Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:32:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biển Đông yêu dấu  (Đọc 1767 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2022, 06:41:30 am »

Dầu mỏ-khí đốt: kho báu trong lòng đất

Sau khi tham quan và làm việc ở Trường Sa một tuần, tàu Bình Minh lại hướng về phía tây nam, nghiên cứu trên một tuyến nối từ đảo Phan Vinh đến đảo Phú Quốc. Bây giờ chúng tôi đã quen với biển nhiều nên không say sóng nặng như những ngày đầu.


Rời Phan Vinh được nửa ngày chúng tôi đi vào một vùng biển rất sâu, trên 2.000 mét nước. Dưới cái nắng trưa lóa mắt, đứng trên boong tàu chúng tôi nhìn thấy phía xa có một hiện tượng lạ: mặt nước từng đợt, từng đợt như sôi lên trong một vùng hẹp. Cứ theo những điều tôi biết trong tập sách Vì sao? và Chuyện lạ đó đây, tôi nói ngay đó là cá voi đang ngoi lên mặt nước để hít thở không khí. Nhưng các bác lại không đồng tình với ý kiến này vì nếu là cá thì tại sao lại cứ đứng yên một chỗ. Tôi cũng thấy lúng túng và có phần cụt hứng. Trong khoa học, nếu một dự báo mà không phù hợp với hiện tượng quan sát thì phải tìm cách giải thích theo hướng khác.


Đứng quan sát cẩn thận một lúc, ông Tân, ông Khuyến và ông Huy Quý bảo đó có thể là hiện tượng khí phun. Các ông là những nhà địa chất - địa vật lý, rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Theo các ông thì trong lòng đất có thể có những đứt gãy, khí đốt từ dưới sâu theo đó đi lên, tích tụ lại trong các thấu kính cát nằm ngay dưới đáy biển, được lớp bùn đậy kín. Khi lượng khí tập trung đủ lớn, chúng tạo ra một áp lực làm vỡ lớp bùn, phun vào lớp nước và thoát vào không khí. Khí phun làm cho ta thấy mặt biển như có hiện tượng sôi vì các bọt khí nổ tung khi thoát ra khỏi nước. Chính cái thời gian cần thiết để khí tích tụ đủ lớn tạo ra chu kỳ khí phun đều đặn. Mọi người ồ lên, tỏ vẻ tán thành. Các ông trải tấm bản đồ ra, đánh dấu địa điểm có dấu hiệu lộ khí với một dấu hỏi đỏ bên cạnh. "Tại sao lại phải ghi dấu hỏi vào đó?", tôi hỏi ông tôi. Ông nói đã là khoa học thì phải thận trọng, đặt dấu hỏi là muốn nói "Có thể như vậy, cần xác minh". Trong đời sống hàng ngày cũng thế, cái gì còn chưa chắc chắn thì phải xác minh rồi mới khẳng định để tránh những kết luận hồ đồ. Một hiện tượng bao giờ cũng có thể có nhiều nguyên nhân, không thận trọng sẽ dẫn đến nhầm lẫn, mà nhầm lẫn thì thường đưa lại những hậu quả tai hại. Tôi học thêm được bài học quý để làm người.


Như vậy dấu hiệu lộ khí, nếu kèm theo một ít váng dầu nữa thì tuyệt, là một tín hiệu trực tiếp nói lên trong vùng đó có mỏ dầu khí. Các kỹ thuật cao được áp dụng tiếp theo để tìm kiếm, thăm dò, xác định mỏ và đưa vào khai thác.


Trong những vùng biển sâu, nhiệt độ ở đáy biển thường rất thấp, khoảng chừng không độ đến vài độ C. Cộng với áp suất của cột nước rất lớn, lớp đất ngậm nước bão hòa khí đốt hình thành từ vật chất hữu cơ hiện đại cách đây khoảng 5 triệu năm trở lại, cộng với khí đốt có thể di cư từ các tầng sâu lên đủ điều kiện để kết tinh trông giống như băng, tạo ra một nhiên liệu cháy, trong khoa học gọi là hydrat methan, còn trong ngôn ngữ thông thường gọi là băng cháy. Đó là một nguồn năng lượng rất lớn, rất có giá trị để thay thế dầu mỏ khi chất quý hiếm này cạn kiệt. Người ta hy vọng nguồn hydrat methan trên toàn thế giới có thể đủ cho nhân loại dùng trong thế kỷ 21, trong lúc loài người còn chưa tìm ra một nhiên liệu thay thế dầu mỏ vừa đủ nhiều, vừa tiện lợi, vừa giá rẻ, đủ để vận hành nền kinh tế và bảo đảm nhu cầu cuộc sống của hàng tỷ con người. Sau chuyến đi, khi trở về nhà kể lại chuyện này, tôi mới biết cô Giang trong gia đình tôi đang là một trong những chuyên gia chủ yếu thực hiện đề tài nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò hydrat ở Việt Nam. Tôi rất hãnh diện về điều đó.


Vượt qua trũng sâu, chúng tôi lại gặp một vùng nâng, mực nước chỉ còn chưa đến 100m, đá vôi khối lộ ra gần ngay đáy biển. Nếu nước ở đây cạn khô hết thì vùng này trở thành một dãy núi cao vời vợi, hơn 2.000m so với phần đất bằng ở đáy trũng sâu. Ai đến đây nếu không nghiên cứu thì không thể biết được địa hình đáy biển kỳ vĩ đến thế. Đây là trũng Tư Chính - Vũng Mây. Những công nhân và kỹ sư của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trước đây mười năm đã tự mình điều hành khoan một giếng khoan sâu trên 3.000m để nghiên cứu địa chất và tìm dầu khí ở đây. Hiện nay công việc vẫn còn đang tiếp tục.


Qua khỏi trũng Tư Chính - Vũng Mây, tàu Bình Minh đi vào một vùng thềm nước sâu dưới hai trăm mét, trải rộng tới tận Côn Đảo ở phía tây, được các chuyên gia dầu khí đặt tên là trũng Nam Côn Sơn. Đây là một bồn trũng giàu dầu khí, nhất là khí đốt. Trũng này có thể coi là nơi khởi đầu của ngành dầu khí biển Việt Nam. Ngày 31-8-1974, giàn khoan Ocean Prospector (Người thăm dò đại dương) của công ty Mỹ Pecten đã khoan giếng Bông Hồng 1-X, tới độ sâu 1.640m. Giếng đã gặp dấu hiệu dầu trong tầng cát có tuổi địa chất Miocen. Điều này khẳng định trong lòng đất thềm lục địa Việt Nam có dầu khí, một kết luận vô cùng quan trọng cả về mặt khoa học lẫn kinh tế. Tiếp theo giếng Dừa 1-X sâu 4.049 mét kết thúc vào tháng mười 1974, thử vỉa ở độ sâu trên 3.000m thu được dòng dầu 1.514 thùng dầu/ngày và 164.000m3 khí đốt/ngày lại càng khẳng định nước ta có dầu công nghiệp, tức là có thể khai thác sản lượng lớn.


Tiếp nối với bồn trũng Nam Côn Sơn là bồn trũng Cửu Long, bao gồm cả một phần đất liền ở gần cửa sông Cửu Long, một bồn trũng giàu dầu mỏ nhất nước ta. Trước đây hai bồn trũng này gọi chung là bồn trũng Sài Gòn - Sarawak.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2022, 06:42:07 am »

Bây giờ tôi đã học được khá nhiều điều nên có thể chia sẻ sâu hơn những kiến thức về dầu khí với các bạn. Nếu chúng ta có phép thần thông, quay lùi lịch sử lại khoảng bảy chục triệu năm thì có thể đi bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh sang tận Brunei và Indonesia. Hồi đó biển chưa tiến tới đây, toàn bộ đất đai đều khô ráo với những con sông từ các phía đổ về các hồ hoặc chảy tít lên phía đông bắc đổ vào biển Đông cổ ở phía bắc Trường Sa. Thế rồi do sự nứt vỡ, lún chìm của phần vỏ quả đất ở đây, biển Đông phát triển rộng dần ra theo hình một lưỡi kiếm khổng lồ, lách dần về phía nam. Đất sụt lún đến đâu nước biển tràn đến đấy và cách đây khoảng 40 triệu năm thì biển Đông có hình dáng gần như hiện nay. Nước các dòng sông bào mòn đất đá trên đất liền, chở về lấp đầy đáy biển. Đáy biển lại lún sâu thêm, đất đá lại tiếp tục bồi lấp hết lớp này đến lớp khác, tạo thành những lớp đá mới đè lên lớp đá cũ, lớp thì gồm vật liệu thô hạt, lớp lại mịn màng, chìm ngập trong nước nên gọi là trầm tích. Các loài thực vật từ hạ đẳng đến thượng đẳng, các loại sinh vật từ đơn bào nhỏ bé, đến tôm cá, động vật cao cấp sau khi chết bị chôn vùi trong các đá trầm tích đó. Nhiệt độ trong đá tăng cao, môi trường thiếu không khí. Dưới tác dụng của hoạt động của vi khuẩn, các chất hữu cơ bị phân hủy, biến đổi, các nguyên tố carbon (C), hydro (H), thành phần chủ yếu của chất hữu cơ, kết hợp với nhau theo các định luật hóa học mà chúng ta sẽ học trong chưong trình ba năm cuối cấp trung học phổ thông, hình thành các hợp chất đa dạng, gọi chung là hydrocarbon. Các hydrocarbon chứa từ một đến năm nguyên tố carbon là loại nhẹ, tồn tại dưới dạng khí, gọi là khí đốt. Các hydrocarbon chứa từ sáu nguyên tố carbon trở lên, tồn tại dưới dạng lỏng, gọi là dầu mỏ. Dầu có chứa trên 4% lưu huỳnh (S) gọi là dầu chua, con nếu chứa ít lưu huỳnh hơn thì gọi là dầu ngọt. Dầu càng chứa ít nguyên tố carbon trong phân tử hydrocarbon thì càng lỏng, gọi là dầu nhẹ. Còn chứa nhiều nguyên tố cacbon thì càng đặc và gọi là dầu nặng. Dầu chất lượng tốt là loại chứa ít lưu huỳnh và nhẹ vì dễ chế biến thành xăng, dầu và ít ăn mòn thiết bị, máy móc. Thế là các bạn có những kiến thức sơ đẳng về dầu khí rồi đấy.


Sau khi hình thành, dưới áp suất lớn, các giọt dầu bị ép, bắn ra khỏi nơi sinh ban đầu, kết nối với nhau thành dòng, di chuyển trong các lỗ hổng li ti liên thông với nhau của đá cát theo định luật mao dẫn hoặc khuếch tán. Tầng đá sinh ra dầu gọi là đá mẹ, còn đá chứa dầu gọi là đá chứa hoặc tầng sản phẩm. Khi gặp lớp sét dày che chắn, dầu khí tập trung vào các vòm cao, trở thành mỏ. Vì vậy sét trong địa chất dầu khí được gọi là đá chắn. Tất nhiên hiện tượng thật xảy ra trong tự nhiên còn phức tạp hơn rất nhiều nhưng đối với chúng ta kiến thức đơn giản hóa nói trên là đủ. Nếu khí đốt tồn tại cùng với dầu, thường là nằm bên trên lớp dầu hoặc hòa tan trong dầu thì gọi là khí đồng hành. Còn nếu tồn tại riêng biệt thì gọi là mỏ khí ròng. Lượng dầu chứa trong một mỏ gọi là trữ lượng tại chỗ. Số dầu này không thể lấy lên được tất cả mà chỉ được một phần, nhiều lắm là một nửa trong điều kiện kỹ thuật hiện nay. Lượng dầu có thể lấy được đó gọi là trữ lượng thu hồi hoặc trữ lượng thương mại, tức là khai thác lên, bán đi có lãi.


Bây giờ trong bồn trũng Nam Côn Sơn đã có hàng chục mỏ lớn nhỏ đang khai thác hoặc sắp khai thác, trữ lượng thu hồi mỗi mỏ từ vài chục triệu tấn trở lên.

Mỏ dầu đầu tiên mà chúng tôi gặp trên đường từ Trường Sa về đây là mỏ Đại Hùng. Đại Hùng có nghĩa là con gấu lớn. Chắc người đầu tiên đặt tên cho mỏ này rất kỳ vọng về trữ lượng mỏ. Gặp ngày đẹp trời, từ xa nhìn trên mặt biển phẳng lặng, xanh nhung đã thấy xuất hiện một ngọn tháp cao khoảng ba mươi mét và gần đó là những khu nhà cao tầng hình khối chắc khỏe, đặt trên các chân đế cắm sâu vào đáy biển. Một sân bay trực thăng trên nóc giống như một sân bóng vuông vắn, có hàng rào vây quanh. Trên chót vót đầu ngọn tháp, một ngọn lửa màu vàng rực, tiếng rít ầm ầm, kéo dài trong không trung như một dải lụa vơn trong gió. Đó là giàn khai thác. Tiếng ồn mỗi lúc một tăng khi chúng tôi tiến đến gần. Các chú công nhân, kỹ sư đầu đội mũ bảo hộ gọn gàng trong bộ quần áo lao động màu vàng đi đi lại lại giữa vô số những ống thép, những dây cáp lòng thòng những dãy thùng lớn, thùng nhỏ đặt chật ních trên sàn. Chúng tôi reo lên, đưa tay vẫy chào những anh hùng trên biển cả. Mười phút sau một chiếc nôi bằng sắt hình vuông treo trên móc ròng rọc được thả xuống để chúng tôi đúng vào và kéo lên giàn. Một cảm giác rờn rợn khi lơ lửng giữa không khí. Nói dại, nếu có gì trục trặc rơi xuống biển thì... Thế mà suốt ngày đêm những người làm việc trên giàn lên xuống khi cần đều bằng cách đó.


Chú giàn trưởng đón chúng tôi đưa đi quanh một vòng để xem máy móc làm việc. Lần đầu tiên tôi thấy dầu thô, một loại chất lỏng màu nâu đậm mùi hăng hắc vừa đủ loãng để chảy theo máng đến thùng lọc. Đây là loại dầu ngọt, nhẹ, rất có giá trị trên thị trường. Dầu được thu về nhưng khí đồng hành lại phải đốt bỏ vì không đưa được vào bờ nên mới có ngọn lửa nhìn thấy trên kia.


Phòng câu lạc bộ có đủ tivi màu và nhiều trò chơi giải trí. Ngồi quanh chiếc bàn bên cạnh các ly cà phê khói bốc thơm phức, chúng tôi nghe lịch sử mỏ với đầy đủ những gian truân, thăng trầm, làm bạc bao nhiêu mái đầu. ông Thanh, ông Luân, những kỹ sư đã có kinh nghiệm hơn 30 năm khoan dầu, tóc như rễ tre, giọng Bình Định nặng trịch nói một cách vừa khôi hài vừa nghiêm túc rằng khai thác dầu đâu có phải dễ ăn như một số người chuyên thích chê bai nói "bốc tài nguyên lên bán" một cách vô duyên. Dầu mỏ ở giữa biển cả mênh mông, sâu trong lòng đất. Nếu không có kỹ thuật cao, không có tư duy địa chất đúng thì không thể tìm ra. Khi đã tìm ra rồi nếu không có phương tiện hiện đại để xác định tọa độ mỏ một cách chính xác để ghi lên bản đồ thì sau này quay lại cũng không biết mỏ ở vị trí nào trên mặt biển bao la. Và khi đã biết vị trí rồi mà không có thiết bị khoan có thể khoan sâu đến 4 - 5km trong điều kiện sóng gió, thành giếng không sụp lở thì dầu khí cũng không phun lên được. Đó là chưa kể khi mỏ không đủ áp suất tự nhiên để đẩy dầu lên thì phải làm thế nào để khai thác được dầu. Vai trò của kỹ thuật và tri thức của con người trong ngành dầu khí là như vậy.


Mỏ Đại Hùng được công ty Mobil Mỹ tìm ra và bắt đầu khoan giếng đầu tiên ngày 10-3-1975. Tới độ sâu 1.747 mét thì miền Nam được giải phóng. Công việc ngừng. Tàu khoan rút đi. Mãi đến 1988-1991, Liên doanh dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) mới xác minh lại sự hiện diện của các tầng dầu ở Đại Hùng. Sau đó mỏ được giao cho một tổ hợp gồm các công ty dầu quốc tế do công ty BHP (Úc) điều hành, đến tháng Mười 1994 mới bắt đầu khai thác với sản lượng ban đầu 4.660 tấn/ngày. Nhưng đến năm 1997, tức là chỉ sau ba năm thì sản lượng chỉ còn 1.022 tấn/ngày. Họ tính toán thấy đầu tư không hiệu quả nên lần lượt rút lui. Mỏ chuyển bán lại cho công ty Petronas (Malaysia). Đến năm 2001 sản lượng tiếp tục giảm, chỉ còn 389 tấn/ngày và đến lượt Petronas cũng ra đi. Vietsovpetro và sau đó là công ty PVEP của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được nhà nước giao cho thăm dò lại. Hiện nay sản lượng lại đạt 3000 tấn/ngày và đang tiẽp tục tăng. Như vậy không phải chỉ có công nghệ mà quản lý cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Quản lý không giỏi thì có của cũng vẫn cứ là nhà nghèo vì tài sản sẽ đội nón ra đi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2022, 06:42:55 am »

Chúng tôi càng khâm phục tài năng sáng tạo của những người thợ khoan và khai thác dầu của Việt Nam. Tạo hóa đã cho con người Việt một bộ óc thông minh không kém bất cứ dân tộc nào. Nếu có điều kiện tốt và nếu có một lý tưởng đúng để hướng dẫn cuộc sống thì trí thông minh đó sẽ được khuếch đại lên nhiều lần, nhanh chóng đưa tổ quốc ta đến văn minh, hiện đại.


Trưa hôm đó chúng tôi được các chú ở mỏ Đại Hùng chiêu đãi. Bữa cơm giữa biển có rất nhiều món hải sản tươi, đầy đủ rau quả, các loại nước uống, sang như ở khách sạn. Những người làm việc trên biển trong ngành dầu khí đi lại từ đất liền ra giàn khoan bằng máy bay trực thăng, ăn uống theo nhu cầu, không phải trả tiền. Họ sống hết mình vì công việc hợp tác với nhau chân thành, không vụ lợi vì một mục tiêu chung, thật đẹp đẽ biết bao nhiêu.


Chúng tôi chia tay, hẹn ngày gặp lại. Các chú còn ở đây, xa cách gia đình, làm việc với cường độ cao, mỗi đợt mười lăm ngày liên tục mới về lại đất liền. Chúc các chú, các cô sức khỏe và thắng lợi.

Tiếp tục hành trình chúng tôi lại đến mỏ khí đốt lớn đang khai thác mang tên một loài hoa rừng rất đẹp, đó là Lan Tây - Lan Đỏ. Cái tên cũng đủ gọi cho ta tình yêu thiên nhiên và cái đẹp rồi.

Mỏ Lan Đỏ được phát hiện năm 1992 và mỏ Lan Tây vào đầu năm 1993. Hai mỏ nằm cách nhau 25km, độ sâu nước biển khoảng 150 mét. Cụm mỏ này nằm cách Vũng Tàu 370km, có trữ lượng thu hồi khoảng 60 tỷ m3 khí. Mỏ đủ để khai thác trong 20 năm, mỗi năm 3 tỷ m3. Đây là một mò khí ròng trong đó chứa một lượng đáng kể condensat, tức là loại xăng tự nhiên rất nhẹ.


Sống và làm việc giữa biển khơi làm cho lòng người lúc nào cũng rộng mở, vui vẻ, thân thiện. Chúng tôi bước lên giàn khai thác giữa những vòng tay ấm cúng và những nụ cười đầy tình cảm ruột thịt mặc dù đây là lần đầu tiên mới quen biết nhau.


Giàn khai thác khí có thể ví như một tổ dân phố thu nhỏ, chứa khoảng một trăm nhân khẩu, đến từ rất nhiều nơi trên đất nước. Hàng trăm đường ông to nhỏ, sơn vàng hoặc trắng, chạy ngang dọc chằng chịt, lấp lánh dưới ánh nắng chói chang. Mọi thứ được sắp xếp rất gọn, hợp lý và rất sạch. Khí được khai thác từ nhiều giếng, gom lại một nơi, xử lý thô cho sạch những bùn, đất và các chất bẩn khác rồi chuyển qua một hệ đường ống dài khoảng 400km, dẫn vào Vũng Tàu. Đây là hệ đường ống chuyên chở khí đồng thời với chất lỏng nên gọi là đường ống hai pha. Công ty dầu khí quốc tế BP, người điều hành mỏ, rất tự hào về công trình rất phức tạp này vì nó là đường ống hai pha dài nhất thế giới hiện nay. Xung quanh mỏ Lan Đỏ - Lan Tây còn rất nhiều mỏ khí nhỏ khác sẽ được khai thác trong tương lai nên đường ống được thiết kế dự phòng có thể mở rộng công suất để có thể thu gom khí trong vùng.


Khi khí đưa về tới đất liền thì được lọc tách riêng condensat, LPG và khí khô. Condensat được trộn trực tiếp vào xăng thông thường để chạy xe hoặc cung cấp cho các nhà máy hóa chất làm dung môi hay làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. LPG là loại chứa hai hợp chất propan và butan, tức là loại hydrocarbon chứa từ ba đến bốn nguyên tử carbon. Khi bị nén thì LPG trở thành lỏng, được đóng vào các bình thép ta quen gọi là bình gas, cung cấp cho các gia đình, các nhà hàng đun nấu thức ăn rất tiện lợi. Khi mạng lưới thương mại phát triển cao hơn nữa thì LPG sẽ được cung cấp cho cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt ở các công trường đông người, LPG dùng làm chất đốt sinh hoạt thay thế cho than, củi, góp phần làm giảm nạn phá rừng và giảm ô nhiễm môi trường. Còn khí khô thì dùng chủ yếu cho phát điện và sản xuất phân bón.


Các nhà chuyên môn dự báo trữ lượng khí thu hồi của nước ta đến năm 2015 ước đạt 400 tỷ m3, đáp ứng đủ lượng khí cho khoảng 18 nhà máy điện sẽ đưa vào sản xuất từ nay đến 2022 ở khắp ba miền Trung Nam Bắc. Cụm nhà máy điện đạm chạy khí và nhà máy xử lý Dinh Cố được xây dựng ở Phú Mỹ - Vũng Tàu trong các năm 1996-1998 có công suất 4,2 triệu m3 khí/ngày đêm không những đã cung cấp một lượng điện rất lớn cho nhu cầu ở miền Nam, mà mỗi ngày còn sản xuất được 800 tấn LPG, 350 tấn condensat, 2.400 tấn phân urea và 350 tấn amoniac. Ngày 08-5-1999 Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu 1.712 tấn LPG sang Nhật, đánh dấu sự mở đầu của việc xuất khẩu khí đốt của nước ta ra thị trường thế giới. Tuy con số chưa lớn nhưng khi nói đến chi tiết này, trên khoé mắt các chú trên giàn ánh lên niềm tự hào lớn lao mà chỉ có những người mới cách đây vài chục năm chưa từng biết LPG là gì mới hiểu hết ý nghĩa của nó.


Khi chúng tôi đi tham quan các bộ phận sản xuất của mỏ thì một chiếc máy bay trực thăng từ Vũng Tàu bay ra. Cánh quạt trên lưng quay tít tạo thành một vòng tròn tưởng như một bánh xe đặc sít. Hóa ra khi tốc độ quay nhanh, mắt ta không kịp nhận ra vị trí cánh quạt trong một thời gian vô cùng ngắn nên sẽ có ảo giác như chúng dính liền nhau trong cả vòng tròn. Tiếng động cơ lạch bạch ầm ĩ cả không gian rộng khi lượn vòng quanh khu khai thác rồi đáp xuống nhẹ nhàng trên nóc giàn, ngay phía trên nơi dành làm chỗ ăn ở cho công nhân mỏ. Hai phi công rất trẻ, vui tính, và rất nhanh nhẹn. Với chiếc sân đỗ bé tẹo, chỉ cần điều khiển không chính xác thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn. Thế mà các anh làm công việc này rất gọn, rất an toàn. Lại thêm một minh chứng cho sự khéo tay và thông minh của thanh niên Việt Nam, những người chỉ được đào tạo trong một thời gian ngắn đã đủ sức làm chủ kỹ thuật, thay thế được những phi công Pháp mà ngành dầu khí nước ta phải thuê khi bắt đầu tiến quân ra biển.


Máy bay chở 3 kỹ sư Việt Nam và một chuyên gia Nauy ra làm vệ sinh bên trong đường ống. Nghe nói trong quá trình vận hành lâu ngày, chất lỏng kết tinh lại thành một lớp rắn bám vào thành ống làm cho lòng ống hẹp lại, gây khó khăn cho khí lưu thông. Nhiệm vụ của họ là làm cho lớp đó bong ra và đẩy ra ngoài. Quả là công việc không dễ dàng chút nào khi đường ống dài hàng trăm cây số.


Ông tôi nói chuyện vui vẻ với họ và nảy ra ý tưởng gửi tôi về mỏ Bạch Hổ trong bồn trũng Cửu Long trước để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi tiếp vào tuần sau. Bác Bình tôi làm việc tại đó. Tàu Bình Minh hai ngày nữa sẽ đến và sẽ đón tôi đi tiếp. Bữa cơm chia tay trên giàn rất thịnh soạn với món tôm hùm tươi rói mới bắt được to bằng cổ tay người lớn, thịt ngọt lịm, ăn một lần là nhớ đời.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2022, 06:43:54 am »

Máy bay cất cánh thẳng đứng, sau đó lượn một vòng chào mọi người rồi hướng về phía tây. Dưới chân tôi mặt biển rất hiền hòa, phân ra nhiều vùng màu sắc khác nhau. Nơi này xanh thẳm, nơi kia màu lục đậm, xa hơn ít nữa lại là màu da trời. Đó là do màu rong tảo ở dưới đáy biển chi phối. Trong cái thế giới đó có biết bao loài sinh vật trú ngụ, chung sống hòa bình với nhau hoặc ăn tươi nuốt sống nhau theo cái luật cạnh tranh sinh tồn rất lạnh lùng của thế giới hoang dã. Đáy biển nâng dần về phía tây để rồi tiếp giáp với đới nâng kéo dài theo hướng đông bắc - tây nam, phân chia hai vùng trũng Nam Côn Sơn và Cửu Long. Vùng cao nhất của đới này chính là cụm đảo Côn Sơn, ngày xưa gọi là cù lao Côn Lôn. Tên này có nguồn gốc Mã Lai nên nghe có vẻ lạ tai và hay hay, đó là Pulau Kundur, có nghĩa là đảo hòn bi. Tôi biết thêm vùng đất này là nơi chứng kiến sự giao thoa của hai nền văn hóa Việt và Nam Á. Theo các nhà dân tộc học thì các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Khơme có nhiều điểm chung với các dân tộc Mã Lai, Indonesia và các cư dân sống trên các đảo Nam Thái Bình Dương. Các loài thực vật và động vật cũng vậy. Mối liên hệ này có lẽ đã bắt nguồn từ thời cả vùng này con chưa bị nước biển tràn ngập từ nhiều triệu năm về trước.


Côn Đảo cách Vũng Tàu 97 hải lý, có cùng kinh độ với Thành phố Hồ Chí Minh và cùng vĩ độ với tỉnh Cà Mau. Vùng này có 16 đảo lớn nhỏ, Côn Đảo là đảo chính trong cụm này.

Vườn quốc gia Côn Đảo bao gồm 14 đảo. Được thành lập vào năm 1993, vườn rộng 20.000 ha cả đất liền và mặt biển cùng 20.500 ha vùng đệm, đây là khu duy nhất bảo tồn cả rừng lẫn biển. Vườn có 882 loài thực vật, 144 loài động vật, trong đó có 18 loài quý hiếm. Hòn Trứng và Hòn Tre Nhỏ là hai sân chim biển lớn. Một số loài chỉ thấy ở Côn Đảo như chim Điên Mặt xanh, bồ câu Nicôba, gầm ghì trắng, sóc đen Côn Đảo, sóc mun và thạch sùng Côn Đảo. Các loài cá và san hô đa dạng, sắc màu rực rỡ. Ốc đá, rùa, vích, đồi mồi, bò biển cũng là những động vật đặc hữu của Côn Đảo. Chính phủ đã có những chương trình bảo tồn riêng.


Cách Côn Đảo khoảng 7,5km2 về phía đông nam là hòn Bảy Cạnh, diện tích 5,5km2, nơi có ngọn hải đăng làm nhiệm vụ người hoa tiêu cho tàu qua lại gần 150 năm nay. Đến đây bạn có thể tắm biển, phơi nắng buổi sáng trên những bãi cát mịn màng, thơ mộng, khám phá những rạn san hô chỉ cách bờ vài chục mét, và vào những đêm tháng Năm, tháng Sáu hồi hộp chờ xem đàn vích kéo lên bờ đào hố đẻ trứng đông như đi hội.


Nằm trên đường hàng hải quốc tế nối liền châu Âu với các nước Viễn Đông nên phương Tây đã biết và chú ý đến Côn Đảo từ rất sớm. Năm 1294 đoàn thuyền của Marco Polo, nhà thám hiểm Ý lừng danh trên đường về nước đã gặp bão lớn, tám chiếc bị chìm, sáu chiếc còn lại giạt vào Côn Đảo. Suốt các thế kỷ từ 15 đến 18, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan luôn cho người đến nghiên cứu, điều tra. Năm 1702, dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu, công ty Đông Ấn của Anh đã đổ quân lên đảo, xây dựng pháo đài, cột cờ và đồn trú. Ngày 03-02-1705, binh lính đánh thuê người Mã Lai kết hợp với người Việt nổi dậy giết chết bọn sĩ quan. Người Anh từ đó rút lui khỏi Côn Đảo. Ngày 28-01-1861, Bonard, thủy sư đô đốc Pháp cho pháo hạm Norzagaray chiếm Côn Đảo và trung úy hải quân Pháp Sebastien Nicolas Joachim sau đó tuyên cáo chủ quyền Pháp tại vùng đất này. Ngay sau khi chiếm đóng, việc đầu tiên mà người Pháp làm với danh nghĩa đi khai hóa văn minh cho dân bản địa Đông Dương là ký sắc lệnh xây dựng nhà tù Côn Đảo khét tiếng ngày 14-01-1862. Sau hơn một trăm năm nô lệ, Côn Đảo tự vùng lên giải phóng ngày 01-5-1975 dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù và ông Lê Câu, một trong những người tù nổi tiếng kiên cường được bầu làm chủ tịch Ủy ban giải phóng đầu tiên của đảo. Hiện nay Côn Đảo là một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dân số 4.466 người với 21 khu du lịch quốc gia và nhiều cơ sở kinh tề khác đang được hình thành.


Máy bay bay dọc theo đảo. Bên dưới là tán cây rừng xanh biếc của khu bảo tồn sinh thái phủ kín các dãy núi đá hoa cương với các loài cây, động vật đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nghĩa trang Hàng Dương rộng mênh mông, nơi yên nghỉ của 200.000 nhà yêu nước tiền bối đã hy sinh trong nhà tù Côn Đảo từ nửa cuối thế kỷ 19 đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.


Tôi hiểu thêm con đường đi biển của tôi trong chuyến này thấm đượm bao nhiêu máu xương của các lớp cha ông đã từng đi mở nước và giữ nước. Thế hệ chúng tôi nếu không sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó thì thật là xấu hổ. Tôi ước ao có một ngày nào đó sẽ được đến thăm Côn Đảo, đặt chân lên cầu Ma Thiên Lãnh, đọc lại những câu thơ của các cụ Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... đầy hùng khí khi các cụ và hàng nghìn chiến sỹ cách mạng phá đá làm đường mà chân vẫn phải kéo lê chiếc xiềng sắt nặng nề của bọn xâm lược. Tôi sẽ đến thăm các chuồng cọp, nhà hầm, nơi từng nhiều năm giam giữ những người con trung kiên nhất của dân tộc, thắp hương trên mộ chị Võ Thị Sáu cùng các nấm mộ có tên và không tên trong các nghĩa trang liệt sĩ. Tôi sẽ vào rừng ngắm các chùm phong lan đầy màu sắc treo vắt vẻo trên các cành cây cổ thụ và đi dọc các bãi cát ven đảo tham quan các cơ sở nuôi rùa biển cùng các loại đặc sản của biển Đông, căng ngực ra hít thở không khí trong lành của vùng biển miền Nam giàu đẹp này. Tôi chúc cho các bạn cũng có được niềm vui đó.


Máy bay chuyển hướng tây bắc, đi vào vùng biển có vô số tàu thuyền đánh cá, chiếc đứng yên tại chỗ, chiếc xuôi, chiếc ngược với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay rạng rỡ trên các cột buồm. Anh phi công tươi cười nói chúng tôi đã vào bể Cửu Long. Đây là một thuật ngữ địa chất chỉ một vùng biển cổ, hình thành cách đây khoảng 60 triệu năm, nằm giữa vùng bờ biển hiện nay và đới nâng Côn Sơn ở phía đông. Bể Cửu Long rộng 60.000km2, là bể chứa dầu giàu nhất của nước ta, với loại dầu chất lượng rất cao. Ở đây có rất nhiều mỏ đang khai thác và sẽ khai thác trong tương lai gần như Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Phương Đông, Vừng Đông, Kim Cương, Lục Ngọc, Sư tử Đen, Sư tử Vàng, Sử tử Trắng, v.v... Cả vùng này thực sự đang trở thành một thành phố công nghiệp nổi về dầu khí lớn nhất đất nước. Trong số các mỏ trên, mỏ Bạch Hổ và cụm mỏ Sư Tử thuộc loại mỏ lớn trên thế giới. Đứng trên giàn trung tâm của mỏ Bạch Hổ nhìn ra bốn phía, các giàn khai thác đồ sộ nằm rải rác khắp nơi, giàn này cách giàn kia khoảng vài cây số. Xung quanh mỗi giàn, các tàu bảo vệ, tàu phòng chống cháy, tàu cứu hộ, tàu dịch vụ, tàu chứa dầu và xuất dầu hoạt động nhộn nhịp như một công trường. Trên các giàn có hàng nghìn người làm việc. Họ là những công nhân, kỹ sư, các nhà nghiên cứu đủ các loại ngành nghề chuyên môn. Họ làm việc theo ca kíp, thay phiên nhau liên tục 24/24 giờ nên có một nhà thơ đã viết rằng "mỏ Bạch Hổ không bao giờ chợp mắt". Suốt ngày đêm tiếng ồn của các đuốc lửa, của máy móc, tàu bè, tiếng va chạm của sắt thép chát chúa không bao giờ ngừng. Có lẽ vì thế mà người ở đây thường nói to như quát, mà thậm chí quát cũng rất khó nghe. Ban đêm cả vùng biển sáng rực dưới ánh điện, giàn nào cũng giống như cây thông ngày tết. Hôm nay là ngày rằm. Trăng trên biển vừa tròn vừa lớn hơn mức bình thường so với khi ta ngắm trăng trên đất liền, có lẽ là do hiệu ứng quang học của mặt nước và của các tầng không khí chứa nhiều khói nước phân dị theo độ cao. Trong khu mỏ ánh trăng pha loãng trong ánh điện còn ra xa hơn thì bàng bạc, lấp lánh trên các gợn sóng, làm cho mặt biển tưởng như được phủ bằng kim tuyến, cả bầu trời như một vòm mái khổng lồ, điểm xuyết vô vàn các ngôi sao, cái tỏ cái mờ và càng ngắm càng thấy nhiều hơn.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2022, 06:44:41 am »

Chúng tôi ra hành lang của giàn, vừa để ngắm cảnh đêm vừa nghe bác Đông nói chuyện. Bác cho biết mỏ Bạch Hổ nằm cách Vũng Tàu 120km về phía đông nam. Tầng dầu trên cùng được công ty Mobil Mỹ phát hiện vào đầu năm 1975 và họ đã rút đi sau ngày giải phóng. Công việc đầu tiên của ta là phải xác minh lại có đúng Bạch Hổ là một phát hiện công nghiệp hay không. Tiến sĩ Đặng của, người chỉ huy cao nhất về khoan của Vietsovpetro thời đó nhớ lại cái giờ phút trọng đại khi người Việt Nam trực tiếp nhìn thấy dòng dầu của tổ quốc được lấy lên từ lòng đất mẹ. Ông kể rằng sau năm năm xây dựng cơ sở vật chất ban đầu trên những bãi sú vẹt Vũng Tàu và đo địa vật lý giống những gì tàu Bình Minh đang làm mà tôi đã thuật lại cho các bạn nghe, Vietsovpetro đã tìm lại được vị trí của cấu tạo Bạch Hổ. Tàu khoan mang tên nhà bác học Liên xô Mikhain Mircink được đưa từ biển Đông Sibêri sang, tiến ra vị trí dự định đặt giếng khoan đầu tiên và suốt năm mươi ngày đêm đã phải chịu những thử thách lớn của một vùng biển nhiệt đới mà họ chưa từng gặp. Những đợt sóng cao 8m, những luồng gió mạnh 25 mét/giây liên tục ào ào xô đến như muốn quật đổ cái tháp khoan bằng thép cao bằng một tòa nhà chín tầng sừng sững mọc lên giữa biển. Hệ thống neo thủy lực cực mạnh giằng co với sóng gió để giữ cho tàu khoan cố định, bảo đảm mọi hoạt động bình thường của con tàu. Cả một hệ thống cơ khí phức tạp điều khiển mũi khoan kim cương xuyên vào lòng đất. Lỗ khoan tiến tới đâu thì những ống thép tiến theo tới đó để giữ cho thành giếng khỏi sụt lở. Và một dòng dung dịch chứa nước, sét, hóa chất được điều khiển luân chuyển tuần hoàn giữa miệng giếng và đáy giếng để vận chuyển đất đá bị mũi khoan nghiền nát lên mặt đất đồng thời giữ cho mũi khoan được mát trong quá trình khoan. Gần hai tháng hoạt động liên tục như thế với biết bao khắc khoải, lo âu về những sự cố có thể xảy ra. Cuối cùng một lỗ thẳng đứng sâu trên 3000m đã chạm vào tầng đá được dự báo chứa dầu. Lại đến lúc phải lo đối phó với hiện tượng dầu khí phun bằng một hệ thống van an toàn vì áp suất của vỉa chứa sản phẩm rất lớn, chỉ cần một sơ suất thì một vụ nổ cực mạnh sẽ đẩy tất cả thiết bị, máy móc, tàu khoan lên cao, nát vụn trong chốc lát. Từ đây các kỹ sư khoan phải tập trung trí tuệ, sức lực, điểu khiển mũi khoan nghiến từng tấc đá đúng với quy trình kỹ thuật cho đến khi cắt hết tầng chứa dầu. Sau đó là đo các tham số vật lý trong giếng để biết chính xác nơi nào có dầu khí. Tiếp theo là dùng đạn chuyên dụng bắn vào thành giếng, mở đường cho dòng dầu khí tự phun lên mặt đất nhờ sự chênh lệch áp suất giữa khí quyển và tầng chứa sản phẩm. Thật khó quên giây phút được nhìn thấy dòng dầu khí ra khỏi lòng đất. Vòi đốt khí bật lên một tiếng gầm điếc óc, lửa bốc cháy, khói cuồn cuộn, đen kịt, vần vũ như rồng bay, báo tin chiến thắng. Dòng dầu nâu đen chảy qua lòng máng vào những bồn chứa. Mọi người từ công nhân, kỹ sư, bác sỹ cho đến chị nấu bếp, tất cả những ai có mặt trên tàu đều ùa ra reo hò, nhúng tay vào dầu, đưa lên mũi ngửi để tận hưởng cái mùi hăng hắc bốc lên, tận hưởng cái hạnh phúc được nhìn thấy thành quả lao động của chính mình và của cả một tập thể được gọi bằng cái tên trìu mến "cán bộ dầu khí" sau bao nhiêu tháng ngày nghiên cứu, khám phá những bí mật của thiên nhiên.


Ngoài việc xác nhận sự có mặt của tầng dầu đã được Mobil phát hiện trước kia, Vietsovpetro còn tìm ra nhiều tầng dầu mới ở sâu hơn. Đặc biệt là chúng ta đã phát hiện dầu trong đá móng nứt nẻ với trữ lượng lớn gấp hàng chục lần tầng dầu cũ. Đây là một kỳ tích vì loại đá móng nói chung đặc sít, về lý thuyết không có khả năng sinh dầu và chứa dầu. Trên thế giới chỉ một vài nơi tìm thấy dầu trong đá móng nhưng khối lượng rất nhỏ, không có giá trị thương mại. Còn ở bể Cửu Long lại khác, tầng chứa dầu này ngoài Bạch Hổ còn được phát hiện ở hầu hết các mỏ, kể cả một số mỏ ở bể Nam Côn Sơn, nên được xem là hiện tượng lạ, chưa từng có. Nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu, giải thích nguồn gốc dầu trong đá móng, cấu trúc và phương pháp khai thác mỏ đặc biệt này. Đại đa số các nhà địa chất cho rằng dầu hình thành trong đá trầm tích vây quanh rồi di chuyển vào các chỗ nứt nẻ trong đá móng giống như chất lỏng ngấm vào một khối bọt biển. Cũng có không ít người cho rằng dầu Bạch Hổ có nguồn gốc vô cơ. Thậm chí đã có một hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Mỹ trong đó mỏ Bạch Hổ được viện dẫn như một minh chứng cho học thuyết vô cơ về dầu khí.


Tầm quan trọng khoa học của phát hiện này đã là rất lớn lao, nhưng về thực tiễn lại càng lớn lao hơn nữa bởi vì nó mở ra một chân trời mới trong công nghiệp tìm kiếm, thăm dò dầu khí toàn cầu. Ngày nay ở khắp mọi nơi trên thế giới đá móng nứt nẻ được coi là một đối tượng tìm dầu khí quan trọng.
   

Mỏ Bạch Hổ có trữ lượng thu hồi khoảng 300 triệu tấn dầu thô và một lượng lớn khí đồng hành. Tính cả đời mỏ trừ hết chi phí sản xuất thì ngân sách nhà nước còn có thể thu về không dưới 50 tỷ đô la, tức là tương đương với số tiền xuất khẩu gạo với số lượng vá giá cả hiện nay trong cả 60 năm. Thiên nhiên đã bù đắp những thiệt thòi cho dân tộc ta, một dân tộc đã gánh quá nhiều hy sinh trong quá trình dựng nước và giữ nước. Dầu Bạch Hổ đã là một trong những nhân tố rất quan trọng giúp đưa đất nước ta thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện trong giai đoạn 1985-1995, khi mà hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề và mọi nguồn viện trợ quốc tế đều bị cắt, lại còn bị các lực lượng thù địch tấn công, bao vây, cấm vận.


Thế hệ chúng tôi chẳng biết gì về giai đoạn khủng khiếp này. Qua lời ông Hãn, trước mắt tôi hiện ra những chú bộ đội binh đoàn 318 vừa rời tay súng đã nắm lấy cuốc xẻng san lấp bùn lầy, biến các bãi sú vẹt ở Vũng Tàu thành những kho bãi, xưởng máy, bến cảng, tạo ra những cơ ngơi bề thế ban đầu của cả một ngành công nghiệp lớn lao mà không hề đòi hỏi được hưởng thụ những gì tương xứng với công sức của mình đã bỏ ra. Đó thực sự là những người lính Cụ Hồ. Những công nhân, cán bộ để lại gia đình, con cái ở miền Bắc vào Nam làm việc với tư cách như những người lính đi ra mặt trận.


Bữa ăn chỉ có bo bo thay cơm, đời sống gian khổ đủ đường nhưng họ đã lập những thành tích vang dội. Những người bạn Xô Viết từ bỏ tiện nghi, đến một xứ sở đầy nắng gió và thiếu thốn mọi mặt để đưa công nghệ giúp đỡ Việt Nam thoát khỏi đói nghèo với một tinh thần quốc tế, hữu nghị cao cả. Khi làm việc cũng không ít người bị tai nạn, rơi xuống biển. Làn nước xanh mông mênh kia là nấm mồ cất giữ thi thể của những chiến sĩ quốc tế quang vinh. Hàng năm, trong những ngày lễ trọng đại những người thợ dầu mò không quên thả hoa và đèn xuống nước để tưởng nhớ đến họ.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2022, 06:45:11 am »

Các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe nói việc tìm kiếm các mỏ dầu giống như là đi bắt cá. Có những lần về quê đúng vào mùa nước cạn tôi đã từng thấy hàng chục người lội bì bõm trong hồ ao, tay cầm nom chụp vào làn nước đục ngầu để tìm cá. Cứ chỗ nào thấy cá móng hoặc có người bắt được chú cá to là mọi người đổ xô vào. Có người may mắn và cũng có người ra về tay không sau cả ngày vất vả. Ở bể Cửu Long cũng vậy. Sau khi dầu Bạch Hổ được phát hiện, rất nhiều công ty dầu lớn của Mỹ, Đức, Ý, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp... với công nghệ rất hiện đại và kinh nghiệm nghề nghiệp đầy mình đã đến. Họ tiêu tốn hàng trăm triệu đôla nhưng thần may mắn lại không mỉm cười với họ nên đành phải rút lui, gánh chịu rủi ro. Sau đó các công ty ít danh tiếng hơn lại đến hợp tác với Việt Nam, nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân thất bại của những bậc đàn anh đi trước và tìm kiếm lại ngay tại các diện tích cũ. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Các công ty của Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ... lại tìm thấy hàng loạt mỏ mới trong đó có những mỏ lớn như cụm mỏ Sư tử, Cá Ngừ Vàng. Tôi nghiệm ra một bài học nữa cho cuộc đời. Không chỉ cần kỹ thuật cao siêu và tài năng, mặc dù đây là những yếu tố rất quan trọng để bảo đảm thành đạt mà còn cần sự cần cù, biết học từ những thất bại, sự kiên nhẫn, tự tin. Tương lai tươi sáng vẫn có thể lại đến với mình ngay trong những tình huống tưởng như tuyệt vọng.


Trong những năm tới bể Cửu Long sẽ có thêm hàng chục mỏ được đưa vào khai thác. Và biết đâu thế hệ chúng tôi cũng lại tìm thấy những mỏ mới nữa vì theo các nhà địa chất, đây là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để sinh thành và tích tụ dầu khí. Ngay những mỏ đã khai thác cũng có thể tăng cường thu hồi với sản lượng không kém các mỏ mới bằng những công nghệ hiện đại mà chúng ta sẽ được chuyển giao hoặc sáng tạo ra trong tương lai.


Trong lúc chúng tôi đang say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố dầu trên biển cả thì trên ti vi xuất hiện những cảnh về nạn ô nhiễm môi trường dọc biển kéo dài từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Trên các bãi cát trắng mịn được đánh giá là những bãi tắm tuyệt vời không những của nước ta mà còn của thế giới, hàng nghìn mẫu dầu đen ngòm, to nhỏ đủ kiểu bị sóng và thủy triều đẩy lên bờ, nằm ngổn ngang khắp nơi. Mẫu dầu bị ngấm nước lâu ngày đã bị phân hủy một phần nhưng vẫn còn đậm đặc. Chúng không những chỉ làm bẩn bãi tắm, mất mỹ quan mà còn làm cho môi trường sống của cá, tôm, sò, hến, rong tảo, cây cối bị hủy hoại. Nhân dân dùng tay đi nhặt các mẫu dầu này chất thành đống, mang đi đốt. Các nhà chuyên môn dùng các thiết bị hiện đại quây các diện tích bị ô nhiễm để thu gom hoặc dùng các hóa phẩm, các vi sinh để phân hủy, trả lại sự trong sạch cho môi trường. Một công việc vô cùng nặng nhọc và tốn kém. Thì ra công nghiệp dầu đem lại những lợi ích lớn lao nhưng cũng mang theo những hiểm họa không nhỏ nếu con người không nhận thức được cũng như không có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế hoặc loại bỏ các hiểm họa đó.


Ông Quyết, bà Lan cho chúng tôi biết ngày nay nhờ những tiến bộ kỹ thuật mà các vụ tràn dầu, phun khí trong quá trình khoan giếng hoặc khai thác đã được khống chế tối đa nên những tai họa ít xảy ra. Ở Việt Nam suốt ba mươi năm qua các sự cố kiểu này rất hiếm. Trên thế giới cũng vậy. Tuy nhiên không được chủ quan. Dầu có thể bị rò rỉ từ đường ống thu gom sản phẩm, hoặc từ các giếng khai thác, khối lượng không lớn nhưng tích tụ lâu ngày vẫn có thể gây hại không nhỏ. Nguồn gây ô nhiễm chính và lớn nhất nhưng dư luận ít biết đến lại là từ các tàu chở dầu. Nếu tàu bị tai nạn, bị thủng do đâm vào đá ngầm hoặc vì các nguyên nhân khác thì lượng dầu trong tàu sẽ chảy vào nước biển với khối lượng lớn, tập trung, trong một thời gian ngắn. Sóng, gió, dòng biển sẽ mang chúng đi khắp nơi. Một số chủ tàu thiếu trách nhiệm còn rửa tàu, đổ dầu cặn xuống biển trên đường đi nếu không bị kiểm soát. Đó là không kể sự cố ý mang tính tội lỗi của các lực lượng thù địch hòng phá hoại uy tín, gây rối, gây thiệt hại kinh tế cho ta trong một thế giới còn đầy hiềm khích.


Biển Đông là con đường vận tải biển quốc tế rất nhộn nhịp. Hàng ngày có hàng trăm tàu qua lại, chở khách, chở hàng hóa, chở dầu thô và các loại sản phẩm dầu khí từ đủ các nơi đến các nước Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và ngược lại. Trung Quốc cũng khai thác dầu ở ngoài khơi vịnh Bắc bộ, Đông Hải Nam, Đông Quảng Đông. Ta rất thiếu thông tin nên vẫn chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm dầu ở ven biển Đông nói trên từ đâu đến. Tuy nhiên với trình độ khoa học hiện nay chúng ta có thể phân tích các ảnh vệ tinh, phân tích đối chiếu các mẫu dầu ô nhiễm với các loại dầu gốc từ nhiều nước, nhiều vùng, thì cuối cùng cũng sẽ tìm ra được thủ phạm.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #26 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:33:45 am »

Tham quan Viện Hải dương học Nha Trang và các vịnh ở Nam Trung bộ

Sau ba ngày làm việc trên vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu, tàu Bình Minh chuyển hướng đi lên phía bắc, vào địa phận của bể trầm tích Phú Khánh. Đây là một vùng có thềm lục địa nước nông rất hẹp, kéo dài từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, gọi là thềm Đà Nẵng và Phan Rang nối tiếp nhau, về phía đông chỉ cách bờ chừng vài chục km, biển tăng độ sâu rất nhanh, tạo thành sườn lục địa khá dốc. Sau đó đáy biển thoải dần, nước sâu trên một nghìn mét, để đi vào một bồn trũng rất rộng mà hiện nay chưa xác định được giới hạn phía cực đông.


Bể Phú Khánh cũng là một đối tượng được các nhà dầu khí rất quan tâm. Các điểm lộ dầu ở bán đảo Quy Nhơn nằm trên bờ Tây của bể này đã được các nhà địa chất Pháp và Việt Nam nghiên cứu từ năm 1940 tới nay.    Hiện nay đã có ba công ty của Mỹ, Malaysia, Ấn Độ đang thăm dò ở đây. Hy vọng trong năm bảy năm nữa chúng ta sẽ có thêm một khu công nghiệp dầu khí mới ở miền Nam Trung bộ để biến vùng đất nghèo này trở thành trù phú với một cơ cấu kinh tế đa ngành.


Đối diện với phía nam Bình Thuận cách thành phố Phan Thiết 105km là đảo Phú Quý. Đảo này còn gọi là cù lao Thu, không biết vì khí hậu quanh năm mát mẻ như mùa thu hay vì có nhiều cá thu. Hình thù đảo gần giống như một củ khoai xù xì nên ngày xưa con gọi là hòn Khoai Xứ. Đảo nhỏ, diện tích chỉ 16,4km2 nhưng dân số lại rất đông, 24.000 người. Hoạt động núi lửa cổ đã để lại một lớp tro dày cùng với đá phún xuất bị phong hóa làm cho đất đai rất phì nhiêu, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, đủ cung cấp lương thực tại chỗ cho dân trên đảo. Vùng biển này đặc biệt giàu về hải sản nên nghề đánh cá rất nổi tiếng. Từ xa xưa người Chăm đã khai phá và định cư trên đảo. Di tích còn lại là các khu mộ cổ dạng vò, trong mộ còn chôn theo các công cụ lao động bằng đá cũng như các đồ trang sức được chế tác rất tinh xảo. Người Kinh ở các tỉnh phía Bắc cũng vào đây định cư rất sớm, từ thế kỷ thứ 15. Họ mang theo kinh nghiệm nghề nông, nghề đánh cá, nghề làm mắm phong phú cùng các nghề thủ công như đồ gốm, dệt vải, đan vồng, ép dầu và vẫn giữ tên làng cũ để con cháu luôn nhớ đến miền quê cha đất tổ. Một số người Hoa chạy loạn Mãn Thanh theo đường biển cũng dừng chân ở đây để tạo lập một cuộc sống lâu dài. Các dân tộc tuy nguồn gốc khác nhau nhưng từ lâu đã hòa nhập thành một khối thống nhất, nói chung một ngôn ngữ là tiếng Việt, cùng một cộng đồng kinh tế, văn hóa phát triển. Có thể vì thế mà đảo có tên là Phú Quý.


Hoạt động hậu núi lửa hiện nay vẫn còn âm ỉ. Cách đảo Phú Quý không xa, trong đầu thế kỷ hai mươi dân chài nhìn thấy một đảo tro đột ngột xuất hiện, cao đến 30m, tồn tại gần ba tháng rồi bị sóng đánh chìm, mất hút trong nước biển. Bây giờ kể lại chuyện này họ thêm thắt các tình tiết huyền bí như trong truyện cổ tích.


Chúng tôi đi qua vùng biển Phan Rang, một ngư trường rất giàu có, cung cấp nguyên liệu làm ra các loại nước mắm Phan Thiết nổi tiếng. Ông Dân thông báo tàu sắp đến vịnh Cam Ranh làm cho không khí trong đoàn nghiên cứu sôi động hẳn lên. Vịnh rộng 60km2, thụt sâu vào trong đất liền 12 - 13km, mực nước sâu đến 20 mét. Bán đảo Cam Ranh xanh biếc, kéo dài phủ kín cả phía đông. Phía nam vịnh là đất liền và rất nhiều dừa. Một dãy núi đỉnh nhấp nhô như một trường thành, tạo nên một vành đai, chỉ để một cửa vịnh rất sâu và rộng 3 - 4km cho tàu lớn đến hàng trăm nghìn tấn ra vào dễ dàng. Nhờ địa thế như vậy nên mặt vịnh rất yên tĩnh suốt quanh năm, được coi là một vịnh quân sự tốt nhất thế giới. Vị trí Cam Ranh cũng rất độc đáo, phía bắc cách Hồng Kông 690 dặm, phía đông cách Manila, thủ đô Philippines, cũng 690 dặm, phía nam cách Singapore 698 dặm. Đó là những trung tâm kinh tế có tầm quan trọng đẳng cấp thế giới. Cảng lại rất gần với đường hàng hải quốc tế, chỉ cách một giờ tàu chạy, trong lúc Vũng Tàu cách 3 giờ và Hải Phòng cách 8 giờ.


Nhờ diện tích rộng, vịnh có thể chứa cùng một lúc hàng trăm tàu chiến nên được các nhà cầm quyền Pháp, Nhật, Mỹ chọn làm căn cứ hải quân suốt một trăm năm qua và được đánh giá là một pháo đài tự nhiên lý tưởng để kiểm soát hành lang Tây Thái Bình Dutmg. Trong lịch sử vịnh, hai sự kiện được ghi lại, đó là ngày 12 tháng 4 năm 1905 hạm đội Nga trên đường đi tiếp viện cho cảng Arthur ở Đông Siberie bị quân Nhật bao vây đã ghé vào Cam Ranh nghỉ ngơi, huấn luyện cả một tháng trời. Ngày 18 tháng 10 năm 1946, trên đường đi đàm phán từ Pháp trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội kiến với cao ủy Pháp D’Argenlieu (Đac-giăng-liơ) trên thiết giáp hạm Suffren đậu trên vịnh Cam Ranh để tìm cách tránh cuộc chiến tranh Pháp - Việt, nhưng do lập trường thực dân lỗi thời của nhà cầm quyền Pháp nên đã không thành.


Hiện nay chính phủ ta chủ trương kết hợp các lợi ích quốc phòng và kinh tế nên đã mở cửa vịnh để phục vụ đồng thời cho cả hai mục đích. Sân bay Nha Trang được chuyển về Cam Ranh. Các dự án kinh tế được khởi động ở phần phía bắc và phía nam vịnh. Ngoài việc mở rộng cảng Đá Bạc ở thị trấn Ba Ngòi để trở thành cảng thương mại, Cam Ranh còn được chuyển mạnh sang thành một nơi du lịch. Thiên nhiên ở đây đẹp gần như hoang sơ. Vịnh có nhiều bãi tắm lý tưởng, đặc biệt là Bãi Dài, cát sạch mịn màng, cách xa khu dân cư, rất thuận tiện để tổ chức thành một quần thể du lịch khép kín, nghỉ dưỡng cao cấp dài ngày. Du khách đến đây có thể tắm biển, bơi thuyền, câu cá, lặn biển, ngắm các ghềnh đá hoa cương được sóng gió gọt đẽo thành những cảnh trí ngoạn mục hay xem các đàn cá đặc trưng đủ màu sắc "trình diễn thời trang" quanh các rạn san hô quý hiếm. Nếu thích bạn có thể leo núi, xem mai rừng nở vàng cả sườn đồi hoặc tìm hiểu các loại thú rừng qua sự hướng dẫn của người dân bản địa.


Tiến lên phía bắc xa hơn nữa, tàu Bình Minh đi vào phía nam vịnh Nha Trang. Hòn Mun hiện ra trước mắt. Những mỏm đá hoa cương lởm chởm, cắm nghiêng ra phía biển giống như một hàng chông sắc nhọn. Các vách đá hiểm trở, màu đen tuyền, hiếm thấy ở những nơi khác. Có lẽ màu đen đặc biệt này đã gây ấn tượng rất mạnh nên người xưa đã đặt tên cho đảo là Hòn Mun. Với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Đan Mạch, năm 2001 Bộ Thủy sản và Tổ chức Thiên nhiên thế giới (IVCN) phối hợp xây dựng Hòn Mun thành khu bảo tồn biển. Khu bảo tồn rộng 160km2, bao gồm các đảo Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rom, Hòn Nọc và các vùng nước xung quanh. Mục đích của đề án này là "bảo tồn một mô hình đa dạng sinh học biển điển hình đang bị đe dọa và giúp cộng đồng dân cư tại các đảo nâng cao đời sống, cộng tác với các bên liên quan để bảo vệ, quản lý có hiệu quả, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các khu bảo tồn biển khác ở Việt Nam". Nếu trên thế giới có khoảng 800 loài san hô thân cứng thì ở Hòn Mun đã hội tụ được 310 loài. Vì vậy khu vực này được đánh giá là khu san hô quý nhất nước ta.


Trong các hang động Hon Mun, loài chim yến mà tôi đã kể cho các bạn nghe trên kia cũng sinh sống khá đông, mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Đáy biển có dòng hải lưu nóng từ phía xích đạo chảy đến, mang lại nhiều thức ăn và nguồn nhiệt nên các loài sinh vật biển phát triển rất mạnh, tạo thành một địa điểm hấp dẫn cho các nhà khoa học biển cũng như cho những ai yêu thích đi du lịch đến nghiên cứu và du ngoạn. Đến đây bạn có thể thuê phưong tiện để lặn biển, câu cá hoặc tham quan đáy biển bằng tàu đáy kính, tận mắt xem các loài cá nhiệt đới, sứa, mực cùng các rạn san hô rực rỡ sắc màu.


Ghé qua Hòn Miễu chúng tôi đến thăm hồ cá Trí Nguyên. Hồ được ngăn bằng một hệ thống kè đá, tạo hình dáng một con tàu dài 60m, cao 30m, nằm ngay sát biển. Trong hồ có hàng trăm loại cá và rất nhiều rùa được nuôi thả, cứ như một bảo tàng sống về biển. Tôi thật sự cảm phục khi biết đó là một sản phẩm của một người dân bình thường ở địa phương. Ông không những là một nhà kinh tế giỏi mà còn là một nghệ sĩ rất tài năng do năng khiếu bẩm sinh và thực tế cuộc sống đào tạo ra.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #27 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:34:40 am »

Sáng ngày thứ hai chúng tôi đến vịnh Nha Trang. Vịnh rộng 251km2, ba phía là núi, phía bắc là Ninh Hòa, phía nam là Cam Ranh, phía tây là Diên Khánh, một huyện gắn liền với cây đàn đá cổ kính ra đời cách đây nhiều nghìn năm và các huyền thoại về cách đánh du kích tài tình của dân tộc Răclay anh em trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Trước mặt vịnh là một đảo dài, tạo thành một bình phong che chắn gió bão cho toàn vùng biển.


Khi nói đến Nha Trang là mọi người nghĩ đến một khu du lịch nổi tiếng, không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Các khách sạn năm sao trên đất liền và trên các đảo nằm ngay mé nước, sang trọng, tiện nghi, làm cho khách du lịch từ năm châu đến đây rất hài lòng.


Thành phố Nha Trang có 300.000 dân, nằm dọc theo bờ biển, trải dài trên các bãi và các triền đồi thấp. Theo quy hoạch đến năm 2020 dân số sẽ tăng lên đến nửa triệu. Các khu nhà mới xây khá nhiều, kiểu dáng xinh đẹp, nhưng không cao lắm. Chắc là các nhà kiến trúc không muốn nhân danh hiện đại để làm tổn thương vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên, của Tháp Bà cổ kính hay những biệt thự xinh xắn mang đậm phong cách Pháp còn lại sau sự tàn phá của thời gian và của chiến tranh. Gió, nắng bốn mùa mơn man trên những nóc nhà, trên những ngọn dừa, tàn lá thướt tha và cả trên những cánh chim hải âu sải cánh trên mặt vịnh luôn tạo ra sự hài hoa về màu sắc, làm tăng tình yêu thiên nhiên của con người.


Trước đây tôi đã có dịp đọc bài thơ của ông ngoại tôi viết về cảnh chiều Nha Trang:

Chiều nay ngắm biển Nha Trang
Nhấp nhô dãy đảo giăng hàng mờ xa
Sóng lừng vang vọng Trường Sa
Bâng khuâng cánh én biết là về đâu
Chiều đi biển tím sắc màu
Ngang trời mây bạc bắc cầu dở dang
Cánh buồm khi hợp khi tan
Xa xăm sương khói mơ màng Bổng lai
Cô Tiên suối tóc trải dài
Hòn Chồng thơ thẩn ngắm hoài không thôi
Tháp Bà trầm mặc đơn côi
Tiếng chuông Chiêm Quốc đổ hồi thu không
Đất trời hòa nhập mênh mông...


Bây giờ tôi mới được tận mắt mình nhìn thãy các cảnh được ghi lại trong bài thơ đó.

Tuy không có nhiều thời gian nhưng chỉ lướt qua thành phố cũng đã thấy Nha Trang có nhiều điểm hấp dẫn không thể nào quên. Trước mặt biển xanh ngắt, xa xa vài hòn đảo khi ẩn khi hiện. Các bãi biển cát trắng tinh, loại cát giàu thạch anh giống như cát Xuân Thiều ở phía bắc Đà Nẵng, được người Nhật mua để sản xuất thủy tinh cao cấp, trải dài từ chân núi Cô Tiên, qua Hòn Chồng, đến tận phía nam thành phố. Buổi sáng khi ánh nắng vừa đủ để xua tan cái giá lạnh của sương mai, ai đến đây cũng muốn lao ngay xuống ngâm mình trong làn nước biếc. Khi chiều tà bắt đầu buông, mặt trời chìm dần sau dải núi ờ phía tây thành phố, nhưng vẫn còn tiếc nuối một ngày vui nên hắt ánh sáng lên nền trời thành hình rẻ quạt sắc màu lộng lẫy, kéo dài ra tận ngoài khơi. Và buổi tối rủ vài người bạn tâm tình ra nằm dài trên cát để đón nhận ánh sáng dịu dàng của mảnh trăng thượng huyền lơ lửng giữa tầng mây, xoa lên người một lớp phấn ngọc ngà của thiên nhiên ban tặng, cảm nhận vị mằn mặn trong không khí miền duyên hải cũng như ngắm nhìn cái bao la của bầu trời, mặt biển thì tâm hồn ta trở nên thư thái lạ thường.


Hôm sau tôi theo các bác đi thăm Viện Hải dương học Nha Trang. Viện nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi tại số 1 Cầu Đá. Được thành lập năm 1923, viện này là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học biển đồng thơi là cơ sở lưu giữ hiện vật biển lớn nhất ở Việt Nam cũng như của khu vực Đông Nam Á.


Theo chân cô hướng dẫn viên, bước qua chiếc cổng nhỏ giản dị, chúng tôi vào khu nhà xây theo kiểu Pháp với bề ngoài buồn tẻ nhưng thế giới bên trong thật là lung linh, kỳ ảo. Bảo tàng Hải dương học nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay, đã phát triển thành một quần thể liên hoàn bao gồm những bể nuôi hải sản phục vụ nghiên cứu, tham quan, giáo dục cộng đồng và một hệ thống nhà lưu trữ mẫu vật biển.


Đến tham quan, ngoài việc chiêm ngưỡng hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, khách có thể tìm hiểu hơn 10.000 loài sống ở biển Đông. Bộ mẫu vật bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam, Campuchia và các nước lân cận, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như bò biển (dugong)... Đặc biệt còn có một bộ xương cá voi khổng lồ dài 26m, cao 3m bị chôn vùi trong lòng đất phù sa của tam giác châu thổ Sông Hồng ít nhất 300 năm. Thật là một di tích lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá. Bảo tàng còn giới thiệu biển Đông, các loại tài nguyên biển, cảnh quan vùng biển ven bơ, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển, các đảo, nhắc nhở chúng ta nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn lợi cho mai sau cũng như giới thiệu truyền thống chinh phục, khai thác, bảo vệ biển Đông của người Việt, sắp tới Viện sẽ triển khai khu công nghệ cao thuần hóa sinh vật biển nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế biển của nước ta. Cái nóng bên ngoài dường như dịu lại khi ta đi giữa các bể nuôi cá rộng như những bể bơi ở các thành phố lớn. Ở đó bạn có thể nhìn thấy những bộ phận chi tiết của từng loại cá độc đáo, kích thước, màu sắc, hình dáng khác nhau. Rất nhiều loài xinh xắn, màu sắc đan xen một cách tuyệt vời, lượn lờ giữa những đám rong. Có loài lại nằm im, thỉnh thoảng mới uể oải nhả vài bọt bóng lên mặt nước như cố tình nói với bạn rằng tớ cóc quan tâm đến những tiếng xuýt xoa, trầm trồ của các cậu đâu. Còn khi đến khu nuôi loài cá dữ bạn sẽ cảm giác chỉ cần nhúng tay xuống nước là hiểu ngay sức mạnh của hàm cá cùng những chiếc răng sắc như dao của chúng. Tôi đã kể cho các bạn nghe về loài cá chình ở vịnh Hạ Long nhưng chỉ khi đến đây bạn mới có thể chiêm ngưỡng những chú chình to lớn như con rắn, dài ngoẵng đến vài ba mét, uốn mình tài giỏi như thế nào giữa các hốc đá ngoằn ngoèo. Ngoài các mẫu vật sống còn có hàng chục nghìn mẫu vật chết của nhiều loại cá ở Đông Nam Á và các đại dương. Các hướng dẫn viên đều là các nhà khoa học biển chuyên sâu nên có thể giải đáp nhiều câu hỏi của các bạn nêu ra. Họ làm việc say sưa, xác định các tập tính của từng loài cá để bảo tồn, phát triển, lai tạo các giống cá quý, chữa trị các loại bệnh cho cá, cho tôm. Họ truyền cho chúng ta không chỉ các kiến thức khoa học về sinh vật biển mà còn cả ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn các loài, làm giàu cho xã hội.


Rời Nha Trang tôi được biết đến tháng Bảy 2008 tại đây sẽ tổ chức thi hoa hậu thế giới, và hàng năm đều tổ chức liên hoan biển vào tháng Tám cũng như hai năm một lần tổ chức festival. Ước gì tôi lại có dịp đến đây vài lần nữa.


Trước khi quay về khảo sát tiếp các vùng biển, theo kế hoạch chúng tôi đến thăm vịnh Vân Phong nằm cách Nha Trang 80km về phía bắc. Khí hậu ở đây rất hiền hòa, vịnh kín gió, bãi cát mịn và đẹp chẳng kém bãi biển nào trên thế giới. Núi đồi hùng vĩ bao quanh và dọc mé biển có vô số là dừa. Có một đồi cát dài 18km nằm giữa đất liền và hai hòn đảo tạo cho vịnh Vân Phong một cảnh trí thật tuyệt vời. Cùng với các cánh rừng nhiệt đới còn tương đối nguyên vẹn với hàng trăm sinh cảnh thuận lợi cho muôn thú đặc chủng cư trú, vịnh Vân Phong còn là nơi sinh sống của cả một hệ thống sinh vật biển đa dạng giúp cho Vân Phong có điều kiện thật thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch sinh thái. Tổng cục du lịch xếp Vân Phong vào danh sách các vùng "du lịch trọng điểm phát triển" trong kế hoạch đến 2010. Vịnh cũng được Hiệp hội Biển thế giới công nhận là một trong bốn vịnh có vị trí du lịch biển lý tưởng hiện nay. Vân Phong còn là nơi được tỉnh Khánh Hoa chọn làm nơi xây dựng khu công nghiệp biển. Trong tương lai không xa ở đây sẽ có nhà máy đóng tàu viễn dương, đóng các giàn khoan dầu khí, các nhà máy thuộc các ngành công nghiệp khác và hệ thống các kho xăng dầu, kho chứa hàng hóa hiện đại. Hiện nay một số công ty nước ngoài đã đầu tư vào Vân Phong để xây dụng khu du lịch và khu đô thị. Khoảng mười năm nữa đến đây chúng ta sẽ được gặp một thương cảng, một thành phố mới.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #28 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:35:48 am »

Trên vùng biển Tây Nam

Thế là tôi đã lênh đênh trên biển đến nay hơn một tháng. Tôi nhớ những người thân vô cùng. Mẹ tôi người bé nhỏ, nhanh nhẹn, đôi mắt trong sáng, hiền từ nhưng khi bà giận dữ thì cũng phát khiếp. Từ khi còn nhỏ, đến bây giơ cũng vậy, mẹ tôi luôn nâng niu chăm sóc tôi. Tôi sợ nhất là khi thấy mẹ buồn thiu, đôi mi cụp xuống, những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má khi tôi phạm lỗi. Bố tôi thông minh, rất yêu tôi nhưng thường biền biệt xa nhà. Vì thế một tháng đối với mẹ tôi là rất dài. Chắc chắn mẹ tôi mong ngóng từng ngày, chờ tôi về với bà. Tuy nhiên chuyến công tác của tàu Bình Minh chưa kết thúc và biển còn đang vẫy gọi tôi phía trước.


Tàu lần này đi vào vịnh Thái Lan. Ngoài xa nhìn vào, tiếp giáp với màu nước biển xanh lơ chuyển sang vàng đậm của phù sa là màu xanh bát ngát của rừng đước tạo thành hình chữ V khổng lồ mà từ trước đến nay tôi chỉ mới thấy trên bản đồ trong các giờ học địa lý. Tôi nhớ đến bài thơ của Xuân Diệu về miền đất này với hai câu thơ mở đầu gợi lên hình ảnh chuyển động thật oai hùng:

   Tổ quốc tôi như một con tàu
   Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau...


Ông tôi chỉ cho tôi thấy dòng phù sa sông Cửu Long khi trôi xuôi ra đến biển thì gặp dòng hải lưu ngầm từ phía bắc chảy xuống, vận chuyển khối lượng đất bùn khổng lồ đắp lên bán đảo này, làm cho mũi Cà Mau mỗi năm lấn dài ra biển hơn 30 mét. Đất nước ta như có bàn tay vô hình mở rộng diện tích thêm ra theo thời gian. Màu xanh của rừng đước ven bờ càng ngày càng vươn ra xa hơn. Những bộ rễ vững chắc, đồ sộ cắm sâu xuống bùn lại càng tạo điều kiện để phù sa lắng đọng dễ dàng, không bị các dòng hải lưu kéo ra biển cả. Ông Xuân Diệu đã viết về rừng rễ này như ngàn cánh tay ôm đất nước. Thật là một hình ảnh đẹp.


Ở đây vương quốc của tôm, cua, cá và của các động vật nhuyễn thể ngày đêm phát triển không ngừng.

Tàu chúng tôi chạy vòng về phía nam mũi Cà Mau, đi vào vịnh Thái Lan. Lớn lên trên đất liền miền Bắc, từ nhỏ tôi quen với cảnh mặt trời mọc từ biển và lặn sau những rặng núi phía tây nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy mặt trời mọc lên từ phía đất liền và lặn vào biển cả. Một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà chắc bạn sẽ say mê như tôi khi thấy chùm tia sáng tỏa ra từ dưới nước như hình rẻ quạt kéo dài trên nền trời, biến đổi liên tục màu sắc khi mặt trời chìm dần vào làn nước tím sẫm lúc hoàng hôn.


Bắt đầu vào ngày làm việc đầu tiên trên vùng biển mới, cả đoàn tập trung quanh chiếc bàn hẹp ở phía khoang giữa của tàu để nghe bác Thắng và chú Lâm giới thiệu về địa chất vịnh Thái Lan mà phần thuộc Việt Nam được gọi là bể Mã Lai - Thổ Chu. Chú đầu bếp kiêm tiếp tân trên tàu chiêu đãi chúng tôi mỗi người một cốc cà phê Trung Nguyên, mùi thơm bốc lên ngạt ngào làm cho căn phòng trở nên ấm cúng và gần gũi với đất mẹ rất nhiều, trong lúc con tàu vẫn dập dềnh nâng lên hạ xuống theo vũ điệu của sóng trong một vùng biển hẹp. Đưa tay trên tấm bản đồ với vô số những đường ngoằn ngoèo mô tả độ sâu của mặt đáy tầng trầm tích, chú Lâm kể cho mọi người nghe rằng vịnh Thái Lan cũng có lịch sử địa chất gần như biển Đông, hình thành từ quá trình sụt lún, tách giãn phần này của vỏ quả đất vào đầu kỷ Đệ tam. Các đứt gãy sâu theo hướng tây bắc - đông nam cùng các đợt gãy nhỏ hơn theo các phương khác chia vùng này thành rất nhiều khu vực nhỏ, lấp đầy bởi các trầm tích có tuổi và bề dày khác nhau do phù sa của các hệ thống sông Cửu Long, sông Chao Phraya (Thái Lan) và các sông nhỏ xung quanh vùng này cung cấp. Toàn bộ vịnh Thái Lan giống như một lòng máng không đối xứng, đường trục sâu nhất nằm về phía gần Malaysia, ở đó bề dày trầm tích lên đến 12km và cũng là nơi có giá trị kinh tế lớn nhất xét về tài nguyên dầu khí.


Gần vùng này trên bản đồ có một khu vực được đóng khung theo hình tam giác, diện tích rộng đến 1.300km2, tô màu hồng nhạt với hàng loạt các mỏ dầu khí từ nhỏ đến trung bình, mang tên các loài hoa nhưng bằng tiếng Mã Lai như Bunga Kekwa, Bunga Orkid, Bunga Raya, Bunga Pakma, v.v... Thấy tôi có vẻ thắc mắc bác Thắng giải thích ngay, đó là khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, gọi tắt là khu PM3.


Mắt tôi tròn xoe chứng tỏ tôi cũng chẳng hiểu gì cả. Ông âu yếm đặt bàn tay to khỏe của ông lên vai tôi kéo tôi lại gần. Đó là vùng mà cả Việt Nam lẫn Malaysia đều cho là của mình, ông nói. Sở dĩ có vùng đó là vì Luật biển quốc tế qui định rằng, nếu vùng biển giữa hai nước trong quá khứ lịch sử chưa được phân chia thì nay phân chia theo nguyên tắc nối hai điểm trên đường cơ sở của hai lãnh thổ lại với nhau và chia đôi, mỗi nước một nửa. Ở vịnh Bắc bộ, vào cuối thế kỷ 19, chính quyền đô hộ Pháp và nhà Thanh (Trung Quổc) đã phân chia theo một đường thẳng song song với đường kinh tuyến, bắt đầu từ điểm tận cùng của đất liền thuộc thị xã Móng Cái, kéo dài xuống gần cửa vịnh và đã tồn tại đến 100 năm. Nhưng gần đây Trung Quốc không công nhận, bắt buộc phải chia lại theo nguyên tắc đường trung tuyến qui định trong Luật biển quốc tế. Hai bên phải áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến nói trên nên bây giờ đường giới hạn mới là một đường ngoằn ngoèo, uốn cong về phía Việt Nam, đem phần lợi về cho Trung Quốc vài trăm cây số vuông so với trước. Rất tiếc rằng lập trường đó Trung Quốc lại không giữ khi nói về Trường Sa, nói mà theo Luật biển, Trung Quốc không có quyền chiếm hữu một xăng ti mét vuông nào cả. Vì thế trong trường họp này Trung Quốc cố bám vào một căn cứ vu vơ, cho rằng Trường Sa đã là của Trung Quốc từ thời nhà Tống, cách nay hơn 1000 năm.


Trường hợp giữa ta và các nước ASEAN có khác vì vùng biển trước đây chưa được phân chia nên tất nhiên là phải áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến. Nhưng điều không rõ ràng là "hai điểm trên đương cơ sở của hai lãnh thổ" là điểm nào? Phía Malaysia không có đảo nên điểm đó phải nằm trên bờ biển đối diện với Việt Nam. Nhưng phía Việt Nam lại có đảo Thổ Chu, tuy nhỏ nhưng đó là lãnh thổ của ta nên ta lấy điểm nằm gần bờ đảo này làm mốc. Còn Malaysia lại cho rằng điểm đó nằm trên bãi biển Cà Mau. Do sự nhìn nhận khác nhau này nên các điểm trung tuyến không trùng nhau, tạo ra một vùng gọi là vùng chồng lấn.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #29 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2022, 06:36:18 am »

Trong lúc chờ đợi hai chính phủ đàm phán phân chia giới hạn biển chính thức, để trình Quốc hội hai nước thông qua thì hai bên, trên tinh thần hữu nghị, đồng ý khai thác tài nguyên chung ở vùng đó, mỗi bên được một nửa quyền lọi. À ra thế! Ngày 18-9-1996 mỏ dầu Bunga Kekwa được bắt đầu khai thác và đến nay sản lượng đạt khoảng 45.000 thùng/ngày. Mấy năm gần đây vài mỏ nữa cùng đã đi vào khai thác, đem lại một khoản thu nhập đáng kể cho mỗi nước, nhất là gần đây giá dầu tăng cao trên mức 90USD/thùng. Cũng vì lý do tương tự mà trên vịnh Thái Lan còn có những vùng chồng lấn khác, giữa Việt Nam và Campuchia, giữa Việt Nam và Thái Lan, giữa Việt Nam - Malaysia - Thái Lan, hoặc Việt Nam - Thái Lan - Campuchia, v.v... Chắc chắn là việc tranh chấp ở vịnh Thái Lan sẽ được giải quyết hợp tình hợp lý vì các bên tham gia tranh chấp đều có thiện chí, dựa trẽn tình hữu nghị láng giềng tốt.


Ở phần biển phía bên Việt Nam, các nhà thầu Petro Fina (Bỉ), Unocal (Mỹ) cũng đã tìm ra một số mỏ dầu khí nữa mang tên Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Cá Voi, Kim Long, Ác Quỷ. Giếng khoan Năm Căn kết thúc ngày 31-3-1996 ở độ sâu 2.708m, xác định được một số vỉa chứa dầu khí, mở đường cho việc khoan tiếp giếng Đầm Dơi sâu 2.435m. Thử vỉa 4 tầng chứa cho kết quả tổng cộng 4.000 thùng dầu - condensat/ngày và 1,6 triệu m3 khí/ngày. Giếng Cái Nước gặp bốn vỉa, cho lưu lượng tổng cộng 6.693 thùng dầu/ngày và 439 thùng condensat/ngày cùng 1,5 triệu m3 khí/ngày. Các giếng Cá Voi, Kim Long, Ác Quỷ gặp các lớp chứa khí, trữ lượng thu hồi ước tính đến 30 tỷ m3. Các mỏ này là đối tượng khai thác trong những năm tới và khí đốt sẽ được đưa về phát điện, sản xuất phân đạm ở các khu công nghiệp Cà Mau, Ô Môn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đồng bằng Cửu Long. Hiện nay đường ống dẫn khí đốt từ khu PM3 về Cà Mau đã đi vào hoạt động. Vào đầu năm 2008, điện sản xuất từ khí đốt ở vịnh Thái Lan đã có thể cung cấp cho bà con vùng Tây Nam Nam bộ, mang lại ánh sáng, niềm vui cho những con người đã rất anh hùng trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước trong suốt thế kỷ 20.


Tàu Bình Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu vùng thềm lục địa phía tây nam để phát hiện thêm những mỏ mới, làm giàu cho Tổ quốc.

Đứng trên boong tàu nhìn vào đất liền là một không gian mênh mông vì không có dãy núi nào án ngữ. Châu thổ Cửu Long, vựa lúa của cả nước cùng các vườn cây ăn quả đặc sản nổi tiếng chỉ cồn là một vệt mờ xanh ở chân trời. Lòng đất của vùng trù phú ấy sẽ được nghiên cứu để biết ở đó còn chứa đựng những tài nguyên quý giá gì nữa. Thế hệ chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ đó.


Tàu Bình Minh tiếp tục rẽ sóng, tiến sâu hơn về phía tây bắc. Trên đường đi chúng tôi gặp vô số các tàu đánh cá các cỡ, xuôi ngược nhộn nhịp trên mặt biển. Sự giàu có về tài nguyên thủy sản của vịnh Thái Lan mới là điểm đặc biệt của vùng biển này so với các vùng khác. Các nghiên cứu chưa đầy đủ cho thấy nhóm cá nổi có đến 40 loài. Nhóm này luôn sống ở tầng nước mặt, tập trung thành đàn lớn, di chuyển nhanh, thức ăn là những sinh vật nổi. Đại diện cho nhóm này là các họ cá trích, cá ngừ, cá chim trắng, cá cơm... nguồn nguyên liệu sản xuất ra các loại nước mắm nổi tiếng trên thế giới mang thưong hiệu Phú Quốc, một đảo lớn của Việt Nam mà tôi sẽ kể tiếp ở phần sau. Nhóm cá đáy còn phong phú hơn, có đến gần 200 loài, sống sát đáy hoặc tầng nước gần đáy, cả vùng ven biển lẫn ngoài khai. Một số loài sống thành đàn, số loài khác lại sống riêng lẻ. Thức ăn của chúng là sinh vật đáy, cá con. Giá trị kinh tế lớn, là đối tượng của nghề lưới giã, lưới rùng, cung cấp một lượng thực phẩm lớn cho các thị trường trong và ngoài nước. Những năm trước đây hoạt động xuất khẩu chưa phát triển, người dân còn dùng cá đánh bắt được làm phân bón, làm thức ăn cho gia súc và cả cho cá, tôm, cua, đồi mồi. Vịnh Thái Lan quả là một kho cá lớn lao, có mặt gần đủ các loài trong đó có nhiều loài rất quí hiếm. Nếu ta có kẽ hoạch đánh bắt hợp lý, không thu hoạch trong mùa cá sinh sản, không hủy diệt cá con, cá chưa đủ lớn thì đàn cá sẽ tái sinh liên tục. Tôi muốn kể cho các bạn nghe bao nhiêu chuyện về cá, tôm, cua, sò, mực ở vùng này để bổ sung cho những chuyện mà tôi đã kể trong các chương trước, để các bạn thấy câu nói "biển nước ta là biển bạc" quả là không ngoa chút nào. Hẹn một dịp khác vậy.


Xa xa trước mũi tàu hiện lên một quần thể đảo nhỏ như cả một hạm đội đang canh giữ sự bình yên cho ngư dân trên biển. Đó là quần đảo An Thới. Quần đảo này có đến 18 đảo nhỏ nhưng chỉ có năm đảo có người sinh sống. Hờn Thơm đông dân nhất. Trên đảo có miếu thờ thần núi, thần biển từ rất xa xưa, ghi dấu ấn của những tín ngưỡng bản địa của một nền văn hóa có lẽ đã từng phát triển rất sớm. Sát mặt bắc Hờn Thơm các ghềnh đá nằm san sát, ngâm nửa mình dưới làn nước xanh như tỏ ra mình là những người mê tắm biển nhất đời. Trên Hòn Thơm những hàng dừa cao vút chạy dọc suốt bờ đảo. Dưới bóng dừa thấp thoáng một số căn nhà lá của dân đánh cá cấu trúc rất đơn sơ. Cảng Hòn Thơm nằm ở phần giữa đảo, thuyền đánh cá địa phương và cả của các nơi khác về đây nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả. Cứ đến mùa gió Nam họ lại tụ tập lên phía bắc và đến mùa gió bắc họ lại di chuyển về phía nam giống như cảnh các bãi cát ở Trường Sa đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Len lỏi giữa các chiếc thuyền lim dim ngủ là những con thuyền bé tèo teo, các cô bé vừa bơi thuyền vừa rao bán mực tươi, tôm, ghẹ, bia phục vụ cho dân chài ăn nhậu.


Không xa Hòn Thơm là Hòn Rỏi và Hòn Dừa. Sát Hòn Rỏi là những dãy phao tròn nhấp nhô trên sóng. Đó là những lồng nuôi trai lấy ngọc, một nghề hái ra tiền ở đây. Trai được chọn lọc kỹ, cấy một hạt nhựa hoặc một hạt vỏ ốc vào thịt, chất ngọc do trai sản sinh sẽ phát triển dần bao bọc kín vật được cấy, trở thành những hạt ngọc trồn lấp lánh. Lồng nuôi trai bằng sắt có bọc lưới, thả lơ lửng cách đáy biển hai mét và trai tự kiếm thức ăn từ những phiêu sinh vật chứ ít khi được người nuôi cung cấp. Hòn Dừa tuy ít dân nhưng phong cảnh lại rất kỳ thú. Biển xanh sóng vỗ quanh năm, đập vào ghềnh đá xám tung bọt trắng xóa một vùng. Núi nhấp nhô, điểm xuyết giữa màu xanh của cây cỏ là những căn nhà như cảnh ta thấy ở những vùng cao nguyên. Trên triền núi kéo dài xuống sát mé biển là những vườn dừa, xoài và các loại cây ăn quả khác, trái treo đầy cành, trông thật thích mắt. Có những cây mọc cheo leo trên vách đá như lúc nào cũng sẵn sàng lao xuống biển. Ai muốn sống một cuộc đời yên tĩnh, gắn mình với thiên nhiên thì đến đây sẽ rất hài lòng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM