Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:21:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7404 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 01:30:54 pm »


2 tháng 8.

Bộ trưởng Quốc phòng ra quyết định (số 97/QĐ-QP) điều chình chỉ tiêu xây dựng cơ bản năm 1975 của các tổng cục và cơ quan trực thuộc Bộ.


3 tháng 8.

Thủ tướng Chính phủ ra quyết định (số 315 TTg) giao cho quân đội thực hiện một số nhiệm vụ xây dựng kinh tế trong kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980):

- Xây dựng các khu kinh tế nông nghiệp với diện tích 40 vạn héc-ta, gồm các khu chuyên canh cây công nghiệp, cây lương thực ở Hà Tiên, Đồng Tháp Mười, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Thuận Hải.

- Trồng rừng khai thác gỗ, kinh doanh tổng hợp về lâm nghiệp ở Gia Nghĩa, Kông Hà Nừng, nam Long Đại, tây Nghệ An, sông Đà, khu nguyên liệu giấy Hàm Yên - Bắc Quang, khu lâm nghiệp Hắc Xam ở miền núi Bắc Bộ.

- Làm đường sắt thống nhất từ Minh Cầm đến Tiên An, làm đường Trường Sơn, giúp Lào làm các đường số 7, 8, 9.

- Xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng ở mỏ A-pa-tít Lào Cai, khu mỏ Quảng Ninh, nhà máy thủy điện Hòa Bình, khu nhà ở Xuân Mai và Hà Nội.

- Sản xuất vật liệu xây dựng.

- Đánh bắt hải sản kết hợp với bảo vệ vùng biển, nuôi tôm xuất khẩu ở Năm Căn.

Lực lượng tham gia xây dựng kinh tế toàn quân có: Đoàn 559 và Đoàn 773 trực thuộc Bộ Quốc phòng; đoàn 331, 332, 333, 334, 352 thuộc Quân khu 5, sư đoàn 344, 345 thuộc Quân khu 2, các đơn vị xây dựng cơ bản của Tổng cục Hậu cần; các đơn vị tàu đánh cá của hải quân và một số đơn vị khác của các quân khu, quân chủng, binh chủng. Quân số làm kinh tế: 256.000 người.


25 tháng 8.

Tổng Tham mưu trưởng ra quyết định (số 286/QĐ-TM) quy định tổ chức ngành Quân pháp ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng.


27 tháng 8.

Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị (số 108/CT-TM) về việc chỉnh lý, biên soạn hệ thống tài liệu huấn luyện quân sự theo yêu cầu chuyển hướng huấn luyện sang thời bình, gồm tài liệu huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật đến cấp sư đoàn; công tác tham mưu, điều lệnh, các ngành, quân chủng, binh chủng, thể dục thể thao; tài liệu sư phạm huấn luyện và tài liệu về địch.


29 tháng 8.

Khánh thành lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (khởi công ngày 2-9-1973). Nhiều đơn vị quân đội vinh dự tham gia công trình có ý nghĩa này. Sau lễ khánh thành, tiểu đoàn 275 (thuộc trung đoàn 144), tiếp đó là Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bộ Tư lệnh 969) được giao nhiệm vụ bảo vệ và tham gia quản lý công trình.


Tháng 8.

Bộ Tổng Tham mưu mở lớp bồi dưỡng công tác xây dựng lực lượng dự bị, động viên tuyển quân và phổ biến nhiệm vụ trước mắt của công tác quân sự địa phương, nhằm tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng nền nếp thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, làm cơ sở đẩy mạnh công tác quân sự địa phương.


2 tháng 9.

Duyệt binh mừng Quốc khánh lần thứ 30 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, đọc nhật lệnh.


10 tháng 9.

Thủ tướng Chính phủ ra thông tư (số 297/TTg) hướng dẫn việc khen thưởng gia đình quân nhân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; lấy ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày kết thúc cuộc kháng chiến để tính khen thưởng; giải quyết sớm việc xác định liệt sĩ, tử sĩ, từ trần, mất tích, việc báo tử, thông báo quân nhân nhập ngũ cho xã, khu phố, góp phần tích cực giải quyết hậu quả chiến tranh.


12 tháng 9.

Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 59 đơn vị và 6 cán bộ, chiến sĩ đã lập nhiều thành tích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.


13 tháng 9.

Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 114/QĐ-QP) tổ chức các đơn vị phòng thủ đảo thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ từng đảo mà bố trí lực lượng cho phù hợp.


18 tháng 9.

Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị quản lý, bảo quản công trình chiến đấu.


21 tháng 9.

Thay đổi phù hiệu của Binh chủng Thiết giáp (quyết định số 300/QĐ-TM của Bộ Tổng Tham mưu):

Cán bộ cấp tướng mang phù hiệu hình xe tăng mạ màu vàng, cán bộ cấp tá trở xuống hạ sĩ quan, chiến sĩ mang phù hiệu hình xe tăng màu trắng.


29 tháng 9.

Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam ra nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh trong giai đoạn mới là: “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta..., bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất... Các lực lượng vũ trang, kể cả các đơn vị thường trực, phải tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự đối với tất cả trai tráng và chế độ quân đội tham gia xây dựng kinh tế... Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng hùng hậu, có lực lượng thường trực mạnh, lực lượng hậu bị to lớn, có quân đội nhân dân chính quy hiện đại, có lực lượng dân quân, tự vệ rộng khắp và vững chắc”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 01:31:25 pm »


10 tháng 10.

Thành lập Trường sĩ quan Lục quân 2
(trên cơ sở trường Lục quân tổng hợp trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền trong kháng chiến chống Mỹ) tại Long Thành, Đồng Nai.

Chính ủy: Thiếu tướng Dương Cự Tẩm.
Hiệu trưởng: đại tá Mạnh Quân.


13-18 tháng 10.

Quân ủy Trung ương mở Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, quán triệt nghị quyết lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và ra chỉ thị (số 238/QUTƯ) về sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết 24 và nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình nhiệm vụ quân sự.


30 tháng 10.

Bộ Tổng Tham mưu ra các quyết định (từ số 319-322/QĐ-TM) điều động một số đơn vị thuộc các Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Tả Ngạn, Quân khu 4 và sư đoàn 338 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế.


1 tháng 11.

Bộ Quốc phòng ra các quyết định (từ số 163-175/QĐ-QP) thành lập và hợp nhất một số tỉnh đội, huyện đội phía nam thành bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố thuộc các Quân khu 5, 7 và 9 theo đơn vị hành chính mới.


5 tháng 11.

Tách Cục Hàng không dân dụng thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng (quyết định số 146-QĐ-QP của Bộ trưởng Quốc phòng).

Ngày 12 tháng 1 năm 1976. Cục Hàng không dân dụng đổi thành Tổng cục Hàng không dân dụng và chuyển sang trực thuộc Hội đồng Chính phủ.


10 tháng 12.

- Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 265/QUTƯ) về “Nhiệm vụ quân đội tham gia xây dựng kinh tế”, góp phần xây dựng đất nước, giảm nhẹ ngân sách quốc phòng, tạo điều kiện xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân; rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có trình độ khoa học kỹ thuật, biết làm kinh tế và quản lý kinh tế, vừa là người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, vừa là người lao động sản xuất giỏi.

Lực lượng tham gia xây dựng kinh tế gồm các đơn vị thường trực, các xí nghiệp quốc phòng, các đơn vị sản xuất chuyên nghiệp.

- Thường vụ Quân ủy Trung ương ra chỉ thị (số 266/QUTƯ) về nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong quân đội. Chỉ thị đánh giá những mặt ưu điểm, khuyết điểm, phân tích nguyên nhân của một số biểu hiện vi phạm trong chấp hành kỷ luật, trong việc xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, việc giảm quân số, việc quân đội tham gia xây dựng kinh tế. Chỉ thị nêu rõ: cần tăng cường giáo dục và quản lý chặt chẽ hơn nữa việc chấp hành kỷ luật của bộ đội, có biện pháp hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng đơn vị, từng đối tượng, tránh chủ quan đơn giản trong tổ chức biên chế và giảm quân số, quán triệt sâu sắc một trong hai nhiệm vụ chiến lược của quân đội hiện nay là tham gia xây dựng kinh tế.


13 tháng 12.

Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động Phong trào thi đua quyết thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn mới.


16-12-1975 đến 21-1-1976.

Đoàn đại biểu quân sự nước ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức các nước: Cộng hòa Cu Ba, Cộng hòa An-giê-ri, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.


Cuối tháng 12.

Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố bãi bỏ lệnh động viên cục bộ (ban hành ngày 21-4-1965); thực hiện tuyển quân thời bình và chuẩn bị động viên thời chiến, sửa đổi và bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự (ban hành ngày 10-4-1965).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 01:32:51 pm »


NĂM 1976


4 tháng 1.

Quân ủy Trung ương ra chỉ thị thu hồi, bảo quản và tổng kiểm kê trang bị kỹ thuật, vật tư trong quân đội.


14 tháng 1.

Thành lập Trường sĩ quan Chính trị - Quân sự
(quyết định số 18/QĐ-QP của Bộ trưởng Quốc phòng). Nhiệm vụ: đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội có đủ phẩm chất và năng lực công tác đảng - công tác chính trị.

Hiệu trưởng: đại tá Lê Văn Nhiễu.


15 tháng 1.

Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ công hòa công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 54 đơn vị và 42 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


21 tháng 1.

Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định kết thúc nhiệm vụ, bàn giao việc quản lý thành phố cho Ủy ban nhân dân thành phố.


6 tháng 2.

Quân khu 4 và Quân khu Trị-Thiên hợp nhất thành Quân khu 4 gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Tư lệnh: Thiếu tướng Đàm Quang Trung.
Chính ủy: Thiếu tướng Lê Tự Đồng.


21 tháng 2.

Thành lập Học viện Quân sự cao cấp
. Nhiệm vụ: đào tạo, bổ túc cán bộ cao cấp của các lực lượng vũ trang, giúp bạn bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự, tham gia nghiên cứu khoa học quân sự.

Giám đốc: Trung tướng Lê Trọng Tấn.

Ngày 3 tháng 1 năm 1977, Học viên khai giảng khóa đầu tiên bổ túc cán bộ cao cấp.


22 tháng 2.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn mở đại hội mừng công kết thúc nhiệm vụ chi viện chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuyển sang nhiệm vụ mới: tham gia sản xuất xây dựng đất nước, xây dựng quân đội và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


24 tháng 2.

Hội nghị hậu cần toàn quân, quán triệt chỉ thị của Quân ủy Trung ương về quản lý vật tư, tài sản, chiến lợi phẩm; đánh giá thành tích của ngành trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bàn phương hướng công tác hậu cần 5 năm (1976-1980).


24 - 27 tháng 3.

Hội nghị văn hóa văn nghệ toàn quân, tổng kết những đóng góp của ngành đối với nền văn học nghệ thuật trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bàn kế hoạch công tác văn hóa văn nghệ 5 năm (1976-1980).


31 tháng 3.

Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế:

1. Xây dựng vùng kinh tế mới, kết hợp kinh tế - quốc phòng.

2. Xây dựng cơ bản.

3. Đánh cá, khai thác hải sản kết hợp bảo vệ vùng biển và hải đảo.

4. Sản xuất và xây dựng quốc phòng cho quân đội và nhân dân

5. Giúp bạn xây dựng các công trình kinh tế và quốc phòng.

Ngày 19 tháng 4 năm 1976, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị cán bộ trung, cao cấp toàn quân nghiên cứu, quán triệt nội dung nghị quyết về quân đội làm nhiệm vụ kinh tế.


Tháng 3.

- Tổng cục Chính trị ra chỉ thị Xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh trong tình hình mới.

- Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục tổ chức hội nghị về tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng, huấn luyện quân sự trong các trường phổ thông và sư phạm. Công tác giáo dục ý thức quốc phòng và huấn luyện quân sự là một trong những nội dung đào tạo chính khóa ở nhà trường.

- Hội nghị tài chính toàn quân, tổng kết kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ và bàn công tác tài chính trong tình hình mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 01:34:10 pm »


5 tháng 4.

- Thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế
thuộc Bộ Quốc phòng (Nghị quyết 59/CP của Hội đồng Chính phủ). Nhiệm vụ: giúp Bộ Quốc phòng lập kế hoạch, chỉ đạo lực lượng tham gia xây dựng kinh tế, xây dựng các đơn vị chuyên làm kinh tế; thay mặt Bộ quan hệ các cơ quan ngoài quân đội; chấp hành các chế độ kinh doanh, hạch toán kinh tế, các chính sách của Nhà nước và quân đội.

- Hội đồng chính phủ quyết định (số 60-CP) xây dựng nghĩa trang, đài kỷ niệm, bia ghi công liệt sĩ để tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang liệt sĩ, đài kỷ niệm... phải đặt ở nơi có ý nghĩa tiêu biểu, phong cảnh đẹp, thuận tiện cho thăm viếng và phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển của địa phương.


8 tháng 4.

Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị thực hiện quy tập mộ liệt sĩ ở các chiến trường; quy định trách nhiệm, bảo đảm vật tư, ngân sách, lực lượng, biện pháp, thời gian hoàn thành và phân công: Quân đoàn 2 phụ trách quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở khu vực đường số 9, Khe Sanh và tây nam Thừa Thiên. Quân đoàn 3 phụ trách ở Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách tuyến đường Trường Sơn. Quân khu 4 phụ trách Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên và Trung Lào. Quân khu Tây Bắc phụ trách các tỉnh Bắc Lào. Việc quy tập mộ liệt sĩ sau chiến tranh là một công tác lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng.


10 tháng 4.

Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị “Về công tác báo tử và giải quyết tin tức quân nhân". Yêu cầu đối với những người được giao phụ trách công tác này là chỉ đạo các cơ quan phát huy tinh thần trách nhiệm, giải quyết nhanh chóng, kịp thời việc chuyển tin tức quân nhân tại ngũ và công tác báo tử về cho gia đình của họ.


15 tháng 4.

Thành lập trường Đại học Kỹ thuật mật mã
(chỉ thị số 239 của Ban Bí thư Trung ương Đảng). Nhiệm vụ: đào tạo, bổ túc cán bộ và sĩ quan có trình độ khoa học kỹ thuật cho ngành; giúp Lào, Cam-pu-chia đào tạo, bổ túc cán bộ về cơ yếu.

Hiệu trưởng: Võ Doãn Tiến.

Tháng 4 năm 1977, trường khai giảng khóa đầu tiên.

Ngày 1 tháng 9 năm 1978, đổi tên là Trường Cơ yếu quân đội.


25 tháng 4.

Tổng tuyển cứ bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. 492 đại biểu trúng cử, trong đó có 45 đại biểu quân đội.


25 tháng 5.

Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố chính sách 12 điểm đối với những người làm việc trong quân đội, chính quyền và các tổ chức chính trị phản động của chế độ cũ.


3 tháng 6.

Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 90 đơn vị và 13 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


16 tháng 6.

Hội đồng chính phủ quyết định (số 94-CP) thành lập Vụ Quản lý chính sách quân nhân phục viên, chuyển ngành. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm cung cấp tài liệu và số liệu cần thiết, phục vụ công tác quản lý trên.


24-6 đến 3-7.

Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ thứ nhất, quyết định đặt tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô; bầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước:

- Chủ tịch nước: Tôn Đức Thắng.
- Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trường Chinh.
- Thủ tướng Chính phủ: Phạm Văn Đồng.
- Bộ trưởng Quốc phòng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Hội đồng Quốc phòng: Tôn Đức Thắng (Chủ tịch), Phạm Văn Đồng (Phó chủ tịch) và các ủy viên: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng.


6 tháng 7.

Binh chủng Đặc công đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


7 tháng 7.

- Giải thế Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền, chấn chỉnh tổ chức các Quân khu 5, 7 và 9.

- Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 
16 tháng 7.

Binh chủng Thông tin đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


17 tháng 7.

Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Cục Hóa học thành Binh chủng Hóa học. Nhiệm vụ: giúp Bộ chỉ đạo công tác phòng chống vũ khí hóa học trong chiến tranh hóa học, hạt nhân, nghiên cứu kỹ thuật phòng chống vũ khí hóa học; đào tạo cán bộ nhân viên chuyên môn kỹ thuật về phòng chống vũ khí hóa học và hạt nhân, chỉ đạo về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ các đơn vị hóa học toàn quân.

Tư lệnh: đại tá Đặng Quân Thụy.
Chính ủy: đại tá Lê Hữu Lập.


Tháng 7.

Tổng cục Chính trị tập huấn chủ nhiệm chính trị về nghiệp vụ công tác chính trị toàn quân, thống nhất nhận thức, quan điểm nhiệm vụ công tác chính trị, chức trách cơ quan chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 01:35:04 pm »


2 tháng 8.

Quân ủy Trung ương chỉ thị “Toàn quân phải thực hiện thật tốt hai nhiệm vụ chiến lược: chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chung, nhiệm vụ chiến lược quan trọng bậc nhất; lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, xây dựng đất nước là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng”.


3 tháng 8.

Thủ tướng Chính phủ quyết định quân đội xây dựng kinh tế dưới các hình thức tổ chức:

1. Lực lượng chuyên xây dựng và sản xuất là lực lượng chính của quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế lâu dài.

2. Các xí nghiệp công nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý nhận thêm nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng dân dụng.

3. Các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu kết hợp sản xuất, xây dựng.

 
25 tháng 8.

Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định (số 266/QĐ-QP) xác định hệ thống ngành Thanh tra quân đội, tổ chức ở các cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, binh đoàn và Cục Tài vụ Bộ Quốc phòng. Hình thành hai cấp chiến dịch và chiến lược về công tác thanh tra chuyên trách.


Tháng 8.

Quân đoàn 3 phối hợp với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương mở đợt truy quét Phun-rô và các tổ chức phản động ở Tây Nguyên. Đợt hoạt động diễn ra trên phạm vi rộng và kéo dài đến đầu năm 1977. Chính quyền cách mạng, an ninh chính trị, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được bảo vệ và củng cố vững chắc.


2 tháng 9.

Quân ủy Trung ương nghiên cứu một số vấn đề chính về phương hướng nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong 5 năm (1976-1980):
giữ quân số thích hợp, triển khai quân đội làm hai nhiệm vụ chiến lược sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kinh tế, tăng cường bố trí phòng thủ, nâng cao chất lượng cán bộ, bộ đội, xây dựng nền nếp chỉ huy chặt chẽ để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu; chấn chỉnh, sắp xếp lực lượng thường trực cho phù hợp với thời bình, tăng cường xây dựng dân quân tự vệ và lực lượng hậu bị; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của quân đội, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm nơi ở, làm việc cho bộ đội.


21 tháng 9.

Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường sĩ quan Hóa học. Nhiệm vụ: đào tạo sĩ quan chỉ huy phòng hóa cấp phân đội, cán bộ, trợ lý phòng hóa cho các cơ quan đơn vị toàn quân.


27 tháng 9.

Thành lập Viện kỹ thuật Thông tin
(quyết định số 589/G3-QD của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Nhiệm vụ: nghiên cứu các đề tài kỹ thuật có liên quan, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng, bảo quản sửa chữa khí tài và các nhiệm vụ phát triển kỹ thuật lâu dài của binh chủng. Viện trưởng: trung tá Đào Sửu.


Tháng 9.

Tổng cục Hậu cần tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác lãnh đạo của Đảng trong các xí nghiệp quốc phòng.


20 tháng 10.

Quốc hội và Chủ tịch nước công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 97 đơn vị và 20 cán bộ chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân du kích đã lập nhiều thành tích xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Tháng 10.

- Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị sơ kết công tác phá gỡ bom, mìn sau chiến tranh và chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục công việc này trong năm 1977.

- Tổng cục Chính trị chỉ thị các đơn vị toàn quân tổng kết công tác đảng - công tác chính trị trong kháng chiến chống Mỹ và tiến hành đại hội đảng các cấp.


16 - 22 tháng 11.

Đại hội đại biểu đảng bộ toàn quân, thảo luận và đóng góp ý kiến vào đề cương Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo điều lệ (sửa đổi) và bầu 118 đồng chí thay mặt đảng bộ quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.


14 - 20 tháng 12.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư Đảng cộng sản Việt Nam
tại Hà Nội. Đại hội lần thứ IV của Đảng là cột mốc quan trọng trên con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam. Đây là đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Đại hội tuyên dương thành tích của cán bộ, chiến sĩ ta trong mấy chục năm qua đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công oanh liệt từ trận Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh, làm rạng rỡ truyền thống quân đội, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đại hội quyết nghị: “Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, có lực lượng thường trực mạnh, lực lượng hậu bị rộng rãi và được huấn luyện tốt, có quân đội nhân dân chính quy hiện đại gồm các quân chủng, binh chủng cần thiết; có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; có lực lượng dân quân tự vệ hùng hậu”.

Ban Chấp hành Trung ương khóa IV gồm 101 ủy viên chính thức (18 ủy viên trong quân đội), 32 ủy viên dự khuyết (5 ủy viên trong quân đội). Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.


31 tháng 12.

Hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt thống nhất Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh dài 1.730 ki-lô-mét. Nhiều đơn vị quân đội tham gia công trình có ý nghĩa quan trọng này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:35:25 pm »


NĂM 1977

1 tháng 1.

Nhân dịp Tết dương lịch, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa cho các quân khu, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Quân đoàn 2, Tổng cục Xây dựng kinh tế, Tổng cục Hàng không dân dụng.


27 tháng 1.

- Thành lập Trường Thiếu sinh quân 1 tại Quân khu 3; Trường Thiếu sinh quân 2 tại Quân khu 7
(quyết định số 13/QP-QĐ của Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ: giáo dục, rèn luyện những thiếu niên là con liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ quân đội, cán bộ cách mạng, thành quân nhân ưu tú toàn diện, góp phần tạo nguồn cán bộ cho quân đội.

- Thành lập các Cục Xây dựng kinh tế (các quyết định số 08, 09 và 10/QP-QĐ của Bộ Quốc phòng) thuộc các Quân khu 5, 7, 9. Nhiệm vụ: giúp bộ tư lệnh quân khu chỉ huy, quản lý các đơn vị chuyên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế.


11 tháng 3.

Thành lập các trường quân sự địa phương (quyết định số 46/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng) thuộc bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thành phố. Nhiệm vụ: đào tạo, bổ túc cán bộ xã đội, đại đội, tiểu đoàn dân quân tự vệ; tập huấn cán bộ cơ quan quân sự huyện, giáo viên các trường phổ thông, đại học, trung học và công nhân kỹ thuật trên địa bàn; bồi dưỡng đường lối quân sự của Đảng, kiến thức quân sự của cán bộ các ngành, đoàn thể huyện, tỉnh; tham gia nghiên cứu, biên soạn tài liệu quân sự địa phương.


8-3 đến 30-4.

Đoàn đại biểu quân sự nước ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu thăm Liên bang Công hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri, Cộng hòa nhân dân Ba Lan.


Tháng 3.

Khai giảng lớp tập huấn kinh tế (khóa 2) cho cán bộ cao cấp, trung cấp quân đội; thời gian học sáu tháng.


10 tháng 4.

Khánh thành nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (khởi công từ tháng 10 năm 1975).


12 tháng 4.

Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn 384 và đoàn 386 làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế.


12 tháng 5.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

 
20 tháng 5.

Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 107/QĐ - QP) giải thể Cục Kế hoạch kinh tế quân sự thuộc Bộ Tổng Tham mưu; thành lập phòng kế hoạch kinh tế quốc phòng và phòng thống kê thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng.


30 tháng 5.

Căn cứ sắc lệnh (số 34/LCT ngày 16-5-1977) của Chủ tịch nước và nghị quyết (số 84/QUTƯ ngày 13-5-1977) của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tách Quân chủng Phòng không - Không quân thành hai quân chủng, Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 114-QĐ-QP) thành lập Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân.

Tư lệnh Quân chủng Phòng không: đại tá Hoàng Văn Khánh.
Chính ủy: đại tá Nguyễn Xuân Mậu.

Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng Không quân: đại tá Đào Đình Luyện.


2 - 20 tháng 6.

Đoàn đại biểu quân sự nước ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.


2 - 5 tháng 6.

Tiếp tục đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Pa-ri về những vấn đề tồn tại sau chiến tranh. Phía Việt Nam đưa ra một giải pháp toàn bộ gồm: tìm kiếm những người Mỹ mất tích ở Việt Nam; Hoa Kỳ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam; bình thường hóa quan hệ hai nước.


16 tháng 6.

Bộ Quốc phòng báo cáo Hội đồng chính phủ kế hoạch xây dựng kinh tế của quân đội từ 1976 - 1980.


20 tháng 6.

Bộ Quốc phòng quyết định thành lập ba trường trung cấp: xây dựng, cầu đường và quản lý kinh tế (tương đương cấp trung đoàn) thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:43:01 pm »


18 tháng 7.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác tại Viêng Chăn, trong đó có các vấn đề về hoạch định biên giới quốc gia; tăng cường mối quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau về quốc phòng, an ninh.


Tháng 7.

Bế giảng khóa đào tạo giáo viên lý luận chính trị đầu tiên theo phương hướng cơ bản, toàn diện tại Học viện Chính trị.


24 tháng 8.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 177/QUTƯ) về việc vận dụng một số chính sách (tiền lương, phụ cấp, khen thưởng, nghỉ phép, y tế...) đối với lực lượng quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở miền tây, hải đảo, biên giới.


16 tháng 9.

Quân khu 7 phát động đợt truy quét các lực lượng phản động nội địa. Đợt truy quét tiến hành đến 15 tháng 1 năm 1978, phá các tổ chức phản động “mặt trận quốc gia giải phóng”, “mặt trận dân tộc tự quyết”, “mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia giải phóng”... diệt, bắt và buộc ra đầu thú 1.192 tên. Được nhân dân tham gia, giúp đỡ, các lực lượng vũ trang trên địa bàn quân khu đã phát huy chức năng đội quân công tác góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.


20 tháng 9.

Việt Nam trở thành hội viên chính thức của Liên hợp quốc.


Tháng 9.

Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân quán triệt nhiệm vụ xây dựng kinh tế 5 năm (1976-1980).


6 tháng 10.

Quân ủy Trung ương chỉ thị nâng cao chất lượng chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc vùng biên giới, bờ biển và hải đảo thuộc các quân khu phía nam


11 tháng 10.

Thành lập hai binh đoàn xây dựng kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng (quyết định số 362-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

- Binh đoàn 12 gồm hai sư đoàn (470 và 472), đoàn 387 cầu đường bộ; sư đoàn 341b cầu đường sắt, sư đoàn 473 xây dựng cơ bản nông nghiệp, hai trung đoàn cầu (95 và 509) và một số đơn vị trực thuộc, các cơ quan. Nhiệm vụ: xây dựng các công trình cầu đường, công nghiệp, lâm nghiệp, khu kinh tế mới (Tây Nguyên), kết hợp sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.

- Binh đoàn 14 gồm sư đoàn 31, đoàn 15, một sư đoàn xây dựng cơ bản nông nghiệp và một số đơn vị trực thuộc, các cơ quan. Nhiệm vụ: xây dựng cơ bản nông nghiệp, xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng (phía nam). Ngày 11 tháng 12 năm 1978, Binh đoàn 14 giải thể.


25 tháng 10.

Quân đội, Công an nhân dân vũ trang và nhân dân địa phương tổ chức hiệp đồng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.


5 tháng 11.

Bộ Quốc phòng ra quyết định (số 217/QĐ) chuyển Viện Khảo sát thiết kế thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng.


28 tháng 11.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 300/NQ-QUTƯ) về một số quy định mới trong chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, nhân viên quốc phòng, thực hiện việc bồi dưỡng trình độ, chuyển sang ngạch sĩ quan kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm đời sống cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, nhân viên quốc phòng và gia đình của họ.


14 - 16 tháng 12.

Hội nghị thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội. Nhiều đại biểu thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc về dự hội nghị như cụ Lê Văn Đại, 93 tuổi, thân sinh đồng chí Lý Tự Trọng; cụ Nguyễn Thị Lành, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có 8 con trai, 2 cháu là liệt sĩ; cụ Trần Thị Mít, tỉnh Bình - Trị - Thiên có 7 con trai là liệt sĩ; cụ Nguyễn Văn Thoàn, thân sinh anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; ông Lê Văn Phước, thân sinh nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng bày tỏ lòng biết ơn đối với các liệt sĩ, thương binh và các gia đình có thân nhân đã hy sinh vì thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.


20 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức cơ sở 2 Trường đại học Kỹ thuật quân sự tại thành phố Hồ Chí Minh.


29 tháng 12.

Bộ Quốc phòng quyết định bổ sung một số chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng.


22 tháng 12.

Đại hội thể thao quân sự toàn quân. 21 đoàn tuyển thủ của 20 đơn vị gồm 242 vận động viên nam, 47 vận động viên nữ về Quân đoàn 1 dự đại hội.

Giải nhất toàn đoàn: Trường sĩ quan Lục quân 1.


31 tháng 12.

- Bộ Quôc phòng quyết định thành lập trung đoàn hóa học đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học.

Trung đoàn trưởng: trung tá Lương Minh Hải.

- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam — Cam-pu-chia, nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam là tôn trọng chủ quyền lãnh thổ hai nước theo nguyên tắc công bằng hợp lý. Do phía Cam-pu-chia liên tục xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam ở vùng biên giới buộc phải chiến đấu tự vệ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tính mạng, và cuộc sống bình yên của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:44:22 pm »


NĂM 1978


1 tháng 1.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa cho 10 đơn vị quân đội lập thành tích xuất sắc trong huấn luyện, xây dựng kinh tế và sẵn sàng chiến đấu: lữ đoàn 299 (Quân đoàn 1), trung đoàn 101 sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), lữ đoàn 22 (Quân đoàn 4), trung đoàn 95 (Quân khu 5), tiểu đoàn 5 trung đoàn 174 (Quân khu 7), trung đoàn 2 (Quân khu 9), đoàn 919 (Tổng cục Hàng không dân dụng).


2 tháng 1.

Hội đồng Hòa Bình thế giới ra tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam— Cam-pu-chia
, ủng hộ đề nghị của Chính phủ Việt Nam về một cuộc thương lượng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.


4 tháng 1.

Đoàn Thể dục thể thao quân đội được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.


5 tháng 1.

Học viên Quân sự cấp cao bế giảng khóa bổ túc cán bộ cao cấp đầu tiên.


12 tháng 1.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra chỉ thị tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước.


24 - 27 tháng 1.

Hội nghị văn hóa văn nghệ toàn quân
, bàn việc tổ chức đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, đặc biêt là các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở biên giới và hải đảo.


Tháng 1 - tháng 3.

Quân và dân các tỉnh khu vực biên giới tây nam (An Giang, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Tháp ...) đánh đuổi quân Pôn-pốt xâm lấn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.


3 tháng 3.

Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Xây dựng kinh tế xây dựng đoạn đường số 9 từ Lao Bảo đến cầu Tà Khống.


31 tháng 3.

Bộ Tổng Tham mưu ban hành “Điều lệ công tác của ngành cơ yếu Quân đội nhân dân Việt Nam” (dự thảo), gồm 8 chương, 96 điều, quy định những nguyên tắc về nghiên cứu kỹ thuật và quản lý kỹ thuật mật mã, chức năng của cán bộ, nhân viên trong ngành.


13 tháng 4.

Hội đồng chính phủ ra quyết định (số 78-CP) bổ sung, chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh là quân nhân nhập ngũ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.


18 tháng 4.

Bộ Quốc phòng quyết định chuyển giao bệnh viện Thống Nhất thuộc Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần sang Bộ Y tế quản lý (quyết định số 45 TTg/B của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25-3-1978).


28 tháng 4.

Hội đồng Chính phủ ra quyết định (số 97-CP) xác định quân nhân chuyên nghiệp là những quân nhân có trình độ sơ cấp, trung cấp về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; phục vụ cho công tác chỉ huy, chiến đấu, bảo đảm chiến đấu và xây dựng quân đội; hưởng lương theo cấp bậc ngành nghề và tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội.

Quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp có: thượng sĩ, chuẩn úy, thiếu úy, trung úy, thượng úy, đại úy, thiếu tá và trung tá chuyên nghiệp.


5 tháng 5.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định (số 1426/NQ-NS-TW) kiện toàn Bộ Tư lệnh Quân khu 7.


Tư lệnh kiêm Chính ủy: Trung tướng Lê Đức Anh.
Phó chính ủy: Thiếu tướng Dương Cự Tẩm.
Phó tư lệnh: Thiếu tướng Đồng Văn Cống, Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa, đại tá Lương Văn Nho và đại tá Nguyễn Thới Bưng.


18 tháng 5.

Quân ủy Trung ương ra quyết định (số 43/QĐ-QUTƯ) thành lập Hội đồng Nhà trường, cơ quan giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chỉ đạo công tác nhà trường trong quân đội.

Chủ tịch hội đồng: Thượng tướng Chu Huy Mân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:46:20 pm »


20 tháng 6.

Thường trực Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 228/QUTƯ) về nhiệm vụ công tác nhà trường trong tình hình mới: “Xây dựng một hệ thống nhà trường hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng một cách chủ động về số lượng và chất lượng cán bộ, bảo đảm xây dựng thành công quân đội nhân dân chính quy, hiện đại, hùng mạnh, giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam, đối phó có hiệu quả với các hành động xâm lấn trên các hướng khác và sẵn sàng đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nếu xảy ra, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất quốc phòng và xây dựng kinh tế”.


21 tháng 6.

Thành lập Quân khu 2
gồm các tỉnh Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phú1.

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Thiếu tướng Vũ Lập.


Tháng 6.

Quân và dân các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé, An Giang, Gia Lai - Công Tum đánh lui nhiều cuộc tiến công xâm lược của quân Pôn-pốt ở biên giới tây nam.


27 tháng 7.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa IV), ra nghị quyết về tình hình nhiệm vụ mới, xác định tình trạng vừa có hòa bình vừa có chiến tranh trên một bộ phận đất nước. Nghị quyết nêu rõ: “Khẩn trương xây dựng và rèn luyện bộ đội chủ lực tinh nhuệ và cơ động; tăng cường trang bị và năng lực chỉ huy cho bộ đội địa phương, chuẩn bị lực lượng dự bị hùng hậu, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp có chất lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu cao. Ở những nơi chưa có chiến sự, quân đội phải sẵn sàng chiến đấu và tích cực làm tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Tổ chức lãnh đạo và chỉ huy thống nhất công tác quốc phòng và an ninh trên từng địa bàn huyện, tỉnh và từng mặt trận”.


2 tháng 8.

Hội đồng chính phủ ra quyết định (số 193-CP) thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nếu chưa rõ tin tức thì gia đình được hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ kể từ ngày 17 tháng 6 năm 1976. Quy định này cũng áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc vào công tác hoặc chiến đấu ở miền Nam, chưa rõ tin tức.


11 tháng 9.

Hợp nhất Học viện Quân sự cấp cao và Viện khoa học Quân sự thành Học viện Quân sự cấp cao (quyết định số 646/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng).

Nhiệm vụ:

1. Đào tạo, bổ túc, tập huấn, hướng dẫn học tại chức, học hàm thụ cho cán bộ cao cấp toàn quân.

2. Nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, xây dựng nền khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự của Việt Nam giai đoạn mới.

3. Biên soạn các tài liệu lý luận quân sự, lịch sử quân sự, các điều lệnh, điều lệ chung của quân đội.

4. Giúp Quân ủy Trung ương tổng kết kinh nghiệm chiến tranh.

5. Quản lý công tác khoa học quân sự toàn quân.

Giám đốc: Trung tướng Hoàng Minh Thảo.

Ngày 15 tháng 9, Học viện khai giảng khóa đào tạo đầu tiên.


15 tháng 9.

Cục Vật tư, Cục Quy hoạch và Cục Quản lý xây dựng cơ bản (Bộ Tổng Tham mưu) chuyển trực thuộc Bộ Quốc phòng.


19 tháng 9.

Bộ Chính trị ra nghị quyết về tổ chức Đảng và tổ chức công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam
, nêu rõ “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng đảng bộ quân đội vững mạnh. Các tổ chức đảng trong quân đội phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phát huy tinh thần trách nhiệm cá nhân


3 tháng 10.

Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định (số 29/QĐ-TƯ) đặt hệ thống trường quân sự và chuyên môn kỹ thuật trong quân đội thành một bộ phận của hệ thống các nhà trường của Nhà nước.
________________________________________________
1. Hiện nay gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2022, 01:47:03 pm »


6 tháng 11.

Quốc hội và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 262 đơn vị và 251 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, dân quân du kích đã lập thành tích xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.


10 tháng 11.

Quân và dân tỉnh Đồng Tháp đánh bại cuộc tiến công xâm lược của quân Pôn-pốt, ở vùng biên giới huyện Hồng Ngự.


28 tháng 11.

Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển nhiệm vụ, hệ thống tổ chức và cán bộ làm công tác động viên tuyển quân thuộc cơ quan động viên và dân quân các cấp sang cơ quan quân lực các cấp.


Tháng 11.

Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị mở cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”. Thời gian thực hiện từ ngày 22 tháng 12 năm 1978 đến 22 tháng 12 năm 1980. Mục đích: không ngừng nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang, phát huy bản chất truyền thống cách mạng của quân đội. Cuộc vận động thực hiện ba nội dung lớn: rèn luyện, xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu; phát huy truyền thống quân với dân một ý chí, nêu gương tốt của người quân nhân cách mạng trên mọi lĩnh vực; nêu cao tinh thần quốc tế vô sản.


Đầu tháng 12.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 5
, xúc tiến các mặt công tác chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra ở phía bắc.


11 tháng 12.

Bộ Tổng Tham mưu xác định nội dung cơ bản của vấn đề xây dựng huyện thành pháo đài quân sự bao gồm:

1. Xây dựng kế hoạch tác chiến phòng thủ cơ bản.

2. Xây dựng hệ thống làng, xã, xí nghiệp, công, nông, lâm trường chiến đấu, cụm chiến đấu liên hoàn, hệ thống điểm tựa (chốt), cụm điểm tựa, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn huyện, thị.

3. Quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân.

4. Xây dựng lực lượng dự bị đáp ứng yêu cầu thời chiến.

5. Kết hợp kinh tế với quốc phòng.

6. Kiện toàn tổ chức lãnh đạo và chỉ huy.


13 tháng 12.

Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết (số 923/NQ-QƯ) về tổ chức công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định hình thức, nguyên tắc hoạt động, quan hệ lãnh đạo chỉ dạo với đảng ủy cơ sở và thủ trưởng.


16 tháng 12.

Bộ Quốc phòng ra quyết định số 900/QP chuyển Viện kỹ thuật quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật.


27 - 29 tháng 12.

Hội nghị điều lệnh toàn quân
, quán triệt mệnh lệnh huấn luyện quân sự năm 1979 của Bộ Quốc phòng và trao đổi kinh nghiệm tổ chức và phương pháp tiến hành quản lý bộ đội chấp hành điều lệnh ở đơn vị.


28 tháng 12.

Quân ủy Trung ương chỉ thị về việc thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục trong hệ thống nhà trường quân đội. Chỉ thị nêu rõ: “Ra sức phấn đấu xây dựng một hệ thống nhà trường hoàn chỉnh đồng bộ; đưa công tác nhà trường vào thể chế chính quy. Mọi mặt công tác nhà trường đều thực hiện đúng các tiêu chuẩn chế độ Nhà nước đã quy định”.

 
Tháng 12.

Quân và dân các tỉnh phía nam đẩy mạnh phản công và tiến công đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn-pốt, Iêng-xa-ri bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây nam.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM