Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:07:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 11  (Đọc 1927 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 06:50:58 am »

CÔ DU KÍCH XÓM LAI VU NĂM NÀO, NAY Ở ĐÂU?

LÊ HOÀI THAO


Đầu tháng 11 năm 1967, phái đoàn Chính phủ do Phó thủ tướng Phạm Hùng dẫn đầu, cùng các thành viên Nguyễn Duy Trinh, nhà thơ Tố Hữu,... về thăm Lai Vu (Hải Dương). Sau khi nghe xã đội trưởng Bùi Huy Loãn báo cáo tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân dân Lai Vu, chuyện nữ dân quân Bùi Thị Vân, 17 tuổi, bị rắn quấn trong lúc đang chiến đấu nhưng vẫn hiên ngang bắn thù, Phó thủ tướng Phạm Hùng hỏi nhà thơ Tố Hữu:

- Anh nghĩ thế nào?

- Hữu xạ tự nhiên hương!

Nhà thơ Tố Hữu trả lời. Và ý thơ bỗng trào dâng, ông sáng tác luôn tại chỗ bài thơ bất hủ "Cô du kích xóm Lai Vu" rồi đọc ngay cho mọi người cùng nghe tại hội trường xã.

   "Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
   Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù
   Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
   Rắn, mình em chịu có sao đâu!"


Bài thơ là lời khẳng định kẻ thù của dân tộc. Trong thù chung có cả thù riêng. Dù kẻ thù nào, ta cũng phải đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Nhưng người Việt Nam ta biết nghĩ suy, phân biệt. Nếu là kẻ thù chung thì ta phải tập trung trí tuệ, sức lực tiêu diệt trước. Còn kẻ thù riêng, ta phải gắng chịu trong khoảng thời gian nhất định, rồi tiêu diệt sau. Nghĩa là lo cho thiên hạ trước, lo cho mình sau. Có lẽ, không nơi đâu như trên đất nước này, người dân lại biết lo toan, đùm bọc, biết chở che cho nhau như vậy.


Hình ảnh hiên ngang, quả cảm ấy đã trở thành biểu tượng của khí phách anh hùng, quật cường chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây. Người nữ dân quân - nông dân mộc mạc, chân chất ấy đã đi vào thơ ca như một huyền thoại thật giản đơn, không cao siêu nhưng tồn tại mãi với thời gian và lịch sử, trong tâm trí và ký ức mọi người.

Chuyện kể rằng:

Trưa hôm ấy (5-11), nhè lúc bà còn xã viên Lai Vu đang gặt lúa, máy bay giặc Mỹ ầm ầm kéo đến. Bom nổ đinh tai, nhức óc. Khói bom mù mịt. Mảnh bom bay rào rào... Thế là sau mười một năm hòa bình, binh đao lại xảy ra. Chưa gây thiệt hại gì đáng kể nhưng chúng cũng phải đền tội. Một chiếc F.8U bị bắn tan xác. Tên trung úy giặc lái nhảy dù, bị chính trị viên xã đội Nguyễn Đình Hùng tay không bắt sống. Kẻ địch cay cú. Thế nào chúng cũng sẽ quay trở lại... Quả thật!

- Ùng oàng! ùng oàng! ùng oàng!...

Pháo cao xạ của bộ đội ở trận địa bên Nam Sách đã lên tiếng. Những quả đạn 57mm nổ tung khói trắng phía khoảng trời Kinh Môn - nơi có núi Yên Phụ (còn gọi là An Phụ) - một danh thắng của Tổ quốc. "Địch đến rồi !". Tiểu đội trưởng Bùi Đăng Đễ thốt lên 3 tiếng như dự lệnh cho toàn tổ trực chiến, rồi chạy vọt tới bên chiếc kẻng.

- Keng! Keng! Keng!!!....

Những tiếng kẻng nhịp ba lảnh lót, gấp gáp vang lên. Tim mọi người như nhảy ra khỏi lồng ngực. Các tay súng lao ra khỏi lán. Bùi Thị Vân cũng dứt luồng suy tưởng, đứng phắt dậy xách súng, chạy đến vị trí chiến đấu của mình. Nhưng mấy bà ở làng bên đi chợ về qua đã nhanh chân hơn, chiếm mất công sự của Vân. Cô chạy đến cái hố còn lại đầy nước. Một con rắn ló đầu lên thấy Vân vội lặn xuống. Ánh mắt Vân cũng kịp phát hiện ra nó. Mặc! Lúc này không thể chần chừ, do dự, cô nhảy ào xuống. Nước ngập đến đùi. Vừa lúc, một tốp máy bay phản lực của địch từ phía đông bắc lao tới. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Toàn hô to:

- Cự ly..., hướng..., tầm..., bắn!

Cả bảy khẩu súng trường cùng nhả đạn đồng loạt.

Mấy trận địa pháo cao xạ của bộ đội cũng "Cà thùng! Cà thùng! Cà thùng!" đánh "trống". Đạn nổ vang trời. Lưới lửa của ta như chụp lên tốp máy bay Mỹ. Nhưng chúng vẫn liều lĩnh, ngoan cố cắt bom ngay trên đầu các chiến sĩ dân quân. Những quả bom đen chũi như những con lợn rừng xé không khí, lao xuống cầu Lai Vu. Có lẽ do hoảng sợ nên bọn giặc lái đã ném chệch mục tiêu. Không quả bom nào rơi trúng cầu. Quả thì rơi trên bờ. Quả thì roi xuống sông. Bom nổ dựng thành những cột nước, cột cát cao hàng mấy mét. Xong, cả bốn tên giặc trời vội vã tháo chạy, không tên nào dám "ngoái đầu" lại. Những chấm đen xa dần. Những làn khói phụt ra từ đuôi máy bay đã tan loãng trong mây. Không gian qua mấy phút xao động, dần dần trở lại yên tĩnh.

Kẻng báo yên thong thả điểm từng tiếng.

Cả tổ dân quân nhảy lên khỏi công sự chiến đấu, tập hợp lại, kiểm tra cơ số đạn và rút kinh nghiệm trận đánh. Người nào chân và ống quần cũng bê bết bùn, đất. Nhanh hơn cả là Bùi Thị Vân. Cô "vọt" lên trước mọi người, quần ướt sũng tới thắt lưng. Đứng trong hàng mà hai chân cô cứ dẫm "bành bạch", mặt tái đi. Chẳng ai hiểu vì sao. Bỗng tiểu đội trưởng Bùi Đăng Đễ hét lên:

- Dưới chân cô Vân có con rắn!

Ai nấy trợn tròn mắt nhìn kinh ngạc. Rồi chẳng ai bảo ai, mọi người đều kêu lên:

- Ôi! Đúng là con rắn thật! Hãi quá!

Thì ra con rắn ở dưới công sự ấy đã quấn chặt chân Vân. Trong lúc chiến đấu cô đã cảm thấy nhưng cắn răng nén chịu. Giờ, giặc trên trời, giặc dưới đất đã "xa chạy, cao bay". Vân dần dần lấy lại bình tĩnh. Sắc mặt cũng đang hồng trở lại. Và nụ cười thường trực lại xuất hiện trên môi. Nụ cười của Vân lúc này thật khó tả.

Tiểu đội trưởng Bùi Đăng Đễ đến bên Vân hỏi nhỏ:

- Cô Vân có sợ không?

Tuy tim vẫn còn đập rộn và giọng hơi run, Vân nhỏ nhẹ:

- Sợ thì có sợ, nhưng trong lúc chiến đấu, kẻ thù hung bạo đã lộ mặt, ném bom tàn phá xóm làng quê ta, em phải bắn chúng trước đã...

Gương chiến đấu dũng cảm của nữ dân quân Bùi Thị Vân được quân và dân Quân khu Ba biết đến trong buổi lễ mừng công của tỉnh đón cờ thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", ngày 2-12-1965!
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #51 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 06:51:42 am »

Sau những năm tháng hào hùng và oanh liệt ấy, Bùi Thị Vân làm gì, ở đâu, sinh sống ra sao, không mấy người biết. Đầu tháng 7 năm 1995, nhà báo Như Mẫn (báo Quân khu Ba) tưởng chị làm việc ở nông trường Sông Bôi, Hòa Bình, đã cất công lên đây tìm. Nghe nói, ở nông trường này có tới bốn trăm chị em trên bốn mươi tuổi chưa lấy được chồng, anh cho rằng Vân là một trong số đó. Hỏi thăm mãi nhưng không một ai biết tin gì về chị và họ cũng chưa hề gặp chị. Như Mẫn có biết đâu rằng chị lại công tác bên "Viện nghiên cưu cây ngô Sông Bôi". Có lẽ tôi may mắn hơn nhà báo Quân khu Ba vì tôi cùng quê với Vân, hơn nữa lại là người cung xóm. Nói thế nhưng mãi ba mươi năm sau, tôi mới có cơ hội gặp lại Vân (trong dịp xã Lai Vu tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cao quý "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", ngày 24-9-1995). Ngày tôi đi bộ đội (3/1965), Vân mới bước sang tuổi mười bảy, giờ đã xấp xỉ năm mươi rồi. Vẫn như ngày nào, Vân lúng túng, e lệ:

- Chào chú ạ!

- Ô, Vân đấy à? Khác xưa quá nhỉ! Thượng tướng Đào Đình Luyện, Tổng tham mưu trưởng, hỏi thăm Vân đấy!

- Cháu vừa gặp Thượng tướng rồi ạ!

- Thế hả? Hôm nay, có vui không, Vân?

- Vui lắm, chú ạ! Ngày hội lớn của xã ta mà!

- Vân còn nhớ những ngày giặc Mỹ đánh phá quê mình không?

- Ôi ! Làm sao mà quên được, hả chú?

Thế là những kỷ niệm hào hùng xa xưa bỗng ùa về "hiển hiện" trước mắt chúng tôi như là một khung cảnh có thực chứ không phải lả ảo ảnh hay tưởng tượng. Chuyện một thời mà như của muôn thuở. Vân kể lại cho tôi nghe những gì đã xảy ra, không sót một chi tiết nào trong trận đánh sáng hôm ấy...

- Sau mấy năm chiến tranh ác liệt, Vân làm gì, ở đâu?

- Chuyện dài lắm, chú ạ!

Rồi Vân kể: "Cuối năm 1968, đế quốc Mỹ xuống thang chiến tranh, Vân được tuyển vào làm công nhân của Viện cây lương thực do bác sĩ nông học Lương Định Của làm Viện trưởng (tại Gia Lộc - Hải Dương). Hai năm sau, Vân được cử đi học một lớp kỹ thuật ngắn hạn, rồi về phục vụ ngay tại Viện. Tại đây, Vân gặp kỹ sư Nguyễn Đức (hơn Vân 6 tuổi), quê ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Nam - xứ sở của những cánh đồng mía bạt ngàn. Hợp duyên nhau, ít làu sau, hai người nên vợ nên chồng.


Tháng 6 năm 1979, Viện nghiên cứu cây ngô được thành lập tại vùng Sông Bôi - Hòa Bình. Vân lại cùng chồng lên đấy công tác, được giao làm thủ quỹ cho cơ quan mới này, vừa làm tròn công việc, vừa "cai quản" tốt việc nhà, chăm sóc con cái ăn học để Đức - chồng Vân có thì giờ tập trung vào việc nghiên cứu. Anh thường "bay" sang Mê-hi-cô (Mexico) - một nước ở tận Châu Mỹ La-tinh xa xôi, phía tây bán cầu để tìm hiểu giống ngô to, khỏe, năng suất cao của bạn để lai tạo, nhân giống thành những giống ngô mới phù hợp với điều kiện canh tác, khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng Việt Nam.


Tháng 1 năm 1989, cơ quan Vân rời Hòa Bình về Đan Phượng (Hà Tây). Tại đây, gia đình Vân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình - chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt. Mỗi năm, Vân xuất chuồng tới ba lứa, mỗi lứa trung bình 3 - 4 tạ lợn hơi. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình Vân được cải thiện, có nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, con cái học hành đến noi đến chốn và thành đạt. Vợ chồng Vân sinh được hai "tiểu thư". Chỉ có hai chị em gái nhưng các con rất thông cảm và kính yêu cha mẹ. Nguyễn Thị Kim Lệ - đứa chị theo nghề bố mẹ - là kỹ sư nông nghiệp. Đứa em, Nguyễn Thị Thu Thủy thích bay nhảy nên chọn con đường riêng. Sau bốn năm học ở khoa báo chí trường đại học Tổng hợp (Đại học Quốc gia Hà Nội), Thủy đã tốt nghiệp và trở thành phóng viên....

- Vân giỏi quá ! Tôi thành thật khen.

- Dạ, có gì đáng kể đâu ạ!

Vân vẫn khiêm tốn, thật thà, chất phác như xưa, không khoa trương, khoe mẽ mà lại có vẻ rụt rè là đằng khác.

... Đã hơn năm năm trôi qua. Vợ chồng Vân giờ đã nghỉ hưu và định cư tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Tây. Thỉnh thoảng, họ có về thăm quê ngoại - nơi mà Vân đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất và căn nhà xưa kia của bố mẹ. Bây giờ, bố đã đi xa. Anh trai đã rời quân đội, đang công tác tại địa phương - giữ cương vị đảng ủy viên kiêm bí thư chi bộ Ba. Và người mẹ của Vân suốt những năm đánh Mỹ không mấy khi bà vắng mặt trên các trận địa phòng không để ủy lạo, tiếp nước và vá áo cho các chiến sĩ, nay đã gần tròn chín mươi tuổi đời nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Vân cũng tranh thủ thăm lại "đồng đội" năm nào và dẫn hai con gái thăm lại trận địa xưa. Hình ảnh quê hương với những biến đổi nhanh chóng khiến Vân bồi hồi, xúc động, trong lòng trào dâng một cảm xúc khó nói thành lời, vừa bâng khuâng, vừa mãn nguyện và tràn đầy hạnh phúc. Vân cũng rất đỗi tự hào về làng quê nhỏ bé của mình. Đúng là "Quê ta từ đất dấy lên"....
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #52 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 06:52:36 am »

ĐỒNG CHÍ TƯ LỆNH NGÀY ẤY... BÂY GIỜ...

TRỊNH TRỌNG GIỮ


Đến nhà đồng chí nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh 350 (Hải Phòng) Võ An Đông thì đồng hồ đã chỉ 11 giờ 30, cái giờ mà đồng chí thường "chợp mắt" nghỉ trưa. Tôi không muốn làm đảo lộn thói quen sinh hoạt của người khác, huống hồ lại là đồng chí tư lệnh. Một phút nghỉ ngơi với đồng chí Võ An Đông thật là quý hiếm, nghĩ thế tôi định bước ra. Song, vì công việc không thể trì hoãn, tôi lại mạnh dạn bước vào. Nhìn qua cửa xếp rộng khoảng 1,2m, nước sơn đã bong, chìa những thanh sắt gỉ, cửa không khóa, tôi thấy đồng chí Võ An Đông ngồi bên chiếc bàn đã cũ, bên cạnh là chồng giấy đủ loại với kích cỡ khác nhau. Trưa hè nắng nóng, điện vẫn sáng. Ghế thì chiếc ra, chiếc vào, có lẽ tư lệnh vừa tiễn khách. Vẫn cái đầu "cắt cua" và cặp kính lão, đại tá Võ An Đông cặm cụi đọc, viết. Tôi mạnh dạn đẩy cửa bước vào, hắng giọng thật to: "Chào thủ trưởng!". Đồng chí Võ An Đông ngẩng lên, bỏ cặp kính xuống, giọng cởi mở: "Giữ đấy à?". Đồng chí bắt tay tôi, kéo ngồi xuống ghế. Để tranh thủ thời gian, tôi chủ động bàn với đồng chí một số việc, rồi xin phép ra về. Giữa trưa hè nóng bức, đường tấp nập người qua, không làm tôi bớt phần suy nghĩ về đồng chí Võ An Đông trước kia và bây giờ, nguyên một tư lệnh, một đại tá đã nghỉ hưu.


Cách đây 27 năm, vào ngày 20-1-1973, ngày đầu tiên tôi mặc áo lính và sau đó ngày 28-2-1973 cũng là lần đầu tiên tôi gặp đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh 350 Hải Phòng. Đứng trước hàng quân gồm 41 cán bộ khung của Tiểu đoàn Hải Đà tại trường quân chính thuộc thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, đồng chí Võ An Đông nói: "Cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã gần đến ngày thắng lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là lực lượng chiến đấu. Thành ủy, Bộ tư lệnh thành phố quyết định thành lập Tiểu đoàn Hải Đà. Tiểu đoàn được chọn lọc gồm công nhân kỹ thuật, kỹ sư, học sinh từ cấp 3 trở lên được xây dựng đặc biệt bổ sung cho mặt trận Quảng Đà như một món quà của quân dân Hải Phòng kính tặng nhân dân thành phố Đà Nẵng kết nghĩa". Các đồng chí là cán bộ khung phải phát huy tinh thần của thành phố Cảng "Trung dũng, Quyết thắng" mà học tập, rèn luyện, sát cánh cùng quân dân thành phố Đà Nẵng giải phóng quê hương kết nghĩa". Lời nói của đồng chí Võ An Đông trước hàng quân, tôi còn nhớ mãi...


Sau ngày đồng chí tư lệnh dặn dò, chúng tôi bắt tay vào luyện tập, chuẩn bị lên đường vào Đà Nẵng chiến đấu. Ngày 26-3-1973, đơn vị tôi sát hạch bắn đạn thật. Tôi hồi hộp như ngày thi tốt nghiệp phổ thông nên tôi chuẩn bị khá chu đáo. Khoảng 7 giờ 30, công việc trên thao trường đã hoàn tất. Bỗng khu vực ban chỉ huy nhốn nháo, rồi tiếng đồng chí Trương Ngọc Thạch, chính trị viên tiểu đoàn, nói to trong niềm vui: "Tư lệnh Võ An Đông xuống kiểm tra sát hạch". Tin đó truyền rất nhanh. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn chuẩn bị đón đồng chí tư lệnh, không khí trang nghiêm trên nét mặt từng người. Tiếng ồn ào giảm hẳn, thay vào đó là tiếng chân bước thình thịch chạy tới, chạy lui. 10 phút sau, chiếc xe GAT 69 từ từ chạy về phía thao trường, rồi dừng lại. Tư lệnh Võ An Đông từ trong xe bước ra. Cả hàng quân đứng nghiêm. Đồng chí Trương Ngọc Thạch, chính tri viên tiểu đoàn, báo cáo tư lệnh về tình hình luyện tập của đơn vị và xin ý kiến. Đồng chí Võ An Đông gật đầu tỏ vẻ hài lòng cho đơn vị tiếp tục thực hiện bắn đạn thật. Không hiểu vì tư lệnh xuống kiểm tra hay vì tiểu đoàn đã luyện tập chu đáo mà kết quả cả đơn vị đều đạt khá, giỏi.


7 giờ 30 sáng chủ nhật 24-6-1973, đơn vị tôi đóng quân ở xã Kỳ Sơn huyện Thủy Nguyên. Vì là ngày chủ nhật, anh em đang tính chuyện nghỉ ngơi thì được liên lạc tiểu đoàn cho biết: Đồng chí tư lệnh Võ An Đông xuống thăm. Các đồng chí Phạm Văn Thụ, C trưởng C2, Phạm Văn Độ, chính trị viên, Nguyễn Văn Hai, chính trị viên phó, Nguyễn Văn Định, C phó, tập hợp anh em quán triệt về cuộc đến thăm của đồng chí tư lệnh. Mọi người ra về sắp xếp, quét dọn chỗ ăn, chỗ nghỉ gọn gàng chờ cuộc kiểm tra... 8 giờ, đồng chí tư lệnh cũng các cán bộ tiểu đoàn xuống thăm nhưng không thấy lệnh tập trung. Mọi người cứ thấp thỏm chờ đợi. Đồng chí tư lệnh chỉ làm việc 10 phút với Ban chỉ huy đại đội rồi đến thăm nhà bếp, khu chăn nuôi. Chúng tôi thấy đồng chí Võ An Đông vừa đi vừa chỉ trỏ, chuyện trò. Khi nhìn thấy những con lợn hàng tạ, nét mặt tư lệnh vui hẳn lên: "Phải giữ gìn sức khỏe cho anh em, thực túc binh mới cường". Qua việc đến thăm của đồng chí Võ An Đông, chúng tôi rút ra một bài học: Mọi sự chuẩn bị mang tính hình thức, che chắn đều không mang lại kết quả.


Sau lần thăm hôm ấy, mãi đến tháng 5-1975, nghĩa là sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, đồng chí Võ An Đông cùng đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố Cảng Hải Phòng vào thăm thành phố Đã Nẵng kết nghĩa. Đoàn đến thăm Tiểu đoàn Hải Đà tại hội trường thành phố Đà Nẵng. Đồng chí tư lệnh bắt tay, nhìn từng người. Thấy hàng quân thiếu vắng một số cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì Đà Nẵng thân yêu, mắt đồng chí tư lệnh chớp chớp, mờ đi vì xúc động.


Thời gian sau, tôi được điều về Xí nghiệp cơ khí Trung Dũng thuộc Bộ tư lệnh 350 làm nhiệm vụ dạy nghề cho anh em thương, bệnh binh từ các trại an dưỡng trở về. Vì vậy, tư lệnh đặc biệt quan tâm, bởi đó là một phần của công tác hậu phương quân đội, là chỗ rèn luyện, giáo dục cho những thương binh trở thành những người "tàn nhưng không phế" như Bác Hồ đã dạy. Về xí nghiệp, tôi nhớ có lần chúng tôi đang thi công phân xưởng đúc vỏ lựu đạn, vỏ mìn, đồng chí tư lệnh Võ An Đông xuống kiểm tra tiến độ, đột nhiên nhìn xuống nền cát rồi nói: "Đồng chí Giữ này, cát pha nhiều đất, không đủ tiêu chuẩn làm khuôn mẫu". Tôi giật mình về kiến thức kỹ thuật đúc của đồng chí và hứa sửa chữa ngay! Lời nhắc của đồng chí tư lệnh, tôi thấu hiểu: Làm việc gì, nhất là đụng đến kỹ thuật, phải chú ý từng chi tiết nhỏ, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Từ đó trở đi, làm việc gì tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những tổn thất. Sau những năm xây dựng, Xí nghiệp cơ khí Trung Dũng đã góp phần lớn vào việc chuyển giao nghề nghiệp cho thương, bệnh binh hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời cũng làm ra một số sản phẩm cho thành phố, cho xã hội. Gần như lần giao ban nào đồng chí tư lệnh cũng quan tâm. Đến năm 1982, xí nghiệp đã xây dựng hoàn chỉnh một dây chuyền sản xuất bao gồm: Phân xưởng sửa chữa xe máy, phân xưởng cơ khí, phân xưởng mộc đúc, sửa chửa sà-lan, v.v... với trên 200 thợ làm việc, đưa giá trị sản lượng hàng hóa từ 50 triệu lên trên 100 triệu/1 tháng. Trong chỉ đạo, đồng chí tư lệnh Võ An Đông không chỉ nắm cái chung, có quy mô toàn thể trên diện rộng, mà ngay những việc rất nhỏ có liên quan đến con người, đến chất lượng sản phẩm đều được đồng chí trực tiếp điều hành. Tôi còn nhớ năm 1979, tôi phụ trách thi công lắp ráp một dây chuyền sản xuất xi-măng của nhà máy Xi-măng 71 do Bộ tư lệnh 350 Hải Phòng thiết kế. Nhà xưởng cao đã khó thi công, lại rất nguy hiểm vì phải mang vác nặng trên vùng núi. Chiếc cột đầu tiên chúng tôi dựng, đồng chí Võ An Đông có mặt ngay từ những phút đầu. Trước khi anh em leo cao, tư lệnh Võ An Đông đã cho y tế khám lại sức khỏe của công nhân thi công công trình. Sự quan tâm của thủ trưởng, anh em làm việc càng hăng say và công trình đã hoàn thành trước thời hạn 15 ngày. Hôm hoàn thành, tư lệnh cũng vui với anh em.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 06:53:04 am »

Tháng 6-1981. Hôm ấy trời nóng đến ngột ngạt. Đồng chí Quỳnh (trợ lý của tư lệnh) cầm lệnh của thủ trưởng Võ An Đông giao cho xí nghiệp đóng mới 70 thuyền gỗ phục vụ hàn khẩu Đường 14. Lúc đó việc hàn khẩu rất phức tạp và khẩn trương, đòi hỏi gấp rút đóng thuyền mới phục vụ cho lấn biển. Lúc này, tôi là trưởng ban kế hoạch. Nhận lệnh Ban giám đốc giao cho, tôi triển khai ngay. Sau 2 ngày, đồng chí tư lệnh Võ An Đông đã xuống kiểm tra tiến độ và yêu cầu đơn vị dốc toàn lực cho chiến dịch hàn khẩu. Từ đó cứ mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, đồng chí tư lệnh Võ An Đông thường lại xuống động viên anh em đóng thuyền để thực hiện chương trình lấn biển của thành phố. Vì vậy, bộ đội chúng tôi có linh tính, cứ mỗi lần đồng chí Võ An Đông có lệnh xuống đơn vị là mỗi lần Hải Phòng có những đổi mới mang dấu ấn lịch sử, những công trình quai đê lấn biển Đường 14, đắp đường ra đảo Đình Vũ là những ví dụ điển hình. Hiện nay, con đường xuyên đảo ai cũng biết, nhưng mấy ai đã biết sự hình thành của con đường và công sức của các chiến sĩ trung đoàn 179, tiểu đoàn 666. tiểu đoàn 667 và một số không nhỏ dân quân tự vệ thuộc Bộ tư lệnh Hải Phòng ra sao?


Theo các cụ địa phương kể lại: đảo Đình Vũ cách đất liền hơn 2km là nơi hoang vắng. Trước kia bọn thực dân Pháp thường đem các chiến sĩ cách mạng đến đây hành hình rồi quẳng xác xuống biển. Dân địa phương nghèo đói, vi miếng cơm manh áo, nhiều người đã mất tích bởi những đợt sóng thần. Ấy thế mà các chiến sĩ tiểu đoàn 666, tiểu đoàn 667 và các đơn vị khác được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Hải Phòng, đứng đầu là tư lệnh - đại tá Võ An Đông, kiến nghị với thành phố đã chọn đảo hoang Đình Vũ xây dựng pháo đài, kiến tạo thành vùng kinh tế mới, rồi đây còn là khu du lịch "độc nhất vô nhị" của Hải Phòng. Đình Vũ đi lên từ bàn tay người lính. Tôi còn nhớ buổi ngăn đập Đình Vũ, vẫn là đồng chí tư lệnh Võ An Đông chỉ thị cho cán bộ, chiến sĩ xí nghiệp cơ khí Trung Dũng thuộc Bộ tư lệnh Hải Phòng cắt, hàn hàng trăm rọ sắt đựng đá ném xuống sông tạo thành con đập ra đảo Đình Vũ. Rọ sắt không đủ nhiều, bị nước triều cuốn trôi. Rứt kinh nghiệm, đồng chí Võ An Đông trực tiếp chỉ huy tạo thành chiến dịch sản xuất rọ sắt, vận chuyển đá với quy mô hàng nghìn m3 tập kết; rồi cùng một ngày chờ nước triều xuống thấp, huy động lực lượng của 2 tiểu đoàn 666 và 667 nhất loạt thả rọ sắt chứa đá xuống lòng sông Đình Vũ. Lần này con đập được hình thành, thủy thần gầm gừ bằng những con sóng tung bọt trắng, cuối cùng phải khuất phục tạo thành đường xuyên đảo Đình Vũ ngày nay. Bây giờ, đảo hoang Đình Vũ đã trở thành vùng kinh tế trù phú, đường xá mở. Đảo Đình Vũ đang trở thành một miền quê thay da đổi thịt từng ngày.


Năm 1989, tôi xuất ngũ về địa phương xây dựng HTX Bạch Đằng. Chúng tôi ngồi trên boong của chiếc tàu pha sông biển 02 chạy thử do chính HTX sửa chữa. Tàu lướt sóng, đảo Đình Vũ xa xa. Lòng tôi man mác nhớ tới vị tư lệnh suốt đời chinh chiến với giặc đói, giặc ngoại xâm, tất cả vì đồng đội mà không hề thu vén cho riêng mình. Nay tôi chuyển công tác, ít có dịp gặp đồng chí tư lệnh mà tôi hằng yêu quý.


Ngày nay, mỗi khi qua các công trình lấn biển đường 14, kênh đào Cái Tráp, đường ra đảo Đình Vũ, khu sản xuất lò vôi Pháp Cổ, Xí nghiệp cơ khí Trung Dũng... tôi rất mừng vì lực lượng vũ trang chúng tôi đã tham gia tạo thế bay lên của Rồng biển, góp phần tăng trưởng của khu tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, trong hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 45 năm Hải Phòng giải phóng, đã có bài: "Tìm tòi chủ động tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội ở Hải Phòng những năm 1981 - 1985" đã nhấn mạnh: "Lịch sử phát triển đất đai của Hải Phòng là luôn luôn vươn ra biển và thay đổi cơ cấu sản xuất". Đó là dự báo về thế mạnh của Hải Phòng cần được quan tâm quản lý và khai thác.


Ngồi làm việc với ông đại tá nguyên tư lệnh Bộ tư lệnh Hải Phòng - đồng chí Võ An Đông đã nghỉ hưu, tôi mới có dịp ngắm kỹ: Ông già đi nhiều, mái tóc cắt cua trắng xóa. Ông vẫn mặc bộ quân phục bạc màu chinh chiến. Cặp kính lão cứ nhấc lên rồi lại đặt xuống. Ông đọc rồi lại viết, hình như ông đang tìm một cái gì đó, cho đời. Vâng! Ông đang viết, viết miệt mài không nghỉ để hoàn thành 10 tập cuốn "Đường 5 anh dũng, quật khởi" do ông làm chủ bút. Ông Võ An Đông biết thời gian đối với mình không còn nhiều, bởi ông trên cả tuổi "thấp thập cổ lai hy" nên ông phải tranh thủ từng giờ, chứ nói gì đến từng ngày. Hàng ngày, với chiếc xe đạp lọc cọc, ông đến từng đồng sự để lấy tài liệu, ghi lại những lời kể. Nhân chứng già rồi, ông cũng già rồi, cần phải sàng lọc, không thể bóp méo lịch sử những chiến công. "Đường 5 anh dũng, quật khởi" do ông làm chủ bút và các cộng sự của ông đang miệt mài "Nhớ lại và suy ngẫm" để viết, viết trong trưa hè như đổ lửa, viết trong đêm rét lạnh thấu xương để trọn bộ 10 tập "Đường 5 anh dũng, quật khởi" đến với bạn đọc, xứng đáng với lời tựa mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong trang đầu của cuốn sách như sau: "Đường 5 anh dũng, quật khởi" là bộ sách có giá trị nói lên thành tích và kinh nghiệm thực tiễn, chiến đấu sinh động của quản dân Đường 5. Tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc cả nước. Tôi hy vọng các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan quân sự các tỉnh, thành, Quân khu Tả ngạn quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ để cuốn sách có chất lượng và được phổ biến rộng rãi, đồng thời xác định bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử kháng chiến góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

(Trích hồi ký đã đăng trên tạp chí CỬA BIỂN số 52,
xuất bản năm 2000 của Hội LHVHNT Hải Phòng)
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #54 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2022, 06:53:53 am »

BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG TRUNG ĐOÀN 179

TRẦN THANH THẢO


Là đơn vị được thành lập ngày 25-8-1978, Trung đoàn 179 mà tiền thân là tiểu đoàn 1 Cát Bà đã lớn lên theo năm tháng. Với truyền thống "Hà Sen anh dũng - Đô Lương kiên cường", đơn vị đã nêu cao tinh thần đoàn kết quân với dân một ý chí, liên tục bám trụ trên hòn đảo lớn là Cát Hải, Cát Bà có trên 360 hòn đảo nhỏ. Nơi đây không chỉ có cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn, tiềm ẩn của giá trị kinh tế to lớn, đảo có biển, có rừng, còn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh của thành phố Hải Phòng.


Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 179 đã có những đóng góp không nhỏ cả về tinh thần và vật chất, cùng Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Cát Hải mở ra chương mới xây dựng quê hương, đường, trường, trạm phát triển. Dân bám tàu, bám thuyền, bám biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, xây dựng vườn quốc gia và phát triển du lịch, dịch vụ. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Cát Hải. Ban chỉ huy quân sự huyện đảo chăm lo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ đảo; kết hợp kinh tế gắn với quốc phòng, làm đường xuyên đảo, thực hiện khẩu hiệu "Quân với dân là một ý chí". Đảng bộ, nhân dân huyện Cát Hải và Trung đoàn 179 đã huy động đến mức cao nhất tiềm lực tại chỗ làm đường xuyên đảo, phát triển kinh tế, mở mang du lịch, phục vụ quốc phòng - an ninh trên đảo. Xã Trân Châu xẻ khoan phá đá biến đường mòn thành đường ôtô dài 2,5km. Nhân dân khu vực Đô Lương chỉ trong thời gian ngắn đã đào đắp nền đường dài 11km cho ôtô khách chạy dọc đảo Cát Hải. Trung đoàn 179 nhận trách nhiệm khó khăn: hạ dốc bến Bèo, dốc Cảng cá, Áng sỏi, dốc cao Eo Bùa 25m và mở đường Hiền Hào - Mốc Trắng dài 3,2km núi đá tai mèo với tổng khối lượng nổ mìn phá đá 51.000m3 có chiều dài 15.000 mét, chi phí 20 tấn thuốc nổ. Đến ngày 19-5-1987, đường xuyên đảo thông xe từ bến phà Cái Viềng xã Phù Long đến thị trấn Cát Bà. Con đường của ý chí và quyết tâm, của tình đoàn kết gắn bó quân với dân trên đảo.


Với tình cảm sâu nặng ấy, trong suốt quá trình xây dựng, Trung đoàn 179 được Đảng bộ và nhân dân huyện Cát Hải quý mến, coi như con em ruột thịt của quê hương mình.

Trung đoàn từng vinh dự được Bác Tôn tặng lẵng hoa, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đến thăm, v.v...

Để tiếp nối truyền thống vinh quang của Trung đoàn 179 và thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 179 được thành lập, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Trên cương vị công tác khác nhau, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn động viên nhau giữ gìn phẩm chất đạo đức, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, xóa đói giảm nghèo. Tích cực hoạt động tình nghĩa đồng chí, đồng đội, giúp nhau trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt, sau Hội thảo kinh tế với quốc phòng của thành phố về đường xuyên đảo, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải một lần nữa ghi nhận, coi đó là chiến công chung của quân dân huyện đảo.


Trong chuyến thăm lại Cát Hải của Thường trực Ban liên lạc và Đại tá tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Hải Phòng Võ An Đông, Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã thông báo những thành quả của con đường cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống du lịch và dịch vụ nhân dân huyện đảo đang được hưởng thụ, có công sức, mồ hôi, xương máu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 179. Tiêu biểu như: Hội viên trung đội thông tin Trần Ngôn Triệu, trung đoàn phó chính trị Hoàng Chung, Đoàn Trọng Hồi, Đoàn Ngọc Êm, Nguyễn Xuân Duy, Lê Văn Long, Ngô Xuân Trịnh, v.v... Nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành đang trụ bám công tác phục vụ huyện đảo.


Trong ngày họp mặt truyền thống kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Trung đoàn (25-8-2001), Thiếu tướng Tăng Văn Miêu, Tư lệnh phó Quân khu và các bạn chiến đấu đang còn tại ngũ về dự, cổ vũ động viên hoạt động tình nghĩa của các bạn chiến đấu trong Ban liên lạc, đã giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của Anh bộ đội Cụ Hồ.


Lời cảm ơn

Chúng tôi chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo vã tập thế cơ quan, đơn vị, công ty đă hết lòng giúp đỡ, ung hộ tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất cho việc xuất bản tập sách này - Đó là:

Bộ tư lệnh Quân khu 3, UBND thành phố Hải Phòng, Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên, Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, Cảng Hải Phong, Bưu điện Hải Phòng, Công ty xăng dầu đường thủy I, Công ty đường bộ Hải Phòng, Huyện ủy và UBND huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), cơ sở sản xuất Duy Hà, Nhà xuất bản Hải Phòng.

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ HẢI PHÒNG
BAN LIÊN LẠC ĐỒNG ĐỘI TỈNH ĐỘI
HẢI DƯƠNG, HƯNG YÊN
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM