Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:41:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7408 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:26:20 pm »


28-10 đến 9-11.

Quốc hội khóa I họp kỳ thứ hai, quyết định thống nhất Bộ Quốc phòng với Quân sự ủy viên hội thành Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy. Ngày 30 tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 230/SL, bổ nhiệm đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Quốc phòng- Tổng chỉ huy.

Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều thứ tư của chương II (Nghĩa vụ và quyền lợi công dân) quy định: “Mỗi công dân Việt Nam phải:

- Bảo vệ Tổ quốc.
- Tôn trọng Hiến pháp.
- Tuân theo pháp luật".


Tháng 10.

- Chính phủ lập quỹ "Mùa đông binh sĩ”
. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng áo, tư trang và lương của Người cho bộ đội. Các tầng lớp nhân dân, đoàn thể cứu quốc quyên góp được nhiều vải, quần áo, chăn, màn. Áo trấn thủ, do một cửa hàng ở phố Hàng Trống, Hà Nội may bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong quân đội.

- Thành lập Nha tổng giám đốc các công binh xưởng.

Giám đốc: Nguyễn Duy Thái.


5 tháng 11.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ"
, nêu rõ các nhiệm vụ quân sự, chính trị và kinh tế để kháng chiến và kiến quốc. Về quân sự: “Tổ chức bộ đội (tự vệ, dân quân); chỉ huy bộ đội (tự vệ, dân quân); làm khí giới; cung cấp lương thực”.


12 tháng 11.

Trung đoàn 92 (sau đổi phiên hiệu là trung đoàn 115) cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái diệt lực lượng Quốc dân đảng phản động ở địa phương.


14 tháng 11.

Chính phủ phát hành “Công phiếu kháng chiến”
thu được 283 triệu đồng, trong đó dành phần lớn cho ngân sách quốc phòng.


18 tháng 11.

Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn ăn và sinh hoạt phí cho bộ đội. Mỗi quân nhân được hưởng 180 đồng tiền ăn, và 5 đồng phụ cấp tiêu vặt trong một tháng.


20-28 tháng 11.

- Trung đoàn 41, tự vệ thành, công an xung phong và nhân dân Hải Phòng dựng chiến lũy, đánh quân Pháp xâm lược trên các đường phố. Tại khu vực Nhà hát thành phố, một tiểu đoàn Vệ quốc quân và một tiểu đội tuyên truyền xung phong dùng lựu đạn, lưỡi lê đánh bật nhiều đợt tiến công có xe tăng của địch. Ngày 28 tháng 11, Vệ quốc quân rút ra ngoài thành phố, lập phòng tuyến chặn đánh địch.

- Trung đoàn 125, tự vệ và nhân dân thị xã Lạng Sơn đánh trả quân Pháp xâm lược, gây cho địch nhiều thiệt hại ở Trường Nữ học và khu vực chợ Kỳ Lừa. Ngày 27 tháng 11, các đơn vị rút ra ngoài thị xã, lập phòng tuyến tiếp tục chiến đấu.


21 tháng 11.

Quân y Cục mở hệ đại học quân y tại Trường đại học y dược Hà Nội
. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai giảng. Người căn dặn cán bộ, học viên: "Hàng hái, hy sinh, bác ái, đoàn kết và kỷ luật".



Tháng 11.

Thành lập Ủy ban bảo vệ, Ban chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Hà Nội
. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Đảng ủy mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ thành phố. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phó bí thư xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo chung.


Cuối tháng 11.

Tổng di chuyển cơ sở vật chất (chủ yếu là quân giới) ở Hà Nội, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ vào các căn cứ ở nông thôn và rừng núi. Các cơ sở ở Nam Bộ tiếp tục chuyển vào các căn cứ. Đến tháng 4 năm 1947, chỉ tính từ Liên khu 5 trở ra, cán bộ, chiến sĩ, công nhân quân giới đã chuyển được khoảng 40.000 tấn máy móc, phương tiện, nguyên vật liệu.


13 tháng 12.

Hội nghị các khu trưởng
do Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy triệu tập tại Hà Đông, chủ trương “chuẩn bị cấp tốc để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và trường kỳ”, rút kinh nghiệm chiến đấu ở Hải Phòng, Lạng Sơn; chỉ đạo chiến đấu ở các địa phương và kế hoạch làm “vườn không nhà trống”.


14 tháng 12.

Đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội báo cáo Tổng chỉ huy kế hoạch chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:29:59 pm »


17 tháng 12.

Thành lập Ban liên lạc đặc biệt thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng
. Nhiệm vụ: chuyển công văn từ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy về các chiến khu, tỉnh và các trung đoàn độc lập trực thuộc Bộ. Tổ chức gồm lực lượng chạy chân, xe đạp và mô tô. Mỗi chiến sĩ được phát một thẻ “bài cấp tốc” dùng để đi các phương tiện giao thông.

Trưởng ban: Phạm Thành Vinh (tức Hồng Lĩnh).


17 và 18 tháng 12.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh
, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến và đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.


19 tháng 12.

Toàn quốc kháng chiến.


Sáng 19, Ban Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các mặt trận và các chiến khu: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng!”.

Buổi chiều, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hạ mệnh lệnh cho lực lượng vũ trang: “Giờ chiến đấu đã đến!”.

Đêm 19 rạng ngày 20, các lực lượng vũ trang và nhân dân thủ đô Hà Nội và các thành phố nổ súng chiến đấu. Toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 20 tháng 12,

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ hgười già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

Ngày 22 tháng 12, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Chỉ thị đề ra nhiệm vụ của lực lượng vũ trang: “Quân: Không hàng giặc. Không để mất súng. Không bắn phí đạn. Không xâm phạm tính mệnh, tài sản của dân. Không ngược đãi tù hinh. Ủng hộ Chính phủ kháng chiến và Hồ Chủ tịch. Bảo vệ tính mệnh tài sản cho dân. Kính trọng và giúp đỡ dân. Sĩ quan và binh lính một lòng. Tuân lệnh cấp trên. Phục tùng kỷ luật”.

Tại Hà Nội, cuộc chiến đấu ở nội thành dự kiến một tháng đã kéo dài đến tháng 2 năm 1947. Lực lượng vũ trang mặt trận Hà Nội gồm: năm tiểu đoàn Vệ quốc quân (101, 77, 212, 145, 523), một đại đội pháo binh, tám trung đội công an xung phong, một đại đội tự vệ chiến đấu, 28.500 dân quân tự vệ nội, ngoại thành, được nhân dân và các trung đoàn Vệ quốc quân các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Thái Nguyên - Phúc Yên chi viện đã thực hiện “trong ngoài cùng đánh”. Nhiều trận đánh diễn ra ở Bắc Bộ Phủ (19-12-1946), nhà Xô-va (6-2-1947), chợ Đồng Xuân (14-2-1947)...

Tháng 1 năm 1947, lực lượng chiến đấu ở Hà Nội được tổ chức thành trung đoàn Thủ Đô, trung đoàn 48 và trung đoàn 52. Ngày 17 tháng 2 năm 1947. Trung đoàn Thủ Đô bí mật rút khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Trong 60 ngày đêm khói lửa, quân và dân Hà Nội đánh gần 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch (đa số là lính Âu - Phi), phá hủy hơn 100 xe, bắn chìm một ca nô, bắn rơi và phá hủy năm máy bay. Các đồng chí Lê Gia Đính (chính trị viên đại đội), Tưởng (công nhân), tiểu đội du kích Hòng Hà do Nguyễn Văn Nại làm tiểu đội trưởng và nhiều cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã nêu gương chiến đấu dũng cảm, tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tại Hải Dương, trung đoàn 44 (Chiến khu 3) cùng tự vệ, du kích làm tê liệt một số đơn vị quân Pháp ở Trường Nữ học, cầu Phú Lương; đánh địch trên đường số 5, ngăn chặn quân tiếp viện của Pháp từ Hải Phòng lên Hà Nội.

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, trung đoàn Bắc - Bắc (Chiến khu 12) tiến công tiểu đoàn địch chiếm đóng thị xã Phủ Lạng Thương, sân bay Hạ Vĩ, trại bảo an binh (thành Bắc Ninh).

Tại Nam Định, cuộc chiến đấu diễn ra trong 90 ngày đêm. Lực lượng vũ trang Nam Định có trung đoàn 33 (Chiến khu 2), gần 1.000 tự vệ thành, được nhân dân nội ngoại thành và tỉnh Thái Bình chi viện. Một số trận đánh ác liệt diễn ra ở trại Ca-rô, khu nhà ga, nhà sĩ quan Pháp, nhà máy sợi, nhà máy dệt... Trung đoàn 33 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “trung đoàn Tất Thắng”. Ngày 15 tháng 3 năm 1947,   trung đoàn rút ra chiến đấu ở vòng ngoài.

Tại Vinh, một đại đội của trung đoàn 57 (Chiến khu 4) cùng một đại đội tự vệ thành bao vây, tiến công một trung đội Pháp tại Sở Canh nông, ở đề-pô ga và sân bay Nghi Lộc.

Tại Huế, trung đoàn Trần Cao Vân (trung đoàn 101), một số đơn vị tiếp phòng quân, tự vệ và nhân dân địa phương diệt gần 200 tên địch, duy trì cuộc chiến đấu ở nội thành trong 50 ngày đêm.

Tại Đà Nẵng, cuộc chiến đấu diễn ra trong 90 ngày đêm. Trung đoàn 93, trung đoàn 96, các đơn vị tự vệ, công an, biệt động diệt hàng trăm tên địch. Đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tặng trung đoàn 96 lá cờ “Giữ Vững”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:30:58 pm »


26 tháng 12.

Thành lập chi đội Trần Phú
gồm 426 cán bộ, chiến sĩ tuyển chọn trong các tổ chức Việt kiều yêu nước ở Lào và Thái Lan. Chi đội gồm ba đại đội, một phân đội trinh sát, một phân đội vận tải và tiểu đoàn bộ.

Chi đội trưởng: Nguyễn Chánh.
Chính trị viên: Trần Văn Sáu.

Sau lễ thành lập, chi đội hành quân về nước tham gia chiến đấu ở Nam Bộ với tên gọi “chi đội Hải ngoại IV”. Cùng trong thời gian này còn có một số tổ chức vũ trang của Việt kiều yêu nước về tham gia kháng chiến như các đơn vị “bộ đội Ngô Thất Sơn” (bộ đội độc lập số 1), “bộ đội Quang Trung”, “bộ đội Cửu Long 2"...


Cuối năm 1946.

Toàn quốc hình thành 12 chiến khu (theo quyết định của Chủ tịch nước từ tháng 10 năm 1945).

Chiến khu 1: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phúc Yên. Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 22 (Thái Nguyên, Phúc Yên), 23 (Bắc Cạn), 24 (Cao Bằng).

Chiến khu 2: Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 35 (Sơn Tây), 37 (Hà Đông), 39 (Sơn La), 33 (Nam Định).

Chiến khu 3: Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương (trừ Đông Triều, Chí Linh). Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 41 (Thái Bình, Kiến An), 44 (Hải Dương, Hưng Yên), 50 (Quảng Yên).

Chiến khu 4: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 55 (Thanh Hóa), 59 (Nghệ An), 63 (Hà Tĩnh), 57 (Quảng Trị), 71 (Thừa Thiên), hai tiểu đoàn 70 (Quảng Bình), và 75 (Cửa Lò).

Chiến khu 5: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Công Tum, Gia Lai. Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 67, 93, 94, 95, 96.

Chiến khu 6: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đông Nai Thượng. Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 79, 80, 81, 82.

Chiến khu 7: Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Sài Gòn.

Chiến khu 8: Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Chiến khu 9: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá.

Chiến khu 10: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên. Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 76 (Việt Trì, Phú Thọ), 81 (Vĩnh Yên), 86 (Hà Giang - Tuyên Quang), 91 (Lào Cai) và tiểu đoàn 420 (Phú Thọ).

Chiến khu 11: Hà Nội. Lực lượng vũ trang có các tiểu đoàn 145, 523, 77, 101, 212.

Chiến khu 12: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên (cả Đông Triều, Chí Linh). Lực lượng vũ trang có các trung đoàn 125 (Lạng Sơn), 118 (Bắc Ninh - Bắc Giang), 132 (Chũ) và hai tiểu đoàn 515, 517.

Ở Nam Bộ, các chiến khu 7, 8, 9 vẫn giữ tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:45:54 am »


NĂM 1947

6 tháng 1.

Thành lập trung đoàn Thủ Đô
. Các đơn vị Vệ quốc quân, tự vệ, công an xung phong của Liên khu I Hà Nội (khu vực quận Hoàn Kiếm ngày nay) chính thức làm lễ thành lập trung đoàn, lúc đầu mang tên “trung đoàn Liên khu 1". Hội nghị quân sự toàn quốc (12 đến 16-1-1947) tặng danh hiệu “trung đoàn Thủ Đô”. Biên chế: ba tiểu đoàn 101, 102, 103.

Trung đoàn trưởng: Hoàng Siêu Hải.
Chính trị viên: Lê Trung Toản.
Tham mưu trưởng: Hoàng Phương.

Ngày 13 tháng 1 trung đoàn làm lễ tuyên thệ tại rạp hát Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng), thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngày 17 tháng 1, nhân dịp tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

Cùng với trung đoàn Thủ Đô, tháng 1 năm 1947, các đơn vị tự vệ chiến đấu và Vệ quốc quân trên các cửa ô Hà Nội được tổ chức thành trung đoàn 48 (Ban Thường vụ Quốc hội tặng danh hiệu “Trung đoàn Thăng Long”) và trung đoàn 52.


12-16 tháng 1.

Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất
họp tại Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Đông). Đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy chủ trì. Hội nghị nhận định: với viện binh đang kéo tới, quân Pháp sẽ mở cuộc phản công và tiến công. “Nhiệm vụ chính lúc này là bảo toàn chủ lực và duy trì sức chiến đấu của bộ đội”.


21 tháng 1.

- Thành lập tổ chức quân dân y
ở các khu để phân phối, điều động cán bộ, thuốc, dụng cụ y tế phục vụ quân đội.

- Chi đội 17 (Mỹ Tho), chi đội 18 (Sa Đéc) và một phân đội học viên Trường quân chính Khu 8 phục kích đoàn xe quân sự địch trên đường số 16 (khu vực xã An Thái Trung), làm thương vong 180 tên, phá hủy 8 xe thiết giáp, 6 xe vận tải quân sự, thu hơn 100 súng các loại.


22 tháng 1.

Bộ Quốc phòng ra Nghị định (số 216/NĐ) thành lập ở mỗi chiến khu một Bộ chỉ huy khu gồm khu trưởng, chính trị ủy viên, khu phó và tham mưu trưởng. Khu bộ có các phòng: chính trị, tham mưu, quân nhu-tài chính, quân y vụ, ty quân giới.


Tháng 1.

- Thành lập Viện Khảo cứu chế tạo dược phẩm
, cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc đầu tiên của ngành quân y.

Phụ trách: dược sĩ Vũ Công Thuyết.

- Thành lập Phòng Giao thông vận tải quân sự miền Nam. Nhiệm vụ: sử dụng số xe trưng dụng của tư nhân để vận tải cho Khu 5 và một phần cho Nam Bộ. Trụ sở: Bình Định.


1 tháng 2.

Bộ Tổng Tham mưu ra “Huấn lệnh về du kích vận động chiến”
, xác định: “Trong cuộc chiến tranh này, để thắng địch, chiến thuật của ta phải là du kích vận động chiến”. “Ở tiền phương, bộ đội phải luôn thay đổi sự bố trí, chiến thuật phải linh động sẵn sàng đối phó với sự chuyển biến của mặt trận”. “Ở hậu phương, phải tẩy trừ hình thức dồn đống; trái lại, các bộ đội phải luôn luôn lưu động tập kích, thường vận động tụ tản”.


4 tháng 2.

Thành lập Cục Quân giới
, gồm Nha Giám đốc công binh xưởng, Nha Nghiên cứu kỹ thuật, Nha Mậu dịch, Nha Sự vụ.

Cục trưởng: Trần Đại Nghĩa.


1 tháng 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh (số 20-SL) về “hưu bổng thương tật’’ và "tiền tuất cho thương binh, liệt sĩ”.


12 tháng 2.

Thành lập Phòng Dân quân thuộc Cục Chính trị
(sắc lệnh Chính phủ số 16/SL).

Trưởng phòng: Khuất Duy Tiến.

Ngày 19 tháng 2 năm 1947, Bộ Quốc phòng ra thông tư về việc mọi công dân từ 18 đến 45 tuổi vào dân quân, quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ các cơ quan dân quân, tự vệ, du kích thuộc các khu, tỉnh, huyện, xã.


15 tháng 2.

Hội nghị chính trị viên lần thứ nhất
. Đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bí thư Trung ương quân ủy, và đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị chủ trì. Hội nghị quyết định nhiệm vụ của công tác chính trị, của đảng viên trong quân đội: “Dù trong trường hợp nào cũng phải nắm cho vững bộ đội, củng cố và mở rộng cơ sở Đảng, thi hành cho được nhiệm vụ quân sự”. Hội nghị đề ra 12 điều kỷ luật dân vận, 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội, quyết định ra báo “Vệ quốc quân”.


Tháng 2.

Hội nghị đại biểu các Ban liên lạc các chiến khu
, bàn nguyên tắc, trách nhiệm tổ chức mạng liên lạc đặc biệt giữa Bộ Tổng chỉ huy với các chiến khu và ngược lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:46:53 am »


10 tháng 3.

- Báo “Vệ quốc quân” ra số đầu
. Ngày 27 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho báo: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ quốc quân cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”.

- Bộ Quôc phòng - Tổng chỉ huy phát hành tem “Hỏa tốc”. Tem hình chữ nhật, bốn cạnh trổ răng cưa, bên trong có hình ngọn lửa và chữ “hỏa tốc”.


20 tháng 3.

Thành lập Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy
. Cục trưởng: Hoàng Mỹ (Trần Hiệu) nguyên Phó giám đốc Nha Công an Bắc Bộ.


22 tháng 3.

Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lại Cục Quân nhu
(Nghị định số 258/NĐ). Năm chi cục (Thanh Hóa, -Nho Quan, Hà Đông, Chiêm Hóa, Thái Nguyên) được thu gọn lại thành ba phân sở ở Thanh Hóa, Ninh Bình và Chiêm Hóa trực thuộc Cục.


29 tháng 3.

Bốn tiểu đội (thuộc hai tiểu đoàn 16 và 18, trung đoàn Trần Cao Vân) tập kích đồn Đất Đỏ (Khu 4)
, mở đầu sự chuyển hướng từ đánh “dàn trận” sang “du kích, vận động” của các lực lượng vũ trang trên chiến trường Bình-Trị-Thiên.


Tháng 3.

Chính phủ quyết định đổi tên Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia thành Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ; thành lập các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc Ủy ban kháng chiến các cấp.


3-6 tháng 4.

Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ hai
. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Hội nghị quyết định: 1 - Đối với bộ đội: nắm vững và rèn luyện... làm cho bộ đội ta xứng đáng là bộ đội cách mạng của nhân dân... 2 - Chiến lược, chiến thuật:... cương quyết chuyển sang du kích vân động chiến, giành quyền chủ động về chiến thuật... 3 - Vấn đề dân quân: Cấp tốc xúc tiến việc tổ chức, huấn luyện, vũ trang và lãnh đạo dân quân... 4 - Căn cứ địa: tổ chức căn cứ địa ở miền rừng núi và đồng bằng. 5 - Quân giới:... chế tạo các vũ khí phá xe tăng, ca nô (ba-zô-ka, mìn, địa lôi) và vũ khí thô sơ... 6 - Quân lương: thực hành việc bộ đội tham gia sản xuất.


Tháng 4 và tháng 5.

Các chiến trường đẩy mạnh chống càn và đánh giao thông
. Ở Bắc Bộ: tiểu đoàn 60 (Khu 2) phá chiến dịch đường số 6 của địch. Quân và dân làng Cự Nẫm (Quảng Bình) đánh bại cuộc càn lớn của địch, được tuyên dương là “làng chiến đấu kiểu mẫu”. Ở Trung Bộ: trung đoàn 81 phục kích diệt 40 tên địch tại Suối Ván; tiếp đó, diệt 4 xe quân sự, 35 tên địch tại Lăng Ông. Tiểu đoàn 193 (trung đoàn 108) diệt một đoàn xe quân sự, thu nhiều vũ khí tại đèo Hải Vân. Ở Nam Bộ: bộ đội Khu 8 diệt một đoàn xe vận tải quân sự tại Giồng Dừa, bộ đội Khu 9 diệt 6 xe vận tải, hơn 100 lính Pháp, thu nhiều vũ khí tại Tầm Vu (Rạch Giá). Qua các trận đánh trên, bộ đội ta được rèn luyện, tiến bộ trong cách đánh “du kích vận động chiến”.


Tháng 4.

Chế tạo thành công súng ba-zô-ka
. Việc nghiên cứu, chế tạo đã được thực hiện ở xưởng quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên) từ giữa năm 1946. Sau đó, kỹ sư Trần Đại Nghĩa trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo chế tạo thành công ba-zô-ka theo mẫu của Mỹ (kiểu ATM6A1), cỡ 60 ly, dài 1,27 mét, nặng 11 ki-lô-gam, có thể vác vai, bắn không giật, cự ly bắn hiệu quả từ 50 đến 60 mét, xa nhất 300 mét. Đạn ba-zô-ka là đạn lõm chống tăng. Ngày 3 tháng 3 năm 1947, ba-zô-ka được sử dụng diệt xe tăng Pháp tại Sơn Lộ - chùa Trầm, Hà Đông. Cùng thời gian trên, các cơ sở quân giới còn nghiên cứu, chế tạo được một số vũ khí chống tăng cỡ nhỏ (AT), súng phóng lựu, cối 51 ly...


1 tháng 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 47/SL về tổ chức Bộ Tổng chỉ huy
. Gồm: 1 - Bộ Tổng Tham mưu. 2 - Cục Chính trị. 3 - Cục Tình báo. 4 - Văn phòng. 5 - Cục Tổng Quân huấn. 6 - Cục Thanh tra. 7 - Cục Dân quân. Sắc lệnh quy định tổ chức cụ thể của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Chính trị và Văn phòng.


15 tháng 5.

Chính phủ ra sắc lệnh đặt Huân chương Quân công, Huân chương Chiến sĩ; tiếp đó, ngày 6 tháng 6, đặt Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.


21 tháng 5.

Hội nghị quân y lần thứ tư
. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy nói chuyện với hội nghị: “Phải lo cho tất cả nhân viên quân y hiểu rõ và yêu mến nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Phải đặc biệt chú ý đề phòng và điều trị bệnh sốt rét rừng bằng đủ mọi phương pháp. Chú trọng đào tạo nhân viên quân y cho bộ đội...”.


24 tháng 5.

Hội nghị dân quân, du kích toàn quốc lần thứ nhất
, thống nhất việc tổ chức dân quân tự vệ và du kích từ những tổ chức vũ trang quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc xây dựng trở thành một bộ phận trong các lực lượng vũ trang Nhà nước, do các cơ quan quân sự địa phương chỉ huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.


Cuối tháng 5.

Thành lập đội liên lạc vô tuyến điện 59 thuộc Phòng Thông tin liên lạc quân sự
, bảo đảm liên lạc vô tuyến điện từ Bộ Tổng chỉ huy và Bộ Tổng Tham mưu tại căn cứ địa Việt Bắc đi cả nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:48:16 am »


12-15 tháng 6.

Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ ba
, đề ra kế hoạch bồi dưỡng chấn chỉnh bộ đội, củng cố căn cứ địa kháng chiến, dự kiến âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch trong thu-đông 1947, đúc rút kinh nghiệm tác chiến của các lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn bị tác chiến để phá sự chuẩn bị tiến công mùa đông của địch.


14 tháng 7.

Chi đội 10 tiến công đoàn xe lửa địch tại Bầu Cá
(trên đường Biên Hòa- Phan Thiết), diệt 200 tên, thu 60 súng các loại, 3 máy vô tuỵến điện.


15 tháng 7.

Ở Trung Bộ, trung đoàn 82 phá hủy 3 xe vận tải quân sự, diệt 40 tên địch thu toàn bộ vũ khí tại khu vực cầu Ai Lâm.


27 tháng 7.

Ngày toàn quốc chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đem chiếc áo lụa do Hội Phụ nữ cứu quốc biếu Người và một tháng lương cùng tiêu chuẩn bữa ăn tặng thương binh.


Tháng 7.

- Thành lập Ban Pháo binh khu 10
, lực lượng có 5 trung đội (175, 200, 225, 250, 275), quân số 250 người, các đồng chí Phạm Văn Đôn và Doãn Tuế phụ trách.

- Khu 8 quyết định thành lập trung đoàn 120 trên cơ sở chi đội 14 (Tân An), trung đoàn 105 trên cơ sở chi đội 17 (Mỹ Tho), trung đoàn 115 trên cơ sở chi đội 18 (Sa Đéc).


16 tháng 8.

Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 56 và Nghị định số 57/NCCB
, quy định phụ cấp chức vụ cho công nhân các xưởng, phụ cấp chức vụ và phụ cấp gia đình cho nhân viên quốc phòng.


20 tháng 8.

Chi đội 16 chống càn
, diệt một đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí tại An Nhơn Tây (Gia Định).


2 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ quân đội quốc gia.


..."CÁC CẤP CHỈ HUY CẦN PHẢI:

a. Biết rõ bộ đội, chăm nom bộ đội.

b. Mỗi một mệnh lệnh đưa ra thì cần phải mau chóng chuyển khắp đến từng đội viên và phải thi hành triệt để.

c. Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu, phải giữ đúng đạo đức của quân nhân cách mạng.

TẤT CẢ CÁC ĐỘI VIÊN CẦN PHẢI:

a. Ra sức bọc tập kinh nghiệm và cố gắng nghiên cứu kỹ thuật.

b. Rèn luyện tinh thần chịu khó chịu khổ.

TOÀN THỂ BỘ ĐỘI CẦN PHẢI:

Ra sức thực hành những nghị quyết do những hội nghị quân sự toàn quốc ấn định. Phải thực hành cho đến nơi đến chốn.

Quân đội ta quyết phải làm được những điều đó để khỏi phụ lòng tin cậy của Chính phủ, của đồng bào và để trở nên một quân đội tất thắng".


5 tháng 9.

Chiến khu 1 thành lập Trường Quân chính
đào tạo tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Khóa 1 khai giảng ngày 5 tháng 9, tại Bắc Máng, Cù Vân, Đại Từ, Thái Nguyên, có 60 học viên.

Giám đốc: Tạ Hữu Khang.
Chính trị viên: Lê Quang An.

Cùng thời gian này, Trường Quân chính Chiến khu 2, Trường Bổ túc văn hóa cán bộ cũng được thành lập.


20 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 88-SL, thưởng những gia đình có ba con trở lên tòng quân
. Thưởng tiền (500 đồng); hoặc thưởng danh dự (tặng một bằng danh dự, hoặc được biệt đãi ở địa phương trong các cuộc họp công cộng).


25 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương “Mùa đông binh sĩ”:
“...Đồng bào ta đã giúp nhiều lần. Lần này, mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi rất mong đồng bào cũng ra sức giúp, để chiến sĩ khỏi lạnh lùng và đủ ấm áp để ra sức xung phong diệt địch...”


27-29 tháng 9.

Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư
, nhận định: “Bắc Bộ sẽ là chiến trường chính, nếu địch không mạo hiểm thì đánh đồng bằng, nếu mạo hiểm thì chúng sẽ đánh Việt Bắc...”. Hội nghị chủ trương kiên quyết nắm vững bộ đội, giữ gìn chủ lực, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bảo vệ căn cứ, thực hiện phối hợp giữa các khu và phối hợp chiến lược toàn quốc, phá tan âm mưu lập ngụy quyền của địch. Cách đánh của ta là du kích chiến và vận động chiến, “dùng đơn vị đại đội để hoạt động trên chiến trường của mỗi địa phương” và “tập trung từng tiểu đoàn chủ lực cơ động đánh vận động chiến”, “tránh phòng ngự chính diện, bộ đội phải ở lại sau lưng địch, hóa chỉnh vi linh, hóa linh vi chỉnh, hóa trang lẫn vào dân khi cần”.


Cuối tháng 9.

Bộ Tổng chỉ huy tổ chức hội nghị nghiên cứu chiến dịch, chiến thuật
, đặc biệt là cách đánh “kỳ tập”, “cường tập”, kỹ thuật bắn máy bay bằng vũ khí sẵn có...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:49:08 am »


7-10 đến 9-12.

Chiến dịch phản công Việt Bắc.


Bộ Tổng chỉ huy sử dụng các trung đoàn 147, 165 (chủ lực Bộ), 72, 74, 121 (Khu 1), 11, 36, 59, 98 (Khu 12), một tiểu đoàn pháo binh và trung đoàn Sông Lô (Khu 10), năm tiểu đoàn độc lập của Bộ, Khu 1 và Khu 12, các đơn vị binh chủng và du kích đánh bại cuộc tiến công lớn của quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc.

Ngày 8 tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ra sức tiêu diệt địch. Ngày 15 tháng 10, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”.

Chiến dịch diễn ra thành hai đợt. Các đơn vị thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” và cách đánh du kích, vận động, đánh địch trên các địa bàn, trọng điểm là các mặt trận Đường số 3, Đường số 4 và Sông Lô, bẻ gãy các mũi tiến công đường không, đường bộ và đường thủy của binh đoàn đổ bộ đường không, binh đoàn bộ binh thuộc địa, binh đoàn hỗn hợp bộ binh thuộc địa, lính thủy đánh bộ cùng lực lượng dự bị của Pháp (tổng số khoảng 1,2 vạn quân). Nhiều trận gây cho địch tổn thất lớn: bắn rơi tại chỗ máy bay chở viên tham mưu phó quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thu tài liệu kế hoạch chiến dịch của địch (9-10); phục kích tại bản Sao - đèo Bông Lau (30-10); bắn tàu chiến, ca-nô tại Khoan Bộ (23-10), Đoan Hùng (24-10), La Hoàng (2-11), Khe Lau (10-11)... trên sông Lô; tập kích đồn Phủ Thông (30-11); phục kích tại đèo Giàng trên đường số 3 (15-12)...

Toàn chiến dịch, các đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 quân Pháp, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến và ca-nô, phá hủy 100 khẩu pháo, cối, hàng nghìn súng, hàng trăm xe quân sự, thu hàng chục tấn chiến lợi phẩm.

Chiến dịch phản công Việt Bắc đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta. Bộ đội ta dần dần quen tác chiến. Bộ chỉ huy của ta học được những kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh...

Chiến thắng Việt Bắc làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang một giai đoạn mới.


10 tháng 11.

Bộ Tổng chỉ huy ra “Huấn lệnh về cuộc vận động luyện quân đội, lập chiến công”
(luyện quân, lập công). Mục đích: - “Huấn luyện cho bộ đội ta trở dần nên một quân đội quốc gia xứng đáng, bổ cứu những khuyết điểm hiện tại”. - “Rèn luyện các bộ đội ta có một trình độ kỹ thuật đầy đủ để phát động du kích chiến tranh rộng rãi, và đánh vận động trong điều kiện thuận lợi”. - “Nâng cao tinh thần hy sinh vì nước, anh dũng giết giặc, gây truyền thống oanh liệt cho quân đội quốc gia...”.


14 tháng 11.

Bộ Tổng chỉ huy ra “Huấn lệnh về phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự cơ bản trong giai đoạn này”
, chỉ rõ: “Nếu du kích chiến tranh là căn bản thì vận động chiến là phù trợ... Trong khi những đơn vị tập trung của quân đội chính quy tiến hành vận động chiến, nếu du kích chiến tranh không phát triển thì quân đội chính quy rất khó làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy phát triển du kích chiến tranh tức là gây điều kiện thuận lợi cho vận động chiến... Quân chính quy phải hiểu rõ du kích chiến tranh là cần thiết cho vận động chiến, tự mình phải tận lực nâng đỡ du kích quân và khi cần phải cho một bộ phận của mình ra hoạt động du kích và đảm nhiệm việc phát động du kích”.


12 tháng 12.

Thành lập Ban Quân sự Nam Bộ
. Trưởng ban: Nguyễn Thanh Sơn.


22 tháng 12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ quân đội quốc gia.


... “Từ Giải phóng quân đến Vệ quốc quân.

Đội thứ nhất của Giải phóng quân ngày trước là cái hạt giống bé nhỏ, do đó mà nảy nở thành cái rừng to lớn là Vệ quốc quân ngày nay".

“Ban đầu lương thực, khí giới, chăn áo, thuốc men, cái gì cũng thiếu thốn. Bộ đội thường phải nhịn đói, nhưng vẫn hăng hái tươi cười”.

“Giải phóng quân đã làm tròn nhiệm vụ đoạn trước, là giúp sức hoàn thành cuộc Cách mạng tháng Tám, xây dựng nền Dân chủ cộng hòa, cũng làm tròn nhiệm vụ đoạn sau, là để lại cho Vệ quốc quân một số cán bộ rất tốt và một cái truyền thống oanh liệt vẻ vang”.

Tháng 12.

Ở Nam Trung Bộ, trung đoàn 81 mở thông đường liên lạc mang tên "Đường Hồ Chí Minh" dài hơn 300 ki-lô-mét, nối liền Nam Trung Bộ với Nam Bộ (từ Phú Yên đến Bà Rịa), góp phần đưa đón cán bộ, bảo đảm thông tin liên lạc, tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:50:23 am »


NĂM 1948

1 tháng 1.

Thành lập tiểu đoàn pháo binh 410 (Liên khu 10) nòng cốt là năm trung đội 175, 200, 225, 250, 275 thuộc Ban Pháo binh Khu 10 cũ. Tiểu đoàn trưởng: Phạm Văn Đôn.

Đây là tiểu đoàn pháo binh tập trung đầu tiên của quân đội ta.


Đầu năm.

- Thành lập các trung đoàn 300, 301, 302, 304, 306, 307, 308, 310, 311, 312 và một tiểu đoàn lưu động thuộc Khu 7. Sau khi thành lập, trung đoàn 302 sát nhập thêm một chi đội và đổi thành trung đoàn 309, hai trung đoàn 307 và 309 sát nhập thành trung đoàn 397.

- Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy thành lập Trường Cán bộ dân quân Lê Bình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân quân tự vệ và du kích huyện, tỉnh. Một số cán bộ, giáo viên Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn được điều động về xây dựng trường.


15-17 tháng 1.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng)
, chủ trương chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới; phát triển dân quân, phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là trong vùng địch kiểm soát, đồng thời tùy theo tình thế tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, quét những đồn lẻ của địch, bắt địch thu hẹp địa bàn, đột kích những thành phố nhỏ..., xúc tiến luyện quân lập công, huấn luyện bộ đội và đào tạo cán bộ quân sự theo những kinh nghiệm mới nhất ngoài mặt trận; chỉnh đốn quân giới, quân nhu, quân y, giao thông liên lạc, tình báo..., tăng cường công tác chính trị, nhất là địch vận; quy định cấp bậc trong quân đội.


20 tháng 1.

- Chính phủ ra sắc lệnh phong hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo chỉ huy quân đội.


Quân hàm Đại tướng: Võ Nguyên Giáp.
Quân hàm Trung tướng: Nguyễn Bình.
Quân hàm Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.

- Bộ Tổng chỉ huy ra chỉ thị số 114/BT về xây dựng căn cứ Tây Bắc, một nhiệm vụ quan trọng về chính trị và quân sự, nhằm “bảo toàn lãnh thổ, giải phóng đồng bào, mở rộng căn cứ địa dự bị ở Bắc Bộ, phá tan âm mưu dùng người Việt giết người Việt; khoét sâu nhược điểm thiếu nhân lực của địch, đặt cơ sở cho công cuộc quốc phòng vững chắc về sau, mở một con đường quốc tế...”. Chỉ thị đề ra phương châm công tác của các lực lượng vũ trang tại Tây Bắc.


25 tháng 1.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh (số 119/SL) thành lập Cục Tổng thanh tra Quân đội
thuộc Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam.

Cục trưởng: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 120-SL tổ chức lại các khu. Khu 1 và Khu 12 hợp nhất thành Liên khu 1. Khu 2, Khu 3 và Khu 11 hợp nhất thành Liên khu 3. Khu 4 đổi tên thành Liên khu 4 (gồm cả phân khu Bình - Trị - Thiên); Khu 5 và Khu 6 hợp nhất thành Liên khu 5. Ở Nam Bộ vẫn giữ ba Khu 7, 8, 9 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tổ chức Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính liên khu. Ủy ban kháng chiến miền Nam đổi thành Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính miền Nam - Trung Bộ.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 116/SL đặt hệ thống quân hàm từ hạ sĩ đến Trung tướng dành cho nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng không phải là quân nhân.


28 tháng 1.

Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị về nhiệm vụ của bộ đội công binh.


- Phá hoại: đường sá, cầu cống, kho tàng, đồn trại, phương tiện giao thông..., của địch.

- Xây dựng: sửa chữa đường, bắc cầu, công sự phòng ngự, kiến trúc quân sự lớn, cung cấp chất nổ và dụng cụ công binh cho bộ đội, kiến lập các căn cứ địa.

- Tác chiến: đánh địa lôi và thủy lôi chiến, bộc phá đồn trại, kho tàng, vị trí địch, phá chiến xa, trường bay...


29 tháng 1.

Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị nhiệm vụ cho mặt trận Đông Bắc:
vũ trang tuyên truyền sâu vào vùng địch hậu đến An Châu, Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả, Hải Ninh, giúp đỡ bộ đội Việt Bắc..., có kế hoạch tuyển người địa phương vào bộ đội hoặc đem về hậu phương huấn luyện. Về tác chiến chú trọng đường số 4 từ Tiên Yên đến Lạng Sơn, từ Lạng Sơn đến Đông Khê..., đánh địch ở Lục Nam, Phả Lại, Đông Triều.


Tháng 1.

Các đơn vị đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá ấm mưu bình định của địch.


Ở Bắc Bộ: tiểu đoàn 223 (trực thuộc Bộ), tiểu đoàn 249 (trung đoàn 28 Lạng Sơn) cùng một số đại đội độc lập, dân quân, du kích phá hủy bốn xe quân sự, diệt gần hai trung đội địch, thu nhiều chiến lợi phẩm tại Bố Củng - Lũng Vài trên đường số 4A (8-1). Sau trận này, tiểu đoàn 223 được tặng danh hiệu “tiểu đoàn Lũng Vài”.

Ở Trung Bộ: bộ đội công binh (trung đoàn 82) đánh phục kích, làm đổ một đoàn tàu quân sự địch tại khu vực Suối Kiệt (7-1). Trung đoàn 108 (Khu 5) đánh đoàn xe 62 chiếc có 1.500 lính và máy bay yểm trợ tại đèo Hải Vân, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên, thu nhiều vũ khí (24-1).

Ở Nam Bộ: một số đơn vị thuộc Khu 7 đánh bại cuộc hành quân “Vê-ga” của 11 tiểu đoàn địch có xe bọc thép lội nước, pháo binh, máy bay chi viện tại chiến khu Đồng Tháp Mười (14 đến 18-1). Đây là trận chống càn lớn nhất từ trước đến nay của các lực lượng vũ trang Khu 7.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:51:35 am »


12 tháng 2.

Hội nghị quân giới lần thứ ba
, quyết định: -Tổ chức lại các cơ sở quân giới với quy mô thích hợp gồm xưởng chủ lực, xưởng nhỏ (hay công trường), xưởng dụng cụ và kíp lưu động để vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa đi vào chuyên môn hóa, tăng năng suất, chất lượng, tiện bảo vệ, di chuyển... - Phương hướng sản xuất phải sát yêu cầu chiến đấu, trong đó hết sức phát triển địa lôi, lựu đạn.


15 tháng 2.

Bộ Quốc phòng phát động phong trào “gây cơ sở, phá kỷ lục"
trong các cơ quan, cơ sở quốc phòng.


29 tháng 2.

- Chính phủ ra sắc lệnh 410/SL, thành lập Cục Tiếp tế vận tải
trực thuộc Bộ Kinh tế. Nhiệm vụ: vận tải tiếp tế cho Trung ương và cho quân đội.

- Bộ Tổng chỉ huy giao cho Liên khu 10 thành lập Ban Xung phong Tây Bắc. Các đội xung phong “Trung Dũng”, “Quyết Tiến”, “Quyết Thắng”, “Lào Bắc” được thành lập cùng với một số đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch hậu cùng với lực lượng của bạn gây cơ sở, phát động du kích chiến tranh.


Tháng 2.

Tổng chỉ huy quyết định thành lập Đội Vũ trang công tác biên phòng
(gọi tắt là Vũ công đội biên phòng), hoạt động ở các tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Ngày 20 tháng 5 năm 1948, Tổng chỉ huy ra Nghị định (số 151-TCH) thống nhất các đội vũ trang tuyên truyền ở biên giới vào hệ thống của quân đội quốc gia.

Phụ trách: Lý Ban, đặc phái viên Bộ Tổng chỉ huy.


1 tháng 3.

Trung đoàn 310 (Biên Hòa) do trung đoàn phó Nguyễn Văn Lung chỉ huy
, cùng du kích phục kích đoàn xe quân sự của địch tại La Ngà - Định Quán (trên đường Sài Gòn - Đà Lạt), phá hủy gần 60 xe, diệt 150 tên địch (trong đó có đại tá Pa-ruýt, tổng tham mưu phó quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, và đại tá Đờ Sê-ri-nhê, chỉ huy sư đoàn lê dương số 13).


6 tháng 3.

Hội nghị chính trị viên (chính trị ủy viên khu và chính trị viên trung đoàn) toàn quốc lần thứ hai
, quán triệt nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới; rút kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ, kế hoạch công tác chính trị; quy định thống nhất về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan công tác chính trị các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị viên và bổ túc về chính trị cho cán bộ quân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị, nêu rõ ba nhiệm vụ của chính trị viên: “1 - Đối với bộ đội, phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc đến nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội... Chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. “2 - Đối với nhân dân... Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội”. “3 - Đối với quân địch,... Chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta”.


7-23 tháng 3.

Các đại đội 105, 117, 124 bộ đội địa phương, cùng dân quân, du kích chống càn tại Hòa Mỹ (Hương Trà, Thừa Thiên)
, diệt và làm bị thương 200 tên, bắn rơi hai máy bay.


9 tháng 3.

Hội nghị quân y lần thứ sáu
, nêu khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, quyết định sửa đổi lại chương trình đại học y khoa, mở lớp đào tạo y tá phẫu thuật...

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị nhấn mạnh đạo đức và trách nhiệm của người thầy thuốc: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”.


15-25 tháng 3.

Chiến dịch Nghĩa Lộ (Tây Bắc):
bốn tiểu đoàn chủ lực và dân quân, du kích Liên khu 10 tiến công bức rút bảy vị trí, tiêu diệt một phần sinh lực địch, tạo điều kiện cho các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập của liên khu tiến vào hoạt động trong vùng tạm bị địch chiếm.


15 tháng 3.

Thành lập Trường Bổ túc quân chính trung cấp
(nghị định số 88/BCH), kế tục các lớp bổ túc quân sự trung cấp.

Giám đốc: Cao Xuân Hổ, nguyên Tham mưu trưởng Chiến khu 2.
Chính trị ủy viên: Hoàng Mười.

Khóa 1 khai giảng cuối tháng 3, tại Soi Mít, Tân Cương, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, có 110 học viên.


16 tháng 3.

Tiểu đoàn 48 độc lập (Liên khu 1) phối hợp với tiểu đoàn 249 Lạng Sơn phục kích
, phá hủy bảy xe địch, diệt và làm bị thương hơn 140 tên trên đường số 4 (đoạn Na Sầm - Thất Khê).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2022, 09:52:56 am »


17-19 tháng 3.

Hội nghị tham mưu toàn quân lần thứ nhất
, rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ, quyết nghị chấn chỉnh cơ quan tham mưu các cấp, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ tham mưu của từng chuyên ngành (tác chiến, quân báo, nhân sự, quân huấn, trang bị cấp dưỡng...).


18 tháng 3.

- Tiểu đoàn 45 thuộc trung đoàn 17 chủ lực Bộ được tăng cường hỏa lực pháo binh, tiến công cứ điểm Tu Vũ
, cách Hòa Bình 25 ki-lô-mét về phía bắc, diệt và làm bị thương 60 tên địch, phá hủy hai phần ba công sự. Qua trận đánh, bộ đội ta có thêm kinh nghiệm hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh trong tác chiến diệt cứ điểm.

- Du kích huyện Tân Uyên (tỉnh Thủ Biên), do Trần Công An chỉ huy diệt tháp canh cầu Bà Kiên bằng cách cải trang, lợi dụng lúc địch thay gác, bí mật tiếp cận, dùng thang leo lên, ném lựu đạn qua lỗ bắn vào tháp canh, diệt 10 tên, thu 8 khẩu súng rồi rút lui an toàn. Cách đánh "công đồn đặc biệt” (gọi tắt là đặc công) ra đời.


21 tháng 3.

Bộ Quốc phòng ra nghị định số 24/NĐ-CB về chế độ liên lạc viên và thiếu sinh viên liên lạc ở Nam Bộ và các cục.



22 tháng 3.

Bộ Quốc phòng ra chỉ thị số 26/TT
, ban hành thể lệ chi tiêu, thanh toán, định mẫu sổ sách, giấy tờ thi hành trong toàn quân.


27 tháng 3.

Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động thi đua ái quốc
. “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Trong quân đội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “luyện quân, lập công”, “gây cơ sở, phá kỷ lục”.


Tháng 3.

- Báo “Quân du kích” - Cơ quan của dân quân Việt Nam, ra số đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho báo (7-1949):

“Làm cho: mỗi quốc dân là một chiến sĩ.
Mỗi xóm làng là một pháo đài.
Làm cho: quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt.

Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần. Đó là nhiệm vụ của báo “Quân du kích”.

- Thành lập tiểu đoàn 307 trên cơ sở tập hợp một số cán bộ, chiến sĩ từ các trung đoàn, đại đội xung phong, Trường Quân chính Khu 8 và tiểu đoàn 404. Tiểu đoàn có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Ban quân sự Nam Bộ, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.


4-7 tháng 4.

Tiểu đoàn 73 (trung đoàn 74, Liên khu 1) do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tiến Công chỉ huy, phục kích đoàn xe quân sự địch trên đường số 4A thuộc tỉnh Cao Bằng, phá hủy tại chỗ bảy xe, làm hư hỏng 50 xe, diệt và làm bị thương hơn 200 tên, thu chiến lợi phẩm.


7 tháng 4.

Đại đội 87 (tiểu đoàn 400, trung đoàn 9) và một đại đội của chi đội Nguyễn Thiện Thuật (phân khu Trị-Thiên) chống địch càn quét tại làng Đồng Dương (Quảng Trị); diệt hai trung đội địch, bắt 29 tên.


10 tháng 4.

Bốn chiến sĩ Mạc Thị Loan, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Bùi Thị Huệ
thuộc trung đội nữ biệt động Minh Khai, tiến công rạp chiếu bóng Ma-giét-tích (Sài Gòn) bằng lựu đạn, diệt và làm bị thương 50 sĩ quan thủy binh Pháp.


15 tháng 4.

- Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ hai
, rút kinh nghiệm hoạt động của dân quân du kích cả nước; đề ra phương hướng hoạt động, tổ chức, biên chế, trạng bị, huấn luyện, tác chiến và các chế độ công tác của dân quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị, biểu dương thành tích, nêu những khuyết điểm và đề ra bảy điểm để dân quân du kích thực hiện: “1 - Thiết thực tổ chức và thiết thực huấn luyện dân quân du kích từng làng. Lấy dân quân du kích làm nền tảng, đồng thời phải kiện toàn các đội du kích thoát ly sản xuất. 2 - Làm cho mỗi đội viên hiểu rõ và tin tưởng vào lực lượng của ta, tin tưởng vào vũ khí thô sơ của ta. 3 - Phối hợp chặt chẽ với Vệ quốc quân. 4 - Làm cho mỗi đội viên hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của họ. 5 - Làm cho họ hiểu rõ chiến thuật du kích là: phải luôn luôn giữ quyền chủ động, phải tìm địch mà đánh, phải luôn khuấy rối phá hoại địch, phải cộng những thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to. 6 - Phải thực hành tự cấp tự túc bằng cách thiết thực tăng gia sản xuất; 7 - Phải thực hành những điều đó bằng cách thi đua. Làng này thi đua với làng khác; huyện, tỉnh, khu này thi đua với huyện, tỉnh, khu khác”.

- Thành lập Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn trên cơ sở hợp nhất Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi và các trường, lớp đào tạo cán bộ trung đội. Khóa học có 450 học viên. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn được cử làm giám đốc.


16-20 tháng 4

Hội nghị công binh toàn quân lần thứ nhất
, thống nhất hoạt động và từng bước xây dựng công binh thành một lực lượng kỹ thuật mạnh.


19 tháng 4.

Năm đại đội bộ đội địa phương Cần Thơ và Rạch Giá (Khu 9)
phục kích, phá hủy 14 xe vận tải, diệt 200 tên địch tại Tầm Vu (Rạch Giá).


20 tháng 4.

Chi đội Nguyễn Thiện Thuật đổi phiên hiệu thành trung đoàn 95, chi đội Trần Cao Vân thành trung đoàn 101 và chi đội Lê Trực thành tiểu đoàn 274.


Tháng 4.

“Quân sự tập san" ra số đầu
. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho tập san: “Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới các cấp bực đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng viết lời giới thiệu: “Tập san này giúp cho cán bộ nghiên cứu học hỏi những kinh nghiệm trong chiến tranh để rồi trở lại chỉ đạo chiến tranh”. Tháng 10 năm 1948, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy ra quyết định (số 414/TCH) đổi tên thành “Quân chính tập san”. Tháng 4 hàng năm được kỷ niệm là ngày truyền thống của Tạp chí “Quốc phòng toàn dân” ngày nay.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM