Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:23:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ  (Đọc 1822 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 02:53:52 pm »





TUỔI TRẺ HOÀNG VĂN THỤ

Tiểu thuyết
(In lần thứ hai)

Tác giả: TÔ HOÀI
NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN HÀ NỘI - 2004

Số hóa: hoi_ls

« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2022, 07:40:44 am gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 03:03:07 pm »

MỞ ĐẦU


Nửa đêm kia, có một người Nùng ở một xóm khuất bên dốc Keng Vài bỗng thức giấc.

Rõ ràng, trong bóng tối mà mắt trông thấy được, cuồn cuộn thành luồng luồn qua những khe tường đất bên nách cửa, có một mùi ấm và thơm lạ lùng. Chẳng mấy chốc mùi thơm đã đầy nhà, nồng nàn đến tận chân tóc.

Người ấy lẩm nhẩm một mình:

- Đến mùa hái hồi rồi.

Thằng con nằm cạnh bố cũng ngồi nhỏm dậy. Nó hỏi:

- Bố sắp phải đi trèo hồi, bốn hỉ?

Bố nói:

- Mai đi sớm thôi. Trèo hồi còn kịp lấy cái Tết rằm tháng bẩy này về cho mày.

Thằng bé ngẩn ngơ reo lên:

- Sướng lắm nhỉ?

Buổi sáng, tất cả mọi người đều đổ ra đường. Ai cũng đứng ngửng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt. Rừng hồi ngào ngạt xanh thẫm trên các quả đồi quanh làng. Những cơn gió sớm đẫm mùi hồi, từ các cánh đồng Thất Khê, lùa lên những hang đá Văn Uyên, Thoát Lãng trên biên giới xuống Cao Lộc, Chi Lăng, qua những vùng hồi mà một mảnh lá gãy cũng dậy mùi thơm, gió càng thơm ngát. Sông Kỳ Cùng đã nhạt hết màu đục đỏ bối rối suốt mùa lũ, bây giờ con sông ủ mùi thơm trong vắt lượn, quanh co khắp đất Lạng Sơn vào mùa hồi chín.
Lại đến mùa hái hồi!

Có những ông già người Nùng Cháo, đến mùa thì theo mùi hồi chín đi bán rượu. Người vác chảo, đội đõ, người đeo hũ. Ngả chảo rồi bệ cái đõ lên, bán rượu nóng cho người hái hồi, ngay đầu rừng.

Và cứ khi mùi hồi chín lại thấy cơ man người đi trèo hồi, hái thuê. Người Nùng ở biên giới vào, người Tày lặn lội trong các vùng khe dọc ra, người Kinh ở Đồng Mỏ, ở Hữu Lũng lên. Họ đi thành từng bọn. Nắng lên, toả ra, cái nắng tháng bảy rưng rưng ở các đầu rừng lao xao tiếng người đánh xe ngựa chở hồi cho lái buôn.

Cây hồi thẳng, cao, tròn xoe. Cành hồi giòn, gãy gọn hơn cả cành khế. Quả hồi, phơi mình xoè trên mặt lá đầu cành. Người trèo hồi hay bị ngã lúc với tay ra hái. Người ngã hồi rơi thẳng xuống gốc, đành què gẫy mà chết, không đỡ được. Bởi vậy, người đi trèo hồi thuê thường thèm ngụm rượu cho dễ liều hơn.

Người trèo hồi ấy đã đứng ra trước cửa. Cái túi chàm lép đựng nắm cơm. Chiếc xe ngựa tải hồi của lái buôn đủng đỉnh qua. Người trèo hồi, cứ thế nhảy trộm lên sau xe, ngồi tựa lưng vào một đống bao bì cao ngất.

Con ngựa sục mõm vào giỏ cổ rồi hắt hơi, lắc mũi mấy cái. Chẳng biết bực mình hay mừng rỡ, con ngựa lại cất chân chạy đổi nước. Người đánh xe gò cương lại. Nhưng cũng không biết sau lưng xe có đã thêm mấy người trèo hồi đi nhờ.

Chỉ có lũ trẻ con trong xóm trông thấy. Chúng reo ầm lên. Chúng sung sướng ước được trèo lên, mặc cho chiếc xe có mùi hồi thơm muốn đưa đi xa những đâu thì đi.

Thằng con kiễng chân, nói như thét:

- Bố đi lấy cái Tết tháng bảy về... lấy về...

Nó cũng đương nghĩ cái xe ngựa đi đến những nơi sung sướng lấy cái Tết tháng bảy về, như những đứa trẻ khác. Những cái xe tải hồi đã đi xa. Nắng nhạt tháng bảy đọng lại, các khe, các hang rỗng trong lòng núi cũng ẩm ướt mùi hồi.


*
*      *

Lại nghe đằng kia nhong nhong tiếng ngựa. Từ nửa đêm đã nhộn nhịp xe ngựa, xe trâu của lái buôn về qua.

Nhưng đây là ngựa đeo nhạc. Nghe tiếng nhạc xoang xoảng thì người trong làng biết đấy là ngựa quan châu. Và tiếng ngựa quan châu thì không kể mùa hồi hay mùa lúa. Quan đi tuần. Quan đi bắt phu làm đường, xẻ núi hầm xe lửa. Quanh năm.

Bọn lính khố lục đeo súng dài, một tay ôm băng đạn vừa chạy vừa kêu qua trước cửa:

- Đường Tà Lài! Đường Tà Lài!

Thế là ai cũng lại biết quan và lính đi các làng bắt phu lên biên giới làm đường hầm xe lửa ở Tà Lài.

Lính đẩy cửa vào nhà người trèo hồi.

Nhưng người ấy đã trèo lên lưng cái xe ngựa tải hồi từ nãy.

Bọn lính ra khỏi xóm, lôi một đám người đi phu hớt hải chạy theo. Những tiếng quát chửi rầm rĩ. Đến trẻ con cũng nhớn nhác.

Không thấy đứa nào đứng xem người đi, như lúc nãy.


*
*      *

Lại nghe tiếng nhạc ngựa đằng xa lanh canh vẳng tới. Bây giờ là ngựa của châu đoàn về gọi dõng đi đổi gác.

Dõng các làng phải chia nhau lên gác ngày đêm trên các ngả núi tắt qua biên giới. Một chợ đổi gác một lần. Lệ ác nghiệt ấy cũng không cứ mùa lúa, mùa hồi, kể cả Tết đến. cả năm hay cả đời người ta, đều phải đi gác nghiêm mật thế. Gác cướp, gác buôn thuốc phiện, buôn súng lậu, còn các người hội kín, người cách mệnh, gác gì nữa, không biết hết.

Người dõng cắt lượt đi gác. Mỗi lần châu đoàn lên đồn, quan hai Tây ở Đồng Đăng hay quan một Nà Sầm, hay quan ba đại lý ở Thất Khê thường hỏi một câu giống nhau:

- Có cách mệnh ra biên giới không ?

Châu đoàn khúm núm:

- Bẩm quan...

Đám dõng đi vét người đổi gác cũng lại sục vào xóm, như hệt bọn lính đi bắt phu làm đường Tà Lài lúc nãy. Họ lại vào nhà người trèo hồi.
Nhưng người trèo hồi đi đã được một lúc lâu.

Trước cửa, thằng bé con ngồi chồm hỗm vẫn nguyên trên cái cối đá. Nó lặng lẽ nhìn ra.


*
*      *


Buổi chiều, từ các đầu rừng, cái xe về bỏ từng bao hồi chín, xuống cầu xóm cho các trạm phơi hồi, nấu hồi.

Những đoàn xe kĩu kịt về trạm.

Không trông thấy người ngồi trong cái mui phên. Chỉ nghe tiếng tẹc lưỡi giục vào bóng tối chập choạng có con bò con trâu nào đó đương đau móng cứ bước một khấp khểnh. Và cái đèn kính ô vuông đã lên ngọn đỏ bẻm lắc lư trên nách sau chiếc bánh sắt lăn rào rạo. Những chiếc xe cứ lầm lì, không biết khi đêm càng xuống, bóng tối trong các hang núi đá càng bò ra đen sẫm thì mùi hồi càng quẩn nặng như khói bếp trên làng xóm.

Những cái xe ngựa có chiếc giỏ cỏ treo trước càng xe. Con ngựa vừa bước vừa thục mõm vào tìm cỏ. Đã kiệt sức, nhưng hai cánh mũi nỏ lại nhấp nhoáng, đen ướt cúp xuống, hít lên, rồi vừa khoan khoái, vừa khát khao, dũi rào rạo vào những cái nan tre. Không một nhánh cỏ. Cứ như vậy, con ngựa hít mùi hồi vào ngập mũi. Nó rũ mình. Mùi hồi nồng nàn tung lên. Đầy kích thích, con ngựa lại nhảy giựt lên, chạy kiệu nhỏ.

Đoàn ngựa chở hồi về nghỉ ở các thị trấn rồi hôm sau lại đưa chủ hồi, lái hồi đi các rừng, để thu từng gốc đã mua non từ đầu năm, hay để đặt giá mua rồi thuê trèo, thuê tải về các trạm cho phơi, cho nấu...

Chuyến xe ngựa này về muộn, đem ra Kỳ Lừa một người trèo hồi bị ngã cây.

Người trèo hồi nằm trong đống bao tải thừa, cũng xám ngắt như cái bao tải. Gãy xương hay giập lá lách, không biết. Không có máu chảy, tay chân tái đen.

Buổi chiều vào thu muộn, cái thị xã Lạng Sơn xanh xám bỗng náo nức lạ thường.

Các sòng tài xỉu, xóc đĩa bên tỉnh và bên Kỳ Lừa bắt đầu những cuộc sát phạt ban đêm. Tiếng trống mở đố chữ đánh thùng thùng. Suốt phố Kỳ Lừa, cả đến những hàng phở chua, người cũng chen chân như nêm.

Những người hót ra tiền ở đây đều biết từ vài hôm nay, các con buôn hồi ở Hà Nội, ở Hải Phòng, ở Quảng Châu, ở Hồng Kông xuống và cả ở Sài Gòn ra nữa, đương đổ đến đây. Bây giờ đương mùa hồi. Hiệu cao lâu Thuận Lợi, hiệu Mĩ Kinh, hiệu cao lâu Tài Và chật ních. Hai bên cầu, những hiệu ăn Âu: hiệu Pa-ri, hiệu Ba ông tướng... thêm những bọn Tây đoan, Tây kho bạc, Tây đốc học, Tây kiểm lâm, Tây đốc tờ người, đốc tờ chó... Các tay đại lý mua thầu thuốc phiện của Việt Điền công ty, các chủ thầu hầm đường xe lửa ở Tà Lài đông đủ như mọi tối. Có nhà nào vừa mở sàn nhảy, nghe nói có gái nhảy Hà Nội lên có kèn nhảy đầm tò tè suốt đêm.

Từng đoàn ô-tô vượt đèo Sài Hồ, đèn pha quét sáng trắng các mỏm đồi, như trăng mọc. Những chiếc xe Pho V8 hay Hốc-kít kiểu Mỹ đen bóng, khác hẳn các loại xe nhà binh màu đất thó ở đây. Chúng từ Hà Nội lên, không dừng lại thị xã, cứ thẳng đường Lộc Bình lên vùng nghỉ mát Mẫu Sơn. Trên mỏm núi đá trọc Mẫu Sơn cao một nghìn năm trăm thước đêm nay có tiệc to trong nhà khách phủ Toàn quyền Đông Dương. Bọn quan chức Tây làm ở đây ngồi uống rưựu tại quầy khách sạn Đến nhà tôi kháo nhau: trong đoàn xe ô-tô có quan Bảy Toàn quyền mới ở Đà Lạt ra.

Con đường ven núi lên Mẫu Sơn, đèn xe nhấp nhô sóng sáng dài suối mười năm cây số đến khách sạn đỉnh núi.

Các thị trấn Đồng Mỏ, Kỳ Lừa, Đồng Đăng, Nà Sầm, Thất Khê lúc nào cũng đông ắp người, mỗi độ có một cánh chơi, có một câu chuyện đồn thổi khác nhau. Nhưng bây giờ thì đâu đâu cũng đương khét tiếng ăn chơi nhất Lạng Sơn là cánh nhà thầu hầm xe lửa Tà Lài mà cánh buôn trâu bò, đỗ tương, thuốc phiện không còn ai chú ý đến nữa.

Có công ty hoả xa Đông Dương bỏ thầu mấy triệu bạc cho bắn thủng quả núi đá Tà Lài làm đường cho xe lửa qua. Thế nào mà bọn nhà thầu chỉ bắn mất có hai phát mìn. Thì ra quả núi ấy rỗng ruột. Bọn nhà thầu sướng đến nỗi lão chủ chính gần hóa rồ, cứ rải giấy bạc ra khắp các chỗ chơi bời, vừa ăn vừa thưởng tiền xem đánh nhau, vừa đi ô-tô vừa tung tiền. Và đến bây giờ các chốn ăn chơi lại ồn ào thêm về bọn lái hồi đổ của ra phá phách liên miên cho đến tận tháng mười, hết mùa hồi chín.

Cái xe ngựa nọ đứng lại trước cửa nhà thương. Bác đánh xe nhảy xuống rồi xốc người ngã cây hồi khiêng vào. Bấy giờ đã tan tầm làm việc. Chỉ còn cái hành lang vắng lặng, hôi thối, vốn quét vôi trắng, đã đen bóng những mồ hôi và máu mủ với rác rưởi, lặng ngắt.

Đặt người trèo hồi ngã nằm xuống đấy rồi giơ tay giật cái dây chuông. Ở trong, không động tĩnh. Bác ấy lặng lẽ giật dây lần nữa. Vẫn chỉ có tiếng chuông, nghe kêu đằng xa tít, như chuông kêu trên trời. Đợi một lúc cũng không thấy. Trong nhà thương không còn ai. Rồi bác đánh xe ngựa thoắt đi ra. Người trèo hồi nằm dưới đất chợt mở mắt trông theo - cái lòng trắng của người hấp hối nhợt nhạt lấp lên con ngươi. Rồi con mắt buồn bã nhắm lại.

Cái xe ngựa lại lọc cọc mờ vào bóng tối. Con ngựa đã mệt bã, lưng sũng mồ hôi, chốc chốc lại thúc mõm vào cái giỏ đựng cỏ, xốc nghiêng cả lên, như giỏ đóng vào mũi. Cũng chẳng thấy gì.

Người trên xe cười nói những chuyện chắp nối đâu đâu. Bấy giờ mới biết trong xe còn mấy người nữa.

- Quan chủ bảo mày về nhà Tài Và mà ngủ.

- Tối nay lão cóc vàng chơi đâu?

- Chết mệt với “hối théng”1 nhà Tài Dẻo.

- Ờ, mấy “ả múi” nhà ấy thế là câu được lão cóc vàng rồi. Đã biết mà!

- Này, đánh bạc ở Đồng Mỏ thì chết cũng tạm nhắm mắt, mày ạ. Nó vét nhẵn túi, nhưng còn đãi mình một bữa no say cật lực, không cỏ rả như mấy thằng chủ sòng mắt trắng môi thâm ở Kỳ Lừa.

- Chuyện! Nhân nghĩa bọn chủ sòng mà buồn! Tranh khách thì phải thế thôi.

Giọng trống quân ồ ề của bác đánh xe cất lên. Không hiểu người hát đương vui hay buồn, tiếng khê nằng nặc cứ lạc trong hơi hồi chín.

Thứ nhất, quán Bầu, Chi Lăng
Thứ nhì Cây Khế Đồng Đăng, Kỳ Lừa 2

Đêm ấy, vẫn gió hồi miên man về. Thằng bé con người trèo hồi lại ngủ một mình. Nó không hề nghĩ bố nó ngã cây hồi rồi. Nó chỉ biết bố nó đi trèo hồi lấy cái Tết tháng bảy. Nó thích Tết tháng bảy có bún và được ăn cái tỏi gà cho nên nó không sợ nằm đêm một mình.

Hôm sau, cái xe ngựa ấy qua nhà thương.

Bác đánh xe ngái ngủ chợt nhìn vào hành lang. Cái hành lang lạnh xám như chiều qua. Và người trèo hồi ngã vẫn nằm ở chỗ chiều hôm qua.
Nhưng khác hôm qua. Cái hình người bây giờ dẹp đét, mỏng dính lại, kênh lên như một cành cây. Chỉ thoáng nhìn đã cảm thấy lạnh đến tận mắt. Dòng kiến nâu xù xì bò đầy lên hai vành tai cái xác chết.

Bác đánh xe quất con ngựa một cái. Cái xe lọc cọc chồm đi. Con ngựa chạy nghênh hai cánh mũi ướt, đẫm hơi hồi, vừa thở vừa hí vang động.


*
*   *

Thụ bảo Chi:

- Không thể như thế được!

- Thụ ơi! Đất nước ta đau đớn mãi như thế ư?

- Không!

Trước mặt hai người bạn, sông Kỳ Cùng đương ườn mình ra xa. Dòng sông này chảy tới Quảng Châu, mà tưởng như lúc nào hai người cũng nghe vang lại tiếng bom Quảng Châu của Phạm Hồng Thái nổ ở Sa Diện năm trước, trong mùi hồi bốc lên mặt nước vẫn âm thầm tiếng bom nổ thật kích động, thật lạ lùng. Muốn làm cách mệnh, cứu đất nước, phải đứng lên đánh thằng Tây như thế mới được.

Trông khoé mắt cháy rực của hai người thanh niên cùng sôi nổi một khát vọng. Đứng trên đầu cầu Kỳ Lừa, nhìn theo dòng nước chảy ra biển Đông, tưởng sẽ tới được những nơi đương sôi sục, cần phải đi tới những nơi sôi sục ấy mới học được cách mệnh trên thế giới.

Thụ nói cái ý tha thiết ấy với Chi.




------------------------------------------------------------------.
1. Những người đàn bà làm nghề chia bài, xướng bài trong đám bạc
2. Tên những nơi ăn chơi ngày trước: quán Bầu ở Chi Lăng, Cây Khế ở Đồng Đăng, Cây Khế ở Kỳ Lừa.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 03:07:49 pm »

I


Tiếng gà sang canh đẫm hơi lạnh nửa đêm nghe đã thấy buốt rợn. Thụ và Viết vẫn chưa ngủ. Có lẽ đêm nay cũng chẳng còn mấy lúc mà ngủ nữa. Hai người ngồi thì thầm trưóc cái bếp lửa giữa gian bên - lửa vạc hẳn từ bao giờ, tàn than đã nhờ nhờ trắng và cái lạnh tê tái cứ bò dần dần lên vai, xuống sống lưng.

Viết nói:

- Tháng sau thì cưới chị Dụ...

Thụ im lặng nhìn, không chú ý vào bếp và không đáp. Câu nhắc nhở thân tình ấy của Viết vào lúc này lại gợi trong Thụ một ý nghĩa khó chịu khác. Hôm qua, trên tàu hoả Nà Sầm xuống Đồng Đăng, lúc tàu qua Cốc Nam, Thụ ra cửa toa nhìn sang rồi rỉ tai Viết:

- Quãng này sang bên kia có mấy bước chân thôi, Viết ạ.

Viết ngước mắt, khẽ hỏi lại Thụ:

- Đi à?

Lúc ấy, Thụ nhìn Viết, vẻ ngạc nhiên. Bởi vì chuyện cùng nhau đi Trung Quốc tìm cách mệnh, đối với hai đứa, đương như người đã co cẳng sắp nhảy vượt bờ rào. Câu hỏi chứng tỏ Viết có chiều ngần ngại. Mới biết, hiểu được lòng người thật khó. Nhưng nghĩ thế, Thụ chỉ thấy càng thương Viết. Thụ nhẹ nhàng đáp lại không biết là trả lời câu nào của Viết nhưng không một vẻ khó chịu:

- Biết thế, nhưng mà chúng mình lỡ hẹn ở Nà Sầm rồi.

Hai người lại trở về Nhân Lý.

Từ lúc ấy, dọc đường, hầu như không ai nói một câu.

Thụ đoán Viết lưỡng lự, Thụ không muốn ép. Mẹ Viết già yếu. Bố thì nghiện, càng ngày càng nghèo. Mấy năm nay, hễ ở trong xóm nghe tiếng trống tùng tùng ngoài Đon Đình thì mọi người đoán đấy là trống báo có một đám ruộng nhà Viết lại sắp phải đi sang cửa nhà khác1.Mà đúng như thế. Thụ thương Viết lắm.

Nhưng Viết chưa hiểu nổi rằng: “Phải đánh thằng Tây, lấy lại được nước, phải vật cổ bọn vua quan lính tráng kia xuống thì mới phá được cái đau đớn ấy”, muốn thế, hãy đi tìm cách mệnh. Mỗi lần ở thị xã về, Thụ đã bàn bạc nhiều, nhưng Viết lúc thì hăng muốn đi ngay, lúc thì lặng im, Viết sợ, Viết hơi chập chờn. Hôm trước, Viết đã mạnh bạo đi Nà Sầm với Thụ. Nếu cứ sang ngay Cốc Nam lúc ấy, chắc Viết đi luôn.

Nhưng đến một người đi chợ cũng không gặp. Nếu có ai, chỉ hỏi thăm đến được Bản Đảy là đi ngay thôi. Nhưng rồi Viết lại trù trừ. Thụ muốn kêu lên: “Viết ơi! Mày nghĩ thế nào?” Ấy là lúc Thụ càng tha thiết nghĩ và thương và giận bạn.

Bây giờ thì Thụ đã nghĩ dứt được: Viết có cái khó. Viết chưa quyết tâm. Thôi, để rồi cũng có khi. Không thể bắt buộc. Thụ định lần này không rủ Viết nữa.

Một lúc, Thụ nói:

- Ừ đến tháng sau thì cưới chị Dụ mình, rồi đến Tết. Mình đã nói với chị ấy, nếu em về kịp ăn cưới chị thì may, bằng không thì khi nào em về được, em về. Lần lữa rồi lại đến Tết, không được. Bây giờ Thụ đi, Viết ạ.

Viết hỏi nhanh:

- Đi bây giờ a?

Thụ không đáp thẳng câu hỏi, mà trông ra ngoài khe vách, nói:

- Gà gáy sang canh lâu rồi. Thế là chúng mình thức gần suốt đêm.

- Sao bảo đợi có hẹn ở Nà Sầm về rồi mới đi?

- Không đợi nữa. Nhưng lần này Viết hãy cứ ở nhà, để mình sang bên ấy nghe tình hình ra sao đã.

Viết “à” một tiếng nhỏ, như thở dài. Vẻ vừa tiếc, vừa ngượng. Và Viết cúi mặt, không nhìn Thụ.

Lúc ấy, một cơn ho thiếu thuốc phiện như bị sặc, kéo đến, dựng bố Viết ở giường bên rũ rượi ngồi dậy. Rồi tiếng ho cứ thúng thắng mãi của người già trong đêm khuya càng làm cho Viết thấy mình buồn hẳn đi. Thụ không biết được mắt Viết đã ướt. Trong bóng tối, Viết để mặc cho nước mắt chảy ướt trên mặt.

Thụ bước đến bên giường bố Viết.

- Chào bác.

- Cháu đi à?

- Cháu phải đi ra Đồng Đăng cho kịp tàu xuôi sớm.

- Cháu đi đâu?

- Cháu đã xin được chân ký ga ở dưới xuôi.

Ông cụ lại ho. Ông cứ trừng mắt nhìn Thụ, rồi hổn hển nói:

- Cháu ơi! Đến ngày cháu về chắc tao chẳng còn sống, tao biết rồi.

- Không, bác vẫn khoẻ, cháu mong bác vẫn bình yên khoẻ mạnh.

Ông cụ lắc đầu.

- Cái chân này xưa nay của mình mà bây giờ mình cũng không sai bảo được nó đi đâu nữa rồi, khó quá.

Viết và Thụ ra đầu hè. Thụ lại nói: “Để mình đi nghe tình hình cách mệnh ra sao, khi có tin về thì đi cùng nhau đấy”. Rồi Thụ bước vào trong làn sương mù có lẫn trăng suông phủ xuống dưới thung, sang tận dải núi bên xóm Bó Lào. Nét núi mờ dường như kéo dài ra.

Viết bàng hoàng quay vào, ngồi một mình trước đống lửa vạc. Ông cụ khập khiễng bước sang bên vách, khuân hai cây củi mới đến, đặt xuống khơi lại cái bếp.

Bấy giờ, có ánh lửa, người ngồi bếp mới có bóng. Bỗng nhiên, ông cụ đăm đăm nhìn bóng mình rồi nói hổn hển và sôi nổi, trong tiếng lép bép củi mới nổ.

- Con ạ, ngày trưóc, cái khi nhà ta còn ở trên Đồng Đăng, đã có nhiều lần vào lúc nửa đêm thế này, tao đưa các ông cách mệnh đi Long Châu, ờ, cũng vào những tháng rét sắp Tết này... Các ông nói các ông đã theo cách mệnh đánh Tây rồi bây giờ xuống thuyền ra bể đi tìm cách mệnh ở bên Nhật Bản và tận những đâu, nhiều nơi nữa. Tao biết cả, tao hỏi thế thôi chứ tao biết cái chí thằng Thụ...

Viết nhìn bố, thấy lạ hẳn. Từ khi lớn, Viết chỉ thấy bố ốm, bố gầy yếu mãi đi. Viết chỉ thấy quanh năm bố đi cày, đi trèo hồi thuê - hồ như không biết một việc gì khác ở đời và không nói ra những câu như thế bao giờ. Nhưng thế là bố đã biết cả.

Viết khóc thành tiếng, như khi còn bé. Viết muốn chạy ngay theo Thụ. Viết gục đầu xuống, ôm hai tay lên mặt.

Đêm ấy, Thụ đi tắt đường sang châu Điềm He. Vừa hay, tảng sáng thì tới Bản Hẻo.

Đi suốt đêm ngoài sương, nhạt hết hơi người, vào đến trong xóm, con chó cũng không biết. Không một tiếng chó cắn. Thụ cứ tự nhiên vào đi quanh dưới gầm sàn nhà Chi. Đến đúng chỗ giường Chi nằm - Thụ đã biết trước, Thụ khẽ gõ ngón tay vào cái xà gỗ. Lập tức, nghe tiếng chân động sàn ngay. Như cả đêm qua Chi vẫn thức đợi. Đúng là Chi vẫn thức đợi Thụ thật. Thụ rón rén đến để đợi Chi ở bên cái chân thang nhỏ đằng sau bếp.

Chi đã xuống đứng đấy, nói:

- Đợi mấy hôm rồi!

Thụ cười - miệng cười mở rộng. Thụ cảm thấy mọi việc trôi chảy. Những suy nghĩ về Viết trong đêm qua làm bận tâm Thụ, đến bây giờ gặp Chi, mới thấy lòng thanh thản và bồn chồn, sôi nổi hẳn lên, sẵn sàng... Hai người cùng nghĩ như nhau:

- Đi.

Nói đến đi tìm cách mệnh, đi làm cách mệnh, bao giờ hai người cũng tưởng ra một đoàn tàu hỏa đương vun vút lao, trên mình đoàn tàu oai hùng lấp lánh ánh sáng bóng cây và bóng nắng liên liến đưa qua các cửa toa những hình ảnh chuyển động, rực rỡ, những cái gì thay đổi. Tiếng còi tàu nổi lên, xé ngang mọi băn khoăn và luôn luôn thúc giục người đi xa.

Thụ và Chi đi. Người vượt biên giới hay chọn đi vào ngày gần Tết, cũng có ý riêng. Áp Tết, cướp cũng vãn, khỏi gặp trắc trở, lính tuần thì có vẻ trễ tràng. Đến lính tráng cũng bỏ tuần Phong, còn phải chạy chợ, lo cho miếng ăn ngày mừng năm mới.

Đưòng lên biên giới cứ thuốn sâu vào những thung lũng nhỏ, mỗi lúc một khép lại giữa hai gò núi. Ngọn đá lô xô như ai vừa giơ lên những ngón tay thật cao, nhọn hoắt, tưởng gió thổi đương lung lay.

Hai người tạt sau núi, chỗ Cốc Nam. Cốc Nam chỉ cách Đồng Đăng chưa đầy hai ki-lô-mét. Chỉ một bước chân đã đến đất Trung Quốc. Tuy nhiên, Thụ cảm động, nghĩ: ta đang đi trên con đường tìm cách mệnh. Bởi vì, tuy chỉ mới một bước chân, nhưng trong lòng đã nhất quyết và thấy khác hẳn trước khi đi.




-----------------------------------------------------------------
1. Tục lệ Lạng Sơn ngày trước, người bán và người mua ruộng đều phải đem lễ vào đình, đánh trống mời các cụ ra ăn cỗ trình làng.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2022, 03:47:02 pm gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 03:13:48 pm »

*
*   *


Các làng đương vào những ngày áp Tết.

Gặt xong, mọi công nợ bắt đầu trang trải. Trước nhất, thóc nhà khó vào yên bồ nhà giàu. Trong làng, vẻ Tết đã dần dần hiện ra. Chưa phải chuyện yên vui, mà những lo lắng đến trước. Con ngựa, là cái chân giúp người kiếm ra tiền. Tết đến, nhà ai có ngựa thì phải buộc cái cây tiền ấy vào trong tàu rồi đành ngày ngày đi cắt cỏ về cho nó ăn. Vào tháng củ mật này, con ngựa chỉ chót quá chân gặm cỏ xế xuống chỗ ruộng thấp, cái đuôi ve vẩy vừa khuất, đã có thể bị người ta dắt biến vào rừng. Người ăn trộm lúc nào cũng vơ vẩn đứng sẵn đầu ruộng. Chẳng thế mà cứ sắp Tết, cả đến những con bò, con trâu cũng biết sợ, chịu nằm yên trong chuồng đầu nhà và dưới sàn. Người ăn trộm đi rình bắt trâu bò, bắt lợn cả đêm.

Tết đã đến.

Người buôn bán vào các làng bán rượu, bán muối, bán miến. Những người đi gánh hàng thuê, quần xắn, cái nón “tu lờ” ngật ra đằng sau. Cái đầu trọc nhấp nhô giữa hai chiếc túi chàm lớn đựng hàng. Bàn chân vấp đá, bật ra bùn và máu. Người gánh hàng thuê vẫn ngày ngày lom khom xuống dốc lũng, cố gắng, hòng kiếm ít lãi ăn Tết.

Tết đã đến.

Các chợ Ải Khẩu, chợ Lũng Vài bên Trung Quốc hay chợ Nà Sầm, chợ Đồng Đăng, chợ Kỳ Lừa bên này, đã thấy người các làng về sắm Tết, chơi Tết đông hơn phiên chợ thường. Lại thấy về từng bọn trai gái ngồi trong các cầu hát đối hết đêm đến sáng, hát sang suốt cả ngày chợ. Cái vui cái lo của con người cứ chen lấn, quấn quýt cùng về với nhau khi năm hết Tết đến.

Tết đã đến.

Vào dạo áp Tết mỗi năm, trên những chuyến tàu đường Lạng Sơn, người sẵn tiền hay về xuôi sắm Tết đông. Thoạt nom cũng biết ngay người thị trấn đường ngược. Thanh niên đi giày tây gan gà có cổ, áo lương hay dạ Mông Tự, đầu chít khăn lượt mốt mới, khá thịnh hành. Người đứng tuổi thì giày ban, giày Gia Định, dưới mũi để lún phún cụm ria Hoa Kỳ. Có người xốc vác và mới hơn nữa, mặc bộ tây ka-ki vàng, như tay thầu khoán hoặc nhà đoan. Mấy năm nay đời sống thành thị tràn ngập mọi nơi, chỉ xem cách ăn mặc của người ta, khó phân biệt xuôi hay ngược.

Thế vậy. Trên những con tàu xuôi ngược, ai mà biết người xuôi lên hay người Lạng Sơn xuống. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, dù áo quần tương tự vậy, nhưng vẻ lặng lẽ và trầm ngâm ở một số người, cũng dễ thấy là lạ. Thường, những người ấy ngồi yên một chỗ, nhưng cứ ở đầu hay cuối toa, trên con tàu chật ních. Con mắt nhìn thoáng, rất nhanh. Có khi đeo kính rợp. Những người vẻ tương tự thế chỉ thỉnh thoảng gặp trên tàu Lạng Sơn. Tuy nhiên, cái đó cũng bình thường. Người buôn các nơi đến Lạng Sơn và ra cửa khẩu cũng nhiều.

Bấy giờ đương vào quãng năm một nghìn chín trăm hai mươi bảy (1927). Đất nước lại trải những cơn bồng bột mới. Tiếng bom Sa Diện cứ vọng lại như hòn đá ném xuống nước, vòng sóng động xa đi mãi, càng làm cho những người thanh niên băn khoăn và thấy con đường cứu nước đương mở ra ở khắp nơi. Họ càng cảm nỗi đau mất nước và cảnh nhục nhã chịu sự đàn áp của thằng Tây và vua quan giày vò bao nhiêu thì lại càng khó thở trước cuộc sống bé nhỏ và thảm hại, đầy vướng mắc, đè nặng. Các thế hệ tuổi trẻ đều thấy tự nhiên rằng làm đòi người không thể là thế này mà còn cần có một ý nghĩa gì cao cả hơn. Trưóc hết, phải vùng lên, phải đi. Thế là họ đi. Lên Lào. Sang Xiêm. Vào Sài Gòn. Xuống Hải Phòng. Họ đi khắp nơi. Họ trốn xuống tàu biển. Họ rủ nhau tìm ra các vùng biên giới.

Các cụ già ở biên giới bây giờ còn kể chuyện cứ mỗi thời kỳ trong nước có biến cố lại có từng đợt người ra đi qua Lạng Sơn. Hồi Đông Du, thấy nhiều người già, nhiều ông đồ nho. Có những người đường trong, nói tiếng Kinh khó nghe. Rồi từ năm trước đây, quãng 1926 trở lại, có rất nhiều thanh niên, đôi khi hàng trăm người, cả đêm vượt núi qua biên giới, đi tìm cách mệnh... Hầu hết đều ăn mặc tương tự những người Lạng Sơn về xuôi sắm Tết như ta vừa gặp trên tàu, mũ cát, giày có cổ, áo lương hay áo tây vàng, ngồi cuối toa, gần cửa lên xuống và đôi mắt trầm ngâm. Đấy không phải người buôn. Cũng không phải người đi sắm Tết. Họ là người đi tìm liên lạc với cách mệnh. Bọn Pháp đi tuần, gặp, rất sợ. Chỉ hỏi một câu, chậm trả lời, là đạn đã bắn đến rồi.

Trên những chuyến tàu lên Lạng Sơn, họ tránh xuống các ga chính - thường ở đấy có lính gác và mật thám rình sẵn. Họ không vào Kỳ Lừa, Đồng Đăng hay Nà Sầm. Họ xuống lơ lửng ga xép quãng Tam Lung hay Quán Hồ. Ở đấy, đã có người của tổ chức đón rồi đưa tắt qua các làng biên giới. Trong đám thanh niên ấy cũng đông những người chỉ có tấm lòng sốt sắng trong đầu mang máng nghe phía ấy có cách mệnh, họ đi. Nếu may, đi được, không may, phải đạn chết giữa đường hoặc lại sa vào tay mật thám.

Các làng biên giới đương dần dà vào những ngày áp Tết.

Con trâu kéo mật thong thả bước quanh cái trục gỗ, cổ rướn lên, suốt ngày kẽo kẹt ngoài đầu xóm. Dù buồn hay vui thì cái Tết cho mọi người cũng cứ đương đến. Nhà chức việc, các quan trong làng làm lễ sắp ấn và xếp giấy tờ đã lâu. Ai vô phúc có việc hầu kiện lúc này phải có lễ lạt đút quan làng gấp mấy lần tiền tháng trước. Các nhà làm then trong xóm đã cúng tất niên. Bàn tay cô then trắng xanh phẩy phẩy trên mặt đàn. Tiếng đàn tính phảng phất đến tàn canh.

Câu hát Nùng tình tứ lượn trên đám khăn áo chàm mới xanh biếc.

      Hoa đẹp bướm đến đậu
      Thấy từng đôi sánh bay
      Thấy anh lẻ loi
      Thật khó nghĩ
1  

Có hai người thanh niên quyết tâm vứt hết những ràng buộc hàng ngày. Cái Tết đẹp và những cuộc chơi của tuổi mười tám cũng không giữ được chân họ. Tiếng gọi cứu nước đêm ngày nung nấu, thôi thúc, giục giã. Họ không thể ngồi yên. Họ không thể ở lại. Thụ và Chi bước chân đi tìm liên lạc với cách mệnh.

Hai người đi hào hứng như đi sắm Tết. Xúng xính quần áo tốt hệt người thanh niên đi chợ hát đối. Trong lòng náo nức - như cả một chuyến tàu đông vui chạy qua làn nắng, đương ầm ầm chuyển động. Tiếng còi kéo lên, tiếng gọi.

Thụ và Chi sang Bản Đảy tìm liên lạc.




------------------------------------------------------------------
1. Dân ca Nùng (Mã Thế Vinh dịch).
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2022, 03:47:44 pm gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 03:21:36 pm »

*
*   *


Gần Bản Đảy có trấn Lũng Vài, Lũng Vài, một cái xóm nhỏ đến nỗi mỗi khi trời mưa xong thì những mảng tường đất xám lẫn vào bóng núi, không thấy gì nữa. Thế mà Lũng Vài cũng là một cái trấn nhỏ, có chợ có đố chữ, có quán hàng, cách Bản Đảy có một thôi đường.

Tuy vậy, sự giàu nghèo của đời người cũng phân chia đến tận nơi cuối cùng ấy. Nhà nghèo thì tiều tuỵ sắp đổ. Nhà ngói hai mái là giàu, có cửa hai tầng chống cướp, có con chó đá canh bên ngõ, cao to, trẻ con thường cưỡi chơi, đã nhẵn cả cổ chó đá.

Từ Nam Quan lên Ái Khẩu, qua trấn Lũng Vài, đường lính canh, đường đi chợ, đường buôn lậu, đường phía Lạng Sơn sang. Tự nhiên, Lũng Vài thành nơi dừng chân và ở đấy cũng đủ hiệu cao lâu và sòng bạc, xô bồ cũng có, của hiếm cũng có - như kiểu hàng quán ở các thị trấn biên giới Việt Nam. Bởi vậy, không phải chỉ đến buổi nấu ăn thì trên nóc nhà mới có khói, như một làng bình thường, mà đôi khi, khói thui bò, khói quay vịt, khói nước làm lông lợn cứ cuồn cuộn cả ngày trên Lũng Vài như khói lò nung vôi. Nửa đêm, khách xa đến đập cửa, cũng có cháo gà “síu dề” và rượu hâm nóng.

Sớm hôm ấy có một đám ăn uống trong quán hàng phía tay trái ngõ. Ai cũng biết, bọn cướp sừng sỏ trong vùng hay tụ tập ở nhà hàng ấy. Thường có những người tận đâu đến, cả thị trấn không ai biết mặt. Nhưng cứ khi thấy nhà ấy có người vào ăn uống tràn lan ngày đêm thì có thể đoán đấy là đám cướp vừa đi “làm ăn” đâu về, vừa chia của, vừa chè chén, sát phạt nhau, đánh nhau, đã có lần to tiếng rồi đâm chết nhau ngay đấy.

Lúc đó, bàn rượu phía trong cùng vách đã tàn, còn lại có câu chuyện xoay quanh việc “có hai người bên Đồng Đăng mới sang Bản Đảy đến ở nhà thằng Lình”. Bát đĩa, nhà hàng đã dọn hết. Cái hũ sành đựng rượu đã dốc nốt đến không còn một giọt rồi mà những người uống không cho cất đi, cứ để cái hũ úp ngược giữa bàn. Có người ngồi gật gưỡng. Có người đứng ngoài, thỉnh thoảng nói chõ vào. Toàn chuyện giết người mà nói vang vang như nói giữa chợ Ái Khẩu. Cái đó không lạ, ở Lũng Vài thì câu chuyện và công việc của người ăn trộm, kẻ cướp, người đi buôn, người kiếm củi đều nói to nói nhỏ lẫn lộn như thế. Cuộc sống vùng biên giới nghèo khổ và dữ dội cứ thay đổi phút chốc, lúc này đi kiếm củi bán chợ, lát có người rủ đi cướp đường, cũng theo ngay.

Một người nói to:

- Cho vài cân rượu nữa.

- Đứa nào sắp dẫn quân đi kiếm Tết thì phải bỏ tiền ra.

- Xem!

- Được rồi, tao chỉ trả chỗ năm cân thêm này thôi nhé. Tao định thật thế đấy. Làm rốn chuyến nữa lấy tiền rượu Tết.

- Được.

- Nhưng nếu thằng Lình đã bóc nhẵn nhụi chúng nó rồi thì sao? Mà “thịt lợn” rồi thì phải đem “bán” chứ vứt ra đường được à? Nghĩ thêm cho kỹ, kẻo mất công toi!

- Chà chà, vứt xuống hang Háng Lò hai cái xác thì thấm vào đâu!

- Không nhầm được, xếnh xáng Hoàng biết rồi, hai thằng này là con cháu nhà quan thổ gốc bên Văn Uyên đấy. Bọn nhà giàu thì ở Lạng Sơn hay ở Long Châu cũng một giuộc như nhau, thằng Tây hay thằng Quốc dân đảng cho tiền, nó đều nuốt chửng. Bây giờ chán Tây rồi thì sang đây làm mật thám cho Quốc dân đảng rình bắt chúng mày đây. Đấy, xếnh sáng Hoàng này đi làm thầy địa lý sang Văn Uyên để mả, đã được uống rượu nhà nó rồi mà. Đằng nào cho chúng nó xuống hang Háng Lò chầu Diêm Vương cũng đáng tội thôi.

Thầy địa lý Hoàng Thỉnh Chang chỉ ngồi gật gù, không nói. Không biết ông thầy địa lý gật đầu để làm chứng việc hai thằng ấy sang đây làm đặc vụ, hay hai thằng ấy là con cháu tổng xã đoàn giàu có bên Văn Uyên, hay vì thói quen vốn có, hễ ngồi vào bàn rượu, được vài hớp rồi thì thầy địa Hoàng lại gật gưỡng cái đầu. Ông im lặng, nhấc vò rượu mới, làm một tợp.

Một người đập bốp cái chén sành xuống mặt bàn.

- Để một mình tao đi cắt tiết cho. Không có gì thì cứ hai đôi giày, hai bộ quần áo ấy tao lột ra bán cũng được.

- Chẳng bõ!

- Hai nhãi này đến ở nhà thằng Lình. Có đồng nào thì thằng Lình moi hết rồi, còn đâu phần mình. Công toi!

- Tao lấy một đôi giày đế da để đi Tết này cho ấm chân vậy.

Đến lúc ấy, lão Chang Dỉn Cò đứng ngoài mới nói vào:

- Đừng động đến người ta mà rồi chúng mình giết lẫn nhau đấy.

Thế là cả đám nhao nhao. Những cặp mắt say đỏ bèm cũng quắc lên nhìn Chang Dỉn Cò.

Chang Dỉn Cò lại nói:

- Hai người này có nhiều anh em đương ở Lũng Nghìu.

- Ai?

- Bọn nhà Mã Thành Nhân.

- Thế sao nó không sang Lũng Nghìu lại đến đây? A, mày nói say quá, láo quá!

- Nó còn đến Bản Đảy tìm lớp học cách mệnh. Ai cũng biết đấy.

Chỉ một câu ấy làm bọn cướp chưng hửng ra.

- À...

Cũng có người tiếc của còn phân vân. Nhưng không ai hỏi thêm. Câu chuyện nghe chừng thật như thế. Trông lại, thấy xếnh xáng Hoàng vẫn gật gật đầu, và trầm ngâm như lúc nãy.

Thế là việc giết người ném xuống hang Háng Lò nghe chừng nhạt. Bởi vì, ăn cướp đã không hẳn phải một nghề, mà việc này nhỡ ra lại có thể lôi thôi đến bà con quen biết và cũng như mình, bên Lũng Nghìu cũng chỉ toàn người nghèo xơ xác như ta, thế là không nên rồi.

Người chưa tin, còn cố gặng thêm:

- Sao mày biết nó có anh em ở Lũng Nghìu?

- Tao sang bán rượu nhẵn đất Thanh Loan, nhà nó, tao còn lạ! Cánh nhà Mã Thành Nhân trước ở bên Ma Mèo chạy sang đây từ ngày dân Khơ Đa, Ma Mèo giết quan phủ Tràng Định. Vợ lão Mã Thành Nhân là người Nùng ở Nhân Lý mà.

Chang Dỉn Cò biết đến gốc ngọn thế thì rành rõ quá rồi, không ai vặn thêm câu nào nữa. Cái lão chủ xướng vừa bỏ tiền mua thêm năm cân rượu, với tay lắc cái vò, lại hết nhẵn, không còn một giọt. Bực mình, lão quát một tiếng cộc lốc:

- Thôi!

Rồi đứng dậy dằn chiếc chén sành đánh cốp một cái xuống mặt bàn. Cái chén tống vỡ đôi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 03:24:21 pm »

*
*   *


Bấy giờ ở Long Châu sinh sống có một người thợ may họ Bùi.

Bùi vốn người huyện Nam Đàn ở Nghệ An. Hơn mười năm trước, năm ấy hai mươi tuổi, ở quê, Bùi có một người bạn tâm huyết, đêm ngày cùng nhau bàn chuyện cứu nước, đánh Tây. Một lần, hai người được đọc nhiều văn thơ của Phan Bội Châu cứ nhớ mãi câu “Ô hô, Côn Lôn bắc vọng, My Hà đông cố, ngã quốc giang sơn an tại tai” (Than ôi, từ núi Côn Lôn trông về bắc, từ sông Mê Kông ngó về đông, núi song nước ta ở đâu rồi). Hai người rủ nhau đi ra hải ngoại tìm Phan Bội Châu.

Hai người vượt núi lên Lào rồi sang Xiêm.

Những người Việt Nam đi tìm cách mệnh sang Xiêm phải xoay đủ mọi nghề để sinh sống: Làm thợ cày, thợ mộc xem tướng tay, đoán chiết tự, làm thuốc, kiếm củi, thợ may, thợ vườn... Có bọn người Xiêm ăn tiền mật thám theo riết. Một hôm, anh em nóng mắt, lỡ tay bắn chết một mật thám. Bị lùng dữ, bị bắt, không ở được, thế là hai người trốn đi Trung Quốc.

Xuống đến Băng Côc, lại mắc bẫy mật thám úp một lần nữa.

Chỉ còn sống sót có Bùi thoát được xuống tàu thuỷ sang Hồng Kông.

Một mình Bùi đi Hồng Kông.

Bùi đến Trung Quốc một năm sau khi Đặng Tử Mẫn đánh vào đồn Tà Lùng bên Cao Bằng bị thất bại, Bùi gặp ông Đặng.

Kiếm kế sinh nhai, Đặng đưa Bùi vào làm lính hầu trong quân đoàn Đổng Thiền Hoa ở Quảng Ghâu. Ít lâu sau lại ra theo Đặng đi vận động thổ phỉ. Nguyên do vì hồi ấy, Pháp và Đức đương đánh nhau bên châu Âu. Người Đức tìm cách làm rối loạn các thuộc địa của Pháp. Trong số những người cách mệnh Việt Nam lưu lạc ở Trung Quốc bấy giờ có Đặng Tử Mẫn. Đặng đã ra Thanh Đảo liên lạc được với người Đức, định nhờ cậy họ giúp chống Pháp. Đặng được một số tiền lớn đem về. Người đề mưu việc giúp Đặng chẳng phải tìm đâu xa, chính là quân quan trong quân đoàn của Đổng Thiền Hoa. Bọn Quốc dân đảng được cấp tiền vào Cao Bằng đánh đồn Tây. Nhưng để tránh tiếng, chúng xưng là thổ phỉ. Đặng đã đem được một toán vào úp Tà Lùng. Đánh một đêm, chưa hạ được đồn. Thấy không có tiền thêm, chúng bỏ mặc Đặng đấy, đi cả. Đặng và thủ hạ cũng phải chạy nốt. Thế là tan mộng đánh chiếm Tà Lùng. Nhưng Đặng vẫn chưa chịu. Đặng vẫn hy vọng thuê mượn được lực lượng, có phen lại làm trận nữa, có thể lại đánh vào Tà Lùng, hay vào Thất Khê, vào Đồng Đăng. Đặng đương mưu tính ráo riết.
Đặng vẫn theo đuổi, tính một trận kiểu Tà Lùng nữa. Tới khi ông Đặng bị Đàm Nhẫn, huyện trưởng Long Châu phản, lừa giết rồi chặt hai tay ông đem sang Đồng Đăng lấy thưởng của Pháp, Bùi lại một phen lang thang, khi Bách Sắc, khi Nam Ninh...

Có lần kia Bùi đương đi bán sách báo phái tả để kiếm ăn hàng ngày, nghe tin Cao Cô Nhạn, người bạn làm ở hiệu sách Nam Ninh bị Quốc dân đảng nghi là cộng sản, ngầm bắn chết, Bùi lánh đi Ngô Châu. Giữa đường gặp Trần Tú Trân trên bến, rủ đi Quảng Đông, Trần hứa bảo đảm cho Bùi vào dự lớp huấn luyện chính trị.

Vừa đến, được đi nghe đồng chí Lý Thụy 1 là người Việt Nam trong phái đoàn cố vấn Liên Xô ra dịch tiếng Nga cho cố vấn Bô-rô-đin nói chuyện trong cuộc mít tinh quần chúng ở chợ Quảng Châu. Rồi đồng chí Lý Thuỵ đến lớp giảng. Hai ngày nói về cách mệnh Việt Nam và công tác bí mật trong tổ chức cách mệnh.

Từ ngày ra đi, đến đây Bùi mới thấy thật cách mệnh là thế nào. Khi còn ở nhà, nghĩ rằng ra đi gặp Phan Bội Châu, được vào trường cách mệnh ăn học đến thành tài rồi kéo quân về đánh Tây. Đến khi bỏ Xiêm sang Trung Quốc, gặp những người cũ của Tôn Thất Thuyết, nhiều người đã cạn trí lớn, chỉ đi luồn cúi quan quân Quốc dân đảng kiếm miếng ăn như Nguyễn Hải Thần lại bảo rằng thế là đợi thời. Bùi cũng yên trí thế. Đến khi gặp Đặng Tử Mẫn, Đặng quát chửi bọn Hải Thần là giá áo túi cơm, Bùi mới nhận ra. Từ đấy, Bùi chuyên tập quân sự và theo Đặng đi mộ người.

Nhưng đến đây thì Bùi đã hiểu rằng cái nghĩa khí của ông Đặng rốt cuộc, cũng đến uổng mạng và chỉ còn lại một tiếng kêu trời. Đồng chí Lý Thuỵ nói rằng cách mệnh là việc của cả nước, phải vận động cả nước đứng lên làm cách mệnh, cả nước đi lên đường cách mệnh, người cách mệnh lập hội, đi mở đường cho cả nước là như thế. Cách mệnh chẳng những có mục đích trước sau rõ ràng, lại phải có phương pháp cụ thể, mỗi người mỗi việc, từng tổ, từng chi hội, cả Đồng chí hội rồi cả nước cùng tiến lên.

Sau đấy, Bùi được anh em cho về Long Châu, giữ mối liên lạc cửa ngõ ra vào trong nước, đằng Lạng Sơn và Cao Bằng. Thuê được cái máy khâu làm cách để sống. Đến khi tình hình trên Quảng Đông gặp khó khăn, không mở được lớp huấn luyện chính trị trên ấy, đồng chí Lương Việt 2 xuống liên lạc với Bùi và bắt đầu tổ chức lớp huấn luyện của thanh niên Cách mệnh đồng chí hội ở Bản Đảy.

Hai lớp huấn luyện chính trị ở Bản Đảy đã vang tiếng mạnh mẽ vào trong nước.




-----------------------------------------------------------------
1. Bí danh của Bác Hồ lúc bấy giờ.
2. Bí danh của đồng chí Hồ Tùng Mậu lúc bấy giờ
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2022, 03:52:10 pm gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 03:30:46 pm »

*
*   *

Hôm ấy, có người ở Quảng Châu về.

Bùi đưa Quang từ Long Châu xuống Bó Sa để đón liên lạc của cách mệnh trong nước vừa mới ra đến đấy.

Cái Tết rầu rĩ và bộn rộn đến Long Châu, cũng như cái Tết đến bất cứ nơi nào với người ta, ai nấy đều tất tưởi mà không biết đương vội cái gì.

Quang mặc áo bông cũ, đeo túi, lầm lũi vừa đi vừa tính, như người đi khất nợ hay người làm nghề cuối năm đòi nợ thuê. Bùi cầm cái thước, lụng thụng trong cái áo bông dài. Rõ anh thợ may đói việc đương đảo qua các xóm nhận hàng Tết. Không ai biết họ đương làm việc của cách mệnh.

Bùi tạt vào Bản Đảy tìm o Mai. Cẩn thận, Bùi không đến nhà. Thằng Lình, chồng o Mai, hồi này có ý khác. Thấy Bùi, o Mai mừng quá. Vốn tính hấp tấp, Mai nói ngay:

- Nghe nói có lớp huấn luyện, hai người này ở trong nước sang.

- Có giới thiệu không?

- Không.

- O biết đấy, lớp huấn luyện xong rồi, mà không biết có còn mở ở đây nữa không, ở đây không còn ai đâu.

- Thằng Lình dỗ người ta bỏ tiền ra, nó sẽ đưa đi Long Châu tìm cách mệnh. Nhưng nó tiêu hết tiền rồi bây giờ muốn xui bọn cướp ở Lũng Vài vào giết đi. Tôi không biết làm thế nào...

Bùi chau mày, hỏi lại:

- Hai người này ở đâu ra?

- Lạng Sơn.

- Bảo thằng Lình không được làm thế mà trong nước tưởng mình cũng là kẻ cướp thôi.

Mai nghe vậy, hoảng hốt như việc giết người sắp xảy đến nơi mình cũng phạm tội gây ra. Mai lật đật về nhà. Lình vừa đi vắng đâu. Mai bảo lại với Thụ: người của ta ở Long Châu mới về nói không có lớp huấn luyện ở Bản Đảy nữa đâu, phải về Lạng Sơn đợi bao giờ có lớp ở đâu, tôi nhắn hãy sang.

Chi hỏi Thụ:

- Bây giờ thế nào?

Thụ nói:

- Không về!

Rồi hỏi Mai:

- Cái người của ta ở Long Châu đến có còn ở Bó Sa không?

Lại hỏi:

- Có nghi ngờ chúng tôi là mật thám không?

Mai lặng im, không trả lời.

Thụ và Chi xuống ngay Bó Sa.

Hôm ấy, tình cờ làm sao mà còn mấy người nữa ở trong nước ra tìm cách mệnh cũng đến Bó Sa.

Có hai người đến Bó Sa trước cả anh em Thụ. Thoạt trông, biết ngay, cả vùng không ai giống thế. Họ đánh bộ tây vàng, như bọn cai lục lộ bên cầu Tà Lài vẫn sang các làng bên Trung Quốc lùng kiếm mua gà, mua lợn, đong mật về bán lại cho phu. Một người béo tốt, dáng ông chủ, nói lơ lớ tiếng Quảng Đông. Hai người này gặp ai cũng hỏi thăm: “Có thấy các ông cách mệnh Việt Nam không? Có thấy các ông cách mệnh Việt Nam ở đây không?”, sốt sắng như hỏi đường đi chợ và nhiều người được hỏi cứ ngơ ngác chẳng ai hiểu ra sao.

Lúc ấy Mai cũng về tới Bản Đảy đã lâu. Có dễ đã gần chập tối.

Có người đến bảo Bùi: thêm hai người đi tìm cách mệnh đến đây. Lại hai người nào nữa? Bùi còn đương băn khoăn về Thụ và Chi mà Mai mới nói. Bùi chưa kịp hỏi lại người mách tin thì hai người ấy đã bước vào nhà. Có thể đoán những người này lương thiện. Trên vẻ mặt như thành thạo kia, đượm một nét háo hức, sôi nổi lạ. Vừa thấy Bùi và Quang - dễ thường họ đã được người trong xóm bí mật bảo cứ đến gặp người thợ may ấy mà tìm cách mệnh thì thấy, họ đã sôi nổi nói trưóc:

- Tôi tên là Sơn, anh này là Tư. Chúng tôi đều ở Hà Nội, làm nghề thợ máy. Mấy năm nay, người Nam ra Bắc, người Bắc vào Nam hùa nhau đi tìm cách đánh Tây, chỗ nào cũng thấy, lại nghe có ông Phạm Hồng Thái lặn lội sang tận bên Quảng Châu nổ bom vào thằng Toàn quyền Đông Dương đến đấy. Nóng đít lắm, không ngồi một chỗ được nữa, các anh ạ. Chúng tôi nghĩ kỹ rồi, nhất quyết bỏ hết. Bao giờ lấy được đất nước, bấy giờ có làm lại thì làm lại cả một thế, chúng tôi sang đây tìm cách mệnh, bây giờ phải đi làm cách mệnh đã.

Bùi nói nhạt nhẽo:

- Đây cũng như bên nhà thôi, mật thám như rươi, biết thế nào...

Tư nói:

- Chúng tôi thề không phải mật thám đâu.

Sơn nói:

- Chúng tôi bỏ nhà cửa, bỏ hết rồi...

- Anh là thợ máy à?

- Hồng Cơ, sửa chữa máy ở đường Khâm Thiên là nhà tôi.

- Biết thế, nhưng...

- À chúng tôi còn có cái này để làm tin. Con nhà thợ, đi đâu cũng không sợ đói.

Hai người lục trong túi áo tây vàng, mỗi người có một cái kìm đầu nhọn bẻ dây thép, cái búa nhỏ, lại cả chiếc ê-ke... Bùi bật cười, cũng cảm thấy sự thật thà của họ. Nhưng Bùi vẫn nói lửng:

- Để thong thả tôi hỏi thăm xem!

Lúc ấy đã chạng vạng tối. Bấy giờ Thụ và Chi mới tìm được đến nhà Bùi ở. Tuy chưa gặp, nhưng đã nghe Mai nói về hai thanh niên áo dài, chít khăn, giày tây như đi chợ Tết ở Kỳ Lừa sang. Bùi hấp tấp bảo ngay Thụ và Chi:

- Tôi đã bảo các anh cứ về mà.

Rồi, không biết làm thế nào, đành mặc hai bọn bốn người không quen biết nhau cứ ngơ ngác đứng lại đây, Bùi và Quang đến nhà Thỉnh Chân.

Xuân từ Hà Nội lên đã đợi họ ở nhà Thỉnh Chân được hơn một chợ.

Thỉnh Chân vắng nhà. Thỉnh Chân đem lợn sang Bó Cục bán đã ba hôm chưa về. Nhưng Xuân vẫn ở, đã quen như thế. Thỉnh Chân là người có bụng tốt. Hồi có cách mệnh Việt Nam về Bản Đảy mở huấn luyện, Thỉnh Chân đem lợn lên bán. Đến nơi, thấy bảo “lớp này của cách mệnh Việt Nam học để đánh thằng Tây”, thế là Thỉnh Chân cho cả con lợn, trả tiền nhất định không cầm.

Từ đấy, biết cách mệnh Việt Nam có ai về qua Bó Sa, ở Long Châu tới hay bên Đồng Đăng sang, nếu gặp mà biết, thế nào cũng kéo về cho ăn, cho nghỉ lại, như người nhà. Và mỗi khi về, Bùi vẫn đến đấy.

Bốn người còn đứng trong nhà đầu xóm. Tai Thụ vẫn vẳng câu: “Cứ về mà...” vừa buồn vừa khó chịu. Thụ trông thấy Sơn và Tư, tuy không quen, nhưng hầu như có một sự thông cảm nào đó đã khiến những người mới gặp nhau thấy họ đến đây cùng một việc. Sự vui mừng ấy làm cho Thụ nhãng dần cái câu Bùi vừa đay đi đay lại: “Cứ về mà...”.

Thụ bảo Sơn, vui vẻ, như quen từ lâu:

- Cứ ở tạm đây nhé. Mai chúng tớ lại gặp.

Rồi bước ra.

Trong xóm, tối mịt. Gió thổi hun hút từ khe núi lại, phút chốc, cái xóm Bó Sa chìm vào hơi buốt đêm cuối năm. Thụ ôm vai Chi, bảo: “Chúng ta đừng về. Hãy nghĩ hết đêm nay đã!”. Rồi Thụ lại nói, như tự gỡ được cái bối rối cho hai người:

“Tao biết ở Nhân Lý có bà lấy chồng người vùng này, ngày trước, đến Tết hay về chơi quê ngoại”. Nhớ ra và nói thế nhưng thực cũng chưa biết gỡ thế nào.

Đêm ấy, hai người thợ Hà Nội lên cũng ngủ lại Bó Sa.

Xóm Bó Sa này toàn người Nùng ở rải dọc theo chân núi.

Đột nhiên đến nửa đêm, lính Quốc dân đảng trên Nam Quan xuống vây. Thì ra có đứa xấu bụng đi báo: nhiều người lạ về Bó Sa. Bọn quan quân tưởng có những tay buôn hàng Tết về qua. Chúng định vét một mẻ cuối năm lấy tiền của ăn Tết.

Lính xục xạo khám. Từng nhà, chúng ập vào. Chỗ tối, lưỡi lê xỉa trước. Ai không kịp kêu và chạy ra thì bị đâm vào người như thế. Một lúc, chúng bắt được tất cả hai anh thợ Hà Nội, cả Thụ và Chi, cả người liên lạc ở Quảng Châu xuống, người bên Lạng Sơn sang và Bùi. Họ bị trói, giắt thành một dây, áp tải lên lô cốt ngay từ lúc gà chưa gáy tan canh.

Đến sáng, Bùi đàng hoàng đưa giấy cho quan coi ại. Bùi có giấy thông hành của huyện trưởng Long Châu cấp cho được đi lại trong huyện. Không làm gì được, viên quan coi ải Nam Quan gọi Bùi vào, hạch:

- Sao mày không trình giấy thông hành từ đêm qua?

Bùi cãi:

- Tại nó trói tôi, không cho nói.

- Mày gọi cả họ hàng nhà mày bên Việt Nam sang cướp bên Tàu về ăn Tết à? Có sợ tao giải chúng mày về nộp cho Tây đồn Đồng Đăng không?

Bùi nói:

- Quan biết tôi đã lâu làm thợ may ở Long Châu rồi, quan còn hỏi trêu! Đấy là anh em sang rủ tôi về ăn Tết. Nhân tiện, chúng nó đi chợ Hạ Đống xem có kiếm được gì về cúng ông vải không. Năm nay, bên Lạng Sơn đói to, nhiều người phải chạy đói sang tận đây, các quan rõ đấy.

- Nói dối cho khéo vào! Chúng mày đi tìm cánh Đặng Tử Mẫn, tao biết.

- Không phải.

- Tao hỏi thế, chứ bao giờ có người cách mệnh Việt Nam như Đặng Tử Mẫn lại thuê quân Long Châu vào Cao Bằng đánh Tà Lùng thì tao cũng đi đấy.

- Tôi không biết chuyện ấy.

- Bây giờ thì tao tha. Nhưng phải đền công bọn lính chúng nó đi mất một đêm. Một dinh 1 khó nhọc suốt đêm đấy.

Cuộc mặc cả cò kè trả ơn cho bọn bắt mình, cuối cùng ngã giá mất năm mươi đồng. Cũng còn may, vì bọn lính đã khám tất cả, không moi được đồng nào, chúng nó biết đây chỉ là những người bơ vơ nên mới lấy công rẻ thế. Tuy vậy, ít nhất, quan coi ải cũng thiến mất một nửa số tiền ấy. Hay quan chén cả, không biết chừng. Cái đó tuỳ ý quan.

Được tha về, Bùi đem Sơn và Tư đến nhà Thỉnh Chân. Bùi dặn:

- Ở lại đây ít ngày nữa.

Bùi qua Bản Đảy, bảo Mai:

- O về Hà Nội xem thật có hiệu Hồng Cơ ở đường Khâm Thiên...

Hôm sau.

Hôm sau, Mai gánh hai túi chàm đựng măng khô, xương khỉ lẫn xương dê, xương bò, sang đợi tàu Nà Sầm xuôi Hà Nội. Như một ngưòi Nùng biên giới vốn thạo xuôi ngược buôn của rừng.

Lúc ấy, ra khỏi nhà giam ở Nam Quan xuống, Thụ và Chi đã nhất quyết là không về, dù có đi đến tận đâu để tìm liên lạc được với cách mệnh thì Thụ và Chi cũng đi, nhưng lúc ấy còn lưỡng lự, không biết nên tạt vào Bó Sa hay lại trở về Bản Đảy, Chi hỏi Thụ:

- Đi đâu bây giờ?

- Tao nhớ ra rồi. Họ Mã ở Lũng Nghìu có quê ngoại ở Nhân Lý. Lão Chang Dỉn Cò bảo thế.

Chi cười:

- Thế thì đi!

- Về Lũng Vài hỏi đường Chang Dỉn Cò đã.

- Đường dây đi Lũng Nghìu thì khó gì.

- Chị Mai dặn đi đâu phải cẩn thận.

- Ừ nhỉ, nó mà đưa đi càng hay.

Hai người vội vã bước.

Bỗng có tiếng gọi từ phía Bản Đảy:

- Hãy thong thả...

Quay lại, thấy Bùi lật đật chạy theo. Hai người dừng lại. Nhờ có tiền nộp chuộc người của Bùi mà được thả cả, nên Chi vui vẻ hẳn lên:

- Gì thế? Có đi được không?

Bùi không hiểu câu nói của Chi, hỏi lại:

- Đi đâu? Về Lạng Sơn à?

Rồi Bùi hấp tấp nói thêm:

- Không, không về được, về Lạng Sơn bây giờ, đồn Đồng Đăng nó gô cổ lại đấy.

Chi chép miệng, không tin.

- Làm gì, thằng Tây có mắt trên đỉnh đầu đâu mà nó giỏi thế!

- Việc bắt mình đêm qua thế nào lính Tàu cũng báo ngay cho thằng quan hai ở Đồng Đăng biết cả mấy người, mấy người rồi. Nó bán tin lấy món tiền. Xưa nay chúng nó vẫn thế mà.

Bấy giờ Chi mới thốt:

- À... một tiếng. Rồi cười nhoẻn, có vẻ thích thú và bí mật.

Thụ cũng cười, nói:

- Nói thế chứ chúng tôi không về mà.

- Thế các anh đi đâu?

- Chúng tôi ở đây đợi lớp huấn luyện. Có được không?

Bùi nói:

- Nhưng đừng đến ở nhà thằng Lình nữa.

- Chúng tôi xuống Lũng Nghìu đây.

Rồi Thụ cười nhạt:

- Nó lừa sạch tiền mình rồi, nó đương tính đuổi mình hay muốn giết mình thì còn đến nhà nó để xin lấy cái chết à!

Bùi ngạc nhiên:

- Sao các anh biết?

- Trông con mắt đứa giết người thì ai cũng biết thôi mà.

- Vậy xuống Lũng Nghìu nhé.

- Chúng tôi đợi đấy đấy.

- Ừ.

Lát sau, hai người đã đi được một quãng, Chi hỏi Thụ:

- Lúc nãy, Thụ nói thật đấy à?

- Thật.

- Thằng Lình muốn giết chúng mình thật à?

- Chị Mai bảo thế. Chị Mai bảo ngày trước thằng Lình còn khá bây giờ thằng Lình thối nát rồi.

Ngay tức khắc, Chi tức cồn trong người:

- Thế thì ta quay lại Bản Đảy giết nó trước.
Thụ can:
- Đừng, Chi ạ. Chúng ta đương đi tìm cách mệnh...

Chi lại băn khoăn thêm:

- Chang Dỉn Cò thế nào?

- Không, Chang Dỉn Cò là người tốt. Lão ta đã mách mình cũng như chị Mai nói. Lão còn bảo có muốn xuống Lũng Nghìu tìm họ Mã thì lão đưa.

Thụ đứng dừng:

- À nhưng bây giờ củng phải trở lại Bản Đảy, nói để chị Mai biết chúng mình về Lũng Nghìu. Vậy thì Chi đi Lũng Vài, đến nhà Chang Dỉn Cò trước, đợi mình ở đấy, không thấy lão Chang thì ra đợi mình ở đầu xóm.

Bây giờ, Chi lại cẩn thận:

- Không nên đi một mình.

- Chỉ vài bước đã đến Bản Đảy rồi mà.

Thụ xuống Bản Đảy.

Mai đương sửa soạn túi và hàng để xuôi Hà Nội. Thấy Thụ về, Mai vồn vã:

- Từ sáng, mong hai cậu về quá. Cậu Chi đâu? Mai tôi có việc phải sang Nà Sầm ít ngày. Hai cậu ở nhà, ai rủ đi đâu đừng đi. Tối nằm thì cứ liệu cậu ngủ cậu thức đừng ngủ cả. Tôi đã doạ lão Lình rồi, không lo nó, nhưng ở đây còn nhiều người không tốt. Các cậu nhớ cẩn thận, đừng ra cửa, nhớ chưa.

Mai cứ dặn đi dặn lại.

Cái hôm mới bỡ ngỡ đến Bản Đảy hỏi thăm “lớp Cách mệnh”, Mai gặp hai người ở đầu xóm đã đưa ngay về nhà, cho ở. Thụ nghe giọng nói nằng nặng, đoán chị Mai không phải người Thổ, ngưòi Nùng, cũng không phải người Kinh hay người Hán. Vào nhà, càng khó hiểu thêm. Chồng chị, một lão già Nùng nghiện, người héo quắt như cái giẻ lau bàn đèn chạc năm mươi, hai vai bẹp xo lên gần chấm tai. Người mẹ chồng gầy xác như một ống lau dựng đứng, có hai con mắt to, tợn, thao láo. Suốt ngày bà lão ngồi lắc lư quay người nhìn theo nàng dâu, miệng lầm bầm, không biết bà lão nói hay chửi, hay tụng niệm gì. Chị Mai có một con gái nhỏ tên là cái Oi, cả ngày nó nhớn nhác sợ, cái gì cũng sợ, như mới ở đâu đến, muốn khóc mà không dám, lúc nào cũng bíu theo đuôi áo mẹ. Nói với cái Oi, chị Mai nói tiếng Kinh trọ trẹ. Nghe bơ vơ như hai mẹ con ở giữa mọi người dưng, thật thương.

Bấy giờ Thụ mới rõ chị là người Kinh - nhưng chắc chị ở tỉnh xa, không giống tiếng ngưòi Kinh ở Lạng Sơn ta.

Một hôm, nhà vắng, chị Mai kể chuyện đời chị.

Mai người Chợ Thượng trong Hà Tĩnh. Ngày trước, chồng Mai ngồi dạy chữ nho trong làng, tham gia “Thanh niên” 2, phải Tây bắt rồi chết trong tù. Ba mẹ con Mai được các đồng chí giúp đỡ, đem ra Hà Nội. Năm ấy, đoàn thể cần ngưòi làm liên lạc trên biên giới, Mai tình nguyện đi. Một con trai ở lại, các đồng chí ở Hà Nội nuôi.

Mai và con gái, cái Oi đấy, hai mẹ con lên Lạng Sơn rồi được đưa bí mật sang biên giới.

Được ít lâu thì quen, rồi ăn mặc Nùng, về ở Bản Đảy tạm ở nhờ nhà Lình Kín Piao. Kín Piao là người hiểu biết và lúc ấy còn tốt. Trạm liên lạc đặt ở Bản Đảy. Chị làm giao thông, khi Long Châu, khi Hà Nội.

Năm sau, chị Mai lấy Lình Kín Piao. Lình goá vợ đã lâu. Lình đối với cách mệnh Việt Nam lúc có lớp huấn luyện ở Bản Đảy có giúp đỡ. Nhưng phải cái nghiện nặng, lúc túng hay làm càn. Lình hiếp chị. Khi đã lỡ, chị đành phải lấy.

Lình vẫn hứa đưa Thụ đi Long Châu tìm cách mệnh. Mai biết Lình nói thế cho qua chuyện. Tiền đi của Thụ bỏ ra đã tiêu tan vào khói thuốc, vào đố chữ ngoài trấn Lũng Vài rồi còn đâu nữa!

Vì vậy, Mai đi Hà Nội cứ áy náy, không đành. Mai vẫn lo, lại nói:

- Hai cậu ở nhà trông cái Oi cho tôi, vài hôm tôi về. Đừng ra cửa. Còn gạo đấy, lúc nào hết thì giã vài cối...

Thấy chị Mai săn sóc, lo lắng thế, Thụ nói hơi rụt rè:

- Chị ạ, chúng tôi đi...

- Cậu đi đâu? Lộ rồi, về Lạng Sơn bây giờ thì Tây nó bắt đấy.

- Chúng tôi không về.

- Thế cậu định đi đâu?

- Tôi có ngưòi làng ở Lũng Nghìu.

- Ở Lũng Nghìu à?

Mai thở dài. Thụ khẩn khoản nói:

- Chị đi vắng thì chúng em không ở được. Chị cũng biết thế rồi. Em thương cái Oi lắm. Mà đành phải thế, chị ạ.

Mai biết tính Thụ cương quyết, không giữ được. Vả lại Mai cũng chợt ngại. Biết đâu, mình đi, ở nhà xảy ra việc không hay, thì khốn. Lình hay giáo giở, lại bọn lính Tàu xách nhiễu, hay lá mặt lá trái, đêm ngày nhua nhúa như ong... Mai nói:

- Nhưng mà các cậu đừng sổng sểnh đi ra đường thế kia. Không được đâu. Lần này mà nó bắt thì nó đem nộp đồn Đồng Đăng lấy thưởng to hơn đấy. Để nhờ Dỉn Cò đưa đi Lũng Nghìu cho.

Thụ nói:

- Chi xuống nhà Dỉn Cò rồi, chị ạ.

Nhưng Chang Dỉn Cò đi vắng.

Và Chi không ra ngoài mà cứ ngồi đợi trong nhà, cho tới khi Thụ đến thì hai người cùng đi.

Thụ và Chi qua trấn Lũng Vài. Xếnh xáng Hoàng đương ngồi trên ghế đẩu, trầm ngâm ngậm cái điếu thuốc lá bào, trước cửa quán bán rượu, mắt ngước nhìn người qua lại. Lão Hoàng gọi Thụ, bảo:

- Này cậu kia, lão đang thèm sang Nhân Lý uống rượu cuối năm, lúc nào về nhớ gọi lão đi cùng với.

Thụ lắc đầu:

- Không.

Lão Hoàng, hau háu tò mò nhìn, lắc mạnh cái tàn thuốc rồi hỏi Thụ:

- Thế các cậu định ăn Tết bên này à?

Thụ hỏi:

- Xếnh xáng à, đường xuống Lũng Nghìu đằng này...

- Đi Lũng Nghìu đấy ư?

- Phải.

- Vào đây cái đã. Còn sớm chán.

Thụ và Chi miễn cưỡng vào quán rượu. Tình cờ, họ ngồi đúng chỗ cái bàn mà hôm nọ bọn kẻ cướp uống rượu rồi mưu chuyện giết hai người.
Lão Hoàng hỏi:

- Có tiền không?

Thụ nói:

- Không.

Lão Hoàng cười:

- Lão không hỏi đểu, lão không moi ruột các cậu như thằng Lình đâu, các cậu ạ. Lão chỉ hỏi cậu nào có tiền thì mua đãi lão một cân rượu. Sáng chưa được ngụm rượu, sao rét thế! Ấm bụng rồi lão đưa hai cậu đi Lũng Nghìu.

Thụ nói:

- Có xôi gà, cháo gà này, ngon lắm.

Lão Hoàng gật gù:

- Ừ, cháo gà, xôi gà, xôi lạp xường nữa. Mua cho lão đi. Này hôm nọ chúng nó định làm thịt hai cậu. Để lão mất đường sang Nhân Lý uống rượu à! Lão biết, lão phải hết lời can. Các cậu có biết không, ở đây đứa nào cũng phải nể lão. Lão quất, nó thôi ngay.

Chi đứng dậy, có vẻ bực. Còn đương hầm hè ngứa ngáy chân tay từ lúc định giết thằng Lình đây. Bộ thằng già này mà can ai. Nhưng Thụ đã đưa mắt cho Chi và nhẹ nhàng nói:

- Một cân rượu nhé. Uống đã rồi lấy cháo sau, cho nóng, xếnh xáng Hoàng! À mà cháo hay xôi, xôi nóng...

Thụ đến quầy hàng. Bụng nghĩ chỉ còn mỗi một cái dây thắt lưng có thể bán hay đổi rượu được. Thụ rút trong áo ra cái thắt lưng da đeo dạ cá. Thắt lưng mói còn thơm mùi da bò thuộc. Thụ giơ lên cười, gạ chủ quán:

- Còn mới đây. Xem lại thì xem.




-----------------------------------------------------------------
(1) Quân số của Quốc dân Đảng Trung Quốc, một dinh bằng một trung đội
(2) Tên gọi tắt Thanh niên Cách mệnh Đồng chí hội.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2022, 03:55:21 pm gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 04:05:51 pm »

II


Anh em nhà họ Mã dưới Lũng Nghìu trước kia ở bên Ma Mèo.

Năm một nghìn chín trăm mười bảy (1917), sau khi Đặng Tử Mẫn thuê người đánh vào đồn Tà Lùng bên Cao Bằng được ít lâu, việc không thành, nhưng còn lại câu chuyện đồn thổi, thế là người ta thấy đánh thằng Tây, thằng quan cũng có thể được và đã có người đánh thật rồi. Một hôm, tri phủ Cung Khắc Đản ở Thất Khê có việc quan, đi xe ngựa ra Đồng Đăng. Đến chỗ qua cầu Tà Lài, sang bên bờ suối Lũng Lừ gặp một đám người các làng Tà Lài, Ma Mèo, Cốc Nam, Khơ Đa vừa đi phu làm đường Bình Nghi về đến đấy. Đang cáu giận gì không biết, họ xô ra - cứ xẻng cuốc ấy giơ lên, đánh chết cả quan phủ và con ngựa. Chỉ có người xà ích chạy thoát. Sau đấy, Tây ở Lạng Sơn đem lính về triệt hạ trụi cả bốn làng. Nhiều nhà trốn, vượt biên giới. Nhà Mã Thành Nhân phải trôi giạt sang Lũng Nghìu là từ cái tích ấy.

Đến bây giờ, đã ngoài mười năm.

Xóm Lũng Nghìu chen chúc lẫn với đá. Nhưng người ở núi bảo ở gần đá như thế đỡ bị gió cuốn đổ nhà và khi có cướp hay có quan quân đến, người ta dễ gọi nhau trốn lên hang.

Trông xa, chỉ thấy Lũng Nghìu lô nhô đá với đá, lạnh ngắt. Cái nhà chẳng khác con tắc kè, hệt màu đá, bám vào đá. Đến gần mới nhìn ra cái mái tranh xám đen ngất nghểu trên mảnh tường trình vàng loang lổ. Suốt ngày người đi đâu hết, không nhà nào có khói. Chỉ đến chặp tối, trong xóm mối loé ánh lửa.

Người Lũng Nghìu quanh năm chỉ biết sống bằng của trời đất. Mùa xuân nghe chim gọi vịt kêu thì sắp sẵn giỏ đợi mưa mới xuống, ra chân núi bắt ếch chơi xuân đi tìm đôi. Rồi tháng sáu, tháng tám lúc thì móc con tắc kè, lúc thì đào con tê tê, rồi bắt con thỏ rừng, con trăn gió. Vì miếng ăn nên khéo, chẳng con vật nào bị người trông thấy mà nó chạy thoát nổi. Mùa nắng đi cắt tranh. Còn cả năm thì đi hái củi kiếm cái ăn hàng ngày. Bó tranh và gánh củi, con tắc kè, con thỏ đem xuống bán chợ Đồng Đăng, chợ Ái Khẩu. Bán xong lại lặn lội vào khe đá.

Người già hay than thở: ngày xưa, cái gì cũng khác, cũng nhiều, cũng đẹp hơn bây giờ. Ngày xưa, cả đến con tắc kè cũng còn khờ dại cứ gọi nhau đến ngay đầu nhà cho mà bắt, không phải leo khó nhọc lên đỉnh núi tìm hang như bây giờ. Cỏ tranh thì đứng cửa đã ngập mắt, đi một bước cũng quơ được hàng gánh. Chẳng biết xưa có thế không, nhưng quả là bây giờ đào nổi con tê tê đem bán được đồng bạc cũng đứt hơi. Một ngày chỉ hái xong bó củi đã tối rồi. Các cụ nói ngày xửa ngày xưa nào đấy vui hơn, sung sướng hơn còn đời người ta thì cứ mỗi năm mỗi khổ thêm. Nhưng có lẽ những người khổ bây giờ, đến ngày sau cũng lại nói rằng trước kia sướng hơn bây giờ nhiều. Đời người nghèo cứ lần hồi, mòn mỏi và khao khát thế.

Tối mịt, Mã Hợp mới về. Chưa thấy người, đã nghe bó củi buông phịch đầu nhà, rồi cửa phên mở, có gió lùa vào tiếng thở phì phò.

Mã Hợp thấy bên đống lửa bếp có hai người lạ. Mẹ quay ra, nói:

- Anh em bên Nhân Lý sang chơi.

Rồi mẹ cúi xuống, cời lửa. Mã Hợp đoán mẹ mới nói thế đã lại ứa nước mắt. Vì Mã Hợp biết khi nhà có khách mà vẫn chỉ trơ chỏng cái nồi cơm như mọi ngày thì bao giờ mẹ cũng khóc.

Thụ không biết Mã Hợp. Nhưng Mã Hợp nhận ra Thụ. Những năm trước, có lần Tết được về quê mẹ, Mã Hợp đã gặp Thụ. Mã Hợp nhớ ra Thụ chỉ vì nhớ cái mũ đẹp năm ấy. Cái mũ lợp vải bóng đỏ tía lót xanh dễ chừng phải mua tận Hà Nội. Cả đám trẻ chơi ở Đon Đình hôm ấy chỉ mình Thụ có. Còn Mã Hợp thì từ bé mới trông thấy cái mũ đẹp nên nhớ mãi.

Nhưng không bao giờ Mã Hợp tưởng rằng lại có ngày Thụ đến nhà mình. Những năm sau này, bố mẹ càng già càng nghèo, càng chui xuống tận cuối cùng cái nghèo. Rồi Tết tháng bảy, Tết tháng mười, Tết nào cũng không đủ quần áo, chẳng về chơi được quê ngoại nữa. Rồi chợt có những lúc khách quê mình tới, nhà không có nổi nắm gạo bỏ thêm vào nồi, mẹ xấu hổ, tủi thân, nước mắt sa xuống, phải quay mặt đi.

Mã Hợp ngồi phịch, giơ tay cởi cái áo tơi, rũ bụi nước ra. Ngoài kia, sương rơi xuống lưng tàu lá chuối dại, nghe lộp bộp nặng hạt như mưa. Đêm nay sương nhiều lại buốt đây. Mã Hợp ném cái áo tơi vào góc nhà. Rồi xoay người lại, cái lưng nó càng gù to, cúi xuống thổi bếp phù phù, đống lửa rực hẳn, rồi cháy đùng đùng, trong nhà rực rỡ, vui hẳn lên. Mã Hợp nói to:

- Có anh em bên quê sang chơi, mẹ được vui rồi. Các anh về đến nhà mình đã lâu chưa?

Mã Hợp trật khăn, cào tay lên cái đầu trọc, kêu ồi ồi như còn đương đứng giữa chợ, lại nói:

- Chợ đông người bán quá, củi rẻ quá.

Chi hỏi:

- Ế củi phải mang về đấy à?

- Không, đấy là vác sẵn mấy bó ngoài rừng về để đấy mai tiện đem chợ sớm.

Mẹ hỏi nhỏ:

- Bán được củi không?

- Có cái thết anh em rồi đây, mẹ ạ.

Mã Hợp cởi trong lưng ra, đặt xuống đất một cái túi chàm to đựng ngô xay đã ngâm sẵn, lúc nãy vừa mua được dưới chợ của người Mán. Cái bao ngô được bỏ ra rồi mới biết Mã Hợp cao lớn, vai rộng chứ không phải Mã Hợp gù. Mã Hợp có vẻ khoái chí, nhìn Thụ, lại nhìn Chi, cười khì khì. Đã quên hết cái khó nhọc rét buốt lúc nãy vừa ở ngoài đường vào.

Thụ hỏi:

- Bán củi sắm Tết chưa?

Mã Hợp cười to:

- Bán củi thì sắm Tết thế nào được, còn mùa này thì con tắc kè đã vào ngủ kỹ trong khe đá rồi, nó chẳng thèm ra cho mình kiếm tiền sắm Tết được đâu.

Câu chuyện buồn cứ vui như pháo nổ.

Đến tận khuya, mới được nồi cháo ngô. Mã Hợp giục:

- Ăn hết đi, mai lại có.

- Mai lấy đâu?

- Mình mất củi thì được người ta cho tiền thôi.

- Được rồi...

Im một lát rồi Thụ trỏ Chi, nói:

- Được rồi, mai hai chúng mình cùng đi lấy củi với Mã Hợp.

Mã Hợp trố mắt.

Thụ nói:

- Lúc chặp tối, mình đã nói với bố mẹ rằng chúng mình lần này sang đây vì thời thế đi tìm đường chứ không phải đi chơi, cũng không phải đi buôn. Chúng mình sẽ ở đây ít lâu, ở đây cũng như ở nhà, anh em ta giúp nhau làm, kiếm tiền.

Mã Hợp cười to:

- Mỗi ngày cả nhà mình cùng đi thì kiếm được bốn bó củi. Bán hết bốn bó ấy đã khó lắm. Có hôm nào bán nổi bốn bó củi đâu. Chợ Đồng Đăng hay chợ Nam Quan cũng vậy, bây giờ ở đâu thì người bán củi cũng đông hơn người mua củi. Có lấy củi về nhiều cũng để đấy cho mối ăn thôi, chả nên đâu.

Thụ nhìn Chi, thoáng bối rối. Thụ hỏi sang chuyện khác:

- Tết này thế nào?

- Tết này cũng thế thôi, ở đâu cũng kiêng chợ bốn ngày Tết, không đi bán củi được, thế là nhịn đấy.

- Hôm nay ngày bao nhiêu rồi nhỉ?

- Còn buổi chợ Ải Khẩu ngày mai nữa.

- Còn ngày chợ mai nữa đã là Tết rồi à?

Mã Hợp thẫn thờ nói:

- Ngày Tết người ta đi đánh đố chữ thì mình ngồi nhà xem lửa.

Không ai nói gì nữa. Những câu nói vui bây giờ cũng nhạt đắng hẳn đi. Cái Tết gay gắt quá. Gió đuổi vuốt đuôi nhau từ trong núi ra, chạy quẩn bốn phía đầu nhà như có trăm nghìn con mèo rừng cùng gào lên một lúc. Rồi đột nhiên bỗng lại im phắc và cái lạnh càng ri vào, buốt hơn lúc nãy. Bên ổ tranh đằng áp tường, mẹ vẫn trở mình. Nghe nhắc đến Tết không có gì, Tết suông như thế, chắc mẹ lại khóc. Có lẽ cả Thụ và Chi cùng đương băn khoăn. Nhưng không ai nói ra. Làm thế nào, cách nào để có thể nán ở đây? Cả nhà ai cũng tốt, nhưng nhà này thật không thể chứa nổi hai người ăn không đến một bữa.

Mã Hợp khẽ hỏi:

- Các anh bảo các anh sang đây làm gì? Lúc nãy mình nghe chưa rõ.

- Chúng mình đi cách mệnh.

Mã Hợp đã đoán nhầm lúc nãy mẹ khóc vì không có gạo. Không phải, lúc nãy mẹ không khóc. Mà bây giờ mẹ mới khóc. Đi cách mệnh! Đi cách mệnh! Những câu Thụ nói, mẹ đã nghe. Nhiều năm trước, mẹ đã được thấy nhiều người từ trong nước ra qua đây, những người đẹp lắm giỏi lắm, cũng nói giống như thế, rồi đi. Không biết họ đi đâu, nhưng mẹ chắc họ đi làm việc gì to lớn, khó khăn, nguy hiểm. Nước mắt mẹ ướt nếp, đệm tranh. Những người ấy đều thật tốt, không giống ai ở chợ. Mẹ nhớ lại và bây giờ mới khóc đấy.

Mã Hợp nhắc lại:

- Cách mệnh... cách mệnh à...

Thụ nói thêm - như gỡ chân cho con gà mắc tóc đương ngắc ngứ:

- Mã Hợp à, nước ta bây giờ chỉ toàn người khổ, chỉ vì thằng Tây đến cưóp của, ăn hiếp nhiều quá. Chúng mình sẽ làm cách mệnh, đánh chết thằng Tây và thằng quan đi, như thế, cho mọi người khỏi khổ.

Mã Hợp nhìn Thụ, lại nhìn Chi:

- Năm trước, có nhiều người cũng bảo ra đi tìm như thế. Các ông già, có râu, có ông tóc bạc, không ông nào ít tuổi như các anh đâu, mà cũng không ai có quê gần, các ông bảo quê xa tận Nghệ An, tận đâu nữa, ông nào cũng hay chữ, viết nhanh như nói chuyện. Bố mình đưa các ông đi Long Châu. Từ ngày ấy chưa ai về.

- Chúng mình cũng đương đi tìm cách mệnh có lẽ như các ông ở Nghệ An ấy đấy.

- Các anh gặp chưa?

- Phải đợi ít ngày.

Mẹ lại vẫn nghe rõ cả. Thằng Mã Hợp quên rồi, thằng Mã Hợp quên, nó không kể có lần mẹ nó đã đưa những người cách mệnh như thế đi đến Long Châu. Mẹ đã đưa người cách mệnh đi. Phải, những người đi cách mệnh đều kể chuyện rằng mai sau đất nước sẽ thay đổi thì đời người không khổ nữa. Bây giờ hai cháu còn ít tuổi ở quê, nhà bên Nhân Lý sang cũng nói như vậy. Như thế, cách mệnh đã về đến bên quê ngoại, cách mệnh đã về gần lắm rồi. Mẹ lặng im, không nghĩ nữa. Mẹ nhớ lại con đường Long Châu đi bộ, toàn đi đêm, phải mất ba bốn đêm liền. Đường ấy, mẹ đã đưa người đi nên mẹ biết như thế. Còn phải tránh những xóm có hương trưởng. Hương trưởng hay bắt người bên Lạng Sơn sang, đem nộp cho Tây đồn Đồng Đăng lấy công, được nhiều tiền và muối. Hương trưởng thì tránh được, nhưng kẻ cướp thì không biết tránh đâu. Chỗ nào cũng có cướp, ngày ấy khó lắm. Thế mà mẹ đã đưa lọt được cả. Những câu chuyện vừa bâng khuâng vừa khó hiểu cứ phảng phất cả đầu mẹ.

Tối hôm ấy, giá buốt cóng thót lưng. Thụ mặc nguyên áo dài, đi giày tây, đội khăn xếp, nằm co quắp trong cái ổ tranh của Mã Hợp đã kéo ra bên cạnh đống lửa. Ba người nằm, đắp có một mảnh vỏ cây sui. Mã Hợp nhường chăn cho bạn. Chân tay Mã Hợp quềnh quàng, lăn lóc như cành củi không biết rét. Lát sau, đã ngáy kho kho. Chi nằm giữa, sặc bụi vỏ sui, chốc lại khúc khắc ho.

Cả đêm, Thụ khoanh hai tay lên ngực. Không vì rét, mà vì nỗi băn khoăn về những khổ cực cứ quanh co không phá ra được của con người và càng nghĩ càng bồi hồi về tinh thần yêu nước tự nhiên đến nỗi không biết đấy là yêu nước của người các dân tộc ở biên giới mà Thụ vẫn nghe nói, bây giờ mới thật biết. Thụ không chợp mắt được. Làm thế nào à? Phải tìm cách nấn ná ở đây, cho đến lúc gặp được cách mệnh, đi làm cách mệnh. Nhưng bây giờ phải vượt một cái lo trước nhất, thật khó. Nhà Mã Hợp nghèo quá, không bữa ăn. Tết đến nơi rồi. Cách nào...

Cứ nằm nghĩ, sắp sáng cũng không biết.

Có tiếng gà gáy phảng phất ở đâu xa. Mã Hợp đương ngủ say thế, đột nhiên, đứng dựng dậy như người mê. Đấy là cái thói quen phải dậy sớm đi chợ bán củi. Cứ đến lúc ấy thì con mắt như có người giựt mí cho mở ra, đã thành lệ.

Kèn lính trên lô cốt Ải Khẩu chưa thổi tan canh. Lửa bếp đã vạc hẳn. Rét buốt mù mịt thấm vào nhà. Thụ hỏi:

- Mã Hợp dậy sớm thế?

- Còn đi kiếm cái chợ Ải Khẩu cuối năm mà.

Chợ nào cũng chỉ còn phiên áp Tết này. Mã Hợp đêm qua nghĩ cách đã định đem củi đi thật sớm. Bán ngay được bó ấy thì còn kịp chạy về cõng hai bó nữa ra chắc cũng chưa tan chợ. Ngày Tết, người mua củi sưởi nhiều, đun nấu nhiều, chắc bán đươc cả ba bó.

Thụ quay lại, thì thầm, với Chi, lúc ấy Chi đã ngồi lên nhưng vẫn quấn mình trong cái chăn sui bù xù, như con gấu trắng. Rồi Thụ ngước ra, bảo Mã Hợp:

- Này Mã Hợp, hôm nay Mã Hợp đừng đi chợ.

Mã Hợp nhìn Thụ, không hiểu. Thụ lại nói luôn:

- Mã Hợp đi với mình.

- Đi tìm cách mệnh à?

- Không.

Mắt Thụ ánh lên và miệng Thụ cười, tự nhiên khiến trong bụng Mã Hợp tin ngay và không hỏi thêm.

Lát sau, hai ngưòi đã ra tới đầu xóm, đi về phía Cốc Nam. Rét quá, không bước được nữa mà phải co chân chạy cho ấm. Không mấy khi được đi tay không như thế, Mã Hợp nhẹ nhàng như con sóc.

Qua một hẻm núi, đã vào xóm Cốc Nam. Bên này trấn Lũng Vài thì có quan làng hương trưởng. Ba bước chân cách rìa núi sang Cốc Nam là xã đoàn, là lý trưởng rồi. Nhưng bên nào thì cũng giống nhau cùng một bọn làm ác, ăn tiền, cưỡi đầu người ta cả mà thôi.

Không may, hai người gặp ngay xã đoàn Cốc Nam đi gọi dõng! Chẳng biết nó tìm dõng đi gác, đi cướp chợ hay đi xâu mà xã đoàn Cốc Nam vào xóm khua bắt người ta đi sớm thế.

Mã Hợp thường qua lại Cốc Nam, xã đoàn có quen mặt. Mã Hợp lom khom chắp tay:

- Chào quan xã đoàn ạ.

Xã đoàn giơ cái gậy, quắc mắt:

- Mày đi cướp bên Tàu về đấy à?

- Không, tôi ở Lũng Nghìu bây giờ sang Thạch Loan đòi tiền rượu Tết thôi ạ.

Xã đoàn nhìn Thụ, rồi nói:

- Ông nhớ mặt mày, được rồi. Còn thằng này lạ thì có giấy thông hành không?

- Anh em tôi ở nhà bên Kỳ Lừa mới sang chơi hôm qua, bây giờ ra tàu Đồng Đăng xuôi.

- Thẻ nó đâu?

Thụ nhanh trí:

- Cháu chưa có tuổi đóng thẻ.

- Mày nói láo! Cao lêu đêu thế kia mà bảo chưa có tuổi!

Thụ nói luôn:

- Mới mười bảy, thật mà.

Xã đoàn trợn mắt:

- Chúng mày có trông thấy nhà quan hai trên đồi Đồng Đăng kia có những con mắt lỗ châu mai đương nhòm ra tận đây không. Năm hết Tết đến, chúng mày muốn vờ vào đất Lạng Sơn để tụ bạ đi cướp, để quan hai cắt cổ tao à? Có súng thì bỏ ra, đừng để tao phải khám. Còn thằng này không có thẻ thì phải trói lại.

Mã Hợp cãi:

- Thật tôi vào Thạch Loan đòi tiền rượu Tết bán hôm nọ, tiền rượu mà...

Tuy doạ cứng, nhưng xã đoàn lại hỏi lại:

- Thật không?

- Thật mà. Chiều tôi lại về.

- Lúc nào về phải vào nhà trình tao.

- Bẩm, trình quan...

Xã đoàn quát to, vừa quát vừa cười khé khé:

- Trình tao hai chai, hai chai mười cân. Rượu Lũng Vài ba đấu cẩn thận, mày còn chưa biết à!

- Vâng ạ.

- Bước!

Đi khỏi, Mã Hợp bảo:

- Thằng xã đoàn Cốc Nam mà ngửi thấy hơi rượu thì cái gì cũng xong. Nhưng nói thế mà chốc nữa về qua không có rượu cho thì nó gông thật đấy, anh ạ.

Thụ nói:

- Chốc nữa hãy hay.

Hai người chạy tạt sang bên kia đường đá, qua cả đường tàu hoả rồi theo lối tắt đi Pò Chài về Nhân Lý.

Thụ đã quyết định trở về làng. Từ đây vào Khuôn Lùng, chỉ có vết trâu đi ăn, không qua xóm nào, không gặp ai. Tất cả chỉ có bóng rừng buông xuống bốn phía đỉnh đèo, che khuất con người. Tới Mò Tòng, lại vượt núi nữa như chạy về Khau Bây - một sườn núi đứng ngay trên làng Nhân Lý. Ở Khau Bây nhìn xuống đồng Bó Lào, thấy được cả con vịt chạy trong ruộng nước.

Lúc ấy đã đến gần trưa và có nắng. Trời đỡ buốt hơn ban sáng. Họ qua nhanh dưới những vòm cây trám đen, thân lêu đêu cao mốc trắng. Ánh nắng dịu ngày đầu đông loáng thoáng rơi cành trên xuống cành dưới, từng giọt vàng rời rợi, làm nghiêng mặt chiếc lá trám dài.

Đã vào đến rừng hồi Khau Bây chỗ trên xóm Phạc Lạn, nhà Thụ ở đấy. Thụ bảo Mã Hợp:

- Mã Hợp xuống nhà cho tôi.

- Anh ở lại đây à?

- Mã Hợp có thấy mẹ tôi hay chị Dụ...

Chợt nhớ, chị Dụ đã về nhà chồng tháng trước, Thụ lặng im. Thụ dặn Mã Hợp thêm mấy việc. Rồi Mã Hợp xuống làng.

Thuở nhỏ, năm nào Mã Hợp cũng được về hội tùng tủng (1) ở quê ngoại trong tháng giêng. Mã Hợp thuộc đường, biết tất cả các nhà xóm Phạc Lạn.

Mã Hợp đến thẳng nhà Thụ. Cuối năm, xóm vắng. Mọi người đi chợ, đi kéo mật, đi cúng, hay ở nhà, lúi húi làm bún bánh trong bếp. Ngoài ngõ rỗng người.

Mã Hợp nép bên cửa chuồng trâu nhà Thụ nhìn lên. Đợi một lúc, chẳng thấy ai. Cũng không có khói bếp. Mấy con trâu thấy người tới thì lội bì bõm trong bùn phân, khiến Mã Hợp không nghe được động tĩnh ra sao ở phía trên. Sau cùng, Mã Hợp nghĩ: “Việc gì phải rình mò như đứa kẻ trộm thế này!”. Rồi Mã Hợp bước thẳng lên thang nhà.

Bố Thụ đương ngồi bậc cửa mài con dao chọc tiết lợn.

Mã Hợp nói:

- Cháu chào bác. Anh Thụ bảo cháu về...

Bố Thụ ngẩng đôi mắt kính lên, sửng sốt:

- Nó đâu?

Mã Hợp lúng túng:

- ... ở Đồng Đăng, Đồng Đăng...

Lần này, bố Thụ ngừng tay mài dao, hỏi dồn và đứng dậy:

- Sao nó chưa về?

- Dạ... ở... sắp...

- Bao giờ nó về?

Thấy Mã Hợp luống cuống, bô Thụ nghi lắm.

- Mày ở đâu?

Mã Hợp cuống, đâm ra nói thật:

- Cháu là con nhà Mã Thành Nhân.

- Mày ở Lũng Nghìu về à?

- Vâng.

Thế là bố Thụ quát ầm lên:

- Chết thôi! Chết thôi! Lung tung lắm rồi. Mày phải đi gọi nó về ngay cho tao, không có thì ông giết...

Bố Thụ hầm hầm cầm con dao nhọn hoắt đương mài xô đến trước mặt. Mã Hợp nhảy tót ra cửa, chạy thẳng về Khau Bây.

- Anh ơi, tôi không nhanh thì ông chém tôi rồi.

Thụ đương đứng nhìn xuống, đợi. Và mọi nghĩ ngợi trong tâm trí đương mờ mờ, khác nhau. Cánh đồng Bó Lào dưới kia thấp thoáng nắng, trông rõ cả người đàn bà đi qua mặc áo chàm mới, đen biếc. Lúc này, mẹ mình sang nhà chị Khai rồi. Không phải. Năm nay mẹ vào ăn cúng áp Tết hay vào chia cá Tết, hay vào chơi nhà chị Dụ. Chị Dụ mới về nhà chồng tháng trước, nhà ở Cò Nong. Xóm Cò Nong đằng tay trái, sau Đon Đình phía kia có vài bước chân. Xóm ở giữa cánh đồng, không tiện xuống, mình không về thăm chị được. Mà hôm nay cũng không muốn về, không về...

Mã Hợp vừa thở vừa kể. Thằng này vụng quá. Lỡ mất việc.

Đứng đây cũng trông thấy rõ chỗ mảnh trăng trắng tường trường học ở Đon Đình. Trên sườn đồi gần Phai Hin kia không có tiếng trẻ con thả trâu đùa ríu rít. Tết đã đến mà. Mình hay nô với trẻ trâu ở đấy. Mình với cô Mảy cũng chăn trâu và chơi đùa ở đấy. Những kỷ niệm tuổi thơ, chỉ mới vài năm trước, mà sao như đã xa thế. Mình với thằng Viết cũng chăn trâu ở đấy... Vừa thoáng nghĩ đến Viết, Thụ cảm thấy không vui. Câu chuyện đi hay không đi xảy ra trước đêm ra đi ngày nọ không còn giữ cho tình bạn thân thiết của hai người được nguyên vẹn. Trước những rụt rè của Viết, Thụ vừa thương, vừa giận... Thụ chợt nghĩ: hay là vào nhà Viết, bảo Mã Hợp vào nhà Viết? Nhưng lại tự đáp: không nên, nhà Viết nghèo thế, chẳng có đâu cho mình. Còn rủ Viết đi thì vẫn chưa được. Viết đã rụt rè, gặp nhiều cái khó thế này, có thế còn nản lòng hơn. Thôi, để mặc Viết đấy. Hay là vào nhà Mảy. Ừ, vào nhà Mảy. Không thể đợi, cũng không cách nào gặp được mẹ hay chị Dụ. Thằng Mã Hợp đã làm lung tung thế này. Cũng không nên ở đây lâu. Ừ, chỉ còn gặp được Mảy...

Thụ bảo Mã Hợp:

- Thế này nhé. Mã Hợp xuống nhà cô Mảy cho tôi.

Lần này, Thụ vừa dặn xong, Mã Hợp chớp chớp mắt, mỉm cười rất khoái chí ra cách ta hiểu hết, rồi đi ngay.

Lúc ấy, Mảy đương một mình ngồi chẻ lạt buộc bánh trên cửa trước sân sàn. Dưới chân bụi mai trước cửa, người lớn trẻ con tíu tít xúm quanh đám mổ lợn.

Mã Hợp rón rén vào:

- Mảy ơi, nó bảo tôi về...

Nghe nói thế, Mảy giật mình. Và chỉ nói thế, Mảy đã biết. Lúc yêu nhau thì nghe trong câu nói còn bơ vơ ở đâu cũng đã trông thấy được hình người và đoán ra mọi việc. Mảy thở dài. Từ ngày Thụ ra học trường ngoài Kỳ Lừa rồi ít lâu được tin Thụ lấy vợ người buôn bán ở phố, Mảy chỉ khóc thầm, thương thân mình, có lúc toan chết. Nhưng đến tháng tám vừa rồi, Thụ trở về Nhân Lý. Mảy gặp lại Thụ. Mảy càng khóc, càng thương thân. Nhưng không nghĩ đến cái chết nữa. Bởi vì Mảy biết Thụ vẫn tha thiết yêu Mảy.

Lúc ấy, Mảy nhìn Mã Hợp, ngơ ngác hỏi:

- Sao bảo đi làm ký ga bên Vân Nam rồi? Được về ăn Tết a?

Mã Hợp hỏi lại Mảy một câu khác:

- Có còn thương nhớ nó không? Có thương nhớ tôi mới bảo...

- Bên Vân Nam xa lắm mà.

- Không, gần thôi.

- Gần à?

- Nó bảo mùng tám tháng giêng thì sang.

- Tháng giêng...

- Mùng tám tháng giêng có hội lùng tủng bên Lũng Nghìu.

- Ở Lũng Nghìu à?

- Ừ, Lũng Nghìu. Bây giờ nó bảo về lấy cho nó hai mươi đồng.

Mảy nói:

- Lúc bảo đi ký ga ở Vân Nam đã lấy hai mươi đồng rồi.

- Bây giờ vẫn còn cần, Mảy ạ.

- Thế thì làm thế nào bây giờ? Bảo em với...

- Xem ai có thì vay.

Mảy ngồi thừ người. Lát sau, đứng dậy, Mảy vào buồng, cầm ra chiếc thắt lưng bao mới vẫn vắt ở vách trong.

- Còn có bấy nhiêu thì cầm đi nốt vậy. Tiền này tiền bỏ ống, để dành cả năm. Thế cũng như Tết xong rồi.

Mảy dốc miệng thắt lưng xuống mặt sàn nứa, rơi ra mấy tờ giấy bạc một đồng, cả lũ đồng hào, đồng xu bò theo nữa. Mảy xếp lại đâu vào đấy, đếm cẩn thận, rồi đưa cho Mã Hợp tất cả là được mười đồng ba hào hai xu.

Mã Hợp cầm tiền, cất lên túi áo ngực. Trong khi ấy, Mảy thắt chiếc bao lưng không vào bụng áo, rồi cúi xuống, lại cầm lên con dao nhỏ và thanh dang. Nhưng Mảy không chẻ được chiếc lạt nào nữa, mà Mảy cứ ngồi tần ngần, hai mắt rưng rưng, muốn khóc. Cô đương nghĩ đến nỗi đau khổ éo le của cô với Thụ. Từ khi lớn lên, biết thương cha mẹ, chỉ thấy vướng vít trong bao nhiêu cái cực nhục. Không hiểu nguồn gốc tại sao mà nhà mình lại phải chịu nhiều nỗi khổ thế. Rồi đến tuổi con gái, yêu Thụ, mình lại tự buộc lấy những cay đắng vào ruột gan mình.

Mã Hợp đã toan đi, song nghĩ thương hại Mảy, Mã Hợp nói:

- Muốn gặp nó không?

Thế là hai hàng nước mắt Mảy lã chã xuống.

Mã Hợp nói khẽ:

- Lên Khau Bây bây giờ.

Có tiếng con chim khách kêu choẹt choẹt ngay đầu sân sàn ngoài cửa ngang. Mã Hợp điềm nhiên xuống thang nhà. Mảy lẳng lặng đứng lên, rút con dao chém cây trên hóc cột xuống, đeo vào lưng, như người đi rừng.

Từ đằng xa, trông thấy Mảy, Thụ đã trông ngay thấy cái thừng buộc con dao rừng đeo sau lưng Mảy. Thụ nói như đương nghĩ trong bụng:

- Bao giờ bỏ được cái tay dao của người làm ăn vất vả này.

Mảy không hiểu, oà khóc:

- Muốn bỏ nhau rồi...

Mã Hợp bảo ngay:

- Nói chuyện buồn ngày hết năm thì không nên đâu. Thôi!

Rồi Mã Hợp đứng ra đầu rừng hồi ngó xuống. Cẩn thận. Mã Hợp gác người lên.

Bấy giờ Mảy lại hỏi Thụ - vẫn băn khoăn như lúc nãy hỏi Mã Hợp:

- Sao bảo đi ký ga bên Vân Nam?

- Không, anh còn đi xa hơn Vân Nam và anh không làm ký ga đâu.

- Thế làm gì?

- Anh đi làm cách mệnh.

- Làm cách mệnh là làm gì?

- Mảy ơi, ngày trước còn bé, ta thấy người Nùng đánh nhau với người Thổ trong làng hay chửi một câu độc địa rằng: “Thịt tao là thịt thằng Nùng chó chỉ đáng nửa đồng kẽm, thịt quân Thố gốc nhà mày được giá năm đồng, thế là tao chỉ bằng con chó, tao đánh nhau có chết bỏ xác cũng thôi”. Đến khi Thụ cắn hạt cơm biết nghĩ, Thụ bảo: nói thế ác lắm, không nên nói thế nữa. Phải cùng nhau xoá đi, câu nói ấy buồn quá. Phải xoá nó đi.

- Chưa xoá được đâu.

- Bây giờ thì anh biết có đi làm cách mệnh, lấy lại đất nước, có xoá thằng Tây thằng quan đi, mới xoá được câu nói buồn ấy.

- Đừng nói nữa.

- Bấy giờ con trai Thổ mới lấy được con gái nhà Nùng, em ạ.

Nước mắt Mảy ròng ròng chảy. Mảy nghẹn ngào không thốt nên lời được. Những câu Thụ nói, thật xót xa, thật bên mình, làm cho Mảy hiểu được nhiều ra hơn cả câu Thụ nói.

Lúc đó, nắng trong rừng hồi ấm hẳn lên. Người đứng tựa lưng vào thân cây hồi cũng thấy thơm ấm cả lưng áo và bàn tay, như đương ngồi bếp sưởi củi thông và có tiếng hát đâu vương tói. Tiếng hát ở trong lòng mình.

            Hoa đẹp bướm đến đậu
            Thấy từng đôi sánh bay


Mảy muốn nói: “Anh ơi! Mai là Tết rồi, anh đừng đi”. Nhưng Mảy vẫn lặng im và cứ đứng im như thế.

Gần chiều, khi những làn gió rét ghê người lại hun hút ở đâu nổi lên, Thụ và Mã Hợp mới về đến Cốc Nam.

Mã Hợp bảo Thụ:

- Ta có tử tế thì bận sau mới dễ việc cho ta được. Bây giờ anh vào nhà nó trước, bảo tôi còn sang Lũng Vài lấy rượu.

- Nhưng nó hỏi mình chưa ra tàu về Kỳ Lừa thì nói sao?

Mã Hợp cười:

- Có rượu thì nó chẳng hỏi đâu.

Thụ dặn với:

- Xuống Lũng Vài thì mua ba đồng pháo.

- Bao nhiêu?

- Ba đồng, ừ, ba đồng...

Mã Hợp lại ngạc nhiên, tròn mắt lên. Ba đồng pháo, nhiều quá. Nhưng Mã Hợp vẫn cứ đi và không hỏi lại thêm.

Thụ bước lên nhà, xã đoàn hỏi ngay:

- Thằng đầu trọc ban sáng đâu?

Thụ nói:

- Sang Lũng Vài lấy rượu sắp về.

Quả nhiên, xã đoàn chẳng hỏi thêm một câu nào nữa. Lát sau, Mã Hợp xách lên nhà hai chai rượu tăm, đặt xuống giữa sàn rồi cứ thế đùng đùng kéo đi ngay. Như đã mất tiền qua cửa ải, không cần rnất thêm lời nào nữa. Cứ thế, hai người chạy một mạch về tận Lũng Nghìu.

Đến nhà, vừa vặn tối. Chi vẫn đứng ngóng trước cửa. Lúc ấy hai người lại mới nhớ ra suốt ngày chưa được ăn một miếng gì. Nhưng Chi đã nấu chín nồi cháo ngô. Hai người phải húp xoàn xoạt luôn mấy bát mới nghỉ hơi.

Thụ đưa cả bảy đồng còn lại cho mẹ Mã Hợp.

- Mẹ ơi, tiền đây.

- Tiền đâu mà nhiều thế?

Mẹ nghĩ đến việc cách mệnh của Thụ, mẹ nói:

- Giữ lấy, để hôm nào còn phải đi.

Thụ cười:

- Chẳng lo đâu. Bây giờ ta ăn Tết cho đủ đã.

Mẹ cảm động cứ ngẫm nghĩ không biết mình đương khóc hay đương cười. Một đời người chưa được lần nào cầm món tiền to đến quá năm đồng bạc như thế.

Sớm ba mươi, mẹ xuống trấn Lũng Vài đong gạo, mua hương, mua giấy hồng điều, mua muối... sắm nhiều thứ thế, cũng mới hết có hơn đồng bạc.

Đêm ấy, đêm ba mươi Tết.

Thụ đốt đống củi to, sáng rực nhà. Mãi đến tận khuya, Thụ và Chi vẫn còn ngồi kể những chuyện hồi đi học ở Kỳ Lừa. Có câu chuyện vui và nghịch ngợm, cứ nhớ mãi. Tối tối, Thụ lại rủ Chi đi họp nhau, nói chuyện thời thế. Một hôm, chị Dụ quảy gạo từ Nhân Lý ra đóng cho nhà trọ. Chủ nhà mách: thằng Thụ cứ đi bàn chuyện trộm cướp cả đêm. Chị Dụ sợ quá, dặn chủ nhà phải đóng cửa sớm. Tháng sau, chị Dụ quảy gạo ra, ông Chắn, chủ nhà, kể: thằng Thụ bây giờ ngoan rồi, không đi chơi đêm nữa.

Thụ nói:

- Thật thì tao vẫn đi đấy thôi. Tao chỉ mất công mua cái thừng đay tốt mà bịt được mắt ông Chắn. Muốn đi, tao ra hiên thả chiếc thừng leo xuống, đến khuya về, leo lên rồi rút thừng. Ông Chắn vẫn ngủ yên, không phải đợi cửa mình nữa và yên trí thằng Thụ tháng này ngoan rồi.

Chi và Thụ cùng cười ầm. Nói những chuyện chơi nghịch mấy năm ấy, bao giờ cũng sôi nổi. Chốc, Thụ lại đứng dậy ra trước cửa đốt một bánh pháo. Những bánh pháo toàn hồng, giòn tan. Trong chớp pháo điện quang sáng trắng lên, thấy có bóng Mảy. Lại đốt pháo nữa. Cứ đốt pháo, cứ chuyện, không thì lại ngồi trầm ngâm, im phắc, buồn đến sâu thẳm. Lát sau lại đốt pháo, Thụ đốt cả mười bánh pháo, như người ta lúc vui quá, lúc giận dữ quá hay làm thế. Thụ đốt cả mười bánh pháo, Mảy ơi! Xác pháo rực rỡ ngập khắp nhà, phủ kín cả tảng đá trước cửa.

Giao thừa đến lúc nào, không biết.

Thụ và Mảy cùng ở Phạc Lạn và bằng chạc tuổi nhau. Hai người yêu nhau mà không biết, từ những khi còn để chỏm đi chăn trâu, đùa giỡn trên sườn đồi bản Đác. Nhưng khi lớn lên thì cảm thấy khó lòng mà lấy được nhau, không, không bao giờ hai người có thể lấy được nhau.

Họ Hoàng là họ Tày gốc ở đất bản Khú. Mảy là con người Nùng Cháo. Mấy nhà Nùng Cháo ở đâu trôi giạt đến. Khổ nữa, cả tổng Thạch Loan đồn nhà Mảy có ma gà. Bố mẹ truyền cho con, cả nhà cùng có ma gà. Không ai dám đến cửa. Đi đường mà gặp cũng sợ, đừng nói người nào cả gan dám lấy Mảy. Nhưng Mảy được tuổi con gái, đẹp rờ rỡ, đẹp nhất hàng tổng. Cũng không ai dám động.

Thụ đã yêu Mảy. Vì Thụ chỉ biết yêu Mảy. Thụ không giống như người ta. Nhưng trong đời sống làng xóm, bấy lâu Thụ cũng không vượt qua hơn được...

Bây giờ thì Thụ đương vượt. Thụ ra đi để vượt qua. Con đường vượt qua để chiến thắng của cả một lớp tuổi trẻ đau khổ. Nghĩ như thế, Thụ thấy mình trở lại một hình ảnh nhớ mãi của những ngày êm đềm và sáng lạ lùng. Ấy là con sông Kỳ Cùng ngoài cửa sổ lớp học, dòng sông mà những ngày hè Thụ thường lội qua sang Điềm He tìm Chi và bây giờ hai đứa đương cùng chí hướng ra đi.

Tình yêu và những kỷ niệm đẹp đẽ ấy có thật không? Có thật. Nhưng chỉ để lại một nỗi buồn. Cuộc sống có thay đổi thì mới thấy khác được. Phải làm thay đổi cuộc sống. Ước vọng của Thụ bao giờ cũng hiện ra đẹp và trong sáng như dòng sông ngoài cửa sổ. Con sông Kỳ Cùng ấy chảy qua Lạng Sơn ra cửa Bình Nghi nhởn nhơ đến những đất nước xa lạ, càng ngày mở rộng và sức lực mênh mang đã cuốn phăng mọi bất bình, mọi trở lực, mọi thất vọng, trên mình nó cuồn cuộn ánh sáng và bóng nước.

Những suy nghĩ, cứ lúc bồng bột, lúc nặng trĩu. Một chốc, Thụ vươn vai, đứng lên, nhìn trước cửa, thấy xác pháo đỏ choé ra tận những tảng đá trước cửa thì kêu:

- Ô, trời sáng rồi.

 

*

*          *

 

Mùng một Tết.

Những ngày Tết ẩm ướt, rét cắt ruột mù mịt che khuất cả một cái làng mà không ai biết có cái làng héo hắt ấy trong núi đá. Bởi vì ở Lũng Nghìu thì ngày Tết chẳng bao giờ có thịt lợn quay, cũng không có gì lạ hơn ngày hôm qua. Nhưng quanh đây, phía Đồng Đăng hay bên Nam Quan khi từ những thị trấn có người buôn bán ở hai bên biên giới vẳng lại tiếng pháo đón xuân thì ở trong núi này mới càng thấm thìa nỗi buồn phải xem Tết nhà người. Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, người Lũng Nghìu vốn tính hay nghi hoặc, rồi đâm trợn. Họ bảo nhau nghe kỹ xem trong tiếng pháo râm ran kia có lẫn tiếng súng kẻ cướp hay lính Quốc dân đảng ở lô cốt xuống đi cướp các làng đương vào năm mới. Nhưng dù cho có xảy ra những việc khủng khiếp ấy thì năm ngoái, năm kia cũng đã có cướp sớm, thế là cũng không có gì lạ hơn năm ngoái, năm kia.

Thế nào thì một năm mới cũng đã tới. Không ngờ Tết năm nay mà nhà Mã Hợp no đủ. Có gà cúng, có thịt lợn, giấy hồng điều dán cửa, sáng mùng một ai cũng được tiền mở hàng phong bao, phong bao cả các nhà trong xóm, lại có rượu Lũng Vài ngon cẩn thận. Cả xóm cùng vui sướng, chắc điều tốt lành năm nay sẽ tới.

Thụ hỏi:

- Hôm nay mùng một Tết thì Mã Hợp làm gì?

Mã Hợp nói:

- Ăn rồi xuống trấn Lũng Vài đánh đố chữ. Đấy, nghe thấy chưa, tiếng trống gọi người ta xuống chơi đố chữ... tùng tùng... Gặp vận may mà đánh được vài chữ thì cái vai này cũng khỏi phải đi gánh củi sớm.

Nhưng Thụ bảo Mã Hợp:

- Không, sáng nay Mã Hợp ở nhà.

Mã Hợp nghe lời Thụ, ở nhà. Rồi Thụ, Chi và Mã Hợp lên mỏm núi đầu xóm. Đến chỗ cao, cạnh một tảng đá khuất gió, ba người mới ngồi xuống. Thụ bắt đầu nói:

- Mã Hợp à, chúng mình hôm nay cùng nhau lên đây...

Đã thấy Chi cẩn thận lấy trong bọc áo ra bốn cái chén và một chai đựng rượu. Chi nói tiếp lời Thụ:

- Mã Hợp biết chúng mình ra đây đi cách mệnh, để đánh đuổi thằng Tây, lấy lại đất nước, cho mọi người sau này được sung sướng. Ba anh em ta bây giờ thề cùng nhau làm cách mệnh. Mã Hợp có bằng lòng bây giờ thề làm cách mệnh vói chúng mình không?

Mã Hợp không biết chữ. Dù nhiều lần đã nghe nói: cách mệnh, cách mệnh, nhưng cũng chẳng rõ đích xác cách mệnh là một người tên thế hay là thế nào. Nay nghe Chi nói vậy thì tự dưng Mã Hợp nhớ lại từ khi lớn lên, biết chuyện nhà mình trước ở Ma Mèo, đất mình bên ấy mà thằng Tây làm cho phải bỏ chạy đi, từ đấy khốn khó ngập đầu, không ngày nào kiếm nổi bữa ăn no, chẳng biết có còn đời nào được trở lại Ma Mèo. Nỗi khổ ấy có dây rễ với cách mệnh, Mã Hợp cảm thấy rõ ràng như thế và Mã Hợp đã trả lời ngay:

- Tôi bằng lòng rồi.

Chi lại nói:

- Nùng, Thổ, Kinh, Mán đều là người Việt Nam, hễ ai là người Việt Nam đều phải biết làm cách mệnh đánh Tây. Ba anh em mình từ hôm nay thề một bụng nghĩ việc cách mệnh cho đến thành công. Ai mà gặp phải đứa ác ức hiếp thì cứu nhau và không bao giờ hại nhau.

Thụ và Mã Hợp cùng nói:

- Tôi bằng lòng như thế.

Ba người hỏi tuổi nhau. Lương Văn Chi mười chín, được làm anh. Hoàng Văn Thụ, mười tám. Mã Hợp mười bảy thì làm em. Mỗi người uống cạn chén rượu, rồi đập cái chén không và thề lên một câu.

Tiếng chén đập vào đá kêu toác một cái. Xung quanh chỉ có gió rú vào trong kẽ đá và tiếng mỗi người thề anh em sống chết không bao giờ quên nhau. Mã Hợp uống một hơi hết rượu, nói:

- Em tên là Mã Ký Hợp năm nay mười bảy tuổi. Em thề một bụng với hai anh. Em không đi báo Tây, không báo Quốc dân đảng, không bán anh em cho Tây, cho Quốc dân đảng, không bao giờ giết nhau, anh em cùng sống làm cách mệnh. Nếu em có lòng phản thì em phải chết như cái chén này.

Rồi đập vỡ cái chén.

Thụ cười, nói:

- Còn cái chén thứ tư để đợi người nữa về kết anh em.

Nhưng không ai nói gì. Mỗi người đều nghĩ theo những lời thiêng liêng mình vừa nói. Ló đầu nhìn ra mép đá, nghe tiếng trống đố chữ dưới trấn Lũng Vài bây giờ nổi to và dồn dập hơn. Đấy là trống giục người ta đến đặt tiền đánh trống báo tin mở chữ. Nhưng những người đứng trên núi đương mải nghĩ xa, rất xa, không nghe biết. Riêng Mã Hợp lại nghĩ ra đấy là tiếng trống thúc giục cái gì khác, bởi vì Mã Hợp mới được hiểu rằng ở đời còn có những việc cao xa khác hẳn cuộc đánh đố chữ.

 

*

*          *

 

Một hôm, có Hoàng Đình Hùng(2) đến. Hùng mặc kiểu áo chàm rộng của người Nùng Cháo thường qua lại đây. Hùng muốn trá hình là người Nùng Cháo nhưng người Hùng cao lớn, nói giọng Tày vùng Nước Hai cứ vang vang như lắc chuông. Mới trông đã ra vẻ ngang tàng, không giống người Nùng Cháo, Hùng nói:

- Tao vừa gặp chị Mai trên Bản Đảy, biết có hai thằng ra...

- Anh là...

- Dong Cao Bằng đây. Mày quên thằng Dong rồi a, Thụ?

Bấy giờ Thụ mới kêu lên. Cách nhau ít lâu mà Dong cao quá, nhanh nhẹn, vạm vỡ, nói to, khác hẳn thằng Dong hồi học ở Kỳ Lừa. Năm trước, còn ở trường ngoài Lạng Sơn, lúc toàn thể học sinh để tang và làm lễ truy điệu ông Phan Chu Trinh xong, trong đám học sinh bước ra, Dong vừa đi vừa vỗ vào cánh tay Thụ, nói thật to: “Khóc rồi phải làm gì chứ cứ khóc không thế này thôi à!”. Từ đấy, Thụ quen Dong.

Hùng nói:

- Tao đến đón hai thằng đi Long Châu đây.

Cả Thụ và Chi cùng “à” một tiếng, vồ lấy vai Hùng.

Mã Hợp thì reo:

- Anh Thụ nói thiêng quá. Người đến uống nốt chén rượu làm anh em ta đây.

Thụ nói:

- Nhưng không phải đập chén nữa đâu. Thằng này là anh em ta đã lâu rồi.

Thế là họ ríu rít sửa soạn đi.

Hùng nhìn hai người, nói:

- Chúng mày đi Long Châu mà định mặc thế này cho Tây nó dễ thuê bắt về đồn Đồng Đăng à?

Bấy giờ cả nhà mới nhận ra hai chàng thanh niên vẫn giày tây gan gà, áo xa tanh, áo the dài, khăn lượt vố, xúng xính như đi diện Tết bên Lạng Sơn chứ không phải đi cách mệnh. Chi nói:

- Thế mà không nhớ ra. Suýt chết ở Bó Sa vì những của này đấy!

Thụ và Chi cười rồi cởi quần áo, tụt khăn, tụt giày cho Mã Hợp đem về xóm Khơ Đa bên kia biên giới đổi được hai bộ Nùng đã tàng tàng. Lại mua thêm đôi giày cỏ và hai cái nón cói to vành.

Đi Long Châu! Đi Long Châu! Trong lòng cứ náo nức như mở cờ. Mấy nhà hàng xóm ở Lũng Nghìu cùng xúm đến. Ai cũng bảo:

- Các cậu ở lại chơi hội lủng tủng đã, rồi hãy đi.

Một người tính:

- Ngày kia đã hội mà.

Thụ nói:

- Đi đường cũng gặp hội vui, hẹn sang năm vậy, lần này thì không ở được.

Mẹ đưa Thụ ra đầu xóm, bảo:

- Đường Long Châu thì mẹ cũng được đưa các ông cách mệnh đi hai lần rồi đấy.

Người già ấy hiền hậu, củ rủ, hay khóc tủi thân mà đã làm việc cho cách mệnh “hai lần rồi”. Thụ cảm động, nắm tay mẹ.

- Chúng con xin đi.

Mã Hợp theo tiễn một quãng. Thụ rỉ tai dặn lại lần nữa.

- Ngày mai, Mảy có ở Nhân Lý sang hội, em nhớ nói với Mảy cho anh... Mảy đừng nghĩ nữa. Rồi có khi lại gặp nhau.

Hội lùng tủng lần lượt nô nức qua các làng hai bên biên giới cho đến tận cuối tháng, khi lá cây gạo đã nhú tai chó. Lũng Nghìu bắt đầu hội từ ngày kia, ngày mùng tám tháng giêng.




---------------------------------------------------------------------------
(1) Phong tục cũ: hội “xuống đồng” đầu năm ở làng đồng bào Tày và Nùng.
2) Tên thường gọi của đồng chí Hoàng Đình Dong hồi ấy


 

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 04:16:17 pm »

III


Những ngày đầu năm, cuộc sống trên đường đi Long Châu và trong vùng cũng đều thu vào những bờ tre, những hào luỹ, những làng xóm xa khuất. Chỉ có ba người trẻ tuổi không có Tết mà cứ hăm hở, vừa đi vừa chạy. Họ không ăn Tết ngoài đời, nhưng trong lòng mỗi người đương tưng bừng như Tết.

Hùng mang theo một tờ Thanh Niên (1). Tháng trước, Hùng ra Long Châu mượn Bùi báo Thanh Niên rồi đem về Cao Bằng. Mỗi lần có tờ báo cách mệnh về, Hùng truyền khắp vùng Nước Hai và sang cả huyện khác nữa. Cao Bằng có phong trào cách mệnh, nhờ thế, những tổ thanh niên, những người quen Hùng, cả bọn lục sự hay bang tá trẻ, Hùng cũng đưa cho họ đọc. Đến khi tờ báo đã nát nhủn, nhưng những người xem cẩn thận đã lấy giấy bản Mán dính các vết gấp lại. Thành thử, tờ báo cũ, càng dầy kệp như cái mo nang, đọc chữ được chữ không. Tuy vậy, trong con mắt người thanh niên đương sôi nổi, mỗi chữ vẫn sáng chói như ngọn đèn soi vào biết bao điều mới lạ. Chi và Thụ đọc thuộc không sót một chữ. Đọc xong càng hăm hở muốn đến ngay Long Châu và đi xa hơn nữa.

Hùng đã ra Long Châu nhiều lần. Hùng nói, thành thạo:

- Trên Quảng Châu mà có lớp huấn luyện thì Long Châu biết ngay, ở Long Châu ta có thể biết tin tức cách mệnh thế giới xa rộng hơn nữa. Nằm xó ở Lũng Nghìu làm gì!

Bấy giờ, Thụ và Chi mới biết Hùng muốn đưa hai người đến Long Châu vì không muốn họ nằm xó ở Lũng Nghìu. Chỉ có thế và chưa có gì khác hoặc mới mẻ hơn. Tuy nhiên, thế cũng tốt và đã có dấu hiệu mới, Thụ và Chi vẫn hăng hái như thường.

Rồi ba người đến Long Châu một buổi chiều.

Cái cảm tưởng đầu tiên thấy Long Châu không khác lạ như trong tưởng tượng bồng bột của Thụ và Chi khi đi đường.

Long Châu vào tầm mắt trông cũng quen từa tựa cái quãng sông có phố xá chen chúc bên này đầu cầu Kỳ Lừa. Trong ánh nắng vàng choé, những người và những bó củi từ chân rừng đằng kia bước ra, đi lũ lượt, đen xỉn, im lặng. Họ đem củi vào thị trấn bán. Người và củi vào bóng hoàng hôn ủ dột, mệt nhọc. Trên bờ sông cạn trơ sỏi, trẻ con gầy teo, tắm không đùa cười; còn người ra sông giặt một đống quần áo cũ mà chỉ ngâm xuống nước rồi vỗ bộp bộp, không buồn vò. Người kéo cá, người mò hến lúc lặn lúc thở, đông đúc chen nhau bên mép nước. Giữa dòng trôi một cành củi, cành củi hay xác chết lập lờ đấy, chẳng rõ. Những con quạ khoang cứ loay hoay đuổi theo, tranh nhau xà xuống kêu ầm mặt sóng.

Dòng nước mang những cảnh đau khổ này vẫn một con sông Kỳ Cùng đuổi theo mình đến đây. Đấy là cảm tưởng Long Châu buồn bã của hai người. Nhưng Thụ lại nghĩ: “Thế ra ở đâu người nghèo cũng khổ, ở đâu người nghèo cũng cần làm cách mệnh”. Và nói với Chi thế.

            Hùng dẫn hai bạn vào thị trấn. Đến một phố có liền một dãy những gian nhà giống nhau, cửa hàng máy khâu nhà Bùi ở đấy.

Vào nhà, không thấy ai. Ngày Tết mà nhà lạnh như không. Mảnh giấy hồng điều dán cửa như mọi nhà trong phố cũng chẳng có. Hay Bùi đã dọn đi nơi khác rồi.

Giữa lúc ấy, Bùi tất tưởi ở đâu về, mặt phờ phạc cau có buồn thiu. Thấy ba người, Bùi nói:

- Mất cái máy khâu rồi, chết rồi!

Bấy giờ Hùng mới để ý: chỗ cửa sổ vẫn đặt cái máy khâu Sanh-gie cũ đã gần tróc hết lượt sơn đen, bây giờ chỗ ấy trống trơn như một lỗ hổng.

Mất cái máy khâu từ hôm áp Tết. Những ngày cuối năm, nhiều hàng quá. Nhiều hàng, phải thức khuya làm. Đương sức trai, ngủ say. Tuy Bùi đã cẩn thận nằm dốc ngược người và gác cả hai chân lên máy, thế mà kẻ trộm đã vào nhấc chân Bùi xuống, khuân máy đi lúc nào, đến sáng ngày ra mới biết. Mất Tết đã đành, còn mọi mặt sinh sống hàng ngày, còn có khi giúp đỡ các anh em đồng chí qua lại, tất cả đều trông vào một cái máy ấy! Bây giờ còn lo khốn đốn phải đền cái máy thuê, lo khất nợ vải khách hàng - có người lại nghi cửa hàng làm liều, lập kế thế để ăn cắp vải. Nhiều khách may quần áo đe gửi đơn kiện lên huyện, rồi doạ Bùi: “Hễ đi đâu ra khỏi trấn thì lính bảo an đuổi theo chặt chân”. Họ phòng Bùi vỗ nợ hay cuỗm vải trốn đi. Làm thế nào bây giờ? Lúng túng to rồi.

Cái khốn khố ấy lại lây ngay đến Thụ và Chi. Hùng cũng chỉ còn đủ tiền ăn đường về Cao Bằng.

Làm thế nào bây giờ? Trước nhất, phải lo miếng ăn ngay. Hai người đi một lượt, qua các phố, đến chợ, lại càng thấy Long Châu cũng như Đồng Đăng, như Kỳ Lừa - khác nhau có bên Lạng Sơn thì thằng Tây hay khố xanh, khố đỏ bồng súng đứng canh im phắc, còn ở đây lính Tàu khoác cái đại đao vào vai, đi đi lại lại. Nhưng ở nơi nào cũng giống nhau: chốc chốc lại thấy chúng điệu một xâu người đi tha thẩn qua phố, có lúc là nhà pha đi làm cỏ về, có lúc đám cướp, có lúc những đám gì bị bắt, không biết nữa và người ta còn mải miết tìm cách sinh sống, không ai hơi sức đâu mà để ý những chuyện qua đường ấy nữa. Và ở đây cũng như bên Lạng Sơn, nơi nào cũng cứ lao nhao những chủ sòng tài xỉu, đố chữ, những chủ cao lầu mà trên gác giam đầy gái đĩ cứ phải thò đầu nhòm ra như gà ngạt hơi, những chủ ô-tô hàng đàn đúm với lũ du côn nhâng nháo giắt dao găm quanh thắt lưng, đêm đêm, lính tráng vác đại đao đi tuần phòng rầm rập, tiếng súng nổ, tiếng kêu, rồi người thắt cổ, người trẫm mình, người bị quan quân trong đồn ra bắt, trói ngoặt tay ra đằng sau, lại điệu đi hàng dãy qua phố.

Ở chợ thì ăn mày và người hủi, người say rượu lê la, chồng đống. Cứ vài hôm, lính trong huyện lại giải tù ra chém để thị uy, rồi bêu đầu ngay cổng chợ. Thối sặc sụa, người đi chợ khiếp quá, phải phá tường leo đằng sau vào.

Cảnh khổ của người Long Châu đã bày ra từ bờ sông vào đến các ngõ hẻm từng nhà, trong tiếng chửi nhau và những trận đòn hội chợ gào xé đánh đuổi nhau vang động từ buổi chiêu mà họ vừa đặt chân tới.

Đâu cũng vẫn một đau thương ấy. Thụ để ý đây cũng cơ man là người quảy bán củi. Ngồi đầy ở chợ rồi còn gánh mẹ, gánh con nối nhau đi rong, rao nheo nhéo các phố. Lại như cảnh các chợ Hạ Đống hay chợ Đồng Đăng, mọi khi Mã Hợp thường nói: bây giờ người bán củi đông hơn người mua củi, khó quá. Đây cũng thế.

Thụ về hỏi Bùi:

- Anh xem có việc gì sức tôi làm được?

- Người khoẻ cũng đi ăn mày chật đường kia kìa.

- Hái củi bán được không?

- Lạ mặt như các anh, lính nó bảo là thổ phỉ về mò thám cướp phố, nó chém bêu đầu cổng chợ, chém lây cả đến đứa chứa các anh đấy. Thật mà, ở đây nó vẫn làm thế.

Hùng nói:

- Lúc nãy tôi thấy trong phố có mấy chỗ đánh trống mộ lính.

- Ừ, Long Châu đương mộ lính. Hàng tháng nay rồi. Không chạy được tiền trả nợ, tôi cũng đến lại phải vào lính nữa.

Nghe Bùi nói thế, Hùng nảy ra ý kiến:

- Hay là tạm đi lính lấy cái ăn đã. Khi nào có liên lạc, tao gọi thì bỏ ra. Thế vậy. Anh Bùi này khi mới đến cũng phải vào quân đoàn kiếm cơm một dạo đấy.

Không biết xoay thế nào, Chi đáp miễn cưỡng một tiếng:

- Được.

Bùi đi một lúc rồi về nói:

- Có Lương Tử Hồng là người của cách mệnh Trung Quốc đương đứng ra kén lính cho Quốc dân đảng, nhưng chính là đưa người tốt của ta vào làm cơ sở trong lính Quốc dân đảng của nó đấy. Để tôi giới thiệu cho.

Thụ giao hẹn, nửa thật nửa đùa:

- Anh Bùi nhé, thằng Hùng nhé, muốn thế nào thì thế, nhớ hễ có liên lạc thì gọi cho chúng tao trốn ra ngay. Không thì ông thành lính thổ phỉ Tàu, ông mà gặp chúng mày đâu, ông bắt.

Chi thật thà, hỏi:

- Nhưng mình người Việt Nam, đi lính Tàu thế nào?

Mọi người đều cười to.

- Chúng ta chỉ mất công nghĩ cái tên khác rồi cạo nhẵn cái đầu là xong thôi mà!

Thụ nhớ Mã Hợp. Cái đầu trọc, cái nón cói đại úp vào lưng, địu một địu củi. Bảo nó là người Tàu hay người Việt Nam thì cũng vẫn một người Nùng nghèo khổ ấy.

Nhà mộ lính to nhất ở trên cửa huyện, giữa phố Bạch Bảo Cai. Tiêng trống ầm ầm suốt ngày gọi người các nơi đến ghi tên rồi phát tiền ngay. Người không có việc làm, người đói các làng xung quanh lũ lượt hôm nào cũng đến, đứng tụ thành một gò người, đạp nhau chen vào.

Hùng đưa hai bạn đến. Bùi không đi được. Bùi còn đương rối mù quanh chuyện mất máy khâu. Ngay sáng hôm ấy, Thụ và Chi được ban mộ lính nhận ngay.

Hôm sau là ngày chia quân mới mộ đi các nơi. Trong nhà ở tạm, ngổn ngang người nằm đợi. Chốc chốc, lính thơ lại vào gọi to:

- Ra ngay cho quan điểm danh!

Rồi người lính thơ lại đọc tên ai thì người ấy đến đứng tụ thành một toán cùng bước sang sân nhà mộ. Có người theo sang xem, lát sau, về nói: đám ấy đi trong huyện... Chốc lại người vào đọc tên gọi một toán đi; người chạy theo xem, về lại kháo: bọn này đi Liễu Châu... bọn này đi Bình Tường... đi Long An... bọn này đi Hạ Đống, sướng chưa, đi trong huyện... chỉ đi trong huyện thôi...

Cuộc gọi tên chia quân cho các huyện kéo dài đến quá trưa, đã vãn mà Thụ và Chi vẫn ngồi ngong ngóng trong nhà ở tạm, chỉ còn lại lèo tèo mấy người vào lớp mộ hôm qua.

Tiếng xì xào:

- Chết chửa, càng gọi sau càng phải đi xa.

- Ta lần vào đám này mà ra cho nó gọi trước, không ai biết.

- Nó đánh chết!

- Liều đi, nhớ ra ngoài Long Châu rồi không lộn lại được. Đi xa thì cầm bằng như chết rồi.

- Ai dại! Nó biết, nó chém ngay.

Mọi người cứ nấn ná, bồn chồn.

Lát sau, Thụ và Chi, hai người được gọi một lúc - may quá. Cái may đầu tiên.

Hơn năm mươi người lố nhố ra đứng giữa bãi cỏ. Quanh bãi, chen nhau vòng trong vòng ngoài lúc nhúc những người nhà và người rỗi đi xem, cả nhiều người đợi ghi tên chưa được. Thụ nom rõ Hùng trong đám ấy, đương giơ nón vẫy vẫy vào. Có lúc đông quá người khác chen qua, lại mất hút trong đám nhốn nháo.

Phút chốc, một ông quan đeo kính bước ra, đứng lên hàng đầu cả toán, đọc lại tên một lượt, rồi nói:

- Những người này lên quân khu trên Vũ Hán...

Vũ Hán tận đâu... Tiếng xì xào nổi rộn, lan ngay ra vòng người sửng sốt xung quanh. Chi nhìn ngó chỉ thấy rối rít. Chi hỏi Thụ xem ai là Lương Tử Hồng, ai là Lương Tử Hồng để hỏi xem sao lại thế và có trông thấy Hùng đâu không, Hùng đâu. Nhưng giữa bãi cỏ rộng chỉ có hơn năm mươi lính mộ và người quan đeo kính lúc nãy gọi tên cả đám bây giờ đương bước vào trong nhà chỉ trỏ xua mấy người lính xách đại đao ra múa lên, dẹp cả bọn giạt vào bãi trong. Để đi Vũ Hán ngay lúc ấy.

Ngoài nhà mộ lại đương nổi trống. Đã vãn số lính mộ ở nhà tạm, lại nổi trống và ghi tên, phát tiền cho lớp mới. Nhiều người đi mộ lại chen đạp nhau vào, tiếng kêu gào rầm rầm vang lại. Chẳng biết Lương Tử Hồng là ai.

Cũng may thế. Ở đấy không ai biết Lương Tử Hồng. Nếu biết thì Thụ và Chi đã mất đầu rồi. Bởi vì, Lương Tử Hồng đã bị bọn quân phiệt phản động ở Long Châu bắt giết đêm trước rồi, mà Bùi không biết.

Mấy lớp người nữa xô đến, trèo cả lên vai nhau, nhảy xô vào chỗ bàn mộ. Thật không thấy Hùng đâu nữa. Chi hấp tấp bảo Thụ:

- Có trốn ra không? Đi Vũ Hán à?

Thụ nói chậm chậm, nghĩ ngợi:

- Cứ đi đã, Chi ạ.

 

---------------------------------------------------------------------
(1) Cơ quan của Thanh niên Cách mệnh đồng chí hội in bí mật ở hải ngoại.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 04:18:11 pm »

*

*          *

 

Thêm mấy bọn ở các nhà mộ khác cộng lại, bây giờ thành một đoàn ngót trăm con người từ Long Châu lên Vũ Hán. Có hai lính cũ đi kèm. Anh em gọi là ông bài trưởng (1). Nhưng chỉ thấy bài trưởng cầm cái gậy. Mấy hôm sau hỏi ra, cũng không phải hai người lính cũ ấy là bài trưởng.

Đến chỗ nghỉ đêm đầu, kiểm lại, thấy trốn mất ba chục người. Sau phải tập trung tiền của sở mộ phát cho toán trưởng giữ. Đến lúc một toán trưởng cuỗm tiền đi thì lại vỡ cả lũ. Nhưng có những người hết tiền rồi, vẫn ở ì ra. Đánh cũng không đi. Toán khác phải nuôi báo cô, cho theo. Sau cùng, chẳng biết ai nghĩ ra cách ấy, họ chia từng tốp năm ba người đi kèm nhau. Lúc đó, chỉ có ốm thì nằm lại chứ không còn người trốn. Nhưng lúc ấy cũng không ai trốn nữa. Vì dần dần, mù tịt đường đất. Đã xa quê.

Ròng rã, ngày đi đêm nghỉ.

Ngày lại ngày, hôm nay không ai biết mai ra sao. Mỗi lúc bước vào một thời tiết trái nắng trở trời khác nhau. Có hôm rét cắt ruột, có khi mưa rầu rĩ mấy ngày, có người đương đi cũng ngã ra chết.

Mấy ngày đầu, Thụ và Chi khiêng cái chảo gang to. Có được cái ấy của Chính phủ đế thổi cơm, còn thiếu thì nghỉ đâu mượn đấy. Không phải mọi người tử tế hoặc công bằng với nhau. Thụ và Chi khiêng chảo chỉ vì cái chảo nặng, không ai muốn khiêng. Nhiều người đi tay không, chẳng có một mảnh áo để thay đổi. Nhưng cũng lùi lũi đi, không biết có cái chảo.

Hai anh em khiêng chảo. Còn vui, vừa đi vừa hát lượn, có khi làm cô then hát buồn cười. Đến chỗ nghỉ, một người vơ củi, một người đi mua gạo về cặm cụi thổi cơm. Cơm chín, chia từng người. Còn mảnh cháy vụn dính chảo cũng chia hết.

Thế mà có người còn sừng sộ:

- Chúng mày thổi cơm xong chúng mày lại chia. Thế thì chúng mày ăn gian hết. Để tao ở giữa đứng ra chia mới công bằng được.

- Ừ thì mày chia.

Thụ và Chi nhường ngay anh nọ chia cơm. Cùng chịu nỗi khổ, dù có chút nào nhỏ nhen cũng chỉ là những người đáng thương. Bởi vậy, không chia cơm nữa nhưng hai người vẫn chịu khó vơ củi, đong gạo, thổi cơm, nấu nước, cọ chảo cẩn thận. Đến khuya, tắm nước nóng thoả thích mới xong việc và ngả lưng một chút. Rồi ngày ngày khiêng chảo đi.

Một hôm sắp được ăn thì xảy ra trận đánh nhau loã lợi chảy máu miệng, máu đầu. Có một người đứng rình rồi vẫy tay cho một bọn xúm lại đánh cái anh hôm trước sừng sộ tranh chia cơm. Thụ phải xô vào can. Bấy giờ mối hiểu tại sao họ đánh nhau. Bọn kia đã bắt được anh này vừa chia vừa ăn vụng, lại lấy trước phần mình to, lại thưởng riêng cho mình miếng cháy bằng bàn tay, bảo là công khó nhọc người chia. Buổi chiều càng lộn xộn. Chưa chín cơm, mấy bọn đã xô cả vào nhận chia, người đánh nhau loạn xạ chạy quanh bãi kêu khóc, táo tác một lúc.

Thấy thế, Thụ nói:

- Từ giờ, lại để tôi chia cơm. Anh em có bằng lòng không?

Những người đầu bò nhất cũng cười hỉ hả, kêu: được rồi! Được!

Thụ lại đứng ra chia cơm, chia thật phân minh. Từng miếng cơm chia đều, cẩn thận từng hạt rơi, làm cho mọi người cảm thông số phận lưu lạc phải dắt nhau đi. Họ không đánh nhau nữa. Mỗi ngày đường lại cùng nhau kể nỗi khổ đời mình. Thụ và Chi không nói cho ai biết mình là người Lạng Sơn. Nhưng họ hiền lành, hay giúp người khác, lại biết chữ. Ai cũng quý. Từ đấy về sau, mọi người bảo nhau thay vai khiêng cái chảo gang. Không để Thụ và Chi vác nữa.

Ròng rã hơn một tháng.

Một hôm, đoàn người đi lính mộ hỏi thăm thì biết họ đương đi gần tới Vũ Hán. Họ xin ông “bài trưởng” cho nghỉ lại một hôm ở ngoài thành. Không ai bảo ai mà đều có ý sợ, muốn nằm cho lại sức, không ai muốn đến chỗ trại giao quân mà người ta thấy mình lại tiều tuỵ quá. Nhỡ sở mộ chê ốm yếu thải ra ở đây thì thật chỉ có chết.

Qua sông Trường Giang, sóng đỏ lừ cao bằng đầu, đã khiếp! Đoàn người đói khổ cứ thấy thuyền bơi mãi chưa sang hết sông. Từ thuở bé, không ai thấy sông nào to đến thế. Sông này như sông về âm phủ, đã qua chắc khó trở lại.

Nhưng vào đến trại lính Vũ Hán lại vẫn nằm đợi, lại nằm trông ra cái bãi cỏ rộng, đằng cuối là chân tường cao. Ngày ngày, nghe trăm nghìn thứ tiếng ồn ào ngoài thành phố vang tới, càng sốt ruột. Có một người táo bạo, tìm được cái lỗ cống, chui ra, đi xem trộm Vũ Hán ra sao.

Tận chiều mới về. Chỉ ra ngoài có một buổi mà trông mặt mũi anh ta mờ mịt, chân đi thất thểu, người cao vêu hẳn hơn lúc đi.

Anh kể:

- Chúng mày ạ, tao đi xa lắm.

- Xa mãi đâu?

- Tao trở ra tận chỗ bờ sông hôm nọ. Tao đứng một lúc mà được xem mấy cái xác chết trôi qua. Người trên bờ tranh nhau lội ra lột lấy quần áo.

- Có gì nữa không?

- Cái chợ to gấp trăm chợ Long Châu, có mười cửa vào.

- Mày kiếm được gì ăn mà đi cả ngày thế?

- Cũng như Long Châu.

- Nhiều thứ lắm hả?

- Chẳng có thứ gì, chỉ nhiều ăn mày, nhiều người hủi.

- Có vào chợ xem không? Chợ cũng thế à?

- Cổng chợ nào cũng có cọc để bêu đầu, như chợ dưới Long Châu ta, đông hơn dưới ta, mỗi cổng năm cọc, cọc nào cũng có cắm đầu lâu mới...

- Thôi, đừng nói nữa!

Đến tối, Thụ mới hỏi người ấy:

- Chợ có thấy người bán củi không?

Nghĩ một lát, anh ta mới nói, không hiểu sao lại lắc đầu:

- Nhiều lắm, chợ toàn người bán củi.

Nhiều người cũng nghe tiếng và cùng thở dài. Thế thì Vũ Hán còn khó hơn Long Châu.

Hôm sau, anh chàng táo bạo ấy không chui cống ra phố chơi nữa.

Đến một tháng qua rồi.

Ngày kia, có người xuống gọi cả bọn lên cho quan hỏi. Chưa trông rõ người đã nghe trong nhà có tiếng chửi mắng lát sát ra:

- Tỉnh Quảng Tây bãi lệnh lấy lính đã lâu mà chúng mày còn nằm vạ Chính phủ ở đây à? Muốn vào tù không? Ban mộ lính ăn cắp tiền của Chính phủ ở Long Châu đã chết chém cả rồi đấy! Chúng mày biết chưa?

Tiếng quát lớn thúc ra:

- Cút ngay!

Chưa ai trông thấy ông quan trong nhà, cả bọn đã bị lính đẩy hết xuống thềm. Hai lính chạy ra xách đi mất cái chảo vẫn thổi cơm mọi khi.

Có người khóc hu hu:

- Các người đem tôi đi, bỏ chết tôi ở đây à?

Một người quan nào ấy cũng đeo kính trắng như thằng quan ở Long Châu ra trỏ tay cho một lũ lính khác xông đến đánh túi bụi. Chúng vừa đánh vừa xỉ vả:

- Mấy tháng ăn vào tiền của Chính phủ rồi, còn muốn ăn đến lúc chết chém như bọn mộ lính ở Long Châu mới thôi à?

Người ta nằm lăn ra đấy, cho đánh. Đến lúc chúng nó hô thêm nhiều lính nữa đem lưỡi lê và đại đao sáng trắng như vôi ra toan đâm, bấy giờ mới chịu chạy. Thế là chúng tống được cả bọn ra cửa, tống luôn cả hai ông “bài trưởng” ra. Hai “bài trưởng” mất nốt chân lính! Họ kêu khóc, gào thét váng cả quãng đường. Người đi đường cũng không ai xúm lại xem. Cảnh huyên náo như thế ở cửa trại lính, đâu cũng thế, cũng là chuyện thường ngày.

Cái thành phố Vũ Hán, ăn mày ngổn ngang ngoài đường nhiều hơn người làm, đi suốt buổi vẫn chỉ thấy gạch và đá dưới chân. Biết nậy gì lên mà ăn cho sống người!

Và còn ghê hơn câu chuyện người hôm nọ chui cống ra phố về kể lại. Mỗi ngã ba ngã tư đường đều có cọc bêu đầu. Ngang nhìn đâu cũng thấy đầu lâu người. Nhặng xanh bay từng làn như khói trên thành phố. Từ khi Hứa Khắc Tường mở đầu cuộc phản hợp tác Quốc Cộng ở Trường Sa thì tình hình cách mệnh Vũ Hán dần dần nghiêm trọng, cho tới ngày 15 tháng bảy 1927, Uông Tinh Vệ trong Chính phủ Vũ Hán tuyên bố hợp tác lại với tập đoàn phản động Tưởng Giới Thạch ở Nam Kinh, chúng ra mặt chống cách mệnh thì Vũ Hán trở thành lò sát hại đảng viên cộng sản, quần chúng cách mệnh và nơi giết ngưòi cướp của suốt ngày đêm, lúc đầu còn nghe tiếng kêu khóc bây giờ người bị giết cũng im lặng, thành phố như cái tha ma. Đường vắng tanh. Chỉ có lính Quốc dân đảng đeo đại đao đi đi lại lại dưới những cái đầu lâu. Chốc chốc, một chiếc xe la kéo chất đầy các thứ chúng vừa cướp được ở phố nào, ầm ầm qua.

Không thể nán lại. Chỉ mấy bước chân cũng mấy lần trông thấy cái chết treo lơ lửng trên đầu mình.

Đến chiều thì cả đám tản dần đi đâu không biết. Cũng biến mất; không thấy hai ông “bài trưởng” bơ vơ kia nữa.

Còn lại mười mấy người ngơ ngác nhìn nhau.

- Tôi ở Phật Sơn.

- Quê tôi ở Hạ Đống.

- Nhà tôi ngay ngoài trấn Long Châu.

Thụ nói:

- Chúng ta trở lại Long Châu.

Thế là những người còn lại, trở về. Họ đã đói, đã nhẵn túi. Không, thực ra, chẳng ai bảo ai, nhưng người nào trong lưng cũng còn găm được ít tiền. Cái tính cẩn thận của người nghèo bao giờ cũng biết giữ mình như vậy.

Hàng tháng trời đằng đẵng mờ mờ trước mắt, đường trở về.

Khi qua Trường Giang, có một người đâm đầu xuống sông. Tưởng như chuyến phà Trường Giang giữa trưa hôm ấy còn dằng dai lâu đến bến thì còn có người nữa, có người nữa trẫm mình chết mất.

Một hôm, qua một đám rừng thưa. Phía xa, nhấp nhô những đồi cỏ. Thụ bảo Chi:

- Cây lẫn đồi đất thế này hay có giống thỏ rừng ở. Chúng mình vào tìm xem có không.

Ở Lũng Nghìu, ở Bản Đảy, Thụ đã thấy người đi đuổi bắt thỏ không cần chó săn. Giống thỏ rừng, con nâu con trắng, hay thập thò ra kiếm ăn ban ngày trong những đồi tranh thấp. Hễ bị đuổi, thỏ chạy một đỗi dài, gặp bụi cây, thỏ quanh một vòng, đánh lạc hướng người đuổi - hơi thỏ và dấu chân thỏ đã lẫn mất - bấy giò thỏ mới tót vào ngồi gọn giữa bụi. Chó săn cũng chịu không biết đâu đánh hơi. Nhưng người khôn ngoan đã biết cái thóp loài thỏ rừng như thế, không tìm quanh quẩn đâu cả, mà lúc ấy chỉ việc xô thẳng vào giữa bụi cây, nắm cổ chú thỏ còn đương ngồi thở.

Thụ và Chi đã biết cách thế, hôm ấy bắt được hai con thỏ to. Đem về thui rồi nướng rồi xé ra, chia nhau chấm muối ăn. Đã lâu cả bọn mới được ngửi mùi thịt thơm.

Nhưng đường đi không phải hôm nào cũng qua đồi tranh và có bụi sim, bụi mua và có thỏ rừng ra cho mình đuổi bắt.

Lâu mãi mới lại đến một hôm đi đường gặp đồi tranh và vào tìm thì trông thấy chú thỏ thập thò. Mừng quá, cả bọn cùng xô vào bắt. Phép bắt thỏ rừng là phải căng sức đuổi xốc nhanh một quãng dài, quần cho con thỏ chóng lử, nó càng chóng phải nhảy vào bụi.

Nhưng bọn người này chỉ đuổi được một quãng, chân tay đã đuểnh đoảng, gáy toát mồ hôi lạnh, chưa tới bụi rậm nào mà con thỏ thì đã biến tận đằng xa. Bởi vì chẳng ai sức đâu đuổi nổi thỏ nữa. Mỗi ngày, con thỏ vẫn chạy nhanh như mỗi ngày, còn con người thì yếu dần mòn đi. Từ ấy, trông thấy thỏ cũng chịu. Có lần ngon mắt quá, lại đuổi. Nhưng chỉ được hai ba người cố lao theo một quãng, lần này chỉ một quãng ngắn, rồi cũng thở dốc, tái mặt, buông phịch người xuống, nhìn theo con thỏ đương mất hút.

Buổi tôi ấy, nghỉ lại. Người lo việc thổi cơm hôm sau đi hỏi tiền góp của anh em. Một lát, trong bóng tối ở cái điếm cỏ đầu xóm, mà cả bọn ngủ lại ở đấy, người ấy tuyên bố:

- Không ai còn đồng nào bỏ ra nữa đâu!

- Có thật không?

Sự thật ghê rợn đã đến mà chưa ai tin là thật.

Một người nghĩ thế nào, rồi bàn:

- Tao nghĩ ra một cách làm được thì sung sướng ngay. Ta đông thế này mà cũng hãy còn sức, hay là ta xoay ra đi ăn cướp.

Thụ can:

- Không nên. Đừng làm người khác khổ nữa.

Một người nói bải ra:

- Khoác thế chứ cũng chẳng ăn cướp nổi cái gì đâu. Đi ăn cướp cũng phải to vốn liếng, có thằng dắt đất, thằng trèo tường, thằng nạy cửa, đằng này không có đứa đưa đường, không súng, không dao, không có cả bó đóm tốt để bật hồng. Ấy đấy, ăn cướp mà không xuất vốn thì hóa ra ăn mày, ăn mày cụt đầu.

Không ai còn cãi nổi câu nói kèm theo con tính thành thạo, kỹ lưỡng ấy. Mọi người ngồi im. Đêm cuối xuân sang hè mát rợi hơi cỏ non mà cổ cứ khát đặc quánh lại, không thở được. Lo quá.

Lát sau, một người lại bàn:

- Hay là mai ta đi hỏi xem làng nào có việc làm. Đập đất, đào móng, đóng gạch, ngói, bới khoai, rào vườn... được cả.

Việc ấy có vẻ dễ nghe và làm được. Ai nấy khấp khởi hy vọng. Nhưng mới qua nửa buổi sáng hôm sau đã lặng người. Hỏi đâu cũng được nghe câu trả lời tương tự:

- Vùng này mất mùa đương sắp đem giết bớt người đi, chúng mày muốn đi giết người thuê thì may ra có việc.

Nhiều người thở dài, rơm rớm nước mắt.

- Giá người ta có làm phúc mà mượn thì tay tôi cũng không cầm nổi cái xới nữa rồi. Sắp chết đói cả. Đành đi ăn mày xem còn sống thêm được ngày nào nữa thì sống.

Thụ nói:

- Đến nước này thì phải đi ăn mày thật, anh em ạ. Ta cứ thử đi, đến bữa thì chia nhau vào xin trong xóm. Cứ nói thật là đi mộ lính, bị quan lừa, phải thải về, không có lương ăn đường, nhờ bà con giúp cho sống về được đến quê. Nói thật vậy, may ra...

Đấy cũng chẳng còn là điều mới nhất Thụ nghĩ ra. Cái thế cùng đường phải vậy. Tiền đã hết và cũng chẳng có cách nào khác. Từ hôm sau, mọi người cứ đi. Gần bữa, đến làng thì tản vào xóm, mỗi người đến một cửa. Gặp bữa ăn, đầu ngõ hay giữa sân của một nhà nông dân nghèo, tiện tay và thương người, nhà này cho miếng ngô, nhà kia miếng cháy, một củ cải... Khéo xin vài nhà thì vừa bụng.

Có người thừa, còn đem ra cho bạn. Tháng trước, vẫn hay ăn trộm vặt của nhau, bây giờ mọi người xót nhau như ruột thịt.

Nhưng cũng có hôm chẳng được gì. Đen nhất là những anh vốn cao lớn, lại rậm râu. Người trong xóm vừa trông thấy đã quát đuổi bảo đấy là quân cướp, chỉ vờ đi dò la để dắt đất. Có khi họ đánh, có người bị đánh no đòn, sưng húp cả mặt.

Mỗi lần đi xin ăn về, lại kháo hỏi nhau bối rối, loạn xạ. Mỗi lúc mỗi người rủi may một số phận. Có người chẳng may phải nhịn, nhịn thông luôn mấy hôm. Có người đi xin ăn lại được chủ nhà giữ lại, bảo ở đi cày, ở quảy gánh hàng đi chợ. Người ấy ở lại luôn, không về Long Châu nữa. Ai cũng đương thèm được ở lại quê người như thế.

Đoàn người lênh đênh, tha thủi, ngày nào biết ngày ấy, không ai biết còn sức lê nổi tới đâu. Nhưng nếu không nằm xuống thì dù thế nào cũng là đương bò dần được về phía nam.

Có lúc đằng cái chân trời mong đỏ mắt kia hình như thoáng thấy bóng bụi tre quen quen. Bụi tre thật. Hỏi thăm đã gần tới Nam Ninh, đã lác đác thấy cánh đồng có cây tre. Dẫu sao, ai nấy cứ khấp khởi sắp đến quê. Mặc dầu, ở những nơi chôn rau cắt rốn kia, cũng chẳng có gì chờ đợi ai cả.

Và mỗi ngày càng khó khăn hơn, nhất là từ sau Tết Thanh minh tháng ba. Cái Tết ấy vào đầu mùa làm ăn, người già đi tảo mộ, cô gái Nùng có giày mới, cô gái Hán chít khăn hoa, các cô nhởn nhớ đứng chơi từng bọn ngoài ngõ rồi rủ nhau lên đồi ngồi khâu khăn và nhìn xuống đường xem người qua lại. Dưới đường có một đám đông thanh niên, trong đám có hai chàng thanh niên Thụ và Chi gày ốm rách rưới đi qua thì các cô không nhìn thấy. Thụ cũng không lấy thế làm xấu hổ mà chỉ nghĩ đời cách mệnh phải gian truân, cố sao cho sống, gặp được cách mệnh. Nhưng những hôm Tết nhất ấy, người đi xin ăn được thật thoả thuê, vào nhà nào cũng chén xôi, có khi được hớp rượu uống nữa. Cứ hôm nào cũng thế này thì đi bằng bay về rồi.

Nhưng cái Tết tháng ba này cũng là bữa cỗ rút ruột người làm ruộng. Bà con trong làng chén đẫy một ngày rồi từ đây, người người lại vùi đầu ra đồng, móp bụng lại đợi mùa đến mới có cái ăn.

Người đi xin dọc đường cũng chỉ no một ngày rồi lại đói theo, đói thêm nữa, càng thêm khốn khó.

Thụ đã hốc hác lắm. Người chỉ còn như bộ xương biết đi lênh khênh. Da Thụ vốn trắng, bây giờ bệch như giấy. Còn chân thì hình như chân dài hơn trước. Tuy vậy, Thụ vẫn gượng được. Chi thì khặc khừ lắm. Người quắt đến nỗi chỉ còn thấy cái đầu mỗi hôm một to ra mà thôi. Thỉnh thoảng, Chi lên cơn sốt.

Có những hôm, đến chỗ nghỉ, Chi thiêm thiếp nằm, không nói. Nhưng sớm hôm sau dậy, lại cố đi. Những hôm ấy, may cũng có khi Thụ kiếm đâu về được một củ khoai hoặc một nắm đậu luộc cho Chi. Nhiều đêm, nằm cạnh nhau, lặng im, nhưng thương nhau không biết đến thế nào.

Chi vốn ít nói và hay buồn.

Chi mồ côi mẹ từ khi lọt lòng. Hình ảnh người mẹ mà Chi không biết mặt lúc nào cũng tha thiết nhớ, như đường cách mệnh mà Chi sôi nổi nghĩ khi đến tuổi thanh niên. Nhà Chi có họ ngoại bên Nhân Lý. Còn nhỏ, Tết tảo mộ tháng ba, Tết rằm hay Tết nhất Chi thường được sang bên ấy, đã quen Thụ. Những năm sau bố Chi lấy vợ kế. Rồi cũng nhạt, ít về bên ngoại. Bố Chi nghiêm và đối với Chi khác tính, từ đấy Chi cũng không đòi sang Tết bên họ ngoại nữa. Đến khi ra học Lạng Sơn thì gặp lại Thụ và hai ngưòi trở nên đôi bạn thân thiết. Càng ngày càng thân, cho đến khi Chi cùng Thụ rủ bạn lập tổ Thanh niên, rồi cùng nhau bỏ nhà qua biên giới, đi tìm cách mệnh, đến bây giờ.

Chi khẽ hỏi Thụ:

- Chúng mình đến Nam Ninh rồi a?

Thụ đáp: “Gần tới”, rồi nói đùa cho Chi vui và khuây khoả đi:

- Mày nhỉ, cái suối ban chiều chúng ta lội sao nhỏ mà lắm cá, giống những suối mùa cạn đặc cá anh vũ thịt thơm như thịt gà, ở Thất Khê.

- Ừ nhỉ. Trông mày lúc lội suối đuổi cá hai tay nắm hai con cá, lại cắn một con trên miệng. Hệt người úp nơm trên sông Bắc Khê.

Nghĩ thế, họ tưởng đã sắp về đến Lạng Sơn.

Thụ nói:

- Chi cố nhé, còn gần lắm. Ta đi được quá nửa đường đã lâu rồi.

Chi cười:

- Từ chặp tối mình ngửi thoảng mùi hoa bưởi vườn nhà ai đưa tới, mình thấy khoẻ lắm rồi. Tháng trước qua Nam Ninh mình thấy hoa bưởi nhiều như ở đường sông Kỳ Cùng, chỗ Bản Thẳm sang lên dốc Kéo Sa về Nhân Lý ấy, đến mùa đi qua đấy tha hồ hái bưởi ăn, Thụ nhớ không?

- Này Chi, có khi ở Long Châu bây giờ có liên lạc của cách mệnh đến rồi.

- Ừ, chuyến này về Long Châu.

Thụ sôi nổi:

- Chi có nghĩ như Thụ không, chúng mình chuyến này về đến Long Châu thì đã thành một người luân lạc, xốc vác lắm rồi, mình có thể đi kiếm củi, có thể làm nghề đốt than, chỉ khổ thôi chứ không khó như anh Bùi nói đâu. Bùi có cái máy khâu, chỉ biết ngồi đạp máy nhàn nhã nên cái gì cũng thấy khó mà thôi. Chúng ta sẽ ở Long Châu, làm gì cũng làm được, đợi cách mệnh cho kỳ được, Chi ạ.

Rồi Thụ đứng dậy, vươn vai:

- Mới mấy tháng mà nghĩ lại như mấy năm.

Hôm sau, đi trong bọn, Chi thấy mình khoẻ, rảo bước nhanh hơn. Có phải vì lòng phấn đấu và những niềm hy vọng trong câu chuyện đêm qua. Nhưng chẳng may suốt ngày hôm ấy lại không kiếm được một miếng. Đến chiều thì Chi đã mệt lắm. Qua một cánh đồng rộng sang đầu xóm kia, trời sắp tối. Mọi người trông thấy những thửa ruộng khoai tháng ba vừa dỡ, dây khoai còn dằng rợ trên mặt luống đất đỏ ngòn. Một người kêu:

- Có bữa đây rồi, anh em ơi! Mót khoai!

Quả nhiên, bới một lúc, được hàng chục củ khoai kẹ. Thụ bảo Chi bới tiếp để Thụ vào xóm xin nước và tìm chỗ nghỉ cho cả bọn.

Trời chạng vạng. Mặt trăng đầu tháng đã nhợt nhạt lơ lửng trên cành liễu sau lưng. Vừa vào đến giữa xóm, Thụ nghe ngoài đồng ai nói xôn xao rồi tiếng quát ầm ầm. Từng tràng mõ nổi ngay đầu đường, trước còn lác đác, sau dồn dập lan xa, rồi khắp bốn phía vẳng lại tiếng mõ trong lúc trời đã buông tối xuống hẳn. Cả vùng sôi sục nổi mõ.

Ở Văn Uyên, Thụ đã biết cái lệ khi có cướp vào thì các xóm quanh đấy nổi mõ báo cho nhau rồi cùng hò reo vác dao gậy ra đón đánh cướp. Có lẽ đây cũng thế. Thụ vội chạy trở lại chỗ cũ.

Một toán gậy tày, tay thước, đinh ba, rầm rập đến. Trong xóm trước mặt, người đổ ra nữa, đông nghịt.

Thụ hỏi to vào giữa đám:

- Có việc gì đấy?

- Cướp!

Ai cũng kêu: cướp! cướp! Nhưng không ai biết cướp ở đâu. Tiếng mõ vẫn xói lên khắp cánh đồng.

Thụ đến đầu đường, vào chỗ mộng khoai lúc nãy. Đám người xúm quanh bó đuốc to vừa rực sáng. Toàn người lạ. Không thấy Chi, không thấy một anh em nào còn trong ruộng. Một người đeo cái đèn ba pin bên sườn, tay cầm mã tấu, đứng chỉ trỏ - Thụ đoán là hương trưởng (2).

Thụ đến hỏi người này:

- Thưa quan, gì đấy ạ?

Một người quát:

- Thằng này mê ngủ à, đám giặc to về nấp trong ruộng này đợi tối vào cướp. Nó vừa tháo sang bên kia...

Tiếng gọi, tiếng thét rối rít bốn phía: đuổi đi! Đuổi đi! Mõ nữa lên! Nữa lên!

Thụ đứng ra, xua tay:

- Không phải, không phải đâu...

Mới nói được thế, người hương trưởng đã sấn đến, giơ con mã tấu ngang mặt Thụ:

- Mày là thằng nào?

Cái đèn pin rọi theo chói loé giữa mặt Thụ.

- Trời ơi, thằng này ở đâu đến đây?

- Thằng kẻ cướp mới chui lại!

- Đúng rồi.

- Cướp! Cướp!

Người bu đến, bối rối, lại vừa chạy vừa kêu.

Lập tức, Thụ bị gô cả tay chân lại, khiêng vào trạm tuần. Rồi họ trói Thụ đứng ôm cột điếm. Người canh rậm rịch cả đêm.

Hôm sau, hương trưởng đem đến mấy người nữa có cả súng và một cái gông gỗ nghiến nặng đóng xuống khuýp trĩu cả vai và làm cổ Thụ rớm máu. Mặc những tiếng quát nạt ầm ầm, Thụ trình bày việc bới khoai, rồi kể lại chuyện cả bọn mộ lính bị thải, đi ăn mày dọc đường hàng tháng nay rồi. Lạ thay, kể đến đâu thì tiếng la chửi dịu đến đấy. Rồi không hiểu mấy người chức việc trong làng nọ tin lời Thụ hay vì họ trông thấy Thụ gày yếu, đẩy củng ngã, khó lòng đi ăn cướp nổi, họ cởi trói cho Thụ.

Rồi họ tháo nốt gông, thả Thụ đi. Lại cho một túi ngô xay, đeo theo.

Nhưng Thụ đi mấy ngày sau cũng không gặp lại ai. Từ hôm ấy, Thụ đi một mình.

 

*

*          *

 

Lang thang mãi một hôm về đến chợ Liễu Châu.

Thụ dạo một vòng quanh chợ xem xét. Nhưng chưa nghĩ ra cách gì có thể kiếm ăn được. Chợt nghe tiêng thanh la rộn rã đằng kia. Và trẻ con đương rùng rùng chạy cả đến đằng ấy.

Một đám bán thuốc cao vừa tới. Gọi là đám, nhưng chỉ có hai người.

Hồi ấy, ở Cao Bằng, Lạng Sơn hay bên kia biên giới cũng thế, trong các chợ quê hẻo lánh, những ngày phiên chợ thường có người đi rong bán thuốc cao, kèm theo múa võ hoặc làm xiếc, làm quỷ thuật để kéo khách tò mò đến đông, cho dễ chào hàng. Đôi khi họ dắt theo một con khỉ, một chú gấu con tinh quái. Hoặc một con trăn để trăn quấn vào cổ người, con trăn hiền lành như cái khăn quàng ngóc đầu ngóc đuôi. Cứ thế mà phiêu bạt, đuổi theo miếng ăn hàng ngày, họ lang thang khắp mọi nơi.

Trong khi thanh la gõ liên hồi, rầm rộ như có cả trăm ngưòi nhảy múa thì một người lom khom chạy đóng cọc, chăng thừng thành một vòng tròn. Và một người đứng tuổi cầm thanh la từ từ nhích ra cho đúng giữa vòng, nhìn chằm chằm vào những ai vừa tới rồi hét. Sau một câu lại nhịp ba tiếng phèng phèng phèng... phèng... và hét:

- Cao Sơn Đông gia truyền hai mươi nhăm đời... phèng phèng phèng...

- Quý khách sắp được xem bài “kim kê độc lập” võ Sơn Đông... phèng phèng phèng...

- Nhọt mưng mủ, nhọt bọc, lên đinh, càng cua, sâu quảng, vết chém bị thương lâu có giòi, nhức đầu, đau bụng, trẻ con khóc đêm, người già mờ mắt, vợ chồng lấy nhau lâu không đẻ... Mua một lá cao Sơn Đông... phèng phèng phèng...

Hét xong bài giới thiệu ấy rồi người bán thuốc bưng cái khay gỗ mộc ra, mở nắp đi quanh bốn phía cho khách trông thấy trong khay nhếnh nhoáng những lá cao, lá đen và lá đỏ. Trong khi ấy người căng thừng lúc nãy đã cởi phăng áo, móp bụng lại, nghiến răng đến bạnh hai quai hàm, xuống kiểu “trung bình tấn”, khoa tay lên toan dạo một đường quyền. Nhưng vừa hay có người hỏi mua lá cao. Anh bán thuốc bận. Lập tức anh này dừng múa, nhỏm người, bước nhanh đến nhặt cái thanh la. Rồi đứng ngay ngắn, hét ra từng câu, đại khái như anh đứng tuổi lúc nãy.

- Cao Sơn Đông gia truyền mười đời...

- Nhọt mưng mủ, nhọt bọc, trẻ con hay khóc đêm... đái giắt... vợ chồng hiếm hoi...

- Khỏi hết... phèng phèng phèng...

Phèng phèng phèng... Hình như những người bán thuốc sợ nếu ngừng gõ thanh la thì cả cái chợ ầm ĩ như vỡ tổ ong kia sẽ không còn ai biết đến cái vòng thừng bán thuốc nữa. Bởi vậy, lúc nào họ cũng thay nhau hò hét và gõ đinh tai, váng góc chợ, to nhất chợ. Có độ ba đám bán thuốc cao thì ai ở xa nghe tưởng cả chợ chỉ có người đi mua và bán thuốc cao.

Nhưng cả buổi cũng chỉ bán được vài ba lá nhì nhằng. Khi chợ vãn, anh cởi trần múa võ mặc lại áo và bắt đầu nhổ cọc, cuộn thừng.

Thụ bước đến, tủm tỉm cười, nói:

- Tôi xin vào giúp các ông được không?

Người có tuổi cầm khay thuốc, ngẩng lên, nhìn Thụ:

- Mày biết làm gì?

- Rao thuốc, gõ thanh la, múa võ như lúc nãy... việc gì ông sai tôi cũng làm được.

Người cầm khay thuốc không nói thêm, lặng lẽ đưa cho Thụ xách cái thanh la đồng đã rè và sứt một miếng to, và khi anh chàng múa võ cuộn xong cái chão thì vo lại một ôm, lổn nhổn cả những chân cọc như những gốc mía mới nhổ, anh ném tất lên vai Thụ.

Như vậy, Thụ hiểu mình đã thành người của đám bán thuốc cao ấy.

Bữa chiều, không có cơm. Nhưng đã lâu, Thụ mới được một lúc chén ngon lành cả bốn củ khoai luộc.

Việc đầu tiên trong nghề là ngày ngày, Thụ vác dao đi các bờ rào đầu làng chặt nhựa cây duối, nhựa cây đa đem về trộn với nhọ chảo, bồ hóng và gạch non tán ra giả làm hồng hoàng rồi hòa với ít nước cốt đặc của người chủ gánh đưa cho, chưa biết làm bằng gì, nhưng Thụ ngửi đúng mùi dầu hồi. Lúc đun, quấy riêng chảo đỏ hồng hoàng giả, chảo đen bồ hóng nhọ nồi, rồi phết ra giấy bản từng lá đỏ lá đen nhấp nhánh, cập lại, phơi ra nắng rồi đem vào phơi chỗ mát thành một dây lá thuốc cao dài như quần áo phơi. Tất cả mấy chục thứ bệnh chỉ chữa bằng hai thứ cao màu đỏ màu đen ấy.

Đám bán thuốc rong ghé mỗi chợ một phiên, lại đi. Có những ngày mưa, nhỡ đường, phải ở lại phiên nữa. Nhưng gõ phèng phèng, hét cả buổi sái cánh tay và sái quai hàm cũng chỉ còn có trẻ con nhao nhác chạy đến xem mà thôi. Chợ nào cũng có hàng chục đám bán thuốc cao chen vào kiếm ăn. Bây giờ, thuốc cũng như củi của Mã Hợp, nhiều người bán quá.

Nhưng Thụ vẫn theo đám được, không đến nỗi khốn đốn. Mọi khi, chưa có Thụ đến, gặp chợ may mắn được đắt hàng bán hết thì họ phải ngày nghỉ ngày bán để đi chặt nhựa đa, nhựa duối về nấu. Bây giờ vẫn đi chặt nhựa chế thuốc, mà ngày nào cũng ra chợ được.

Thỉnh thoảng, đến lượt Thụ ra cắm cọc, chăng thừng, gõ thanh la. Chỉ hai phiên chợ được ăn ra bữa, Thụ lại sức ngay. Và đã múa võ được cho anh kia đổi tay đi chặt nhựa. Anh ấy khoe ngày trước anh học võ Sơn Đông chính phái. Còn Thụ thì nói kiểu chảo mã tấn, miếng phượng hoàng của mình là quyền thuật phái Thiếu Lâm. Đường võ của Thụ cũng gọn lắm.

Nhưng hai phái võ Thiếu Lâm và Sơn Đông ở đây chẳng biết kình địch đánh nhau bao giờ. Có lẽ vì hai tay võ chỉ trổ các ngón ra vì việc phải làm, múa võ cũng như nấu cao và chăng thừng đóng cọc hay quảy hòm và thổi cơm chỉ vì miếng ăn, chứ không phải vì ganh đua, cho nên không ai ghen tài ai cả. Chẳng biết võ của Thụ có phải là võ lò Thiếu Lâm, hay là gì nữa, thật ra đó là những miếng võ Thụ học lỏm được trong mấy truyện kiếm hiệp Tàu. Hồi ở nhà khi Tết, Thụ cũng hay lùng vào đám có bọn trai Nùng ở Phố Lẩu hay quần thảo, đấu võ và ngồi kéo cánh tay thử sức nhau cả đêm. Thụ mải xem lại tinh ý đã học được. Ai ngờ mà có lúc đem ra đời kiếm sống!

Có ngày chẳng bán được một lá thuốc. Ngày ấy không thổi cơm, mỗi người chỉ được một suất vài củ khoai hay cái bắp ngô. Nhưng cũng không thế khổ nào bằng khi đi ăn mày nữa. Thụ chăm chỉ, hiền mà vui tính. Hai người kia đều mến. Đi lâu rồi hỏi ra họ cũng là người nghèo ở Liễu Châu, bỏ làng đi, đã đến tận Hồ Nam, vẫn không kiếm được nghề gì khác mới nghĩ ra cách bán thuốc. Mấy năm nay, cứ định dành dụm tiền mua lấy con khỉ hay con trăn, như đám bán thuốc tươm tất hơn, cố dạy loài vật làm trò để đỡ khó nhọc cho người một tý. Nhưng vẫn chưa có tiền. Lúc nào cũng chỉ nhùng nhằng mấp mé khỏi đói thế này thôi.

Càng đi xuống, phong cảnh càng quen mắt, mênh mông là những vùng hoa mua tím nhờ nhệch, những đồi sim nở đỏ thậm, đến lúc tàn thì nhạt trắng, như cái áo cải hoa cũ rách loang lổ của người đàn bà Hồ Nam ngồi bới củ ngoài đồng. Con tắc kè kêu gọi bạn trên núi đá sao nghe đêm quen thế, buồn thế. Chú gà gô cứ gáy eo éo suốt buổi trưa trong lòng trũng trái đồi trọc. Thế là Thụ đã đi qua hết mùa xuân vào giữa mùa hạ từ Vũ Hán về đây.

Thụ bàn khéo với anh em:

- Chúng ta cứ thẳng đường này xuống Long Châu rồi xin đồn Tây cho sang Lạng Sơn. Lúc còn ở nhà tôi vẫn nghe nói bên Lạng Sơn cũng kiếm ăn được. Những tháng giáp hạt người ta hay chạy sang đấy mua sắn.

Họ đi men dần từng chợ xuống phía nam. Một ngày kia, đến Long Châu.

Gánh bán thuốc ghé lại hai hôm ở chợ Long Châu. Thụ đã toan đi. Nhưng nghĩ thế nào, quyến luyến chưa nỡ rời. Nhờ anh em ấy mà Thụ về được đây, mà có lẽ đã được thoát chết nữa. Cứ nghĩ bang khuâng, Thụ lại theo anh em xuống tận chợ Ải Khẩu, ở thêm vài ngày.

Rồi một hôm. Thụ nói:

- Các anh ơi! Tôi vừa gặp người ở quê tôi ra chợ. Người nhà nhắn tôi phải về Hạ Đống ngay, các anh ạ.

Cả hai người đều tiếc Thụ.

Chắc rồi gánh thuốc ấy cũng chẳng đủ tiền đút quan Tàu, quan Tây hai bên cửa ải để xin được giấy vào Lạng Sơn. Những người bán thuốc rong lại lưu lạc đâu, không biết.

 

*

*          *

 

Thụ đã bước vào tận trong nhà, Bùi nhác nhìn, nhưng tưởng người bán củi đến lấy tiền. Đến lúc trông lại, mới ngờ ngợ nhận ra.

- Thụ phải không, giời ơi! Hùng ra đây, nhắc luôn...

Rồi Bùi kể luôn, vẫn hấp tấp thế:

- Chi ốm suýt chết vẫn nằm nhà đằng kia kia.

Thụ nhảo vội đến đấy.

Trong lúc Thụ phải bó buộc giang hồ đi bán thuốc kiếm ăn thì Chi đã lần mò về tới được Long Châu.

Tại sao mà về được! Chi cũng không biết. Chi chỉ nhớ mờ mờ là anh em vẫn xin ăn mà lần đi. Có anh ốm chết. Chi càng ốm, nhưng không chết và anh em không nỡ bỏ, nhiều hôm Chi không lạch đi được, đã phải cáng theo. Người ốm cáng người ốm, thương tâm quá. Mò về đến Long Châu thì Chi chỉ còn đủ sức ngã vào nhà Tân - một đồng bào Việt Nam cũng làm thợ may ở Long Châu. Chi ốm mấy tháng không dậy, rụng hết tóc.

Trông thấy Thụ, Chi mừng quá, ngước đầu, loá nước mắt:

- Tao tưởng nó bắn mày chết ở ruộng khoai rồi, Thụ ơi!

Thụ nghẹn ngào cười:

- Chết thế nào được!

Chi cũng cười mếu máo:

- Thật đấy, không thể chết được! Trông thấy mày thì tao khoẻ hẳn lên, mai tao đi kiếm củi ngay được.

Nhưng Chi lại nói:

- Không phải về Lũng Nghìu kiếm củi đâu, Thụ ạ.

- Ờ.

- Tao đợi khoẻ là tao đi làm công nhân luôn thôi.

- Hay nhỉ!

Rồi hai anh em cùng lặng im. Bên kia sông, tiếng ve núi kêu trong rừng hồi, giữa mùa nắng vẳng lại, như tiếng kèn vui vui, đều đều. Nửa năm trời gian nan đến cùng kiệt, như một trận thử sức với đời. Nhớ khi vào mộ lính, Thụ nói: “Cứ đi, Chi ạ”. Chỉ vì đương lúc anh em gặp khó khăn, họ không muốn phiền luỵ ai. Đi để sống, quả nhiên, lại thấy nhau ở đây. Mà bây giờ thì làm gì cũng được! Chúng ta đã khác lắm, Long Châu, nơi sôi nổi những hy vọng khi chưa bước chân tới. Hình ảnh một Long Châu tưởng tượng trong tâm hồn hai người vẫn đẹp đẽ và hào hứng nguyên như ban đầu.

Long Châu này chưa phải Long Châu ấy. Trấn Long Châu của hai người thanh niên sẽ hiện ra cùng với con đường cách mệnh cứu nước mà Thụ và Chi ra đi tìm gặp, trải những ngày gian khổ qua, vẫn rực rỡ lòng tin.

Rồi Thụ hỏi:

- Làm công nhân thế nào?

- Mày còn nhớ bọn Sơn không?

- Hai người bị lính Quốc dân đảng bắt ở Bó Sa đêm ấy à?

- Ừ, cả mày về nữa thì chúng mình sẽ học thợ. Sơn với Bùi sắp mở được hiệu chữa máy ở phố Hợp Long Kiều đằng kia.

- Còn cái anh Tư thì đâu?

- Không rõ.

Ít lâu sau, Thụ biết Tư đã xin được việc làm phụ xe cho hãng ô-tô đường Nam Quan - Bình Tường.

Cả bốn người thanh niên đi tìm cách mệnh vẫn một quyết tâm.




-------------------------------------------------------------------
(1) Một chức trong quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc tương tự như trung đội trưởng.
(2) Tên một chức việc đứng đầu xã, trong tổ chức hành chính trước cách mạng ở Trung Quốc.


 

Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM