Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:14:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân trên cát  (Đọc 4204 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:40:13 am »

Tham vọng đánh chiếm vùng B Đại Lộc của liên quân Mỹ - ngụy bị thất bại. Chiến công của Tiểu đoàn 1-R20 đã vượt đại dương đến với nhân dân thế giới. Nước An-giê-ri vừa giành được độc lập từ tay thực dân Pháp đã đề nghị Tiểu đoàn 1-R20 của tỉnh Quảng Đà mang danh hiệu: Tiểu đoàn An-giê-ri chiến thắng danh hiệu vẻ vang đó đã ghi vào Từ điển bách khoa Quân sự.

Trận cây Đa Lý bị thua đau, bọn Mỹ càng hung hăng càn quét trên diện rộng, đánh sâu vào vùng giải phóng của ta, xúc tác nhân dân các xã Lộc Phong, Lộc Hưng... mở rộng phạm vi lấn chiếm và bình định mùa khô của chúng.

Được nhân dân du kích vùng B Đại Lộc hỗ trợ, mở rộng lực lượng cùng với tiểu đoàn đánh sâu, đánh hiểm, đánh gần, đánh đêm phủ đầu bọn chúng bằng những đòn sấm sét ngay trong hậu cứ của quân Mỹ và chư hầu làm cho chúng vốn đã bạc nhược về tinh thần càng trở nên lúng túng đối phó.

Chiến công nối tiếp chiến công. Hưởng ứng lời kêu gọi ngày 17 tháng 7 năm 1966 của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, khắp miền Nam, quân và dân ta thi đua giết giặc lập công cùng “chia lửa” với đồng bào, chiến sĩ miền Bắc và thủ đô Hà Nội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Quân giải phóng miền Nam nói chung, lực lượng vũ trang Quảng Đà nói riêng đã đúc kết kinh nghiệm qua các trận đánh trên chiến trường và nhận định: Chiến thuật của quân Mỹ - ngụy vẫn là thủ đoạn càn quét, tìm diệt chứ chưa có gì mới để dối phó với bộ đội ta. Ngược lại, các lực lượng vũ trang cách mạng trên chiến trường đã có bước phát triển cả về chất và lượng. Chiến thuật, nghệ thuật quân sự vận dụng vào từng trận đánh đều linh hoạt sáng tạo, trận sau hiệu suất chiến đấu cao hơn trận trước, thế của ta đang lên và đẩy quân Mỹ - ngụy vào thế bị động, thế thua nhưng bản chất ngoan cố và hiếu chiến của đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngụy quyền Sài Gòn không bao giờ thay đổi.

Với tôi, sau trận cây Đa Lý được bổ nhiệm “Tiểu đội bậc phó”. Từ vùng B Đại Lộc về Gò Nổi đang bám đánh địch và chuẩn bị cho đợt hoạt động (Đông Xuân 1966-1967) thì có lệnh của trung đội về gặp đại đội trưởng nhận nhiệm vụ.

Năm tháng chiến đấu từ chiến sĩ liên trinh, rồi xạ thủ đến tiểu đội bậc phó, tôi đều hoàn thành nhiệm vụ, bữa ni cũng đang chuẩn bị cho mùa hoạt động mới sao lại lên gặp đại đội, chuyện hung hay lành? Cứ như tổ ong, dày vò cái đầu bé nhỏ của tôi... trẽn suốt chặng đường ngoài trận địa về nhà chỉ huy...

Mải nghĩ suy, lức ngước lên thì đã đến ngôi nhà vừa bị bom đạn địch đốt cháy, các anh trong ban chỉ huy đều có mặt. Tôi vội sửa lại trang phục rồi báo cáo: “Dạ! Em có mặt”. Anh Vân - Chính trị viên lên tiếng: “Cả người, chứ sao chỉ có mặt?”. Rồi cả ba cùng cười!

“Vào đây, đi đường có mệt không? Khẩu đội đang làm gì?”. Vồn vã đôi câu anh vào đề: “Lần này tiểu đoàn chọn Hùng đi học xa tận ngoài Bắc kia, thế nào thích học làm cán bộ gì?”. Tôi bối rối nói đại: “Các anh cho em ở lại chiến đấu, ra Bắc xa sợ lắm...!”. Anh hỏi: “Sợ gì?”. Tôi đáp: “Dạ, sợ đi không đến nơi, bỏ lỡ cơ hội đánh giặc, uổng lắm... lắm!”.

Anh Vân vỗ vai: “Mới tiểu đội bậc phó mà ý chí cao nghe. Được đi học là còn chiến đấu lâu dài, yên tâm di”. Khi đã lấy lại bình tĩnh, tôi mạnh dạn thưa. “Do tổ chức phân công, đi học gì cũng được thủ trưởng ạ!”

Anh Kỉnh - Đại đội trưởng bây giờ mới “ra lệnh”: “Về bổ sung hồ sơ, ngày mai nạp lên đại đội, chuẩn bị tư trang, thời gian không có nhiều đâu!...”.

Đại đội 4 hỏa lực, Tiểu đoàn 1 - R20 nhất là các anh Kỉnh, anh Nhan, bây giờ là anh Vân lúc nào cũng chăm sóc tôi, dạy bảo cách làm người và cả nghệ thuật đánh giặc để có ngày hôm nay đây. Tôi biết sức vóc, trí tuệ, nhân cách trong tôi đã được tôi luyện thông qua cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc... Song, kế sách giữ nước còn lâu dài để có đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng Tổ quốc ngày mai, tôi được đơn vị chọn đi học sĩ quan lục quân tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:41:40 am »

Hành trình

Trên quê hương Gò Nổi - đất Hoàng Diệu thắm ngàn vải bông, tôi thao thức mãi, hồi tưởng lại trận đánh bọn thủy quân lục chiến Mỹ và Nam Hàn có bọn ngụy dẫn đường vào chợ Nồi Rang, xã Bình Đào huyện Thăng Bình. Thằng Đình bạn thân hy sinh, thằng Ư thì nhút nhát làm tôi khó xử khi khẩu đại liên bị kẹt đạn, tôi giật cây K44 của Ư nện liên tiếp ba bốn phát mấy thằng L19 vọt lên cao, bọn Nam Hàn xông vào, tôi quay về dùng đại liên nã mấy loạt cả bọn tháo chạy...

Khi tỉnh dậy, mồ hôi đầy người, thấy chị chủ nhà đứng bên cạnh. Em mơ chi mà dữ rứa? Chị không dám kêu!

Chị dịu hiền như dòng sông Thu xanh biếc đang tắm mát hồn tôi, cảm ơn chị, chị âu yếm thiết tha như điệu hò quê mẹ, chị nắm tay tôi và lưu luyến: “Chiều qua nghe Ư kể, mấy bữa nữa em được đi học ngoài Bắc, chị không có chi, chỉ làm ít lương khô đặc sản cá mòi sông Thu và gà rang mắm, em đi đường bồi dưỡng...”.

Cảm ơn chị hai con bác Nam chợ Điện Quang, Gò Nổi tình chị như nương dâu đang mùa chăn tằm chan chứa tình thân. Tôi thầm hứa sẽ cố gắng học để không phụ lòng chị và bác.

Đang lụi cụi chuẩn bị hành trang, Phước Hùng bạn liên lạc cùng thời ở đại đội đến báo lên tiểu đoàn, thủ trưởng gặp. Tôi theo Hùng đến nơi thấy anh Cứ - Chính trị viên Tiểu đoàn, anh Chi - Tiểu đoàn trưởng hỏi: “Sao Đại đội 4 không giữ dũng sĩ tí hon và chim sơn ca nữa”. Anh Khoa - Chính trị viên phó ân cần: “Hùng có biết tin gia đình không!”. Tôi: “Dạ, không ạ”. Anh tiếp: “Có gì thắc mắc không?”. Tôi cứ ngồi yên mà không nghe rõ câu hỏi, nên anh giải thích: “Tiểu đoàn biết gia đình ở tận bờ biển, giữa Đà Nẵng và Hội An, từ đây về đó phải vượt qua bao nhiêu chốt giặc: căn cứ Bình Long, Phong Thử, thị trấn Vĩnh Điện và Cẩm Sa, chưa kế địch phục kích dọc đường... nguy hiểm lắm”. Anh đang động viên tôi, bỗng ầm...ầm... một loạt pháo nổ, cây cối ngổn ngang, đất đá rào rào...

Anh Chi ra lệnh: “Tất cả về chống càn, tối sẽ tập trung”. Tôi chạy một mạch về khẩu đội. Cả một bầu trời khói mù mịt, máy bay phản lực gầm rít, trực thăng quần bắn tứ tung, dưới mặt đất súng nổ đì dùng...

Ra vị trí chiến đấu, tôi nhào tới siết cò khẩu trọng liên rung lên, quân giặc ngã như rạ, bọn trực thăng cắm đầu xuống ruộng, bọn phản lực cút về Đà Nẵng.

Hoàng hôn ập xuống, cảnh vật xóm làng sau chiến đấu còn vương khói súng. Anh Nhỉ - Chính trị viên phó Đại đội đến: “Anh em ổn cả chứ?”. “Vâng” - tôi báo cáo, anh cùng chứng kiến để tôi bàn giao khẩu đội cho Phan Thanh Lâm Thùy, Khẩu đội phó, rồi ôm chặt từng người chia tay...

Giữa ngổn ngang chiến trận, Ư người bạn cùng thôn cứ đứng như trời trồng, tôi biết tâm trạng của Ư, tuy đã qua chiến đấu nhiều trận nhưng tính nhút nhát vẫn còn, nên bảo với khẩu đội tận tình giúp Ư khi tôi vắng...

Lục chiếc gùi, những gì có tôi đưa hết cho Ư, chỉ mang theo một bộ đồ bà ba của chị Mười Mai cho đang mặc với ít lương khô của chị Hai con bác Nam vừa mới làm, siết chặt Ư vào lòng rồi đi...! Giã biệt khẩu đội, lòng tôi thầm nhủ:

            “... Đời bộ đội là thế thôi
            Lúc ở khi đi đã hiểu rồi
            Bạn ơi! Thông cảm dùm tôi nhé
            Đừng buồn chi nữa lúc chia phôi...”


Đến 18 giờ ngày 28 tháng 12 năm 1966, ba chúng tôi: Huỳnh Đức Lân - Đại đội 2, Phan Đình Tứ - Đại đội 3 và tôi lẽ ra cả Thanh - Đại đội 1 nhưng vừa bị thương sáng nay, được anh Phạm Xuân Khoa - Chính trị viên phó Tiểu đoàn thay mặt ban chỉ huy Tiểu đoàn căn dặn:

- Các đồng chí là những chiến sĩ ưu tú của Tiểu đoàn 1-R20 được cử đi miền Bắc học là niềm vinh dự của bản thân và đơn vị, ráng học giỏi mau trở lại chiến trường... Chúc các đồng chí lên đường mạnh khỏe...

Khoảng 20 giờ cùng ngày, giao liên Tỉnh đội dẫn chúng tôi ngược về vùng B Đại Lộc. Đêm cuối năm trời se lạnh, nước sông Thu Bồn dâng cao, chúng tôi vất vả mới vượt qua được dòng chảy để đến trạm.

Chúng tôi đến trạm đón tiếp ở thôn Phú Phong xã Lộc Quý huyện Đại Lộc để làm thủ tục lên Trường Sơn nhập trạm. Chị chủ nhà hỏi: “Ai là Hùng quê Điện Dương?”. “Dạ, em!”.Tôi trả lời. Chị chủ nhà cứ nhìn mãi...: “Đẹp trai ra ri mà làm gì Mười không khóc...”.

Tôi chẳng hiểu gì, chị giãi bày: Hôm qua có cô Mười Mai làm y sĩ trên đội phẫu của tỉnh, xuống đây nói ngày mai có đoàn dũng sĩ Tiểu đoàn 1-R20 đi Bắc, chị đến tìm em để thăm chờ mãi không được nó về rồi. Chị đoán Mười đẹp thì chắc chắn là em cũng giống nó, chị bảo ở lại nó nói chờ lúc khác...

Thời gian chuẩn bị lại rất ngắn, đêm đó tôi phải lên Trường Sơn nhập trạm giao liên đi Bắc. Vừa đến dốc Ông Thủ ở vùng giáp ranh, gặp biệt kích, pháo binh và máy bay địch đánh phá chặn đường.

Tôi quay lại chỗ cũ, chị chủ nhà lại bảo: Chị Mười nức nở vì hai lần không gặp được em để trao quà, nghe đâu trạm quân y có người bị thương, chị phải về...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:42:43 am »

Vượt Trường Sơn

Đến ngày thứ ba, chúng tôi cũng nhập được trạm tại Ô Rây. Nghe cán bộ phổ biến kế hoạch và chỉ định đoàn trưởng.

Lúc này tôi mới biết ngoài ba chúng tôi còn có các đơn vị của các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Tất cả là 16 người, do Nguyễn Thành Quảng lớn tuổi hơn làm trưởng đoàn.

Thoạt đầu mới nghe trạm trưởng phổ biến chặng đường từ đây ra đến Thủ đô Hà Nội phải mất 90 ngày, chuyện gì sẽ xảy ra thì chưa ai đoán được, các đồng chí gắng sức hành quân...

Trạm trưởng vừa dứt lời, phía sau đã có ý kiến xôn xao, răng mà dài rứa, về lại đơn vị cho khoẻ... Tôi thì bụng bảo dạ quay về chẳng khác chi đầu hàng “giặc”. Anh Quảng đồng ý và nhắc mọi người về nghỉ ngơi để sáng mai lên đường.

Gà rừng gáy te te, các chú bìm bịp cũng bìm - bìm - bịp...! vang cả trạm. Mọi người khăn gói gọn gàng. Khi kiểm tra đếm mãi chỉ có 15 người, trạm trưởng giục đi tìm có ai đánh răng ngoài suối chưa về không?

Một giờ, hai giờ khi anh Quảng quay lại bảo: “Nam, lính của huyện Điện Bàn đang sốt rét... Ta cứ đi để Nam đuổi theo sau vậy...”

Ngày thứ nhất chúng tôi đi từ trạm T1, đến T2 mới 10 giờ trưa đã nghỉ chờ sáng hôm sau đi tiếp...

Lúc đi tắm, bọn tôi lân la hỏi mây anh giao liên: “Trạm sao ngắn thế?”. Anh ấy bảo đó là đường bằng, khi gặp dốc hoặc mưa thì dài lắm.

Kệ, đi ngày thứ hai xem sao: Ngày thứ hai xuất phát sớm hơn, mới 9 giờ đã đến, người còn khoẻ.

Đêm đến chúng tôi bàn nhau, muốn rút ngắn thời gian, phải vượt trạm, anh Quảng đồng ý trình bày với T3. Thế là từ T4 trở đi, mỗi ngày chúng tôi vượt hai trạm mà có trạm mới 17 giờ đã đến nơi...

Cứ thế hết đất Quảng Đà, Quảng Trị vượt sông Bến Hải đến làng Ho, Quảng Bình, gặp đoàn quân đi B đang trú quân.

Chính ủy Việt Phương, chỉ huy binh trạm yêu cầu đoàn tôi dừng lại để kể chuyện chiến đấu cho các đơn vị phía Bắc vào...

Anh Quảng, trưởng đoàn phân công thành ba tổ (mỗi tổ 5 người) xuống 3 khu vực nói chuyện. Ban đầu, chúng tôi lúng túng vì chưa đứng trước đám đông bao giờ, được các anh cán bộ khung người miền Bắc học hỏi nhiều nên bảo chúng tôi: “Cứ đánh Mỹ sao, nói vậy, không cần văn chương”.

Được đà, “đánh giặc miệng” tôi cứ liến thoắng kể chuyện rồi hát bài chòi Liên khu 5, mấy anh thích và thưởng thịt hộp, ruốc bông và nhiều thuốc lá...

Hết ngày thứ nhất, giao liên lại đưa chúng tôi về trạm nghỉ, sẵn có thịt hộp và ruốc bông, tôi chia phần cho các bạn giao liên và được “bật mí”: Trạm vừa tiếp nhận nhiều xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc, do cán bộ ngoài Bắc đi vào. Nếu các anh biết đi, thì xin mỗi người một chiếc đi ra rồi bàn giao cho trạm cuối cùng...

Tôi mừng quýnh báo với đoàn trưởng, ngày thứ hai, sau giờ nói chuyện, chúng tôi đem xe ra bãi trống để tập. Thế mà cậu Lộc quê ở Hòa Liên sát nách Đà Nẵng lại không đi được chút nào...

Ngày thứ ba, sau buổi cuối cùng, Chính ủy Việt Phương và trạm giao liên chiêu đãi tụi tôi một bữa ăn tươi. Toàn rau khô Trung Quốc với thịt hộp xay và cơm trắng.

Ngày thứ tư, cả đoàn 15 người sử dụng 14 xe đạp, bọn tôi phải thay phiên đèo cậu Lộc, hết đường rừng, qua đường 15, xuống đường 1, nhằm hướng Hà Nội mà đi, tối đến đâu ngủ đó...

Kể từ đó các địa danh phà Quán Hầu, phà Gianh, Bổn Thủy, Hàm Rồng.v.v... trên quốc lộ số 1A mỗi lần đi qua lại bị kiểm soát...

Máy bay Mỹ cứ bắn phá, xe cứ đạp, qua phà đã có giấy đóng dấu “quân giải phóng” đỏ chót, ai chẳng cho qua.

Đúng thật, càng đi chúng tôi càng cảm nhận đồng bào chiến sĩ miền Bắc nơi nào đi qua cũng thấy “người sẵn sàng, vũ khí sẵn sàng”, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Biết chúng tôi là quân giải phóng miền Nam được ra Bắc học tập, họ còn giúp đỡ tận tình chu đáo như chính người thân của mình.

Dọc đường hành quân, một kỷ niệm đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Đó là hôm vượt cầu Hàm Rồng vào khoảng 11 giờ ngày 3 tháng 2 năm 1967 để về Hoằng Quý, Hoằng Hóa, huyện kết nghĩa với Điện Bàn để bàn giao quà của huyện Điện Bàn tặng. Khi đến đầu cầu phía Nam thì máy bay Mỹ ập đến thả bom. Anh em công nhân gác cầu ách lại, lực lượng pháo phòng không và dân quân Nam Ngạn đánh trả quyết liệt...

Chúng tôi muốn qua nhưng không được, liền đề nghị cho tham gia chiến đấu. Các đồng chí gác cầu nói: Các ông toàn dân công mà đánh đấm gì? Tôi tức quá vọt khỏi công sự mà rằng: “Ai bảo chúng tôi là dân công? Anh chàng đứng cạnh quát lớn: “Không dân công răng đi toàn xe đạp nhớp thế kia?”.

Đang giằng co thì còi báo yên: Máy bay đã đi xa. Lúc này giữa hai bên mới có dịp hàn huyên: Chúng tôi là “quân giải phóng Quảng Đà” trên đường ra Hà Nội được quân và dân huyện Điện Bàn ủy thác mang quà “chiến lợi phẩm” ra tặng huyện Hoàng Hóa kết nghĩa... yêu cầu các đồng chí cho chúng tôi đi...

Đến lúc này, chang ai bảo ai cứ ôm nhau rồi trút bầu tâm sự: Ôi! Rứa mà các anh không nói ngay từ đầu để chúng tôi hiểu nhầm, dẫu sao chúng ta bảo vệ cho nhau cũng là điều tốt, các anh đã chiến đấu với giặc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi chiến đấu để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cho cầu Hàm Rồng sống mãi với thời gian cũng là nhiệm vụ, dừng giận nghe! Tất cả chúng ta đều “tất cả cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chúc các anh thượng lộ bình an, ra Hà Nội được gặp Bác Hồ thưa dùm với Người: “Nhân dân Thanh Hóa còn, thì cầu Hàm Rồng còn để đón Bác vào Nam...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:43:55 am »

Giữa hậu phương lớn

Mỗi vòng xe đạp lăn bánh, tôi cứ thấy Hà Nội như gần hơn. Ôi! Hà Nội thủ đô của cả nước, nơi có Bác Hồ, có Đảng có niềm tin...! Giục bước nhanh hơn mà chúng tôi quên vào trạm Thường Tín để trả xe như đã giao hẹn ở Làng Ho, Quảng Bình.

Gần trưa ngày 15 tháng 3 năm 1967, sau 75 ngày vừa hành quân bộ vừa “cơ giới - 2 bánh”, mọi người cứ ngơ ngơ ngác ngác ngắm nhìn phố xá, dự định sẽ đạp quanh bờ hồ Hoàn Kiêm rồi ăn một bữa phở Hà Nội cho “đã đời”. Cứ 15 xe đạp tứ tung giữa đường phố mãi đến 1 giờ chiều mà chẳng thấy hồ Hoàn Kiếm đâu, lại gặp công an chặn đường.

Đoàn trưởng xuất trình giấy tờ tùy thân, các đồng chí công an lại chỉ ngay đến trạm 83 Lý Nam Đế... hết được ăn phở, còn bị “nhốt chặt” trong nhà...

Đồng chí trạm trưởng tuyên bố: Các đồng chí là vốn quý của đồng bào miền Nam gửi ra, chúng tôi phải có trách nhiệm “bảo vệ”.

Ôi trời! Xuống nhà bếp mà ăn cơm chứ biết đi đâu nữa, nhìn bữa ăn thôi thì đủ thứ rau, cá, thịt... nhưng chẳng ai muốn nhai bởi không quen mùi vị của rau cần và đậu phụ...

Đến ngày thứ 3 thì cô Loan, nhân viên quân nhu đến đăng ký cỡ, số quân trang và hỏi chuyện:

- Các chú đi đường mệt hay sao mà không ăn hết một suất cơm trung táo? Tôi hỏi lại: “Trung táo” là gì hở cô? Cô giải thích, ngoài Bắc, bộ đội ăn theo ba mức: Đại táo là của binh sĩ, trung táo là cán bộ từ chuẩn úy đến trung úy, tiểu táo là của cao cấp từ thượng úy trở lên...

Vâng, nhưng chúng tôi đâu có vinh dự được ăn trung táo? Cô bảo “các chú ăn theo chế độ an dưỡng đó, cố gắng mà lấy lại sức để vào trường học...”.

Lại còi báo động: Các đồng chí trực kéo chúng tôi ra công sự cá nhân rồi đậy nắp... Lúc này mới nhận ra, ngoài chúng tôi còn có đoàn anh hùng dũng sĩ như Trần Dưỡng, Tạ Thị Kiều cũng chờ nhập học.

Sáng ngày thứ tư, chúng tôi được cấp quân trang để chuẩn bị đi gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Nhưng đoàn 15 người thì hết 7 anh em không mặc vừa cỡ số 3. Với tôi đũng quần tới gối, ống dài 20cm, bụng cũng rộng thênh thang, ống tay áo phải gấp lên 5 - 7 lần vẫn còn dài, giày không đúng cỡ, dép nhựa thì cỡ số 36 đi tạm được.

Cả đoàn đang lụng thụng trong bộ đồ mới thì có cô Hồ Thị Bi đến, thấy vậy liền gọi trạm trưởng và cô Loan đến:

- Các cháu ăn mặc thế này, Bác Hồ, Bác Đồng sẽ không chấp nhận đâu, tại sao lại cấp loại quân trang vải mềm nhũn vậy?

Rồi cô nói: - Cỡ số thì có thể chấp nhận được, riêng loại quân phục của “Triều Tiên” loại mềm nhũn, mũ mềm đội như lính Nhật, e không tiện đâu, thay ngay.

Tối hôm đó, thợ may đo đến rồi ngày hôm sau quần áo đã được sửa chữa tạm ổn, về giày tôi phải độn 1/2 chiếc khăn mặt rồi mới đi lững thững vài bước...

Lại báo động: Máy bay địch... các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu... ai không có phận sự vào hầm ẩn nấp...

Bữa nay, mặc kệ cứ nhìn xem loại máy bay gì? Ném bom ở đâu? Phía sau có người chạy tới đội mũ sắt lên đầu bắt vào hầm. Tôi không chịu, cô ta bật khóc: “Các anh hề gì thì chúng em bị kỷ luật”... Tôi hỏi ra mới biết tên là cô Liên phục vụ nhà khách được giao chăm sóc chúng tôi... Tôi mạnh bạo nói: “Chị ơi! Chúng em là quân giải phóng mà trốn dưới hầm, dị lắm!”.

Đến đây thì tôi càng da diết nhớ thương chị Mười Mai, không biết đến ngày nào chị em mới được gặp nhau để được chị ôm vào lòng âu yếm sau mỗi trận đánh. Chao ôi, tình thương của chị dành cho em thật sâu lắng, dịu dàng biết bao... Em sẽ giữ gìn sức khỏe và nghị lực vượt qua lửa đạn của chiến tranh phá hoại mà kẻ thù đang bắn phá Thủ đô, cùng đồng đội đi tiếp trong học tập cũng như cuộc chiến đấu gian khó, ác liệt này...

Đến ngày thứ bảy, hôm đó khoảng 3 giờ chiều, cô Hồ Thị Bi đến và thông báo: “Trước khi các cháu chuyển đi thì được gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng trận bom vừa qua đánh vào ga Hà Nội, cầu Long Biên... nên cuộc gặp lại hoãn... Đừng buồn, Bác sẽ có quà cho các cháu đây?

Tất cả chúng tôi, người như ngây ra, cầm bánh kẹo mà không ai muốn bóc, thấy vậy anh Dưỡng và chị Kiều an ủi: Lũ mình ra trước đến bây giờ vẫn chưa được gặp Bác, thôi đừng buồn nữa, thời gian còn học tập, chắc sớm muộn cũng được gặp...

Biết vậy, động cơ của tôi cũng như cả đoàn khi bàn nhau vượt trạm, bất chấp hiểm nguy cũng chỉ vì mục đích muốn nhìn thấy miền Bắc xã hội chủ nghĩa, biết Thủ đô Hà Nội là được gặp Bác Hồ. Người là hiện thân của đất nước... thế mà... bao giờ mới gặp được Bác đây!

Máy bay lại đánh bom, chúng tôi phải di chuyển về trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) tại Cầu Giấy...

Được cán bộ cho biết: các đồng chí sẽ được an dưỡng một tháng và đi thăm một số tỉnh miền Bắc trước khi về trường... Chế độ ăn, nghỉ, sinh hoạt đã có nội quy. Về phòng tránh máy bay theo hướng dẫn của nhân viên trạm...

Phía sau có tiếng xì xèo, lại máy bay, bay tít trên trời xanh làm chi mà trốn với tránh... Tôi buột miệng: Việc của họ mà, “tùy cơ ứng biến”.

Thời gian cứ trôi, chúng tôi cứ ngồi chờ. Lại nhận thông báo: Máy bay Mỹ đang ném bom ở Hải Phòng, Quảng Ninh và ngay trường sĩ quan tại Sơn Tây cũng bị uy hiếp...

Việc đi tham quan tạm dừng, an dưỡng cũng chuyển về trường vừa “ăn” vừa “học” đành vậy...

Một buổi sáng cuối tháng 3 năm 1967 trời rét đậm, mới chui ra khỏi chăn thì có thông báo tất cả chuẩn bị lên đường, tôi vừa tỉnh vừa mơ ngủ, ủa đi đâu mà nhanh vậy.

Đồng chí Quảng, trưởng đoàn giục còi: mỗi xe 10 người ra nhận bánh mỳ và hành quân.

Sương chưa tan khỏi mặt đường, đây đó ngược xuôi đủ loại phương tiện, kẻ ra người vào tấp nập, xe chúng tôi thì mui bịt kín, lúc rẽ vào đường cấp phối, tôi mới hé bạt ra nhìn.

Tất cả đồi đá ong, rừng bao phủ, nhà thì lưa thưa cảm giác như vừa qua cơn bão lửa. 12 giờ trưa thì xe dừng lại và chúng tôi tập trung vào một sân xi măng. Nhà thì dài và đóng cửa (sau này mới biết đó là sân kho của hợp tác xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây...).

Một tổ 3 người vào nhà dân, sau 30 phút có kẻng báo đi ăn cơm, lại lục tục dắt bát sau lưng, một hàng dọc, hướng nhà ăn bước...!

Đây cũng là điệp khúc suốt quãng đời làm học viên lục quân trinh sát của tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:45:07 am »

Ngày tựu trường

Bố sung lý lịch, tự kể chuyện, làm học cụ, thao trường... hết tuần thứ nhất. Bây giờ tôi mới hiểu hết cái ý nghĩa của mấy anh ở Đại đội 4 nói: Lẽ ra mi đi học chính trị, nhưng thiên về tham mưu nên phải vào trường sĩ quan “luộc quân”.

Do chiến tranh phá hoại miền Bắc mỗi ngày thêm ác liệt và đòi hỏi của chiến trường miền Nam, nên thời gian học rút ngắn và sơ tán trong dân nên mọi sinh hoạt cũng có phần nhẹ nhàng hơn.

Tôi, Thuẩn, Lục cùng một tổ ở chung một nhà, nhà lợp tranh, trình tường đất, gia đình dành một gian, lại không có giường, bọn tôi kê phản nằm, mùa đông gấp lại dùng ổ rơm và lá chuối để chống chọi với rét. Lúc này tôi mới hiểu mấy anh quê miền Bắc hay kể “Rét tháng 3 bà già chết cóng”.

Lại còn thấu hiểu câu thơ của Tố Hữu: “Bầm ra ruộng cấy bầm run. Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non...” mỗi lần ra thao trường hình ảnh đó cứ bám riết theo chúng tôi...

Năm tháng học tập, tôi được đồng bào miền Bắc, nhất là gia đình chúng tôi đang ở chăm lo chu đáo, tôi càng thấu hiểu hơn thế nào là “thắt lưng buộc bụng”, cả nước dồn sức cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ngay trong gia đình cũng như bà con ở cái thôn Khoan Mè, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây này đây, mỗi ngày chỉ có một bữa cơm, còn lại là độn bo bo, khoai sắn, thực phẩm là lá sắn, lá đu đủ non luộc chấm với muối. Thế mà sau mỗi buổi đi thao trường về, gia đình dành cho tổ tôi một nồi khoai lang luộc với ấm nước chè xanh đặc quánh, không ăn thì bụng cồn cào, ăn vào đến đâu tình yêu thương của gia chủ cứ thúc giục chúng tôi học tập đến đó...

Tình thương giục giã tình thương, từ đó tôi đặt ra cho mình một chỉ tiêu học tập, khi mà đồng bào miến Nam “ngàn cân treo sợi tóc” đồng bào miền Bắc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Vì vậy nhiệm vụ của mình là phải học cho thật tốt, mang những kiến thức đã học sớm được về góp sức giải phóng quê hương, đất nước, xây dựng quân đội.

Sắp kết thúc khóa học, tôi được chọn đóng vai đại đội phó thực tập. Giai đoạn này đơn vị đi vòng tổng hợp từ Sơn Tây lên Hòa Bình đánh địch trên đường số 6, rồi vượt sông Đà về đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở điểm cao 27,8 cạnh Trường Sĩ quan Lục quân 1 bây giờ.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong dịp này là khi vượt núi Vua Bà (tên địa phương) dốc cao, dài phải đi nhiều chặng mới lên đến đỉnh. Trời mưa, rét buốt, mang nặng, đường trơn, trọng lượng mỗi người mang không dưới 30kg (đây vừa để rèn sức khi trở lại chiến trường). Mới được giờ đầu, ngày đầu, cả Đại đội 80 người đã rải rác dọc đường.

Tôi nảy ra sáng kiến thành lập tổ “dũng sĩ” vượt khó, mỗi trung đội 3 tổ, anh nào to khỏe được chỉ định, do tôi phụ trách với các đồng chí y tá, nuôi quân là nữ vượt lên trước mỗi chặng hò hát: “Rẽ mây lên núi Vua Bà. Nước chưa hết giặc thì ta chưa về...”, “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi...”. Cứ thế kèn, sáo, tiếng vỗ tay vang rền khi vượt dốc. Tối đến vị trí tập kết lại bình xét để tặng danh hiệu “dũng sĩ,” mời chính trị viên trao hoa trước khi hành quân chặng thứ 2...

Không ngờ sáng kiến của tôi được đơn vị vận dụng suốt 15 ngày đi vòng tổng hợp, đâu khó ở đó có “dũng sĩ” vượt khó đến hỗ trợ dìu, cõng giúp ba lô cho những đồng chí yếu hoặc đau chân. Đi nhanh, đến gọn, đúng địa điểm thời gian an toàn... Kết thúc giai đoạn hành quân vòng tổng hợp, tôi được bổ nhiệm “đại đội trưởng” cho đến khi ra trường...

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tình thầy trò, nghĩa bạn bè, tình quân dân, đặc biệt là tình nghĩa của các chị nuôi, biết chúng tôi là con em miền Nam còn trẻ mà đã sớm tham gia cách mạng về trường học, như tôi mới 17 tuổi mà phải tiếp thu cả khối kiến thức quân sự tổng hợp dưới mái trường được mệnh danh là “luộc quân”, trong khi trình độ văn hóa mới hết lớp 3 trường làng. Nay đã đủ lông đủ cánh sắp đi vào chỗ tử sinh... Biết vậy, cứ mỗi lần làm trực nhật các chị dành phần cơm nhiều hơn, bữa nào đến phiên gác sáng, các chị lại đến cho thêm 1 cái bánh bao, rồi trưa hè đổ lửa chị cũng dành thêm canh cho cánh trẻ... Nhất là chị Thoáng ở Cao Bằng có chồng đang đi thực tế ở chiến trường đường 9 - Khe Sanh, bữa nào nghỉ nấu cơm thường đến chỗ tôi chơi và chuyện trò như chị em, đã để lại trong tôi một tình cảm sâu sắc đặc biệt của lòng quý trọng người phụ nữ Việt Nam “trung hậu đảm đang”.

Khắc sâu lời dặn của anh Kỉnh, anh Vân và anh Khoa - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1 - R20: “Học giỏi sớm về giải phóng quê hương”. Với hành trang đó, sau gần một năm học tập 80 trong tổng số 81 anh em chúng tôi đều tốt nghiệp 100% ra trường, được phong quân hàm thiếu úy (5-1-1968) (trừ một đồng chí quê Thanh Hóa, bố chết, về phép khi quay lại trường, bị bom hy sinh).

Ngày ra trường thật bất ngờ, nhân dân cứ tưởng chúng tôi cùng ăn Tết Mậu Thân tại Sơn Tây. Song mọi dự đoán đều phải lưu luyến bùi ngùi vì phải xa những gì mà chúng tôi đã gắn bó, tất cả tình cảm cứ trào dâng. Chia tay mái trường, chia tay thầy, cô, bạn bè và nhân dân đã cưu mang. Tất cả đều không nói nên lời, chị Thoáng cứ vuốt má và hôn tôi như đứa em ruột thịt, xuýt xoa: Thiếu úy trẻ quá, xinh trai quá, về quê cho chị gửi lời thăm ba, má và gia đình; rồi chị nhét vội vào ba lô tôi mấy gói thuốc, bánh kẹo, mắt chị ngấn lệ, tôi quay đi xen lẫn niềm vui và nỗi buồn cuốn theo dòng chảy của đoàn xe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:48:27 am »

Ngày đầu ra trường

Xe chạy trong đêm, ngày hôm sau lại thấy rừng và đồng bằng cứ xen kẽ, càng đi tôi càng không hiểu đây là đâu. Có lệnh xuống xe mang tư trang vào nhà dân. Tôi, anh Quảng (nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng), Phi Hùng (quê Điện Minh, Điện Bàn nay đã phục viên), Hợi (quê Phú Yên, nay chưa rõ ở đâu), Ngành (quê Thăng Bình, nghe nói đã hy sinh), năm anh em vào hai nhà: Tôi, Hợi, Ngành một nhà. Anh Quảng và Hùng một nhà.

Đêm tháng 1 năm 1968 rét đậm, tất cả chia nhau đi xin rơm và lá chuối lót làm chăn mà vẫn buốt tận xương. Đêm khó ngủ, lại nhớ nhà, tôi chưa bao giờ nhớ nhà như bữa nay như linh tính mách bảo điều gì đang xảy ra mà tôi vẫn không thể nào đoán được... Cho mãi đến khi Cậu tôi đang an dưỡng ở Nam Hà, biết tôi ra trường về Quân khu Hữu Ngạn đóng tại Gia Viễn, Ninh Bình, ông khăn gói đến thăm. Khi chị chủ nhà vào gọi chú nào là Hùng ra có khách... tôi vừa bước ra khỏi cửa, Cậu tôi rơi cả đồ đạc ôm lấy tôi rồi nức nở: Cha con đã hy sinh ngày 20 tháng 1 năm 1967 khi chống trả bọn lính Nam Hàn để bảo vệ an toàn cho du kích... Anh Ba con bị thương gãy chân trong một trận chống càn đánh với 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ và bị bắt tháng 11 năm 1967 rồi đày ra Côn Đảo...

Tim tôi thắt lại với hai nỗi đau cùng ập đến... Tôi van tôi khóc như chưa được khóc bao giờ.

Cả gia đình tôi ở và đồng đội của tôi chưa hiểu xảy ra điều gì, khi nghe cậu tôi nấc lên từng tiếng vì thương cháu còn quá trẻ (tròn 18 tuổi) lại mới ra trường sĩ quan, nhiệm vụ nặng nề không biết nó có vượt qua nỗi đau này không?

Từ hôm đó trở đi, năm anh em càng thương nhau hơn, gia đình tôi ở cũng chia sẻ với tôi, thương yêu chăm sóc tôi như người thân...

Nén đau và tôi nhủ thầm: “Lời nguyền như tựa nhát dao. Thề cùng giặc Mỹ có tao không mày” theo tôi suốt cuộc đời binh nghiệp.

Nằm đây được hai hôm, tôi, Hợi, Ngành về Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 320B đóng tại Mống Lá, Nho Quan, Ninh Bình. Ban Chính trị Trung đoàn phổ biến nhiệm vụ: Trong khi chờ quyết định điều động của trên, các đồng chí giúp ban xuống các tiểu đoàn đang huấn luyện quân đi B đợt 1 để kể chuyện chiến đấu; mỗi đồng chí đến một tiểu đoàn và do đơn vị sắp xếp thời gian. Nội dung do các đồng chí chuẩn bị...

Ba anh em cứ ngồi ngây như phỗng chẳng biết làm gì, tôi mạnh dạn hỏi: Nội dung chuẩn bị như thế nào các anh nói qua để bọn tôi liệu? Và được trả lời: Chẳng có gì khó cả, việc các anh đã làm ở miền Nam và thời gian học ở trường... mà chủ yếu là đánh Mỹ, đánh ngụy như thế nào mà thành dũng sĩ, khó khăn, ác liệt, Mỹ to, ngụy nhỏ v.v.. nhớ đâu nói đó...

Vừa ra trường về một đơn vị mới lại gặp ngay điều “hóc búa”, tôi tặc lưỡi, mấy cha này nắn gân tụi mình đây? Hợi, Ngành đồng tình nhưng không nói, theo tôi ôm ba lô về nơi nghỉ...

Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần mỗi đứa một tiểu đoàn tối đi sáng về... Được một cái là đến đâu bộ đội vỗ tay đến đó, nói năng ngày càng “bốc”. Riêng tôi được bình chọn là “nói hay, hát cũng hay” được thay đổi luân phiên cả 3 tiểu đoàn rồi giữ lại làm trợ lý tuyên huấn...

Tháng 2 năm 1968, chuẩn bị cho huấn luyện đợt 2 tháng 3 đến tháng 5 năm 1968 đi B3 Tây Nguyên. Trung đoàn tổ chức tập huấn từ cán bộ trung đội trở lên, khi giáo viên đang hướng dẫn: Tổ bộ binh đánh chiếm mục tiêu, thì một đồng chí cán bộ cao dong dỏng, chắp tay sau lưng cứ đi đi lại lại khắp hàng quân rồi dừng lại chỗ ba chúng tôi đang đứng và hỏi:

- “Các đồng chí ở đơn vị nào? Ở đâu mới về mà quần áo quân hàm còn mới thế?”. Tôi đứng nghiêm và báo cáo: “Chúng tôi ở Ban Chính trị Trung đoàn, vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân”.

“Tốt nghiệp lục quân sao lại ở Ban Chính trị?” - ông hỏi. Đứng bên tôi là trưởng tiểu ban cán bộ trả lời: “Đang chò sắp xếp và nhân tiện để các đồng chí đi nói chuyện chiến đấu cho các đơn vị mới về ạ...”.

Ông lại hỏi: “Thế các đồng chí thấy tổ đánh chiếm mục tiêu vừa rồi như thế nào?”. Lần đầu đứng trước một vị cán bộ chưa hiểu lắm về câp bậc, chức vụ nên ba anh em cứ như gà mắc tóc, chưa biết xoay xở ra sao.

Ông ôn tồn: Tôi là Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu đi kiểm tra công tác huấn luyện chiến đấu của đơn vị nên mới hỏi như vậy, trong ba đồng chí có ai làm được hoặc hơn các đồng chí vừa rồi không?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:49:20 am »

Tôi giơ tay cùng gọi Hợi, Ngành ra thực hiện động tác,... không ngờ ông kết luận: Phải đưa ngay các đồng chí này về đơn vị để huấn luyện bộ đội đi B.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1968, tôi nhận nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 445, Sư đoàn 320B làm công tác nhận quân, huấn luyện và vào chiến trường Tây Nguyên (mật danh Đoàn 3029, xuất phát ngày 24 tháng 7 năm 1968 đến T6-559 ngày 10 tháng 12 năm 1968) bàn giao chiến sĩ cho Mặt trận B3 và chờ lệnh.

Biết được thời gian phải ra lại miền Bắc, tôi và Ngành tìm cách xin ở lại vẫn chưa được; bất ngờ đêm nằm tại T6, anh Quang quê Quảng Nam mách bảo có thủ trưởng Việt Phương binh trạm vừa đến kiểm tra, hai đứa đến đó xem sao?

Tôi và Ngành lẻn tiểu đoàn đi gặp Chính ủy Việt Phương, vì khi đi ra làng Ho, Quảng Bình cuối năm 1966 ông đã biết, hai đứa tôi có thể xin được?

Không ngờ được nhận một câu an ủi: Tinh thần hai bạn vì quê hương là chính đáng, nhưng đây không thuộc chức trách của đường dây 559 mà phải là quân lực, cán bộ B3 và cả “cụ” Song Hào nữa (Trung tướng Song Hào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).

Hỡi ơi, niềm hy vọng không thành, mà dù có được ở lại thì dễ bị “mất Đảng”, bởi giấy sinh hoạt do Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn Phạm Cài giữ hết trọi...

Đến lúc này tôi mới nhớ ra người cán bộ kiểm tra trước lúc xuống đơn vị là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nói với cán bộ khung của trung đoàn: Đây là hạt giống đỏ của đồng bào miền Nam gửi, chúng ta phải có trách nhiệm bồi dưỡng và phát triển...

Biết nguyện vọng xin ở lại chiến trường của tôi không thành, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn Phạm Cài chia sẻ:

- Tiểu đoàn ta chỉ có ba em là quân giải phóng miền Nam được đào tạo cơ bản. Hợi lấy vợ để từ chối đi B, Ngành nằm lại trên đường, còn mình em mà không cùng đơn vị trở ra, các anh biết nói như thế nào với cấp trên!

Giờ đây tôi càng hiểu sâu sắc hơn về khẩu hiệu hành động, trước lúc đi B: “Vai trăm cân, chân ngàn dặm” “Quyết di, quyết đến và quyết thắng” là động lực để chính trị viên tiểu đoàn yên tâm.

Tôi biết, khi lên đường đại đội tôi có 4 đồng chí: Lê Văn Điển - Đại đội trưởng, Nguyễn Đệ - Chính trị viên, Đào Quang Bốn - Chính trị viên phó, tôi Đại đội phó. Thế mà giờ đây chỉ còn mình tôi chỉ huy 3 trung đội trưởng là Ngọc, Hảo và Đỉnh trở ra.

Chân bước mà vai tôi như có vật gì đồ nặng. Nghĩ mà thương cho anh Độ vừa đến Quảng Bình bị bệnh hiểm nghèo phải quay ra. Đơn vị sắp vượt Con Cuông, Nghệ An thì anh Bôn sốt rét ác tính, rời khỏi đất Lào thì anh Điển cũng vào viện trên đường dây 559.

Đại đội gần 200 quân, nay chỉ còn lại 4 cán bộ khung (1 đại đội phó, 3 trung đội trưởng). Từ đây về đến hậu phương phải 3 - 4 tháng trời, chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây. Chuẩn bị bước sang tuổi 19, trong đầu tôi bao ngổn ngang chồng chất và xin phép Chính trị viên Tiểu đoàn cho tôi tách đội hình vượt trạm may ra rút ngắn thời gian và giảm hao hụt quân số...

Tiểu đoàn đồng ý, tôi động viên 3 trung đội trưởng cùng tôi băng đèo, vượt suối, bất chấp hiểm nguy mỗi ngày vượt 2-3 trạm (kinh nghiệm này khi tôi mới lần đầu ra Bắc).

Quả thật “gái có công, chồng không phụ” cuối tháng 2 năm 1969, bốn anh em chúng tôi ra đến trạm Thường Tín, sắp chuẩn bị đón xuân. Tôi chịu trách nhiệm báo cáo với tiểu đoàn để 3 cán bộ trung đội về quê ăn Tết, tôi về điểm tập trung của tiểu đoàn.

Tết đầu tiên trên quê hương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, biết tôi không có gia đình và người thân, bà con nơi đơn vị đóng quân Yên Mô, Gia Viễn, Ninh Bình nhà nào cũng dành đón tôi về ăn Tết.

Giữa những ngày này tôi hiểu sâu hơn cái ý nghĩa “ngày Bắc đêm Nam”. Dẫu rằng được đồng bào hậu phương chăm lo chu toàn từng bát cơm tấm áo, song làm sao quên được “đêm sám hối - ngày tố Cộng” của kẻ thù đang giày xéo quê hương cứ thôi thúc tôi mau chóng trở về...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:50:38 am »

Nguyện ước được thực hiện, sau an dưỡng, tôi lên Trường Văn hóa quân khu giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vô cùng tiếc thương, kính cẩn vĩnh biệt Bác Hồ (3-9-1969); cũng là lúc tôi nhận quyết định về giữ chức Đại đội phó Đại đội 124, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 đóng tại Nông Cống, Thanh Hóa.

Giai đoạn này nội dung huấn luyện đề mục đánh thành phố với mở cửa bằng phương pháp bộc phá đồng loạt và liên tục phải thành thạo hơn do yêu cầu của chiến trường miền Nam.

Đại đội tôi được trên chỉ định chuyên sâu huấn luyện hai nội dung trên, nhưng thao trường đánh thành phố nhà 2-3 tầng không tìm đâu ra; quanh khu vực đóng quân chỉ có 1-2 trường cấp 2, cấp 3 mà cũng chỉ là nhà cấp 4 lại xây dựng từ những năm 1960... Đang lúc “cái khó lại ló cái thông minh”, tranh thủ khi bộ đội giải lao sau khi huấn luyện xong “Trung đội mở cửa”, tôi giả bộ vào trường cấp 2 xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để xin nước uống.

Người đem nước cho chúng tôi là cô giáo Hoa, quê Hải Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa (mãi đến năm 1982 tôi mới biết...). Thấy tôi nói tiếng miền Nam, cô Hoa ngỏ lời: Sao trời nắng thế mà các anh không cho bộ đội vào trường nghỉ cho mát, hôm nay học sinh nghỉ mà... Lúc này tôi mới sực nhớ là ngày chủ nhật, tôi trả lời bâng quơ là bộ đội quen nắng gió mà...

Được đà, cô giáo “tấn” công: “Chủ nhật sao lại “bắt” bộ đội tập?”. “Thế cô giáo không vì miền Nam ruột thịt rồi”... tôi đáp! “Vâng, chúng tôi mỗi người làm việc bằng hai các anh không thấy đó à?” Tôi lại hỏi: “Sao lúc nãy cô bảo học sinh nghỉ kia mà? Học sinh nghỉ nhưng cô giáo phải làm! Làm gì đâu?” “Đang nấu nước đem ra thao trường cho bộ đội kia kìa!” - Cô giáo trả lời. Trời nắng, ánh mặt trời làm tôi chưa kịp phân giải thì... từ đầu làng đã thấy 1-2 rồi cả đoàn cả cô giáo và học sinh người gánh, người bê đang đến chỗ bộ đội nghỉ.

Tôi vội nói: “Thay mặt đơn vị, xin cảm ơn sự nhiệt tình của thầy, cô”. Cô giáo: “Anh lại khách sáo rồi!” Chớp thời cơ tôi vào đề: “Đơn vị đang bí thao trường huấn luyện leo trèo, nếu ngày nghỉ nhà trường cho chúng tôi tập 1-2 giờ cạnh đầu hồi của trường được không?”.

Cô Hoa lễ phép: “Để em hỏi ý kiến thầy hiệu trưởng... chắc là được, bộ đội mà tập thì ai không muốn...!”.

Nơi để luyện cho bộ đội leo trèo của nội dung đánh chiếm thành phố... đã có. Tôi báo cáo tiểu đoàn đồng ý và điện cho Tham mưu trưởng Trung đoàn Bùi Đức Ngoan phê chuẩn.

Kể từ hôm đó, cứ sáng chủ nhật hàng tuần, tôi đưa bộ đội ra huấn luyện, khi bộ đội dùng dây, lúc dùng sào và thang... các cô cứ đứng xem rồi vỗ tay hoan hô như đi xem xiếc. Đứng cạnh tôi, cô Hoa vô tình: “Ôi! Bộ đội giỏi quá” cứ nhè lưng tôi mà vỗ, không ngờ Tham mưu trưởng Trung đoàn cũng đến lúc nào: “Đẹp đôi nhỉ?”. Cô Hoa đỏ mặt rồi lẩn vào giữa tốp thầy cô...

Tham mưu trưởng, thăm dò: “Quen nhau lâu chưa?”. Tôi vội vàng: “Em chỉ biết cô ta từ hôm đi mượn thao trường chứ có quen gì đâu!”. “Như vậy là cắn câu rồi đấy anh bạn trẻ ạ, xinh trai, huấn luyện giỏi như Hùng tớ cũng thích huống chi cô giáo...”.

Không ngờ, ngày 22 tháng 2 năm 1971, tôi được điều về làm trợ lý tác huấn trung đoàn. Ngày 19 tháng 3, tôi có mặt tại Tiểu ban Tác huấn, cô Hoa cũng đang ở đó. Sau này khi đồng chí Cường trợ lý kỹ thuật cùng tiểu ban nói tôi mới biết.

- Từ khi cậu đưa bộ đội đến huấn luyện tại trường rồi về, chiều nào các cô cũng đến đây chơi và hỏi thăm, anh gì cán bộ miền Nam sao không có ở đây? Tớ bảo cậu ở dưới đơn vị và cũng sắp về dây, thế là cô ta cứ hỏi miết rồi “mai phục”.

Đời lính chiến là vậy, khi đi học cũng như lúc trở thành sĩ quan rồi làm chỉ huy một đại đội, lúc nào cũng canh cánh bên tôi là: về Nam chiến đấu, chứ đâu có để ý gì đến chuyện riêng tư, vậy mà tôi đã làm cho các em “thất vọng”.

Do yêu cầu huấn luyện chi viện cho chiến trường ngày càng tăng, Trung đoàn đã bàn giao 2.000 chiến sĩ mới, có 120 đảng viên, 1.600 đoàn viên, 220 chiến sĩ có học vấn đại học, 600 có trình độ cấp ba bổ sung cho chiến trường. Đợt 2 nhận tiếp 600 quân để huấn luyện, đến tháng 11 năm 1971 Trung đoàn 95D được lệnh đưa ba tiểu đoàn đã hoàn thành khóa huấn luyện vào Nam chiến đấu tại chiến trường đồng bằng Khu 5 và mặt trận đường số 4 (Tây Nam Bộ).

Tháng 3 năm 1971, chúng tôi được lệnh hành quân ra Hà Bắc tiếp tục huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:51:34 am »

Trên quê hương Quan họ

Tạm biệt sông Mã anh hùng, trung đoàn cơ động về sông Cầu của miền quê “liền chị liền anh”. Trung đoàn bộ đứng chân tại thôn Ninh Động, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc.

Đứng chân ở địa bàn mới, bộ đội phân tán trong nhà dân, song việc xây dựng nền nếp chính quy và yêu cầu huấn luyện sát với yêu cầu chiến trường là chống phá chủ trương “bình định” của địch, vừa tác chiến độc lập tốt, chiến đấu tập trung được, vừa đánh địch ở đồng bằng, vừa đánh địch được ở vùng rừng núi và đô thị...

Thời gian này, ngoài nhiệm vụ huấn luyện theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, trung đoàn còn tập trung lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử vào cuối năm 1971, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Vừa xây dựng hoàn chỉnh khung trung đoàn đủ quân để huấn luyện cơ động chiến đấu cấp trung đoàn theo chỉ đạo của sư đoàn và Bộ. Trước thời cơ tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, đặc biệt là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, quân ngụy Sài Gòn mất dần thế chủ động, khả năng tiến công và lâm vào thế phòng ngự chiến lược. Ta đang ở thế chủ động.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở rộng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Cả trung đoàn náo nức không khí “hướng ra chiến trường” chuyển hướng huấn luyện tập trung hiệp đồng binh chủng đánh quy mô cấp trung đoàn bằng các loại hình chiến thuật: Tiến công, phòng ngự, tập kích, phục kích... nhất là rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng: “Vai trăm cân, chân vạn dặm” với khẩu hiệu: “Ngày không giờ, tuần không thứ...”.

Là trợ lý chiến thuật của trung đoàn, tôi được Trưởng tiểu ban Lê Quảng phân công nằm vùng cả 3 tiểu đoàn 4, 5 và 6 để theo dõi bộ đội huấn luyện, một tuần chỉ về chiều thứ 6 dự giao ban và phản ánh, xong lại xuống đơn vị.

Cuối tháng 11 năm 1971, khi đang theo dõi huấn luyện hướng Tiểu đoàn 5, đơn vị chủ công của trung đoàn, Tham mưu trưởng Trung đoàn phân công tôi xuống đê sông Cầu nắm tình hình của các đơn vị đang hàn gắn đê, giúp dân khắc phục hậu quả trong suốt 15 ngày “cùng ở, cùng làm” để nắm kết quả của bộ đội.

Sau hơn 10 ngày tôi mới về đến bìa làng Ninh Sơn. Chị em xã viên hợp tác xã đang tập trung ra đồng reo lên: Chú rể đã về chị em ơi...(!)”

Tôi chẳng hiểu mô tê, chị Lếnh chủ nhà tôi đóng quân đến bên rỉ tai: “Chú có thế không mà mấy ngày nay cả xóm đồn ầm lên là sắp cưới cô T?”

Quá bất ngờ, tôi hỏi chị: “T nào?” Chị bảo: “T gần bếp ăn chứ T nào?”

Trời ơi! Mỗi lần đi ăn cơm chỉ qua đây (vì bếp ăn đặt tại nhà kho hợp tác xã cạnh đường qua nhà cô T), mấy anh em cơ quan đùa:

- “T có ưng bộ đội miền Nam không để các anh giới thiệu? Chỉ có thế mà sao lại có chuyện động trời vậy?”

Tôi vừa đặt ba lô thì anh Quảng gọi lên gặp: “Chuyện đó thế nào? Tối nay Chính ủy Quách Hồ sẽ gọi Hùng lên đấy, liệu mà giải trình”.

Chính ủy Quách Hồ là cán bộ miền Nam nên ông rất khắt khe với tôi, khi nghe chuyện đó...

Tôi vừa đến cửa nhà chỉ huy trung đoàn, ông chưa hỏi gì về sức khỏe, công tác... mà chắp tay sau lưng đi lại chẳng thèm nhìn tôi và cứ nhắc đi nhắc lại: “Đồng bào miền Nam cho các anh ra đây ăn học rồi lấy vợ để trốn tránh trách nhiệm phải không?”

Không cho tôi trình bày, ông tiếp: “Tại sao học đến thiếu úy, là cán bộ, là tổ trưởng Đảng mà đồng chí không hiểu gì về nguyên tắc cả? Cứ thích lấy vợ là lấy mà không cần thông qua tổ chức hả?”

Tai tôi như ong vỡ tổ, rồi liên tưởng đến việc của Hợi bạn tôi thời ở Tiểu đoàn 445 Trung đoàn 3 Sư đoàn 320B Quân khu Hữu Ngạn trước lúc đi B. Chờ Chính ủy, người anh quê hương “hạ hỏa”, tôi mạnh dạn trình bày: “Thưa anh, tất cả những việc xảy ra trong thời gian đi vắng đề nghị anh cho cơ quan xác minh nhất là chị Lếnh, bà con xung quanh khu vực đóng quân của trung đoàn bộ và cả chi bộ Tác huấn nơi tôi sinh hoạt. Nếu không thì “oan” cho tôi”. Ông dằn giọng:

- Không có lửa, tại sao có khói, chẳng lẽ hai mẹ con cô ta mang thuốc, chè đến trung đoàn trực tiếp gặp tôi làm lễ hỏi “chồng” cho con gái à...?”.

Một tuần, hai tuần, công việc cứ kéo tôi xuống Tiểu đoàn 11 theo dõi huấn luyện đợt sinh viên nhập ngũ tháng 9 năm 1971 để kịp phân chia về các đơn vị kịp thời đồng hóa các loại chuyên môn kỹ thuật...

Tin chiến thắng từ chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên rồi Bình Long dội về. Cả sư đoàn, trung đoàn có lệnh cơ động vào Quảng Bình vừa diễn tập nâng cao trình độ tác chiến, vừa để bộ đội làm quen với phương án đánh địch tại chỗ, đồng thời cũng là mục đích răn đe kẻ thù có ý định đánh ra Nam Quân khu 4.

Trong những ngày chốt giữ trên Đèo Ngang, sau thời gian đốc chiến và kiểm tra huấn luyện, tôi lội bộ về sở chỉ huy trung đoàn đóng tại Quảng Hợp - Quảng Bình. Đi dưới mưa bom khi bọn Mỹ đánh phá từ Phà Ròn đến Quảng Hợp, lại rơi vào đội hình đơn vị giữa buổi trưa cuối tháng 3 năm 1972. Đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Hoa Xuân Tùng bị thương, 2 đồng chí trợ lý của Ban Chính trị hy sinh...

Sau khi giải quyết xong hậu quả, tôi đề xuất với Trung đoàn trưởng Lý Long Quân, không nên để trung đoàn bộ ngoài dân, cần di chuyển ngay trong đêm vào chân núi phía Nam xã Quảng Hợp, thiết lập sở chỉ huy thời chiến.

Trung đoàn trưởng đồng ý, tôi được trực tiếp chỉ đạo đại đội công binh thi công đến gần sáng thì đội hình trung đoàn bộ (trừ bộ phận phục vụ) đã triển khai làm việc...

Khi tôi đang kiểm tra hệ thống thông tin với các lực lượng phòng ngự ở Đèo Ngang về phía sau, anh Quân đến bên và thổ lộ: “Việc của cậu, mình đã nói với anh Hồ rồi, đó là bịa đặt của mẹ con bà T, chứ ai đi hỏi “chồng” cho con gái mà ông Hồ cũng nghe”.

Tôi thật sự cảm ơn Trung đoàn trưởng, chuyện đó tôi đã quên rồi bởi “cây ngay không sợ chết đứng”, bây giờ chỉ biết tập trung cho chuyến trở về quê mẹ đã thủ trưởng ạ.

Ông bắt tay và giật mạnh: “Đúng là đấng nam nhi của quê hương”...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 08:53:02 am »

Với chiến trường Trị - Thiên

Tôi sinh ra và lớn lên khi quê hương đầy bóng giặc, chứng kiến một quá khứ gian truân đầy bi hùng của một miền quê kiên trung bất khuất đã giúp tôi hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, về chí làm trai. Khi quê hương, đất nước bị địch giày xéo thôi thúc tôi cầm súng tuổi 13, được tôi luyện qua những năm tháng trên chiến trường Khu 5, trau dồi kiến thức dưới mái trường sĩ quan khi tròn 18 tuổi rồi vào Nam ra Bắc nay trở lại chiến trường Trị - Thiên để làm tròn sứ mệnh lời hứa: “Đánh chưa hết giặc thì ta chưa về...”.

Tháng 5 năm 1972, Trung đoàn 95 nhận lệnh cơ động vào chiến trường, Tiểu ban Tác huấn có sự thay đổi: Đồng chí Quảng - Trưởng tiểu ban và đồng chí Sách vì tuổi cao nên ở lại hậu phương.

Tôi được Tham mưu trưởng Trung đoàn cử đi đốc chiến trên dọc đường hành quân, từ Quảng Bình vào Quảng Trị, băng qua căn cứ Ái Tử, thị xã Đông Hà phải vượt qua giữa những loạt bom B-52 rải thảm và pháo hạm oanh kích ngay vào đội hình, một số cán bộ và chiến sĩ bị thương và hy sinh.

Song được tin thắng trận từ phía trước báo về, tiếp thêm sức mạnh cho trung đoàn dồn bước để sớm tham gia đánh địch bảo vệ quê hương Quảng Trị thân yêu.

Bến vượt Nhan Biều

Giữa lúc cuộc phản công “Lam Sơn 72” của địch bắt đầu, chúng thực hành hỏa lực chuẩn bị trực tiếp bằng pháo binh của quân đoàn 1 ngụy và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật, máy bay ném bom chiến lược B-52, hàng chục tàu chiến trong đó có cả tàu sân bay của hai quân chủng hải quân và không quân Hoa Kỳ, bắn phá ác liệt vào tất cả các trận địa pháo binh và pháo phòng không, các khu vực đứng chân của các đơn vị từ Bắc sông Mỹ Chánh trở ra đặc biệt khu vực thị xã Quảng Trị vào những ngày từ 26 đến 28 tháng 6 năm 1972.

Thời điểm này, quân chủ lực ta chuyển sang củng cố thế trận “phòng ngự”, “chốt giữ” bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; địch ra sức lấn chiếm kết hợp với phản kích “tái chiếm” vùng giải phóng, mục tiêu chủ yếu là Thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến đấu trở nên vô cùng gay go và quyết liệt.

Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn pháo phòng không 37mm đang bố trí khu vực Ái Tử - Nhan Biều, Tây sông Thạch Hãn, nhận lệnh sẵn sàng bước vào chiến đấu chi viện cho các lực lượng trong thị xã. Để đảm bảo cho trung đoàn bước vào chiến đấu giành thắng lợi, trong khi các đơn vị phía trước đang thiếu lương thực, đạn dược, tuyến vận chuyển tiếp tế hậu cần của mặt trận bị địch liên tục chặn đánh gây cho ta nhiều khó khăn, kinh nghiệm tác chiến phòng ngự và phương thức bảo đảm hậu cần còn ít. Trước tình hình đó, trung đoàn khẩn trương tổ chức sở chỉ huy bến vượt tại Nhan Biều do đồng chí Hoàng Trọng Nam -Tham mưu phó làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Quang - Phó Chủ nhiệm Hậu cần làm Chỉ huy phó, cùng một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần tham gia giúp việc.

Tôi được chỉ định đảm nhiệm trợ lý 1 tác huấn kiêm kế hoạch lên phương án thiết lập sở chỉ huy, bến vượt, khu vực kho trạm... và hiệp đồng với địa phương sử dụng du kích dẫn đường, bảo vệ, làm công tác bảo đảm cho sở chỉ huy.

Sau hai ngày đêm nghiên cứu, kế hoạch được Chỉ huy trưởng thông qua, Tham mưu trưởng Trung đoàn phê chuẩn.

Hệ thống hào giao thông và công sự cá nhân nối từ Nhan Biều đến An Đôn (bắc Thành cổ), khu tiếp nhận hàng hướng Tây từ Phượng Hoàng, Đá Đứng đến bắc Cầu Sắt. Phía bắc từ Hồ Xá, Đông Hà theo đường 1A đến cao điểm 30 nam Ái Tử, bắc Nhan Biều...

Hướng bảo đảm: Tiểu đoàn 4 chốt chặn đánh địch trên hướng nam và tập kích đại đội dù ở Mỹ Đông; Tiểu đoàn 6 ở An Tiêm, Nại Cửu; Tiểu đoàn 5 phản kích địch ở Trị Bưu đông bắc Thành Cổ... sẵn sàng bảo đảm cho sở chỉ huy khu vực cùng các lực lượng chốt giữ bảo vệ Thành Cổ...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM