Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:44:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 11  (Đọc 1928 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #10 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:53:51 am »

Trận đánh lần thứ tư (ngày 14-7-1953)

Đến ngày 14-7-1953, sau 16 tháng trôi qua đúng là ngày quốc khánh nước Pháp, chiến sự lại xảy ra. Đúng như sự tiên đoán của ta: "Chưa tiêu diệt được cơ quan đầu não chỉ huy kháng chiến của ta trên đảo, quân Pháp không yên tâm".


Lần này, địch chuẩn bị trận đánh rất công phu với lực lượng một tiểu đoàn lính lê dương, có việt gian chỉ điểm, thổ hải phỉ dẫn đường. Trên không, máy bay trinh sát địch chỉ điểm cho hạm tàu ngoài biển pháo kích vào đất đảo, dọn đường cho bộ binh hành quân. Sau đó cho máy bay chiến đấu trút bom đạn xuống mặt đất.


Mờ sáng ngày 14-7, đoàn lính "mủ nồi đỏ" đã tập kết được ở thung lũng Trung Trang, dọc đường hành quân không gặp một sự chống trả nào của đối phương.

Nắm được tình hình địch, ta triển khai lực lượng:

- Đồng chí Mai Cao (tức Vũ Văn Giai), Huyện đội trưởng, đại đội trưởng C919, chỉ huy chung trận đánh và trực tiếp chỉ huy một đơn vị đánh chặn địch tại Khoăn Cao (xã Gia Luận), nơi tiếp giáp với thung lũng Trung Trang.

- Đồng chí Phan Thanh Loan, đại đội phó C919, chỉ huy đơn vị phục kích tại Khoăn Nẻo Mui (xã Gia Luận), có nhiệm vụ đánh tạt sườn vào đội hình quân địch, phối hợp với mũi của đồng chí Mai Cao chỉ huy.

- Đồng chí Vũ Văn Chương, xã đội trưởng chỉ huy một mũi phục kích tại cửa làng Gia Luận đánh đón đầu đoàn quân địch khi chúng tiến từ Khoăn Cao vào Gia Luận.

- Đồng chí Đàm Phương, trung đội trưởng C919, chỉ huy một tiểu đội chuyên làm nhiệm vụ bắt sống chỉ huy địch và hỗ trợ mũi đồng chí Vũ Văn Chương.

Trận chiến đấu diễn ra nhanh chóng. Ngay từ phát súng đầu tiên ở Khoăn Cao, quân ta đã bắn chết tên quan ba chỉ huy cùng một số binh lính khác. Những tên còn sống hoang mang như rắn mất đầu. Hỏa lực quân ta phát huy giòn giã, vang vọng vào vách núi, địch không thể xác định được hướng tấn công của quân ta, chỉ còn cách xả súng bắn bừa vào rừng, tháo chạy.


Trong khoảng 10 phút, trận đánh kết thúc. Tên đại úy chỉ huy bị thiệt mạng, hơn một tiểu đội lính địch bị bắt. Cả tiểu đoàn lê dương tan rã, chúng chạy bạt mạng vào rừng, để lại trên chiến trường hơn 20 xác chết.

Quân ta một người bị thương nhẹ. Chiến lợi phẩm thu được 1 máy VTĐ và nhiều súng đạn các loại.

Từ chiến thắng Khoăn Cao (xã Gia Luận) ngày 14-7-1953, quân Pháp chỉ còn co cụm ở thị trấn Cát Bà, hoang mang, bất lực, không dám hành quân vào các khu dân cư, vào căn cứ kháng chiến Hà Sen của ta, cho đến ngày cúi đầu xuống tàu rút về chính quốc.

Ghi theo lời kể của một số nhân chứng
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #11 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 06:54:23 am »

NỘI CÔNG NGOẠI KÍCH TIÊU DIỆT VỊ TRÍ BẾN TRẠI


ĐÀO ĐỨC CHÍNH
(Nguyên Chủ tịch UBKCHC
huyện Thanh Miện)


Trận tiêu diệt vị trí Bến Trại vào đêm 1-2-1950 cách đây quá nửa thế kỷ đã ghi vào lịch sử của địa phương và của Trung đoàn 42 trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp. Ngày nay, nhắc lại trận đánh đó, tôi không kể lại diễn biến và kết quả của trận đánh vì đã được tường thuật trong cuốn lịch sử của Trung đoàn 42. Tôi chỉ đề cập đến bối cảnh lịch sử lúc đó và việc tổ chức, sử dụng nhân mối.


Vào khoảng tháng 10-1949, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội nghị cán bộ ở thôn Bình Đê, huyện Bình Giang để thảo luận đề án: "Tích cực cầm cự, chuyển mạnh sang tổng phản công". Ở hội nghị này còn đề cập đến việc chuẩn bị tiếp quản Hải Dương. Vì vậy, hầu hết cán bộ trong tỉnh nảy sinh tư tưởng chủ quan, cho rằng đã ở giai đoạn cuối của cuộc trường kỳ kháng chiến, thắng lợi hoàn toàn đã ờ trong tầm tay. Bất ngờ, ngày 22-12-1949, quân Pháp tập trung nhiều binh đoàn cơ động tinh nhuệ mở chiến dịch Đi-a-bơ-lô càn quét một vùng rộng lớn bao gồm các huyện thuộc tây nam tỉnh Hải Dương và nam tỉnh Hưng Yên. Mục đích của địch ở chiến dịch này là tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta, bình định vũng đồng bằng thuộc tả ngạn sông Hồng. Sau chiến dịch này, các đồn bốt địch ken dày đặc khắp nơi. Riêng huyện Thanh Miện đã có hơn 30 đồn bốt địch trên đê sông Luộc, sông Neo và dọc đường 20, trong đó có vị trí Bến Trại. Bốt Bến Trại đóng ở một địa điểm cao trên đê thuộc thôn Trại, xã Diên Hồng (nay là xã Tiền Phong), quân số Pháp, ngụy rất đông, có công sự kiên cố, khống chế các xã thuộc khu nam huyện Thanh Miện và tây nam huyện Ninh Giang, cắt đường nối liền giữa tỉnh Hải Dương với tỉnh Thái Bình. Cùng với việc bố trí đội quân chiếm đóng, đi theo lực lượng cơ động còn có đội GAMO (Groupement administratif mobile opérationnel) tức "Đội quân thứ hành chính lưu động" để lập ra các ban tề (ngụy quyền tay sai ở thôn xã). Trước tình hình khó khăn phức tạp nói trên, trong một số cán bộ nảy sinh tư tưởng lệch lạc như giao động, cầu an, sợ địch không dám hoạt động hoặc tả khuynh muốn phá tề hàng loạt và diệt ngay các đồn bốt địch. Thường vụ Huyện ủy Thanh Miện nhiều lần họp với các cán bộ thôn xã để phê phán những tư tưởng sai trái nói trên, nhận định và đề ra những chủ trương thích hợp:

- Trong các ban tề do địch lập ra hầu hết là người của ta hoặc do ta nắm được nên tạm thời để tồn tại tề, sử dụng và biến nó làm công cụ đấu tranh với địch theo ý định của ta. Không phá tề một cách tràn lan trong lúc nhân dân ta đang khó khăn (nhà cửa và tài sản bị địch đốt phá, người thân bị địch bắn giết và bắt đi). Nếu không thận trọng sẽ bị kẻ xấu kích động nhân dân rào làng, võ trang chống lại kháng chiến như một số trường hợp đã xảy ra ở các huyện lân cận.

- Không nóng vội đánh các vị trí chiếm đóng của địch dễ bị thất bại và gây thương vong cho ta như đã xảy ra ở bốt Đò Neo. Tổ chức các cuộc vận động binh lính ngụy trở về với kháng chiến và vận động nhân dân vùng bị chiếm đóng đấu tranh không để địch phá đình chùa và nhà dân để củng cố các đồn bốt. Phân tán bộ đội địa phương thành các đơn vị nhỏ xuống các thôn xã cùng dân quân du kích giúp dân dựng lại nhà ở, sản xuất và bảo vệ sản xuất.


Với những chủ trương đúng đắn đó, các cơ sở của ta vẫn bám dân hoạt động và được dân che chở, bảo vệ. Chính quyền ở các xã hoạt động bình thường và chỉ đạo các ban tề đấu tranh công khai hợp pháp với địch. Lúc đó, ta quan niệm là "tề hai mang", "tề ấm ớ". Nhân dân thường có câu: "Trên cờ ba gạch, dưới quân Cụ Hồ". Ở các vị trí chiếm đóng của địch, ta đã có các nhân mối, nhất là ở vị trí Bến Trại và vị trí Châu Quan. Chủ trương của ta là xây dựng và sử dụng nhân mối để tiêu diệt vị trí Bến Trại bằng một trận nội công, ngoại kích.


Tên sếp bốt Bến Trại là một sĩ quan người Pháp tên là Lơ-rơ hàng ngày huy động quân trong vị trí và phối hợp với quân ở các đồn bốt lân cận càn quét đốt phá cướp bóc và bắn giết nhân dân các xã Thanh Giang, Ngũ Hùng, Chi Lăng... Chúng bị ta đánh trả rất quyết liệt, nhưng khắp nơi bị địch tàn phá xơ xác. Tên sếp bốt Bến Trại rất ác ôn nhưng lại rất mê gái. Lúc đó, y đang theo đuổi một cô gái tên là Vũ Thị Phao, một hội viên Hội phụ nữ cứu quốc xã Diên Hồng. Nắm được tình hình đó, Huyện ủy Thanh Miện giao cho các đồng chí ở xã Diên Hồng cùng với công an huyện gặp gỡ cô Phao, vận động và thuyết phục cô vì lợi ích của kháng chiến, nhận lời lấy y theo sự khẩn khoản của y nhiều lần. Cuối cùng, cô Phao chấp thuận. Lúc ấy chúng tôi không nghĩ rằng cô có thể phục vụ nhiều cho một trận đánh sau này nhưng ít ra cô cũng cho biết tình hình trong bốt, để ta biết trước đối phó, đồng thời tạo thuận lợi cho ta đưa người vào bốt Bến Trại sau này.


Sau đó ít lâu, chính quyền xã Thanh Giang bắt một thanh niên tên là Phạm Văn Trợ giải lên huyện vì cho rằng anh này có thái độ ngang ngược, chống phá kháng chiến. UBKCHC huyện Thanh Miện xem xét thấy không đủ chứng cứ bắt giam. Qua thẩm tra, biết anh là một học sinh trường trung học Nguyễn Du (trường của tỉnh sơ tán về thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng). Ban giám hiệu nhà trường cho biết Phạm Văn Trợ là một học sinh năm thứ tư, tính tình thẳng thắn, học giỏi, nói và viết thông thạo tiếng Pháp, nhưng thường có thái độ ngang, hay lý sự, cái gì cũng muốn phải thật rõ ràng, như việc giải một bài toán học phải dựa trên một định lý đã có. Trước tình hình đó, bắt giam giữ người không rõ tội trạng là không đúng và không có lợi, nhưng tha về thì chính quyền địa phương cho rằng làm vậy sẽ gây khó khăn, trở ngại cho công tác ở xã. Chợt nhớ đến một tin do cô Phao cho biết là tên Lơ-rơ, sếp bốt Bến Trại đang cần một người thông ngôn (phiên dịch), Thường vụ Huyện ủy cấp tốc hội ý trong phạm vi hẹp giữa Bí thư (Nguyễn Văn Minh), Chủ tịch (Đào Đức Chính), Huyện đội trưởng (Vũ Kim Sơn), trưởng đồn công an huyện (Vũ Tá Lại) nên sử dụng đưa anh Phạm Văn Trợ vào làm thông ngôn cho tên sếp bốt Bến Trại. Để giữ bí mật cho nhân mối, chúng tôi giao cho một cán bộ công an huyện là anh Vũ Tá Thiệm (em trai đồng chí Vũ Tá Lại) gặp anh Phạm Văn Trợ, xem xét và thử thách mọi mặt. Được anh Thiệm giúp đỡ, anh Trợ vui vẻ nhận nhiệm vụ và được lãnh đạo huyện chấp thuận. Anh Thiệm đã chuẩn bị mọi hành trang cho anh Trợ bước vào cuộc đời mới như thẻ học sinh trường Nguyễn Du, giấy chứng nhận học lực của năm học trước, lệnh bắt anh Trợ của chính quyền vì có hành động chống lại kháng chiến... Anh Thiệm cũng tổ chức để anh Trợ lén lút vào bốt Bến Trại xin việc làm. Lơ-rơ chưa tin ngay, y giao anh Trợ cho bọn Phòng nhì kiểm tra và thử thách ở địa phương, đưa xuống Hải Phòng, ra Quảng Ninh. Qua một thời gian thẩm vấn và bồi dưỡng, chúng mới đưa anh trở về Bến Trại để nhận nhiệm vụ đúng như ý định của ta. Mấy tháng sau đó, anh Phạm Văn Trợ đã phát triển được thêm một vài nhân mối khác là ngụy quân và báo cho ta biết những người ở khu vực kháng chiến thường lén lút vào bốt quan hệ với địch để ta theo dõi... Một thời gian sau, ta lại tổ chức đưa thêm anh Vũ Đức Triều (người xã Ngũ Hùng, bạn học cùng lớp với anh Phạm Văn Trợ ở trường trung học Nguyễn Du) vào bốt Bến Trại để xin làm thư ký riêng cho tên sếp bốt. Nhưng không rõ ở đây không cần hay do bị lộ nên địch đưa anh Triều đi nơi khác.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #12 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 06:54:52 am »

Từ đó, mỗi khi bốt Bến Trại càn quét ra khu căn cứ du kích của ta là nhân dân không ngớt lời "nguyền rủa" ba cái tên Phao - Trợ - Triều đã đưa địch về tàn phá quê hương. Những người biết chuyện, không ai dám giải thích rõ sự thật, e nguy hiểm đến tính mạng của các nhân mối.


Tháng 8-1950, Tỉnh ủy Hải Dương triệu tập cán bộ hội nghị do đồng chí Nguyễn Năng Hách, bí thư Tỉnh ủy kiêm chủ tịch ƯBKCHC tỉnh chủ trì, họp ở miếu Rồi Thần và hội nghị quân sự ở Rồi Son thuộc khu vực Hà Đông, huyện Thanh Hà bàn về việc diệt các hệ thống đồn bốt địch để mở rộng các khu căn cứ du kích trong tỉnh. Trong kế hoạch này, Trung đoàn 42 do đồng chí Nguyễn Như Thiết làm trung đoàn trưởng, phụ trách việc tiêu diệt vị trí Bến Trại. Một hôm, đồng chí Thiết về Thanh Miện gặp tôi để bàn việc phối hợp của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ đó, đặc biệt là vấn đề nhân mối trong việc diệt vị trí địch bằng nội công, ngoại kích. Trung đoàn giao cho đại đội của đồng chí Cảnh trực tiếp chỉ huy trận đánh, còn huyện Thanh Miện huy động bộ đội địa phương và dân quân du kích xã làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp tế, tải thương và các công việc khác ở vòng ngoài.


Trận đánh diễn ra vào đêm 1-12-1950 (không phải 1-11-1950 như đã ghi trong lịch sử của Trung đoàn 42) và đã tiêu diệt gọn vị trí Bến Trại, diệt và bắt sống toàn bộ binh lính Pháp - ngụy. Sau đó ít ngày, Trung đoàn 42 đã tổ chức hội nghị tổng kết trình bày diễn biến của trận đánh ở thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang. Đồng chí Trần Tạo lúc ấy là Chủ tịch ƯBKCHC tỉnh Hải Dương trong lời phát biểu đã nhấn mạnh: "Đây là một trận đánh tuyệt đẹp bằng nội công ngoại kích, tiêu diệt nhanh gọn một vị trí đông quân địch, công sự kiên cố là do sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, của bộ đội chủ lực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), có sự cộng tác mật thiết giữa quân - dân - chính - đảng...".


Trận tiêu diệt vị trí Bến Trại (lần thứ nhất) đến đây là kết thúc. Sau đó, một số cán bộ ở Hải Dương hỏi tôi: Nhân mối ở đây giải quyết như thế nào? Tôi trả lời: Các nhân mối quê ở đâu cho về đấy làm ăn sinh sống với gia đình, trừ anh Phạm Văn Trợ được đưa về Ty Công an Hải Dương sử dụng.


Thời kỳ tôi đang công tác ở Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, có lần về thăm nơi công tác trước đây, đã gặp đồng chí Nguyễn Đình Chiểu, bí thư Huyện ủy Thanh Miện lúc đó (khi tôi làm Chủ tịch UBKCHC huyện Thanh Miện thì đồng chí làm Chủ tịch UBKCHC xã Lê Hồng). Lần đó, tôi được đồng chí Chiểu cho biết: Cô Phao khi lấy tên sếp bốt Bến Trại đã có một người con trai lai Pháp và chưa lấy ai vì đàn ông ở địa phương vẫn có thành kiến là cô đã lấy chồng Tây. Tôi nói với đồng chí Chiểu là đến lúc phải giải thích cho nhân dân biết về một con người đã biết hy sinh trong bối cảnh lịch sử và yêu cầu cách mạng khi đó, đồng thời phải bố trí cho cô Phao một công tác nhất định để bảo đảm cuộc sống gia đình. Sau đó, Huyện ủy và UBND huyện Thanh Miện đã bố trí cho cô Phao làm cửa hàng trưởng cửa hàng Bách hóa ở phố Chợ Thông, xã Đoàn Tùng. Những năm gần đây, có dịp về Thanh Miện, tôi được biết cô Phao tuổi đã cao nghỉ hưu và làm nhà ở Quán Khoang, gần thị trấn huyện Thanh Miện. Tôi đã tranh thủ đến thăm gia đình.


Còn anh Phạm Văn Trợ thì ra sao? Sau trận tiêu diệt vị trí Bến Trại cuối năm 1950, anh Trợ còn rất trẻ và có trình độ học vấn nên được đưa lên Ty Công an Hải Dương sử dụng, sau sang công tác ở Ty Thủy lợi. Khi tôi công tác ở Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, một hôm đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, đến gặp tôi hỏi về lai lịch của anh Phạm Văn Trợ. Lúc ấy tôi mới biết anh Trợ đang công tác ờ Bộ Nông nghiệp và làm thư ký riêng cho đồng chí Bộ trưởng, nhưng có người ở Thanh Miện tố giác là anh Trợ đã có một thời gian cộng tác ở một vị trí chiếm đóng của địch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi đã kể cho đồng chí Lộc nghe về nhân mối ở bốt Bến Trại trước đây và anh Trợ đã có công phục vụ cho việc tiêu diệt vị trí Bến Trại bằng nội công, ngoại kích. Sau đó, anh Phạm Văn Trợ vẫn tiếp tục làm việc ở Bộ Nông nghiệp. Những năm gần đây, có lần đến dự cuộc họp đồng hương xã Thanh Giang ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, tôi gặp lại anh Phạm Văn Trợ (trưởng ban liên lạc) đã về hưu và sống củng gia đình ở Nghĩa Đô, quận Thanh Xuân, Hà Nội.


Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), một lần tôi vào làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng mà lúc đó đồng chí Thứ, tức Mười Bắc (có thời gian công tác với tôi ở UBND tỉnh Hải Dương trước đây) là Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Mười Bắc cho tôi biết là đồng chí Nguyễn Như Thiết, trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 trước đây nay là thiếu tướng QĐND Việt Nam và hiện đang phụ trách Học viện quân sự Đà Lạt. Tôi vội tìm đến thăm đồng chí Thiết và giữa chúng tôi đã có đoạn ôn lại những chuyện thuộc về quá khứ. Đồng chí Thiết hẹn với tôi đến một ngày nào đó, chúng tôi sẽ cùng trở lại chiến trường xưa để thăm cảnh vật và con người đã cùng đồng cam cộng khổ ở vùng địch hậu tả ngạn sông Hồng. Nhưng rồi đồng chí Thiết bận bịu với công tác quân sự, còn tôi mấy năm đi làm nhiệm vụ quốc tế với danh nghĩa Phó đoàn chuyên gia, công tác ở Văn phòng Hội đồng nhân dân cách mạng và Hội đồng Bộ trưởng Campuchia. Rồi được tin đồng chí Nguyễn Như Thiết qua đời. Thế là chúng tôi không thực hiện được điều hẹn ước.


Trận tiêu diệt vị trí Bến Trại cách đây 51 năm. Nay nghĩ lại, trong lòng tôi vẫn rộn ràng một niềm vui dù chiến công đó rất nhỏ bé so với nhiều chiến công to lớn khác trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, vẫn lắng đọng trong tôi nỗi bùi ngùi đối với cảnh éo le của một số nhân mối trong vị trí Bến Trại trước đây.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #13 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 06:55:56 am »

TRẬN CHỐNG CÀN THẮNG LỢI Ở
ĐÔNG CẬN, QUÁN ĐÀO


ĐỖ TRỌNG KHOÁT
(Nguyên c trưởng C75, Tỉnh đội HD)
TRƯƠNG VĂN THUÂN
(Nguyên B trưởng B3, Huyện đội Tứ Kỳ)


Trung tuần tháng 7-1953, sau khi quân ta tiêu diệt bốt Liên hiệp Pháp ở Bỉnh Di, phong trào chiến tranh du kích phát triển rất mạnh, uy hiếp trực tiếp đến thị xã Hải Dương, thị trấn Gia Lộc, đường 17 và đường 191.

Địch sử dụng GM4 cơ động cùng một số lực lượng địa phương quân, dưới sự yểm trợ của máy bay và pháo binh tổ chức càn quét vào khu bắc Tứ Kỳ hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta, ngăn chặn phong trào chiến tranh du kích, động viên cổ vũ bọn tề ngụy phản động, hồi phục và củng cố khu vực chiếm đóng của chúng.


Tảng sáng hôm đó, máy bay bà già đã bay lượn thám thính trên bầu trời khu bắc huyện Tứ Kỳ chỉ điểm cho pháo binh ở thị xã Hải Dương và thị trấn Gia Lộc bắn vào những nơi chúng nghi là có lực lượng vũ trang của ta. Đồng thời từ thị xã Hải Dương, chúng hành quân bằng cơ giới theo đường 191 xuống Cống Câu, rồi triển khai đội hình càn vào khu bắc huyện Tứ Kỳ. Trên đường tiến quân, chúng bị bộ đội huyện Tứ Kỳ hiệp đồng cùng dân quân du kích xã Hưng Đạo, Đoàn Xá đánh trả quyết liệt. Nhưng chúng chỉ đánh lướt qua không càn vào làng nào mà tiến thẳng đến hai thôn Đông Cận, Quán Đào. Có thể chúng được chỉ điểm cho biết là đại đội 75 của tinh đội và trung đội 3 của huyện đội Tứ Kỳ tập trung ở khu vực này.


Với 7 xe tăng dẫn đầu, chúng lồng lộn, quần nát các cánh đồng hai thôn Đông Cận, Quán Đào. Đồng thời chúng dùng pháo binh dưới sự chỉ điểm của máy bay bà già bắn nhiều đợt dữ dội vào trong làng. Nhiều nhà cửa và cây cối bị tàn phá. Chúng còn dùng pháo 37 ly trên xe tăng chạy quanh làng bắn phá công sự và lũy tre lảng. Chúng cho rằng với hỏa lực dữ dội và dồn dập như vậy thì trong làng không thể còn sự sống, mà có còn cũng mất sức chiến đấu.


Lực lượng 3 thứ quân của ta gồm tỉnh, huyện, xã đã chủ động chuẩn bị kế hoạch hiệp đồng tác chiến hoàn chỉnh, chu đáo và chặt chẽ. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến của ta là: "Dựa vào công sự và làng chiến đấu đã chuẩn bị từ trước. Bí mật bất ngờ giấu kín lực lượng, tránh phi pháo của địch sát thương. Chủ động lửa cho địch vào thật gần 10m, 5m và gần hơn nữa mới đồng loạt nổ súng và dũng cảm xông ra đánh giáp lá cà với địch. Đã bắn là trúng, đã đánh là diệt, là bắt tù binh, thu vũ khí làm cho địch trở tay không kịp. Hạn chế đến mức thấp nhất mọi hỏa lực chi viện của chúng. Phát huy thế mạnh về tinh thần chiến đấu của quân ta. Đồng thời khoét sâu chỗ yếu về tinh thần bạc nhược sợ chết của địch. Trên cơ sở đó mà đánh quỵ ngay từ đợt tấn công đầu tiên của địch. Ta bảo tồn được lực lượng, giữ được làng".


Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo chống phá càn của Ban chỉ huy Tỉnh đội Hải Dương là: "Tất cả các lực lượng 3 thứ quân lấy tiếng súng nổ làm mệnh lệnh hiệp đồng, bất kể nơi nào bị địch càn đến thì các lực lượng ở xung quanh phải tìm mọi cách cơ động đánh vào cạnh sườn và phía sau quân địch tạo thành thế trận chiến đấu liên hoàn. Buộc địch phải đối phó nhiều hướng. Chia lửa với bạn. Làm loãng mục tiêu càn quét cúa địch. Các lực lượng của ta vẫn giấu kín và an toàn. Khoảng 9 giờ, địch dàn đội hình dưới sự dẫn đầu của xe tăng, chúng áp sát vào chân làng 100m, rồi 50m, 30m. Quân ta vẫn im lặng. Bọn chỉ huy địch hí hửng cho là lực lượng của ta đã bị sát thương. Chúng hét quân tiến nhanh hơn. Để địch cách 10m, 5m, ta hạ lệnh phát hỏa: Các loại hỏa lực của ta, kể cả lựu đạn, thủ pháo đồng loạt bắn xả vào đội hình địch. Bọn đi đầu bị sát thương, bọn sống sót thằng nằm bẹp tại chỗ, thằng chạy tán loạn ra ngoài. Cối 60 ly của ta bắn chặn diệt thêm một số tên. Tiếp đó, trung đội 1 từ tây bắc thôn Đông Cận đã nhanh như cắt, dũng mãnh xung phong ra khỏi lũy tre đánh giáp lá cà với bọn địch tiến vào đoạn giữa hai thôn Đông Cận với Quán Đào. Ngay lúc đó, một bộ phận của trung đội 3 Huyện đội Tứ Kỳ cùng dân quân du kích thôn Quán Đào đã nhanh chóng cơ động đánh vào cạnh sườn địch, cùng trung đội 1/C75 diệt hàng chục tên, bắt sống 32 ngụy binh, thu một trung liên và một số súng trường.


Trận đánh chỉ diễn ra chừng 5-7 phút, quân ta nhanh chóng rút vào trong làng, phân tán bọn tù binh xuống hầm và củng cố công sự, giấu kín lực lượng, chuẩn bị đánh đợt tấn công tiếp theo của địch. Ta hy sinh 1, bị thương 4.


Địch bị thiệt hại nặng nề ngay từ đợt tấn cồng đầu tiên: vừa chết, vừa bị thương và bị bắt sống hai trung đội. Chúng hò hét và chửi bới nhau om xòm, đồng thời gọi pháo bắn liên tục nhiều đợt vào trong làng ngăn chặn quân ta để chúng lấy xác đồng bọn.


Trung đội 3, Huyện đội Tứ Kỳ hỗ trợ đánh tạt sườn chia cắt địch, làm địch bị động đối phó, có tác dụng rất lớn tạo điều kiện đánh bại đợt xung phong đầu tiên của chúng.

Sau thắng lợi đợt đầu, sĩ khí quân ta tăng lên gấp bội. Càng tin tưởng vào chiến thuật đánh gần, không sợ hở sườn, hở lưng. Càng tin là chống càn vẫn tiêu diệt được địch, bắt sống được tù binh, thu được vũ khí trong điều kiện địch đông và trang bị mạnh hơn ta gấp bội. Còn địch thì hoang mang dao động sợ chết, càng không thể đánh giá đúng được lực lượng và thế trận của đối phương.


Chúng tiếp tục dội pháo vào trong làng và lùi quân ra củng cố. Khoảng hai giờ sau, chúng lại xung phong vào trận địa của ta. Ta lại để địch vào gần mới nổ súng, đẩy địch ra ngoài. Qua đánh địch đợt hai này, quân ta càng tin vào cách đánh gần, vừa tiêu diệt địch chính xác, vừa hạn chế tối đa hỏa lực phi pháo của địch, giảm bớt thương vong của ta. Giữa các đợt đánh địch như vậy, ta dùng cách bắn tỉa khá hiệu nghiệm, làm địch vô cùng khiếp sợ.


Về chiều, chúng tổ chức hai đợt tấn công nữa nhưng không dám áp sát vào làng. Ta thực hiện bắn tỉa. Địch vào gần thì ta không xuất hiện để tránh phi pháo của chúng. Đến 17 giờ, chúng dùng pháo bắn chặn để lui quân, chịu sự thất bại nhục nhã chạy về thị xã Hải Dương. Trên đường rút lui, chúng lại bị bộ đội Tứ Kỳ và dân quân du kích các thôn xã trên dọc đường bắn chặn quyết liệt. Ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt là chủ động hiệp đồng tác chiến liên hoàn, bí mật bất ngờ, dựa vào công sự để bảo tồn lực lượng, cơ động kịp thời, dám đánh gần, v. v... nên trận đánh đã đạt hiệu quả chiến đấu cao, thực hiện được chiến thuật lấy ít thắng nhiều, lấy trang bị yếu thắng trang bị mạnh.


Đây là một trận chống càn, ta chỉ có một đại đội tăng cường và dân quân du kích đánh trả một GM4 cơ động và lực lượng địa phương có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Suốt từ sáng đến 17 giờ chiều với bốn đợt xung phong, địch không thể nào vào được làng. Ta tiêu diệt hàng chục tên, bắt sống 32 tên, thu một trung liên, một số súng trường. Bên ta hy sinh 1, bị thương 5 chiến sĩ.


Trận đánh diễn ra cách đây đã 44 năm nhưng ý nghĩa của bí mật bất ngờ, cơ động linh hoạt, thực hiện chiến thuật đánh gần, đánh liên hoàn vẫn giữ nguyên giá trị lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #14 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 06:56:40 am »

CHUYỆN VỀ MỘT XÃ ĐỘI TRƯỞNG


CAO VINH


Ông tên là Nguyễn Văn Suy. Tôi đến thăm ông vào đúng dịp ông được tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Khi biết rõ mục đích cuộc thăm hỏi của tôi, ông bắt đầu kể:

... Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, chưa đầy mười tuổi đã phải đi ăn đi ở, rồi làm con mày con nuôi. Đến khi cách mạng thành công, tôi đã ngoài hai mươi tuổi. Như hạn gặp mưa, tôi liền tham gia vào đội tự vệ của xã. Giữa lúc ấy, không may nhà tôi và hai cháu bé bị một căn bệnh hiểm nghèo chết cả. Một sự mất mát quá sức chịu đựng của mình, nhưng rồi được sự động viên tiếp sức của trên, tôi tự động viên mình gạt bỏ nỗi đau riêng, tiếp tục công tác. Đến tháng 9-1949, tôi xin vào bộ đội ở C25 - D664 - E42 thuộc Khu Tả ngạn. Trong thời gian ở bộ đội, tôi đã được tham gia những trận đánh lớn. Như trận ngày 8-10-1950 diệt một đại đội lính địch, bắt sống tên quan ba Quýt-xắc trên đê La Giang, xã Văn Tố. Tiếp đến là trận công đồn Ô Mễ, trận này tôi bị thương vào đùi và gẫy 2 mảnh xương sườn. Vết thương của tôi không đủ sức tiếp tục chiến đấu, trên cho tôi giải ngũ về địa phương. Lúc này tình hình ở địa phương tôi khá phức tạp, đầu xã có bốt Tây Kỳ, cuối xã có bốt Cõi, giữa xã có bốt Măng, trong xã lại có bọn tề, dõng ác chiếm đóng nhà thờ Đông Lâm quấy phá ngày đêm.


Tôi về nhà chưa được bao lâu ông bố nuôi bắt tôi lấy vợ để yên chí làm ăn. Rồi ban xã ủy tề đến thuyết phục ông bố nuôi vận động tôi lấy thẻ căn cước ra sống công khai. Tôi kiên quyết từ chối. Giữa lúc đầu óc tôi đang rối bời thì người vợ kế mới sinh cháu được 3 tháng lại mắc bệnh rồi chết. Lại một lần nữa tôi khóc vợ, khóc con. Vượt qua được cơn sốc này, mặc dù người còn yếu tôi cũng đề nghị với Đảng cho tôi được nhận công tác. Bước đầu tôi được phân công làm thôn đội trưởng, sau đó ít ngày (28-3-1953) tôi được giao làm xã đội trưởng. Vì là một xã nằm ven con đường liên tỉnh nên bọn địch thường xuyên qua lại càn quét, bắn phá liên tục. Ngày 2-4-1953, bọn địch từ bốt Măng càn vào thôn Đồng Kênh bắt 3 con trâu và một số đồ đạc của dân. Tôi đã chỉ huy một tiểu đội nam nữ du kích đánh đuổi chúng về tận bốt, giành lại số trâu và đồ đạc trả lại cho dân. Tiếp đến là trận hóa trang đánh bọn địch đi lại từ bốt Măng xuống nhà thờ Đông Lâm. Trong trận này có chị Chồi, chị Bến ở Mỹ Ân, chị Nhữ, chị Yến ở Đồng Kênh đóng giả làm người đi bán chè, bán lá vối, dưới thúng giấu những cái chai không để khi gặp địch dùng chai đó làm vũ khí. Các chị phối hợp với một số du kích nam phục ven đường xông lên diệt địch. Trận này ta bắt sống 3 tên, thu toàn bộ vũ khí. Trên đây là những trận tôi còn nhớ, còn những trận lẻ tẻ tôi không nhớ hết.


Cuối năm 1953, trên giao cho đơn vị du kích xã tôi bao vây, tuyên truyền và vận động bọn địch ở bốt Măng + nhà thờ Đông Lâm. Tôi đã bố trí chốt ở những nơi thuận lợi, vừa phát loa kêu gọi chúng ra hàng, vừa tuyên truyền chính sách khoan hồng của Đảng để chúng nhận rõ đúng sai. Các tổ thay nhau liên tục ngày đêm làm nhiệm vụ. Tôi còn vận động ông giáo Cờ từng đi lính cho Pháp, gọi loa bằng tiếng Pháp vào bốt. Kết quả, một tên lính người Pháp trốn ra hàng ta. Cũng thời gian ấy, để ngăn chặn bước hành quân bằng cơ giới của địch, được sự chỉ đạo của trên, tôi đã vận động một trung đội dân quân du kích ngày đêm xẻ một con hào từ trên cầu Măng đi sát vào bốt Măng, kéo xuống tận đê Đông Lâm dài hơn 1km. Trong công việc nặng nhọc vất vả và nguy hiểm này, nhiều đồng chí nêu tấm gương dũng cảm, tích cực như Oánh, Liệt, Đông, Nhạn, Yến.


Thời kỳ chống Mỹ, xã được thành lập một trung đội du kích cơ động, vũ khí trang bị có 1 khẩu 14,5 ly, 1 trung liên và một số súng trường. Trung đội chịu trách nhiệm ở các xã Văn Tố, Quang Trung, Tiên Đông, Nguyên Giáp, Hà Thanh và Hà Kỳ. Tôi được cử làm chỉ huy trưởng cùng với các đồng chí Cự, Nga, Lân xã đội phó (nay đã chết). Ngoài ra còn một trung đội được cử đi đắp ụ pháo ở chợ Yên, cầu Lai Vu (Kim Thành) phục vụ bộ đội chiến đấu. Trong đợt này, xã tôi được thưởng một Huân chương Chiến công hạng hai về thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu.


Về công tác hậu phương quân đội, lúc nào chúng tôi cũng coi đây là một công việc trọng tâm hàng đầu của xã. Các gia đình chính sách gặp khó khăn, đau yếu đều được giúp đỡ, động viên kịp thời. Nhất là trận lụt năm 1971, xã đã vận động hàng nghìn ngày công chạy thóc lúa, đồ đạc, sửa lại nhà cửa khi nước rút, làm cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội gặp khó khăn rất cảm động. Khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" của trên đề ra, năm nào xã tôi cũng đạt và vượt mức kế hoạch một cách thuận lợi, dễ dàng. Để quy tụ hài cốt những người con quê hương đã vì nước hy sinh, với cương vị bí thư Đảng ủy kiêm chính trị viên xã đội, tôi đề nghị với xã xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Chúng tôi vận động nhân dân, kể cả những con em của xã đi công tác các nơi, quyên góp kẻ ít người nhiều xây dựng được một nghĩa trang.


Từ ngày bị thương ở bộ đội về, tôi nhận công tác xã đội từ tháng 3-1953 cho đến tháng 1-1977 liên tục 24 năm. Nếu cộng cả 3 năm làm bí thư Đảng ủy và chủ nhiệm hợp tác xã kiêm chính trị viên xã đội nữa là 27 năm. Ngoài ra, tôi còn tham gia 4 khóa Hội đồng nhân dân huyện và liên tục là đảng ủy viên của xã. Về khen thưởng, tôi đã cùng tập thể phấn đấu đón về cho xã nhiều huân chương về chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác hậu phương quân đội, củng một số bằng khen, giấy khen. 16 năm liền, xã được công nhận là xã Quyết thắng, 20 năm liền là lá cờ đầu của huyện, tỉnh. Riêng bản thân tôi cũng được thưởng 1 Huy chương chống Pháp hạng nhất, 1 Huân chương chống Mỹ hạng nhất, 5 bằng khen của tỉnh và Quân khu, 2 lần đạt chiến sĩ thi đua, 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ Quyết thắng, tổng cộng là 21 lần được khen thưởng. Đến năm 1977, tôi nghỉ hưu...


Ông Nguyễn Văn Suy, người xã đội trưởng năm xưa, với vóc dáng bé nhỏ gầy gò nhưng nhanh nhẹn hoạt bát; từng vượt qua biết bao điều bất hạnh trong cuộc đời mình, đã vươn lên làm tròn nhiệm vụ của một người đảng viên. Cho đến bây giờ đã ở tuổi 80, ông vẫn là một thành viên tích cực trong Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi ở địa phương.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #15 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 06:57:30 am »

QUẤY RỐI ĐƯỜNG 5
CHẶN ĐƯỜNG TIẾP TẾ CỦA GIẶC PHÁP


NGUYỄN ĐỨC HỌC (HÒE)
(Nguyên Thường vụ Huyện ủy Mỹ Hào,
nguyên Giám đốc cảng Hải Phòng)


Cuối năm 1947, ta có chủ trương phá tề toàn tỉnh Hưng Yên. Ở Mỹ Hào, cuối tháng 11-1947 nhân dân các thôn xóm nổi dậy đồng loạt tổ chức một đêm khua chiêng, đánh trống inh ỏi, tự xé thẻ tề. Tề ác ôn bị ta xử trí tại chỗ, một số bị bắt giam, còn phần đông cho ra vùng tự do để huấn luyện rồi cho về. Ta cũng bố trí cho một số tề sáng hôm sau chạy lên bốt kêu là đêm qua Việt Minh về xé thẻ tề, đốt hết sổ sách, tịch thu dấu tề.


Hồi ấy địch chỉ còn đóng ở vị trí Bần, Dị Sử, Kẻ Sặt, còn vùng giữa đường 5 tới sát sông Lực Điền chúng bỏ trống. Ta đã phục hồi hầu hết các chi bộ, chính quyền, đoàn thể ở các xã. Nhiều chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được thực hiện. Ta phát động phong trào đánh phá đường 5 để cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Hải Phòng đi Hà Nội. Nhiều chuyến tàu chở hàng bị nổ mìn, lật đổ, dân quân du kích hóa trang lên đường 5 ném lựu đạn vào xe vận tải. Đồng chí Nguyễn Hanh, phó bí thư Huyện ủy Mỹ Hào, cũng hóa trang lên đường 5 ném lựu đạn vào ô-tô địch.


Cao trào du kích quấy rối, ép sát các vị trí địch làm cho chúng không dám thò ra ngoài. Ở đồn Di Sử (Thứa), ban đêm bọn địch chỉ dùng đèn pha quét cánh đồng quanh bốt. Chúng tôi lội ruộng ban đêm trên cánh đồng Đan để vượt đường 5, nhiều phen vất vả vì ánh sáng đèn pha. Sau này cơ sở cho biết bọn lính trên tháp cao chỉ nằm, lấy chân bấm công - tắc đèn pha chứ có quan sát gì đâu.


Khoảng tháng 6/1948, biệt động phối hợp cùng du kích tổ chức trận đánh ban ngày tại chợ Bần. Khởi sự là ngọn lửa bốc lên từ chảo dầu của bà rán đậu. Bà đã cố ý đổ dầu vào chảo, lửa bùng cháy lều và lan ra cả dãy chợ. Cả chợ nhốn nháo, binh lính Tây và ngụy đang quấy rối cũng hoảng hốt chạy. Thừa cơ, quân ta xông tới đâm chém bọn chúng. Bà con đi chợ sẵn đòn gánh, cây củi cũng xông tói đánh cho chúng những đòn túi bụi. Bọn chúng nhiều đứa sứt đầu mẻ trán, máu me đầm đìa bỏ chạy. Trận đánh chớp nhoáng, dũng mãnh đã gây tiếng vang lớn. Sau này bọn địch không dám ra chợ quấy rối bà con buôn bán nữa.


Tháng 11-1948, có quyết định đốt chợ Bần. Khi ấy tôi đang là Thường vụ Huyện ủy Mỹ Hào, phụ trách Khu I, trong đó có thôn Bần. Trước hai ngày đốt chợ, tôi vào thôn Bần họp cùng chi bộ Bần Yên Nhân để xem xét kế hoạch đốt chợ và đề phòng địch khủng bố. Khi ấy, đồng chí Thân làm bí thư chi bộ, (năm 1950, tôi trở lại làng Bần, đồng chí Thân đã già rồi).


Sau hôm họp với các đồng chí ở làng Bần, tôi sang xã Văn Phú. Sáng hôm sau, tôi đi chợ Bần kiểm tra thực địa, nhất là tránh cho đỡ thiệt hại lây lan khi chợ cháy. Kế hoạch đốt chợ cũng đơn giản. Gần tối, ông quét chợ là cơ sở của ta chỉ việc dúi mồi rơm có buộc nắm que diêm và tẩm dầu phía đuôi. Khi mồi lửa lan tới đoạn có diêm làm bùng cháy, bén vào dầu sẽ phát hỏa lan ra cháy cả chợ.


Hôm ấy, trời tạnh ráo, gió bấc heo may. Chúng tôi lội tắt qua cánh đồng lúa đã gặt. Chị Hai vợ đồng chí Lợi, bí thư chi bộ Văn Phú, cùng đi. Chị đưa cho tôi xách lồng gà có mấy con gà choai, đi lẫn vào đám đông bà con đi chợ. Qua bốt gác, bọn lính không xét hỏi. Vào trong chợ, chị Hai bảo tôi:

- Anh đưa gà em bán, anh đi mua bán gì rồi quay lại cùng về. Anh cầm mấy đồng mà tiêu, em bán gà sẽ có tiền.

Cầm tiền, tôi nghĩ chả biết mua gì, lâu rồi ở địch hậu bao giờ có tiền đâu, chỉ ăn nhờ vào bà con cơ sở. Thôi, vào quách hiệu cắt tóc lại tiện cho việc quan sát chợ qua gương của thợ cạo. Sau nửa giờ cắt tóc xong, tôi đi lướt xem các dãy chợ, thế là yên tâm. Chợ ở lọt vào sau phố nên có cháy cũng ít khả năng cháy lan về phố. Quay lại hàng gà vừa lúc chị Hai bán xong, tôi cùng chị mua mấy thứ rồi về. Chị mua cái mâm đồng đưa tôi xách. Chúng tôi rời khỏi chợ an toàn.


Tối hôm ấy khoảng hơn 10 giờ, chợ cháy bùng, lửa khói bốc lên ngùn ngụt. Bọn địch bốt Bần và các đồn xung quanh hoảng loạn bắn như đổ lửa lên trời. Chúng tôi đứng ở sân nhà anh Lợi cách đấy khoảng cây số. Mọi người vui mừng hoan hô chiến thắng.


Chỉ một mồi lửa đã tiêu hao của địch hàng vạn viên đạn, gây hoảng loạn cho binh lính địch. Trận ấy đã gây tiếng vang cả vùng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #16 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 06:58:47 am »

MỘT LẦN THOÁT HIỂM Ở THÔN GIAI LỆ


Đại tá TRẦN TRÍ DŨNG
(Nguyên đại đội trưởng đại đội 95)


Thôn Giai Lệ ở phía đông huyện Tiên Lữ. Trong thời chống Pháp, thôn này thuộc xã Phan Tây Hồ là một trong những làng kháng chiến điển hình xuất sắc của huyện Tiên Lữ. Mặc dù địch đóng nhiều bốt ở các xã xung quanh, thường xuyên càn quét, thúc ép lập tề, nhưng nhân dân thôn Giai Lệ vẫn dũng cảm chiến đấu, kiên quyết không chịu lập tề.


Phía đông làng có con sông nhỏ. Phía tây làng có con đường liên xã chạy từ đường 39B qua làng sang các thôn Phí Xá, Hoàng Xá. Từ đường cái liên xã có một số đường nhánh đi vào các xóm. Xung quanh làng có lũy tre, trong lũy tre có nhiều ao. Vì vậy, quân địch phải dựa các nhánh đường quanh xóm mới tiến vào làng được.


Nhân dân Giai Lệ đã tận dụng yếu tố địa hình, tổ chức thành làng chiến đấu. Lũy tre đã được liên kết lại thành hàng rào bọc kín làng. Sau lũy tre có nhiều ụ chiến đấu. Các đường vào xóm đều có cổng tre, có vọng gác kiểm soát người ra vào. Trong xóm có giao thông hào nối liền sang xóm khác, có hầm hố tránh bom đạn địch; mỗi nhà đều có hầm bí mật, xóm có đường hầm bí mật dài hàng trăm mét chứa được nhiều người. Mỗi khi địch càn, thanh niên nam nữ đều tham gia chiến đấu, sau đó rút xuống hầm bí mật. Các cụ già và trẻ nhỏ ra tập trung ở đình để đấu tranh chính trị với địch.


Các cơ quan của huyện đều có bộ phận thường trực ở Giai Lệ. Đại đội 95 cũng có một trung đội hoạt động ở xã Phan Tây Hồ, do đồng chí Hoàng Ngọc Diệp là trung đội trưởng và đồng chí Lưu Văn Trìu là chính trị viên trung đội.


Khoảng tháng 5-1950, tôi và anh Minh Chiếu, chính trị viên đại đội, từ xã Minh Hoàng phía bắc Phù Cừ về thôn Giai Lệ. Mười một giờ đêm về tới trạm gác đầu làng. Nhận đúng mật khẩu, anh em gác mở cổng cho chúng tôi vào và cho biết là đang chuẩn bị để sáng mai đánh địch càn vào xã. Chúng tôi rảo bước vào nhà ông Bùi Văn Phức ở đầu xóm để gặp trạm thường trực trung đội 1 đóng ở đây. Anh Lưu Văn Trìu báo cáo tóm tắt tình hình: Địch đã tập trung quân ở các bốt xung quanh để sáng mai càn vào xã Phan Tây Hồ. Anh Trìu vừa họp với thôn đội và chia tiểu đội 1 thành 3 tổ ghép vào các tổ du kích sẵn sàng chiến đấu. Anh Diệp, trung đội trưởng, chỉ huy 2 tiểu đội ở 2 thôn khác. Sau đó, anh Trìu dẫn chúng tôi đi thăm và động viên các tổ chiến đấu. Hai giờ sáng, ehúng tôi trở lại nhà ông Phức. Anh Trìu nói:

- Hai anh tranh thủ nghỉ, đến 4 giờ sáng chứng ta sẽ xuống các tổ chiến đấu và xuống hầm bí mật của các tổ.

Đột nhiên ông Phức từ trong nhà bước ra nói:

- Thôi, ba ông tranh thủ nằm ngả lưng cho đỡ mệt. Ngày mai địch càn, các ông ở lại hầm bí mật của nhà tôi. Tôi bảo đảm an toàn, ông không phải đi đâu nữa.

Nghe ông Phức nói, chúng tôi rất cảm động và yên tâm nghỉ lại. Chợp mắt một lúc, nghe có tiếng kẻng báo động, tôi nhìn đồng hồ mới có 4 giờ 30. Cả gia đình ông Phức đều dậy, cất giấu đồ đạc. Có thứ vất xuống ao, có thứ để ra góc vườn. Từ bờ tre phía góc vườn nhìn ra ngoài làng, tôi thấy quân địch khá đông. Chúng đang từ phía cầu Cáp đi theo đường liên xã phía tây làng Giai Lệ. Chúng dàn đội hình hàng ngang và nằm xuống mé đường, bắn tập trung vào các cổng làng rồi cho từng tốp theo các đường nhánh vào phá cổng làng. Bị trúng mìn và trúng đạn của du kích ta, một số tên bị chết và bị thương. Một tốp bò vào kéo các tên chết và bị thương ra, một tốp khác lại bò vào phá cổng, liên tiếp mấy lần như vậy. Vì số đạn của ta có hạn, nên anh em gác lùi dần vào phía trong. Đến 7 giờ, địch mới phá được cổng và lò dò tiến vào làng. Các thôn khác cũng đã có tiếng súng.


Thấy địch đã phá được cổng và đang tiến vào làng, chúng tôi nhanh chân luồn ra sau nhà để xuống hầm. Chúng tôi xuống trước, ông Phức xuống sau. Em gái ông Phức đậy cửa hầm cho chúng tôi rồi mới chạy sang hầm bên nhà hàng xóm. Lúc ấy có một thanh niên chạy tới. Ông Phức vội nói:

- Chú đi tìm hầm khác đi! Hầm này đủ người rồi.

Anh thanh niên vội chạy sang hầm nhà bên. Sau nửa giờ ngồi hầm, tôi nghe rõ tiếng giày đinh của địch đi vào trong xóm. Chúng bắn lung tung vào các nhà rồi hò hét: "Quan lớn biết rồi! Mở cửa hầm lên hàng thì sống, không chúng ông ném lựu đạn xuống thì chết hết!".


Có tiếng mìn nổ và tiếng súng bắn lẻ tẻ ở xóm bên. Tôi đoán là anh em tổ 2 đang bắn tỉa quân địch.

Một lúc sau, tôi nghe có tiếng cuốc đất ở vườn nhà bên cạnh. Tôi đoán là địch đang cuốc vườn tìm cửa hầm. Những tiếng hò hét của địch, nghe rất rõ. Tôi lo cho cô em gái ông Phức và chú thanh niên ban sáng chạy sang đấy, liệu họ có chỗ trú ẩn an toàn không. Chúng tôi ngồi im lặng dưới hầm, bụng đói cồn cào. Ông Phức giúi cho tôi chai nước, thỉnh thoảng nhấp một tí cho khỏi khô cổ.

Lúc lâu sau, địch vào lùng sục nhà ông Phức. Chúng tôi nghe rõ mọi tiếng động ở trên nhà và tiếng hò hét của địch.

Ông Phức nói nhỏ vào tai tôi: "Ông yên tâm, hầm này rất bảo đảm, địch không thể tìm được dấu vết đâu". Ngồi lâu dưới hầm, đầu óc tôi căng thẳng, bụng đói cồn cào, soi đồng hồ mới có 4 giờ chiều. Lúc này, tôi nghe thấy tiếng quân địch gọi nhau, tiếng giày đinh đi dần ra khỏi làng. Tiếp đến là tiếng nói cười vui vẻ của dân làng. Biết là quân địch đã rút lui, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Có tiếng gỗ trên nắp hầm. Nhận ra mật hiệu, ông Phức đẩy nắp hầm lên và nói: "Chúng ta lên thôi, địch rút xa rồi!".


Chúng tôi lên khỏi hầm và nhanh chóng ra phía sân tập thể dục. Sau 9 giờ ngồi bó gối dưới hầm, cơ thể mỏi mệt, nay được thư dãn một chút, sức khỏe chúng tôi dần dần hồi phục.

Trong lúc chị Liễu, chiến sĩ liên lạc của đại đội, tranh thủ nấu cơm, tôi nhắc anh Trìu đến các tổ nắm tình hình trận chiến đấu vừa qua. Đang vui vì thoát hiểm, chúng tôi lại có tiếp nguồn vui mới, vì được đón anh Võ An Đông, chính trị viên Tỉnh đội đến thăm. Anh về công tác ở xã bên cạnh, thấy địch càn vào xã Phan Tây Hồ, khi chúng rút, anh đến Giai Lệ thăm anh em chúng tôi.


Khoảng 6 giờ 30 tối, anh Trìu về báo cáo: Trung đội 1 và anh em du kích đã tiêu diệt được một số địch và rút xuống hầm bí mật được an toàn. Nhân dân trong thôn cũng không có ai bị bắt hoặc thương vong, chỉ mất mấy con lợn, mấy con gà.


Anh Võ An Đông khen làng chiến đấu Giai Lệ đánh địch giỏi, bảo vệ được nhân dân, cần rút kinh nghiệm kịp thời để trận chiến đấu sau đạt kết quả cao hơn.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã qua đi gần nửa thế kỷ. Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày chiến đấu sôi nổi trên quê hương Hưng Yên, tôi lại nhớ đến làng chiến đấu Giai Lệ, nhớ tới nhân dân Giai Lệ và gia đình ông Phức đã giúp tôi thoát hiểm.


Làng chiến đấu Giai Lệ, nòng cốt của khu du kích điển hình xuất sắc Phan Tây Hồ thuộc huyện Tiên Lữ. Trong suốt thời gian kháng chiến, mặc dù có 2 năm bị địch trực tiếp bao vây uy hiếp, nhân dân Giai Lệ vẫn hiên ngang đứng vững, chiến đấu kiên cường, tiêu diệt được nhiều địch, duy trì và phát triển được lực lượng kháng chiến, tích cực góp phần giải phóng quê hương Hưng Yên thân yêu.


GHI CHÚ:

1. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Phan Tây Hồ có 6 thôn: Giai Lệ, Phù Liễu, Phí Xá, Hoàng Xá, An Tràng, Canh Hoạch. Nay tách ra làm 2 xã là Lệ Xá (gồm các thôn Giai Lệ, Phù Liễu, Phí Xá) và Trung Dũng (gồm các thôn Hoàng Xá, An Tràng và Canh Hoạch).

2. Năm 1950, anh Võ An Đông còn là chính trị viên Tỉnh đội, năm 1951 mới làm tỉnh đội trưởng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #17 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 07:00:45 am »

NHỮNG CHIẾN CÔNG CỦA ĐỘI
VIỆT DŨNG THỊ XÃ HƯNG YÊN


ĐẶNG ĐÌNH THÀNH
(Báo CAND)


Được lãnh đạo Ty Công an Hưng Yên giao nhiệm vụ thành lập đội Việt Dũng của công an thị xã Hưng Yên, tháng 8-1949, ông Nguyễn Bá Kính có tên mới là Hoàng Lan. Từ đó, những cái tên Việt Dũng, Hoàng Lan gắn liền với những chiến công oai hùng của công an trong khu vực thị xã, khiến kẻ địch kinh hoàng mất ăn, mất ngủ, còn nhân dân thì hả lòng, hả dạ, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


Lá cờ xuất hiện vào đêm giao thừa

Đội Việt Dũng chỉ có biên chế, vũ khí rất gọn nhẹ, nhưng biết đi sâu vào quần chúng, xây dựng cơ sở để tự bảo vệ mình, nắm tình hình địch, lập kế hoạch tiêu diệt những tên việt gian bán nước, làm tay sai cho địch.

Cuối năm 1949 địch chiếm đóng thị xã Hưng Yên. Hồi ấy lực lượng của địch đang mạnh, cơ sở của ta ở một số nơi bị vỡ. Đội Việt Dũng muốn vào thị xã hoạt động phải qua các bốt canh, tránh các đội tuần tra của địch ngày đêm sục sạo. Đội chia làm nhiều tổ. Đội trưởng Hoàng Lan trực tiếp chỉ huy tổ cơ động gồm các đội viên Dân và Tảo quê ở thị xã, Dũng quê ở chợ Đầu, Đức và Hạ, kết hợp với các tổ khác diệt tề, trừ gian, có tiếng vang, khiến địch rất lo sợ. Tổ đóng quân bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc đất Hà Nam, thường cử các đội viên đột nhập thị xã Hưng Yên để hoạt động.


Hồi 16 giờ ngày 30 Tết, tổ được giao nhiệm vụ đột nhập thị xã Hưng Yên, phá cái Tết của quân giặc, làm cho chúng hoang mang. Khoảng 21 giờ, các đội viên ra bờ sông Hồng, thấy ở bên tả ngạn phát tín hiệu an toàn, anh em xuống thuyền xuất phát. Đêm về khuya, sương muối, gió bấc, ai nấy đều thấy rét thấu xương, chân tay tê cóng nhưng trong lòng nung nấu ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thuyền lặng lẽ sang gần tới bờ thì bỗng có tín hiệu báo địch phục kích. Rồi hàng chục ánh đèn pin chiếu vào thuyền. Trước tình thế này, ông Hoàng Lan ra lệnh chuẩn bị chiến đấu theo phương án hai: Khi tới sát địch phải ném lựu đạn uy hiếp, gây cho chúng hoảng loạn rồi tranh thủ tản ra theo sự phân công từ trước.

Thuyền tới sát bờ, bọn địch quát lớn:

- Thuyền nào? đi đâu?

Ông Hoàng Lan bình tĩnh đáp:

- Thưa các quan, chúng tôi sang sông ăn cưới.

- Lên bờ, kiểm tra giấy tờ!

- Chúng tôi có thẻ căn cước.

- Ăn cưới gì mà đi khuya thế?

- Thưa các quan, chúng tôi còn chờ đón dâu...

- Từng người một lên trình giấy!

- Vâng!

Tiếng "vâng" vừa dứt, thuyền đã tới bờ. Người chỉ huy hô "ném". Ba quả lựu đạn rơi về phía bọn địch đứng lố nhố. Chúng hô nhau nằm xuống. Ông Hoàng Lan bắn tiếp một loạt súng ngắn. Trong lúc hoảng loạn, địch bắn lại nhưng không chiến sĩ nào dính đạn.


Cả tổ rút ra ngoài tầm đạn địch, vẫn thấy chúng bắn loạn xạ. Mươi phút sau, có tiếng xe vận tải chạy từ phía bến tàu thủy về thị xã. Lúc này là 12 giờ 55. Tiếng pháo giao thừa đã nổ ở phía vùng tự do. Ông Hoàng Lan cử đội viên Tảo đi trước quan sát nắm tình hình. Khi đến bờ hồ Bán Nguyệt, Tảo và Đức làm nhiệm vụ canh gác ở cửa Đền Mẫu và yểm hộ cho Dân và Hạ cắm cờ. Còn Hoàng Lan và Dũng gác ở ngã tư phố Khách - phố Nguyệt Hồ, nếu gặp lính đi tuần thì ném lựu đạn, đánh lạc hướng.


Sau 15 phút, Hoàng Lan nhận được tín hiệu báo nhóm cắm cờ đã hoàn thành nhiệm vụ, Hiền rút về cửa đền Trần gặp Dân và Hạ. Dân báo cáo đã buộc cán cờ đỏ sao vàng vào ngọn cây cổ thụ và đặt 2 quả mìn ở gốc cây. Bốn người đến chỗ Tảo và Đức. Ông Hoàng Lan giao cho Tảo làm nhóm trưởng, dẫn Đức và Hạ vào rải truyền đơn, đốt chợ ở cổng thành, ném lựu đạn gây tiếng nổ. Sau đó cả tổ đi tắt cánh bãi phía nam thị xã, lấy thuyền vượt sông Hồng về bên hữu ngạn. Anh em về tới nơi an toàn, cùng nhau pha trà, hút thuốc lá, ăn bánh chưng... của bà con ở thị xã gửi tặng đơn vị ăn Tết.


Sáng mồng một Tết (1950), cơ sở bên thị xã sang báo cáo: Địch đã phá tan chiếc thuyền chở tổ vượt sông đêm qua, chỗ lựu đạn nổ trên bãi cát có 2 cái hố, gần đó có nhiều vết máu, chứng tỏ địch bị thương vong. Đến trưa, đội Việt Dũng được biết: Đêm qua đã có một Tây đen, hai Tây trắng, hai lính ngụy bị thương. Sáng nay, giữa lúc bọn sĩ quan đang huênh hoang "chiến công" phục kích bắn chìm 1 thuyền của Việt Minh, tiêu diệt 2 trung đội thì chúng được tin báo trên cây cổ thụ ở bờ hồ có cờ đỏ sao vàng. Chúng liền huy động 3 xe chở lính đến khu vực đền Trần. Tên chỉ huy bắt lính trèo lên cây giật cờ Việt Minh xuống. Bọn lính vừa đặt chân vào gốc cây thì mìn nổ, chết tại chỗ 1 tên.


Lá cờ cách mạng đã khích lệ nhân dân địa phương vững tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #18 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 07:01:40 am »

Bất khuất trước quân thù

Một buổi tối cuối năm 1949, có hai thanh niên đến gặp ông Hoàng Lan để xin vào đội Việt Dũng. Họ nói: "Bố em là Vệ Đan, mẹ em bán tương, mắm ở chợ Đầu. Em là Nguyễn Văn Lư, còn em em là Lự. Chúng em 19 tuổi, có biết võ. Địch đã xây bốt chợ Đầu (xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ). Nếu anh không nhận chúng em vào đội Việt Dũng thì chúng em sẽ bị địch bắt đi lính giết hại đồng bào". Qua xác minh thì được biết Bà Vệ Đan sinh đôi được 2 con trai, khỏe mạnh và giống hệt nhau. Ngay cha mẹ cũng khó phân biệt đứa nào là anh, là em. Khi các con lên hai - ba tuổi, người mẹ đi chợ về chia quà thì lần nào cứng thấy có một đứa đến trước, một đứa đến sau. Ông bà liền gọi là thằng Nhanh, thằng Chậm để phân biệt. Mãi đến khi các em đi học mới khai tên là Lư và Lự.


Được nhận vào lực lượng công an, hai anh em đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, rất gan dạ trong việc diệt tề, trừ gian. Một buổi tối cuối năm 1951, Lư và Lự xin phép về khu vực Đào Đặng, Đặng Cầu thăm lại hầm bí mật vì mới có trận mưa. Ông Hoàng Lan dặn các anh phải cẩn thận và cho đi.


Sáng ngày 7-12-1951, ông được tin: Lúc 3 giờ sáng, Tây và lính dõng quây 2 thôn Đào Đặng, Đặng Cầu, bắt được hai anh Lư và Lự. Ông Hoàng Lan bàn với các ông Phạm Quang Ninh, Lê Quân và Đặng Đình Đài tìm cách giải thoát cho 2 chiến sĩ. Ngay sau đó, trinh sát về báo tin: Hồi 5 giờ 30, ba xe tải của địch đã chạy về phía Chợ Gạo. Khi đến ngã ba, xe giảm tốc độ rẽ trái về thị xã Hưng Yên. Đồng chí Lự đã nhảy xuống, nhưng vì bị trói và bị đánh đau nên không chạy thoát, bị chúng bắt lại, dùng báng súng đánh tới tấp. Đồng chí Lự liên tục chửi vào mặt bọn địch. Địch đưa hai anh về Nhà Thành, ném vào phòng tra tấn. Tại đây có một Tây trắng, ba tên phòng nhì. Tên đại úy Vinh hỏi: 

- Chúng mày là Việt Dũng?

- Không!

- Chúng mày chối phải không? Ông cho ăn đòn!

Lư và Lự chịu những trận đòn dùi cui. Lự lại chửi:

- Tiên sư quân bán nước.

- Đứa nào là Lư, đứa nào là Lự?

- Chúng mày biết rồi, còn hỏi làm gì?

- Ông có quyền bắt chúng mày phải trả lời, đã vào tay ông khó lòng thoát được.

- Chúng mày là người Việt Nam mà ác hơn loài cầm thú.

Tên đại úy phòng nhì hỏi tiếp:

- Những đứa nào tham gia vào vụ giết ông Thuần, trưởng ty công an?

- Chúng tao không biết.

- Đội Việt Dũng có bao nhiêu người?

- Chúng tao biết sao được.

- Tên chỉ huy Việt Dũng thường ở nhà ai, thôn nào?

- Không biết.

Cuộc hỏi cung đầu tiên địch chẳng thu được kết quả gì, ngoài việc nghe chửi.

Ngày thứ hai, địch hỏi Nguyễn Văn Lư. Anh khai mới vào Việt Dũng được ba ngày, rồi nghe các đội viên cũ kể chuyện diệt tề trừ gian, anh sợ quá nên bỏ trốn, về nhà làm ruộng. Địch cho là khai láo, càng tra tấn dữ dội, rồi tống vào nhà giam.


Khi chúng hỏi Nguyễn Văn Lự, anh không khai gì và cắn răng chịu những trận đòn chết đi sống lại.

Ngày thứ ba, bọn phòng nhì tiếp tục hỏi Nguyễn Văn Lư, anh vẫn khăng khăng khai như trước. Tên đại úy Vinh đập bàn, đập ghế, chửi bới om xòm: 

- Ông nói cho mày biết, làm Việt Dũng ba ngày cũng đủ đi tù Côn Đảo rồi con ạ. Chúng mày tưởng ông không biết à? Chính người thầy dạy võ của chúng mày chỉ điểm đấy!

Tên Phạm Văn Độ, thầy dạy của Lư và Lự, đã theo địch, chính là kẻ chỉ điểm bắt hai anh. (Về sau, Nguyễn Văn Lư bị phạt tù 7 năm và đày đi Côn Đảo, mãi sau hòa bình lập lại, trao trả tù binh mói được về).

Bọn phòng nhì lôi Nguyễn Văn Lự lên hỏi cung. Anh hiên ngang nói:

- Chính tao là Việt Dũng. Công việc của tao là diệt tề trừ gian, bảo vệ dân. Chúng mày có giết thì cứ giết, tao không sợ, tao không khai người chỉ huy và đồng đội của tao. Đồng đội tao sẽ tìm diệt chúng mày để trả thủ cho tao. Chúng mày hỏi Hoàng Lan, người chỉ huy Việt Dũng là nam hay nữ? Công việc diệt tề trừ gian đâu phải chỉ có nam giới mới làm được! Chứng mày còn làm tay sai cho địch, Việt Dũng sẽ không tha. Tên trưởng ty công an ngụy cũng đã phải đền tội rồi đó.


Bọn địch gầm lên: "Chúng ông sẽ giết mày!". Bọn đầu trâu mặt ngựa buộc chân Lự treo ngược lên xà nhà. Thằng Tây một bên, thằng ngụy một bên, đá anh như quả bóng, máu mồm máu mũi ộc ra. Bọn khát máu còn dùng dao xẻo thịt ở cánh tay, ở đùi anh Lự... Lúc này anh Lự chỉ còn là một cái xác không hồn, nhưng máu vẫn chảy xuống nền nhà cho đến giọt cuối cùng. Anh hy sinh lúc chưa đầy 21 tuổi.


Tin anh Lự anh dũng hy sinh khiến toàn đội Việt Dũng vô củng thương cảm, chẳng thiết ăn cơm. Đau thương đâ biến thành sức mạnh, mọi người đoàn kết gắn bó, vững vàng hơn, quyết trả thủ cho động đội thân yêu của mình.

HOÀNG LAN kể
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #19 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2022, 07:02:20 am »

NHỚ VỀ NGƯỜI XÃ ĐỘI TRƯỞNG NĂM ẤY


PHẠM VĂN ẤP
(Nguyên chính trị viên xã đội xã Minh Đức)


Tôi và anh Phạm Văn Nhắc sinh ra và lớn lên ở thôn Sài Phi, xã Minh Đức (Mỹ Hào - Hưng Yên) một làng nghèo ở cạnh đường số 5. Anh hơn tôi 9 tuổi. Gia đình anh cũng nghèo như gia đình tôi. Nhà đông con, anh là con lớn nên ít được học hành.


Năm 22 tuổi, anh đi lính khố đỏ được 2 năm rồi cáo bệnh về nhà làm trương tuần coi đồng cho dân.

Khoảng tháng 3-1945, quê tôi đâ có phong trào Việt Minh lãnh đạo dân đi phá kho thóc, rồi phong trào tập quân sự cho thanh niên. Anh đã hăng hái tham gia. Sau khi giành chính quyền, anh làm phó ban quân sự thôn, rồi chỉ huy quân sự thôn. Cuối năm 1948, anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và được phân công làm xã đội trưởng.


Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, quê hương anh bị địch chiếm đóng. Anh liên tục công tác quân sự từ thôn đến xã. Năm 1948, anh Nhắc là xã đội trưởng, tôi (Phạm Văn Ấp) là chính trị viên, cùng anh Kiều, anh Đàm ở trong ban chỉ huy xã đội Minh Đức. Là một xã nằm hai bên đường 5, địch liên tục càn quét khủng bố dân.


Anh Nhắc đã xây dựng và tổ chức lực lượng dân quân du kích ngay trong các làng đã lập chính quyền ngụy. Dân quân du kích xã liên tục dùng mọi hình thức hoạt động như phá tề, xé thẻ tề, chống bắt phu, bắt lính của địch; phá hoại và đánh mìn trên đường số 5 với đoạn đường dài hơn 2km làm cho địch rất hoang mang lo sợ.


Trong làng có một số tên đi ngụy binh cho địch, đã báo rõ tên tuồi một số cán bộ hoạt động ở trong xã. Địch vây càn nhiều lần nhưng không đánh được. Chúng treo giải 500 đồng Đông Dương để bắt anh và một số anh em khác. Anh không chùn bước mà tổ chức hoạt động khôn khéo hơn.


Vào một buổi sáng đầu năm 1950, bọn chỉ điểm người làng đã đưa lính đồn Di Sử (Mỹ Hào) và một số lính các đồn xung quanh về bao vây làng từ đêm. Phát hiện được địch vây làng, anh đã đi báo cho anh em trong thôn xuống hầm bí mật. Khi quay về hầm của mình, anh chạm trán với 1 tiểu đội địch đã phục ở khu vực hầm. Lợi dụng trời còn tối, anh định thoát ra ngoài làng. Vừa đến đầu làng, anh lại gặp tiểu đội lính phục sẵn. Chúng đã bắt được anh. Tên ngụy binh người làng chỉ điểm và reo lên đã bắt được anh Nhắc. Chúng tra, đánh, dụ dỗ nhưng anh không hề khai báo điều gì. Đến 8 giờ 40 phút, anh đã chửi bọn chúng và chúng đã nổ súng bắn chết.


Phạm Văn Nhắc, người đảng viên, người cán bộ xã đội đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù, để lại cho tôi một nỗi đau vô hạn. Hàng chục năm đã trôi qua nhưng hình ảnh về anh đối với tôi như một kỷ niệm không thể nào quên về người đồng chí, người anh, người bạn chiến đấu đã anh dũng hy sinh để bảo vệ phong trào, bảo vệ quê hương.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM