THANH TRA BỘ QUỐC PHÒNG
Cơ quan thanh tra quản lý nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng.
Trụ sở: nhà số 30 - phố Điên Biên Phủ - Hà Nội
Ngày thành lập: 25 tháng 1 năm 1948 (Cục Tổng thanh tra thuộc Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam).
Từ tổ chức tiền thân là Phòng Kiểm tra Bộ Tổng chỉ huy (1947). Cơ quan thanh tra quân đội đã nhiều lần thay đổi tổ chức và mang những tên gọi khác nhau: Cục Tổng Thanh tra (1948), Đoàn Thanh tra Bộ Quốc phòng (1949), Ban Thanh tra quân đội (1956), Ủy ban Thanh tra quân đội (1971), Tổng Thanh tra quân đội (1980), từ năm 1992 là Thanh tra Bộ Quốc phòng.
Các đồng chí đã từng lãnh đạo, chỉ huy cơ quan thanh tra quân đội qua các thời kỳ: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (Tổng thanh tra quân đội-1948), Thiếu tướng Trần Tử Binh (Tổng thanh tra quân đội-1956), Trung tướng Nguyễn Đôn (Chủ nhiệm Ủy ban thanh tra quân đội-1971), Trung tướng Trần Quý Hai (Chủ nhiệm, Ủy ban thanh tra quân đội - 1973), Thượng tướng Lê Quang Hòa (Tổng thanh tra quân đội-1980), Thượng tướng Hoàng Cầm (Tổng thanh tra quân đội-1987).
Từ ngày thành lập, cơ quan thanh tra quân đội đã tổ chức hàng nghìn cuộc thanh tra, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực quân sự, quốc phòng và phục vụ cho các nhiệm vụ kinh tế, xã hội cấp thiết, theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, góp phần xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Cơ quan thanh tra quân đội đã soạn thảo các văn bản pháp quy về thanh tra quân đội như: Điều lệ công tác thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam; Quy chế công tác thanh tra trong lực lượng vũ trang; Quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra quốc phòng; thông tư hướng dẫn thực hiện pháp lệnh khiếu nại, tố cáo trong quân đội; tham gia soạn thảo pháp lệnh thanh tra Nhà nước và pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân...
Hai phái viên thanh tra quân đội đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ tại chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Phần thưởng:
Huân chương Quân công hạng nhất.
Huân chương Chiến công hạng hai và nhiều phần thưởng cao quý khác.
VIỆN KIỂM SÁT QUÂN SỰ TRUNG ƯƠNG
Cơ quan thuộc cơ cấu Viện Kiếm sát nhân dân tối cao, thực hiện chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong quân đội.
Trụ sở: nhà số 2 - phố Lý Nam Đế - Hà Nội.
Ngày thành lập: 12 tháng 5 năm 1961.
Ngày truyền thống: 26 tháng 7 năm 1960.
Các đồng chí đã từng được cử làm Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương: Thiếu tướng Lê Quang Đạo (1961 - 1962), Đại tá Lê Đình Thiệp (1962 - 1967), Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam (1967 - 1978), Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn (1978-1982).
Những năm 1946 - 1960, trong hệ thống tòa án binh các cấp đã có ủy viên công tố, thực hiện quyền công tố nhà nước. Từ năm 1961, căn cứ vào Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959 và Luật tổ chức Việt kiểm sát nhân dân năm 1960, hệ thống các viện kiểm sát quân sự trong đó có Viện Kiểm sát quân sự Trung ương được thiết lập, có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổng cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và cấp tương đương; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của các cơ quan điều tra trong quân đội, trong việc xét xử các vụ án hình sự của tòa án quân sự; trong việc thi hành án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; trong việc giam giữ, cải tạo và phạt giam kỷ luật quân nhân; chỉ đạo viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện các mặt công tác kiểm sát và xây dựng ngành.
Từ năm 1961 đến năm 1991, viện Kiểm sát quân sự Trung ương đã tiến hành và chỉ đạo toàn ngành thực hiện hơn 6.300 cuộc kiểm sát việc chấp hành pháp luật, kiểm sát điều tra; xử lý trên 37.000 vụ án hình sự; góp phần đấu tranh phòng và chống vi phạm, tội phạm, làm trong sạch nội bộ; giáo dục cán bộ, chiến sĩ sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trả lại cho Nhà nước và quân đội hàng tỷ đồng do hành vi vi phạm và phạm tội gây ra.
Phần thưởng:
- Huân chương Quân công hạng hai.
- Nhiều phần thưởng cao quý khác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng.
TÒA ÁN QUÂN SỰ TRUNG ƯƠNG
Cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trong quân đội thuộc cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân tối cao. Bộ phận cao nhất của hệ thống tổ chức tòa án quân sự.
Có nhiệm vụ:
+ Xét xử theo các trình tự:
- Sơ thẩm đồng thời là chung thẩm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, những vụ án mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi khởi tố có quân hàm cấp tướng hoặc là người có chức vụ chỉ huy trưởng sư đoàn, cục trưởng và cấp tương đương trở lên, những vụ án thuộc thẩm quyền tòa án quân sự quân khu và tương đương nhưng Tòa án quân sự Trung ương lấy lên để xét xử.
- Phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của các tòa án quân sự cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị
- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các tòa án quân sự cấp dưới trực tiếp bị kháng nghị.
+ Giám đốc việc xét xử của các tòa án quân sự cấp dưới.
+ Hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thống nhất pháp luật tại các tòa án quân sự.
+ Tổng kết kinh nghiệm xét xử của các tòa án quân sự.
+ Tổ chức thực hiện và hướng dẫn thực hiện công tác thi hành án hình sự và dân sự nảy sinh trong vụ án hình sự (năm 1993 giao công tác thi hành án dân sự cho tổ chức thi hành án trực thuộc Bộ Quốc phòng).
Trụ sở: nhà số 25, phố Lý Nam Đế - Hà Nội.
Ngày thành lập, đồng thời là ngày truyền thống: 13 tháng 9 năm 1945.
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, ngày 13 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập Tòa án quân sự. Ngày 23 tháng 8 năm 1946, Chủ tịch nước ra sắc lệnh (số 163) thành lập Tòa án binh lâm thời. Ngày 25 tháng 4 năm 1947, Chủ tịch nước ra sắc lệnh thành lập Tòa án binh tối cao.
Ngày 21 tháng 2 năm 1961, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định (số 165) quy định tạm thời biên chế ngành tòa án quân sự, trong đó có Tòa án quân sự Trung ương.
Trước năm 1961, chỉ khi có vụ án thì Bộ trưởng Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Tư pháp cử ra chánh án và hai hội thẩm để xét xử. Cán bộ làm công tác tòa án là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy kiêm nhiệm.
Từ năm 1961 đến nay, các đồng chí đã được cử làm Chánh án Tòa án quân sự Trung ương là: Trung tướng Trần Văn Trà, Đại tá Lê Hiền, Thiếu tướng Tô Ký, Đại tá Nguyễn Đình Tùng, Thiếu tướng Trần Thế Môn, Thiếu tướng Nguyễn Trường Châu, Trung tướng Nguyễn Huân...
Tòa án quân sự Trung ương đã trực tiếp tổ chức xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng phức tạp; xét xử phúc thẩm hàng nghìn vụ án; xét xử giám đốc nhiều vụ án.
Tòa án Quân sự Trung ương đã tham gia xây dựng một số văn bản pháp luật của Nhà nước, các văn bản có liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành; tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật tại các tòa án quân sự, xuất bản nhiều tập sách hệ thống hóa các văn bản cần thiết cho việc xét xử của tòa án quân sự và các văn bản khác về tuyên truyền giáo dục pháp luật, thi hành án, bồi dưỡng hội thẩm quân nhân; ban hành quy chế hoạt động các mặt của các cấp tòa án quân sự, xây dựng nhiều chuyên đề về thực hiện các trình tự tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm; hướng dẫn xét xử các loại tội và về thi hành án.
Tòa án quân sự Trung ương đã mở nhiều lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành và bồi dưỡng hội thẩm quân nhân; giúp Tòa án quân sự Lào và Tòa án quân sự Cam-pu-chia trong việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác xét xử và kinh nghiệm hoạt động của tòa án quân sự.
Phần thưởng:
- Huân chương Quân công hạng hai.
- Huân chương Chiến công hạng ba (khen thưởng cho phòng nghiên cứu xét xử).