Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:45:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7409 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:55:07 am »


20 tháng 5.

Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ tư (miền Bắc Đông Dương)
xác định: “Nhiệm vụ của ta là tích cực lợi dụng thời gian bổ sung bộ đội, phát triển dân quân, ở những nơi địch có thể tiến công ráo riết thì đề phòng phá các cuộc tiến công của địch. Mở rộng công tác chính trị, nhất là công tác vận động ngụy binh, chuẩn bị mọi điều kiện đầy đủ để đẩy mạnh cuộc kháng chiến...”


1-15 tháng 6.

Chiến dịch Yên Bình Xã I
. Bộ Tư lệnh Liên khu 10 sử dụng các tiểu đoàn 532 (chủ lực liên khu), 534 (Hà Giang), 45 (chủ lực bộ), hai đại đội độc lập (700 và Ngô Khê) tiến công tại Yên Bình Xã (khu vực Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), nhằm tiêu diệt sinh lực, phá kế hoạch tiến công của địch, rèn luyện bộ đội tác chiến tập trung…


29 tháng 6.

Trung đoàn 103 (Liên khu 4) do trung đoàn trưởng Tùng Lâm chỉ huy
, tiêu diệt các vị trí Ba Đồn, Thụ Lộc, Cự Nẫm, Sen Bằng, Hy Diệt (bắc Quảng Bình).


Tháng 6.

- Trung ương Quân ủy mở cuộc vận động “Chi bộ tự động công tác"
, làm cho các chi bộ ở các đại đội độc lập và các đội vũ trang tuyên truyền lãnh đạo đơn vị ứng phó với mọi tình huống chiến tranh ở vùng sau lưng địch và coi đây là phương pháp chính để củng cố cơ sở Đảng.

- Bộ Tổng tham mưu mở lớp bổ túc sĩ quan tham mưu khóa 1, gồm 40 học viên.


9 tháng 7.

Tiểu đoàn 319 (trung đoàn 101, Liên khu 4)
diệt đồn Hà Thanh (Phú Vang, Thừa Thiên).


12 và 13 tháng 7.

Du kích và nhân dân làng Cảnh Dương
(Quảng Trạch, Quảng Bình) dựa vào “làng chiến đấu” đánh bại cuộc càn lớn của địch.


25-7 đến 2-8.

Chiến dịch Đường số 3.


Bộ chỉ huy Liên khu 1 chỉ huy hai trung đoàn (308, 74), ba tiểu đoàn và một số đại đội độc lập, cùng du kích tiến công địch tại Bắc Cạn - Ngân Sơn (có hai đại đội lê dương, một đại đội cơ động và lính ngụy) trên tuyến phòng thủ Bắc Cạn - Cao Bằng, nhằm phá kế hoạch thu-đông 1948 của địch...

Chỉ huy trưởng chiến dịch: Thanh Phong.
Chỉ huy phó: Lâm Kính.

Mở đầu, tiểu đoàn 11 (trung đoàn 308) được tăng cường một đại đội pháo tiến công cứ điểm Phủ Thông. Tiếp đó, các đơn vị tăng cường đánh du kích, đánh giao thông, chặn viện trên đường số 3. Địch thiệt hại gần 60 tên và hơn 50 súng, cối. Tiểu đoàn 11 được tặng danh hiệu “tiểu đoàn Phủ Thông”.


Tháng 7.

Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất
họp tại Chiến khu Đồng Tháp Mười quyết định phát triển phong trào dân quân, lập làng chiến đấu, xây dựng chủ lực mạnh để đánh những trận lớn, phát triển đánh giao thông, đi đến đánh đồn, tiêu diệt từng bộ phận của địch...

Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy.


8-16 tháng 8.

Hội nghị cán bộ trung ương Đảng lần thứ năm
. Đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng trình bày văn kiện “Chúng ta chiến đấu cho độc lập và dân chủ”. Về quân sự, hội nghị nhấn mạnh vấn đề tổ chức Đảng trong quân đội, rút ra những bài học lớn về tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong quá trình chuyển từ du kích chiến lên vận động chiến. “Muốn đánh giặc phải bám chắc lấy dân, đất có thể tạm thời mất, nhưng nắm chắc được dân thì sẽ lấy lại được hết”. “Phải phối hợp chiến lược trên chiến trường toàn quốc”, “phối hợp tác chiến giữa bộ đội và dân quân du kích”, “giữa mặt trận trước mặt địch và mặt trận sau lưng địch”. “Mục đích tác chiến thiết thực của ta là tiêu diệt lực lượng sắc bén của địch cho thật nhiều”. “Diệt cứ điểm nhỏ và riêng lẻ của địch trước mới đánh những cứ điểm trung binh và cứ điểm lớn”. “Học đánh vận động từng tiểu đoàn đến trung đoàn”.


9 tháng 8.

Đại đội du kích Lê Hồng Phong tỉnh Quảng Trị phục kích đoàn xe quân sự địch trên đường số 9
, phá hủy 13 xe, diệt 25 tên địch, thu 30 súng. Đại đội được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen là “Đơn vị kiểu mẫu của Liên khu 4".


10 tháng 8.

Tiểu đoàn 274 (Quảng Bĩnh) được một bộ phận của tiểu đoàn 400 (trung đoàn 301) phối hợp, phục kích, phá hủy năm xe, diệt 17 tên địch tại Tiên Lương.


18-31 tháng 8.

Trung đoàn 209 (trung đoàn Sông Lô) cùng nhân dân và lực lượng vũ trang Liên khu 10
chống cuộc càn Ca-ni-gu của 3.000 quân địch tại Vĩnh Yên, Phúc Yên.


19 tháng 8.

- Thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao
. Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch: Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính); các ủy viên: Phan Kế Toại (quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Kinh tế), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam), Tạ Quang Bửu (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

- Chính phủ ra quyết định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng (tổ chức và quản trị quân đội và các cơ quan quốc phòng, điều khiển các cơ sở sản xuất quốc phòng), Tổng tư lệnh (phụ trách chỉ huy quân đội và dân quân Việt Nam, sử dụng các cơ quan giúp việc chỉ huy, quyết định việc điều động và sử dụng các sản phẩm). Cơ quan Bộ Quốc phòng gồm Văn phòng và các ngành sự vụ, Nha Quân giới, Nha Quân dược, Bộ Tổng Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Dân quân, Cục Quân huấn, Cục Quân pháp, Cục Tình báo, Cục Pháo binh, Cục Quân giới, Cục Quân nhu, Cục Quân y, Cục Thông tin liên lạc, Cục Vận tải.


20 tháng 8.

Trung đoàn 95 (Liên khu 4) do trung đoàn trưởng Nguyễn Nam Thắng và chính ủy Lê Chưởng chỉ huy
phục kích đoàn xe 27 chiếc của địch tại đèo Tàn Lâm (đường số 9), phá hủy 16 xe, diệt và bắt 30 tên. Đây là trận vận động phục kích giao thông cấp trung đoàn đầu tiên trên chiến trường Bình - Trị - Thiên.


Tháng 8.

- Thành lập Mặt trận 3 (Mặt trận Trung Du)
. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp làm chỉ huy trưởng mặt trận.

- Hội nghị quân y lần thứ bảy quyết định thành lập Ban Truyền bá vệ sinh trong quân đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:57:19 am »


2 tháng 9.

Hội nghị quân giới toàn quốc lần thứ nhất
, thống nhất kiểu mẫu vũ khí, tổ chức sản xuất và phương pháp chế tạo, quản lý sản xuất và đào tạo, bồi dưỡng công nhân, cán bộ.


16 tháng 9.

Tiểu đoàn 307 chủ lực Khu 8 phục kích diệt hai trung đội địch tại Mộc Hóa (Tân An).


16-25 tháng 9.

Trung đoàn 95 (thiếu) Liên khu 4 chống càn tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị)
diệt 300 tên, làm bị thương 100 tên, đánh chìm 39 thuyền, một ca nô, phá hủy bảy xe quân sự.


24 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị tổ chức Ban Quân sự Nam Bộ
. “Tên và thành phần: để phù hợp với hệ thống chung, Ban Quân sự Nam Bộ gọi là Bộ Tư lệnh Nam Bộ”. “Nhiệm vụ và quyền hạn trong Bộ Tư lệnh Nam Bộ: 1) Về bàn việc, theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nghĩa là kế hoạch chủ trương phải đưa ra thảo luận trong Ban Thường vụ hay Bộ Tư lệnh tùy điều kiện. 2) Chính phủ phải có quyền quyết định tối hậu. Nhưng trong lúc dùng quyền ấy, cần trọng uy tín của Tư lệnh và Phó tư lệnh và không lấn át sáng kiến chuyên môn”.


5-7 tháng 10.

Bộ Tư lệnh Liên khu 10 sử dụng tiểu đoàn 453, đại đội 522 (trung đoàn 115), hai đại đội độc lập (671, 672), một đại đội sơn pháo, mở chiến dịch tiến công địch ở Yên Bình Xá1 (Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), diệt và làm bị thương 58 tên địch, thu một số vũ khí, lương thực, giải phóng 70 gia đình bị địch tập trung.


8-10 đến 26-11.

Bộ Tổng chỉ huy và Bộ Tư lệnh Liên khu 1 sử dụng ba trung đoàn 98, 28, 55 (chủ lực khu), hai tiểu đoàn 18, 29 (trung đoàn 308), ba tiểu đoàn độc lập 215, 426, 517, một đại đội và một trung đội trợ chiến và dân quân du kích mở chiến dịch tiến công địch ở khu vực An Châu - Đồng Dương (chiến dịch Đông Bắc I).

Chỉ huy trưởng chiến dịch: Lê Quảng Ba.

Kết quả: diệt hai cứ điểm, bức rút bảy vị trí, làm thương vong 150 tên, thu một số vũ khí.


23 tháng 10.

Đại diện Chính phủ tại miền Nam ra nghị định số 141/QSMNTB thành lập Phân khu Tây Nguyên, trung đoàn 210, hai liên trung đoàn 81-82 và 80-83
... Phân khu Tây Nguyên là địa bàn của Khu 15 cũ. Phân khu trưởng: Nguyễn Nen; Chính trị viên: Bùi San; Tham mưu trưởng: Phạm Văn Tho. Trung đoàn 210 gồm hai trung đoàn 210, 215 sáp nhập lại. Trung đoàn trưởng: Thu Sơn; chính trị viên: Lê Văn Nhiêu. Liên trung đoàn 81-82 (Khu 6 cũ), phụ trách bốn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai. Liên trung đoàn trưởng: Đàm Quang Trung; chính trị viên liên trung đoàn: Nguyễn Sắc Kim. Liên trung đoàn 80-83 (Khu 6 cũ), phụ trách hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Liên trung đoàn trưởng: Lư Giang; chính trị viên liên trung đoàn: Nguyễn Đường.


27 tháng 10.

Ban Thường vụ Trung Ương Đảng ra Nghị quyết “Lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội”
. Cấp Trung ương có Tổng Chính ủy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng). Cấp khu và cấp trung đoàn có chính ủy là các đồng chí ủy viên khu ủy và ủy viên tỉnh ủy do Trung ương chỉ định. Cấp tiểu đoàn, đại đội có liên chi ủy và chi ủy.


Tháng 10.

Thành lập bộ Tư lệnh Nam Bộ
. Tư lệnh: Trung tướng Nguyễn Bình.


10 tháng 11.

Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy ra nghị định số 496/TCH, mở các lớp và trường thiếu sinh quân
ở các liên khu. Thiếu sinh quân sẽ tuyển trong con, em ruột của quân nhân còn tại ngũ, tử trận…, đào tạo để khi đủ tuổi làm cán bộ sơ cấp về quân sự, văn hóa, chính trị cho quân đội


11 tháng 11.

Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 mở đợt hoạt động đông-xuân 1948-1949
nhằm tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh du kích chiến tranh. Ở Khánh Hòa, Phú Yên: liên trung đoàn 80 - 83 do trung đoàn trưởng Lư Giang, chính ủy Nguyễn Đường chỉ huy, diệt một số vị trí địch. Ở Quảng Nam: trung đoàn 108 do trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát, chính ủy Nguyễn Quyết chỉ huy, được tăng cường hai tiểu đoàn 79 và 19, tập kích một số đồn địch ở khu vực thị xã Hội An, phục kích xe quân sự địch trên đèo Hải Vân. Ở Tây Nguyên: tiểu đoàn 50 (trung đoàn 120) do trung đoàn trưởng Trương Cao Dũng chỉ huy, cùng lực lượng vũ trang địa phương Gia Lai đánh giao thông trên đường số 19.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng liên trung đoàn 80 - 83 lá cờ “Danh Dự”.


19 tháng 11.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 259/SL quy định sinh hoạt phí, phụ cấp hàng tháng và phụ cấp thâm niên của quân đội
. Mỗi quân nhân, bất cứ ở cấp nào, giữ chức vụ gì đều được hưởng sinh hoạt phí tối thiểu 6 đồng một ngày. Phụ cấp hàng tháng: binh nhì 30 đồng, hạ sĩ 50 đồng, trung sĩ 60 đồng, thượng sĩ 80 đồng, chuẩn úy 100 đồng, thiếu úy 120 đồng, trung úy 160 đồng, đại úy 200 đồng, thiếu tá 280 đồng, trung tá 360 đồng, đại tá 440 đồng, thiếu tướng 600 đồng, trung tướng 700 đồng, đại tướng 800 đồng. Phụ cấp thâm niên đủ ba tuổi quân được cấp 30 đồng một tháng. Cứ thêm hai năm được thêm 30 đồng. Quân nhân làm chuyên môn (vô tuyến điện, giao thông liên lạc, quân nhạc ...) có thêm khoản phụ cấp kỹ thuật chuyên môn hoặc tiên thù lao hàng tháng.

- Chính phủ ban hành “Quân dụng phiếu”, sử dụng thay một phần tiền mặt trong việc trao đổi, phục vụ các nhu cầu cần thiết của quân đội.


25 tháng 11.

Thành tập Liên khu 3 (sắc lệnh 120/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
trên cơ sở hợp nhất Chiến khu 2 và Chiến khu 3

Tư lệnh: Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Chính ủy: Lê Quang Hòa.


19 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi” kỷ niệm hai năm toàn quốc kháng chiến
. “Để đi đến thắng lợi cuối cùng, chúng ta còn phải kinh qua những bước gay go hơn trước, còn phải chiến đấu hăng hơn trước, mạnh hơn trước”.


Tháng 12.

Xuất bản cuốn “Mật mã đại cương"
- tài liệu lý thuyết mật mã đầu tiên lưu hành trong cơ quan chỉ huy và cơ quan mật mã toàn quân.
________________________________________________
1. Lần thứ hai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 02:53:21 pm »


Năm 1949

14-18 tháng 1.

Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu
, chủ trương: “Mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công”. “Trọng tâm công tác trong lúc này là tiếp tục xây dựng các bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến. Biên chế, huấn luyện, trang bị đều phải nhằm mục đích thực hiện vận động chiến mà tiến hành”.


20 tháng 1.

Hội nghị cán bộ quân sự cấp cao
, thảo luận “Kế hoạch quân sự năm 1949”, xác định: “Để phát động vận động chiến, thực hiện chủ động chiến dịch đi tới chủ động chiến lược cục bộ, nguyên tắc tập trung binh lực cần được cương quyết thực hiện, đặc biệt trên chiến trường chính và hướng chính. Việc tập trung binh lực cần thích hợp với điều kiện địa hình, chiến thuật áp dụng, địch tình trên mỗi chiến trường".


Tháng 1.

- Thành lập Liên khu 5
trên cơ sở hợp nhất Khu 5, Khu 6 và Phân khu 15 (Tây Nguyên).

Quyền tư lệnh: Nguyễn Thế Lâm.
Chính ủy: Nguyễn Chánh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cán bộ dân quân Trường Lê Bình (khóa 2): “Muốn đánh giặc phải dựa vào ai? Trước nhất và mọi việc phải dựa vào nhân dân. Vậy mỗi cán bộ và mọi chiến sĩ dân quân du kích phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Hai là phải tổ chức chặt chẽ, tập huấn hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo. Hễ có giặc là đánh. Đánh khéo, đánh gan, đánh mạnh, đánh dai, đánh cho tan giặc”.


3 tháng 2.

Hội nghị công binh toàn quân lần thứ hai
, tổng kết kinh nghiệm và đề ra phương hướng xây dựng, củng cố lực lượng công binh trong tình hình mới.


Tháng 2.

- Tổng Chính ủy triệu tập hội nghị bí thư chi bộ toàn quân và hội nghị tổ chức, tuyên huấn toàn quân
, bồi dưỡng công tác lãnh đạo, rèn luyện đảng viên, đề cao tự phê bình và phê bình; xây dựng nền nếp công tác giáo dục chính trị, mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật trong quân đội.

- Hội nghị Xây dựng lực lượng vũ trang do Bộ Tổng Tham mưu triệu tập, thảo luận phương án tổ chức biên chế đại đoàn chủ lực thuộc Bộ và trung đoàn chủ lực liên khu, chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng ban hành nghị định chính thức về tổ chức biên chế của đại đoàn và trung đoàn chủ lực.


1-3 đến 20-4.

Bô Tư lệnh Liên khu 10 sử dụng các tiểu đoàn 453, 532, 530, 930, một số đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền mở chiến dịch Lao-Hà (Lào Cai - Hà Giang) phối hợp với Mặt trận 7 (chiến dịch Cao-Bắc-Lạng và chiến dịch Đông Bắc) diệt hai vị trí, bức địch rút khỏi 22 vị trí khác, phá âm mưu lập “Xứ Nùng tự trị” của địch.


4-3 đến 27-4.

Bộ Tổng chỉ huy sử dụng trung đoàn 98, trung đoàn độc lập Hải Ninh, tiểu đoàn 1 (trung đoàn 59) mở chiến dịch tiến công địch ở đông bắc Bắc Bộ (chiến dịch Đông Bắc II). Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch: Lê Quảng Ba. Các đơn vị đánh hơn 40 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 700 tên địch, phá hủy hơn 80 xe quân sự.


8 tháng 3.

Thành lập Ban nghiên cứu thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu
. Nhiệm vụ: nghiên cứu phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai gần.

Trưởng ban: Nguyễn Văn Khương.
Chính trị viên: Nguyễn Việt.


9 tháng 3

Thành lập Ban nghiên cứu không quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu
. Nhiệm vụ: tìm hiểu hoạt động và biện pháp chống không quân Pháp; chuẩn bị cơ sở xây dựng không quân Việt Nam.

Trưởng ban: Hà Đổng.
Chính trị viên: Trần Hiếu Tâm.


10 tháng 3.

Trường Quân y sĩ Việt Nam
(được thành lập theo sắc lệnh số 234/SL, ngày 28 tháng 8 năm 1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh), khai giảng khóa 1 (55 học viên).

Giám đốc: bác sĩ Đinh Văn Thắng.

Ngày 10 tháng 3 trở thành ngày truyền thống của Học viện Quân y ngày nay.


12 tháng 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14/SL
đổi tên “Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam” thành “Bộ Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam”; các bộ chỉ huy liên khu đổi thành bộ tư lệnh liên khu. Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đổi thành Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam; liên khu trưởng đổi thành tư lệnh liên khu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 02:54:17 pm »


15-3 đến 30-4.

Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu 1 sử dụng các trung đoàn 28, 72, 74, tiểu đoàn 517 (Liên khu 1) và bốn tiểu đoàn 29, 35, 23, 18 bộ binh, tiểu đoàn 410 pháo binh trực thuộc Bộ, mở chiến dịch Cao – Bắc - Lạng (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn).

Tư lệnh chiến dịch: Đào Văn Trường.
Chính ủy: Hà Kế Tấn.

Các đơn vị tổ chức nhiều trận đánh giao thông trên đường số 4, diệt và bức rút 17 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.400 tên địch; phá hủy 80 xe quân sự. Trình độ đánh cứ điểm, đánh giao thông của các đơn vị có nhiều tiến bộ.


7 tháng 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương:
“Quân đội quốc gia Việt Nam gồm có hai phần: quân đội chính quy và quân đội địa phương. Bộ đội địa phương có ba đặc điểm chính là: có tính cách địa phương, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, tự trang bị và tự túc về cấp dưỡng”.

Thi hành sắc lệnh của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra nghị định số 103/NQ (7-7-1949) tổ chức bộ đội địa phương, và thông tư số 46/TT (7-7-1949) quy định nhiệm vụ của cơ quan các cấp, các ngành đối với việc xây dựng bộ đội địa phương.

Đến cuối năm 1949, ở Bắc Bộ có 20.500 bộ đội địa phương tổ chức thành trung đội (huyện) và đại đội hoặc tiểu đoàn (tỉnh); ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, các liên khu cũng xúc tiến kế hoạch xây dựng bộ đội địa phương.


29-4 đến 30-5.

Trung đoàn 308 (chủ lực Bộ), trung đoàn 209 (Liên khu 10) cùng nhân dân và du kích chống cuộc càn Pô-môn (Pomone) của 2.500 quân địch ở Phú Thọ, Tuyên Quang. Chỉ huy trưởng: Bằng Giang. Chỉ huy phó: Vương Thừa Vũ và Lâm Kính. Các đơn vị được rèn luyện, có nhiều tiến bộ về trình độ vận động chiến ở địa hình rừng núi.


16 tháng 5.

Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quyết định sáp nhập các phòng, ban vũ khí dân quân, các xưởng vũ khí dân quân ở các khu, các xưởng thuộc Tổng liên đoàn lao động vào quân giới. Mỗi tỉnh duy trì một công trường hoặc một kíp thợ (20-30 người) bảo đảm vũ khí tại chỗ cho bộ đội địa phương và dân quân du kích. Các huyện lập tổ nhồi lắp vũ khí (mìn, lựu đạn) và sản xuất vũ khí thô sơ.


19-5 đến 18-7.

Bộ Tổng tư lệnh sử dụng các tiểu đoàn 11, 45 (trung đoàn 308), bốn tiểu đoàn của Liên khu 10 và một số đơn vị binh chủng, mở chiến dịch Sông Thao (Sơn La, Yên Bái).

Chỉ huy tníởng: Lê Trọng Tấn.
Chỉ huy phó: Cao Văn Khánh.

Các đơn vị diệt 9 cứ điểm, bức rút 16 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 700 tên địch, thu nhiều vũ khí, phá vỡ từng mảng lớn phòng tuyến sông Thao bảo vệ hậu phương địch ở Tây Bắc, mở rộng vùng cơ sở của ta trong vùng địch hậu.


21 tháng 5.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội”
. Mục tiêu: rèn luyện cán bộ tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, trình độ chỉ huy, đạo đức cách mạng; xây dựng bộ đội chủ lực tinh nhuệ, lực lượng hậu bị hùng hậu.

Thực hiện chỉ thị, tháng 5 năm 1949, Tổng chính ủy mở cuộc vận động “Rèn luyện đảng viên, chấn chỉnh tổ chức” và cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật”.


Tháng 5.

- Thành lập Cục Pháo binh
. Nhiệm vụ: nghiên cứu, chế tạo vũ khí có sức công phá phù hợp với khả năng, điều kiện của ta; mở trường đào tạo chỉ huy pháo binh, lớp đào tạo thợ pháo...

Cục trưởng: Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa.

- Hội nghị quân huấn toàn quân, đánh giá công tác huấn luyện chiến đấu, rút kinh nghiệm về tổ chức và chỉ đạo nội dung huấn luyện. Sau hội nghị, Bộ Tổng Tham mưu đã biên soạn các tài liệu: “Chiến thuật đánh vào bên trong cứ điểm”, “Kinh nghiệm sử dụng các loại vũ khí công đồn và đánh giao thông thủy bộ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 02:55:05 pm »


Tháng 6 - tháng 10.

Chiến dịch "Thập vạn Đại Sơn”. Thực hiện thỏa thuận giữa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng ta, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh số 264-bis/TTL, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Liên khu 1: “Giúp Giải phóng quân (Trung Quốc) xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới đông bắc của ta, thông ra biển, gây điều kiện để khuếch trương lực lượng đón quân tiến xuống phía nam, đồng thời hoạt động ở đông bắc để mở rộng khu tự do của ta ra sát tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế”.

Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch: Lê Quảng Ba.
Chính trị ủy viên: Trần Minh Giang (Trung Quốc).

Chiến dịch diễn ra trên hai mặt trận. Mặt trận Điền Quế do đồng chí Nam Long làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Bình (Trung Quốc) làm chỉ huy phó, đồng chí Đỗ Trình làm chính trị viên. Mặt trận Tả Giang - Long Châu do đồng chí Thanh Phong, Tư lệnh phó Liên khu 1 làm tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân, trung đoàn trưởng trung đoàn 74 và đồng chí Long Xuyên, trung đoàn phó trung đoàn 28 làm tư lệnh phó. Các đơn vị tham gia chiến dịch: tiểu đoàn 73 (trung đoàn 74), tiểu đoàn 35 (trung đoàn 308), tiểu đoàn 426 (trung đoàn 59), tiểu đoàn 1 (trung đoàn Hải Ninh) và một số đại đội binh chủng, đơn vị bảo đảm.

Ngày 10 tháng 6, chiến dịch bắt đầu. Phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc, bộ đội ta tiêu diệt nhiều đồn bốt, mở rộng khu Điền Quế, Việt Quế và các khu căn cứ Tả Giang, Thập Vạn Đại Sơn. Tháng 10 năm 1949, các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước.


8 tháng 6.

Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra thông tri số 33-TIẾP TỤC/CT về công tác văn nghệ trong quân đội
. “Văn nghệ trong quân đội là một hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, hứng thú và linh động để nâng cao hiệu suất của công tác chính trị về mọi mặt: nội bộ, dân vận và địch vận”, “cần xúc tiến việc nâng đỡ các mầm văn nghệ đã có, để xây dựng một nền văn nghệ trong quân đội quốc gia Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới”. Hệ thống tổ chức: Ban Văn nghệ (ở Trung ương), tiểu ban văn nghệ (ở liên khu, đại đoàn), tổ văn nghệ ở trung đoàn). Từ tiểu đoàn, đại đội trở xuống, chính trị viên có nhiệm vụ đôn đốc, phân công để toàn thể quân nhân tham gia hoạt động văn nghệ.


18 tháng 6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 50/SL quy định nhiệm vụ và tổ chức các cơ quan của Bộ Quốc phòng.


Nhiệm vụ: - Tổ chức và quản trị quân đội và các cơ quan quốc phòng. - Điều khiển các cơ quan sản xuất quốc phòng.

Tổ chức: Bộ Quốc phòng gồm: 1- Các cơ quan trực tiếp giúp Bộ trưởng: Văn phòng và sự vụ; 2 - Các nha chuyên việc sản xuất: Quân giới, Quân nhu, Quân dược; 3 - Bộ Tổng Tham mưu và các cục: Chính trị, Dân quân, Quân huấn, Quân chính, Quân pháp, Tình báo, Pháo binh, Công binh. Quân giới, Quân nhu, Quân y, Thông tin liên lạc, Vận tải; 4 - Đoàn Thanh tra.

Cục Vận tải chính thức được thành lập theo sắc lệnh này. Ngày 18 tháng 6 được xác định là ngày truyền thống của ngành Vận tải quân sự.


23 tháng 6.

Thành lập Phân hiệu Lục quân Nam Bộ
(nghị định Bộ Quốc phòng).

Hiệu trưởng: Trương Văn Giàu - nguyên Khu trưởng Khu 9.
Chính trị viên: Nguyễn Văn Long.

Khóa 1 khai giảng tháng 9 năm 1950 tại xã Hồ Văn Tố, Long Mỹ, Cần Thơ, có 350 học viên.


Tháng 6.

- Hội nghị Cục trưởng và Giám đốc Nha Quân giới
, mở cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh cơ quan”. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho ngành Quân giới: “Sản xuất vũ khí công đồn và đánh giao thông, chú trọng vũ khí đánh đường thủy”.

- Cục Quân y tổ chức hội nghị y tá đại đội, bàn về tổ chức và nhiệm vụ của ban quân y đại đội; trao đổi kinh nghiệm phục vụ, kinh nghiệm vận động quần chúng; thông qua bản kỷ luật chuyên môn gồm 10 điểm; học tập tài liệu “Tư cách đạo đức người quân y cách mạng”.

- Thành lập Trường trung cấp kỹ thuật Công binh. Nhiệm vụ: đào tạo cán bộ công binh về chính trị, quân sự, văn hóa, chuyên môn kỹ thuật theo một chương trình cơ bản, hệ thống.


4 tháng 7.

Bộ Quốc phòng quy định thang lương 18 bậc
cho công nhân và 25 bậc cho nhân viên quốc phòng, quyết định trả lương theo giá gạo (tối thiểu là 30 ki-lô-gam, tối đa là 53 ki-lô-gam một tháng).


11 tháng 7.

Phòng Thông tin liên lạc quân sự mở lớp đào tạo sĩ quan tham mưu thông tin
. Khóa 1 có 15 học viên.


31 tháng 7.

Thành lập Cục Thông tin liên lạc thuộc Bộ Tổng tư lệnh (nghị định số 123-NĐ của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh)
. Nhiệm vụ: tham mưu cho Bộ Tổng tư lệnh về thông tin liên lạc; tổ chức giữ vững thông tin liên lạc từ Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đến các chiến trường, các đơn vị trong toàn quân; trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị thông tin liên lạc thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh; thống nhất tất cả các lực luợng thông tin liên lạc ở cơ quan Bộ Quốc phòng, Sở Vô tuyến điện Việt Nam về cục.

Cục trưởng: Hoàng Đạo Thúy.
Cục phó: Nguyễn Văn Tình.


Tháng 7.

Hội nghị dân quân Khu 7
quyết định phát triển dân quân du kích, đặc biệt là ở vùng dân tộc ít người, thành lập các làng chiến đấu để chống càn, bảo vệ địa phương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 02:56:12 pm »


2 tháng 8.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập "Hội đồng xét cấp bậc cho quân nhân”
. Chủ tịch Hội đồng: Tổng Tham mưu trưởng.


6 tháng 8.

Thành lập Phân hiệu Lục quân Trung Bộ
(nghị định Bộ Quốc phòng).

Giám đốc: Hoàng Điền.
Chính trị viên: Hoàng Lưu.

Khóa 1 khai giảng ngày 21 tháng 9, tại Hà Cháy, Thanh Chương, Nghệ An. có 800 học viên.


18 tháng 8.

- Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân:
“Muốn xây dựng một đội quân chủ lực mạnh mẽ cần phải có sự phát triển rộng rãi của phong trào dân quân và những bộ đội địa phương đã trưởng thành. Bộ đội địa phương và dân quân trong quá trình tiến triển của chiến tranh, là lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực”. “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân là một công tác then chốt để đẩy mạnh chiến tranh tiến tới”.

- Các tiểu đoàn 277, 310 (trung đoàn 95), 364 (Liên khu 4) chống cuộc càn lớn của địch tại Mỹ Xuyên (Phong Điền, Quảng Trị).


20 tháng 8.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào bán gạo giúp Người khao thưởng bộ đội:
“Tôi lấy danh nghĩa cá nhân mà nhờ đồng bào giúp tôi. Tôi muốn nhờ đồng bào, mỗi gia đình bán cho tôi 10 ki-lô-gam thóc để khao quân đội nhân dịp Quốc khánh”. Nhân dân cả nước nhiệt liệt hưởng ứng, bán hàng vạn tấn gạo để Hồ Chủ tịch khao quân.


28 tháng 8.

Thành lập Đại đoàn bộ binh 308
, tại thị trấn Đồn Đu, huyện Đồng Hỷ (nay là Phú Lương, Thái Nguyên). Biên chế: ba trung đoàn bộ binh: 88, 102, 36, tiểu đoàn bộ binh 11 (tiểu đoàn Phủ Thông), tiểu đoàn pháo binh 410 và một số đơn vị binh chủng, trực thuộc. Trung đoàn 88 thành lập ngày 1 tháng 7 năm 1949, gồm các tiểu đoàn 23, 29, 38, 322. Trung đoàn trưởng: Nguyễn Thái Dũng, chính ủy: Đặng Quốc Bảo. Trung đoàn 102 (trung đoàn Thủ Đô) gồm các tiểu đoàn 18, 69, 79. Trung đoàn trưởng Vũ Yên, chính ủy: Hoàng Thế Dũng. Trung đoàn 36 (trung đoàn Bắc - Bắc) thành lập tháng 8 năm 1946 gồm các tiểu đoàn 54, 55, 56. Trung đoàn trưởng: Phạm Hồng Sơn, chính ủy: Hoàng Xuân Tùy.

Đại đoàn trưởng kiêm chính ủy Đại đoàn 308: Vương Thừa Vũ.

Đại đoàn 308 là sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta, được mang danh hiệu “Quân Tiên Phong”.


Tháng 8.

- Thành lập Phái đoàn Mậu dịch thống nhất quốc phòng (nghị định số 07/NĐ)
, gồm một số cán bộ quân giới, quân nhu, quân dược. Trưởng đoàn: Vũ Văn Đôn - nguyên Giám đốc Nha Sự vụ. Nhiệm vụ: liên hệ với các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban hành chính - kháng chiến các địa phương và các đoàn thể quần chúng để mua và nhận hàng viện trợ chuyển về Việt Bắc.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi hội nghị tình báo, nêu rõ: “Tình báo là tai mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ đánh thắng địch...”.


26 tháng 9.

Bộ Quốc phòng ra chỉ thị số 78/CT-BQP về tổ chức thông tin liên lạc ở các liên khu và quân đội quốc gia.



Tháng 9.

Hội nghị quân sự Xứ ủy Nam Bộ
. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy đọc báo cáo nêu rõ một số công tác quan trọng: gấp rút chấn chỉnh bộ máy quân sự các cấp; xây dựng ba thứ quân; rèn cán, chỉnh quân; tổ chức lại bộ máy quân giới, quân nhu; tăng cường công tác chính trị, địch vận; đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công.


10-14 tháng 10.

Hội nghị quân giới lần thứ tư
quyết định tổ chức lại các xưởng theo hướng chuyên môn hóa; phân công một số xưởng sản xuất, một số xưởng sửa chữa từng loại vũ khí; tổ chức các kíp lưu động theo bộ đội để sữa chữa vũ khí hư hỏng nhẹ và nhồi lắp đạn


Tháng 10.

Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập “Mặt trận Bình - Trị - Thiên - Trung Lào"
. Nhiệm vụ: đẩy mạnh tác chiến tập trung ở hướng đường số 9 - miền Trung Đông Dương, dùng chủ lực tác chiến để phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.

Chỉ huy trưởng: Hà Văn Lâu.
Ủy viên chính trị: Trần Quý Hai.

Lực lượng thuộc Bộ chỉ huy mặt trận có các trung đoàn 95, 88, 301 và tiểu đoàn 88.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 02:57:04 pm »


4 tháng 11.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 127/SL, hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc.


Ngày 7 tháng 12 năm 1949, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị về nhiệm vụ của Liên khu Việt Bắc: 1 - Chỉ đạo các lực lượng vũ trang liên khu về mặt tác chiến, xây dựng và củng cố hậu phương. 2 - Tổ chức huấn luyện bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và quân hậu bị. 3 - Chỉ đạo lực lượng vũ trang tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội. 4 - Chỉ đạo lực lượng vũ trang nhân dân phát triển chiến tranh nhân dân và bảo vệ cơ sở hậu phương, kho tàng, nhà máy của liên khu và của Bộ. 5 - Phối hợp với các đơn vị chủ lực chuẩn bị chiến trường và hiệp đồng tác chiến khi Bộ mở chiến dịch trong địa bàn liên khu hoặc khi địch tiến công vào liên khu. 6 - Tham gia huy động nhân vật lực, tài lực phục vụ chiến tranh khi có quyết định của Hội đồng Quốc phòng tối cao, hoặc Chính phủ Trung ương. 7 - Trực tiếp quan hệ với bạn để giải quyết các vấn đề liên quan giữa hai bên ở biên giới khi có lệnh của Bộ.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 226/SL về nghĩa vụ quân sự, quy định tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi đến 45 tuổi phải có hai năm tại ngũ. Khi có chiến tranh có thể kéo dài đến hết chiến tranh.


5 tháng 11.

Hội đồng Quốc phòng tối cao ra thông tư số 124/HDTT đặt Thẻ quân vụ
, cấp cho nam công dân từ 18 đến 45 tuổi.

Căn cứ vào thông tư, trong năm 1949, Bộ Quốc phòng ra nghị định (6 chương, 14 điều về chế độ tòng quân của phụ nữ Việt Nam. “Công dân Việt Nam. phụ nữ nếu tình nguyện tòng quân, củng có thể được chấp nhận” (điều 1, chương I). “Nhưng quân nhân phụ nữ không giữ những chức vụ trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu ở tiền tuyến, mà chỉ công tác trong các ngành chuyên môn của quân đội” (điều 6, chương II).


18 tháng 11.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra mệnh lệnh số 137 thành lập các liên trung đoàn
. Thuộc Khu 7 có các liên trung đoàn 301 - 310 và 300 - 397. Thuộc khu Sài Gòn - Chợ Lớn có các liên trung đoàn 306 - 312 và 308 - 311.


25 - 11 đến 30 - 12.

Chiến dịch Lê Lợi.


Bộ Tổng tư lệnh sử dụng các trung đoàn 209 (thuộc Bộ), 66 (Liên khu 3), 9 (Liên khu 4), hai trung đoàn địa phương 42, 48 (thuộc Liên khu 3), tiểu đoàn độc lập 930 (Liên khu 10), một số đơn vị binh chủng và du kích tiến công địch tại vùng Chợ Bờ (Hòa Bình) nhằm phá thế uy hiếp của địch, mở rộng đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

Tư lệnh chiến dịch: Hoàng Sâm; Chính ủy: Lê Quang Hòa. Phó tư lệnh: Lê Trọng Tấn.

Các đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên địch.


Tháng 11.

- Tại chiến khu Đ, Bộ Tư lệnh Khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh.


- Bộ Tư lệnh Liên khu 10 sử dụng một số đơn vị của trung đoàn 148 (Sơn La) phổi hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào tiến công phòng tuyến sông Mã của địch, mở thông biên giới Lào-Việt ở phía bắc, góp phần xây dựng căn cứ địa của bạn.


7 - 26 tháng 12.

Bộ Tư lệnh Khu 8 sử dụng hai trung đoàn 109, 111, bốn đại đội bộ đội địa phương, công an xung phong và du kích, mở chiến dịch Cầu Kè (trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá âm mưu lập bảo an, dân vệ; bảo vệ và mở rộng căn cứ, tạo bàn đạp đứng chân cho bộ đội chủ lực.


15 tháng 12.

Phân khu Bình - Trị - Thiên sử dụng các trung đoàn 95, 18, 101, 57; một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích, mở đợt hoạt động mang tên “chiến dịch Lê Lai” trên địa bàn nam Quảng Bình đến bắc Thừa Thiên, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ nhân dân bảo vệ mùa màng. Đồng chí Hà Văn Lâu - Tư lệnh Mặt trận Bình - Trị - Thiên làm Tư lệnh, đồng chí Hoàng Anh làm Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch.


19 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dịp ba năm toàn quốc kháng chiến:
“Hễ còn một tên lính thực dân trên đất nước Việt Nam thì Việt Nam cứ đánh, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thực sự”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 02:59:38 pm »


NĂM 1950



6 tháng 1.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về mở chiến dịch Tây Bắc và chuẩn bị chiến trường Đông Bắc.


“1. Mở chiến dịch Tây Bắc để:

a. Phối hợp với Quân giải phóng Trung Hoa tiêu diệt tàn quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch nếu chúng tràn qua biên giới.

b. Làm tan rã khối ngụy binh và phá ngụy quyền.

c. Tiêu diệt một số vị trí địch.

d. Khôi phục lại Lào Cai, mở thông đường quốc tế.

2. Chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét địch ra khỏi đường số 4 và một số đoạn bờ biển, đánh bại quân địch ở vùng Đông Bắc”.

“Ở Tây Bắc phải tích cực chuẩn bị cho đầy đủ và kịp thời, đặc biệt chú trọng đến việc tiếp tế cấp dưỡng cho quân đội làm tan rã ngụy binh, phá tề trừ gian...”. “Ở Đông Bắc... việc chuẩn bị cần chú trọng đến củng cố, phát triển cơ sở chính trị và vũ trang, gây cơ sở du kích miền biển... điều tra địch tình, phá hoại kinh tế địch, chuẩn bị lương thực tiếp tế cho bộ đội đến đánh”.


Đầu năm:

Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân
. Đồng chí Lê Chiêu và một số cán bộ, giáo viên Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn được điều động về xây dựng trường.


10-1 đến 31-3.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng hai trung đoàn 210, 108, một số đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích mở chiến dịch tiến công địch ở bắc Quảng Nam nhằm tiêu diệt sinh lực địch, cắt giao thông; đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.

Tư lệnh chiến dịch: Đàm Quang Trung.
Chính ủy: Nguyên Đôn.

Kết quả: làm thương vong gần 800 tên, bắt 453 tên, phá hủy nhiều vũ khí, xe quân sự, giải phóng huyện Duy Xuyên và phía tây huyện Đại Lộc.


18 tháng 1.

- 36 chiến sĩ tiểu đoàn 108 (Hà Nội) phối hợp với dân quân du kích và được nhân dân giúp đỡ tập kích sân bay Bạch Mai, phá hủy 27 máy bay, đốt cháy 600.000 lít xăng dầu.

- Bộ Tư lệnh Khu 8 sử dụng tiểu đoàn 307, hai đại đội 109 và 101 bộ đội địa phương mở chiến dịch tiến công địch ở khu vực Cầu Ngang.


21-1 đến 2-2.

Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng
, đề ra “Nhiệm vụ quân sự cụ thể và cần kíp: một mặt chiến đấu để tiêu diệt sinh lực của địch, một mặt gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân, ngày càng tinh nhuệ, ngày càng chính quy hóa, trung thành với lợi ích của nhân dân và lợi ích của cách mạng”. “Xây dựng bộ đội chủ lực hợp với khả năng và tinh thần mới”. “Về tác chiến, phát triển du kích đến cực độ vẫn là nhiệm vụ chính trong lúc này, song đồng thời phải tập đánh vận động thực sự”. Hội nghị quyết định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tăng cường trang bị, cấp dưỡng, huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các lực lượng vũ trang, kiện toàn các cơ quan chỉ đạo, làm cho sự lãnh đạo được thống nhất và nhanh chóng.


25-27 tháng 1.

Bộ Tư lệnh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn sử dụng hai trung đoàn 306, 312 phối hợp với hai trung đoàn 301, 310 (Khu 7) và nhân dân, du kích địa phương chống càn tại vùng Hớn Quản và bắc huyện Bến Cát (Thủ Dầu Một), mở rộng khu căn cứ Thanh Tuyền - Long Xuyên1.

26-1 đến 1-2.

Bộ tư lệnh Khu 8 sử dụng trung đoàn 115, tiểu đoàn 309, bốn đại đội bộ đội địa phương và du kích mở chiến dịch Cao Lãnh (tỉnh Sa Đéc) ngăn chặn địch đánh vào Đồng Tháp Mười. Chỉ huy chiến dịch: Đặng Văn Thông. Kết quả: diệt gần 100 tên địch, diệt và bức rút 10 đồn, giải phóng 6.000 dân các xã Hòa An, Tân An, Tân Thuận Tây (huyện Cao Lãnh).


Tháng 1 - tháng 3.

Bộ Tư lệnh Liên khu 5 sử dụng ba tiểu đoàn 365, 121, 120 thuộc trung đoàn 80 và trung đoàn 83, hai đại đội độc lập, bộ đội địa phương và dân quân du kích, mở chiến dịch tiến công địch ờ nam Khánh Hòa, tiêu diệt sinh lực địch, đánh giao thông trên đường số 1 và đường sẳt Nha Trang - Sài Gòn, đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.

Chỉ huy trưởng chiến dịch: Lư Giang.
Chính ủy: Nguyễn Đường.
_________________________________________________
1. Chiến dịch Dầu Tiếng - Bến Cát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 03:01:00 pm »


7-2 đến 15-3.

Thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (5-1-1950) về mở chiến dịch Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 sử dụng các trung đoàn 102 (Đại đoàn 308), 165 (Liên khu), tiểu đoàn 11, hai tiểu đoàn 69 và 40 pháo binh, 10 trung đội bộ đội địa phương mở chiến dịch Lê Hồng Phong I.

Chỉ huy trương chiến dịch: Bằng Giang.
Chính ủy: Song Hào.


9 tháng 2.

Bộ Quốc phòng quyết định (số 75/QP) tổ chức bộ tư lệnh liên khu
chỉ đạo chỉ huy bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn.

Bộ Tư lệnh địa phương Liên khu 4 được thành lập ngày 25 tháng 3 năm 1950 (nghị định số 62/NĐA của Bộ Tổng Tư lệnh). Nhiệm vụ: “Lãnh đạo xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực còn lại, bộ đội địa phương và dân quân liên khu”.

Tư lệnh: Trần Sâm.
Chính ủy: Lê Chưởng.


12 tháng 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20/SL quyết định tổng động viên nhân, tài, vật lực
. “Tất cả nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân đều đặt dưới chế độ pháp luật đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh” (điều 2).


27 tháng 2.

Tiểu đoàn Nguyễn Huệ (trung đoàn 66) tiến công vị trí Lê Xá (Nam Định)
diệt hai trung đội, thu toàn bộ vũ khí.


10 tháng 3.

Thành lập Đại đoàn bộ binh 304 (Đại đoàn Vinh Quang)
tại đình Tam Lạc (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Đại đoàn biên chế ba trung đoàn bộ binh: trung đoàn 66 (nguyên chủ lực Liên khu 3), trung đoàn 9 (nguyên chủ lực Liên khu 4) và trung đoàn 57 chủ lực tỉnh Nghệ An, một số đơn vị trợ chiến và bảo đảm.

Đại đoàn trưởng: Hoàng Minh Thảo.
Chính ủy: Trần Văn Quang.


19 tháng 3.

Hơn 300 nghìn nhân dân Sài Gòn biểu tình phản đối Mỹ đưa hai chiến hạm vào cảng Sài Gòn. Ngày 19-3 trở thành “Ngày toàn quốc chống Mỹ”.


24 tháng 3.

Hội nghị công binh lần thứ ba
, đề ra nhiệm vụ của công binh trong giai đoạn mới: phổ biến thật sâu rộng trong toàn thể bộ đội về kỹ thuật công binh tác nghiệp, cách sử dụng các loại thuốc nổ trong tiến công, chú ý học tập, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật công binh trong tổ chức vượt sông, sửa chữa đường, cầu, kiến thiết cấp tốc các trận địa; kiện toàn và phát triển tổ chức của Binh chủng Công binh, tích cực sản xuất đồ bản, các loại quân cụ, trang bị và đào tạo cán bộ công binh...


25-3 đến 6-5.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ sử dụng các tiểu đoàn 307, 308, 309, 310, 312 cùng dân quân du kích mở đợt hoạt động “mùa xuân Nam Bộ” nhằm tiêu diệt sinh lực, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, phát triển chiến tranh du kích, phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.

Chỉ huy trưởng: Nguyễn Văn Quạn (Tư lệnh Khu 8 ).
Chỉ huy phó: Nguyễn Đăng (Phó tư lệnh Khu 8 ) và Nguyễn Xuyến.


2-16 tháng 4.

Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị tham mưu quân huấn toàn quân
. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng kết luận hội nghị: “Từ nay công tác tham mưu phải thường xuyên thực hiện ba nhiệm vụ lớn: tổ chức chiến đấu, công tác quản lý bộ đội, công tác huấn luyện bộ đội”.


4-28 tháng 4.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ sử dụng hai tiểu đoàn 404 (Nam Bộ), 402 (Khu 9) và một số đơn vị bộ đội địa phương, du kích tiến công địch ở các huyện Châu Thành, Long Phú, Thạnh Trị tỉnh Sóc Trăng (chiến dịch Sóc Trăng I), nhằm thu hẹp phạm vi chiếm đóng, phá hệ thống phòng ngự của địch, bảo vệ nguồn dự trữ của ta.

Tư lệnh: Võ Quang Anh.
Chính ủy: Nguyễn Hoàn.


Tháng 4.

Khai giảng khóa 1 bổ túc cán bộ phòng không
, gồm 40 học viên nguyên là cán bộ trung đội, đại đội bộ binh của các đơn vị chủ lực trực thuộc Bộ, hai Liên khu 3 và 4.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2022, 03:03:31 pm »


9 tháng 5.

Bộ Quốc phòng ra nghị định số 210-NĐ về nguyên tắc và thể thức gọi công dân Việt Nam ra tòng quân, và nghị định số 211-NĐ vế hình thức và tổ chức thi hành nghĩa vụ quân sự
. Nghị định 210-NĐ gồm 12 điều. Điều 2 quy định thứ tự gọi ra tòng quân: a- Những người tình nguyện, b- Những người không có vợ con, theo thứ tự từ ít đến nhiều tuổi, c- Những người có con dưới 16 tuổi, theo thứ tự từ ít đến nhiều con dưới 16 tuổi. Những người không có cha mẹ và có em dưới 16 tuổi thì cũng tính như con, và việc gọi ra tòng quân sẽ theo thể thức của trường hợp thứ ba. Nghị định 211-NĐ gồm 3 chương, 14. Điều 1 (chương I) quy định: “Trong thời kỳ có nghĩa vụ quân sự, tất cả công dân có thẻ quân vụ đều phải: a- Tham gia vào những công cuộc bảo vệ địa phương hoặc cơ quan trong những tổ chức ấn định ở chương II. b- Tòng quân trong điều kiện đã ấn định trong sắc lệnh 126-SL ngày 4-11-1949. c- Tham gia những tổ chức huấn luyện quân sự ở địa phương để sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh gọi ra tòng quân”.


12 tháng 5.

Bộ Quốc phòng ấn định tiền ăn theo khu vực cho bộ đội
. Liên khu Việt Bắc: 17,5 đồng một ngày. Liên khu 3: 14 đồng một ngày. Liên khu 4: 12,5 đồng một ngày. Bình - Trị - Thiên: 15,5 đồng một ngày. Tại Nam Bộ, mỗi quân nhân được chi tiền thức ăn hàng ngày bằng giá tiền một lít gạo1 ở địa phương đó. Tại Nam Trung Bộ, mỗi quân nhân được cấp 650 gam gạo và 0,6 đồng tiền thức ăn một ngày.


17 tháng 5.

Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thành lập “Bộ chỉ huy Mặt trận Bình - Trị - Thiên"
. Nhiệm vụ: “Thực hiện kế hoạch quân sự của Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ huy bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân thuộc mặt trận; phối hợp với Bộ Tư lệnh địa phương liên khu và Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 4 trong việc lãnh đạo và xây dựng bộ đội địa phương. Phát triển dân quân, chuẩn bị chiến trường và bảo vệ địa phương”. Mặt trận có ba trung đoàn 18, 95, 101 bộ binh, tiểu đoàn 888 pháo binh.

Chỉ huy trưởng: Trần Quý Hai.
Chính ủy: Chu Văn Biên.


19 tháng 5.

Thành lập trung đoàn 120
thuộc Liên khu 4 làm nhiệm vụ quốc tế tại Trung Lào. Trung đoàn trưởng: Trường Sinh. Chính ủy: Lê Hữu Khai.


20 tháng 5.

Trung đoàn 18 (Liên khu 4)
cùng du kích và nhân dân địa phương chống càn tại Xuân Bồ (Lệ Thủy, Quảng Bình), diệt và làm bị thương 500 tên địch.


25 tháng 5.

Trung đoàn 174 (chủ lực Bộ) tiến công cứ điểm Đông Khê
(Cao Bằng), tiêu diệt hoàn toàn quân địch (hai đại đội thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh thuộc địa số 8 ), thu toàn bộ vũ khí.


Tháng 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp đào tạo cán bộ mật mã “Lê Lai”
tại rừng bản Cọ (Yên Thông, Định Hóa, Thái Nguyên). Người căn dặn cán bộ, học viên: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang. Bộ Tổng Tham mưu mở lớp học đông thế này là cần thiết. Các cô, các chú được Trung ương Đảng, Bộ Tổng tin cậy, cần phải học tập và làm viếc tốt. Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết”.


15-18 tháng 6

Hội nghị thông tin liên lạc toàn quân lần thứ nhất
, thống nhất quy ước liên lạc vô tuyến điện, công tác chuyển đạt, phối hợp sử dụng đường dây điện thoại giữa quân sự và bưu điện.


15-6 đến 24-10.

Bộ chỉ huy Mặt trận Bình-Trị-Thiên sử dụng hai trung đoàn 18, 95 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích mở chiến dịch Phan Đình Phùng tiến công địch ở Quảng Bình, Quảng Trị, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, nâng cao trình độ chỉ huy và tổ chức đánh tập trung.

Tư lệnh kiêm Chính ủy: Trần Quý Hai.
Phó tư lệnh: Lê Nam Thắng.


22 tháng 6.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự Trung ương
. Bộ Tổng tư lệnh gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Nhiệm vụ, chức trách các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh được quy định cụ thể.


Giữa năm 1950.

Thành lập Đoàn 99 trực thuộc Bộ
. Nhiệm vụ: đứng chân ở Việt Bắc để thu dung, bổ sung quân cho các chiến dịch.

Đoàn trưởng: Trần Công Khanh.
Chính ủy: Phạm Ngũ Kiên.

Đến đầu năm 1951, phát triển thêm Đoàn 403 làm nhiệm vụ ở Liên khu 4.
________________________________________________
1. Một lít tương đương 750 gam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM