Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7405 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:33:14 pm »


1 tháng 4.

Thành lập trung đoàn 367 phòng không (quyết định sổ 06/QĐ của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh)
. Biên chế: sáu tiểu đoàn hỏa lực (381, 383, 385, 392, 394, 396), mỗi tiểu đoàn có ba đại đội pháo cao xạ 37 ly (12 khẩu); một đại đội súng máy 12,7 ly (12 khẩu); một tiểu đoàn xe kéo pháo, vận tải và sửa chữa; cơ quan trung đoàn bộ (tham mưu, chính trị, cung cấp).

Trung đoàn trưởng: Lê Văn Tri.
Chính trị viên: Đoàn Phụng.

Trung đoàn 367 là trung đoàn phòng không đầu tiên của quân đội ta. Ngày thành lập trung đoàn (1-4) trở thành ngày truyền thống của bộ đội phòng không.


8-4 đến 3-5.

Chiến dịch Thượng Lào.


Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Mặt trận Ít-xa-la, Bộ Tổng tư lệnh điều các Đại đoàn 308, 312, 316, 304, trung đoàn bộ binh 148, phối hợp với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, xây dựng và củng cố các căn cứ du kích, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Tham gia Bộ chỉ huy chiến dịch có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và đồng chí Thao-ma (Bí thư tỉnh Sầm Nưa). Về phía ta có Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chỉ huy trưởng), Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm chính trị), Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), Nguyễn Văn Nam (Chủ nhiệm cung cấp) và đồng chí Nguyễn Khang đặc trách công tác ở chiến trường nước bạn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư (3-4) căn dặn bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Trước sức tiến công của Liên quân Lào - Việt, quân địch bỏ chạy. Bộ đội ta chuyển sang truy kích, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Sa Lỳ (bằng một phần năm diện tích nước Lào). Căn cứ kháng chiến của cách mạng Lào được mở rộng, nối liền với vùng tự do của Việt Nam.

Thắng lợi của chiến dịch góp phần củng cố tình đoàn kết chiến đấu của quân và dân hai nước Việt - Lào.


21 tháng 4.

Bộ đội địa phương tỉnh Kiến An do Tỉnh đội trưởng Đặng Kinh chỉ huy, tập kích một số vị trí địch trong thị xã Kiến An, diệt và làm bị thương hơn 400 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.


21-31 tháng 5.

Hội nghị, cán bộ cơ sở Tổng cục Cung cấp lần thứ nhất
. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị: “Trách nhiệm của Tổng cục Cung cấp từ trên đến dưới là toàn tâm, toàn lực phục vụ bộ đội. Chớ tham ô, chớ lãng phí một đồng tiên, một bát gạo, một ngày công của nhân dân đóng góp cho bộ đội”.


Tháng 5.

- Tổng Quân ủy ra nghị quyết về chỉnh quân chính trị:
“Nhằm nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp của bộ đội, làm cho tổ chức được trong sạch và củng cố, đề cao sức chiến đấu, để bộ đội trở thành một lực lượng lớn mạnh kiên quyết ủng hộ việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ”.

- Bộ Quốc phòng quyết định:

+ Chia đoàn 99 (thu dung, an dưỡng ở Việt Bắc) thành đoàn 99 (thu dung, an dưỡng) và trung đoàn 77 (trung đoàn trưởng: Văn Giáo; chính ủy: Hùng Phong), đứng chân ở Phú Thọ, để huấn luyện, bổ sung quân.

+ Xây dựng trung đoàn 55 (trung đoàn trưởng: Chu Văn Yêm; trung đoàn phó: Hồ Sĩ Lễ, chính ủy: Nguyễn Lập, phó chính ủy: Phạm Đức Nhuận). Trung đoàn đứng chân ở Thanh Hóa để tuyển mộ, huấn luyện, bổ sung tân binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:34:56 pm »


23 tháng 6.

Tổng Quân ủy mở lớp chỉnh quân chính trị cho cán bộ trung cấp, cao cấp tại Việt Bắc
. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Mục đích chỉnh quân là làm cho quân đội ta thành một quân đội nhân dân cách mạng, quyết chiến quyết thắng”.


24 tháng 6.

Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh ra nghị quyết số 12/NĐA tăng tiêu chuẩn cung cấp cho bộ đội.



27 tháng 7.

Hội nghị xây dựng lực lượng vũ trang địa phương ở vùng tự do.



28 tháng 7 - 5 tháng 8.

Trung đoàn bộ binh 95 (Đại đoàn 325) cùng lực lượng vũ trang địa phương chống cuộc càn “Các-ma-giơ” tại vùng du kích thuộc bốn huyện Phong Điền-Quảng Điền-Triệu Phong-Hải Lăng (Quảng Trị).


Tháng 7-tháng 8.

Cán bộ sơ cấp và chiến sĩ toàn quân chỉnh quân chính trị.


17 tháng 8.

Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ban hành nghị định 14A/NĐA về tổ chức hệ thống cung cấp toàn quân
(từ tổng cục xuống đại đội chủ lực và tỉnh đội địa phương); vai trò và sự lãnh đạo của thủ trưởng quân chính đối với công tác hậu cần; quan hệ giữa các ngành quân nhu, quân y, quân khí, vận tải trong hệ thống tổ chức cung cấp.


28 tháng 8.

Ba đại đội 295, 196, 331 bộ đội địa phương tỉnh Kiến An, huyện Tiên Lãng và du kích chống cuộc càn Cơ-lốt (Claude) của hai binh đoàn cơ động và bốn tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 677 tên, phá hủy ba xe lội nước, bắn chìm hai ca-nô, bắn cháy hai máy bay. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và tặng quân và dân huyện Tiên Lãng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.


14 tháng 9.

Trường cán bộ cung cấp (thành lập trên cơ sở lớp huấn luyện cung cấp) khai giảng khóa 1. Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Hữu Dực kiêm Giám đốc. Số học viên: 62 cán bộ đào tạo từ cấp tiểu đoàn trở lên. Địa điểm: Phố Ngữ, Thái Nguyên.


18-23 tháng 9.

Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ hai
, nghiên cứu tổ chức cung cấp ở các đơn vị, bàn biện pháp kiện toàn tổ chức cung cấp, thống nhất chỉ đạo các chuyên ngành trong bộ máy cung cấp, xác định quan hệ, các vấn đề nghiệp vụ, tiêu chuẩn chế độ quân nhu, quân y...


22-9 đến 2-10.

Hai trung đoàn 50, 42 (Liên khu 3) cùng bộ đội địa phương, du kích chống cuộc càn Brô-xê của địch ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.200 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, giữ vững căn cứ du kích.


Tháng 9.

Bộ Chính trị họp bàn chủ trương tác chiến Đông-Xuân 1953-1954
, phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, quyết định đưa bộ đội chủ lực lên hướng Tây Bắc, buộc địch phải phân tán lực lượng, tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ở các chiến trường sau lưng địch.


Tháng 9 - tháng 11.

Toàn quân chỉnh huấn quân sự
. Bộ Tổng tư lệnh mở lớp tập huấn cán bộ trung cấp, cao cấp, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, bàn cách đánh cứ điểm, đánh địch đang vận động, hoặc mới chiếm lĩnh trận địa và chống càn quét. Về kỹ thuật: huấn luyện năm môn (bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, công sự và bộc phá). Về chiến thuật: huấn luyện đánh vận động, đánh công kiên quân địch trong công sự và tập đoàn cứ điểm trong điều kiện quân địch có máy bay, pháo binh và cơ giới yểm hộ cả ban ngày và ban đêm. Các liên khu từ Nam Bộ trở ra phát triển các trung đoàn chủ lực khu. Các tỉnh phát triển bộ đội địa phương và du kích.


15-10 đến 6-11.

Đại đoàn bộ binh 320 chống cuộc càn “Hải âu” (Mouetre) của sáu binh đoàn cơ động, chín tiểu đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn thiết giáp địch tại tây nam Ninh Bình, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.500 tên, đánh bại ý đồ giành lại thế chủ động trên chiến trường của Na-va.


17 tháng 10.

Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn quân trang, bổ sung một số loại mới như ba lô, khăn mặt, bi đông, thắt lưng ...


19 tháng 11.

Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triệu tập cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên phổ biến kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954
, động viên cán bộ vượt mọi khó khăn giành thắng lợi lớn nhất trong đông-xuân 1953-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: “Hướng chính là Tây Bắc, kiên quyết tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng Lai Châu và mở rộng căn cứ kháng chiến, uy hiếp Thượng Lào để phân tán địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tác chiến sau này. Lực lượng sử dụng hai đến ba đại đoàn. Hướng phụ là Trung Lào, lực lượng sử dụng hai trung đoàn. Hướng phối hợp là đồng bằng…”


Tháng 11.

Đồng chí Văn Tiến Dũng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 320 được cử làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.


6 tháng 12.

Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị “Phương án tác chiến mùa xuân năm 1954"
. Phương án gồm bốn phần: 1 - Tình hình địch và phương hướng chiến dịch. 2 - Binh lực sử dụng và thời gian tác chiến. 3 - Nhu cầu nhân lực, vật lực. 4 - Kế hoạch đường sá và vận chuyển. Phân tích tình hình địch và phương hướng chiến dịch, Tổng Quân ủy cho rằng, trong đông-xuân 1953-1954 “phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị…”. “Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, không kém Nà Sản và đường sá còn xa hơn. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp; nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”. Bộ Chính trị thông qua phương án, quyết định mở chiến dịch Điên Biên Phủ.


10 tháng 12.

Đại đoàn bộ binh 316 do Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba và Chính ủy Chu Huy Mân chỉ huy tiến đánh Lai Châu mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Trong trận Mường Pồn (12-12), chiến sĩ Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiêu diệt địch.


20 tháng 12.

Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị kế hoạch quân sự năm 1954
. Nội dung chủ yếu: 1 - Mấy nét nhận định về địch và ta. 2 - Chủ trương chiến lược và kế hoạch tác chiến. 3 - Kế hoạch xây dựng bộ đội. 4 - Vấn đề giáo dục bộ đội và cán bộ. 5 - Vấn đề đường sá và cung cấp mặt trận. 6 - Vấn đề miền Nam và Cao Miên. 7 - Vấn đề Lào. 8 - Vấn đề chấn chỉnh và tăng cường cơ quan chỉ đạo. Kế hoạch xác định: “Phương hướng chiến lược là trước hết giải phóng Tây Bắc và Tây Nguyên, uy hiếp Nam Bộ, tạo điều kiện để giải phóng Bắc Bộ”.


21-12-1953 đến 31-1-1954.

Các trung đoàn bộ binh 66 (Đại đoàn 304), 101 (Đại đoàn 325), 280 và 120 bộ đội tình nguyện và một số đơn vị binh chủng phối hợp với một bộ phận quân giải phóng Pa-thét Lào, mở chiến dịch tiến công địch ở Trung Lào, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, phối hợp với các chiến trường.

Tư lệnh: Hoàng Sâm.
Chính ủy: Trần Quý Hai.

Kết quả: đánh thiệt hại nặng bốn tiểu đoàn; giải phóng thị xã Thà Khẹt, một phần tỉnh Sa Vẳn Nạ Khệt, thị xã At Tô Pơ và toàn bộ cao nguyên Bô Lô Ven. Phát triển thắng lợi, trung đoàn 101 tiến công xuống phía nam phối hợp với quân giải phóng Ít-xa-rắc (Cam-pu-chia) giải phóng và mở rộng căn cứ ở đông bắc Cam-pu-chia.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:37:45 pm »


NĂM 1954

26 tháng 1 - 10 tháng 2.

Đại đoàn bộ binh 308 phối hợp với quân giải phóng Pa-thét Lào tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu (Thượng Lào), diệt 17 đại đội, giải phóng tỉnh Phong Sa Lỳ, uy hiếp kinh đô Luông Pha Băng, phá vỡ “con đường liên lạc chiến lược” giữa Thượng Lào với Điện Biên Phủ của địch.


27-1 đến 5 -2.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng hai trung đoàn 108, 803, bộ đội địa phương và du kích mở chiến dịch tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, phá cuộc càn Át-lăng của địch ở Phú Yên.

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Nguyễn Chánh.

Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên, giải phóng thị xã Công Tum, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn Át-lăng.


31 tháng 1.

- Bộ đội địa phương tỉnh Kiến An tập kích sân bay Đồ Sơn, phá hủy năm máy bay, đốt cháy năm triệu lít xăng dầu.

- Trung đội du kích huyện Kim Thành (Hải Dương) phục kích đoàn tàu quân sự địch tại khu vực gần ga Phạm Xá, làm đổ đầu máy và tám toa tàu, diệt 778 lính Âu - Phi, làm ngừng trệ vận chuyển của địch trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng trong bốn ngày đêm.

- Bộ Tư lệnh Phân khu Bình-Trị-Thiên sử dụng trung đoàn 101 (Đại đoàn 325), một đại đội quân tình nguyện Liên khu 5 phối hợp với một tiểu đoàn chủ lực Pa-thét Lào mở chiến dịch Hạ Lào. Trong hơn hai tháng, các đơn vị tiến công địch ở vùng cao nguyên Bô Lô Ven (Lào) và bắc Stung Treng (Cam-pu-chia), loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.000 tên, giải phóng một vùng đất rộng lớn, thực hiện phối hợp tốt với các chiến trường trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953 - 1954.


Tháng 1 - tháng 2.

Các chiến trường đẩy mạnh hoạt động theo kế hoạch tác chiến Đông-Xuân
. Ở Bắc Bộ, Đại đoàn bộ binh 320 cùng các lực lượng vũ trang Liên khu 3 diệt hàng loạt vị trí, phá vỡ phòng tuyến sông Đáy, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Ở Liên khu 4, các lực lượng vũ trang địa phương đánh giao thông địch trên đường số 1, đường số 7, bức rút nhiều vị trí, giải phóng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ở Nam Trung Bộ, các lực lượng vũ trang tập kích thị xã Hội An, Phan Thiết, bao vây bức hàng và diệt một số cứ điểm, mở rộng vùng giải phóng. Ở Nam Bộ, các tiểu đoàn chủ lực khu (302, 304, 307) và các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh (311, 410...) tiến vào vùng tạm bị địch chiếm, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích.


3 tháng 3.

Phân đội chiến đấu gồm 16 chiến sĩ do đồng chí Vũ Văn Sự chỉ huy tập kích sân bay Gia Lâm (Hà Nội), phá hủy 18 máy bay, một nhà sửa chữa máy bay, đốt cháy một kho xăng, diệt 16 tên địch.


7 tháng 3.

Phân đội chiến đấu gồm 32 chiến sĩ thuộc Khu Tả Ngạn và tỉnh đội Kiến An do các đồng chí Lê Thừa Giao, Đỗ Tất Yến chỉ huy tập kích sân bay Cát Bi (Hải Phòng), phá hủy 59 máy bay địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng phân đội Huân chương Quân công hạng nhất và danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi”.


13-3 đến 7-5.

Chiến dịch Điện Biên Phủ.


Ngày 22 tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho quân đội. Người chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp Mặt trận. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Phó tổng tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch. Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh phụ trách công tác đường sá, tiếp tế chiến dịch.

Lực lượng tham gia gồm các đại đoàn bộ binh 308 (ba trung đoàn 102, 88, 36), 312 (ba trung đoàn 141, 209, 165), 316 (hai trung đoàn 174, 98), 304 (trung đoàn 57), 351 công-pháo (các trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly, 675 sơn pháo và cối, 367 cao xạ, 151 công binh)1, các đơn vị thông tin, vận tải (16 đại đội), quân y..., số quân khoảng 55.000 người, và 260 nghìn dân công hỏa tuyến. Phương tiện và vật chất huy động gồm 628 ô tô, 11.800 thuyền, 20 nghìn xe đạp thồ và các loại xe thô sơ, hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Thời gian đầu, khi địch chưa tăng cường lực lượng và hệ thống công sự, phương châm tác chiến chiến dịch là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý, chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Các mặt công tác chuẩn bị chiến dịch chuyển theo phương châm tác chiến mới.

Ngày 11 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang”.

Ngày 13 tháng 3, Chiến dịch bắt đầu và trải qua ba đợt. Đợt một (13 - 17 tháng 3), các đại đoàn 312, 308 tiến công diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo (phân khu Bắc). Đợt hai (30 tháng 3 - 24 tháng 4), các đại đoàn 316, 308, 312 tiến công các cứ điểm phía đông (các ngọn đồi C1, E, D, A1), xây dựng trận địa bao vây, đánh lấn, chia cắt tập đoàn cứ điểm, khống chế và triệt chi viện đường không của địch. Riêng trận đánh đồi A1 gặp khó khăn, ta phải tổ chức đánh đến ba lần. Đợt ba (1-7 tháng 5), các đại đoàn 308, 312, 304, 316 đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía tây (các điểm cao 505, 505A, 511A, 311B, C2, 506, 310) và chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5, trong 55 ngày đêm, trải qua ba đợt chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên, bắt sống toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cát-xtơ-ri chỉ huy. Về đơn vị, diệt 21 tiểu đoàn (17 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh); bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng; thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30 nghìn chiếc dù, toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng.

Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Na-va của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, là chiến thắng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, môt chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.
________________________________________________
1. Quá trình chiến dịch xây dựng thêm một tiểu đoàn ĐKZ75 và một tiểu đoàn hỏa tiễn H6.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:38:27 pm »


Tháng 3 - tháng 7.

Các chiến trường đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Nam Bộ
, tiểu đoàn 302 phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia diệt một số vị trí địch, mở rộng vùng giải phóng ở các tỉnh phía đông Cam-pu-chia. Đại đội đặc công 205 tập kích kho bom Phú Thọ Hòa (Sài Gòn), thiêu hủy gần 10.000 tấn bom và thuốc nổ, 10 triệu lít xăng dầu, diệt một đại đội lính Âu - Phi. Tiểu đoàn 303 (Thủ Biên) phối hợp với bộ đội địa phương diệt một đại đội lính Com-măng-đô, thu toàn bộ vũ khí. Đại đội 65 và đại đội Lê Hồng Phong (Bến Cát) diệt một đại đội địch tại đồn Bến Tranh. Đại đội 55 và đại đội Nguyễn An Ninh (Lái Thiêu) diệt một trung đội tại đồn Cây Trắc. Đội đặc công Rừng Sác bắn chìm ba tàu chở lính Pháp trên sông Lòng Tàu (tháng 6)... Tại Trung Bộ; lực lượng vũ trang Liên khu 5 đánh bại cuộc càn Át-lăng 2 của địch. Trung đoàn 96 vận động phục kích diệt binh đoàn cơ động GM100 trên đường số 19. Tại đồng bằng Bắc Bộ, trung đoàn 42 (Liên khu 3) phục kích trên đường số 5 (Bần Yên Nhân, Hưng Yên), diệt 315 tên thuộc binh đoàn cơ động số 3. Các trung đoàn 52, 48 (Đại đoàn 320) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh hoạt động ở Nam Định, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Các tiểu đoàn 400, 353, 375 (trung đoàn 9, Đại đoàn 304) phối hợp với bộ đội địa phương và du kích hoạt động mạnh ở Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông.


Tháng 4.

Trường Bổ túc quân chính sơ cấp được chuyển thành Trường Bổ túc quân chính trung cấp
. Nhiệm vụ: bồi dưỡng cán bộ trung cấp, cao cấp.

Hiệu trưởng: Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Đại đoàn bộ binh 304.
Chính ủy: Hoàng Phương.

Địa điểm: Tân Hương, Bắc Sơn, Lạng Sơn.


8 tháng 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ:
“Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ mới đi đến những thắng lợi hoàn toàn”.


13 tháng 5.

Lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ
, được tổ chức trọng thể tại cánh đồng Mường Thanh - trung tâm tập đoàn cứ điểm của địch vừa bị tiêu diệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh chiến dịch thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ tuyên dương công trạng các đơn vị tham gia chiến dịch, các đơn vị trong toàn quân, đồng bào ở hậu phương trong cả nước đã tạo nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng”.


4-27 tháng 7.

Hội nghị quân sự Trung Giã
. Đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Đoàn đại diện Bộ Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương do Đại tá Len-nuy làm trưởng đoàn. Hội nghị bàn những vấn đề quân sự mà Hội nghị Giơ-ne-vơ và những vấn đề khác do tình hình cụ thể tại chỗ đặt ra, về trao trả tù binh, thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Việt Nam.


15-17 tháng 7.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng)
. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo về “Tình hình mới và nhiệm vụ mới” đề ra “…Phương châm, sách lược đấu tranh của ta trong giai đoạn mới là chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp, dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hòa bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”. Hội nghị quyết định “Tăng cường lực lượng quân sự, xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, thích hợp với yều cầu của tình hình mới”.


21 tháng 7.

Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương kết thúc
. Các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào; quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương. “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía bắc giới tuyến, lực lượng quân đội “Liên hiệp Pháp” ở phía nam giới tuyến. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ. Thời gian tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam được ấn định vào tháng 7 năm 1956.


Ngày 22 tháng 7.

Vào lúc 0 giờ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam
. Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Lịch sử quân đội chuyển sang một giai đoạn mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 03:05:33 pm »


II

THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)



NĂM 1954

Cuối tháng 7.

Lực lượng vũ trang trên cả nước nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngừng bắn
. Ở Bắc Bộ, các đơn vị chuẩn bị tiếp quản các thành phố, thị xã, vùng nông thôn mới giải phóng. Ở Nam Bộ và Liên khu 5, các đơn vị vũ trang tập trung tập kết ra miền Bắc. Một số cán bộ quân sự được Đảng phân công ở lại. Các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào, Cam-pu-chia hoàn thành nhiệm vụ quốc tế rút về nước. Toàn quân chuyển từ thời chiến sang xây dựng và sẵn sàng chiến đấu trong thời bình.


17 tháng 8.

Thành lập Phòng Công binh
(nghị định số 026 của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ: giúp Tổng tham mưu trưởng chỉ huy và xây dựng các đơn vị công binh, nghiên cứu kế hoạch và lãnh đạo các đơn vị công binh huấn luyện về kỹ thuật, đặt kế hoạch dự trù cung cấp, đảm bảo phân phối dụng cụ cho các đơn vị công binh, nghiên cứu về biên chế, tổ chức, trang bị, điều động và đề bạt cán bộ công binh.

Chủ nhiệm: Phạm Hoàng.
Phó chủ nhiệm: Nguyễn Văn Nhạn.


24 tháng 8.

Thành lập hai thủy đội: Sông Lô, Bạch Đằng
. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng tới dự. Đại tướng nói: “Hai thủy đội này là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tầu chiến đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này...”.


5-7 tháng 9.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về “Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”.


Nghị quyết xác định: “Quân đội nhân dân là cột trụ chủ yếu nhất, chắc chắn nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình..., tăng cường Quân đội nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, Chính phủ và của toàn thể nhân dân ta. Cần phải xây dựng Quân đội nhân dân thành một quân đội cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại. Xây dựng Quân đội nhân dân là một nhiệm vụ trường kỳ và phức tạp, trong đó công tác quan trọng nhất và thường xuyên nhất là huấn luyện bộ đội, đặc biệt là huấn luyện cán bộ. Cần phải đặt kế hoạch huấn luyện cán bộ và kế hoạch huấn luyện cho quân đội cho thiết thực”.


7 tháng 9.

Thành lập Bộ Chỉ huy Pháo binh
(nghị định số 33-NĐA của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Nhiệm vụ:

- Chỉ huy các đơn vị trọng pháo, dã pháo và pháo cao xạ của Bộ, chỉ đạo về huấn luyện, tổ chức trang bị các đơn vị sơn pháo và pháo cao xạ cho các đại đoàn bộ binh.

- Nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và lãnh đạo việc giáo dục các đơn vị pháo binh.

- Dự trù, phân phối, bảo quản các vũ khí, khí tài và các phương tiện cần thiết.

- Nghiên cứu đề đạt ý kiến về tổ chức, biên chế, trang bị và sử dụng các đơn vị pháo binh, bổ nhiệm và đào tạo cán bộ pháo binh.

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Nguyễn Chánh.
Tham mưu trưởng: Lê Thiết Hùng.
Chủ nhiệm Chính trị: Phạm Ngọc Mậu.

 
16 tháng 9.

Thành lập hai đại đoàn pháo binh 675 và 349
(nghị định số 30 và 32/NĐA của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Chỉ huy Pháo binh.

- Đại đoàn 675 gồm hai trung đoàn 82 và 84 pháo chống tăng, trung đoàn 86 pháo lựu 105 ly.

Đại đoàn trưởng: Doãn Tuế.
Chính ủy: Đoàn Khuê.

- Đại đoàn 349 pháo lựu 105 ly gồm năm trung đoàn (4,5,6,34,44), nòng cốt là trung đoàn 349 Quân khu Việt Bắc, tiểu đoàn 460 pháo binh, một số đại đội bộ đội địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các trung đoàn 34,39,52 bộ đội miền Nam tập kết.

Đại đoàn trưởng: Phùng Thế Tài.
Chính ủy: Lê Đình Thiệp.


18 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại biểu cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 tại đền Hùng
(xã Hi Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú), trên đường đại đoàn về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Bác giao nhiệm vụ: Tiếp quản Thủ đô phải thận trọng, chu đáo; tổ chức và kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ và chiến sĩ ta còn có những nhận thức và việc làm sơ hở thiếu sót; phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều.

Bác căn dặn những khuyết điểm cần phải tránh: thiếu tổ chức kỷ luật, ví dụ: như ăn ở, đi lại, mua bán..., xa xỉ ăn diện, tự do bắt chước lối sống không tốt. Vì những lý do trên dễ sinh ra tham ô hư hỏng. Muốn tránh khuyết điểm phải có dân chủ, phải thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, phê bình và tự phê bình, phải giữ tác phong giản dị, chất phác của người cách mạng.

Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng. Cáo cháu đã thấy: CÁC VUA HÙNG ĐÃ CÓ CÔNG DỰNG NƯỚC, BÁC CHÁU TA PHẢI CÙNG NHAU GIỮ LẤY NƯỚC.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 03:06:33 pm »


21 tháng 9.

- Thành lập Đại đoàn pháo cao xạ 367
(nghị định số 34/NĐA của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Chỉ huy Pháo binh, nòng cốt là trung đoàn pháo cao xạ 367 và một số tiểu đoàn súng máy cao xạ của các đại đoàn bộ binh. Biên chế: ba trung đoàn (681,685,689) và một số tiểu đoàn độc lập, trang bị pháo cao xạ 88, 40, 37 và 20 ly.

Đại đoàn trưởng: Hoàng Kiện.
Chính ủy: Đoàn Phụng.

- Thành lập Đại đoàn (sau đổi là Sư đoàn) bộ binh 350 (nghị định, số 35/NĐA của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Tổng tư lệnh, nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực và bộ đội địa phương thuộc Liên khu Việt Bắc và Liên khu 3. Nhiệm vụ: bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và thủ đô Hà Nội. Biên chế ba trung đoàn (600,254,53).

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Hà Kế Tấn.


10 tháng 10.

Đại đoàn 308, trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) và các lực lượng vũ trang địa phương tiếp quản Hà Nội
. Nhân dân Thủ đô phấn khởi chào đón “Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó có các chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô về giải phóng thành phố. 15 giờ, Anh hùng Nguyễn Quốc Trị kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ thành Thăng Long. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân chính đọc thư Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn quân và dân Hà Nội phấn đấu xây dựng “thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và hạnh phúc”.


15 tháng 11.

Thành lập Trường Tập huấn pháo binh
(Đội huấn luyện 351, theo nghị định số 39/NĐA của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Chỉ huy Pháo binh. Nhiệm vụ: bồi dưỡng kỹ thuật, chiến thuật pháo binh, huấn luyện động tác yếu lĩnh cơ bản để chuyển binh chủng cho cán bộ pháo binh mặt đất và pháo cao xạ.

Giám đốc: Lê Thiết Hùng.
Chính ủy: Nguyễn Nam Thắng.


20 tháng 11.

Thành lập sư đoàn bộ binh 305
(quyết định số 47/NĐA của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực ở chiến trường Bắc Tây Nguyên và Trung Trung Bộ vừa tập kết ra miền Bắc.


20 tháng 12.

Toàn quân bước vào huấn luyện quân sự chính quy trong thời bình.


22 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho quân đội, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập
. Bác giao nhiệm vụ: “Làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc... giữ vững và nâng cao ý chí chiến đấu, ra sức thi đua học tập quân sự và chính trị, làm cho quân đội ta ngày càng mạnh mẽ”.


31 tháng 12.

Hoàn thành việc tiếp quản sân bay Gia Lâm (Hà Nội).


Chuyến bay đầu tiên do cán bộ, chiến sĩ hàng không Việt Nam chỉ huy từ sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm an toàn (2-1-1955). Đơn vị sân bay Gia Lâm được thành lập, do đồng chí Trần Quý Hai, nguyên đại đoàn trưởng đại đoàn 325 phụ trách. Đồng chí Nguyễn Văn Giáo, nguyên trung đoàn trưởng thuộc đại đoàn 325 được cử làm giám đốc sân bay.


Những tháng cuối năm 1954.

Thực hiện chức năng đội quân công tác, toàn quân tham gia vận động quần chúng, ổn định vùng mới giải phóng, giúp dân sản xuất, chống đói, chống âm mưu địch dụ dỗ, cưỡng bức đồng bào di cư vào miền Nam. Một số đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương ở Liên khu Tây Bắc, Việt Bắc cùng nhân dân tiễu trừ thổ phỉ, bảo vệ an ninh chính trị ở vùng biên giới, góp phần thực hiên chính sách dân tộc của Đảng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 03:07:38 pm »


NĂM 1955

1 tháng 1.

Đại đoàn 308 cùng một số đơn vị đại diện cho các chiến trường Tây Bắc, Đông Bắc, Trung du, Đồng bằng, Liên khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ, quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Cam-pu-chia và đại diện các đại đoàn pháo binh, phòng không tổ chức duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình mừng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thủ đô Hà Nội.

Nói chuyện với các đơn vị quân đội tham gia cuộc duyệt binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “… Muốn cho bộ đội ta hùng mạnh và nhất định bộ đội ta phải hùng mạnh, chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để tiến lên chính quy”.


13 tháng 1.

Tổng cục Cung cấp đổi tên thành Tổng cục Hậu cần
(chỉ thị số 221 của Bộ Tổng Tham mưu), các tổ chức cung cấp trong toàn quân thống nhất tên gọi là hậu cần.

Tổng cục Hậu cần có nhiệm vụ:

- Nghiên cứu, chấn chỉnh tổ chức hậu cần các cấp.

- Bảo đảm cấp vật chất đầy đủ, kịp thời cho bộ đội, nghiên cứu và ban hành các tiêu chuẩn cung cấp mới.

- Bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật hậu cần.

- Xây dựng hậu phương có kế hoạch, có trọng điểm vững chắc.

- Tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cao hiệu suất vận chuyển của các phương tiện vận tải.

Chủ nhiệm tổng cục: Trần Đăng Ninh.


Tháng 1.

Thành lập Sư đoàn bộ binh 330
, nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và Trung Nam Bộ vừa tập kết ra miền Bắc.


Tháng 2.

Tổng Quân ủy xác định kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng (1955-1959):


“Tích cực xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước lên chính quy hóa và hiện đại hóa. Phải đi từ quân đội đơn thuần là bộ binh đến một quân đội có đủ các binh chủng, quân chủng... Xây dựng một lục quân cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại, có bộ binh, pháo binh và một số binh chủng bảo đảm, đồng thời đặt cơ sở đầu tiên cho các binh quân chủng như thiết giáp, không quân, hải quân, chuẩn bị điều kiện để sang kế hoạch sau sẽ thực hiện hiện đại hóa lên một trình độ cao hơn”.


3 tháng 3.

Thành lập Ban Nghiên cứu sân bay, phiên hiệu C47
(quyết định số 15/QĐA của Bộ trưởng Quốc phòng) thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ: chỉ huy, quản lý các sân bay hiện có, tổ chức chỉ huy các chuyến bay hàng ngày, đồng thời giúp Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu những nội dung về tổ chức, xây dựng lực lượng không quân phù hợp với kế hoạch xây dựng quân đội trong giai đoạn mới.

Trưởng ban: Trần Quý Hai.
Chính ủy: Hoàng Thế Thiện.

Ngày 3 tháng 3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của bộ đội không quân.


3-12 tháng 3.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ bảy
. Về nhiệm vụ quốc phòng, Trung ương Đảng quyết nghị: “Xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, củng cố quốc phòng trong hòa bình là một công tác chủ yếu để tăng cường lực lượng. Phương châm xây dựng quân đội là tiến dần từng bước đến chính quy và hiện đại. Việc xây dựng quân đội chính quy hóa và hiện đại hóa là một công cuộc lâu dài, to lớn, bao gồm các mặt công tác như quân sự và chính trị, cất nhắc, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, chấn chỉnh biên chế và tổ chức... Đặc biệt là tăng cường công tác chính trị và lãnh đạo của Đảng trong quân đội”.


26 tháng 4.

Thành lập Trường Huấn luyện bờ biển và xưởng 46
(quyết định số 1125/QF-TTL của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh). Nhiệm vụ: huấn luyện, đào tạo cán bộ, thủy binh cho các thủy đội và đài quan sát; cùng Bộ nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và hoạt động của hải quân. Xưởng 46 có nhiệm vụ đóng ca nô sửa chữa tàu thuyền hoạt động trên biển và sông.


29 tháng 4.

Thành lập Cục Quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần
. Nhiệm vụ: quản lý, bảo đảm lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng cho toàn quân. Biên chế: phòng kế hoạch, trang dụng cấp dưỡng, tài vụ và các ban bí thư, chính trị, quản lý kho. Cơ sở của cục gồm ba kho ở Thái Nguyên, Thanh Hóa và Gia Lâm (Hà Nội).

Cục trưởng: Lương Nhân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 03:08:28 pm »


7 tháng 5.

Thành lập Cục Phòng thủ bờ biển
thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, (nghị định số 284/NĐ của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh).

Nhiệm vụ: giúp Tổng Tư lệnh chỉ huy bộ đội phòng thủ bờ biển, đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ và xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển giao cho các liên khu.

Cục trưởng: Nguyễn Bá Phát.


13 tháng 5.

Đại đoàn 320, trung đoàn 53 và trung đoàn 42 “Trung Dũng” cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến vào tiếp quản “khu vực 300 ngày” gồm thành phố Hải Phòng và một số địa bàn của Kiến An.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về ngày Hải Phòng được giải phóng: “Cán bộ và chiến sĩ ta hiên ngang tiến vào tiếp quản... Hôm nay, Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ, gái trai, đủ các tầng lớp, tỏa ra hoan nghênh bộ đội...”.

Ngày 16 tháng 5, những tên lính cuối cùng của quân đội Pháp rút khỏi đảo Cát Bà. Từ vĩ tuyến 17 trở ra, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng.


17 tháng 5.

Tổng Quân ủy ra chỉ thị về công tác cán bộ:
“Nắm vững tiêu chuẩn đức tài, hết sức mạnh dạn đề bạt cán bộ công nông, đồng thời cất nhắc thích đáng cán bộ các thành phần khác đã được thử thách, biểu hiện tiến bộ, trung thành với cách mạng”.


18 tháng 5.

Thành lập Trường Văn hóa thuộc Bộ Tổng tư lệnh, phiên hiệu tiểu đoàn 126 (quyết định số 301/QĐ-QP).


Tháng 5.

Thành lập Trường Bổ túc chính trị trung cao cấp
do đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng làm hiệu trưởng và Trường Bổ túc quân sự trung cao cấp do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm hiệu trưởng, trên cơ sở Trường Quân chính trung cấp trong kháng chiến chống Pháp.

Nhiệm vụ: mở các lớp bổ túc về chính trị và quân sự cho cán bộ trung cao cấp quân đội nắm vững về lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối cách mạng và đường lối quân sự của Đảng, những vấn đề chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trong chiến tranh hiện đại, công tác chỉ huy, công tác đảng - công tác chính trị và công tác hậu cần - kỹ thuật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.


25 tháng 6.

Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra nghị định (số 315/NĐA) về “Tiêu chuẩn cung cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam"
, quy định tiền ăn, phụ cấp hàng tháng (tính theo giá trị gạo) cho cán bộ, chiến sĩ theo hai loại. Loại A (bộ đội pháo binh, công binh, ra-đa, bộ đội biên phòng, hải đảo...) ăn 0,8 ki-lô-gam gạo một người một ngày. Loại B chủ yếu là bộ binh ăn mức 0,78 ki-lô-gam gạo một người một ngày.


Tháng 6.

Thành lập bốn sư đoàn bộ binh:


- Sư đoàn 328 và sư đoàn 332, nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực và bộ đội địa phương Liên khu 3.

- Sư đoàn 324, nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội chủ lực ở chiến trường Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên vừa tập kết ra miền Bắc (các trung đoàn bộ binh 803, 90, 93, trung đoàn pháo binh 14 và các tiểu đoàn binh chủng).

Tư lệnh kiêm chính ủy: Nguyễn Đôn.

Ngày 1 tháng 7 sư đoàn làm lễ thành lập tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

- Sư đoàn 335, nòng cốt là các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia trở về nước.

Các đại đoàn 308, 304, 312, 316, 320, 325 thống nhất tên gọi là sư đoàn bộ binh.


Giữa năm 1955.

Thành lập bộ đội Phòng thủ bờ biển, bộ đội Biên phòng, bộ đội Bảo vệ yếu địa


- Bộ đội Phòng thủ bờ biển gồm: hai trung đoàn 267, 279 và tiểu đoàn 500 (Liên khu 3), hai trung đoàn 244, 713 (khu Tả Ngạn), trung đoàn 248 (khu Đông Bắc).

- Bộ đội Biên phòng gồm trung đoàn Tây Bắc có bốn tiểu đoàn (953, 955, 957, 959) hoạt động ở Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ; bốn tiểu đoàn (923, 925, 927, 929) hoạt động ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; 28 đồn, trạm làm nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ các cửa khẩu dọc biên giới và một số tiểu đoàn địa phương các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc.

- Bộ đội Bảo vệ yếu địa gồm 10 tiểu đoàn, 7 đại đội, 15 trung đội bộ đội địa phương các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 03:10:51 pm »


10 tháng 8.

Thành lập Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần
. Nhiệm vụ: bảo đảm công tác doanh trại cho toàn quân.

Cục trưởng: Nguyễn Trọng Ba.


31 Tháng 8.

Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ tuyên dương danh hiệu Anh hùng quân đội lần thứ hai
(lần thứ nhất năm 1952). Đại hội tuyên dương 26 cán bộ, chiến sĩ (có 8 liệt sĩ) là Anh hùng quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự.

Bác chỉ thị: “Các đồng chí càng phải giữ vững lá cờ thi đua..., phải đẩy mạnh thi đua cho rộng khắp... Ngành nào cũng thi đua tiến mạnh hơn nữa, học tập và đào tạo được nhiều Anh hùng, chiến sĩ thi đua hơn nữa”.


25 tháng 9.

Một cơn bão lớn đổ bộ vào Hải Phòng, Kiến An. Sư đoàn 350 cùng lực lượng vũ trang địa phương tham gia cứu đê chống lụt. Tại Hải Phòng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lặn lội giữa dòng nước xoáy, trong mưa to, gió mạnh, tìm cứu người và tài sản của nhân dân. Đồng chí Phạm Minh Đức (Sư đoàn 350) anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được Quốc hội và Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội (1956).


Tháng 9.

Thành lập Tổng cục Quân huấn
(Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Chủ nhiệm) và Tổng cục Cán bộ (đồng chí Nguyễn Chánh làm Chủ nhiệm. Nhiệm vụ: giúp Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời bình.


3 tháng 10.

Thành lập Cục Tài vụ
(quyết định số 170/QĐA của Bộ Quốc phòng) thuộc Tổng cục Hậu cần. Nhiệm vụ: chịu trách nhiệm về ngân sách tài chính toàn quân.

Phụ trách: Hoàng Anh.


3 tháng 11.

Thành lập Cục Công binh
(quyết định số 170/QĐ của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) gồm ba phòng (tham mưu, chính trị, khí tài). Nhiệm vụ: lãnh đạo, xây dựng các đơn vị công binh dự bị của Bộ; chỉ đạo xây dựng lực lượng công binh chiến đấu trong toàn quân, nghiên cứu và đề nghị Bộ kế hoạch xây dựng binh chủng lâu dài và từng năm, làm kế hoạch bảo đảm công trình các chiến dịch do Bộ chỉ huy.

Cục trưởng: Trần Đình Xu.
Chính ủy: Trần Thế Môn.


25 tháng 11.

Sư đoàn bộ bình 320 và trung đoàn 53 thuộc Sư đoàn 350 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vì đã lập thành tích xuất sắc trong chống bão lụt, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân (sắc lệnh số 248/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký).


26 tháng 12.

Thành lập Trường Công binh
(một phân hiệu thuộc Trường sĩ quan Lục quân, nay là Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Công binh),

Nhiệm vụ: đào tạo cán bộ sơ cấp công binh cho toàn quân theo chương trình cơ bản, hệ thống (ba năm). Ngày 26 tháng 12 trở thành ngày truyền thống của Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Công binh.


Năm 1955.

Các đơn vị bộ đội tập trung ở miền Nam và quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Cam-pu-chia hoàn thành nhiệm vụ chuyển quân tập kết ra Bắc. Một số cán bộ, bộ đội được Đảng phân công ở lại các căn cứ Tây Nguyên, Liên khu 5, Nam Bộ tổ chức thành từng tổ, đội vũ trang. Cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị.

Trên miền Bắc, nhiều đơn vị được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ tiễu trừ thổ phỉ ở vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, làm công tác vận động quần chúng chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam, giúp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, chống hạn, chống lụt, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 03:12:05 pm »


Năm 1956

Tháng 4.

Tại Hà Nội, Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam (Hiệu trường: Lê Trọng Tấn, Chính ủy: Lê Quang Hòa) khai giảng khóa 10 (gồm 4.000 học viên tuyển chọn trong toàn quân), đào tạo sĩ quan theo chương trình cơ bản, dài hạn (ba năm).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng dự lễ khai giảng.

Bế giảng khóa học (5-4-1958), trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác căn dặn học viên trước khi trở về đơn vị: “... Mạnh dạn áp dụng những điều đã học được, nhưng phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta, chớ giáo điều, chớ máy móc …”.


7 tháng 5.

Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ tuyên dương danh hiệu Anh hùng quân đội lần thứ ba
cho 43 cán bộ, chiến sĩ (có 11 liệt sĩ). Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với các đại biểu: "... Trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng hòa bình, cán bộ chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa, phải thi đua làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ biển, bảo vệ thành thị và giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân... Phải ra sức tham gia và giúp đỡ nhân dân thực hiện kế hoạch nhà nước ...”


28 tháng 5.

Thành lập Bộ Tư lệnh Pháo binh
(chỉ thị số 880/G6 của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh) trên cơ sở Bộ Chỉ huy Pháo binh.

Nhiệm vụ: Giúp Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy, huấn luyện và xây dựng các đơn vị pháo mặt đất và pháo cao xạ dã chiến trực thuộc Bộ và chỉ đạo các quân khu, sư đoàn bộ binh trực thuộc về mặt huấn luyện và sử dụng pháo binh trong biên chế (gồm cả pháo bờ biển).

Tư lệnh: Lê Thiết Hùng.
Chính ủy: Phạm Ngọc Mậu.

 
Tháng 6.

Thành lập Trường Lý luận chính trị (trên cơ sở Trường chính trị trung cấp quân đội trong chống Pháp) thuộc Tổng cục Chính trị (quyết định số 37/QĐ của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh). Nhiệm vụ: bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác—Lê-nin, đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng cho cán bộ trung, cao cấp trong quân đội.

Giám đốc: Nguyễn Chí Thanh.
Phó giám đốc: Nguyễn Xuân Hoàng.

Ngày 15 tháng 6, trường tổ chức lễ khai giảng cho 95 học viên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng tới dự.


8-9 tháng 6.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết (số 64-N) về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam:

“Củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có, xây dựng các căn cứ làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang. Tổ chức tự vệ trong quần chúng nhằm bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng và giải thoát cán bộ khi cần thiết”.


Giữa năm 1956.

Toàn quân học tập và thực hiện Điều lệnh nội vụ (quy định chức trách của quân nhân, quan hệ chỉ huy, các chế độ, quy tắc nội vụ), Điều lệnh đội ngũ, Điều lệnh kỷ luật, Điều lệnh cảnh vệ (quy định công tác quản lý bộ đội, kỷ luật, tác phong quân nhân, hướng dẫn quân nhân thực hiện chức trách trong sinh hoạt, huấn luyện và chiến đấu).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM