Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:41:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7626 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:48:13 pm »


NĂM 1979


1 tháng 1.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa cho 11 đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân:

Đoàn 3 bộ binh (Quân khu 1); đoàn bộ binh Mộc Châu Tây Bắc; trung đoàn 31 (đoàn 9, Quân khu 5); trung đoàn 174 (đoàn 5, Quân khu 7); trung đoàn 18 (đoàn 8, Quân khu 9); đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên); đoàn Sông Lam (Binh đoàn Cửu Long); trung đoàn 935 (đoàn 72, Quân chủng Không quân); hải đoàn 28 (Quân chủng Hải quân); trung đoàn 33 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần); đoàn 600 (Cục Xây dựng, Tổng cục Xây dựng kinh tế).


7 tháng 1.

Đáp lời kêu gọi của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân nước bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt, Iêng-xa-ri. Nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia ra đời.


8 tháng 1.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra chỉ thị sẵn sàng chiến đấu: “Tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và các tỉnh biên giới phía bắc; các quân chủng Phòng không, Không quân, Hải quân phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Các sư đoàn, các đơn vị trực thuộc của quân khu và quân binh chủng, các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương tỉnh và huyện phải bảo đảm từ một phần ba đến hai phần ba quân số luôn luôn tại trận địa, chiến hào. Các trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không phải bố trí sẵn ở trận địa, nếu có địch là nổ súng được ngay”.


5 tháng 1.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”.


10 tháng 1.

Quân ủy Trung ương ra chỉ thị về nhiệm vụ khoa học quân sự hai năm 1979-1980: chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường tổ chức, bổ sung cán bộ, hoàn thành tổng kết toàn bộ khái niệm đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng của quân và dân ta trong những năm qua, nghiên cứu những vấn đề mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tài liệu lý luận cơ bản, các điều lệnh, điều lệ của quân đội, góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ xây dựng nên quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.


30 tháng 1.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 27/QU-TƯ) đặt danh hiệu “Dũng sĩ giữ nước”.


Tháng 1.

Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật bộ binh toàn quân. Hơn 200 trợ lý kỹ thuật cấp sư đoàn trở lên và cán bộ, giáo viên các nhà trường, các quân chủng, binh chủng tham dự.


17-2 đến 18-3.

Đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược trên biên giới phía Bắc.


Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc huy động trên 60 vạn quân với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng nghìn khẩu pháo, mở cuộc tiến công ồ ạt vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

Qua 30 ngày đêm (17-2 đến 18-3) chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng ba trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí ...

Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, ngày 5 tháng 3 năm 1979, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rút quân về nước.


18 tháng 2.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia ký Hiệp ước Hòa Bình hữu nghị và hợp tác tại Pnôm Pênh (Thủ đô Cam-pu-chia).


22 tháng 2.

Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý trật tự an ninh trên vùng biên giới tây nam.


Tháng 2.

Thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng
(Quân khu 1).

Tư lệnh: đại tá Đàm Văn Ngụy.
Chính ủy: Dương Tường (Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng).

Cuối tháng 3 năm 1979, Bộ tư lệnh Mặt trận Cao Bằng giải thể, thành lập lại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:49:12 pm »


2 tháng 3.

- Thành lập Quân đoàn 5
thuộc Quân khu 1.

- Chủ tịch nước công bố lệnh (số 18/LCT) tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho: Bộ đội Trường Sơn, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Việt Bắc, Quân khu Tây Bắc, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 đã có thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu, xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


4 tháng 3.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.


5 tháng 3.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng động viên. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố lệnh.

- Hội đồng chính phủ ra nghị định số (82-CP) gồm tám điều, thành lập bộ chỉ huy quân sự thống nhất ở các tỉnh, thành phố; ban chỉ huy quân sự thống nhất các huyện, thị xã; nghị định (số 83-CP) gồm 10 điều, quy định mọi công dân (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi) có đủ điều kiện đều gia nhập dân quân du kích tự vệ; thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thành lập Quân khu Thủ đô (quyết định số 35/QĐ-TƯ của Bộ Chính trị).

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Đồng Sỹ Nguyên.

- Hội đồng chính phủ ra quyết định (số 86/CP) đặt các trường quân sự và chuyên môn kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam trong hệ thống các trường đại học và chuyên nghiệp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý. Bao gồm: các học viện, các trường đại học và cao đẳng quân sự; trường quân chính quân khu, quân đoàn, tỉnh; trường đào tạo hạ sĩ quan, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, văn hóa và nghệ thuật quân đội.


6 - 8 tháng 3.

Tại Hen-xin-ki (Phần Lan), Hội đồng Hòa Bình thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam. Hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế dự hội nghị đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam; kêu gọi nhân dân Trung Quốc đòi Chính phủ của họ rút toàn bộ quân đội ra khỏi Việt Nam; đề ra chương trình hành động quốc tế đoàn kết và bảo vệ Việt Nam.


6 tháng 3.

Quốc hội và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thưởng huân chương cho 48 đơn vị và 7 cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


9 tháng 3.

Thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh
(quyết định số 247/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng), cơ quan chỉ huy chiến dịch ở một hướng chiến lược quan trọng do Bộ trực tiếp chỉ huy.


20 tháng 3.

Thủ tướng Chính phủ ra quyết định (số 93-TTg) giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho một số viên nghiên cứu và trường đại học thuộc Bộ Quốc phòng: Viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Kỹ thuật quân sự và Trường Đại học Quân y.


30 tháng 3.

Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận 379 thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 678.


16 tháng 4.

- Thành lập Quân đoàn 6
thuộc Quân khu 2.

- Thành lập Quân đoàn 7 thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.


20 tháng 4.

Thành lập Đặc khu Quảng Ninh
, trên cơ sở tách tỉnh Quảng Ninh thuộc Quân khu 1, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.


28 tháng 5.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI họp kỳ thứ năm tại Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo về thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của toàn dân và toàn quân ta trong tình hình mới.


29 tháng 5.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về tổ chức thực hiện chế độ thủ trưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, xác định những căn cứ và mục đích; cơ cấu tổ chức đảng ủy và chế độ thủ trưởng, quan hệ giữa lãnh đạo của tập thể và quản lý, chỉ huy của thủ trưởng và những quy định để tổ chức thực hiện từng bước.

Nghị quyết nêu rõ: “Chế độ thủ trưởng thực hiện trong toàn quân, từ đại đội trở lên”, “Ở mỗi cấp có các phó tư lệnh hay phó chỉ huy giúp thủ trưởng về các mặt công tác quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật ... Phó quân sự có thể một hoặc hai người, trong đó có một phó kiêm tham mưu trưởng. Các phó tư lệnh hay phó chỉ huy không nhất thiết có cấp quân hàm ngang nhau”.


30 tháng 5.

Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ năm quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, gồm có thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn (thuộc huyện Châu Thành, tĩnh Đồng Nai) và huyện Côn Đảo (thuộc tỉnh Hậu Giang).


31 tháng 5.

Bộ Quốc phòng mở hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến đấu trên biên giới phía bắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:50:20 pm »


27 tháng 6.

Bộ Quốc phòng và Tổng cục Dầu mỏ khí đốt Việt Nam quyết định thành lập Công ty Dịch vụ tàu biển Việt Nam.


29 tháng 6.

Thủ tướng Chính phủ ra quyết định (số 228-TTg) về việc tổ chức đơn vị dự bị động viên và tập trung huấn luyện từ hai đến ba tháng do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.


Tháng 6.

Bộ Quốc phòng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp mở hội nghị thống nhất chương trình huấn luyện sĩ quan dự bị cho sinh viên tốt nghiệp đại học.


5 tháng 7.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường hơn nữa việc thực hiện các chính sách thương binh, liệt sĩ và xã hội trong tình hình mới.


16 tháng 7.

Thành lập Quân đoàn 8
(Binh đoàn Pắc Bó) thuộc Quân khu 1.


2 tháng 8.

Khai mạc Đại hội khỏe toàn quân tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.


6 và 7 tháng 8.

Bộ Tư lệnh Không quân tổ chức hội nghị nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật của quân chủng lần thứ nhất, tổng kết phong trào nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hai năm 1979-1980.


10 tháng 9.

Hội đồng chính phủ quyết định thành lập Bộ chỉ huy quân sự thống nhất các tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng, Hà-Tuyên và Lai Châu.


10 tháng 10.

Bộ Chính trị ra nghị quyết (số 92/NQ-TW) chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 11 tháng 12 năm 1979 Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 1148/QĐ-QP) chuyển lực lượng Công an nhân dân vũ trang thành Bộ đội Biên phòng, một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt thực hiện công tác biên phòng của các lực lượng vũ trang nhân dân.


25 tháng 10.

Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị mở hội nghị công tác nhà trường toàn quân năm 1979-1980, quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục và chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác nhà trường quân đội trang tình hình mới.


3 tháng 11.

Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức ban tổng kết thuộc bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thành phố, hệ thống phòng khoa học quân sự thuộc bộ tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng và binh chủng để giúp Bộ và cơ quan các cấp chỉ đạo công tác khoa học quân sự.


5 tháng 11.

Đoàn tàu quân sự Hải quân Liên Xô do Phó đô đốc N.Ia-ia-xa-cốp — Phó tư lệnh thứ nhất hạm đội Thái Bình Dương chỉ huy thăm Việt Nam đến Hải Phòng.


15 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định chấn chỉnh tổ chức cơ quan quân lực các cấp trong toàn quân thành cơ quan tổ chức và động viên.


15 - 20 tháng 12.

Đoàn đại biểu quân sự các nước Cam-pu-chia, Lào, Cu Ba và Liên Xô thăm Việt Nam, dự lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.


20 tháng 12.

- Quốc hội và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 126 đơn vị và 68 cá nhân (trong đó có 100 đơn vị và 48 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ) đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía nam và phía bắc.

- Chủ tịch nước công bố lệnh (số 186/LCT) tặng thưởng Huân chương Sao vàng lần thứ hai cho các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã lập nên những chiến công oanh liệt trong nhiệm vụ giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.

- Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 429/NQ-QU) “Về việc thực hiện chính sách nghỉ hưu đối với cán bộ quân đội”.


21 tháng 12.

- Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỳ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và đón nhận Huân chương Sao vàng lần thứ hai.

- Chủ tịch nước công bố lệnh (số 194/LCT) tặng thường Huân chương Hồ Chí Minh cho: Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân chủng Phòng không, Quân chủng Không quân, Binh chủng Pháo binh, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Công binh, Binh chủng Thông tin liên lạc, Binh chủng Hóa học, Binh chủng Thiết giáp, Bộ đội Vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần, sư đoàn 372 không quân thuộc Quân chủng Không quân, các đơn vị tiền phương thuộc Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật đã có nhiều thành tích xuất sắc, trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới tây nam của Tổ quốc.

- Chủ tịch nước công bố lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng hai, Huân chương Kháng chiến hạng ba cho 104 đơn vị tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam và biên giới phía bắc.


27 tháng 12.

Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị (số 387-TTg) về việc huấn luyện sĩ quan dự bị cho học sinh các trường đại học, cán bộ các ngành có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng.


28 tháng 12.

- Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 439/NQ-QU) về quy hoạch dài hạn xây dựng đội ngũ cán bộ (1979-1995), đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và biện pháp lớn về công tác cán bộ; xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ phải theo một cơ cấu cân đối, hợp lý và phải có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Quân ủy Trung ương ra chỉ thị (số 26/CT-QUTƯ) thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục trong hệ thống nhà trường quân đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2022, 09:09:42 am »


NĂM 1980


1 tháng 1.

Bộ Quốc phòng ban hành Điều lệnh nội vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam (gồm phần mở đầu, 9 chương với 21 mục, 215 điều và 10 phụ lục), quy định chức trách quân nhân; chức trách thủ trưởng; bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt của quân nhân; phân phối thời gian sinh hoạt, công tác trong ngày; trực ban; báo động; quản lý quân nhân; quản lý trang bị, tài sản, tài chính; phòng gian bảo mật, phòng chống cháy nổ, bão lụt, tai nạn...


19 tháng 1.

Bộ Chính trị ra nghị quyết về những công tác lớn trong năm 1980
, nhấn mạnh việc cảnh giác trước âm mưu địch, kiểm tra và chỉ đạo chặt chẽ công tác củng cố quốc phòng, tuyển quân, xây dựng các đơn vị chủ lực cơ động đi đôi với phát triển và củng cố quân sự địa phương, tổ chức cho bộ đội tham gia xây dựng kinh tế, góp phần khắc phục khó khăn chung của đất nước.


21 tháng 1.

Liên Bộ Quốc phòng - Đại học và trung học chuyên nghiệp ra thông tư (số 107-LB/QP-ĐH) xác định những vấn đề cơ bản về huấn luyện sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học và cao đẳng.


Tháng 1.

Hội nghị khoa học quân sự toàn quân
, quyết định tiếp tục tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, biên soạn lịch sử quân sự, hệ thống điều lệnh, tài liệu giáo khoa phục vụ yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.


27 tháng 2.

Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức lễ tang trong quân đội (số 27/QĐ-QP).


3 tháng 3.

- Thành lập Hội đồng xuất bản Bộ Quốc phòng, giúp Bộ thống nhất quản lý công tác xuất bản trong quân đội.

Chủ tịch hội đồng: Trung tướng Lê Quang Hòa - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định (số 108/QĐ-TM) ban hành biên chế cơ quan động viên tuyển quân cấp tỉnh, huyện. Cấp tỉnh: loại I (trên dưới 2 triệu dân) từ 15-20 người; loại II (trên dưới 1,5 triệu dân) từ 11-15 người; loại III (trên dưới 1 triệu dân) từ 10-13 người. Cấp huyện: loại I (trên dưới 20 vạn dân) từ 9-12 người; loại II (trên dưới 15 vạn dân) từ 8-10 người; loại III (trên dưới 10 vạn dân) từ 7-9 người.


4 tháng 3.

Bộ Quốc phòng quyết định tách một bộ phận Học viện Hậu cần, thành lập Trường sĩ quan Hậu cần, đào tạo sĩ quan chỉ huy hậu cần cấp phân đội.


21 tháng 3.

Thành lập Hội đồng Y học quân sự Bộ Quốc phòng (quyết định số 170/QĐ-QP). Nhiệm vụ: giúp Bộ nghiên cứu và chỉ đạo những chuyên đề về y học quân sự.


22 tháng 3.

Bộ Quốc phòng ra chỉ lệnh về sẵn sàng chiến đấu: “Các lực lượng vũ trang phải hết sức đề cao cảnh giác. Từng ngày, từng giờ, từng phút phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của địch, hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng vũ trang: bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng kinh tế và nghĩa vụ quốc tế".


17 - 30 tháng 4.

Hội nghị tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Nam Bộ và cực nam Trung Bộ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.


22 tháng 4.

Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị “toàn quân hành động theo điều lệnh” (gồm các điều lệnh chung như nội vụ, đội ngũ, kỷ luật, đóng quân, canh phòng), thực hiện chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu và các chế độ quy định đã ban hành.


23 tháng 4.

Bộ Tổng Tham mưu quyết định (số 194/QĐ-TM) kiện toàn cơ quan Tổng thanh tra quân đội; chuyển đổi các đoàn thanh tra chuyên ngành thành thanh tra các quân chủng: lục quân, hải quân, không quân, phòng không; các ngành: hậu cần, kinh tế và kỹ thuật.


29 tháng 4.

Bộ Quốc phòng quyết định (số 274/QP-QĐ) đổi tên Cục Quân sự địa phương thành Cục Dân quân tự vệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2022, 09:11:24 am »


8 tháng 5.

Liên Bộ Quốc phòng - Nội vụ ra chỉ thị (số 01-CT/LB) về nâng cao trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, một công tác có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sức mạnh cùng nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ.


10 tháng 5.

Bộ Quốc phòng quyết định chuyển tạp chí "Quân đội nhân dân” thuộc Tổng cục Chính trị về trực thuộc Bộ Quốc phòng.


19 tháng 5.

Quân ủy Trung ương ra chỉ thị về quán triệt đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chỉ thị xác định: “Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong sạch, có trình độ chính quy, hiện đại ngày càng cao, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa lao động sản xuất góp phần xây dựng kinh tế; có quân chủ lực và quân địa phương, có lực lượng thường trực và lực lượng hậu bị, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, làm chủ địa phương, làm chủ cả nước...”.


2 tháng 6.

Thường vụ Quản ủy Trung ương ra nghị quyết (số 159/NQ-QU) về công tác bảo vệ lực lượng vũ trang trong giai đoạn mới.


16 tháng 6.

Thành lập Cục Kế hoạch-Kinh tế
trực thuộc Bộ Quốc phòng (quyết định số 383/QP-QĐ của Bộ Quốc phòng).

Nhiệm vụ: đề xuất nhiệm vụ, kế hoạch quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, chuẩn bị kế hoạch để Bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị, hướng dẫn việc ký kết các hợp đồng kinh tế và thi hành các luật, chế độ, chính sách, thủ tục, nguyên tắc làm kinh tế.


18 tháng 6.

Bộ Quốc phòng quyết định (số 385/QP-QĐ) tách Cục Quân nhu thành Cục Quân lương và Cục Quân trang.


11 tháng 7.

Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn 23 trồng cao su thuộc Quân khu 7, Binh đoàn 318 dầu khí thuộc Bộ Quốc phòng.


23 - 31 tháng 7.

Chuyến bay vũ trụ Việt-Xô
. Đội bay quốc tế điều khiển con tàu vũ trụ “Liên hợp 37" gồm đại tá Gor-bat-cô, hai lần Anh hùng Liên Xô và trung tá Phạm Tuân, Anh hùng Việt Nam.


24 tháng 7.

Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 465 và 466 /QĐ-QP) về xuất bản và tổ chức ngành in trong quân đội. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân giúp Bộ Quốc phòng quản lý công tác xuất bản của toàn quân. Tổ chức ngành in gồm hai nhà máy in quân đội 1 và 2 do Nhà xuất bản Quân đội trực tiếp quản lý; ba nhà máy in chuyên ngành của Cục Bản đồ, Ban Cơ yếu và Tòa soạn báo “Quân đội nhân dân”.


18 tháng 8.

Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 527/QĐ-QP) xác định ngày 12 tháng 9 năm 1945 là ngày truyền thống của ngành Cơ yếu Việt Nam.


17 tháng 9.

Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị về nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy ở các học viện, nhà trường quân đội năm 1981-1982 phù hợp với yêu cầu cải cách giáo dục trong quân đội.


20 tháng 9.

- Hội đồng chính phủ ra quyết định (số 301 - CP) bổ sung tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh; bổ sung chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ - những đối tượng mới bị thương hoặc hy sinh từ ngày 1 tháng 5 năm 1975 trở đi.

- Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 571/QĐ-QP) thành lập Binh đoàn kinh tế Tây Nguyên (đoàn 773) thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Nhiệm vụ: sản xuất, xây dựng kinh tế, sẵn sàng chiến đấu tại chỗ, cùng các lực lượng vũ trang, lực lượng an ninh địa phương giữ gìn trật tự, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.


30 tháng 9.

Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 580/QĐ-QP) thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội (từ 1-10-1980).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2022, 09:12:45 am »


10 tháng 10.

Bộ Quốc phòng quyết định Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Quốc phòng.


12 - 14 tháng 10.

Đại hội “Chiến sĩ khỏe toàn quân”
giải báo “Quân đội nhân dân” tại Hải Phòng. 138 vận động viên của 23 đội đại biểu cho các đơn vị trong toàn quân về dự. Trường sĩ quan Lục quân 1 đoạt cúp luân lưu; chiến sĩ Khương Văn Vui (Trường sĩ quan Lục quân 1) đạt danh hiệu “Chiến sĩ khỏe toàn quân”.


18 tháng 10.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 278/QUTƯ) đặt huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế”, biểu dương, động viên cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, công nhân viên quốc phòng phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế, và biểu dương, động viên những người nước ngoài sang nước ta xây dựng lực lượng vũ trang.


20 - 22 tháng 10.

Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh toàn quân
họp tại Hà Nội. Hơn 400 đại biểu đại diện cho tuổi trẻ quân đội cả nước dự đại hội. Đại tướng Văn Tiến Dũng- Bộ trưởng Quốc phòng đọc lời khai mạc. Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đọc báo cáo, nêu bật những cống hiến và sự trưởng thành của thanh niên quân đội trong quá trình chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội bầu 58 đại biểu thanh niên lực lượng vũ trang tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 14.


Tháng 10.

Tổng cục Hậu cần mở hội nghị tổng kết công tác hậu cần ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.


20 tháng 11.

- Sơ kết đợt 1 công nhận chức danh khoa học và bàn phương hướng 5 năm tới (1981-1985).

- Tổng kết đào tạo sĩ quan dự bị trong các trường đại học sư phạm.


1 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quy định thống nhất quản lý đo lường trong quân đội


2 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định tách Bộ Tư lệnh 350 - Hải Phòng thành Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng và sư đoàn 350.


Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng làm nhiệm vụ của một cơ quan quân sự địa phương đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 3.


5 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Cục Quân pháp thành cơ quan Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng.


15 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định (số 771-QĐ-QP) chuyển Cục Quản lý khoa học thuộc Học viện Quân sự cấp cao trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu và đổi tên là Cục Khoa học quân sự. Nhiệm vụ: nghiên cứu, đề đạt với Bộ phương hướng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch công tác khoa học quân sự ngắn hạn, dài hạn, chỉ đạo và quản lý công tác khoa học quân sự toàn quân.

Cục trưởng: Thiếu tướng Đoàn Huyên.


18 tháng 12.

Quốc hội khóa VI họp kỳ thứ bảy nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 19 tháng 12 năm 1980 Chủ tịch nước ban hành lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp năm 1980 gồm: Lời nói đầu, 12 chương, 147 điều.

Chương IV: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” gồm ba điều: 50, 51 và 52 quy định trách nhiệm của toàn dân và toàn quân trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


29 tháng 12.

Bộ Quốc phòng tổng kết công tác khoa học quân sự 10 năm (1970-1980), đánh giá: công tác khoa học quân sự đã phát huy tác dụng to lớn, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đánh thắng đế quốc Mỹ.

Trong giai đoạn mới “tiếp tục xây dựng, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam cách mạng, khoa học hiện đại, có bản sắc dân tộc độc đáo, quán triệt sâu sắc đường lối và tư tưởng quân sự của Đảng, không ngừng hoàn chỉnh lý luận về chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, nhằm bảo vệ vững chắc và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”... “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học quân sự, củng cố hệ thống cơ quan chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các hoạt động khoa học quân sự”. Trong 5 năm (1981-1985), phải hoàn thành tổng kết kinh nghiệm đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng của quân và dân ta trong 35 năm qua; biên soạn lịch sử quân đội và lịch sử chiến tranh, kiện toàn và ổn định hệ thống tổ chức cơ quan khoa học quân sự chuyên ngành toàn quân.


31 tháng 12.

Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 335/NQ-TƯ) về phương hướng nhiệm vụ công tác khoa học quân sự trong giai đoạn mới và trong 5 năm (1981-1985) thực hiện nghị quyết 27 của Bộ Chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2022, 09:31:30 am »


NĂM 1981


19 tháng 1.

Bộ Quốc phòng ban hành điều lệ công tác văn thư (quyết định số 15/QĐ-QP), gồm 5 chương, 11 mục, 51 điều và 18 bản phụ lục.


21 tháng 1.

Giải thể Cục Sản xuất thuộc Tổng cục Hậu cần, thành lập phòng sản xuất nông nghiệp thuộc Cục Quân lương có nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý công tác sản xuất và chăn nuôi trong quân đội (quyết định số 12/QĐ-QP).


Tháng 1.

- Binh đoàn Trường Sơn hoàn thành xây dựng đường 297 dài 980 ki-lô-mét, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc.

- Bộ Quốc phòng mở hội nghị tổng kết hai năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”. 71 đơn vị được thưởng Huân chương Chiến công, 49 đơn vị được nhận cờ thưởng.


9 tháng 2.

Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị (số 105/CT-TƯ) tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân” trong hai năm 1984-1985 với những yêu cầu mới:

1. Ý chí mạnh, trách nhiệm cao, kỷ luật nghiêm, đoàn kết tốt.

2. Nâng cao ý thức và năng lực làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất.

3. Nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy, quản lý, xây dựng cơ sở vững mạnh.

4. Đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế tốt.

5. Tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.


21 tháng 2.

- Bộ Tổng Tham mưu ban hành Điều lệnh kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam (dự thảo) gồm 5 chương, 10 mục, 77 điều và 8 phụ lục, quy định nguyên tắc chung; khen thưởng; xử phạt (những trường hợp đặc biệt và đối với lực lượng ngoài quân đội thường trực; khiếu nại, tố cáo, phát hiện...)

- Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 50/QĐ-QP) đổi tên cơ quan quân pháp các cấp trong quân đội thành cơ quan điều tra hình sự; có nhiệm vụ điều tra những hành động phạm tội hình sự, kể cả tội phản cách mạnh, thuộc quyền xét xử của tòa án quân sự theo đúng pháp luật, các nguyên tắc, thủ tục của Nhà nước.


Tháng 2.

Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị khoa học quân sự toàn quân lần thứ hai, bàn biện pháp thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương về công tác khoa học quân sự trong giai đoạn 1981-1985.


Tháng 3.

- Hội nghị xuất bản toàn quân lần thứ nhất
do Bộ Quốc phòng triệu tập, quán triệt nghị quyết 430 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường và cải tiến công tác xuất bản và in trong quân đội.

- Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Trị - Thiên nêu lên nhiều kinh nghiệm về vận dụng, kết hợp giữa hai phương thức tác chiến chiến lược: chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh chính quy hiện đại, về tổ chức chỉ đạo, chỉ huy và mối quan hệ giữa tiền tuyến với hậu phương...


20 tháng 4.

Bộ Chính trị ra nghị quyết “Về chính sách khoa học và kỹ thuật" gồm 7 phần. Phần II xác định: “Chính sách khoa học và kỹ thuật nước ta cần hướng mọi hoạt động vào nhiệm vụ thiết thực phục vụ phát triển sản xuất, ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước”.


26 tháng 4.

Bầu cử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII. Trong số 496 đại biểu trúng cử có 49 quân nhân.


Tháng 4.

Bộ Tổng Tham mưu báo cáo về tình hình quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế 5 năm (1976-1980): tham gia xây dựng tuyến đường chiến lược, các vùng chuyên canh lớn về lúa và cây công nghiệp, các vùng lâm nghiệp lớn, xây dựng cơ bản, đánh bắt hải sản, giúp bạn Lào... Tổng giá trị sản lượng thu được là 1.646.000 đồng.

Trong 5 năm (1981-1985), quân đội cùng các ngành của Nhà nước tiếp tục xây dựng bốn vùng chuyên canh lớn về nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt hải sản, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển ngành dầu khí, khai khoáng, điện, xây dựng các tuyến đường chiến lược, dịch vụ hàng không và giúp bạn Lào, Cam-pu-chia.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2022, 09:32:35 am »


Đầu tháng 5.

Bộ Quốc phòng mở hội nghị biên phòng toàn quân lần thứ nhất
, biểu dương Bộ đội Biên phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi. Nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng trong thời gian tới là xây dựng thành một lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, chính quy, hiện đại, cùng với nhân dân địa phương và các lực lượng vũ trang khác bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong tình huống chiến tranh.

Ngày 26 tháng 5, Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị (số 85/CT-TM), “chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy đối với Bộ đội Biên phòng”.


14 tháng 5.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chính sách ưu tiên đối với quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ.


20 tháng 5.

Bộ Quốc phòng ban hành quy chế về ngày truyền thống và các hoạt động nhân ngày truyền thống Quân đội, của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, để thực hiện thống nhất trong toàn quân (quyết định số 164/QĐ-QP).


28 tháng 5.

Thành lập Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
thuộc Bộ Quốc phòng (quyết định số 172/QĐ-QP) trên cơ sở Ban tổng kết lịch sử (Cục Khoa học quân sự), Phân viên Lịch sử quân sự (Học viện Quân sự cấp cao) và Ban nghiên cứu lịch sử quân đội (Tổng cục Chính trị). Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là cơ quan trung tâm đầu ngành khoa học lịch sử quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Viện trưởng: Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng.


25-6 đến 4-7.

Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ nhất bầu:

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Trường Chinh.

Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Hữu Thọ.

Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng: Phạm Văn Đồng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Chủ tịch Hội đồng quốc phòng: Trường Chinh; Phó chủ tịch: Phạm Văn Đồng; các ủy viên: Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu.


23 tháng 7.

Liên Bộ Quốc phòng - Nội vụ ra chỉ thị (số 02/CT-LB) tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chỉ thị 01 của Liên Bộ Quốc phòng - Nội vụ về nâng cao trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng quân đội và công an nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự.


3 - 4 tháng 8.

Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham rnưu) mở hội nghị địa hình quân sự toàn quân, đánh giá hoạt động của ngành trong 5 năm (1976-1980) và bàn phương hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến, đẩy nhanh việc sản xuất các loại bản đồ phục vụ yêu cầu quốc phòng và xây dựng kinh tế.


8 tháng 8.

Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định (số 21-HĐBT) bổ sung một số điểm về chế độ nghỉ hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động đối với công nhân, nhân viên nhà nước và quân nhân.

Quyết định gồm 12 điều quy định độ tuổi, thời gian công tác, mức trợ cấp... Điều 6 quy định: “quân nhân khi về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động, ngoài các chế độ hiện hành, hàng tháng được hưởng một khoản trợ cấp bằng 10 đến 20 phần trăm lương chính trước khi về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động (nếu là sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp) hoặc bằng 5 đồng (nếu là hạ sĩ quan và chiến sĩ). Thời gian được hưởng khoản trợ cấp này bằng một nửa thời gian phục vụ trong quân đội của mỗi người...”.


23 tháng 8.

- Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị “Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng nhân dân chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc". Mục tiêu giáo dục là:

1. Tạo ra một lực lượng hậu bị hùng hậu vừa có khả năng sẵn sàng chiến đấu tại chỗ vừa nhanh chóng bổ sung cho quân đội chính quy khi cần thiết.

2. Rút ngắn thời gian huấn luyện của bộ đội chủ lực, nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu.

3. Giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật, sĩ quan dự bị cho các lực lượng vũ trang, tạo nguồn nhân viên kỹ thuật cho các ngành kỹ thuật, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài đất nước.

- Hội đồng Nhà nước công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 21 đơn vị và 6 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2022, 09:34:08 am »


5 - 10 tháng 9.

Đoàn đại biểu quân sự nước ta do Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu sang thăm và dự cuộc tập trận của quân đội và hải quân Liên Xô.


17 tháng 9.

Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị (số 150/CT) yêu cầu tất cả các ngành, các cấp phải bảo đảm cung cấp, phục vụ tốt đời sống cho các lực lượng vũ trang, một việc làm có tầm quan trọng đặc biệt và có tính cấp bách.


25 tháng 9.

Bộ Quốc phòng quyết định đặt phiên hiệu quân sự cho Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam là Binh đoàn Không quân vận tải 909


29 tháng 9.

Hội đồng bộ trưởng ban hành “Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích chống Mỹ cứu nước”, gồm 11 điều, quy định đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục đề nghị khen thưởng và điều khoản thi thành.


6 - 8 tháng 10.

Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị cán bộ chủ trì toàn quân về tăng cường kỷ luật, nâng cao đời sống bộ đội. Hội nghị quán triệt chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Quốc phòng về tích cực chăm lo, bảo đảm và tổ chức tốt đời sống cho bộ đội; đánh giá tình hình kỷ luật của quân đội, tìm nguyên nhân và những biện pháp khắc phục mặt yếu kém của từng đơn vị và người lãnh đạo chỉ huy.


22 tháng 10.

Ban hành Điều lệnh đóng quân và canh phòng, Điều lệnh đội ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam (quyết định số 938 và 984/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng).

- Điều lệnh đóng quân và canh phòng có 8 chương, 154 điều và 8 phụ lục, gồm những quy định chung về đóng quân và canh phòng; nhiệm vụ, chức trách của chỉ huy trưởng khu vực đóng quân và những cán bộ giúp việc; công tác kiểm soát quân sự; công tác phục vụ nghi lễ và hoạt động xã hội tại khu vực đóng quân; những quy định chung về canh phòng; chức trách và quyền hạn của các thành phần trong đội canh phòng; quy tắc hoạt động của đội canh phòng; đặc điểm công tác canh phòng khi chuyển hàng và chuyển quân.

- Điều lệnh đội ngũ có 6 chương, 27 mục, 323 điều và 4 phụ lục, gồm những quy định cụ thể của đội ngũ từng người, đội ngũ đơn vị, đội ngũ xe cơ giới, duyệt đội ngũ và đội ngũ tổ Quân kỳ.


21 tháng 10.

Thành lập Ban chỉ đạo Giáo dục quốc phòng nhân dân các cấp.

Thượng tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ tịch.


15 - 16 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định:

- Thành lập Học viện Kỹ thuật quân sự trên cơ sở Trường đại học Kỹ thuật quân sự thuộc Tổng cục Kỹ thuật; Học viện Quân y trên cơ sở Trường đại học Quân y; Trường đại học Ngoại ngữ quân sự trên cơ sở Trường cao đẳng Ngoại ngữ quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.

- Đổi tên Học viện Chính trị thành Học viện Chính trị - Quân sự; Học viện Quân sự thành Học viện Lục quân; Học viện Quân sự cao cấp thành Học viện Quân sự cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng; Trường sĩ quan Chính trị thành Trường sĩ quan Chính trị - Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng; Trường sĩ quan Công binh thành Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh; Trường sĩ quan Thông tin thành Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc.

- Chuyển Học viện Hậu cần (Tổng cục Hậu cần), Trường sĩ quan Lục quân 2 (Quân khu 7), Trường sĩ quan lục quân 3 (Quân khu 5) và Trường sĩ quan Tài chính (Cục Tài vụ) trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2022, 04:05:29 pm »


NĂM 1982


10 tháng 1.

Hội đồng Nhà nước công bố Luật nghĩa vụ quân sự và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, thay cho Luật nghĩa vụ quân sự năm 1960, các luật sửa đổi, bổ sung năm 1962, 1965 và luật về chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân năm 1958. Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 1981 đã thông qua hai đạo luật này.

- Luật nghĩa vụ quân sự có 11 chương, 4 mục, 73 điều, gồm:

Chương I: Những quy định chung; chương II: Việc phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ; chương III: Việc chuẩn bị cho thanh niên phục vụ tại ngũ; chương IV: Việc nhập ngũ và xuất ngũ; chương V: Việc phục vụ của hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị; chương VI: Việc phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp; chương VII: Nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị; chương VIII: Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự; chương IX: Việc nhập ngũ theo lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, việc xuất ngũ theo lệnh động viên; chương X: Việc xử lý các vi phạm; chương XI: Điều khoản cuối cùng.

- Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có 5 chương, 45 điều gồm: chương I: Những quy định chung; chương II: Quân hàm và chức vụ của sĩ quan; chương III: sĩ quan dự bị; chương IV: Nghĩa vụ và quyền lợi của sĩ quan; chương V: Điều khoản cuối cùng.

Luật nghĩa vụ quân sự và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được ban hành nhằm phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam làm tròn nghĩa vụ quân sự, góp phần xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại, tăng cường quốc phòng, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định trách nhiệm, nâng cao ý chí chiến đấu, tính tổ chức và kỷ luật của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.


15 - 19 tháng 1.

Đại hội đại biểu đảng bộ toàn quân
. 422 đại biểu (382 cán bộ cao cấp, 27 Anh hùng) dự đại hội. Đại hội đã thảo luận, nhất trí với nội dung các văn kiện sẽ được trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V; đóng góp ý kiến làm sáng tỏ thêm nhận định của Trung ương Đảng về tình hình đất nước những năm qua và bàn biện pháp khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cấp bách trong xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Đại hội bầu 93 đại biểu dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.


18 tháng 1.

Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách trắng: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - lãnh thổ của Việt Nam”.


30 tháng 1.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 36/NQ-QƯ) về công tác nhà trường quân đội trong 5 năm (1981-1985), thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thường trực và dự bị, đáp ứng số lượng và chất lượng, góp phần quyết định vào việc xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị trên, từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1982. Bộ Quốc phòng đã ra các chỉ thị về tổ chức và nhiệm vụ của Học viện Quân sự cấp cao, Học viện Lục quân, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y, Học viện Chính trị - Quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường đại học Ngoại ngữ quân sự; quyết định chấn chỉnh các trường sĩ quan trong quân đội; duy trì hệ thống các trường bổ túc cán bộ ở các quân khu, quân đoàn, binh đoàn.


10 tháng 2.

Bộ Quốc phòng chỉ thị bổ sung một số điểm về chính sách, chế độ với quân nhân, công nhân viên quốc phòng làm nghĩa vụ quốc tế.


16 tháng 2.

- Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định (số 24-HĐBT) về hệ thống các học viện, trường đại học và cao đẳng quân sự. Sáu học viện gồm: Học viện Quân sự cấp cao, Học viện Chính trị - Quân sự, Học viện Lục quân, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Hậu cần. 21 trường đại học, cao đẳng quân sự gồm: Đại học Ngoại ngữ quân sự; các Trường sĩ quan Lục quân 1, 2, 3; Trường sĩ quan Chính trị - Quân sự; Trường sĩ quan Hậu cần; Trường sĩ quan Tài chính; Trường sĩ quan Kỹ thuật; Trường sĩ quan Vũ khí đạn; Trường sĩ quan Bản đồ; Trường sĩ quan Phòng hóa; Trường sĩ quan Biên phòng; Trường sĩ quan Đặc công; Trường sĩ quan Pháo binh; Trường sĩ quan Pháo phòng không; Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật không quân; Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật hải quân; Trường sĩ quan kỹ thuật tên lửa—ra-đa; Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật tăng; Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật thông tin; Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật công binh; Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật ô tô.

- Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định (số 25/HĐBT) về công tác tuyển sinh vào các học viện, trường đại học và cao đẳng quân sự, bắt đầu thực hiện từ khóa học 1982-1983.

- Ban hành điều lệ công tác thanh tra quân đội (quyết định số 187/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng), gồm 4 chương, 25 điều, quy định vị trí nhiệm vụ công tác thanh tra; nhiệm vụ quyền hạn, quan hệ công tác của cơ quan Tổng thanh tra quân đội; tổ chức cơ quan Tổng thanh tra và thực hành thanh tra.

 
2 tháng 3.

Bộ Quốc phòng quyết định thành lập ban tuyển sinh quân sự (số 275 QP).


19 tháng 3.

Thành lập Cục Chính sách thuộc Bộ Quốc phòng
(số 348/QĐ-QP). Nhiệm vụ: giúp Bộ nghiên cứu các chế độ, chính sách của Nhà nước, của quân đội và chỉ đạo toàn quân thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành đối với quân đội, công nhân viên quốc phòng và các lực lượng vũ trang.


27 - 31 tháng 3.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam
. Đoàn đại biểu đảng bộ quân đội có 93 đồng chí. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa V gồm 116 ủy viên chính thức, 36 ủy viên dự khuyết (quân đội có 21 đồng chí). Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM