Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:05:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Sở Công an Bắc Bộ ra đi  (Đọc 3699 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:38:38 am »

Nhưng có lẽ vì tôi bịt mồm mũi, nên nói không ai nghe rõ, mà anh em cứ thúc mũi súng vào ngực, gạt tôi ra sang bên để tháo lui. Tôi đành phải cởi bỏ khăn mùi xoa hét to: "Địch ném lựu đạn cay đấy! Anh em không ai được rút lui, trèo lên gác cao tránh luồng khói là được, không rút lui! Không rút lui!"


Có số anh em bình tĩnh đã nghe tôi làm như vậy. Tôi liền đứng chặn ngay chỗ lỗ đục tường đề phòng địch tấn công sang. Tôi vừa ho sặc sụa vừa bắt hai anh có lựu đạn, súng trường gác ở chỗ này, chắn không để địch chui sang được, rồi ôm lấy ngực, ngồi dựa vào chân tường để thở.


Em Lương một tay ôm chặt lấy miệng, mũi, cứ nắm lấy áo tôi, tôi bảo em: "Chạy xuống gọi cứu thương lên ngay!" Rồi tôi đẩy em qua lỗ đục tường, không còn chịu được nữa nên nằm phục xuống đất. Khói lựu đạn cay tan dần vì gió bấc thổi mạnh, nhanh chóng xua tan làn khói độc. Em Lương và hai chị cứu thương đã đến kịp săn sóc cho những anh bị ho nặng. Nhìn thấy tôi nằm dưới đất, em Lương cuống quít nói như khóc: "Anh Tuấn! Anh Tuấn làm sao thế này? Các chị ơi cứu anh Tuấn với!" Một chị cứu thương chạy vội đến hỏi tôi: "Anh bị thương vào đâu?"

- Tôi chỉ bị tức ngực vì hít phải nhiều khói cay.

Các chị cứu thương lấy khăn ướt nhúng nước đưa cho anh em chúng tôi lau mặt, mũi, rồi bảo chúng tôi lên gác nằm thở đều đặn thật mạnh để đẩy hết khí độc ra ngoài phổi. Một lúc sau, mọi người đã tỉnh lại dần, tinh thần lại ổn định, chui qua lỗ đục tường sang bên trường, bố trí trong các phòng học. Địch cũng không dám liều xông sang nữa vì không rõ chúng tôi còn trụ lại ở đâu, nếu chúng liều vượt qua hàng rào sợ lại trúng đạn nên thi thoảng ném vu vơ vài quả lựu đạn sang sân trường.


Đồng chí tiểu đội trưởng vệ quốc đi thăm từng người, lại dẫn anh em lên bố trí chỗ cũ. Tiếng súng ở mặt này tạm yên, nhưng ở mấy phố xung quanh vẫn thấy súng nổ ran, xen kẽ với những tiếng "tắc-bọp" rất khó chịu và nguy hiểm. Lúc này tôi đã đỡ tức ngực, thấy đồng chí Tấn đưa thêm lực lượng vệ quốc đoàn lên tiếp viện. Nhìn thấy tôi vẫn nằm dài ờ sàn nhà, bên cạnh có chị cứu thương đang dấp khăn mặt ướt lên mặt tôi, anh chạy vội lại: "Tuấn bị thương à? Mình thấy mặt trận này im tiếng súng, sợ bị vỡ nên điều thêm quân lên tiếp viện!"

- Mình chỉ bị tức ngực thôi, nhưng không sao. Lúc nãy anh em chưa biết là loại khói gì nên có hoang mang, bây giờ lại về vị trí cũ rồi. Địch chưa chiếm được trường Hàm Long, nhưng chúng mình cũng phải rút xuống mấy nhà để chặn địch.

- Cậu về dưới nghỉ đi một lát. Mình sẽ ở lại đấy với anh em. Ở mạn dưới các cậu cần chú ý đến phố Charron (Mai Hắc Đế) và phố Jacquin, đề phòng nó đánh thọc sang định chia cắt bọn mình ở trên này đấy. Còn mặt phố Huế cũng chưa gay lắm.


Tôi và em Lương khó nhọc mới lần được qua mấy nhà xuống đến phố Laveran (Lê Văn Hưu). Tôi nghỉ lại trong ngôi nhà ở sát đường, bảo em Lương theo đường hào xuống mạn phố dưới xem tình hình chiến sự ra sao, về báo cho tôi biết. Khi em Lương vừa ló ra khỏi bức tường thì tiếng súng "tắc-bọp" ở ngoài phố Huế đã nổ tới tấp.


Tôi bảo em Lương thận trọng theo các lỗ đục tường mà đi và nghĩ thầm: "Bọn địch đã cho thổ phỉ lấn sâu xuống mạn dưới này rồi. Phải lùng quét sạch bọn này nếu không sẽ phiền với chúng." Tôi nghĩ như vậy liền lấy ống nhòm quan sát các nhà gác cao, nhưng chỉ thấy nhà nào cũng đóng cửa sổ kín mít. Bọn thổ phỉ cũng biết ẩn mình kín lắm. Tôi đang ngồi nghe tiếng súng nổ ở các nơi để đoán tình hình chiến sự, thì em Lương đã quay lại.

- Anh Oánh và các anh tự vệ đang bố trí ở dưới chợ Hôm. Anh cho biết là quân Pháp ở đường Gia Long (Bà Triệu bây giờ) đánh quặt sang phố Riquier (Nguyễn Du) tiến xuống dưới phố Charron (Mai Hắc Đế) rồi. Còn ở phố Jacquin chúng cũng tung quân ở nhà dầu Shell đánh thẳng xuống, đã chiếm được một đoạn đầu phố Laveran, tới ngã năm Lò Đúc. Tuấn Em đang đưa lực lượng đánh chặn ở phía ấy. Anh Oánh nhận nhiệm vụ đánh địch dọc phố Huế, nhưng còn bến phố Charron là chưa có lực lượng chặn địch.

- Anh em mình phải sang bên đó thôi!

Tôi bảo em Lương như vậy, rồi hai anh em lần theo đường hào sau chiến luỹ để sang đường bên kia hè phố. Gặp anh Oánh, anh cho tôi biết:

- Tuấn sang bên phố Charron chỉ huy anh em đánh chặn không cho địch dùng chiến thuật cắt đuôi bọn mình. Thủ đoạn của chúng định khoá lực lượng chúng ta ở trên này rồi tung quân tiêu diệt. Mình ở mặt phố chính   này rồi. Tuấn Em cũng đang đánh ác liệt ở đường Jacquin, không   cho chúng quặt sang bao vây chúng mình.

Tôi thống nhất vài điểm với anh Oánh, rồi cùng em Lương theo lỗ tường đục xuống đến chợ Hôm. Khi đi qua giữa chợ Hôm thì bị địch phát hiện, chúng nấp ở đầu phố Huế bắn sang. Hai anh em nấp sau hàng cột tròn. Một viên đạn bắn trúng cột nơi tôi nấp. Viên đạn trượt vào cạnh tường, còn xoay tít như con quay trên mặt đất. Em Lương tò mò cúi xuống định nhặt lên chơi, tôi vội kéo tay em lại nhưng không kịp. Em Lương nhặt đầu viên đạn lên rồi lại vội buông ra ngay, xuýt xoa kêu bỏng.

- Em dại lắm. Đầu đạn bắn ra còn rất nóng. Địch bắn chúng ta mà còn nghịch làm gì.

Chờ lúc ngớt tiếng súng nổ, hai anh em chúng tôi băng qua con hào chạy ngang phố Harmand (Trần Xuân Soạn), chui ngay vào ngôi nhà, luồn tường xuống phía dưới đến chỗ có chiến luỹ ngang đường phố Huế mới ung dung sang bên dãy nhà số chẵn của phố Huế. Vào được trong nhà, tôi đi tìm tổ tự vệ có bốn người đang đứng canh giữ mặt đường.

- Địch đánh chúng ta ở phía sau, chúng đã đưa xe tăng án ngữ ở ngã tư Miribel (Trần Nhân Tông) rồi.

- Chúng ta bị địch cắt phía dưới rồi hả anh?

- Nó chặn xe mặc nó, còn muốn sục vào các ngôi nhà thì chưa dám đâu. Tôi ở bên này với các anh sẽ tìm cách đánh bật xe tăng chúng đi, phiền là bọn mình có thể sẽ phải nhịn ăn đến tối đấy.

- Khoản ấy anh không lo. Chúng tôi mới thu được gần chục hộp sữa con chim, anh và em dùng tạm cho đỡ đói.

Chúng tôi nhận mỗi người một hộp sữa do anh tự vệ đưa cho, anh còn dùng dao găm chọc thủng một lỗ để chúng tôi hút từng ít một.

- Anh nào có lựu đạn đi với chúng tỏi xuống chỗ xe tăng địch án ngữ không?

Một anh đeo hai quả lựu đạn và mấy chai xăng crếp đứng lên xin đi cùng tôi và em Lương.

- Bọn mình như vậy có ba người. Các anh cũng có ba người cố giữ mặt phố bên này đường nhé. Bên kia có anh Oánh và các anh khác bố trí rồi. Chú ý cắt người canh gác chỗ lỗ đục tường nhé. Chúng có thể luồn xuống dưới này. Vừa qua chúng đã bắn tôi và em Lương ở trong chợ Hôm rồi đấy.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:39:28 am »

Nói xong, tôi đưa em Lương và anh tự vệ luồn qua các ngôi nhà xuống dưới phố Huế chỗ thông với ngã tư Charron. Ba chúng tôi nhẹ nhàng trèo lên căn gác gỗ đã ọp ẹp của ngôi nhà cũ kỹ, có vườn cây với mấy cây dâu to. Tôi rón rén đến bên cửa sổ, nhìn qua khe cửa chớp thấy rõ chiếc xe tăng đỗ lù lù ngay dưới chân mình. Mấy tên lính Pháp nghênh ngang đi lại quanh chiếc xe mà không cần nấp vào đâu. Có tên còn đứng tựa vào thành xe hút thuốc lá phì phèo. Tôi nghĩ ngay: "Chúng mày tưởng đánh Việt Minh chỉ dễ như cuộc đi dạo chơi thì hãy chờ đấy!" Tôi bàn với anh tự vệ sẽ bất ngờ mở cửa sổ, tôi bắn súng ngắn, còn anh ném lựu đạn và chai xăng crếp vào chiếc xe, xong rồi phải rút ngay xuống thang gác, không để cho địch kịp quay nòng súng đại bác nã vào chúng tôi.


Em Lương có quả lựu đạn của Mỹ vẫn giữ khư khư bên mình lúc này cũng lăm le xin được ném vì em thấy cũng ngon ăn lắm.

Tôi nhẹ nhàng đẩy then cửa không gây ra tiếng động, ra hiệu cho anh tự vệ chuẩn bị... Bất thần tôi đẩy tung hai cánh cửa sổ, nã hết cả băng đạn súng ngắn vào bọn địch đang túm tụm quanh chiếc xe. Anh tự vệ cũng kịp vừa ném lựu đạn, vừa tung chai xăng crếp vào chỗ xe tăng. Em Lương cũng len người ném quả lựu đạn duy nhất của em xuống đường. Tiếng mấy quả lựu đạn nổ vang ầm cả góc phố. Tôi nhìn kỹ thấy có ba tên đã gục xuống đường, còn chai xăng crếp cháy bám vào chỗ xích sắt. Khi thấy nòng súng đại bác quay từ từ về phía chúng tôi đang ẩn nấp tôi kéo vội em Lương tụt xuống cầu thang như tụt cầu trượt mà không kịp đi từng bậc, rồi cùng anh tự vệ luồn sâu xuống phía dưới cách mấy nhà. Vừa qua được một quãng thì tiếng đại bác nổ chói tai. Em Lương co vai nhìn tôi lè lưỡi cười nói: "Tí nữa thì anh em mình bay lên trời rồi đấy anh nhỉ!"


Sau phát đại bác bắn nát căn nhà cũ ấy, tôi nghe tiếng xe tăng gầm rú rồi chạy ra xa.

Mới có ba quả lựu đạn, chai xăng crếp và băng đạn súng ngắn cũng đã làm cho địch phải bỏ chạy, vì chúng tưởng là chúng tôi có đông người sẽ mở cuộc tấn công vào chúng nên chúng rút xe về ngã tư Lê Lợi (Bà Triệu bây giờ).


Tiếng súng ở mạn này đột nhiên im hẳn. Chúng tôi trở về tổ tự vệ ở phố Huế. Anh tự vệ phấn khởi, cười rạng rỡ, kể lại cho ba anh trong tổ nghe về "chiến công" của anh: "Xe nó chỉ cháy bên ngoài thôi chẳng "nước mẹ" gì, nhưng cũng có vài thằng bộ binh nằm lăn ra đất rồi! Thế là mình hết vốn. Đánh nhau bằng gì bây giờ?"

- Em cũng như anh, có mỗi quả lựu đạn đã tiêu hết. Nhưng em vẫn làm liên lạc cho anh Tuấn.

- Anh cũng đành quanh quẩn với mấy anh bạn này. May ra cướp được khẩu súng nào của địch thì đời tươi quá. Tiếc thật. Đành tìm cách đánh giặc khác vậy.

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa uống sữa. Đang ăn thì có tin anh Oánh báo sang là Tuấn Em và tổ tự vệ đang bị địch bao vây trong ngôi nhà đầu phố Pescador (Phù Đổng Thiên Vương). Anh Quỳ và anh Phụng đã đi điều thêm 10 anh tự vệ lên giúp sức.


Tôi nhìn bốn anh tự vệ ngần ngừ chưa định ra sao và cũng như muốn hỏi ý kiến các anh ấy vì tôi không muốn bỏ anh em ở lại bên này với lực lượng quá mỏng. Mấy anh đã giục tôi: "Anh cứ đi sang bên đó, đánh giải vây cho các anh em. Bên này cũng tạm yên rồi. Chúng tôi sẽ bám chặt đường phố."


Tôi lại kéo em Lương chạy sang hiệu bánh mì Boulangerie Moderne, thấy một tiểu đội có 4, 5 tay súng, còn đều là đao với kiếm. Một chị cứu thương, tóc uốn, áo dài mầu be sẫm, cũng đứng nghiêm trong hàng ngũ.

- Ta đi đánh giải vây cho anh em chứ?

- Chúng tôi sẵn sàng.

- Bây giờ tôi chia đôi người và số súng đạn, một nửa luồn sang phố Logerot đánh vòng lên. Một nửa theo tôi luồn lên mạn phố trên đánh xuống. Giải vây được cho anh em lại về tập hợp ở đây.

Chúng tôi nhanh chóng chia người đi ngay. Chị cứu thương theo nhóm tự vệ sang phố Logerot. Chúng tôi chạy sang chợ Hôm vào nhà gác cụ Vũ Đình Tụng lấy địa thế cao để bắn địch ở phố Harmand. Chỉ một lát sau, súng ở hai cánh chúng tôi đã nổ, kéo làn súng địch về phía chúng tôi. Trong căn nhà nơi đầu phố, chỗ của tổ anh Tuấn Em bị bao vây, cũng thấy có lựu đạn tung ra rồi mấy bóng người cúi chạy sang phố Logerot. Tôi nhìn thấy bóng chiếc mũ sắt biết là Tuấn Em đã thoát vây, liền ngừng nổ súng, tìm lối về địa điểm cũ. Đến nơi tôi thấy anh em cũng đã về đông đủ cùng ba người trong tổ của anh Tuấn Em nhưng tôi thấy anh cứ lom khom ôm bụng, liền hỏi:

- Cậu bị thương rồi phải không?

- Mảnh lựu đạn còn nằm trong ổ bụng, may mà nó chưa chui vào trong ruột.

Chị cứu thương băng bó tạm cho anh. Các anh tự vệ tìm ván cánh cửa định đưa anh về hậu phương để bác sĩ gắp mảnh lựu đạn nhưng anh đã gạt đi:

- Mình còn đi được. Cứ lom khom thế này luồn tường càng dễ dàng.

Tuấn Em vừa nói vừa cười để lộ hai hàm răng trắng, nhỏ sít vào nhau. Chị cứu thương đi theo anh về tuyến sau. Mấy anh tự vệ xin được ở lại trên này chiến đấu. Đi được vài bước, Tuấn Em quay lại, lật chiếc mũ sắt trên đầu đưa cho tôi: "Anh giữ lấy mà dùng, cứ đội cái mũ bê rê cà tàng ấy mãi!"


Tôi cầm lấy chiếc mũ sắt chụp vào đầu em Lương:

- Phải bảo vệ cái đầu xinh xinh này trước.

Em Lương đội cái mũ sắt sụp gần đến mắt, nhưng thích lắm cứ cười tít mắt: "Em mất lựu đạn lại có mũ sắt. Thế nào em cũng cướp được khẩu súng của địch, giá là khẩu các-bin thì thích quá!"

- Em cứ theo anh thế nào cũng có dịp lấy được súng của giặc.

- Em đợi khi nào gặp chị Lan, em lại cho chị ấy cái mũ này. Của Tây chính cống đấy anh nhỉ!

- Đúng rồi. Ta chưa làm được mũ sắt. Vài anh tự vệ có mũ sắt là của Nhật cứ tròn ung ủng như cái nồi đồng úp chụp xuống cả mắt. Chú lại muốn lặng bà chị chiến lợi phẩm này à?

- Em có mũ bê rê rồi, để cho chị Lan là con gái xông pha trên mặt trận tốt hơn. Anh em mình là con trai chẳng cần anh nhỉ!

- Tuỳ em.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:40:35 am »

Cả ngày hôm ấy súng địch im ắng. Chỉ thi thoảng có vài tiếng súng "tắc-bọp" của bọn Việt gian, thổ phỉ vang lên ở mấy phố nghe rất khó chịu, mà chúng tôi chưa tìm diệt được tên nào. Tìm một người ẩn náu kỹ trong các nhà ở phố đông đúc như phố Huế không phải là dễ. Có khi chúng ở ngay trên trần nhà nơi anh em tự vệ bố trí mà không ai biết. Khi anh em tự vệ rút lui là chúng lại bắn lén.


Chiều hôm ấy, tôi và em Lương lần theo lỗ tường đục về phố Amiral Sénès (Hoà Mã) là nơi nhà tôi ở. Tôi phá khoá vào trong nhà thấy vắng lặng buồn tênh, đồ đạc được thu xếp gọn gàng, nhưng phủ đầy bụi. Tôi lục chiếc hòm bọc da sơn đen lấy mấy bộ quần áo để thay, thay đôi giày đã rách của tôi bằng đôi giày của anh tôi bỏ lại. Giày cũng đã cũ nhưng còn tươm tất hơn đôi giày cũ của tôi. Ra đến nhà ngoài, tôi thấy trong tủ kính còn lọ đường đầy, liền lấy giấy báo đổ tất cả đường vào, gói kỹ lại, cho vào túi dết. Nhìn lại lần cuối ngôi nhà với những đồ đạc thân quen, chiếc bàn học, chồng sách vở, bút, lọ mực vẫn y nguyên chỗ cũ, chiếc mắc áo mà mỗi lần tôi đi học về lại cởi áo treo vào đó, chiếc mâm cơm còn sót lại vài bát bỏ không..., tôi bùi ngùi, đứng tần ngần nghĩ thầm: Không biết bố mẹ, các anh chị tôi bây giờ đã chuyển đi đâu. Nhà tôi ở ngay làng Láng, cũng thuộc địa bàn mà địch có thể tấn công đến để chiếm lấy khẩu pháo ở pháo đài ngay sát sau nhà tôi, thì chắc gia đình cũng không dám ở đấy, mà quê hương ở nơi xa thì không có, nên không biết chạy đi đâu? Tôi đứng im một lúc, chợt giật mình vì em Lương kéo tay áo tôi hỏi:

- Ba mẹ anh cũng đi tản cư hết cả rồi à?

- Đi lâu rồi. Bây giờ anh cũng không biết ba mẹ anh ở đâu!

Nhà tôi ở phố vắng chỉ có mấy dãy nhà bên số chẵn, còn bên kia là bức tường dài của nhà máy Rượu nên các anh em tự vệ không cần lấy đồ đạc để lập chiến luỹ, vì thế nhà nào cũng còn nguyên vẹn, không suy suyển gì.

Vừa ra đến đầu phố, chỗ trụ sở Cao Đài phổ độ, tôi gặp anh Phước, là trinh sát của chỗ anh Qua. Tôi hỏi thăm tình hình các anh ở Sở Công an Bắc Bộ, anh cho tôi biết: Anh Qua đã về đóng ở trại nhà ông Hoàng Xuân Hãn (xế ngang chợ Mơ, trên đường Minh Khai bây giờ). Anh Qua cử anh Phước lên trinh sát tình hình chiến sự trên này. Anh Quỳ, anh Hùng cũng đã về tập trung ờ đấy rồi.


Tôi cũng kể cho anh nghe tình hình chiến sự trên này và cho anh biết chúng tôi vẫn bám giữ đường phố đánh địch.

- Khi nào các anh phải rút thì về chỗ anh Qua nhé.

- Được rồi. Nhưng chúng mình còn bám lấy đường phố để chiến đấu đến cùng. Sống chết thế nào chưa thể biết được, vì địch đang có chiều hướng sẽ đánh lớn trong nay mai.

Chúng tôi đang đi ra phố Huế thì nghe tiếng súng "tắc-bọp" nổ ngay trên tường trước mặt chúng tôi.

- Bọn mình phiền nhất về lũ thổ phỉ này. Nó bắn tồi đấy, nếu không anh em thế nào cũng có người dính đạn nó rồi.

Tôi liền kéo anh Phước lên sân thượng một nhà gác, đưa ống nhòm quan sát các nhà quanh đấy. Chợt tôi thoáng thấy có bóng người trên gác một ngôi nhà ở phố Hérel de Brisis (Thi Sách), liền kín đáo chỉ cho anh Phước thấy:

- Căn nhà có sân thượng kia kìa, vừa thoáng có bóng người, mình không rõ là tự vệ hay thổ phỉ. Nếu là tự vệ thì anh em bao giờ cũng ở chung hai ba người mà không ở riêng lẻ đâu. Cậu chú ý nhé!

- Anh cứ về trụ sở đi! Tôi sẽ giải quyết bọn này cho anh.

Nói xong, anh Phước bí mật lần đi ngay. Tôi và em Lương về nghỉ ở ngôi nhà đầu phố chỗ ngã tư Hoà Mã - phố Huế thì gặp anh Oánh và một số anh em tự vệ đang ăn cơm.

- Ăn chưa hở Tuấn?

- Từ sáng đến giờ chưa có hạt cơm nào vào bụng.

Đội hoả thực và anh Ninh đang luồn tường lên phố trên để phát cơm cho anh em. Số tự vệ cũng chỉ còn hơn 30 người, phần lớn hết cả vũ khí rồi, nhưng anh em vẫn không chịu rời trận địa, hy vọng sẽ lấy được súng địch để đánh địch. Anh Oánh bảo: "Mình đã thu gom lực lượng, bố trí ở mấy nhà dọc phố Huế trên đấy một quãng. Phố Hàm Long ra sao rồi?"

- Bộ đội của cậu Tấn không đủ người để rải quân nên cũng rút về bố trí quanh đây. Ban đêm anh em vệ quốc lại lên phố trên quấy rối các vị trí địch chiếm đóng. Anh em tự vệ cũng muốn đi theo lắm để kiếm súng đạn.

Anh Oánh bẻ nửa nắm cơm cho tôi và em Lương. Đang ăn thì tổ hoả thực của anh Ninh về, trong rá còn lại mấy nắm cơm và suất thịt kho, anh lấy đưa cả cho chúng tôi và cho tôi biết là đội hoả thực của chị Trinh đã rút về đóng ở chùa Đồng Nhân. Anh bùi ngùi nhìn chúng tôi nói khẽ: "Lực lượng tự vệ còn ít quá, hy sinh nhiều thế à. Mình đi phát cơm mà thấy rá vẫn còn lại càng thêm buồn."

- Không phải hy sinh nhiều đến thế đâu. Anh em chiến đấu dũng cảm đến hết cả vũ khí nên đành phải ra hậu phương nhận công tác kháng chiến khác. Cũng có số ít anh em hy sinh và bị thương trong đó có anh Bảo, anh Vũ Đình Tuân, vài ba anh nữa và Tuấn Em cũng bị thương chuyển về tuyến sau rồi. Anh nói với chị Trinh lưu ý vì địch đã chiếm được đầu phố Lò Đúc rồi. Có thể bất ngờ chúng thọc sâu xuống mạn dưới rồi đánh quặt lên đây, bao vây anh em tự vệ và vệ quốc để tiêu diệt. Hiện nay tự vệ còn 31 người và ba chị cứu thương vẫn quyết bám lấy đường phố để sống chết với Thủ đô đấy.

Đến xẩm tối, tôi thấy anh Phước tìm về chỗ tôi ở, cười tủm tỉm, tay xách một bọc vải nặng, tay cầm khẩu các-bin còn mới. Một chị cứu thương tìm chiếc đèn hoa kỳ, châm lửa đốt sáng, đưa cho anh suất cơm.

- Cậu có tìm được tên thổ phỉ ấy không?

- Được. Tôi đã lôi nó về đây rồi.

- Đâu! Đâu! Cậu cho bọn mình xem mặt mũi nó một tí.

Mấy anh em tự vệ nhao nhao đứng lên định chạy ra cửa, nhưng anh Phước đã ngăn lại: "Thong thả. Đâu sẽ có đó!"

Anh vừa nói vừa đặt bọc vải lên bàn và cả khẩu súng các-bin với thắt lưng da có hai bao đạn đầy ắp, đưa cho tôi:

- Ủng hộ anh tặng phẩm này để anh chiến đấu.

Em Lương láu táu đỡ ngay lấy khẩu súng, vuốt ve nòng thép còn xanh.

- Nhẹ quá anh nhỉ. Thế này thì em cũng dùng được. Còn bọc vải anh đựng cái gì thế?
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:41:57 am »

Em nói xong, không chờ cho anh Phước trả lời, tiện lay cởi ngay nút buộc ra. Mấy chị cứu thương kêu thét lên, hai tay úp lấy mặt. Em Lương cứ ú ớ, nép sát vào sau lưng tôi. Thì ra trong bọc là chiếc đầu người, tóc rối bù, râu mọc ra tua tủa. Anh Phước kể:

- Mình bí mật tiếp cận mấy căn nhà gác để quan sát địch cho dễ. Khi mình đang ở trên gác của ngôi nhà ở phố Hérel de Brisis thì thấy ở nhà bên có tiếng động lịch kịch. Mình cứ đứng im, nghe động tĩnh cho rõ, một lúc sau mình thấy bóng người ló ra chỗ cửa nhìn xuống đường. Mình định nhảy sang, nhưng làm như vậy lại lộ mình ra trước nên kiên nhẫn phục ở nhà bên này. Được một lúc lâu, bóng người ấy đã trèo qua ban công nhà bên kia để sang nhà chỗ mình đang nấp. Hắn ngơ ngác nhìn quanh, hé cửa bước vào trong nhà. Một tay nó mang bọc đồ nặng, tay kia xách khẩu các-bin. Vào đến nhà nó đã nhìn ngay thấy mình, há mồm ra chưa kịp kêu lên tiếng nào thì đã xơi gọn hai phát đạn vào giữa ngực. Nó ngã vật ra nền nhà, mình tước lấy khẩu súng và cởi thắt lưng đạn của nó, thắt vào người mình, xem lại đạn trong sác-giơ vẫn thấy còn đầy, nên xuống bếp tìm con dao phay sắc, chặt đầu nó đưa về đổ các anh coi!

Mấy chị cứu thương cứ nhắm mắt lại, hét lên: "Vứt đi! Vứt đi! Khiếp quá!" Anh Phước cười, túm bọc vải lại, nói với tôi: "Anh có nhắn gì với anh Qua không?"

- Anh về nói với anh Qua cho đội trinh sát các anh lên đây giúp chúng tôi giải quyết nạn thổ phỉ bắn lén.

- Đồng ý!

Anh nói xong, gật đầu chào chúng tôi rồi ra cửa. Mấy anh tự vệ từ nãy đến giờ chỉ im lặng tỏ vẻ thán phục cái gan lì tướng quân của anh Phước, hỏi lại tôi:

- Anh ấy ở đâu thế hả anh? Trông người trắng trẻo thư sinh mà gan cóc tía.

- Anh ấy là trinh sát của Công an Bắc Bộ. Sở Công an có đội trinh sát gồm toàn những anh em gan dạ và còn giỏi võ nữa.

Tôi nhìn em Lương vẫn ngơ ngác đứng nép bên cạnh tôi. Còn hai chị cứu thương cứ ôm lấy nhau kêu khe khẽ: "Khiếp quá! Khiếp quá! Thế mà anh ấy xách như bọc hành lý không ghê tay."

- Em Lương giữ lấy khẩu súng này mà dùng. Đúng mong ước của em đấy nhé. Toàn là đạn đum-đum.

- Đạn đum-đum là gì hở anh?

- Là đạn "tắc-bọp" đấy. Khi bắn ra đạn nổ ở đầu nòng súng, viên đạn chạm vào đích rắn một chút lại nổ một lần nữa để sát thương người. Em ra ngoài bắn thử mà xem. Nhưng cẩn thận kẻo mảnh đạn lại bắn vào người đấy!

Tôi và anh Oánh, theo các lỗ đục tường, bố trí lại các tổ ở từng nhà, cắt người canh gác để anh em thay nhau ngủ. Xong đâu đấy, anh Oánh ở lại trên này và bảo tôi: "Tuấn sang nhà bên kia đường nghỉ và để chia lực lượng hỗ trợ cho nhau. Tuấn canh chừng mặt phố Lò Đúc nhé. Đấy chắc sẽ là hướng tiến công của địch đánh sang phố Huế."


Hai chị cứu thương và mấy anh tự vệ cùng em Lương theo tôi sang bên kia đường. Tôi bảo hai chị lên gác tìm chỗ ngủ. Chúng tôi ở dưới nhà cắt nhau canh gác ban đêm. Tôi kéo em Lương xuống dưới mấy nhà để xem địa thế. Đến đền Đông Hạ, ngay đầu ngõ Sergent Giác (ngõ Duy Tân bây giờ) tôi lại gặp anh Tấn và một số đội viên vệ quốc.

- Bọn mình giữ ngã tư này. Có thể ngày mai địch sẽ đánh xuống nhà máy Rượu và bên kia là nhà máy Diêm (cơ khí Trần Hưng Đạo bây giờ). Ở cả hai nơi mình đã bố trí đơn vị vệ quốc án ngữ rồi. Chiến thuật của địch đã rõ. Chúng cứ thọc sâu hai cánh, cho xe tăng án ngữ để cắt đường rút lui của chúng mình, sau đó sẽ tung quân ra tiêu diệt lực lượng mình trong vòng vây của chúng.

Chúng tôi trao đổi với nhau cách phối hợp chiến đấu và trong trường hợp phải lui quân thì trụ lại ở điểm nào. Lúc tôi và em Lương quay về nhà cũ vẫn thấy hai chị cứu thương ngồi bó gối, chăn dạ quàng trên vai. Mấy anh tự vệ đã cắt nhau canh gác và cũng đã tìm chỗ ngủ cả rồi.

- Các chị ngủ đi chứ. Ngày mai sẽ ác liệt đấy. Tôi định để các chị về chùa Đồng Nhân trước cho đỡ nguy hiểm.

- Các anh còn ở lại, chúng em cũng ở lại, không thể bỏ các anh được. Lỡ ra có anh nào bị thương thì lấy ai băng bó. Chúng em không xuống dưới đó đâu.

- Thế thì các chị phải đi ngủ cho khoẻ người.

- Tại nhà vắng quá. Chúng em thấy sợ. Ở đây gần nghĩa địa Sài Gòn (Nay là Công ty xe khách).

- Đã có các anh tự vệ ngủ dưới nhà rồi!

Hai chị không nói gì, nhưng vẫn tỏ ra ngần ngại. Em Lương cười khanh khách: "Ê! Chị Vân lại sợ ma rồi. Em cóc sợ nó đâu nhé. Tây em còn chẳng sợ nữa là. Thật là con gái!"

Em Lương vừa nói, hai tay đút túi quần đi lại ra vẻ oai lắm. Tôi bật cười nhưng cũng phải mắng em không được hỗn với các chị. Chị Vân nói ngay: "Em là bạn cùng lớp với Lan đấy. Mỗi lần em đến nhà nó chơi là thằng nhóc này lại trêu chọc hai chị em chúng em, tức đến phát khóc lên. Hai chị em nó cứ chủng chẳng với nhau suốt ngày, nhưng Lan nó chiều thằng bé hơn cục vàng. Mỗi khi thằng bé bị mẹ đánh là Lan nó lại lên gác khóc thầm đấy anh ạ!"

- Ở nhà này còn có mấy anh tự vệ ở bên dưới, quanh đây cũng có nhiều tự vệ và vệ quốc, các chị còn sợ gì!

- Ở đây vắng vẻ quá, hơn nữa chúng em cứ nhớ đến cái đầu lâu của anh gì đem đến mà rùng mình...

- Bây giờ có tôi và em Lương nữa. Hai chúng tôi sẽ ngủ ngay dưới chân cầu thang này, hai chị cứ lên gác mà ngủ, anh em chúng tôi canh gác cho.

Hai chị cười e thẹn rồi vác chăn lên gác. Tôi và em Lương lấy chiếu trải ra sàn gạch, vừa nằm ấm chỗ đã ngủ say rồi.

Sáng hôm 25-12, tôi dậy sớm gọi em Lương và mấy anh tự vệ vẫn còn trùm kín chăn nằm trên giường ngay cửa ra  vào. Tôi cuộn chăn cho em Lương, buộc chéo qua vai em, xem lại súng đạn của mình, rồi cùng em đi xuống chỗ đền Đông Hạ gặp anh Tấn.

- Như kế hoạch đấy nhé! Quyết liệt đấy!

- Anh em tự vệ sẵn sàng cả rồi. Cho mình thêm vài quả lựu đạn.

Vừa đúng lúc ấy tôi nghe tiếng động cơ xe thiết giáp ầm ì từ phố Lò Đúc vẳng lại.

- Đến lúc rồi đấy. Mình về với anh em tự vệ đây!

Tới ngôi nhà, tôi thấy anh em tự vệ cũng đã dậy đang chuẩn bị vũ khí, hai chị cứu thương chăn cuộn quàng chéo qua vai, túi cứu thương đeo bên mình, đang chải đầu trước gương. Tôi đưa nắm cơm cho hai chị và cả gói đường lấy từ nhà mang đi.

- Chúng em không ăn được đâu!

- Hai chị phải cố mà ăn, kẻo ngày hôm nay có khi phải nhịn đói đấy.

Các anh tự vệ, tôi và em Lương đều có suất ăn cả rồi.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2022, 06:51:49 am »

Chúng tôi vừa ăn vừa kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Ăn cơm xong không có nước uống, lại ra bể khoả váng bụi súc miệng tạm. Tôi bảo em Lương sang bên kia đường nhắc anh Oánh biết ý định của địch về cuộc tấn công hôm nay. Một lát sau em Lương quay lại cho tôi biết các anh trên đó cũng đã nghe tiếng xe địch chạy rồi. Ở ngôi nhà gác này, vừa có cửa sổ nhìn ra phố Hoà Mã, lại có ban công nhìn ra phố Huế, nên tôi và em Lương nhận vị trí nhìn ra phố Hoà Mã, còn mấy anh em tự vệ gác bên mặt phố Huế.


Được một lúc thì súng nổ ran ở cuối phố Sergent Larrivé (Nguyễn Công Trứ). Tôi nói với mấy anh tự vệ: "Bộ đội nổ súng rồi đấy! Anh em mình cũng chuẩn bị thôi!"

Liền lúc đó có tiếng trung liên quét từng tràng dài dọc phố Huế. Tự vệ chỗ anh Oánh bình tĩnh bắn trả. Tôi thấy mặt phố Hoà Mã chưa nguy hiểm nên cùng em Lương ra mặt phố Huế nhìn lên quãng đầu phố thấy thấp thoáng bóng lính Pháp kéo xuống. Tôi dặn mấy anh tự vệ không vội nổ súng mà chỉ canh chừng thôi, vì phía trên đã có lực lượng của anh Oánh chặn đánh chúng rồi.


Tôi đứng quan sát thấy súng tự vệ nổ cũng ác liệt, chai xăng crếp và lựu đạn tung ra đánh rạt quân địch phải lui về phố trên. Chúng cũng chiếm mấy nhà gác cao bắn trả lại chúng tôi, nhưng như vậy thì cũng không gay cấn lắm.


Lúc này ở tất cả các tuyến phố đều thấy súng nổ ran không ngớt. Khói súng mù mịt theo làn gió bấc thổi có lúc như cuộn lại, có lúc bốc lên cao xoay tít rồi mới tản rộng ra khắp đường phố. Mặt phố Huế có nhiều chướng ngại vật nên xe tăng địch không tiến xuống được, còn bộ binh của chúng chỉ đánh cầm cự với ta mà không lấn xuống được đoạn nào. Nhưng cả hai cánh ở hai tuyến phố dọc phố Huế thì có tiếng xe địch chạy ầm ầm. Tôi nóng lòng vì ở quá sâu nên dặn mấy anh tự vệ cứ án ngữ ở chỗ này, còn tôi kéo em Lương chạy sang bên kia đường. Hai chị cứu thương cũng chạy theo: "Anh cho chúng em theo với!"


Ở đoạn phố Huế trên lúc này súng của tự vệ yếu dần, nên bọn Pháp lấn xuống được một quãng xa. Tôi đi tìm lực lượng tự vệ của anh Oánh, nhưng thấy vắng lặng, đã nghĩ là anh em tự vệ rút cả rồi, nhưng nghĩ còn anh Oánh thì chưa chắc đã rút nhanh đến thế! Tôi và em Lương cứ luồn tường tiến lên đến chỗ hiệu bánh mì, lại gặp các anh đang động viên nhau nhằm bọn lính Pháp bên kia đường mà bắn. Tôi gặp anh Oánh ở ngay nhà đầu cùng.

- Dãy phố bên kia lực lượng tự vệ của ta yếu lắm nên bọn Pháp đã lấn xuống được nửa phố rồi. Mình ở bên này có thể giữ được.

Tôi trao đổi với anh Oánh là địch đánh ở mạn này chỉ cốt để cầm chân chúng ta, còn hai cánh bên mới là chủ yếu. Chúng muốn bọc anh em mình ở trên này rồi tung quân ra tiêu diệt đấy. Chúng ta cứ để cho anh em tự vệ tiến dần lên đánh bật chúng ở mặt này. Hai chúng tôi và em Lương liền chạy qua đường vào chợ Hôm để quan sát tình hình địch rõ hơn. Đang đi len lỏi trong các quầy hàng ở trong chợ thì em Lương kéo tay tôi nói khẽ: "Hình như địch đang phá tường bên cạnh chợ Hôm, anh ạ!"

Tôi lắng nghe thấy đúng là tiếng đục tường, liền hỏi anh Oánh:

- Mạn trên chúng ta còn tự vệ bố trí không?

- Tất cả tự vệ đều tập trung ở cả dưới này rồi, vì bọn mình cũng chẳng còn được bao nhiêu, dàn trải ra thì mỏng quá.

- Chúng mình đánh bật bọn này rồi chia nhau sang viện trợ cho anh em ở phố bên kia.

Chúng tôi lặng lẽ đến sát bờ tường, nghe tiếng đục càng rõ hơn. Lúc này đạn nổ líu ríu vào trong chợ, chúng tôi cứ thận trọng nấp vào sau những hàng cột, tiến sát đến chỗ ngõ vào xóm Đức Viên. Tôi nghe tiếng đục tường càng gấp lắm, nhưng vẫn nghi ngờ sợ còn có tổ tự vệ nào chưa rút kịp xuống đây nên bảo anh Oánh đi kiểm tra lại cho rõ. Anh Oánh ở trong xóm Đức Viên nên thông thạo các lối đi lại, anh lẩn ngay vào phía sau chợ và biến mất. Được một lúc lâu, chỗ đục tường đã rạn nứt, tôi ra hiệu cho anh tự vệ đi cùng với chúng tôi và em Lương nấp kín sau một quầy gạch, cùng chĩa nòng súng vào chỗ đó. Chợt anh Oánh đứng sau tôi nói nhỏ: "Địch đấy! Để mình cho nó xơi quả lựu đạn!"


Anh tự vệ cũng lấy quả lựu đạn kiểu "Lọ mực", nhìn anh Oánh vừa rút chốt quả lựu đạn ra thì anh cũng đập kíp lựu đạn vào tường, rồi cả hai anh tung nhẹ lựu đạn sang bên kia tường. Hai tiếng nổ ầm vang bèn kia tường rồi tất cả im lặng. Lúc này súng cối địch nổ làm các mái nhà đổ xuống rầm rầm. Chúng tôi rút xuống chỗ hiệu bánh mì thấy có hai anh tự vệ bị thương nặng, trong đó có anh Vũ Đình Tuân là con trai ông Vũ Đình Tụng. Các chị cứu thương đang băng bó cho hai anh và tìm cách đưa về hậu phương"1 (Hồ Chủ tịch có viết thư chia buồn với gia đình ông Vũ Đình Tụng, có đoạn: "Mỗi một thanh niên Việt Nam mất đi tôi như đứt một khúc ruột").


Lúc này còn độ 6-7 anh tự vệ, vũ khí chỉ còn đao và kiếm, riêng tôi có khẩu súng ngắn, em Lương có khẩu súng các-bin, anh Oánh còn hai quả lựu đạn, nên tôi bảo mấy anh tự vệ cùng đi theo các chị cứu thương xuống mạn ô Chợ Dừa, vì ở đó có đơn vị vệ quốc và tự vệ vẫn chốt giữ. Mấy anh tự vệ có lựa đạn và chai xăng crếp thì ở lại với chúng tôi giữ mặt phố Huế.


Súng cối địch nổ không ngớt dọc theo hai bên phố xuống phía dưới. Tôi bảo anh Oánh: "Địch đang truy chúng ta đấy!" Lúc này có anh tự vệ xôn xao muốn xin rút lui, tôi thấy không nên ngăn anh em nữa mà bảo anh Oánh đưa mấy anh xuống chỗ đình Đông Hạ phối hợp với đơn vị của anh Tấn chốt chặn ở đó.


Được lệnh rút, các anh định luồn lỗ tường đục dọc phố Huế, nhưng tôi đã ngăn lại bảo mấy anh sang bên phố Logerot mà đi vì địch vẫn bắn súng cối dọc theo phố Huế rất nguy hiểm. Hai chị cứu thương tái mặt nhìn tôi và anh Oánh, tôi bảo: "Các chị đừng lo! Cứ tản ra nấp vào chân cầu thang, vì địch chỉ bắn súng cối mà không có bộ binh tiến xuống theo. Anh Oánh sẽ tìm cách đục tường sang phố sau. Tôi và em Lương sẽ gác ở mật phố Huế, không để địch tràn xuống đây."


Vừa nói, tôi vừa kéo em Lương ra đứng nép sát bên cửa nhìn ra đường.

- Hai anh em mình có hai súng thì sợ gì giặc nhỉ!

Tôi nói vậy, nhưng trong lòng lại nghĩ: "Mình phải thật bình tĩnh, lúc này mà cũng tỏ ra lúng túng thì dễ làm cho anh em mất tinh thần! Mọi người tự động rút lui thì hỏng hết!"
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2022, 06:53:52 am »

Tôi thản nhiên đứng nép sát bên cửa như người ngắm phố, miệng nhấm nháp từng miếng cơm nắm, nhưng trong lòng sốt ruột không biết anh Oánh đục tường sang phố sau có nhanh không! Cùng lúc ấy anh Oánh đã tìm được chiếc búa lớn, xắn tay áo đập vỡ lần vữa ngoài tường, rồi tiếp tục đập thủng một viên gạch. Mấy anh tự vệ kiếm khúc củi lao mạnh vào tường vài nhát đã thủng một lỗ to. Các anh tiếp tục làm cho đến khi chỗ tường thủng đã vừa lọt người chui qua. Một anh định chui sang ngay, tôi kịp ngăn lại, vì mình cũng vừa đánh địch theo kiểu này ở trong chợ Hôm nên vào nhà kiếm chiếc áo, cuộn tròn lại, nén sang chỗ tường thủng, thấy yên tĩnh mới bảo anh em lần lượt chui sang mà rút xuống phía dưới. Ngoài mặt phố Huế súng cối địch vẫn nổ vang rền. Khắp xung quanh mấy phố bên đều có tiếng súng làm không khí cứ sôi lên sùng sục. Tôi bảo mấy anh tự vệ: "Địch nó căn đường đạn rồi, đi theo dọc phố Huế dễ dính phải mảnh súng cối. Chúng ta đi bên này phố Logerot là đi song song với đường đạn địch".

- Nó bắn pháo tiễn anh em mình à?

- Đừng chủ quan! Cứ đi dọc bên ngoài phố Huế mà xem, lại không có anh bị dính với nó à! Lúc nãy đã có hai anh tự vệ bị thương nặng rồi đấy. Mình đi bên này vướng tường nhà nên yên tâm, không thì cũng gay go với súng địch đấy!

Qua đường Hoà Mã an toàn, chúng tôi kéo xuống cả đền Đông Hạ gặp anh Tấn. Anh Tấn bàn với tôi chia quân số bố trí ở ngõ Sergent Giác, để yếm hộ cho vệ quốc chặn địch ở mặt phố nhà máy Rượu đánh sang. Lúc này xung quanh chúng tôi đều có tiếng súng nổ. Tiếng xe tăng địch lăn xích trên đường phố Wélé (Thái Phiên) bắn vào nhà máy Diêm. Ở mạn đó các anh vệ quốc quân đánh trả quyết liệt. Còn ở mạn nhà máy Rượu, tiếng súng địch từ Lò Đúc đánh sang cũng nổ như ngô rang. Tôi chia cho anh Oánh 8 người trụ lại ở đầu ngõ Sergent Giác, còn tôi cũng đem 8 người, trong đó có hai chị cứu thương, sang nghĩa địa Sài Gòn đổ phối hợp với số anh em vệ quốc bảo vệ nhà máy Rượu. Chúng tôi tản ra nấp sau những ngôi mộ xây, nhìn sang phía nhà máy Rượu chờ đợi. Một lúc sau, có mấy anh vệ quốc băng bó đẫm máu đang rút qua đường Jacquin sang nghĩa địa.

- Địch chiếm được nhà máy Rượu rồi. Chúng sẽ tràn qua đường đánh sang đây.

Tôi bàn với anh em vệ quốc để cho mấy anh bị thương lui về đền Đông Hạ, số ở lại sẽ cùng chúng tôi bố trí sái bức tường nghĩa địa canh chừng mặt đường phố Jacquin. Lúc nãy địch chiếm được nhà máy Rượu liền dựng ngược súng cối nhả đạn sang chỗ nghĩa địa. Tiếng đạn nổ đinh tai nhức óc. Đúng lúc ấy thì thấy anh Oánh dẫn mấy anh tự vệ chạy sang. Tôi nghĩ là mặt trận ngoài phố Huế đã vỡ nên lo lắng hỏi ngay:

- Bên ấy sao rồi? Các cậu sang đây làm gì?

- Thấy súng nổ nhiều quá mình tưởng mặt này bị uy hiếp, nên sang đây chi viện cho các cậu.

- Tập trung nhiều ở đây bất lợi lắm. Cậu quay về giữ mặt phố Huế ngay.

Anh Oánh nhìn tôi một lúc rồi lẳng lặng kéo anh em về vị trí cũ. Đúng là chúng tôi đang ở trong cái túi chỉ rộng độ gần 10.000 mét vuông và đang bị pháo cối nện xuống như giã gạo. Gạch, đất, đá, áo quần và cả xương người bị súng cày lên bay rải khắp mặt đất. Anh em đã có một số bị thương. Hai chị cứu thương đã hết cả bông, băng phải xé cả vạt áo làm băng. Tiếng người rên la xen lẫn với tiếng nổ không ngớt. Tôi gào lên với các anh chị em là đứng nép sát vào bờ tường bao xung quanh, không nên ẩn nấp bên những ngôi mộ xây trong nghĩa địa. Một tiếng nổ lớn bắn sạt bức tường của nghĩa địa về phía phố Sergent Larrive. Đám khói đen kịt cuồn cuộn bốc lên cao. Tôi lo sợ để anh chị em bị thương dần ở trong chỗ này nên ló đầu ra chỗ bức tường bị bắn đổ để quan sát tình hình, đã vội thụt ngay lại vì chiếc xe tăng địch đã lù lù án ngữ ngay giữa đường phố Sergent Larrive gần ngã tư phố Huế. Chính chiếc xe này đã bắn viên đại bác phá vỡ một mảng tường của nghĩa địa. Tôi quay lại bàn với mấy anh tự vệ: "Địch cho xe án ngữ chặn đường rút của ta sang bên kia nghĩa địa Tây rồi (nay là khu tập thể Nguyễn Công Trứ). Chúng ta chỉ còn cách từng tổ nhỏ bất ngờ vọt qua đường sang bên kia rồi rút về chùa Đồng Nhân, nhưng phải có người bắn vào chỗ xe địch để thu hút hỏa lực của chúng. Chúng ta chỉ còn cách đó để khỏi bị tiêu diệt ở đây! Anh nào có súng, sang bên kia đường trước, nấp vào tường bắn cản cho mọi người sang sau!"


Mấy anh còn ngần ngừ vì sợ súng đại liên trên xe tăng bắn chặn. Tình thế không thể chần chừ được nữa, tôi liền bảo mọi người nấp sát vào ven tường để tránh đạn súng cối sát thương, tôi sẽ sang trước, nếu được an toàn, sẽ bắn yểm trợ các anh chị từng người rút qua đường, sau đó về tuyến sau xin thêm lực lượng lên đánh giải vây, nhất định không bỏ rơi các anh chị ở lại đây. Có chị nào theo tôi và em Lương sang trước không?

- Chúng em chạy chậm lắm. Anh sang trước đi, rồi đưa tự vệ lên đánh cứu chúng em.

Tôi buộc túi dết chặt vào người, quàng chiếc chăn của em Lương che bên ngực trái phía tim, cầm đỡ cho em khẩu các-bin để em được gọn nhẹ chạy cho nhanh. Tôi hy vọng hành động bất ngờ này sẽ không để cho địch kịp phản ứng, đưa mắt nhìn em Lương rồi bảo: "Em theo sát anh nhé!"

- Em sẽ chạy theo kịp anh.

Tôi ló đầu ra ngoài đường thấy nòng đại liên trên xe tăng vẫn chĩa ra giữa phố, liền vẫy em Lương, chui nhanh ra khỏi chỗ tường đổ và chạy băng qua đường. Một tràng liên thanh bắn đuổi theo hai chúng tôi. Tôi nhoài người vào chân bức tường hàng rào của nghĩa địa Tây, lăn mấy vòng, thoáng nhìn thấy em Lương chạy sau tôi loạng choạng mấy bước rồi ngã lăn ra sát mép đường. Nhìn thấy bụng em đã loang đỏ máu, tôi xông ra vội kéo em vào chân tường. Nhìn sang bên kia thấy mấy anh đang thập thò định chạy sang, tôi xua tay ra hiệu cho các anh biết là địch đã chú ý đề phòng bắn chặn rồi. Chờ lúc tiếng súng liên thanh trên xe yên, tôi bế em Lương vào sau bức tường thấy bụng em đã phòi đoạn ruột. Tôi vội ấn vào bụng em, lấy vạt áo xé ra buộc chặt lại cho em rồi bế em theo con đường ruộng rau muống và bãi tha ma, qua đầm lầy về phía chùa Đồng Nhân. Tôi cứ loạng choạng đi vài bước lại thụt ngã vì bế em ở trước mặt nên không nhìn được đường đi. Súng địch vẫn nổ ngang dọc trên đầu, đường đạn đi cao xé không khí vun vút. Tôi đặt em Lương xuống bãi cỏ, rồi cõng em lên lưng đi cho dễ dàng hơn. Em Lương thở khò khè nói khẽ:

- Em chết mất anh Tuấn ạ! Anh đừng nói cho cậu mợ em biết nhé... cả chị Lan nữa!

- Em yên tâm. Đến chùa Đồng Nhân có các chị cứu thương chăm sóc cho em, chỉ ít lâu là em lại khoẻ để đi với anh.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2022, 06:55:25 am »

Lúc này tiếng súng đã thưa dần, tôi vừa đi vừa chảy nước mắt thương em nhỏ. Trong lúc hoang mang, tôi đã định rút thẳng, không quay về trận địa nữa. Cõng em đến chùa Đồng Nhân, tôi thấy có mấy anh chị cứu thương chạy ra đỡ em Lương ở trên lưng xuống cho tôi. Nhìn trong sân chùa, thấy có một số anh em bị thương nằm la liệt đang được cứu thương chăm sóc. Em Lương được đặt nằm trên hàng hiên chùa. Tôi thấy yên tâm vì đã có cứu thương chăm sóc cho em, nên ra gốc cây ngoài sân chùa ngồi đợi. Một lúc sau, tôi quay lại thấy em Lương đã được băng bó cẩn thận. Một chị cứu thương cho tôi biết:

- Ruột của em đã lòi ra rồi. Em bị mất nhiều máu quá.

Em Lương nhìn tôi khẽ gật đầu như muốn nói câu gì. Tôi ghé tai sát vào mặt em nghe em thì thầm đứt quãng.

- Em không sống được nữa đâu... Anh cởi chiếc đồng hồ ở tay em đưa cho chị Lan hộ em... để biếu mợ em. Nhưng anh đừng nói gì cho mợ em biết nhé... Chiếc mũ sắt và súng anh lấy mà dùng...

Tôi làm theo lời em, khuyên em: "Em đừng nghĩ đến chết. Nhất định em sẽ sống để rồi anh em mình lại đi với nhau đánh giặc nữa chứ!"

Thấy em Lương cứ lịm dần, tôi vội gọi các chị cứu thương đến xem em ra sao. Một chị cứu thương nhẹ tay bắt mạch của em một lúc rồi chị lắc đầu. Tôi hoảng hốt, cúi xuống ngực em để nghe tiếng tim còn đập nữa không. Tôi nấc lên một tiếng, rồi gục đầu xuống ngực em. Có ai đó đỡ tôi đứng dậy. Tôi ra gốc chùa, hai tay ôm lấy đầu ngồi khóc thầm. Chợt tôi thấy anh Ninh cao đến bên tôi hỏi: "Có thể đưa cơm lên cho các anh chị được không?"

- Anh chị em đang bị vây trong nghĩa địa Sài Gòn. Nguy hiểm lắm!

- Nguy hiểm cũng phải đi. Không thể bỏ anh chị em đói được.

Lời nói chí tình của anh Ninh làm tôi bừng tỉnh! Đói còn không bỏ rơi các anh chị huống hồ là bỏ các anh chị ấy chết sao được. Lời nói của chị cứu thương lại văng vẳng bên tai tôi: "Anh sang trước rồi đưa tự vệ lên đánh cứu chúng em!"


"Lên cứu chúng em!" Đấy là lời kêu gọi khẩn thiết của hơn 10 mạng người. Tôi vùng ngay dậy, đội mũ sắt vào đầu, khoác các-bin lên vai, đi đến chỗ em Lương nằm thấy mấy chị cáng thương đã đem em đi rồi. Một chị mắt còn đỏ hoe, thổn thức: "Em liên lạc của anh hy sinh rồi! Trước khi chết em còn gọi tên ba mẹ, chị của em và nhắc đến cả tên anh nữa!"


Tôi lặng người suýt nữa oà lên khóc, cố kìm lại, nhưng nước mũi cứ chảy ra ràn rụa, tôi quay mặt đi bảo anh Ninh:

- Anh đưa tổ hoả thực lên chờ ở nghĩa địa Tây đến tối hãy qua đường vào nghĩa địa Sài Gòn.

Nói xong, tôi cắm đầu chạy như trốn khỏi hình ảnh đau thương của em Lương. Quay trở lại chỗ nghĩa địa Tây, tôi thấy xe tăng địch đã rút ra ngoài ngã tư phố Huế, đang nổ súng bắn vào khu 28 gian dọc phố Huế xuống mạn ô Cầu Dền... Ở đấy có lực lượng tự vệ đang nổ súng bắn vào bọn bộ binh đi theo xe. Tôi dùng khẩu các-bin tiến ra chỗ cửa sổ nổ súng tiếp tay với các anh tự vệ này. Đang mải bắn địch, tôi chợt thấy bóng người ở phía bên cạnh liền quay lại. Một anh tự vệ tiến đến hỏi tôi: "Anh ở đâu đấy?"

- Tự vệ khu chợ Hôm.

- Các anh đâu cả rồi?

- Anh chị em đang bị vây trong nghĩa địa Sài Gòn.

- Yên chí! Chúng tôi sẽ đánh giải vây cho các anh. Trung đội tự vệ thành của tôi chịu trách nhiệm chặn địch ở ngã tư này, mới được điều lên đây.

Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa nhằm vào bọn bộ binh mà nổ súng.

Đến gần chiều, tiếng súng chợt im hẳn. Tôi chạy vội sang nghĩa địa Sài Gòn kêu lớn gọi các anh chị còn đang nấp ở trong đó. Mọi người vui mừng chạy lại chỗ tôi, quần áo anh chị nào cũng lấm lem bùn đất tơi tả.

- Các anh chị còn đủ không?

- Anh em vệ quốc mất một. Bên mình chết ba.

- Anh Oánh đâu rồi?

- Lúc anh đi rồi, chúng em cũng cử người sang khu vực ngoài mặt phố Huế để bắt liên lạc với các anh bên ấy mà rút, nhưng khi anh tự vệ sang thấy đền Đông Hạ đang bốc cháy, không có ai ở đấy và tiếng súng cũng im bặt. Chúng em nghĩ là mặt trận bên ấy bị tiêu rồi, nên không dám rút về phía đó nữa.

Tôi nghĩ thương anh Oánh vì anh trấn giữ mặt ngõ Sergent Giác, nơi địch đã tấn công mạnh vào đấy, không rõ anh có bị hy sinh không mà lúc này tôi không thấy anh đâu. Anh vừa được kết nạp vào Đảng mấy hôm nay, mà bây giờ...

Chúng tôi vẫn cẩn thận chia thành từng tốp nhỏ chạy băng qua đường sang tập trung bên nghĩa địa Tây. Tổ hoả thực của anh Ninh vẫn kiên nhẫn chờ. Khi thấy chúng tôi sang đến nơi an toàn, anh liền phân phát cơm cho mọi ngưừi. Anh chị em tuy đói mệt, nhưng chưa ai muốn ăn vội mà chỉ dành nhau nước để uống cho thật đã vì cái khát còn mạnh hơn cái đói.

- Em Lương đâu rồi hở anh?

Chị Vân cứu thương hỏi câu ấy, rồi tưởng tôi bị thương vì quần áo tôi đều vấy máu. Chị cứ bắt tôi cởi áo ra để xem vết thương. Nhưng tôi không trả lời chị, quay mặt đi khẽ nấc lên.

- Khổ con Lan rồi! Em nó chết thì nó sống sao đưực

Rồi chị Vân cũng oà lên khóc nức nở như trẻ em bị đòn. Các anh, các chị ăn cơm và hỏi tôi: "Bây giờ đi đâu hở anh?"

- Các anh ở đơn vị phố nào cứ về phố ấy. Còn ai muốn theo tôi cũng được. Chúng ta phải rút, nhưng không phải là chạy trốn mà sẽ lại bám chặt đường phố để tiếp tục chiến đấu. Tôi sẽ đưa anh chị xuống đầu phố Bạch Mai, lợi dụng con đê Bình Lao và con mương để chặn đánh địch. Tôi chắc ở trại Hàn Lân vẫn còn người của chúng ta.

- Chúng tôi là tự vệ xóm Trại Găng, xóm Tô Hoàng, chúng tôi sẽ theo anh.

Tôi quay lại hỏi chị cứu thương: "Các chị có sợ lắm không?"

- Lúc anh đi rồi, chúng em cũng sợ, như rắn mất đầu ấy. Có anh thì cũng yên tâm hơn. Thấy anh lâu lên, có người bảo là anh đã chạy xa rồi. Em không tin vì anh có một mình, còn phải đi xin tự vệ mới lên đánh tiếp được chứ. Nhưng may mà địch chỉ bắn súng cối thêm một lúc, rồi chắc chúng không thấy bên này còn có tiếng súng nữa, cho rằng đã tiêu diệt hết chúng em trong nghĩa địa rồi, nên chúng ngừng bắn súng cối. Mãi sau chúng em nghe có tiếng súng nổ mạn ngoài phố, tin là anh đã lên đánh giải vây cho chúng em.

- Thế mà lúc em Lương mất, tôi hoang mang cũng có ý định bỏ các anh chị đấy.

- Nhưng thực tế là anh vẫn lên đánh cứu chúng em.

Chị vừa nói vừa bẽn lẽn xoắn vạt áo dài như muốn giấu tôi vì nó đã rách tươm1 (Trước đây phụ nữ ra khỏi nhà là phải mặc áo dài. Ngay các chị buôn thúng bán mẹt cũng mặc áo dài nâu Đồng Lầm tứ thân).

- Chị chẳng việc gì mà xấu hổ về chiếc áo dài này. Tôi thấy càng vinh dự đấy. Nếu sau này hoà bình, tiểu khu mình có triển lãm hiện vật kháng chiến thì chắc chắn chiếc áo dài của chị phải được đặt trong tủ kính ở nơi trang trọng nhất đấy.

Chị cứu thương chỉ cười, mặt đỏ tía lên vì ngượng.

Ăn cơm xong, chúng tôi theo đường phía sau nghĩa địa để xuống mạn dưới. Qua bức tường chỗ Nhà Quàn, tôi lại gặp mấy anh tự vệ lúc nãy.

- Bọn tôi xuống đầu phố Bạch Mai đây. Các anh ở lại hay đi cùng?

- Chúng tôi ở lại giữ ngã tư này, nếu rút cũng phải trụ lại ở đầu phố Bạch Mai thôi. Địch đã rút quân, nhưng chắc ngày mai chiến sự vẫn gay go đấy.

Chúng tôi chia tay nhau, tôi dẫn anh chị em tự vệ xuống trại Hàn Lân. Đến nơi thì trại đã vắng tanh. Thế là tôi không còn liên lạc được với anh Quỳ nữa. Còn anh Hùng, anh Oánh thì sao? Lực lượng tự vệ chính của tiểu khu 6 chẳng còn lại mấy người. Đa số các anh đều ở các tiểu khu khác ghép lại. Tôi đẩy cửa bảo anh chị em vào trong nhà mà nghỉ để sáng mai tôi đi tìm liên lạc với vệ quốc. Tối hôm ấy tôi không thể nào ngủ được, phần vì thương em Lương, phần nghĩ đến chiến sự ngày mai, phần lo cho anh Oánh, anh Hùng và anh Phụng giờ này còn chưa gặp được nhau. Và cũng vì tôi rét quá, không có chăn đắp. Chiếc chăn dạ em Lương mang theo đã dùng để gói em rồi.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2022, 06:56:15 am »

Ngày 26-12, vừa tảng sáng, tôi đã đưa số anh em tự vệ ra bố trí tuyến phòng thủ bên cạnh con mương để chặn đánh địch ở đường Đại Cồ Việt. Tôi bảo hai chị cứu thương về Đông Dương học xá tìm đội cứu thương của chị Hải nhận nhiệm vụ tiếp, vì hai chị cũng không còn thuốc men hay bông băng gì nữa. Nếu các chị ở lại cũng không giải quyết được gì mà làm chúng tôi lo thêm cho hai chị.


Tôi đang loay hoay ở ngôi nhà đầu phố thì lại gặp anh Tấn. Hai chúng tôi nhìn nhau cười vì thấy ai cũng được yên ổn.

- Các cậu bị vây ở nghĩa địa Sài Gòn phải không? Bọn mình cũng bị chúng vây ở đền Đông Hạ, chúng phun cả xăng để đốt đền. Anh em có hy sinh, nhưng bọn mình vẫn đánh bật chúng được, không để chúng sáp lại gần. Đến tối bọn mình thoát ra rút về đây, bố trí dọc con mương này.

- Mình hết cả quân rồi, còn vài ba anh em thôi, cũng đang bố trí ven bờ mương bên đường. Đêm tối quá nên mình không tìm được cậu.

- Tuấn ở luôn với bọn mình nhé!

- Còn Oánh đâu?

- Cậu ấy cũng thoát ra khỏi vòng vây với bọn mình, đã đi xuống mạn dưới tìm cậu đấy.

- Rồi cũng lại gặp nhau thôi. Tự vệ của mình ghép luôn vào đơn vị của cậu nhé.

- Càng tốt. Quân số của bọn mình cũng hao hụt mà chưa được bổ sung.

Cũng từ hôm đó, tôi đi liền với anh Tấn để đánh giặc. Để ngăn không cho xe địch tiến xuống, anh em vệ quốc và tự vệ kiếm rơm rải khắp mặt đường, tìm ống bơ, nồi đất úp la liệt, nhưng thi thoảng cũng gài một quả lựu đạn dưới đó để lừa địch. Lúc này tiểu đoàn 77 của anh Hoàng Kiện làm tiểu đoàn trưởng đã đưa bộ đội lên vành đai nội thành để chi viện. Tôi gặp anh đang chỉ huy bộ đội, dùng dây dài buộc vào khẩu súng Ba-dô-ka1 (Súng bắn bằng đạn lõm phá xe tăng do ông Trần Đại Nghĩa sáng chế). Dây dài đến gần một trăm mét kéo về phía sau. Hai anh vệ quốc được cử lên tuyến đầu bắn Ba-dô-ka, còn cả tổ nằm ở phía sau để nếu hai anh có hy sinh thì phải kéo súng về vì thời kỳ đó, súng đạn còn quan trọng hơn cả tính mạng con người. Hai anh vệ quốc đem 5 quả đạn trông như cái hoa chuối có cán dài. Tôi đứng xem vệ quốc chuẩn bị, thấy tin tưởng trận này sẽ hạ được xe địch, không để chúng làm mưa, làm gió, coi thường các chai xăng crếp của tự vệ chúng tôi.


Buổi sáng vẫn yên tĩnh. Nhưng đến 10 giờ địch kéo quân từ nhà máy Rượu đánh xuống phố Lê Bình (sau chợ Trời), và từ phía Vân Hồ đánh bọc lại đường Đại Cồ Việt, định quét sạch lực lượng kháng chiến ở đoạn phố trên và trong nhà máy Diêm. Khói đạn mù mịt. Chúng tôi nằm ở ven con mương, sát với đường Đại Cồ Việt, cũng đánh trả địch không chịu kém. Địch không thực hiện được chiến thuật bao vây, truy quét chúng tôi, nhất là phía trên đoạn cuối phố Huế, chúng thấy la liệt rơm rạ, nồi đất, ống bơ nên xe tăng và xe Half-track của chúng phải đừng lại vì sợ trúng phải mìn. Tổ bắn ba-dô-ka lần đường sát đến chỗ xe tăng đỗ, nơi tàu điện tránh nhau trước đây; chiếc dây buộc súng vẫn lòng thòng ở phía sau. Chợt hai tiếng nổ tiếp nhau vang trời kéo theo hai làn khói xám dày đặc. Tiếng đạn trong xe của địch nổ như ngô rang. Anh em phía sau khoái quá reo hò hoan hô tổ súng ba-dô-ka khi hai anh vác súng trở về an toàn và vẫn còn lại ba viên đạn không phải dùng đến. Ta mới bắn hai phát đã hạ được một xe tăng và một xe Half-track. Địch bị mất liền một lúc hai xe nên hoảng sợ, thấy vệ quốc đã có súng chống tăng nên chúng rút lui ngay, chỉ bắn súng cối xuống dọc hai bên phố Bạch Mai và trong làng Tô Hoàng, ngõ Quỳnh.


Sau trận đánh ngày 26-12, quân Pháp ngừng mở những cuộc tấn công ít hôm. Vệ quốc và tự vệ được nghỉ ngơi, có thời gian điều chuyển lực lượng trên phòng tuyến chống địch.

Có lần, tôi và đồng chí Tấn đang đi trong ngõ Tô Hoàng, chợt nghe tiếng đạn súng cối lạch xạch trên đầu, chúng tôi vội nhảy nấp vào trong nhà, nghe tiếng "bịch" lớn, nhìn ra sân gạch thấy quả đạn không nổ, cắm sâu xuống đất khoét thành một hố còn vương vất làn khói nhẹ. Tôi ra sân, thò tay xuống hố đất thấy còn ấm. Cùng lúc đó lại có tiếng lợn hộc lên, lợn phá chuồng chạy ra, chúng tôi định bắn chết con lợn làm thịt, nhưng không kịp vì chú ỉn chạy thục mạng qua giậu găng trốn mất.


Hàng ngày, sáng dậy, chúng tôi ra bờ mương chạy ngang qua bãi tha ma bên này đường Đại Cồ Việt, nhìn sang bên kia đường có vài nhà gạch một tầng ở đầu phố cửa ô, còn đều là đầm lầy, luỹ tre làng Vân Hồ, rồi đến hồ Bảy Mẫu trải rộng mênh mông tới ngã tư Kim Liên. Địch cho một xe Half-track đỗ ngay chỗ bến xe Kim Liên, thi thoảng bắn tràng đại liên 13,2 ly xuống chỗ chúng tôi bố trí, để uy hiếp tinh thần nhưng không dám tấn công xuống bằng bộ binh.


Có lần tôi và đồng chí Tấn xuống Đông Dương học xá thấy đông nhân dân tấp nập đi lại, trẻ em nô đùa rầm ri trong nhà. Đôi ba chỗ có nơi đã thấy nổi lửa đun bốp nấu ăn. Đây là những gia đình ở Trại Găng và Tô Hoàng tản cư về để tránh pháo địch. Khói bếp um tùm trong nhà, tiếng người nói râm ran. Anh em vệ quốc và tự vệ thay nhau ra vị trí gác, còn đa số ở lại trên gác nghỉ ngơi. Tôi lên gác của một ngôi nhà, thấy đông người đang túm tụm đứng xem khẩu súng 12,7 ly của ta hếch nòng súng dài nhìn về phía chỗ xe thiết giáp địch đỗ ở chỗ đầu Kim Liên. Tôi lại gần xem thì ra dăy là khẩu 12,7 ly của anh em tự vệ Đông Dương học xá đã sáp nhập vào tiểu đoàn 212 do anh Hồng Kỳ làm tiểu đoàn trưởng. Tôi bàn với anh Tấn đề nghị trên cho nhân dân di tản, không tập trung đông người ở đây vì mặt trận có thể lan tới ngày một ngày hai, rất nguy hiểm cho nhân dân và vướng víu cho lực lượng chiến đấu.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2022, 06:57:47 am »

Thời gian yên tĩnh khá lâu, không có cuộc đụng độ nào đáng kể. Ban ngày chúng tôi lên sát bờ mương, dùng ống nhòm phát hiện thấy bóng địch thấp thoáng trong mấy ngôi nhà gạch là nổ súng bắn tỉa. Nhưng sau khi bắn phải di chuyển ngay vì sẽ bị địch bắn trả hàng tràng liên thanh. Một hôm tôi gặp anh Nguyễn Vũ1 (Sau là cán bộ tình báo khu Hà Nội) cũng ờ phòng Chính trị Sở Công an Bắc Bộ ở ngay tuyến đầu. Chúng tôi đang nói chuyện thì súng nổ chiu chíu ngay sát đầu chúng tôi, cắm vào bờ đất. Tôi kéo anh Vũ ngồi thụp xuống và lần ra chỗ khác nói chuyện tiếp.

- Cũng khá nguy hiểm đấy nhỉ!

- Hai bên cách nhau chưa đầy 100 mét thôi mà, nhìn nhau rõ lắm.

- Cậu còn chỉ huy tự vệ không?

- Còn rất ít, mình đã để anh em sáp nhập vào đơn vị vệ quốc rồi.

- Đánh trận này xong, Tuấn về tìm anh Qua ở trại Hồng Bích, nhà ông Hoàng Xuân Hãn nhé. Cả Quỳ và Hùng đều ở đó rồi.

- Thế còn cậu Tài đâu?

- Đi cùng với anh Hoàng Mỹ ngay từ ngày đầu nổ súng. Mình cũng ở đấy, đang đóng ở làng Đại Mỗ.

- Mình sẽ tìm về đấy sau.

Tôi ở lại trên mặt trận mấy hôm nữa nhưng không thấy địch tấn công xuống, nên tìm về chỗ anh Qua. Trong trại Hồng Bích có anh Qua, anh Quỳ, Hùng, Cao Phi, chị cứu thương và mấy em liên lạc, vẫn sống bình thản. Thấy tôi về các anh săn sóc hỏi thăm:

- Tuấn đấy à? Bọn mình không biết tin về cậu, tưởng đã hy sinh rồi. Tuấn Em lại bị thương lần nữa đã ra Vân Đình và được báo sĩ Hoàng Đình Cầu mổ gắp đạn ra. Cậu ấy đang an dưỡng rồi cũng về nhận công tác thôi.
Thấy quần áo tôi rách và bẩn thỉu dây máu, anh Hùng kiếm cho tôi mấy bộ quần áo, cái dài, cái ngắn, nhưng cũng tạm dùng được. Trong trại của ông Hoàng Xuân Hãn có ao nước trong xanh ngay trước thềm nhà, có bậc gạch xây xuống ao, bên kia là luỹ tre nhìn ra cánh đồng làng Mai Động, xa nữa là trường bắn của Pháp cũ. Tôi sống êm ả ở đây được vài ba hôm, hai bữa ăn đầy đủ, ngủ có chăn ấm, gối đệm và màn nên chóng hồi sức. Nhà ông Hãn có chiếc đàn dương cầm và một thùng ton-nô rượu vang, thi thoảng ra vào tôi lại nghịch bấm lên vài phím đàn, còn rượu thì không ai biết uống nên không đụng đến thùng ton-nô ấy. Thấy thời gian im ắng, tôi liền đề nghị với anh Qua lên lại mặt trận xem tình hình ra sao. Tôi gặp anh Tấn ở trại Hàn Lân đúng lúc địch lại tấn công xuống. Chúng kéo một cánh từ bãi rác Lò Đúc đánh xuống ngõ Quỳnh, một cánh khác từ đường Đại Cồ Việt đánh vào Đông Dương học xá. Tôi và anh Tấn lại bước vào chiến trận suốt cả ngày hôm đó rồi rút về trụ lại ngôi nhà gác to rộng (nay là xí nghiệp Điện Thông). Địch đánh xuống dọc phố Bạch Mai, nhưng bị ta chặn lại nên chúng rút lui ngay lên phố.

Buổi tối, tôi về báo cáo lại tình hình chiến sự để anh Qua biết vì thấy địch đã rục rịch hoạt động. Anh Qua dặn chúng tôi phải lưu ý cả hai mặt đường phố Minh Khai và Đại La.

Sáng 15-1-1947, chúng tôi vừa ăn cơm xong, tiếng súng ở mạn Vĩnh Tuy, Mai Động đã nổ rát. Dọc đường phố Bạch Mai, vệ quốc cũng nổ súng chặn địch đang kéo xuống. Em liên lạc chạy vào báo tin: "Các anh ơi, Tây tấn công xuống đây rồi!"


Nghe đến đấy, tôi thắt vội súng vào lưng, nhào ra cửa, chạy ra ngay chỗ ngã tư Trung Hiền, nấp sau chiến luỹ cao to, đồ sộ làm bằng những thanh sắt đường tàu, với đất đá, gạch, ngay bên cạnh cây đa chỗ ngã tư, chắn ngang đường xuống làng Hoàng Mai. Tôi nhìn thấy thấp thoáng trên hè đường phố có những bóng lính địch đang men theo hàng hiên tiến xuống. Nổ được mấy băng đạn, có anh công an xung phong chạy đến bảo tôi: "Anh Tuấn! Chúng mình ra chặn địch ở phía nhà thương Cống Vọng, chúng đang cho xe tăng quặt sang đây!"


Chúng tôi luồn qua mấy ngôi nhà lá đến trại lơ của ông Vũ Tạo thì trụ lại vì trên đường ra ngã tư Vọng có chiếc cầu sắt nhỏ đã tháo hết dầm ván, còn trơ hai thanh sắt đường tàu bắc ngang để người qua lại, còn hai bên đầu cầu là hồ ao mênh mông, không thể lội qua được.

- Chúng mình bố trí ở đấy tốt lắm. Bộ binh địch không thể kéo qua đoạn đường nhỏ hẹp bằng hai thanh sắt được.

Đứng trong nhà ông Vũ Tạo, tôi đưa ống nhòm nhìn qua lũy tre về phía ngã tư Vọng thấy địch chỉ nấp trong nhà bắn ra. Xe tăng của địch đến gần cầu sắt phải dừng lại, chúng nã mấy phát súng vào con đường Route Cirouleirc - Đại La ngày nay. Hai chúng tôi giữ ở mặt này được một lúc thấy địch không có được thế tấn công nên quay về chỗ ngã tư Trung Hiền. Đứng nấp trong một ngôi nhà, tôi nhìn sang bên kia đường thấy một anh vệ quốc hy sinh trong tư thế ngồi, khẩu súng vẫn cầm trong tay. Tôi định chạy sang giúp anh, kéo xác vào trong nhà và thu lại khẩu súng thì nghe thấy tiếng hát "Bao chiến sĩ anh hùng..." và mấy bóng công an xung phong mặc áo xanh lá cây. Tôi tưởng lực lượng này mới lên tiếp viện nên còn khí thế lắm, liền đứng ra hè nói to: "Các anh ra kéo xác anh vệ quốc vào nhà và thu lại khẩu súng đi!" Bọn người này đừng lại vì thấy tôi hét to quá, nhưng họ không làm như tôi nói mà lại chạy nấp vào sau tường nhà bắn sang. Tôi chỉ kịp kêu lên "ô" một tiếng rồi cũng phải nhảy nấp vào sau thân cây đa. Thì ra đây là bọn Việt gian, giả làm công an xung phong đánh từ trong làng Hoàng Mai ngược lên ngã tư Trung Hiển để bọc sau lưng lực lượng chiến đấu của ta.


Tôi cũng nhằm vào chúng bắn trả. Một lúc thấy chúng chạy ùa ra chỗ ngã tư, tôi liền tung theo quả lựu đạn. Tiếng nổ vang ngay giữa mặt đường. Mảnh gang bay rào rào, chém gẫy mấy cành đa làm tôi phải cúi đầu xuống để tránh. Khi ngẩng đầu lên tôi không còn thấy bóng tên nào nữa. Tôi chờ vài phút mới sang bên kia đường, nhặt lấy khẩu súng trường của anh vệ quốc hy sinh trên hè, rồi rút lui xuống mạn dưới đi vòng vào trong làng Hoàng Mai. Trong làng lác đác có vài ngôi nhà lá bị địch đốt cháy, tàn gianh và khói phủ kín ngõ xóm. Tôi cứ theo đường làng đi mãi xuống phía dưới. Đến chỗ làng Sét gặp mấy anh vệ quốc bố trí ở đây, nhưng không phải là đơn vị của anh Tấn nên chỉ đưa cho anh em khẩu súng, rồi đi tiếp ra cuối làng mới gặp đơn vị anh Tấn. Cả đêm hôm ấy, tôi lại cùng đơn vị của anh Tấn bố trí ngoài bãi tha ma bên rìa làng.


Trời rét buốt, sương giăng mù mịt, chúng tôi nằm trên cỏ ướt thấy người run cầm cập, chờ địch đánh xuống sớm, thoảng có mùi hương thơm, nghĩ ngay có thể đến gần ngày Tết rồi, nhưng lúc này thì không ai còn nghĩ đến Tết nữa mà chỉ chờ nổ súng đánh địch. Mấy ngày hôm sau, tình hình địch tạm lắng yên, đơn vị của anh Tấn rút về đóng ở Pháp Vân, Đuôi Cá. Ngày ngày, tôi và anh Tấn lên đường tàu, nhìn về phía làng Tám im lìm, xa xa là Hà Nội chỉ còn vật vờ vài đám khói, lòng thấy nôn nao khó tả. Lời thề "Quyết sống chết với Thủ đỏ" làm tôi day dứt vì giờ này trong tay tôi không còn lực lượng tự vệ nào và tôi đã phải rút ra tận nơi đây, đằng sau tôi là cánh đồng mênh mông và Đầm Mực mờ trong sương.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2022, 06:59:49 am »

Đóng mấy ngày ở Pháp Vân trong ngôi nhà gạch độc nhất còn sót lại ngay ven đường số 1, tôi được tin anh Qua đã về làng Đại Từ, đóng trụ sở ở nhà anh Mão. Nhà anh Mão nghèo xơ xác ở tận mé cuối làng, qua rặng tre là nhìn về sân bay Bạch Mai, cũng đã bị địch chiếm đóng rồi. Ở trong nền nhà anh Mão có đào con đường hầm qua tường đất ra bụi tre sau làng. Ở đây tỏi lại gặp đội hoả thực của chị Trinh đóng trong ngôi nhà gạch to lớn. Thấy tôi đến bất ngờ, chị Trinh vội chạy ra ôm lấy tôi, xúc động nói: "Tuấn đấy à! Chị cứ tưởng em hy sinh rồi vì không có tin gì về em: Qùy và Hùng cũng về qua đây, chị hỏi tin em nhưng không ai biết gì. Em gầy nhiều quá! Em ở lại đây vài ngày để nghỉ ngơi cho lại sức!"


Tôi còn lưỡng lự, chị Trinh cứ kéo tôi vào nhà hối hả giục mấy chị giết gà nấu cháo cho tỏi ăn và đun nước cho tôi tắm.

Đến tối hai chị em ngồi nói chuyện với nhau bên ngọn đèn dầu. Các anh chị trong đội hỏa thực ngồi nghe tôi nói chuyện mới hiểu rõ chiến sự trên đường phố. Cuối cùng tôi hỏi chị Trinh:

- Anh Ninh cao đâu rồi? Em gặp anh ấy lần cuối khi cùng tổ hoả thực đem cơm lên cho anh chị em tự vệ vừa thoát vòng vây ở nghĩa địa Sài Gòn.

- Anh Ninh đã được kết nạp vào Đảng, chuyển sang công tác tuyên huấn bên Thành ủy rồi. À! Chị có món quà này cho em.

Chị Trinh nói xong vào buồng, lúc quay ra tay cầm gói giấy nhỏ.

- Chị tưởng em đã hy sinh. Nhớ đến đồng chí trong chi bộ mới sinh hoạt với nhau được vài buổi nên chị thêu chiếc khăn này để giữ làm kỷ niệm về em. Nhưng bây giờ em còn sống và gặp em ở đây, chị trao cho em đấy.

Tôi mở gói giấy thấy chiếc khăn quàng đỏ bằng lụa, góc khăn có thêu hàng chữ "Nhớ về em... Cảm tử quân Lê Tuấn".

- Ôi chị phong cho em danh hiệu này à? Ngoài em ra còn biết bao anh chị em tự vệ, cứu thương, liên lạc cũng gan dạ dũng cảm đánh giặc chứ có phải mình em đâu!

- Thì tất cả các anh chị em tự vệ đều là những chiến sĩ cảm tử, nhưng chị chỉ biết em vì qua nhiều anh chị em tự vệ về qua đây, cả mấy chị cứu thương cũng đều kể chuyện về em. Em xứng đáng với điều đó.

Chị Trinh vừa nói, vừa quàng chiếc khăn vào cổ cho tôi. Tôi cũng thấy sung sướng, nhưng lại bùi ngùi nhớ đến anh Bảo, anh Tuân, em Lương và một số các anh tự vệ khác đã hy sinh, đổ máu trên đường phố, giữ trọn lời thề "Sống chết với Thủ đô".


Hai hôm ở với chị Trinh được chị chiều chuộng, săn sóc. Tôi giữ chiếc khăn quàng của chị cho mãi đến ngày tôi đóng cơ quan ở làng Bồ Nâu, Thanh Oai, bị địch nhảy dù bao vây, chỉ ra thoát người, còn đành bỏ lại mọi tư trang, trong đó có chiếc khăn của chị Trinh và chiếc ống nhòm của anh Tấn tặng từ ngày đầu kháng chiến.


Ít lâu sau tôi được anh Qua nhắn tìm về chỗ anh Hoàng Mỹ đang ở làng Đại Mỗ, bên kia thị xã Hà Đông. Tôi lên Pháp Vân để từ biệt anh Tấn về nhận nhiệm vụ mới của công an. Chúng tôi chia tay nhau hẹn sau này sẽ còn gặp lại nhau. Trên đường về làng Đại Mỗ, tôi được tin bộ phận cứu thương của chị Hải đang đóng ở làng Cự Đà, tôi qua đó để may ra gặp được chị Lan, thực hiện lời nhắn gửi cuối cùng của em Lương. Tôi đến làng Cự Đà cũng được chị Hải cưng chiều như chị Trinh, ở đây tôi còn gặp các chị cứu thương như chị Nghiêm (sau này là vợ anh Tài), chị Duyên (sau này là vợ anh Xuân Oanh), chị Lan và một số chị khác. Tôi cứ ngại ngùng không biết lựa lời nói thế nào cho tiện với chị Lan. Báo tin vui thì dễ, nhưng báo tin buồn như thế này sao mà khó nói quá.


Ở Cự Đà, tôi được các chị chăm sóc từ cái tóc, đến ăn mặc, nhưng vẫn không thấy lòng thanh thản như khi ở chỗ chị Trinh. Tôi cứ ngập ngừng, nhất là khi chị Lan muốn gặp tôi, nhưng thấy các chị đang tíu tít nói chuyện thì chị lại lảng ra chỗ khác.


Mãi đến tối khi ngồi nói chuyện với chị Hải, chị Lan mới đến sau tôi hỏi khẽ: "Em Lương không đi với anh nữa à?"

Tôi tái mặt, lặng im không nói, tay cứ thọc vào túi quần định lấy gói đồng hồ mấy lần lại thôi. Chị Lan như đoán được ra điều gì không hay đã xảy ra với cậu em trai của chị, nắm vội lấy cánh tay tôi, hỏi dồn dập, nước mắt đã lưng tròng:

- Anh Tuấn! Anh nói đi. Em Lương của em ra sao rồi?

Tôi quay mặt đi thầm chùi nước mắt, lấy chiếc gói đồng hồ trong túi đưa cho chị Lan, nói ngập ngừng: "Em Lương hy sinh rồi! Em có gửi lại kỷ vật này cho chị để chị chuyển biếu cho mợ em!"

Chị Lan đỡ lấy chiếc đồng hồ, nhìn chằm chằm vào đấy, người như đã hoá thành đá. Một lúc lâu chị bật oà lên khóc nức nở: "Em Lương ơi! Sao em bỏ cậu mợ và chị đi nhanh đến thế!"

Buổi tối hôm ấy ở chỗ chị Hải, không khí u buồn nặng nề. Ai cũng im lặng để chia sẻ với nỗi đau của chị Lan. Tôi cũng không biết nói gì hơn, chỉ lặng im nhìn chị, trong lòng nôn nao thương nhớ em Lương, nhớ đến hình ảnh từ ngày đầu em đến với tôi và hai anh em luôn đi với nhau cùng chiến đấu trên đường phố.


Sáng hôm sau, tôi vội vã từ biệt các chị để đến Đại Mỗ gặp anh Hoàng Mỹ. Tôi gặp chị Lan sau cùng, khi chị đưa chân tôi ra đầu ngõ xóm, chân bước đi mà lòng càng thấy đau thương, cố nén tiếng khóc để chào tôi: "Anh Tuấn đi cho mạnh khoẻ nhé!"


Nhìn chị hai mắt đỏ hoe sưng húp, tôi biết đêm qua chị đã khóc nhiều và không ngủ được. Trước khi quay đi, tôi mạnh dạn nắm lấy tay chị nói nhanh: "Chị giữ gìn sức khoẻ nhé! Tôi đi đây!"

Cuộc chia tay bên bờ sông Nhuệ đầu năm 1947 với chị Lan, ai ngờ mãi đến năm 1956, đúng mười năm sau, tôi đang công tác ở Sở Công an Hà Nội bị gai sụn ở mũi phải vào bệnh viện Bạch Mai để bác sĩ Lợi mổ, tôi lại gặp chị Lan đang làm y sĩ ở đây. Chúng tôi hàn huyên câu chuyện và tôi biết được tin chị đã lập gia đình và có cậu con trai lên 6 tuổi. Tôi mừng thầm cho chị, và không nhắc lại chuyện cũ mà chỉ hỏi thăm sức khoẻ ông bà và gia đình chị với cháu nhỏ.


Mấy năm sau, tôi được tin chị đã thi đỗ bác sĩ và sau năm 1975, chị đã cùng gia đình chuyển cả vào miền Nam công tác. Tôi nghĩ mọi đau thương rồi cũng qua đi, người ta sống để nhìn về phía trước, gạt mọi khó khăn của cuộc đời để hướng về tương lai. Cũng như tôi, đến năm 1953 được tin em trai tôi là Tuấn Em đã hy sinh ngay ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, cũng cố nén đau thương để hoà nhập với cuộc sống cứ ào ào lôi cuốn mọi người theo dòng đời chìm nổi đó đi lên.


Tôi gặp lại anh Hoàng Mỹ ở làng Đại Mỗ, anh thấy tôi ở mặt trận về mà trông gọn gàng, sạch sẽ, cười bảo:

- Tuấn đánh giặc thế đủ rồi! Bây giờ trở về với nhiệm vụ cũ.

Tôi ở Đại Mỗ được chị Tâm "lồi" chăm sóc, luôn bắt tôi trước khi ăn cơm phải uống thuốc bổ máu. Và cũng lạ thật! Hơn hai tháng lăn lộn ở mặt trận, những cơn sốt rét như bỏ rơi tôi, không hành hạ lần nào. Có thể vì chiến sự liên miên và tôi chỉ lo chiến đấu nên quên cả những cơn "nhớ rừng", ở Đại Mỗ, anh Hoàng Mỹ đã thưởng cho tôi khẩu Colt 12, nhãn "Ngựa bay" với đầy đủ bao da đựng súng, thắt lưng và hai sạc-giơ đầy đạn, nước thép còn xanh biếc. Anh bảo tôi:

- Mình tặng Tuấn khẩu súng do bọn tình báo Mỹ-Anh trang bị cho bọn 5 người chúng mình được chúng thả dù xuống miền Bắc để hoạt động tình báo cho chúng. Nhưng thực ra là chúng đã "thả hổ về rừng". Mình đã nhảy dù xuống vùng Miếu Môn cùng với khẩu súng này và đôi guốc mộc để hoá trang ngay khi xuống mặt đất.

Tôi cũng đưa biếu lại anh khẩu Chiêu Hoà đã cùng với tôi chiến đấu ròng rã 1 năm trời ở Lào và trong 2 tháng ở Liên khu II. Tôi cũng kể lại chuyện tôi đã lấy trộm dược khẩu Chiêu Hoà của tên sĩ quan Nhật say rượu.

Anh Hoàng Mỹ chi cười và nói: "Khẩu súng của Tuấn cũng có giá trị đấy chứ!"

Ngày 3-3-1947, Pháp chiếm thị xã Hà Đông, anh Hoàng Mỹ và chúng tôi phải chuyển lên Thanh Quang, rồi So, Sở, Dương Cốc, Bương Cấn... Cuối cùng anh bảo tôi và anh Tài: "Mình lên Việt Bắc thành lập Cục Tình báo. Các cậu lùi mãi không được mà phải trở về bám lấy Hà Nội để hoạt động, không thể chạy xa hơn dược nữa..."


Rồi anh chia người: Nguyễn Vũ, Tuấn Em lên Việt Bắc với anh để thành lập Cục Tình báo. Anh Tài, tôi, anh Quỳ, anh Hùng ở lại Hà Nội cùng với anh Lê Hữu Qua để lập Ty Công an Hà Nội. Anh Hoàng Mỹ bảo tôi: "Tuấn về làm quận trưởng Công an quận 5. Công an quận 6 do Quỳ làm quận trưởng đã nhận nhiệm vụ từ tháng 2-1947 rồi. Anh Qua tạm thời phụ trách quận 5 để chờ bàn giao cho Tuấn rồi anh lên thành lập Ty Công an Hà Nội do anh làm trưởng ty và Nguyễn Tài làm phó ty."

- Em đánh giặc thì được, còn làm quận trưởng công an thì chưa biết ra sao?

- Cứ làm đi, rồi sẽ hiểu rõ nhiệm vụ. Trong chúng mình có ai được học hành nghiệp vụ này đâu, cũng như Tuấn ngay từ đầu chưa hiểu gì về chiến trận mà cũng đã chỉ huy đơn vị đánh quân Pháp ròng rã một năm trời khắp vùng Thượng Lào đấy thôi. Cứ vừa làm nhiệm vụ vừa học hỏi là làm được tốt công việc.

Cuối tháng 3-1947, tôi về làng Bối Khê thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông gặp anh Lê Hữu Qua để nhận nhiệm vụ mới. Và cũng từ ngày đó, với cương vị là quận trưởng Công an quận 5, tôi bắt tay vào công việc mới mẻ này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM