Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:25:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân trên cát  (Đọc 4330 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 08:53:38 am »

Đông Bắc Campuchia

Mùa khô 1985 - 1986, tình hình trên hướng Đông Bắc Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Địch chuyển hướng chiến lược, đẩy mạnh hoạt động ở nội địa để giành dân, cài cắm nắm chính quyền ở cơ sở, mặt khác chúng ra sức phá hoại tuyến phòng thủ biên giới của bạn, xoi mở hành lang, tuồn hàng và vũ khí vào nội địa tạo thế và lực, chờ thời cơ khi ta rút hết quân sẽ đảo ngược tình thế có lợi cho chúng. Được sự hà hơi tiếp sức của bọn phản động quốc tế và thế lực cực hữu... chúng tiến hành đánh phá trên diện rộng hòng tìm cơ hội lật đổ chính quyền cách mạng từ bên trong, kết hợp tiến công quân sự để giành lại địa bàn.

Tháng 9 năm 1985, khi cả sư đoàn đang dồn sức cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống (20.10.1965 - 20.10.1985), chấp hành mệnh lệnh của Quân khu, từ đầu tháng 11 năm 1985, sư đoàn tổ chức 2 sở chỉ huy. Với cương vị Phó Sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn trưởng, tôi được phân công trực tiếp chỉ huy cán bộ cơ quan và các trung đoàn đi trinh sát chuẩn bị chiến trường và tiếp đón đơn vị cơ động với khí thế:

            “... Quê hương vang khúc hát
            Đường rợp sắc phong lan
            Ngụy trang cười trong gió
            Quân đi rừng âm vang...”.


Tù' huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, mảnh đất Quang Trung dụng võ, Trung đoàn 1, bôn tập qua cửa khẩu 19 đến huyện Bô Keo, tỉnh Rát-ta-na-ki-ri vào triển khai đội hình truy quét Khu 3 huyện và Rừng Xanh. Trung đoàn 38 vào huyện Lâm Phát và hướng Môn-đôn-ki-ri, sẵn sàng đánh vào căn cứ Ô-ta-ô. Trung đoàn 93 chiếm lĩnh chặn địch từ Xiêm Bàng, huyện Viên Xây đến Tây Bắc huyện Bô Keo. Sở chỉ huy Sư đoàn triển khai tại hồ Xi-ha-núc đông bắc thị trấn Bung Lung.

Ba cánh quân giăng thành chiến lũy, tuyến biên giới do lực lượng trinh sát các đơn vị phục lót, tuyến 2 là các đại đội, tiểu đoàn bộ binh truy quét, sau cùng là các lực lượng binh chủng và bảo đảm chiến đấu, chốt cắt các nút giao thông, bảo vệ hành lang vận chuyển, kho trạm và sở chỉ huy, đồng thời phối hợp với các lực lượng của bạn tham gia vận động nhân dân bóc gỡ địch ngầm, bảo đảm an toàn khu vực đứng chân.

Đầu mùa khô, mưa vẫn còn nặng hạt. Bộ đội phải vượt sông, lội suối, luồn rừng, rét buốt vẫn không ngăn được quyết tâm vào khu chiến đúng kế hoạch. Thông tin thông suốt, vật chất trên vai bộ đội và lót tại chỗ cũng bảo đảm đồng bộ cho cả mùa hoạt động. 16 đội công tác vận động quần chúng với 102 cán bộ được tuyển chọn, bồi dưỡng nội dung, phương pháp và tiếng Khơ-me đảm nhiệm địa bàn 4 huyện của tỉnh Rát-ta-na-ki-ri (Lâm Phát, Bung Lung, Bô Keo, Viên Xây) và một số xã thuộc 2 tỉnh lân cận Stung Treng, Môn-đun-ki-ri cũng đã xuống cơ sở ổn định nơi sinh hoạt và hiệp đồng chặt chẽ với bạn.

Mở màn mùa hoạt động, Trung đoàn 1 truy quét làm chủ khu vực 3 huyện và Rừng Xanh, đập tan ý đồ thiết lập “căn cứ lõm” của địch, đưa dân về ổn định sản xuất xây dựng cuộc sống mới xung quanh thị trấn Bung Lung, bảo vệ sườn đông và bắc sở chỉ huy Sư đoàn. Trung đoàn 38 sử dụng phân đội nhỏ và cấp tiểu đoàn luồn rừng quét sạch căn cứ Ô-ta-ô, mở thông hành lang đi Môn-đun-ki-ri và chốt giữ cầu Sê-rê-pốk trên quốc lộ 19 kéo dài từ Stung Treng, Campuchia đến cửa khẩu 19, Đức Cơ, Gia Lai, Việt Nam cả mùa khô và mùa mưa. Trung đoàn 93 (thiếu) thực hiện cách đánh vừa tác chiến vừa địch vận vào căn cứ La Lay, huyện Viên Xây, kêu gọi binh lính, người thân của họ và nhân dân còn đang ở ngoài rừng ra hàng trở về phum sóc.

Đoàn quân lặng lẽ dò từng bước để không phát ra tiếng động và tránh các loại mìn địch cài cắm nhằm cản đường quân ta. Là người đi cùng trực tiếp chỉ huy trên hướng chủ yếu của Trung đoàn, lúc băng đèo, khi vượt suối, dầm mình dưới cái nắng gay gắt hay tắm mình trong ánh trăng thanh giữa đại ngàn núi rừng đất bạn, tôi thầm tự hào về tinh thần kiên cường của chiến sĩ, “máu” thi sĩ lại trỗi dậy:

            “... Anh vào trận đánh La Lay
            Chăn theo suối hát, trăng bay dẫn đường
            Ơi người chiến sĩ kiên trung
            Anh đi cho cả hậu phương thanh bình...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 08:55:35 am »

Đang phút ngẫu hứng, phía trước đoàn quân có tin: “Báo cáo thủ trưởng, bộ phận đi đầu đã gặp địch”. Theo phản xạ “nhà binh”, tôi hạ lệnh: “Tiến công!”. Các mũi, các hướng đồng loạt xung phong, địch bị đánh bất ngờ, dùng B40, B41, ĐKZ hòng chặn đường quân ta. Tôi động viên bộ đội: “Rình tĩnh, kiên quyết thọc sâu không để mắc mưu quân Pôn-pốt dùng hỏa lực chế áp để tìm cách thoát thân.” Bộ đội tả xung hữu đột trút căm thù xuống đầu bọn diệt chủng, nhiều tên chết, những tên bị thương rên la thảm thiết. Tôi và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 93 đã có mặt kịp thời và chứng kiến một hình ảnh cảm động của chiến sĩ quân y đang cấp cứu một sản phụ là vợ lính Pôn-pôt bị bỏ rơi trên đường tháo chạy. Chị ta nằm đó, đôi mắt đỏ hoe, chắp 2 tay ấp úng: “Koong-top (bộ đội) Việt Nam ơi! Tôi đang trở dạ”. Dù không phải là chuyên khoa, song với tinh thần “trọng đạo nghĩa nhân”, bộ đội ta đã giúp chị ta sinh “mẹ tròn con vuông” rồi chuyển về tuyến sau. Chứng kiến sự việc, cảm kích trước nghĩa cử của bộ đội ta, những người dân được ta cứu thoát cùng thốt lên: “Prochia Choon (nhân dân Campuchia) cảm ơn, Koong top Việt Nam... đúng là người của nhà Phật...”.

Kết thúc mùa hoạt động, sư đoàn loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên địch, thu 78 súng các loại, xóa sổ 3 căn cứ (khu 3 huyện, La Lay, Ô-ta-ô), tuyên truyền vận động và tổ chức học tập cho hơn 10 ngàn lượt người dân, 12 lượt cán bộ xã, 850 lượt du kích, vận động nhân dân kêu gọi 110 lính địch còn đang ở ngoài rừng ra hàng và hơn 215 lượt người dân trở về phum sóc làm ăn, sinh sống, bóc gỡ 16 tên địch hoạt động ngầm trong chính quyền và nhân dân, xây dựng 125 du kích xã, 214 du kích thôn, cử cán bộ giúp đỡ huấn luyện các tiểu đoàn 50, 96, 79 bộ đội địa phương bạn. Với phương thức hoạt động tác chiến truy quét và vận động quần chúng giúp bạn, sư đoàn tiếp tục mở rộng địa bàn thực hiện một loạt trận đánh cho đến hết mùa khô 1987 - 1988, loại khỏi vòng chiến đấu 61 tên và bắt sống 137 tên địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của bạn bước vào hoạt động mùa mưa 1988 - 1989 thuận lợi.

Để hỗ trợ cho bạn và đối phó với những hành động mới của địch vào mùa mưa 1988 - 1989, sư đoàn tổ chức hội nghị cán bộ để rút kinh nghiệm đề ra những giải pháp giúp bạn. Một vinh dự đối với sư đoàn là sau hội nghị được đón chị Lay On - ủy viên Trung ương Đảng (CPP), Bí thư Tỉnh ủy, bác Bu Chuông - Chủ tịch Ủy ban nhân dân và anh Khăm Ba – Tỉnh đội Rát-ta-na-ki-ri đến thăm và động viên. Khi nghe chỉ huy sư đoàn báo cáo kết quả giúp bạn, chị Lay On xúc động nhắc lại lời của ngài Chay Y Hiêng, cố vấn Hoàng gia Campuchia: “Điều gì còn đọng lại trong trái tim của người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ XX, đó là lòng biết ơn, là tình hữu nghị, là hình ảnh về một “Đội quân nhà Phật” từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia”. Như vậy, dù là đối với nhân dân bạn (khi đi làm nghĩa vụ quốc tế) hay đối với nhân dân mình (trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại), hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Đội quân nhà Phật” luôn được kính yêu và tôn trọng. Đây chính là điều mà quân đội ta khác xa với quân đội các nước về bản chất.

Tiếp lời, bác Bu Chuông ôm chặt từng cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện vào lòng, giữa khu rừng sinh thái bên hồ Xi-ha-núc. Bác hứa: “Tôi và chị Lay On sẽ sang thăm sư đoàn tại Việt Nam trong thời gian gần nhất”. Tình cảm của bác thể hiện tấm lòng của người dân Campuchia đối với bộ đội Việt Nam, biểu hiện cho tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước. Cảm ơn bác đã sưởi ấm lòng những đứa con xa quê hương sắp tạm biệt đất nước Ăng-ko tươi đẹp để trở về Tổ quốc thân yêu chuẩn bị đón một mùa xuân trong sự thanh bình của hai đất nước, từ trong sâu thẳm trái tim tôi, những cảm xúc lại trào dâng:

“... Tổ quốc ơi!
Người mẹ hiền yêu quý
Đã có chúng con, những chiến sĩ
Giữ biển trời
Cho non sông đẹp mãi tuổi đời
Dựng đất nước
Nhiều mùa xuân hạnh phúc
Xuân: phấp phỏng chờ mong
Yêu thương trọn vẹn
Lời hẹn không hương hoa
Chỉ kết bằng tâm trí
Đầy tình đồng chí
Nặng nghĩa đồng hào
Chúc nhau lời chào
Nhắc cũng tiến tới
Cầu cho năm mới
Tổ quốc hẹn ngày
Mê Kông và Cửu Long Giang
Hòa chung nhịp đập...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 08:56:46 am »

Kỷ niệm Nam Lào

Chuyện xảy ra vào mùa mưa năm (1987 - 1988) trong quá trình phục lót đón đánh bọn diệt chủng Pôn-pôt - Iêng Xa-ri trên tuyến biên giới Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Đơn vị chúng tôi (Trung đoàn 1 Sư đoàn 2) mở màn nổ súng nhưng lại để địch lọt qua. Để tìm hiểu rõ căn nguyên, chúng tôi phải ra khu chiến xác minh từ điểm đứng, hướng bắn của chiến sĩ đến vị trí rơi của vỏ đạn và mất gần hai tiếng đồng hồ mới tìm ra “thủ phạm” nằm cách khu vực chiến sĩ cảnh giới của đại đội khoảng một mét. Lý do vì quá bất ngờ khi địch vượt qua, một chiến sĩ buộc phải nổ súng để báo động nhưng đạn bị thối, trong lúc lúng túng đối phó thì anh chàng bị hai quả B40 của địch phủ đầu, khói bụi mù mịt nên không biết địch chạy về hướng nào; chiến sĩ này mới bổ sung vào đơn vị rồi đi chiến đấu ngay nên kinh nghiệm chưa có. Lực lượng công binh dừng tìm, đại đội gọi đồng chí chiến sĩ nổ súng không thành, lên gặp tôi.

Đứng trước tôi là một thanh niên trẻ măng, khôi ngô. Qua hỏi han tôi biết cậu ta được học hành bài bản quê Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” nhưng chưa hề có kinh nghiệm trận mạc. Tôi thầm trách cán bộ thuộc quyền sao lại sử dụng một chiến sĩ “mới toanh” vào vị trí phục lót tại nơi trọng điểm của đơn vị. Vừa dặn mình và cũng để củng cố lòng tin cho chiến sĩ, tôi ân cần: “Về đơn vị ráng học tập cho thành thạo cách dùng súng và làm quen với chiến đấu để lần sau lập công nghe!”. “Dạ”. Nhìn bóng chiến sĩ hòa vào bóng núi, tôi se lại nghĩ suy về câu hỏi của đồng chí Tư lệnh Mặt trận: “Không diệt được địch là tội lớn đó...”. Đầu tôi như có lửa, không phải chỉ có tội với Đảng, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia mà còn có tội với chiến sĩ của mình, nếu như hôm đó bọn Pôn-pốt không thần hồn nát thần tính thì hai quả B40 chắc gì đã bỏ qua mạng sống kia.

Rời bản Ka Điêng, huyện Mường Mun, tỉnh Chăm-pa-sắc, Nam Lào tôi cứ đau đáu về yêu cầu nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của Đại đội trinh sát Trung đoàn 1 trong thời gian tới; cần phải nghiên cứu kỹ phương thức và thủ đoạn phục lót, tranh thủ huấn luyện bộ đội theo phương án, điều chỉnh lực lượng cho phù hợp và linh hoạt. Đối với chiến sĩ mới bổ sung phải dành nhiều thời gian và phân công cán bộ phân đội trực tiếp hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ từng động tác kỹ, chiến thuật và nếp sống chiến đấu. Chiến dịch còn dài, mùa mưa đã bắt đầu, phải hết sức cảnh giác và giữ gìn sức khỏe cho bộ đội để duy trì sức chiến đấu bền bỉ dẻo dai của một đơn vị “tinh nhuệ”, nếu để địch lọt lưới thì thật hổ danh “lính trinh sát Ba Gia”. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi phải hiểu sâu hơn phép dùng binh của các bậc hiền nhân, khi nào thì sử dụng thuật “tướng quân tại ngoại”, lúc nào mới tung chiêu “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đừng có “hữu dũng vô mưu”, xem xét kết luận sự vật theo kiểu một chiều, xử lý oan sai dẫn đến hậu quả khó lường. Sau sự cố xảy ra, tập thể chỉ huy đơn vị đã cùng với Trung tá Buông Hương - Huyện đội trưởng Mường Mun tỉnh Chăm-pa-sắc, Nam Lào phân tích tình hình và thống nhất kế hoạch hoạt động sắp đến.

Chia tay Buôn Hương, từ Mường Mun về Sở chỉ huy Sư đoàn tại Bản Beo, đoạn đường gần 60 cây số, tôi và đoàn cán bộ lặng lẽ dồn bước trên con đường quân sự làm gấp sau cơn mưa chiều trời mát dịu mà lòng mãi nghĩ về đợt hoạt động đến của Trung đoàn bộ binh 1. Khi cách sở chỉ huy Sư đoàn khoảng 500m, bộ phận hành chính báo lên xin cho nuôi quân về trước chuẩn bị cơm chiều. “Đồng ý”, tôi vừa nói xong thì đồng chí nuôi quân vừa đi tới phía sau hô lớn: “Thủ trưởng dưới chân có mìn...”. Theo quán tính của bước chân hành quân, tôi trụ mũi bàn chân và nâng gót đứng tại chỗ. Sau tôi là đồng chí Do - Phó Chủ nhiệm Công binh Sư đoàn vượt lên phát lệnh mọi người tản ra hai bên đường cảnh giới, đồng chí Phương - Chủ nhiệm Chính trị lên động viên bộ đội bình bĩnh, sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí Phạm Chân Lý - Phó Tham mưu trưởng, Trưởng ban Tác chiến triển khai lực lượng dò gỡ. Sau 30 phút lực lượng công binh dò tìm và đưa lên 2 quả mìn 65-2A (1 quả đặt trên, 1 quả đặt dưới) và 4 quả B40 (3 quả đặt theo chiều thẳng đứng, 1 quả nằm ngang) nhưng rất may là 2 quả mìn 65-2A kíp lắp ngược... Tôi nhận định: Đây là bẫy của bọn Pôn-pốt cài để đánh xe cơ giới của ta thường vận chuyển bộ đội và hàng hóa từ Mường Mun vào Sở chỉ huy sư đoàn và cũng là con đường ngang nối với đường 13 (Lào sang Stung Treng, Campuchia) từ Bản Beo qua Đầm Rây, Chép về phía sau và lên Ngã ba biên giới, điểm cao 547 giáp với Thái Lan. Khi chúng tôi đi trời chưa mưa nên không phát hiện ra). Lúc về, sau cơn mưa nước chảy cuốn đi lớp đất ngụy trang phía trên dễ nhận thấy màu xanh của vỏ mìn 65-2A. Mặt khác đây là đoạn đường do lực lượng công binh của sư đoàn chốt giữ và tuần tra bảo vệ thường xuyên nên bọn Pôn-pôt đặt vội vàng, lắp ngược cả kíp mìn. Nếu không thì chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi và đoàn công tác.

Tôi cảm kích ôm chặt đồng chí nuôi quân, mắt nhìn sâu vào mắt thấy ấm áp tình yêu thương đồng đội, hai trái tim rung lên cùng nhịp đập. Đêm trên đất bạn, mưa rả rích, tôi nằm thao thức, lòng vẫn còn bao suy tư trăn trở:

            “Đêm nằm thao thức lắng mưa rơi
            Đâu phải riêng tư nghĩ cho đời
            Nhà trống, thiếu chăn chiến sĩ lạnh
            Mưa gì dai dẳng rứa mưa ơi!”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 08:58:18 am »

Từ Tây Nguyên đến Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết

Ngày 12 tháng 6 năm 1986, tôi được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng, đến ngày 29 tháng 12 năm 1987 đề bạt quân hàm đại tá (3 sao). Đây là thời gian thử thách cả về trí tuệ và tình cảm bởi lẽ: tình hình sư đoàn suốt những năm dài chiến đấu chưa được củng cố doanh trại và đời sống chưa được cải thiện trong khi đơn vị lo chiến đấu giúp bạn thì một bộ phận cán bộ ở phía sau thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều điều về thất thoát cơ sở vật chất, ý thức kỷ luật bị buông lỏng, quan hệ quân dân bị giảm lòng tin. Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, tiêu cực xã hội phát triển mạnh tác động vào đơn vị làm một số cán bộ (kể cả cán bộ chủ chốt của sư đoàn và trung đoàn) bản lĩnh chưa vững vàng, bị cám dỗ trước lợi ích vật chất cá nhân tầm thường đã vi phạm phẩm chất đạo đức: Tham ô, buôn lậu, lấy cắp tài sản của đơn vị, có đồng chí phải xử lý bằng pháp luật. Tình hình trên đã để lại hậu quả nặng nề, làm ảnh hưởng đến truyền thống của sư đoàn.

Trong bối cảnh sư đoàn như vậy, Trung tướng Nguyễn Chơn - Tư lệnh Quân khu vừa giao quyết định vừa chỉ thị cho Đảng ủy Sư đoàn tổ chức rút kinh nghiệm sau 10 năm (1975 - 1985), tìm nguyên nhân mà chữa trị. Đồng chí còn nhấn mạnh: “Sư đoàn bị “ghẻ” phải tìm đúng thuốc và chữa trị dứt điểm từng phần như thời chữa bệnh sốt rét - phù - suy dinh dưỡng ở chiến trường Campuchia để truy tìm dấu vết của bọn tàn quân Pôn-pốt và bóc gỡ địch ngầm trong phum bản...”.

Tôi vừa nhận trách nhiệm chỉ huy một sư đoàn có truyền thống hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... vừa tháo gỡ những vấn đề mà Tư lệnh Quân khu chỉ thị. Bên cạnh đó vợ và hai con tôi từ Bệnh viện Tĩnh Gia chuyển vào từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1986 vẫn chưa biết rõ Quân khu sẽ bố trí thế nào, nơi ăn nghỉ cũng chưa có v.v... Trong bối cảnh này tôi lại nhớ đến lời dạy của cổ nhân: “Uy vũ không khuất phục, giàu sang không quyến rũ, nghèo khó chẳng chuyển lay...” để động viên vợ con tằn tiện từng đồng lương của tôi gửi về mà sống qua ngày chờ đợi...

Chấp hành chỉ thị của Tư lệnh Quân khu, tôi được tháp tùng Phó Tư lệnh Quân khu Đoàn Y Thanh làm một chuyến công du ra đất Bắc để nghiên cứu cách làm kinh tế của Sư đoàn 390 Quân đoàn 1; Trung đoàn công binh 513 và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng (Quân khu 3). Thời gian đi thực tế cũng là thời gian vạch ra ý định trong tôi: “Làm gì đây, làm như thế nào cho đơn vị đỡ khổ, đỡ “rách nát” giữa núi rừng trùng điệp mà bộ đội bữa ăn chưa được cải thiện, nhà cửa xuống cấp, phải ngói hóa và làm kinh tế bằng chính sức lao động của bộ đội mới thoát cảnh “nhà tranh vách đất”.

Tất cả những suy nghĩ của tôi là hành động của tập thể, bằng nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn “an cư mới lạc nghiệp” từ 1986 - 1990 phải cơ bản ngói hóa... Chỉ huy lên kế hoạch chỉ đạo các đơn vị chủ động liên hệ với địa phương để tổ chức sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng như: Gạch, ngói, gỗ, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung của sư đoàn và từng trung đoàn, phát triển các hồ nuôi cá, đàn bò, đàn heo và một đại đội khai thác than tại mỏ than Ngọc Kinh, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam... Tuy nhiên xây dựng lòng tin cần phải có thời gian, bởi Đông Bắc Campuchia vẫn chưa im tiếng súng, xây dựng chính quy cũng là một quá trình chuyển hướng tư tưởng, ngói hóa thì cơ sở chưa tạo ra được bao nhiêu.

Trong lúc tưởng như bế tắc thì tổ chức Đoàn Thanh niên đứng ra thực hiện vai trò xung kích “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Đang chỉ huy chiến đấu tại Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, tôi hành quân một mạch về dự lễ kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Đoàn... Không dừng lại ở sinh hoạt hiếu hỉ chung chung, chính dịp kỷ niệm này là “Hội thi tuổi trẻ sáng tạo” toàn sư đoàn lần thứ nhất, nhằm chiêu mộ nhân tài, tích góp nhân lực phục vụ cho công cuộc cải tạo xây dựng doanh trại, tăng gia cải thiện đời sống của sư đoàn...

Từ đó, toàn sư đoàn như một “công trường” tiến quân vào “khoa học kỹ thuật” tạo được một phận cơ sở vật chất cho việc xây dựng sư đoàn sau này, một phần đáp ứng bổ sung cho yêu cầu phía trước. Chỉ tính đến hết năm 1987, toàn sư đoàn đã xây dựng được 2.500m2 nhà cấp bốn, hoàn chỉnh 1 hội trường với kết cấu kiên cố khang trang và hoàn chỉnh nhà truyền thống 2 tầng, tổng diện tích mặt nước nuôi cá 24ha, đàn bò có 700 con, đàn heo 320 con, trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc trong toàn bộ diện tích đất do sư đoàn quản lý được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện An Khê nói riêng, tỉnh Gia Lai - Kon Tum nói chung thương yêu và mến phục...

Đến cuối năm 1987, để tiện việc chỉ huy quản lý bộ đội và xây dựng chính quy, được Quân khu phê duyệt cho sư đoàn điều chỉnh vị trí đóng quân: Trung đoàn bộ binh 38 từ Châu Khê (huyện Măng Giang) về Song Anh (huyện An Khê). Trung đoàn bộ binh 1 từ xã Hà Tam về xã Cư An, huyện An Khê; các tiểu đoàn trực thuộc: 15 (công binh), 17 (thông tin), 16 (huấn luyện), Đại đội trinh sát 21 cũng thu gọn cạnh sư đoàn bộ phải xây dựng lại toàn bộ doanh trại từ đầu trong 2 năm 1988 - 1989.

Tháng 2 năm 1989, tôi nhận điện của Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu Lê An: “Bàn giao sư đoàn cho đồng chí Phạm Đới - Phó Sư đoàn trưởng Tham mưu trưởng, để đi học nước ngoài...”. Nhận điện mà bao nỗi suy tư, bởi vợ tôi đang nằm Bệnh viện Quân y 17 của Quân khu hơn một tuần vẫn chưa tìm ra nguyên nhân đau. Tôi thì do việc điều chỉnh khu vực đóng quân của sư đoàn nên chưa về thăm, hơn nữa đi học nước ngoài (Liên Xô) tới 3 năm, ngoại ngữ thì chưa biết mô tê gì. Song tôi xác định rõ mình là cán bộ đảng viên, khi được giao nhiệm vụ thì không thể chối từ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 08:04:33 am »

Đến Mátxcơva

Từ giã đại ngàn cao nguyên, chia tay Lê Minh Cược - Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị, Phạm Đới - Phó Sư đoàn trưởng Tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Dần - Phó Sư đoàn trưởng kỹ thuật, Đàm Văn Sánh - Phó Sư đoàn trưởng quân sự... và tất cả đồng đội đồng chí... Trên đường từ An Khê về Đà Nẵng có Phạm Chân Lý - Phó Tham mưu trưởng tác chiến cùng về thăm vợ cũng đau cột sống đang điều trị tại Bệnh viện 17. Hai anh em đã hiểu nhau từ những trận đánh khu 3 huyện đến ba biên giới Việt - Lào - Campuchia, cùng chia sẻ khi hai người vợ ốm nheo nhóc nằm viện mà cả hai sĩ quan chẳng có một chút quà ngoài nhành phong lan mang từ rừng về, tôi buột miệng:

            “Thân em một nách ba con
            Lo ăn chưa đủ hỏi còn béo chi
            Bọn anh trên quãng đường đi
            Có nhành hoa tặng để ghi chút tình...”.


Cả thầy thuốc, bệnh nhân và người đi thăm phá lên cười: Đúng là “tướng” Sư đoàn 2.

Sau ba ngày, tôi xin vợ ra viện về nhà để “bồi dưỡng”. Trước khi đi học, nhà ở được Tư lệnh Nguyễn Chơn cấp cho một nửa; điện nước, giường phản chưa có... Tôi gặp anh Lạng - Phó Tham mưu trưởng Quân khu và anh Mai - Trưởng phòng Doanh trại xin nhượng ống nước và bóng đèn hóa giá rồi mượn Bộ Tham mưu một chiếc giường sắt đang để bên anh Yên - Chủ nhiệm Công binh, cùng chia một nửa nhà với tôi, nhưng không có ai dùng... Công việc tạm ổn, tôi lại chia tay vợ con và về Khoa Ngoại ngữ Học viện Kỹ thuật Quân sự để học Nga văn.

Lớp có 5 anh em: Đại tá Phùng Quang Thanh, Sư đoàn trưởng 390, Quân đoàn 1 (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh, Học viện Quốc phòng (Trung tướng, Phó Giám đốc đã nghỉ hưu); Đại tá Trần Bá Toàn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 Quân khu 4 (nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4 đã từ trần năm 2004); Đại tá Triệu Xuân Hòa - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Quân khu 7 (nay là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7) và tôi. Thời gian dự kiến (tháng 3 - 7.1989) làm quen với cách xã giao để khi sang học chính thức khỏi bỡ ngỡ. Thầy dạy của lớp tôi là đồng chí Xuân và cô Nhung. Có thể nói, ngày đầu, tuần đầu đối với tôi là “cực hình” vì trong lớp 5 người thì hai anh Thanh đã học 2 - 3 năm trước rồi, còn tôi, anh Toàn và Hòa là y tờ, nhưng Hòa trẻ tuổi tiếp thu nhanh, riêng tôi và anh Toàn học phát âm vô cùng khó.

“Có công mài sắt có ngày nên kim” được thầy cô giáo chỉ bảo tận tình, hai anh Thanh kèm cặp rồi cũng qua đi, khi thi cuối khóa đạt loại khá Nga văn, sức khỏe đủ điều kiện đi nước ngoài... Rời Vĩnh Yên, xa thầy cô trở về Đà Nẵng, vợ vẫn ốm, gia tài không có gì để chuẩn bị. May sao có chị Nhữ vợ anh Kim cùng quê cho vay 1 chỉ vàng để mua mấy hộp son phấn, quần bò, áo phông... Cậu ruột Ngô Trường Thuận thương tình cho cặp gà để liên hoan, thấy vợ con còn khổ chỉ thịt con gà trống để gà mái làm giống. Trong khi đó Phòng Chính sách Quân khu cho 200 đồng để gửi tiết kiệm, lương để lại 40% cho vợ và con. Ngày lên đường cũng thảnh thơi, không xe ô tô cũng chẳng có ai đưa tiễn. Ngày 22 tháng 8 năm 1989, tôi ra Gia Lâm nhập Đoàn 871 đi nước ngoài...

Sau 18 giờ bay, máy bay hạ cánh 2 lần để tiếp nhiên liệu, chúng tôi không được ra ngoài nên chẳng biết đó là đâu. 16 giờ ngày 25 tháng 8 năm 1989 đến sân bay Mockba ra đón chúng tôi là anh Đoàn Cửu, nghiên cứu sinh (pháo binh), anh Tuyên, tùy viên quân sự và các em học Prunde, sau đó về ký túc xá dành cho học viên Việt Nam: “HOBOKOHЊШEHЫЙ ПEPEУɅOK ДOM3 - KB40” cảm giác đầu tiên là lên thang máy gặp mùi bơ và thuốc chống gián rồi cũng quen dần.

Theo “giao ước” của các lớp học trước đó, ai đến trước sẽ lo trách nhiệm làm “hướng dẫn” viên và nuôi dưỡng người đến sau ít nhất là một tháng để khi đã “nhập gia tùy tục” được rồi thì phần ai người nấy lo. Như vậy lớp tôi được các em Lương, Trung, Dung, Trình sắp kết thúc lớp Phrunde đảm nhiệm, hàng ngày đưa đến các chợ, cửa hàng thực phẩm để biết cách đi chợ mua hàng, lúc đi tàu điện ngầm, khi thì đi taxi... Cứ một tuần tôi lại đi chợ cho cả lớp một lần, mua nào là: gạo, rau, gà, cá, thịt..., thuận lợi là mỗi khi đi chợ mặc quân phục có mang cả huy hiệu, huân chương, huy chương thì ai cũng ngưỡng mộ trước hết là các bạn Cu Ba, Lào và Campuchia rất mến và bênh vực cho học viên Việt Nam.

Cứ như vậy, hàng ngày 9 giờ (giờ Mátxcơva) chúng tôi lại đi bộ đến trường phải đi qua một vườn hoa. Được ở ngay thủ đô của Liên Xô vĩ đại, tôi thật sự ngưỡng mộ sự hùng vĩ của những công trình xây dựng như: Quảng trường Đỏ, nhà quốc hội, nhà máy, công viên, trường học,v.v... đặc biệt là tiềm lực quân sự, kinh tế của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết thật đáng khâm phục, đi giữa mùa đông đường phố cỏ cây tuyết phủ trắng xoá... người dân Nga khoác áo lông cừu, đội mũ lông đi ủng, chúng tôi thì mặc áo Bađờxuy, đội mũ lông (của quân đội Liên Xô) đi giày, dẫu rét buốt vẫn ngày ngày đều đặn đến trường...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 08:05:33 am »

Nơi chúng tôi học sau tết có thêm anh Tâm (Quân khu 1), anh Thanh (Quân khu 2), anh An (Quân khu 5), anh Phúc (Quân khu 7), anh Niên (Quân khu 9) cũng sang bổ túc ngắn ngày. Cứ thứ bảy và chủ nhật hoặc lễ tết chúng tôi qua lại với nhau để động viên học tập. Ngoại ngữ (Nga văn) vốn là cái khó của tôi và anh Toàn nên phải tự miệt mài luyện tập chứ tại ký túc xá thì cô giáo không thể đến được chỉ mỗi ngày học từ 9 giờ đến 2 giờ chiều (giờ Mátxcơva). Lòng say mê, nhiệt tình cộng với sự trợ giúp của các bạn trẻ Phrunde nên tôi cũng tiến bộ nhiều.

Bởi ý thức của 5 anh em chúng tôi là lớp cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo tại trường Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô (Vô-lô-xi-lôp) hay còn gọi là “trường tướng”, nên quá trình học tập, chúng tôi đặt ra cho mình chỉ tiêu phấn đấu cao, trong quá trình học tập với điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, thầy cô rất nhiệt tình đặc biệt là cô giáo “Cobemlanaa” có phương pháp sư phạm giảng dạy tiếng Nga rất tốt luôn bên cạnh kèm cặp tôi, học sinh “cá biệt” do phát âm chưa chuẩn vì tôi là người miền Nam thất học thời niên thiếu, chiến tranh chống Mỹ phải thoát ly sớm nên được ưu tiên ngồi bàn đầu. Nhờ vậy mà chỉ gần hết mùa đông năm 1989 toàn lớp dự định sẽ được đi tham quan Lêningrát rồi hè năm 1990 tham quan Sêbêri hoặc bờ biển Đen...

Nhưng trong thời gian học tập của chúng tôi vào gần cuối năm 1989 tình hình Liên Xô có nhiều biến động bất thường khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Những dự tính nghỉ đông, nghỉ hè không thể thực hiện, ngay như tham quan theo chế độ hàng tuần tại Mátxcơva cũng bị đảo lộn. Việc đi lại mua bán để bảo đảm cho ăn học cũng không dám đi đêm... Cho đến ngày 1 tháng 1 năm 1990, lớp tổ chức ăn Tết mời thầy cô giáo dự tại khu ký túc xá, trong niềm vui của năm mới Tết Tây, bạn cũng rất phấn khởi khi chúng tôi chiêu đãi rượu “lúa mới” Hà Nội, bạn rất thích. Nhân cơ hội này thầy trò trút bầu tâm sự: Chúng tôi sống ở đây cũng như sống trong lòng nhân ái của Tổ quốc, tình cảm của các bạn dành cho chúng tôi như tình nghĩa của hai Nhà nước, hai Đảng và hai quân đội anh em... Tuy thời gian ngắn ngủi ấy không thể nói hết, tả hết những tình cảm của các thầy, cô giáo và người bạn Nga dành cho chúng tôi cũng như nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay...

Từ những câu chuyện về đoàn kết chiến đấu mà chúng tôi đã chứng minh, những đóng góp về vật chất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Liên Xô trước đây khi mà mỗi chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”. Các thầy cô càng thêm yêu quí chúng tôi hơn bao giờ hết, bởi chúng tôi là 5 đại tá, 5 sư đoàn trưởng (có 2 đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là anh Thanh và anh Hòa) họ lại càng khâm phục và bộc bạch: “Những việc làm của chúng tôi hôm nay cũng là mang đậm nét văn hóa Nga hòa quyện với văn hóa Việt Nam, tạo nên sức mạnh mới trong quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc, hai nước trên chặng đường xây dựng và phát triển vì lợi ích của mỗi nước vì hòa bình, hạnh phúc của nhân loại trên thế giới”.

Được cởi mở như người thân trong một gia đình, chúng tôi đề cập: “Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, rồi đây nước Nga sau 70 năm xây dựng từ sau đại chiến thế giới, nay với quân đội Xô-viết là thành trì của cách mạng thế giới... Các anh nghĩ thế nào?”. Ngồi cạnh tôi là một đại tá đã nghỉ hưu hợp đồng dạy môn vật lý, trầm ngâm trả lời “Nhichevô” (nghĩa là: Không có gì), đại ý rằng: việc này do cấp trên, còn chúng tôi chỉ dạy theo hợp đồng với nhà trường, các thầy, cô khác không ai nói gì. Qua ánh mắt và thái độ của các bạn, tôi nghĩ là họ không quan tâm lắm đến tình hình hiện đang xảy ra trên đất nước họ sau khi Đông Âu sụp đổ, có lẽ mọi người chỉ tập trung vào dạy học.

Mùa đông càng đến gần, đường đi học và các ngôi nhà dọc hai bên đường, những hàng bạch dương phủ đầy tuyết, các loại xe dọn đường làm việc ngày đêm nhưng độ dày cứ mỗi ngày càng tăng lên, có hôm tới 20 - 30cm. Chương trình đến kỳ thi càng khó (tự học trên máy vừa xem vừa phát âm) thầy cô giáo nghe và sửa. Trời lạnh, căn bệnh “đại tràng mãn” của tôi lại xuất hiện; thư nhà gửi sang báo vợ tôi phải xin nghỉ việc làm ở Trại giam B14, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng (nay Đà Nẵng bàn giao cho Bộ Tham mưu Quân khu 5) để bán thịt cầy và nuôi heo mới bảo đảm được đời sống nuôi 3 con còn nhỏ. Thương tình hoàn cảnh neo đơn, đồng chí Khiển, giám thị giấu Bộ Chỉ huy, cứ để vợ tôi thực hiện ý định và hàng ngày cho thêm người đến hỗ trợ...

Trước tình cảnh đó, tôi trình bày với anh Ngọc Thanh, lớp trưởng và anh Quang Thanh bí thư chi bộ cùng tham khảo ý kiến các anh hệ bổ túc (anh Tâm, anh An) báo cáo Phòng Tùy viên quân sự “ưu tiên” cho tôi được nghỉ đông về ổn định chuyện gia đình (vì chưa hết năm đầu nên không bố trí nghỉ đông vào cuối năm 1989)... Trong khi chờ đợi trả lời, hằng ngày tôi vẫn đi học và Tết âm lịch (1989 - 1990) đi Trường Quân chính Lê-nin thăm người cháu gọi vợ tôi bằng o (cô) tên là Chính, thăm anh em học Trường Công binh (đồng chí Nguyễn Quy Nhơn, đồng chí Khoái) và Trường Cảnh sát... Những nơi tôi đến thăm chơi đều tỏ lòng chia sẻ những khó khăn của gia đình, đồng thời cùng tác động với Phòng Tùy viên quân sự của quân đội ta xin tạo điều kiện giúp đỡ.

Đến tháng 2 năm 1990, tôi được về nghỉ đông, lần chia tay nào cũng bùi ngùi xúc động, nhưng lần này cả lớp còn lại 4 anh em phải học tập. Chính, cháu vợ tôi tiễn ra sân bay, hành lý chẳng có gì nên cũng tiện, nước mắt tôi cứ trào dâng khi phải nói lời tạm biệt thầy cô và lớp giữa sân bay Mockba rét buốt, không ngờ đến hè năm 1990 các bạn của tôi cũng được về hẳn Việt Nam, do tình hình chính trị của Liên bang Xô-viết đã biến đổi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 08:06:23 am »

Về đất mẹ

Mới hơn 6 tháng xa Tổ quốc, khi trở về lòng tôi vui sướng khôn cùng, bao nhiêu kỷ niệm thầy trò, bạn bè vẫn cứ đuổi theo bước chân tôi cho đến một ngày rời khỏi máy bay của Hãng hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng mới thấy lòng mình như đang bay bổng giữa trời xuân quê mẹ.

Sau bao ngày xa nhớ, nay mới được ngắm vợ, hôn con trong bữa ăn vẫn còn đạm bạc nhưng cũng vơi đi một phần gian truân của vợ. Biết rằng đời binh nghiệp vẫn còn dài, nhiệm vụ đang chờ tôi... dẫu sao thì ngay trên đất quê hương mình có đi xa mấy vẫn còn có điều kiện chăm sóc gia đình “khi tối lửa tắt lửa”, thời gian nghỉ không được nhiều, tôi dành hết tâm lực để cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình phụ, mua sắm đồ dùng sinh hoạt cần thiết, rồi đơn vị. Công tác “vợ vận” thuận lợi, vợ tôi tuy còn chút băn khoăn nhưng rồi cũng vui vẻ đồng ý.

Tại Sư đoàn 307 - Quân khu 5

Năm 1990, tôi được điều về giữ chức Quyền Sư đoàn trưởng (5-1990), rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 307 (18-10-1990). Vào một buổi sáng tháng 5 năm 1990, chiếc U-oát của Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu đưa tôi rời Đà Nẵng, đến 19 giờ 30 phút mới đến trung tâm sở chỉ huy Sư đoàn ở phía tây núi Phượng Hoàng, thôn Moóc Đen, xã Ia Dôm, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Chỉ huy sư đoàn có: Đại tá Nguyễn Văn Thành - Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị; Đại tá Võ Thạnh - Phó Sư đoàn trưởng Tham mưu trưởng (sau đó Đại tá Nguyễn Văn Tuấn về thay), Đại tá Văn Viên - Phó Sư đoàn trưởng.

Sư đoàn bộ binh 307 trải qua 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn-pốt - Iêng Xa-ri, đã quen với nếp sống trận mạc, lửa đạn, chưa có điều kiện sinh hoạt tập trung, lại về đứng chân ở địa bàn vô cùng phức tạp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa được củng cố, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Đơn vị sau thời gian tham gia chiến trận dài hơi trên đất bạn về đến hậu cứ nảy sinh tư tưởng “xả hơi”, nơi ăn ở, sinh hoạt còn tạm bợ, nếp sống chính quy chưa thống nhất. Trong khi đó đơn vị lại phân tán: Sư đoàn bộ, Trung đoàn 95, Trung đoàn pháo binh 576 và khối trực thuộc đóng quân tại Đức Cơ - Gia Lai; hai trung đoàn 29, 94 lại ở tận Đức Phổ - Quảng Ngãi, đi lại gần 300km. Tất cả những điều đó đặt người chỉ huy trước một bài toán khó, phải giải quyết sao đây để thu phục nhân tâm cán bộ, chiến sĩ, đồng lòng xây dựng đơn vị vững mạnh, chính quy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 08:07:59 am »

Tập trung tạo chuyển biến đơn vị

Đơn vị tổ chức hội nghị thống nhất xác định: Trước mắt phải nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của sư đoàn để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới phía Tây của Quân khu và sẵn sàng cơ động trên các hướng khi có lệnh. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của địa phương và đơn vị bạn, tận dụng thế mạnh tại chỗ quy hoạch, xây dựng doanh trại nhà tạm nhưng vẫn bảo đảm chính quy, đột phá vào khâu quản lý, rèn luyện kỷ luật, lễ tiết tác phong quân nhân, tổ chức cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, đẩy lùi căn bệnh sốt rét nhất là sốt rét ác tính. Quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền, đơn vị bạn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, vạch mặt bọn tội phạm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, địa bàn an toàn. Chọn cơ quan sư đoàn làm điểm đột phá, phát quang đất trống làm nhà ăn tập trung, điểm chiếu video “Quân dân một ý chí”, chỉ đạo các đơn vị xây dựng bếp ăn tập trung, trải thảm xanh xung quanh doanh trại bằng các loại cây ăn quả, vườn rau ao cá. Kết quả nổi bật của bước đột phá này là bếp ăn của cơ quan sư đoàn, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 95, Tiểu đoàn công binh 15 và Tiểu đoàn quân y 18 luôn dẫn đầu “bếp nuôi quân giỏi - quản lý tốt”.

Tuổi trẻ Trung đoàn 95 kết nghĩa với Trường Tiểu học xã la Dôm, tận dụng gỗ phát rẫy của đồng bào đóng bàn ghế, biển bảng, tủ, giường tặng nhà trường, giúp trường trồng cây, làm cổng chào, đường đi và tường rào, cải thiện cảnh quan môi trường, tạo nên điểm sáng văn hóa trên vùng biên. Trung đoàn pháo binh 576, Tiểu đoàn công binh 15 và Tiểu đoàn thông tin 17 đào giếng nước, làm đường. Tiểu đoàn quân y 18 khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc. Các lực lượng khác phối hợp với Công ty 72 - Binh đoàn 15, Đồn Biên phòng 721, Hạt kiểm lâm và Cơ quan Quân sự huyện Đức Cơ tham gia ngăn chặn tệ nạn ăn trộm mủ cao su, nạn đốt phá rừng và buôn lậu qua biên giới, góp phần làm trong sạch địa bàn. Đồng chí Phạm Thế Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ nhận xét: “Sư đoàn 307 không chỉ đánh giặc giỏi mà làm công tác dân vận cũng rất hiệu quả...”. Già làng Plin ở làng Nú - xã Ia Nan thì nói: “Bộ đội giỏi lắm, nói đúng và làm được, giúp buôn làng trồng cây lúa, cà phê, cao su và nhiều thứ nữa. Bây giờ đồng bào mình chỉ làm theo Bộ đội Cụ Hồ để cái bụng khỏi đói, cái tai không nghe theo bọn xấu”.

Ngói hóa doanh trại và xây dựng chính quy

Tháng 2 năm 1992, Sư đoàn cơ động về huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tiếp thu doanh trại gồm toàn nhà tranh vách đất của đơn vị bạn để lại. Trừ một số nhà chỉ huy của hai trung đoàn 29, 94 và sở chỉ huy Sư đoàn, còn lại rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, nơi làm việc chẳng có gì, đường đi lại lầy lội, tin tức qua vô tuyến truyền hình cũng không...

Đảng ủy Sư đoàn kịp thời ra nghị quyết chuyên đề xác định từ năm 1990 đến năm 1992 phải cơ bản ổn định nơi ăn ở, làm việc để xây dựng nền nếp chính quy. Trước hết phải tạo chuyển biến tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ từ cơ sở đến cơ quan sư đoàn về lề lối, tác phong làm việc, sinh hoạt, thực hiện ăn bếp tập trung, quy hoạch xây dựng doanh trại theo hướng ngói hóa. Lấy cơ quan Sư đoàn bộ và Trung đoàn 95 làm điểm, chỉ đạo chung cho toàn đơn vị. Chỉ trong một tháng phát động “toàn sư đoàn hành động theo điều lệnh”, “cả đơn vị là một công trường”, bắt tay vào đào ao thả cá, lấy đất làm gạch, đắp và nâng cấp đường đi lại, bạt núi lắp đặt trạm Pa-ra-bôn thu sóng truyền hình, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo cảnh quan môi trường, phát triển chăn nuôi, trồng trọt cải thiện đời sống bộ đội, chương trình 11 điểm “Quân với dân một ý chí” giữa Sư đoàn với ba huyện: Đức Phổ, Mộ Đức, Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động. Gạch của Đại đội 23, Trung đoàn 29, Trung đoàn 94 ra lò, gỗ do Tiểu đoàn công binh 15 chế biến được ưu tiên để ngói hóa Trung đoàn 95. Những ngôi nhà mái ngói tuy chưa được bề thế lắm nhưng đã tạo nên diện mạo của một doanh trại chính quy soi bóng bên dòng sông Trà Câu (Phổ Phong - Đức Phổ - Quảng Ngãi). Trung tướng Đào Đình Luyện, Tổng Tham mưu trưởng khi đến thăm đã có lời khen ngợi.

Đơn vị đang đi vào hoạt động có nền nếp thì tình hình Tây Nguyên có sự biến động: Bọn FULRO cấu kết với bọn phản động người Việt Nam lưu vong từ Thái Lan và phỉ Lào thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để đẩy mạnh hoạt động ở các tỉnh Tây Nguyên mà trọng tâm là tỉnh Đắk Lắk.

Nhận rõ ý nghĩa Tây Nguyên là vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Quân khu 5 nói riêng và cả nước nói chung, bởi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tây Nguyên là “mái nhà chung” của Việt Nam - Campuchia - Lào, có những huyết mạch giao thông và cửa khẩu hết sức hiểm yếu như Bến Héc, Ngã ba Đông Dương, cửa khẩu Lệ Thanh đường 19 sang Campuchia và Bờ Y đường 14 qua Lào...

Bộ Tư lệnh Quân khu mà trực tiếp là Tư lệnh Phan Hoan giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 307 và cơ quan Quân khu do đồng chí Võ Củng - Phó Trưởng phòng Tác chiến cùng cán bộ Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu lên Đắk Lắk nghiên cứu tình hình từ tuyến biên giới vào nội địa. Cuối cùng tôi đề xuất đưa Trung đoàn 95 lên đứng chân tại huyện Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Kế hoạch di chuyển và vị trí đóng quân vào mùa khô thiếu nước nên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chơn phê chuẩn cơ động lần lượt trước hết là Tiểu đoàn bộ binh 3 và một bộ phận cơ quan trung đoàn do sư đoàn trực tiếp chỉ đạo lên triển khai ở vị trí đóng quân mới. Trong năm 1992 và sau đó đến Tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ, khối trực thuộc, cuối cùng là Tiểu đoàn 1.

Từ khi có Trung đoàn 95 đứng chân đã góp phần làm cho tình hình an ninh chính trị trong khu vực dần ổn định, kinh tế khởi sắc, cấp ủy chính quyền và đồng bào các dân tộc yên tâm xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đắk Lắk luôn là tỉnh đạt tỷ trọng kinh tế khá nhất hàng năm của các tỉnh Tây Nguyên (về sau Trung đoàn 95 chuyển về đội hình Sư đoàn 2; Trung đoàn 93 của Sư đoàn 2 chuyển về Sư đoàn 307).

Với sự nỗ lực của bản thân, lại được cấp trên và địa phương hỗ trợ đắc lực, công tác xây dựng đơn vị vững mạnh, chính quy của sư đoàn đã phát triển tốt trong những năm tiếp theo. Qua đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã rút ra một bài học kinh nghiệm thiết thực: Khi cán bộ cấp trên gương mẫu, sâu sát; cơ quan có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, sát đúng; cơ sở chấp hành và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc; quần chúng tin tưởng hăng hái tham gia thì việc dù khó đến mấy cũng thành công. Đây cũng là kỷ niệm sâu sắc của tôi khi được góp sức mình cùng các thế hệ sư đoàn viết tiếp những trang sử hào hùng đánh dấu một bước chuyển mình lớn lao của đơn vị trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Trong quãng thời gian gắn bó với sư đoàn, nỗ lực cùng cán bộ, chiến sĩ đưa sư đoàn chuyển biến từng ngày, từng tháng, tự trong lòng mình chất chứa những tình cảm thiết tha, sâu đậm dành cho sư đoàn và mảnh đất đầy gian khó, nhưng rất kiên trung này:

“Chín hai (1992) về với sông Trà
Luyện binh, rèn cán, làm nhà, đào ao
Vật chất chẳng có là bao
Cán binh hợp lực thanh tao tuyệt vời
Chín ba (1993) vật đổi sao dời
Sư đoàn ngói hóa đồng thời chính quy
Pa-ra-pôn xem ti vi
Trong nước, thế giới tin gì cũng hay
Quân - dân ý chí mỗi ngày
Thành chiến lũy thép dựng xây sơn hà
Sông Trà sóng hát, gió ca
Những năm tháng ấy biết bao nghĩa tình...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 08:09:26 am »

Công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 5

Trong thời gian từ tháng 3 năm 1993 đến tháng 11 năm 1998, Bộ Tham mưu Quân khu gồm có: Trần Minh Thiệt - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Võ Đình Trí - Chủ nhiệm Chính trị, Nguyễn Đức Liên - Phó Chủ nhiệm Chính trị và tôi - Phó Tham mưu trưởng sau đó bổ sung thêm anh Phạm Đới - Phó Tham mưu trưởng.

Tôi được phân công chỉ đạo công tác huấn luyện và thể dục thể thao nên thường xuyên gần gũi gắn bó mật thiết với đồng chí Dương Bá Quát, Trưởng phòng Quân huấn - Nhà trường. Có thể nói là một cặp “tâm đầu ý hợp” nên công tác huấn luyện, thể thao các năm luôn được Bộ Tư lệnh đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, cá nhân tôi năm nào cũng được cấp trên khen thưởng, Phòng Quân huấn - Nhà trường liên tục là đơn vị quyết thắng, chi bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị đều tin yêu và mến phục.

Trước hết nói về công tác huấn luyện của lực lượng vũ trang Quân khu luôn được phát huy truyền thống vẻ vang, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư duy mới về quốc phòng, quân sự của Đảng; lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã tập trung nâng cao chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như: Thường xuyên nghiên cứu những bài học kinh nghiệm và giải pháp lớn đã được rút ra trong tổng kết 20 năm đổi mới huấn luyện. Những nội dung cơ bản của Chỉ thị 16/CT-TM ngày 3 tháng 4 năm 2003 của Tổng Tham mưu trưởng về “Đổi mới công tác huấn luyện, nâng cao chất lượng lên một bước mới”. Từ đó cụ thể hóa những biện pháp cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự nói chung và nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nói riêng. Mỗi năm chất lượng đều được nâng lên một cách khá toàn diện cho cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, từ cán bộ đến phân đội, từ cơ quan Quân khu đến đơn vị cơ sở, cả huấn luyện diễn tập chỉ huy - cơ quan và vận hành cơ chế... góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang Quân khu, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc theo tư duy mới về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) của Đảng đề ra. Vì vậy, những năm qua Quân khu thấy rõ vị trí chiến lược của địa bàn đã tập trung đột phá và yêu cầu vững chắc trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp gắn với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, thực sự làm nòng cốt cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương giải quyết kịp thời các điểm nóng xảy ra ở Tây Nguyên (năm 2001 và 2004...).

Về quản lý, rèn luyện, kỷ luật và nền nếp chính quy: Với đặc điểm địa lý của Quân khu 5 gồm 11 tỉnh (thành) trong đó có: 7 tỉnh (thành) đồng bằng ven biển có chiều dài bờ biển: 1.152km, 4 tỉnh Tây Nguyên có đường biên giới 761km (Lào 288km, Campuchia 473km); đến ngày 30 tháng 6 năm 2008 có 122 huyện, thị và 1.478 xã, phường và nhiều đảo trong đó có 2 đảo lớn là Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa).

Các địa phương và đơn vị chủ lực của quân khu đóng quân hầu hết trên các địa bàn biển, đảo, tuyến biên giới. Trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, những tiêu cực xã hội, Bộ Tư lệnh và cơ quan Quân khu luôn luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất truyền thống của quân đội và của từng đơn vị, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và tổ chức phương pháp giáo dục chính trị, quản lý kỷ luật, tăng cường giáo dục pháp luật cho bộ đội. Đầu tư củng cố, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao... Nhờ vậy mà tình hình quản lý kỷ luật, duy trì nền nếp sinh hoạt và xây dựng chính quy ngày càng chuyển biến tốt, những năm 1998 nhiều đơn vị không có quân nhân đào ngũ, tỷ lệ đào ngũ của chiến sĩ mới chỉ còn dưới 0,47%, một số lỗi không tái phạm như trộm cắp tài sản công dân, quấy nhiễu dân, sử dụng chất nổ đánh cá. Đặc biệt là ở các đơn vị đủ quân, cán bộ vẫn giữ được phong cách, nền nếp, xây dựng chính quy gắn với môi trường văn hóa phát triển toàn diện và rộng khắp...

Có thể nói tình hình chấp hành kỷ luật đã có bước chuyển biên so với năm 1995, số lượng người vi phạm năm 1996 giảm 1,21% so với tổng quân số, trong đó quân nhân đào bỏ ngũ giảm 1,86%. Tình hình vi phạm kỷ luật của đảng viên năm 1996 giảm 0,4% so với năm 1995. Điều đáng phấn khởi là đầu năm 1996 các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu tuyển quân, năm 1997 tổ chức chặt chẽ hơn và đạt 100,4% kế hoạch. Riêng quân nhân đào bỏ ngũ đã giảm so với những năm trước... về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện gắn với tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, đến cuối năm 1996 có 40% lữ, trung đoàn và tương đương, 50% cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cơ quan Quân khu đạt vững mạnh toàn diện. Ngày 3 tháng 4 năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó Trưởng ban quản lý dự án Khu công nghiệp Dung Quất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 08:10:53 am »

Rèn luyện thể lực hoạt động thể thao trong giai đoạn này có những chuyển biến khá vững chắc, thể thao thành tích cao đều giữ hạng qua các mùa giải, các môn thể thao truyền thống đạt thứ hạng cao. Đặc biệt các lần đại hội thể dục thể thao quốc phòng và hội thao thể thao quân sự do Bộ tổ chức các năm 1994, 1997 Quân khu đểu đoạt giải Nhất toàn đoàn. Phong trào “Sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát...” đã đi vào tiềm thức mỗi quân nhân ở mọi lứa tuổi, nhằm rèn luyện tăng cường thể lực, sức dẻo dai, nhanh nhẹn, đời sống tinh thần phong phú, góp phần nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Quân khu...

Về diễn tập vận hành cơ chế tác chiến khu vực phòng thủ theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị ở tỉnh, thành và diễn tập chỉ huy - cơ quan có hoặc không có thực binh, bắn đạn thật, sử dụng đạn hơi thuốc nổ của mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm kỳ theo phân cấp hàng năm Quân khu đều tập trung chỉ đạo: về tư duy quân sự, với người chỉ huy không chỉ dừng lại ở vai trò chỉ đạo và điều hành cơ quan thực hiện theo chức trách, mà cần phải có một năng lực thực hành thành thục. Được hội tụ tư duy độc lập và tính quyết đoán cao khi hạ quyết tâm của mỗi cấp.

Đối với tỉnh (thành), phải nắm chắc lý luận cơ bản trong đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự của Đảng và cách đánh của quân đội. Hiểu sâu sắc chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, gắn tình hình qua mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể và mỗi thế hệ của từng địa phương. Từ đó làm tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy, chính quyền trong thế trận phòng thủ ngay trong thời bình và cũng là chuẩn bị trước để khi huy động tiềm lực kinh tế quốc dân, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp khi có chiến tranh xảy ra trên địa bàn của tỉnh (thành) để đánh thắng mọi kẻ thù bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn tại địa phương chi viện cho địa phương khác khi có yêu cầu.

Đối với các đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu, Bộ Tư lệnh giao cho tôi và Phòng Quân huấn - Nhà trường phải bám sát và đặt ra yêu cầu cao cho việc nâng cao cường độ luyện tập sức bền bỉ dẻo dai, hành quân xa, mang vác nặng qua các loại địa hình thời tiết khác nhau; huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại súng được trang bị, biết tác chiến cả địa hình đồng bằng, đô thị, ven biển đảo và rừng núi... Riêng cán bộ chỉ huy phải nắm vững nguyên tắc, cách đánh các loại hình chiến đấu của quân đội ta, biết nhận định đánh giá chính xác về âm mưu thủ đoạn của đối tượng tác chiến trực tiếp hoặc cơ động từ xa đến để từ đó mà quyết đoán khi hạ quyết tâm. Sử dụng lực lượng tổ chức chỉ huy chiến đấu buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Khi tác chiến, đối với người chỉ huy binh chủng hợp thành phải nắm vững tính năng chiến đấu và cách sử dụng các quân, binh chủng khi tác chiến hiệp đồng đúng chủng loại, đúng thời cơ. Điều đó cần phải có bản lĩnh vững vàng quyết tâm chính xác, xử trí khoa học logic cho phù hợp với tình huống, nguyên tắc và thời cơ của tình huống khi sử dụng các quân binh chủng đó (nhất là không quân và hải quân).

Từ việc quán triệt sâu sắc phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đã được cán bộ nhận thức đúng, vận dụng linh hoạt vào mỗi giai đoạn huấn luyện cho các đối tượng trong đó khâu huấn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp đặc biệt là cán bộ trực tiếp huấn luyện. Kết quả được thể hiện ngay trong cuộc diễn tập quy mô lớn của Quân khu từ sau ngày đất nước thống nhất, đó là đề mục: “Sư đoàn bộ binh tăng cường đánh địch phòng ngự trong công sự” tại Ninh Hòa, Khánh Hòa năm 1996 với mật danh “CQ-96”. Vừa để phục vụ cho lớp tập huấn cán bộ từ cấp sư đoàn trở lên cho Bộ thực nghiệm, đồng thời cũng đánh giá sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang Quân khu.

Kể từ khi nhận được Chỉ thị số 22 ngày 19 tháng 4 năm 1996 của Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh Quân khu - Trung tướng Phan Hoan giao cho tôi làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo thường trực cùng Dương Bá Quát - Trưởng phòng Quân huấn - Nhà trường và các cơ quan chức năng lập kế hoạch khảo sát địa hình báo cáo Bộ, đến ngày 27 tháng 2 năm 1996 Quân khu đã có chỉ thị triển khai cho các đơn vị và cơ quan làm công tác chuẩn bị.

Được sự giúp đỡ trực tiếp của các cơ quan Bộ do Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh - Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu cùng các cơ quan, các đơn vị quân binh chủng của Bộ vào kiểm tra địa hình xây dựng ý định diễn tập đến tháng 3 năm 1996 là hoàn chỉnh.

Cuối tháng 4 năm 1996, Bộ Tư lệnh Quân khu ủy nhiệm cho tôi cùng đồng chí Quát ra thông qua ý định diễn tập để Bộ phê chuẩn. Hội nghị thông qua ý định do Bộ trưởng Đoàn Khuê chủ trì, các đồng chí: Nguyễn Chơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Huy Hiệu - Phó Tổng tham mưu trưởng, thủ trưởng các tổng cục, các đơn vị quân binh chủng và cơ quan chức năng của Bộ tham dự... Điều hạnh phúc nhất trong thời gian làm công tác chuẩn bị huấn luyện của tôi là khi thông qua ý định diễn tập cấp Quân khu mà chỉ trình có một lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê chuẩn ngay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM