Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:19:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biển Đông yêu dấu  (Đọc 1719 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #30 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:37:32 am »

Qua khỏi quần đảo An Thới là nhìn thấy ngay đảo Phú Quốc, một đảo lớn còn có tên là đảo Ngọc, nằm trong quần thể 22 đảo trong vịnh Thái Lan, hợp thành huyện Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Tổng diện tích huyện đảo rộng đến 593,05km2, riêng đảo Phú Quốc chiếm 574km2, suýt soát với diện tích quốc đảo Singapore. Thủ phủ của huyện đảo là thị trấn Dương Đông, nằm ở phía bắc đảo, nơi rộng nhất đến 25km. Những lúc trời quang, đứng ở Dương Đông có thể nhìn thấy Hà Tiên, một thắng cảnh trên đất liền, cách đảo 45km. Núi Chúa cao ngất, 603m, như một cột cờ hoành tráng thông báo chủ quyền của nước ta trên vùng biển Tây Nam. Địa hình thoải dần từ nam lên bắc với 99 ngọn núi nhấp nhô. Biển sâu trên mười mét nước. Từ 1671, Mạc Cửu quê ở Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc chạy loạn đến Hà Tiên lập ấp, đến 1708 trở thành thuộc hạ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Đến đời con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ, người được triều đình Huế giao trấn thủ vùng này, được vua Campuchia là Nặc Nguyên và Nặc Tôn tặng đất bao gồm cả Phú Quốc và đem cả vùng này nhập vào lãnh thổ nước ta dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát.


Dân số Phú Quốc đến nay là 80.000 người. Giang sơn Phú Quốc thật là cẩm tú, nên thơ. Gần Dương Đông có một bãi đá màu thẫm nổi trên nền cát trắng và biển xanh, nơi có Dinh Cậu nổi tiếng linh thiêng. Dân chài từ lâu lập đền này để thơ thần biển cầu xin phù hộ cho cư dân khi đi đánh cá vượt qua được sóng to gió dữ, làm ăn thuận lợi. Cạnh đó còn có cây hải đăng chỉ đường cho tàu thuyền qua lại ban đêm. Suối Tranh trên đảo đẹp như tên gọi. Dòng nước bắt nguồn từ trên cao ở dãy Hàm Ninh len lỏi qua các vạt rừng, các khe đá rồi đổ xuống thành các thác nhỏ, hợp nhau lại thành suối dài đến 15km. Hai bờ đầy hoa thơm cỏ lạ. Những đám cây hình khẳng khiu, rắn rỏi mọc chen kẽ đá, cành khảm đầy những nhánh phong lan, hoa vàng, trắng, tím, đỏ kết nối nhau thành chuỗi treo lơ lửng giữa không trung. Mỗi khi cơn gió nhẹ thoảng qua mùi hương dìu dịu lại lan tỏa khắp vùng. Dọc theo suối có những hang động cao, loài dơi về trú ngụ treo mình dày đặc trên vách đá, không những tạo ra cảnh quan lạ mắt mà còn cung cấp cho dân địa phương một lượng phân tự nhiên quý giá, phục vụ cho nông nghiệp và cho cả nghề làm thuốc nổ.


Ở phía bắc đảo còn có đền thờ Nguyễn Trung Trực, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến kéo dài 7 năm sau khi nhà Nguyễn đã nhượng Nam bộ cho Pháp hồi cuối thế kỷ 19, và là người có câu nói bất hủ trước khi hy sinh: "Bao giờ hết cỏ Tháp Mười, thì dân Nam mới hết người đánh Tây". Tượng trưng cho truyền thống bất khuất của toàn dân tộc còn có nhà tù Phú Quốc, khét tiếng dã man không kém nhà tù Côn Đảo, nơi giam giữ hàng nghìn chiến sĩ cách mạng cận đại, nhất là các chiến sĩ thời kháng chiến chống Mỹ.


Trên vùng biển Tây Nam chúng tôi lại có dịp nghe thêm một truyện kể về một người anh hùng tàu không số. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Hiệu, người huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Là một chiến sĩ vệ quốc quân chiến đấu trên chiến trương Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, năm 1954 ông tập kết ra Bắc và năm 1962 ông tham gia đoàn tàu không số mang phiên hiệu "đoàn 125 hải quân". Trong 10 năm từ 1962 đến 1972 trước lúc hy sinh ông đã có thành tích tuyệt vời, đưa 13 chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam bộ thành công mỹ mãn. Chuyến đi cuối cùng xuất phát từ Hải Phòng ngày 16 tháng 3 năm 1972 trên con tàu 642 chơ 70 tấn đạn cối và một tân thuốc nổ TNT cùng nhiều quân trang, quân dụng thiêt yếu cho quân khu 9. Lúc bấy giờ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển không còn là bí mật đối với quân đội Mỹ nên hai chuyến ra khơi vượt sóng to gió lớn, đến địa phận phía nam mũi Cà Mau đều bị tàu chiến đối phương chặn lại, phải quay về nơi xuất phát. Chuyến đi thứ ba rời Hải Phòng ngày 12-4-1972 vòng ra hải phận quốc tế, đến sáng ngày 23 tháng 4, tức là sau 11 ngày, tàu 642 đã có mặt cách Phú Quốc 60 hải lý. Thành công đã ở trong tầm tay, nhưng các chiến sĩ của ta không biết rằng máy bay do thám Mỹ đã chụp hình rất rõ ràng con tàu yêu quý của các anh. Được điện báo của Bộ Tổng tham mưu "bến động", tàu 642 chuẩn bị quay trở lại vùng biển quốc tế thì đã bị vây chặt tứ phía. Tàu khu trục lớn nhất của hải quân đối phương áp sát hòng bắt sống tàu của ta và dùng hỏa lực cực mạnh để tấn công, uy hiếp. Đạn địch rơi như mưa quanh tàu 642. Ông Hiệu và ông Lê Hà, hai chỉ huy của tàu ra lệnh toàn đơn vị đánh trả. Một số chiến sĩ hy sinh vì lực lượng hai bên quá chênh lệch. Một quả đạn địch rơi đúng đuôi tàu, bánh lái bị gãy nát, tàu mất phương tiện điều khiển nên cứ phải chạy vòng tròn. Ông Hiệu ra lệnh cho ông Hà cùng các chiến sĩ còn sống sót nhảy xuống biển, bơi ra xa tàu, còn một mình ông ở lại chiến đấu, cho nổ tàu rồi bơi ra sau. Giây phút đó thật là khủng khiếp. Vì tàu chạy vòng tròn nên khi thì xa, khi thì gần với các chiến sĩ đang bơi, trong lúc tàu địch tăng cường áp sát, đạn bắn như mưa nên việc chọn thời điểm ấn nút điện cho một tấn thuốc nổ tung nhưng không gây thương tích cho đồng đội là vô cùng khó. Ông Hiệu quyết định ở lại tàu chờ đến khi tàu 642 cách xa đồng đội nhất mới điểm hỏa. Một tiếng nổ long trời lở đất, nước bắn lên cao như có sóng thần, ôm toàn bộ con tàu cùng ông Hiệu vào lòng, chìm xuống đáy biển. Biển Phú Quốc trở thành chiếc áo quan kỳ vĩ nhất bao bọc thi thể nát tan của người anh hùng. Cả 16 chiến sĩ đang bời bị địch bắt đưa về giam ở nhà lao Phú Quốc cho đến sau hiệp định Paris mới được trao trả. Mãi sau này khi đất nước đã bình yên, theo chỉ dẫn của những người còn sống sót, đồng đội ông mới tìm được một phần hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ và năm 1978 ông Hiệu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Chúng tôi chẳng ai bảo ai, đứng nghiêm trang trên boong tàu Bình Minh, cúi đầu mặc niệm ông, các bọt sóng do con tàu đang chạy tạo ra thành những vòng hoa trắng xóa, tinh khiết, lặn dần vào làn nước trong xanh của vùng biển Tây Nam để trao tận tay những người chiến sĩ anh hùng của Tổ quốc vĩ đại.


Nhờ khí hậu tốt, Phú Quốc có rất nhiều khu rừng nguyên sinh phát triển đến nay vẫn còn nguyên vẹn, diện tích đến 8.700 ha, được nhà nước khoanh vùng thành rừng quốc gia với 530 loài thực vật bậc cao, 365 loài chim, 150 loài động vật và hơn 1.000 loài dược thảo như cam thảo, hà thủ ô, bí kỳ nam, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân, ở đây trồng rất nhiều vườn điều, hồ tiêu chất lượng và năng suất cao, riêng hạt tiêu khô năm 2007 đạt đến 1.500 tấn, góp phần quan trọng đưa nước ta thành nước xuất khẩu sổ một trên thế giới về hạt điều và thứ hai thế giới về hạt tiêu.


Đặc sản của Phú Quốc ngoài nước mắm mà cả Thái Lan cũng mượn thươmg hiệu để xuất khẩu còn có cá khô, nấm tràm, các loại rượu thuốc đặc hiệu, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và đặc biệt là giống chó ở Việt Nam không nơi nào có. Chó Phú Quốc có xoáy trên sống lưng, là một trong ba dòng chó có xoáy lưng trên thế giới. Chó biết đào hang để đẻ con, có biệt tài săn thú, biết bơi giỏi như rái cá nhờ bàn chân có màng như chân vịt. Lông mượt và ngắn, khi bị ướt chỉ cần rùng mình là toàn bộ nước bắn ra hết. Chó Phú Quốc đang trên đường trở lại đấu trường các cuộc thi chó quốc tế để khẳng định lại danh tiếng của một giống chó thuần chủng đã từng được thế giới biết đến hơn 100 năm trước. Chó Phú Quốc với các đặc trưng quý giá là nguồn cung cấp cho đội quân chó trinh sát mà lực lượng an ninh và quân đội ta đang rất cần.


Vùng biển Tây Nam của nước ta có đến 150 đảo lớn nhỏ, liên kết với nhau gần suốt chiều dài của vịnh, trở thành những căn cứ tiền tiêu chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ để chúng ta hòa nhập với thế giới, kết giao với bạn bè. Đảo Phú Quốc với diện tích rộng lớn, tài nguyên giàu có, nhất là gần nhiều mỏ dầu khí của ta cũng như của Campuchia, Thái Lan, Malaysia, có nhiều điều kiện để xây dựng thành một khu du lịch cao cấp, một khu công nghiệp đa ngành phát triển và một trung tâm thương mại của cả khu vực Đông Nam Á chẳng kém Singapore. Một khi dự án kênh đào Nam Thái Lan được xây dựng nối liền biển Đông với vịnh Bengal, thông thương với Ấn Độ Dương thì tầm quan trọng của Phú Quốc càng được nâng lên gấp nhiều lần. Hiện nay nhiều nước đã đến đầu tư vào Phú Quốc. Đường bay nội địa của hàng không Việt Nam đang được mở rộng, giúp cho hòn đảo này càng gần với đất liền và với các trung tâm kinh tế toàn cầu. Chừng 20 năm nữa, khi tôi trở thành một người thành đạt, chắc chắn tôi cũng sẽ đầu tư vào Phú Quốc, góp phần bé nhỏ của mình để hòn đảo này thực sự trở nên một khu vực giàu sang, một hòn ngọc quý như tên gọi của nó trên vùng biển cực tây của đất nước.


Rời Phú Quốc tôi về Rạch Giá, đi thăm Hà Tiên, ngắm Hòn Dương, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, chùa Hang và các động rải rác khắp chiều dài của bờ biển Tây Nam bộ. Nơi nào cũng cuốn hút tôi, không những bởi những gì được thấy hiện nay mà cả những đề án tương lai. Việt Nam, tổ quốc của tôi, của chúng ta nhất định sẽ cường thịnh, văn minh, hiện đại. Đó là niềm tin mãnh liệt của tôi sau chuyến đi dài ngày và rất thú vị này.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #31 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:38:21 am »

Biển Đông vẫy gọi

Tàu Bình Minh còn tiếp tục làm nhiệm vụ nghiên cứu ở vịnh Thái Lan nhưng tôi phải về để giúp đỡ mẹ tôi, thăm ông bà, chơi với các em tôi, cũng như ôn tập chuẩn bị cho năm học mới. Suốt thời gian vừa qua ngao du thỏa chí khắp biển Đông, nhưng không lúc nào tôi nguôi nhớ về những người thân ở nhà.


Sau bữa cơm chia tay đầm ấm mà tôi không bao giờ quên, ông tôi đưa tôi ra ngồi hóng gió trước ban công khách sạn Phú Cường để nghe ông nói chuyện tiếp, ông hỏi tôi bây giờ đã hiểu những gì về biển. Tôi nhớ lại những điều đã được các nhà khoa học trên tàu giảng giải cho tôi suốt cuộc hành trình, nhưng cũng giống như học bài, mới chỉ đọc một lần làm sao nhớ hết được. Tôi nhắc lại về tiềm năng du lịch, về tài nguyên, về luật biển... nhưng chắc chắn là hết sức lộn xộn và không đầy đủ. Tuy nhiên ông vẫn khen tôi là đã hiểu được rất nhiều điều cơ bản. Tôi thích lăm mặc dù vẫn biết là ông động viên, khuyến khích tôi là chính.


Trước mặt tôi là biển Kiên Giang, vô vàn những chấm sáng của tàu thuyền di động. Thỉnh thoảng một vài hồi còi lại vang lên chào những người thân đi đưa tiễn hay đi đón người nhà trở về. Ông tôi im lặng suy tư rồi chậm rãi vào chuyện tiếp.


Biển nói chung là môi trường mở đầu sự sống trên hành tinh chúng ta. Trong môi trường đó vật chất đã vận động, chuyển hóa từ vô cơ sang hữu cơ để các tế bào sơ khai ra đời. Sau hàng tỷ năm tiến hóa, những mầm sống đơn giản nhất ấy đã phát triển để trở thành tất cả giống loài từ thực vật đến động vật, từ hạ đẳng đến cao cấp, sống trên cạn hoặc dưới nước như ta thấy ngày nay. Quy luật và cơ chế điều hành quá trình ấy còn là một bí mật sâu thẳm mà các nhà bác học đến nay chỉ mới bắt đầu khám phá được một phần vô cùng bé nhỏ. Do đó biển vừa là một trường học lớn, vừa là một phòng thí nghiệm khổng lồ để chúng ta nghiên cứu các lĩnh vực khoa học khác nhau.


Biển Đông là một bộ phận của Thái Bình Dương, đại dương lớn nhất, sâu nhất và có lẽ cũng cổ nhất thế giới, thông thương với toàn cầu, lại có tài nguyên phong phú, đa dạng nên có vị trí địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng. Biển Đông được hưởng hầu hết những thuận lợi do điều kiện địa lý và điều kiện tự nhiên đưa lại nhưng đồng thời những thuận lợi ấy cũng là nguyên nhân của các tai họa khi nhân loại chưa đạt tới mức độ văn minh cần thiết để mọi dân tộc sống với nhau thân thiết như anh em một nhà.


Tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển của nước ta quan trọng nhất hiện nay là dầu khí với trữ lượng khoảng 3-4 tỷ tấn dầu quy đổi, cùng các khoáng sản có giá trị khác như than, sắt, mangan, thiếc, titan, cát thủy tinh, vật liệu xây dựng v.v... khá dồi dào. Còn một tài nguyên quan trọng bậc nhất, khối lượng khổng lồ mà ít người nhắc đến là nước. Không có nước mọi loài sẽ bị hủy diệt. Quả đất chúng ta ưu việt hơn các hành tinh khác chính là vì nó có nước. Từ nước biển nhờ cơ chế bốc hơi nên có nước ngọt nuôi sống toàn bộ cây cỏ và muôn thú trên đất liền. Nhờ có biển nên lượng mưa của nước ta rất lớn, đó là điều mà nhiều nước mơ ước, nhất là các nước cận sa mạc hay sa mạc. Từ nước biển ta có thể lấy ra các loại muối, từ muối ăn đến muối iốt, các loại Sulfat, carbonat cùng nhiều loại muối đặc chủng, vi lượng khác. Khi công nghệ phát triển cao hơn, từ nước biển loài người có thể lấy ra hydro (H), làm nhiên liệu vĩnh hằng cho tương lai, thay cho dầu mỏ, than đá khi các loại nhiên liệu hóa thạch này đi vào cạn kiệt.


Hiện nay một nguy cơ lớn đang đe dọa loài người, đó là lượng CO2 do các ngành công nghiệp, do cuộc sống hiện đại, do nạn cháy rừng thải vào không khí, gây ra hiệu ứng nhà kính làm cho quả đất nóng dần lên và hậu quả khủng khiếp như thê nào cháu đã nghe qua. Đối với nước biển, CO2 còn làm tăng độ axít của tầng nước trên mặt, gây nguy hại đến đời sống sinh vật biển. Nhưng các vùng biển sâu lại có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp để hạn chế vấn đề này bằng cách thu hồi CO2 rồi cho hydrat hóa, tức là cho đóng băng rồi thả chìm xuống đáy để chôn cất hoặc thông qua cơ chế carbonat hóa, tạo thành khoáng vật kết tủa để trở thành các loại đá carbonat tự nhiên.


Hoạt động hàng hải quốc tế trên biển Đông vô cùng sôi động. Hàng năm hơn một nửa số tàu buôn trên thế giới đều chạy qua vùng này. Một nửa số lượng tàu chở dầu từ vịnh Ba Tư đến Đông Á đều đi qua Trường Sa, cho nên nhu cầu về cảng trung chuyển hàng hóa là rất lớn. Biển chúng ta có hàng trăm vịnh nước sâu có thể xây dựng nhiều cảng có tầm quan trọng quốc tế nên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này. Miền đất ven bờ và nhiều đảo có tiềm năng kinh tế cao, cảnh quan đẹp, là những địa điểm để phát triển du lịch lý tưởng. Trong lòng biển, tài nguyên sinh vật thật phong phú, ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh chóng. Ngành vận tải biển, đóng tàu và các ngành công nghiệp khác cùng các ngành dịch vụ đi kèm cũng sẽ là một trong những chìa khóa để đưa nước ta tiến lên hiện đại hóa. Tóm lại, một nước có đến hàng 3.000km bờ biển và một diện tích biển rộng hàng triệu km2 không có lý do gì để không là một cường quốc biển.


Nhưng biển không phải là không có mặt trái của nó. Đó là bão tố, sóng thần, cướp biển và cao hơn nữa là chiến tranh giành giật tài nguyên, đất đai. Biết những điều này để chúng ta không hoang mang, lo sợ mà có những kế hoạch đối phó dài hạn. Khi đi qua vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa cháu đã nghe những rắc rối có thể trớ thành một tiềm năng xung đột lớn ở biển Đông. Tuy nhiên về mặt luật pháp quốc tế, Công ước năm 1982 đã đưa ra một số nguyên tắc chỉ đạo liên quan đến tình trạng các đảo, thềm lục địa, vùng biển lân cận và giới hạn lãnh thổ có thể vận dụng để giải quyết bất đồng. Lần trước ông đã nói đến cách chia thềm lục địa, chắc là cháu đã nhớ rồi. Còn quyền đối với thềm lục địa thì có thể tham khảo ở một số điều cơ bản sau đây. Một là trong Điều 3 quy định: "Mọi quốc gia đều có quyền mở rộng hải phận trong giới hạn 12 hải lý". Điều 55-75 định nghĩa khái niệm khu vực kinh tế độc quyền (EEZ). EEZ là một khu vực rộng trên 200 hải lý và gần kề hải phận. EEZ cho phép các quốc gia ven biển có toàn quyền tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên sống hoặc không sống ở khu vực trên mặt biển, dưới đáy biển và trong lòng đất. Điều 76 quy định: "Thềm lục địa của một quốc gia bao gồm đáy biển, các tầng đất dưới sâu trong khu vực biển kéo dài từ bờ biển qua hải phận đến rìa ngoài của bờ lục địa hoặc đến khoảng cách 200 hải lý". Điều này rất quan trọng vì điều 77 "cho phép mọi quốc gia thực hiện toàn quyền trên thềm lục địa cho mục đích tìm kiếm, thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên". Điều 121 quy định những vùng bãi đá sẽ không có khu vục kinh tế độc quyền hoặc thềm lục địa nếu không duy trì sự sống của con người hoặc cuộc sống kinh tế của chính vùng này.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #32 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:38:52 am »

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển quy định các nước công bố chủ quyền chồng lấn sẽ phải giải quyết bằng đàm phán thiện chí. Nguyên tắc khu vực phát triển chung đã được áp dụng ở vịnh Thái Lan có thể là một mô hình trong lúc chờ đợi các quốc gia phân chia chính thức vùng bị tranh chấp. Indonesia đã đảm nhận vai trò chủ đạo trong các sáng kiến ngoại giao và thỏa thuận họp tác nhằm giải quyết những vấn đề của biển Đông thông qua diễn đàn của ASEAN, kêu gọi giải quyết chủ quyền lãnh thổ trong hòa bình. Các vấn đề này cũng được thảo luận tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tổ chức cùng với hội nghị các bộ trưởng ASEAN với 22 nước tham gia. Tháng 11 năm 1999 các thành viên ASEAN đã đưa ra một văn bản chung do Việt Nam và Philippines dự thảo, hướng dẫn giải quyết các xung đột trên biển Đông và Trung Quốc cũng đã chấp nhận. Ngoài ra một yếu tố cũng rất quan trọng là cùng với thời gian nhân loại sẽ văn minh hơn, những người chính trực ở mọi quốc gia sẽ đông hơn, lục lượng đấu tranh cho lẽ phải và cho hòa bình sẽ phát triển hơn, nước ta cũng sẽ cường thịnh hơn, tất cả sẽ tạo thành một lực cản mạnh mẽ để ngăn chặn những hành vi bạo lực xuất phát từ lòng tham cố hữu của các thế lực phong kiến, đế quốc lỗi thời.


Ông hỏi tôi đã nghe nói đến Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chưa. Chiến lược là một ngọn đèn chỉ hướng cho chúng ta hành động trong tương lai nên cần phải biết, ít nhất là những nét cơ bản. Tôi nói cũng muốn biết lắm, nhưng chưa được nghe, ông đặt tay lên đỉnh đầu, vuốt mấy sợi tóc thưa như thói quen mỗi khi cần nhớ những điều đã quên rồi nói tiếp. Mục tiêu tổng quát của Chiến luọc này là "đến 2020 đưa nước ta trớ thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. Để thực hiện mục tiêu này thì trong thời gian tới nước ta sẽ "đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ; xây dựng tuyến đường ven biển và các tuyến vận tải cao tốc trên biển. Hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế để ra biển. Tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh trên biển, khả năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai. Nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và quan hệ quốc tế về biển, đảo".


Nếu chiến lược này được thực hiện nghiêm túc thì sau mười năm nữa chúng ta sẽ xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế mạnh, nòng cốt là cảng biển, công nghiệp và du lịch biển, làm đầu tàu lôi kéo cả vùng biển phía Bắc từ Móng Cái đến Ninh Bình phát triển. Đối với miền Trung, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của vùng, là một trong ba trung tâm kinh tế biển lớn nhất nước ta. Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận sẽ là hành lang kinh tế dọc đường cao tốc Bắc - Nam, với các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, và các đô thị ven biển. Đó là những trung tâm kinh tế tổng hợp với kinh tế hàng hải, du lịch, công nghiệp công nghệ cao làm nòng cốt. Ở vùng biển và ven biển Đông Nam bộ thì thành phố Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh là những trung tâm kinh tế lớn hướng ra biển của vùng. Các tuyến hành lang kinh tế, các khu công nghiệp trong đó quan trọng nhất là tuyến hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51 sẽ phát triển mạnh mẽ. Ở vùng biển và ven biển Tây Nam, từ Tiền Giang đến Cà Mau, Kiên Giang thì đảo Phú Quốc sẽ là trung tâm kinh tế lớn của vùng hướng mạnh ra biển. Tuyến hành lang kinh tế ven biển phía tây (Rạch Giá - Hà Tiên) và tuyến hành lang kinh tế ven biển phía đông (Bạc Liêu - Gành Hào - Cà Mau - Năm Căn) gắn với khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau sẽ là những con đường hoa của tổ quốc ở phương Nam.


Thông điệp mà thế hệ ông muốn gửi đến các cháu là phải giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải do tổ tiên để lại, giữ gìn môi trường cùng các hệ sinh thái bền vững, khai thác họp lý, thông minh các loại tài nguyên và bằng mọi cách xây dựng tình hữu nghị chân chính giữa dân tộc ta với tất cả các dân tộc trên thế giới, gần cũng như xa.


Năm nay cháu đã mười sáu tuổi, sẽ là đoàn viên và sẽ là một công dân đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mà các thế hệ đi trước giao lại. Cháu và các bạn cháu sẽ học tập thật tốt, trang bị cho mình những kiến thức toàn diện để trờ thành những người tài của quốc gia. Đương nhiên việc này đâu có dễ dàng nhưng truyền thống yêu nước và trí thông minh của các cháu là những đảm bảo vững chắc cho niềm tin của thế hệ ông.


Ông tôi ngừng lời và ôm tôi vào lòng. Gió biển về đêm se se lạnh nhưng lúc này tôi thấy ấm cúng lạ thường. Ngoài bãi nước triều đang lên, kéo theo những tiếng gầm trầm trầm, mạnh mẽ. Các đợt sóng đua nhau hùng dũng tiến vào bờ trắng xóa dưới ánh điện đêm tỏa sáng cả bờ biển Rạch Giá. Lòng tôi cũng rạo rực không kém những con sóng ấy sau khi nghe những lời tâm huyết của ông.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2022, 06:28:46 am »

Thăm lại các vùng duyên hải và tàu Bình Minh sau những năm xa cách

Thấm thoát đã ba năm trôi qua kể từ khi tôi đi biển lần đầu mà tôi đã kể cho các bạn nghe trong các chương trước. Năm rồi mẹ tôi ốm nặng. Mỗi khi tôi đến thăm bà ở bệnh viện bà luôn nén đau đón để cười vui, khuyên khích tôi ngoan, chăm học và lúc nào cũng bảo nếu tôi học giỏi thì bệnh bà sẽ khỏi. Vâng lời mẹ, tôi đã giảm hẳn chơi game, không sa đà vào những phim hoạt hình hoặc bạo lực trên ti vi, dành thời gian để đọc sách, làm bài, tham gia lao động, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp và cùng mọi người trong gia đình chăm sóc mẹ tôi. Tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học và cũng vừa thi đỗ vào đại học trong kỳ thi tháng 7 vừa qua. Mẹ bảo đó là món quà có ý nghĩa nhất trong dịp lễ Vu Lan năm nay của tôi dành cho ba mẹ. Hai ông bà vui lắm nên khỏe ra, riêng mẹ tôi đã chữa khỏi cơn bệnh hiểm nghèo nên có vẻ trẻ đẹp hơn ba năm trước. Đương nhiên là tôi rất hạnh phúc về điều đó. Hiện nay tôi đang chờ ba mẹ tôi cho ý kiến sẽ theo học trường Đại học Hàng hải hay trường Đại học Dầu khí vừa mới thành lập để tiếp bước ông bà tôi, gắn bó với biển, góp phần xây dựng nước ta thành một cường quốc biển trong tương lai. Đang chưa có kế hoạch gì cụ thể trong mấy tháng chơ đợi nhập học, tôi được ông tôi báo tin ông được mời đi thăm con tàu Bình Minh đang làm nhiệm vụ khảo sát địa vật lý ở vùng biển sâu trong chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía nam, tiếp giáp với Trường Sa sau sự kiện sôi sục bị tàu Trung Quốc cắt cáp hồi tháng 6-2011. Nếu tôi thích ông sẽ cho đi cùng. Cố nhiên là tôi sướng quá đi chứ, làm sao mà bỏ lỡ một dịp may hiếm có như thế.


Kết hợp du lịch, hai ông cháu đi ô tô xuống tham quan Bãi Cháy, Hải Phòng, rồi theo đường ven biển vào Nam. Ông tôi bảo để xem chương trình phát triển kinh tế biển đã làm được những gì trong ba năm qua. Thành phố Hạ Long rất đẹp, nhiều phố mới hiện đại đã xuất hiện ngay trên những nơi trước đây còn là bãi sình lầy. Khách nước ngoài rất đông, chiếm gần hết chỗ trong các khách sạn cao cấp. Họ cũng đang tích cực ký tên chọn vịnh Hạ Long làm kỳ quan thiên nhiên thế giới theo sáng kiến của một tổ chức quốc tế bình chọn danh lam thắng cảnh toàn cầu đang diễn ra mấy năm nay và đang trong giai đoạn sắp kết thức. Du lịch biển đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng của nước ta, mang lại nguồn thu lớn không kém các ngành khác, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người, nhất là cho thanh niên có trình độ văn hóa và vốn ngoại ngữ tốt. Du lịch còn mở rộng giao lưu văn hóa, giúp người nước ngoài hiểu Việt Nam, ủng hộ Việt Nam hơn, đồng thời người Việt Nam cũng có dịp tiếp thu nền văn minh của các dân tộc khác, nhất là trong cung cách ứng xử, giao tiếp, tạo điều kiện tốt cho thu hút đầu tư, đổi mới toàn diện đất nước. Tuy thế ông tôi vẫn chưa vừa lòng khi nhìn thấy bãi biển còn chưa sạch, ít thấy các nhà máy sản xuất công nghiệp, các đội tàu thuyền đánh cá biển khơi chưa được đóng mới, trang bị chưa hiện đại nên vẫn còn quanh quẩn khai thác hải sản gần bờ, sản phẩm vừa ít vừa không đa dạng.


Trên đườg đi chúng tôi gặp những đoàn xe tải lớn, nối đuôi nhau chở đầy ắp hàng hóa xuất khẩu chạy về phía biên giới. Nhãn lồng Hưng Yên đang vào vụ thu hoạch đại trà, cùi dày, thơm phúc cùng với vú sữa, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, cam quýt, dưa hấu... từ các tỉnh phía Nam ùn ùn chảy về Móng Cái nhưng vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu của các thành phố lớn ven biển Trung Hoa. Tương lai của sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới xuất khẩu của nước ta đang rộng mở.


Vào Hải Phòng đôi mắt ông tôi thoáng buồn khi đi qua các xưởng đóng tàu biển của tập đoàn Vinashin nổi tiếng một thời. Do quản lý yếu kém kèm theo các tiêu cực khác, năm 2010 tập đoàn này đứng trên bờ vực phá sản. Nhờ sự hỗ trợ to lớn từ chính phủ và của các tập đoàn kinh tế khác cũng như sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ - công nhân làm việc ở đây, Vinashin đang dần phục hồi, nhưng vết thương quá nặng, chưa thể khắc phục một sớm một chiều. Con đường đi đến tương lai không phải chỉ được trải thảm đỏ mà còn có bao nhiêu gai góc. Nỗi buồn đó tạm lắng xuống khi trước mặt hiện ra những khu bồn chứa xăng dầu hình cầu đồ sộ, sáng loáng dưới ánh mặt trời. Đó là khu kho xăng dầu Đình Vũ. Để đổ đầy các bồn chứa đó chúng ta có thể hình dung các tàu chở sản phẩm lọc dầu từ các nơi vào ra cảng Hải Phòng nhộn nhịp đến mức nào cũng như các hoạt động dịch vụ ở đây phát triển ra sao. Khu công nghiệp Đình Vũ rộng lớn với nhà máy xơ sợi hiện đại, sử dụng dầu khí làm nguyên liệu đầu vào thu hút rất mạnh sự chú ý của mọi người. Công suất thiết kế của nhà máy này là 175.000 tấn sọi/ năm, đi vào sản xuất trong quý III - 2011. Ông tôi bảo ngành dệt may của nước ta có hàng vạn công nhân tay nghề cao, mỗi năm xuất khẩu một khối lượng hàng hóa với doanh thu trên 10 tỷ đô la Mỹ nhưng nguyên liệu hoàn toàn nhập khẩu nên lợi nhuận rất thấp. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ sẽ góp phần cải thiện tình trạng yếu kém đó trong các năm tới.


Dọc theo các bãi biển hai tỉnh Thái Bình - Nam Định xuất hiện vô số các khu nuôi ngao (nghêu), một hoạt động trước đây chưa từng có. Nhờ môi trường thích hợp, phù sa của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình rất giàu dinh dưỡng nên ngao phát triển rất nhanh, thịt rất ngon. Người đi cào ngao đông như đi hội, cười nói vui vẻ vang cả một vùng. Nghe nói nhờ gần với thị trường tiêu thụ nên ngao bán rất được giá, một lượng lớn được xuất khẩu, nhờ đó đời sống nhân dân ven biển được cải thiện rất nhiều, ông tôi bảo kinh tế biển không phải chỉ những gì to lớn, hiện đại mà còn cả những hoạt động cổ điển, giản đơn, cái gì mang lại sự tốt lành cho nhân dân đều phải được chú ý. Tôi thấy sáng ra qua những lời giải thích ngắn gọn đó.


Xe qua Thanh Hóa, khu lọc dầu Nghi Sơn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, công trường ngổn ngang những xe cộ, máy móc. Báo chí đưa tin nhà máy này còn to hơn Dung Quất, công suất lên đến 10 triệu tấn/ năm và có nhiều loại sản phẩm hơn. Hy vọng sau năm 2015 đi qua đây bạn có thể chiêm ngưỡng một thành phố công nghiệp mới, hiện đại, nguy nga, thay đổi hẳn bộ mặt của tỉnh Thanh nông nghiệp nghèo nàn với câu vè đau lòng từ nhiều năm trước: "Sản phẩm chủ lực là cây rau má... dô tá dô tà".
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2022, 06:29:23 am »

Dọc biển miền Trung đã có một số cảng nước sâu như Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Chu Lai, Dung Quát.... đi vào hoạt động. Hàng hóa xuất nhập cảnh qua các cảng này phục vụ cho kinh tế Việt Nam, Lào, Đông Bắc Thái Lan mỗi ngày một nhiều. Các bãi tắm Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Lăng Cô, Đà Nẵng... đông nghịt người trong nước và nước ngoài tới nghỉ ngơi, du ngoạn. Huế, thành cổ Quảng Trị, Hội An, Mỹ Sơn, Bà Nà trở thành quen thuộc với khách du lịch thuộc nhiều quốc tịch đủ các châu lục. Ấn tượng nhất đối với tôi là những cây cầu trên sông Hàn, thành phố Đà Nẵng. Ban đêm một chuỗi ánh sáng lung linh kéo dài từ đèo Hải Vân đến Hội An, đẹp như chuỗi ngọc trên cổ các bạn gái tuổi trăng tròn và bóng các ngôi nhà cao tầng, xinh xắn in trong làn nước trong vắt chảy từ nguồn Trường Sơn về tô điểm cho thành phố làm ta quên vùng này từng là chiến trường khốc liệt nhất trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vừa qua. Và ấn tượng hơn nữa là khu lọc dầu Dung Quất vừa đi vào hoạt động chính thức ngày 22-02-2010. Đối với các nước khác đây chưa phải là công trình có tầm quan trọng đáng ca ngợi, nhưng đối với nước ta thì con chim đầu đàn của ngành công nghiệp lọc - hóa dầu này thật là đáng tự hào. Trong lúc chúng ta còn nghèo nàn, cơ cực, khó khăn đủ điều, nhân lực, công nghệ thiếu trầm trọng mà dám quyết tâm bỏ ra 3 tỷ đôla để đầu tư cho công trình này nhằm vực dậy cả nền kinh tế miền Trung là cả một hành động rất dũng cảm, sáng suốt của những người lãnh đạo đất nước trong giai đoạn vừa qua. Với công suất chế biên 6,5 triệu tấn sản phẩm lọc dầu/năm, nhà máy Dung Quất sẽ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu tiêu thụ của cả nước. Theo kế hoạch năm 2009, nhà máy được vận hành nâng dần công suất để đến tháng 8/2009 đạt 100% công suất thiết kế trước khi nhà thầu bàn giao cho phía Việt Nam. Hiện nay toàn bộ cán bộ kỹ thuật, công nhân làm việc ở đây đều là người Việt Nam, sản lượng trong một tháng đạt gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn diesel, 23.000 tấn LPG (khí gas), trên 8000 tấn propylen và khoảng 30.000 tấn xăng máy bay, 25.000 tấn dầu FO. Ngày 25-8-2010 lễ bàn giao nhà máy sản xuãt polypropylen được tổ chức tại Quảng Ngãi từ tổ hợp nhà thầu sang chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Nhà máy có tổng mức đầu tư 234 triệu đôla Mỹ, công suất 150.000 tấn/năm, được coi như một phân xướng mới của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cùng với khí hyđró (H2) và các chất xúc tác khác, nhà máy này sản xuất ra trên 30 loại sản phẩm nhựa homopolyme, polypropylen có nhiều ứng dụng khác nhau, đáp ứng một phần nhu cầu hạt nhựa của thị trường trong nước. Hiện nay sản phẩm đồ gia dụng bằng nhựa của Việt Nam đã xuất khẩu ra nhiều nước và nước nhập sản phẩm này nhiều nhất lại chính là Nhật Bản, nơi cung cấp bản quyền công nghệ Hypol-II của nhà cung cấp Mitsu Chemical Inc. cho Việt Nam, một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Như thế, từ một vùng đất không ai biết đến, ngày nay Dung Quất đã trờ thành quả tim của cả miền Trung. Kể từ khi khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, GDP và thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đã tăng liên tục, từ 259 tỷ đồng năm 2005 lên 2000 tỷ đồng năm 2010. Có nhà máy lọc dầu làm hạt nhân, năm 2005 Quảng Ngãi đã thu hút được 20 dự án với tổng vốn đầu tư 1.218 tỷ đồng. Sang năm 2006 số dự án đầu tư tăng lên con số 42 trong đó có 2 dự án lớn 100% vốn nước ngoài, năm 2007 có 40 dự án đi vào hoạt động; năm 2008 có thêm 17 dự án mới với tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ đô la Mỹ. Như vậy việc đưa nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động đã có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và quốc phòng, tạo đà cho phát triển toàn diện các ngành công nghiệp và kinh tế của khu vực miền Trung - Tây nguyên, đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. Điều đó đã giải tỏa được những băn khoăn của nhiều người trong những ngày đầu khi biết tin Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên tại vùng đất gần như hoang vắng này. Những khó khăn trước mắt còn nhiều. Làm sao để quản lý, vận hành nhà máy an toàn, có hiệu quả dài hạn, hoàn vốn nhanh và có lãi, làm sao bảo đảm đời sống của ngươi dân có đất bị giải tỏa để xây dựng nhà máy mỗi ngày một tốt đẹp hơn, làm sao để đối phó với các hiểm họa thiên nhiên và các thế lực thù địch, bành trướng có thể gây ra ở một nơi gần bờ biển, làm sao để đời sống của cán bộ, công nhân ngày một nâng cao, ngang tầm khu vực, giữ chân được nhân tài trong cơ chế thị trường nghiệt ngã v.v... là những day dứt, trăn trở của những nhà lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương. Chê bai thì rất dễ nhưng thực hành thì rất khó. Nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng mọi trở ngại sẽ được vuợt qua. "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí sẽ làm nên". Lời Bác luôn vang vọng bên tai thế hệ chúng tôi.


Tôi cũng được biết trong tương lai không xa lắm các nhà máy lọc - hóa dầu địa phương ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoa, Cần Thơ cũng sẽ được xây dựng nếu không gặp những trở ngại quá lớn trong tìm kiếm đối tác. Lúc đó, cùng với Dung Quất, Nghi Sơn, Cà Mau, Vũng Tàu, nước ta sẽ có một hệ thống các nhà máy lọc - hóa dầu liên hoàn, đa sở hữu, đủ sức trở thành một trung tâm phân phối và trung chuyển sản phẩm dầu khí cho toàn khu vực, mang lại nhiều lợi ích cho Tổ quốc. Khu kinh tế Chu Lai trước đây được tuyên truyền rất rầm rộ nhưng hiện nay chưa có thay đổi gì nhiều. Đó có lẽ một phần do đầu tư dàn trải, manh mún trong lúc nguồn vốn có hạn.


Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại thăm vùng đất cực nam Trung Bộ. Các thành phố Nha Trang, Cam Ranh ngày nay đã trở thành những điểm sáng nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam. Qua Ninh Thuận được nghe kể chuyện ở huyện Thuận Bắc từ tháng Giêng 2011 đến nay tình trạng phun bùn vẫn tiếp tục diễn ra làm nhiều người lo lắng, ông tôi giải thích cho tôi biết đây là vùng có nhiều đá chứa sôđa (cacbonat natri) tự nhiên, sét bentonit và nước khoáng. Từ mấy trăm năm trước cung nữ trong triều đình nhà Nguyễn đã dùng sôđa này để giặt quần áo khi nước ta chưa biết đến xà phòng. Nhân dân địa phương gọi chất này là "cát lồi". Trước năm 1970 dân Ninh Thuận còn tự khai thác "cát lồi" bán cho các chủ cơ sở sản xuất xà phòng ở Sài Gòn. Những vật liệu này có các chất vi lượng tương tự nhau, đều chứa natri và được hình thành từ hoạt động núi lửa cổ. Bùn nhão ở Ninh Thuận chính là sôđa tự nhiên nói trên. Natri trong thành phần bùn có tính trương nở rất mạnh khi tiếp xúc với nước. Dưới tác dụng của nhiệt độ trong lòng đất, bùn nhão bị đẩy lên mặt đất giống như một hoạt động hậu núi lửa, tạo ra hiện tượng phun trao tự nhiên nhung không gây nguy hiểm và các tổ chức du lịch có thể đưa khách đên tham quan hiện tượng hấp dẫn kỳ thú này để làm phong phú thêm nội dung du lịch. Ninh Thuận cũng đang xôn xao về đề án xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở đây: nhà máy số 1 dự định đặt tại Phước Dinh cách thành phố Phan Rang khoảng 10 km về phía đông nam, nằm ngay trên bờ biển và nhà máy số 2 tại Vĩnh Hải cách thành phố Phan Rang khoảng 15km về phía đông bắc, cách biển gần 2km. Người tán thành cũng đông và người không đồng tình cũng không ít. Người đồng tình cho rằng đây là một công trình rất cần thiêt để bảo đảm an ninh năng lượng cho vài chục năm sau cũng như cần phải tiếp thu công nghệ tiên tiến nhất của thời đại để giải quyết nhiều mục tiêu chiến lược khác, ông tôi lại nằm trong nhóm không đồng tình, ông nói đề án đòi hỏi một lượng vốn đầu tư quá lớn, trên hai chục tỷ USD khiến cho nợ quốc tế gia tăng, tạo thành gánh nặng cho thế hệ con cháu. Nguy cơ xảy ra tai nạn tiềm ẩn khó lường vì không có công nghệ nào dám đảm bảo an toàn 100%. Miền Trung đất hẹp nếu xảy ra sự cố như ở Nhật hoặc Ukraina thì hậu quả sẽ rất tai hại cho cả miền Nam. Giá thành điện hạt nhân quá cao và lượng điện sản xuất ra chỉ khoảng 10% tổng sản lượng cả nước. Khối lượng điện này có thể giải quyết bằng các giải pháp tiết kiệm điện tiêu dùng hoặc các nguồn năng lượng khác rẻ hơn và ít nguy hiểm hon. Tôi chỉ nghe vì chưa có hiểu biết gì về lĩnh vực này.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2022, 06:29:54 am »

Thả bộ chậm rải trẽn bãi cát mịn màng Cam Ranh, ông tôi nhìn theo các lớp sóng đuổi nhau trên mặt biển, ông nói với tôi về những nhận xét của ông: cháu Sơn, cháu có thấy sự khác nhau của các lớp sóng đập vào bờ không? Tôi đáp sau một hồi lâu quan sát rằng có lớp mạnh, lớp yếu, có cả những lớp tan ngay từ xa, không vào được đến bờ. Ông nói rằng những con sóng trên đường đi liên kết được với nhau thì rất mạnh, còn liên kết yếu thì sẽ yếu hoặc không liên kết với nhau thì tan vỡ giữa đường. Tình hình phát triển kinh tế biển của các tỉnh miền Trung tuy khởi sắc rất nhiều nhưng cũng có cái gì đó ít nhiều tương tự. Tỉnh nào cũng đứng riêng, tìm mọi cách để thu hút đầu tư, cạnh tranh với nhau, tạo điều kiện cho các đối tác tiềm năng tăng sức ép, giành phần lợi thế về họ. Giá như lãnh đạo các tỉnh loại bỏ được hoàn toàn tính bản vị địa phương, liên kết với nhau theo một quy hoạch phát triển chung thì không những sử dụng được nội lực hiệu quả hơn, phát huy được thế mạnh của mỗi tỉnh, không đầu tư quá trùng lặp để sản phẩm đầu ra không dư thừa, cung vượt cầu, kéo theo giá trị doanh thu giảm cũng như điều kiện thu hút đầu tư không hạ quá thấp, gây thiệt hại lâu dài cho địa phương mình. Cháu nhìn xem, các bãi cát ven bờ suốt từ Bình Định trở vào bị đào nham nhờ để khai thác titan, một khoáng sản quý hiếm, phá sạch màu xanh của các dãy rừng chắn gió, chắn cát bay và sản phẩm khai thác được lại phải bán hạ giá cho nước ngoài để vài năm nữa lại phải nhập khẩu với giá đắt gấp nhiều lần. Các cảng cũng cạnh tranh nhau, tùy tiện trong quản lý xuất nhập khẩu, khám xét, kiểm tra qua loa làm cho kỷ cương buông lỏng, luật pháp không được tôn trọng. Nếu như liên kết được với nhau, phân phối lượng tiếp nhận tàu ra, tàu vào một cách hài hòa, phối hợp với nhau trong kế hoạch vận tải hàng hóa một cách có lợi nhất v.v... thì doanh thu sẽ cao do chi phí giảm, thiết bị, nhân lực sử dụng tối ưu. Cháu bây giờ sắp trở thành một sinh viên, một công dân đầy đủ quyền lại và nghĩa vụ nên cần phải quan tâm, phải biết các vấn đề của đất nước để góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước. Tôi suy nghĩ rất nhiều về lời khuyên của ông.


Lần trước tôi chỉ đi ngoài biển, vồng quanh đất mũi cực nam để về Phú Quốc nên lần này ông tôi cho tôi đi thẳng xuống Cà Mau để tận mắt thấy vùng đất đầy hấp dẫn được mô tả trong Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi hay trong các truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư. Đường đi từ thành phố Hồ Chí Minh xuống miền cực nam của tổ quốc khá tốt, phần lớn mới được xây dựng. Các cây cầu trên sông Tiền, sông Hậu có thể xếp vào loại bậc nhất nhì về mức độ hiện đại và vẻ đẹp kiến trúc trong vùng Đông Nam Á. Hai
bên đường những hàng chuối mọc san sát, khác lạ so với cảnh quan dọc các con đường ở các vùng khác. Ruộng lúa bát ngát hòa màu xanh với các vườn dừa tạo thành một màu đặc sản quyến rũ. Những tán lá dừa xoe ra, che nắng gió cho những ngôi nhà rất đơn sơ, có thể gọi là các túp lều, nằm sát bờ kênh rạch. Những em bé nước da cháy nắng, đen nâu, tung tăng đi qua các cây cầu khỉ cheo leo. Những đoàn ghe thuyền gắn máy hối hả xuôi ngược trên mặt kênh tạo ra những con sóng nối tiếp đập vào bờ, dập dềnh từng đợt cùng với tiếng ồn kéo dài, khi to khi nhỏ. Thỉnh thoảng lại có những chiếc xuồng nhỏ nhắn, thảnh thơi lượn lơ như đi dạo giữa những rừng cây ngập nước. Phong cảnh thật là kỳ thú.


Tỉnh Cà Mau cách thành phố Hồ Chí Minh 370km, diện tích 5.329km2, ba phía giáp biển nên có thể coi như một tỉnh của biển. Cà Mau có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế toàn diện nhưng thế mạnh lớn nhất vẫn là thủy sản. Diện tích ngư trường rộng đến 70.000km2, diện tích nuôi thủy sản đạt 270.000 hécta. Tổng sản lượng khai thác thủy sản hiện nay đạt 320.000 tấn/năm, riêng tôm đã chiếm đến 120.000 tấn/năm. Ông chủ tịch tỉnh nêu những con số rất lạc quan: GDP năm 2009 đạt 20.494 tỷ đồng, GDP tính trên đầu người hiện nay đã vượt 1000 USD, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 647 triệu USD chưa kể số tiền thu về từ dầu khí. Các khu du lịch sinh thái, biển đảo như bãi Khai Long, đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạt, rùng ngập mặn, mũi Cà Mau, rừng tràm U Minh Hạ, sân chim Đầm Dơi... đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh học thế giới. Có đến vườn quốc gia mũi Cà Mau mới thấy hết vẻ đẹp kỳ diệu của rừng ngập mặn trù phú dọc theo bờ biển. Chúng như những bức tường phòng hộ, chắn gió, chống xói lở cũng như thúc đẩy quá trình lắng đọng phù sa mới ở biển, tạo ra môi trường sinh trưởng lý tưởng cho cua, cá, tôm và các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Từ các khu rừng này, Cà Mau khai thác mỗi năm được 120.000-150.000 mét khối gỗ làm nguyên liệu cho chế biến ván ép, ván dăm, gỗ ghép, phục vụ cho nhu cầu địa phương lẫn xuất khẩu.


Ngành dầu khí cũng đã góp phần biến đổi nhanh chóng Cà Mau thành một tỉnh nông-công mà nòng cốt là khu liên hợp khí-điện-đạm đang được xây dựng trên thềm đất U Minh Hạ, nơi đã từng ghi dấu bao chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vừa qua. Ngoài khu liên họp khí-điện-đạm còn có các khu công nghiệp Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc, Năm Căn, cảng hàng không Cà Mau và cảng Năm Căn.


Như tôi đã kể cho các bạn nghe trong các chương trước, tại vùng chồng lấn PM3 giữa Việt Nam và Malaysia ở phía nam Cà Mau, hai nước đã thỏa thuận và triển khai hợp tác khai thác dầu khí từ 5 năm nay. Khí đốt khai thác ở các mò vùng này được dẫn ngầm dưới biển đưa về đất liền làm nhiên liệu phát điện cho nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất lắp đặt mỗi nhà máy 750 MW, đã đưa vào vận hành đúng tiến độ, sản xuất mỗi năm 7-8 tỷ Kwh điện và đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Phần khí còn lại cũng như khí sẽ khai thác từ các mỏ trong vùng thuộc chủ quyền của nước ta ở phía nam Cà Mau sẽ là nguồn nguyên liệu cho nhà máy đạm Cà Mau đang được xây dựng. Nhà máy này có công suất thiết kế 800.000 tấn urê/ năm, tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho hơn một vạn người trong giai đoạn xây dựng và trên 600 người có trình độ kỹ thuật cao trong giai đoạn vận hành, được khởi công từ tháng 7/2008 và sẽ hoàn thành trong năm 2012. Sản phẩm chính của nhà máy này là phân đạm chất lượng cao, dạng viên vê, khí CO2 tinh khiết phục vụ đời sống, sản xuất công nghiệp và công nghệ thực phẩm. Đạm Cà Mau sẽ đáp ứng nhu cầu nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đạm Phú Mỹ, sản lượng đạm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sản xuất sẽ đạt 1,5 triệu tấn/ năm, chiếm khoảng 60% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn giá phân bón và an ninh lương thực của nước ta.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2022, 06:30:47 am »

Sau một tuần đi đường, chúng tôi đến Vũng Tàu, nơi được mệnh danh là thành phố dầu khí. Gần tượng đài thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo mới xuất hiện một tượng đài mang ngọn lửa tượng trưng cho thương hiệu của ngành dầu khí Việt Nam. Các chú làm việc trong Liên doanh dầu khí Việt- Nga (một liên doanh mới, tiếp tục nhiệm vụ của Liên doanh dầu khí Việt-Xô đã hết thời hạn hoạt động giữa năm 2011) tiếp ông cháu tôi, cho biết đơn vị đầu đàn của ngành dầu khí Việt Nam này vừa mới tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày ký hiệp định giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Xô Viết (19/6/1981 - 19/6/2011) thành lập Liên doanh Vietsovpetro rất trọng thể. Đến nay liên doanh này đã khai thác trên 193 triệu tấn dầu thô, chiếm 76% tổng sản lượng toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu thô đạt 54,3 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận của phía Việt Nam gần 34,4 tỷ, lợi nhuận phía Liên Xô cũ và Nga đạt 8,8 tỷ (số còn lại dành cho chi phí sản xuất), cung cấp cho Việt Nam 23 tỷ mét khối khí đồng hành không lấy tiền, tương đương khoảng 4 tỷ USD và quan trọng hon hết là đã đào tạo thông qua công việc cho nước ta một đội ngũ những công nhân chuyên nghiệp cũng như kỹ sư dầu khí có trình độ cao, đủ bảo đảm nhân lực cho toàn ngành. Liên doanh mới có thời hạn hoạt động 20 năm nữa sẽ bảo đảm cho sản lượng không dưới 7 triệu tấn dầu thô/năm. Vietsovpetro cũng vừa tìm thấy dầu ở mỏ Gấu Trắng, kết quả thử vỉa ngày 04-8-2011 cho dòng dầu tự phun với lưu lượng trên 2000 thùng/ngày và sẽ đưa mò này vào khai thác vào năm 2012. Như vậy tiếp theo phát hiện vỉa dầu mới ở tây bắc mỏ Bạch Hổ vào cuối tháng 6 vừa qua, đây là lần phát hiện dầu quan trọng thứ hai trong năm 2011 của Vietsovpetro. Bể Cửu Long quả là kho vàng của Việt Nam. Trong kế hoạch 2011-2015 Liên doanh dầu khí Việt-Nga, Tổng công ty thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) cùng các liên doanh, các chủ hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) khác sẽ gia tăng trữ lượng hàng năm 30-40 triệu tấn, khai thác dầu thô 15-20 triệu tấn/năm, khai thác khí đốt 8-13 tỷ mét khối/năm; các kế hoạch tiếp theo chắc chắn sẽ vượt các chỉ tiêu đó. Tôi mách cho các bạn biết tên các mỏ dầu khí ở thềm lục địa của nước ta đang và sẽ được đưa vào khai thác để các bạn dự thi tìm hiểu ngành dầu khí nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của ngành vào tháng 11-2011 này nhé ! (thực ra tôi cũng chỉ mới nghe lỏm trước các bạn tí chút thôi): Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Lan Tây, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông, Phương Đông, Ruby, Bunga Raya, Cá Ngừ Vàng, Topaz, Dừa, Đồi Mồi, Chim Sáo (7-2011), Tê Giác Trắng (8-2011), Đại Hùng pha hai (9-2011), Lan Đỏ, Sư Tử trắng, Hải Thạch - Mộc Tinh, Gấu Trắng (2012), Hải Sư trắng, Hải sư Đen, Thiên Ưng, Thăng Long, Đông Đô, Diamond (2013), Kim Long, Ác Quỷ, Cá Chó, Cá Voi, Gấu Ngựa, Gâu Chúa, lô 11/1 (2014), Hàm Rồng, Lạc Đà Nâu, Hoang Long, Hắc Long, Bạch Long, Sư Tử Nâu (2015). Năm 1975 ta chỉ có một mỏ khí nhỏ ở Tiền Hải (Thái Bình), 40 năm sau ngay những người làm trong ngành dầu khí cũng không nhớ hết tên các mỏ. Các bạn thấy ngành dầu khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ như thế nào và có thích không?


Thành phố Vũng Tàu vừa là thành phố du lịch nổi tiếng, với hàng loạt bãi tắm sạch đẹp mang tên rất dân dã như bãi Trước, bãi Sau, bãi Dâu hay văn hoa như Thùy Vân, cũng vừa là thành phối nổi tiếng về công nghiệp liên quan đến biển. Các cảng dầu khí xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước không ngừng được mở rộng, hiện đại hóa, nằm nối tiếp nhau, đủ các loại tàu chuyên dụng, tàu vận tải vào ra nhộn nhịp suốt ngày đêm. Ở đó cũng đã xuất hiện các công xưởng sản xuất, lắp ráp các bộ phận của các loại gian khoan biển, từ chân đế cho đến các kết cấu phần trên, nơi ăn ở, làm việc, nơi đặt sân bay trực thăng, vòi đuốc đốt khí không sử dụng hết v.v... Gần đây nhất ta đã tự thiết kế, chế tạo thành công giàn khoan rất hiện đại phục vụ cho khai thác mỏ Đại Hùng và ngày 12/8/2011 tại cảng dầu khí, Vietsovpetro đã long trọng gắn biển chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống dầu khí Việt Nam cho 2 giàn khai thác do ta tự thiết kế, chế tạo mang ký hiệu RC-6 và RC-7 phục vụ cho mỏ Rồng gồm nhiều hạng mục, với tổng khối lượng 2000 tấn mỗi giàn, sắp tới sẽ chế tạo tiếp và hạ thủy giàn Mộc Tinh 1 và chân đế giàn Hải Thạch 1 phục vụ cho dự án biển Đông, đặt tại mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch. Đó là những công trình kỹ thuật cao, mở đầu cho công nghiệp phục vụ các công trình xây dựng chuyên dụng trên thềm lục địa từ nước nông đến nước sâu trên 100m, đánh dấu những bước trưởng thành của ngành kinh tế biển Vũng Tàu.


Tuy việc đi thăm tàu khảo sát địa chấn mang tên Bình Minh 02 đã được định trước nhưng tôi vẫn rất hồi hộp, suốt đêm trước khi lên tàu tôi không hề chợp mắt. Để phân biệt với con tàu Bình Minh đầu tiên, tự cải hoán từ tàu vận tải cũ đã đi vào lịch sử, các chú địa vật lý gọi con tàu mới mua năm 2008 là Bình Minh 02. Đây là con tàu đóng mới hoàn toàn, máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ địa chấn 2D tức là thu hình ảnh lát cắt lòng đất dưới dạng hai chiều. Năm nay ta cũng đặt mua thêm một tàu địa chấn 3D, tức là thu sóng theo không gian 3 chiểu, chuyên phục vụ cho khảo sát tỉ mỉ các mỏ chuẩn bị đưa vào khai thác. Trong lúc chờ đợi nhận tàu mới, ngành dầu khí phải thuê tàu 3D của nước ngoài.


Sáng tháng Tám, mặt trời lên rất sớm, khí hậu mát mẻ dễ chịu. Ông Hãn, nguyên phó giám đốc công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí đưa hai ông cháu tôi cùng một số cán bộ dầu khí đã về hưu ra cảng Bến Đình. Tàu Bình Minh 02 đang nằm chờ vài ngày ở đây để kiểm tra kỹ thuật và chuẩn bị phương tiện, lương thực cho chuyến khảo sát dài ngày ở vùng biển sâu. Toàn là người quen cũ nên cuộc gặp gỡ xảy ra rất vui. Mọi người ôm nhau thân thiết sau một thời gian xa cách theo truyền thống của những nhà địa vật lý vốn rất tình cảm và vui tính. Ai cũng khen tôi chóng lớn quá, hoàn toàn đã là một thanh niên cường tráng, đủ sức đi biển dài ngày như các chú. Tôi rất sung sướng nhưng đôi lúc được khen nhiều cũng hơi ngượng vì thực tình trong thời gian qua thỉnh thoảng tôi cũng chưa tự giác học hành và tự khép mình vào kỷ luật. Lần này tôi không được đi ra biển vì thời gian quá hạn chế, tôi phải về sớm để chuẩn bị nhập học cũng như bổ sung thêm kiến thức cho Bình Minh, Minh Hà, An Phong, Hoàng Bách trước khi các em bước vào năm học mới.


Ông tôi và các bác, các chú khác cùng lên thăm tàu, thăm tất cả các ngóc ngách như đang đi về nhà cũ rồi ra boong tàu nghe các chú trình bày các thành tựu mới, những sáng kiến kỹ thuật đã được áp dụng, những phát hiện dầu khí mới mà các chú vừa thu được trong hai năm gần đây cùng những chuyện vui buồn nghề nghiệp. Dần dần câu chuyện chuyển qua vụ tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 2 trong các tháng vừa qua.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #37 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2022, 06:31:33 am »

Chú chỉ huy tàu Bình Minh 02 kể lại: khoảng 5 giờ 5 phút ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 tiếp tục công tác khảo sát bình thường theo một chương trình đã bắt đầu từ tháng 3-2011 trên vùng bể trầm tích Phú Khánh. Vùng này thuộc chủ quyền của Việt Nam, không có tranh chấp với bất kỳ nước nào vì chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý. Khi tàu Bình Minh 02 đến khao sát tại vĩ độ 12°48’25" bắc, kinh độ 111° 26’ 48" đông thì rađa trên tàu phát hiện có tàu lạ di chuyển với tốc độ rất cao về phía mình mà không hề ra tín hiệu cảnh báo. 5 phút sau đó lại có thêm 2 tàu nữa đến hỗ trợ. Đó là 3 tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, cứ như đi trong ao nhà của họ. Để bảo đảm an toàn và tránh va chạm, Bình Minh 02 chủ động hạ giàn máy thu sóng kéo sau đuôi tàu chìm xuống nước 30m nhưng tàu Trung Quốc không dừng lại hoặc đổi hướóng. Đó là những con tàu quân sự cải hoán làm tàu dân sự, rất to lớn, ngoài vỏ tàu sơn trắng nổi lên hàng chữ Hán ngoằn ngoềo cùng dòng chữ tiếng Anh CHINA MARINE SURVEILLANCE. Trên sàn tàu lô nhô nhiều thứ, không rõ đó là vũ khí hay thiết bị. Khoảng 6 giờ kém 2 phút, tàu Trung Quốc áp sát tàu của ta, xông thẳng vào chỗ có giàn cáp, đưa thiết bị xuống nước lôi cáp lên và cắt đứt. Sau đó họ tiếp tục bám sát tàu Bình Minh, giở trò đe dọa, khiêu khích và cho một sĩ quan ra đọc thông báo tàu Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tàu Bình Minh 02 cực lực bác bỏ luận điệu đó. Tàu Trung Quốc tiếp tục cản trở tàu Bình Minh 02 hoạt động. Mãi đến 9 giờ ngày 26-5 họ mới chịu rút ra khỏi khu vực này. Ta phải dừng công việc suốt cả ngày 26-5 để thu lại các thiết bị bị phá hỏng đưa đi sửa chữa. Thiệt hại của tàu Bình Minh 02 rất lớn. Ngay sau đó, ông Hậu, nguyên là chỉ huy trưởng tàu Bình Minh cũ, nay là phó tổng giám đốc thường trực Petrovietnam đã lên truyền hình cực lực lên án hành vi của phía Trung Quốc, đòi bồi thường cho Petrovietnam. Bộ Ngoại giao ta cũng đã trao công hàm phản đối cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội trong đó nêu rõ hành động nói trên vi phạm quyền chủ quyền của Việt nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc mà hai bên đều ký kết tham gia, trái với tinh thần và lời văn của tuyên bõ năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc vể cách ứng xử ở biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông. Phía Trung Quốc tuyên bô việc làm đó là đương nhiên, bình thường của họ. Từ nhiều năm việc bắt giam ngư dân Việt, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ rồi đòi tiền chuộc vẫn xảy ra liên tục. Tiếng khóc than của những gia đình nạn nhân sinh sống bằng nghề biển ở suốt dọc duyên hải miền Trung cứ kéo dài mãi. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 28-5-2011, thuyền trưởng Nguyễn Văn Trung ở Tuy Hòa cho biết ở vùng biển giũa vĩ tuyến 9 đến 17° bắc, 111° kinh đông, nhiều ngày có đến vài trăm chiếc tàu Trung Quốc vào đánh bắt mực, họ lại còn dùng hung khí đâm chém ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên biển của nước mình, trái hẳn với truyền thống thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau đã có từ lâu đời. Ngày 08-6-2011 tàu Viking 2, quốc tịch Nauy, thuộc liên doanh giữa công ty CGG Veritas (Pháp) và PTSC của Petrovietnam tiến hành khảo sát địa chấn 3D tại lô 136 ở phía đông nam Cà Mau theo yêu cầu của công ty Talisman (Canada) cũng lại bị tàu đánh cá và tàu ngư chính Trung Quốc cản trở, phá hỏng giàn cáp nhiều lần, phải ngừng hoạt động để sửa chữa. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mới đây tuyên bố đưa tàu sân bay của họ vào hoạt động ở biển Đông năm 2012 cũng như đưa giàn khoan nước sâu vào khoan tìm dầu ở quần đảo Trường Sa sắp tới đang tạo ra nhiều đám mây đen trên bầu trời khu vực. Các sự kiện nói trên đã gây ra các cuộc biểu tình tự phát bày tỏ sự phản ứng chính đáng của những người yêu nước Việt Nam sống trong nước lẫn ở nước ngoài liên tục trong tháng qua* (Trong thông báo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 18-8 yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát có đoạn viết: "... các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát diễn ra trong các ngày chủ nhật từ đầu tháng sáu 2011 đến nay xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân..."). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; nhân dân Việt Nam sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp của mình nếu bị nước ngoài xâm lược** (Theo báo Tuổi Trẻ ngày 17-8-2011, trả lới câu hỏi của cử tri Hải Phòng về biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Chủ quyền là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Đảng, Nhà nước ta đã, đang và sẽ làm hết sức bằng sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc chủ quyện của Tổ quốc; tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cải của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trẽn biến của đất nước ta"). Các nước trong khối ASEAN và các nước khác có quyền lợi ở biển Đông như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, các nước châu Âu, châu Đại Dương đều không đồng tình với các hành động của Trung Quốc và đều nỗ lực để tìm những giải pháp thích hợp cho biển Đông. Chiến tranh đem lại đau khổ và thiệt hại cho bất cứ ai. Ông Ánh, một đại tá từng làm việc ở Tổng cục Dầu khí Việt Nam và là khách tham quan nhắc lại rằng Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng con đường hòa bình thông qua thương lượng song phương những vấn đề liên quan giữa hai nước và đa phương nếu liên quan đên nhiều nước. Hòa hiếu là bản chất của dân tộc Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa là nhu nhược, là cam chịu khi bị dồn ép, bức bách. Bác Hồ đã dạy chúng ta trong suốt hai cuộc kháng chiến vừa qua biết phân biệt giữa bọn thực dân, đế quốc hiếu chiến, tham lam, tàn bạo với nhân dân lao động và những người yêu công lý ở các nước thù địch, nên chúng ta luôn luôn nhận đưực sự ủng hộ của bạn bè yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình khắp nơi trên thế giới. Nhiều chú nhắc lại bài hát đã rất ưa thích một thời, ca ngợi tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Hoa trong đó có những câu lay động lòng người:

   Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông,...
   mối tình hữu nghị sáng như vừng đông...
   chung một ý, chung một lòng, đường ta đi rực màu cờ cách mạng...



Ông tôi nói tiếp: Nhân dân Việt Nam, thanh thiếu niên Việt Nam không chống Trung Quốc, luôn tìm mọi cách để bảo vệ tình hữu nghị sâu đậm lâu đời giữa hai dân tộc nhưng rất kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân, bành trướng, bá quyền, chủ nghĩa nước lớn lỗi thời của một bộ phận người Trung Quốc. Chắc chắn nhân dân Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm đó. Bác Hồ từng nói Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Chúng ta cũng hứa với Bác sẽ làm được điều Bác mong một cách xứng đáng nhất. Loài người sớm muộn rồi cũng bước sang giai đoạn văn minh. Chính nghĩa chắc chắn sẽ thắng hung tàn và những bài hát hữu nghị ngày nào sẽ được vang lên với tất cả sự nhiệt tình của những năm xưa.


Chia tay các chú trong ngành dầu khí làm việc ở Vũng Tàu, tạm biệt tàu Bình Minh, tôi đã viết vào nhật ký của minh những điều vừa nghe các ông, các chú nói trong buổi tham quan, gặp gỡ này. Cái gì của Việt Nam phải là của Việt Nam.

   Nam quốc sơn hà nam đế cư
   Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
   Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
   Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Một nghìn năm trước Lý Thường Kiệt đã viết như vậy, minh định Việt Nam không thể trở thành nước lệ thuộc, nô lệ dưới bất cứ hình thức nào đối với bất cứ cường quốc nào. Ngoài ra một đất nước có hàng vạn ki lô mét vuông biển, hàng nghìn cây số bờ biển, lại có rất nhiều bạn be trên khắp thế giới, nhất định sẽ có nền kinh tế biển phồn vinh. Tôi tin như vậy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM