Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:24:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân trên cát  (Đọc 4201 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:53:48 am »

Mọi hoạt động của bến vượt, hoạt động có hiệu quả an toàn. Sau một tuần, đồng chí Nam về làm việc tại sở chỉ huy cơ bản. Tôi và anh Quang quán xuyến tất cả các lực lượng theo nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn này, các lực lượng chốt giữ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị như đứng giữa tiêu điểm của một vùng bão lửa mà kẻ thù điên cuồng dội xuống, có người ví bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma ở Nhật Bản trong đại chiến thế giới II vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, làm 247.787 người thiệt mạng.

Song các chiến sĩ của ta vẫn kiên cường trụ vững, dẫu cho tổn thất thương vong, có tiểu đoàn chỉ chưa đầy một tháng từ 400-500 tay súng mà chỉ còn lại 40-50 người. Có đơn vị, cán bộ, chiến sĩ chưa nhận biết mặt nhau, chứ chưa nói gì đến họ tên, quê quán. Đau thương mất mát quá lớn đối với lực lượng phía trước.

Bên bờ Bắc sông Thạch Hãn, tôi và đồng chí, đồng bào không quản ác liệt hy sinh của bom B-52 rải thảm, pháo bầy, pháo chụp, tọa độ..., với phương tiện vận chuyển bè mảng của thân cây chuối, tre, nứa ghép lại, phao bơi ni lông, thuyền cao su và ngay cả thân thể của mình... ngày đêm bám bến nắm chắc quy luật hoạt động của quân thù để đưa nhanh từng chuyến hàng, lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị, đạn dược, thuốc quân y qua sông Thạch Hãn...

“Tất cả cho phía trước”, đó là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chúng tôi. Hàng... không thể tính bằng tấn tạ... mà làm sao đáp ứng đủ nhu cầu để các đơn vị bám trụ đánh địch, giảm thương vong khi chưa có chủ trương chuyển vào phòng ngự; đồng thời vận chuyển, khiêng cáng thương binh về phía sau điều trị chóng bình phục trở lại chiến đấu.

Sau 10 ngày chiến đấu, với hơn 20.000 quân tinh nhuệ và hàng vạn tấn bom đạn của Mỹ, địch dồn sức tiến công nhưng cuộc hành quân “Lam Sơn 72” không đạt kết quả. Mỹ và ngụy Sài Gòn lúng túng, nhưng vẫn thúc quân lính bằng mọi giá phải cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 17 tháng 7, tức trước ngày có cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ ở Hội nghị Pa-ri sau nhiều tháng gián đoạn.

Đối diện bờ Nam sông Thạch Hãn, mật độ hỏa lực địch ngày đêm liên tục đánh phá ác liệt hơn bao giờ hết. Song chúng tôi vẫn không chịu rời xa bến, từ trong gian khó, tôi và đồng đội vượt qua nghiệt ngã của thời gian và không gian, mọi hành động chỉ diễn ra vào ban đêm hoặc trong lúc mưa lũ, sương mù giăng kín hạn chế tầm nhìn của địch từ máy bay và pháo hạm. Còn ban ngày khi thời tiết tốt, quân ta phải ém mình chờ đợi. Hễ khi địch sơ hở, quân ta lại chớp lấy thời cơ tiến về phía trước.

Cứ như vậy hết ngày đêm này đến ngày đêm khác, mỗi chuyến hàng thấm đẫm mồ hôi của đồng đội và máu của những người ngã xuống. Công binh, vận tải, bộ đội du kích và nhân dân vẫn hiên ngang vượt rào lửa của quân thù.

Sáng ngày 10 tháng 7, như thường lệ khi mọi dấu vết tại bến vượt đã ngụy trang xong, bộ đội và các lực lượng tham gia vận chuyển cũng về nơi trú ẩn... Tôi vừa đến sở chỉ huy thì có điện của trung đoàn:

Tư lệnh chiến dịch có điện biểu dương các lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu kiên quyết giữ Quảng Trị trong mấy ngày vừa qua là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định trong dịp chuẩn bị Hội nghị Pa-ri... Riêng Hùng ngày 9 tháng 7 đã có quyết định của sư đoàn thăng quân hàm trung úy. Chúc mừng và tin tưởng Bến vượt Nhan Biều sẽ hoàn thành nhiệm vụ của trung đoàn giao. Ký tên Nam.

Trong 24 ngày đêm được giao trọng trách chỉ huy các lực lượng bảo đảm chiến đấu cho Thành Cổ, trên bom dưới đạn việc sống chết có khi trong gang tấc, tôi vẫn không nghĩ rằng mình có niềm vui lớn như hôm nay. Đây là phần thưởng và cũng là trọng trách mà trung đoàn đã giao phó.

Nhìn dòng Thạch Hãn, mỗi khi bình minh lên sao mà hiền hòa đến vậy. Thế mà mỗi lúc bom gầm đạn thét, dòng sông cứ cuồn cuộn đỏ ngầu như đang chờ nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước. Mãi đăm chiêu đôi bờ Thạch Hãn tôi liên tưởng đến sông Cầu êm đềm với làn quan họ thiết tha.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:55:19 am »

Nơi ấy đã một thời vào những năm 70, 71 trên quê hương Hà Bắc tôi là người được trực tiếp tham gia huấn luyện lớp sinh viên vừa rời giảng đường đại học đã vững vàng trong sắc áo người chiến sĩ, từ giã miền Bắc yêu thương, ra đầu chiến tuyến giáp mặt với quân thù dẫu phải đương đầu với cái chết đang kể cận, vẫn chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, tả xung hữu đột trên chiến trường Quảng Trị, chiếc nôi đã sinh ra Trung đoàn 95.

Nay có đồng chí đang đảm nhiệm các trọng trách của Nhà nước như: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu -Tổng biên tập báo Nhân Dân - Đinh Thế Huynh. Có đồng chí đã trở thành tướng lĩnh trong quân đội như: Thiếu tướng Vũ Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng và nhiều anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ cao cấp của Nhà nước và quân đội. Các đồng chí đã cùng trung đoàn đánh hơn 50 trận lớn, nhỏ loại khỏi vùng chiến đấu trên 1.715 tên lính thủy đánh bộ, lính dù ngụy góp phần tạo nên chiến công xuất sắc xứng đáng với danh hiệu “Lũy thép Thành Cổ”.

Riêng tôi, dòng Thạch Hãn có những đêm nhất là cuối thu trời se lạnh, ánh trăng thượng nguồn đã xuyên qua những cành lá còn sót lại giữa hoang tàn đổ nát của làng Nhan Biều... Một hoài niệm tiếc thương cứ vọng mãi trong tôi.

Hôm đó, tôi cùng anh Quang đi kiểm tra khu vực tiếp nhận hàng do mặt trận chuyển xuống bằng đường ô tô từ hướng Phượng Hoàng - Đá Đứng đến cầu sắt. Đồng hồ vừa chỉ 20 giờ ngày 27 tháng 7 năm 1972, hai chúng tôi vừa đến đầu cầu sắt phía Bắc thị xã Quảng Trị để hướng dẫn xe vào khu vực giao hàng, bỗng từ hướng đông có tiếng động cơ máy bay C130 thả trái pháo sáng rực cả khúc sông Thạch Hãn, rồi máy bay tiêm kích lao xuống ném bom chặn đầu đoàn xe, lửa cháy ngút trời, tiếng kêu xao xác, đất đá văng tứ tung.

Tôi ra lệnh cho mọi người phân tán tránh pháo, bom địch rồi vội nhảy xuống công sự bên đường ẩn nấp, cùng lúc anh Quang đè lên người tôi. Một mảnh bom oan nghiệt găm thẳng vào lưng anh, tôi gượng dậy cùng quân y băng bó, nhưng vết thương quá nặng, anh đã ra đi mãi mãi. Cả đêm hôm đó, tôi và đồng đội lặng lẽ cứu chữa thương binh, mai táng tử sĩ và thu gom vật chất, xóa dấu vết, ngụy trang xong hiện trường thì trời cũng vừa sáng.

Tôi về đến sở chỉ huy sau một đêm thức trắng, các o du kích Nhan Biều ùa tới, nói cười tíu tít:

Ăng (anh) bị thương ở mô? Có đau lắm không? Tôi cười: Anh “bằng an”.

Các em lại trách móc: Tại tối qua không cho bọn em đi cùng.

Các em đúng, biết rằng các em là người thông thạo địa bàn hơn bọn anh nhưng chiến tranh chuyện sinh tử có ai lường, giúp bộ đội phục vụ tại sở chỉ huy cho các anh cũng là nhiệm vụ vất vả lắm rồi. Thôi đi lo công việc của các em đi.

Các em như đàn chim chao liệng giữa trời xuân dưới những khóm tre còn sót lại sau đợt bom B-52 chiều hôm trước. Người gánh nước, người hái rau để lo bữa sáng cho cả bộ đội và du kích, nói cười líu lo...

Ngồi trong hầm chỉ huy vừa để lấy lại sức và tổng hợp tình hình đêm qua báo cáo lên trung đoàn. Bỗng ầm... ầm... căn hầm rung lên, mảnh đạn và đất đá bay xào xạc. Địch pháo kích vào xung quanh khu vực sở chỉ huy, tôi vụt khỏi hầm.

Có ai việc gì không, các em du kích đâu cả rồi? Thuấn, chiến sĩ vệ binh đang canh gác từ hướng giếng nước hối hả “dính... dính... rồi”. Tôi hỏi ai dính, ở đâu, cấp cứu!

Cả sở chỉ huy đổ xô đi tìm. Tôi và Lê Tấn Hổ, trợ lý trinh sát lao đến... Phụng nằm đó, tóc xõa trên nền giếng, bên cạnh rổ rau dền còn vương vãi, mắt em mở to, môi như còn âm vang câu hát: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng... Là người, tôi sẽ chết cho quê hương...”. Sao lại thế Phụng ơi. Mới hôm qua em còn nói với anh về nguyện ước, mong cho đất nước mau thống nhất để đón gia đình đang sơ tán ở Vĩnh Linh về Quảng Trị để hưởng trọn mùa xuân độc lập, thống nhất đất nước...

Vậy mà giờ đây em lại ra đi khi tuổi đời chưa tròn đôi mươi. Nỗi đau quặn thắt lòng những người đồng đội, nước mắt mặn chát bờ môi. Vĩnh biệt em, các anh sẽ thay em chiến đấu cho Quảng Trị và mỗi gia đình từ Nam sông Bến Hải sớm đoàn tụ như lời Bác Hồ đã dạy: “Nước không thể chia”, cầu Hiền Lương, Quảng Trị đã trở thành điểm hẹn của lịch sử, dẫu những trận chiến đấu ác liệt nhất mà cuộc đọ sức với kẻ thù của dân tộc ta trong thế kỷ XX này “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn” hoặc “máu có nhuộm đỏ bùn non nơi Thành cổ” các anh cũng sẽ cùng dòng Thạch Hãn quét sạch bọn xâm lăng ra khỏi bờ cõi để cho em được thanh thản chốn vĩnh hằng...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:56:45 am »

Vào Thành Cổ (Sở chỉ huy bổ trợ)

Từ ngày 14 đến ngày 27 tháng 7 năm 1972, lữ đoàn dù 2 của địch bị thiệt hại nặng, Mỹ - ngụy thúc ép sư đoàn lính thủy đánh bộ vào thay thế. Những ngày này chúng tập trung chi viện hỏa lực với mật độ cao chưa từng có. Thành cổ Quảng Trị trung bình mỗi ngày bị chúng bắn hơn 8.000 viên lên 15.000 viên đạn pháo, ngày cao đến 30.000 viên. Máy bay tiêm kích bom từ 40 đến 60 lần/chiếc phun chất độc hóa học và thả bom khoan, bom hơi để phá tường thành, đánh sập hào, công sự của bộ đội ta. Số phi vụ B-52 mỗi ngày từ 30-40 lần chiếc lên 60-70 lần chiếc để chặn các hướng tiếp tế vào Thành cổ.

Để tăng cường cho sở chỉ huy bổ trợ, tôi được lệnh cùng đi với đồng chí Vũ Quang Thọ, Phó Chính ủy Trung đoàn vượt sông... Đã một thời canh giữ bờ Bắc sông Thạch Hãn, mọi hoạt động quy luật của địch và đường đi, khu vực tôi đã nắm chắc. Anh Thọ hạ lệnh xuất phát!

Như “kình ngư”, ba anh em (anh Thọ, đồng chí công vụ và tôi) nhằm hướng dinh tỉnh trưởng ngụy (nơi đặt trụ sở chỉ huy bổ trợ) với bao gói ngụp lặn một mạch, vừa bám bờ thì loạt pháo cầm canh rơi xuống lòng sông, pháo sáng vụt lên, bầu trời và lòng sông xanh, đỏ, trắng ảo ảnh... Ba thầy trò biến vào hầm chỉ huy, cười sảng khoái.

Ơ kìa, thủ trưởng Thọ. Không chỉ một người mà cả ba đều giống nhau... ha... ha. Anh Vũ Thả - Trung đoàn phó vỗ vai:

“Lâu lắm rồi không được tắm phải không? Ba thầy trò đi như vậy là nhanh, gọn đấy, từ khi biết tin anh vào chúng tôi bây giờ mới đỡ lo”.

Tôi hiểu được nỗi khó khăn của những người bảo vệ Thành Cổ, sống chiến đấu dưới bom đạn quân thù, việc sinh hoạt ăn nghỉ, tắm giặt đều phải nắm chắc quy luật hoạt động của địch như một trận đánh nắm và tạo thời cơ “xuất kích”. Mỗi lần như vậy, phải “thoát y vũ” dứt pháo, bom là “tiên sa” xuống sông, rồi quay lại trong tích tắc nếu không thì dính đòn...

Vào đến sở chỉ huy, tôi được giao tổng hợp mọi hoạt động tác chiến của trung đoàn và được thông báo:

Hiện địch đã tăng cường lực lượng, bố trí lại thế trận đổ chuẩn bị tiến công vào thị xã trên các hướng. Tiểu đoàn 5 dù và 2 đại đội biệt kích ở khu vực Tri Bưu cũng đánh chiếm Tri Bưu và góc Đông Bắc Thành Cổ, tiểu đoàn 6 dù ở khu vực quận Mai Lĩnh, tiểu đoàn 11 dù ở khu vực Long Hưng, tiểu đoàn 9 dù ở xung quanh khu vực La Vang, tiểu đoàn 7 dù làm dự bị. Triển khai khu vực Đại Nãi sẵn sàng tăng cường cho hướng Đông Bắc, các hướng đều có xe tăng, thiết giáp, máy bay, pháo binh yểm trợ khi tác chiến.

Mới chân ướt, chân ráo vào Thành cổ, ngay trong đêm, tôi đã phải thông qua kế hoạch tác chiến bổ sung với chủ trương của trung đoàn là:

Đánh địch cải tạo thế trận phòng ngự thị xã Quảng Trị để các tiểu đoàn tung trinh sát bám nắm, tổ chức tập kích bằng hỏa lực và phân đội nhỏ đánh vào quân địch ở khu nhà xanh, nhà Mỹ Tây, khu nhà thờ Tin Lành, nhà thờ Tri Bưu, ngã 3 Long Hưng...vừa tiêu diệt sinh lực địch vừa đánh chiếm gọn từng mục tiêu và tổ chức chốt giữ đông, tây, nam, bắc Thành cổ Quảng Trị, đồng thời đẩy mạnh phản kích không cho địch thực hiện kế hoạch “tái chiếm” Quảng Trị như dự kiến.

Điển hình trong đêm và sáng ngày 16 tháng 7, Tiểu đoàn 4, sử dụng Đại đội 3 lợi dụng thời cơ địch đứng chân chưa vững, táo bạo tập kích giữa ban ngày tiêu diệt hơn 100 tên địch ở khu vực Mỹ Đông, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Tiểu đoàn 5 tập kích diệt gọn một đại đội địch ở khu vực nhà thờ Tri Bưu và liên tục phản kích đẩy lùi nhiều đợt tiến công của lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến, diệt thêm nhiều địch giữ vững trận địa.

Bọn Mỹ - ngụy như con thú giãy chết “càng thua đau, càng cắn càn”, tập trung phi pháo và máy bay B-52 rải thảm bom đạn vào thị xã Quảng Trị. Vượt lên bom đạn và mất mát hy sinh, các tiểu đoàn của Trung đoàn 95 cùng các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường “còn người, còn trận địa” dù cho quân thù đông, hỏa lực mạnh nhưng địch không thể lấn dũi từng ngõ, phố, thôn xóm... mà còn bị cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ đánh cho tơi tả.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:57:07 am »

Là cán bộ đốc chiến của Trung đoàn 95 vào Thành Cổ, những ngày đầu tháng 8 và nửa tháng 9 năm 1972, tôi được tận mắt chứng kiến trận lũ lụt rất lớn, nước từ thượng nguồn Vĩnh Định, sông Nhùng, sông Thạch Hãn quanh thị xã Quảng Trị đột ngột dâng cao, chảy cuồn cuộn như muốn đẩy mọi thứ ra Biển Đông. Nước tràn vào thị xã, ngập hết công sự, hầm hào, nấu cơm, cháo phải kê hòm đạn, nước đến đâu thì người bị hằn vết đến đó (từ dưới đầu gối đến lưng rồi qua ngực thành 3 ngấn nước).

Cái khó nhất là hàng trăm liệt sĩ, thương binh chưa đưa qua bờ Bắc sông Thạch Hãn được, lương thực, thực phẩm chỉ tính từng ngày, vũ khí đạn dược thiếu, quân số còn quá ít, có tiểu đoàn chỉ còn 30-50 đồng chí, đại đội chỉ còn trên dưới mười tay súng...

Đi giữa bốn bề nước, bùn và máu của đồng đội hòa lẫn với nước sông đang trào vào thị xã tôi lại nhớ câu thơ của Tố Hữu:

“Năm mươi sáu ngày đêm/Khoét núi ngủ hầm/Mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng chí không sờn...”.

Nhưng đây tới 81 ngày đêm mà đỉnh cao của sự ác liệt vào thời điểm từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 8 trên toàn bộ Quảng Trị, quân ta đã tiêu diệt 26.400 tên và bắt sống gần 100 tên địch, phá hủy 250 khẩu pháo, bắn cháy và phá hủy 200 xe tăng và xe quân sự khác, bắn rơi 200 máy bay.

Với Trung đoàn 95 đã đánh nhiều trận xuất sắc được nhân dân và cấp trên đặt cho nhiều biệt danh như: Tiểu đoàn 4 là “Lũy thép Đông Nam Thành Cổ”, Tiểu đoàn 5 là “Tiểu đoàn đánh giỏi”... Trung đoàn 95 và các đơn vị bạn được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khen ngợi: “Bộ đội đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiến đấu cực kỳ anh dũng, đánh bại một bước quan trọng trong chiến lược chủ yếu của địch giành thắng lợi...”.

Đêm 15 tháng 9 năm 1972, tôi vừa tổng hợp kết quả chiến đấu trong ngày, anh Thọ, Phó Chính ủy Trung đoàn hỏi: “Tiểu đoàn 4 còn bao nhiêu tay súng? Chú ý nắm lại quân số vũ khí trang bị nhất là thương binh, tử sĩ hướng Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6. Tôi và anh Thả về sở chỉ huy khu vực họp, thường xuyên liên lạc nhé...”. Khoảng 2 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, tôi nhận được lệnh qua điện thoại: “Thông báo cho các tiểu đoàn cho bộ đội qua bờ Bắc sông Thạch Hãn - chúng tôi đón!”.

Giữa ngổn ngang nào là thương binh, tử sĩ trong ngày còn hơn 100 đồng chí, bộ đội lội bì bõm dưới bùn, nước, người thì khát, đói... ngoài bờ sông bom đạn mỗi lúc một dữ dội, hết nhìn chiến sĩ bị thương nặng đến xoay xở anh em tử sĩ đã đưa vào bao gói (bao ni lông), lòng rối như tơ vò, nhưng tôi cố bình tâm truyền đạt lệnh của trên cho các đơn vị.

Tôi không quên lưu ý các đơn vị, chôn cất tử sĩ phải nhớ ghi tên, gói các loại vũ khí không chuyển được phải cột bằng dây dù thả xuống sông (không cho địch thu hoặc phá hủy). Người còn khỏe phải dìu cáng thương binh bám xuồng cao su và phao bơi bằng bao gói lần lượt vượt sông...

Chỉ thị cho lực lượng vệ binh kiểm tra, thu dọn sở chỉ huy lần cuối cùng, xóa dấu vết và bơi sau cùng đến giữa sông thì một loạt pháo chụp xuống đội hình, phao thủng, bộ đội kêu cứu, tôi động viên mọi người giữ thăng bằng thuyền cao su và phao bơi nhanh vào phía bờ Bắc. Bỗng từ hướng cầu sắt thượng nguồn sông Thạch Hãn vọng xuống một giọng Quảng Nam quen quen. Tôi cố nghe và nhận ra đó là đồng chí Nguyễn Đức Hiền - Chính trị viên Tiểu đoàn 4: “Hùng đó phải không, kéo tau với...”. Tôi đáp: “Đừng la to, cứ bám chặt phao, thả xuôi sông, tôi sẽ đón”. Giữa lúc cam go, tôi càng thấm sâu tình bạn hữu, nghĩa quê hương: “Chuyến đò nên nghĩa tương tri / Tình sâu nghĩa nặng sá gì phong ba...”.

5 giờ sáng, các hướng bám được vào bờ Bắc sông Thạch Hãn, dựa vào hào giao thông, công sự chiến đấu của thôn An Đôn, làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Từng đơn vị tổ chức đội hình hành quân về Tây Bắc sông Thạch Hãn, bổ sung quân số củng cố xây dựng lực lượng, bước vào bảo vệ Thượng Phước, Phương Thúy, Phượng Hoàng theo kế hoạch của trung đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:58:47 am »

Trước và sau Hội nghị Pa-ri

Từ sau ngày rời khỏi Thành cổ Quảng Trị, tôi được về giữ chức Tiểu đoàn phó 1, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Mặt trận B5.

Tuổi 22 dù đã trải qua chiến đấu bảo vệ Thành cổ với cương vị là trợ lý tác huấn nhưng tôi luôn bám sát chiến công của tiểu đoàn.

Dẫu biết rằng là tiểu đoàn có biệt danh “đánh giỏi” nhưng quân số chưa được bổ sung, sức khỏe bộ đội giảm sút, vũ khí trang bị chưa đồng bộ, yêu cầu đặt ra lúc này là huấn luyện nâng cao về kỹ, chiến thuật, đánh hiệp đồng trong điều kiện tác chiến trực tiếp tiếp xúc để hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

Đối diện với trận địa phòng ngự của tiểu đoàn tôi, quân thù ra sức kìm kẹp, đàn áp đồng bào vùng mới “tái chiếm” và thời gian không cho phép nghỉ ngơi. Tôi nhớ đến áng văn bất hủ của Trần Hưng Đạo đã dạy cho người cầm quân về nghĩa khí đối với nước: “... Dẫu trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm...”. Vì thế ngày đêm, tôi cùng ban chỉ huy xin chủ trương của trung đoàn tập trung điều trị thương, bệnh binh nhanh chóng hồi phục sức khỏe, trả quân số về tiểu đoàn sớm ổn định bước vào huấn luyện.

Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đồng ý và cử cơ quan trực tiếp giúp đỡ. Sau hơn một tháng củng cố huấn luyện, trình độ chiến, kỹ thuật được nâng lên, sức khỏe của bộ đội khá dần (giai đoạn này, có ngày trên một nửa quân số của tiểu đoàn bị sốt xuất huyết).

Ngày 15 tháng 12 năm 1972, trung đoàn giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn đánh chiếm Tích Tường - Như Lệ bị địch tái chiếm ngày 16 tháng 9 năm 1972, diệt một đại đội lính dù ngụy mở rộng bàn đạp về bờ Nam sông Thạch Hãn, tạo được thế đứng mới.

Đêm 21 tháng 12 năm 1972, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.1972), tôi xin chủ trương đánh một trận chào mừng. Tiểu đoàn sử dụng Đại đội 5 tiến công “nở hoa trong lòng địch” đánh chiếm Tích Tường diệt và bắt sống 88 tên lính dù ngụy, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng (trong đó có 1 cối 81 và 2 đại liên M60). Sau đó giữ vững bàn đạp, bám trụ đánh lại nhiều đợt phản kích của địch, diệt 40 tên. Ngày 22 tháng 12 năm 1972 đơn vị được lệnh rời khỏi trận đánh, bàn giao Tích Tường cho lực lượng vũ trang địa phương và đơn vị bạn chốt giữ.

Trước thất bại liên tiếp của cái gọi là “tái chiếm”, địch vẫn “cố đấm ăn xôi” tập trung mật độ pháo có ngày từ 2.000 quả đến 5.000 quả đánh vào Như Lệ, Tích Tường nhằm đánh bật ta sang bờ Bắc sông Thạch Hãn lấy đó làm giới tuyển để kiểm soát. “Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, đêm 31 tháng 12 năm 1972 rạng ngày 1 tháng 1 năm 1973, được hỏa lực trung đoàn, sư đoàn chi viện, Tiểu đoàn 5 chúng tôi lại xuất quân đánh một trận tuyệt đẹp chào mừng xuân mới - xuân giải phóng trên quê hương Quảng Trị, diệt tại chỗ 200 tên lính dù ngụy, giữ vững khu vực Như Lệ và liên tục đánh bật nhiều đợt tiến công của tiểu đoàn dù 2 ra khỏi trận địa. “Như Lệ đã trở thành chốt thép” để Tiểu đoàn 4 vào chiến đấu thắng lợi. Tiểu đoàn 5 chuyển sang làm lực lượng cơ động theo mệnh lệnh của trung đoàn.

Ghi nhận sự đóng góp từ khi được cấp trên cử xuống chỉ huy tiểu đoàn, cùng đơn vị củng cố, xây dựng và chiến đấu giành được nhiều thắng lợi, cán bộ, chiến sĩ bầu tôi là “Chiến sĩ Thi đua” năm 1972 và đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2022, 07:46:16 am »

Trận đánh mừng Xuân

Ngày ấy, trên chiến trường cứ mỗi bận xuân về, cánh lính B5 chúng tôi thường sắm cho mình những món quà đầy ý nghĩa để chào đón mùa xuân. Xôi thịt, bánh kẹo ư? Không! Đó là hoa, hoa chiến công để mừng Đảng, mừng Xuân...

Đi giữa tiết trời đang chuyển sang xuân, với khí thế hừng hực, tuổi trẻ khát khao trong niềm vui hiện về bao ký ức quê hương chiến trận nâng bước tôi đến thượng nguồn sông Lai Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Nơi đây là Sở chỉ huy của Sư đoàn 325. Nhìn thấy tôi, Phó Chính ủy Sư đoàn - Lê Văn Dương vuốt nhẹ mái tóc đã điểm sương với chất giọng thư thái của làng quê xứ Nghệ, ông hỏi về sức khỏe của tôi, tình hình đơn vị nghe sao mà ấm áp lạ thường... Tôi dạ: “Đơn vị đang sẵn sàng...”.

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Phạm Minh Tâm nâng bút chì đỏ, chân chất giọng Quảng Nam, chỉ cho tôi nơi phải đến. Đó là đồi chè, án ngữ phía Tây Thành Cổ kiểm soát sông Thạch Hãn cả ngày lẫn đêm do một đại đội lính dù ngụy chiếm đóng. Tiểu đoàn 5 được phối hợp 1 đại đội đặc công của sư đoàn và du kích địa phương đánh chiếm lại đồi chè trong đêm 31 tháng 12 năm 1972 đến 0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1973 phải kết thúc.

Nhớ lại những ngày bảo vệ Thành Cổ, tôi mạnh dạn hỏi: “Việc bảo đảm vượt sông Thạch Hãn giữa ban ngày có được tăng cường phương tiện và chi viện hỏa lực không?” Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, giọng trầm ấm, chắc nịch: “Vượt sông trước 18 giờ do đơn vị tổ chức, có sự chi viện hỏa lực của trên nhưng thời gian không dài, phải vượt nhanh và đánh thắng...”.

Đã trải qua chiến đấu từ chiến sĩ đến cán bộ tiểu đoàn, tồi hiểu mệnh lệnh của người chỉ huy bao giờ cũng ngắn gọn, nhưng thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối của cấp trên khi giao phó nhiệm vụ, cũng là động lực thôi thúc người lính quyết tâm thực hiện tốt trọng trách đó.

Đúng 17 giờ 30 phút ngày 31 tháng 12 năm 1972, toàn đơn vị vượt sông. Khi đã bám bờ đối diện, một tình huống xảy ra: 2 khẩu cối 82 ly của tiểu đoàn do công binh trung đoàn vận chuyển bằng thuyền cao su, ra giữa sông Thạch Hãn bị pháo bắn chìm rơi xuống sông và đồng chí Chính trị viên phó Tiểu đoàn không bơi được, đang kẹt bên bờ Bắc...

Tôi ra lệnh cho các đơn vị vào triển khai theo phương án chò lệnh, rồi bất chấp pháo đạn và dòng chảy, tôi bơi một mạch ra nơi 2 khẩu cối và động viên bộ đội lặn tìm. Rất may là khi chuẩn bị vượt sông tôi đã giao cho Đại đội 8 hỏa lực dùng dây võng buộc cối vào thuyền cao su, nên thuyền có thủng nhưng súng cối không bị mất... Tất cả cho trận đánh là sức mạnh vượt hiểm nguy. Khi đưa được cối vào trận địa, đồng hồ đã điểm sang 20 giờ...

Bọn địch đánh hơi, pháo từ Thành Cổ, ngã ba Phước Môn bắn tối tấp ra sát gần bờ Nam và giữa sông Thạch Hãn có quả trúng đội hình, bộ đội hướng Đại đội 6 đã có đồng chí bị thương vong...

Đúng giờ G, tôi hạ lệnh nổ súng. Lập tức Đại đội đặc công, Đại đội 5 mũi chủ yếu xông lên nhưng bị đại liên M60 của địch bắn chặn. Đồng chí Dương - Đại đội trưởng bị thương, tôi ra lệnh đồng chí Hạc - Đại đội phó thay, rồi từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn tôi lên ngay cửa mở của Đại đội 5.

Đến 21 giờ cùng ngày, chúng tôi làm chủ trận địa, đánh thiệt hại nặng đại đội dù, thu chiến lợi phẩm, giải quyết chiến trường, ra khỏi trận địa về chốt giữ Tích Tường, Như Lệ, bờ Nam sông Thạch Hãn. Cho đến 0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1973, hai bên tạm ngừng tiếng súng theo nhật lệnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong dịp Tết dương lịch và cổ truyền của dân tộc, hai bên tạm đình chiến để giữ yên bình cho đồng bào hai miền Nam - Bắc vui xuân.

Trận đánh đêm 31 tháng 12 năm 1972 rạng ngày 1 tháng 1 năm 1973 là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Trên bình diện chiến trường, nó có ý nghĩa đập tan âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng của kẻ thù trước khi ký Hiệp định Pa-ri. Đối với tôi, nó đánh dấu một bước trưởng thành trong xây dựng và chỉ huy đơn vị chiến đấu, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, được Trung đoàn 95 chọn đi báo cáo điển hình trong Đại hội thi đua quyết thắng của Sư đoàn 325 vào cuối năm 1973.

Và tự hào hơn, sau năm tháng chiến đấu đầy cam go, thử thách, lập nhiều chiến công khi bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và trong chống lấn chiếm, giữ vững mục tiêu, địa bàn đảm nhiệm, tháng 12 năm 1973, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Mặt trận Trị Thiên được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Riêng tôi được công nhận chiến sĩ thi đua năm 1973.

Giờ đây, cứ mỗi độ xuân về trên quê hương thanh bình đang thay da đổi thịt từng ngày, tôi lại hồi tưởng mùa xuân năm xưa, trên Quảng Trị thân thương, nơi tuyến đầu giáp mặt quân thù, bao cam go, ác liệt có cả những hy sinh mất mát nhưng tràn đầy khí phách anh dũng. Những khuôn mặt đồng đội thân yêu, những ánh mắt trao nhau sáng ngời niềm tin, những cái siết tay đầy tâm huyết, những bước chân hối hả, rầm rập lên đường, tất cả... tất cả đểu thể hiện quyết tâm sắt đá của một dân tộc khát khao độc lập, tự do và đang dần đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng trong suốt cuộc đời binh nghiệp, chúng tôi luôn ghi nhớ và làm tiếp những phần việc còn lại của bao đồng bào, đồng chí đã vĩnh viễn ra đi để cho đất nước được hưởng trọn mùa xuân độc lập, tự do.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2022, 07:47:17 am »

Thoát hiểm

Trận Đồi Chè là tiêu điểm của hệ thống tác chiến phòng ngự trực tiếp tiếp xúc của quân giải phóng Quảng Trị đã làm cho quân ngụy Sài Gòn sau ngày “tái chiếm” bị thua đau. Chúng lớn tiếng rêu rao “Bắc Việt” xâm lăng!. Tôi là một trong số cán bộ tiểu đoàn là người con của miền Nam đại diện cho lực lượng phòng ngự tại đó phải suốt ngày lăn lộn từ điểm tựa này đến điểm tựa khác để “khẩu chiến” với bọn lính dù là chúng tôi chính là Quân giải phóng miền Nam đang nói chuyện với các “bạn” đây.

Cách gọi “bạn” là theo chủ trương hòa giải dân tộc, ta không cần đao to búa lớn làm gì khi mà Mỹ đã rút, ngụy ắt phải nhào. Bọn chúng rêu rao: Ông (tức nói với tôi) là dân miền Nam có bài gì hay hát nghe chơi. Nhân tiện có loa công suất lớn của trung đoàn chuyển xuống để làm địch vận tại điểm cao 50, Đồi Phẫu, tôi ca bài: “Gánh bưởi Biên Hòa” rồi “Tình anh bán chiếu” đến “Gánh nước đêm trăng”...; tay trung úy tâm lý chiến chỉ huy đơn vị đối diện thốt lên: “Xin bái phục các ngài”. Sau hôm đó, chúng chuyển tên này về ngã ba Phước Môn nơi sở chỉ huy của tiểu đoàn dù ngụy Sài Gòn.

Biết được điểm yếu của quân dù liên tục thay chỉ huy từ phía sau ra phía trước và ngược lại, trung tuần tháng 1 năm 1973, trung đoàn gọi tôi về sở chỉ huy tại Khe Cóc giao nhiệm vụ tổ chức luồn sâu đánh hiểm vào sở chỉ huy tiểu đoàn dù ngụy.

Từ phía trước về trung đoàn, trên đường đi nhận nhiệm vụ, tôi gặp Nguyễn Đức Hiền - Chính trị viên Tiểu đoàn 4 gọi vào hầm uống nước nhân lúc chờ cùng về trung đoàn. Vì quá mừng nên sẵn điếu thuốc lào cạnh hầm chữ A (hầm kèo), tôi rít một hơi nhả khói và thẩn người nghĩ ngợi, không may vứt cái đóm vào ngay đống thuốc phóng (bộ đội dùng để nhóm lửa khi trời mưa) lửa bốc cháy chăn, màn, ba lô. Quá bất ngờ tôi vội kêu: Cứu... cứu rồi nhào vô dập lửa, đến khi ra khỏi hầm thấy mọi người cười ầm lên: “Thầy tu bay ơi...ơi...!”. Tôi vội lấy khăn lau mặt mới biết tóc cháy sém và hai hàng lông mày cũng đã thành than...

Vừa lúc anh Trầm - Trung đoàn phó đi cùng vỗ vai: “Thôi vào gặp Sư trưởng đi, coi như đã qua một trận chiến đấu, người còn là tốt rồi hi..hi...”.

Ngồi đối diện tôi là Sư đoàn trưởng Lê Kích, tuy tuổi đã cao nhưng giọng nói còn rõ và truyền cảm: Tớ là dân Quảng Ngãi, biết Hùng quê Quảng Nam, lâu nay anh Tâm và anh Dương thường kể về cậu, nhất là qua trận đánh Đồi Chè đêm 31 tháng 12 năm 1972. Bữa ni, mình muốn hỏi Hùng về vị trí của sở chỉ huy tiểu đoàn dù ngụy tại ngã ba Phước Môn”. Không để Sư đoàn trưởng chờ lâu, tôi trình bày luôn: “Ngã ba Phước Môn nằm giữa các quả đồi lúp xúp đã bị B-52 dọn sạch từ ngày tái chiếm Thành cổ Quảng Trị (16-9-1972) cách Tây Nam sông Thạch Hãn nơi trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 5 khoảng 7km theo đường chim bay”. Ông hỏi: “Cách bố trí thế nào”?. Tôi đáp: “Dạ, theo anh em du kích cho biết, các đại đội dù và bọn thám báo tăng cường cho hướng này đều bố trí vòng ngoài từ Tích Tường đến Như Lệ, còn phía sau rất trống, lực lượng phục vụ là chủ yếu. Nếu được sư đoàn đồng ý, Tiểu đoàn 5 thực hiện chiến thuật “Đặc công hóa” nghĩa là vừa bộ binh vừa trinh sát với chiến thuật đặc công, luồn sâu đánh hiểm diệt sở chỉ huy tiểu đoàn”. “Hôm nay là ngày 25 tháng 1 năm 1973. Thời gian chuẩn bị không dài, ngày 27 tháng 1 năm 1973 phải nhổ xong nhé” - Sư đoàn trưởng xác định.

Sau hai ngày đêm chuẩn bị điều nghiên, quyết tâm chiến đấu đã được cấp trên phê chuẩn. Đêm 27 tháng 1 năm 1973, tiểu đoàn vượt sông, dựa vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 4, bí mật chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình an toàn trên các hướng, thông tin thông suốt. Tôi đang đi kiểm tra trận địa hỏa lực của tiểu đoàn thì nhận được điện của trung đoàn.

Tiểu đoàn bí mật rời khỏi trận địa, từng đại đội du kích sẽ dẫn đường luồn lách giữa các tụ thủy dựa vào các làng: Tích Tường 1 - Tích Tường 2 và Như Lệ, nhanh lên không được chậm trễ...

Nhìn đồng hồ đã 2 giờ 30 phút... nhưng tại sao phải dừng chứ? Vừa lúc đó đồng chí thông tin chuyển điện của sư đoàn qua vô tuyến bằng mật mã vừa dịch: Tiểu đoàn 5 đã bị 3 đại đội dù và 1 đại đội thám báo bao vây phía Nam sông Thạch Hãn, ngay trên đường các đồng chí vừa tiếp cận... để bảo tồn lực lượng và kịp thời gian cho thời khắc “lịch sử” sư đoàn ra lệnh chuyển hướng tiến công...

Vừa lui quân, vừa thăm dò động tĩnh, tôi cùng Xuân Vịnh - Chính trị viên Tiểu đoàn mỗi người đi cùng 1 đại đội đồng chí Sơn trợ lý tham mưu đi với đại đội hỏa lực, riêng Đại đội 6 dự bị ra sau dựa vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 4 làm lực lượng nghi binh thu hút địch, nếu các hướng gặp địch nổ súng thì Đại đội 6 là lực lượng chủ yếu giải vây cho tiểu đoàn...

Kế hoạch “thoát hiểm” được anh Trầm thông qua và báo cáo với sư đoàn. Toàn đơn vị chuyển hướng về Tích Tường vừa đúng 4 giờ 30 phút ngày 28 tháng 1 năm 1973 theo đúng ý định của sư đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2022, 07:48:14 am »

Trước giờ lịch sử

Mải hành quân chốt giữ chiến đấu, chúng tôi đâu có biết thời gian ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chỉ biết với tinh thần tích cực chủ động, kiên quyết tiến công địch, khắc phục khó khăn, vượt lên mọi mất mát hy sinh để thoát khỏi vòng vây của địch, về triển khai đội hình chiến đấu tại làng Tích Tường 1.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 28 tháng 1 năm 1973, khi Chính trị viên Trần Xuân Vịnh mở ra-đi-ô, tiếng phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam trịnh trọng: Hiệp định Pa-ri về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Cũng là lúc hiệu lệnh tiến công “đêm trước” vào làng Tích Tường 1 lần thứ ba của Tiểu đoàn 5. Không để cho bọn chỉ huy ở ngã ba Phước Môn phản ứng, địch ở làng Như Lệ rút chạy. Tôi ra lệnh cho Đại đội 5, Đại đội 7 tiến công kiên quyết làm chủ làng Tích Tường, chỉ thị cho Đại đội 6 hướng Như Lệ kiên quyết ngăn chặn, cùng với Tiểu đoàn 4 đánh địch bảo vệ đội hình phía tây của tiểu đoàn.

Sông Thạch Hãn đang êm ả trôi, bỗng dậy sóng nhấn chìm đại đội dù xuống tận đáy sông... Sau hơn 30 phút nổ súng, đại bộ phận đại đội dù bị tiêu diệt, số còn lại bị đẩy lùi từ sát bờ Nam sông Thạch Hãn về hướng tây nam và làm chủ toàn bộ thôn Tích Tường 1.

Cả khu vực bị đánh chiếm và những nơi bộ đội ta chốt giữ là một rừng cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước gió chào đón cái tết “hòa bình” đầu tiên giữa chiến trường Quảng Trị.

Đối diện chúng tôi, cách một thửa ruộng là đại đội dù khác, do tên trung úy chiến chỉ huy. Thực hiện lệnh ngừng bắn của mặt trận, chúng tôi cùng đi kiểm tra khu vực đóng quân của hai bên... Khi đến đại đội hỏa lực của tiểu đoàn, tên trung úy thấy trung đội thám báo của chúng bị quân ta bao vây bốn bề, liền hốt hoảng la lên: “Sao thế này?”. Tôi trả lời: “Vì các ông không thực hiện nghiêm lệnh ngừng bắn của hai bên đã thỏa thuận, ngang nhiên xua quân đi lấn chiếm chớ sao. Nếu anh em nào muốn đoàn tụ với gia đình, chúng tôi sẵn sàng mở cửa cho đi...”.

Tên trung úy lúng túng thanh minh: “Việc đó là do thượng cấp, trung đội này không thuộc đại đội tôi”. Tôi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cho các chiến hữu của ông hưởng chính sách khoan hồng của Mặt trận”.

Trong không khí làm chủ chiến trường, chiến sĩ ta được hưởng một mùa xuân thật sự ở ngay trên Mặt trận, được nhận những món quà ấm áp tình nghĩa từ hậu phương lớn miền Bắc gửi vô. Đây là cái Tết mà cả trung đội thám báo địch cùng đón xuân với chúng tôi. Những người chiến sĩ giải phóng quân đang hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, xả thân chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, đã sẵn sàng nhường phần quà Tết của mình cho lính đối phương, những kẻ đánh thuê, của chế độ Sài Gòn mới hôm qua còn quyết sống mái với nhau trong gang tấc.

Bằng những cử chỉ của người chiến thắng, chúng tôi đã cảm hóa được kẻ lầm đường, chỉ sau một ngày tuyên truyền vận động, trung đội thám báo đồng ý kế hoạch thoát thân theo hướng dẫn của chúng tôi sang bờ Bắc sông Thạch Hãn về với Mặt trận dân tộc giải phóng.

Suốt thời gian này chúng tôi bảo vệ vững chắc vùng giải phóng góp phần cùng Trung đoàn 95 đánh hơn 300 trận lớn nhỏ, diệt và bắt sống 4.000 tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay, phá hủy hơn 40 xe tăng, xe bọc thép...

Trận địa phòng ngự trực tiếp tiếp xúc của Tiểu đoàn 5 nối liền từ Tích Tường, Đồi Chè, điểm cao 50, Như Lệ, Phương Thúy, Đá Đứng bảo đảm hành lang chiến đấu, vận chuyển cơ sở vật chất cho các lực lượng của Mặt trận B5 thông suốt theo dòng Thạch Hãn từ động Ông Do đến cảng Cửa Việt.

Mãi đến khi về dự Đại hội thi đua Quyết thắng của sư đoàn, sau khi báo cáo thành tích của tiểu đoàn, lúc nghỉ giải lao, Chính ủy Sư đoàn - Nguyễn Công Trang đến bắt tay và khen: “Đúng là Tiểu đoàn trưởng” thoát hiểm “để có chiến công ngày hôm nay..!”.Tôi chưa hiểu gì thì Chính ủy nói tiếp: “Hôm 27 tháng 1 năm 1973, khi Tiểu đoàn 5 vượt qua 3 đại đội dù và 1 đại đội thám báo, Sư đoàn nhận được tin kỹ thuật: Nếu quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy tiểu đoàn dù ở ngã ba Phước Môn thì chúng nó chẳng cho các cậu thoát đâu...

Bây giờ, tôi mới hiểu... Chúng tôi dù có phải lao vào nơi nguy hiểm, ác liệt đến mấy, bên cạnh tôi vẫn luôn luôn được cấp trên theo dõi và xử trí lập thời những tình huống mà cấp phân đội như tôi đâu đã lường hết và thầm cảm ơn: Không có các thủ trưởng ngày ấy thì tôi đâu có được ngày hôm nay...!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2022, 07:49:10 am »

Chia lửa với Thú đô

Hiệp định Pa-ri ký kết vừa ráo mực, thì ngày 28 tháng 1 năm 1973, địch lại mở cuộc hành quân “Sóng thần” đánh chiếm cảng Cửa Việt; từ đó tiếng súng chống địch lấn chiếm toàn tuyến nổ giòn từ Cửa Việt đến động Ông Do.

Tiểu đoàn 5 do tôi chỉ huy vững vàng phòng ngự trực tiếp tiếp xúc, ngày đêm chốt giữ và phản kích đánh bại âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng của bọn thủy quân lục chiến và lính dù thuộc lực lượng tổng dự bị của quân ngụy Sài Gòn, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và tài sản tính mạng của nhân dân, đồng thời giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” rằng. Đồng bào và chiến sĩ miền Bắc đang anh dũng đánh trả những đòn đích đáng vào đội hình oanh tạc của pháo đài bay B-52 bắn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là khi nghe bọn xâm lược Mỹ rải thảm ngay vào Bệnh viện Bạch Mai giết chết những người dân vô tội.

Biến đau thương thành sức mạnh: “Tiền phương thi đua với hậu phương - chiến trường thi đua với chiến trường...” để chia lửa và trả thù cho những mất mát, hy sinh, thiệt hại mà đồng bào, chiến sĩ Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu, đồng bào và chiến sĩ miền Nam nói chung, quân giải phóng Mặt trận B5 nói riêng sẵn sàng chiến đấu anh dũng, giáng vào kẻ thù những đòn chí mạng ngay tại sào huyệt của chúng.

Vừa chiến đấu, vừa củng cố trận địa và hướng dẫn nhân dân trở về làng cũ Tích Tường, Như Lệ để sản xuất và ổn định cuộc sống, tôi và đơn vị vừa phòng ngự vững chắc vừa tổ chức nghiên cứu địa hình, nắm chắc mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện chủ trương của Mặt trận cùng với các đơn vị bạn kiên quyết phản kích tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 11 lính dù ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 800 tên, bắt 36 tên bắn cháy 4 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay A37 lấy lại những vùng lõm mà quân ngụy tái chiếm Quảng Trị tháng 9 năm 1972, bảo vệ bình yên cho cái Tết “giải phóng” đầu tiên ngay tại chiến trường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2022, 07:50:44 am »

Thao trường giữa chiến trường

Giữa những ngày tháng 8 năm 1974 lịch sử, Tiểu đoàn 5 chúng tôi tổng kết phong trào thi đua quyết thắng và đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Nhà nước phong tặng (20-12-1973). Hội nghị thi đua “giết giặc lập công” và đón nhận danh hiệu anh hùng có đồng chí Nguyễn Công Trang - Phó Chính ủy Quân đoàn 2 - nguyên Chính ủy Sư đoàn 325 dự và phát biểu.

Từ thực tiễn chiến đấu, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, xứng đáng là “Tiểu đoàn đánh giỏi” khi bảo vệ Thành cổ và “Rồng đất” khi chống lấn chiếm... càng tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho tiểu đoàn bước vào nhận nhiệm vụ mới.

Sau hội nghị một tuần, tôi được sư đoàn cho về Trường Quân chính Quân khu Trị Thiên để nâng cao kiến thức. Từ phía trước trở về Cồn Tiên - Dốc Miếu nơi trường đang đứng chân, bao nhiêu suy nghĩ cứ dồn về: Đánh giặc thì khỏi lo, việc học răng đây? Mải bước đi mà tôi đã qua bao nhiêu địa danh: Nhan Biều, Ái Tử, Đông Hà, Cùa, Mai Lộc, Tân Lâm... lùi lại phía sau, ký ức chiến trận lại dội về và cứ đi...

Bước vào nơi ở đã thấy Trần Minh Thiệt - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18 cũng đang hiện diện tại đây, tay bắt mặt mừng từ khi tham gia chiến dịch bữa nay mới gặp đồng hương, bao chuyện vui buồn cứ râm ran cả lán trại...

Một tuần, hai tuần vừa ổn định tổ chức vừa chuẩn bị thao trường, bãi tập và đồ dùng huấn luyện thì Ban Giám hiệu gọi tôi:

- Đồng chí dừng học trở về đơn vị theo yêu cầu của sư đoàn...

Là người lính đang thời điểm của chiến tranh, học cũng tốt mà về cũng chẳng sao... tôi bụng bảo dạ và chấp hành. Về đến tiểu đoàn thì đồng chí Thượng tá Phạm Minh Tâm - Sư đoàn trưởng, Thượng tá Lê Văn Dương - Chính ủy Sư đoàn vào đề ngay: quán triệt sâu sắc Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường...” và thực hiện chỉ lệnh huấn luyện... trung đoàn và sư đoàn chọn Tiểu đoàn 5 cơ động về Cùa - Mai Lộc, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để thực hiện cuộc diễn tập thực binh “Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc” ở địa hình rừng núi. Tiểu đoàn 5 là hướng chủ yếu... làm cho tốt, rồi việc học sẽ tính sau.

Ba Hồ dựa lưng vào đông dãy Trường Sơn cách Tây Cùa - Mai Lộc, huyện Cam Lộ nơi cấp trên chọn làm thao trường “Cứ điểm phòng ngự của đại đội địch...” ở bình độ khoảng 30 - 35, được cấu trúc một hệ thống công sự, ụ súng, lô cốt, hầm ngầm bằng cọc sắt, bao cát và ghi sóng thu được của địch ở căn cứ Ái Tử vào những năm 1972 có độ sâu từ 1,2 - l,5m, đất dày 0,5 - 1,1m, các loại hào giao thông và hào chiến đấu rộng 0,6 - 0,8m, sâu 1,2 - l,5m liên hoàn cho cả 3 tuyến. Tiền duyên, giữa và trung tâm chỉ huy, kết hợp 5 lớp rào kẽm gai và mìn các loại, để thực nghiệm mở cửa bằng bộ phá rào FR (rồng lửa của Liên Xô) chống sát thương do các loại hỏa lực cầu vồng và trực tiếp trong biên chế từ cấp chiến dịch trở xuống.

Sau hơn một tháng chống chọi với mưa nguồn và gió Lào, Tiểu đoàn 5 cùng với lực lượng công binh đã hoàn tất việc thiết bị thao trường, chuyển sang huấn luyện theo phương án chuyên sâu và phân đoạn theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị... Điều làm tôi lo lắng là làm sao truyền thụ và tự mình nắm chắc nguyên tắc, cách đánh địch trong công sự vững chắc của cấp đại đội và tiểu đoàn. Vừa trên cương vị huấn luyện cho cấp dưới vừa đảm nhiệm cương vị chỉ huy của tiểu đoàn trưởng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng với xe tăng thiết giáp, pháo binh phòng không, công binh, đặc biệt là lần đầu tiên mở cửa bằng FR... Đây là cuộc diễn tập “thực nghiệm” cho cả Mặt trận Trị Thiên - Huế, ngay trên chiến trường vừa mới giải phóng theo cách gọi của B5: “Thao trường giữa chiến trường”, trong khi kiến thức quân sự của tôi chỉ mới qua lớp cán bộ phân đội tại Trường sĩ quan Lục quân vào năm 1967. Cương vị chiến đấu vừa được điều từ trợ lý tác huấn trung đoàn xuống làm tiểu đoàn trưởng cũng chỉ tham gia đánh cấp đại đội, tiểu đoàn, chủ yếu là phòng ngự trực tiếp tiếp xúc, tập kích, vận động tiến công kết hợp chốt... còn tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa hình rừng núi có các binh chủng tham gia là hoàn toàn mới mẻ.

Được cấp trên tin tưởng chọn làm “điểm” là vinh dự lớn, cũng vừa là cơ hội để thử thách học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức khoa học quân sự, dù khó mấy cũng nỗ lực vượt qua, tôi tự nhủ và bàn với đồng chí Nhã - Chính trị viên Tiểu đoàn ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Được sự nhất trí của tập thể Đảng ủy, chỉ huy quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, lấy chất lượng làm chính kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng, năng lực với ý thức tổ chức kỷ luật, giữa xây dựng và chiến đấu mà huấn luyện và chỉ có thông qua chiến đấu mới có thể nâng cao chất lượng mọi mặt cho tiểu đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM