Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:15:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm QĐND Việt Nam  (Đọc 7423 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 05:40:41 pm »

Tên sách: 50 năm QĐND Việt Nam
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1995
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



BỘ QUỐC PHÒNG
VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM


50 NĂM
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

(BIÊN NIÊN SỰ KIỆN)



NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Hà Nội - 1995



 

 

LỜI NÓI ĐẦU

Ngày 22 tháng 12 năm 1994, Quân đội nhân dân Việt Nam vừa tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ xây dựng và liên tục chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân tổng khởi nghĩa vũ trang giành được chính quyền (tháng 8 năm 1945), tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), bảo vệ vững chắc Tổ quốc (từ 1975 đến nay).

Là một quân đội của dân, do dân và vì dân, có lịch sử xây dựng, chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, một đội quân sản xuất và vận động quần chúng giỏi, Quân đội nhân dân Việt Nam được nhân dân tin yêu, khen tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một hiện tượng của lịch sử Việt Nam hiện đại, một đối tượng nghiên cứu của khoa học quân sự và lịch sử quân sự, của khoa học xã hội và nhân văn.

Trong dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập quân đội, cùng với việc tái bản (có sửa chữa, bổ sung) “Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam” tập 1 và tập II, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn cuốn sách “50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần:

1. Ghi chép theo thể biên niên những sự kiện chính trong lịch sử 50 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1994).

2. Lịch sử (tóm tắt) một số cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Phụ lục những số liệu chính về xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chép lại lịch sử 50 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam là một việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều công phu nghiên cứu, sưu tầm tư liệu. Quá trình biên soạn, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã nhận được sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình, đầy trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều nhà khoa học. Nhưng do trình độ của những người viết có hạn, do tư liệu chưa được sưu tầm đầy đủ, nhất là giai đoạn sau năm 1975, công trình không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được sự phê bình, bổ sung, đính chính tư liệu, sự kiện của các cơ quan, đơn vị, của bạn đọc trong và ngoài quân đội.

Nhân dịp cuốn sách “50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam” được xuất bản, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trân trọng cám ơn sự chỉ đạo và giúp đỡ của các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.


VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 06:02:37 pm »


PHẦN THỨ NHẤT
BIÊN NIÊN SỰ KIỆN 50 NĂM
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
(1944-1994)


I

THỜI KỲ HÌNH THÀNH VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ KHÁNG CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

(1944-1954)


Từ năm 1930 - 1931 và trong những năm vận động cách mạng, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền (1939 - 1945), một số tổ chức vũ trang cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đã ra đời. Đó là Tự vệ đỏ (còn gọi là tự vệ công nông) trong phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh; các đội du kích trong khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn (1940); các trung đội Cứu quốc quân và các đội du kích ở Cao - Bắc - Lạng (1941-1944), đội vũ trang Cao Bằng (1941), một số tổ chức vũ trang ở chiến khu Quang Trung (Hòa - Ninh - Thanh), chiến khu Trần Hưng Đạo (Đông Triều), chiến khu Vân (Lào Cai - Yên Bái), Đội tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu (Hà Nội)...



NĂM 1944

Tháng 12.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Toàn văn chỉ thị như sau:

“1. Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.
Tháng 12 năm 1944
Hồ Chí Minh"1


22 tháng 12.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, có 34 khẩu súng các loại, biên chế thành ba tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Đội trưởng: Hoàng Sâm.
Chính trị viên: Xích Thắng.

Quản lý: Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy tuyên bố thành lập Đội: “Nhiệm vụ mà Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này... Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu...”2.

Tiếp đó, toàn Đội long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự của Đội quân giải phóng Việt Nam.

“Chúng tôi, đội viên Đội quân giải phóng Việt Nam, xin lấy danh dự một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

1. Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống xâm lược và bọn việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước Dân chủ, Độc lập, Tự do, ngang hàng với các nước Dân chủ trên thế giới.

2. Xin thề: Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận một nhiệm vụ gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Xin thề: Bao giờ cũng kiên quyết phấn đấu, dù gian lao khổ hạnh cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận mạc quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

4. Xin thề: Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập, chiến đấu để tự rèn luyện thành một người quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc, cứu nước.

5. Xin thề: Tuyệt đối giữ bí mật cho mọi việc của đội như nội dung, tổ chức, kế hoạch hành động cùng những người chỉ huy trong đội và giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6. Xin thề: Nếu trong lúc chiến đấu bị quân địch bắt được, dù bị cực hình tàn khốc thế nào, cũng quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cứu quốc, không bao giờ phản bội xưng khai.

7. Xin thề: Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Xin thề: Bao giờ cũng chủ trương giữ gìn vũ khí của Đội, quyết không để cho vũ khí hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù.

9. Xin thề: Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng với ba điều nên: kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân; và ba điều răn: không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân để gây lòng tin cậy ái đới của dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, cứu nước diệt gian.

10. Xin thề: Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình và sửa chữa giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh của đội quân giải phóng và hại đến quốc thể Việt Nam”.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một tác phẩm lý luận quân sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quân sự. Chỉ thị xác định một số vấn đề cơ bản của đường lối quân sự và một số vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng ta và dân tộc ta trong thời đại mới.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22 tháng 12 năm 1944 đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc Việt Nam. Ngày đó được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.


25 và 26 tháng 12.

Trận Phai Khắt và trận Nà Ngần. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”; ngày 25, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cải trang, dùng mưu tập kích diệt đồn Phai Khắt (xã Tam Lộng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); ngày 26 diệt đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15 ki-lô-mét về phía đông-bắc) bắt 30 lính ngụy, diệt hai sĩ quan (một sĩ quan Pháp), thu vũ khí. Đây là hai trận đánh đầu tiên, thể hiện sự gan dạ mưu trí, tính thần triệt để chấp hành mệnh lệnh của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Hai trận đánh có tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào cách mạng trong khu căn cứ, mở đầu truyền thõng đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
_____________________________________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.377-378.
2. Những ngày kỷ niệm lớn trong nước. Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1972. tr.189 - 190.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Năm, 2022, 11:00:52 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:06:08 pm »


NĂM 1945


9-12 tháng 3.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Về nhiệm vụ quân sự, Chỉ thị nêu rõ:

“- Tổ chức thêm nhiều bộ đội du kích và tiểu đội du kích.
- Thành lập những căn cứ địa mới.
- Thống nhất các chiến khu, thành lập “Việt Nam giải phóng quân”.
- Tổ chức “Ủy ban quân sự” (tức Ủy ban khởi nghĩa) để thống nhất chỉ huy du kích và các chiến khu.


12 tháng 3

Thành lập Đội du kích Ba Tơ, tại tỉnh Quảng Ngãi, gồm 28 chiến sĩ, 24 khẩu súng.

Đội trưởng: Phạm Kiệt.
Chính trị ủy viên: Nguyễn Đôn.

Ở các địa phương khác (Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc...) nhiều đội tự vệ, đội vũ trang công tác... được thành lập.


15-20 tháng 4.

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh chủ trì. Hội nghị quyết định phát triển chiến tranh du kích, chuẩn bị phát động tổng khởi nghĩa, thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang cách mạng thành Việt Nam giải phóng quân; mở Trường Quân chính kháng Nhật, ra sức thu nhặt và sửa chữa vũ khí, lập xưởng sửa chữa vũ khí, chế tạo súng ống, bom đạn, tích trữ lương thực, lập kho thóc giải phóng quân ở các xã; phát triển bộ đội giải phóng, tổ chức rộng rãi những đội tự vệ, tự vệ chiến đấu và bộ đội địa phương, dùng “chiến thuật đánh úp quân địch bằng những trận nhỏ, nắm chắc phần thắng để giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta”, “nếu địch bao vây căn cứ địa thì phải dùng chiến thuật” dĩ công vi thủ “mà đối phó”, thành lập bảy chiến khu trong cả nước; thành lập Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn để “chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương về mặt chính trị và quân sự, đồng thời có nhiệm vụ giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự”.


15 tháng 5.

Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân gặp nhau ở bãi Thàn Mát (tên một loài cây) phía sau đình làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Cùng ngày, tại đình làng Quặng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng ban đầu gồm 13 đại đội (thống nhất từ các đại đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trung đội Cứu quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện.


Tháng 5 - tháng 6.

Việt Nam giải phóng quân cùng nhân dân các dân tộc Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công của 2.000 quân phát xít Nhật, bảo vệ căn cứ địa.


4 tháng 6.

Thành lập Khu Giải phóng: gồm sáu tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Giang - Tuyên Quang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên (hơn bốn vạn ki-lô-mét vuông, với hơn một triệu dân, lực lượng vũ trang lên tới gần ba trăm người). Vùng Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) là trung tâm của khu giải phóng.


8 tháng 6.

Thành lập chiến khu Đông Triều (Trần Hưng Đạo). Đội du kích chống Nhật của chiến khu ra đời do các đồng chí Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung... chỉ huy. Từ Đông Triều, Chí Linh (Hải Dương) địa bàn chiến khu nhanh chóng phát triển ra Quảng Yên, Kiến An, Hải Ninh, Hải Phòng, vùng duyên hải đông bắc Bắc Bộ.


20 tháng 6.

Tại Quỳnh Lưu (Ninh Bình), thành lập trung đội giải phóng quân của chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, gồm 40 người, trang bị 19 khẩu súng, một số mã tấu, biên chế thành ba tiểu đội.

Trung đội trưởng: Lương Nhân.


Tháng 6.

Trường Quân chính kháng Nhật khai giảng khóa 1 tại xóm Khuổi Kịch, xã Tân Trào, châu Tự Do (nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ: đào tạo cấp tốc cán bộ trung đội trưởng và chính trị viên trung đội, đáp ứng nhu cầu cán bộ cho chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang.

Phụ trách lớp: Hoàng Văn Thái và Nguyễn Thanh Phong.

Học viên là cán bộ, chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân, một số cán bộ và hội viên cứu quốc nhiều tỉnh khác. Nội dung học tập: tình hình thế giới và trong nước, chương trình Mặt trận Việt Minh, Mười lời thề, Mười hai điều kỷ luật, công tác chính trị trong quân đội; kỹ thuật tháo lắp, sử dụng các loại súng trường, súng máy, cách đánh phục kích, tập kích, chiến đấu du kích, vũ trang tuyên truyền, công tác bí mật, địch vận...

Sau khóa 1, trường mở tiếp khóa 2 và 3. Cán bộ chính trị, quân sự ra trường trong ba khóa gồm 260 người được bổ sung cho các đơn vị vũ trang và các địa phương.
________________________________________________
1. Bảy chiến khu là: Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung (ở Bắc Kỳ); Phan Đình Phùng, Trưng Trắc (ở Trung Kỳ); Nguyễn Tri Phương (ở Nam Kỳ).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:10:41 pm »


1 tháng 7.

Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ và Bộ Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Cơ hội có một không hai đã ở trong tay chúng ta rồi. Thống nhất, hy sinh, kiên quyết chiến đấu, nhất định chúng ta sẽ thắng”.

 
16 tháng 7.

Việt Nam giải phóng quân diệt đồn Tam Đảo (Vĩnh Phú) do quân Nhật đóng giữ.


20 tháng 7.

Lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều cùng nhân dân đánh chiếm thị xã Quảng Yên và huyện lỵ Yên Hưng.


5 tháng 8.

Báo “Quân giải phóng" ra số đầu.


13-15 tháng 8.

Hội nghị toàn quốc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Đối với lực lượng vũ trang, Trung ương Đảng quyết định: “Chấn chỉnh và phát triển bộ đội”; “Tổ chức thêm những bộ đội mới. Chỉnh đốn đội tự vệ chiến đấu và tiểu tổ du kích để thành lập Giải phóng quân ở ngoài khu giải phóng”; cử ra Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Việt Nam.

Đêm 13 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa ra quân lệnh số 1:

"... Hỡi các tướng sĩ và đội viên Giải phóng quân Việt Nam:

Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch; đánh chặn các đường rút lui của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực các bạn hãy kiên quyết tiến!".


16 tháng 8.

Đại hội quốc dân khai mạc tại đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thông qua mười chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 16 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân và dân cả nước “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa".


Tháng 8.

Việt Nam Giải phóng quân cùng toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

Đêm 15 và ngày 16 tháng 8, từ Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân chia thành hai bộ phận, tiến đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang và Thái Nguyên; ngày 17, tiến công trại lính Nhật (hơn một tiểu đoàn) ở thị xã Tuyên Quang; ngày 20 đến 25 tháng 8 bao vây tiến công các vị trí quân Nhật ở Thái Nguyên, kêu gọi chúng đầu hàng. Ngày 19 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, ngày 23 tháng 8 ở Huế và ngày 25 tháng 8 ở Sài Gòn. Ngày 28 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa thắng lợi trên cả nước.

Việt Nam giải phóng quân phát triển nhanh chóng trong quá trình tổng khởi nghĩa.


28 tháng 8.

Giải phóng quân tiền vào Hà Nội; ngày 30 tháng 8, duyệt binh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố, biểu thị quyết tâm cùng toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.


2 tháng 9.

Tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Giải phóng quân và đồng bào diễu hành biểu dương lực lượng, nguyện đoàn kết, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải giữ vững nền độc lập.

Tại Sài Gòn, Lâm ủy hành chính Nam Bộ chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang cách mạng để bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Đồng chí Nguyễn Lưu phụ trách Tổng công đoàn Nam Bộ được cử chỉ huy lực lượng vũ trang công nhân cách mạng.


4 tháng 9.

Chính phủ ra sắc lệnh lập “Quỹ độc lập”. Một phần của quỹ dành cho việc quốc phòng.


7 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Bộ Tổng Tham mưu: cơ quan tham mưu quân sự cơ mật của Đoàn thể, cơ quan đầu não của quân đội, có nhiệm vụ: “tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng”.

Lúc mới thành lập, Bộ Tổng Tham mưu (gồm các phòng tác chiến – đồ bản, tình báo, thông tin liên lạc quân sự, văn phòng và đội vệ binh) đóng tại nhà số 16 phố Ri-ki-ê (nay là nhà số 18, phố Nguyễn Du) Hà Nội.

Tổng Tham mưu trưởng: Hoàng Văn Thái.


8 tháng 9.

Thành lập cơ quan Quân lực Bộ Tổng Tham mưu. Ngày 8 tháng 9 trở thành ngày truyền thống ngành Tổ chức động viên quân đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:12:56 pm »


9 tháng 9.

Thành lập Phòng Thông tin liên lạc quân sự Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Hoàng Đạo Thúy phụ trách. Ngày 9 tháng 9 trở thành ngày truyền thống của bộ đội Thông tin liên lạc.


Tháng 9-1945 đến tháng 3-1946.

Tại Hà Nội, Trường Quân chính Việt Nam (kế tục Trường Quân chính kháng Nhật) mở các khóa 4, 5, 6, 7 đào tạo 1.070 cán bộ chính trị, quân sự, đáp ứng yêu cầu mở rộng Vệ quốc đoàn.

Hiệu trưởng: Nguyễn An (khóa 4, 5); Vương Thừa Vũ (khóa 6, 7). Chính ủy: Trần Tử Bình (khóa 6, 7).

Sau khóa 4, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị đổi tên thành “Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam”.


12 tháng 9.

Thành lập Ban Mật mã quân sự (thuộc Phòng Thông tin liên lạc quân sự - Bộ Tổng Tham mưu) có nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn và sử dụng luật mật mã, bảo đảm bí mật nội dung lãnh đạo và chỉ huy của các cấp trong quân đội khi chuyển qua các phương tiện thông tin.

Cán bộ phụ trách: Tạ Quang Đệ.

Ngày 12 tháng 9 trở thành ngày truyền thống của ngành Mật mã (Cơ yếu) của Quân đội nhân dân Việt Nam.


13 tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thiết lập các tòa án quân sự.

“Điều 1 - Sẽ lập tòa án quân sự ở Bắc Bộ: tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung Bộ: tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam Bộ: tại Sài Gòn, Mỹ Tho.

Điều 2 - Tòa án quân sự sẽ xử tất cả các người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trừ phi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật".

Ngày 13 tháng 9 trở thành ngày truyền thống của ngành Tòa án quân sự.


15 tháng 9.

Thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ: thu thập, mua sắm và tổ chức các cơ sở sản xuất vũ khí để trang bị cho quân đội. Tổ chức gồm các bộ phận: Sưu tầm, mua sắm, phân phối vũ khí; lập các bản vẽ kỹ thuật vũ khí; văn phòng.

Phụ trách chung: Vũ Anh. Trưởng phòng: Nguyễn Ngọc Xuân.

Ngày 15 tháng 9 trở thành ngày truyền thống của ngành Quân giới Việt Nam; ngày truyền thống của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế ngày nay.


Giữa tháng 9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn - quân đội của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người căn dặn Vệ quốc đoàn, các lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện sách lược mềm dẻo đối với quân đội Tưởng Giới Thạch (dưới danh nghĩa quân đông minh, kéo theo bọn phản động tay sai vào miền Bắc, giải giáp quân đội Nhật): phải hết sức tránh khiêu khích, không để xảy ra xung đột với quân Tưởng. Nếu xảy ra xung đột thì biến xung đột lớn thành xung đột nhỏ, biến xung đột nhỏ thành không có xung đột. Thực hiện chỉ thị mở rộng lực lượng của Bác, từ một số chi đội, đại đội (khoảng 5.000 người) trong những ngày tổng khởi nghĩa đến cuối năm 1945, Vệ quốc đoàn đã phát triển lên 50.000 người, gồm 40 chi đội (mỗi chi đội từ 1.000 đến 2.000 người).


17-24 tháng 9.

Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng” quyên góp được 370 ki-lô-gam vàng, 20 triệu đồng, giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt, đồng thời “dùng vào việc cần kíp và quan trọng nhất lúc này là việc quốc phòng”.


19 tháng 9.

Thành lập trung đoàn 95 (trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật) Bình-Trị-Thiên.


23 tháng 9.

Nam Bộ mở đầu kháng chiến. Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, xung phong công đoàn, thanh niên tiên phong cùng nhân dân Sài Gòn anh dũng chiến đấu đánh trả quân Pháp xâm lược. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ thành lập Ủy ban kháng chiến. Nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội đánh giặc. Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ họp tại nhà số 269 đường Cây Mai, Chợ Lớn quyết định điện báo ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị; đồng thời phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp.


Tháng 9.

- Vệ quốc đoàn Nam tiến cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Ngày 26 chi đội đầu tiên (gồm 3 đại đội: Bắc Sơn, Bắc Cạn, Hà Nội), chi đội trưởng: Hoàng Thơ, chi đội phó: Vũ Nam Long, hành quân bằng tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Dọc đường, chi đội đầu tiên được bổ sung hai đại đội của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Chi đội đầu tiên chiến đấu tại cầu Bình Lợi, Xuân Lộc (Đông Nam Bộ).

Đến tháng 3 năm 1946, đã có 12 chi đội (mỗi chi đội tương đương trung đoàn hoặc tiểu đoàn) và 6 đại đội Vệ quốc đoàn Nam tiến.

- Thành lập Ủy ban Binh lương - cơ quan giúp Trung ương Đảng và Chính phủ về bảo đảm ăn, mặc cho quân đội (sau đổi tên thành Phòng Quân lương). Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: “Quân nhu là như cầu của quân đội... Cái gì bộ đội cần, quân sự yêu cầu là ta phải giải quyết. Sẽ có khó khăn vất vả, nhưng ta phải biết dựa vào dân. Được dân lo cho, được dân ủng hộ mọi việc sẽ xong... Trọng tâm công tác của quân nhu lúc này là vũ khí. Phải có nhiều vũ khí, có nhiều súng đạn. Phải chuyển một số nhà máy, xí nghiệp để lo phục vụ cho quốc phòng. Quân nhu chưa đủ sức đảm nhiệm thì đã có nhân dân, có anh em công nhân giúp”. Cơ quan Ủy ban Binh lương (Phòng Quân lương) đạt ở nhà số 17 phố Thụy Khuê (Hà Nội), có gần 20 nhân viên.

Cán bộ phụ trách: Vũ Anh.


Cuối tháng 9.

Thành lập Bộ chỉ huy mặt trận Nam Trung Bộ gồm các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trương Quang Giao. Nhiệm vụ: - bảo đảm hành lang và bàn đạp vận chuyển trang bị, vũ khí, lương thực... của Trung ương và các tỉnh phía Bắc vào Nam Bộ - sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công của Pháp và Nhật - đưa lực lượng vào chi viện Nam Bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:15:32 pm »


15 tháng 10.

Thành lập Chiến khu 4 gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

Khu trưởng: Lê Thiết Hùng (tức Lê Văn Sửu).
Chính trị ủy viên: Hồ Tùng Mậu.

Ngày 15 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của các lực lượng vũ trang Quân khu 4.

Thời gian này, cả nước được chia thành 12 khu hành chính và quân sự (sáu chiến khu ở Bắc Bộ, ba chiến khu ở Trung Bộ, ba chiến khu ở Nam Bộ).


18 tháng 10.

Trận Thị Nghè (Sài Gòn), bộ đội Nam tiến cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh quân Pháp xâm lược, làm thương vong hàng trăm tên.


19 tháng 10.

Nam Trung Bộ kháng chiến. Lực lượng vũ trang địa phương cùng các chi đội Nam tiến lập phòng tuyến bao vây đánh địch ở khắp các mặt trận.


20 tháng 10.

Hội nghị quân sự Nam Bộ tại An Phú Xã (Thủ Dầu Một) chủ trương thống nhất các lực lượng vũ trang, thống nhất chỉ huy, phân chia khu vực hoạt động và kế hoạch chống Pháp ở Nam Bộ.


25 tháng 10.

- Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ tại Thiên Hộ (Cái Bè, Mỹ Tho). Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng... chỉ đạo. Hội nghị nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố các đơn vị vũ trang đã được tổ chức, tích cực xây dựng thêm nhiều đơn vị mới. Đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách Ủy ban kháng chiến trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang Nam Bộ.

- Thành lập Phòng Tình báo (Bộ Tổng Tham mưu) tại nhà số 67 phố Bà Triệu, Hà Nội.

Trưởng phòng: Hoàng Minh Đạo.

Ngày 25 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của Tổng cục 2 ngày nay.


31 tháng 10.

Thành lập Chiến khu 3.

Tư lệnh: Hoàng Minh Thảo.
Chính trị ủy viên: Lê Quang Hòa.

Ngày 31 tháng 10 được xác định là ngày truyền thống của lực lượng vũ trang Quân khu 3.


Tháng 10.

- Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị xây dựng Vệ quốc đoàn. Các ủy viên quân sự khu, tỉnh, thành phố, chỉ huy các chi đội từ Khu 4 trở ra tham dự. Hội nghị kiến nghị Với Trung ương Đảng về tổ chức biên chế, trang bị của vệ quốc đoàn, xác định một số nguyên tắc cơ bản về tổ chức lực lượng vũ trang chi viện cho chiến trường miền Nam.

- Thành lập Trường Quân chính Xứ ủy Trung Kỳ, tại thành nội Huế; đào tạo, bổ túc cán bộ quân sự, chính trị trung đội, đại đội. Khóa 1 có 200 học viên.

Hiệu trưởng: Nguyễn Hữu Điểu.
Chính trị viên: Hoàng Lưu Đáng.

Sau khóa 1 (12-1945), trường chuyển về Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến khu 4, và gọi là “Trường Quân chính Chiến khu 4".


10 tháng 11.

Thành lập Trường Quân chính Nam Bộ (Trường Quân chính Quang Trung), đào tạo tiểu đội trưởng và trung đội trưởng. Khóa 1 khai giảng tại bãi Khai Long (Ngọc Hiển, Cà Mau).

Hiệu trưởng kiêm chính trị viên: Võ Quang Anh.


24 tháng 11.

Chính phủ ra sắc lệnh số 66/SL trưng dụng y sĩ, bác sĩ, dược sĩ phục vụ quân đội, người ít tuổi và người ít con đi trước, thời gian phục vụ sáu tháng.


25 tháng 11.

Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, xác định một số vấn đề cơ bản về đường lối và nhiệm vụ kháng chiến, nêu rõ phương châm tác chiến lúc này là đánh du kích, các lực lượng vũ trang phải bám dân, bám đất, lập các căn cứ du kích, dựa vào dân mà đánh giặc.


Tháng 11.

- Hội nghị các đồng chí phụ trách Đảng trong Vệ quốc đoàn, bàn việc liên lạc và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội.

- Thành lập mặt trận Tây Bắc, ngăn chặn quân Pháp từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo vào Lai Châu, phá âm mưu chiếm Tây Bắc làm bàn đạp tiến xuống Bắc Bộ và sang Thượng Lào của địch. Từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 4 năm 1946, Bộ Tổng Tham mưu điều 7 đại đội Vệ quốc đoàn từ Hà Nội, Bắc Giang, Hà Đông, Sơn Tây, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái lên Tây Bắc xây dựng cơ sở chính trị và đánh địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:16:31 pm »


7 tháng 12.

Phòng Thông tin liên lạc quân sự (Bộ Tổng Tham mưu) khai giảng lớp hiệu thính viên quân sự.


10 tháng 12.

- Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ (mở rộng) tại Bình Hòa Nam quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam và chia Nam Bộ thành ba khu: 7, 8. 9.

Khu bộ trưởng Khu 7: Nguyễn Bình.
Chính trị viên: Trần Xuân Độ.

Ngày 10 tháng 12 trở thành ngày truyền thống của lực lượng vũ trang Quân khu 7.

- Tại Vinh (Nghệ An) thành lập Chi đội Giải phóng quân Đội Cung.

Chi đội trưởng: Hoàng Quang Việt.
Chính trị viên: Phạm Thùy.

Tháng 6 năm 1946 chuyển thành trung đoàn 57.


Tháng 12.

- Các chi đội Nam tiến Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi, Nam Định, Ninh Bình, các chiến sĩ du kích Ba Tơ cùng đồng bào các dân tộc chặn đánh quân Pháp ở Tây Nguyên.

- Thành lập một số chi đội, đại đội Vệ quốc đoàn. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ có các chi đội: Trần Cao Vân (Quảng Nam), Lê Trung Đình (Quảng Ngãi), Phan Đình Phùng (Bình Định), chi đội 1 (Bình Thuận), chi đội 2 (Ninh Thuận), chi đội 3 (Khánh Hòa), Hoàng Hoa Thám (Công Tum), Thu Sơn, Bắc Bắc, Di Viên, Hữu Thanh, Hùng Việt và chi đội 51. Hai đại đội N’Trang Lơn (Đắc Lắc), Phan Thanh (Đà Nẵng) và một số phân đội ở Lâm Viên, Đồng Nai Thượng. Ở Nam Bộ có chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25 (bộ đội Bình Xuyên), chi đội 6 (Gia Định), chi đội 1 (Thủ Dầu Một), chi đội 17 (Mỹ Tho), chi đội 18 (Sa Đéc), chi đội 10 (Biên Hòa), chi đội 11 (Tây Ninh), chi đội 12 (Gia Định), chi đội 13 (công nhân Sài Gòn), chi đội 14 (Tân An), chi đội 15 (Chợ Lớn).

- Thành lập Ban Y tế Vệ quốc đoàn.

Giám đốc: bác sĩ Vũ Văn Cẩn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:18:49 pm »


NĂM 1946


1 tháng 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố về chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời. Về quân sự: “Thống nhất các bộ đội vũ trang dưới quyền chỉ huy của Chính phủ, các đảng phái không được có quân đội riêng”.


6 tháng 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Âm nhạc Vệ quốc quân (nguyên là Ban Âm nhạc Giải phóng quân, thành lập ngày 20 tháng 8 năm 1945, tổ chức tiền thân của Quân nhạc Việt Nam).


22 tháng 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ban bố “Quốc lệnh của Chính phủ” gồm 10 điều thưởng (nhà có ba con tòng quân, những người lập được quân công, vì nước hy sinh ...) và 10 điều phạt (thông với giặc, phản quốc, trái quân lệnh, ra trận tự ý rút lui, phá hoại quân khí, để cho bộ đội hại dân ...).


Tháng 1.

Thành lập Trung ương Quân ủy, giúp Trung ương Đảng lãnh đạo các mặt công tác của Đảng trong quân đội.

Bí thư: Võ Nguyên Giáp.


22 tháng 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời hiệu triệu giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ”, nêu rõ “cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù)”.


2 tháng 3.

Quốc hội khóa I họp phiên đầu tiên tại Hà Nội, thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thành lập “Toàn quốc kháng chiến ủy viên hội”.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 10 bộ, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Bộ Quốc phòng quản lý hành chính quân đội. Bộ trưởng: Phan Anh.

“Toàn quốc kháng chiến ủy viên hội” chỉ huy quân đội và các lực lượng vũ trang cả nước. Chủ tịch: Võ Nguyên Giáp.


5 tháng 3.

Thành lập Phòng Bào chế tiếp tế quân y tại Ba Thá (Hà Đông). Nhiệm vụ chủ yếu: pha chế một số thuốc thông thường để cấp phát cho các đơn vị.

Phụ trách: dược sĩ Vũ Công Thuyết.


6 tháng 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ tại Hà Nội.

Thực hiện Hiệp định, từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1946,   hai bên đã bàn và ký hiệp định về quân tiếp phòng thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. Quy định như sau: quân tiếp phòng của Pháp vào đóng ở Hà Nội (5.000, kể cả 1.000 ở sân bay Gia Lâm), Hải Phòng (1.750), Hòn Gai (1.025), Nam Định (825), Huế (825), Đà Nẵng (225), Hải Dương (cả cầu Phú Lương, Lai Khê: 650), Điện Biên Phủ (825), các vùng biên giới (2.775). Quân tiếp phòng của Việt Nam đóng ở Hà Nội (952), Hải Dương (904), Huế (500), Phủ Lý (500), Thái Bình (500), Nam Định (500), Thanh Hóa (684), Đông Hà (684), Đồng Hới (220), Vinh (904), Đà Nẵng (904). Các tỉnh biên giới: Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu sẽ được quy định sau. Thành lập Ủy ban liên lạc và kiểm soát quân sự Trung ương Việt - Pháp (gọi tắt là Ủy ban liên kiểm) để theo dõi và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thi hành hiệp định. Đồng chí Hoàng Hữu Nam – Thứ trưởng Bộ Nội vụ đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chỉ đạo; đồng chí Cao Xuân Hổ làm trưởng ban, đồng chí Phan Mỹ làm tổng thư ký.

Thành lập bộ chỉ huy quân tiếp phòng của mỗi bên. Bộ Chỉ huy quân tiếp phòng Việt Nam do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, nguyên Khu trưởng Khu 4 làm Tư lệnh.


17 tháng 3.

Trung ương Đảng mở Trường Quân chính Bắc Sơn, bổ túc quân sự, chính trị cho đảng viên và hội viên cứu quốc.


22 tháng 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 33/SL đặt các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân toàn quốc.


25 tháng 3.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 34, quy định tổ chức Bộ Quốc phòng. Gồm Văn phòng và Chế tạo Quân nhu, chế tạo Quân giới, Chính trị, Tình báo, Quân chính, Quân huấn, Công chính giao thông, Quân pháp, Quân nhu, Quân y Cục.

Ngày 25 tháng 3 trở thành ngày truyền thống của bộ đội Công binh.

- Thành lập Ty quản lý Bộ Quốc phòng, cơ quan tài chính đầu tiên của quân đội.

Quản lý Ty trưởng: Nguyễn Tấn
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:21:17 pm »


16 tháng 4.

Thành lập Quân y Cục (nghị định số 12/NĐ của Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ: tổ chức việc y tế và thú y trong quân đội.

Cục trưởng: bác sĩ Vũ Văn Cẩn.

Ngày 16 tháng 4 trở thành ngày truyền thống của ngành Quân y.


17 tháng 4.

Thành lập Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn trên cơ sở Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam.

Giám đốc: Hoàng Đạo Thúy.
Phó giám đốc: Trần Tử Bình.

Ngày 26 tháng 5 năm 1946, trường khai giảng tại Sơn Tây (288 học viên). Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, tặng nhà trường lá cờ thêu dòng chữ: “Trung với nước, hiếu với dân”.


6 tháng 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 60/SL đổi tên “Ủy ban kháng chiến toàn quốc” thành “Quân sự ủy viên hội", sắc lệnh gồm bảy điều quy định tên gọi, thành viên, chức năng, quyền hạn và các cơ quan của Quân ủy hội.

Điều 3 nêu rõ: “Quân sự ủy viên hội là một cơ quan tối cao quân sự đặt thẳng dưới quyền điều khiển của Chính phủ và có nhiệm vụ điều khiển quân đội toàn quốc …”

Điều 5 quy định Quân sự ủy viên hội gồm các cơ quan:

1. Cục Tổng vụ có nhiệm vụ thu phát công văn, phụ trách về nhân sự, quản lý ngân sách tài chính của Quân sự ủy viên hội và liên lạc hành chính với các cơ quan khác.

2. Cục Tham mưu có nhiệm vụ nghiên cứu và đề nghị kế hoạch điều khiển quân đội và thi hành mệnh lệnh của Quân sự ủy viên hội.

3. Cục Chính trị có nhiệm vụ điều khiển và kiểm tra công tác chính trị trong bộ đội, phát hành sách, báo, phòng ngừa phản tuyên truyền của địch và phụ trách địch vận, dân vận.

4. Cục Tổng chỉ huy quân đội tiếp phòng Việt Nam.

5. Ủy ban Liên lạc và Kiểm soát quân sự Trung ương Việt - Pháp có nhiệm vụ liên lạc và kiểm soát giữa quân tiếp phòng Việt Nam và quân đội Pháp, giữa quân đội Pháp và quân đội quốc gia Việt Nam.

Ủy ban này do đặc phái viên của Quân sự ủy viên hội lãnh đạo.


16 tháng 5.

Chính phủ đặt “Quỹ tham gia kháng chiến", kêu gọi mỗi người dân đóng góp một số tiền bằng mười ngày sinh hoạt phí của bộ đội. Kết quả thu được 174 triệu đồng.


17-5 đến 15-12.

Báo “Cứu quốc" đăng nhiều bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Q.T.H hoặc Q.T: “Phải biết xét đoán trước” (17-5), “Muốn biết người phải thế nào?" (24-5), “Phương pháp dùng gián điệp” (31-5), “Đặt kế hoạch tác chiến” (7-6), “Phương pháp tác chiến" (14-6), “Vấn đề quân nhu và lương thực" (21-6), "Hình thức chiến tranh ngày nay” (20-9), “Chiến tranh tư tưởng” (11-10), “Bàn về địa hình” (25-10), “Địa thế” (8-11), “Phương pháp chiến đấu và hành quân trên các địa hình” (15-11), “Chiến đấu vì chính nghĩa” (3-12), “Chiến lược của quân ta và của quân Pháp” (13-12), "Động viên kinh tế” (15-12). Đây là những tư tưởng chỉ đạo, thiết thực bồi dưỡng kiến thức quân sự cho quân và dân cả nước chuẩn bị bước vào kháng chiến chống xâm lược.


22 tháng 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 71/SL Về quân đội quốc gia Việt Nam. Kèm theo sắc lệnh có bản Quy tắc quân đội quốc gia Việt Nam (62 điều) quy định biên chế, tuyển binh, cấp bậc, thăng giáng và thuyên chuyển, kỷ luật, thưởng phạt, lễ nghi của quân đội.

Về tổ chức, quy định biên chế tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh, các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Từ cấp trung đội trở lên có chính trị viên.


30 tháng 5.

Báo “Sao Vàng’’ (kế tục báo “Quân giải phóng") - cơ quan tuyên truyền huấn luyện binh sĩ của Quân ủy hội, ra số đầu. Bài xã luận của báo viết: “Sao vàng là dấu hiêu của quân Việt Nam, Sao vàng vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt. Nó muốn cùng anh em nâng cao tinh thần và tư cách của mình để xứng đáng là quân cách mạng. Nó muốn cùng anh em nghiên cứu kỹ thuật và thời sự cùng những môn học về chính trị để đi tới một đạo quân thiện chiến có một đường lối rõ ràng”.

Tòa soạn: nhà số 28, phố Triệu Quang Phục (nay là phố Hàng Bài) Hà Nội.
Chủ bút: Trần Huy Liệu.


Tháng 5.

Hội nghị mật mã quân sự lần thứ nhất, bàn công tác bí mật mật mã và giao nhận luật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2022, 08:23:15 pm »


1 tháng 6.

Ủy ban kháng chiến miền Nam mở Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi, tại thị xã Quảng Ngãi, có 500 học viên, đào tạo và bổ túc cán bộ tiểu đội, trung đội.

Hiệu trưởng: Trần Nguyên Bát (tức Nguyễn Sơn), nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam.
Chính trị viên: Nguyễn Chính Giao.

Tháng 11, khóa học bế giảng.


20 tháng 6.

Bộ Quốc phòng ra nghị định số 49/NĐ quy định một số điểm trong Quân đội quốc gia gồm 7 chương, 48 điều. Chương I: quân phục, phù hiệu, cấp hiệu. Chương II: Sổ sách tuyển binh. Chương III: Quân phong quân kỷ. Chương IV: Công việc trong đồn trại. Chương V: Công việc hàng ngày trong mỗi đại đội. Chương VI: Vệ sinh và thứ tự. Chương VII: Công tác ở địa phương.


24-26 tháng 6.

Chi đội Trần Quốc Toản (sau đổi là trung đoàn 92) diệt bọn phản động Quốc dân đảng ở thị xã Phú Thọ và Việt Trì.


29 tháng 6.

Thành lập ba trung đội pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh tại trại Vệ quốc đoàn trung ương (nay là nhà số 40, phố Hàng Bài, Hà Nội). Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đọc quyết định thành lập của Bộ Quốc phòng, nêu rõ đây là những trung đội pháo binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta.

Ngày 29 tháng 6 trở thành ngày truyền thống của pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.


Tháng 6.

Quân y Cục tổ chức hội nghị cán bộ quân y lần thứ nhất, thông qua hệ thống tổ chức quân y, thành lập Quân y viện trung ương, Viện bào chế tiếp tế trung ương. Các khu 1,2,3,10,11 thành lập quân y vụ, các ban quân y trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Ở Trung Bộ thành lập Quân y phân cục. Các khu 7,8,9 tổ chức phòng quân y. Phát hành báo “Vui sống” - cơ quan truyền bá vệ sinh và y học trong quân đội.


1 tháng 7.

Bộ Quốc phòng quy định tổ chức của Công chính Giao thông cục (Nghị định số 55-NĐ); gồm 1 - Phòng hành chính. 2 - Phòng quản lý. 3 - Ban liên lạc thông tin. 4 - Ban liên lạc vận tải. 5. - Phòng đồ bản. 6 - Xưởng sửa chữa xe cộ, máy móc. 7 - Xưởng công binh.


7-7 đến 30-8.

Bộ Tổng Tham mưu mở lớp bổ túc quân sự trung cấp tại Tông (Sơn Tây).

Phụ trách: Trần Hưng Nghĩa (tức Trương Trung Phụng).
Chính trị ủy viên: Hoàng Điền.

Học viên: gần 100 cán bộ quân sự, chính trị từ trung đội đến trung đoàn (chi đội). Nội dung học tập: về quân sự, bồi dưỡng kỹ thuật đâm lê, bắn súng, ném lựu đạn, sử dụng súng trường, súng máy, súng cối 60 ly; chiến thuật từ cá nhân đến tiểu đoàn; một số kiến thức phòng không, phòng pháo, phòng tăng, tổ chức luyện quân, nội vụ, lễ tiết tác phong quân nhân... Về chính trị, bồi dưỡng tình hình cách mạng Việt Nam, công tác chính trị trong quân đội, tư cách người cán bộ cách mạng, người chính trị viên. Đây là lớp bổ túc quân sự trung cấp đầu tiên của quân đội ta.

Ngày 7 tháng 7 được xác định là ngày truyền thống của Học viện Lục quân ngày nay.

 
Tháng 7.

Thành lập bốn trung đoàn:
79 (Đắc Lắc), 80 (Khánh Hòa), 81 (Ninh Thuận), 82 (Bình Thuận).


9 tháng 9.

Bộ Quốc phòng ra nghị định số 101 /NĐ về "các hiệu lệnh bằng tiếng kèn dùng trong Quân đội quốc gia Việt Nam". Gồm 38 hiệu lệnh như đứng nghiêm, chào Quốc kỳ, báo thức thường ngày, báo thức ngày lễ, tập hợp, điểm danh, cử lễ gắn huy chương...


Tháng 9.

Bộ Tổng Tham mưu mở lớp đào tạo cán bộ mật mã quân đội mang tên “khóa Hoàng Diệu”.


19 tháng 10.

Hội nghị quân sự toàn quốc
tại nhà số 58 phố Nguyễn Du, Hà Nội. Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh chủ trì. Các đồng chí ủy viên Trung ương Quân ủy hội và cán bộ quân sự, chính trị chủ chốt của các khu tham dự. Hội nghị nhận định: “không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”; quyết định gấp rút chuẩn bị kháng chiến, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là công tác đảng - công tác chính trị trong Vệ quốc đoàn". Mỗi đại đội hay một cơ quan từ tiểu đoàn trở lên tổ chức một chi bộ. Chỉnh đốn các cán bộ chính trị viên bằng cách đưa người có năng lực vào. Mở trường huấn luyện chính trị viên. Quy định rõ chế độ chính trị viên và các cơ quan chính trị trong bộ đội...
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM