Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:37:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân trên cát  (Đọc 4213 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #80 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 04:46:55 pm »

Chia tay gia đình bác Nhàn, kể từ khi tôi học đến nay đã gần nửa thế kỷ mà nhà cửa, vườn tược vẫn mang đậm “Hồn quê”. Tôi không biết mình có làm gì được nhiều hơn nữa để giúp bà con thoát khỏi cảnh túng bấn cứ quanh quẩn với người nông dân ở cái vùng núi đá ong quanh năm cằn cỗi này? Chỉ có con đường “Công nghiệp hóa nông thôn” may ra mới đỡ nghèo.

Và sau đó, tôi tìm về thôn Cổ Liển, xã Cổ Đông, huyện Tùng Thiện để hỏi thăm gia đình anh Lê Văn Điển - Trung úy nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 445, Trung đoàn 3, Sư đoàn 320b - Quân khu Hữu Ngạn, người giới thiệu số 1 cho tôi vào Đảng (15-5-1968) rồi đưa quân vào chiến trường B3 Tây Nguyên, sau đó tôi về Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 nên chưa có thời gian gặp lại. Nay đến nơi hỏi ra thì không còn ai biết anh chuyển đi đâu, chỉ một số bạn bè ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 có biết và nói anh đã từ trần...

Từ nguồn tin đó tôi lên thôn Vật Lại, hỏi thăm Đoàn Văn Đỉnh - Chuẩn úy, nguyên Trung đội trưởng, Trung đội 3 của đại đội tôi ngày đó, thì được biết anh Đỉnh đang công tác ở Trường Sĩ quan Hóa học và chúng tôi gặp nhau một lần vào đầu năm 2003, sau đó anh nghỉ hưu và từ trần do lâm bệnh hiểm nghèo... Rồi ngược sông Đà lên Phú Thọ thăm gia đình Ky, người chiến sĩ lái xe theo tôi suốt chặng đường từ Hướng Hóa, Quảng Trị đến chiến trường Tây Nam 1978 và cùng chia sẻ với tôi khi Nhung qua đời để về Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Bắc, bao buồn vui tôi đều có em bên cạnh. Xuống Vĩnh Yên thăm Đỗ Quang Dự, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 2 Quân khu 5 những năm 1987 - 1989, thăm Trần Xuân Ca - nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 95 đã cùng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, thăm các thầy cô giáo khoa ngoại ngữ và gia đình anh Quang, thợ cắt tóc của Học viện Kỹ thuật quân sự đã cùng chia sẻ với tôi khi học tập ngoại ngữ tại đây. Sau đó tôi trở về Hà Nội đi Hưng Yên thăm Đặng Quế - nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 95 vào những năm 1978 - 1980 xuống Hải Dương thăm Toan - nguyên Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 5 của tôi vào những năm 1973 - 1974, ngược lên Hà Nội thăm Quốc Hùng, Thanh Sơn, Lâm, Tế, Quy, Duy là các chiến sĩ những năm 1970 - 1972 thuộc Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 Mặt trận B5 chiến đấu ở Trị - Thiên từ 1972 - 1975. Sang Gia Lâm thăm Hùng cũng là chiến sĩ Đại đội 8, Thành, nhân viên quân lực Tiểu đoàn 5 nhìn chung các em đều trưởng thành, trong đó có Vũ Quốc Hùng - Thiếu tướng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, còn lại là thượng, đại tá đương chức và nghỉ chuẩn bị hưu. Tháng 9 và tháng 10 năm 2010, về Đông Hưng - Thái Bình thăm Đại tá Đinh Tiến Hoặc - Nguyên Phó Trung đoàn trưởng về Chính trị (Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) cùng với tôi những năm 1980-1983; ra Đồ Sơn - Hải Phòng thăm Tiến, chiến sĩ cắt tóc và Toán - trợ lý cán bộ Trung đoàn 95 Sư đoàn 325.

Cùng thời gian, này tôi được Nguyễn Tiến Dũng - Đại tá, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Lê Đình Hùng - Trưởng phòng Hậu cần Hành chính, Thái - nhân viên camera về làng Me, Hương Mặc, Từ Sơn, Bắc Ninh để tìm họ Đàm Trần qua những thông tin được lưu ở bia đá. Đến đây tôi mới hiểu sâu hơn dòng họ Đàm Trần được ghi trong gia phả ở tập 1 thành phố Hồ Chí Minh do nhiều tác giả lược ghi, được xuất bản năm 2000 ghi rõ rằng: “Gốc tích ở làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh”. Theo bút tích của cụ Đàm Duy Huyên, năm 1953 thì: “Họ Đàm ta nguyên trước ở thôn Ngô Tiền, mãi đến thời Hậu Lê mới lấn sang thôn Ngô Trực và thôn Bãi Tháp. Họ Đàm dòng dõi khá, hiền lành, khẳng khái, có khiếu thông minh, nếu biết cố gắng học hành thì thật chẳng kém họ nào...”.

Theo giới thiệu của chú Đàm Thanh Bình - Tiến sĩ, Ủy viên Ban liên lạc các dòng họ Việt Nam: Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử quê hương, đất nước, dòng họ Đàm Trần di cư đi khắp mọi nơi như La Khê, Tiên An, Yên Hưng, Quảng Ninh... và đến năm nào không rõ các cụ Thủy Tổ đã về đất Mỹ Khê, Sơn Trà, rồi thôn Hà Quảng, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp sinh sống cho đến ngày nay. Cứ vào ngày 3 tháng 8 âm lịch hàng năm, từ các miền Bắc - Trung - Nam lại tụ họp tại nhà thờ tổ ở làng Me, Hương Mặc, Bắc Ninh để tri ân tiên tổ và cháu con đoàn tụ. Chính vì thế mà tôi may mắn khi về đây được biết thêm các vị lão thành như Thượng tướng Đàm Quang Trung - nguyên Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Trung tướng Đàm Văn Ngụy - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 1; Trung tướng Đàm Đình Trại - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Đàm Công Thìn - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương; bà Đàm Thị Loan, con gái họ Đàm, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên, phu nhân cố Đại tướng Hoàng Văn Thái... cũng đã về đây viếng thăm tông tổ.

Ra đi lúc tuổi thiếu niên, lúc về tóc đã nhuộm màu sương gió. Quê hương, gia đình và những người bạn, những đồng đội thân thương vẫn luôn là điểm tựa, là bến đỗ bình yên cho tôi được ngày hôm nay và cứ có dịp là tôi trở ra Thành cổ Quảng Trị, thăm bến vượt Nhan Biều, thăm các làng Như Lệ, Tích Tường, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã một thời che chở cho tôi chiến đấu và trưởng thành, tôi thành kính thắp nén hương lên đài tưởng niệm ở Thành cổ, lên công sự Bắc cầu sắt Quảng Trị và giếng nước, nơi đó có anh Quang lấy thân mình che chắn cho tôi rồi anh hy sinh, nơi đó có mộ em Phụng người chiến sĩ du kích cùng sát cánh chiến đấu với chúng tôi và ra đi trong một trận pháo kích của quân thù khi tuổi đời 18 đôi mươi... Ngược đường 9 lên Sa Mưu, Khe Sanh, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và cầu Đắc Krông, nơi đã để lại bao nhiêu ký ức của một thời trai trẻ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #81 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 04:47:30 pm »

Cứ thế tôi rong ruổi theo đường Hồ Chí Minh vào thành phố mang tên Bác thăm gia đình Năm Thành - nguyên Trưởng phòng Quân huấn - Nhà trường, Bộ Tham mưu, Quân khu 7, người bạn đồng hương vừa là đồng nghiệp những tháng ngày trên thao trường đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” để thắp nén hương vĩnh biệt cho cả 2 vợ chồng anh đều về cõi vĩnh hằng do căn bệnh hiểm nghèo, mỗi người ra đi chỉ cách nhau một năm... Lên Đà Lạt thăm gia đình Thiếu tướng Đức - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, Thiếu tướng Hớn - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận là những người anh, người đồng chí và cũng là bạn học những năm 1983 - 1985, mà tôi đã có dịp giúp các anh tác nghiệp bản đồ khi lớp Bổ túc 8 vào mùa thi còn chúng tôi lớp đào tạo 5 lại nghỉ hè... Thăm vợ chồng cháu Mai và Thắng do tôi đi hỏi và cưới vợ khi Mai là Đại đội trưởng cối 120 ly của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Thắng là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I tại Từ Sơn, Hà Bắc, bây giờ hai cháu sống hạnh phúc, làm ăn khấm khá. Thăm Tuân, Tiếu hai người bạn chiến đấu thời Quảng Trị 1972 vừa là đồng hương Quảng Nam và cũng có một thời làm thầy giáo cho tôi ở Học viện Lục quân vào những năm 1976 - 1977. Thăm vợ chồng 2 em Hoàng Kỳ Lân và Liên, Lân là chiến sĩ công vụ đã từng lấy thân mình che chắn mảnh pháo để cứu sống tôi trên chiến trường Tây Nam Campuchia năm 1978 và em cũng là người luôn bên cạnh tôi trong những lúc thiếu thốn tình thương. Có một hôm sau trận đánh luồn sâu ở Kốp Sa La, tây bắc thị xã Căm Pốt (Campuchia) về lại sở chỉ huy Trung đoàn nằm ven sông Căm Pốt dưới căn hầm chữ A, Lân chột dạ thổ lộ với tôi rằng: “Ước chi em là con gái sẽ nguyện cùng anh đi suốt cuộc đời...”. Tôi mắng yêu em. “Nói dại thế ra tau với mày là... à?”. Em chui đầu vào nách tôi và thở đều... Bây giờ em đã có vợ và 2 con ngoan học giỏi và vừa được phong Phó Giáo sư, là Trưởng khoa Tham mưu Học viện Lục quân. Tôi mừng vì em đã thực hiện đúng lời hứa với tôi trước khi đi học, tôi coi em như đứa em út của gia đình và cũng thầm mong cuộc đời binh nghiệp của em sẽ suôn sẻ hơn tôi...

Trở về với mảnh đất miền Trung - Tây Nguyên, tôi lại ngược Thu Bồn, Vu Gia - hai con sông đầy vơi con nước lững lờ gáng nặng phù sa chảy vào cõi vô bờ. Tôi thả vào dòng sông những cánh hoa sim tím và vô vọng. Chị ơi! Chị ở đâu? Chị Bùi Thị Xuân Mai của em, giờ nằm ở phương nào? Đây là nỗi đau mất mát thứ hai sau sự hy sinh của cha tôi - chị Mai là người chị nuôi tôi thời ở Tiểu đoàn 1 - R20 Quảng Đà trên đường đi công tác rồi chị đi mãi không về hy sinh năm 1970. Cứ mỗi độ vào dịp 27 tháng 7 ngày thương binh liệt sĩ và Tết âm lịch hàng năm, tôi về quê thắp hương cho cha, rồi lên thắp hương cho chị. Tôi coi chị như người mẹ thứ 2 đã dưỡng dục, cưu mang tôi những năm tháng đánh Mỹ. Được chị và gia đình cưu mang. Tôi da diết nhớ thương chị mà vẫn chưa tìm được hài cốt để đưa về quê nhà hương khói cho trọn nghĩa làm em.

Lẽ đời là vậy, nên từ khi về nghỉ hưu tôi tự nhủ mình: “Hưu thì nghỉ chứ việc nghĩa, việc đời không được nghỉ...”. Từ đó, hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán tôi lại đi thăm các gia đình cơ sở cách mạng, vào ngày 7 tháng 8 hàng năm cùng các đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 lên viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây các anh đã hóa thân vào cỏ cây, mây gió cho Thượng Đức phát triển xanh tươi như ngày hôm nay. Tôi ra Thừa Thiên - Huế thăm gia đình Sơn - Nhật - Bính các người bạn chiến đấu của Quân đoàn 2 thời Quảng Trị 1972 và năm 1978 ở Campuchia (riêng Nguyễn Trọng Bính đã từ trần vào ngày 1-4-2010).

Ngoài ra, hễ nơi nào có việc hiếu, việc nghĩa bạn bè đồng nghiệp rủ nhau thì tôi lại khăn gói lên đường nhất vào mùa mưa lũ sau cơn bão số 11 năm 2009. Đoàn nhà văn, nhà thơ, nhà báo và văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng do Đại tá Lê Anh Dũng - Trưởng đại diện Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng dẫn đầu về xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam để tặng hàng cứu trợ cho các em học sinh trường tiểu học bị cơn bão tàn phá. Rồi trở về Đà Nẵng tham gia đoàn “Rước nước sông Hàn - nơi hẹn hò của những huyền thoại” do XQ Việt Nam tổ chức, tôi được giải “Người đàn ông có bước chân đĩnh đạc...”. Ôi, thật là vui cho cái tuổi xế chiều mà vẫn còn nhiều em “để ý” càng thôi thúc tôi say mê với công việc sáng tác của mình và vào dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29.3.1075 - 29.3.2010), tôi được cơ quan Đại diện Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng tổ chức ra mắt tập bút ký “Thời hoa lứa” ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng. Khi nghe quyên góp xây dựng tượng đài “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tôi tìm đến Đài tiếng nói Việt Nam đăng ký ủng hộ. Thành phố Đà Nẵng phát động lòng hảo tâm của mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ xây dựng Bệnh viện ung thư, tôi cũng xăng xái góp sức... Tất cả đều được cấp giấy ghi nhận “Tấm lòng vàng”. Tôi suy nghĩ, như vậy cũng chưa thấm vào đâu mà việc tri ân phải làm cả cuộc đời, từ thế hệ hôm nay cho đến thế hệ mai sau cũng chưa bù đắp hết sự hy sinh to lớn của cha ông đã thể hiện bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một khí phách anh hùng bất khuất của cả một dân tộc không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ bùng cháy đến đỉnh cao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ gian khổ trong thế kỷ XX để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Đó là bản anh hùng ca bất diệt, là cội nguồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh mới trên chặng đường xây dựng và phát triển đất nước vì hạnh phúc nhân dân, đời đời nhớ ơn những người đã làm nên lịch sử để Tổ quốc Việt Nam trường tồn. Tôi tự nhủ lòng mình:

“... Mặt hồ đâu phẳng lặng
Nhật, nguyệt lúc vơi đầy
Chung, riêng còn sâu nặng
Nhân, nghĩa vẹn trước sau...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #82 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 04:49:56 pm »

PHỤ LỤC

NHỮNG SẺ CHIA CỦA BẠN BÈ QUA
“DẤU CHÂN TRÊN CÁT” CỦA TRẦN MINH HÙNG

ĐINH DUY NGUYÊN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị,
                                                                                                             
Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trần Minh Hùng đã gắn bó với quê hương, với anh em, đồng đội với một tấm lòng son sắt, thủy chung, ngọt bùi chia sẻ, với một tình yêu lớn cách mạng, kháng chiến và tình đồng chí nồng ấm, thiêng liêng.

Và cũng từ cuộc đời chiến đấu đầy gian khổ hy sinh với một tình yêu lớn, Trần Minh Hùng đã viết về quê hương tự đáy lòng gan ruột của mình với tất cả nghĩa tình sâu nặng nhất, nhiều trang viết xúc động. Đồng chí, đồng đội gặp lại anh những nghĩ suy về mảnh đất Quảng Nam “đau thương và anh dũng” nhưng cũng là mảnh đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Đồng đội, cũng gặp lại anh trên mỗi chặng đường đánh giặc, trên các chiến trường, nơi đương đầu với bom đạn khốc liệt của địch, với pháo bầy, bom B-52 rải thảm và gặp anh trong cả những giây phút tĩnh lặng đầy suy tư, trăn trở về cuộc đời, sự nghiệp.

Những bài viết của anh như còn in dấu rõ nét nơi chiến trường Quảng Trị đỏ lửa năm nào qua “Trận đánh mừng Xuân”, hay “Trước giờ lịch sử”. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời chỉ huy binh nghiệp và cũng là thời khắc không thể nào quên về sự hy sinh, sự chia ly không hẹn trước với anh em đồng đội để kỷ niệm đó mãi mãi đi theo anh trên con đường tiếp tục chiến đấu sau này.

Mảnh đất ấy là Quảng Trị, Triệu Phong, là dòng Thạch Hãn êm đềm trong đêm trăng đưa tiễn và cũng là dòng sông Thu Bồn của Điện Bàn, Đại Lộc, Quảng Nam quê hương anh, nơi có những người bạn mà suốt đời anh vẫn không quên. Những câu chuyện của Minh Hùng tưởng chừng như “Ngẫm cuộc đời” nhưng không chỉ bó hẹp trong cái riêng ấy mà là của tất cả chúng tôi, anh em, đồng đội với những tình cảm sâu nặng nghĩa tình, gắn bó cái riêng với cái chung, cái tôi với cái chúng ta trong sự nghiệp lớn. Những bài viết của anh chứa chan tình người, tình đồng đội, sâu nặng nghĩa Đảng, tình dân, đậm đà tình cảm quê hương của một người con nguyện suốt đời chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của mình.

Mỗi chặng đường anh đi, mỗi mảnh đất anh đặt chân đến đều in đậm trong tâm thức của anh qua từng trang viết với một suy nghĩ trăn trở. Ở đâu cũng thấy bóng dáng anh, tâm trí anh đi sâu vào “giữa hậu phương lớn”“về với Khu 5”...

“Dấu chân trên cát” không phải là tất cả mà chỉ là một góc nhỏ cuộc đời chiến đấu của một con người, một trái tim nhân hậu Trần Minh Hùng với đồng bào đồng chí, với quê hương, đất nước và với anh em, bè bạn. Nhưng một góc nhỏ cuộc đời với nỗi niềm tâm sự ấy đã toát lên niềm khát vọng thiêng liêng của một thế hệ đi theo cách mạng và kháng chiến, nguyện suốt đời chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp ấy. Và cũng từ những trang viết mộc mạc, chân tình đó, toát lên hoài bão, ước vọng thiêng liêng của không chỉ một trái tim dũng cảm biết sống, chiến đấu cho sự nghiệp chung mà là của cả thế hệ trẻ Việt Nam ta những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đã biết ngẩng cao đầu mà sống, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tôi nghĩ, sau khi tập sách được xuất bản, bạn bè sẽ được chia sẻ với anh nhiều hơn trên từng trang viết với những kỷ niệm không thể nào quên. Và những trang viết ấy sẽ trở thành niềm tự hào, xúc động thiêng liêng của anh em đồng chí, nhất là những người đã cùng anh chung sức trong những năm tháng cuộc đời chiến đấu và nâng bước chúng ta đi những chặng đường tiếp theo.

Xin cảm ơn Trần Minh Hùng, người đồng chí, đồng đội, người thủ trưởng, người bạn thân thiết đã có nhiều năm gắn bó máu thịt với nhau trong cuộc đời chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng rất đáng tự hào vừa qua.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #83 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 05:56:27 pm »

“VĂN” TRONG TƯỚNG “VÕ” QUÝ BIẾT CHỪNG NÀO

Nhà báo ĐẶNG TRUNG HỘI

“Nắng muộn” Tập thơ thứ tư của Thiếu tướng Trần Minh Hùng. Trong lời thưa với bạn đọc, ông thổ lộ “Tôi không phải nhà thơ. Thơ tôi viết là nhật ký chiến trường, thơ tôi làm để ca ngợi Tổ quốc, ngợi ca tình đồng chí, tình yêu quê hương, tình chị, tình mẹ, tình em...”.

Ông khiêm tốn nói vậy thôi, chứ thực ra những dòng “nhật ký” như ông nói, nếu không có bề dày trải nghiệm, không có một tấm lòng, đặc biệt là không có tâm hồn thi sĩ, thì không thế có những vần thơ hồn nhiên, chân chất, mộc mạc, chân thành và rất lính như “Áo quân phục đỏ bụi đường thuốc đạn/Thả lòng mình với hoa lá cỏ cây” hoặc “Mỗi vần thơ nhen cho hồn thêm lửa”, để rồi “Năm tháng đời mình nuôi lớn những vần thơ”.

Vâng! đúng là như vậy. Tôi cho đây là những trải nghiệm hết sức sâu lắng của vị tướng suốt hơn 40 năm trường cầm súng, có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt. Có lẽ việc quân đè nặng hai vai, trong suốt quãng đời làm lính, rồi cầm quân, ông không có thời gian để viết. Bởi vậy, khi “việc quân xong đến việc riêng”, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, từ năm 2003 đến nay, ông đã xuất bản 4 tập thơ, 2 album thơ, nhạc, 3 tập văn xuôi...

Có nhà báo đã hỏi tôi về sức viết, về cảm thụ thơ Thiếu tướng Trần Minh Hùng. Tôi trả lời nôm na rằng, ông làm thơ là một nhu cầu, là để “giải thoát” những kìm nén bấy lâu nay chất chứa trong lòng. Bởi vậy, thơ ông vừa hồn nhiên, vừa sâu lắng như chính con người ông vậy. Tôi đồ rằng, Trần Minh Hùng đã cầm bút là viết ngay, viết liền một mạch. Dự buổi gặp mặt nữ cựu quân nhân thời chiến tranh chống Mỹ, ông gặp lại hình ảnh chị hộ lý đã chăm sóc ông ở chiến trường, để rồi ngay sau đó ông kê giấy lên dùi viết liền mạch bài thơ “Thu Bồn ơi”, để rồi sau này được nhạc sĩ Phan Ngọc phổ bài “Thu Bồn dòng sông ơi” khá nổi tiếng. Năm tháng lăn lộn cùng bộ đội ở các chiến trường, đặt chân về quê, ngoài những giây phút thăm hỏi bà con hàng xóm, ngồi ở bậu cửa của ngôi nhà nhỏ, hình ảnh quê hương qua bao thăng trầm ập về, ông viết ngay bài “Điện Dương yêu thương”. Sở dĩ tôi nói thơ ông viết từ cọng rơm, gốc rạ, viết từ dòng sông quê, từ con sóng vỗ bờ là thế, cảm xúc tràn về là ông viết ngay, viết hối hả như sợ ai viết mất, vì vậy thơ ông không cầu kỳ về câu chữ, không gò bó về niêm luật, cứ tuôn trào như dòng chảy, như “Biển nước mây trời bỗng hóa thành thơ”, đây là những hạt vàng lấp lánh. Nghe tin chiến sĩ trẻ Rơ Chăm Thuyên, người dân tộc thiểu số, mới 10 tháng tuổi quân, 19 tuổi đời hy sinh khi lao xuống dòng lũ dữ cứu đồng đội, trên đường đến viếng Thuyên, ông viết “Binh nhất Rơ Chăm Thuyên ơi!/Tên em vang vọng núi đồi Cao Nguyên...”.

Tiếng là tướng quân, nhìn “tướng tá” ông người ta thấy toát ra từ dáng đi, giọng nói rặt là nhà quân sự. Đọc những tác phẩm của ông viết về công tác huấn luyện, chiến đấu, người ta thấy một tướng quân Trần Minh Hùng mưu lược, dạn dày trận mạc, ít ai biết rằng phía sau hình ảnh ấy, trong sâu thẳm trái tim của con người ấy, lại chất chứa những nhanh nhạy của một nhà báo, lại ấp ủ biết bao “tinh chất” của đời. Sở dĩ tôi nói vậy, bởi chính những phát hiện có tính báo chí, những tâm sự bằng thơ của ông đã nói lên điều ấy.

Tôi muốn nói đến “chất báo” trong con người tướng quân Trần Minh Hùng, không phải do những tác phẩm báo chí của ông đã đăng trên các báo và tạp chí, điều tôi muốn nói đến đấy là sự nhanh nhạy, sự cảm nhận, sự phát hiện vấn đề của “nhà báo” không chuyên Trần Minh Hùng. Đang đi trên đường, thấy hình ảnh những thiếu niên đầu không mũ bảo hiểm, chở hai, chở ba lạng lách trên đường, ông lấy ngay máy ảnh (vật bất ly thân), lúc nào cũng sẵn trong người, kịp thời ghi lại... đang cùng bạn bè nhâm nhi ly cà phê sáng, thấy cụ già “80” xuống đường làm vệ sinh, ông bỏ dở câu chuyện “chộp” ngay... các phóng sự ảnh của ông về các lĩnh vực phê bình; biểu dương người tốt, việc tốt được đăng trên các báo, đều đầy tính thời sự, đầy sức thuyết phục, có giá trị giáo dục cao. Chẳng biết có phải do bẩm sinh hay không, mà ngay từ thuở còn là “lính tò toe”, Trần Minh Hùng đã có những bức ảnh để đời. Chọn trong tập ảnh kỷ niệm của ông trên các cương vị, trong các đợt diễn tập, hoặc ngay tại chiến hào; có thể tìm thấy trong các bức ảnh ấy không khí hết sức thời sự của hoàn cảnh cụ thể. Tôi cho rằng đấy là những phút lóe sáng của nghề báo, mà các nhà báo chuyên nghiệp cần học hỏi.

Các cụ xưa dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng với Thiếu tướng Trần Minh Hùng “nghệ” nào cũng “tinh” cả. Chụp ảnh, viết báo, làm thơ, viết văn; đặc biệt là chỉ huy đánh giặc và chỉ đạo huấn luyện bộ đội... ai cũng thừa nhận ông là người nhiều năng lực “Văn võ toàn tài”. Ai đó nói rằng, bởi Trần Minh Hùng đa tài nên hai chữ “lận dận”, nó cứ “bám” lấy ông. Tôi thì lại nghĩ khác, có lẽ Trần Minh Hùng là một con dao “pha”, nên nơi nào cần là tổ chức nghĩ đến ông, điều động ông. Qua các cương vị công tác càng thêm khẳng định ông mà thôi. Một lần trong lúc cà phê “cà pháo”, tôi nửa đùa, nửa thật hỏi ông: “Anh có buồn không khi bạn bè cùng thời...”, ông cười mà rằng: “Ai nghĩ sao thì tùy. Riêng mình, mình cảm thấy cuộc đời quân ngũ cho mình nhiều điều bổ ích, nhiều sự trưởng thành. Và mình đã cống hiến trọn đời trong màu áo lính một cách trọn vẹn, hết mình, không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Hai chữ “lận đận”, có chăng là khi về hưu, họ không tính tuổi quân của mình lúc 13 tuổi đã cầm súng đánh giặc. Họ chỉ tính tuổi quân cho mình ở tuổi 16 (!)”.

Tôi không đồng ý với nhận định của ai đó, khi nói rằng “tướng quân sự” lại “lấn sân” sang lĩnh vực thơ ca làm gì cho “rách việc”. Đây chẳng phải là chuyện “lấn sân”, cũng không phải “cố” để có tác phẩm “đánh bóng” bản thân. Bởi văn chương có “cố” cũng chẳng được. Và với Thiếu tướng Trần Minh Hùng, tính cách Trần Minh Hùng, chẳng lấy việc mình làm thơ, viết văn để “đánh bóng” bản thân làm gì, bởi chính con ngươi ông, bề dày công tác của ông đã nói lên tất cả. Trần Minh Hùng làm thơ, viết văn như tôi đã nói ở phần đầu, đấy là sự giải thoát và cả để tri ân đồng chí, đồng bào, để động viên bộ đội. Sẽ quý biết bao, sẽ hơn ngàn vạn lần những lời động viên suông, khi hình ảnh một đơn vị quân đội đóng quân ở một cánh rừng hẻo lánh, được chính thủ trưởng cấp trên của mình chụp ảnh, viết bài đăng báo. Nhân văn là đấy, tài cầm quân cũng từ những việc tưởng là “nhỏ nhặt”, tưởng là “lấn sân”, tưởng là “rách việc” ấy...

Một vài dòng về Thiếu tướng Trần Minh Hùng khi được đọc những tác phẩm của ông. Tôi không dám nhận xét, lại càng không dám đánh giá, bình luận gì. Tôi chỉ có một cảm nhận rằng, con người ông là vậy, việc gì cũng năng nổ, việc gì đã làm là làm tới nơi tới chốn, làm cho bằng được, làm có hiệu quả. “Văn” trong tướng “Võ” quý biết chừng nào.

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 9 năm 2010
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #84 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 05:59:09 pm »

CHUYỆN TRÒ CÙNG VỊ TƯỚNG LÀM THƠ

Nhà thơ LÊ ANH DŨNG
                                                                                                                 
(Bài đăng báo Công an thành phố Đà Nẵng
ngày 2-6-2007)

Đến nay, Thiếu tướng Trần Minh Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã gần 60 tuổi đời, hơn 40 tuổi quân. Từ vùng quê biển Hà My (Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) xinh đẹp và thơ mộng nhưng bị kẻ thù xâm lược giày xéo, năm 1963, người thanh niên Trần Minh Hùng xung phong vào quân ngũ.

Dường như thời ấy, với hào khí yêu nước, hào khí cả dân tộc ra trận, hành trang ra trận của các anh, trong chiếc ba lô ấm áp quân tư trang, thư từ, không thiếu cuốn nhật ký chép thơ, sáng tác thơ, dẫu là thơ “con cóc”. Cũng bởi thế anh Hùng tập tành làm thơ, hát thơ phục vụ cách mạng.

Thấm đẫm chất dân ca bài chòi Khu 5, thơ ông viết ra không để mong được đăng báo, mà dành riêng cho mình, để trong đáy balô, đôi lúc muốn tỏ bày, thì đọc lên cho đồng đội nghe. Thời đánh giặc, trên tất cả các chiến trường Khu 5, Quảng Trị, rồi nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn... ông đều làm thơ, đồng đội thuộc thơ ông. Thời bình, thơ ông vẫn “vang mãi khúc quân hành” ngợi ca tình đồng chí, đồng đội, tình quê hương, tình mẹ, tình chị, tình em với dòng chảy chân thành, mộc mạc - đó là thứ tinh đã chưng cất qua bao khốc liệt của chiến tranh, thiên tai, bão lũ và qua chiêm nghiệm của thời gian.

Ông làm thơ cập nhật như việc nhà binh. Vừa mới tặng tập Một quãng đời tôi còn thơm mùi giấy, tôi chưa kịp đọc hết, ông đã gửi tiếp bản thảo tập thơ Biếc xanh màu lá nhờ tôi góp ý. Cầm trên tay bản thảo, tôi ngạc nhiên, rồi sửng sốt trước sức sáng tạo cường tráng của ông.

Bản thảo đã được cấp giấy phép xuất bản, tôi xăng xái nhờ người trình bày bìa, rồi chạy sang Công ty cổ phần in và dịch vụ Đà Nẵng kiểm tra, rồi vội vàng báo cáo kết quả công việc mà Thiếu tướng ủy nhiệm. Ông lại đương công tác trên địa bàn quen thuộc Tây Nguyên, tôi đành “phỏng vấn” qua... điện thoại.

- Là một người lính kinh qua nhiều cuộc chiến tranh, xông pha nhiều trận mạc, Thiếu tướng đến với “nàng thơ” từ khi nào?

- Từ năm 1963, ngay từ lúc đặt chân vào quân ngũ, tôi đã làm thơ rồi. Hồi đó tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, thơ tôi cũng nằm trong ý thức đó. Thơ hay, dở chưa cần bàn, miễn sao có nhiều đồng đội, đồng chí, đồng bào đồng tình, ủng hộ dễ nhớ, dễ thuộc, thôi thúc yêu thương, thôi thúc căm thù, thôi thúc hành động là tốt rồi.

- Nhưng thơ vẫn là thơ, nó như men rượu, men tình, “chưa mưa đà thấm, chưa nhấm đà say”.

- Đúng thế, bây chừ, qua vài tập thơ, anh em bạn bè, đồng đội, rồi các văn nghệ sĩ góp ý, phê bình, mình cũng phải cố gắng vượt qua chính mình, phải sàng lọc, nâng cấp thơ mình lên để khỏi rơi vào văn vần, ca dao. Có men tình thì thơ mới say, mới hay.

- Ngoài thế mạnh là chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, ông tâm đắc đề tài gỉ trong đời sống hiện nay?

- Là cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, là mẹ, là chị, là em, là cái đẹp, là tình yêu...

- Hành trang của người chiến sĩ không thể thiếu văn hóa, văn nghệ, trong đó có thơ ca. Theo Thiếu tướng, làm thế nào để ngày càng có nhiều cán bộ, chiến sĩ đọc thơ, mê thơ và sáng tác thơ?

- Tôi nghĩ, từ khi có cuộc sống, có tình yêu, thì loài người đã có thi ca. Đời lính với điều lệnh, điều lệ, kỷ luật nghiêm túc, nền nếp chính quy, tác phong “có lệnh là đi” nếu không có thì ca lãng mạn, chắp cánh ước mơ, bồi đắp tâm hồn..., thì không khéo trở thành người máy. “Đầu súng” cần có “trăng treo”. Để bộ đội thích đọc thơ, yêu thơ, mê thơ, theo tôi cần có nhiều nhà thơ, nhiều nhà thơ mặc áo lính làm thơ hay đi sâu vào ngõ ngách tâm tư, tình cảm, khát vọng của dân tộc, của người lính. Người lính cũng tìm đọc những cái mình thiếu để bồi bổ, nâng cao tâm hồn mình. Trong xây dựng môi trường văn hóa quân đội, những phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc sách, tủ sách đại đội, văn hóa văn nghệ thao trường, các tờ báo tường, báo liếp, giao lưu thơ nhạc, đêm thơ chiến sĩ, các chương trình “Chiến sĩ làm thơ”, “Chiến sĩ bình thơ”, “Chiến sĩ nghe thơ”... cũng góp phần “thơ hóa” cho bộ đội. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của các đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy nên mở rộng quan hệ, mời các nhà thơ trong và ngoài quân đội vào đọc thơ, giao lưu thơ với bộ đội. Riêng tôi, có hứng chí làm thơ. Thơ là đứa con tinh thần của mình, là cái riêng của tâm hồn mình, là hương hoa của đời sống người lính. Nhờ có “nàng thơ” luôn cặp kè bên mình, tâm hồn tôi được thăng hoa hơn, có ý nghĩa hơn, cuộc sống quân ngũ đáng yêu hơn.

- Cảm ơn Thiếu tướng, chúc ông có nhiều bài thơ mới, nhiều bài thơ hay! Nếu có thể được, xin ông đọc cho nghe một bài thơ mới viết.

- May quá, mình mới vừa sáng tác xong. Đọc ngay nhé, có gì biên tập giùm: Mỗi lần về lại Tây Nguyên / Nhịp xoang nghiêng phía nỗi niềm phận duyên / Việc quân xong, nhớ việc riêng / Mặt trời xuống núi biết tìm em đâu?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #85 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 06:00:40 pm »

MẢNH ĐẤT NUÔI ANH THÀNH DŨNG SĨ

HỒNG VÂN
                                                                                                                                        
(Bài đăng báo Quảng Nam,
ngày 12, 13-12-2009)

Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 là người con của làng Hà Quảng, xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam. Mảnh đất nằm giữa sông và biển, giữa là bãi cát dài và hẹp quanh năm rì rào sóng gió đã thổi vào tâm hồn anh tình yêu quê hương, đất nước đắm say, nâng bước anh đi suốt cuộc đời binh nghiệp, từ người lính trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, từ con một người đánh cá nghèo trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, từ dăm chữ học được ở trường làng trở thành người làm thơ không chuyên, tác giả của hàng trăm bài thơ đầy xúc cảm...

Nhà văn Lép Tônxtôi đã từng nói với sự cường điệu cố ý rằng tất cả những tri thức thu thập được trong quãng đời về sau của ông thì chẳng có gì quan trọng hơn so với những gì ông đã hiểu biết được trong thời thơ ấu. Trần Minh Hùng có lẽ thế. Anh chịu ảnh hưởng của gia đình và tuổi thơ nhọc nhằn mà sôi động, lòng yêu nước, bất khuất có trong huyết quản về cụ tổ từng tham gia phong trào Cần Vương bị giặc Pháp hành hình. Nhà làm biển, đông con, quanh năm túng thiếu nhưng cha mẹ anh vẫn chắt chiu cho anh đi học. Những cái chữ đôi khi rướm máu vì những hình phạt nghiêm khắc của ông giáo khả kính đã giúp anh hiểu rõ hơn giá trị của sự học, khám phá bao điều mới mẻ về thế giới xung quanh, về chí làm trai khi quê hương bị địch giày xéo.

13 tuổi, cậu bé Trần Minh Hùng hăm hở theo các anh chị rải truyền đơn, làm giao liên, tham gia biểu tình, ném lựu đạn vào đội hình địch, rồi được làm thành viên nhỏ nhất của Đội công tác Đ.64. 15 tuổi, đánh trận đầu tiên cùng R.20 Quảng Đà, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay khi còn rất trẻ, 22 tuổi đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 anh hùng, một trong những đơn vị chủ lực góp phần giữ vững Thành cổ Quảng Trị lịch sử, rồi tiếp tục tiến lên mặt trận Tây Nguyên. Đất nước hoàn toàn giải phóng, anh có mặt trong đội hình Trung đoàn 95 bảo vệ biên giới Tây Nam, tham gia giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng, làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307, Sư đoàn 2, Tham mưu phó Quân khu 5, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân huấn - Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Quân khu 5. Mảnh đất Hà Quảng, với những con người “ăn sóng nói gió” hào phóng như biển trời; nuôi dưỡng tố chất ở anh, một người chỉ huy mạnh mẽ, táo bạo, lập nhiều chiến công nhưng cũng chính sự khẳng khái ấy ít nhiều làm cuộc đời binh nghiệp của anh gặp thăng trầm. Có điều anh chẳng lấy đó làm buồn. Dồn hết tâm huyết vào nhiệm vụ, những mảng công tác quân sự anh đảm nhiệm bao giờ cũng được thực hiện sâu sát, quyết liệt. Bàn chân anh có luôn đồng hành cùng người lính trên thao trường huấn luyện, bão lụt, về biên giới, hải đảo xa xôi, nêu tấm gương người cán bộ miệng nói tay làm, hết mực thương yêu chiến sĩ.

Bận bịu việc quân nhưng anh vẫn dành thời gian làm thơ và đã lần lượt xuất bản 4 tập: Biếc xanh màu lá, Dáng núi, Mẹ ơi, tập nhạc Khúc tình ca. Đó là chưa kể tập hồi ký Một quãng đời tôiKý ức chỉ huy. Thơ anh là nhật ký chiến trường, cùng anh lưu giữ bao kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ. Anh nói rằng, chính mảnh đất quê nghèo đã cho anh ngọn nguồn yêu thương và cảm xúc vô tận, cho anh tâm hồn lãng mạn cách mạng. Đó là tình cảm kính trọng về người cha liệt sĩ một lòng sắt son với nước, về người mẹ tuyệt vời “Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng / Biết hy sinh nên chẳng nói nhiều lời”, về người bạn đời cùng làm du kích lúc thiếu niên với bao buồn vui nhung nhớ: “Ai đi xa, đi thật xa / Lòng vẫn nhớ quê nhà, nhớ lắm / Nhớ sông Thu soi bóng dừa xanh thắm / Nơi đó có mối tình cháy bỏng tim ta” (Quê hương).

Một chị y tá Xuân Mai bên sông Thu chăm sóc anh trong những ngày ở R.20, sau đó hy sinh trên đường làm nhiệm vụ khiến anh nhớ thương, day dứt suốt mấy mươi năm. Một chiến sĩ quân tình nguyện trẻ măng, ngã xuống khi vừa xung trận hay hình ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng K’so H’rú ở Gia Lai ôm chầm hài cốt con mình vừa tìm được, ôm cả màu cờ Tổ quốc vào lòng... đều làm anh xúc động khôn xiết.

Có lần khi chưa cấm đốt pháo, anh vào Ủy ban nhân dân xã Điện Dương xin đốt dây pháo nhỏ bên mộ cha mình ở nghĩa trang liệt sĩ. Lãnh đạo xã thật sự bất ngờ khi một sĩ quan cao cấp quân đội mà vẫn khiêm nhường đến vậy. Anh lại nghĩ khác. Dù cấp bậc gì anh vẫn là người con của quê hương và làm được gì cho địa phương là anh sẵn sàng. Anh vui mừng trước bước phát triển vượt bậc của xã. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, anh luôn về thăm, tặng quà Ủy ban nhân dân xã, đóng góp ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong công tác quân sự địa phương. Anh nói chuyện truyền thống với thanh niên sắp lên đường tòng quân, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình nghèo, neo đơn; tự nguyện đóng góp tiền để xây dựng các công trình nhà văn hóa thôn, đình làng, các quỹ khuyến học. Còn nhớ trận bão số 6-2006, xã bị thiệt hại nặng nề, anh cùng đoàn cán bộ Quân khu về kiểm tra, kịp thời huy động lực lượng bộ đội giúp dân sửa chữa hàng trăm ngôi nhà, trường học, giúp bà con ổn định cuộc sống. Với cấp ủy, chính quyền huyện Điện Bàn, nhiều năm nay, Thiếu tướng Trần Minh Hùng đã trở nên rất quen thuộc. Những ngày lễ tết, sự kiện chính trị của địa phương, anh luôn có mặt, cùng với hơn chục vị tướng lĩnh khác của huyện tham gia đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, giáo dục truyền thống. Em trai anh, Đại tá Trần Minh Chín, Trưởng phòng Cán bộ Quân khu cũng là người tâm huyết với quê. Vợ và hai con trai anh; vợ, hai con trai của anh Chín đều là bộ đội. Anh trai Trần Minh Thọ từng là xã đội trưởng thời chống Mỹ, cứu nước, sau này là Bí thư Đảng ủy xã Điện Dương, đã nghỉ hưu, cháu trai Trần Minh Hoàng nay là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đại gia đình của anh đã thực sự là vốn quý của địa phương.

Ra đi lúc tuổi thiếu niên, lúc về tóc nhuộm màu sương gió, quê hương vẫn là điểm tựa, là niềm vui để anh được chở che. Có lẽ thế mà gần tuổi lục tuần, người ta thấy Thiếu tướng Trần Minh Hùng vẫn rất trẻ và vẫn bóng bẩy, chỉn chu trong ăn mặc như xưa. Trên bàn làm việc của anh, có cuốn sổ dành cho thơ, trong đó có rất nhiều bài đang hoàn chỉnh về mảnh đất đã sinh ra mình. Nhưng câu thơ anh thích nhất, được ghi trang trọng trong tập hồi ký “Một quãng đời tôi” lại là câu thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #86 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 06:05:48 pm »

THỜI HOA LỬA

NGUYỄN SỸ LONG
                                                                                                                               
(Bài đăng báo Quân đội nhân dân
ngày 28-5-2010)

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ra mắt bạn đọc cuốn “Thời hoa lửa” của Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5.

Cuốn sách là tâm sự của một vị tướng đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; làm nhiệm vụ quốc tế; xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Cũng là đề tài chiến tranh, nhưng Thiếu tướng Trần Minh Hùng có lối viết rất khác, lối viết của người không chuyên đã trực tiếp cầm quân đánh giặc. Vì thế, đọc “Thời hoa lửa” độc giả sẽ hiểu sâu hơn về trận đánh bẻ gãy chiến dịch “Tám thơm” của địch mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn R20 (Bộ đội Quảng Nam) là những người trực tiếp chiến đấu và tình cảm nhân dân dành cho đơn vị: “Tiểu đoàn 1 - R20 đang ở đâu mà chẳng thấy về diệt bọn Mỹ cho bà con rảnh tay chặt mía hè”. Sự đằm thắm, hóm hỉnh của người lính chiến cũng được ông phác họa qua câu nói: “Nếu Mười gọi Bảo bằng anh, Bảo sẽ giới thiệu đứa em út của đại đội làm em trai Mười, đồng ý chứ”.

Trò chuyện với một số bạn đọc, Thiếu tướng Trần Minh Hùng không giấu nổi xúc động: “Tôi muốn mọi người cảm nhận sự gian khổ ác liệt của chiến trường Trị Thiên bằng câu chuyện của người trong cuộc, chia sẻ nỗi đau trước sự hy sinh của đồng đội”. Đó là những khó khăn, gian khổ khi tổ chức bến vượt Nhan Biều qua sông Thạch Hãn, chiến đấu giữ vững Thành cổ Quảng Trị... Nhiều bạn đọc đã không cầm được nước mắt trước cảnh tượng: “Khi hai chúng tôi vừa đến đầu cầu sắt phía Bắc thị xã Quảng Trị để hướng dẫn xe vào khu vực giao hàng, bỗng từ hướng Đông máy bay C130 thả trải pháo sáng rực cả khúc sông Thạch Hãn, rồi lao xuống chặn đầu đoàn xe, lửa cháy ngút trời, tiếng kêu xao xác, đất đá văng tứ tung. Tôi vội nhảy xuống công sự bên đường để tránh, cùng lúc anh Quang đè lên người tôi. Một mảnh bom oan nghiệt găm thẳng vào lưng anh, tôi gượng dậy băng bó, nhưng do vết thương quá nặng, anh đã ra đi mãi mãi”. Tất cả được gói gọn trong chương hai “Trị Thiên thời hoa lửa”.

Đất nước hòa bình, ông lại rong ruổi trên “Dặm dài những nẻo biên cương” để chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Những câu chuyện mà Thiếu tướng Trần Minh Hùng ghi lại đặc biệt gây xúc động như “Cái vỏ đạn” khi đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ tiễu trừ quân Pôn-pôt...

Khác với các nội dung trước, chương ba “Trên thao trường huấn luyện” là những kinh nghiệm được ông đúc rút trong chỉ đạo, tổ chức huấn luyện chiến đấu, xây dựng quân đội thời kỳ mới. Đọc “Thời hoa lửa”, độc giả còn bắt gặp một tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của người con, người chiến sĩ đã chiến đấu trên suốt rẻo biên giới của đất nước. Đồng thời, tác phẩm cũng cung cấp cho người đọc một cái nhìn vừa tổng thể, vừa tỉ mỉ về cuộc sống của các xã vùng biên giới Tây Nguyên.

Tâm sự trong buổi giới thiệu tác phẩm, Thiếu tướng Trần Minh Hùng giãi bày: “Tôi viết cuốn sách này để dâng tặng quê hương và đồng đội nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #87 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 06:42:55 pm »







Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #88 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 06:44:32 pm »







Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #89 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 06:45:56 pm »







Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM