Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:07:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mắt pháo  (Đọc 5786 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #50 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2022, 06:31:52 am »

Đôi mắt ông già đột nhiên trĩu nặng và hơi nhìn xuống. Giọng ông chập chờn:

- Thưa bà, làm sao có tin tức được!

Bà tỉnh trưởng nói để ông yên lòng:

- Tôi hiểu vậy vì tôi cũng có người anh họ tập kết ra Bắc. Nghe đâu anh tôi được cử đi học ở Liên Xô rồi về Hà Nội làm việc ở cơ quan nào đó của một bộ, cũng có vẻ quan trọng ông ạ. Thì ra chúng ta, người ở bên này, người ở bên kia, nhưng cùng một gia đình, có gì phải thù ghét nhau ông nhỉ!

- Quả đúng như vậy, thưa bà!

- Tôi nghĩ vậy nhưng lại không dám nói với ông nhà tôi, vì nói ra thế nào tôi cũng sẽ bị mắng. Đúng ra, khi người Mỹ đã cuốn gói, chúng ta cũng chẳng nên đánh nhau làm gì nữa ông nhỉ?

- Vâng, đúng thế, thưa bà!

- Con trai ông chắc chắn đã làm chức gì rất to rồi cũng nên. Và biết đâu đang chiến đấu trên đất Quảng Trị hôm nay. Sỹ quan binh lính phía bên kia đều là những con người rất quả cảm. Phòng tuyến được xây dựng vững chắc vậy mà chẳng mấy chốc bị vỡ tan tành thì ghê gớm quá. Tôi chỉ mong sao đừng có bắn nhau nữa. Người Mỹ nào còn ở lại thì hãy về hết bên kia bờ đại dương đi. Súng đạn của họ cũng trả lại cho họ. Phía cộng sản cũng chẳng cần đổ máu hy sinh làm gì. Trên dải đất này, mình đều là con Lạc cháu Hồng, đều là con dân nước Việt, ai muốn ở đầu thì ở, nhưng đừng khua gươm khua súng...

- Thưa bà, tôi cũng nghĩ như vậy

- Những người như ông, già cả rồi phải được nghỉ ngơi, để vui vầy cùng con cháu.

Rồi bà tỉnh trưởng thêm:

- Huế của chúng ta yên bình rồi. Tôi tin Bắc Việt Nam chẳng dồn sức tấn công vào đây làm gì nữa. Và ông Thiệu, với tướng Trưởng, tướng Lân... đã đẩy lui được họ từ phòng tuyến Mỹ Chánh ra tới bờ bắc sông Thạch Hãn, chắc chắn cũng chẳng chịu rút lui một lần nữa. Xem ra găng nhau lắm ồng ạ. Thì cứ lấy sông Thạch Hãn làm ranh giới đi. Nhưng chẳng lẽ người ờ hai miền lại là hai nước khác nhau hay sao? Làm sao lại có sự vô lí thế ông nhỉ? Cách nay mấy trăm năm sông Gianh là giới hạn người ta cũng chỉ gọi là Đàng trong với Đàng ngoài thôi. Tổ tiên ta đã dạy như vậy, chẳng lẽ bây giờ lại gọi là nước cộng hòa Đằng Trong và nước cộng sản Đằng Ngoài mà nghe được sao.

- Chết! Chết! - Ông già kêu lên - Tôi xin bà! Bà nêu những vấn đề quá lớn làm tôi chẳng hiểu gì cả. Thưa bà, tôi chỉ nghĩ rằng, thằng con tôi là gì hay giữ chức vụ gì của phía bên kia là việc của nó, còn tôi luôn vẫn như tôi hôm nay thôi, làm thuê rồi nhận tiền công của ông bà, những chuyện chính trị to tát tôi không bao giờ dám tính đến. Thời ông Diệm tôi liên quan tới cộng sản vì có con tập kết ra Bắc mà khốn khổ. Thời nay vấn đề này chẳng còn nặng nề lắm nữa, tôi cũng như bà, chỉ mong mau mau im tiếng súng, chẳng lẽ đất nước này cứ bom đạn khói lửa và chết chóc mãi hay sao. Quay đi quẩn lại, chẳng mấy lả, trên đầu đã hai thứ tóc, tôi chỉ mong được yên hàn và sum họp thôi, thưa bà!


Câu chuyện dừng lại, bà tỉnh trưởng lấy làm thích thú, còn ông già làm vườn thì mệt rã rời. Khát vọng về hình bóng đứa con với những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi của nó đang thiêu đốt ông. Núi đồi của huyện Bố Trạch cùng sông ngòi ở vùng Quán Hàu - Đồng Hới kia, phía bắc sông Bến Hải của tỉnh Quảng Bình mà gần hai mươi năm rồi xa xôi cách trở. Nghe nói ngoài đó dân chúng lầm than, hạt lúa, củ khoai cũng dành dụm gửi ra tiền tuyến. Nhưng mà bà con bên ấy anh hùng lắm, dũng mãnh lắm, một lòng một dạ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Mỹ đã cút nhưng chưa cút hết, Ngụy đã nhào nhưng chưa nhào hẳn. Chắc chắn khói lửa chưa yên. Con ông, thằng Phong ấy, còn sống hay đã thành người thiên cổ mà ngoài đó gọi là liệt sĩ? Con ông làm tới cấp gì, chỉ huy những đơn vị to bé đến thế nào chẳng có gì quan trọng cả, chỉ mong sao còn sống trở về để gia đình sum họp. Vợ nó sẽ xin phép nhà chùa cho về đời thường, sẽ xin với sư cô làm lễ thoát y, trả lại những gì của nhà phật cho, để làm người vợ hiền, người con dâu ngoan nết, và quan trọng bậc nhất là sinh cho ông mấy đứa cháu, để chúng bi bô gọi ông nội mỗi sớm mỗi chiều. Ông thương con trai, ông lại càng thương con dâu, nó đớn đau chịu đựng, nó thủy chung son sắt đợi chờ, không có nó thì ông đơn côi khổ sở biết nhường nào, nhất là trào tố cộng của Ngô Đình Diệm...


Một buổi chiều khác yên lành, Linh xăm xắn tìm tới ngôi biệt thự khiêm nhường phía nam sông Hương thăm bố chổng. Chị không trong vai ni cô của phật giáo đi khất sĩ mà đã được sư cô chủ trì tịnh xá cho phép tạm thời thoát y mặc quần áo đà như những tín đồ xin nhập cửa phật đi lại tự nhiên hơn. Ông già đang tưới hoa, cái bình ô doa phun nước nhẹ nhàng, làm bước đi rón rén của con dâu chìm lặng. Chị đã tới đôi lần, bà chủ biết mặt tỏ ra yêu mến, còn với chị Tâm người giúp việc thì gần như là chỗ thân thiết. Nhận ra khuôn mặt dễ mến, chị Tâm mở khẽ chốt cài cửa sắt và ra hiệu cho Linh bước vào. Chị Tâm quay về phía ông già định gọi, thì Linh đã làm hiệu ngăn lại, cứ để ông chăm chú với công việc đang làm. Rồi chị đi tới, nhẹ nhàng như con nai tìm đường xuống suối, đợi ông già dốc hết bình nước qua miệng ô doa mới lên tiếng gọi:

- Cha!

Ông già không bất ngờ. Ông đã thấy mọi sự và im lặng chờ đợi. Giọng ông bình thản:

- Sư cô cho con về thăm cha sao? Chỉ là thăm hay có việc gì không?

Nàng thưa:

- Con thăm cha, và cũng có việc muốn được sự chỉ bảo của cha.

Người cha nhỏ nhẹ:

- Con cứ nói...

Nàng thổn thức:

- Cha ơi! Hôm trước có một thằng người làng, nó là lính bảo vệ của tướng Bùi Thế Lân khi vị tướng này viếng thăm tịnh xá. Chỉ một thoáng thôi nhưng con nhận ra hắn, còn hắn có nhận ra con hay không thì con không biết. Sư cô tiếp khách. Con lởn vởn bên ngoài, con nghe lỏm được loáng thoáng câu chuyện của hắn, rằng hắn đã đưa anh Phong về gặp ông Kha nhưng chú con không nhận ra. Anh đã quỳ khóc trước mặt chú, cha ạ! Anh cầu xin chú chỉ cho biết cha đang ở đâu, con đang ở đâu, nhưng chú nổi cơn thịnh nộ, đứng phắt dậy, oai linh cắm phập mũi mã tấu xuống đất và quát: Ông Diệm là người yêu nước... Đàn con Cụ Hồ sẽ trở về... Rồi ông khóc. Và anh Phong cũng khóc!..

Ổng già nổi cồn trong dạ nhưng kiềm chế, nói nhỏ:

- Chừ con tính răng?..

- Con xin cha, và nếu cha cho phép, con sẽ xin với sư cô cho thoát y, thôi nương nhờ cửa phật, con vượt ra vùng bắc sông Thạch Hãn tìm gặp các anh. Cha ơi!... Con thương nhớ anh Phong, năm tháng đợi chờ...
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #51 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2022, 06:33:05 am »

Người cha không vội trả lời, cứ để mặc con dâu ngồi trên khúc gỗ đầu luông hoa, ông lặng lẽ xuống bờ con hào lấy nước, lặng lẽ xách lên, nghiêng bình, để nước qua vòi ô doa thành những tia hạt mưa nhỏ li ti phun xuống, không làm gẫy một cành lá hay làm rách một cánh hoa. Ông già cứ lặng lẽ làm vậy, chắc để có thời gian suy nghĩ và cũng chắc để bớt đi nỗi xúc động. Ông giơ cao bình, tưới từ phía dưới luông hoa lên, gần tới đầu luống đằng này, nghĩa là gần tới chỗ Linh đang ngồi, mới nhẩn nha nói:

- Tìm thằng Phong hôm nay không phải như tìm thằng Phong hồi cuối năm 1954 đâu. vẫn là đất Quảng Bình, Quảng Trị vậy thôi, nhưng hôm nớ khác hôm rày khác. Bữa ấy hòa bình vừa lập lại. Bữa ni bom đạn ngút trời và người ta đang kêu gào hòa bình sẽ được lập lại. Hoàn cảnh khác nhau, tuổi đời cũng lại khác nhau...

- Thưa cha, con hiểu...

- Nõn bây giờ ở đâu?

- Con nghe nói nó đang làm cho một trạm quân y tiền phương của bộ đội Bắc Việt Nam...

- Thế thì cũng là thuận lợi, nhưng để cha tính đã con ạ!...

Ông già im lặng một lát rồi tiếp:

- Vậy còn cái thằng người làng mà con vừa nói tới thì sao?

- Nó là thằng Nhanh. Con không thể nào quên được. Hôm con đưa cha rời khỏi làng, nó đứng trong nhóm những người tiễn đưa. Có điều sau bữa bảo vệ tháp tùng tướng Lân tới tịnh xá, nó biến đâu mất tăm. Những lần sau viên tướng đến, trong đội bảo vệ không còn có nó, con chưa tiện tìm hỏi và còn đợi xin ý kiến của cha...

Người cha bần thần ngẫm nghĩ:

- Ừ... Thằng này con cháu nhà ai nhỉ...?

Ông già Kinh không thể ngờ và ông cũng làm sao biết được khi mình còn ở làng nó là thằng bé cầu bơ bé tí tẹo. Ông cũng như con dâu, sao có thể ngờ, chính vào giờ phút này, tại khu trú quân trong một cánh rừng ven sông Cam Lộ, chính Nhanh, thằng bé cầu bơ ấy đang ngồi bên con trai ông là thằng Phong và chồng người đàn bà là con dâu ông đây. Nội dung họ trao đổi cũng đều xoay quanh việc ngày trở về gặp lại, ngày đoàn tụ gia đình, cách nhìn khác nhau, sự tính toán khác nhau, song không phải không có những ý do ngẫu nhiên trùng hợp. Một con chồn đang chạy rất nhanh trên đất, chừng như phát hiện hai người Phong và Nhanh đang ngồi bàn thảo, nó ngoáy đầu tìm hướng, chớp mắt đã leo thoăn thoắt lên thân cây to xù xì, chẳng hiểu là loại cây gì, thoắt cái đã đến ngã ba phần ngọn cây, chồn ta ngẫu hứng không thèm leo nữa, thình lình xòe cánh bay sang ngọn cây bên cạnh.

Nhanh kêu lên khe khẽ:

- Chồn bay! Anh đã thấy bao giờ chưa?

Phong im lặng. Anh chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh đó nhưng không trả lời. Nhanh vẫn còn đang cao hứng nên nhắc lại:

- Lần đầu tiên em nhìn thấy đó, anh ạ.

Tiểu đoàn trưởng buông thõng:

- Mình cũng vậy.

Nhanh láu táu:

- Anh tính xem, hay thế này, anh xin phép nghỉ rồi đóng giả thành người nông dân tìm đường về làng, sau tháng ngày chạy trốn bom đạn. Em sẽ đi với anh, chúng ta tới tịnh xá nọ. Thoạt đầu chúng ta cũng làm như phật tử vào chùa. Ta nên chọn ngày rằm hay đầu tháng âm lịch. Nơi thờ cũng tín ngưỡng ai cũng có quyền đến mà! Cửa phật từ bi rộng mở mà!...

Tiểu đoàn trưởng thấy ngay không được, sau suy nghĩ một lát, anh nói:

- Nếu gặp tướng Bùi Thế Lân và đội lính bảo vệ ông ta?

Nhanh xòe hai bàn tay vỗ đánh bốp vào đùi làm hằn lên những vệt đỏ, mặt ngẩn tò te như ngỗng ỉa:

- Ờ nhỉ!... Em chẳng nghĩ ra! - Rồi lại láu táu - hay anh để em đi một mình. Em sẽ có cách. Em cầm theo thư của anh, hay không cầm theo cũng được. Em sẽ dẫn đường cho chị ra ngoài này...

Phong kết luận câu chuyện:

- Dừng bàn bạc về vấn đề này lại nhé. Đó là chuyện riêng của mình. Chuyện riêng không được làm ảnh hưởng tới việc chung, Nhanh ạ! Chúng ta chờ một dịp khác...

Dịp khác thế nào thì chưa ai hình dung ra nổi. Tình thế chiến trường cũng không như những ngày đầu, chiến dịch mới mở ra, rầm rộ, xô bồ, xáo trộn, giờ đây chiến tuyến đường như định hình. Phía nam sông Thạch Hãn là vùng kiểm soát của quần Nam Việt Nam, phía bắc thuộc vùng kiểm soát của bộ đội miền Bắc Việt Nam. Bên nào cũng ra sức củng cố vị thế của mình và không để cho đối phương xâm nhập. Kế hoạch của Linh vượt sông ra vùng giải phóng cũng bế tắc. Đi thế nào? Ai dẫn đường? Tình hình ngoài đó ra sao? Quả như cha chồng chị nói, hôm nay không phải là một ngày cuối năm 1954, chị cùng Nõn vượt sông Bến Hải tới Đồng Hới, Quán Hàu, Bố Trạch tìm anh. Và người chiến sĩ cưỡi ngựa hồng phóng như bay trên các nẻo đường đồi chỉ còn để lại hình bóng, ngày càng sáng lên, ngày càng chói lọi, ngày càng da diết, như in vào nền trời xanh thăm thẳm. Vả lại ngày ấy chị còn nghe được loáng thoáng nguồn tin đơn vị anh rút từ Lào về và dóng ở Quảng Bình. Hôm nay, chỉ là lời nghe lỏm chuyện của thằng thủy quân lục chiến người làng. Ngày ấy hòa bình vừa lập lại, đói nghèo đấy nhưng người người nô nức vui cười. Hôm nay chiến tranh tàn khốc không thể nào tưởng tượng nổi, vốc một vốc đất lên, dù bất cứ ở chỗ nào cũng có vô số mảnh bom, mảnh đạn. Ý kiến chị nêu ra làm lòng người cha đau thắt lại. Cũng có thể như thế được, nhưng hy vọng mong manh quá. Phải chăng ông có thể, phải chăng ông còn sức, phải chăng tiếng bom đạn đã ngừng, để ông bắt con dâu đưa ra ngoài đó, đến cả vùng Quán Hàu, tìm gặp ông già vó bè có cái nhà tùm hum và cái lều vịt bên sông, nếu ông già vẫn còn sông và gặp gỡ chuyện trò thì hay biết bao nhiêu, còn nếu ông đã về với các bậc sinh thành rồi, thì được thắp nén hương lên phần mộ...Và hơn tất cả là để con trai ông và con dâu ông cùng cưỡi lên con ngựa hồng, phi theo đường mòn dưới chân đồi, phóng như bay trên bờ mương, bờ ruộng, về tận làng quê bên bờ phá Tam Giang... Thời gian nhất định không được làm chúng già đi, chỉ có ông già thôi, chúng vẫn phơi phới tuổi đôi mươi rực rỡ, chúng vẫn ôm nhau trên lưng ngựa vun vút bay lượn, chúng làm cho nụ cười của ông, của em trai ông là già Kha, và những người có tuổi trong làng thêm phần rạng rỡ. Mấy ngày sau Linh trình bầy ý định của mình với sư cô chủ trì tịnh xá. Nhà sư hiểu ngay mục đích của đề xuất này, xem vẻ không hài lòng, nhưng chỉ phán những lời nhẹ nhàng:

- A di đà phật!...Thế con định gặp anh ấy thì thoát khỏi cõi phật đã tốn bao công sức theo đuổi chăng? Ni cô Nhũ Lương:

- Thưa không, con chưa có ý định gì cả?

Sư cô:

- Làm sao con tìm được. Người Bắc Việt nam không tín ngưỡng. Anh ấy của con trước kia được biết là sĩ quan cộng sản thì càng không bao giờ tín ngưỡng. A di đà phật... cầu mong người còn sông, và cái sự gập lại đâu phải đã hòa đồng.

Nhũ Lương vẫn kiên trì:

- Thưa sư cô, con cũng chưa hiểu rồi sẽ ra sao, chưa hiểu anh còn hay đã mất, chưa thể biết được nếu anh ấy còn, và trời cho con gặp lại có thể hòa đồng hay không, nhưng lòng con vẫn cứ khôn nguôi nghĩ tới giờ phút đó.

- A di đà phật!... Vậy là vẫn bận sự đời trần tục. Vậy là chưa hòa toàn rảnh rang nơi cõi phật. Vậy là chưa toàn tâm toàn ý để cầu mong và siêu thoát đặng về sau lên cõi niết bàn. Cửa phật từ bi rộng mở và không ép buộc ai, con vẫn có quyền lựa chọn, nhưng ta khuyên con đừng vội vàng để rồi hối tiếc...

Nhưng thời gian đâu có chờ đợi. Ngày tháng vùn vụt trôi. Tin vang động khắp hang cùng ngõ hẻm, đại diện bắc Việt Nam là ông Lê Đức Thọ cùng dại diện Hoa Kỳ là tiến sĩ Henri Kit sing gơ đã ký tắt hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nghe đâu tổng thống Thiệu chống phá rất dữ dội, nhưng phái viên của Ních Xơn đã ký, thì ông Thiệu có cựa quậy sức mấy cũng phải ngậm đắng nuốt cay.


Tiếng súng im ắng, cho dù nơi này, nơi khác, vẫn bắn nhau và cãi vã. Ngay nơi đây, Cửa Việt vẫn nổ ra trận đấu pháo và đấu xe tăng dữ dội. Nhưng rồi người ta vẫn cắm cờ để xác định biên giới vùng giáp ranh. Giờ thì ni cô Nhũ Lương dù có được phép cũng không thể nào vượt sang bên kia được nữa. Nàng đứng đó và nhìn ra, trông đợi, suy nghĩ mênh mông, nhớ về một ngày cuối năm 1954, anh chở nàng trên lưng ngựa, phóng qua Hồ Xá vào tới Hiền Lương, nàng vội vàng đi bộ vào tới nam cầu thì dừng hẳn và quay nhìn lại, lòng thổn thức chờ đợi hai năm hiệp thương tổng tuyển cử. Để đến hôm nay, gần hai mươi năm đã trôi, nàng lại đứng đó ngóng trông, chẳng thấy anh đâu mà chỉ thấy hình bóng chàng lính Cụ Hồ cưỡi ngựa phi như bay, vun vút trên các nẻo đường đồi, rồi ngựa hiện ra đôi cánh, nhấc bổng mình lên, con tuấn mã kiêu hùng không gõ móng trên đất nữa mà bay bay về phía chân trời!

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2013
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM