cứ tối thứ bảy, từ cơ quan về, Mỹ lại đến thăm Trang.
Má Phú Mỹ khuyên con:

- Thiếu gì con gái mà con đi lấy con bé đã theo FULRO, đã bị tai tiếng như thế?

Mỹ nói với má:

- Nhưng cô ấy đã trở về, đã cải tạo thành người tốt.

- Đứa nào khi muốn lấy người khác cũng hứa thế này, thế nọ, rồi theo địch vẫn hoàn theo địch... Mẹ...

Bà ngừng lại vì không muốn nói rõ hơn điều đau xót chôn vùi trong cõi lòng bà hơn 20 năm nay.

Hồi ấy, ông Phú Minh là Trưởng chi Thông tin - chiêu hồi ngụy quận An Phước, bà là nữ cán bộ Cách mạng. Một lần, muốn "bôi lem" người nữ cán bộ Cách mạng, tên Trưởng ty Thông tin - chiêu hồi Ninh Thuận thách ông Minh:

- Mày tán tỉnh thế nào lấy được con bé ấy, làm cho nó bỏ Cách mạng, không hoạt động nữa thì tao thăng cho mày một cấp.

Ông Minh tìm mọi cách mua chuộc bà. Ông xin hoạt động Cách mạng, làm cơ sở cho bà. Ông làm rất tích cực. Tưởng ông thật lòng theo Cách mạng, bà thương và lấy ông ta làm chồng. Bà đã mắc mưu. Khi đẻ Mỹ ra, ông tuyên bố không hề theo Cách mạng thật sự và bắt bà đầu thú. Bà bị mắc mưu, đau khổ nhưng không đầu hàng. Tuy sống với ông, nhưng bà vẫn bí mật hoạt động.


Từ đó bà không tin vào bất cứ sự hứa hẹn nào của những người đã làm cho địch. Bà cho Trang khó mà trở thành người tốt. Hơn nữa, con trai bà là trai tân, học tú tài, cán bộ thông tin - văn hóa, thiếu gì cô gái trẻ cưới anh làm chồng?


Nhưng Mỹ không nghe lời mẹ, quyết lấy Trang. Hai mẹ con cãi nhau. Cuối cùng, người mẹ đành chịu, chiều lòng con. Phú Mỹ lấy Trang. Hai người ăn ở với nhau rất hòa thuận. Gần một năm sau, họ sinh đứa con gái đầu lòng. Cháu bé Phú Nữ Ánh Thư ra đời, khỏe mạnh, kháu khỉnh, có đôi mắt tròn to, đen láy như mẹ.


Trang nhìn con nhủ thầm: "Bà mày bị lừa, mẹ mày bị lừa, nhưng mày sẽ không còn chịu cái cảnh bị lừa gạt như thế nữa vì mày sinh ra trong chế độ mới".
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 07:05:25 am »

Bị đánh tan tác ở Ja Pồn, Từ Thị Nhung đi một bước phiêu lưu nữa trên đường tình cũng như trên đường chánh trị. Cô bỏ tên Đổng Thẹo, người tình vũ phu để lên Lâm Đồng tìm P.C Trung ương. Lúc này Y Djao vẫn làm Thủ tướng. Y Djao giữ Nhung lại ở P.C.


Ở đây, Nhung gặp Y Ni Jun, người Ê Đê, Tham mưu trưởng trung đoàn, chân tay thân tín của Y Ghơk Niê Kriêng.

Y Ghơk trước kia theo FULRO 2. FULRO về hợp tác, y làm "cán bộ phát triển sơn thôn" Đắc Lắc. FULRO 3 thành lập, y theo, được Kpă Kới phong hàm trung tá, làm Phụ tá cho tên Tổng trưởng An ninh Y Tuaih Nié. Y Tuaih bị bắt, Y Ghơk được thay làm Tổng trưởng bộ này.


Y Djao lật Kpă Kới, hạ chức Y Ghơk, đẩy xuống làm Trung đoàn phó. Y Ghơk rất căm, ngấm ngầm tìm cách trả thù.

Y Djao ngày càng lún sâu vào tội ác. Sau khi loại trừ Kpă Kới, giết Y Đuê, Nikôlai, hắn lại cho người vào Đà Lạt gọi K’Năm (đang ở với nhóm về hàng ở đây) ra rừng. Hắn giết cả hai cha con K’Năm, cảnh cáo cái tội đầu hàng.


Quyền hành trong tay, Y Djao tha hồ trác táng. Hắn bắt một cô gái Ê Đê lấy hắn, sau khi thỏa mãn dục vọng, hắn sai lính thủ tiêu. Hắn cướp một cô gái người Lát - người yêu của một sĩ quan FULRO thuộc cấp. Chán chê, hắn lại đuổi cô gái đi. Hắn lấy cô gái thứ ba, người Ka Ho, rồi lại hành hạ cô ta.


Tính tàn bạo của Thủ tướng Y Djao làm cho bọn chỉ huy khác lo sợ vì một ngày nào đó, đến lượt chúng có thể bị Y Djao làm thịt. Hiểu thấu điều đó, Y Ghơk khôn khéo kích động, lôi kéo bọn chỉ huy theo mình, ngấm ngầm chuẩn bị một cuộc đảo chánh lật Y Djao.


Sau một thời gian vận động, thấy đã chín muồi Y Ghơk và Y Ni Jun thống nhất một kế hoạch lật đổ.

Cuối cùng, hai tên trung đoàn phó và tham mưu trưởng đã tìm được thời cơ, bí mật chỉ huy trung đoàn của mình, bất ngờ tấn công P.C Trung ương, bắt được Y Djao.

- Thằng thọt kia, mày có nhớ đã giết bao người rồi không? Mày giết Kpă Kới và ba tướng FULRO. Mày phải chết!

Y Ghơk chửi thỏa sức rồi đập chết Y Djao.

Một lần nữa, Trung ương FULRO lại thay Thủ tướng. Và lần nào cũng như lần nào, vẫn là sự tranh giành quyền lực ấy, vẫn là sự tàn bạo đẫm máu ấy của những trùm phỉ vốn không lạ gì nhau trong cái tổ chức hổ lốn gọi là P.C Trung ương FULRO ấy.


Y Ghơk lên làm Thủ tướng và đưa ngay Y Ni Jun lên làm Tổng trưởng An ninh, trao cho nhiều quyền hành và rất tin cậy.

Gặp cô gái Chàm duyên dáng, có nghị lực, vị tân Tổng trưởng yêu và lấy luôn làm vợ. Nhung cũng mê vị Tổng trưởng to, khỏe, mới có 36 tuổi, một trong những vị lãnh đạo trẻ của FULRO, nên hí hửng rẽ một bước ngoặt nữa trên con đường tình mà chính bản thân cô cũng không còn nhớ là đã có bao nhiêu bước ngoặt!


Để tạo cơ hội cho vợ tiến thân, Y Ni Jun xin Y Ghơk cho Nhung làm đại diện người Chàm trong Trung ương FULRO, trực tiếp nắm Mặt trận FULRO Champa thay Huỳnh Ngọc Sắng. Y Ghơk chấp nhận. Nhung được phong chức "Đặc ủy trưởng Mặt trận FULRO Champa", mà không một chút xấu hổ vì cái vị trí lãnh tụ Chàm của mình lại do những người Thượng sắc phong.


Do trách nhiệm mới, Nhung trở về vùng Đơn Dương ở P.C Mô-pia, chỉ huy FULRO Chàm và chịu sự chỉ huy trực tiếp của Quân khu 5 FULRO do trung tá Tuoc Prông Kacháp làm Tư lệnh trưởng.

Kacháp là người Chru, nguyên là Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 FULRO, về đầu hàng cùng với K’Năm tại Đà Lạt, cùng bị Y Djao gọi ra rừng. K’Năm bị giết chết, Kacháp bị bỏ rơi, chưa biết làm gì thì Y Ghơk đã lật Y Djao lên làm Thủ tướng. Kacháp tỏ ra thuần phục và được tân Thủ tướng cử làm Tư lệnh Quân khu 5 vừa được thành lập


Kacháp và Nhung vốn đã biết nhau từ xưa. Vợ Kacháp là Két, người Chàm, là con gái Lê Sơn Cường (Cường cùng quê hương Ninh Thuận và cùng chỉ huy FULRO Chàm với Nhung).

Ở chung một P.C, tình cảm giữa vị Tư lệnh Quân khu và bà Đặc ủy trưởng FULRO Champa nảy nở. Kacháp có học thức, tế nhị, khác xa Đổng Thẹo đã đành mà đến quyền cao chức trọng như Y Ni Jun cũng kém phần hấp dẫn. Càng say mê Kacháp, Nhung càng cảm thấy Y Ni Jun chồng mình là thô thiển, vô học. Như con thiêu thân, cô lại nhắm mắt lao vào ngọn lửa tình yêu mới, có phần nguy hiểm hơn các lần trước vì Y Ni Jun là Tổng trưởng An ninh đa mưu và đầy quyền lực.


Chẳng bao lâu, Nhung có thai với Kacháp. Chị em trong P.C kháo nhau. Chuyện đó bay về Trung ương.

Y Ni Jun ghen lồng lộn, tìm cách trị kẻ dám cướp vợ mình. Và, một cái cớ vô cùng hợp lý đã đến. Ông Tổng trưởng vội trình Thủ tướng:

- Kacháp dám lừa cả Trung ương. Hắn nói Quân khu 5 cần mua một máy vô tuyến điện. Hắn thông đồng với hai tên Y Blớc và Y Tring xin xuất 1.600 đồng tiền quỹ, nói là nhờ Bá Thị Sông, Quảng Đại Đen, Hán Văn Ba liên hệ với bọn thương gia Chàm. Nhưng hàng năm trời nay, chẳng thấy máy đâu. Hôm vừa qua tôi hỏi, Kacháp nói là Y Blớc lừa, lấy hết tiền để cưới vợ. Tôi đã cho điều tra và biết thằng Kacháp nói dối. Chúng thông đồng với nhau cuỗm số tiền đó thôi. Vậy xin anh cho trị tội.

Y Ghơk nể Y Ni Jun nhưng tiếc Kacháp:

- Tất nhiên phải kỷ luật. Nhưng ta nên cơi nới một chút!

Y Ni Jun nhận sự vụ lệnh của Thủ tướng, xuống Đơn Dương, cách chức Tư lệnh Quân khu 5 của Kacháp, đuổi về Tổng cục Quân huấn. Còn Y Ni Jun, Tổng trưởng An ninh kiêm luôn chức Tư lệnh Quân khu 5. Kacháp về trung ương, Y Ni Jun ở lại Đơn Dương.


Y Ni Jun kèm sát vợ. Nhớ Kacháp bao nhiêu thì càng muốn thoát khỏi sự ràng buộc của chồng bấy nhiêu, nhưng Nhung chưa tìm được phương kế.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #83 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 07:07:28 am »

Giữa lúc ấy, Châu Thị Cành được điều về chỗ Nhung. Cành trước kia là học sinh nữ công của Nhung ở Trung tâm văn hóa Chàm. Lâu ngày gặp lại nhau hai người rủ ri tâm sự. Thấy cô giáo đang buồn vì xa người yêu, Cành cởi mở kể cho Nhung nghe nỗi buồn sâu kín trong lòng mình:

- Khi còn ở P.C Kê Vở, em là quân của Đại úy K’Brim, người Ê Đê. Em bị sốt nặng, K’Brim vào ấp xin gạo, nấu cháo cho em ăn. Anh còn sai lính giặt quần áo cho em. Khi hành quân, anh bắt lính đeo ba-lô cho em. Thế là em thương và lấy K’Brim. Em có bầu, rồi sinh một cháu gái. Nuôi con trong rừng thật là cực nhưng em bớt buồn.

Bỗng nhiên có lệnh của Trung tá K’Ty, Tư lệnh Quân khu 4 , gọi chồng em về Quân khu. Em phải bồng con theo chồng. Đen bản doanh, em chờ ở ngoài, K’Brim vào. Em thấp thỏm chờ đợi. Một giờ sau, K’Brim ra, kéo em tới một chỗ vắng, buồn bã nói: "K’Ty không cho chúng ta ở với nhau nữa". Em giật mình hỏi: "Vì sao?". Chồng em nói: "Họ bảo, không cho anh lấy người Chàm". Không ngờ đến thành kiến dân tộc nặng như vậy, nhưng biết tính hung ác của những người chỉ huy FULRO Thượng, em bảo K’Brim: "Nếu thế thì ta phải ly dị thôi, chứ thượng cấp đã ra lệnh, ta không thể làm trái được". Chồng em mím môi: "Nếu phải xa em, thà anh về đầu thú Cách mạng còn hơn". Mấy hôm sau, thấy chồng em còn quyến luyến không muốn xa em, ông K’Ty ra lệnh cho thuộc hạ bắt trói chồng em lại, đưa vào bản doanh, tra tấn và đánh chồng em đến chết. Sáng hôm sau, một tên gọi em đến nhận xác. Em theo hai tên khiêng xác chồng em lên đồi Ngo. Họ cho xác anh vào một cái rọ tre, vùi hờ xuống đất.


Nỗi thương chồng chưa nguôi thì hai tháng sau, con em lại chết. Em tưởng rằng không thể sống nổi. Em căm ghét những người Thượng, em xin về vùng Chàm, K’Ty cho em về đây. Em chán lắm rồi. Nói thật với cô, em chỉ muốn về nhà thôi.


Từ Thị Nhung không hề bị cảnh ngộ như vậy nên chỉ nghe câu chuyện của Cành với vẻ dửng dưng. Nhưng để Cành về ấp thì cô sẽ mất một người tin cẩn. Cô lựa lời an ủi Cành để rủ Cành ở lại.

Cành ở với Nhung, vừa làm thư ký, vừa hầu hạ bà Đặc ủy trưởng.

Mấy tháng sau, Nhung sinh con gái. Cành trở thành người vú em, nuôi con và chăm sóc mẹ. Hàng ngày, Cành giặt tã lót, tắm rửa, cho con Nhung ăn.

Nhớ Kacháp nhưng sợ Y Ni Jun biết, Nhung nhờ Cành viết thư bí mật gửi về Tổng cục Quân huấn, báo tin con của Kacháp, "một hạt máu Chru Chàm quả cảm" ra đời.

Kacháp sai lính bí mật mang hai chiếc áo trẻ con, hai cân đường, ba hộp sữa cho Nhung.

Cứ như thế, vài tuần, Nhung lại sai Cành viết thư than thở với Kacháp. sống bên chồng nhưng tâm hồn cô gửi hết cho người yêu. Trong một bức thư, Nhung nói sẽ tìm cách bỏ Y Ni Jun mang con về sống với Kacháp. Chẳng may thư lọt vào Y Ni Jun. Ông Tổng trưởng ghen lồng lộn, chĩa súng Côn vào mặt vợ quát:

- Con Chàm đĩ thõa kia, tại sao mày đã có con với tao, mà mày còn lăng nhăng với thằng Chru khốn kiếp?

Nhung khôn ranh bào chữa:

- Con Cành nó tự viết, chứ tôi đâu có biết? Tôi đâu có còn thương gì anh ấy!

Y Ni Jun nén giận, cất súng vào bao, hầm hầm bước ra. Trước khi đi, hắn còn hăm dọa:

- Tao còn thấy mày thương nó, tao sẽ giết cả hai!

Chưa lúc nào Từ Thị Nhung thấy cảnh chồng con trói buộc như lúc này.

Mấy hôm sau, cô gọi Cành tới, dặn dò:

- Cô nhờ em hai việc, việc quan trọng. Thứ nhất, là cô đã quyết định dứt khoát gửi con về quê cho má cô nuôi hộ. Em hãy bí mật về ấp, liên lạc với gia đình hộ cô. Em hãy gặp má cô và chị Mỹ, nói cô sẽ gửi con về nhờ má và chị.

Lặng đi giây lát, Nhung bỗng ngước lên nhìn Cành, đôi mắt đầy vẻ hằn học, giọng đay nghiến:

- Cô không chịu được cảnh bị người ta coi thường như hiện nay nữa! Hoặc là vươn lên vượt khỏi người ta trên trường chánh trị, hoặc là đi tìm cuộc sống thoải mái ở nơi xa lạ, không còn con đường nào khác... Em biết không? Cô vẫn nghe đài Mã Lai. Anh Châu Văn Tần, thay mặt người FULRO ở hải ngoại, có đọc thư gửi đồng bào Chàm ta qua đài Mã Lai đó! Giọng anh tha thiết, nhiều đoạn như khóc. Nghe giọng anh trên đài, cô thấy nhớ những ngày sống với anh ở quê, những ngày gặp anh ở Căm-bốt. Cô cũng nghe anh em ta nói, ông Kossem đã về dạy trường tình báo Mã Lai rồi. Cả Cha Mussây và Jay cũng sang Mã Lai nữa. Họ cùng anh Tần và những người Chàm ở bên ấy vẫn họp, vẫn vận động cho FULRO; cử người sang Pháp gặp nhóm FULRO của Ngụy Văn Nhuận, Quảng Đại Đủ; cử người về Việt Nam liên hệ với chúng ta!

Cơ hội để vươn lên hay đi tìm cuộc sống mới đều từ đó mà ra cả. Nhân tiện em về ấp, cô nhờ em việc hệ trọng thứ hai. Em hãy tìm cách gặp những người thân của anh Tần, hỏi xem thư anh gửi về nói gì. Em cố lấy địa chỉ của anh cho cô để cô liên lạc với anh và Cha Mussây. Cô biết anh đã có vợ Mã Lai nhưng anh quên thế nào được cô? Cô tự giải thoát được khỏi cảnh này, cô không quên em đâu!


Nhận lệnh bà Đặc ủy trưởng, Cành vội vã lên đường, bí mật về các ấp Chàm. Quả nhiên, như Từ Thị Nhung dự đoán, sau khi gặp gỡ mấy người, Cành được biết vùng Chàm đã lập nhiều nhóm đang tìm cách liên lạc với số chỉ huy FULRO hải ngoại để đưa người Chàm đi nước ngoài.


Cành hiểu rằng công việc của mình đang làm là dọn dẹp cho Từ Thị Nhung tiếp tục đi theo con đường đã đi nhưng không bao giờ đến, đầy bước ngoặt bất ngờ và chuyện tình hung dữ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #84 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 07:08:42 am »

Sau lớp học cải tạo ở Hữu Đức, Huỳnh Ngọc Trăng được trở về quê. Trăng học ôn, tiếp tục thi vào đại học. Giữa lúc đó, Lê Thị Ý từ Sài Gòn ra trường Pô Klông (bây giờ gọi là "Trường bổ túc văn hóa dân tộc Chiêm") nhắn Trăng đến gặp.


Từ Mỹ Nghiệp, Trăng vội vã đi ra. Ý lục túi lấy ba tấm phong bì Mỹ, vui vẻ:

- Cuối năm 1976, vừa được thả về Mỹ, anh Jay đã viết thư cho tôi. Tôi đã trả lời và liên hệ thư từ thường xuyên với anh. Anh cũng đã viết thư cho Trăng, Ba, Vờ, nhờ tôi chuyển tận tay cho các anh. Tôi sợ bọn công an theo dõi nên giữ kín, hôm nay mới mang ra cho các anh được.

Cầm thư của Jay, Trăng mừng rỡ. Thế là gần 3 năm xa cách, Trăng lại được nhìn nét chữ, đọc những dòng tình cảm nồng thắm của người anh nuôi thân thiết.

Đọc xong thư, Trăng đưa đôi mắt nhỏ, hum húp, tươi cười nhìn Ý:

- Anh Jay ăn ở tình nghĩa quá. Anh hỏi thăm số học sinh Chàm chúng tôi hiện nay ở đâu, sống ra sao; người nào có nghề nghiệp, làm việc ở đâu; người nào chưa có việc làm. Tôi phải viết thư trả lời anh ngay, để anh đỡ mong. Lâu ngày gặp nhau, chị ở đây chơi. Chị em hàn huyên với nhau và tôi viết thư gửi anh Jay, nhờ chị chuyển hộ. Tôi gửi qua bưu điện, không tiện.


Ý ở lại. Chiều hôm ấy, Trăng dẫn Ý đi thăm tháp Chàm và để dễ tâm sự.

Họ ngồi dưới bóng râm của vòm tháp cổ. Xung quanh vắng lặng. Chỉ có tiếng gió xào xạc trên lùm cây. Lê Thị Ý không khỏi có cái cảm giác mến phục của một người Kinh đối với một nền văn hóa lâu đời. Cô nói:

- Thảo nào anh Jay có tình cảm lớn với vùng Chàm các anh là phải! Trong những bức thư gửi cho tôi, thư nào anh cũng nhắc: "Nếu có dịp, em sẽ về thăm Phan Rang, nơi anh đã sống, nơi ấy tuy nhỏ bé nhưng vui mà thân thiết biết chừng nào!". Anh còn mơ ước: "Anh chỉ mong một ngày nào đó, có vợ có chồng, trở lại thăm một nơi mà anh yêu quý nhất trên đất nước này".


Trăng quay sang người chị dâu tương lai, mỉm cười thăm dò:

- Anh ấy yêu chị tha thiết như thế đó. Thế còn chị, chị có thể gắn bó suốt đời với anh ấy, có thể chờ đợi và sang Mỹ với anh ấy không?

- Trăng hiểu, trong hoàn cảnh của tôi, yêu một người Mỹ làm công việc như anh Jay, sẽ đem tới hậu quả gì? Má tôi đã nhiều lần phản đối. Chẳng hiểu nghe ai nói, bà rủa tôi: "Yêu một thằng Mỹ, một tên gián điệp, để tan nát gia đình à? Còn tao, còn các em mày, chúng có thể bị ảnh hưởng vì mày". Má tôi gọi tôi về Đà Nẵng để gả chồng. Nhưng tôi không nghe. Tôi không yêu người bà tìm cho tôi. Thú thật với Trăng, vì tôi đã yêu một người Mỹ có học, trí thức, lịch sự, có cách sống như Jay, tôi chán thanh niên Việt Nam lắm. Vừa qua, tôi bán xe sinh tố trước nhà. Lời lãi tạm chi tiêu trong nhà. Nhưng tôi rất buồn phiền vì phải tiếp xúc với những người thiếu văn hóa. Đó là lúc mà tôi nghĩ đến Jay và cần đến anh hơn cả...


Ý còn giãi bày tâm sự nhiều về mối tình cao cả của mình đối với chàng thanh niên chí nguyện Mỹ. Ý thề rằng: "Sẽ theo Jay đến tận cùng trời cuối đất, dù có phải chết dưới làn đạn kẻ thù...".

Tối hôm ấy, Trăng viết thư trả lời tất cả câu hỏi của Jay. Trăng nhấn mạnh về đời sống khó khăn hiện nay, lòng mong muốn trốn ra nước ngoài "để đấu tranh lâu dài cho dân tộc Chàm" của các học sinh và nhờ Jay giúp đỡ.


Ý đã gửi thư đó cho Jay. Từ Mỹ, Jay gửi thuốc bổ, hàng hóa về cho Trăng và các học sinh Chàm khác, qua địa chỉ Ý. Từ đó, Ý trở thành nhịp cầu giữa Jay và các học sinh Chàm.

Để tránh sự theo dõi của công an, Ý không ra gặp, không gửi thư thẳng cho Trăng nữa, mà gửi qua Đạt Nghĩa, người cùng quê và là bạn của Trăng.

Cho đến cuối năm 1978, mối dây liên lạc giữa Jay và các học sinh Chàm đã bền chặt. Trăng, Ba, Vờ và một số học sinh chờ đón ngày gặp lại Jay. Một số học sinh đã muốn trốn ra nước ngoài liên lạc với Jay. Họ hy vọng vào đường dây của Ý.


Nhưng rồi thư của Ý gửi Trăng thưa dần. Cho đến một hôm, Đạt Nghĩa đưa cho Trăng một bức thư của Ý. Trăng thất vọng. Ý báo tin Jay đã bỏ cô. Mọi liên lạc với Jay thế là đi đứt.

Đạt Nghĩa không hiểu hỏi:

- Jay đang yêu Ý tha thiết như vậy sao lại bỏ cô ta nhỉ?

Trăng nhún vai, cười:

- Hồi còn ở Đà Lạt, tôi có hỏi anh Jay: "Liệu thầy có lấy chị Ý làm vợ không?", anh chỉ nhìn tôi, mỉm cười hóm hỉnh và nói: "Chiếc bóng bên đường". Lúc đó tôi chưa hiểu và bây giờ tôi mới hiểu.

- Thế về Mỹ rồi, anh ấy còn viết thư cho Ý làm gì?

- Có thể Ý là nhịp cầu tốt để anh bắt đến chúng tôi.

Đạt Nghĩa gật gù. Anh chợt nhớ đến những cuốn sách trinh thám đã đọc. Đối với các thám tử, đằng sau chuyện tình ái thường là chuyện tình báo. Mà đã là chuyện tình báo thì thông thường nó kết thúc bất ngờ, dữ dội, không như ý muốn của tình báo viên. Jay không thoát khỏi số phận chung của những nhân viên tình báo đế quốc khi bị lộ mặt đã biến đi trong bóng tối mênh mông, và quên lãng. Cái bất thường trong đời Jay, nếu có chăng, là Jay gặp được một cô gái lãng mạn, si tình và ngu ngốc như Lê Thị Ý mà cuộc đời nếu kết liễu bằng một chén thuốc độc thì cũng không làm cho ai ngạc nhiên.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #85 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 07:10:15 am »

Từ giã Trăng, Đạt Nghĩa đi đến tìm Trúc.

Thuận Thị Trúc đang cặm cụi chấm bài cho các em học sinh. Trên giường, hai đứa con đã ngủ say. Có tiếng gõ cổng, Trúc dừng bút, ra mở. Trong ánh trăng lờ mờ, cô nhận ra Đạt Nghĩa.

Hồi còn đi học, cô và Nghĩa là hai người bạn thân. Đạt Nghĩa yêu vụng nhớ thầm cô bạn duyên dáng này. Trúc yêu Đàng Năng Giáo. Nghĩa giữ kín mối tình, không dám nói ra. Trúc đi Căm-bốt rồi sang Pháp. Nghĩa ở nhà, tiếp tục đi học. Anh vẫn sống đơn độc.


Đàng Năng Giáo chết, Trúc đem con về quê. Tình yêu trong lòng Nghĩa lại bùng lên. Anh ngỏ lời với Trúc. Cô từ chối, vì không muốn người bạn mình phải chịu nhiều mất mát như thế.

Để đáp lại tình yêu chân thật của Nghĩa, Trúc làm mối cô Mơ cho anh. Hai người ưng thuận. Cô Mơ đã cưới Nghĩa làm chồng. Từ đó, Trúc và Nghĩa coi nhau như bạn thân. Họ thường xuyên thăm nhau, hàn huyên mọi chuyện nhà, chuyện nước, chuyện quá khứ và tương lai.


Sau ngày giải phóng, ông Chín đã đến Hiếu Lễ thăm Trúc. Ông cho quà các cháu, an ủi và khuyên Trúc nên quên những đau thương mất mát cũ để vươn lên trong hoàn cảnh sống mới của quê hương giải phóng. Ông khuyên cô nên đi dạy học, vì cô có học vấn. Trúc nghe lời ông, trở thành một cô giáo. Cô rất yêu trẻ, say sưa với nghề. Trong mấy năm qua, năm nào cô cũng đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi", được báo Thuận Hải đăng bài ca ngợi...


Trúc đón Đạt Nghĩa vào nhà. Họ ngồi bên chiếc bàn con. Ngọn đèn dầu hắt ánh sáng nhạt lên khuôn mặt hai người.

Sau những câu thăm hỏi thân tình, họ lại sa vào những chuyện đang là thời sự trong vùng Chàm sau mấy năm giải phóng.

Nghĩa nói khẽ:

- Cha Mussây gửi thư cho những người trước đây làm việc ở Trung tâm văn hóa Chàm, có ý vận động họ đi Pháp đó! Nhiều cô cậu tỏ vẻ hí hửng lắm.

- Kệ họ! Không ai hiểu Cha Mussây bằng tôi.

- Cha làm việc đó nhằm mục đích gì Trúc biết không?

- Còn mục đích gì nữa? Người Mỹ có Jay thì người Pháp có Mussây; Lê Thị Ý và tôi chỉ là hai chiếc cầu dẫn họ đến cái đích là những thủ lĩnh Chàm chống Cộng. Khi mà cái đích đã không đạt được thì họ đạp đổ cầu. Chúng tôi không tan tác đã là may mắn lắm. Nhờ chế độ Cách mạng thôi. Những thanh niên Chàm giờ đây khó mà hiểu nổi điều đó nên hí hửng cũng không phải là chuyện lạ!

- Kẻ thù đã xảo quyệt đánh vào tâm lý của họ, ham muốn cuộc sống xa hoa ở nước ngoài.

- Thế mới là đại bịp chớ anh. Có phải ai cũng dễ hưởng xa hoa ở nước ngoài đâu? Anh không biết sao, Ngụy Văn Nhuận ở Pháp đang buôn bán chợ trời để kiếm sống đó! Tôi cũng thế thôi. Anh Giáo chết là họ bắt tôi về nước liền, chẳng qua là một sự buôn bán chánh trị.

- Nhưng họ cứ đưa ra những con người cụ thể để tuyên truyền nên người ta cứ tin thì sao?

- Thì còn ví dụ nào cụ thể hơn tôi nữa? - Thuận Thị Trúc cười chua chát - Tôi đã sống ở nước ngoài không phải là thời gian ngắn ngủi gì. Gần thì Căm-bốt, xa thì La-van, Ba Lê, nơi dăm bảy tháng, nơi vài ba năm. Tôi đã được cung phụng những tiện nghi hết sảy, từ bữa ăn hàng ngày, chiếc xe du lịch, đến ngôi biệt thự nghỉ mát ven biển. Nhưng nếu có ai bảo tôi đem một ngày yên tĩnh hiện nay đổi lấy cả một cuộc đời như vậy thì tôi từ chối liền. Cái phương tiện cuộc sống không làm ra lẽ sống phải không anh?

Cả hai cùng cười khi nhận ra Trúc nói một câu triết lý bất ngờ đối với một cô văn công cũ nhưng lại rất dễ hiểu ở một người đàn bà có văn hóa, đời nhiều chìm nổi... Đạt Nghĩa mơ màng:

- Hiểu được như Trúc thì phải qua cả một cuộc thử nghiệm...

- Chưa hẳn thế. Vì nhiều người đã qua thử nghiệm mà vẫn chưa hiểu ra. Anh và tôi đều biết họ cả đó. Có phải ai cũng được may mắn như tôi đâu.

Cả hai cùng im lặng. Cùng lứa tuổi, cùng quê hương, họ sực nhớ ra còn bao nhiêu người quen nữa...

Trong khi những kẻ cầm đầu FULRO Thượng cũng như Chàm - đều lần lượt bị lịch sử chôn vùi xuống một hố chung, thì một lớp người khác đông đảo hơn, bị lừa phỉnh hay tự nguyện theo chúng, vẫn tồn tại sau những ngày cách mạng. Họ hình thành nhiều số phận khác nhau, biến chuyển, đổi thay, lên xuống không chừng. Kẻ tiếp tục con đường tội lỗi vì đã dấn chân vào quá sâu như Từ Thị Nhung. Kẻ tuyệt vọng lơ lửng giữa dòng đời như Lê Thị Ý. Kẻ được cứu vớt đang chầm chậm trải qua những ngày phục hồi quằn quại như Đàng Thị Trang. Và kẻ may mắn hơn, đi vào và ăn nhịp rất nhanh với cuộc sống mới như Thuận Thị Trúc.

Bởi vậy, họ vẫn là mối quan tâm lớn lao và lâu dài của xã hội.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM