Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 02:22:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân trên cát  (Đọc 4305 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:29:50 am »

Về với Đ64 – R20 xứ Quảng

Rời K71, chúng tôi theo anh Ngọc qua không biết bao nhiêu suối, vượt qua bao nhiêu đồi. Đứng bóng thì cả đội hình dừng lại bên một con suối lớn, nước trong veo xanh biếc cả lũ chúng tôi thỏa mái vẫy vùng. Sau chừng 15 phút, anh Ngọc quay lại đưa chúng tôi đi vòng qua một đoạn nữa thì vượt qua một chiếc cầu khỉ làm bằng thân cây rừng có bện song mây thay lan can để vịn, mặt cầu lát bằng thân lồ ô to bằng cổ tay, đi cứ đu đưa rất thích. Hết cầu, vượt một cái dốc thoai thoải nữa lại hiện ra con suối to hơn và bằng phẳng, bên bờ cây to, lá xanh cao chót vót ngửa mặt nhìn không thấy trời. Anh chỉ mọi người vào ngôi nhà lợp lá nón ngồi chờ...

Anh dẫn tôi vào một cái nhà cách đó chừng 50m. Bên cạnh là chiếc hầm bán âm. xung quanh thưng bằng cây gỗ tròn, trên cũng lợp lá nón rất xinh, ở giữa đặt một cái bàn ken bằng nứa, ghế hai bên bằng thân cây gỗ đẽo vuông vức phía đầu cùng, từ trong nhà đi ra cũng có một cái ghế nhưng chỉ một người ngồi...

Tôi chào những người đang ngồi chờ trong hầm thì anh Ngọc nói luôn: Báo cáo các anh đơn vị chí chọn được một “chàng thư sinh” này, người nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, dễ thương, biết đánh bắt cá sông rất giỏi, xin bàn giao để ban chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ; tôi xin phép về kẻo để anh em chờ lâu...

Anh Ngọc ra về. Một anh trong bốn người ở bàn đứng lên nói: Mình là Kỉnh, Đại đội trưởng, anh Nhan bên cạnh đồng chí là Chính trị viên Đại đội, tiếp theo là anh Nhĩ, Chính trị viên phó, bên kia là anh Tùng, Đại đội phó. Nhiệm vụ của đồng chí là cùng với Phước Hùng phục vụ các anh trong ban chỉ huy đại đội; khi nào đi chiến đấu sẽ phân công cụ thể. Nhưng nói chung làm đủ mọi việc lúc huấn luyện công tác cũng như đi chiến đấu là rất gian nan vất vả thậm chí cả hy sinh nữa, đồng chí thấy thế nào?

Tiếp lời anh Kỉnh, anh Nhan nói: “Yên tâm, gia đình Hùng thế nào? Từ tháng 3 năm 1963 đến nay chắc thay đổi lắm phải không?”. Tôi đáp: “Thưa thủ trưởng, cha mẹ em và chú Minh Hoàng vẫn khỏe, anh Ba Thọ đã làm Xã đội trưởng. Từ bữa em đi đến nay không có địa chỉ cụ thể nên chưa liên lạc được ạ”. Anh ân cần: “Không sao, bọn mình sẽ giúp để gửi thư thăm gia đình!”.

Từ hôm nay tôi được gặp lại anh Nhan, người mà hồi tháng 3 năm 1963 đã về nhận tôi đi, nhưng chú Minh Hoàng cán bộ cơ sở nằm vùng nói em còn nhỏ và đang hoạt động cho cơ sở địch vận tại địa phương, anh Nhan đồng ý rồi nói như ra lệnh: “Hùng đã là người của Đ64 đó anh Hoàng nghe...!”. Hai anh cùng cười rồi chia tay, không ngờ chuyện đó nay đã thành sự thật và tôi như mơ mình đang đi giữa đoàn quân trùng trùng, điệp điệp trong không khí mùa xuân rạo rực.

Sau một giấc ngủ trưa, chiều đó tôi được Phước Hùng (liên lạc cũ) dẫn tôi đến Trung đội cối 81, do anh Giảng làm Trung đội trưởng, qua trung đội ĐKZ do anh Chương làm Trung đội trưởng, leo lên một quả đồi thấp ở dưới có một dòng suối nhỏ róc rách ngày đêm là vị trí của trung đội đại liên, thấy anh Ngọc đang nằm trên võng ngồi dậy, tôi chột dạ hỏi: “Răng anh lại ở đây?”. Anh tỉnh bơ: “Không ở đây thì đi đâu!” Tôi hỏi tiếp: “Anh Sen đâu?”. “À Sen về tiểu đoàn rồi”. “Tiểu đoàn ở mô”, tôi hỏi. “Mai mốt sẽ biết”, anh đáp!

Đêm đến, anh Nhan cột võng gần tôi, ôn tồn giảng giải: Hùng về đây, nếu khi đi chiến đấu sẽ là người tháp tùng Đại đội trưởng. Anh Kỉnh rất nóng tính và có lúc quyết đoán rất táo bạo, em chịu khó nghe lời và làm đúng chức trách của người chiến sĩ liên trinh (tức vừa liên lạc vừa làm trinh sát của đại đội). Gan dạ, dũng cảm cũng chưa đủ, mà phải có bản lĩnh vững vàng để khi có tình huống phức tạp có thể xử trí đúng lúc, đúng chỗ và đúng sự việc được giao...

Tôi vâng rồi thiếp đi. Khi nghe tiếng gà rừng gáy, chim muông chao liệng, cả khu vang vọng nhịp thể dục một... hai của các trung đội. Tôi vội chạy ra suối múc đầy mấy ống lồ ô nước, vội vã nấu sôi rồi chạy đi vớt lưới đêm qua đi thả dưới suối về để các anh cải thiện. Trời ơi, tay lưới chừng 20m tôi bao quanh một khúc suối rồi bọc vào một khoảng cát ở dưới dòng chảy của thác mà sau một đêm không biết cơ ngơi nào cá trắng, cá trê, cá chuối... con nào con nấy to như hoa chuối rừng. Có con vừa dính lúc chạng vạng đang vẫy vùng... Tôi mừng quýnh, không gỡ mà ôm luôn cả lưới và cá chạy một mạch về lán.

Thấy tôi khệ nệ cả đơn vị đang tập thể dục ùa tới trầm trồ: “Đúng là ngư phủ”. Đình và Ư thì bảo: “Mày giỏi thế, mấy ông đại đội răng mà không thích”. Tôi ghé sát tai Đình: “Tao cất 2 con cá trắng to bằng cổ tay dưới chân cầu đánh răng, mi ra lấy về cho trung đội anh Ngọc dùm nghe!...”.

Là đại đội trợ chiến, có cối 81, ĐKZ và đại liên, ngày này qua ngày khác khi xong việc của chiến sĩ liên trinh, tôi và Phước Hùng cùng tham gia học tập với các khẩu đội. Tôi thích nhất là ngắm các quả đạn cối 81 như cái bắp chuối hột, vỏ xám rì, mùi thuốc lại thơm thơm rồi lân la đến mấy khẩu đại liên cao lèo khoèo khi giá, 3 chân chạng ra như bà nông dân đi tát nước bằng gàu sòng ở quê tôi. Nhưng được một cái là băng đạn tròn da đỏ au vàng rực, tôi khoác thử một dây kín cả người, nặng ơi là nặng.

Đang giờ giải lao nên mọi người nhìn tôi nhỏ thó quấn đạn đầy người giống như chú lùn trong phim “Chú lùn và nàng Bạch Tuyết”. Mặc kệ cho cười, tôi thích làm xạ thủ đại liên mà... Tôi qua Trung đội ĐKZ của anh Chương. Mọi người ca hát, còn anh ngồi trên hòn đá, bên bờ suối để cắt tóc. Thấy tôi tới, anh hỏi: “Đố Hùng ở đây ai to nhất?”. Tôi chưa rõ câu hỏi, nhìn quanh mọi người như đang cầu cứu câu giải đáp... Anh Cán, Khẩu đội trưởng bảo: “Đại đội trưởng của mi chứ ai...”, cả khẩu đội được một trận cười, anh Chương kéo tay tôi và chỉ: “Cái ông đang sờ đầu tao là to nhất đó...”. Lúc này tôi mới vỡ lẽ đó là câu chuyện vui mà sau này bọn chúng tôi gọi là “tiếu lâm của lính”.

Giai đoạn huấn luyện đồng hóa giữa “tân binh” và “cựu binh” được kiểm nghiệm bằng một cuộc bắn đạn thật cả ba loại hỏa lực đều đạt loại giỏi, học chính trị quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy và được sự chỉ đạo của Quân khu: “Điều động các đại đội trực thuộc tỉnh đội đang hoạt động ở các huyện và huấn luyện bổ sung về vùng B Đại Lộc để thành lập tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà. 100% cán bộ, chiến sĩ viết quyết tâm thư chờ ngày xung trận.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:30:43 am »

Trở lại đồng bằng

Sau chặng đường hành quân xuyên rừng, vượt thác, nhằm hướng đồng bằng, mảnh đất mà đại đội đã được nhân dân chở che đùm bọc những năm tháng chiến đấu đầu tiên, diệt ác, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy phá ấp chiến lược chính là vùng B Đại Lộc. Đây là nơi đã nâng bước cho Đại đội Đ64 vượt qua vùng ven Đà Nẵng đầy rẫy đồn bốt địch làm nên chiến công đêm 30 tháng 5 năm 1964 nhả những viên đạn cối 81, ĐKZ chính xác vào mục tiêu phá hỏng nhiều máy bay, kho tàng và sinh lực địch...

Quên sao được từ những năm 1964, khi Đại đội Đ64 ra đời trên mảnh đất Đại Lộc đang trong cao trào giải phóng quê hương, đã giúp cho đơn vị dày dạn kinh nghiệm và lập nhiều chiến công trong chiến đấu cũng như công tác dân vận. Đây là chiến trường quen thuộc đã từng gắn bó máu thịt với vùng B Đại Lộc, khi bám dân diệt ác, phá kèm, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền...

Giờ đây chúng tôi chuẩn bị vượt sông Vu Gia để về với sông Thu Bồn. Cán bộ, chiến sĩ Đ64 quên sao được trận lũ cuồng phong năm Thìn (1964). Vùng B Đại Lộc ngập chìm giữa hai vùng nước của hai con sông Vu Gia và Thu Bồn. Những chiến sĩ giải phóng quân một tay chèo, một tay súng băng mình giữa cuồn cuộn sóng gió vừa đánh giặc vừa cứu dân, để có một vùng B Đại Lộc hôm nay làm điểm tựa cho sự ra mắt của tiểu đoàn.

Đêm thứ ba thì cả đại đội đã về đến xã Lộc Hưng (nay Đại Hòa) huyện Đại Lộc. Đại đội trưởng Huỳnh Kỉnh bảo tôi vào liên lạc với du kích đã chờ sẵn ở đình Hoà Thạch rồi ra đưa các trung đội vào bố trí ở nhà dân. Cái đáng nhớ nhất của tôi người chiến sĩ liên trinh lúc này là:

- Dẫn trung đội nào đến đâu, bố trí mấy nhà, trung đội trưởng và các khẩu đội trưởng ở nhà ai, tên gì, chỗ đó có đặc điểm gì đáng nhớ? Trời ơi, đêm khuya địa hình mới lạ, nhà dân cũng vừa mới tới, làm liên trinh trong chiến đấu làm gì có sổ sách để mà ghi, thôi thì cứ đưa vào trí nhớ cũng được.

- Mặt khác, khi đã ghi hết tên chủ nhà vào “bộ nhớ” của mình thì về chép vào sổ thông tri của đại đội để ngay cạnh máy điện thoại hữu tuyến, rồi tìm đường lên bắt liên lạc với trinh sát tiểu đoàn...

Cứ như vậy đi đến đâu, dù ở gần địch hay xa địch, hỗ đại đội dừng chân triển khai đội hình trú quân thì người chiến sĩ liên trinh là mạch máu của ban chỉ huy đại đội lưu thông với các trung đội và cấp trên, phòng khi có tình huống khỏi bị động trong xử trí.

Đúng 19 giờ ngày 19 tháng 5 năm 1965, trên các nẻo đường quen thuộc của vùng B Đại Lộc rộn rã bước chân những đơn vị Đ61, Đ62, Đ63 và Đ64 rầm rập thẳng hướng bờ sông Thu Bồn xanh mát bóng tre rồi đến từng nương dâu ngút ngàn bên bãi cát trắng thôn Giảng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc. Cả một rừng cờ phấp phới tung bay dưới trời đêm vùng quê giải phóng.

Lễ ra mắt, thành lập Tiểu đoàn 1 bộ binh, bộ đội địa phương Quảng Đà, mang mật danh “Đơn vị R20” được tổ chức trọng thể trang nghiêm. Các đoàn đại biểu thay mặt cho đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn tràn đầy tin tưởng phấn khởi.

Đứng cạnh tôi là các mẹ, các chị của thôn Hòa Thạch, xã Đại Hòa. Có một bà mẹ vì quá xúc động trong những tháng ngày bị bọn giặc kìm kẹp, bộc bạch: “Qua rồi, những ngày “tố Cộng”, “diệt Cộng” của quân thù, các con đã lớn lên, cách mạng đã mạnh rồi, đông như rứa mà làm răng không thắng!”. Mẹ say sưa nhìn ngắm bộ đội và lắng nghe lời hứa quyết tâm “quyết thắng” cùng với lá quân kỳ từ tay Tỉnh đội trưởng Nguyễn Hữu Đức trao cho Tiểu đoàn trưởng Lê Lan Chi và hứa hẹn: “Tiểu đoàn 1-R20 sẽ xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Dù kẻ thù là Mỹ hay ngụy, chúng tôi nhất định ra quân trận đầu sẽ làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn ngay trong tháng 5 này để dâng lên ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu”. “Quyết tâm! Quyết tâm!...” tiếng hô vang dậy cả khúc sông cho đến bãi mía, nương dâu cũng phất cờ cùng tiểu đoàn ra trận...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:34:05 am »

Trận đầu thành dũng sĩ

Sau lễ thành lập tiểu đoàn, đại đội trưởng, chính trị viên và các trung đội trưởng đi chuẩn bị chiến trường. Bộ đội ở nhà tiếp tục huấn luyện, học tập chính trị. Tôi đi đến khẩu đội nào cũng thấy các anh bàn và quyết tâm lập công. Khi đi ngang qua khẩu đội anh Nguyễn Huy Sô và Lê Vĩnh An, anh nào cũng bảo: “Bắn mục tiêu cố định thì bách quả bách trúng. Nếu là di động thì phải chuyển đi cho kịp thời...”. Đến khẩu đội ĐKZ của anh Minh (thường gọi Minh Bạc - đầu bạc trắng) thì xôn xao: “Dù cố định hay di động, tụi này cũng phang hết đạn mới hả dạ...” Còn đại liên của anh Bông thì: “Dù AH-1U hay AC-37 cả F-105 ta cũng quét mỗi loạt là một thằng cắm đầu xuống đất hoặc bốc lửa trên trời để dâng lên Bác kính yêu...”.

Qua hai ngày đêm đi nghiên cứu chuẩn bị chiến trường, Đại đội trưởng Huỳnh Kỉnh cùng ban chỉ huy đại đội lên phương án đánh địch, sinh hoạt toàn đại đội dân chủ quân sự thảo luận cách đánh của từng loại hỏa lực theo cách đánh của trận địa phục kích đánh cắt giao thông trên trục đường số 1 đoạn từ cầu Bà Rén - Hương An vào thị xã Tam Kỳ...

Với đại liên sẽ tăng cường cho các hướng của bộ binh, còn ĐKZ sẽ phục 2 đầu đường đoàn xe địch sẽ đi qua được bố trí bí mật trước rìa làng và tận dụng các gò đất cao hoặc gò mả ngụy trang thật bất ngờ...

Riêng trận địa cối 81 sẽ lùi phía sau về chính giữa đội hình ở cự ly trong tầm bắn có hiệu quả. Nhưng phải có từ 1-2 trận địa dự bị khi cần di chuyển trên hướng chủ yếu và thứ yếu của tiểu đoàn...

Đây là dịp để Đại đội 4 (Đ64) tỏ ra khí phách của sức mạnh: “Chân đồng vai sắt đánh giỏi bắn trúng...”. Ai ai cũng hồ hởi tham gia, có đồng chí đang sốt rét chưa khỏi cũng tỉnh dậy nhất quyết xin đi chiến đấu, không chịu nằm nhà... Đại đội trưởng kết luận xong phương án đánh phục kích và nhấn mạnh: Đây là phương án chính, khi nào triển khai trận địa tiếp tục theo dõi diễn biến nắm địch của lực lượng trinh sát phía trước cung cấp sẽ tùy cơ ứng biến... Rõ! Mọi người đồng thanh hô như một lời hứa quyết tâm, rồi làm công tác chuẩn bị, đợi lệnh lên đường...

Đêm 27 tháng 5 năm 1965 đường quê giải phóng yên tĩnh, chỉ còn nghe những bước chân rậm rịch nặng nhọc của các xạ thủ cối 81, ĐKZ và đại liên... lao vun vút giữa những hàng cây rợp lá. Tôi được đại đội trưởng cho phép chạy đi chạy lại để nhắc nhở mọi người bám sát đội hình khi qua ngã ba, ngã tư cứ như một đoàn tàu đang chuyển mình theo hướng núi Xuyên Hiệp rồi vượt dốc Bà Son thì ông mặt trời cũng đi ngủ. Đêm tối, ngửa bàn tay không thấy.

Tôi chạy lên đầu đội hình đi gần đại đội trưởng để chuẩn bị vượt qua quốc lộ 1A, thì anh Kỉnh bảo chuyển lệnh: “Đi theo lối có hương cắm!.”. Tôi ngạc nhiên chì biết làm theo cho đến khi đội hình đã vào triển khai tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Lúc đi kiểm tra trận địa cối, ĐKZ, đại liên bố trí rồi quay về đào công sự chờ lệnh anh Nhan - Chính trị viên mới cho biết: “Hương cắm dọc đường là của trinh sát tiểu đoàn đi trước làm lộ tiêu cho bộ đội hành quân khỏi lạc...!”. “À, ra thế lúc này tôi mới hiểu hết cái giá trị kinh nghiệm chiến đấu của cha anh, hèn gì mà kẻ thù nào cũng đánh thắng...”.

Lúc này đã 3 giờ 30 phút sáng, ngày 28 tháng 5 năm 1965. Các đại đội bộ binh, chặn đầu, khóa đuôi, chính diện và bên sườn, hỏa lực cối, ĐKZ hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu đúng kế hoạch. Tôi chạy truyền lệnh của đại đội để các trung đội ăn cơm và sẵn sàng chờ lệnh.

Thôn 3 Văn Quật rộng khoảng 2km2 ở phía bắc sông Bà Rén, dọc quốc lộ 1A phía đông là vùng giải phóng liên hoàn từ Duy Xuyên đến Thăng Bình, Tam Kỳ. Khi trận đánh kết thúc bộ đội có thể lui quân về vùng đông để nghỉ ngơi đồng thời làng Văn Quật khi trận chiến đấu xảy ra, nếu quân địch chi viện từ Quế Sơn ra cũng phải qua cầu Bà Rén hoặc ngoài Vĩnh Điện, Nam Phước vào sẽ đi trên quốc lộ 1A. Cả hai cánh quân đều dễ bị ta phát hiện từ xa và nằm trong tầm hỏa lực ĐKZ, súng cối, đại liên. Như vậy ta luôn giành thế chủ động chiến trường để buộc địch đánh theo cách đánh của ta.

Nhưng vì đêm hôm trước, bộ đội địa phương huyện Duy Xuyên hành quân qua đây sơ suất để lại dấu vết nên ngày 28 tháng 5 năm 1965 địch phát hiện và huy động 2 đại đội biệt kích “Tây Hồ”, 2 đại đội bảo an và gần một nửa số tổng đoàn dân vệ đã bí mật bao vây làng Văn Quật.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:45:57 am »

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, từ trận địa phục kích đánh giao thông, tiểu đoàn di chuyển vị trí chỉ huy và đại đội hỏa lực về phía sau để thiết lập trận địa. Các đại đội bộ binh 1, 2, 3 bí mật cơ động hình thành thế bao vây chia cắt theo cách đánh vận động tiến, công địch đi càn.

Mệnh lệnh phát ra, nắm thắt lưng địch mà đánh! Kiên quyết không cho chúng nó thoát... Từ các hướng mũi đồng loạt nổ súng tiêu diệt bọn gần nhất và thọc thẳng vào bọn biệt kích đang co cụm phía trước. Bị đánh bất ngờ, quân địch rối loạn dồn hết ra rìa làng, gặp Đại đội bộ binh 2 hất tung trở lại, các chiến sĩ Đại đội bộ binh 1 tả xung hữu đột dùng lê đâm thẳng quân thù, cả bọn biệt kích, bảo an, dân vệ tháo chạy về hướng gò mả, co cụm hòng tìm cách thoát thân liền bị các khẩu đội cối 81 của Đại đội 4 rót những quả đạn căm thù xuống đầu quân giặc băm nát những tên biệt kích ngoan cố, đẩy quật chúng nó trở lại cánh đồng trống trải...

Phần tôi, thường ngày bị các anh chọc quê là chiến sĩ “tí hon” của đại đội (lúc bây giờ mới 15 tuổi). Đại đội trưởng Huỳnh Kỉnh ra lệnh cho tôi xuống truyền đạt cho các trận địa di chuyển theo phương án đánh địch co cụm ngoài đồng trống...

Bom, đạn vẫn nổ, tôi cứ chạy, khi qua một cái cầu bắc qua sông cụt gần đình Văn Quật thấy 3-4 tên ngụy nằm úp mặt xuống đất máu me be bét, tôi vừa vịn cầu vừa nhìn thì một loạt pháo chụp ngay trên đầu. Tôi như con sóc nhảy xuống bờ ruộng tránh đạn, bất ngờ thấy một tên biệt kích chết, tôi tước luôn khẩu cácbin-M2 rồi lao đến khẩu đội anh Trà Thanh Lân khói đạn nghi ngút, người hy sinh, người bị thương. Anh Sô và anh An đang lấy phần tử bắn. Trong tình thế cấp bách tôi truyền lệnh của đại đội trưởng cho anh Lân, rồi quên mình là liên lạc đại đội tôi, cứ nhào vào giúp sức cùng các anh di chuyển bắn theo mệnh lệnh của đại đội trưởng hướng cánh đồng... độ hướng... thước tầm 3-5 quả cấp tập nã băm nát bọn chúng và đẩy bọn biệt kích, bảo an ra khỏi cánh đồng, tạo điều kiện cho bộ binh ta xuất kích... bọn địch còn sống sót chạy thục mạng ra sát sông Bà Rén.

Và thật trớ trêu, 4 chiếc phản lực từ Đà Nẵng đến định oanh tạc cứu nguy cho bọn ngụy quân trên trận địa Văn Quật, lại dội trúng đội hình của chúng kết liễu bọn tàn quân sớm hơn dự định của ta.

Đến 15 giờ cùng ngày, trận đánh kết thúc. Tôi rời khỏi trận địa chạy về báo cáo đại đội. Khi đi qua khu vực tác chiến của Đại đội 1 do anh Lại Nam Dương chỉ huy, tôi thấy cả một đoàn lính địch khá đông, quần áo xộc xệch đủ màu sắc, mặt hốt hoảng nhìn quanh của bọn biệt kích, bảo an, dân vệ đang ngoan ngoãn đi theo sự chỉ dẫn của quân ta, ước chừng đến 200 tên bị bắt.

Về đến đại đội, tôi vừa thở vừa khệ nệ vác tới 3 khẩu súng (1 khẩu garan-M1 được trang bị, 1 cácbin-M2 thu trên đường xuống khẩu đội anh Lân và một khẩu garan-M2 xin của Đại đội bộ lệnh 1 trên đường về). Anh Kỉnh hỏi:

- Răng mi chừ mới về? Tôi trình bày diễn biến trên đường đi đến trận địa và lúc về, anh cắt lời: “Thôi được 2 khẩu súng là xóa tội...”. Thấy tôi vừa mừng vừa lo, anh Nhan đỡ lời: “Anh xuống kiểm tra Trung đội ĐKZ và đại liên rồi ra trước với anh em, tôi và Hùng xuống trung đội cối ra sau...”.

Anh Nhan cầm tay tôi kéo đi nhưng chân chưa mười bước, anh Kỉnh liền bảo: “Mi bỏ khẩu garan-M1 lại, khoác khẩu cácbin-M2 đi với anh Nhan!”. Chỉ chờ chừng đó thôi, tôi đưa anh Nhan qua hết những nơi tôi vừa gặp rồi đến khẩu đội của anh Sô.

Các anh đang thu dọn trận địa, không gian chìm lắng dưới làn khói đạn còn vương vãi trên các thân cây quanh làng đã bị chặt đứt sau trận oanh tạc của máy bay và pháo địch... Đồng đội nằm đó, các anh chưa muốn rời xa...

Anh Nhan, người chính trị viên đại đội trong sinh hoạt cũng như lúc vào trận, lúc nào cũng kiên nghị, vững vàng là linh hồn chỗ dựa của cán bộ, chiến sĩ, giờ đây cũng phải rút khăn lau mặt, rồi ân cần:

“Trong chiến đấu việc thương vong không thể tránh khỏi, các đồng chí bàn giao anh em đã hy sinh cho bộ phận làm chính sách cùng địa phương chuyển về nơi đã định, khẩn trương thu dọn chiến trường đưa đơn vị rời khỏi trận địa theo kế hoạch của đại đội”.

Vĩnh biệt các anh, chúng tôi sẽ bắt quân thù đền tội trong những trận đánh tiếp sau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:46:55 am »

Đến 21 giờ ngày 29 tháng 5 toàn đơn vị về chợ La Tháp, xã Xuyên Thanh nơi mà cách dây 2 ngày chúng tôi xuất quân. Sau gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi triển khai phương án chống càn, các loại công sự dựa vào lũy tre và hào giao thông, mương nước rìa làng để bố trí trận địa hoàn tất. Theo sự phân công của ban chỉ huy đại đội, tôi cùng đại đội trưởng đi kiểm tra trận địa. Ngoài số được cắt cử canh gác, còn lại cứ 2-3 người một nhà dân vào ngủ để lấy lại sức cho ngày chiến đấu tiếp theo. Nhưng lạ thay, đã 5 giờ sáng, gà gáy tối canh năm mà nhà nào cũng đóng cửa im lìm, ra trận địa thì thấy bộ đội trải lá chuối cái nằm, cái dắp cho đỡ lạnh...

Tôi lặng lẽ bước theo đại đội trưởng về đến hầm chỉ huy thì các anh trong ban chỉ huy đã tề tựu đông đủ, chụm lại hội ý nhận định tình hình: Sao nhà nào cũng đóng cửa, họ mới tiễn chân mình tối 25 tháng 5 kia mà, tất cả tình yêu thương và tấm lòng bao dung của người dân xứ Quảng: “Các con đi chiến thắng lại về!”.

Mãi đến 11 giờ, khi bộ đội chưa tìm ra nước để uống, cơm cũng không có mà ăn (quân giải phóng Quảng Đà vào những năm 1965 khi đi chiến đấu đến đâu đều có dân nấu cơm cho ăn rồi ghi vào biên nhận). Anh Nhan - Chính trị viên đại đội bảo tôi cùng đi đến nhà mà khẩu đội đại liên của Thanh, Thùy, Minh ở hôm trước xem sao?

Tôi đưa anh Nhan đến một gia đình ngay bên cạnh chợ La Tháp, vừa bước vào nhà bất ngờ nhìn cảnh một người đàn bà và 2 đứa trẻ đầu quấn khăn tang khóc méo mó:

Chồng em, cha tui bị sự bắt buộc phải đi lính, chứ chưa gây tội ác chi mô... Tiếng than khóc của người quả phụ và 2 đứa trẻ làm cho những chiến sĩ giải phóng quân chúng tôi thấy nao lòng. Tôi chia sẻ: “Chị ơi! Sẽ không có sự chết chóc oan ức nào nữa, khi mà cả nhân dân miền Nam đứng lên diệt ác, phá kèm, kêu gọi con em đang lầm đường lạc lối hãy quay về góp sức mình giải phóng quê hương, đánh đuổi bọn cướp nước và bán nước. Chúng tôi là con em của nhân dân cũng như người thân của gia đình chị, nên biết gạt đi những giọt nước mắt “lầm đường” đứng lên đánh đổ kẻ thù đã làm cho chị và các cháu mất mát người thân, biến đau thương ngày hôm nay để có được ngày mai, đó là sự phân biệt giữa những người chính nghĩa (quân giải phóng) và những kẻ phi nghĩa (bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai ngụy quyền) để xây dựng lòng yêu nước, yêu quê hương và căm thù giặc...”.

Anh Nhan vỗ vai tôi: “Hùng học ở đâu mà giải thích lưu loát đến vậy?”. “Dạ”, học Chính trị viên..!. Anh hôn tôi rồi gọi đồng chí Thanh, đảng viên, khẩu đội phó ra ngoài... một lúc sau, thấy cả tổ Thùy, Minh cùng mang theo gùi vào nhà...

Khoảng 14 giờ, tôi quay lại, thấy nhà cửa sạch sẽ, nước đầy chum, rau, gạo, cá khô, củi để trong bếp, 2 đứa nhỏ chạy quanh nhìn khẩu đại liên đang vươn nòng bên vườn chuối trước sân.

Chị chủ chào tôi rồi bảo: “Chú ở đây ăn cơm với mấy anh cho vui!”. Tôi ngạc nhiên thì Thanh bảo: “Chị vừa ra chợ mua cá về có người nói chồng chị bị bắt, chứ không phải “Việt cộng” giết”.

Tôi “vâng!”, bụng đang đói đây. Cả nhà vừa ăn vừa nhìn ra cánh đồng chợ La Tháp đang trải một màu xanh bất tận giữa ánh nắng hồng của chiều xuân miền quê xứ Quảng.

Tổng kết trận đánh, đại đội trưởng thông báo kết quả là ta diệt một liên đoàn địa phương quân (tương đương 1 tiểu đoàn), thu hơn 300 súng các loại, bắt hơn 200 tên (có tên Bường, đại đội trưởng biệt kích và tên Được, đại đội trưởng bảo an).

Đây là trận đánh từ phục kích đánh cơ giới trên quốc lộ 1A, sang vận động tiến công, bao vây tiêu diệt quân địch đi càn. Đó là kết quả của trí tuệ, tài năng vận dụng nguyên tắc chiến thuật và cách xử trí linh hoạt của đội ngũ cán bộ, trình độ chiến thuật - kỹ thuật của chiến sĩ và phân đội, là trí thông minh và lòng dũng cảm của quân giải phóng Quảng Đà đạp lên đầu thù xốc tới.

Với Đại đội 4 hỏa lực, đây là trận đầu đã nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến và phương pháp bắn chính xác, linh hoạt góp phần cùng bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Đại đội trưởng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, sự mất mát, đau buồn khi mất đi một số đồng chí là điều không tránh khỏi dưới mũi tên, làn đạn quyết sống mái với quân thù. Ta đã thắng! Qua đây, tôi cần lưu tâm với các đồng chí rằng:

Trong tác chiến, bất luận dưới hình thức chiến thuật nào, dù địa hình đồng bằng hay rừng núi hoặc ven biển, đầm lầy với bất cứ đối tượng tác chiến nào, chúng ta phải luôn nắm vững nguyên tắc phải có dự bị mạnh cả về sinh lực và hỏa khí, phải có nhiều trận địa bắn, nắm chắc thời cơ, cơ động để hạn chế bị động và thương vong”.

Nghe đại đội trưởng thuyết trình, tôi vẫn chưa hình dung hết những gì đã diễn ra sau trận đánh. Anh Nhan, Chính trị viên bố sung:

“Trận đầu ra quân giành thắng lợi giòn giã, đơn vị ta xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân chiến đấu dũng cảm, sử dụng được nhiều loại vũ khí. Không bắt được tù binh nhưng lại thu được vũ khí cho đơn vị để đánh địch, các đồng chí xứng đáng được đề nghị lên cấp trên khen thưởng... Mong rằng các trận tiếp theo, đại đội ta cần phát huy gương chiến đấu đó, dù là chiến sĩ liên lạc, trinh sát, nuôi quân... đều là xạ thủ, pháo thủ, biết sử dụng cả đại liên, cối 81 và ĐKZ...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:35:47 am »

Xạ thủ “tí hon”

... Từ sau trận Văn Quật, tôi được điều về trung đội đại liên do anh Ngọc làm Trung đội trưởng, anh Mãi làm Trung đội phó, bổ sung vào khẩu đội do anh Bông làm Khẩu đội trưởng, anh Thanh làm Khẩu đội phó. Bôn cạnh tôi có Thùy, Minh, Ư và những đồng đội khác, tôi vô cùng phấn khởi được sống trong tình thương yêu của đồng đội và sự chăm sóc chở che của nhân dân vùng B Đại Lộc.

Khẩu đội bắt tay ngay vào đợt huấn luyện mới, củng cố và phát triển đội ngũ đoàn viên và tôi được vinh dự kết nạp vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng ở tuổi 15. Sau đó được chọn làm xạ thủ số 1 của khẩu đội.

Trong khẩu đội, tôi là người nhỏ nhất, nhưng được anh Bông tín nhiệm là nhanh nhẹn, mắt sáng, lần tập nào cũng lấy đường ngắm chuẩn, từ bắn đón, bổ nhào của các loại máy bay bay thấp, đến ngắm bắn các loại mục tiêu cố định, di động của bộ binh rồi lô cốt...

Một hôm đang tập ngoài trận địa, gần chùa Quảng Đợi, bất ngờ có một vệt khói trắng trên bầu trời... Anh Bông ra lệnh: “Máy bay! vào “ngắm!”. Tôi lúng túng: “Báo cáo, không thấy máy bay?”. “Thôi ngắm!” Anh vỗ vai:

“Rất thông minh anh chỉ thử xạ thủ “tí hon” thôi, chứ bắn sao được, vừa cao lại vừa nằm trong khu vực trú quân của ta dễ bị lộ, không khéo còn kỷ luật nữa chứ đừng có vội nghe!”.

Từ sau lần đó, kinh nghiệm kiến thức làm người xạ thủ đại liên trong tôi cứ nung nấu chờ ngày lập công...

Luyện quân được hơn 1 tuần, chúng tôi lội sông Thu Bồn, vượt núi Trà Kiệu về Sơn Phúc, huyện Quế Sơn, qua chợ La Tháp, Xuyên Thanh, huyện Duy Xuyên, vượt quốc lộ 1A xuống vùng C Điện Bàn ra Hòa Vang.

Đôm 30 tháng 5 rạng ngày 1 tháng 6 năm 1965, tập kích sân bay Đà Nẵng, phá hủy 47 máy bay các loại, diệt trên 160 phi công và nhân viên chuyên môn kỹ thuật của địch, mớ màn cho cách đánh hiểm của lực lượng vũ trang địa phương tỉnh vào căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất miền Trung Trung Bộ của bọn Mỹ xâm lược. Đây là trận chiến đấu đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm nức lòng quán dân miền Nam và cả nước. Đồng thời cũng là đòn giáng trả sấm sét của quân giải phóng Quảng Đà đối với bọn cướp nước và bè lũ bán nước.

Từ ngọn lửa thiêu cháy căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, tôi cùng khẩu đội ngược sông Thu Bồn về Gò Nổi tháng 8 năm 1965 để đọ sức với hàng ngàn tên lính thủy đánh bộ Mỹ và tiểu đoàn báo an, góp phần cùng các lực lượng tô thêm trang sử vàng của quê hương chị Trần Thị Lý, chị Trần Thị Vân đi vào lịch sử của dân tộc.

Gò Nổi, đúng cái nghĩa của mảnh đất đào mồ chôn quân xâm lược và bọn tay sai thành từng gò, đống. Chưa hả giận của lòng căm thù, khẩu đội chúng tôi cùng đơn vị về Gò Phật, Kiểm Lâm, Mỹ Lược quê hương của “Triệu Tử Long”, Trần Dưỡng, trút bão lửa xuống sân bay An Hoà dốt cháy và phá hủy bọn quạ sắt “máy bay quân sự” buộc chúng phải đền tội của những cuộc ném bom bắn phá dân thường trên chiến trường tây nam Quảng Đà, để cho Mỹ Lược cùng dòng sông Thu Bồn bốn mùa xanh trong cùng guồng xe nước tưới mát những cánh đồng dưới đêm trăng khoan nhặt điệu hò khoan...

Phát huy chiến thắng sân bay Đà Nẵng, Gò Nổi, An Hòa trong khí thế hừng hực chuẩn bị cho trận chiến đấu mới với quyết tâm “lùng Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1965, tiểu đoàn chuẩn bị thế trận đánh địch càn quét nhằm bẻ gãy chiến dịch “Tám thơm”, bảo vệ cho nhân dân thu hoạch mùa.

Trận này, khẩu đội tôi phối thuộc cho Đại đội 1, chặn đầu trên đường 100 từ Vĩnh Điện đến km số 6. Mai phục mãi đến 14 giờ 30 phút ngày 2 tháng 9 năm 1965, dưới cái nắng tháng 8 “nám cả da” cứ phừng phực đổ lửa lên dầu, lên lưng, rồi những cơn mưa ập đến làm cho công sự trận địa của quân ta ngập nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:36:44 am »

Mặc kệ cái nóng chưa tan hết, nước mưa ướt sũng người, tôi vừa lau nòng khẩu đại liên vừa quan sát về hướng đông nào xe tăng M48, thiết giáp M113 dẫn dắt bọn lính đi hàng dọc tiến về phía trận địa ta, cách 50m, 30m rồi 10m... Một phát pháo hiệu vụt lên. “Bắn!”. Dứt tiếng hô của khẩu đội trưởng, tôi căng cò nã từng loạt đạn báo hiệu cho bộ binh đồng loạt xung phong...

Cối 81 của Đại đội 4 gầm lên dữ dội làm cho quân địch bạt vía kinh hồn kêu lên “Đ.M, đụng chủ lực Việt cộng rồi, chạy mau tụi bay”. Tôi lại siết cò, mày có chạy đằng trời, tôi thay đạn thì anh Lại Nam Dương - Đại đội trưởng Đại đội 1 khích lệ: Cứ bám mép đường 100 mà điểm xạ thật chính xác, đừng để bọn chúng chạy về Bồ Bồ... Cứ thế đại liên, súng cối 60, cối 81 bắn nát đội hình địch đang tháo chạy. Chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh xung phong, tiếng hô xung phong của các hướng vang khắp trận địa.

Đến 16 giờ cùng ngày, tiếng súng thưa dần, bọn địch còn sống sót dẫm đạp lên xác đồng bọn chạy về căn cứ bỏ lại 200 xác chết và 25 tên bị bắt sống, ta thu 180 súng các loại, 3 máy PRC-25 kết liễu chiến dịch “Tám thơm” đánh bại ý đồ chiếm vùng A, B, C Điện Bàn của quân ngụy có máy bay, xe tăng, pháo binh Mỹ yểm trợ.

Trận đánh vừa tan khói súng, khẩu đội trở về vùng B Đại Lộc. Tôi được phân công ở nhà chị Mười Mai. Nói là nhà, nhung chỉ có một cái chõng tre và căn hầm tránh pháo. Hàng ngày chúng tôi trực ngoài trận địa, đêm đến trai ni lông nằm cạnh căn hầm tránh pháo của gia đình.

Tôi nhỏ nhất khẩu đội nên được ưu tiên nằm gần cửa để tiện ẩn nấp khi có tình huống. Bên trong là mẹ rồi đến chị. Sau giờ canh gác, chị ân cần hỏi tôi về những người thân và gia đình, chị chăm sóc tôi như đứa em trong gia đình.

Vào một ngày cuối tháng 5 năm 1965, anh trai tôi là Trần Minh Thọ đi dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ trên tỉnh về tình cờ gặp anh Bảo, quân y sĩ của tiểu đoàn đang trên đường xuống Đại đội 4.

Anh tôi ngờ ngợ hỏi: “Anh ở đơn vị nào, sao trông giống thằng em tôi rứa?”. Anh Bảo hỏi lại: “Em anh tên gì, đơn vị nào?”. Anh tôi ái ngại: “À người giống người xin lỗi” rồi đi. Anh Bảo nghĩ không thể như vậy được và chạy theo. “Anh gì ơi! Quê anh ở đâu?” Anh trả lời nhanh và gọn: “Điện Dương”. Anh Bảo lại hỏi: “Em anh tên gì?, à, Hùng, Trần Minh Hùng... có phải ở nhà gọi là Xu không?”. Anh tôi nói: “Đúng rồi” và hai anh ôm nhau rồi cùng đến chỗ tôi...

Lúc này khoảng 10 giờ 30 phút, cả khẩu đội chuẩn bị cơm trưa, tôi đang ngồi ở giếng bên nhà để chị Mười múc nước tắm và giặt đồ...

Thấy hai anh, chị Mười chào rồi bưng chậu quần áo vừa giặt đi phơi. Hai anh cứ nhìn theo bóng chị khuất dần sau khóm chuối mới quay lại hỏi tôi:

“Cô nào mà coi bộ thương mi dữ vậy?”. Tôi cười: “Chị Mười hộ lý xã đó, em ở nhà chị, nên coi như em vậy”.

Từ sau hôm đó, cứ mỗi lần đi chiến đấu ở đồng bằng hay ven đô Đà Nẵng về, chị lo toan nhiều hơn mọi sinh hoạt cho mọi người trong gia đình. Ngôi nhà của chị lúc nào cũng đầy ắp tiêng nói, tiếng cười. Tôi là niềm an ủi của mẹ, của chị là cầu nối giữa gia đình với Đại đội 4 hỏa lực và anh Bảo.

Anh Bảo khá đẹp trai, đôi lông mày rậm, sóng mũi cao, mắt sáng, khỏe mạnh, thông minh và có chuyên môn cao làm chị mê hồn. Anh cười, nhìn tôi trìu mến: “Nếu Mười gọi Bảo là anh, Bảo sẽ cho Hùng làm em trai Mười, đồng ý chứ?”.

Chị cười đôi má ửng hồng dưới làn da trắng ngần, đôi mắt dẹp và mái tóc dài óng mượt làm cho anh Bảo ngất ngây...

Năm tháng qua mau, địch thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ồ ạt đánh phá vùng giải phóng Tây Quảng Đà. Tính chất chiến đấu, nhiệm vụ cách đánh, địa bàn hoạt động của R20 cũng thay đổi cho sát với phương châm “gặp ngụy là đánh, tìm Mỹ mà diệt...”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:37:49 am »

Từ vùng B Đại Lộc, ngày 8 tháng 10 năm 1965, khẩu đội tôi tiếp tục phối thuộc cho Đại đội 1, hành quân về Xuân Diệm đón đánh đại đội Mỹ có chi đoàn tăng thiết giáp (M-113) từ Hòa Lương, huyện Hòa Vang băng qua đồng trống xông thẳng vào trận địa của đại đội.

Tôi đang thiết bị trận địa và lấy đường ngắm, anh Nguyễn Chí Sa, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, động viên tôi bắn phải tiết kiệm đạn. Trận này, khẩu đội tôi vừa diệt bộ binh vừa bắn máy bay bay thấp, chi viện có hiệu quả cho hướng Trung đội 3 đánh phủ đầu quân Mỹ, góp phần cùng đại đội diệt 87 tên, bắn cháy 6 máy bay trực thăng bắn bị thương 2 xe thiết giáp M-113, thu 14 súng, 2 máy PRC-10. Đây là chiến công của sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và hỏa lực, thể hiện tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương, sự dũng cảm kiên cường của cán bộ, chiến sĩ, lòng căm thù giặc Mỹ, bắt chúng phải đền tội cho sự tàn phá xóm làng, giết hại đồng bào ta mỗi khi chúng càn qua.

Riêng tôi, trong đêm hôm đó, anh Bông gọi lên thông báo: Thủ trưởng Sa rất khen ngợi Hùng, trận này sẽ đề nghị cấp trên thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho khẩu đội và dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay cho cậu... Tôi mừng mà quên cảm ơn anh...

Đánh Mỹ ngoài công sự ở Xuân Diệm đã khẳng định quyết tâm dám đánh và đánh thắng cũng như sự trưởng thành của Tiểu đoàn R20 - Tiểu đoàn An-giê-ri huyền thoại, là hành trang để tiểu đoàn đánh những trận then chốt tiếp theo.   '

Vui chung xen cả vui riêng, chúng tôi chấn chỉnh lực lượng, bố sung quân số, chình huấn chính trị và luyện tập quân sự. Đợt học tập này khác với lần trước là hành quân đêm, vượt sông, mang vác nặng qua các loại địa hình, thao trường bãi tập có hàng rào kẽm gai, ụ súng, lô cốt và cả máy bay, xe tăng, xe bọc thép đắp bằng đất.

Khẩu đội tôi huấn luyện chuyên sâu bắn vào lỗ châu mai của lô cốt và các loại máy bay đậu tại sân bay cũng như bố nhào từ các hướng vào trận địa. Có lúc ngắm thử các loại máy bay xuất hiện trên bầu trời khu vực đóng quân, nhưng không được nổ súng.

Luyện quân được hơn 1 tuần, từ Châu Sơn, đêm tối trời mưa đường trơn, ruộng nước, sông rộng chảy xiết, pháo địch bắn cầm canh, chúng tôi lặng lẽ vượt sông Yên vào chiếm lĩnh trận địa đúng quy định.

Trời vẫn tiếp tục mưa rả rích, Gò Hà nằm trên trục đường 14, cách Đà Nẵng vế hướng Tây khoảng 15km, do một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ chiếm đóng bố trí theo kiểu hình tròn có công sự và xe tăng thiết giáp bố phòng, hệ thống hàng rào kẽm gai và hào giao thông nối thông, bao bọc xen kẽ mìn, lựu đạn, trái sáng đề phòng quân ta tiến công, là căn cứ tiền đồn trong công sự vững chắc án ngữ vành đai bảo vệ căn cứ liên hợp của Mỹ, ngụy tại Đà Nẵng.

Trận này, khẩu đội tôi vẫn đi trên hướng chủ yếu chi viện cho Đại đội 1 và bảo vệ vị trí chỉ huy tiểu đoàn có phái viên của Tỉnh đội đi cùng chỉ huy. Trước mặt tôi là một gò mả nằm sát bờ sông Yên. Người nhỏ, súng lại nặng, cự ly tiếp cận để bố trí phải nhìn thấy lỗ châu mai, ụ súng là một yêu cầu của trận đánh. Trong khi chiếm lĩnh giá súng xong, đồng chí Minh, xạ thủ số 2 lùi ra để tôi lấy đường ngắm, không may trượt chân va vào chân súng phát ra tiếng động... Từ hướng đông, một, rồi hai loạt súng nổ vụt qua đầu, cả khẩu đội nín thở, lộ rồi sao?: “Bình tĩnh, đó là súng cầm canh theo quy luật của bọn địch hay bắn vu vơ, khi đi trinh sát tụi mình hay gặp như vậy” - Anh Bông, Khẩu đội trưởng trấn an. Tôi tiếp tục lấy phần tử bắn vào lỗ châu mai của lô cốt, ụ súng chính diện và 2 bên sườn cửa mở, rồi hồi hộp chờ đợi.

Đúng 2 giờ ngày 1 tháng 10 năm 1965, một, rồi hai phát báo hiệu đỏ vụt lên không trung. “Bắn!” lệnh tiến công của Đại đội trưởng Lại Nam Dương, tôi lấy hết sức bình sinh căn cò nhả từng loạt đạn vào lỗ châu mai rồi nâng súng bắn qua đầu chi viện mũi chủ yếu thọc sâu vào bên trong trận địa địch.

Đồng chí Lê Tự Cả, phái viên của Tỉnh đội ra lệnh: Đại liên bắn máy bay trong tầm có hiệu quả bảo vệ đội hình chiến đấu của tiểu đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:38:31 am »

Tôi thao tác tư thế chiến đấu trên không cũng là lúc bọn máy bay C47 từ Đà Nẵng bay lên thả trái pháo sáng rực cả bầu trời.

Trận đánh diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ, căn cứ Gò Hà đã bị đánh chiếm, đại đội thủy quân lục chiến Mỹ bị tiêu diệt, ta thu hơn 150 súng các loại, khẩu đội tôi vẫn giá cao sẵn sàng bắn máy bay bảo vệ đội hình lui quân.

Sau trận Gò Hà, khẩu đội tôi được trang bị đại liên M60 thu được, nhẹ hơn, gọn hơn. Tôi yêu quý nó như người thân, theo tôi huấn luyện nâng cao trình độ chiến thuật - kỹ thuật và cách dùng súng mới thành thạo chuẩn bị mọi mặt cho trận giáp chiến mới.

Đúng như dự kiến của trên, bọn “cọp biển” từ Thăng Bình, Tam Kỳ rồi ra Gò Nổi, Điện Bàn, vùng B Đại Lộc; như vậy, quân Mỹ đã trực tiếp đọ sức với quân và dân ta trên chiến trường Quảng Đà.

Được sự cưu mang đùm bọc của nhân dân vùng B Đại Lộc, trong huấn luyện cũng như khi đánh địch đi càn, khẩu đội tôi được du kích và nhân dân làm sẵn công sự trong các làng xã chiến đấu từ An Phú, Gò Gia, Phú Lâm đến Quảng Đợi (Đại Thắng, Đại Lộc) để bố trí giữ được bí mật bất ngờ.

Sáng ngày 28 tháng 1 năm 1966, khoảng 200 lần chiếc máy bay trực thăng đổ quân xuống vùng B Đại Lộc, chia thành nhiều mũi đánh thẳng vào làng, xã chiến đấu của ta.

Từ kinh nghiệm trận Xuân Diệm, đường 100, bộ đội ta mai phục kiên trì, khẩu đội tôi cũng nóng lòng chờ đợi. Bọn địch tiến vào trận địa, cách 50m, 30m rồi 20m từng tên Mỹ to lù lù đã lọt vào đường ngắm.

Bắn! Khẩu đại liên rung lên, trút căm thù vào đầu quân xâm lược, tôi xuýt xoa: Rát quá, nóng tay quá! Anh Bông - Khẩu đội trưởng ra lệnh: “Thay nòng, để tôi yểm trợ”. Trong tích tắc cái nòng thứ 2 vừa thay cũng nghi ngút khói, nhìn ra phía trước công sự 20-30 rồi 50 tên Mỹ lăm lăm xông vào. Tôi hét: “Nhiều quá anh Bông ơi!”. “Mặc kệ! Bắn! Bắn!”. Mặt đất rung lên quân thù đổ như chuối chặt, bọn máy bay trực thăng vút lên cao bắn rốc-ket và đạn 20 ly nhưng vãi nhầm vào đồng bọn của chúng đang rên la chạy tán loạn.

Suốt gần một tháng trời trôi qua, khẩu đội theo sát đội hình chiến đấu của tiểu đoàn, đã đánh 54 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến 310 tên lính Mỹ, bắn cháy 4 máy bay trực thăng, thu 17 máy thông tin PRC10, PRC25 và nhiều vũ khí trang bị khác. Một lần nữa, bọn Mỹ phải ôm đầu máu thoát khỏi vùng B Đại Lộc.

Yêu cầu tác chiến ngày càng mở rộng, cả địa bàn hoạt động và vũ khí trang bị đảm bảo cho những trận đánh quy mô lớn hơn, tầm bắn các loại hỏa lực phải vươn xa hơn. Cuối tháng 1 năm 1966, khẩu đội tôi chuyển giao đại liên M60 cho các đại đội bộ binh để đi nhận vũ khí khác...

Từ Quảng Đà vượt Trường Sơn ra Bình Trị Thiên để nhận vũ khí mới. cả khẩu đội ai cũng: “Loại gì hè, to hay nhỏ, bắn có đã không? Cứ đi cho nhanh để trở về chứ không còn giặc mà đánh!”.

Đến miền Tây Quảng Trị, tôi không nhớ địa điểm, sau này mới biết đó là một kho vũ khí nằm dọc đường dây 559 đoạn A sầu - A Lưới của tỉnh Quảng Trị. Khi nhập trạm cũng là lúc lương thực trên vai đã cạn, sức khỏe của chúng tôi đã giảm. Tội nhất là Minh sốt rét gầy nhom, nhưng được bù lại các anh chị ở kho cho ăn thoải mái để lấy lại sức.

Hai ngày hôm sau thì anh Bông thông báo đã có phiếu nhận loại súng máy phòng không 12,7 ly, khác nhiều với đại liên MACS của Pháp và đại liên M60 của Mỹ... chúng tôi reo vui rồi cũng thấy lo lo...

Súng được lau chùi kỹ, có người hướng dẫn tính năng kỹ, chiến thuật, kỹ hơn là sử dụng máy ngắm có vòng và sửa chữa khi hỏng hóc. Tôi vẫn được ở nguyên vị trí số 1, nhưng vác nòng, anh Bông giao người khác...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 06:39:27 am »

Sau một tuần cả khẩu đội huấn luyện rồi bắn thử đạn thật mục tiêu mặt đất. Thích nhất là nổ to và đanh có thể bắn được tàu xuồng...

Trở lại chiến trường quen thuộc, trận đầu tiên sử dụng súng máy 12,7 ly. Đêm mồng 5 Tết âm lịch (24-2-1966) chúng tôi cùng tiểu đoàn vượt sông Thu Bồn, qua đường 100, đêm 26 tháng 2 bất ngờ tập kích xóa sổ tiểu đoàn 11 biệt động quân khét tiếng gian ác, làm nức lòng đồng bào giữa mùa xuân, ghi một chiến công mới của khẩu đội góp phần tô thắm truyền thống của Tiểu đoàn 1-R20 lập nên chiến công vang dội trên quê hương Quảng Đà.

Như vậy, “tìm Mỹ mà diệt” ngoài công sự ở vành đai diệt Mỹ Hòa Vang của tiểu đội Huỳnh Dạng, chỉ mới 25 ngày đêm đã xóa sổ 1 trung đội, đánh thiệt hại nặng 2 trung đội Mỹ, diệt 61 tên, thu 5 súng garan-M2 và nhiều đồ dùng quân sự... đã thể hiện ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm biết đánh Mỹ và thắng Mỹ...

Cơ động ngoài công sự bị đánh, chúng co về cố thủ ở Gò Hà cũng bị Tiểu đoàn 1 - R20 đào mồ chôn quân xâm lược. Càng thua đau càng cắn càn... Bọn ngụy quân thúc giục tiểu đoàn 11 biệt động quân đi càn quét đốt phá vùng A, B Điện Bàn, cũng bị xoá sổ.

Quân ta thắng lớn, cứ ngỡ mình đi trẩy hội giữa mùa xuân. Đúng vào ngày 19 tháng 5 năm 1966, tiểu đoàn vừa tròn 1 tuổi kể từ trận Văn Quật đến nay. Ký ức chiến trận cứ dội về hun đúc khí thế cho ngày hội lập công mừng sinh nhật Bác Hồ, đó là phương án đánh Mỹ đi càn từ An Hòa vượt sông Thu Bồn sang vùng B Đại Lộc.

Ngày 16 tháng 5 năm 1966, tôi vừa ngụy trang xong trận địa thì nhận được thông báo: xe tăng M48, thiết giáp M113 và bọn Mỹ đang vượt sông Thu Bồn, chuẩn bị chiến đấu.

Nhằm thẳng bọn trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mỹ bắn! Khẩu 12,7 ly rung lên hòa với dòng Thu Bồn nhấn chìm bọn Mỹ, bãi cát trắng Giảng Hòa đào mồ chôn cả một khối sắt thép khổng lồ quân xâm lược...

Gần một ngày chiến đấu hơn 200 tên Mỹ, 8 xe tăng M48 và thiết giáp M113 phơi xác, bọn Mỹ rất sợ đánh đêm, số còn lại quay về bên kia sông theo đường mà chúng đã đến.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, chúng tôi vượt sông Vu Gia về Đại Hòa, bảo vệ cho nhân dân thu hoạch mía.

Thế trận “Thiên la địa võng” của chiến tranh nhân dân vùng B Đại Lộc, kết hợp nghệ thuật chống càn của Tiểu đoàn 1-R20 đã giăng thành chiến lũy...

Từ Ái Nghĩa bọn địch chia thành 2 mũi đánh vào đình Không Chái và chợ Quảng Huế qua cây Đa Lý vào Hòa Thạch.

Phối hợp với cối 81 ly của đại đội đang trút bão lửa vào đội hình địch tập trung ở cây Đa Lý... khẩu 12,7 ly của tôi phục đón địch trên đường bay ở rìa làng, do vướng cây không bắn được, cả khẩu đội khiêng chạy đến khu gò mả ngay trên cánh đồng, nhả đạn vào bọn máy bay lên thẳng. Rồi gát súng vào hàng rào quét vào đội hình bọn thủy quân lục chiến Mỹ; bọn ngụy tay sai bỏ súng chạy, tôi quét theo làm chúng đổ như chuối chặt. Trong phút chốc, cả trận địa mặt đất lẫn trên không quần nhau với quân giặc; bọn địch chết la liệt, những tên sống sót và bị thương dẫm đạp lên nhau chạy tán loạn.

Trận đánh kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ, đánh thiệt hại cánh quân ngụy từ Ái Nghĩa đến, bắn rơi 7 máy bay trực thăng, bị thương 1 phản lực F-105, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng.

Trận cây Đa Lý đã tạo nỗi hoang mang lo sợ cho bọn địch ở quận lỵ Ái Nghĩa. Chúng cho rằng quân Mỹ, ngụy có trang bị vũ khí phương tiện tối tân, hiện đại chi đi nữa hoặc được sự chi viện sát sườn của đồng bọn cũng không thắng nổi “Việt cộng”, luôn xuất quỷ nhập thần, cách đánh mưu trí, gan dạ, khi gặp Việt cộng phải cẩn thận kẻo mất mạng như chơi.

Với Tiểu đoàn 1-R20, được Đảng bộ, chính quyền nhân dân Quảng Đà tặng cho câu ca dao thắm đượm tình dân xứ Quảng:

            “Trên trời có phản lực cơ
            Dưới đất đã có R-20...”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM