Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:10:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Sở Công an Bắc Bộ ra đi  (Đọc 3772 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #10 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:33:19 pm »

Xe phóng đến trụ sở Ban Liên kiểm Việt - Pháp ở đầu phố Gia Long1 (Nay là phố Bà Triệu và là trụ sợ của Quận ủy quận Hoàn Kiếm) đã thấy xe của Liên kiểm Việt - Pháp nổ máy chờ xe của chúng tôi đến là bám theo sau ngay. Hai xe rẽ vào phố Paulbert, đến gần ngã ba Bùi Huy Bích cũ (nay là phố Nguyễn Khắc Cần) liền đỗ lại. Anh em tự vệ khu phố canh gác bí mật, thấy xe chúng tôi tới liền chạy ra kể lại tình hình sự việc. Anh Lê Hữu Qua cử hai đồng chí công an xung phong đứng gác ngay ngoài cửa. Chúng tôi cùng cán bộ Ban Liên kiểm và tên sĩ quan Pháp vào trong nhà. Ngay trên nền nhà gần cửa ra vào, người đàn ông bị trúng đạn vào ngực, nằm trên vũng máu, đã chốt. Còn người bị thương ở ngoài hè đã được xe chữ thập đỏ đem đi nhà thương cấp cứu.


Hơn một giờ sau, Ban Liên kiểm mới lập xong biên bản, tên sĩ quan Pháp nhận sai lầm về phía chúng. Trước khi hắn ký vào biên bản, còn làm điệu bộ nghiêng đầu, nhún vai. Anh Qua và tôi chỉ ký vào biên bản theo danh nghĩa cơ quan công an xác nhận sự việc.


Trên đường về, tôi có hỏi đồng chí sĩ quan thiếu tá Dương Văn Đàm là luật sư, đại diện cho phía Việt Nam trong Ban Liên kiểm về những vụ Pháp gây hấn như thế này mà đại diện của chúng đã ký vào biên bản nhận tội, thì chúng có đền bù gì cho gia đình thân nhân người bị hại không!

- Ban Liên kiểm Việt - Pháp chỉ là tổ chức hình thức. Bọn tôi đã lập hơn hai trăm biên bản, từ những vụ chó của Pháp cắn chết mèo của người Việt Nam, từ vụ lính Pháp cướp thuốc lá, ăn quịt tiền xe v.v... đến những vụ chúng nổ súng bừa bãi giết hại nhân dân ta, có chữ ký của chúng đàng hoàng, nhưng bọn chúng nhận lỗi chỉ để biết lỗi, còn có chịu đền bù cho ai đâu. Ngược lại biên bản cứ lập, cứ ký chung, nhưng các vụ lính Pháp khiêu khích vẫn tăng với sự việc ngày càng nghiêm trọng. Bọn chúng lấy lý do là lính lê dương say rượu nên không thể quản được chúng nó. Có thế thôi!


Rồi anh Đàm khẽ nói với tôi: "Nói chuyện với bọn lính Pháp bằng giấy tờ không xong được đâu! Trước sau gì chúng la cũng cần phải có cái này", rồi anh cong ngón tay làm hiệu bóp cò súng. "Nhưng chúng ta cứ phải kiên trì chịu nhịn để tranh thủ thời gian hoà hoãn."


Bọn lính Pháp được chỉ huy khuyến khích nên càng lộng hành. Ban ngày chúng phóng xe Jeep khắp nơi, sục sạo cả vào những ngõ nhỏ, nổ súng uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Các đội tự vệ khu phố và Vệ quốc đoàn được lệnh đắp ụ đất để cản xe chúng ở ngay các đầu ngõ. Anh chị em tự vệ cắt nhau canh gác thường xuyên. Mỗi lần thấy xe của chúng xộc đến, anh chị em lại rút vào trong nhà. Lính Pháp không đi xe được phải vòng lại nên chúng tức tối xả hàng tràng đạn vào các ụ đất lạnh lùng mà chúng thấy mỗi ngày lại mọc thêm ở mọi đường phố Hà Nội.


Ở các nơi công sở có Vệ quốc đoàn canh gác đều phải che chắn bao cát vì đã có lần lính Pháp bắn cả vào các đồng chí gác ở phố Lò Đúc làm một anh Vệ quốc bị thương nặng.

Bước sang đầu tháng 12, không khí chiến tranh đã bao trùm khắp thành phố. Chính phủ kêu gọi nhân dân đi tản cư ra các vùng nông thôn, nên phố xá thưa thớt hẳn, im lìm, nặng nề, vắng vẻ. Lúc này Sở Công an Bắc Bộ cũng không còn việc gì làm ngoài việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Sở đã chia người ra làm ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất có trách nhiệm xem xét lại các hồ sơ, giấy tờ cần thiết đóng hòm để chuyển ra hậu phương, còn cái nào không cần thì đem thiêu huỷ.


Bộ phận thứ hai có trách nhiệm tổ chức chiến đấu bảo vệ cơ quan. Nhũng cán bộ khoẻ mạnh, có tinh thần hăng hái được chia thành từng đội, trang bị đầy đủ vũ khí như đội Công an xung phong, đảm bảo tác chiến chống quân Pháp. Có đơn vị còn được bổ sung, phối hợp với tự vệ thành, bố trí ở nhà Đấu xảo Louis Finot, ở công ty Hoả xa Vân Nam (Trụ sợ Tổng liên đoàn Lao động bây giờ) để đánh chặn quân Pháp từ xa.


Lực lượng trinh sát được phân tán chia về tăng cường cho các liên khu để nắm tình hình địch và những bọn phá hoại.

Bộ phận thứ ba làm công tác hậu cần, phục vụ ăn uống, tiếp tế súng đạn cho các đơn vị chiến đấu.

Riêng hai anh Lê Giản và Hoàng Mỹ cùng số cán bộ chủ sự các phòng sẽ rút ra ngoài hậu phương trước khi nổ súng để đón nhận lại số cán bộ công an rút ra ngoài, củng cố lại tổ chức cho phù hợp với tình hình kháng chiến.

Không khí trong Sở Công an Bắc bộ nhộn nhịp hẳn lên. Phòng nào cũng ngổn ngang các giấy tờ đã được phân loại lưu trữ hay thiêu huỷ. Các chiến sĩ ở đơn vị chiến đấu nhận súng đạn, học cách sử dụng, cách tác chiến trên đường phố và trong từng ngôi nhà gác.


Mấy anh em chúng tôi ở Phòng Chính trị được anh Hoàng Mỹ phân công nhiệm vụ mới: Anh Tài, anh Nguyễn Vũ và anh Phú đi cùng với các anh Lê Giản và Hoàng Mỹ ra hậu phương trước. Tôi, anh Quỳ, anh Hùng, anh Tuấn Em là người cùng ở khu phố chợ Hôm nên được các anh giao cho nhiệm vụ về tiểu khu, giúp anh chị em tự vệ tham gia tác chiến phối hợp với Vệ quốc đoàn.


Ở tiểu khu 6, phố chợ Hôm, tôi lại gặp anh Ngô Tất Oánh1 (Sau này anh Oánh lấy tên là Lê Thanh Quang, đại tá, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quán sự Hà Sơn Bình, đã về hưu, ở Hà Cầu, Hà Trì, Hà Đông). Hai chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Chúng tỏi lấy nhà anh Hùng số 108 phố Huế làm trụ sở chỉ huy tác chiến của tiểu khu. Một hôm anh Oánh thì thào bảo tôi: "Tuấn này! Mình thấy anh chị em tự vệ xì xào nói mấy đêm nay quân ta ở ngoại thành kéo vào nội đô cứ rì rầm suốt đêm, đủ cả súng to, súng nhỏ. Chuyến này thì quân Pháp biết tay!"


Tôi nghe tin này cũng mừng, nhưng sau đó nghĩ lại ngay: Cũng có thể đây là mẹo của anh Vương Thừa Vũ làm nghi binh, như khi tôi còn đóng quân ở Ngã Ba Thá, anh cũng cho chúng tôi hành quân qua lại vùng Miếu Môn, Xuân Mai... trước khi hành quân sang Lào chiến đấu, chỉ để nghi binh gây thanh thế. Nhưng dù sao tin này cũng khích lệ anh chị em tự vệ hăng hái hơn để chờ lệnh chiến đấu.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:34:36 pm »

Ở tiểu khu 6 có anh Sắc là chủ tịch Ban Bảo vệ tiểu khu2 (Ban bảo vệ thay cho Ủy ban kháng chiến sau này) và anh Phụng là phó ban. Anh Sắc người nhỏ nhắn, nét mặt xương xẩu, đôi mắt nhỏ, khi nói chuyện với ai hay nhìn đi nơi khác, không tỏ vẻ thực thà, pha chút gian giảo, làm việc gì cũng ngần ngừ một lúc mới quyết định được. Theo tôi nhận xét thái độ ấy của anh sắc không phải là vì thận trọng mà là thái độ của người ngại ngùng với công việc, nhất là việc tác chiến. Quả đúng như thế thật. Chỉ sau hai ngày, chúng tôi tìm đâu cũng không thấy anh Sắc để bàn các công việc chiến đấu. Nhưng may có anh Phụng là phó ban. Trông anh ngược hẳn với anh Sắc, cũng tuổi thanh niên như chúng tôi. Anh người trắng trẻo, là học sinh trung học, làn tóc hơi xoăn tự nhiên, hai má bầu bầu trông như đứa trẻ đang hờn dỗi, hàng ria con kiến đen nhánh, bên dưới chỗ cằm có một đám râu đen mới chỉ là cái chấm. Miệng lúc nào cũng tròn lại trước khi nói cái gì. Sau này khi anh đã theo chúng tôi vào làm việc trong ngành công an, chúng tôi cứ đùa gọi anh là "Cậu ộ". Phụng chỉ cười, chấp nhận biệt danh ấy. Anh Phụng luôn đi sát chúng tôi để giải quyết mọi công việc theo thẩm quyền của Ban Bảo vệ tiểu khu. Nhìn anh người ta nhận ra ngay cái nết cần cù làm việc. Lúc nào anh Phụng cũng chỉ cười hề hề, chẳng bao giờ thấy vội vã và tức giận điều gì. Khi lực lượng kháng chiến ở Liên khu II đã rút hết ra ngoài, anh Phụng gia nhập Công an Hà Nội và đổi tên là Kim Tấn. Anh hoạt động cho đến ngày về tiếp quản Thủ đô rồi lên Bộ Công an công tác. Sau này anh mất do tai nạn giao thông vào năm 1970.


Còn về anh Sắc, lúc đầu chúng tôi được anh Tích báo cho biết là: "Sắc đã hy sinh rồi!". Tôi không tin vì tiểu khu 6 mới chiến đấu có hai hôm mà anh chị em tự vệ chỉ đánh giặc ở hai ổ tác chiến của Pháp: một tại số nhà 74-76 phố Jacquin (nay là Ngô Thì Nhậm); còn ổ tác chiến kia ở phố Bernard de Beau (nay là Nguyễn Chế Nghĩa) thì chỉ duy nhất có anh Bảo, tự vệ hy sinh mà thôi. Vậy thì anh Sắc mất trong trường hợp nào?


Mãi đến năm 1976, tôi được anh Oánh cho biết là Sắc vẫn còn sống, hiện mở cửa hàng buôn bán ở phố Gốt, thị trấn Xuân Mai. Thì ra điều tôi nghi ngờ về Sắc là đúng. Anh ta nhát gan sợ chết nên đã giả chết để bỏ trốn ra vùng hậu phương ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến.


Trong cuộc họp chi bộ của tiểu khu 6, anh Quỳ là bí thư chi bộ, tôi, anh Hùng, chị Trính1 (Chị Tránh sau này là phu nhân đồng chí Nguyễn Lương Bằng), chị Hải2 (Chị Hải sau này là vợ ông Bùi Lâm, nguyên viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao), anh Âm, tôi cứ dè dặt lúc đầu với chị Hải vì thấy chị là đầm lai, nhưng sau thấy chị cởi mở, hoà nhã với mọi người và nhất là tinh thần hăng hái của chị đã xoá bỏ khoảng cách của tôi với chị. Chị Hải là cán bộ của Công an Hà Nội suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, rồi chị mới chuyển sang ngành y, công tác ở bệnh viện Việt - Xô.


Trong chi bộ có phân công cho từng đảng viên: Anh Quỳ phụ trách chung, tổ chức các lực lượng phối hợp chiến đấu. Chị Trinh, cán bộ công đoàn Nhà máy rượu, phụ trách tiếp tế và "Hoả đầu quân" (nhà bếp), chị Hải phụ trách đội cứu thương, tôi và đồng chí Hùng phụ trách đội tự vệ khu phố chiến đấu.


Một lần tôi đang luồn theo lỗ đục tường thông các nhà để thăm dò đường đi lối lại và xem có nơi nào còn chưa đục thông suốt để sau này khi xảy ra tác chiến không lúng túng, thì thấy hai đồng chí Vệ quốc đoàn đem giấy giới thiệu đến gặp tôi, do anh Quỳ viết gửi đến cho tôi. Một trong hai đồng chí ấy là Lê Ngọc Tấn1 (Lê Ngọc Tấn, đại lá, cán bộ Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần, đã nghỉ hưu ở phố Tăng Bạt Hổ). Đồng chí Tấn gặp tôi lần đầu đã thân thiết ngay vì biết tôi cũng vừa ở đơn vị quân giải phóng chiến đấu ở Lào, và cũng có thể vì tác phong dứt khoát và quyết đoán công việc của tôi. Từ hôm ấy, tôi và đồng chí Tấn luôn đi cùng nhau, bàn bạc cách chiến đấu khi chiến sự xảy ra trong gần hai tháng trời cho đến khi Vệ quốc đoàn và tự vệ rút ra khỏi Liên khu II vào đầu tháng 2-1947.


Một hôm hai chúng tôi đi điều tra vị trí đóng quân của Pháp ở nhà dầu Shell2 (Nhà dầu Shell nay là trụ sở Ủy ban Khoa học kỹ thuật), tuy không thuộc phạm vi tác chiến của tiểu khu 6, nhưng đồng chí Tấn muốn tôi đi cùng để trực tiếp nắm rõ tình hình địch, lên phương án tác chiến, vì chính ở những vị trí đóng quân này, lính Pháp sẽ tiến hành các cuộc càn quét xuống các khu phố thuộc Liên khu II. Hai chúng tôi ăn mặc bình thường, nhưng giắt súng ngắn trong áo, đi bên này đường nhìn sang, quan sát để tìm hiểu lực lượng Pháp đóng ở đây. Tên lính gác nghi ngờ vì thấy hai chúng tôi cứ quanh quẩn bên kia đường, nên nó trao đổi gì với một tên lính khác, rồi cả hai đứa chia nhau hai ngả, tay cầm ngang khẩu súng, lùi lũi sang đường. Đồng chí Tấn bấm vào tay tôi ra hiệu. Tôi cũng nhận ra ý định của chúng muốn bao vây hai chúng tôi, nên kéo tay đồng chí Tấn đi vượt nhanh ra khỏi khu vực trước khi chúng sang được hè đường bên này. Chúng tôi đi lên phố Gambetta (Trần Hưng Đạo) rồi rẽ sang phố khác về Armand Rousseau (Lò Đúc). Đồng chí Tấn kéo tôi vào căn nhà gác ở ngay góc phố nhìn ra ngã năm, ở đây có một tiểu đội Vệ quốc quân đóng bí mật. Anh cho tôi biết là các anh đã đào đường hầm thông ra giữa ngã năm Lò Đúc, đặt quả bom sẵn sàng cho nổ khi Pháp dùng xe thiết giáp tấn công xuống đây. Anh cũng còn cho tôi biết là cả dưới nền rạp chiếp bóng Majestic (Tháng Tám) và cả ở ngã sáu Cửa Nam cũng đều có đặt bom ngầm trong đường hầm rồi.


Sáng hôm 16-12-1946 tôi đến Sở Công an Bắc Bộ thấy các phòng vắng tanh, tưởng là mình đến sớm, định lấy báo ra xem thì anh Quỳ ló đầu vào cửa, vẫy gọi tôi đi họp. Trong phòng đông đủ mọi người, ai cũng im lặng không cười đùa như mọi khi làm cho không khí nghiêm trang hẳn lên. Anh Lê Hữu Qua là ủy viên trong Ban Bảo vệ thành phố đang phổ biến tình hình địch gây hấn, cách chuẩn bị chiến đấu của công an và phân công cho các lực lượng. Trong trường hợp phải rút lui thì địa điểm tập kết là chùa Vân Hồ, nơi anh Lê Hữu Qua đặt trụ sở chỉ huy tác chiến của Công an Hà Nội. Trong làng Vân Hồ còn um tùm bụi tre với những hồ, ao rau muống và bèo tây. Tôi chưa bao giờ vào đấy, nhưng thấy nơi đó là vùng nông thôn nên nghĩ chẳng bao giờ mình phải rút lui về tận đấy, mà chỉ bám chắc vào các đường phố để chiến đấu, cũng có thể chống nhau được với bọn Pháp. Và thực tế, khi chiến đấu, ai cũng bám theo mặt trận, lui đến đâu, giữ đến đó mà không ai về tập kết ở địa điểm này.


Tôi là bộ đội giải phóng quân cũ nên được anh Hoàng Mỹ giao cho khẩu súng trường của kỵ binh Nhật, ngắn, nhẹ hơn nhưng khi bắn giật mạnh hơn súng mousqueton. Khi nhận đạn, tôi chọn toàn loại đạn xuyên thép có màu đen ở đầu đạn và đạn cháy có vẽ vòng đỏ ở đầu. Khi lắp đạn vào sác-giơ tôi cứ lắp viên đạn cháy kèm theo viên đạn xuyên để đánh xe Jeep và xe Half-track. Tôi còn được anh Hoàng Mỹ giao cho quản lý chiếc máy đánh chữ kiểu Baby nhỏ, gọn.


Nhưng ngay từ ngày đầu nổ súng, tôi cũng không rõ mình đã quẳng ở đâu chiếc máy chữ đó.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:35:50 pm »

Trong khi cuộc họp đang bàn tán thì chợt nghe có nhiều tiếng súng nổ ở mạn phố trên đầu cầu. Chúng tôi nghĩ là đã đến lúc tác chiến nên giải tán ngay, ai về làm nhiệm vụ của người ấy. Anh Qua cử trinh sát đi thăm dò tình hình. Tôi xách súng và máy chữ chạy bộ về nhà ở phố Amiral Sénès (Hoà Mã). Dọc đường tôi nghe lõm bõm tin của người đi đường là quân Pháp đang nổ súng khiêu khích, đánh vào phố Yên Ninh và Hàng Bún, giết hại hơn 40 người dân và tự vệ. Sau đó chúng còn bắn pháo cối từ trong thành ra làm đổ một số nhà cửa và giết hại thêm nhiều người nữa.


Có khẩu súng trường, tôi đi đến các nhà anh chị em tự vệ khu phố, chỉ bảo cho anh chị em cách ngắm bắn súng, cách chạy nấp và lợi dụng các địa hình trong đường phố như hàng cây, mái hiên, để đánh địch. Tôi đi suốt ngày, không kịp về nhà ăn uống và tiện bữa ở nhà nào thì ăn ở đấy, đến chiều, tôi gặp anh Tuấn Em đưa cho tôi một gói nặng, bảo ở trên thành phố phát cho. Tôi mở gói giấy thấy toàn là mìn thỏi dẻo của Nhật, và kíp mìn cùng dây cháy chậm.

- Các anh ấy bảo chúng mình đục thân cây phía trong mặt nhà, ở ngoài hè, nhét thỏi mìn vào rồi cho kíp nổ đánh gục các cây cối đổ chắn ngang ra mặt đường làm thành chướng ngại vật.

Về khoản này tôi đã biết cách sử dụng và theo lời các đồng chí giải phóng quân người Thổ trong đơn vị của tôi ở Lào thì loại mìn dẻo này ngọt lắm, ai đau bụng uống một tí là khỏi ngay. Tôi nhấm một tí vào đầu lưỡi thấy ngọt thật, nhưng không dám phổ biến cho mọi người cách chữa bệnh đau bụng theo kiểu đó.


Ngay tối hôm xảy ra sự kiện căng thẳng ở phố Hàng Bún và ngõ Yên Ninh, nhiều nhà dân đã đi tản cư, chỉ khép cửa để cho chúng tôi ra vào tự do.

Tại nhà anh Hùng ở số 108 phố Huế, nguyên là hiệu bán sách Anh Phương, chúng tôi lập ban chỉ huy tự vệ khu phố để anh chị em đến ghi tên nhận nhiệm vụ. Ai có vũ khí dù là dao, kiếm, gậy gộc, súng thì vào lực lượng chiến đấu. Ai không có vũ khí thì vào đội Hoả thực (Nấu bếp). Các chị phần lớn đều gia nhập đơn vị cứu thương họp ở nhà khác do chị Hải phụ trách. Đội quân nhà bếp do chị Trinh phụ trách cũng họp riêng.


Không khí chiến đấu đã sục sôi và khẩn trương. Chúng tôi phân công nhau đưa từng tốp tự vệ đi đục các thân cây thành một lỗ nhỏ, nhét vừa thỏi mìn dẻo. Anh Oánh đi điều tra lại hai ổ tác chiến của địch ở phố Jacquin và ở phổ Bernard de Beau. Mỗi ổ tác chiến chỉ có ba, bốn tên Pháp lập thành vị trí kiên cố để quấy rối hậu phương, của ta và để bảo vệ cho bọn lính Pháp đóng ở nhà dầu Shell.


Gần sáng, chúng tôi về tập trung ở nhà anh Hùng, ai nấy đều mệt mỏi vì thức suốt đêm, thì đã thấy bà mẹ anh Hùng đem ra một rá cà cuống luộc và một ôm bánh mỳ vàng rộm mới lấy ở hiệu bánh mì Boulangerie Moderne bên kia đường (nay là rạp Đại Nam), bảo chúng tôi:

- Anh em ăn đi cho đỡ mệt!

Chúng tôi vừa ăn bánh mì, vừa nhằn cà cuống thịt, nói chuyện râm ran. Anh Phong là anh ruột anh Hùng vứt ra bàn tút thuốc Cotab, nhưng chúng tôi chỉ cầm lên xem vì không ai biết hút thuốc lá. Đang ăn thì anh Quỳ đến, chiếc kính cận cứ tụt xuống mũi làm thi thoảng anh phải lấy ngón tay đẩy lên. Anh Quỳ triệu tập họp chi bộ khẩn cấp. Chúng tôi kéo nhau lên gác nghe anh Quỳ phổ biến tình hình riêng của Đảng, sau đó phát cho mỗi người một tấm thẻ Đảng, in trên bìa học sinh màu tím nhạt, to bằng ba bốn chiếc bao diêm, có đánh số thẻ do anh Lê Quang Đạo bí thư Thành ủy ký. Anh Quỳ cho biết: trong trường hợp tác chiến thất tán nhau mỗi người một nơi, ai đi đến đâu nếu gặp đảng viên thì tự động họp nhau lại để tổ chức chỉ đạo kháng chiến ở đó. Chúng tôi cẩn thận cất thẻ Đảng vào túi áo trên ngực, vì anh em chúng tôi đều là học sinh mới tham gia công tác nên chẳng ai có giấy tờ gì cần phải có ví để cất giữ. Trước đây chí có mấy ông công chức đi làm mới có ví đựng tiền. Còn như học sinh chúng tôi ra đường, chỉ có mấy hào đút trong túi quần là xong.


Ngày hôm ấy, các đội viên tự vệ đều đến sống tập trung theo từng đơn vị được phân công nhiệm vụ. Tôi và anh Oánh chỉ huy tự vệ đánh ổ tác chiến của địch ở phố Jacquin. Anh Hùng và Tuấn Em chỉ huy đánh ổ tác chiến ở Bernard de Beau. Anh Quỳ tổ chức các đội tự vệ tiếp viện và bổ sung. Chị Trinh đã rút về phố sau để huy động anh chị em đi thu hồi thực phẩm nấu cơm, giết thịt để tiếp tế cho tự vệ khu phố chiến đấu. Chị Hải họp các chị cứu thương thành lập từng tổ nhỏ gài vào các khu phố để chăm sóc anh em tự vệ bị thương.


Chúng tôi lại chia nhau tản ra các nhà trong khu phố vận động bà con đi tản cư cho hết. Trong khi đi từng nhà xem xét, tôi đã gặp rất nhiều chuyện cảm động, các chủ nhà cứ cầm tay tôi dặn dò nơi để củi lửa, gạo nước và còn giao cả chìa khoá nhà cho tôi giữ. Đến một nhà gần ngã tư phố Huế và phố Sergent Larrivé (Nguyễn Công Trứ) tôi vào nhà thấy mọi người đã khăn gói gọn gàng để lên đường đi tản cư, nhưng bà mẹ còn nấn ná sụt sùi vì tìm đâu cũng không thấy cậu con trai còn nhỏ tuổi. Hoá ra cậu nhỏ trốn dưới gầm tủ, không chịu đi tản cư mà nhất quyết đòi ở lại để "sống chết với Thủ đô".


Cuộc giằng co giữa hai mẹ con vừa xúc động, vừa buồn cười. Bà mẹ một tay túm lấy cậu bé, một tay cứ phát mãi vào mông mà mắng. Cậu bé gào lên: "Con không đi tản cư đâu! Con ở lại với các anh tự vệ cơ. Con trai phải ở lại đánh Pháp. Đi tản cư xấu lắm!"


Tôi nhìn cậu bé chỉ độ 11, 12 tuổi, mặc áo len dài tav màu xanh rêu, quần dạ tím than dài, đi giày ba ta, đội mũ bê rê cũng bằng dạ màu tím, đứng chỉ cao hơn thắt lưng tôi một chút. Nét mặt em bầu bĩnh còn búng ra sữa, cái miệng, cái mũi đều xinh, nhỏ, riêng đôi mất to, lòng đen như than, còn lòng trắng lại có màu xanh da trời trong veo. Tôi yêu đôi mắt cậu bé và khi nhìn đến cô chị cũng thấy có đôi mắt to đen dài như của cậu em trai. Chỉ khác khuôn mặt cậu bé thì tròn, còn khuôn mặt cô chị trắng mịn lại hình trái xoan, hai má hồng tươi như cánh đào phai. Cô chị mặc áo dài nhung màu huyết dụ quần lụa trắng, đi dép săng-đan da nâu, tay vẫn cầm chiếc va li, nhìn cậu em cứ nắm lấy tay tôi nhì nhèo: "Anh cho em làm liên lạc nhé. Em không sợ giặc Pháp đâu. Tên em là Lương!"


Cô chị lập tức vùng vằng đến phát cho cậu em một cái, mắng: "Mày bảo ai là xấu. Mày biết ở lại đánh Pháp thì tao cũng ở lại có sợ gì đâu!"

Cô chị nói xong đến cầm tay tôi nói tự nhiên: "Tên em là Lan, anh cho em vào đội cứu thương vì khi học ở trường Đồng Khánh (Trưng Vương bây giờ) em cũng đã được học qua cách cứu thương rồi!"

Nói xong, cô không chờ tôi có ý kiến đã đưa ngay chiếc va li đang cầm trong tay cho mẹ và dặn: "Bố mẹ cứ về quê trước đi. Chúng con ở lại đánh nhau xong cũng sẽ về với bố mẹ!"

Bà mẹ chỉ biết khóc và kêu khổ. Ông bố lúng túng, thở dài: "Thôi! Tôi cũng đành gửi hai em để các anh bảo ban giúp!"

Rồi ông quay lại dặn hai con: "Các con đánh giặc cho giỏi, rồi về nhà ngay nhé! Bố mẹ ở quê mong các con đấy!"

Bà mẹ tay xách va li, lau nước mắt, giúi vào tay cô chị ít tiền, rồi quay lại bảo tôi: "Gạo nước, củi lửa trong nhà còn đủ cả. Các anh chị cứ lấy mà dùng, đừng ngại gì... Chỉ mong hết giặc chúng tôi lại được về nhà là phúc lắm rồi".
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:36:32 pm »

Tôi nghĩ thầm: "Chuyện đánh giặc mà nhân dân mình chỉ coi như một cuộc đi vắng nhà trong thời gian ngắn rồi lại về, thật nhẹ nhàng, đơn giản như vậy".

Từ hôm ấy em Lương, cứ bám sát theo tôi không rời nửa bước. Còn Lan vào đội cứu thương của chị Hải.

Có nhà khi thấy chúng tôi đến, bà chủ nhà đặt cả thùng gạo và các loại thực phẩm lên bàn, giao cho chúng tôi rồi mới ra đi. Bà chủ nhà còn cẩn thận gỡ chùm chìa khoá đeo ở thắt lưng đưa cho tôi, dặn:

- Anh giữ lấy chìa khoá cửa này để ra vào cho tiện. Đồ đạc chẳng cần gì phải giữ. Người làm ra của chứ của chẳng làm ra được con người. Chỉ mong các anh đánh chết hết chúng đi cho nhanh để bà con hàng phố chúng tôi lại được về sống yên lành.

Có ai biết đâu! Ngay cả chúng tôi cũng chưa nghĩ được là mình sẽ đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài đúng 8 năm, kém hai tháng, 9 ngày mới lại trở về thủ đô. Trong những ngày đầu kháng chiến ấy có biết bao nhiêu con gái, con trai của Hà Nội đã vĩnh viễn nằm lại trên đường phố thân yêu của mình.


Ngày 17-12-1946, giặc Pháp tăng cường gây hấn. Chúng đổ quân bao vây trụ sở Công an Hàng Đậu, bắn phá khiêu khích dọc phố Hàng Khoai và chợ Đồng Xuân, cho xe ủi đất đến phá các ụ chiến đấu của Vệ quốc đoàn ở phố Lò Đúc, nổ súng bắn bừa bãi vào hai bên phố Soeur Autoine (Hàng Bột).


Tình hình càng trở nên căng thẳng, chúng tôi luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các đội tự vệ, cứu thương, hỏa thực đã sống tập trung theo từng địa điểm, với các vũ khí, dụng cụ của mình. Tự vệ chiến đấu thì có súng, dao kiếm, chai xăng pha crếp, lựu đạn, giáo mác. Các chị cứu thương đeo túi vải đựng bông băng, ít thuốc cảm sốt và chủ yếu là thuốc đỏ. Các anh chị 6 đội hỏa thực mang quang gánh kè kè bên mình. Nhìn anh chị em nào cũng thấy nét mặt trang nghiêm, nhưng tỏ ra bình tĩnh. Riêng các em liên lạc cũng làm cho mọi người thấy xúc động khi các em mũ ca lô đội lệch trên đầu, vai đeo khăn gói quần áo và chiếc chăn len hay chăn dạ cuộn tròn, buộc chéo qua vai, nét mặt tỏ ra nghiêm chỉnh một cách ngây thơ đáng yêu. Các chị tự vệ hay cứu thương vẫn quần trắng, áo dài màu tha thướt, nhưng không son phấn, vai đeo túi thuốc, tay cầm kiếm sẵn sàng xong ra trận. Những đội viên nam nhà nghèo thì mặc áo dài lương, áo kép bông, đi guốc, cầm gậy hay giáo mác. Đội viên nhà giàu có một chút thì áo lông, mũ bê-rê dạ tím, đeo lựu đạn, chai xăng pha crếp, có anh cũng mang khẩu súng ngắn bé xíu tự trang bị, buộc quanh thắt lưng.


Đội tiếp tế của chị Trinh đã đi gom tất cả lương thực ở các nhà trong phố, chuyển xuống cất ở mấy nhà kiên cố gần ngoại ô để dự trữ nuôi quân. Các anh chị ở đội này còn thu gom tất cả đỉnh đồng đưa về làng Vạn Phúc, Hà Đông để đúc đạn.


Lúc này, những nhà giàu có cũng không còn dám nấn ná ở lại. Họ ra đi nhưng khoá cửa, cài then thật cẩn thận, mang theo các túi to, túi nhỏ chất đầy các tài sản quý giá, chăn màn. Phố xá tự nhiên trông như rộng hẳn ra, không còn xe cộ và người đi lại trên đường, thi thoảng lắm mới có chiếc xe đạp của anh tự vệ nào đấy hối hả đạp nhanh. Gió rét thổi ù ù, mấy chiếc lá bàng cuối cùng đỏ úa như máu đã rụng xuống hết mặt đường hoang vắng. Bầu trời xám xịt, in bật những cành khẳng khiu thành những nét đen đậm trên bầu trời. Loa thông tin đã công khai báo những tin tức về những vụ quân Pháp gây hấn và truyền đi những mệnh lệnh của Ban Bảo vệ thành phố, để các lực lượng chiến đấu ở Hà Nội theo dõi sát tình hình địch.


Ngày 18-12-1946, đội viên tuyên-cổ (tuyên truyền, cổ động) vác loa "a lô" báo tin quân Pháp đã chiếm đóng Nhà Tài chính (Bộ Ngoại giao bây giờ), chiếm Bộ Giao thông công chính, đã gửi tối hậu thư cho Chính phủ đòi giải tán các đội tự vệ chiến đấu, Công an xung phong, Vệ quốc đoàn, giao nộp vũ khí cho chúng, nếu không đến ngày 20 tháng 12 chúng sẽ hành động.


Cũng tối hôm 18-12, chúng tôi chuyền tay nhau mệnh lệnh chuẩn bị kháng chiến gửi cho Vệ quốc đoàn, Công an xung phong và dân quân, tự về thành phố, khu phố, do anh Nguyễn Văn Trân, chủ tịch Ủy ban Bảo vệ thành phố ký.


Riêng trong nội bộ Đảng được phổ biến bí mật là vào khoảng 8 giờ tối ngày 19-12-1946, Chính phủ đã quyết định hành động trước thời hạn trong tối hậu thư của quân Pháp. Có nghĩa là chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra vào tối ngày 19-12. Chúng tôi thấy nôn nao khó tả, chờ giây phút bùng nổ tưởng dài như vô tận. Thời gian chỉ còn đêm nay và ngày mai nữa, chúng tôi còn phải làm gấp một số công việc chưa xong, như kiểm tra lại các nhà giàu chưa cho đục tường thông nhà nọ sang nhà kia, phố này sang phố khác giáp lưng nhau, đào những đường hào ngang đường để lập chướng ngại vật cản địch. Những nhát cuốc chim bổ vào tường, xuống đường nhựa, chạm vào đá tảng, bật lên những tia lửa nhấp nhoáng, vang vọng trầm trầm suốt dọc các dãy phố. Ánh đèn điện vẫn toả rộng một vùng sáng trên đường vắng lặng. Các nhà hai bên hàng phố đều mở toang cửa, nhưng không có người ở bên trong mà chỉ có anh chị em tự vệ ra vào, chạy đi, chạy lại, hối hả làm việc trong gió rét đến cắt da, cắt thịt. Các thân cây bàng đều đã được nhồi mìn thỏi và kíp mìn cùng dây cháy chậm. Chợt mọi người đang đào đường dừng tay cuốc vì tiếng chuông tàu điện leng keng đến gần. Đến chỗ đang đào đường, tàu điện chạy chậm lại. Trên toa chỉ có vài gia đình đi tàu tản cư muộn.

- Ô! Tàu điện vẫn chạy nhỉ!

- Ta vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày, việc gì phải sợ chúng.

Một giọng nam cao vút lên: "Bao chiến sĩ anh hùng...", anh chị em tự vệ hoà giọng hát theo: "lạnh lùng vung gươm ra sa trường".

Tàu điện chạy ra ngoại ô. Những người ngồi trên toa cũng vỗ vào thành tàu gõ nhịp, ló đầu ra vẫy gọi:

- Ở lại chiến đấu nhé! Chúng tôi chờ tin thắng trận của các anh chị.

- Bà con đi mạnh khoẻ. Chúng tôi quyết sống chết với Thủ đô.

Tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray kin kít, xa dần, quầng sáng ánh đèn đi mãi về phía ngã tư Trung Hiền. Anh em tự vệ lại tiếp tục công việc. Thế là đã qua một đêm rồi. Còn ngày hôm nay nữa, sao mà dài đến thế!
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #14 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:37:50 pm »

Ngày 19-12, trời vừa hửng sáng, phố xá còn chìm ngập trong màn sương trắng đục, đồng chí Tấn đã đến tìm gặp tôi, kéo ra một chỗ, hỏi:

- Cậu biết tin gì chưa?

- Rồi! Trong Đảng cũng đã phổ biến từ tối hôm qua. Bọn mình đang chuẩn bị chờ đêm nay là nổ súng.

- Mình cũng đã điều quân lên các vị trí sát nhà của phái đoàn Sainteny rồi! Nhớ phối hợp chặt chẽ với bọn mình nhé.

- Bọn mình lo giải quyết xong hai ổ tác chiến sẽ tham gia với anh em vệ quốc đánh địch. Chỉ tiếc là bọn mình ít vũ khí quá, không biết đánh đấm được bao lâu?

- Mình sẽ cung cấp cho các cậu ít lựu đạn.

- Mỗi người được một quả cũng là tốt rồi.

- Vệ quốc có mục tiêu khác. Đánh xong bọn mình cũng rút về đây để bảo vệ từng đường phố. Chắc chắn địch sẽ tập trung quân đánh vào Liên khu I. Chúng mình ở vòng ngoài sẽ tấn công mạnh để đỡ đòn cho các đồng chí ấy theo kiểu "nội công, ngoại kích". Trụ sở của các cậu đóng ở đâu?

- Bây giờ tạm thời là nhà 108 phố Huế, còn sau này tuỳ tình hình chiến sự sẽ chuyển đến nơi khác. Nhưng nói chung bọn mình luôn bám sát đường phố để chỉ huy chiến đấu. Cậu cần tìm mình cứ lên tuyến đầu giáp ranh với địch, anh chị em tự vệ sẽ chỉ cho cậu đến chỗ mình. Còn bây giờ có thể trụ sở của Quỳ sẽ chuyển về nhà ông Bùi Duy Dần (hiệu thuốc tân dược quận Hai Bà Trưng).

Trước khi chia tay với đồng chí Tấn, em Lương kéo tôi cúi xuống nói thì thầm vào tai tôi:

- Chú bé liên lạc của cậu nói chuyện gì thế? - Tấn hỏi.

- Em Lương nói với anh Tấn đi.

- Em chịu thôi... anh nói hộ em.

- Chú bé muốn gì nào? Anh giúp được anh sẽ sẵn sàng ngay.

- Em Lương thấy cậu có quả lưu đạn mỏ vịt của Mỹ thích quá, nhưng không dám nói mà cứ giục mình nói hộ.

Đồng chí Tấn cười chân thật, vuốt má em Lương bảo: "Anh tặng chú bé Ga-vơ-rốt của Hà Nội để đánh giặc Pháp nhé. Em biết cách sử dụng lựu đạn chưa?"

- Em cảm ơn anh lắm. Em sẽ nhờ anh Tuấn bảo giúp cho em.

Được quả lựu đạn đẹp, em Lương hí hửng cài ngay vào thắt lưng da rồi nhìn tôi có vẻ hãnh diện tưởng chừng như em đã lớn hơn được mấy tuổi.

Khi đồng chí Tấn đi rồi, chúng tôi lại tiếp tục công việc.

Cả ngày hôm ấy không thấy một bóng lính Pháp nào nghênh ngang trên đường như mấy hôm trước. Chúng có lệnh "cấm trại" rồi đấy!

Anh em tự vệ đàng hoàng làm việc ban ngày nên các đường hào chạy ngang đường phố được hình thành nhanh chóng, kết hợp như một khu liên hoàn chiến đấu. Chúng tôi nóng lòng chờ mong đến giờ phút lịch sử vào buổi tối hôm nay.


Chiều hôm ấy ăn cơm xong, đội quân của chị Trinh còn phát cho chúng tôi mỗi người một nắm cơm to, một miếng thịt kho mặn. Nhưng trong nội bộ Đảng thì chúng tôi rõ là cả đêm hôm nay chắc chắn không có ai còn ngủ được. Đến ngày mai thì chưa biết thay đổi ra sao.


Trong ngôi nhà tập trung anh chị em tự vệ và cứu thương chỉ nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin, tiếng hát những bài ca cách mạng và tiếng cười sảng khoái. Tôi ghé qua thăm các anh chị, đứng ngắm từng khuôn mặt trẻ trung, yêu đời, nét mặt của những người con trai, con gái Hà Nội với ánh hào hùng của khí thiêng ngàn năm truyền lại. Tôi nghĩ thầm: Trước lúc bước vào trận quyết chiến mà anh chị em vui vẻ như thế này thì không lo về mặt tinh thần nữa. Vả lại, những người nhút nhát hay vì lý do nào đấy không ở lại chiến đấu với đường phố đã đi tản cư rồi. Những anh chị còn ở lại đến bây giờ đều là những chiến sĩ đáng tin cậy.


Tôi nhớ lại trong một buổi sinh hoạt chi bộ, anh Quỳ vẫn nhắc chúng tôi là chú ý phát triển đảng viên trong anh chị em tự vệ. Anh hỏi tôi về tính cách của anh Oánh và Tuấn Em.

Anh Oánh thì tôi tin tưởng hơn vì chính tôi đã tuyên truyền tổ chức anh vào đoàn thể thanh niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh từ năm 1943. Trong thời gian hoạt động cách mạng anh luôn tỏ ra gan dạ, bình tĩnh. Anh cũng đã cùng tôi tham gia trong đoàn quân vào chiếm trại Bảo anh binh ngày tổng khởi nghĩa 19-8-1945. Hiện nay ngoài nhiệm vụ chiến đấu, anh còn phụ trách đội liên lạc, trong đó có em Quý, Quyến, em Tăng và một số các em khác như em Trường (Tám)"1 (Quyến sau này là đại tá công an Trần Văn, Tăng là đại lá công an, Tho, và Trường (Tám) ở Sở Công an Hà Nội và đều đã về hưu) v.v...


Tuấn Em thì còn xốc nổi, cần có thời gian để thử thách thêm.

Nghĩ như vậy, tôi liền đi tìm anh Quỳ trao đổi ý kiến và sau đó tìm gặp anh Oánh để tâm sự và nói thêm về đảng Cộng sản. Anh Oánh chăm chú nghe tôi nói rồi mới thủ thỉ: "Mình biết Tuấn là đảng viên, mình vẫn mong có lúc sẽ được như vậy!"


Thế là rõ! Anh Oánh đang có nguyện vọng tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong dịp chiến đấu này, chỉ cần anh tỏ rõ phẩm chất cách mạng kiên cường là tôi sẽ cùng với anh Hùng, đề nghị anh Quỳ kết nạp anh vào Đảng được.


Trời vừa tối, đèn thành phố đã bật sáng. Chúng tôi biết là sắp đến giờ nổ súng nên tất cả chúng tôi, anh Hùng, anh Oánh, Tuấn Em cùng đổ ra đường với các anh em tự vệ khu phố. Chợt tôi thấy người mình rét run, tay cầm cái gì cũng lóng ngóng. Có lẽ tôi cảm động không giữ được bình tĩnh!


Nhưng đây có phải là trận đầu tôi giáp mặt với quân địch đâu! Lần đầu tiên khi vào trận đánh giặc ở Sầm Nưa bên Lào, tôi cũng có run tay, nhưng giờ đây qua những trận nam chinh, bắc chiến, dày dạn ở chiến trường rừng núi vùng Thượng Lào thì tôi chắc mình không còn run tay được nữa, mà đây là "cơn nhớ rừng" của tôi lại nổi lên hành hạ. Tôi quay lại nhà anh Hùng kiếm cái áo vét-tông mặc thêm vào cho ấm, nhưng người vẫn run lập cập. Anh Quỳ nhìn tôi ái ngại: "Cậu Tuấn lại lên cơn sốt rét rồi phải không?"

- Mình chỉ rét một lúc thôi, sau đó sốt nóng thì không cần lắm, lại sẽ khỏi ngay thôi mà.

Anh Quỳ bảo chị cứu thương lấy mấy viên thuốc Quinine đưa cho tôi. Tôi đỡ lấy thuốc trong tay chị, run lập cập, cho vào miệng nuốt ngay, rồi mới kịp để ý đến chị cứu thương đang đứng trước mặt nhìn tôi:

- Anh bị sốt rét bao giờ thế?

- Chị Tuyết Lan đấy à!

- Anh đi nằm một lát đi... Em Lương đâu rồi, sao không thấy em đi với anh?

Vừa lúc ấy em Lương chạy xộc vào, vừa thở hổn hển, vừa nói líu tíu:

- Anh Tuấn ơi! Anh sang phố Jacquin (Ngô Thời Nhiệm) ngay, các anh ấy đang chờ anh đấy.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #15 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:39:15 pm »

Rồi không kịp để tôi nói gì, em Lương kéo tay tôi lôi đi ra cửa. Tôi còn kịp nghe tiếng anh Quỳ nói: "Anh ấy mới ở chiến trường đánh Pháp bên Lào về!"

Từ nhà anh Hùng sang phố Jacquin có một đoạn, nhưng tôi và em Lương mới chạy đến phố Harmand (Trần Xuân Soạn) thì một tiếng nổ ầm vang từ phố trên vọng lại. Đèn điện thành phố vụt tắt. Tôi vừa chạy vừa bảo em Lương: "Đánh nhau rồi đấy! Em cứ bình tĩnh đi với anh nhé!"

- Em không sợ đâu! Bây giờ em phải làm gì hở anh?

- Em chạy về tìm anh Oánh, nói với anh ấy cho anh em tự vệ nổ mìn đánh đổ các cây ra chắn đường và ở những chỗ đã đào đường hào cần phải vứt hết đồ đạc trong các nhà ra lập chiến luỹ, chướng ngại vật, rồi em quay lại đây với anh nhé! Anh đánh bọn Pháp ở ổ tác chiến phố Jacquin. Các anh chị khác đã phân công mỗi người một nhiệm vụ cả rồi.

Lúc ấy tôi nói mà như phải hét lên với em Lương để em nghe rõ vì quanh chúng tôi trời đất tối om. Những tiếng mìn nổ vang, tiếng súng lo, nhỏ, tiếng tự vệ reo hò, tiếng đồ đạc ở trong nhà được vứt ra đường. Bất kể cái gì từ chậu hoa cây kiểng, giường tủ, bàn ghế, chăn màn, đồ dùng lớn nhỏ trong nhà đều được đưa ra làm chướng ngại vật. Anh em còn lấy dây điện đứt chăng ngang đường, vất chăn, chiếu lên dây để che mắt quân địch. Những tiếng động ấy vang lên như lay động cả trời đất đã đỏ rực vì những đám cháy, sắp đổ ập xuống. Cảnh tượng như trời long, đất lở. Tiếng loa của các anh chị tuyên truyền, đủ cả giọng kim, giọng trầm, giọng the thé, vang khắp các đường phố: "A lô! Thưa toàn thể đồng bào. Giặc Pháp đã nổ súng tấn công ta. Giờ cứu nước đã đến, toàn thể đồng bào hãy đứng lên tiêu diệt hết quân thù!"


Tôi chưa biết động đất như thế nào, chỉ thấy người cứ lâng châng, chao đảo, chập choạng như dơi ban ngày, chạy vài hước lại ngã, người vẫn còn rét run. Đến phố Jacquin, thấy anh em tự vệ đang reo hò, vây quanh ngôi nhà là ổ tác chiến của địch, nhưng chưa ai nổ súng vì cũng chưa biết cách tấn công vào vị trí là nhà gác. Trong cái ồn ào hỗn độn ấy, tôi bảo anh em không hò hét huyên náo làm lộ mình. Tôi cử một tổ ba người lặng lẽ men theo tường các nhà bên cạnh đến chỗ hàng rào sắt để phá cổng, tiếp cận ngôi nhà.


Bọn địch bên trong chắc phải là những tên đã quen giữ vị trí cố thủ nên chúng im lặng, thi thoảng thấy động ở chỗ nào mới nổ súng về phía đó. Bên ngoài nhìn vào trong nhà không được, nhưng địch ở trong nhà nhìn ra đường có ánh lửa chập chờn nên thấy bóng người là bọn chúng chủ động nổ súng. Tôi cầm khẩu súng trường, chăm chú nhìn tia lửa ở súng địch bắn ra chỗ nào liền nổ súng ngay vào chỗ đó.


Một lúc sau, tôi nghe có tiếng lựu đạn nổ, rồi ba anh tự vệ chạy lại chỗ tôi:

- Tí nữa thì chết anh ạ! Chúng tôi đang gỡ dây xích, định phá khoá nên làm động loảng xoảng, địch liền tung lựu đạn ở trên gác xuống, chúng tôi vội nhảy giạt cả sang bên đường tránh kịp.

Các anh vừa nói vừa cười khúc khích như mình vừa nghịch một trò chơi bị bại lộ.

Tôi quan sát hoạt động của địch thấy chúng không có nhiều tên, chắc chỉ là một tổ, có một tên ở trên gác canh phòng tình hình chung, còn ở dưới nhà chắc cũng có vài ba tên.

Tôi đưa khẩu súng trường cho một anh tự vệ đứng tuổi, dặn: "Anh giữ khẩu súng này, nhằm vào chỗ cửa sổ, khi nó hé mở để tung lựu đạn xuống thì bắn ngay vào chỗ đó, yểm hộ cho tôi sang phá khoá cổng".

Tôi dùng khẩu Chiêu Hoà của mình, bí mật tiếp cận cổng sắt, sờ tay lần chỗ ổ khoá, đưa nòng súng sát vào đấy, nổ một phát làm chiếc khoá gẫy tung. Tôi vội đạp toang cánh cổng sắt rồi chạy sang một bên tránh luồng đạn của địch ở trong nhà đang bắn ra. Cùng lúc ấy có bốn, năm anh tự vệ chạy vào trong sân. Tôi chỉ kịp hét to: "Nép sát vào tường, chú ý địch thả lựu đạn xuống sân!", thì đã nghe tiếng lựu đạn nổ vang, mảnh gang đập vào song sắt rào rào, rồi lại bắn đập vào lường làm vôi vữa bắn tung cả vào người tôi. Dứt tiếng nổ ấy, mấy bóng anh tự vệ chạy ra, khiêng theo một người.

- Anh Bảo chết rồi!

Tôi chạy đến chỗ anh em hỏi ra mới biết do anh Bảo hăng hái quá, vừa vào đến sân thấy địch ở trên gác bắn xuống, liền ném lựu đạn lên chỗ cửa sổ, nhưng lựu đạn đập vào tường rồi rơi xuống sân, sát hại chính người sử dụng nó. Tôi nhớ anh Bảo, người cao lớn, đẹp trai, là con chủ hiệu bánh mì Boulangerie Moderne, anh là chiến sĩ tự vệ hy sinh đầu tiên ngay trong đêm nổ súng kháng chiến toàn quốc.


Cả đêm hôm ấy, mấy lần chúng tôi dùng chai xăng crếp để đốt cánh cửa, xông vào nhà. Phải hai ba lần mới đốt được cánh cửa, chúng tôi liền xông được vào tầng dưới. Địch đã rút cả lên gác, đóng cầu thang, thả lựu đạn xuống làm chúng tôi phải nhảy vội ra ngoài. Loay hoay mãi vẫn chưa tiêu diệt được ổ tác chiến này, thì trời đã gần sáng. Tôi cắt một nhóm anh em tự vệ độ 6, 7 người đứng ở ngôi nhà phía bên kia đường canh chừng, bao vây nếu thấy địch ló ra là diệt ngay.


Tôi quay lại phố Huế thấy quang cảnh khác lạ hẳn. Chỉ qua một đêm mà đường phố ngổn ngang, cây đổ, cột điện gãy, hai toa tàu điện nằm nghiêng trên đường, mấy chướng ngại vật ngang đường sừng sững che chắn cả tầm mắt, dây điện loằng ngoằng, đứt ngang, đứt dọc, muốn đặt một bước chân đi thoải mái cũng khó. Tôi hình dung ra cảnh gần 100 anh em tự vệ và chỉ trong một đêm đã tạo ra cảnh thật hết sức phi thường. Các nhà hai bên hè phố gần như trống trơn, toang hoác vì đến cánh cửa cũng bị tháo rồi vứt ra đường lập chiến luỹ. Một lúc sau, anh Hùng và Tuấn Em về đến trụ sở cho biết: ổ tác chiến của địch ở Bernard de Beau cũng chưa diệt xong mà chỉ chiếm được tầng dưới, địch cố thủ ở tầng trên, lại được súng của bọn Pháp đóng tại nhà dầu Shell chi viện nên đánh chúng cũng vất vả. Chúng tôi bàn nhau cho anh em tự vệ đi thu gom các vật dụng dễ cháy, kiếm xăng, dầu hoả, chuẩn bị để đến tối là nổi lửa thiêu hủy ngôi nhà. Tôi đứng ở nhà gác trên đường Logerot (Phùng Khắc Khoan) nhìn qua khe cửa sổ, trông thẳng sang gác của địch, nghĩ thầm: "Lúc này có khẩu Tromblon VB (súng bắn lựu đạn) thì hay quá, dễ dàng phá được cánh cửa sổ, ném lựu đạn và chai xăng crếp sẽ tiêu diệt được chúng ngay".


Đang lúc ấy tôi nghe tiếng xe Half-track và tiếng súng đại liên của địch nổ rào rào, nghĩ là địch lại tấn công xuống, thì em Lương đã hét to: "Địch tấn công. Anh Tuấn ơi!"

Tôi kéo em Lương xuống nhà, luồn qua lỗ đục tường sang ngay phố Jacquin. Tổ tự vệ chốt bên kia đường đã nổ súng vào chiếc xe của địch, nhưng súng trường bắn vào xe Half-track khác nào như gãi vào da voi nên xe của chúng cứ tiến thẳng đến trước cửa ngôi nhà là ổ tác chiến của chúng. Tôi nghĩ chúng sẽ viện trợ người, súng đạn và thực phẩm để bọn này cố thủ. Nhưng cũng có thể là chúng đón bọn này rút chạy, liền bảo em Lương xuống cuối phố, luồn sang bên kia hè đường báo cho anh em tự vệ đừng bắn vào xe không kết quả, mà cần nhắm vào những tên trong nhà chạy ra hay ở trên xe xuống.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #16 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:40:12 pm »

Em Lương thoắt chạy đi ngay. Còn mình tôi tay cầm lựu đạn đã rút chốt sẵn, tay cầm súng ngắn nhằm bắn vào bọn địch trong nhà chạy ra, hay trên xe đổ xuống. Nhìn chiếc xe đỗ lù lù ngay ở sát hè cách chỗ tôi đứng không xa, trông thật là ngon. Tôi muốn quẳng cho chúng quả lựu đạn, nhưng không có chai xăng crếp nào kèm theo thì không thể phá được xe tăng của chúng. Nếu diệt được phương tiện này thì chúng tôi có thể cầm chân được mấy tên còn ở lại ổ tác chiến, để chờ đến đêm nay sẽ thiêu hủy chúng cùng với ngôi nhà. Tôi đành chờ xem bọn địch ra khỏi xe hay bọn trong nhà chạy ra sẽ ném lựu đạn diệt chúng.


Tiếng súng của tổ tự vệ bên kia hè đường im bặt, một tên địch trong xe nhô ra khỏi cửa, tôi liền nhằm bắn ngay. Hắn kêu rống lên, ngã thụt vào trong xe. Cùng lúc ấy địch quay khẩu đại liên bắt rát vào chỗ cửa sổ nơi tôi đứng nấp, làm gỗ cánh cửa vỡ ra từng mảnh tơi tả. Tôi vội trèo lên gác để tìm thế trên cao đánh xuống, thì em Lương đã chạy về rối rít gọi:

- Anh Tuấn ơi! Anh Oánh đến đây rồi.

- Tuấn đừng trèo lên gác nữa. Chúng mình cứ nấp vào sau cửa sổ này cho gần, chờ lúc nó im tiếng lại đánh tiếp.

- Địch rút chạy rồi các anh ơi!

Tôi và anh Oánh cùng một lúc tung lựu đạn ra chỗ trước cổng sắt của ổ tác chiến địch. Anh Oánh ném theo chai ét-xăng crếp trúng vào sườn xe. Cùng lúc ấy bên kia đường có mấy bóng tự vệ lao ra ném lựu đạn sang. Tiếng nổ ầm ầm. Bọn địch trong nhà có ba tên dìu nhau chạy ra đến cổng thì có một tên gục xuống. Bọn ở trên xe nhảy xuống kéo tên kia lên xe rồi chúng nổ máy cho xe chạy. Súng đại liên của chúng quét hai bên đường, đạn hay ràn rạt. Tôi chỉ kịp nhìn thấy lửa xăng bám cháy ở thành xe thì chúng đã thoát ra đến ngã tư và chạy mất.


Tất cả chúng tôi nhảy ào vào trong nhà, chỉ thấy từng đống đạn và vỏ đạn, đồ đạc bừa bãi. Trên gác, thức ăn đồ hộp, bánh mì của chúng bỏ lại còn lăn lóc, ở góc phòng có bông băng đẫm máu. Ở dưới đường ngay trước hè nhà, chúng tôi cũng thấy vết máu loang lổ, nhưng không rõ số phận của chúng ra sao. Dù không tiêu diệt được ổ tác chiến, nhưng chúng tôi cũng buộc chúng phải rút chạy sớm không trụ lại lâu dài để quấy rối hậu phương của ta.


Về đến trụ sở, em Lương đưa cho tôi một vốc đạn 9 ly, tôi mừng lắm vì số đạn này cũng dùng được cho khẩu Chiêu Hoà của tôi đã gần hết đạn. Lúc này tôi thấy có mặt cả anh Phụng. Anh hỏi chúng tôi về kết quả cuộc đánh ổ tác chiến, tôi cho anh biết tình hình thì anh nói ngay:

- Các cậu cho mình ở lại đây với nhé!

- Thế thì càng tốt. Anh ở đây với chúng tôi có lợi thêm, vì anh vẫn là phó Ban Bảo vệ tiểu khu. Thế còn anh Sắc đâu?

- Ngay lúc nổ súng, bọn mình tìm cậu ấy nhưng không thấy đâu cả, nên không biết làm gì. Mình phải đến đây tìm các cậu xin gia nhập chiến đấu.

Cũng từ hôm đó, anh Phụng luôn đi cùng với anh Quỳ, đã giúp việc tổ chức, điều động lực lượng tự vệ bổ sung cho chúng tôi đánh địch. Đến lúc ăn cơm, ai nấy nhận phần cơm nắm của mình, vừa ăn vừa kể râm ran việc mình đã làm: Ai nói người ấy nghe vì tiếng ồn ào xen lẫn với tiếng cười nói của tự vệ, các chị cứu thương và tiếp tế hỏi thăm tình hình chiến sự. Tôi chạy sang nhà ông Vũ Đình Tụng ở gần sát chợ Đức Viên, gặp anh Lê Ninh1 (Anh Lê Ninh sau đổi là Lê Khởi Nghĩa, làm thư ký cho ông Phạm Văn Đồng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp), một học sinh đã tốt nghiệp tú tài phần thứ nhất, hiền lành, củ mỉ, cao lêu đêu gần 1m80, một trí thức đã là cậu Tú, nhưng lại xung phong vào đội hoả thực của chị Trinh. Anh đang giữ khư khư khẩu súng trường, đứng gác kho thực phẩm và vật dụng quý để trong gara ô tô của ông Vũ Đình Tụng mà đội của chị Trinh đã thu thập được cõng về cất ở đây.

- Anh Ninh, còn cơm nắm không?

Nghe tiếng tôi hỏi, chị Trinh ở trong nhà chạy ra. Tôi trông chị gọn gàng trong bộ cánh áo bông trần, cười để lộ hai hàm răng đen nhưng nhức, đều đặn.

- Anh em có ai việc gì không hở Tuấn! Em cần cơm nắm làm gì?

- Chỉ có anh Bảo hy sinh. Hôm nay cũng có một anh tự vệ bị dính mảnh lựu đạn, được các chị cứu thương cáng đi rồi. Chị còn cơm nắm không? Anh em còn bố trí ở nhiều nhà trên mạn đầu phố.

- Còn nhiều người không?

- Em cũng chẳng nắm được số lượng đâu. Nhưng qua nhà nào, anh chị em cứ gọi to lên vì có khi anh em bố trí trên sân thượng nên không biết được có tiếp tế mà xuống lấy phần. Tuấn Em và anh Hùng cũng đang bố trí ở đầu phố Bernard de Beau.

- Tôi xin đi!

Anh Ninh vừa nói, vừa quàng khẩu súng trường qua vai, xếp cơm nắm và thịt kho vào rá. Một số anh chị em hoả thực cũng làm theo anh. Trông dáng anh cao lêu đêu, đi đâu cũng xăng xái làm chị Trinh cứ nhìn theo anh rồi cười và bảo loi "Anh ấy chịu khó lắm. Chỉ phải cái tội người cao quá khổ đi luồn qua các lỗ đục tường cũng khá vất vả!"


Ăn cơm xong, tôi và anh Oánh sắp xếp lại đội tự vệ, đưa anh em lên bố trí dọc hai bên hè đầu phố Huế mà tôi đoán đây sẽ là mặt trận chính. Lúc này địch chưa tấn xuống đây, nên chúng tôi vẫn ung dung đi lại trên hè mà không cần phải nấp tránh.


Đến gần chiều, anh Tấn tìm gặp tôi: "Có chiến lợi phẩm tặng cậu đấy!" Anh rút trong túi quần ra một vốc đồng hồ đeo tay nữ, chừng 6,7 chiếc và lấy chiếc ống nhòm nhỏ thường để dùng trong các nhà xem hát kịch, đưa cho tôi và nói: "Khi có lệnh chiến đấu, bộ đội mình giật bom ở dưới rạp chiếu bóng Majestic, nhưng không nổ. Có đồng chí xung phong chui vào hầm định dùng búa đập kíp bom. Mình thấy làm như vậy hy sinh người vô ích, nên lệnh cho bộ đội xung phong ngay sang rạp chiếu bóng. Bọn tây, đầm chủ quan vẫn đi xem đông, bị bọn mình tiêu diệt và bắt sống hết. Khốn nạn nhất là bọn đầm, chúng hết cả vé kênh kiệu mọi ngày, khinh bỉ người An Nam chúng mình, vội chui rúc vào các phòng vệ sinh, lột truồng cả ra để... chống đỡ với anh em vệ quốc. Có đồng chí đã định thọc lưỡi lê vào những cái bụng trắng lốp của chúng nhưng mình đã kịp ngăn sự bùng nổ tức giận của anh em để khỏi sát hại tràn lan. Còn khi đánh sang nhà tên Sainteny, thì tên trùm thực dân này đã biến mất từ sáng hôm 19-12, chỉ còn lại một tiểu đội lính Pháp canh giữ toà lãnh sự, đã bị chúng mình diệt gọn. Mình vào phòng của tên trùm thực dân để thu giữ các tài liệu, thấy một hộp ở trên bàn ngủ ngay đầu giường có đựng số đồng hồ này, mình chỉ kịp vơ lấy một nắm để làm tặng phẩm cho cậu."
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #17 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:41:18 pm »

Tôi quàng chiếc ống nhóm có khảm xà cừ vào cổ, nhận số đồng hồ rồi cảm ơn đồng chí Tấn.

- Mình đã cho bộ đội rút về đây, phối hợp với anh em tự vệ của cậu để chặn đánh địch càn xuống.

- Anh chị em đang bố trí ở các nhà gác kiên cố trên đầu phố Huế, từ ngã tư Doudart de Lagrée (Hàm Long) trở xuống đến đây. Cậu cho bố trí anh em vệ quốc xen kẽ với tự vệ để hỗ trợ vì chúng mình thiếu vũ khí lắm. Em Lương sẽ đưa cậu đi quan sát các nơi tự vệ chốt giữ.

Tôi quay lại bảo em Lương: "Anh thưởng trước cho em chiếc đồng hồ là chiến lợi phẩm của bộ đội anh Tấn!"

Em Lương thích thú, đeo đồng hồ vào cổ tay, nhưng còn chần chừ như muốn nói điều gì đó.

- Em đề nghị anh... Nhưng thôi!

Em Lương định chạy đi, tôi đã giữ em lại:

- Đề nghị gì thì nói ngay đi. Thế mới là tác phong quân sự.

- Em... Em định cho chị Lan em...

- À! Thế đấy. Anh biết ý của em rồi. Về trụ sở anh sẽ đưa cho chị Lan của em một chiếc khác.

- Không! Nếu anh cho thì để em tự tay đưa cho chị ấy cơ!

- Đồng ý. Nhưng em phải nói là chiến lợi phẩm của em đấy nhé.

Em Lương cười tủm tỉm, cất cẩn thận chiếc đồng hồ vào túi áo, rồi kéo tay anh Tấn đi luôn.

Quay về trụ sở, tôi thấy anh Quỳ đang bàn với chị Trinh việc thu dọn gấp các loại thực phẩm còn lại trong các nhà.

- Ngày mai chắc sẽ đến lượt lự vệ chiến đấu giáp mặt với địch đấy, chị ạ! Chắc chắn địch sẽ đánh xuống phố Huế trước tiên.

- Mình cũng dự đoán như vậy vì đây là đường phố chính nên đề nghị Qùy cử cho một số tự vệ giúp bọn mình chuyển hết mọi thứ xuống xa hơn cho an toàn, để rồi từ đó chuyển dần ra hậu phương. Chủ yếu là thu gom hết số gạo, các đồ đồng và đồng hồ.

- Anh Phụng sẽ giải quyết việc này và cũng tiến hành công việc ấy với anh chị em.

Cả ngày và đêm hôm ấy, phố Huế và mấy phố lân cận nhộn nhịp người đi lại mang vác những bọc to, bọc nhỏ, nặng nề đi xuống mạn cửa ô Cầu Dền. Gần sáng tôi vẫn ngồi ngủ ở tràng kỷ nhà anh Hùng, thì anh Oánh xông vào gọi tôi: "Tuấn ơi! Dậy lên chỗ cậu Tấn để bố trí lực lượng chuẩn bị chiến đấu cho ngày mai!"

Tôi choàng dậy, cố mở mắt nhưng hai mí cứ dính chặt vào nhau vì có đầy dử: "Mình đau mắt rồi. Để mình cậy xong dử mới nhìn thấy được!"

Mọi người cười ầm cả lên trêu chọc tôi. Anh Hùng là người hay đùa nhất liền lấy giọng ỏn ẻn: "Đằng ấy hãy khoan một tí, chờ tớ cậy dử mắt xong hãy đánh nhau!"

Chị Lan nhanh tay đã lấy chiếc khăn ướt đắp lên hai mắt cho tôi, rồi chị lấy thuốc nhỏ luôn làm tôi xót đến cứng người. Tôi vội vàng đứng dậy, thắt lưng súng vào ngang sườn, đeo tui dết bước ra cửa. Em Lương cũng đã gọn gàng với chiếc chan dạ cuộn tròn, quàng chéo qua vai, quả lựu đạn mỏ vịt lủng lẳng ở thắt lưng. Thấy tôi ra cửa, em chạy theo giúi vào tay tôi chiếc bánh mỳ còn nóng mà không biết em lấy ở đâu ra. Tôi bỏ một nửa đưa cho em, rồi cùng em chạy lên đầu phố Huế. Chúng tôi bố trí lực lượng chiến đấu, mỗi tổ có hai tự vệ lại có một Vệ quốc đoàn với đầy đủ vũ khí đạn dược, dặn dò cách nổ súng chi viện cho nhau, vì chính anh em Vệ quốc đoàn phần lớn là người ở các tỉnh và vùng nông thôn nên không biết rõ về các đường phố.


Ngoài ra chúng tôi còn bố trí hai cánh có vũ khí mạnh hơn và cả bom ba càng, đạn bảo toàn, ở mấy nhà dọc phố Hàm Long và mấy căn nhà gác nhìn sang hiệu thuốc Tây Bon Secours ở cuối phố Hàng Bài, giáp ngã tư phố Huế và Hàm Long.


Các anh Hùng, anh Oánh, Tuấn Em đều đã có mặt ở các tổ mũi nhọn.

Việc bố trí lực lượng chiến đấu đã xong, anh em tự vệ có người vừa nhấm nháp cơm nắm, có người lấy kèn Harmonica ra thổi để chờ địch. Đến gần 10 giờ thì hai cánh bố trí ở phố ngang Hàm Long đã thấy súng nổ vang. Ai nấy đều chạy ra nấp bên cửa sổ hay hàng hiên vì bọn lính mũ đỏ đang từ hai bên phố Hàng Bài nổ súng rào rào. Chúng nấp sau các cây cối, vọt tiến từng đoạn, rải đạn ra khắp nơi trong phố Huế. Anh em tự vệ và Vệ quốc đoàn chỉ nổ từng phát súng, nhằm vào những tên lính lê dương ngổ ngáo nhất đang tiến xuống. Địch bị phản công đã chững lại, không dám tiến xuống sâu hơn. Sau một giờ chiến đấu, địch đã rút lui lên phố trên. Vị trí đầu phố Huế vẫn giữ vững. Tôi và đồng chí Tấn ở trong ngôi nhà góc phố của ông bác sĩ (nay là trụ sở Công an phường phố Huế) quan sát cách đánh của địch thấy trận này chúng tấn công như chỉ để thăm dò lực lượng của ta, chứ đấnh đấm theo kiểu này thì ăn thua gì nhau. Ngày mai hay ngày kia mới là cuộc chạm trán nảy lửa. Và địch chỉ dám tấn công vào ban ngày còn ban đêm chúng lại co về giữ vị trí vì chúng sợ lực lượng của ta bố trí ở mọi ngóc ngách trong khu phố mà chúng không thể nào phát hiện ra được. Lần sau chúng sẽ tấn công cả bốn tuyến phố Ba Triệu, phố Huế, Jacquin, Lò Đúc. Cho nên đêm ấy chúng tối chỉ cắt vài tổ luân phiên gác còn đa số vệ quốc và anh chị em tự vệ được ngủ. Nếu có báo động thì ai ở vị trí nào cứ theo kế hoạch chiến đấu mà về nơi đó.


Rạng sáng ngày 22-12-1946, tôi ngủ dậy, chuẩn bị đi các nơi có tự vệ bố trí thì thấy đạn súng cối nổ ầm ầm. Mọi người tưởng địch đã tấn công nên chỉ một loáng sau đã ở vị trí sẵn sàng đánh địch. Địch vẫn bắn súng cối vung vãi xuống tận chợ Hôm - Đức Viên. Chúng tôi căng mắt chờ đợi chỉ thấy mấy bóng người ung dung đi trên hè phố, đang tiến lại nơi chúng tôi bố trí trận địa. Mọi người chăm chú theo dõi, nhận ngày ra anh em tự vệ nhà mình vì dáng điệu đàng hoàng, vừa đi vừa nói cười với nhau. Tôi luồn qua các lỗ đục tường đến gần, nhận ra anh Tuấn Em và mấy anh nữa, ai nấy mặt mũi đen nhẻm. Thấy tôi, các anh chỉ cười nhe hai hàm răng trắng lóa.

- Làm sao các cậu bẩn như thế này?

- Đêm hôm qua, chúng tôi lên trinh sát tình hình địch ở nhà dầu Shell, lần mò từng nhà ở phố Bernard de Beau (Nguyễn Chế Nghĩa). Vào một căn biệt thự, anh em phát hiện có tên lính đứng gác dưới gốc cây, phì phèo hút thuốc lá. Anh em tiếp cận nó bí mật và xơi gọn nó rất êm thấm. Tôi vào trong nhà, đến chỗ cầu thang gác, sờ thấy một đống đạn và chiếc mũ sắt liền lấy mũ, vơ tất cả số đạn vào trong, nhưng không chú ý để đạn rơi vào trong mũ sắt loảng xoảng, đánh động bọn địch ở trên gác. Chúng thả lựu đạn xuống, anh em vội rút ra ngoài. Đến đường dẫn chỗ tràn than cám ở đầu phố Laveran thì bị quả súng cối của nó bắn trúng vào đấy nên anh nào cũng bị than phủ đầy người.

Tuấn Em, đưa cho tôi chiếc mũ sắt đựng đầy đạn súng các-bin và súng ngắn kiểu Smith Watson. Một anh tự vệ gỡ khẩu các-bin trên vai xuống đưa cho tôi.

- Các anh lấy được súng của địch thì giữ mà dùng. Tôi có súng ngắn rồi, chỉ xin các anh số đạn cỡ 9 ly thôi.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2022, 05:42:15 pm »

Tôi trả lại súng cho anh tự vệ và chiếc mũ sắt cho anh Tuấn Em. Tin tổ tự vệ của anh Tuấn Em đã lấy được súng của địch gây không khí lạc quan, phân khởi trong chiến đấu.

Khi địch ngừng bắn súng cối, tôi và anh Tấn lại luồn qua các nhà đến từng tổ chiến đấu để kiểm tra thì thấy bên kia đường, chỗ cửa hiệu bán thuốc lào Xương Hoà, đầu đường phố Reinach (Trần Quốc Toản và phố Huế) có khẩu súng đại liên 12 ly 7 nổ từng nhịp ba phát một. Tôi nghĩ là súng của bộ độ-, nhưng Tấn cho biết là đơn vị đại đội 3 của đồng chí chưa được trang bị loại súng ấy. Hai chúng tôi kéo thêm vài ba anh tự vệ bí mật băng qua đường hào rồi xông vào nhà Xương Hoà: "Ngồi im! Giơ hai tay lên!"


Đồng chí Tấn vừa quát lớn thì mấy họng súng của chúng tôi đã lăm lăm chĩa vào 4, 5 người đang túm tụm ngồi trên giường tập hút thuốc lào bằng chiếc điếu bát, và trêu chọc nhau.

Bọn họ hoảng sợ, vội nhảy cả xuống đất, giơ thẳng hai tay lên trời như kiêu lập thể dục. Nhìn thấy hai chúng tôi mặc quần áo bộ đội và mấy anh tự vệ đội ca lô có gắn sao vuông, họ tươi tỉnh ngay nét mặt. Chúng tôi thấy trong số họ cũng có anh còn đội mũ ca lô đeo sao vuông nên hạ mũi súng xuống.

- Các anh là tự vệ ở khu phố nào lên đây?

Một anh dáng chừng là chỉ huy, đứng nghiêm nói dõng dạc như học trò được gọi lên bảng: "Thưa các anh! Chúng tôi là sinh viên Đông Dương học xá, muốn được lên mặt trận thử đánh địch. Tôi là Hồng Quân tiểu đội trưởng, phụ trách khẩu súng máy này!"

- Quân Pháp chưa tấn công xuống đây đâu. Hôm qua nó mới đánh thăm dò, nay mai sẽ diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt hơn. Sao các anh không bắt liên lạc với chúng tôi mà lại đặt súng ở góc phố này để nã vào sau lưng chúng tôi à? Chúng tôi còn đang bố trí vệ quốc và tự vệ ở trên đầu phố. Các anh lấy súng này ở đâu?

- Thưa các anh! Anh em sinh viên chúng tôi nhịn ăn dành dụm tiền chung nhau mua khẩu súng này của bọn Tàu Tưởng. Anh Hồng Quân có sáng kiến cài một thanh cật tre vào chỗ cò súng 12, 7 ly để nó cứ tự động nổ vài phát lại dừng.

- Các anh muốn đánh giặc thì chúng tôi sẽ bố trí tổ của các anh vào các tổ tự vệ ở đầu phố nhé!

- Thưa các anh! Chúng tôi chỉ được đem súng lên đây thử, còn phải đem súng về bảo vệ khu học xá Đông Dương.

- Nhưng nếu các anh muốn đánh địch trước thì hãy ở lại đây với chúng tôi.

Anh Tấn muốn gạ mấy anh có khẩu đại liên này để có vũ khí mạnh tăng cường hoả lực cho chúng tôi. Nhưng mấy sinh viên thì thầm trao đổi với nhau, rồi anh Hồng Quân lại dõng dạc nói:

- Thưa các anh! Chúng tôi phải đem súng về báo cáo với ban chỉ huy tự vệ của nhà trường mới dám quyết định có được ở lại với các anh không. Tự vệ Đông Dương học xá chúng tôi cũng có nhiệm vụ phòng thủ mạn đường số 1, chặn địch đánh xuống theo đường nhà thương Cống Vọng (Bệnh viện Bạch Mai bây giờ).

Biết là không kéo họ ở lại được với chúng tôi, anh Tấn đành để cho họ rút quân, còn dặn lại: "Lần sau các anh có lên đánh giặc, nhớ liên hệ với chúng tôi nhé, kẻo lại đấm lưng nhau đấy!"

Họ nháy nhau ra khiêng súng rồi rút về trường. Tổ tự vệ sinh viên rút được một lúc lâu thì địch bắt đầu tấn công. Tôi nghe thấy nhiều tiếng "tắc-bọp" cứ râm ran khắp khu phố.

- Chúng bắn loại súng gì thế nhỉ?

- Đạn Đum-đum đấy. Tiếng nổ đầu nòng súng là khi viên đạn bay đi, chạm vào đâu lại nổ một lần nữa để gáy sát thương cao. Cậu ở lại mặt phố chính này, mình lên phía trường Hàm Long đây. Chỗ ấy chắc kẻ địch ở nhà dầu Shell sẽ nống ra với lực lượng mạnh đấy.

Chúng tôi chia tay nhau đi chỉ huy vệ quốc và tự vệ. Súng địch xen lẫn súng của ta nổ vang, nhưng dễ phân biệt vì súng địch nổ kéo hàng tràng dài, còn súng của ta chỉ nổ từng phát một. Những tiếng súng vang rền lại dội vào hai dãy nhà trong phố nên càng thêm ầm ầm như tiếng sét nổ. Mấy lần địch tấn công xuống phố Huế bị ta chặn đánh mạnh, buộc chúng phải rút về vị trí cũ. Nhưng ở mạn trường Hàm Long, súng vẫn nổ rào rào, rồi một tiếng nổ lớn ầm vang như kết thúc trận đánh.


Các mặt trận lại im bặt tiếng súng, chỉ còn khói đen cuồn cuộn theo gió bắc thổi tạt xuống nơi chúng tôi đang bố trí. Kẻ địch ngừng bắn. Lát sau anh Tấn đến gặp tôi, mặt xạm khói súng, để lộ hai hàm răng hơi vẩu:

- Bọn mình bắn cháy một xe Half-track ở ngay đầu phố Bernard de Beau. Mặt trận vẫn giữ vững.

Cả ngày hôm ấy đến tối, địch cũng không tấn công nữa, nhưng thi thoảng khi chúng tôi qua đường, không đi dưới hào lại thấy súng nổ "tắc-bọp".

- Địch đã cài được quân trong phố để bắn tỉa chúng mình đấy.

- Vừa qua khi tấn công bọn lính Pháp, mình cũng thấy bọn lính khố đỏ người Việt Nam và bọn Việt gian, thổ phỉ ăn mặc thường phục đi theo bọn lính Pháp. Bọn này mới gây phiền phức cho ta vì chúng nó cũng dễ lẫn với anh em tự vệ.

- Ta cứ phân biệt tiếng súng là được. Hơn nữa, bọn chúng tên nào cũng mang súng trường hay các-bin, còn anh em vệ quốc và tự vệ mang súng thô sơ. Và nhất là thái độ của anh em mình đàng hoàng, không lén lút như bọn chúng nên cũng dễ nhận ra ngay là ta hay địch.

- Cậu chú ý phổ biến cho anh em tự vệ đề phòng bọn bắn lén.

Tôi về gặp anh Quỳ báo cáo cho anh rõ tình hình địch đã trà trộn vào các nhà trong khu phố này rồi, mới biết trụ sở đã chuyển xuống nhà ông Bùi Duy Dần.

Ở đây tôi lại gặp tất cả các anh Hùng, anh Oánh, Tuấn Em và anh Phụng nhưng không thấy có mặt anh Sắc.

Mọi người cũng đều thấy hiện tượng trong các nhà gác ở đầu phố có bóng người đi lại, thì thoảng lại có tiếng súng nổ "tắc-bọp" nhằm vào những anh chị em tự vệ đi qua đường.

Tin này được báo cho tất cả mọi người. Từ nay không ai được đi trên hè đường mà phải theo đường đục tường mà đi. Nếu qua đường phải theo con hào sau chiến luỹ để tránh thương vong vô ích.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:37:39 am »

Buổi chiều, anh Quỳ gọi tôi, anh Hùng và anh Oánh vào trong nhà bếp, anh Quỳ hỏi thăm qua gia cảnh anh Oánh, rồi đi ngay vào vấn đề: "Được đồng chí Tuấn và đồng chí Hùng giới thiệu, đảm bảo phẩm chất cách mạng của đồng chí, chúng tôi cũng đã tìm hiểu lý lịch của đồng chí và sự hoạt động cách mạng từ năm 1943, nay chúng tôi càng thấy rõ hơn tinh thần cách mạng của đồng chí đã được tôi luyện trong các cuộc chiến đấu vừa qua, đồng chí đã đem hết sức mình cống hiến cho đất nước và cho sự nghiệp của Đảng Cộng Sản Đông Dương... Thay mặt Chi bộ đảng tiểu khu 6, tôi tuyên bố chính thức kết nạp đồng chí làm đảng viên dự bị của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong thời kỳ dự bị, đồng chí Tuấn sẽ giúp đồng chí hiểu them cương lĩnh của Đảng. Chúc đồng chí mau chóng trở thành người đảng viên chính thức..."


Đồng chí Oánh im lặng một lúc như để cố kìm nén sự xúc động, rồi mới nói: "Được đồng chí Tuấn tuyên truyền cách mạng từ nãm 1943, tôi đã nguyện đem hết sức mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân với mục đích chân chính của Đảng trong cuộc kháng chiến toàn dàn này. Tôi xin thề luôn luôn trung thành với Đảng và sẵn sàng đứng ở tuyến đầu trong đội ngũ tiên phong!"


Tôi cũng nói thêm vài ý kiến để khẳng định lại tinh thần và ý chí cách mạng của đồng chí Oánh và đảm bảo tư cách của đồng chí Oánh xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại ở trụ sở. Nhà ông Bùi Duy Dần có ba tầng gác, ở trên gác này hầu như vẫn còn nguyên vẹn các đồ đạc. Tôi và em Lương kiếm được cái chăn bông, rồi hai anh em ra chỗ hàng hiên rộng rãi, trải chiếc chăn dạ của tôi làm đệm, đắp chăn bông ấm, hai anh em ôm nhau ngủ. Tôi đang mơ màng trong giấc ngủ, chỉ thấy những cảnh chiến đấu lúc ban ngày thì có người tung chăn ra làm tôi lạnh quá, cố kéo chăn đắp lại.

- Dậy! Dậy! Cậu Tuấn! Anh em vệ quốc lên đông, đề nghị phối hợp với tự vệ bố trí đánh địch ngày mai.

Mắt nhắm, mắt mở, nhìn ngọn đèn dầu le lói cũng thấy chói, tôi ngơ ngác một lúc mới tỉnh hẳn, thấy anh Quỳ tay cầm đèn đang đứng nhìn tôi cười, cặp kính cận lấp lánh như cũng cười theo. Anh Tích1 (Sau là Trần Vỹ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) đứng bên cạnh, hai mắt đỏ gay: "Tuấn tỉnh ngủ chưa? Dậy đưa bộ đội lên vị trí đi. Mình đã điều thêm cho cậu lực lượng tự vệ ở mấy khu phố dưới!"


Thấy đồng chí phó bí thư Liên khu II nói như vậy, tôi liền kéo em Lương đang cố rúc trong chăn ấm với người nào đấy đã chui vào nằm chung từ lúc nào. Phải gọi mãi, em Lương mới tỉnh ngủ. Tôi nghĩ càng thương các em nhỏ, đang tuổi ăn chơi còn làm nũng bố mẹ, mà nay theo tiếng gọi cứu nước, đã xông pha lửa đạn, chịu đựng gian khổ, nguy hiểm như người lớn.


Đang ở trong chăn ấm tôi thấy người rét run, nhưng cũng cài khuy áo chặt lại, thắt lưng súng và lựu đạn ra ngoài áo. Còn đôi giày của tôi thì hình như hơn một tuần nay chưa cởi ra bao giờ, ngay cả khi tôi nằm ngủ, rúc vào chăn ấm, để luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.


Cùng em Lương xuống đến đường, tôi thấy lố nhố đến một trung đội tự vệ có súng trường, lựu đạn, chai xăng crếp. Nhưng đa số là đao kiếm.

- Các anh ở phố nào đấy?

- Chúng tôi ở mấy phố quanh đây thôi, cũng thuộc tiểu khu 6 cả.

- Ngày mai chắc chắn địch sẽ tấn công xuống tiểu khu của ta mạnh đấy. Hôm qua nó mới đánh thăm dò thôi.

- Tất cả đã sẵn sàng rồi. Anh cứ bố trí chúng tôi ở mặt nào cũng được.

Buổi sáng hôm qua tôi thấy mặt phố Hàm Long bị đánh mạnh hơn cả nên tôi đã bố trí các anh có súng trường, lựu đạn tăng cường cho mạn ấy. Số còn lại, tôi giao cho anh Oánh đưa anh em sang bố trí bên dãy nhà số chẵn của phố Huế.


Tảng sáng, vừa bố trí xong lực lượng, anh Ninh cao đã lên phân phát cơm nắm cho chúng tôi và cả anh em Vệ quốc đoàn. Nhìn người anh cao lêu đêu, thắt lưng da cài hai quả lựu đạn lủng lẳng, hai tay ôm rá cơm đầy, quần áo lấm lem vôi vữa, gạch, càng thấy tinh thần các anh chị trong đội hoả thực cũng gan dạ, chịu thương, chịu khó. Anh em tự vệ vừa ăn cơm vừa chỉ bảo cho những người bạn mới bổ sung biết rõ các vị trí địch và hướng tấn công của chúng. Đúng lúc ấy súng địch bắt đầu nổ dữ dội. Có anh cẩn thận cất cơm đang ăn dở vào túi, có anh vứt bỏ, cầm vội lấy vũ khí của mình, chạy lên vị trí nấp sát chân bức tường có hàng rào sắt của trường Hàm Long.


Qua hàng song sắt bờ rào, tôi thấy bọn lính mũ đỏ hô lớn: "En avant, à l'assaut!" (Tiến lên! Xung phong!), rồi địch tràn qua đường sang chiếm lấy trường Hàm Long. Anh em tự vệ tung ra hàng loạt lựu đạn, xen lẫn với tiếng nổ ầm ầm của đạn Bảo Toàn1 (Đạn Bảo Toàn do công binh xưởng của ta chế tạo bằng cách lấy đạn đại bác, buộc vào đầu gậy tre độ hơn một mét, khi đánh địch, chỉ cần ở chỗ nấp lao ra, không sợ nguy hiểm chết người như bom Ba càng) do vệ quốc lao ra đường. Bị đánh vỗ mặt khá mạnh, bọn địch ngã gục nhiều tên nên khựng lại rồi rút về vị trí cũ bên kia đường.


Lúc này toàn mặt trận ở Liên khu II đều ầm ầm trong tiếng súng. Tôi không còn nắm được tình hình ở mạn phố Huế mà chỉ biết trước mắt là chiến đấu ở trường Hàm Long. Em Lương vẫn theo sát tôi, lăm le chỉ muốn xông ra đường để nhặt súng của địch chết bỏ lại. Tôi phải níu em lại, quát mắng không cho em liều lĩnh như vậy. Em Lương phụng phịu với tôi, rồi cứ quay mặt đi hờn dỗi. Tiếng súng của hai bên vẫn nổ chát chúa. Chúng tôi ở vào địa thế thấp trong hàng hiên của nhà trường, còn địch đã chiếm các nhà gác cao bên kia đường bắn xuống. Tôi thấy bất lợi nên chiến đấu được một lúc, anh em tự vệ và vệ quốc phải rút vào trong các lớp học bắn trả. Địch được lợi thế nên lại tràn qua đường, sát chân tường có hàng rào sắt. Chúng ném lựu đạn vào trong sân trường làm khói và đất bốc lên mù mịt. Chúng tôi ném lựu đạn ra chặn đứng những tên vừa nhô lên khỏi hàng rào định nhảy vào sân trường. Súng trường nổ từng phát một, hạ gục ngay những tên ngổ ngáo nhất định vượt qua hàng rào sắt, hất xác nó ra ngoài. Sau một hồi cố gắng xung phong chiếm nhà trường, địch vẫn không có tên nào lọt được vào trong sân nên chúng lại rút sang bên kia đường. Súng 12 ly 7 trên xe Half-track đỗ ở góc phố Bernard de Beau xả từng tràng đạn dài bắn nát các cánh cửa sổ của các lớp học, nhưng chúng cũng không dám xung phong bừa bãi như trước. Chợt một chùm lựu đạn của địch ném sát vào các lớp học, tiếng nổ không đanh, nhưng có làn khói đỏ bốc lên mù mịt như bụi gạch. Anh em hít phải khói ấy thấy cổ họng cay xè, mũi và phổi nóng như bị hun lửa, nước mắt, nước mũi chảy ra ràn rụa. Tôi cũng hít phải làn khói này, biết địch ném lựu đạn cay, nên vội lấy khăn mùi xoa buộc bịt chặt lấy mồm và mũi. Các anh vệ quốc và tự vệ không biết nó là loại lựu đạn gì, không ai còn nổ súng được mà chỉ ôm ngực ho rũ rượi rồi tháo lui. Tôi vội chạy nhanh qua lỗ đục tường, nắm lấy từng người chỉ lên gác cao, bảo mọi người hãy trèo lên đấy tránh làn khói.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM