Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:13:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7406 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:15:29 pm »


TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập và ngày truyền thống: 15 tháng 4 năm 1945.

Từ ngày thành lập, Trường đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Trường Quân chính kháng Nhật (1945), Trường Quân chính Việt Nam (1945), Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam (1945-1946), Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946-1948), Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn (1948-1950), Trường Lục quân Việt Nam (1950-1956), Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam (1956-1976), Trường sĩ quan Lục quân 1 (từ 1976 )

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trường có hai phân hiệu: Lục quân Nam Bộ (1949-1952) và Lục quân Trung Bộ (1949-1951).

Các đồng chí đã từng giữ chức Hiệu trưởng: Hoàng Văn Thái (6-1945), Nguyễn Thanh Phong (7.1945 - 8.1946), Hoàng Đạo Thúy (5.1946 - 11.1946 và 5.1947 – 12.1947), Nguyễn Sơn (12.1946 - 9.1947), Lê Thiết Hùng (1948-1954), Lê Trọng Tấn (1955-1961), Cao Văn Khánh (10.1961 - 4.1964), Nguyễn Bằng Giang (5.1964-12.1968), Nguyễn Thái Dũng (1.1969 - 1.1978), Vũ Yên (1.1978 - 8.1980), Lưu Bá Xảo (8.1980 - 2.1989), Nguyễn Ân (2.1989 - 3.1993)...

Chính ủy (Phó hiệu trưởng chính trị): Trần Tử Bình (9.1945 - 12.1946 và 1950-1950), Lê Đình (6.1947 - 10.1947), Lê Quang Hòa (1957-10.1960 và 3.1961 - 12.1962), Đoàn Quang Thìn (10.1960 - 3.1961), Lê Tự Đồng (12.1962 - 8.1968), Hoàng Minh Thi (8.1968 - 8.1971), Lê Chiêu (8.1971 - 3.1979), Lã Ngọc Châu (5.1984 - 10.1987), Nguyễn Ngọc Tiến (10.1987 - 6.1990)...

Quá trình xây dựng, phát triển của Trường sĩ quan Lục quân 1 gắn liền với sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khóa 1 (tháng 5 năm 1945) đến năm 1993, trong thời gian gần 50 năm, Trường đã mở gần 60 khóa học, 13 lớp; đào tạo và bồi dưỡng gần 70.000 cán bộ, trong đó có 2.356 giáo viên quân sự sơ cấp. 2.071 học viên quân sự của 10 nước bạn, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Hàng vạn đồng chí do trường đào tạo, sau này trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội; nhiều người trở thành tướng lĩnh, 16 người được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đồng chí đã và đang giữ các chức vụ quan trọng ở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, nhà trường.

Bên cạnh việc đào tạo, bổ túc cán bộ, Trường đã chủ trì nghiên cứu 26 đề tài khoa học trực tiếp phục vụ đào tạo cán bộ quân sự cấp phân đội, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ dạy và học.

Trường vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp trao tặng lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”, chín lần được Bác về thăm và hai lần Bác viết thư thăm, động viên.

Truyền thống vẻ vang của nhà trường được khái quát cô đọng trong sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân", được thể hiện ở các nội dung: học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với đơn vị. với chiến trường - dạy tốt, phục vụ tốt, - học tốt, rèn luyện tốt, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ - tự lực tự cường, độc lập, sáng tạo - đoàn kết nhất trí.

Những năm gần đây, Trường đang được đầu tư về mọi mặt để hình thành một trung tâm lớn đào tạo sĩ quan bậc đại học ở phía bắc.

Phần thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Bốn Huân chương Quân công.
- Bảy Huân chương Chiến công.
- Ba Huân chương Lao động.
- Huân chương Tự do (Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
- Bốn giáo viên được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.





TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 2

Trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập trường: 10 tháng 10 năm 1975.

Ngày truyền thống: 27 tháng 8 năm 1961 (thành lập Trường Quân chính trung-sơ cấp Quân giải phóng miền Nam Việt Nam).

Các đồng chí đã từng giữ chức Hiệu trưởng: thiếu tá Đỗ Phong, trung tá Phi Hùng, thượng tá Tô Việt Hồng, trung tá Nguyễn Văn Tây, trung tá Nguyễn Văn Thiều, trung tá Đỗ Quang Hưng, đại tá Tăng Thiên Kim, đại tá Mạnh Quân, Thiếu tướng Nguyễn Như Thiết, Thiếu tướng Mạc Đình Vinh...

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ chính của Trường Quân chính trung-sơ cấp Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (từ năm 1972 - đổi là Trường Lục quân tổng hợp) là đào tạo ngắn hạn cán bộ sơ cấp bộ binh, trinh sát, công binh, thông tin, chính trị viên đại đội và đại đội trưởng, bổ túc cán bộ trung cấp, sơ cấp, cung cấp hàng vạn cán bộ cho các mặt trận thuộc chiến trường Nam Bộ. Thực hiện phương châm vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường đã tham gia chiến đấu một số trận, tiêu diệt nhiều sinh lực, thu và phá hủy nhiều vũ khí trang bị của địch. Nhà trường còn đào tạo, bồi dưỡng một số cán bộ quân đội các nước anh em.

Trong 30 năm (1961-1991), trường đã mở 38 khóa, đào tạo hơn 20,000 sĩ quan sơ cấp, trung cấp thuộc các chuyên ngành (chỉ huy bộ binh, trinh sát bộ binh, chính trị quân sự, pháo cối đi cùng, đặc công). 555 sĩ quan dự bị, nhiều cán bộ quân sự địa phương. Cùng với việc giảng dạy, Trường đã nghiên cứu biên soạn và được nghiệm thu 56 đề tài về khoa học giáo dục, có 15 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong giảng dạy và học tập. Những năm gần đây, Trường đang được đầu tư về mọi mặt để xây dựng thành trung tâm lớn, đào tạo sĩ quan bậc đại học phía nam

Truyền thống tốt đẹp của trường là: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; nghiêm chỉnh chấp hành và hoàn thành nhiệm vụ; vừa huấn luyện, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; gắn liền nhà trường với thực tế chiến trường, đơn vị và xã hội; tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn; bảo đảm huấn luyện đào tạo có chắt lượng cao; ý chí chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm, nếp sống cách mạng, chính quy, mẫu mực; đoàn kết thống nhất nội bộ, đoàn kết với đảng bộ, chính quyền, nhân dân, đơn vị bạn và quốc tế”.

Phần thưởng:

- Huân chương Quân công.
- Sáu Huân chương Chiến công.
- Nhiều phần thưởng cao quý khác.





TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ - QUÂN SỰ

Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị - quân sự cấp phân đội và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập: 14 tháng 1 năm 1976 (trên cơ sở Hệ sơ cấp, Học viện Chính trị - Quân sự).

Các đồng chí đã từng giữ chức Hiệu trưởng: đại tá Lê Văn Nhiễu (1976), đại tá Trần Văn Phác (1976 - 1977), Trung tướng Trương Công Cẩn (1977 - 1987)...

Từ năm 1976 đến 1991, Trường hoàn thành 93 khóa học (29 khóa đào tạo dài hạn 4 năm, 9 khóa ngắn hạn, 11 khóa bổ túc, 12 khóa bồi dưỡng giáo viên, 10 khóa đào tạo sĩ quan dự bị, phóng viên báo chí quân đội, nghiệp vụ văn hóa quần chúng và công tác bảo vệ, 20 khóa đào tạo cán bộ quân đội các nước bạn gồm hơn 10.000 học viên (trong đó có gần 1.500 giáo viên, 67 phóng viên…), góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ sĩ quan chính trị - quân sự cấp phân đội; đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày một trưởng thành (18 phần trăm có trình độ cao học, 74 phần trăm có trình độ đại học), trường đã biên soạn, nâng cao chất lượng hệ thống giáo trình, bài giảng; chủ trì nghiên cứu 11 đề tài khoa học cấp bộ, tổng cục, nhà trường, và tham gia một số đề tài cấp nhà nước. Một số đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn như: “Xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới”, “Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc trong giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay”, “Nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn công tác chính trị”, “Hoàn thiện chương trình nội dung và tổ chức phương pháp đào tạo sĩ quan chính trị phân đội người dân tộc”...

Tháng 2 năm 1979, Trường tổ chức cho học viên thuộc bốn chuyên ban đào tạo đi thực tập ở biên giới, trực tiếp đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, chỉ huy đại đội và trực liếp tham gia chiến đấu, gắn liền nội dung đào tạo của nhà trường với nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội, thể nghiệm thực tế chất lượng, hiệu quả đào tạo của trường.

Phần thưởng:

- Hai Huân chương Quân công (hạng nhất và hạng hai).
- Huân chương Chiến công hạng hai.
- Chín Huân chương Chiến công cho các tập thể.

Một học viên (liệt sĩ) được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một giáo viên được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:16:56 pm »


CỤC TÀI CHÍNH - BỘ QUỐC PHÒNG

Cơ quan tham mưu về tài chính, bảo đảm, quản lý tài chính và chỉ đạo ngành tài chính toàn quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập: 25 tháng 3 năm 1946 (ngày thành lập Ty Quản lý - Bộ Quốc phòng, cơ quan tài chính đầu tiên của quân đội).

Quá trình phát triển: Ty Quản lý - Bộ Quốc phòng (1946-1949)1, Cục Tài vụ - Tổng cục Hậu cần (1955-1970), Cục Tài vụ - Bộ Quốc phòng (1970-1989), Cục Tài chính – Bộ Quốc phòng (từ 1989).

Các đồng chí đã từng giữ chức Cục trưởng và tương đương: Nguyễn Tấn (1946-1949), Trần Hữu Dực (1955-1957), thượng tá Vũ Ngọc Điện (1957-1965), Trung tướng Nguyễn Đường (1966-1979)...

Khoảng 10 ngày trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp 500 đồng tiền Đông Dương để chuẩn bị cho việc thành lập đội. Hoạt động tài chính của quân đội ta thực sự đã bắt đầu từ lúc đó. Khi thành lập Ty Quản lý, cơ quan chỉ có một số ít cán bộ và ngân quỹ hạn hẹp. Quá trình bảo đảm, phục vụ đã từng bước phát triển, ổn định gồm nhiều bộ phận (phòng, ban) chuyên môn, trung tâm huấn luyện, tạp chí ... Đội ngũ cán bộ, công nhân viên được tăng cường có tiêu chuẩn chính trị, văn hỏa, nghiệp vụ ngày càng cao. Phần lớn cán bộ của cục hiện nay có trình độ đại học và trên đại học.

Cán bộ, chiến sĩ của cục và toàn ngành vừa học vừa làm, cùng các ngành liên quan khắc phục khó khăn, huy động, quản lý và sử dạng có hiệu quả nguồn ngân sách quốc phòng ngày càng lớn do ngân sách Nhà nước cấp, do nhân dân đóng góp, bạn bè quốc tế giúp đỡ và các nguồn thu khác, bảo đảm tốt mọi nhu cầu (ăn, mặc, ở, chữa bệnh, huấn luyện, mua sắm và bảo quản vũ khí trang bị, xây dựng cơ bản...), phục vụ quân đội xây dựng và chiến đấu thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và làm nghĩa vụ quốc tế.

Bám sát tình hình kinh tế đất nước, nhiệm vụ của quân đội trong các giai đoạn, Cục đã nghiên cứu đề xuất với Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng những vấn đề có tính chiến lược về tài chính trong các chủ trương chính sách lớn về xây dựng quân đội chính quy, hiện đại; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, chính sách hậu phương quân đội..., góp phần sử dụng ngân sách quốc phòng hợp lý, tiết kiệm, hiệu qủa. Cục Tài chính đã đề xuất với Bộ Quốc phòng nhiều vấn đề cơ bản về chỉ đạo công tác quản lý tài chính, ngân sách qua từng thời kỳ; biên soạn “Điều lệ công tác tài chính quân đội” (1964); phát động phong trào thu 100 triệu đồng vì đồng bào miền Nam ruột thịt (1968); chế độ lập và quản lý ngân sách quốc phòng (1970); xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt (1970); chế độ thanh toán tài chính trong quân đội (1977); sửa đổi phương thức bảo đảm và quản lý tài chính quân đội (1977-1978); tạo nguồn thu chính đáng để tự cân đối ngân sách (1986); đổi mới công tác kế hoạch hóa tài chính (1986); thực hành triệt để tiết kiệm (1987); đổi mới phương thức quản lý ngân sách và bảo đảm toàn quân của các ngành nghiệp vụ theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước (1990). Cục còn vận dụng các chính sách, chế độ về cải tiến quản lý của Nhà nước vào lĩnh vực quốc phòng, đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản, xây dựng kinh tế theo hướng xóa bỏ quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tháo gỡ những lúng túng ban đầu, xác định rõ phương hướng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dần dần ổn định và phát triển; nghiên cứu đề xuất với trên các chính sách đãi ngô, đặc biệt là các bước cải tiến, đổi mới tiền lương.

Thực hiện đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, Cục không ngừng cải tiến công tác nghiệp vụ, tác phong lề lối làm việc, đưa công tác tài chính từ chỗ còn giản đơn tiến tới xây dựng thành chế độ, nguyên tắc; đưa việc chấp hành kỷ luật tài chính vào nền nếp chặt chẽ, chống tham ô, lãng phí; kiện toàn cơ quan và hệ thống ngành theo hướng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Phần thưởng:

- Huân chương Quân công hạng nhất.
- Huân chương Chiến công hạng ba.
- Tạp chí Tài chính được tặng Huân chương Chiến công hạng ba.
- Nhiều phần thưởng cao quý khác.
__________________________________________
1. Từ tháng 5-1949 đến tháng 7-1955 theo quyết định của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, Ty Quản lý giải thể. Cơ quan tài chính là một bộ phận thuộc Cục Quân nhu - Tổng cục Cung cấp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:17:49 pm »


VIỆN CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ

Cơ quan nghiên cứu, đề đạt các kiến nghị và tư vấn cho Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng về những vấn đề chiến lược quân sự.

Ngày thành lập: 11 tháng 1 năm 1990.

Cán bộ nghiên cứu của viện là những chuyên gia có trình độ cao và chuyên sâu về khoa học quân sự, trong đó có nhiều giáo sư, phó giáo sư, phó tiến sĩ.

Từ ngày thành lập, Viện đã chủ trì và tham gia nghiên cứu nhiều chương trình và đề tài có ý nghĩa chiến lược cấp nhà nước và cấp bộ; góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố nền quốc phòng toàn dân, nâng cao tiềm lực quốc phòng của đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.





VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM

Cơ quan đầu ngành khoa học lịch sử quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tâm nghiên cứu lịch sử quân sự và đào tạo trên đại học về lịch sử quân sự.

Trụ sở: 1B phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Ngày thành lập: 28 tháng 5 năm 1981.

Viện trưởng: Trung tướng Nguyễn Xuân Hoàng (1981-1983); Trung tướng, phó giáo sư, phó tiến sĩ Hoàng Phương (từ năm 1983).

Từ các tổ chức nghiên cứu đầu tiên trong quân đội về lịch sử quân sự như Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị (thành lập năm 1961), Phòng Lịch sử nghệ thuật quân sự thuộc Viện Khoa học quân sự (thành lập năm 1969), Phân viện Lịch sử thuộc Học viện Quân sự cấp cao (thành lập năm 1978), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam được thành lập, trở thành cơ quan đầu ngành nghiên cứu về khoa học lịch sử quân sự toàn quân. Những nội dung lớn viện đang tập trung nghiên cứu là lịch sử hai cuộc chiến tranh trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, lịch sử nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, lịch sử kỹ thuật quân sự, lịch sử quân sự dân tộc, lịch sử quân sự nước ngoài... Viện còn tham gia chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về an ninh - quốc phòng, chủ trì đề tài độc lập cấp nhà nước về chỉ đạo chiến lược trong 30 năm chiến tranh giải phóng; chủ trì và tham gia nhiều cuộc hội thảo khoa học về “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, về “Phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ”, "200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa”. “Chiến tranh vùng Vịnh”...

Trong thời gian 10 năm (1981-1991), Viện đã hoàn thành nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 38 công trình tổng kết chiến tranh và lịch sử quân sự, trong đó có những công trình lớn như: lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (sáu tập), lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (hai tập), lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam tập 2 (gồm hai quyển), sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng (ba tập)...

Là cơ quan đầu ngành về lịch sử quân sự của toàn quân, Viện đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng ngành, chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan, đơn vị nghiên cứu biên soạn lịch sử, tổng kết các trận chiến đấu... Viện đã biên soạn tài liệu về kinh nghiệm nghiên cứu biên soạn lịch sử, mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng phương pháp luận sử học cho toàn quân, tham gia biên soạn giáo trình giảng dạy về lịch sử quân sự, tham gia biên soạn Bách khoa Việt Nam và Bách khoa quân sự Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ của Viện và của ngành lịch sử quân sự ngày càng trưởng thành, tích lũy được một số kinh nghiệm bước đầu về nghiên cứu biên soạn lịch sử. Nhiều cán bộ có trình độ đại học, có năm phó giáo sư, năm phó tiến sĩ.

Tạp chí Lịch sử quân sự (có lúc là Tập san, Thông tin Lịch sử quân sự) phát hành số 1 từ năm 1983, đã ra được gần 70 số, nội dung phong phú, hấp dẫn, được bạn đọc trong và ngoài quân đội yêu thích, nhiệt tình cộng tác.

Phần thưởng:

- Huân chương Quân công hạng ba.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:19:06 pm »


VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ - BỘ QUỐC PHÒNG

Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập: 12 tháng 10 năm 1960 (thành lập Cục nghiên cứu kỹ thuật, năm 1968 đổi là Cục Kỹ thuật, từ năm 1969 đến nay là Viện Kỹ thuật quân sự).

Các đồng chí từng giữ chức Viện trưởng (Cục trưởng): Thiếu tướng Trần Sâm, đồng chí Nguyễn Hữu Thành, đại tá Hoàng Đình Phu, Thiếu tướng Phan Thu, Thiếu tướng, giáo sư, phó tiến sĩ Trần Thúc Vân

Từ một phòng nghiên cứu với 65 cán bộ, công nhân viên lúc mới thành lập, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển trong hoạt động khoa học kỹ thuật quân sự phục vụ quân đội chiến đấu, huấn luyện, Viện Kỹ thuật quân sự đã trở thành một trung tâm nghiên cứu về khoa học kỹ thuật quân sự với sáu chuyên ngành, một số phòng nghiên cứu và cơ sở thí nghiệm. Đến nay, có ba viện và sáu trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự chuyên ngành. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao và chuyên sâu, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật.

Viện đã nghiên cứu, phát minh sáng chế, giải quyết một khối lượng lớn nhiệm vụ khoa học kỹ thuật phục vụ kịp thời cho chiến đấu đạt hiệu quả cao. Nhiều đề tài khoa học kỹ thuật quân sự được đánh giá xuất sắc, góp phần hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng và kinh tế đất nước. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Viện đã có nhiều đề tài nghiên cứu độc lập và phối hợp với các cơ quan khoa học trong và ngoài quân đội, hoàn thành hơn 100 đề tài khoa học kỹ thuật quân sự phục vụ kịp thời cho chiến đấu; trong đó có nhiều đề tài thiết thực phục vụ việc cải tiến nâng cao hiệu quả của vũ khí đánh địch, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật của quân đội, làm vô hiệu hóa và phá hủy một số loại vũ khí kỹ thuật hiện đại của Mỹ, góp phần đánh chìm hàng trăm tàu địch; đánh phá một số sân bay địch có hiệu quả; sáng chế các phương tiện rà phá bom của địch, phá được hàng vạn quả bom, mìn, thủy lôi trên sông, biển, đồng ruộng, làng mạc; mở đường, thông tuyến ra phía trước...

Tập trung cao độ trí tuệ, dốc toàn bộ tiềm lực góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Viện Kỹ thuật quân sự có bảy cán bộ khoa học đã anh dũng hy sinh trong khi thử nghiệm vũ khí và thực hành ứng dụng ngoài chiến trường.

Từ năm 1975, Viện chủ trì và tham gia hàng trăm đề tài khoa học cấp Nhà nước và Bộ Quốc phòng, một số đề tài được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Một số đề tài có ý nghĩa thiết thực với công cuộc xây dựng đất nước như: tự động hóa điều khiển từ xa hệ thống thủy văn của nhà máy điện Đa Nhim; tự động hóa cấp than vào lò của nhà máy điện Ninh Bình; cải tiến hệ thống ăng-ten máy định vị của Công ty Vật lý địa chất (Tổng cục Dầu khí); tự động điều khiển dừng máy dệt khi sợi bị đứt của Nhà máy dệt lụa Nam Định...

Từ năm 1982 đến năm 1993, Viện đã tổ chức bảo vệ thành công 22 luận án phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật về các chuyên ngành hóa lý thuyết và hóa lý, thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện tử, bảo đảm toán học cho máy tính, vật lý vô tuyến và lượng tử, điều khiển học kỹ thuật và lý thuyết thông tin, công nghệ quá trình điện hóa.

Hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Kỹ thuật quân sự đã được Nhà nước tặng thưởng:

- Hai Huân chương Quân công hạng hai.
- 57 Huân chương Chiến công các loại cho tập thể và cá nhân…

- Viện Điện tử và đại tá, kỹ sư Nguyễn Văn Đệ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Nhiều phần thưởng cao quý khác.





VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN DÂN TỘC QUÂN ĐỘI

Viện đầu ngành về y học cổ truyền của toàn quân, trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ y học cổ truyền dân tộc thuộc Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần.

Địa điểm: Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngày thành lập: 4 tháng 7 năm 1978 (ngày thành lập Bệnh viện Y học dân tộc quân đội); từ tháng 2 năm 1994, đổi là “Viện Y học cổ truyền dân tộc quân đội”.

Viện trưởng: đại tá, bác sĩ Vũ Văn Ngạn (1978-1985), thượng tá (sau là đại tá), bác sĩ Hoàng Thủ (1985-1990), thượng tá, phó giáo sư Bành Văn Khìu (từ năm 1990).

Từ cơ sở nòng cốt là khoa đông y thuộc Viện quân y 108 với hơn 40 cán bộ, nhân viên, trải qua 15 năm xây dựng, phát triển theo đường lối kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, Viện đã trưởng thành nhanh chóng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của viện lên tới 300 người (trong đó có một phó giáo sư, một phó tiến sĩ, hai bác sĩ chuyên khoa cấp 2 và 10 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 51 bác sĩ, 8 dược sĩ cao cấp), được tổ chức thành khối thực hành gồm nhiều chuyên khoa, khối trung tâm điều hành, huấn luyện cán bộ và các cơ quan.

Từ năm 1980 đến năm 1993, Viện đã điều trị nội trú, ngoại trú và điều trị không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp) cho hơn 320.000 lượt người (phần lớn là cán bộ trung cấp, cao cấp quân đội) tiến hành 1.800 ca phẫu thuật, chiếu chụp và xét nghiệm hơn 180.000 lần. Viện chủ trì nghiên cứu 41 đề tài khoa học (7 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp ngành, 32 đề tài cấp viện), có 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó 23 đề tài và sáng kiến đã được ứng dụng có kết quả tốt (“Góp phần điều trị sốt rét bằng thuốc y học dân tộc khu vực Tây Nguyên 5-1993”, “Tổng kết điều trị 124 trường hợp viêm tắc động mạch chi bằng y học dân tộc"...).

Quá trình điều trị và nghiên cứu, Viện đã khảo sát 1.250 bài thuốc của 718 lương y và bác sĩ ở 12 tỉnh, thành; kế thừa và ứng dụng chữa bệnh được 66 bài; đã mở 8 khóa đào tạo 239 bác sĩ chuyên khoa về y học dân tộc (1 khóa cho 3 học viên Lào), 6 khóa đào tạo 230 y sĩ về y học dân tộc; mở khóa đầu tiên đào tạo thạc sĩ y học dân tộc; huấn luyện bổ túc nghiệp vụ cho 365 bác sĩ, y sĩ của các đơn vị; chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ cho nhiều bệnh viện, bệnh xá, các đơn vị, địa phương; tham gia phòng chống sốt rét ở Tây Nguyên...

Để phục vụ điều trị, Viện đã thu mua, thu hái và gieo trồng được gần 200.000 ki-lô-gam dược liệu, sản xuất và chế biến gần 150.000 ki-lô-gam thuốc phiến, thuốc hoàn, thuốc cốm; hơn 300.000 lít thuốc nước và chai thuốc sắc... Hơn 30 loại bệnh đã được viện điều trị có kết quả, trong đó có những bệnh khó chữa như điều trị trĩ, viêm tắc động mạch chi, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mãn các thể..., góp phần nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kế thừa và phát huy truyền thống y học cổ truyền của dân tộc.

Phần thưởng:

- Huân chương Chiến công hạng ba

- Hai cán bộ được Nhà nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, một cán bộ được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:20:01 pm »


BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Bệnh viện tuyến cuối của toàn quân và khu vực; bệnh viện cán bộ; trung tám nghiên cứu y học lâm sàng.

Địa điểm: số 1 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Ngày thành lập và truyền thống: 1 tháng 4 năm 1951 (thành lập bệnh viện Trung ương)

Các đồng chí từng giữ chức Viện trưởng: bác sĩ Vũ Văn Cẩn (tháng 4 - tháng 6.1951); bác sĩ Trần Bảo (quyền Viện trưởng từ tháng 6.1951- 1952); bác sĩ Phạm Gia Triệu (1952-1954); bác sĩ (sau là Thiếu tướng, giáo sư, phó tiến sĩ) Nguyễn Thế Khánh (1954-1955 và 1966-1985); bác sĩ Nhữ Thế Bảo (1955-1956); bác sĩ Lê Văn Phụng (1956-1960); bác sĩ Nguyễn Minh Tâm (1960-1963); bác sĩ Lê Khắc Thiền (quyền Viện trưởng, 1963-1966); Thiếu tướng, giáo sư, tiến sĩ Bùi Đại (từ năm 1985)

Từ một bệnh viện dã chiến (bệnh viện Thủy Khẩu) phục vụ chiến dịch Biên Giới thu-đông 1950, bệnh viện Trung ương (sau đổi là Phân viện 8 ) thành lập năm 1951 là cơ sở thực hành cho các lớp bổ túc quân y và làm nhiệm vụ một bệnh viện hậu phương khu vực. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Phân viện 8 tiếp quản cơ sở bệnh viện Đồn Thủy của quân đội Pháp, được tổ chức thành Quân y viện 108 (có thời gian gọi là Viện quân y 108, nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Bệnh viện 108 đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, điều trị thương binh, bệnh binh và nghiên cứu y học quân sự. Từ sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Bệnh viện đã có nhiều cố gắng lớn trong việc thu dung điều trị thương binh, bệnh binh, khắc phục hậu quả 30 năm chiến tranh, phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và được xây dựng trở thành một trung tâm y học quân sự ngày càng hiện đại, được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân tin tưởng, kính trọng.

Là bệnh viện đầu ngành trong quân đội, với một hệ thống điều trị gồm 11 khoa nội, 7 khoa ngoại, 5 chuyên khoa, 11 khoa cận lâm sàng và nhiều cơ quan nghiên cứu, phục vụ, bảo đảm khác; với hơn 600 giường bệnh; với đội ngũ bác sĩ nhân viên chuyên môn kỹ thuật lành nghề (trong đó có 5 tiến sĩ, 35 phó tiến sĩ, 12 giáo sư, 20 phó giáo sư, nhiều chuyên viên đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật giỏi); với những trang thiết bị hiện đại (trong đó có máy vi tính cắt lớp)..., Bệnh viện 108 đã có nhiều thành tựu trong điều trị và nghiên cứu y học lâm sàng. Thành tựu nổi bật nhất là vi phẫu thuật, thực hiện thành công kỹ thuật nối bàn tay, nối ruột non, thay thực quản, kéo dài chi.... trả lại chức năng và thẩm mĩ cho người bệnh.

Bệnh viện đào tạo nhiều khóa bác sĩ chuyên khoa cấp 1, hàng chục khóa y tá sơ cấp, trung cấp cho viện và cho ngành Quân y.

Bệnh viện và ba cán bộ của bệnh viện được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm cán bộ được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 13 cán bộ được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Phần thưởng:

- Huân chương Độc lập hạng nhất.
- Bốn huân chương Quân công (một hạng hai, ba hạng ba).
- 13 Huân chương Chiến công (hai hạng nhất, hai hạng hai, chín hạng ba).
- Huân chương Giải phóng hạng ba.
- Huân chương Độc lập (Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
- Nhiều phần thưởng cao quý khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:21:38 pm »


VIỆN BẢO TÀNG QUÂN ĐỘI

Trung tâm lưu giữ, trưng bày hình ảnh, hiện vật lịch sử của Quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo tàng truyền thống trong toàn quân; góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử và truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập: 22 tháng 12 năm 1959 (Phòng Bảo tàng Quân đội thuộc Cục Tuyên huấn). Năm 1964, tổ chức Viện Bảo tàng Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị.

Ngoài cơ sở chính ở 28, phố Điện Biên Phủ - Hà Nội, Viện Bảo tàng Quân đội có phân viện ở Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu.

Các đồng chí từng giữ chức Trưởng phòng Bảo tàng quân đội: trung tá Phạm Đức Phỉ (1959-1964); Viện trưởng bảo tàng Quân đội: đại-tá Nguyễn Văn Từ (1964-1980), đại tá Vũ Chính (quyền Viện trưởng, 1980-1981), Thiếu tướng Lê Chiêu (1981-1987), đại tá Phạm Đức Đại (từ năm 1987).

Viện Bảo tàng Quân đội đang lưu giữ trên 135.000 hiện vật, hơn 9.600 phim, ảnh lịch sử. Từ ngày thành lập, Viện đã 11 lần tham gia triển lãm quốc gia, tổ chức gần 100 cuộc triển lãm chuyên đề.

10.160.000 lượt người, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế, nhiều vị nguyên thủ các quốc gia đã tham quan Viện Bảo tàng Quân đội (tính đến năm 1993).

Phần thưởng:

- Hai Huân chương Quân công hạng hai và hạng ba.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
- Nhiều phần thưởng, kỷ niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, khách quốc tế.





TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Cơ quan lý luận quân sự, chính trị của Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Tòa soạn: 57 phố Cửa Đông, Hà Nội. Cơ quan đại diện phía nam: 63 phố Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày truyền thống: tháng 4 năm 1948 (ngày Bác Hồ gửi thư cho “Quân sự tập san").

Các đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo.

Các đồng chí từng giữ chức Tổng biên tập: Vương Tuấn Kiệt, Lê Liêm (1957-1961), Thiếu tướng Lê Quang Hòa (1961-1964), đại tá Lê Hai (1964-1978), Trung tướng Phạm Quang Cận (từ năm 1978).

Sau chiến thắng Việt Bắc (thu-đông 1947), theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1948, Quân sự tập san ra số đầu, sau đổi tên là Quân chính tập san. Tháng 6 năm 1957, Tổng Quân ủy ra quyết định xuất bản Tạp chí Quân đội nhân dân, tờ “Tạp chí lý luận của Đảng trong quân đội”. Tháng 8 năm 1957, Tạp chí Quân đội nhân dân ra số đầu. Ngày 26 tháng 1 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương ra quyết định phát triển nhiệm vụ của Tạp chí Quân đội nhân dân và đổi tên thành Tạp chí Quốc phòng toàn dân (từ số tháng 4 năm 1988).

Với các chuyên mục nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, truyền thống quân sự dân tộc, lực lượng vũ trang các nước, tin tức..., Tạp chí Quốc phòng toàn dân là cơ quan nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận, khoa học, nghệ thuật, truyền thống quân sự... của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tòa soạn đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi ý kiến nghiên cứu về những vấn đề khoa học quân sự. Cuộc trao đổi về tư tưởng chiến thuật của quân đội (năm 1964) có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với việc xây dựng phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tạp chí đã góp phần bồi dưỡng tư duy quân sự, nâng cao trình độ lý luận quân sự và chính trị của các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là với đội ngũ cán bộ trung cấp, cao cấp quân đội, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng trong các giai đoạn cách mạng.

Phần thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Huân chương Quân công hạng nhất.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2022, 04:19:41 pm »


BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Cơ quan ngôn luận của Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, góp phần tuyên truyền đường lối chính trị, quân sự của Đảng, hướng dẫn toàn dân, toàn quân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Tòa soạn: số 7, phố Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Ngày thành lập và truyền thống: 20 tháng 10 năm 1950 (ngày sáp nhập báo "Vệ quốc đoàn” và báo “Quân du kích", ra số đầu tiên của báo Quân đội nhân dân).

Tử năm 1950 đến năm 1953, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trực tiếp làm Chủ nhiệm báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1953 đến nay, các đồng chí từng giữ chức Tổng biên tập là Hoàng Xuân Tùy (1953-1954), Văn Doãn (1954-1960), Hoàng Thế Dũng (1960-1963), đại tá Văn Phác (1963-1964), đại tá Nguyễn Đình Ước (1964-1978), Thiếu tướng Trần Công Mân (1978-1989), Thiếu tướng Phan Khắc Hải (từ năm 1989).

Tiên thân của báo Quân đội nhân dân là các tờ báo "Tiếng súng reo”, “Quân giải phóng”, “Sao vàng”, “Vệ Quốc quân”, “Quân du kích” ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1950 đến năm 1954, báo xuất bản định kỳ, lưu hành nội bộ. Sau khi miền Bắc được giải phóng, báo ra mỗi tuần hai kỳ. Từ ngày 19 tháng 5 năm 1964, báo Quân đội nhân dân phát hành hàng ngày.

Với một đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề, luôn bám sát chiến trường, bám sát mọi hoạt động xây dựng, chiến đấu và đời sống của quân đội, với nội dung phong phú, sinh động, cách viết hấp dẫn, hình thức trình bày và công nghệ in ấn ngày càng đổi mới, báo Quân đội nhân dân được đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội yêu thích, tìm đọc và nhiệt tình cộng tác.

Đến nay, báo đã ra được hơn 12.000 số với hàng triệu bản (báo hàng ngày), trên 200 số báo Quân đội nhân dân Thứ Bảy, nhiều số đặc san phát hành trong toàn quân, toàn quốc và phát hành đến một số nước trên thế giới. Báo có cơ quan đại diện, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, đến nay đã có bốn điểm in (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) cùng một lúc phát hành trên toàn quốc. Tòa soạn báo Quân đội nhân dân đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên, cộng tác viên các tờ báo trong quân đội, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ báo quân đội một số nước.

10 phóng viên của báo Quân đội nhân dân đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ trong hai quộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế.

Phần thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh
- Huân chương Quân công hạng nhất
- Huân chương Chiến công hạng nhất và hạng ba
- Huân chương Lao động hạng hai.
- Nhiều phần thưởng cao quý khác.





NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Nhà xuất bân Quân đội nhân dân là cơ quan xuất bản chuyên ngành tổng hợp về quân sự của Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng; trong hệ thống xuất bản của Nhà nước, chịu trách nhiệm xuất bản các loại sách quân sự, chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, phát hành rộng rãi trong quân đội và ngoài nhân dân, các sách lưu hành nội bộ quân đội.

Trụ sở: nhà số 23 Lý Nam Đế, Hà Nội.

Đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh: số 8 Nguyễn Bình Khiêm, quận 1.

Ngày thành lập: 11 tháng 12 năm 1957.

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản 2.300 đầu sách với 32 triệu bản và 5,5 tỷ trang in. Sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân hình thành tám bộ loại:

- Sách kinh điển và lý luận quân sự.

- Sách khoa học và kỹ thuật quân sự.

- Sách lịch sử, hồi ký quân sự.

- Sách điều lệnh, điều lệ và chế độ chính sách trong quân đội.

- Sách hướng dẫn nghiệp vụ tham mưu, chính trị, hậu cần, phổ biến kinh nghiệm quân sự địa phương...

- Sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy trong quân đội.

- Sách văn học, nghệ thuật, văn hóa phẩm.

- Sách tham khảo.

Sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã góp phần vào việc: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến đường lối, nhiệm vụ quân sự của Đảng; hướng dẫn quân và dân hành động thực hiện thắng lợi đường lối nhiệm vụ quân sự của Đảng; xây dựng rèn luyện giữ vững và phát huy bản chất cách mạng, truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân, giáo dục cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam, xây dựng nền văn học cách mạng về đề tài lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân, góp phần mở rộng giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Các đồng chí từng giữ chức Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân: Lê Chưởng (1957-1960); Nguyễn Xuân Hoàng (1961-1962); Nguyễn Xuân Đài (1963-1966); Mạc Ninh (1966-1974); Mai Trọng Thường (1974-1976); Lữ Giang (1976-1982); Đoàn Chương (1982-1990); Phó tiến sĩ Phạm Gia Đức (từ năm 1990).

Phần thưởng:

- Huân chương Quân công hạng nhất.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
- Huy chương Vàng hội chợ sách Mát-xcơ-va.

- Nhiều phần thưởng cao quý khác của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà văn Việt Nam...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2022, 04:20:36 pm »


TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

Tạp chí sáng tác và bình luận văn nghệ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tòa soạn: số 4, phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Cơ quan đại diện tại 63, Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày thành lập: 15 tháng 1 năm 1957.

Các đồng chí từng là Tổng biên tập hoặc phụ trách: đại tá, nhà văn Trần Văn Phác (1957-1964); thượng tá, nhà thơ Thanh Tịnh (1965-1967); đại tá, nhà thơ Vũ Cao (1968-1978); thượng tá, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (phụ trách 1979-1989); Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà (1981-1992); trung tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân (từ năm 1992).

Từ tờ Sinh hoạt văn nghệ xuất bản không thường kỳ trong những năm 1951-1955, đến tạp chí Văn nghệ quân đội, với phong cách riêng rất gần gũi với người lính, nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, cán bộ nghiên cứu văn học trong quân đội đã trưởng thành, được chiến sĩ và nhân dân yêu mến. 30 nhà vàn, nhà thơ công tác tại tạp chí được tặng giải thưởng văn học trong nước và quốc tế.

Từ ngày ra số đầu đến nay, tạp chí phát hành đều đặn mỗi tháng một kỳ, thời kỳ chiến tranh từ 90.000 đến 100.000 bản, những năm gần đây là 32.000 bản. Một số chuyên mục đã trở thành truyền thống như văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học nước ngoài, nhạc, tư liệu, tin tức, tranh, ảnh phản ánh sinh động cuộc sống chiến đấu và xây dựng của quân và dân ta, nổi bật là mảng đề tài về chiến tranh cách mạng, về các lực lượng vũ trang, về “Anh bộ đội Cụ Hồ”...

Tạp chí đã tổ chức sáu cuộc thi truyện ngắn và thơ trong toàn quân, toàn quốc; đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ trong và ngoài quân đội.

Với nội dung phong phú, hấp dẫn, Văn nghệ quân đội được bạn đọc cả nước yêu thích, nhiệt tình cộng tác. Tạp chí là một cơ quan ngôn luận uy tín và quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại, góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng, phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam, và sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và các lực lượng vũ trang nhân dân, thiết thực nâng cao đòi sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ.

Phần thưởng: Huân chương Quân công hạng nhất.





CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tiếng nói của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, là một trong những chương trình chính của đài, góp phần cùng các cơ quan báo chí trong quân đội tuyên truyền đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước tới lực lượng vũ trang và toàn dân, cổ vũ kịp thời những điển hình tiên tiến trong chiến đấu và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trụ sở: 58 phố Quán Sứ, Hà Nội.

Ngày phát sóng đầu tiên: 16 tháng 3 năm 1959.

Các đồng chí từng giữ chức Trưởng ban biên tập: trung tá Phạm Chí Nhân (1959-1963), thiếu tá Ngô Thế Kỷ (1963-1965), thượng tá Phạm Hồng Lân (1965-1975), trung tá Nguyễn Tất Đắc (1975-1978), thượng tá Lê Hào (1978-1986), thượng tá Đặng Văn Nhưng (1986-1992), thượng tá Nguyễn Xuân Ngân (từ năm 1992).

Thời gian đầu, chương trình phát thanh Quân đội nhân dân thực hiện 15 phút trong ngày, chủ yếu đưa tin hoạt động quân sự; sau đó, tăng lên 60 phút, gồm hai chương trình trong ngày (từ 6 giờ 30 đến 7 giờ và từ 21 giờ đến 21 giờ 30). Chương trình nội dung ngày càng phong phú về nhiều mặt, mang tính toàn quân, toàn quốc, kịp thời và luôn luôn có định hướng đúng theo quan điểm, đường lối của Đảng và nhiệm vụ chính trị của quân đội. Ngoài các vấn đề thời sự được phản ánh hàng ngày, chương trình phát thanh Quân đội nhân dân có các chuyên mục: “Nói chuyện chuyên đề”, “Chương trình dành cho các bạn trẻ trong quân đội”, “Câu chuyện truyền thanh”, “Chuyện kể ở đại đội”, “Người chiến sĩ hôm nay”, “Chương trình văn nghệ tổng hợp”..., phát ổn định trong tuần, được bạn nghe đài cả nước quan tâm, theo dõi, động viên và tích cực cộng tác.

Phần thưởng:

- Huân chương Quân công hạng hai.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
- Huân chương Lao động hạng hai và nhiều phân thưởng cao quý khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2022, 04:22:11 pm »


CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tờ báo hình của lực lượng vũ trang nhân dân, chường trình chính thức của Đài truyền hình Việt Nam, góp phần cùng các cơ quan báo chí trong quân đội tuyên truyền đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước tới các lực lượng vũ trang và toàn dân, giáo dục và phát huy bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trụ sở: 84 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ngày thành lập: 20 tháng 9 năm 1975.

Các đồng chí từng giữ chức Trưởng ban biên tập: đại tá Nguyễn Hồng Lân (1975-1979), đại tá Ngô Bình Lâm (1979-1983), thượng tá Úy Anh Khóa (1983-1990), thượng tá Nguyễn Chi Phan (đầu năm 1991).

Thời gian đầu là một tổ truyền hình nhỏ, các phương tiện kỹ thuật dựa vào Đài truyền hình Trung ương, hai tuần phát một buổi, mỗi buổi 30 phút, nội dung chương trình là các tin, phóng sự về hoạt động quân sự. Truyền hình quân đội nhân dân là một trong những chuyên mục của Đài truyền hình Việt Nam, có hình hiệu và nhạc hiệu riêng. Hiện nay, phim nhựa 16 ly được thay bằng phim Vidéo; hàng tuần phát vào buổi tối chủ nhật, thời gian là 30 phút và chương trình bổ sung vào chiều thứ tư hàng tuần. Chương trình truyền hình quân đội ngày càng phong phú, hấp dẫn gồm tin hoạt động của các lực lượng vũ trang, phóng sự, ghi nhanh và các mục: “Chuyện của chúng tôi”, “Chiến sĩ sinh hoạt văn hóa văn nghệ”, “Hoa đời thường”, “Ý kiến chiến sĩ", “Những dấu son lịch sử”...

Chương trình truyền hình Quân đội nhân dân đã tham dự ba lần liên hoan truyền hình toàn quốc (lần thứ 8, thứ 9 và thứ 10), được tặng hai huy chương vàng, hai huy chương bạc và nhiều bằng khen.





ĐIỆN ẢNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Cơ sở làm phim của Quân đội nhân dân Việt Nam, chuyên sản xuất phim thời sự, phim tài liệu khoa học giáo dục quân sự, phim truyền thống lịch sử và phim truyện.

Trụ sở: 17 phố Lý Nam Đế, Hà Nội.

Ngày thành lập: 17 tháng 8 năm 1960 (Đoàn điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam). Năm 1962, một bộ phận vào chiến trường miền Nam tổ chức xưởng phim Quân giải phóng do đại úy Trương Thành Hỷ phụ trách.

Các đồng chí từng giữ chức Giám đốc: trung tá (sau là thượng tá) Dương Minh Đẩu (1960-1972 và 1976-1982), thượng tá Vũ Chính (1972-1974), trung tá Trần Việt (quyền Giám đốc 1974-1976), đại tá Ngô Thế Kỷ (1982-1988), đại tá Phạm Hòa (từ năm 1988).

Những năm đầu, cơ sở làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân rất nghèo nàn. Các khâu thu thanh, in, tráng phim phải nhờ các xưởng bạn. Từ năm 1975, các khâu này được thực hiện ở xưởng và ngày càng hoàn thiện về phương tiện, đáp ứng yêu cầu của kỹ thuật điện ảnh hiện đại.

Trong mảng phim về đề tài chiến tranh và người chiến sĩ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Điện ảnh quân đội có những đóng góp quan trọng. Đến năm 1992, đã sản xuất được 850 bộ phim, chủ yếu là phim thời sự, tài liệu, phim khoa học giáo dục, một bộ phim về nghệ thuật vũ kịch, bảy phim truyện, đặc biệt đã quay được hàng chục vạn thước phim tư liệu quý hiếm trong chiến tranh.

Điện ảnh quân đội đã tham dự nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, được nhiều giải thưởng, trong đó có 17 giải Bông sen vàng, 38 Bông sen bạc tại các Liên hoan phim Việt Nam; ba giải Bồ câu vàng, một giải Bồ câu bạc, một giải đặc biệt Jô-rít I-ven1; một giải nhất, hai giải nhì, hai giải ba tại các liên hoan phim quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (cũ).

16 nhà quay phim của Điện ảnh quân đội đã hy sinh anh dũng trong khi quay phim tại mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hai đồng chí Trần Việt và Nguyễn Văn Thông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Hai liệt sĩ (Lê Văn Bằng và Phan Văn Cam, tức Đồng Cam) và sáu đồng chí (Dương Minh Đẩu, Lê Lâm, Nguyễn Kha, Đặng Xuân Hải, Phạm Tiến Đại, Phùng Đệ) được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Phần thưởng:

- Hai Huân chương Quân công hạng hai.
- Hai Huân chương Chiến công hạng nhất và hạng hai.
- Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
_________________________________________
1. Giải thưởng mang tên nhà đạo diễn điện ảnh Hà Lan Jô-rít I-ven.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2022, 04:23:02 pm »


THƯ VIỆN TRƯNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI

Cơ quan văn hóa, giáo dục và thông tin khoa học, thư viện khoa học tổng hợp chuyên ngành cấp Nhà nước về quân sự và là trung tâm đầu ngành của hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ thu thập, tàng trữ sách, báo, tư liệu về quân sự, khai thác và tổ chức phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm trong quân đội, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện và phát hành sách trong toàn quân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội.

Trụ sở: 83, phố Lý Nam Đế, Hà Nội.

Ngày thành lập: 15 tháng 11 năm 1957.

Các đồng chí từng giữ chức Giám đốc: thiếu tá Nguyễn Hữu Bưởi (1957-1966), thiếu tá Hoàng Cơ Quảng (quyền Giám đốc, 1966-1968), đại tá Đinh Quang Thiệu (1968-1989), thượng tá phó tiến sĩ Mạc Văn Trọng (từ năm 1989).

Từ một tủ sách với gần 500 cuốn, đến nay, số lượng sách lưu giữ tại thư viện đã lên tới trên 30 vạn bản, hơn 1.500 loại báo, tạp chí. Hàng năm, thư viện phục vụ gần 200.000 lượt bạn đọc với khoảng 50 000 lượt sách, tài liệu đưa ra phục vụ.

Thư viện đã tổ chức nhiều hình thức phục vụ bạn đọc như: triển lãm sách, sinh hoạt khoa học, nói chuyện chuyên đề, hội nghị “Bạn đọc tọa đàm về sách”, “Đối thoại giữa tác giả và bạn đọc”..., thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội.

Thư viện đã biên soạn gần 1.500 tài liệu, thư mục chuyên đề với nhiều hình thức; phát hành tập san “Thông tin chuyên đề” phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục chính trị tư tưởng; đã tổ chức hơn 100 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 2.000 nhân viên thư viện toàn quân; biên soạn, cung cấp cho các đơn vị hàng trăm bộ giáo trình về công tác thư viện, hàng triệu tài liệu, phích, phiếu nghiệp vụ cho thư viện cơ sở; trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ thư viện quân đội Lào và Cam-pu-chia.

Phần thưởng:

- Hai Huân chương Quân công hạng hai và hạng ba.
- Huân chương Lao động hạng hai và nhiều phần thưởng cao quý khác.





ĐOÀN CA MÚA QUÂN ĐỘI

Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam (gồm đội ca múa nhạc nhẹ và đội ca múa nhạc dân tộc) biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, đặc biệt là trong các lễ hội, ở trong nước và quốc tế, góp phần giáo dục phẩm chất chính trị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của người lính.

Trụ sở: Khu văn công quân đội, thị trấn Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội.

Ngày thành lập: 15 tháng 3 năm 1951 (ngày thành lập Tổng đội Văn công).

Năm 1954 được tổ chức thành Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, năm 1976 đổi là Đoàn ca múa Quân đội.

Từ năm 1951-1954, nhà thơ Chính Hữu là Tổng đội trưởng kiêm chính ủy. Từ năm 1954 đến nay, các đồng chí từng giữ chức Đoàn trưởng là: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1954-1958), nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (1958-1962, 1966-1969 và 1983-1988), nhạc sĩ Huy Du (1962-1965 và 1976-1979), nhạc sĩ Vũ Trọng Hối (quyền Đoàn trưởng 1965-1966), biên đạo múa Khắc Tuế (1969-1976), biên đạo múa Minh Tiến (1979-1983), nhạc sĩ Huy Thục (1988-1989), phó tiến sĩ văn học Đinh Xuân Dũng (1989-1990), biên đạo múa Ứng Duy Thịnh (từ năm 1990).

Với đề tài trung tâm là hình tượng người lính trong xây dựng và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, hàng năm đoàn phục vụ từ 100 đến 150 đêm diễn, từ Bắc vào Nam, từ biên giới đến hải đảo, đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa tinh thần của người lính và nhân dân; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đại diện cho quân đội trong các ngày lễ lớn, chào đón các đoàn khách quốc tế và giới thiệu văn hóa nghệ thuật Việt Nam với nhiều nước trên thế giới.

Nhiều chương trình, tác phẩm nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ giành giải thưởng lớn trong các cuộc thi ca múa nhạc ở trong nước và quốc tế.

Các nghệ sĩ Tường Vi, Lê Đóa, Lê Dung được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 24 nghệ sĩ là Mạnh Thắng, Huy Luân, Trọng Mai, Minh Tiến, Ngọc Canh, Trọng Lanh, Kim Tiến, Ứng Duy Thịnh, Linh Nhâm, Kim Cúc, Kim Ngọc, Trần Chất, Đoàn Thiều, Hoài Thu, Tường Thụ, Mạnh Hưng, Doãn Tần, Thúy My, Bích Việt, Thanh Nga, Hoàng Mi, Ngọc Lê, Nguyễn Lương, Tiến Định được Nhà nước tăng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Phần thưởng:

- Ba Huân chương Chiến công (hạng nhất, hai, ba).
- Ba Huân chương Giải phóng (hạng nhất, hai, ba).
- Hai Huân chương Lao động hạng nhất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM