Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:58:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7679 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #170 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:10:06 pm »


QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Ngày thành lập: 7 tháng 5 năm 1955 (thành lập Cục Phòng thủ bờ biển).

Ngày truyền thống - chiến thắng trận đầu: 5 tháng 8 năm 1964.

Từ Ban Nghiên cứu thủy quân, đội huấn luyện thủy binh (năm 1949- 1950), các thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng (1955), lực lượng hải quân đã được xây dựng, phát triển từng bước, hình thành các đơn vị tuần tiễu bảo vệ vùng nước, hải quân đánh bộ, tên lửa bờ, công binh, vận tải, các vùng hải quân, học viện, trường trung cấp và trung tâm huấn luyện chuyên môn kỹ thuật hải quân.

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) quân chủng:

Tư lệnh (Cục trưởng): Nguyễn Bá Phát (1955-1959), đại tá (sau là Thiếu tướng) Tạ Xuân Thu (1959-1967), Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát (1967-1974), đại tá (sau là Thiếu tướng) Đoàn Bá Khánh (1974-1977 và 1980-1984), Thiếu tướng (sau là Thượng tướng - Đô đốc) Giáp Văn Cương (1977-1980 và 1984-1990), Trung tướng (Phó đô đốc) Hoàng Hữu Thái (1990-1992)...

Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị): đại tá (sau là Thiếu tướng) Tạ Xuân Thu (1959 -1967), đại tá Đoàn Phụng (1967-1970), Thiếu tướng Hoàng Trà (1970-1974), đại tá Trần Văn Giang (1974-1986)...

Từ một số tổ chức tiền thân làm nhiệm vụ nghiên cứu và huấn luyện trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng hải quân đã xây dựng, phát triển nhanh chóng trong 10 năm xây dựng hòa bình (1954-1964), lập chiến công đầu xuất sắc trong trận đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc và đánh trả quyết liệt máy bay của hải quân Mỹ trong trận ngày 5 tháng 8 năm 1964, mở đầu oanh liệt cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc.

Trong 10 năm chiến đấu quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội hải quân đã chiến đấu bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến của Mỹ-ngụy, phá hủy nhiều thủy lôi, bom, mìn, làm thất bại cuộc phong tỏa biển quy mô lớn của Mỹ, vừa tổ chức lực lượng đặc công nước (trung đoàn 126) đánh phá các căn cứ hải quân địch, đặc biệt là ở Quảng Trị, đánh chìm nhiều tàu chiến đấu và vận tải của Mỹ-ngụy; đồng thời đã tổ chức lực lượng (trung đoàn 125) thực hiện xuất sắc nhiệm vụ vận tải chiến lược đường biển chi viện chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, hải quân vừa làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng biển, vừa cơ động lực lượng và vật chất phục vụ cuộc Tổng tiến công; đặc biệt đã tổ chức lực lượng, kịp thời giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở vùng biển tây nam, góp phần giải phóng hoàn toàn, trọn vẹn Tổ quốc.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hải quân tiếp tục được xây dựng thành một quân chủng chính quy, ngày càng hiện đại, nâng cao khả năng làm chủ, bảo vệ vùng biển và các hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ các cơ sở khai thác dầu khí và kinh tế trên biển, đồng thời tích cực tham gia xây dựng kinh tế.

Truyền thống: Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng.

Phần thưởng:

- Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

- 40 đơn vị và 31 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, (có một đơn vị được tuyên dương ba lần, ba đơn vị được tuyên dương hai lần).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #171 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:11:07 pm »


BINH CHỦNG CÔNG BINH
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Binh chủng kỹ thuật, bảo đảm chiến đấu và chiến đấu bằng vũ khí chuyên dùng của Lục quân Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày truyền thống: 25 tháng 3 năm 1946 (ngày thành lập Công chính giao thông Cục thuộc Bộ Quốc phòng, theo sắc lệnh số 34 của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) binh chủng:

Tư lệnh (Cục trưởng): Nguyễn Duy Thanh (1946), Hoàng Đạo Thúy (1946-1947), Lê Khắc (1947-1951), đại tá Phạm Hoàng (trung đoàn trưởng trung đoàn công binh 151, trưởng phòng công binh, Tham mưu trưởng Cục Công binh những năm 1951-1955, Cục trưởng và Tư lệnh binh chủng từ 1961 - 1970), đại tá Trần Đình Xu (1956-1961), Thiếu tướng Trần Bá Đặng (1970-1987), Thiếu tướng Vũ Trọng Hà (1987-1990)...

Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị): Lê Khắc (1951-1956), Thiếu tướng Trần Thế Môn (1956-1965, 1974-1975), đại tá Chu Thanh Hương (1965-1974), Thiếu tướng Nguyễn Huân (1975-1980), đại tá Nguyễn Ích (1980-1983)...

Là một trong những binh chủng được thành lập sớm nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội công binh đã vừa xây dựng, vừa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, đỉnh cao là cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ đội công binh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng cờ “Mở đường thắng lợi”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội công binh đã nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, hiệp đồng chặt chẽ với các quân chủng, binh chủng bạn, các ngành của Nhà nước và với nhân dân, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lao động sáng tạo, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bạt núi, xuyên rừng, lấy mặt đường, cầu phà, bến sông, công trình làm trận địa, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, lập nhiều chiến công xuất sắc, xây dựng binh chủng trưởng thành về mọi mặt.

Với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bộ đội công binh đã cùng các đơn vị bạn mở và giữ vững con đường chiến lược nối liền Bắc-Nam, còn đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, lập nên một kỳ công trong lịch sử chiến tranh chống xâm lược của nhân dân ta; đã đào đắp hàng trăm triệu mét khối đất đá, mở được 25.000 ki-lô-mét đường, phục vụ đắc lực cho việc cơ động lực lượng và vận chuyển tiếp tế với quy mô ngày càng lớn của quân đội ta trên các chiến trường.

Ở chiến trường miền Nam, bộ đội công binh đã cùng các lực lượng công binh nhân dân liên tục đánh phá giao thông địch, gây cho chúng nhiều khó khăn, tổn thất, diệt hơn 75.000 tên (có 8.200 tên Mỹ và quân chư hầu của Mỹ), phá hủy hơn 6.000 xe quân sự, hàng nghìn khẩu pháo, bắn chìm và bắn cháy 104 tàu xuồng, phá sập 845 cầu, đánh lật nhào hàng trăm đoàn tàu quân sự, bắn rơi 165 máy bay các loại của Mỹ-ngụy.

Trên miền Bắc, bộ đội công binh cùng các lực lượng khác giữ vững mạch máu giao thông, xây dựng các công trình quốc phòng và các công trình quan trọng khác, đặc biệt là đã đem hết khả năng lao động và trí tuệ của mình, góp phần xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, ngăn chặn và phong tỏa của địch, bộ đội công binh đã chống phá có hiệu quả các hành động địch phong tỏa giao thông đường biển, đường sông, đường bộ, khai thông các luồng lạch, các cửa sông, phá gỡ bom, mìn, góp phần tích cực bảo đảm giao thông và khôi phục nhiều diện tích canh tác cho các địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, bộ đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường thắng lợi và bảo đảm công trình chiến đấu, trong đó nổi bật là mở đường cơ động, tạo điều kiện cho các quân đoàn, binh chủng tiến công thần tốc, đánh thắng quân thù, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quá trình xây dựng, chiến đấu và bảo đảm chiến đấu, binh chủng đã thực hiện tốt việc đào tạo cán bộ, tăng cường lực lượng công binh cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và xây dựng của binh chủng; đồng thời đã tích cực rèn luyện, phổ biến kinh nghiệm chống phá bom, mìn, thủy lôi của địch cho các lực lượng vũ trang địa phương.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bộ đội công binh đã thực hiện vai trò lực lượng xung kích trong việc phá gỡ bom, mìn, góp phần khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng; đồng thời đã tích cực tham gia xây dựng kinh tế, làm đường, bắc cầu, xây dựng nhiều công trình quan trọng về kinh tế, quốc phòng.

Truyền thống: Mở đường thắng lợi.

Phần thưởng:

- 74 đơn vị và 55 cán bộ, chiến sĩ công binh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Nhiều huân chương các loại và phần thưởng cao quý khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #172 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:12:40 pm »


BINH CHỦNG PHÁO BINH
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Binh chủng chiến đấu, hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Ngày truyền thống: 29 tháng 6 năm 1946 (ngày thành lập ba trung đội pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh - ba đơn vị pháo binh chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam).

Ngày thành lập Bộ chỉ huy Pháo binh1: 7 tháng 9 năm 1954, tại Hà Nội.

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) binh chủng:

Tư lệnh (Cục trưởng): Trần Đại Nghĩa (1946 - 1951), Vũ Hiển (1951 - 1953), Đào Văn Trường (1953 - 1954), Lê Thiết Hùng (1954 - 1963), Nguyễn Thế Lâm (1964 - 1969), Doãn Tuế (1969 - 1980), Nguyễn Trung Kiên (1980 - 1988).

Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị): Phạm Ngọc Mậu (1951 - 1957), Lê Hiến Mai (1958 - 1962), Lê Quang Hòa (1962 - 1963), Trương Công Cẩn (1964 - 1965), Nguyễn Xuân Hoàng (1965 - 1968), Tạ Xuân Thu (1967 - 1969), Phạm Thạch Tâm (1969 - 1970), Đặng Hòa (1971 - 1972 và 1979 - 1980), Nam Thắng (1973 - 1978); Hoàng Văn Thạ (1981 - 1987), Hoàng Định (1988 - 1993)...

Pháo binh lá một trong những binh chủng ra đời sớm, có lịch sử chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ tiếng pháo mở đầu toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, bộ đội pháo binh đã đánh hàng trăm trận, cả đánh độc lập và hiệp đồng, diệt và làm bị thương hàng vạn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, pháo binh ba thứ quân trên chiến trường miền Nam đã đánh 48.132 trận (trong đó có 29.403 trận đánh độc lập và 18.729 trận đánh hiệp đồng. Phân theo mục tiêu, có 1.397 trận đánh vào các sở chỉ huy từ trung đoàn đến quân đoàn địch; 2.762 trận đánh vào trận địa pháo binh địch; 1.078 trận đánh địch ngoài công sự; 7.769 trận đánh địch trong công sự vững chắc; 1.570 trận đánh sân bay; 602 trận đánh vào chi khu, quận lỵ; 23.754 trận đánh tàu biển, quân đổ bộ đường không và các đối tượng khác). Bộ đội pháo binh đã diệt, hàng vạn tên địch, phá hủy hàng nghìn máy bay, khẩu pháo, xe quân sự, hàng trăm tàu xuồng và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Trên miền Bắc, bộ đội pháo binh đánh 702 trận, bắn chìm 22 tàu biệt kích, một tàu quét lôi, bắn cháy và bị thương 271 tàu chiến và nhiều tàu biệt kích của Mỹ - ngụy.

Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, bộ đội pháo binh đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành một binh chủng chiến đấu có trình độ chính quy, ngày càng hiện đại, hình thành một hệ thống hỏa lực mạnh trong lực lượng vũ trang ba thứ quân đã sáng tạo nhiều lối đánh hiểm, có hiệu suất cao, phù hợp với thực tiễn chiến trường Việt Nam, với trình độ trang bị, đối tượng tác chiến và nhiệm vụ chiến đấu.

Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng tám chữ vàng truyền thống "Chân đồng vai sát, đánh giỏi bắn trúng”.

Phần thưởng:

- 56 đơn vị và 9 cán bộ, chiến sĩ pháo binh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Nhiều huân chương các loại và phần thưởng cao quý khác.
____________________________________________
1. Ngày 28-5-1956 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Pháo binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #173 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:13:21 pm »


BINH CHỦNG THIẾT GIÁP
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Binh chủng chiến đấu, lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân nhân dân Việt Nam.

Ngày truyền thống: 5 tháng 10 năm 1959 (ngày thành lập trung đoàn 202 - trung đoàn xe tăng đầu tiên của quân đội ta).

Ngày thành lập Bộ Tư lệnh Thiết giáp: 22 tháng 6 năm 1965.

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) binh chủng:

Tư lệnh Binh chủng: trung tá Đào Huy Vũ (trung đoàn trưởng trung đoàn xe tăng 202 từ 1959 - 1965, Phó tư lệnh Binh chủng 1965 - 1975), Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (1971 - 19741. Thiếu tướng Đào Huy Vũ (1975 - 1979), Thiếu tướng Lê Xuân Kiện (1980 - 1989), Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ (1989 - 1993)...

Chính ủy (Phó tư lệnh về chính trị): trung tá Đặng Quang Long (chính ủy trung đoàn xe tăng 202 từ 1959 - 1965), thượng tá Lê Ngọc Quang (từ 1965), đại tá Phạm Thạch Tâm (từ 1971), Thiếu tướng Phạm Sinh (1976 - 1977), đại tá Trịnh Hoàng Đĩnh (Phó Chính ủy - Chủ nhiệm chính trị Binh chủng 1977 - 1978), Thiếu tướng Bùi Văn Quỳ (1978 - 1989)...

Từ một trung đoàn ra đời trong thời kỳ quân đội ta bước vào xây dựng chính quy, hiện đại, trải qua 35 năm xây đựng và chiến đấu, Binh chủng Thiết giáp đã lớn mạnh nhanh chóng, với nhiều lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, nhà trường, kho, xưởng, nhà máy thuộc binh chủng và thuộc các quân khu, quân đoàn, sư đoàn với phương tiện chiến đấu ngày càng hiện đại.

Bước vào chiến đấu, trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mùa xuân 1968, Binh chủng đã chiến thắng oanh liệt ở Tà Mây-Làng Vây (Quảng Trị); tiếp đó tham gia nhiều chiến dịch ở chiến trường miền Nam và chiến trường Lào; đánh 210 trận, trong đó nhiều trận có hiệu suất cao, hiệp đồng tốt với các binh chủng, các đơn vị bạn diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ là lực lượng đột kích quan trọng trên các chiến trường. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Binh chủng đã phát huy sức mạnh đột kích, cơ động thần tốc, cùng các binh chủng bạn đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, đè bẹp sự kháng cự của địch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Binh chủng tiếp tục xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế.

Quá trình xây dựng và chiến đấu, Binh chủng đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: “Đã ra quân là đánh thắng”.

Phần thưởng:

- Ba lữ đoàn xe tăng: 203 (Quân đoàn 2), 202 (Quân đoàn 1), 273 (Quân đoàn 3); bốn tiểu đoàn: 66 (lữ đoàn 202, Quân đoàn 1), 21 (trung đoàn 26 thiết giáp, Quân khu 7), 22 (trung đoàn 26 thiết giáp, Quân khu 7), 2 (trung đoàn xe tăng 22, Quân đoàn 4); 12 đại đội và 10 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó lữ đoàn 273 được tuyên dương hai lần.

- Nhiều huân chương các loại và phần thưởng cao quý khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #174 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:14:09 pm »


BINH CHỦNG ĐẶC CÔNG
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Lục quân Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập binh chủng: 19 tháng 3 năm 1967, tại Hà Nội.

Tổ chức lực lượng lúc mới thành lập: chín tiểu đoàn đặc công, trường bổ túc cán bộ, ba cơ quan.

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) binh chúng:

Tư lệnh: đại tá Nguyễn Chí Điềm (1967 - 1976), đại tá Nguyễn Đức Trúng (1977 - 1980), đại tá Nguyễn Chi (1980 - 1982), Trung tướng Nguyễn Anh Đệ (1983 - 1985), Thiếu tướng Nguyễn Tư Cường (1985 - 1992)...

Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị): đại tá Vũ Chí Đạo (1967 - 1975), đại tá Trần Nhật Độ (1977 - 1979), đại tá Bạch Ngọc Liễn (1979 - 1983), Trung tướng Nguyễn Anh Đệ (1983 - 1984), Thiếu tướng Lê Toàn (1985 - 1993)...

Hình thành từ cách đánh “công đồn đặc biệt” (gọi tắt là đặc công) ở chiến trường Nam Bộ, cách đánh và tổ chức đặc công đã phát triển nhanh chóng trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, hình thành ba loại lực lượng: đặc công bộ, đặc công nước và đặc công biệt động trên các chiến trường.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tổ chức và cách đánh đặc công phát triển rất mạnh, trở thành phương thức tác chiến độc đáo, lợi hại, đánh sâu vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông huyết mạch, diệt những bộ phận quan trọng sinh lực của địch. Bên cạnh cách đánh độc lập giành hiệu suất chiến đấu cao, bộ đội đặc công đã tham gia nhiều chiến dịch, cuộc tiến công chiến lược, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mũi nhọn tiến công sắc bén trong đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành, lập nên những chiến công vô cùng oanh liệt. Bộ đội đặc công trên các chiến trường đã đánh hàng vạn trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch (có nhiều quân Mỹ, chư hầu, nhiều phi công, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật, cao cấp...), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng hàng trăm sở chỉ huy các cấp (trong đó có hàng chục sở chỉ huy cấp sư đoàn, quân đoàn, lữ đoàn và tương đương), phá hủy, phá hỏng hàng nghìn máy bay các loại, 1.600 khẩu pháo, 30 giàn tên lửa, 9.000 xe quân sự, 2,7 triệu tấn bom đạn, 600 triệu lít xăng dầu, đánh chìm, đánh hỏng 400 tàu xuồng chiến đấu... Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa xuân 1968, bộ đội đặc công đã đánh đồng loạt vào những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng của địch ở hầu khắp các thành phố, thị xã miền Nam, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, bộ đội đặc công biệt động đánh chiếm, giữ vững nhiều cầu và căn cứ quan trọng, bảo đảm cho các binh đoàn chủ lực tiến công thần tốc, giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn.

Đất nước thống nhất, bộ đội đặc công tham gia nhiệm vụ quân quản, truy quét bọn phản động, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế.

Cùng với các binh chủng, các đơn vị trong toàn quân, Binh chủng Đặc công đang tiếp tục xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu toàn diện, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động gây bạo loạn, lật đổ, bảo vệ vững chắc công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước.

Truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí, táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”.

Phần thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Hai Huân chương Quân công hạng nhất.

- 69 đơn vị và 144 cán bộ, chiến sĩ đặc công - biệt động được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, đại đội 1 (đoàn 126) được tuyên dương ba lần; đoàn 126, trung đoàn 113, đội 5 (đoàn 10) được tuyên dương hai lần.

- Nhiều huân chương và phân thưởng cao quý khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #175 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:14:55 pm »


BINH CHỦNG HÓA HỌC

Binh chủng kỹ thuật, phục vụ chiến đấu và chiến đấu bằng các phương tiện chuyên môn, lực lượng nòng cốt phòng chống vũ khí hủy diệt lớn.

Ngày truyền thống: 19 tháng 4 năm 1958 (ngày thành lập tiểu đoàn 6 hóa học thuộc Trường sĩ quan Lục quân 1 và hai đại đội hóa học trong biên chế hai sư đoàn bộ binh 308 và 320).

Ngày thành lập Bộ Tư lệnh Hóa học: 17 tháng 7 năm 1976, tại Hà Nội.

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) binh chủng:

Tư lệnh (Cục trưởng): Thiếu tướng Đặng Quân Thụy (1958 - 1986), Thiếu tướng Nguyễn Tiến Phát (1987 - 1993)...

Chính úy (Phó tư lệnh chính trị): đại tá Lê Hữu Lập (1958 - 1986)...

Từ Phòng hóa học thuộc Cục Huấn luyện chiến đấu (Bộ Tổng Tham mưu), một số phân đội huấn luyện trong biên chế Trường sĩ quan Lục quân 1 và một số đơn vị bộ binh, bộ đội hóa học đã xây dựng, phát triển nhanh chóng về tổ chức lực lượng và trang bị kỹ thuật, hình thành các đơn vị phòng hóa với các thành phần chuyên môn (trinh sát, phòng hóa, khói, lửa, tiêu độc, tẩy xạ...), Viện Hóa học quân sự, Trường sĩ quan Phòng hóa...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội hóa học đã tích cực phổ biến kiến thức, huấn luyện các biện pháp phóng chống vũ khí hủy diệt lớn cho các lực lượng vũ trang và nhân dân; tham gia ngụy trang bảo vệ một số mục tiêu kinh tế, quân sự quan trọng, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc; báo đảm phòng chống vũ khí hóa học cho các cơ quan, đơn vị chiến đấu và tham gia chiến đấu bằng vũ khí, phương tiện chuyên môn trên các chiến trường (chiến dịch Khe Sanh 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972...), góp phần cùng toàn quân, toàn dân đánh thắng âm mưu và hành động sử dụng vũ khí hóa học của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội hóa học được xây dựng thành binh chủng, chính quy, ngày càng hiện đại, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc tế và tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Phân thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Hai Huân chương Quân công và nhiều phân thưởng cao quý khác
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #176 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 09:15:43 pm »


BINH CHỦNG THÔNG TIN LIÊN LẠC
(Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

Binh chủng kỹ thuật, bảo đảm chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày truyền thống: 9 tháng 9 năm 1945 (thành lập Phòng Thông tin liên lạc quân sự, Bộ Tổng Tham mưu).

Ngày thành lập Bộ Tư lệnh binh chủng: 31 tháng 1 năm 1968, tại Hà Nội.

Tổ chức gồm các lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn... với các trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại trực thuộc Bộ Tư lệnh binh chủng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Các đồng chí đã từng giữ chức Tư lệnh, Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị) binh chủng:

Tư lệnh (Cục trưởng): Hoàng Đạo Thúy (1949-1962), thượng tá Nguyễn Anh Bảo (1962-1965), thượng tá Hoàng Niệm (quyền Cục trưởng 1965-1968), thượng tá Tạ Đình Hiểu (1968-1973), đại tá Phạm Niên (1973-1976), đại tá Nguyễn Xuân Thăng (1977-1978), Thiếu tướng Hoàng Niệm (1979-1988), đại tá Phan Hoan (quyền Tư lệnh 1980), Thiếu tướng Nguyễn Diệp (1988-1991)...

Chính ủy (Phó tư lệnh chính trị): Hoàng Bửu Đôn (1952-1958), thượng tá Phạm Quang Minh (1958-1962), đại tá Lê Cừ (1966-1978), đại tá Nguyễn Xuân Thăng (1978-1980), đại tá Nguyễn Duy Lạc (1980-1984), Thiếu tướng Hà Kiến Thiết (1985-1991)...

Là một trong những binh chủng ra đời sớm nhất của quân đội, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội thông tin liên lạc đã khắc phục nhiều khó khăn, vận dụng và sáng tạo nhiều phương thức bảo đảm thông tin phục vụ Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy toàn quân, toàn dân giữ vững chính quyền cách mạng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc; bảo đảm cho các lực lượng vũ trang xây dựng và chiến đấu thắng lợi, đặc biệt là trong các chiến dịch, đỉnh cao là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), bộ đội thông tin liên lạc tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng và mạng lưới thông tin liên lạc quân sự với các trang bị, khí tài ngày càng hiện đại, kết hợp với thông tin bưu điện của Nhà nước và thông tin nhân dân, hình thành mạng thông tin rộng khắp và vững chắc trên hậu phương lớn miền Bắc, vươn dài theo dãy Trường Sơn nối liền với tiền tuyến lớn miền Nam và các chiến trường Đông Dương. Trong chiến tranh ác liệt, bộ đội thông tin liên lạc đã dũng cảm vượt qua bom đạn, vượt lên mọi khó khăn về địa hình và thời tiết, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong mọi tình huống, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác, bí mật và an toàn, phục vụ các lực lượng vũ trang nhân dân xây dựng và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế.

Sau thắng lợi mùa xuân 1975, bộ đội thông tin liên lạc tiếp tục xây dựng chính quy, tinh nhuệ ngày càng hiện đạl, phục vụ các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng kinh tế.

Truyền thống: “Dũng cảm, nhanh nhẹn, khắc phục khó khăn, bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn".

Phần thưởng:

- 35 đơn vị, 37 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó 33 nam, 4 nữ.
- Nhiều huân chương các loại và phần thưởng cao quý khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #177 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:09:38 pm »


HỌC VIỆN QUÂN SỰ CẤP CAO

Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy - tham mưu binh chủng hợp thành cấp chiến dịch, chiến lược; trung tâm nghiên cứu và đào tạo cán bộ trên đại học về khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày truyền thống: 3 tháng 1 năm 1977 (ngày khai giảng khóa 1 bổ túc).

Năm 1976, Học viên Quân sự cao cấp được thành lập trên cơ sở hệ cao cấp của Học viên Quân sự (tiền thân là Học viện Quân chính thành lập năm 1961). Năm 1978, Học viện Quân sự cao cấp và Viện Khoa học quân sự Việt Nam hợp nhất thành Học viện Quân sự cao cấp. Năm 1981, Học viện Quân sự cao cấp được đổi tên thành Học viện Quân sự cấp cao. Ngày 20 tháng 12 năm 1994. Học viện Quân sự cấp cao đổi thành Học viên Quốc phòng. Tổ chức học viện bước đầu gồm một số khoa, phòng, ban, phân viện Lịch sử quân sự và ban Tổng kết chiến tranh. Năm 1994, tổ chức gồm 20 khoa, 5 phòng, 3 hệ và một số ban trực thuộc.

Các đồng chí đã từng giữ chức Giám đốc: Trung tướng Lê Trọng Tấn (1976-1977), Trung tướng (sau là Thượng tướng) giáo sư Hoàng Minh Thảo (1977 - 1990), Trung tướng, giáo sư, phó tiến sĩ Đỗ Trình (1990 - 1991)...

Từ năm 1977 đến năm 1994, Học viện đã mở 55 khóa học (13 khóa đào tạo, 14 khóa bổ túc chỉ huy - tham mưu, 10 khóa quân sự địa phương, 4 khóa nghiên cứu khoa học quân sự, 7 khóa bồi dưỡng giáo viên chiến dịch - chiến thuật, 1 khóa bổ túc tham mưu quân báo chiến dịch. 3 khóa nghiên cứu sinh khoa học quân sự, 2 khóa đào tạo cao học khoa học quân sự), một số khóa đào tạo và bổ túc cán bộ trung, cao cấp quân sự cho một số nước bạn. Đã có 2.526 cán bộ được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp và 12 cán bộ bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học tại học viện. Học viện còn đảm nhiệm giảng dạy các lớp đào tạo tại chức của các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân chủng, binh chủng; tham gia giảng dạy ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; giới thiệu kinh nghiệm chiến tranh nhân dân Việt Nam cho các đoàn khách quốc tế.

Với đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên sâu về khoa học và nghệ thuật quân sự (trong đó có hơn 30 giáo sư, phó giáo sư, phó tiến sĩ). Học viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn hệ thống tài liệu lý luận, bài giảng, bài tập về nghệ thuật quân sự. Học viện đã chủ động liên kết với các đơn vị, hàng năm biên soạn được từ 100 đến 150 tài liệu các loại, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo; cùng với Viện Chiến lược và các cơ quan Bộ Quốc phòng nghiên cứu 15 đề tài khoa hục cấp bộ và cấp nhà nước; chủ trì nghiên cứu và biên soạn 21 đề tài. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được đưa vào huấn luyện.

Phần thưởng: Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.






HỌC VIỆN LỤC QUÂN

Cơ sở đào tạo, bổ túc cán bộ quân sự cấp tiểu đoàn, trung đoàn có trình độ đại học và sau đại học, một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập: 7 tháng 7 năm 1946 (ngày Bộ Tổng Tham mưu mở lớp thứ nhất bổ túc cán bộ quân sự trung cấp).

Là một học viện có truyền thống lịch sử gần nửa thế kỷ, gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Học viện đã từng thay đổi nhiều tên gọi; chức năng, nhiệm vụ luôn phát triển theo yêu cầu của các giai đoạn cách mạng. Từ những lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp đầu tiên (1946-1948) đến Trường bổ túc Quân chính trung cấp (1948-1950; từ 1950-1956 sáp nhập vào trường Lục quân Việt Nam) và Trường bổ túc Quân sự trung - cao cấp (1955-1964); từ hệ Quân sự của Học viện Quân chính (1961-1965) phát triển thành Học viện Quân sự (1965-1981) và từ năm 1981 đến nay là Học viện Lục quân.

Các đồng chí đã từng giữ chức Viện trưởng (Giám đốc, Hiệu trưởng): Trần Hưng Nghĩa (1946-1947); Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (1947-1949); Cao Xuân Hổ (1948); Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1948); Đào Chính Nam (1948-1952); Đào Văn Trường (1952-1953); Ngô Tấn Văn (1953-1954); Thiếu tướng (sau là Trung tướng) Hoàng Minh Thảo (1954-1961, 1965-1966 và 1976-1977); Trung tướng Trần Văn Trà (1961-1965); Thiếu tướng (sau là Trung tướng) Vương Thừa Vũ (1966-1976); Trung tướng (sau là Thượng tướng) Vũ Lăng (1977-1988); Thượng tướng Nguyễn Hữu An (1988-1991)...

Các đồng chí đã từng giữ chức Chính ủy (Chính trị ủy viên): Hoàng Điền (7.1946 - 8.1948); Lê Hiến Mai (9.1946 - 11.1946); Trần Tử Bình (8.1947 và từ tháng 9.1948 - 6.1950); Hoàng Mười (3.1948 - 6.1948); Phan Phúc Tường (7.1948 - 9.1948); Ngô Tấn Văn (8.1952 - 6.1953); Hoàng Phương (5.1955 - 1958); Lê Chưởng (3.1961 - 12.1964); Nguyễn Xuân Hoàng (1.1965 - 5.1965); Đàm Quang Thìn (1965 - 4.1969); Tạ Xuân Thu (5.1969 - 10.1971); Nguyễn Quyết (1.1974 - 6.1976); Nguyễn Văn Thanh (9.1976 -12.1977)...

Các đồng chí Phó viện trưởng về chính trị: đại tá Đặng Hồng Thanh (11.1985 - 1988); Thiếu tướng Trần Nguyên Độ (5.1986 - 3.1989); Thiếu tướng Dương Minh Ngọ (3.1989 - 1992).,.

Từ năm 1946 đến năm 1994, Học viện đã tổ chức và huấn luyện 193 khóa học với 27.756 học viên (cán bộ trung cấp, cao cấp binh chủng hợp thành, binh chủng chuyên ngành, giáo viên chiến thuật, cán bộ quân sự địa phương). Trong đó có 67 khóa cho 1.679 cán bộ trung, cao cấp và giáo viên của quân đội bạn, góp phần quan trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội, vào sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đã giới thiệu về đường lối quân sự của Đảng và kinh nghiệm đấu tranh vũ trang cách mạng cho 43 đoàn đại biểu quân sự của 19 nước và phong trào giải phóng dân tộc thuộc 4 châu (Âu, Á, Phi, Mỹ La-tinh). Từ năm 1960 đến nay (1994), Học viện đã cử 10 đoàn cán bộ đi giúp đỡ xây dựng yà huấn luyện ở các trường trung, cao cấp quân sự của nước bạn.

Những năm gần đây, Học viện đã nghiên cứu và hoàn thành nhiều đề tài khoa học, tài liệu và giáo trình cấp bộ, cấp học viện về chiến dịch, chiến thuật, công tác chỉ huy tham mưu, trinh sát, hậu cần kỹ thuật, công tác quân sự địa phương, công tác đảng - công tác chính trị..., phục vụ thiết thực giảng dạy, học tập và góp phần phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của học viện ngày một trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Bảy đồng chí có học hàm giáo sư, phó giáo sư, bốn đồng chí có học vị phó tiến sĩ khoa học quân sự và sáu đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Phần thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Ba Huân chương Quân công.
- Hai Huân chương Chiến công.
- Huân chương Tự do hạng nhất (Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
- Bốn lần được Chủ tịch nước (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) tặng lẵng hoa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #178 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:13:14 pm »


HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - QUÂN SỰ

Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, quân sự, cấp chiến dịch, chiến thuật, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày truyền thống: 25 tháng 10 năm 1951 (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khóa 1 trường Chính trị trung cấp).

Quá trình hình thành và phát triển: Trường Chính trị trung cấp (1951-1956), Trường Lý luận chính trị (1956-1958), Trường Chính trị trung cao cấp (1958-1961), Hệ Chính trị thuộc Học viện Quân chính (1961-1965), Học viện Chính trị (1965-1981), Học viện Chính trị - Quân sự từ 1981.

Các đồng chí đã từng giữ chức Viện trưởng (Giám đốc): Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1951-1960), Thiếu tướng Tô Ký (1965-1966), đại tá Lê Đình Thiệp (1966-1969), Thiếu tướng Lê Hiến Mai (1969-1973), Trung tướng Lê Quang Đạo (1973-1976), Thiếu tướng Nguyễn Nam Khánh (1978-1979), Trung tướng Giáo sư Lê Xuân Lựu (1980-1992)...

Trong hơn 40 năm xây dựng và hoạt động, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng 27.061 cán bộ chính trị, quân sự; có sáu cán bộ học viên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học chuyên ngành triết học và kinh tế chính trị trong lĩnh vực quân sự, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam; bảo đảm sự vững chắc về chính trị, nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội; đồng thời đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ chính trị, quân sự cho quân đội các nước bạn.

Học viện đã chủ trì và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp bộ, như “Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”, “Tác động của những biến đổi kinh tế xã hội đến nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ chiến sĩ và một số vấn đề đổi mới công tác tư tưởng và tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp chiến lược của quân đội”... Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn được vận dụng trong biên soạn giáo trình, giảng dạy và học tập của học viên, góp phần làm phong phú những vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, về công tác chính trị trong xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội trong tình hình mới.

Truyền thống: Kiên định, đoàn kết, kỷ luật, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Phần thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Hai Huân chương Quân công hạng nhất.
- Huân chương Chiến công hạng hai.

- Huân chương Tự do (Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và nhiều phần thường cao quý khác.





HỌC VIỆN HẬU CẦN

Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập học viện: 23 tháng 7 năm 1974.

Ngày truyền thống: 15 tháng 6 năm 1951.

Quá trình hình thành và phát triển: lớp huấn luyện cán bộ cung cấp (1951 -1953), Trường cán bộ cung cấp (1953-1955), Trường huấn luyện cán bộ hậu cần (1955-1957), Trường sĩ quan Hậu cần (1958-1974), Học viện Hậu cần (từ 1974).

Các đồng chí đã từng giữ chức Giám đốc (Viện trưởng, hoặc phụ trách): Trần Đăng Ninh (1951), Nguyễn Thanh Bình (1951-1953, 1955, 1957-1961), Trần Hữu Dực (1953-1955), Bùi Phùng (1955-1957), trung tá Hoàng Xuân (1961-1969), thượng tá Nguyễn Đan Thành (1969-1970), thượng tá Trần Chí Cường (1970-1974), đại tá (sau là Thiếu tướng) Hoàng Kiện (1974-1980), đại tá Bùi Nam Hà (1980-1982), Thiếu tướng Giáo sư Hoàng Điền (1982-1988)...

Đội ngũ cán bộ, giáo viên của học viện được đào tạo, trưởng thành qua thực tế công tác (đến năm 1994 có hai giáo sư, một phó giáo sư, hai phó tiến sĩ). Trường lớp được xây dựng ngày càng hiện đại. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học được tăng cường và đổi mới.

Từ khóa 1 - lớp huấn luyện cán bộ cung cấp (tháng 5 năm 1951) đến năm 1994, nhà trường (Học viện) đã mở 120 khóa đào tạo, bổ túc và tập huấn được 23.420 cán bộ hậu cần - kỹ thuật (trong đó có hàng nghìn cán bộ trung cấp, cán bộ cao cấp), góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Học viện mở được 56 khóa, đào tạo và bổ túc 1.274 cán bộ hậu cần quân đội nước bạn.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, từ năm 1974, Học viện đã biên soạn một hệ thống tài liệu gồm 10 giáo trình, 63 đề cương giáo trình môn học cho 26 đối tượng thuộc 6 chuyên ngành (chỉ huy - tham mưu hậu cần, quân lương - quân trang, doanh trại, vận tải quân sự, xăng dầu và tài chính). Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được nghiên cứu thành công, được ứng dụng trong giảng dạy và học tập. Chỉ tính 20 năm (1974-1994), Học viện đã thực hiện 3 đề tài khoa học cấp bộ, 22 đề tài cấp tổng cục và 280 đề tài cấp học viện.

Là một trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần quân sự của quân đội, Học viện đã tổ chức bảo vệ thành công bảy luận án phó tiến sĩ khoa học chuyên ngành hậu cần trong lực lượng vũ trang. Hiên nay, Học viên đang đào tạo cán bộ trung cấp, cao cấp về hậu cần theo ba bậc học vấn: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học hậu cần quân sự với sáu chuyên ngành thuộc hệ chỉ huy - tham mưu hậu cần.

Truyền thống: Nghiêm chỉnh chấp hành mọi nhiệm vụ, vượt qua khó khăn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết tình nghĩa, luôn gắn bó với chiến trường, với đơn vị.

Phần thưởng (từ 1951 đến nay):

- Hai Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng ba).
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
- Huân chương Lao động hạng hai.

- Một cán bộ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Ba đồng chí được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #179 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2022, 01:14:09 pm »


HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ

Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập: 28 tháng 10 năm 1966.

Từ cơ sở bước đầu, với 81 cán bộ, giáo viên, mang tên “Phân hiệu 2 Đại học Bách khoa”, Học viện Kỹ thuật quân sự (từ 1968-1981 là Đại học Kỹ thuật quân sự) đã phát triển nhanh chóng với 12 chuyên ngành đào tạo, gần 800 cán bộ, giáo viên (trong đó có 2 giáo sư, 38 phó giáo sư, 6 tiến sĩ, 128 phó tiến sĩ, một nhà giáo nhân dân, 3 nhà giáo ưu tú); cơ sở vật chất kỹ thuật (giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng...) ngày càng đồng bộ và hiện đại.

Các đồng chí đã từng giữ chức Giám đốc: trung tá Vũ Văn Hà (1966-1968); Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo (1968-1970 và 1974), đại tá, kiến trúc sư Phạm Hoàng (1970-1974); đại tá Trần Đình Cửu (1974-1977); Thiếu tướng Hoàng Phương (1977-1979); Thiếu tướng, giáo sư, phó tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên (1979-1980); Thiếu tướng, giáo sư, phó tiến sĩ Nguyễn Quỳ (1980-1988)...

Trong hơn 25 năm xây dựng và hoạt động (1966-1993), Học viện đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư quân sự, cán bộ chỉ huy - tham mưu kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch; đồng thời đã bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, chỉ huy - tham mưu kỹ thuật cho hàng nghìn cán bộ quân đội thông qua các hình thức đào tạo, bổ túc, chuyển loại kỹ sư, tập huấn kỹ thuật, huấn luyện sĩ quan dự bị, bồi dưỡng ngoại ngữ... Với 23 khóa đào tạo dài hạn (5 năm), Học viện đã cung cấp cho quân đội 4.486 kỹ sư các chuyên ngành quân sự. Từ năm 1979, Học viện bắt đầu đào tạo cao học và trên đại học cho 8 chuyên ngành, đã tổ chức bảo vệ thành công 10 luận án phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật quân sự.

Về nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, trong thời gian 10 năm (1981-1991), Học viện chủ trì và tham gia nghiên cứu 9 đề tài cấp nhà nước, 68 đề tài cấp bộ, 4 dự án được Nhà nước đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học, 20 đề tài áp dụng tiến bộ kỹ thuật cấp bộ, 359 đề tài cấp học viện và nhiều hợp đồng nghiên cứu với các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị trong và ngoài quân đội. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, phục vụ kinh tế và quốc phòng. Nhiều sản phẩm khoa học được tặng thưởng tại các hội chợ triển lãm kinh tế kỹ thuật toàn quốc (10 huy chương vàng, 5 huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học”). Những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của học viện đã và đang hướng vào những vấn đề mũi nhọn như tin học và kỷ thuật tin học, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật thông tin, kỹ thuật tự động hóa và tin học công nghiệp, cơ học ứng dụng.

Truyền thống: "Kiên định trong mọi tình huống, bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn xây dựng, chiến đấu của các lực lượng vũ trang; nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học kỹ thuật; đoàn kết nhất trí, khắc phục mọi khó khăn...".

Phần thưởng:

- Huân chương Độc lập hạng ha.
- Hai Huân chương Quân công hạng nhất và hạng hai.
- 18 Huân chương Chiến công cho tập thể và cá nhân.
- Nhiều phần thưởng cao quý khác.





HỌC VIỆN QUÂN Y

Trung tâm đào tạo và nghiên cứu y học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thành lập học viện: 16 tháng 12 năm 1981

Ngày truyền thống: 10 tháng 3 năm 1949 (thành lập Trường Quân y sĩ Việt Nam).

Quá trình phát triển và xây dựng: Trường Quân y sĩ Việt Nam (1949-1957), Trường sĩ quan Quân y (1957-1962), Viện nghiên cứu Y học quân sự (1962-1966), Trường Đại học Quân y (1966-1981), từ 1981 là Học viện Quân y.

Ngoài cơ sở chính, Học viện có phân hiệu 2 tại thành phố Hồ Chí Minh (thành lập ngày 25 tháng 3 năm 1985, trên cơ sở Trường Quân y sĩ Miền). Cơ sở thực hành của học viện là bệnh viện 103 (tiền thân là Đội điều trị 3, thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1950).

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, bác sĩ, công nhân viên ngày càng trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 7 giáo sư, 31 phó giáo sư, 8 tiến sĩ, 63 phó tiến sĩ, 350 bác sĩ chuyên khoa cấp 1 và cấp 2; có 2 thầy thuốc Nhân dân, 6 thầy thuốc Ưu tú, 1 nhà giáo Nhân dân, 9 nhà giáo Ưu tú (tính đến năm 1992). Cơ sở vật chất (giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng điều trị, trang thiết bị phục vụ dạy, học và thực hành) được trang bị ngày càng hiện đại.

Các đồng chí đã từng giữ chức Giám đốc (Viện trưởng, Hiệu trưởng): giáo sư Đinh Văn Thắng (1949); giáo sư Nguyễn Trinh Cơ (1950), Thiếu tướng, giáo sư Đỗ Xuân Hợp (1951-1979), Thiếu tướng, giáo sư Nguyễn Thúc Mậu (1979-1986)...

Từ khóa 1 - Trường Quân y sĩ Việt Nam (1949) đến năm 1993, Trường (Học viện) đã đào tạo 17.000 y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, 100 phó tiến sĩ và hàng trăm cán bộ quân y nước bạn, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ y học quân sự có trình độ cao, xây dựng ngành Quân y nói riêng và ngành Y tế nói chung. Học viện đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng 19 đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, hợp tác quốc tế, trên 1.000 đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Một số đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn như: đánh giá các bài thuốc cổ truyền, ghép thận trên người, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tiên tiến trong y học, nghiên cứu phòng chống sốt rét cho bộ đội khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng sóng siêu cao tần tới bộ đội ra-đa, tên lửa, kết hợp hai nền y học...

Là trung tâm đào tạo, đóng thời có cơ sở thực hành là bệnh viện 103, Học viện đã điều trị hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh và nhân dân, thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam. Thực hiện tốt việc kết hợp hai nền y học, Học viện đã sản xuất được nhiều loại thuốc có giá trị cao từ dược liệu trong nước như: thuốc chữa bỏng B76, Maduxin, Becberin, thuốc bổ đinh lăng, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư Philamin; chế tạo thành công một số chế phẩm phục vụ nghiên cứu và chẩn đoán bệnh (như Ghelatin y học, Ghelatin xốp cầm máu, kháng nguyên Streptôlysin O, sinh khối B12 gravohocmon, đạm thủy phân...), góp phần điều trị chăm sóc sức khóe của bộ đội, nhân dân và phát triển nền kinh tế quốc dân.

Truyền thống: “Trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; bám sát chiến trường, đơn vị bộ đội, vì sức khỏe của bộ đội, vì thương binh, bệnh binh, vì yêu cầu của chiến trường; kiên trì khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, yêu ngành yêu nghề, say mê học tập rèn luyện nghiên cứu khoa học; đoàn kết nhất trí”.

Phần thưởng:

- Huân chương Độc lập hạng nhất.
- Tám Huân chương Quân công.
- Chín Huân chương Chiến công

- Hai tập thể và 11 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM