Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:54:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn - T1  (Đọc 4079 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2022, 08:32:57 pm »

Ngày 8-1-1973, cuộc mật đàm thứ 23 diễn ra và kéo dài đến ngày 14-1-1973 với thái độ lạnh nhạt của cả hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ. Nhưng đến gần kết thúc cuộc mật đàm, thái độ của hai trưởng phái đoàn đột nhiên trở nên cởi mở. Ngày 12-1-1973, lần đầu tiên các chuyên viên (phụ trách các vấn đề kỹ thuật - BT) đã cùng họp chung với hai trưởng đoàn. Đến cuối ngày, hai phái đoàn đã cùng chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, Kissinger trở về Washington báo cáo kết quả mật đàm với Tổng thống Nixon.


Mặc dù nội dung phiên họp mật không được tiết lộ, nhưng các sự kiện ngoại giao quốc tế trong thời gian cuộc đàm phán diễn ra, cho thấy tiến trình đàm phán hòa bình về Việt Nam đã có sự tiến triển rõ nét. Ngày 9-1-1973, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim, tuyên bố trong một cuộc họp báo: "Liên hợp quốc đã được mời tham dự một cuộc hội nghị về Việt Nam có thể diễn ra trong tương lai và lúc đó Liên hợp quốc sẽ dự liệu đóng góp vào việc tái thiết Đông Dương"1 (Tài liệu về Hội đàm Ba Lê của pháo đoàn Việt Nam Cộng hòa ngày 9-1-1973, phiên họp thứ 172, Tlđd). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonide Brejnev tuyên bố "vấn đề Việt Nam dần dần đi đến chỗ kết liễu"2 (Tài liệu về Hội đàm Ba Lê của pháo đoàn Việt Nam Cộng hòa ngày 9-1-1973, phiên họp thứ 172, Tlđd). Còn theo tin AFP từ Ottawa cho biết, Bộ Ngoại giao Canada đang nghiên cứu một hình thức mới của Ủy hội Quốc tế đình chiến tại Việt Nam. Đặc biệt, ngày 15-1-1973, tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu gửi Công điện (hỏa tốc) số 001-TT/ CĐ tới Tư lệnh các quân đoàn, quân khu quân đội Sài Gòn ra chỉ thị yêu cầu phải có biện pháp đối phó, trong đó khẳng định "Đến hôm nay,... phía Hoa Kỳ tại Ba Lê hầu như đã thỏa mãn với nội dung chính yếu của thỏa hiệp mà hai bên đã thảo luận trong tuần lễ vừa qua mà chỉ còn một số vấn đề kỹ thuật về kiểm soát ngừng bắn đang còn tiếp tục bởi các phái đoàn chuyên môn"3 (Công điện (hỏa tốc) 001-TT/CĐ ngày 15-1-1973 của Nguyễn Văn Thiệu, Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII).


Diễn tiến trên cho thấy, kết thúc phiên mật đàm thứ 23, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cơ bản thống nhất nội dung dự thảo và chỉ còn lại các vấn đề mang tính kỹ thuật.

Vì vậy, các phiên họp tiếp theo của Hội nghị Paris về Việt Nam chỉ còn mang tính hình thức. Ngày 11-1-1973, tham gia đàm phán tại phiên họp thứ 173 chỉ bao gồm bốn phó trưởng đoàn đại diện cho các bên. Nội dung cuộc họp cũng không có gì thay đổi so với phiên họp trước.


Ngày 15-1-1973, bắt đầu cuộc mật đàm kỹ thuật kéo dài một tuần giữa đại diện Hoa Kỳ Sullivan với đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Cơ Thạch, để hoàn thiện cho bản dự thảo Hiệp định. Trong khi đó, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy cùng họp với Phó trưởng đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam Đinh Bá Thi thông báo về tiến trình ký kết Hiệp định.


Ở Washington, ngày 16-1-1973, Tổng thống Nixon ra lệnh ngừng oanh tạc toàn bộ miền Bắc Việt Nam. Trong khi, Kissinger gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Roger, chuẩn bị cho việc ký kết. Còn Đại tướng Haig được cử đi Đông Nam Á để trao đổi với chính quyền Sài Gòn và các chính quyền thân Hoa Kỳ tại khu vực này, thông báo sự tiến triển của tiến trình đàm phán. Tại Đông Nam Á, sau khi gặp Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 16-1-1973, Tướng Haig đã gặp lần lượt Lon Nol - Thủ tướng chính quyền tay sai Hoa Kỳ ở Campuchia; Phouma - Thủ tướng chính quyền tay sai Hoa Kỳ ở Lào, Tổng thống Park Chung Hy của Đại Hàn và Thủ tướng Kittikachorn của Thái Lan.


Trong sự biến chuyển mau lẹ sau phiến mật đàm thứ 23 giữa Kissinger và Cố vấn Lê Đức Thọ, ngày 18-1-1973, phiên họp thứ 174 - phiên họp cuối cùng của Hội nghị Paris về Việt Nam, được khai mạc với sự tham dự của các phó trưởng đoàn. Phiên họp đã diễn ra với lời lẽ hòa dịu và các bên cùng thống nhất đi đến ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngay cả Nguyễn Xuân Phong - Phó trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn, đến lúc này, cũng không còn đòi hỏi bất cứ một yêu sách nào, mà tỏ ra hết sức ôn hòa:

"Cuộc hòa đàm đã tiến tới giai đoạn cho thấy ánh sáng lập lòe của hòa bình... Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận mọi cố gắng cần thiết khác để dồn hết nỗ lực khắc phục những khó khăn trở ngại cuối cùng và phải tỏ một thái độ, không phải hấp tấp vội vã mà bình tĩnh và nhẫn nại... Nhân dân miền Nam Việt Nam có quyên đòi hỏi một nền hòa bình đúng đắn và vững bền, một nền hòa bình đem lại cho họ đời sống an cư lạc nghiệp, một nền hòa bình bảo đảm cho họ được hành xử một cách trọn vẹn và tự do quyền tự quyết của họ. Một nền hòa bình như vậy tất nhiên chỉ có thể có được do một thỏa hiệp đúng đắn và thỏa đáng cho tất cả mọi người. Nền hòa bình ấy phải căn bản trên quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và trên sự hỗ tương tôn trọng độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ"1 (Phát biểu của Nguyễn Xuân Phong tại phiên họp thứ 174 Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 18-1-1973, Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2022, 08:34:36 pm »

Trong khi, Phó trưởng đoàn Hoa Kỳ Heyward Isham truyền đạt lại quan điểm chấp nhận đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định của Tổng thống Nixon:

"Ladies and Gentlemen:

Rencent developments in the search for resolution of the Vietnam conflict give grounds for encouragement. Negotiations have made progress, in the judgment of both sides. In recognition of that progress, President Nixon made the decision to suspend bombing, shelling, and further mining throughout North Vietnam on January 15. negotiations seriously undertaken by both sides - continue.

It is clear that continued determination and seriousness are required for further progress in the negotiating tasks still before us.

It is also clear that we must concentrate our efforts in this forum on the processes of transition from war to a negotiated peace which is just and advantageous for all.

To evolve from adversary relationships will require much restraint and an unremitting effort toward mutual understanding. Outworn verbiage and outmoded conceptions should be modified in the light of realities, in order to undertake the constructive effort necessary for restoring peace.

Some of the benefits of serious negotiations have already becom apparent. Achieving the full promise of negotiations depends upon the effort, attitude, and will of both sides.

We will not be sparing of ou negotiating effort. Our attitude will continue to be correct and serious. As for our willy let me reiterate that there can be no question whatever of President Nixons determination to achieve a settlement of the conflict which establishes a peace of justice and conciliation.

I have concluded"1 (Phát biểu của Heyward Isham tại phiên họp thứ 174 Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 18-1-1973, Hồ sơ 1230, ĐHIICH, TTLTII. Lược dịch:

"Những diễn tiến gần đây trong công cuộc tìm kiếm một giải pháp cho chiến tranh Việt Nam đem lại nhiều khích lệ. Các cuộc thương thuyết đã tiến triển, theo nhận xét của cả hai phía. Để ghi nhận sự tiến triển ấy, ngày 15-1, Tổng thống Nixon đã quyết định ngưng oanh tạc, pháo kích và thả mìn trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Những cuộc thương thuyết được hai bên tiến hành nghiêm chỉnh đang tiếp diễn.

Thật rõ ràng là cần phải tiếp tục quyết tâm và nghiêm chỉnh để có tiến triển thêm trong công việc đàm phán hãy còn đặt trước chúng ta.

Cũng thật rõ ràng là chúng ta phải dồn mọi nỗ lực tại diễn đàn này vào tiến trình của giai đoạn chuyển tiếp từ tình trạng chiến tranh đến hòa bình, công bình và có lợi cho tất cả.

Việc hoán chuyển thái độ đối nghịch sẽ đòi hỏi sự dè dặt và cố gắng không ngừng để tiến tới hiểu biết lẫn nhau. Những lời lẽ dài dòng và các quan niệm lỗi thời cần phải được sửa đổi trước những thực tế để cố gắng làm những việc cần thiết nhằm lập lại hòa bình.

Một vài lợi ích của cuộc thương thuyết nghiêm chỉnh và được trông thấy rõ rồi. Việc thực hiện đầy đủ triển vọng của cuộc đàm phán tùy thuộc ở sự cố gắng, thái độ và ý chí của các bên.

Chúng tôi sẽ không từ chối làm các cố gắng trong cuộc đàm phán. Thái độ của chúng tôi sẽ luôn luôn đúng đắn và nghiêm chỉnh. Còn về ý chí của chúng tôi, tôi xin nhắc lại là không thể có một nghi ngờ nào về quyết tâm của Tổng thống Nixon tiến tới một giải pháp cho cuộc chiến tranh khả dĩ tạo được một nền hòa bình trong công bằng và hòa giải").


Phó trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Đinh Bá Thi, sau khi nêu lên hiện tình chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, đã cho rằng, vấn đề giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam hiện nay hoàn toàn tùy thuộc ở Hoa Kỳ. Phát biểu của ông nêu rõ:

"Thưa các vị,

Mặc dầu dư luận rộng rãi trên thế giới đòi hỏi phía Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài của họ ở Việt Nam, hiện nay ở miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh đó vẫn đang tiếp diễn ác liệt. Không quân Mỹ và Sài Gòn tiếp tục đánh phá dữ dội ở nhiều vùng. Riêng máy bay B52 vẫn hàng ngày tiến hành các cuộc ném bom rải thảm xuống nhiều vùng đông dân ngay sát Sài Gòn. Chính Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn đã trắng trợn khoe rằng, những cuộc ném bom mới đây của máy bay Mỹ ở miền Nam Việt Nam là mạnh nhứt từ hơn một tháng nay. Quân đội Sài Gòn đang mở nhiều cuộc hành quân lớn nhằm lấn chiếm những vùng giải phóng thuộc quyền kiểm soát của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gây thêm tàn phá và chết chóc cho nhân dân.


Tại những vùng do họ kiểm soát, chánh quyền Sài Gòn vẫn thi hành chánh sách thủ tiêu các quyền tự do dân chủ của nhân dân, đàn áp những người đối lập và bất cứ ai nói đến hòa bình, hòa hợp dân tộc.

Tánh mạng của hàng chục vạn người bị giam giữ trong các nhà tù vẫn bị đe dọa nghiêm trọng vì chế độ lao tù khắc nghiệt và âm mưu thủ tiêu họ của nhà cầm quyền Sài Gòn.

Trong khi đó, những người cầm đầu chánh quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục nêu lên những đòi hỏi vô lý mà chúng tôi đã nhiều lần phê phán và bác bỏ vì những đòi hỏi đó chỉ làm trở ngại cho một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam.


"Hòa bình ngay ở Việt Nam" là đòi hỏi bức thiết của nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Chánh phủ Mỹ không thể làm ngơ mãi trước đòi hỏi bức thiết đó. Không những Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn phải từ bỏ chánh sách "Việt Nam hóa chiến tranh" chấm dứt mọi sự can thiệp của họ ở miền Nam Việt Nam. Mỹ và chánh quyền Sài Gòn phải chấm dứt ngay những cuộc ném bom và hành quân càn quét lấn chiếm, chấm dứt chánh sách đàn áp khủng bố, đặc biệt là chấm dứt ngược đãi tù chánh trị và phải trả ngay tự do cho họ. Họ phải ký ngay Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.


Tình hình thực tế ở Việt Nam trong hơn mười năm qua đã chứng tỏ rằng, chánh sách dùng võ lực của Mỹ đã không thể khuất phục được nhân dân Việt Nam và ngày càng bị dư luận rộng rãi trên thế giới nghiêm khắc lên án. Đã đến lúc Mỹ rút ra bài học đó, thương lượng nghiêm chỉnh để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, chấm dứt mọi sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam và thật sự tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.


Cần phải thừa nhận thực tế hiển nhiên là ở miền Nam Việt Nam hiện nay có hai chánh quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chánh trị. Nếu phủ nhận thực tế đó thì chỉ càng làm cho chiến tranh kéo dài, sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam càng sâu thêm, và càng ngăn cản các bên ở miền Nam Việt Nam cùng nhau giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.


Về phần mình, mặc dầu đã hy sinh và chiến đấu trong hàng chục năm nay vì độc lập tự do của đất nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không đòi phần hơn về mình mà trước sau vẫn chủ trương giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam Việt Nam trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dấn tộc. Chủ trương đó của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hết sức phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam, kể cả nhiều người trong chánh quyền và quân đội Sài Gòn. Khăng khăng đi ngược lại nguyện vọng bức thiết đó của nhân dân thì dầu có biện bạch gì đi nữa chánh quyền Sài Gòn cũng bị nhân dân chống lại.


Thưa các vị,

Do ý đồ giải quyết vấn đề Việt Nam bằng chánh sách võ lực của phía Mỹ mà hiện nay mọi người có lương tri trên thế giới đang theo dõi với băn khoăn và lo lắng sự thành thật của Mỹ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Liệu phía Mỹ đã sẵn sàng đáp ứng thiện chí và sự nghiêm chỉnh của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã chịu đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân toàn thế giới hay chưa? Chiến tranh hay hòa bình, hiện nay hoàn toàn tùy thuộc ở Mỹ"1 (Phát biểu của ông Đinh Bá Thi tại phiên họp thứ 174 Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 18-1-1973, Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII).


Phát biểu kết thúc phiên họp, cũng là kết thúc Hội nghị Paris về Việt Nam, Phó trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Nguyễn Minh Vỹ, sau khi tổng kết lại quá trình đàm phán tại Paris, tỏ rõ sự hoan nghênh và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ông phát biểu:

"Thưa quý vị,

Mục đích Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris là tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam.

Không ngừng cố gắng vì mục đích đó, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã luôn luôn tỏ thiện chỉ và thái độ nghiêm chỉnh, có nhiều sáng kiến quan trọng nhằm đi tới một giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ngược lại, Chính phủ Mỹ một mặt chủ trương thương lượng trên thế mạnh, mặt khác đã chọn con đường "Việt Nam hóa chiến tranh" là con đường kéo dài, leo thang và mở rộng chiến tranh, làm cho nước Mỹ mất thêm hàng vạn sinh mạng, hàng chục tỉ đô la, mà rốt cuộc vẫn không giải quyết được vấn đề. Kinh nghiệm lịch sử, nhất là kinh nghiệm trong những ngày cuối tháng 12-1972 vừa qua, một lần nữay đã chứng minh rằng bất cứ chiến lược và thủ đoạn chiến tranh nào, bất cứ chính sách vũ lực tàn bạo nào đều không thể khuất phục được nhân dân Việt Nam.


Việc Mỹ vi phạm cam kết tháng 10-1968, xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thả mìn phong tỏa các cảng, ném bom trở lại toàn bộ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, nhất là ném bom hủy diệt nhiêu khu đông dân ở Hà Nội và Hải Phòng, là hành động hoàn toàn trái với pháp lý và đạo lý. Nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đòi hỏi Mỹ không những chỉ ngừng mà phải chấm dứt hoàn toàn vĩnh viễn những hành động đó.


Chúng tôi nhấn mạnh: để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam, Mỹ hãy chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chấm dứt mọi hành động nhằm tăng cường lực lượng và yểm trợ cho quân đội Sài Gòn; chính quyền Sài Gòn hãy chấm dứt ngay mọi cuộc hành quân càn quét lấn chiếmy mọi hành động khủng bố nhân dân và tù chính trị. Các bên hãy nhanh chóng ký "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" trên cơ sở tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Hòa bình là có lợi cho nhân dân Việt Nam, có lợi cho nhân dân Mỹ, có lợi cho tiến bộ xã hội chung trên thế giới.

Nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới qua những sự kiện đã xảy ra, quyết nâng cao cảnh giác và sẵn sàng hành động để ngăn chặn mọi sự tráo trở, ngăn chặn những bàn tay hiếu chiên.

Hòa bình trong độc lập, tự do nhất định sẽ thắng chiến tranh xâm lược"1 (Phát biểu của ông Nguyễn Minh Vỹ tại phiên họp thứ 174 Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 18-1-1973, Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2022, 08:38:55 pm »

Diễn văn của ông Đinh Bá Thi - đại diện phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại phiên họp cuối cùng của Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 18-1-19731 (Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII)

 




Phát biểu của ông Nguyễn Minh Vỹ - đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại phiên họp cuối cùng
của  Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 18-1-19731 (Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII)




Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2022, 08:40:53 pm »

Đến đấy, Hội nghị Paris về Việt Nam, sau 4 năm và hơn 8 tháng, gồm 2 phiên họp về thủ tục (phiên họp ngày 10-5-1968 và phiên họp ngày 18-1-1969), 202 phiên họp chính thức (28 phiên họp hai bên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 174 phiên họp bốn bên), đã kết thúc với kết quả các bên thống nhất đi đến ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.


Ngày 20-1-1973, Nguyễn Văn Thiệu cử Vĩnh Lộc - Trung tướng, cầm đầu phái đoàn quân sự Sài Gòn đi Paris. Ngày 21-1-1973, Trần Văn Lắm - Tổng trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn "hấp tấp" bay tới Paris1 (Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa về Hội đàm Ba Lê, Hồ sơ 1230, ĐIICH, TTLTII), chuẩn bị ký kết Hiệp định.


Ngày 23-1-1973, tại cuộc mật đàm thứ 24 - cuộc mật đàm cuối cùng của tiến trình đàm phán về Việt Nam giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger, kéo dài gần 3 năm từ tháng 2-1970, hai bên đã hoàn thành và cùng ký tắt vào bản văn Hiệp định.


11 giờ (giờ Paris), ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Đại lộ Kleber, Paris, đại diện bốn bên, gồm: Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers và Trần Văn Lắm - Tổng trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn, cùng ký kết vào Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trước sự đón chào của hàng vạn người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.


Hiệp định về chấm dứt chiến tránh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Đó là một tiến trình đấu tranh gay go và phức tạp trên lĩnh vực ngoại giao, mà phía Hoa Kỳ đã phải thay tới bốn trưởng phái đoàn đàm phán, từ Averell Harriman, Henry Cabot Lodge, David Bruce đến William J. Porter.


Qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn về diễn trình đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và những diễn tiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam, cũng như những diễn tiến chính trị ở Hoa Kỳ, Việt Nam và thế giới giai đoạn 1968-1973, có thể khẳng định, Hội nghị Paris về Việt Nam là một phương thức tiến hành và kết thúc chiến tranh, chịu sự chi phối của các hoạt động chiến tranh khác, trong đó yếu tố quân sự giữ một vai trò quan trọng, có tính quyết định đến thành bại của cuộc đàm phán.


Tính chất quyết định của yếu tố quân sự thể hiện vai trò xuyên suốt trong diễn trình cuộc đàm phán, từ khi khai diễn cho đến khi ký kết, thể hiện trên hai nội dung:

1. Các nhân tố của cuộc chiến tranh đưa đến giải pháp đàm phán

Năm 1965, để cứu vãn thất bại của chiến lược chiến tranh đặc biệt, Chính phủ Hoa Kỳ đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ tin tưởng rằng, với sức mạnh của đạo quân chưa từng thất bại đến thời điểm đó, Hoa Kỳ sẽ giành lại thế chủ động trên chiến trường và từ nửa cuối năm 1966 sẽ đi vào bình định kết thúc chiến tranh.


Tuy nhiên, qua hai mùa khô (1965-1966, 1966-1967), thực hiện phản công với cường độ lớn, tình hình miền Nam ngày càng căng thẳng với Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Tin thắng lợi liên tiếp của Quân Giải phóng ở Núi Thành, Ba Gia, Bình Giã,... đánh một đòn nặng nề vào chiến thuật "tìm diệt và bình định". Tổn thất ngày càng lớn của đạo quân viễn chinh, khiến dư luận Hoa Kỳ trở nên sôi sục. Để trấn an dư luận, ở Washington, chính quyền Johnson quyết định triển khai mặt trận mới trên lĩnh vực ngoại giao. Tháng 1-1967, Tổng thống Johnson tuyên bố: "Hoa Kỳ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào vào bất cứ lúc nào để gặp gỡ miền Bắc bàn định hòa bình"1 (Tài liệu của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về lịch trình tiến triển Hội nghị sơ bộ Mỹ - Bắc Việt tại Ba Lê năm 1968, Hồ sơ 864, ĐIICH, TTLTII). Nhưng quân viễn chinh Mỹ tiếp tục được đưa sang Việt Nam. Tại miền Nam Việt Nam, liên quân Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng hòa huy động tối đa tiềm lực quân sự vào chiến lược "tìm diệt" và "bình định". Nhưng cũng như mùa khô trước, kết thúc năm 1967, các mục tiêu cơ bản của chiến lược "tìm diệt" và "bình định" của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn không đạt được, ngược lại, ngày càng sa lầy và gặp tổn thất nặng nề.


Trong khi đó, cuối năm 1967, từ thực tiễn chiến trường, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng phương pháp tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào trung tâm đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở các đô thị trên toàn miền Nam. Đúng vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đồng loạt tiến công các cơ sở của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các thành thị của miền Nam Việt Nam.


Dư luận Mỹ, cũng như thế giới bừng tỉnh trước cuộc tổng tiến công bất ngờ của Quân Giải phóng. Làn sóng phản đối chiến tranh bùng nổ mạnh mẽ, được ví như một cuộc chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ. Vị thế của nước Mỹ trên chính trường thế giới cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Lần đầu tiên một tòa án quốc tế được triệu tập để xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Không còn giải pháp nào khác, chính quyền Johnson buộc phải đi đến giải pháp đàm phán với đối phương để xoa dịu dư luận. Ngày 31-3-1968, Chính phủ Hoa Kỳ đơn phương quyết định đình chỉ 30 ngày mọi cuộc ném bom hoặc bắn phá lãnh thổ miền Bắc kể từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đồng thời, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson chỉ định Averell Harriman và Liewellyn Thompson đại diện cho Hoa Kỳ để gặp gỡ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Tuy nhiên, không muốn ngồi vào đàm phán trong tình thế bất lợi, trong suốt một tháng sau đó, Chính phủ Hoa Kỳ ra sức trì hoãn cuộc tiếp xúc chính thức giữa hai bên. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam Việt Nam để giải tỏa áp lực của Quân Giải phóng. Nhưng ngày 3-5-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố chọn Paris làm địa điểm và chọn ngày 10-5-1968 là ngày họp chính thức đầu tiên cho cuộc Hội đàm về vấn đề hòa bình ở Việt Nam1 (Tài liệu của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa, Bản kiểm thính tin đài Hà Nội ngày 3-5-1968 lúc 19 giờ 15 đến 20 giờ về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề hội đàm giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, Hồ sơ 865, ĐIICH, TTLTII), đã đặt Chính phủ Hoa Kỳ vào thế bị động. Ngày 3-5-1968 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố chấp nhận những đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Như vậy, những tổn thất nặng nề về nhân vật lực của Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh mà thắng lợi ngày càng xa vời khiến dư luận Hoa Kỳ công phẫn, đòi chính quyền Johnson tìm kiếm giải pháp rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước đòi hỏi đó, Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải tìm đến giải pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2022, 08:41:57 pm »

2. Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - thế trận đánh và đàm

Ngày 10-5-1968, hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có cuộc tiếp xúc đẩu tiên để ấn định thủ tục cho đàm phán. Ngày 13-5-1968, phiên họp thứ nhất của Hội nghị đàm phán về chấm dứt chiến tranh Việt Nam chính thức diễn ra, đã đón nhận sự hoan nghênh của dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Họ cũng tin tưởng rằng một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sẽ nhanh chóng được ký kết. Vì, vấn đề cơ bản để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã rất rõ ràng. Đó là, Hoa Kỳ phải rút quân về nước, tôn trọng và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Song, Hội nghị Paris về Việt Nam đã trở thành hội nghị quốc tế dài nhất trong lịch sử đàm phán quốc tế về chiến tranh. Một cuộc đàm phán kéo dài 4 năm 8 tháng với 202 phiên họp chính thức và 52 phiên họp kín, bí mật, mà ở đó diễn ra sự giằng co trên cả bàn đàm phán và trên chiến trường, theo các giai đoạn khác nhau của chiến tranh:

1. Giai đoạn đàm phán giữa hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong giai đoạn này, lập trường của Mỹ là: cần có sự tham gia của phái đoàn Sài Gòn; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không vi phạm khu phi quân sự, không dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối những đòi hỏi đó và đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom; yêu cầu chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Hội đàm.

Tuy nhiên, phải mất 6 tháng với 28 phiên họp chính thức, hai bên mới đi đến thống nhất. Và nhân tố đưa đến sự thống nhất đó vẫn chủ yếu là sự chuyển biến về quân sự trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Sau hai đợt đầu của cuộc Tổng tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1968, tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ tìm mọi cách tăng cường sức mạnh quân sự hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường. Nhưng đến nửa cuối năm 1968, Quân Giải phóng tiếp tục thực hiện đợt 3 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đã bồi thêm một đòn vào chính sách "cây gậy" của Hoa Kỳ. Cuộc tổng tiến công đã làm dư luận Hoa Kỳ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã làm cảng thẳng trong xã hội Hoa Kỳ, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội... mà vẫn không dứt điểm được quân đội đồi phương, và trong tương lai chiến tranh không biết đến bao giờ kết thúc1 (Vũ Dương Ninh (chủ biên): Sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam 12, Chương "Tình hình cách mạng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1968-1972", Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005). Điều này đưa đến kết luận là Hoa Kỳ không thể thắng được trong cuộc chiến này. Các chính trị gia trong Quốc hội Hoa Kỳ gây sức ép lên Chính phủ đòi xem xét lại cam kết chiến tranh, đòi huỷ bỏ ủy quyền cho Chính phủ tiến hành chiến tranh không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng2 (Oberdorfer, Don, Tet!: The Turning Point in the Vietnam War, Baltimore; The Johns Hopkins University Press, 1971).

Từ thúc ép đó, đòi hỏi Tổng thống Johnson phải tuyên bố: "Chấm dứt mọi việc ném bom bằng không quân, hải quân và bắn phá bằng pháo binh chống miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 1-11- 1968", bất chấp sự phản đối của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu.


2. Giai đoạn bế tắc: đây là giai đoạn dài nhất của cuộc đàm phán về Việt Nam, kéo dài từ tháng 1 năm 1969 đến đầu năm 1972. Trong giai đoạn này, bốn bên tham gia hội nghị tập trung đàm phán hai vấn đề mà tất cả hai phe đều gọi là "vấn đề then chốt". Đó là việc rút quân ngoại nhập và việc tìm một giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam.

Về vấn đề rút quân: Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút hết bộ đội, cán bộ và lực lượng ra khỏi miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia đồng thời với việc Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiên quyết giữ vững lập trường: người Việt có quyền chiến đấu tại bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Việt Nam, yêu cầu Hoa Kỳ phải đơn phương triệt thoái vô điều kiện quân đội Hoa Kỳ và các nước ngoài khác thuộc phe Hoa Kỳ khỏi miền Nam Việt Nam.


Về vấn đề tìm một giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam: Lập trường của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn là đòi duy trì chế độ Sài Gòn, không thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Từ tháng 6-1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và tiến hành một cuộc bầu cử dưới sự kiểm soát và do chính quyền Thiệu tổ chức. Lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận là đòi thay thế chính phủ hiện hữu bằng một nội các hòa bình, tiến hành tổng tuyển cử tự do, thành lập một chính phủ liên hiệp, tán thành hòa bình, trung lập, hòa hợp và hòa giải dân tộc để đi đến thống nhất Việt Nam.


Cùng với thái độ cứng rắn của các bên trên bàn đàm phán, tại chiến trường miền Nam Việt Nam cũng diễn ra thế trận giằng co. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, mặc dù Quân Giải phóng bị tổn thất và bị đẩy lùi vào các khu vực rừng núi, sát biên giới với Campuchia, Lào; liên quân Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng hòa tạm thời có thế chủ động trên chiến trường. Nhưng Quân Giải phóng mau chóng củng cố lại lực lượng và ngày càng lớn mạnh về tổ chức, cũng như vị thế trên chính trường thế giới. Tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, là đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam yêu nước chống xâm lược Mỹ. Trước tình hình đó, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự, tiêu diệt bằng được quân chủ lực và cơ quan đầu não Quân Giải phóng, bằng việc mở rộng chiến tranh sang biên giới Campuchia và Lào. Đồng thời, tái diễn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Trên bàn đàm phán, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn lảng tránh thảo luận các vấn đề căn bản, nhằm trì hoãn thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh.


Với thái độ trì hoãn của Hoa Kỳ, tính đến cuối năm 1971, Hội đàm Paris về Việt Nam đã họp tất cả 138 phiên họp bốn bên, nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể nào.


3. Giai đoạn đàm phán thực chất Kết thúc năm 1971, nhận thấy thái độ trì hoãn của Hoa Kỳ thông qua việc chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, lấy lại tù binh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định ngưng Hội nghị Paris về Việt Nam và tiến hành cuộc phản công chiến lược Xuân - Hè 1972, tạo thế buộc Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải nghiêm chỉnh đàm phán.

Cuộc tấn công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 nhanh chóng phát huy hiệu quả, từ tháng 7-1972, cuộc đàm phán bắt đầu đi vào thực chất. Tháng 8-1972, sự tiến triển của cuộc đàm phán về Việt Nam tại Paris còn được thúc đẩy bởi cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Và đến tháng 10-1972, khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang cận kề, các vấn đề cơ bản để giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được các bên thống nhất. Ngày 8-10-1972, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa cho phái đoàn Hoa Kỳ dự thảo "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và hai bên thảo luận cụ thể từng điều khoản. Sau 5 ngày thảo luận, ngày 12-10-1972, bản dự thảo Hiệp định gồm 9 điểm được hình thành. Đến ngày ngày 20-10- 1972, các bên đã hoàn toàn thống nhất về lịch trình ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.


4. Giai đoạn ký kết. Đầu tháng 11-1972, Nixon lấy lý do Nguyễn Văn Thiệu phản đối ký kết, đã gửi thông điệp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông báo việc ký kết vào ngày 31-10-1972 là không thể được.

Ngày 18-12-1972, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon cho máy bay chiến lược B.52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc Việt Nam, âm mưu hủy diệt hậu phương lớn cho công cuộc cách mạng ở miền Nam Việt Nam sau khi có ngừng bắn. Nhưng đến ngày 30-12-1972, không "khuất phục" được quân dân Việt Nam và bị thiệt hại nặng nề, đồng thời bị dư luận quốc tế và trong nước phản đối mạnh mẽ, Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải chấm dứt ném bom quay lại đàm phán và đông ý ký kết Hiệp định Paris theo phương án đã được hai bên thống nhất vào tháng 10-1972. Ngày 27-1-1973, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của bốn bên chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư liên quan.

Nhìn chung, chỉ là một giai đoạn rất ngắn (chưa đầy 3 tháng) nhưng giai đoạn này đã thể hiện khá rõ tính chất "đánh và đàm" trong lịch sử cuộc đàm phán tại Paris về Việt Nam. Giai đoạn này, lần đầu tiên dư luận thế giới thấy được một sự phá bỏ trắng trợn những cam kết trong đàm phán quốc tế của Hoa Kỳ. Và đây cũng là giai đoạn thể hiện rõ ràng nhất vai trò của quân sự đối với đàm phán. Việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh chỉ có thể được thực hiện sau chiến dịch tàn phá đối phương với quy mô và cường độ chưa từng có của Hoa Kỳ bị thất bại nặng nề.


Mặc dù Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, nhưng do cuộc đàm phán là một phương thức tiến hành cuộc chiến tranh, nên kết quả của nó cũng giống như kết thúc một chiến dịch trên chiến trường, chỉ có thể có tác động làm thay đổi thế và lực của các bên tham chiến, mà chưa thể mang lại hòa bình bền vững cho Việt Nam. Và thực tế, giai đoạn sau khi Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1973-1975), dân tộc Việt Nam đã phải tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng, tiến lên đánh đổ chế độ Sài Gòn, gạt bỏ những cản trở trên con đường thi hành Hiệp định hòa bình ấy để tiến tới một nền hòa bình thật sự - độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM