Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:42:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 11  (Đọc 1935 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« vào lúc: 12 Tháng Năm, 2022, 06:52:30 am »

Tên sách: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 11
Nhà xuất bản: Hải Phòng
Năm xuất bản: 2001
Số hoá: ptlinh, dungnuocgiunuoc


Chỉ đạo nội dung:
   • HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
   • BAN LIÊN LẠC ĐỒNG ĐỘI TỈNH ĐỘI HẢI DƯƠNG HƯNG YÊN

Biên soạn:
   • VÕ AN ĐÔNG    ĐT: 031.701040
   • ĐÀO NGỌC QUẾ    ĐT: 031.838558
   • NGUYỄN HUY TRƯỜNG    ĐT: 031.876862
   • NGUYỄN HỮU TRÍ    ĐT: 031.720126
   • ĐÀM MINH    ĐT: 031.737322
   (Phụ trách giao dịch)
   • MAI THỊ PHÚC    ĐT: 031.701237

Đại diện ở Hà Nội:
   • VŨ XUÂN HÒA    ĐT: 049.760332

Đại diện ở Hải Dương:
   • PHẠM BÁCH    ĐT: 0320.858417
   • NGUYỄN ĐÌNH MẬU    ĐT: 0320.853883

Đại diện ở Hưng Yên:
   • NGUYỄN NGỌC KHẢI    ĐT: 0321.862355
 


MỘT ĐÓNG GÓP LỚN CÓ Ý NGHĨA GIÁO DỤC SÂU SẮC TINH THẦN, TRÍ TUỆ VÀ NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN TRONG CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân HOÀNG MINH THẢO
(Nguyên Chỉ huy trưởng Mặt trận
Đường 5 năm 1948)


Tập sách "Đường 5 anh dũng, quật khởi" là một công trình có giá trị, một đóng góp lớn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc tinh thần, trí tuệ và nghệ thuật tác chiến trong cuộc chiến tranh chống xâm lược. Đó là các trận chiến đấu oanh liệt, đầy sáng tạo do những người thực, việc thực đã trực tiếp tham gia chiến đấu trình bày. Các trận chiến đấu đó của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hay dân quân du kích đều góp phần nhỏ bé của mình, của đơn vị, của nhân dân trong thắng lợi chung của cuộc chiến tranh. Đường giao thông là huyết mạch của tác chiến khi máy bay lên thẳng chưa đóng vai trò quan trọng. Đường số 5 gồm cả đường bộ, đường sắt là con đường chiến lược quan trọng số 1 ở chiến trường Bắc Bộ. Tác chiến trên đường số 5 có ý nghĩa chiến lược. Nó cùng với sân bay Cát Bi, Gia Lâm hỗ trợ phối hợp đắc lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Các chiến sĩ chiến đấu trên đường 5 gồm cả đường bộ và đường sắt cũng góp một phần vinh quang vào chiến tích đó.


Với trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, các chiến sĩ đường 5 với tâm huyết đã từ tay không dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đại tá Võ An Đông và đồng chí Lê Đức Thịnh (đã từ trần) cùng một số đồng chí khác đã một thời giữ cương vị lãnh đạo và chỉ huy các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, được sự cổ vũ của đồng đội và được sự khuyến khích tài trợ của một số cơ quan trung ương và cáp địa phương, anh em đã đặt "quả mìn chiến thắng" xuất bản được 10 cuốn "Đường 5 anh dũng, quật khởi". Không phải là một tổ chức, không phải là một cơ quan, ban ngành gì, nhưng với truyền thống tay không làm nên sự nghiệp, với tinh thần và quyết tâm dám chiến đấu, chỉ có mấy anh em về hưu mà đã cho ra đời 10 cuốn sách để cho nhân dân biết rõ xương máu của bộ đội, du kích và nhân dân ta đầy đủ trí tuệ và sáng tạo như thế nào trong chiến đấu ở đường 5. Có người nói đó cũng là một hiện tượng.


Chúc các chiến sĩ Đường 5 cùng Ban biên tập "dân lập" thắng lợi và thắng lợi hơn nữa.

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2001


TÓM LƯỢC MỤC ĐÍCH, TÔN CHỈ, CÁCH LÀM CỦA NHỮNG
TẬP SÁCH "ĐƯỜNG 5 ANH DŨNG, QUẬT KHỞI"


Mục đích:

1. Đường 5 là con đường huyết mạch quan trọng chiến lược, tại đây đã diễn ra cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và lâu dài thời chống Pháp và chống Mỹ, đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng rất phong phú, tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho ngày nay và mai sau.


2. Những nhân chứng lịch sử nay đã nhiều tuổi, cần phải khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm viết lại phần lịch sử mà họ trải qua, khai thác kinh nghiệm và trí tuệ của họ.

3. Những tư liệu lịch sử đó sẽ rất quý giá để việc nghiên cứu sau này phân tích và chọn lọc.

4. Góp phần vào việc hun đúc lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước cho các thế hệ ngày nay và mai sau.


Tính chất, tôn chỉ, cách làm:

Tính chất là tập hợp hồi ký của các nhân chứng lịch sử chưa có hệ thống, còn thô sơ, cung cấp một số tư liệu quý giá để việc nghiên cứu khoa học mài giũa, chọn lọc.

Tôn chỉ là phải đảm bảo 2 yêu cầu của lịch sử là chân thực và công bằng.


Cách làm là:

- Bảo đảm hợp với đường lối của Đảng, đúng pháp luật Nhà nước.

- Đề cao tính tự lực trên mọi khâu xuất bản, nhưng tích cực tranh thủ các tổ chức, cả nhân ủng hộ ý tưởng và cách làm của bộ sách, thực hiện khẩu hiệu "lấy sách nuôi sách".

- Người viết hồi ký phải đảm bảo yêu cầu sự việc nêu ra phải chân thực, không hư cấu và sự việc phải có tình tiết, tâm trạng, tình huống cần xử trí.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 07:04:06 am »

QUÂN DÂN ĐƯỜNG 5
NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ SÂU ĐẬM
TRONG CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ


VÕ AN ĐÔNG


Truyền thống chiến đấu giữ nước từ xa xưa.

Tại vùng đường 5, sử sách xưa đã từng ghi chép bao chiến công chống quân xâm lược của tổ tiên ta.

Năm 40 đầu công nguyên, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại vùng Kinh Môn (Hải Dương) đã có Nguyễn Huyến cùng con gái là bà Thánh Thiên lập đội nghĩa binh nổi dậy chiếm cứ cả một vùng. Lại có bà Lê Chân lập nên căn cứ An Biên (Hải Phòng), với những dân binh vừa sản xuất, vừa luyện tập võ nghệ.


Năm 542, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí lập nên nước Vạn Xuân. Năm 545, bắt đầu chống quân nhà Lương, sau đó Lý Nam Đế trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến. Triệu Quang Phục đã lui quân về đồng bằng, chọn Dạ Trạch làm căn cứ kháng chiến. Sách sử miêu tả: "Dạ Trạch (bãi Mạn Trù tỉnh Hưng Yên) là một vùng đồng lầy rộng mênh mang, lau sậy um tùm. Triệu Quang Phục đã bí mật đóng quân ở bãi nổi, ban ngày tắt hết khói lửa, đêm đến nghĩa quân chèo thuyền ra đánh úp trại giặc, cướp vũ khí, lương thực. Quân Lương cố đánh vào vùng Dạ Trạch, nhưng đều bị thất bại. Cuối cùng, trải qua 4 năm chiến đấụ, năm 550, Triệu Việt Vương mở cuộc tấn công lớn đánh đuổi quân Lương, giành lại chủ quyền đất nước". Theo ngôn ngữ hiện nay, đó là một điển hình của chiến tranh du kích trên một vùng đồng bằng diễn ra vào thế kỷ thứ 6. Từ đó có thể suy tôn Triệu Việt Vương là ông thủy tổ đánh du kích từ cách đây 14 thế kỷ.


Năm 983, Ngô Quyền đã tạo nên chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại lần thứ nhất, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử Việt Nam, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của đất nước.

Thời nhà Trần, ông cha ta đã lập nên chiến công lừng lẫy ở Hàm Tử, Tây Kết, chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba với các danh tướng như Trần Hưng Đạo (Vạn Kiếp, Hải Dương), Phạm Ngũ Lão (Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên).

Thời nhà Lê đánh đuổi quân nhà Minh là chiến công của Lê Lợi; theo ông là Nguyễn Trãi ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) với bài "Bình Ngô Đại Cáo" nổi tiếng.


Truyền thống chiến đấu thời Pháp đô hộ

Năm 1858, Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta từ việc đánh chiếm Đà Nẵng rồi chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ. Tháng 11-1873, chúng đánh chiếm Hà Nội. Ngày 6-6-1884, bản điều ước gọi là Điều ước Pa-tơ-nốt (Patenôtre) chính thức đặt Bắc Kỳ và Trung Kỳ là đất bảo hộ của Pháp, còn Nam Kỳ là đất thuộc địa, Phong trào kháng chiến nổ ra khắp nơi. Miền Nam có cuộc khởi nghĩa của Trương Định, miền Trung và Bắc có phong trào Cần Vương, có các cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Bãi Sậy, Yên Thế, v.v...


Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nổ ra trên vùng đường số 5, tóm tắt như sau: "Năm 1885, nghe theo tiếng gọi của Cần Vương, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy. Nguyễn Thiện Thuật vốn quê ở làng Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên, đã từng chỉ huy quân đội triều đình đánh pháp ở Sơn Tây, được phong là Tán Tướng Quân Vụ, dân thường gọi là "Tán Thuật". Sau điều ước 1884, ông chiêu mộ nghĩa quân và lập căn cứ chống Pháp ở Bãi Sậy. Bãi Sậy chính là vùng đầm Dạ Trạch, xưa là căn cứ đánh du kích của Triệu Quang Phục hồi thế kỷ thứ 6. Khoảng giữa thế kỷ 19, vùng này xảy ra nhiều năm vỡ đê sông Hồng, trở thành vùng lau, sậy um tùm. Vùng này lại nằm trên hai ngả đường giao thông quan trọng Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Thái Bình. Trong những năm 1885 - 1889, nhiều trận đánh quyết liệt đã xảy ra giữa nghĩa quân và giặc Pháp. Nghĩa quân thường phân tán thành những nhóm nhỏ ẩn hiện trong lau sậy, thôn xóm, bất ngờ phục kích tiêu diệt các toán quân tuần tiễu, chặn đường giao thông tiếp tế, tập kích các đồn lẻ của giặc.


Nghĩa quân Bãi Sậy còn mở rộng phối hợp tác chiến với các toán nghĩa quân lân cận ở Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên, trong đó có Đốc Tít hoạt động ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Giặc Pháp phải lập một hệ thống đồn bốt để kiểm soát trong vùng, điển hình là chúng đặt và duy trì bốt Bần Yên Nhân tới ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Khởi nghĩa Bãi Sậy kéo dài được 5 năm (1885 - 1889). Những tinh hoa chiến đấu với lòng yêu nước nồng nàn của nghĩa quân Bãi Sậy cũng như của Triệu Quang Phục xưa đã hun đúc lòng tự hào dân tộc và phương pháp đánh du kích mưu mẹo, dẻo dai của quân dân vùng đường 5 trong kháng chiến chống Pháp.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 07:05:12 am »

Hoạt động vũ trang thời kỳ tiền khởi nghĩa

Chớp thời cơ khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đường 5 cùng cả nước sôi nổi vùng lên đấu tranh, xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa.


Trong hoạt động vũ trang nổi lên hai sự kiện sau:

a) Tước súng đồn Bần Yên Nhân đêm ngày 12-3-1945.

Bần Yên Nhân cách Hà Nội có 25km, là vùng thuần túy đồng bằng. Cách đây 50 năm, chính đồn này được xây dựng để khống chế đàn áp phong trào Bãi Sậy. Trận đánh đêm ngày 12-3-1945 xảy ra chỉ sau 3 ngày Nhật đảo chính Pháp, do lực lượng tự vệ dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành. Chỉ huy đã khéo chọn thời cơ khi Pháp đang hoang mang, bỏ súng đợi nộp cho Nhật, biết vận động một số lính giác ngộ làm nội ứng dùng cách đánh úp bất ngờ, áp đảo quân địch; kết quả ta đã thu toàn bộ vũ khí.


Tại thời điểm lịch sử thời đó, trận Bần Yên Nhân đã tạo tiếng vang rất lớn tới cả vùng châu thổ sông Hồng, đã thực sự làm áp lực, gây thanh thế cho phong trào chính trị, thúc đẩy việc tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Về sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương: "Đó là một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ".


b) Hoạt động sôi nổi của chiến khu Trần Hưng Đạo tháng 6 - 8 năm 1945.

Ngày 8-6-1945, xuất phát từ chùa Bắc Mã (Đông Triều) chính thức thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo. Ngày hôm đó, chiến khu đã hạ luôn mấy đồn: Đông Triều, Tràng Bạch, đồn Thiên (Chi Ngãi, Chí Linh). Sau đó, ngày 20-7-1945, đã giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên, một tỉnh lỵ được giải phóng đầu tiên trước tổng khởi nghĩa một tháng. Thanh thế của chiến khu lên rất cao.


Hoạt động của chiến khu Trần Hưng Đạo có mấy đặc điểm sau:

- Trên cơ sở vận động được một số binh lính đồn Đông Triều, theo đề nghị của Tỉnh ủy Hải Dương, Trung ương Đảng đã chuẩn y thành lập một chiến khu thứ tư ở miền Bắc (thường có tên gọi là chiến khu Đông Triều, Đệ tứ chiến khu hay chiến khu Trần Hưng Đạo).

- Lực lượng vũ trang, bên cạnh tự vệ xã, thôn, tính chất đã là đội quân thoát ly. Vũ khí trang bị chủ yếu từ nguồn vận động hàng ngũ địch mang súng về cho cách mạng, như Đội Hiền ở Đông Triều nộp súng cho Việt Minh, hoặc tổ anh Lê Phú, thủy quân lục chiến mang 2 khẩu đại liên nộp cho Nguyễn Bình. Về sau, bằng cách đánh chiếm các đồn, trại địch, chiến khu đã thu về hàng nghìn khẩu súng các loại.

- Chỉ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945, chiến khu đã lập được chiến công lừng lẫy, phá hàng loạt đồn, thậm chí cả một tỉnh lỵ mà trước đây chưa từng có đã thể hiện một đội quân có kỷ luật, có tổ chức chặt chẽ, có tinh thần chiến đấu dũng mãnh, một sự chỉ huy táo bạo, kiên quyết, kịp thời nắm bắt thời cơ, linh hoạt trong xử trí tình huống, tiêu biểu là tướng Nguyễn Bình, một trong những người chỉ huy chiến khu.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 07:07:02 am »

Đường 5 kháng chiến chống Pháp gian khổ, lâu dài.

Quân dân đường 5 bắt đầu cuộc chiến đấu khốc liệt với quân đội Pháp và bù nhìn từ ngày 20-11-1946, và kết thúc ngày 13-5-1955, ngày giải phóng Hải Phòng, chấm dứt chế độ thực dân của Pháp ở miền Bắc.

Trải qua 8 năm kháng chiến trường kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự toàn dân đánh giặc lấy 3 thứ quân làm nòng cốt, quân dân các tỉnh ven đường 5 đã chịu đựng sự hy sinh xương máu to lớn nhưng đã chiến đấu bền bỉ, dẻo dai, phong phú, đa dạng, dần dần biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, từng bước thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta.


Dựa theo hình thái chiến trường đường 5, có thể chia mấy giai đoạn sau:

1. Từ "sự kiện Hải Phòng" đến kháng chiến toàn quốc (20-11-1946 đến 19-12-1946).

Cuộc chiến 7 ngày đêm (20 - 26/11/1946), xảy ra ở điểm mút đầu tiên của đường 5 là Hải Phòng.

Cái cớ xảy ra cuộc chiến là vấn đề tranh chấp quyền thuế quan, nhưng thực chất vấn đề là Pháp muốn tước đoạt chủ quyền đất nước của Việt Nam.

Cuộc chiến đã bộc lộ rõ thế mạnh và thế yếu của cả 2 bên. Pháp thì có ưu thế tuyệt đối về vũ khí, lại là quân đội nhà nghề, nên giữ thế chủ động về trên không, trên sông và trên bộ, nhưng không có chỗ dựa của dân. Còn phía Việt Nam thì bước vào cuộc chiến đấu hoàn toàn không cân sức, vũ khí hết sức thiếu thốn, súng ống thì cũ kỹ, đạn dược không có bổ sung, trình độ quân sự còn chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhiều mặt còn ấu trĩ. Nhưng ta lại có chỗ mạnh vô song là được toàn dân sục sôi lòng yêu nước, tích cực ủng hộ và thiết thực tham gia kháng chiến, thanh niên nam, nữ nô nức tham gia Vệ Quốc Đoàn, tự vệ chiến đấu, v.v...


Về tác chiến, tuy phải chiến đấu không cân sức, ta buộc phải rút khỏi nội thành nhưng cũng lập một số thành tích đáng khâm phục: chiến đấu ở Nhà hát lớn, Bưu điện, Nhà ga và có những trận đánh tiêu diệt địch, thu vũ khí, làm chủ thế trận, như trận bắt sống 5 tên Pháp ở nhà máy Ca-rông (cơ sở Thảm len Hàng Kênh), bao vây, làm chủ sân bay Cát Bi, v.v...


Tầm vóc của "sự kiện Hải Phòng" thể hiện ở mấy ý nghĩa sau:

a. Đảng và Chính phủ ta dù đã cố gắng dàn xếp hòa bình càng thấy rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nên đã chỉ đạo cho toàn quốc thiết thực chuẩn bị kháng chiến.

b. Cuộc chiến ở Hải Phòng đã tạo một hình ảnh sinh động của chiến tranh toàn dân, toàn diện lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Lãnh đạo và chỉ huy của địa phương đã bước đầu thu được kinh nghiệm lãnh đạo toàn dân đánh giặc, chỉ huy lực lượng vũ trang chiến đấu.

c. Đã thấy rõ khả năng tác chiến của quân dân ta trong điều kiện địch hơn ta về nhiều mặt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm "Những chặng đường lịch sử" đã viết: "Trận chiến đấu anh dũng tại Hải Phòng đã có tác dụng của một cuộc tổng diễn tập thực sự chuẩn bị cho trận đánh kéo dài nhiều ngày ở Thủ đô Hà Nội xảy ra sau đó một tháng".

d. Về quân sự đã hình thành sơ khai tổ chức lực lượng 3 thứ quân rất độc đáo ở Việt Nam, mỗi thứ quân có vị trí, tác dụng chiến lược khác nhau, kẽt hợp với nhau, tạo thành một sức mạnh tổng hợp.


2. Từ kháng chiến toàn quốc (19-12-1946) đến giải phóng biên giới.

Ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến. Cả nước chuyển sang trạng thái chiến tranh. Tại đường 5, địch từ Hà Nội đánh xuống, từ Hải Phòng đánh lên. Chúng chiếm được các thị trấn và nối đường 5 và đường sắt, rồi mở rộng hành lang đường 5 từ 5km - 10km, biến một số huyện dọc đường 5 thành vùng địch tạm chiếm, nhưng các huyện phía nam tỉnh Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên vấn là vùng tương đối tự do cho tới ngày 22-12-1949. Từ ngày đó, các tỉnh trên, nhất là tỉnh Hưng Yên, trở thành vùng địch hậu.


Theo từng thời kỳ, địch cũng dần thay đổi chiến lược như sau:

Thời kỳ 1 từ 1-1947 - 10-1947.

Sau khi đánh chiếm xong Hải Phòng, Hà Nội và đường 5, Pháp đã tấn công lên Việt Bắc (10-1947) hòng phá vỡ cơ quan đầu não của ta, nhưng bị thất bại. Về ta thì chuyển đất nước sang kháng chiến, chuyển ủy ban bảo vệ các cấp thành ủy ban kháng chiến (sau hợp nhất với ủy ban hành chính) thành Ủy ban kháng chiến - hành chính, tổ chức dân đi tản cư, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, phá hoại đường xá, cầu cống, rào làng kháng chiến, đào hầm bí mật để bám trụ chiến đấu, mua sắm vũ khí, chủ yếu là tự sản xuất dao, kiếm, lập quỹ kháng chiến nuôi tự vệ, lập binh công xưởng để nhồi lắp vỏ đạn cũ, lấy bom, đạn đại bác cũ của địch bị thối biến thành bom, mìn địa lôi.


Tháng 3-1947, chính thức hình thành 3 thứ quân gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tổ chức hệ thống chỉ huy tỉnh đội, huyện đội và xã đội dân quân.

Ban đầu, ta đánh địch theo kiểu trận địa chiến, không được thành công, đáng kể có trận đánh trong thị xã Hải Dương (19 và 20/12), Như Quỳnh (Cầu Ghênh 4-1-1947), trận núi Thiên Văn ở Kiến An (25-4-1947). Sau ta chuyển sang lối đánh du kích. Đáng kể có trận tập kích vào nội thành Hải Phòng đêm 20-3-1947 có tác dụng làm cho địch phải bỏ dở cuộc hành quân ở Đông Triều; còn phổ biến là quấy rối đồn bốt, bắn tỉa, phục kích nhỏ, gọi loa địch vận, phá hoại, đặc biệt đã phát triển phong trào địa lôi, mà nổi tiếng một thời có nhân vật Quách Phú (Kiến An), Sáu Đậu (Hưng Yên), du kích Kim Thành (Hải Dương).


Ta đã chiến đấu nhiều trận, hiệu quả chiến đấu tuy chựa cao nhưng cũng làm cho địch thiệt hại, phải chùn bước.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:21:08 am »

Thời kỳ 2: Từ tháng 10-1947 đến 22-12-1949.

Sau thất bại ở Việt Bắc, Pháp chuyển sang con bài chính trị lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại, tuyển mộ ngụy quân, lập ngụy quyền cấp huyện (quận), vũ trang cho một số hương dũng tổng dũng, lập hội tề ở các thôn xã vùng tranh chấp. Tại các huyện tự do phía nam, chúng thường xuyên dùng máy bay bắn phá và từng đợt tổ chức cuộc càn quét vào sâu hậu phương ta, điển hình là trận hành quân của binh đoàn Sô-va-nhắc (Sauvagnac) năm 1948 nhưng không thu được kết quả đáng kể.


Về phía ta, căn bản vẫn giữ được trạng thái cũ. Các huyện phía bắc, tuy có một số dân vì sinh kế phải hồi cư, chủ trương của ta chủ động để dân ra lập hội tề, ngoài vỏ thì làm cho địch, bên trong thì theo sự chỉ đạo của ta. Trạng thái địch làm chủ ban ngay, còn ta làm chủ ban đêm. Có một số làng nổi lên tề phản động vũ trang, một số địa phương biết áp dụng vận động chính trị kết hợp với áp lực quân sự đâ phá vỡ tề đó như Lỗ Xá (Mỹ Hào), Thanh Đặng (Văn Lâm), Lưu Trung (Yên Mỹ) nhưng có địa phương như huyện Văn Giang bị chìm đắm trong đen tối tới cuối năm 1951. Thực chất đây là cuộc đấu tranh giành và giữ dân, giành và giữ chính quyền giữa địch và ta. Cuộc đấu tranh hết sức giằng co ác liệt và kéo dài suốt thời gian vùng địch hậu đường số 5.


Ở các huyện phía nam đường 5, tuy địch có đóng thêm một số đồn bốt, vẫn cơ bản giữ được thế tự do, tiếp tục huy động nhân tài, vật lực cho kháng chiến, tiếp tục đưa du kích đi tập dượt chiến đấu ở phía bắc.

Về tác chiến, vũ khí vần còn non kém, trên tinh thần:

"Có vũ khí gì, ta đánh vũ khí nấy". Ta đã tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, đã bước đầu phát huy thế mạnh về tinh thần vận dụng vào cách đánh. Cụ thể:

a. Phong trào đánh địa lôi trở thành lối đánh sở trường của ta và phong trào phá hoại đường 5 và đường sắt. Tháng 3 năm 1949 ta phá đổ 4 đoàn tàu 60 toa tại các huyện Văn Lâm, Cẩm Giàng, Kim Thành. 6 tháng cuối năm tại Hưng Yên đã phá 9 đoàn tàu; cũng thời kỳ đó tại Hải Dương cứ mỗi tháng ta đánh đổ một tàu.

Năm 1948, ta đã sản xuất được loại mìn chống bộ binh gọi là mìn muỗi, thì khắp các thôn xóm du kích đều cài mìn muỗi đánh địch đi càn, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

b. Công tác địch ngụy vận được các cấp ủy tập trung chỉ đạo, có những hình thức sinh động hơn. Từ khi địch mở rộng việc tuyển mộ ngụy binh, một phong trào vận động chồng, con quay về với Tổ quốc, hoặc cung cấp tin tức về địch, hoặc mang súng đạn cho ta. Ta cũng vận động được cả quận trưởng là Đặng Thúc Quỳnh ở quận Thanh Liên sát Lai Vu cùng 5 lính ngụy mang súng về với kháng chiến (13-10-1948). Một chiến công khác: ngày 19-12-1949 ở Kiến An, ta đã vận động cả một đội quân Com-man-đô 42 người mang theo vũ khí trở về với kháng chiến.

Hình thức gây nhân bắt mối làm nội ứng diệt đồn cũng được phát triển. Ngày 29-8-1948, bộ đội và du kích Mỹ Hào sử dụng nhân mối tập kích đồn Cầu Ba Sinh trên đường sắt. Ngày 16-9-1948, nội ứng diệt đồn Phú Hải (Kiến Thụy).


Năm 1948, du kích xã Minh Tân (Thủy Nguyên) nội ứng diệt bốt Tràng Kênh. Tháng 9-1949, nội ứng diệt bốt Cầu Duột (Văn Lâm), cùng năm diệt bốt Vũ La (Nam Sách), nội ứng diệt đồn Khuể (Kiến An).

c. Phát huy tinh thần toàn dân đánh giặc, "tay không đánh giặc" lối đánh hóa trang bằng vũ khí thô sơ cũng được phát triển. Diệt địch tuy không được nhiều nhưng cũng làm cho địch e sợ và cổ vũ, động viên tinh thần kháng chiến của dân trong vùng. Đáng kể có trận "Đòn gánh đánh Tây" ở chợ Từ Hồ (Yên Mỹ, Hưng Yên) ngày 25-4-1948, trận du kích Kim Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) hóa trang dùng đòn gánh, cào, cuốc diệt 3 tên địch, thu một súng (ngày 17-7-1948).

Hình thức vũ trang tuyên truyền cũng được coi trọng. Bộ đội đi sâu vào vùng địch, vừa tuyên truyền vận động dân ở các làng xã, vừa chủ động đánh địch. Ngày 25-1-1948, đại đội Trường Chinh bộ đội chủ lực cùng du kích huyện Văn Lâm đột nhập chợ Nghĩa Trai diệt địch; du kích huyện Cẩm Giàng vũ trang tuyên truyền diệt tên quận trưởng Cẩm Giàng (31-3-1948).

d. Chống địch càn quét, bảo vệ làng cũng là hình thức tác chiến phổ biến nhưng ở mức thấp.

Thông thường, nếu địch có khoảng từ một tiểu đội đến trung đội đi tuần, sục sạo vào làng càn quét thì thường bị bộ đội, du kích chặn đánh bằng súng bắn tỉa, kết hợp chông mìn. Có trận chặn đánh địch một hồi lâu rồi bộ đội, du kích phân tán xuống hầm bí mật chịu để địch đốt phá, cướp bóc. Nếu địch ở các bốt hội quân đông đi càn thì thường ta chủ động phân tán xuống hầm bí mật, cất giấu vũ khí. Cũng không ít trận, địch sục sạo, khui hầm, có chỉ điểm khai báo, bắn giết một số cán bộ, du kích.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:22:11 am »

e. Liên khu ủy 3 và BTL Liên khu 3 tháng 8 năm 1948 thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận 5 chuyên lo chỉ đạo các địa phương tác chiến trên đường 5.

Thời kỳ 3 từ 22-12-1949 đến 12-1951: Thời kỳ giằng co quyết liệt nhất giữa ta và địch.

Tình hình quốc tế phát triển có lợi cho kháng chiến ở biên giới phía bắc. Pháp thực hiện kế hoạch Revers tiến hành bình định củng cố đồng bằng Bắc Bộ. Tại mặt trận đường 5, ngày 22-12-1949, địch mở cuộc hành quân Diabolo đánh chiếm các huyện phía nam 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên. Tiếp theo đầu năm 1950 mở cuộc hành quân "Tonneau" (Cái thùng) đánh chiếm tỉnh Thái Bình và các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo của Kiến An. Các tỉnh Tả ngạn trở thành vùng địch hậu, chỉ còn một ít khu du kích nhỏ hẹp. Riêng tỉnh Hưng Yên trở thành vùng trọng điểm bình định của địch. Chúng thiết lập một hệ thống tháp canh hương đồn, ra sức xây dựng ngụy quyền tới khắp xã, thôn, tổ chức vũ trang, xây lô cốt cho hương dũng, tàn sát không tiếc tay hàng vạn cán bộ, du kích, nhiều cơ sở xã, thôn bị bật ra ngoài. Năm 1950 là năm đen tối nhất của các tỉnh đường 5, mà điển hình là tỉnh Hưng Yên. Nhưng tháng 10-1950, chiến thắng ở biên giới làm thay đổi cục diện chiến tranh đã cổ vũ động viên lại tạo điều kiện hết sức thuận lợi cả về tư duy quân sự và về trang bị cho quân dân đường 5.

Phát huy thắng lợi biên giới, các địa phương đường 5 một mặt tổ chức đi tiếp nhận vũ khí, học tập cách đánh mới, mặt khác tranh thủ thời cơ đẩy mạnh hoạt động, mở thêm cơ sở, dồn ép quân địch, nhất là khi chúng phải lo đối phó với các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, v.v... của chủ lực ta. Đáng kể có tỉnh Hưng Yên, từ 31-3-1951 tới cuối năm, trong vòng 8 tháng, đã phá tan hệ thống tháp canh, mở các khu du kích ở các huyện tới sát đường số 5 tạo một thế cài răng lược giửa ta và địch.

Địch đã thấy nguy cơ một mặt trận sau lưng chúng cũng không kém phần nguy hiểm, nên lợi dụng lúc quân chủ lực ta dừng chiến dịch, địch đã chuyển nhiều binh đoàn cơ động (quân GM) tập trung phi pháo, càn dài ngày từ 5 đến 10 ngày nhằm tiêu diệt khu trục LLVT ta. Chúng mở các cuộc càn Meduse (Con Sứa) 3-1951, Reptile (Con Bò sát) 5-1951, Citron (Trái Chanh) 9-1951, Mandarine (Trái Quýt) 10-1951. Lúc đầu, do ta chưa phát hiện phương thức tác chiến mới của địch, chưa nghiên cứu biện pháp, cách đánh nên có bị thiệt hại, điển hình là trận Reptile (5-1951), cán bộ chỉ huy bị bắt, gần một tiểu đoàn bị mất sức chiến đấu.

Ta rút kinh nghiệm kịp thời, thay đổi cách đánh: bộ đội tập trung kiên quyết không xuống hầm, trụ bám công sự địa hình làng mạc, cất giấu lực lượng, bất ngờ đánh gần nổ súng mãnh liệt, phản kích diệt bộ phận địch rồi luồn càn phía sườn hay phía sau quân địch. Cách đánh này có hiệu quả, tiêu biểu là trận Trái Chanh ngày 25-9-1951, không những ta giữ vững được trận địa mà còn tiêu diệt, bắt sống hàng nghìn tên.

Năm 1950 và 1951 diễn ra trận chiến khốc liệt trong thế giàng co giữa ta và địch. Địch đã dùng đủ mọi kế từ bình định đến càn quét lớn nhưng vẫn bị thất bại, ta thì đối phó có hiệu quả các cuộc càn lớn, mở thêm khu du kích mới biến hậu phương địch thành tiền phương của ta.


Thời kỳ 4 từ 1952 đến kết thúc chiến tranh: ta đã dần tạo thế chủ động chiến trường.

Đầu năm 1952, diễn ra chiến dịch Hòa Bình, có 2 mũi thọc sâu chiến lược vào địch hậu. Đại đoàn 316 ở phía bắc sông Đuống, đại đoàn 320 ở Tả ngạn sông Hồng. Do đó, quân dân Tả ngạn đường 5 được tăng thêm lực lượng đã làm đảo lộn thế trận, nhiều đồn bốt bị tiêu diệt, vùng nông thôn bị mở toang, ngụy quyền bị phá một mảng lớn, kẻ địch chỉ còn giữ được các đô thị và đường giao thông quan trọng.

Sau chiến dịch Hòa Bình, địch quay về đồng bằng, tập trung quân cơ động và phi pháo càn quét lớn là Marao Polo ở Bác Ninh, Mercure (Thủy Ngân) ở Thái Bình, Dromadaire (Lạc Đà) ở Hải Dương, Hưng Yên, tuy chúng có đóng lại một số vị trí, sửa lại một vài con đường nhưng lực lượng vũ trang địa phương vẫn bám trụ địa bàn, vẫn làm chủ vùng nông thôn rộng lớn.

Sang chiến cuộc cuối năm 1952, phối hợp với chiến dịch Tây Bắc, ta lại chủ động tạo ra hình thức tác chiến mới là bao vây vị trí kết hợp với phá hoại đường xá. Địch phải dùng máy bay hoặc mở cuộc hành quân tiếp tế các đồn bốt. Cách bao vây vị trí đã gợi mở cho ta phải tìm cách đánh tiêu diệt vị trí địch trong khi lực lượng vũ trang địa phương chưa được trang bị vũ khí công đồn.

Năm 1953, chiến tranh du kích trên đường 5 thêm nhiều phương thức tác chiến độc đáo, đạt hiệu quả chiến đấu cao chưa từng thấy. Đó là cách tấn công vào kho tàng, hậu cứ của địch. Đêm 20-4-1952, bộ đội Kiến An đã tập kích vào thị xã Kiến An, đốt phá kho đạn lớn ở Kha Lâm; tiếp theo, đêm 18-6-1953, bộ đội Kiến An tổ chức hai mũi nhỏ tập kích, đốt phá kho dầu Thượng Lý làm bốc cháy các bồn chứa xăng hàng trăm triệu lít, phá hủy nhiều xe cơ giới. Đây là một cách đánh độc đáo của bộ đội Kiến An, dùng bộ phận nhỏ thọc sâu vào địch hậu đánh kho tàng, đạt hiệu quả cao.

Đồng thời tại Hưng Yên cũng sáng tạo ra lối đánh "mật tập". Đó là cách đánh tiêu diệt các căn cứ, vị trí lớn nhỏ của địch mà bộ đội địa phương chưa có vũ khí lớn công đồn nhưng vẫn tiêu diệt địch, làm chủ trận địa, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí. Đêm ngày 10-5-1953, bộ đội Hưng Yên đã tiêu diệt căn cứ hậu phương của GM3 (base arrière), ở Bần Yên Phú và đêm ngày 15-12-1953 lại tiêu diệt căn cứ hậu phương thứ 2 của GM3 ở Dị Sử. Cả 2 nơi cộng lại bát sống 800 tên địch và thu hàng nghìn súng các loại. Đêm ngày 16-8-1953 tiêu diệt vị trí Vân Trì (Khoái Châu), có một tiểu đoàn hỗn hợp xe tăng, pháo và bộ binh, phá hủy nhiều xe, pháo, bắt 70 tên. Ngoài ra còn tiêu diệt các vị trí cỡ một đại đội bộ binh, bình quân mỗi tháng diệt 1 đến 2 vị trí.

Năm 1954, quân dân đường 5 tạo một mặt trận địch hậu phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, có tác dụng vừa đánh phá kho tàng, phương tiện vận tải làm ngăn chặn sự tiếp tế của địch lên Điện Biên Phủ, vừa tiêu hao, tiêu diệt địch, cắt đứt đường sắt và đường 5, trực tiếp uy hiếp Hà Nội.

Ngày 4-3-1954 nổ ra trận đánh sân bay Gia Lâm, phá hủy 18 máy bay. Đêm 7-3-1954 diễn ra trận tập kích sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay. Đêm 11-3-1954, mở đầu chiến dịch tổng công kích toàn tuyến đường 5 mà BTL khu Tả ngạn chọn trọng điểm ở miền bắc Hưng Yên, tập trung hai trung đoàn là E42, E50 và 2 tiểu đoàn bộ đội Hưng Yên. Ba sự kiện trên chỉ xảy ra mấy ngày trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Ba sự kiện trên vừa có tính nghi binh chiến lược, vừa có tính thiết thực phối hợp bàng cách phá kho tàng, phá phương tiện chiến trường, phá đường giao thông huyết mạch của địch. Đợt tổng công kích đá quán triệt chỉ thị ngày 23-2-1954 của Bộ Chính trị là: "Thời gian hoạt động dài ngày và phương thức hoạt động là du kích chiến, phá đường giao thông của địch, chống địch bắt lính, đồng thời phát triển cơ sở".

Không gian hoạt động gồm 3 tỉnh Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên dài gần 100km.

Lực lượng sử dụng lúc cao điểm gồm 2 trung đoàn của khu Tả ngạn, 5 tiểu đoàn của tỉnh, tất cả các đại đội của các huyện, cộng khoảng một vạn quân và hàng chục vạn dân quân du kích; quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Phương thức tác chiến cũng nhiều hình, nhiều vẻ, đi từ phá hoại đến đánh mìn đường bộ, đường sắt, nhổ bốt, nội ứng, chống địch càn quét to và nhỏ. Nguy cơ đường sắt và đường 5 bị cắt đứt nên buộc địch phải điều lực lượng của GM3 về canh giữ.

Các xã nằm kẹp giữa đường 5 và đường sắt thuộc các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Cẩm Giàng, Bình Giang đã nhất tề nổi dậy phá tề, giải tán ngụy quyền cấp xã; ngụy quyền cấp quận, tỉnh nếu còn chỉ là hình thức mà thôi. Sau ngày Điện Biên Phủ thắng lợi, quân dân đường 5 vản còn phải chiến đấu với quân địch cho tới ngày ký kết hiệp định đình chiến 20-7-1954. Nhưng đường 5 vẫn còn phải sống trong vũng tập kết 100 ngày và 300 ngày. Cuộc đấu tranh với địch chuyển từ đấu tranh quân sự sang chính trị; ta còn phải đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư và đấu tranh chống di chuyển máy móc, thiết bị.

Ngày 30-10-1954, thị xã Hải Dương được giải phóng. Ngày 13-5-1955, Hải Phòng được giải phóng. Ngày 15-5-1955, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Bến Nghiêng (Đồ Sơn Hải Phòng). Địa danh này trở thành biểu tượng của sự chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp ở miền Bắc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:24:40 am »

Đường 5 chống chiến tranh phá hoại lần I và lần II của đế quốc Mỹ

Sau khi giải phóng khỏi chế độ thực dân Pháp, các tỉnh có đường 5 đi qua bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế được 10 năm (1955 - 1965), đồng thời làm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn là miền Nam. Cụ thể là tại Đồ Sơn - Hải Phòng là điểm xuất phát của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển bắt đầu từ đoàn 759 của Bộ Quốc phòng và nhà máy đóng tàu Bạch Đằng đã đóng những con tàu vỏ sắt không số loại VS50, VS100 chở vũ khí cho miền Nam. Hải Phòng cũng đã tổ chức xây dựng trung đoàn 42 thứ hai (gọi lái là trung đoàn 24) chi viện cho tiền tuyến lớn (sau này tại chiến trường miền Nam, trung đoàn 24 đã được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).


Tháng 3-1965, bắt đầu từ việc máy bay Mỹ đánh phá đảo Bạch Long Vỹ, quân dân đường 5 đã bước vào cuộc chiến chống 2 cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của Mỹ.

1. Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa lần thứ nhất.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bắt đầu từ khu 4, rồi leo thang dần ra toàn miền Bắc. Ý đồ chiến lược của Mỹ là triệt nguồn tiếp tế chi viện của miền Bắc cho miền Nam bằng cách dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt cả ngày và đêm vào các tuyến đường giao thông huyết mạch, cầu cống, kho tàng, chân hàng, vào các cơ sở sản xuất mang tính chất quốc phòng.

Cảng Hải Phòng hồi đó là cảng duy nhất của miền Bắc đón nhận tàu bè quốc tế đưa hàng viện trợ tới. Nhưng vì lý do ngoại giao quốc tế, Mỹ chưa dám ngăn chặn luồng lạch tàu nước ngoài ra vào cảng. Chúng đã phải lập ra vòng vây phong tóa lẩn lượt nhằm triệt để cô lập Cáng Hải Phòng bằng đánh phá bom mìn.

Vòng vây thứ 1: Từ bến Phà Rừng, cầu Đá Bạc, cầu Giá vòng sang cầu Phú Lương, Lai Vu, đường 5, chuyển sang cầu Nghìn, bến phà Quý Cao, Tiên Cựu trên đường 10, bến bãi sông Văn Úc.

Vòng vây thứ 2: Tiếp đó đánh bến phà Kiến An, khu vực Vật Cách, Quán Toan, các bến bãi ven sông Lạch Tray, sông Kinh Thầy.

Vòng vây thứ 3: Từ tháng 9-1967, đánh phá 4 cầu lớn ra vào nội thành Hải Phòng là cầu Rào, cầu Niệm, cầu Tam Bạc, cầu Hạ Lý, thả mìn chờ nổ xuống sông Lạch Tray.

Đến cuối tháng 9-1967, Cảng Hải Phòng đã bị phong tỏa bởi 3 vòng vây lửa gồm 2.727 quả bom từ trường, 11.731 quả bom phá (thống kê chưa đầy đủ).

Quân dân đường 5 đã phải chịu đựng những cuộc đánh phá rất ác liệt vào các nhà máy Xi măng, Bạch Đằng, vào kho dầu Thượng Lý (29-6-1966), vào cả khu dân cư, nhưng vẫn tỏ ra khí phách của mình, vì đã được quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược "bảo vệ miền Bác và chi viện miền Nam", và kế thừa, phát triển đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lấy 3 thứ quân làm nòng cốt. Ta đã đối phó thắng lợi với mọi âm mưu phá hoại, phong tỏa của địch trên tất cả các lĩnh vực sau:

a. Đánh trả máy bay địch: Ta đã phát triển mạng lưới tác chiến phòng không hết sức độc đáo và dày đặc. Đánh địch ở tầm cao có bộ đội cao xạ, tên lửa, không quân; đánh địch ở tầm thấp ở kháp nơi. Mọi thôn xã, mọi nhà máy, đâu đâu cũng có tổ trực chiến, được trang bị trung liên và đại liên; cùng có nơi được trang bị súng cao xạ 14,5, 37mm. Cá biệt ở nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Cảng Hải Phòng được trang bị thêm loại cao xạ 100mm.

Sau đây là mấy trận điển hình:

- Ngày 26-3-1965, ta bắn rơi 1 máy bay Mỹ ở đảo Bạch Long Vỹ.

- Ngày 11-7-1965, đại đội cao xạ 171 thuộc trung đoàn 240 bắn rơi tại chỗ 1 máy bay ở xã An Hồng (Hải Phòng) lần đầu tiên trên đất liền.

- Ngày 1-11-1965, tên lửa của ta bắn rơi 2 máy bay địch ở vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng).

- Ngày 5-11-1965, tiểu đoàn 14 thuộc BTL 350 bắn rơi 1 máy bay, bắt sống 1 giặc lái ở cầu Lai Vu.

- Ngày 17-11-1965, cụm Thành Công (Hải Phòng) là một cụm toàn những vũ khí bắn ở tầm thấp phục kích tại ven sông Văn Úc, bắn rơi 6 máy bay địch.

- Ngày 25-4-L965, lần đầu tiên không quân ta xuất kích bắn rơi 2 máy bay Mỹ.

- Cũng ngày 25-4-1965, đánh dấu một chiến thắng oanh liệt của lực lượng phòng không 3 thứ quân, kết hợp với tên lửa, không quân, hải quân, cao xạ tầm thấp, bắn hạ tổng cộng 12 máy bay, bắt sống giặc lái trong 1 ngày. Trong thời kỳ này, đã nẩy nở bao gương chiến đấu oanh liệt như chiến sĩ lái máy bay Nguyễn Văn Bẩy, nữ du kích Lai Vu huyện Kim Thành (Hải Dương).


b. Đảm bảo giao thông vận tải

Mỹ mở cuộc chiến tranh ra miền Bắc thực chất là tìm mọi cách ngăn chặn sự tiếp tế của Miền Bắc chi viện cho miền Nam. Bằng nhiều thủ đoạn, chúng phong tỏa Cảng Hải Phòng và các tuyến đường sông, đường bộ, đường sắt. Chúng chưa dám đánh thẳng vào các tàu quốc tế vận chuyển hàng viện trợ cho ta, thì chúng thả bom định hủy diệt hệ thống đèn biển, phao tiêu dắt tàu vào Cảng. Ở các cửa sông, chúng thả thủy lôi, bom từ trường chờ nổ. Trên bộ, chúng đánh phá các cầu trên đường 5. Công tác đảm bảo giao thông vận tải trở thành trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, là nghĩa vụ thiêng liêng của miền Bắc đối với miền Nam. Bất kể tình hình nào cũng phải quyết tâm phấn đấu đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, từng ngày từng giờ chi viện tốt nhất cho chiến trường.


Địch phá đường 5 thì ta đã chuẩn bị xong đường 5B, đường 5C để thông xe. Địch phá cầu Phú Lương, Lai Vu thì ta đã có bến phà bằng cầu phao LPP. Đặc biệt tại cầu Tam Bạc ở Hải Phòng là cầu cho tàu hỏa đi, đã bị địch phá hỏng, ta đã mưu trí làm "cầu lắp ráp", nghĩa là cầu cho tàu hỏa đi qua thì lắp vào, xong lại tháo ra đem cất giấu. Máy bay địch qua lại vẫn chỉ thấy cây cầu đã bị đánh sập, ta đã nghi binh giỏi.


Địch thả thủy lôi, bom từ trường thì ta tích cực tìm hiểu vũ khí địch và nghiên cứu chế tạo mới và cải tiến các khí tài rà quét bom mìn với tinh thần tìm hiểu đến đâu có phương tiện gì chống phá địch thì dùng đến đấy. Ta đã kết hợp giữa thô sơ và hiện đại, dùng từ mảnh tôn, bàn nam châm, đến ca-nô, ô-tô chạy nhanh qua bãi bom, sử dụng các phương tiện phóng từ v.v... Ta đã kết hựp giữa phong trào quần chúng rộng rãi với lực lượng bộ đội công binh và hải quân làm nòng cốt.


Trong 3 năm chiến tranh phá hoại, phong tỏa lần thứ nhất, ta đã phá hủy, làm mất hiệu lực các loại bom mìn của địch, giữ vững các tuyến giao thông vận tải, vẫn đều đều đưa người và hàng hóa chi viện tiền tuyến lớn và bảo đảm đời sống xã hội.


c. Tổ chức phòng tránh, duy trì sản xuất, đời sống nhân dân.

Trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại, quân dân đường 5 đã kiên cường chịu đựng bao gian khổ, hy sinh, tổ chức phòng không nhân dân, hầm hố phòng tránh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ tối đa tiềm lực chiến tranh, chi viện có hiệu quả sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".


2. Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai (4-1972 - 12-1972).

Sau 4 năm ngừng ném bom, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền, Mỹ lại mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc (bắt đầu từ khu 4, rồi đến ngày 16-4-1972 bắn phá Hải Phòng). Chiến tranh phá hoại lần thứ hai chỉ diễn ra có 8 tháng, nhưng rất ác liệt, ta phải đối phó thắng lợi với nhiều biện pháp chiến lược của địch:

a. Ngày 16-4-1972, Mỹ bất ngờ dùng máy bay B52 thả bom rải thảm vào khu kho dầu Thương Lý, một số trận địa hỏa lực, kết hợp với việc tàu chiến ngoài khơi bắn phá ven biển Hải Phòng. Chúng có gây ra cho chúng ta một số thiệt hại về người và của nhưng quân dân Hải Phòng vẫn vững vàng chiến đấu bắn rơi 10 máy bay Mỹ, trong đó có 1 máy bay B52, bắn cháy 1 tàu chiến; nhanh chóng giải quyết hậu quả.

b. Ngày 9-5-1972, Mỹ bắt đầu thả thủy lôi xuống cửa Nam Triệu phong tỏa Cảng Hải Phòng, ngăn chặn không cho tàu quốc tế chở hàng viện trự vào Cảng và các luồng lạch khác. Để đối phó lại, các lực lượng tự vệ ngành đường biển, dân quân ven biển có lực lượng hải quân và công binh làm nòng cốt đã dũng cảm tổ chức rà phá mọi loại thủy lôi trên sông biển và bom chờ nổ trên bộ, đã bí mật mở các luồng lạch mới, đưa công nhân lên Lạng Sơn mở cảng cạn. Kết quả là tuyến vận tải trên bộ, trên biển tuy phải chịu bao gian nguy nhưng vẫn thông suốt.

c. Từ 18 đến 30-12- 1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm.

Mục tiêu trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng, máy bay B52 được tập trung lớn chưa từng có (792 lần/chiếc). Với cuộc chiến "Điện Biên Phủ trên không", quân dân Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác đã đánh một trận tiêu diệt xuất sắc, bắn rơi 81 máy bay các loại (có 34 máy bay B52), bắt sống 44 giặc lái. Ngày 30-12-1972, địch buộc phải tuyên bố ngừng bắn để đi tới ký kết hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973. Ngày 5-2-1973, ta đã đảm bảo luồng lạch cho tàu bè quốc tế ra vào Cảng Hải Phòng được an toàn cho đến ngày nay.

Kể từ ngày 26-3-1965 đến ngày 30-12-1972, quân và dân đường 5, trọng điểm là Hải Phòng, đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân và hải quân của Mỹ do đã phát động được chiến tranh nhân dân đất đối không, trên sông biển và trên mặt trận giao thông vận tải, làm thất bại mọi bước leo thang chiến tranh của địch, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược "bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam".


Kết luận chung

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta trải qua 30 năm chiến tranh liên tục, đã đánh tháng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Quân dân đường 5, dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 3, của Khu ủy Tả ngạn, của Đảng bộ địa phương luôn quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, tổ chức toàn dân đánh giặc mà nòng cốt là 3 thứ quân.


Thời chống Pháp tư tưởng cốt lõi là giành dân với địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, phát động chiến tranh du kích, phát huy truyền thống "tay không đánh giặc", "có vũ khí gì đánh bàng vũ khí ấy", đấu tranh toàn diện với địch cả về quân sự, chính trị, binh vận.


Thời chống Mỹ, chống lại 2 cuộc chiến tranh phá hoại bàng không quân và hải quân, tư tưởng chủ yếu vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, vừa đánh giặc, vừa tổ chức phòng tránh, vừa đảm bảo giao thông, đảm bảo chi viện miền Nam ở mức cao nhất. Về trang bị tuy đã được cải tiến nhưng vẫn phải tìm tòi cải tiến, chế tạo phương tiện, khí tài để chống địch, nhất là về rà, phá bom mìn.


Thời chống Pháp và chống Mỹ, tuy hình thái và phương thức điều hành chiến tranh có khác nhau, nhưng yếu tố quyết định thắng lợi vẫn là: "Kiên định dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài với 3 thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc".
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:41:46 am »

Phần một
THỜI CHỐNG PHÁP


KIÊN CƯỜNG CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN HÀ SEN


NGUYỄN ĐỨC NHIẾP
(Chi hội KHLS quân sự Hải Phòng)


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 - 1954), quân dân huyện đảo Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng) đã chiến đấu, đánh địch 54 trận, tiêu diệt 1.132 tên giặc, làm bị thương 156 tên, làm tan rã hơn một đại đội ngụy quân, thu hồi và phá hủy 120 súng các loại, 21 tàu, thuyền, xuồng, 05 tấn quân nhu và nhiều phương tiện vật tư chiến tranh khác.


Căn cứ kháng chiến Hà Sen trong thung lũng Trung Trang (sau này là lâm trường và Vườn quốc gia Cát Bà) nằm giữa lòng hải đảo Cát Bà, là sở chỉ huy của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đã bốn lần quân đội Pháp tấn công nhằm tiêu diệt căn cứ này, nhưng đều thất bại. Căn cứ Hà Sen vẫn tồn tại chỉ đạo phong trào du kích chiến tranh, giành những chiến công oanh liệt cho đến ngày thắng lợi, với tên gọi "căn cứ kháng chiến Hà Sen anh dũng".


Khi toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946 thì đến ngày 8-2-1947, một trung đoàn quân đội Pháp đổ bộ đánh chiếm đảo Cát Hải, gây nên tội ác tày trời là giết hại 500 người dân vô tội. Ngày 9-2-1947, quân Pháp vượt biển đổ bộ lên thị trấn Cát Bà, mở các cuộc tấn công, càn quét một số noi trên đảo Cát Bà. Ngay trận đầu, tại Đượng Giá, Áng Sỏi (thị trấn Cát Bà), Pháp thẳng tay giết hại dân thường rất dã man. Chúng bắt được trung đội trưởng tự vệ Lê Văn Tế tra tấn rồi bắn chết.


Ngày 1-3-1949, quân Pháp tấn công vào thôn Áng Sỏi (xã Trân Châu). Ngày 15-3-1949, quân ta đánh úp chúng ở Lán Đá (xã Phù Long).

Từ đó, chứng phát hiện ra "Sở chỉ huy của Việt Minh" ở thung lũng Trung Trang với tên gọi "Căn cứ kháng chiến Hà Sen" có đơn vị bộ đội chủ lực địa phương mang phiên hiệu Đại đội 919 (thành lập đầu năm 1948). Đồng thời chúng xúc tiến kế hoạch tấn công vào Trung Trang để tiêu diệt căn cứ kháng chiến Hà Sen.


Sau đây là các trận chiến đấu đã diễn ra trong bốn lần quân Pháp tấn công vào căn cứ kháng chiến Hà Sen.


Trận đánh lần thứ nhất (ngày 19-5-1949)

Xã Gia Luận ở phía tây đảo Cát Bà, có bến thuyền, là đầu mối giao thông của ta gần căn cứ kháng chiến Hà Sen, trong thung lũng Trung Trang, nằm giữa lòng đảo Cát Bà. Đây là điểm liên lạc rất thuận tiện với đảo Tuần Châu, xã Hùng Thắng (Hòn Gai), nối liền với tỉnh Quảng Yên cũ. Bằng tuyến đường giao thông này, quân ta nhận chỉ thị, tài liệu, vũ khí, lương thực thực phẩm từ Quảng Yên về huyện đảo Cát Hải, Cát Bà.


Sáng ngày 19-5-1949, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Quảng Yên đã huy động hơn một tiểu đoàn bộ binh, có máy bay, tàu chiến và pháo binh trợ chiến, hành quân chia làm 3 mũi tiến công tìm diệt căn cứ kháng chiến Hà Sen của Việt Minh:

Mũi 1: Từ thị trấn Cát Bà, địch hành quân qua khu Áng Sỏi, Khe Sâu vào Trung Trang.

Mũi 2: Tàu chiến chở quân lính thủy đánh bộ lên bến Hiền Hào tiến vào Trung Trang.

Mũi 3: Tàu chiến chở một lực lượng bộ binh lớn đổ bộ lên bến Gia Luận để tiến vào Trung Trang. Mũi này đông quân, nhiều vũ khí, coi như mũi chủ công của quân Pháp.

Để đối phó với trận chiến đấu quy mô lớn của quân Pháp, lực lượng quân ta chỉ có một đại đội tự vệ chủ lực của huyện (C919) cùng dân quân du kích thị trấn Cát Bà, các xã Trân Châu, Gia Luận, Xuân Đám và Hiền Hào với những vũ khí ít ỏi, có 3 khẩu trung liên, 4 khẩu tiểu liên và 20 khẩu súng trường, dao găm, mã tấu, các ngọn dáo, gậy tre và những vũ khí tự tạo (bẫy đá, bàn chông, v.v...).


Địch ra quân từ sáng sớm khi sương mù còn bao phủ núi rừng Cát Bà. Máy bay Moran bay chỉ điểm cho pháo binh từ các hạm tàu ngoài cửa biển Hiền Hào bắn dọn đường cho bộ binh tiến quân trên cả ba mũi từ thị trấn Cát Bà, từ Hiền Hào và từ Gia Luận, hướng tiến quân đều tập trung vào thung lũng Trung Trang. Khi sương mù đã tan, máy bay chiến đấu B26 của chúng bắn xối xả xuống Trung Trang.


Với thực lực hiện có, quân ta cũng chia làm 3 mũi bố trí đánh địch:

- Một mũi do một trung đội tự vệ chủ lực huyện kết hợp với dân quân Gia Luận bố trí quân phục kích hai bên sườn núi từ Thung Giữa đến Gia Luận, rồi cho 2 dân quân xung phong nghi binh lúc ẩn, lúc hiện bắn nhử cho địch tiến sâu vào trận địa phục kích của ta. Khi quân địch đã lọt vào trận địa ngang tầm súng, thì từ hai bên vách núi quân ta phát huy hỏa lực bắn cản địch. Khẩu trung liên khai hỏa giòn giã, ngay từ loạt đạn đầu đã diệt tên quan ba chỉ huy cùng hơn một chục binh lính. Nhưng chúng không dừng lại ở đây. Lập tức tên quan hai chỉ huy hô quân dạt sang hai bên sườn núi đá, đúng chỗ có hỏa lực của quân ta bắn ra. Quân ta ngừng bắn, xuống núi, đợi địch đến gần ném lựu đạn và xung phong, dùng gươm dáo diệt địch. Đồng thời cho một tổ chiến đấu luồn rừng vòng về phía bến Gia Luận thu hồi một xuồng máy, bắt tên Trảm Thầu lái xuồng (người Móng Cái) theo lòng lạch chạy vào khu căn cứ của ta. Ở mũi này, quân Pháp bị chết 2 sĩ quan (1 đại úy, 1 trung úy), hơn một chục binh lính, bị thương một số. Những tên giặc còn sống quay đầu tháo chạy về bến Gia Luận bơi ra tàu lớn.

- Mũi thứ 2 do một trung đội tự vệ chủ lực huyện kết hợp với dân quân hai xã Xuân Đám và Hiền Hào bố trí quân phục kích trên sườn núi Eo Bủa (đường mòn vào Trung Trang). Khi quân địch tiến đến thì mìn nổ, đồng thời các bẫy đá rào rào rơi như mưa xuống lối hành quân của địch. Bọn chúng hốt hoảng quay đầu tháo chạy. Quân ta truy kích, bắn đuổi. Địch bị chết vì trúng đạn và rơi xuống vực sâu hơn một chục tên.

- Mũi thứ 3, cũng do một trung đội tự vệ chủ lực huyện kết hợp với dân quân thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu bố trí quân phục kích ở khu Khoăn Uych, gài mìn trên đường mòn trong khu Đồng Cỏ (Khe Sâu) tiếp giáp với Khoăn Uỵch, ngụy trang kín. Khi quân địch hành quân qua, ta giật mìn. Chúng bị chết, bị thương một số tên và vội vàng quay đầu chạy về Khoăn Uych. Ở đó lại bị tự vệ, dân quân ta đón đánh.

Kết quả trận chiến đấu này, quân ta thu được ở cả ba mũi là 3 khẩu trung liên, 1 đại liên, 2 súng cối 60 ly, hơn 20 khẩu súng trường, 4 tiểu liên carbin, 1 xuồng máy với nhiều đạn dược, quân nhu, quân dụng. Quân Pháp bị chết, bị thương hơn 30 tên. Tên lái xuồng được Ban chỉ huy huyện phóng thích cho trở về Móng Cái.

Thế là từ ngày 19-5-1949, ta đã khai thông được con đường giao thông liên lạc giửa đảo Cát Bà với tỉnh Quảng Yên (cũ).

Thắng lợi của trận đánh này là thành tích của quân dân Cát Bà chào mừng kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh của Bác Hồ.

Sau trận chiến đấu này, Ban lãnh đạo đã rút kinh nghiệm. Ủy ban kháng chiến hành chính huyện đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc, đảm bảo đời sống cho đơn vị đầy đủ để chiến đấu trường kỳ.

Huyện ủy phân công đồng chí Phạm Thị Lan, Phó chủ tịch, cùng đồng chí Vũ Kính (sau là Giám đốc xí nghiệp Muối) phụ trách công tác đời sống.

Sang năm 1950, sau chiến thắng Biên giới, đại đội tự vệ chủ lực của huyện đảo và dân quân du kích các xã, thị trấn cũng được cung cấp thêm những vũ khí, thuốc men. Cùng với những vũ khí tước đoạt được của địch, lực lượng vũ trang của địa phương ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có khả năng độc lập tác chiến, đương đầu với quân giặc trong những trận chiến đấu lớn hơn.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:49:47 am »

Trận đánh lần thứ hai (các ngày 15, 16 và 17-2-1952):

Sau trận tấn công vào xã Gia Luận để vào thung lũng Trung Trang bị thất bại, quân Pháp tiếp tục cho thám báo, thổ phỉ đi do thám địa hình, địa vật để diệt bằng được cơ quan chỉ huy đầu não của huyện đảo Cát Bà, Cát Hải. Đến ngày 15-2 và liên tục các ngày 16-2, 17-2-1952, chúng lại ra quân chiến đấu một lần nữa với lực lượng lớn hơn, gần một trung đoàn Âu Phi.


Ngày 15-2-1952:

Khoảng 9 giờ sáng, một máy bay bà già (Moran) lượn vòng nhiều lần trên bầu trời chỉ điểm cho tàu chiến đậu ở cửa biển Hiền Hào pháo kích dồn dập vào thung lũng Trung Trang. Sau đó, chúng cho máy bay chiến đấu loại B16, B29 bắn phá các khu dân cư ở bao quanh các trục đường mòn, các đèo áng có lối vào thung lũng Trung Trang. Lực lượng không quân và pháo binh địch bắn phá, quần nát các mục tiêu trên, có những vạt rừng bị cháy trụi do bom napan thả xuống.


Ngày 16-2-1952:

Tàu chiến (cỡ lớn) chở quân từ thị trấn Cát Bà đổ bộ lên bến xã Hiền Hào. Sau hàng giờ pháo kích và máy bay bắn phá dọn đường, lính thủy đánh bộ tiến quân làm 4 mũi tràn vào các làng Hiền Hào, Xuân Đám, Áng Dài, tất cả đều thẳng hướng tiến về Trung Trang.    Đến gần trưa, các cánh quân trên mới tập kết được ở địa điểm hội quân. Nhiều binh lính bị chết do vấp phải mìn, do bị đá sập vào đầu, do bị đạn pháo của chứng bắn lầm và do những tổ, tiểu đội chiến đấu của tự vệ chủ lực huyện, dân quân du kích các xã giật mìn, bắn tỉa... Các chiến sĩ căn cứ kháng chiến Hà Sen lặng lẽ trong các hang hốc của núi đá, bắc ống nhòm theo dõi lũ binh lính Pháp còn sống sót rụt rè lom khom đi nhặt các xác chết của đồng đội và dìu, cáng thương binh chạy về địa điểm tập kết để rút xuống tàu biển. Họ được lệnh của Chỉ huy sở phải lui quân trở về đánh địch tại khu vực xã Gia Luận do một tàu chiến Pháp đổ quân lên bến Gia Luận để có thêm một mũi từ Gia Luận tiến về Trung Trang.


Ở mũi Gia Luận, lực lượng của ta được tập trung đông hơn, số quân lên tới một đại đội; vũ khí có cả đại, trung, tiểu liên, súng trường đầy đủ. Với địa hình địa vật thuận lợi, chủ động, nên quân ta đã đánh chặn một mũi quân Pháp đông gấp hai lần ngay tại bến xã Gia Luận. Quân địch phải rút xuống tàu, không thể tiến quân được vào làng Gia Luận.


Trận này, số binh lính Pháp bị chết tới hơn 100 tên, trong đó có 1 quan tư (thiếu tá) chỉ huy cùng một số các cấp đại, trung, thiếu úy, cai đội... Số lính bị thương cũng khá nhiều. Chiến lợi phẩm đã thu được gồm 2 đại liên, 3 trung liên, nhiều tiểu liên, súng trường, lựu đạn, đạn dược các loại. Tên Hai Thành, đặc phái viên của trung ương Quốc dân đảng phụ trách khu vực Quảng Yên, Cát Bà, Cát Hải bị bắt sống.


Ngày 17-2-1952:

Từ sáng, quân Pháp bằng đường thủy đổ bộ, bao vây, tấn công khu vực Việt Hải, Trà Báu bên bờ vịnh Lan Hạ, là địa điểm đối diện với đảo Tuần Châu (Quảng Yên), là con đường liên lạc của Cát Bà qua đảo Tuần Châu đi Quảng Yên, Hòn Gai. Đồng thời khu Việt Hải, Trà Báu còn là phía sau lưng của thung lũng Trung Trang, cự ly khoảng 5 km theo đường chim bay.


Ban chỉ huy Huyện đội đự đoán tình hình: Địch có thể đổ quân chiếm đóng bến Trà Báu để cắt đứt đường giao thông liên lạc giữa Cát Bà với Tuần Châu. Chúng cũng có thể từ Trà Báu, Việt Hải vượt rừng đánh vào phía sau thung lũng Trung Trang để tiêu diệt căn cứ kháng chiến Hà Sen. Từ nhận định ấy, Ban chỉ huy Huyện đội điều một trung đội tự vệ chủ lực luồn rừng hành quân về Việt Hải kết hợp với dân quân du kích địa phương đánh địch. Lực lượng này nhanh chóng gài mìn, lập bẫy đá ở những địa điểm hiểm yếu trong thung áng Trà Báu, những nơi mà Pháp có khả năng tập trung quân; bố trí từng toán nhỏ phục kích trong các hang hốc, núi đá che khuất.


Các toán quân Pháp đổ bộ lên bến Trà Báu êm ả, không gặp một sức đối kháng nào. Chúng vào bãi cỏ trong lòng thung lũng Trà Báu được khoảng 5-10 phút thì đột nhiên hàng loạt tiếng mìn nổ, khói bốc mù mịt cùng những tiếng súng, tiếng lựu đạn từ trong các lùm cây, hốc núi bắn ra. Một số lính Pháp gục ngã. Đội hình chúng rối loạn, bỏ chạy chui rúc vào trong các bụi cây sim mua quanh chân núi. Nhưng chúng chạy vào đâu, đi đâu cũng vấp phải mìn và vỡ đầu vì đá sập nên số thương vong ngày càng nhiều, xác chết nằm ngổn ngang.


Khi những tiếng nổ của quân ta ngừng lại thì chỉ còn khoảng hai chục tên lính Pháp sống sót, đi kéo những xác chết cho xuống lòng suối, nhờ vào thủy triều đưa xác trôi ra cửa biển là nơi có ca-nô neo đậu. Bọn tàn quân (có cả thương binh) cúi đầu bước gấp. Khi chũng ra đến đường mòn gần bến thì thình lình hàng loạt lựu đạn từ hai phía vách núi tung ra dồn dập làm tử thương thêm một số nửa. Đến khoảng hơn 12 giờ trưa thì cuộc chiến kết thúc.


Chiến trận ngày 17-2-1952, quân Pháp phải trả giá quá đắt. Bị chết, bị thương hom một trăm tên. Quân ta vô sự, thu về 2 đại liên, 3 trung liên, một số tiểu liên, súng trường, đạn dược. Trung đội tự vệ chủ lực huyện và đơn vị dân quân du kích Việt Hải vất vả thêm vì phải đi kéo những xác chết của Pháp bị giắt váo khe đá, cây rừng không trôi hết ra biển được.


Từ chiến thắng của trận đánh này, thôn Trà Báu được đổi tên là thôn Việt Hùng vẫn thuộc xã Việt Hải.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2022, 08:53:06 am »

Trận đánh lần thứ ba (ngày 23-3-1952)

Sau ngày 17-2-1952, xét thấy cơ quan đầu não kháng chiến đặt ở Trung Trang đã bị lộ, Ban chỉ huy quyết định dời Sở chỉ huy về làng Gia Luận để có điều kiện liên lạc dễ dàng hơn với cơ quan chỉ huy trong đất liền. Ở Gia Luận có núi Cao Vong cao hơn 300 mét, là đỉnh cao nhất đảo Cát Bà, giúp cho việc quan sát, theo dõi các diễn biến trên chiến trường tốt hơn. Đồng thời cũng có những thung áng, hang động hiểm trở như ở Trung Trang.


Sáng sớm ngày 23-3, hải quân Pháp cho tàu chiến đậu trên sông Gia Luận bắn pháo cấp tập vào xóm làng Gia Luận. Sau đó, cho máy bay phóng pháo (Hencát) bắn phá xuống khu dân cư và núi rừng Gia Luận, dọn đường cho một tiểu đoàn lính Commăngđô tiến quân.


Đồng thời ở hướng cửa biển Cát Bà, các địa điểm Đồng Tép (thị trấn Cát Bà), cửa làng Trân Châu, các thôn Tùng Gốm, Áng Sỏi, bến Lảng (xã Trân Châu) cũng đều có các cánh quân địch tiến vào. Tàu chiến địch ở ngoài cửa sông pháo kích dữ dội vào làng, vào trận địa của quân ta. Máy bay chiến đấu bắn như trút đạn xuống mặt đất yểm trợ cho bộ binh hành quân.


5 giờ sáng, các toán lính thủy đánh bộ Pháp đã đổ bộ lên đất đảo.

Ban chỉ huy căn cứ kháng chiến Hà Sen đã chủ động bố trí trận địa sẵn sàng chiến đấu.

Ở khu vực Gia Luận, Khoăn Nẻo Mui: Đồng chí Vũ Văn Chương, xã đội trưởng Gia Luận, phối hợp với đồng chí Phan Thanh Loan, đại đội phó C919 triển khai đội hình, gồm một trung đội chủ lực huyện và một trung đội tự vệ xã, do đồng chí Phan Thanh Loan chỉ huy, phục kích ở địa điểm Khoăn Nẻo Mui, phía cuối làng Gia Luận, trên đường đi Trung Trang. Khi các toán quân Pháp qua bến Gia Luận tiến vào làng thì đồng chí Vũ Văn Chương cùng hai đội viên dân quân nghi binh, lúc ẩn, lúc hiện, thi thoảng "đì đẹt" bắn phát một để khiêu khích địch. Lúc này nhân dân Gia Luận đã nhanh chóng sơ tán hết vào các thung áng trong rừng sâu. Quân Pháp truy lừng tổ "đì đẹt" của đồng chí Chương. Đến hơn 10 giờ, chúng đã vào gọn trong làng Gia Luận mà không gặp phải sự chống cự nào. Chúng thả sức đốt phá nhà cửa, bắt trâu bò, lợn gà đem theo trên đường hành quân ra khoăn Nẻo Mui với ý định tiến vào Trung Trang.


Đến chân Khoăn Nẻo Mui, chỉ huy cho quân lính nghỉ ăn uống. Lập tức, đồng chí Phan Thanh Loan phát lệnh xung phong. Hỏa lực quân ta từ trên các sườn núi bắn tới tấp xuống đầu quân giặc. Không để cho chúng chạy thoát, các chiến sĩ ta nhanh chóng xuống núi xông ra ném lựu đạn, dùng lưỡi lê, mã tấu đâm chém quân thù. Quân giặc bị động, trở tay không kịp, đứa chết, đứa bị thương kêu la bỏ chạy tán loạn theo lối trở lại làng Gia Luận. Lúc này máy bay Moran xuất hiện hoạt động, chỉ điểm cho pháo hạm ngoài sông bắn vào làng yểm trợ cho lũ tàn quân rút chạy. Khi bọn chúng chạy trở lại làng Gia Luận thì lại bị đơn vị dân quân do đồng chí Vũ Văn Chương chỉ huy, chặn đánh chết thêm một số nữa.


Kết thúc chiến đấu ở trận địa Gia Luận - Khoăn Nẻo Mui, quân Pháp chết và bị thương hơn 30 tên, 1 tiểu đội lính ngụy xin hàng. Chiến lợi phẩm thu về gồm 4 khẩu trung liên, nhiều súng trường, 12 gánh lựu đạn, đạn dược các loại, 1 máy quay phim, 1 máy vô tuyến và nhiều quân dụng khác. Những của cải vật chất giặc ăn cướp của nhân dân được thu hồi.


Ở khu vực thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu: Từ 03 giờ sáng, phát hiện được tàu chiến địch hoạt động ở cửa sông, ta bố trí phục kích ở các điểm thuộc hai hướng thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu:

- Đơn vị phục kích ở cửa làng Trân Châu do đồng chí Phạm Văn Tiết (xã đội phó) chỉ huy.

- Trận địa Đồng Tép (thị trấn Cát Bà) do đồng chí Lê Văn Mạc và lão du kích Hoàng Văn Thận chỉ huy.

- Thôn Tùng Gốm, tiếp giáp với cửa làng Trân Châu và thôn Áng Sỏi so đồng chí Hoàng Văn Cay chỉ huy.

Tổng số có một đại đội dân quân tự vệ thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu cùng một trung đội C919.

05 giờ sáng, tàu chiến địch đổ quân lên bến làng Trân Châu. Đơn vị đồng chí Phạm Văn Tiết phục kích ở cửa làng Trân Châu nổ súng đánh chặn đứng cánh quân này không cho chúng kịp phối hợp với các cánh quân bộ từ thị trấn Cát Bà vào các thôn Áng Sỏi và Tùng Gốm. Tàu chiến địch pháo kích dữ dội vào làng, vào trận địa quân ta.


Chiến trận diễn biến ngày càng ác liệt ở tất cả các mũi. Quân ta và quân địch giành giật nhau từng tấc đất. Quân địch tập trung một đại đội tạo thành mũi nhọn tấn công vào đội hình quân ta nhằm chiếm lĩnh các điểm cao. Trước sự đánh trả quyết liệt của các chiến sĩ ta, quân địch không thể nào tiến lên được. Cuộc chiến cứ giằng co cả buổi sáng. Một vài đồng chí ta anh dũng hy sinh.


Tại bến làng Trân Châu, quân địch không tài nào tiến lên được đành phải co cụm lại, án binh bất động.

Ở trận địa Áng Sỏi (xã Trân Châu), quân ta bẻ gẫy nhiều đợt tấn công của địch, kiên quyết không cho chúng tiến sang Tùng Gốm về bến làng Trân Châu hợp lực cùng cánh quân ở đó.

Tại trận địa Đồng Tép (thị trấn Cát Bà), đơn vị bộ đội C919 phối hợp chặt chẽ với dân quân tự vệ thị trấn Cát Bà dùng bẫy đá trút vào đầu giặc, diệt một lúc 6 tên, buộc toán quân này phải tháo chạy và bỏ xác thêm những tên khác do quân ta truy kích.


Sau một ngày giao tranh, quân ta đã đánh chặn đứng được các cánh quân Pháp, phá vỡ kế hoạch cuộc hành quân của địch định đánh phá các khu du kích và căn cứ kháng chiến của ta, giữa các mũi không hội quân với nhau được. Sau trận chiến đấu này, tinh thần binh lính Pháp bạc nhược, chúng không thể mở rộng được phạm vi chiếm đóng, đành án binh tại các đồn bốt trên thị trấn Cát Bà.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM