Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:39:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7400 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 03:05:00 pm »


3-31 tháng 7.

Bộ Tư lệnh Khu 8 sử dụng các tiểu đoàn chủ lực 307, 308, 310, đại đội 891 và các lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công địch ở địa bàn hai huyện Lách và Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre); nhằm tiêu diệt sinh lực, phá kế hoạch chiếm đóng Cù Lao Minh của địch.

Tư lệnh chiến dịch: Nguyễn Đang.
Các Phó tư lệnh: Đồng Văn Cống, Võ Văn Thời và Phan Văn Kinh.


11 tháng 7.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 121/SL về tổ chức nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Thực hiện sắc lệnh, ngày 13 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra thông tư số 47/TT quy định tổ chức mới của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh
, gồm Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp, Bộ Tổng Tham mưu.

Bộ Tổng Tham mưu gồm các cục: Tác chiến, Quân báo, Quân huấn, Dân quân, Thông tin liên lạc, Quân lực và trực tiếp chỉ đạo Cục Công binh, Cục Pháo binh.

Tổng Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.

Tổng cục Chính trị gồm các cục: Tổ chức, Tuyên huấn, Địch vận, Quân pháp, Nhà xuất bản Vệ quốc quân (gồm cả tòa báo Quân chính tập san).

Chủ nhiệm: Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng.

Tổng cục Cung cấp gồm các cục: Quân lương, Quân y, Quân dược, Vận tải, Quân giới, Quân trang, Quân khí.

Chủ nhiệm: Trần Đăng Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng.

Ngày 11 tháng 7 được xác định là ngày truyền thống của ngành Hậu cần quân đội.


Tháng 7 tháng 9.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng hai trung đoàn 803, 84 mở chiến dịch Đắc Lắc 1, tiến công địch trên địa bàn khu vực tam giác Ma Đrắc, Cheo Reo, Buôn Hồ tỉnh Đắc Lắc, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh việc gây cơ sở vùng sau lưng địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.

Tư lệnh chiến dịch: Nguyễn Đôn.
Chính ủy: Trương Quang Giao.


5-8 đến 4-11.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng trung đoàn 108 và lực lượng vũ trang địa phương Quảng Nam mở chiến dịch Hoàng Diệu, tiến công địch trên địa bàn bắc Quảng Nam - Đà Nẵng, nhằm tiêu diệt sinh lực, chống âm mưu cướp phá và kiềm chế lực lượng ứng chiến của địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.

Tư lệnh chiến dịch: Nguyễn Bá Phát.
Chính ủy: Nguyễn Quyết.


Tháng 8.

Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng Lần thứ bảy, kiểm điểm việc xây dựng quân đội, rút kinh nghiệm chỉ đạo việc tập trung các đại đội độc lập thành các tiểu đoàn tập trung.


16-9 đến 14-10.

Chiến dịch Biên Giới.


Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch. Ngày 7 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới Cao-Lạng (Chiến dịch Lê Hồng Phong II). Mục đích: tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần chiến dịch; đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.

Lực lượng chiến đấu: Đại đoàn 308, hai trung đoàn 174, 209, ba tiểu đoàn độc lập 426, 428, 888 của Lạng Sơn và Liên khu Việt Bắc, bốn đại đội sơn pháo, năm đại đội công binh và bộ đội địa phương, du kích địa phương. Hàng vạn dân công là người các dân tộc Việt Bắc mở đường vận chuyển 4.000 tấn lương thực, vũ khí, đạn phục vụ chiến dịch.

Ngày 2 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Trung tuần tháng 9, Người lên đường đi chiến dịch.

Từ 16 đến 18 tháng 9, hai trung đoàn 174, 209, hai tiểu đoàn 11, 426, ba tiểu đoàn pháo binh, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Từ 2 đến 8 tháng 10, Đại đoàn 308, trung đoàn 209 vận động tiến công tiêu diệt binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Thất Khê lên và binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng rút về, tại khu vực Cốc Xá, điểm cao 477. Từ 10 đến 23 tháng 10, quân địch bỏ Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu tháo chạy.

Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu trên 8.000 tên, gồm tám tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn ứng chiến (hơn một nửa lực lượng cơ động chiến lược của Pháp ở Bắc Đông Dương); phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch; giải phóng năm thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân, nhiều vùng quan trọng ở vùng biên giới Việt-Trung; củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa.

Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến của quân đội ta.


Tháng 9.

Thành lập trung đoàn pháo binh 95
gồm ba tiểu đoàn sơn pháo 40, 178, 253.

Trung đoàn trưởng: Nguyễn Thước.
Chính ủy: Hoàng Phương.

Sau khi tham gia chiến dịch Biên giới, trung đoàn được đổi phiên hiệu thành trung đoàn 675, biên chế sáu liên đội pháo (751, 752, 753, 754, 755, 756), mỗi liên đội có bốn khẩu sơn pháo 75 ly. Ngày 20 tháng 11 năm 1950, trung đoàn chính thức làm lễ thành lập tại bản Nà Tấu (Quảng Uyên, Cao Bằng).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 03:06:11 pm »


3-12 tháng 10.

Chiến dịch Long Châu Hà 1
. Bộ Tư lệnh Khu 9 sử dụng hai tiểu đoàn 404, 406 (trung đoàn Tây Đô), ba đại đội địa phương, một đội biệt động, một tiểu đội bộ đội Ít-xa-rắc, hai trung đội dân quân mở chiến dịch tiến công địch ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (tỉnh Long Châu Hậu), nhằm giành dân, khôi phục cơ sở, tiêu diệt sinh lực địch, và phối hợp với chiến dịch Biên Giới (Bắc Bộ).

Chỉ huy trưởng chiến dịch: Huỳnh Thủy.
Chính ủy: Nguyễn Văn Bê.


7-10 đến 15-11.

Bộ Tư lệnh Khu 7 sử dụng các tiểu đoàn 302, 303, 304 (thiếu) bảy đại đội độc lập và du kích địa phương mở chiến dịch Bến Cát (tây bắc Sài Gòn), nhằm đẩy mạnh chiến tranh du kích, phối hợp với chiến dịch Biên Giới.

Chỉ huy trưởng: Tô Ký.
Chính trị viên: Nguyễn Duy Hanh.


20 tháng 10.

Báo “Quân đội nhân dân” ra số đầu
. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác".


24 tháng 10.

Tiểu đoàn 227 (trung đoàn 95, Liên khu 4)
được tăng cường một số đơn vị, phục kích đoàn tàu quân sự tại Tân Điền (Quảng Trị), phá hủy đầu máy và 10 trong số 16 toa xe, thu một pháo, 42 thùng đạn 40 ly, diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch.


Tháng 11.

- Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên Giới
. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với hội nghị:

“Ta đã thắng hai trận.

Thắng lợi thứ nhất là chúng ta đã tiêu diệt địch và giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê.

Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta".

“Nhưng chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch, chúng ta phải nhớ rằng: trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa, mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

- Thành lập hai đại đội 200 và 203 ô tô vận tải thuộc Tổng cục Cung cấp. Đại đội 200 có 36 xe, đại đội 203 có 16 xe. Đây là hai đại đội vận tải cơ giới đầu tiên của quân đội ta. Nói chuyện với cán bộ chiến sĩ hai đại đội trên đường vận chuyển (3-1951). Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Xe xăng là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Các chú phải yêu xe như con, quý xăng như máu".


19 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi nhân ngày toàn quốc kháng chiến:
“nói tóm lại ... tình thế bên địch ngày càng khó khăn ... ta đã từ bị động chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển dần sang thế mạnh, từ thế thủ chuyển dần sang thế công


25-12-1950 đến 17-1-1951.

Bộ Tổng tư lệnh sử dụng hai Đại đoàn 308, 312, hai trung đoàn 174, 98 độc lập, ba trung đoàn 48, 64, 52 (Liên khu 3) cùng lực lượng vũ trang địa phương, mở chiến dịch Trần Hưng Đạo (chiến dịch Trung Du); nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ ... Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên, diệt 30 vị trí, 40 tháp canh, thu nhiều vũ khí, giải phóng một số vùng thuộc các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, mở rộng vùng tự do Hải Ninh đến sát đường Tiên Yên - Móng Cái. Do chọn hướng không phù hợp, địch phát huy được sức cơ động và hỏa lực; trình độ đánh công kiên của bộ đội ta còn yếu, công tác bảo đảm có khó khăn, chiến dịch không đạt được các yêu cầu đề ra.


27 tháng 12.

Thành lập Đại đoàn bộ binh 312
(Đại đoàn Chiến Thắng) tại Kim Lăng (Phú Thọ). Biên chế: trung đoàn bộ binh 209 (trung đoàn Sông Lô, chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh), trung đoàn bộ binh 141 (mới tổ chức từ các tiểu đoàn của “Nghĩa quân Hồng Hà” và tiểu đoàn Phủ Thông), trung đoàn bộ binh 165 (trung đoàn Lao-Hà-Yên thuộc Mặt trận Tây Bắc) và các đơn vị trợ chiến, bảo đảm.

Đại đoàn trưởng: Lê Trọng Tấn.
Chính ủy: Trần Độ.


Tháng 12.

- Thành lập Phòng Quân khí thuộc Tổng cục Cung cấp
. Nhiệm vụ: nắm tình hình, đề xuất kế hoạch cung cấp và dự trữ vũ khí, đạn cho quân đội; tổ chức các kho quân khí; thực hiện việc thu nhận, phân phối vũ khí đạn theo kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Cung cấp; điều khiển những xưởng và kíp sửa chữa vũ khí ... Trưởng phòng: Lê Đình Tạo.

- Cuối năm 1950, Cục Quân giới xây dựng thành công khu lò cao sản xuất gang tại Như Xuân (Thanh Hóa).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 10:43:02 pm »


NĂM 1951

15 tháng 1.

Thành lập trung đoàn công binh 151
tại rừng Khuôn Lân (Hợp Thành, Phú Lương, Thái Nguyên). Biên chế: Tiểu đoàn 333 (thành lập năm 1949), tiểu đoàn 444 (nguyên là tiểu đoàn 60, Đại đoàn bộ binh 308) và các cơ quan tham mưu, chính trị, cung cấp, quân y, xưởng sửa chữa quân cụ, trung đội vận tải, đại đội thông tin liên lạc và cảnh vệ1.

Trung đoàn trưởng: Phạm Hoàng. Chính ủy: Lê Khắc.

Đây là trung đoàn công binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta.


16 tháng 1.

Thành lập Đại đoàn bộ binh 320 (Đại đoàn Đồng Bằng)
tại đình Móng Lá (Nho Quan, Ninh Bình). Biên chế: trung đoàn 64 “Quyết Thắng”, trung đoàn 48 “Thăng Long” (hai trung đoàn chủ lực Liên khu 3); trung đoàn 52 “Tây Tiến”, và các cơ quan, đơn vị trợ chiến và bảo đảm.

Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy: Văn Tiến Dũng.


Tháng 1.

Tổng Chính ủy ra chỉ thị “Mạnh dạn đề bạt cán bộ”
, chú trọng công nông, khai thác nguồn cán bộ từ quần chúng, chiến sĩ và cán bộ cấp dưới đã qua thử thách trong chiến đấu ở các đơn vị.


Đầu năm 1951.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra nghị quyết quân sự:
“Chủ động kiềm chế địch trên chiến trường Nam Bộ và tiến lên kịp với phong trào toàn quốc”."Du kích chiến là chính, học tập đánh vận động chiến, đẩy mạnh vận động chiến tiến tới".


11-19 tháng 2.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II
, họp tại căn cứ địa Việt Bắc. 156 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt 766.349 đảng viên dự Đại hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị. Đồng chí Trường Chinh trình bày luận cương “Hoàn thành giải phóng dân tộc phát triển dân chủ nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng lao động Việt Nam; thông qua Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Đại hội nhận định: “Từ thế giới đại chiến lần thứ hai, trên 10 năm qua Đảng ta đã nắm phương châm vũ trang đấu tranh, đã xây dựng được một quân đội lớn mạnh, từ du kích lẻ tẻ lúc đầu tiên đến cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện ngày nay. Trong cuộc võ trang đấu tranh đó, đặc biệt trong sáu năm kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Người sáng lập và giáo dục Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thu dược nhiều thắng lợi vẻ vang”. “Để giành lấy thắng lợi hoàn toàn, để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, Đảng và Chính phủ ta phải xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ, chân chính với ba đặc điểm: dân tộc, nhân dân và dân chủ; phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích, xây dựng Đảng và công tác chính trị trong quân đội, tích cực cải thiện sinh hoạt, đào tạo cán bộ, đặc biệt nâng đỡ cán bộ công nông, giáo dục tư tưởng, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, đề cao việc học tập lý luận quân sự kết hợp với kinh nghiệm thực tế của chiến trường Việt Nam”. “Vì Đông Dương là một chiến trường và cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với cách mạng Miên, Lào nên lúc này phải tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến Miên - Lào phát triển du kích chiến tranh, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa”. “Để đưa kháng chiến đến toàn thắng, lúc này Đảng ta phải kiện toàn sự lãnh đạo chiến tranh, tập trung lực lượng, điều động cán bộ nhiều hơn vào công tác quân sự, hướng hoạt động của mỗi ngành vào việc phụng sự kháng chiến, đề cao việc học tập quân sự trong toàn Đảng”.


12-2 đến 13-3.

Bộ Tư lệnh Khu 9 sử dụng “trung đoàn Tây Đô”, hai đại đội Long-Châu-Hà, một đại đội biệt động và du kích, mở chiến dịch Long-Châu-Hà II tại hai huyện Châu Phú A và Châu Thành (tỉnh Long Xuyên), nhằm diệt sinh lực địch, gây cơ sở chính trị, vũ trang trong đồng bào theo đạo Cao Đài, Hòa Hảo, mở hành lang nối liền Khu 8 với Khu 9.

Chỉ huy trường chiến dịch: Vũ Quang Anh
Chỉ huy phó kiêm trưởng ban chính trị: Hoàng Thế Thiện.

Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch, phá 4 lò cốt, thu 21 súng, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang tiến vào hoạt động trong vùng sau lưng địch.


16 tháng 2.

Hội nghị quân y toàn quân lần thứ 9
. Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí, giáo sư cố vấn phẫu thuật Bộ Quốc phòng Tôn Thất Tùng và 133 đại biểu y dược toàn quân tham dự hội nghị. Các đề án được thông qua: - Hệ thống tổ chức cơ quan quân y toàn cục - Tổ chức, biên chế và điều lệ công tác của phòng quân y đại đoàn ... chế độ và danh hiệu quân y - Kế hoạch đề bạt và đào tạo cán bộ quân y. - Đề án giáo dục. - Điều lệ vết thương chiến tranh - Tổ chức ngoại khoa chiến thương - Đề án phòng bệnh - Quan niệm dùng thuốc. - Tổ chức dược chính.
_______________________________________________
1. Tháng 9 năm 1951 thành lập tiểu đoàn 555.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 10:44:22 pm »


1 tháng 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trung đội 2 (đại đội 250, tiểu đoàn 333, trung đoàn 151 công binh)
. Người dạy: công binh như cán mác, bộ binh như mũi mác, không có cán mác thì mũi mác không đâm được giặc.


10-13 tháng 3.

Trung đoàn 95 và trung đoàn 101 (Liên khu 4)
cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh bại cuộc càn của địch tại căn cứ Thanh Hương - Mỹ Xuyên (Thừa Thiên).


Giữa tháng 3.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam
(khóa II), quyết định một số vấn đề về phương châm tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang. Ở Bắc Bộ: “Bộ đội chủ lực phải đề cao vận động chiến và phát triển du kích chiến, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo toàn và bồi dưỡng lực lượng ta”. “Riêng Khu 3, chú trọng phát triển chiến tranh du kích đến cao độ”, “củng cố và gia cường bộ đội chủ lực, đồng thời củng cố bộ đội địa phương và dân quân du kích”. Ở Trung Bộ và Nam Bộ: "du kích chiến là chính, học tập đánh vận động trong những trường hợp có điều kiện thuận lợi, nắm vững nguyên tắc tiêu diệt chiến, để bồi dưỡng lực lượng ta”. “Củng cố các trung đoàn chủ lực đã thành lập”, ”cải tiến tổ chức, giáo dục tư tưởng chiến thuật mới và học tập kinh nghiệm của chiến trường Bắc Bộ”.


23-3 đến 5-4.

Chiến dịch Hoàng Hoa Thám.


Bộ Tổng tư lệnh sử dụng hai đại đoàn (308, 312) hai trung đoàn (98, 174), bốn đại đội pháo binh, hai tiểu đoàn công binh và bộ đội địa phương, dân quân du kích tiến công tuyến phòng ngự đường số 18 của địch (khu vực từ Phả Lại đến Uông Bí). Ở Trung du và đồng bằng Liên khu 3, hai đại đoàn 304 và 320 đẩy mạnh tiến công địch phối hợp với chiến dịch. Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.900 tên địch, diệt và bức rút hơn 130 vị trí, tháp canh. Bộ đội ta đánh thắng nhiều trận, nhưng cũng có trận không thành công và bị thương vong cao (2.350 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, mất tích và bị thương trong toàn chiến dịch). Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Ta đã không hoàn thành nhiệm vụ thật đầy đủ, địch thiệt hại nhưng ta bị tiêu hao”.


27 tháng 3.

Thành lập Đại đoàn công - pháo 351
. Biên chế: trung đoàn 151 công binh (thành lập tháng 1-1951), trung đoàn 675 sơn pháo 75 ly (được tổ chức trên cơ sở ba tiểu đoàn pháo binh thuộc Đại đoàn 308, trung đoàn 174 và trung đoàn 209), trung đoàn 45 pháo xe kéo 105 ly (nguyên là trung đoàn 33" Tất Thắng" thuộc Liên khu 3), xưởng sửa chữa xe, pháo, khí tài và các cơ quan. Đồng chí Vũ Hiển nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng được bổ nhiệm làm Đại đoàn phó quyền Đại đoàn trưởng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu - ủy viên Liên khu ủy Việt Bắc, chính ủy trung đoàn 246 (trung đoàn bảo vệ căn cứ của Bộ Tổng tư lệnh) được bổ nhiệm làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Đây là đại đoàn binh chủng (công binh - pháo binh) đầu tiên của quân đội ta.


19 tháng 4.

Chiến sĩ biệt động Phạm Thị Biên
đánh mìn kho dầu Shell (Đà Nẵng), đốt cháy hàng nghìn phuy xăng.


1 tháng 5.

Thành lập Đại đoàn bộ binh 316
tại Cốc Lùng (Thoát Lãng, Lạng Sơn). Biên chế: trung đoàn 174 (trực thuộc Bộ), trung đoàn 98 (thuộc Mặt trận Đông Bắc), trung đoàn 176 (tỉnh lạng Sơn), một số đơn vị binh chủng và cơ quan đại đoàn.

Đại đoàn trưởng: Lê Quảng Ba.
Chính ủy: Chu Huy Mân.


12-25 tháng 5.

Bộ Tư lệnh Khu 9 sừ dụng “trung đoàn Tây Đô”, ba tiểu đoàn 406, 408, 410, bộ đội địa phương và dân quân du kích, mở chiến dịch Sóc Trăng II tại ba huyện Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ); nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng khu vực kiểm soát, nối liền giao thông liên lạc giữa Khu 9 và Khu 8 ...

Tư lệnh chiến dịch: Nguyễn Chánh.
Chính ủy: Phan Văn Chiêm.


14 tháng 5.

Thành lập Trường Huấn luyện kỹ thuật mật mã Bộ Tổng Tham mưu
. Nhiệm vụ: đào tạo cán bộ, nhân viên cơ yếu đáp ứng nhu cầu phát triển mới về tổ chức và kỹ thuật của ngành. Ngày 2 tháng 9 năm 1951, trường khai giảng khóa 1 (phiên hiệu C40), có 250 học viên.

Giám đốc: Nguyễn Duy Phê.
Chính trị hiệp lý viên: Phạm Tự Cáp.


28 tháng 5 - 20 tháng 6.

Chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh).


Bộ Tổng tư lệnh sử dụng ba Đại đoàn 308, 304, 312, các đơn vị binh chủng, các tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương, dân quân du kích, tiến công địch ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá khối ngụy quân. Đảng ủy Mặt trận gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp (Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy), Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm. Các địa phương huy động 100.000 dân công và 100 tấn gạo phục vụ chiến dịch.

Kết quả: Loại khỏi vòng chiến đấu 4.000 tên địch (có 40 phần trăm lính Âu-Phi thuộc các đơn vị cơ động chiến lược đi ứng cứu), diệt và bức rút hơn 30 vị trí, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một số xã thuộc hai huyện Yên Mô, Yên Khánh (Ninh Bình), xây dựng khu căn cứ Bình Lục, Lý Nhân (Hà Nam), gây ảnh hưởng chính trị trong nhân dân. Nhưng do địch phát huy được hỏa lực không quân, pháo binh, việc chỉ đạo, vận dụng phương châm tác chiến và kỹ thuật, chiến thuật, cách xử trí tình huống của ta còn hạn chế, nên đã bỏ lỡ một số thời cơ tiêu diệt địch.


Tháng 5.

- Giải thể các khu 7, 8, 9. Chiến trường Nam Bộ được phân chia thành hai Phân liên khu miền Đông và miền Tây. Giải thể các trung đoàn, liên trung đoàn, thành lập các tiểu đoàn chủ lực của phân liên khu và các tỉnh.

- Thành lập đạo đội pháo cao xạ 612, bảo vệ cầu Tà Lùng (Cao Bằng), đơn vị đầu tiên sử dụng pháo cao xạ 37 ly (bốn khẩu) của quân đội ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 10:45:56 pm »


Tháng 5 - tháng 8.

Tổng cục Cung cấp mở lớp huấn luyện cán bộ cung cấp khóa 1
tại Phú Lương Thái Nguyên, có 88 học viên là cán bộ cung cấp đại đoàn, trung đoàn, tỉnh đội. Chỉ đạo lớp: Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm tổng cục. Phụ trách chung: Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục Quân nhu. Ngày 15 tháng 6, đồng chí Trần Đăng Ninh viết thư báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 6, Bác Hồ gửi thư cho lớp: "... Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc ngoài mặt trận (...). Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số của bộ đội, tức là người binh nhì. Phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp phải như người mẹ, người chị của người binh nhì…”. Ngày 15 tháng 6 trở thành ngày truyền thống của Trường sĩ quan Hậu cần, và Học viện Hậu cần ngày nay.


Tháng 6.

- Tổ đặc công (năm chiến sĩ) thuộc tiểu đoàn 300 (tỉnh Bà Chợ, Phân liên khu Miền Đông Nam Bộ)
tập kích kho xăng Nhà Bè, thiêu hủy hơn nửa triệu lít xăng.

- Bộ Quốc phòng quyết định thành lập trung đoàn 44 (trên cơ sở khung của Đoàn 403 giải thể) trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 4. Nhiệm vụ: đứng chân ở Nghệ An - Hà Tĩnh để tuyển mộ tân binh, huấn luyện, bổ sung cho bộ đội chủ lực. Trung đoàn trưởng: Văn Lễ. Trung đoàn phó: Phạm Vạc. Phó chính ủy: Nguyễn Ngự.


11 tháng 7.

Chính phủ giao cho Tổng cục Cung cấp đảm nhiệm việc cung cấp cho bộ đội địa phương.



20 tháng 7.

Đại đội 55 (tiểu đoàn 303) và một đội biệt động tỉnh Thủ Biên do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy tiến công yếu khu quân sự Trảng Bom, diệt và bắt 100 tên thuộc hai đại đội lính Âu-Phi và ngụy cùng toàn bộ bọn tề điệp, thu nhiều chiến lợi phẩm.


26 tháng 7.

Trung đoàn 101 (Liên khu 4) do trung đoàn trưởng Lê Thuyết chỉ huy đánh bại cuộc càn của địch tại khu vực cầu Thanh Lâm Bồ (Phú Vang, Quảng Trị). Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.


Tháng 7

Thành lập Trường Chính trị trung cấp
. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm giám đốc. Đồng chí Võ Hồng Cương - Cục trưởng Cục Tuyên huấn làm phó giám đốc trực tiếp phụ trách. Ngày 28 tháng 8 năm 1951, Trường khai giảng khóa 1 tại bản Nà Hang (Định Hóa, Thái Nguyên), có 190 học viên. Ngày 25 tháng 10 năm 1951. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường. Người dạy: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo cho đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”.


21-30 tháng 8.

Hội nghị tuyên huấn toàn quân lần thứ nhất
, thông qua chương trình, nội dung giáo dục, quy định các bước cụ thể của công tác giáo dục chính trị trong quân đội.


Tháng 8.

Hội nghị phòng bệnh toàn quân
. Thực hiện phương châm “lấy phòng bệnh làm chính”; Cục Quân y phát động phong trào “diệt, chống muỗi đốt và cải thiện sinh hoạt”, duy trì nền nếp làm vệ sinh, diệt muỗi, ngủ có màn, uống thuốc phòng bệnh, uống nước đun sôi, ăn đũa hai đầu ... trong toàn quân.


24 tháng 9.

Trung đoàn 42 (Liên khu 3) cùng lực lượng vũ trang địa phương chống cuộc càn "Trái chanh"
(Citron) tại vùng bắc sông Luộc và phía tây huyện Ninh Giang (Hưng Yên).


27-9 đến 5-10.

Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng
ra Nghị quyết “Về nhiệm vụ quân sự trước mắt”: - Đề cao chất lượng của bộ đội chủ lực, đẩy mạnh xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích. - Nắm vững phương châm: trên chiến trường toàn quốc thì du kích chiến là chính. Trên chiến trường Bắc Bộ thì đẩy mạnh vận động chiến, chú trọng công kiên chiến, đồng thời giữ vững và phát triển du kích chiến. Trên các chiến trường Trung Bộ và Nam Bộ thì đẩy mạnh du kích chiến, học tập đánh vận động trong những điều kiện thuận lợi. Mở rộng công tác vận động ngụy binh. Củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội.


29-9 đến 31-10.

Bộ Tổng tư lệnh sử dụng Đại đoàn 312, trung đoàn 148 độc lập, hai đại đội và một tiểu đoàn bộ đội địa phương, mở “chiến dịch Lý Thường Kiệt” ở khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, diệt trừ thổ phỉ, mở rộng cơ sở ở vùng sau lưng địch, bảo vệ mùa màng.

Tư lệnh chiến dịch: Lê Trọng Tấn.

Trận đánh đồn Nghĩa Lộ không thành công. Các trận khác, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch (có 100 lính Âu-Phi), thu trên 200 súng.


30-9 đến 8-10.

Trung đoàn 42 (Liên khu 3) cùng các lực lượng vũ trang chống cuộc càn quét “Trái quýt” (Madarine) của bốn binh đoàn cơ động (GM1, GM3, GM4, GM6) của địch tại ba huyện Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân (Thái Bình)
. Đồng chí Dương Hữu Miên chỉ huy trưởng và đồng chí Nguyễn Khai chính ủy Mặt trận Tả ngạn sông Hồng chỉ đạo chống càn.


16 tháng 10.

Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ban hành chế độ tiểu chuẩn cung cấp tạm thời
. Gạo 0,8 ki-lô-gam một ngày (riêng lực lượng làm việc nặng nhọc như pháo binh, công binh được 0,9 ki-lô-gam). Muối và tiền thức ăn định mức theo giá gạo và cụ thể hóa lúc thường, lúc tham gia chiến dịch, khi ốm hoặc bị thương. Các khoản phụ cấp (tiêu vặt, hàng tháng, thâm niên, phụ cấp cho các ngành vô tuyến điện, lái xe, đi công tác ...) cũng được quy định cụ thể. Mỗi năm phát hai bộ quần áo Vệ quốc đoàn, hai quần đùi, ba năm được cấp một màn, một chăn, một áo trấn thủ.


Tháng 10.

Thành lập Trường lái xe Tiến Bộ. Nhiệm vụ: đào tạo lái xe và thợ sửa chữa. Học viên là thanh niên được tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn về chính trị (đảng viên hoặc quần chúng tốt), văn hóa và sức khỏe. Đây là cơ sở đào tạo lái xe đầu tiên của quân đội ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 10:46:45 pm »


9-10 tháng 11.

Hội nghị Tổng Quân ủy (mở rộng)
, quyết định thay đổi hình thức hoạt động của bộ đội chủ lực ở Bắc Bộ, thực hiện phương châm du kích vận động chiến: "Trước kia thì tập trung chủ lực đánh lớn trên một chiến trường, trong một thời gian nhất định; nay cần hoạt động phân tán trên nhiều chiến trường, trong thời gian khác nhau, mỗi lần hoạt động độ trên dưới một đại đoàn (...) Phương châm du kích vận động chiến không trái ngược với phương châm mà Trung ương đã nêu lên; trái lại, nó là một hình thức hoạt động để thực hiện phương châm đó một cách thuận lợi hơn".


11 tháng 11

Thành lập Trường Thông tin
(quyết định số 132/QĐg của Bộ Tổng Tham mưu) trên cơ sở sáp nhập Trường Thông tin Liên khu 3 với những lớp đào tạo cán bộ và nhân viên của Cục Thông tin liên lạc. Nhiệm vụ: đào tạo trung đội trưởng thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, cơ công sơ cấp và báo vụ.

Hiệu trưởng: Trịnh Đình Chung.

Khóa đầu khai giảng tháng 11, tại bản Piềng, Định Hóa, Thái Nguyên, có 281 học viên. Ngày 11 tháng 11 trở thành ngày truyền thống của Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật thông tin ngày nay.


10-12-1951 đến 25-2-1952.

Chiến dịch Hòa Bình.


Ngày 18 tháng 11, Tổng Quân ủy họp nhận định âm mưu địch đánh ra Hòa Bình, đề nghị Bộ Chính trị cho mở chiến dịch phá cuộc tiến công của địch.

Hạ tuần tháng 11, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các lực lượng vũ trang:

“Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh.
Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là một cơ hội rất tốt cho ta".

Các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 304 đánh địch ở Mặt trận Hòa Bình (hướng chính). Hai Đại đoàn bộ binh 316 và 320 hoạt động ở vùng sau lưng địch.

Tư lệnh chiến dịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau ba đợt chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 tên địch, bức hàng bức rút hơn 1.000 đồn bốt, thu và phá hủy nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh, mở rộng các căn cứ du kích, giải phóng hơn hai triệu dân. Nhiều đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc. Chiến sĩ Cù Chính Lan anh dũng diệt xe tăng địch. Chiến sĩ Hoàng Cầm sáng tạo kiểu bếp nấu không khói. Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) diệt cứ điểm Tu Vũ, được tặng danh hiệu “trung đoàn Tu Vũ”.


19 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân ngày toàn quốc kháng chiến:
“Chúng ta quyết vượt mọi khó khăn để thực hiện khẩu hiệu: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:27:26 pm »


NĂM 1952

20 tháng 1.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị “Đẩy mạnh du kích chiến tranh trên chiến trường Bắc Bộ"
; tiếp đó, ngày 26 tháng 1, ra chỉ thị “Phát triển và củng cố các vùng du kích, tích cực chuẩn bị chống giặc càn quét” (số 002/CT-TW).


Đầu năm.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra nghị quyết quân sự năm 1952
, xác định phương châm chiến lược của ta ở Nam Bộ vẫn du kích chiến là chính, học tập đánh vận động chiến trong trường hợp có điều kiện thuận lợi và phải liên tục tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch.


8 tháng 2.

Đại đội 29 (tiểu đoàn 183, trung đoàn 246) thành lập chi đoàn Thanh niên cứu quốc - tổ chức Đoàn Thanh niên đầu tiên trong quân đội.



Tháng 2.

- Tiểu đoàn 304 (Phần liên khu miền Đông Nam Bộ) và đội biệt động tỉnh Dầu Tiếng tiến công sở chỉ huy cuộc hành quân "Nhà lá”
của địch tại Suối Đá (Dầu Tiếng), buộc địch phải bỏ dở kế hoạch càn quét chiến khu Dương Minh Châu.

- Các đơn vị tại chiến khu Đồng Tháp Mười chống cuộc càn “Gió lốc 2”, trong 17 ngày đêm, diệt 790 tên, bắn chìm ba tàu, đánh hỏng ba xe lội nước, buộc địch phải lui quân.


3-18 tháng 3.

Trung đoàn 95 (Liên khu 4), tiểu đoàn 230 (Quảng Trị)
do trung đoàn trưởng Lê Văn Tri và chính ủy Nguyễn Hữu Cầu chỉ huy, cùng dân quân du kích tiến công hệ thống đồn bốt địch tại Nam Đông (Gio Linh, Quảng Trị), mở rộng vùng căn cứ du kích bắc Quảng Trị.


10-18 tháng 3.

Trung đoàn 64 (Đại đoàn 320)
do trung đoàn trưởng Lê Ngọc Hiền chỉ huy cùng lực lượng vũ trang địa phương chống cuộc càn “Lội nước” (Amphibie) của địch tại khu căn cứ du kích Lý Nhân (Bình Lục, Hà Nam).


15 tháng 3.

Tổng cục Cung cấp xuất bản "Tạp chí Hậu cần”
. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp làm chủ nhiệm. Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, làm chủ bút. Tháng 5 năm 1952, tạp chí ra số đầu.


22 tháng 3.

Bộ Tổng tư lệnh ra nghị định số 022/NĐ thành lập tổ kinh tế
ở đại đội và huyện đội, thành lập hội đồng thẩm kế ở cấp trung đoàn, tỉnh đội, các cục, đại đoàn, liên khu, giúp chỉ huy trưởng đơn vị quản lý tài sản, bảo đảm cấp dưỡng cho chiến sĩ, chấp hành chính sách kinh tế, tài chính.


25 tháng 3 - 6 tháng 4.

Hai trung đoàn 48, 52 (Đại đoàn 320)
cùng lực lượng vũ trang địa phương chống cuộc càn “Thủy ngân” (Mercure) của địch tại căn cứ du kích liên huyện Thái Ninh, Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Xương (Thái Bình), loại khỏi vòng chiến đấu 2.500 tên thuộc các binh đoàn cơ động GM1, GM2, GM3, GM4, GM7. Riêng Đại đoàn 320 đánh 20 trận, diệt 1.750 tên, bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến tỉnh và bộ đội chủ lực trên địa bàn.


12 tháng 4.

Hội nghị thi đua toàn quân
, bầu 50 chiến sĩ thi đua tiêu biểu cho phong trào thi đua lập công của quân đội.


14-22 tháng 4.

Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316)
cùng lực lượng vũ trang địa phương chống các cuộc càn Poóc-tô (Porto), Pô-lô (Polo) và Tuyếc-cô (Turco) tại vùng nam - bắc sông Đuống (Bắc Ninh), loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch.


22 - 28 tháng 4.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng
quyết định chấn chỉnh quân đội: “Quân đội ta đã tiến bộ nhiều, nhưng còn nhiều nhược điểm: trình độ kỹ thuật, chiến thuật còn kém, nhất là trình độ chính trị chưa được nâng cao, lập trường giai cấp chưa vững, cán bộ công nông chưa được cất nhắc đúng mức...”. “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, lấy chính trị làm gốc khởi đầu từ cán bộ, dần dần đến toàn thể đội viên, phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ công nông, phải làm cho quân đội ta trở nên thật là một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch”.


23 tháng 4 - cuối tháng 5.

Trung đoàn 42 (Liên khu 3)
cùng lực lượng vũ trang địa phương chống cuộc càn Đờ-rô-ma-đe (Dromadaire) tại vùng căn cứ du kích liên tỉnh Hưng Yên - Hải Dương (bắc sông Luộc), diệt 2.000 tên, bảo vệ được lực lượng, giữ vững vùng căn cứ du kích.


30-4 đến 6-5.

Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất
. 154 đại biểu (công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang) tiêu biểu cho phong trào thi đua ái quốc trong cả nước về dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đại hội. Đại hội đã tổng kết kinh nghiệm phong trào thi đua chiến đấu, sản xuất, học tập, lựa chọn bảy chiến sĩ thi đua ưu tú nhất để nhận danh hiệu Anh hùng của Chính phủ tuyên dương, trong đó có năm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Thị Chiên và hai Anh hùng lao động: Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:29:09 pm »


1 tháng 5.

- Hội nghị thông tin liên lạc toàn quân lần thứ hai
, tổng kết chiến thuật thông tin trong đánh đồn, đánh vận động, đánh tập kích, đánh độn thổ (ở đồng bằng), bảo đảm liên lạc vô tuyến điện, hiệp đồng giữa các phương tiện thông tin, thống nhất biên chế phân đội thông tin liên lạc từ cấp đại đội bộ binh trở lên để Bộ Tổng Tham mưu duyệt.

- Thành lập tiểu đoàn 320 vận tải thuộc Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Nhiệm vụ: tiếp nhận; vận chuyển hàng hóa từ Liên khu 5 về chiến khu Đ, giữ vững đường liên lạc giữa Nam Bộ với Trung ương; đưa đón, bảo vệ các đoàn cán bộ Trung ương vào Nam Bộ và ngược lại. Tiểu đoàn trưởng: Nguyễn Văn Lung.


4-15 tháng 5.

Hai trung đoàn 108, 803 (Liên khu 5) chống cuộc càn La-tê-rít (Latérite) tại căn cứ miền Tây Quảng Ngãi.


20 tháng 5.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết “Về tổ chức Đảng trong bộ đội chủ lực”
, quyết định bỏ chế độ chính ủy “tối hậu quyết định”, thành lập chế độ cấp ủy Đảng trong bộ đội chủ lực; quy định tổ chức Đảng ở các cấp, nhiệm vụ quyền hạn và các mối quan hệ của cấp ủy Đảng...

Hệ thống tổ chức Đảng ở các cấp được quy định như sau:

“- Ở đại đội có hội nghị toàn thể chi bộ và ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy).

- Ở tiểu đoàn có đại hội đại biểu tiểu đoàn và ban chấp hành tiểu đoàn (gọi tắt là tiểu đoàn ủy).

- Ở trung đoàn có đại hội đại biểu trung đoàn và ban chấp hành trung đoàn (gọi tắt là trung đoàn ủy).

- Ở đại đoàn có đại hội đại biểu đại đoàn và ban chấp hành đại đoàn (gọi tắt là đại đoàn ủy).

- Ở các trường, nếu nhỏ thì có hội nghị toàn thể chi bộ trong trường và ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy), nếu lớn thì có đại hội đại biểu toàn trường và ban chấp hành nhà trường (gọi tắt là hiệu ủy).

- Ở các cơ quan đoàn bộ, nếu nhỏ thì có hội nghị toàn thể chi bộ trong cơ quan và ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy), nếu lớn, có từ hai chi bộ trở lên thì có đại hội đại biểu cơ quan và ban chấp hành liên chi (gọi tắt là liên chi ủy). Ở đại đoàn bộ hoặc các tổng cục thuộc Bộ Tổng tư lệnh, nếu có nhiều liên chi, thì có đại hội đại biểu toàn cơ quan và ban chấp hành đại đoàn bộ, tổng cục...

- Tổng Quân ủy do Trung ương chỉ định, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.


28 tháng 5 - 2 tháng 6.

Tiểu đoàn 57 (trung đoàn 46, Liên khu 3) cùng lực lượng vũ trang địa phương chống cuộc càn Căng-gu-ru (Kangourou) tại khu vực tây Phú Xuyên, Ứng Hóa (Hà Đông) và Kim Bảng (Hà Nam), diệt và làm bị thương 400 tên, ta bảo toàn lực lượng.


Tháng 5.

- Các đơn vị từ Liên khu 5 trở ra chỉnh huấn chính trị, quân sự, tổ chức biên chế, trang bị
. Về chính trị: cán bộ từ cấp đại đội trở lên học tài liệu “Mấy vấn đề cách mạng Việt Nam". Cán bộ từ trung đội đến chiến sĩ học các tài liệu "Quân đội nhân dân Việt Nam”, "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Về quân sự: các đại đoàn thống nhất huấn luyện năm kỹ thuật (bắn súng, đầm lê, ném lựu đạn, đào công sự, sử dụng bộc phá); chiến thuật công kiên cứ điểm, đánh vận động, chống càn quét, hiệp đồng với các đơn vị binh chủng... Về tổ chức, biên chế, trang bị: Bộ Tổng Tham mưu quy định mỗi đại đoàn có ba trung đoàn bộ binh và các tiểu đoàn binh chủng (công binh, pháo binh, phòng không, thông tin, vận tải...). Mỗi tiểu đoàn tổ chức một đại đội mạnh có bốn trung đội để làm nhiệm vụ chủ công trong chiến đấu công kiên. Mỗi đại đội bộ binh giảm 11 người, nhưng được trang bị thêm 6 súng trường, 15 tiểu liên. Cơ quan từ đại đội bộ đến đại đoàn bộ giảm 800 người. Toàn đại đoàn giảm 1.000 người. Các cơ quan trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh xác định rõ chức trách, cải tiến nếp làm việc, giảm trung gian, rút cán bộ và chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị chiến đấu. Thực hiện tiêu chuẩn cung cấp mới cho bộ đội, chính sách đối với thương binh, nữ quân nhân...

- Thành lập Khu Tả ngạn sông Hồng. Gồm các tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình, tách từ Liên khu 3 ra.

Bộ Tư lệnh khu gồm các đồng chí: Đỗ Mười - Bí thư kiêm Chính ủy; Nguyễn Khai - Tư lệnh; Dương Hữu Miên - Phó tư lệnh; Đặng Tính - Phó chính ủy.


2-6 tháng 6.

Tiểu đoàn 922 (trung đoàn 46, Liên khu 3) chống cuộc càn Ăng-ti-lốp (Antilop) tại khu vực đông Phú Xuyên (Hà Đông) và Duy Tiên (Hà Nam), diệt và làm bị thương 300 tên.


16 tháng 6.

Đại đội bộ đội địa phương huyện Châu Thành (Mỹ Tho) do huyện đội trưởng Lê Phước Hải chỉ huy, tiến công trường hạ sĩ quan ngụy tại Bình Đức, diệt và bắt hơn 250 tên, thu 200 súng và 100.000 viên đạn. Đại đội được Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ khen: “thọc sâu, đánh hiểm, bảo toàn lực lượng”.


19 - 20 tháng 6.

Trung đoàn 101 (Liên khu 4) đánh bại cuộc tiến công của hai tiểu đoàn Âu - Phi, bảo vệ chiến khu Dương Hòa (tây Thừa Thiên).


22 tháng 6.

Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất
. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hội nghị: “Mỗi cán bộ cung cấp nói riêng, Tổng cục Cung cấp nói chung, phải phụ trách trước bộ đội, trước nhân dân, trước Đảng, trước Chính phủ... Bổn phận của cán bộ cung cấp là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch. Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc... Một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:30:48 pm »


15-7 đến 26-9.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng trung đoàn 803 và lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công địch tại Quảng Nam; nhằm tiêu diệt sinh lực, phá hệ thống đồn bốt, tháp canh của địch, mở rộng vùng du kích.

Tư lệnh chiến dịch: Nguyễn Bá Phát.
Chính ủy: Bùi San.


Tháng 7.

Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy tổ chức hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ
. Đại biểu các ngành quân, dân, chính, đảng các địa phương ở vùng sau lưng địch (Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên, Liên khu 5) tham dự. Hội nghị tổng kết kinh nghiệm chống càn, khẳng định vai trò của bộ đội địa phương và dân quân du kích; giải quyết một số vấn đề cụ thể và thống nhất lãnh đạo, biên chế tổ chức, công tác cung cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho hội nghị: “Điều trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”.


2-13 tháng 8.

Hội nghị tổ chức toàn quân lần thứ nhất
, tổng kết kinh nghiệm công tác chi bộ trong quân đội, nâng cao chất lượng đảng viên, chấn chỉnh tổ chức và sinh hoạt, tăng cường sự lãnh đạo tập thể, phát huy sự lãnh đạo của chi bộ, làm cho chi bộ thành trụ cột vững mạnh bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ tác chiến và xây dựng. Hội nghị quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện chế độ đảng ủy, củng cố hội đồng quân nhân và tổ chức đoàn thanh niên trong quân đội.


2 tháng 8.

Tổng cục Cung cấp ban hành “Quy chế tổ chức Đội Thanh niên xung phong”
, nêu rõ nhiệm vụ, tổ chức, quyền hạn, các mối quan hệ công tác, chế độ, tiêu chuẩn về ăn, mặc, tài chính, chữa bệnh của Đội Thanh niên xung phong.


25-29 tháng 8.

Trung đoàn 101 (Liên khu 4) do trung đoàn trưởng Lê Thiết chỉ huy chống cuộc càn mang tên “Chiến dịch Châu chấu” (Opération Sauterelle) tại Thanh Hương - Vĩnh Xương.


31 tháng 8.

Tổ đặc công do Nguyễn Văn Thọ chỉ huy đánh kho bom Phú Thọ (Sài Gòn)
phá hủy 52 nghìn tấn bom và 50 triệu viên đạn các loại. Tiếng nổ kéo dài hơn một ngày đêm làm rung chuyển thành phố Sài Gòn và các vùng lân cận.


Tháng 8.

- Thành lập Trường du kích chiến tranh
. Khóa 1 khai giảng vào cuối năm 1952, tại Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên, bổ túc cán bộ tỉnh đội, huyện đội, cán bộ tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương. Nội dung: về chính trị, bồi dưỡng theo các tài liệu trường kỳ kháng chiến, nghị quyết công tác trong vùng tạm chiếm và vùng du kích, đẩy mạnh du kích chiến tranh... Về quân sự, học bắn súng, ném lựu đạn, sử dụng các loại vũ khí thô sơ (chông, mìn, cạm, bãy), các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, chống càn, đánh giao thông...

Hiệu trưởng: Trần Mạnh Quỳ - nguyên Cục trưởng Cục Dân quân.

- Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh thành lập Trường Bổ túc quân chính sơ cấp, đối tượng chính là cán bộ đại đội.

Hiệu trưởng: Đào Chính Nam.
Chính trị ủy viên: Ngô Tấn Văn.

Khóa 1 khai giảng ngày 20 tháng 9 năm 1952, tại xã Tiền Phong, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, có 192 học viên.


4-7 tháng 9.

Trung đoàn 101 (Liên khu 4) chống cuộc càn “Cá sấu” (Caiman) tại khu vực Cửa Việt, Phong Điền, Hải Lăng (Quảng Trị).


14-10 đến 10-12.

Chiến dịch Tây Bắc.


Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị chuẩn bị chiến dịch từ tháng 4 năm 1952. Đầu tháng 9, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc. Ở hướng chính, Bộ Tổng tư lệnh sử dụng các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, Đại đoàn Công pháo 351, trung đoàn bộ binh 148 và lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở Tây Bắc. Hai đại đoàn bộ binh 320, 304 hoạt động nghi binh và phối hợp ở vùng sau lưng địch.

Các tỉnh từ Thanh - Nghệ - Tĩnh trở ra huy động 35.000 dân công cùng các đơn vị công binh sửa đường và vận tải tiếp tế.

Chỉ huy trưởng chiến dịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Chủ nhiệm chính trị: Nguyễn Chí Thanh. Chủ nhiệm cung cấp: Nguyễn Thanh Bình.

Chiến dịch diễn ra qua ba đợt. Trên cả hai mặt trận, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đấu 13.800 tên, đánh bại âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Mường”, “Xứ Nùng” tự trị của địch, giải phóng 28.500 ki-lô-mét vuông với 25 vạn dân thuộc các tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), bốn huyện phía nam tỉnh Lai Châu, hai huyện phía tây tỉnh Yên Bái, nối liền Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc.

Các đơn vị tham gia chiến dịch tiến bộ rõ rệt về trình độ đánh công kiên, đánh vận động ở chiến trường rừng núi xa hậu phương. Tại hội nghị tổng kết chiến dịch (29-1-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương: “Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải là hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”.


Tháng 10.

Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ khắc phục trận lũ lụt lớn, giữ gìn lực lượng, tích cực đánh địch để giành lại thế chủ động, phối hợp với các chiến trường.


Tháng 11.

Cục Thông tin liên lạc mở lớp tập huấn đài trưởng vô tuyến điện lần thứ nhất.



1-30 tháng 12.

Trung đoàn 48 (Liên khu 3) cùng lực lượng vũ trang địa phương phá cuộc càn Brơ-ta-nhơ của năm binh đoàn cơ động địch ở Nam Định. Các trung đoàn 57, 66, 9, 52 phối hợp với bộ đội địa phương, du kích đánh địch ở Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình.


5 tháng 12.

Thành lập Đại đoàn bộ binh 325
. Từ ngày 17 tháng 5 năm 1950, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định “chấn chỉnh tổ chức quân chính quy ở Bình - Trị - Thiên... củng cố các đơn vị chủ lực hiện có, tiến tới xây dựng thành đại đoàn chủ lực cơ động tác chiến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh”. Ngày 23 tháng 6 năm 1951, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho mặt trận Bình - Trị - Thiên “gấp rút củng cố bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích, sẵn sàng thay thế lực lượng chủ lực, tiến tới xây dựng đại đoàn chủ lực ở Bình - Trị - Thiên”. Ngày 5 tháng 12 năm 1952, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 4 quyết nghị: “Rút các trung đoàn chủ lực ra khỏi chiến trường để xây dựng thành đại đoàn chủ lực”. Thực hiện chủ trương trên, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Bình - Trị - Thiên đưa các trung đoàn bộ binh 101, 18, 95 và một số phân đội binh chủng ra vùng tự do Nghệ - Tĩnh xây dựng Đại đoàn bộ binh 325.

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Trần Quý Hai.

Đại đoàn bộ binh 325 mang tên truyền thống “Đại đoàn Binh - Trị - Thiên”.


19 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi nhân ngày toàn quốc kháng chiến:
“Chúng ta bước sang năm thứ bảy của cuộc kháng chiến toàn quốc... ta càng ngày càng mạnh, địch càng ngày càng yếu. Từ chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950 đến nay, trên chiến trường Bắc Bộ, ta đã giành và giữ chủ động, còn địch thì bị động”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 02:32:10 pm »


Năm 1953

13-28 tháng 1.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng hai trung đoàn 108, 803, tiểu đoàn 40 chủ lực liên khu và trung đoàn 120 địa phương mở chiến dịch tiến công địch, địa bàn chính là An Khê, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phối hợp với chiến trường toàn quốc.

Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch: Nguyễn Chánh.

Các đơn vị đã diệt một số cứ điểm, đánh viện binh địch trên đường số 19, diệt nhiều sinh lực, phá hủy một số xe quân sự địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng gửi thư khen: “Thắng lợi này chứng tỏ các đồng chí đã tiến bộ về chính trị cũng như về kỹ thuật sau thời kỳ chỉnh huấn, đặc biệt kỹ thuật đánh điểm nhỏ, viện nhỏ”.


25-30 tháng 1.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự:

“1. Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do.

Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay.

2. Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt. Làm như vậy để đạt mục đích đánh chắc, ăn chắc, mở rộng vùng tự do. Đồng thời có thể dùng công kiên chiến hút lực lượng của địch đến mà đánh, phân tán lực lượng địch, làm rối loạn kế hoạch của địch và tạo điều kiện cho vận động chiến.

3. Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân, để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn ngụy binh của địch, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những căn cứ kháng chiến sau lưng địch.

4. Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, vùng tự do và những căn cứ du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân du kích không thoát ly sản xuất. Những tổ chức dân quân du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể dùng để bổ sung bộ đội chủ lực.

5. Về việc chỉ đạo quân sự, cần phải kết hợp những hình thức đấu tranh nói trên một cách linh hoạt, khôn khéo. Như thế, một mặt lợi cho bộ đội chủ lực có thể tìm nhiều cơ hội để tiêu diệt địch; một mặt khác có thể giúp bộ đội, du kích hoạt động và giúp căn cứ du kích của ta sau lưng địch phát triển và củng cố.

6. Trong sự chỉ đạo các hình thức đấu tranh nói trên, cần phải thiết thực nhận rõ tính chất trường kỳ của kháng chiến. Cho nên, phải rất chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá.

Đồng thời cần phải yêu cầu bộ đội chịu khó, chịu khổ, kiên quyết, gan dạ thi đua diệt địch lập công. Hai điều đó không trái nhau, mà kết hợp với nhau.

7. Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải đảm bảo sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.

8. Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác.

Phải tăng cường công tác của Bộ Tổng Tham mưu và của Tổng cục Cung cấp. Công tác của Bộ Tổng Tham mưu phải tăng cường mới có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội. Công tác của Tổng cục Cung cấp phải tăng cường thì mới có thể đảm bảo được sự cung cấp đầy đủ cho chiến tranh và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội.

Nhưng phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên.

9. Phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội. Ngoài việc động viên thanh niên ở vùng tự do tòng quân, cần phải rất chú ý tranh thủ và cải tạo ngụy binh đã đầu hàng ta để bổ sung cho bộ đội ta. Tổ chức bộ đội mới thì không nên hoàn toàn dùng cán bộ mới và binh sĩ mới, mà nên dùng cách lấy bộ đội cũ làm nền tảng để mở rộng bộ đội mới. Đồng thời cũng không nên vét sạch bộ đội du kích để bổ sung cho bộ đội chủ lực.

10. Cần phải tăng cường và cải thiện dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh".


Tháng 2.

Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị nghiên cứu chiến thuật đánh tập đoàn cứ điểm
, phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu trong phòng ngự tập đoàn cứ điểm của địch, thảo luận các cách đánh, đặc biệt là cách khắc phục hỏa lực địch, chiến đấu ban ngày và liên tục.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM