Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:31:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân trên cát  (Đọc 4210 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:05:59 am »

Tên sách: Dấu chân trên cát
Tác giả: thiếu tướng Trần Minh Hùng
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2011
Số hóa: macbupda


LỜI THƯA

Hồi ký “Dấu chân trên cát” là những kỷ niệm của tôi trên một quãng đời, từ tuổi thơ đến khi trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, với hơn 40 năm (10.1962 -3.2010) tham gia kháng chiến, từ khi tham gia Quân giải phóng miền Nam cho đến ngày nay. Trong một dung lượng mỏng manh, hữu hạn quyển sách này chưa thể nói hết tâm tư tình cảm của tôi với Đảng, với quân đội, nơi tôi đã rèn luyện bản lĩnh của người chiến sĩ giải phóng từ trong tăm tối biết “rũ bùn đứng dậy” cùng số phận của quê hương, dân tộc. “Dấu chân trên cát” là những hồi ức về những chặng hành quân chiến đấu từ miền sông Thu quê hương đến sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị vào sông Tiền, sông Hậu đến Mê Kông rồi ra Kỳ Cùng biên giới phía Bắc; hay đi đến miền đất đỏ bazan Tây Nguyên đầy nắng và gió rồi qua tận những thảo nguyên nước Nga xa xôi, có biết bao bóng dáng đồng đội, đồng chí, những người anh, người chị, người, em đã sát cánh bên tôi dệt thành kỷ niệm đời quân ngũ không thể nào quên.

Và nhất là hình ảnh của những người mẹ. Từ người mẹ sinh dưỡng tôi bằng dòng sữa và tiếng ru của sóng biển rừng dương đất Quảng đến người mẹ ở đất lửa Quảng Trị, người mẹ Campuchia tần tảo, người mẹ ở Cao Nguyên nắng sớm mưa chiều, người mẹ ở miền Bắc bao dung và nhân hậu... đã đi vào trong tôi mênh mông những niềm thương kính, nhắc nhở tôi về sự hy sinh thầm lặng mà rất đỗi anh hùng, không có giấy bút nào tả hết, kể hết nỗi niềm.

Ra đi từ tuổi thiếu niên, nay tóc đã pha sương, tôi thành kính dâng lên Đảng, quê hương tấm lòng biết ơn và những chắt lọc từ trải nghiệm thực tiễn qua quyển sách nhỏ này.

Kính dâng lên hương hồn mẹ, cha!

Kính dâng lên những đồng đội đã ngã xuống cho ngày hôm nay của tôi và của chúng ta, cho đất nước quê hương hằng sáng.

Dâng tặng những đồng chí, đồng đội còn tiếp bước cùng tôi trong hàng ngũ, những cựu chiến binh của Bộ đội Cụ Hồ vì sự bình yên của Tổ quốc, đồng bào.

Riêng tặng cho gia đình tôi những gì còn mãi nhớ, để tin yêu cuộc đời này.

Tác giả
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2022, 07:41:00 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:08:43 am »

Chương một

QUÊ HƯƠNG-GIA ĐÌNH-TUỔI THƠ

Dòng sông trên cát

Tôi sinh ra bên dòng lộ Cảnh Giang, người dân quê tôi quen gọi là sông Cổ Cò hay Đế Võng. Dòng sông từng là con đường thủy nội địa đóng vai trò huyết mạch giao thương giữa Cảng thị Hội An với Cửa Hàn - Đà Nẵng từ nhiều thế kỷ trước. Nhiều tài liệu cũ mô tả rằng, trên con sông này luôn tấp nập tàu bè ngược xuôi của thương gia các nước đến trao đổi, mua bán hàng hóa với xứ Đàng Trong của Đại Việt. Dọc hai bên bờ sông này mọc lên nhiều thương điếm. Trong đó có chợ cầu của Điện Dương từng là trung tâm buôn bán nổi tiếng của huyện Điện Bàn, lưu truyền câu hát:

“Bồng con mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An...”

Dọc theo sông Cổ Cò là những ngôi làng, nỗng cát. Dòng sông như chảy vào nguồn mạch của làng, chảy trong tiềm thức của người dân quê tôi, ẩn mình trong cát bao biến thiên của thế thái nhân tình, bao dời đổi của cát bụi thời gian và những thăng trầm lịch sử.

Dấu ấn tiến nhân

Ngược thời gian trở về nguồn cội, qua lời kể của các bậc cao niên về công ơn tiền nhân trong buổi đầu khai hoang lập nghiệp thì những cư dân đầu tiên từ phía Bắc vào sinh sống dọc vùng hạ lưu sông Cổ Cò - Đế Võng. Một đoạn sông có nhiều cá sấu nên đặt tên là sông Hà Sấu. Năm tháng trôi qua cùng với việc quy dân lập điền, dân cư ngày thêm đông đúc, các làng lần lượt hình thành. Làng thường lấy tên có chữ Hà (sông): Hà Mòi là làng chuyên đánh bắt cá mòi trên biển; Hà Tôm là làng chuyên đánh bắt tôm trên sông, về sau Hà Mòi đổi thành Hà Quảng, Hà Tôm đổi thành Hà My, sông Hà Sấu có tên mới là Đế Võng. Làng Hà Quảng cùng với các làng ven sông gồm Hà Lộc, Gia Lộc, Hà My, Hà Bản hợp thành Ngũ Xã.

Ngày ấy, Ngũ Xã quê tôi không chỉ có cảnh đẹp của dòng sông và dải cát uốn lượn cùng những lũy tre xanh bao bọc mà còn có những cánh rừng Hà Gia, Hà Quảng đến Hà My. Rừng có nhiều cây cổ thụ như Mít nài, Trẩu, Chỏi, Cốc... trên quãng dài hơn chục cây số của dòng sông, trải qua thăng trầm dâu bể, nhiều đoạn bị bồi lấp hình tháp, những vùng đầm nhiều dừa nước,..., dưng, lát (cói)... cửa rừng ngập mặn Hà My và vô số những hoa sen, hoa súng, lục bình ở Hà Gia, Gia Lộc... Sông và những vùng đầm lầy nhiều cây cỏ là thế giới trù phú cá, tôm, cua quyến rũ vô số chim cồng cộc, ngỗng trời, trích, cò... cùng những đàn rái cá tinh ranh ngày đêm lặn ngụp săn bắt cá tôm trong thiên nhiên hoang sơ. Đó cũng là khi dòng sông không còn là con đường thủy tấp nập ghe thuyền giao thương giữa cửa Đại - Hội An với Cửa Hàn - Đà Nẵng.

Sau năm 1930, khi cây phi lao (dương liễu) được người Pháp du nhập vào trồng ở vùng cát duyên hải miền Trung thì người dân quê tôi cũng đã được nhanh chóng học hỏi cách ươm trồng. Rồi từ bờ giậu quanh nhà lan ra bờ ao, đến những cồn cát, trảng cát, chỉ sau gần một thập niên, cây phi lao đã khép tán thành rừng. Dọc theo bờ biển dài hơn bảy cây số, xanh biếc rừng phi lao, quanh năm rì rào đón gió, chắn cát lấp, cát bay cung cấp nguồn lá khô vàng ươm cho người dân đun nấu, thân gỗ dành để làm củi chẻ, vỏ ngâm để nhuộm lưới, mành và rao bán khắp các chợ phố thị Hội An, Đà Nẵng...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:10:13 am »

Xóm nhỏ nhà tôi ở đó...

Còn nhớ, cái xóm nhỏ Bắc Hải của làng Hà Quảng quê tôi vào những thập niên 40-60 của thế kỷ XX, cũng như bao làng chài ven biến khác hầu hết cư dân sống bằng nghề biển ngang. Có lẽ các thế hệ tiền nhân khi đến khai cơ lập nghiệp ở đây đã trải qua những biến cố và tình huống khó khăn: Hoặc vì không có những ưu thế chính trị nên phải tránh xa chỗ quan quyền, nơi tấp nập phồn vinh. Hoặc vì nghèo túng mà phải chấp nhận gian nguy để tìm kế mưu sinh nơi vùng cát heo hút đầu sóng ngọn gió này. Chỉ có biển và cát. Biển vỗ rì rào quanh năm và cát bao bọc quanh nhà, làng xóm. Vào mùa nồm nam nắng rát, những nỗng cát như rộng dài thêm, khắp nhà như sống cùng với những cụm hoa lông chông đuổi bắt nhau không mỏi trong luồn nồm nam qua cát. Đây đó hiện ra những lối mòn qua cát. Từng đoạn ngắn, vào mỗi buổi sáng, mỗi nhà thường góp đôi gánh nước tưới cát tạo ra các điểm nho nhỏ cho người đi đường nghỉ chân tạm bớt nóng lúc xế trưa.

Biển một bên, sông một bên, giữa là cát dài và hẹp, thấp thoáng những ngôi nhà mái tranh yên ả, khuất sau rặng dương liễu, quanh năm rì rào sóng gió biển đông. Hà Quảng một thời đã cuốn hút khách phương xa với lời thơ:

            Hà Quảng thông xanh mấy dặm trường
            Bao ngày đo đạc luyến tình thương
            Lênh đênh Bắc Hải thuyền ngư phủ
            Lác đác Tây Đình xóm thiện lương...


Vẫn còn đó, thế hệ cha ông với những tháng ngày cơ cực, khi biển vẫn muôn đời hào phóng nhưng cũng vô cùng dữ dội, luôn giấu bao bí ẩn đối với những ngư dân sống trên một vùng làng cá biển ngang mà phương tiện đánh bắt là những chiếc thuyền nan dùng buồm cùng những tay chèo, nên không thể ra khơi đánh bắt dài ngày. Thuở ấy, mùa nắng với những ngày trời yên biển lặng, ngư dân quê tôi chủ yếu đánh bắt ven bờ bằng các nghề lưới rùng, lưới quét, mành chà, câu... Ngày ấy, khi nghe tiếng gà gáy sáng “chở nhứt”, cha anh tôi và những người đàn ông lực lưỡng của làng chài vội vã thức dậy, uống vội bát nước chè đen đậm đặc, mang theo những phần ăn cơm độn nhiều khoai, sắn, khoác vội lên người chiếc áo vá sờn vai mặn mồ hôi biển cùng đôi chân trần kéo nhau ra bến, hì hục khiêng đẩy những chiếc thuyền nan từ trên bãi cát xuống nước để ra khơi. Chiều xuống trên những chiếc thuyền đầy cá lại đón gió nồm quay về bến, cũng là lúc những người phụ nữ từ các làng chài đã đợi sẵn vội ùa xuống mép sóng, tranh nhau bưng bê những thúng cá tươi, mặc cả, trả giá ồn ã. Xong họ vội vàng quang gánh chạy bộ đưa đến các chợ Hội An, Vĩnh Điện vào các ngõ xóm, đường quê để bán hoặc đổi lấy gạo sắn khoai... Còn với lũ trẻ chúng tôi, sau niềm vui khấp khởi vừa nhặt được nhiều cá tôm vụn sót lại trong thuyền đem đổi lấy những trái ổi chín vàng ruột đỏ mọng, những trái thị thơm lừng... giờ là lúc cả bọn lại nô đùa, vẫy vùng với sóng rồi kéo nhau đến đầu làng mong ngóng mẹ đi chợ về để có quà là những lọn mía, cục đường đen, viên kẹo ú ngọt ngào... Vào những ngày biển động, thường từ cuối thu sang đông, sóng to gió lớn làng biển sông thắc thảm trong cảnh “chim trời cá nước” bữa đói bữa no. Hơi thở của cát, vì thế cũng nhấp nhỏm không yên với giọng ru hời:

“Lấy chồng nghề ruộng em theo
Có chồng nghề biển hồn treo cột buồm...”.

Cuộc sống cơ cực nhọc nhằn nhưng yên bình ấy thật ngắn ngủi. Chiến tranh ập đến, kéo dài mỗi ngày thêm ác liệt. Các khu rừng nguyên sinh ở Hà Gia, Hà Quảng, Hà My bị chặt phá trụi vì kẻ thù lo sợ lực lượng kháng chiến có chỗ ẩn nấp. Tiếp đến rừng dương liễu ven biển cũng chung số phận. Đạn bom giặc cày xới làng thành những giếng cát đen, hun hút bụi mù, người ở lại bám trụ, người đi ngập chìm thêm dâu bể, trôi dạt như cát bụi... Có những tháng năm dài quê hương Điện Dương “trắng đất, trắng dân”. Cán bộ du kích bám trụ phải sống chui, sống lủi dưới lục bình, dừa nước, cỏ lác, cỏ lùng... trên các sông đầm... Thư nhà tôi mỏi mắt chờ trông. Cho đến ngày đầu giải phóng năm 1975 có nhiều người trở về làng đã không còn nhận ra lối cũ vườn xưa...

Những chuyện u hoài ấy còn không? Với những người Điện Dương phải xa quê nhiều năm vì biến động lịch sử chưa một lần trở lại chắc khó hình dung những đổi thay với quê xứ. Con sông Cổ Cò chảy qua làng giờ đây không còn hình dáng cũ. Cuộc mưu sinh vẫn chưa hết nhọc nhằn với những người dân quê cát ngày một đông, nhưng nhờ cần cù chịu khó một nắng hai sương lao động, xây dựng cuộc sống mới, sau mỗi mùa thu hoạch người dân quê tôi càng có thêm kinh nghiệm sản xuất để làm cho đồng đất, sông hồ, biển cả có thêm sản phẩm nuôi sống con người. Với những giống cây trồng, vật nuôi mới và ánh sáng điện đã tỏa về các xóm thôn, góp phần cho đời sống ngày càng thay da đổi thịt. Trên đất cát thổ, đất vườn, mùa nào cũng có rau quả. Nhiều nhất vẫn là lúc cuối đông sang xuân nào cà chua, khổ qua (mướp đắng), rau, hành, cải... từ vùng cát này tỏa đi các chợ Hội An, Vĩnh Điện, Điện Ngọc, Chợ Hàn...

... Vùng đất sình lầy ngập mặn hoang hóa lác đác dừa nước cằn cỗi vì thiếu phù sa đã được cải tạo thành nhiều hồ nuôi tôm, cá... hiệu quả. Nghề biển với những chiếc thuyền nan dùng buồm đã đi vào quá khứ. Nhiều ngư dân đã đóng tàu mã lực lớn để vươn khơi xa, gắn với nuôi trồng thủy sản cùng với những cơ sở sản xuất, gia công chế biến hải sản xuất khẩu, thu hút hàng ngàn chị em vùng biển...

Nhớ lại ngày vừa giải phóng, tưng bừng với khí thế mùa xuân đại thắng, hàng ngàn người dân quê tôi từ các khu dồn trại tập trung gồng gánh, bồng bế con cái hăm hở trở về ước muốn cất lại nhà trên mảnh đất xưa. Nhưng với tầm nhìn xa trông rộng về một ngày “đất chật người đông”, ngay từ đầu, Điện Dương đã quyết xây dựng khu dân cư mới trên vùng cồn cát bỏng Sa Khê, Tân Khai, Hà Quảng, Hà My nhường lại những khu đất mỡ màu hơn để gieo trồng cây trái. Quanh lũy làng, dương liễu chắn gió, chắn cát ngày một nhiều thêm. Những cuộc đuổi bắt của gió Bắc mùa đông và gió Nam mùa hạ cuốn theo hàng tỷ tỷ bụi cát cùng những chùm lông chông chỉ còn trong ký ức. Những đứa trẻ bây giờ lớn lên không còn bị bệnh toét mắt vì cát. Những ngôi nhà xây mái ngói, mái tôn thấp thoáng trong vườn xanh cây xoài, cây ổi, mãng cầu, đào lộn hột... nối liền nhau bằng những tuyến đường quê được thảm nhựa phẳng lỳ rộng thoáng và bằng đường bê tông ngang dọc, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương. Sát cạnh cứ điểm Nam Hàn xưa là bãi tắm Hà My với bờ cát trắng, nước trong xanh, trông ra xa là bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm mờ sương khói mây trời thơ mộng. Toàn tuyến bờ biển hơn bảy cây số đã có nhiều khách sạn Nam Hải, Resort.... cao cấp dần mọc lên, đầu tư hạ tầng du lịch với số vốn hàng chục triệu đô la để chuẩn bị đón khách trong và ngoài nước đến tắm biển, du lịch, nghỉ ngơi...

Điện Dương quê tôi đã và đang rạng lên những chồi non lộc biếc. Tuổi của cát ngàn đời, tuổi của thế hệ chúng tôi - tóc đã hoa râm, rồi sẽ về... chợt tôi nhớ đến mẹ, cha và những người thân yêu nhất không còn, họ đã hóa thân vào lòng cát quê nhà, vào nguồn mạch dòng sông trong cát ngàn đời thì thầm những câu chuyện với thời gian...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:13:02 am »

Thấm đẫm truyền thống văn hóa, khí chất anh hùng

Dải cát dài và hẹp Điện Dương quê tôi chừng hơn 1.000 ha, dựa lưng vào những nỗng cát với những tên cồn: Cồn Hĩnh, Cồn Chờ, Cồn Chất, Cồn Đó, Cồn Thương...

Hình thế đất mặt quay vào sông, mặt hướng ra Biển Đông trên tuyến hành lang ven biển nối Đà Nẵng - Hội An. Trải qua nhiều thế kỷ, từ cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông (1471), những tộc họ ngoài Bắc quê ở Thanh, Nghệ Tĩnh vào đây sinh cơ lập nghiệp “chân đồng, chân biển”. Và cuộc mưu sinh nhọc nhằn trên một vùng đất cát bạc màu, chua mặn, thiên tai bão lũ triền miên ấy đã trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng những tên của Ngũ Xã (Hà Quảng, Hà Lộc, Hà Gia, Hà Bản, Hà My) vẫn mãi in sâu trong tâm thức và tình cảm của bao thế hệ người dân quê tôi. Ý thức nguồn cội đó đã hun đúc các thế hệ của dân Điện Dương luôn gắn bó với quê hương, xây đắp nên truyền thông lao động cần cù, đoàn kết chiến đấu kiên cường với thiên tai, địch hoạ vượt lên những hoàn cảnh khắc nghiệt éo le...

Lam lũ làm ăn nhưng không cam chịu cuộc sống nghèo khó “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” người dân Điện Dương đã biết chăm lo việc học hành của con cái. Tiêu biểu về tài trí và ý chí nghị lực vươn lên trên con đường học hành khoa cử được nhắc đến nhiều là cử nhân Lê Tấn Toán, sinh năm Đinh Dậu (1837) tại làng Hà Lộc. Năm 1861, khoa thi Tân Dậu, Tự Đức thứ 14, cả ba anh em ruột cụ Toán cùng đi thi thì hai người đỗ tú tài, một cử nhân. Không ra làm quan, cử nhân Lê Tấn Toán về làng mở trường dạy học. Một số tài liệu cho biết, trong nhiều “học tràng” hay “lò học” của Quảng Nam ngày ấy, “học tràng” của cụ Toán ở Hà Lộc nổi tiếng bởi chất lượng giảng dạy cùng đức độ của người thầy nên sĩ tử từ Quảng Ngãi, Bình Định cũng tìm đến học rất đông. Nhiều học trò sau này đỗ đạt cao trong các hội thi, trở thành danh nhân đất nước như Nguyễn Duy Hiệu đỗ Phó bảng được ban tước Hồng lô Tự Khanh, sau thành hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, vung thanh gươm hào kiệt dấy lên phong trào Cần Vương chống Pháp khắp các tỉnh Nam - Ngãi, Bình - Phú. Hay như chiến sĩ yêu nước Châu Thượng Văn cũng từng là môn sinh học tràng của cụ Toán. Những người học trò ưu tú đã ảnh hưởng bởi tư tưởng trọng nghĩa khinh tài của thầy, luôn đặt lợi ích của nhân quần và Tố quốc lên trên mạng sống của mình. Và thật bi tráng khi cử nhân Lê Tấn Toán - người thầy khả kính của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, bị triều đình phong kiến tay sai ghép tội vì dạy học trò “khởi ngụy” và làm quân sư cho “ngụy hội”, ông đã chọn chén thuốc độc để vong thân giữ tròn tiết tháo. Chí khí cương trực của cử nhân Lê Tấn Toán cùng hy sinh oanh liệt của những học trò đã trở thành câu chuyện lịch sử hun đúc tình yêu nước và lòng tự hào của nhiều thế hệ người Điện Dương.

Noi gương thầy Toán, sau này Điện Dương có nhiều người học hành đỗ đạt đã trở về làng mở trường dạy học, vừa dạy chữ Hán vừa dạy chữ Quốc ngữ như Đinh Triết (Hà Quảng) Lê Công Diễn, Nguyễn Ứng (Gia Lộc), tú tài Lê Tấn Tiễn, Cù Duy Tá, Lê Tấn Đoái (Hà Lộc), Văn Hiến, Trần Mô (Hà My)... Thời chống Pháp, các thầy: Văn Dương, Văn Huệ, Văn Huyền (Hà My) cùng góp phần vào cuộc “khai dân trí, chấn dân khí” do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... phát động. Từ đó một lớp tri thức hình thành trên các xã vùng cát Điện Bàn trong đó có Điện Dương nung nấu bầu nhiệt huyết yêu nước, căm thù xâm lược, sẵn sàng lên đường tham gia đánh giặc. Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, truyền thống yêu quê hương đất nước của nhân dân Điện Dương càng được phát huy cao độ, trở thành sức mạnh chiến thắng quân thù. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Điện Dương là vùng có phong trào du kích chiến tranh phát triển rất mạnh của huyện Điện Bàn. Nơi đây còn có một mắt xích quan trọng của con đường giao lưu huyết mạch giữa vùng tạm chiến và vùng tự do của tỉnh Quảng Nam từ Kiến Tân (Duy Xuyên) qua Thanh Hiệp, cầu Cống (Hội An) lên Hà My, chợ Cầu (Điện Ngọc),... rồi tỏa ra các vùng. Nhân dân Điện Dương không những lập nên những chiến công vang dội trên quê hương mình mà còn có những đóng góp lớn cho phong trào cách mạng của huyện Điện Bàn, thị xã Hội An, Quận 3 - Đà Nẵng cả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Có thể nói, trong dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc, Điện Dương quê tôi thời nào cũng có những con người yêu nước kiên trung mà công lao sự nghiệp, nhân cách của họ đã trở thành tấm gương sáng cho lớp con cháu noi theo.

Đó là gương chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt của lãnh binh Lê Ngọc Sỹ và cụ Đàm Thân dưới cờ nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu.

Đó là hình ảnh bất khuất, kiên trung của những đảng viên cộng sản như: anh hùng liệt sĩ Lê Ngọc Giá (hay ông Diện) mà cuộc chiến đấu chống Mỹ - Diệm đã trở thành huyền thoại...

Đó là người cộng sản Nguyễn Triết biến lao tù của giặc thành nơi trui rèn ý chí, là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bưng, cơ sở trung kiên che giấu cho nhiều cán bộ Huyện ủy, Tỉnh ủy hoạt động cách mạng, là người anh hùng Nguyễn Cây, vinh dự được Bác Hồ đặt tên Hồ Văn Biển...

Và còn biết bao hình ảnh của những người con yêu nước và cách mạng đã dựng nên thành đồng lũy thép chống giặc ngoại xâm trên quê hương tôi. Chỉ tính riêng hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, quê tôi đã có hơn 1.240 liệt sĩ (bình quân trong chiến tranh cứ 6 người có 1 liệt sĩ, 2 gia đình có 7 liệt sĩ, 1 gia đình có 6 liệt sĩ, 2 gia đình có 5 liệt sĩ và 63 gia đình có 3-4 liệt sĩ). Trong 2.020 hộ gia đình, toàn xã có 800 hộ là thân nhân gia đình liệt sĩ, 1.470 gia đình có công cách mạng, hơn 150 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với thành tích và những chiến công oanh liệt trong kháng chiến, Điện Dương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12 năm 1988(1). Quê hương với những hình ảnh đau thương mà anh dũng đã nuôi dưỡng cho thế hệ chúng tôi, bồi đắp cho hành trang đi vào cuộc đời binh nghiệp sau này sự tự tin và lòng dũng cảm.


(1) Theo Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Dương 1930-1945. Nxb Đà Nẵng, tháng 4-2003.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:15:06 am »

Nguồn cội thân thương

Cùng nhiều dòng họ từ Bắc vào Nam sinh cơ lập nghiệp, một nhánh con cháu của tộc Đàm ở Hương Mặc, Bắc Ninh đã dừng chân ở dải đất Điện Dương. Tôi được sinh thành, lớn lên trong chiếc tao nôi bắt vào cây đa, cội rễ của tộc họ ấy.

Theo lời các vị cao niên, tộc Đàm gốc tích ở làng Me, Hương Mặc, Bắc Ninh. Cụ triết nghĩa Đàm Văn Thân (đời thứ ba ở làng Hương Mặc) trước khi về cõi vĩnh hằng đã dặn rằng: “Dòng họ ta là dòng họ trâm anh, thế phiệt, nếu các con không nên người thì đừng nhắc đến nguyên quán làm gì mà nhục tổ tiên”. Từ đó, kế thế nhiều đời con cháu tộc Đàm truyền miệng cho nhau giai thoại, tâm niệm lời di huấn vàng ngọc của tổ tiên mà phấn đấu vươn lên giúp ích cho đời, cho đất nước. Trải qua bao bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, dòng họ Đàm tỏa đi khắp nơi, sinh cơ lập nghiệp từ La Khê, Tiên An, Yên Hưng, Quảng Ninh... đến Quảng Nam rồi Nam Bộ. Riêng ở Quảng Nam, một chi họ Đàm về đất Mỹ Khê, Phước Mỹ, Sơn Trà đến làng Hà Quảng, Điện Dương, Điện Bàn(1).

Một câu chuyện bi tráng mà ông nội rồi đến ba tôi thường kể cho con cháu nghe là chuyện thay đổi danh tính trong dòng họ: Cụ Đàm Văn Thân tham gia nghĩa hội Cần Vương chống Pháp bị giặc bắt. Chúng đã xử bắn ông và quyết truy tìm tung tích những người thân để tiêu diệt mầm mống “phản loạn”. Vì thế để bảo tồn nòi giống, họ Đàm ở Hà Quảng liền cải thành họ Trần (sinh vị Trần, tử vị Đàm – sống viết là họ Trần, mà chết khắc trên bia họ Đàm). Khi thế hệ chúng tôi lớn lên mang họ Trần như mang lời di huấn của tổ tiên họ Đàm phải rửa mối hận của dòng tộc và của đất nước dưới ách đô hộ của thực dân.

Tộc Đàm Trần đến đời cha tôi đã nối được 14 đời. Cha tôi là Đàm Trần Văn Chước, song bà con lối xóm gọi với cái tên thân mật là Ông Tửu. Ông sinh năm 1910 ở Hà Quảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cha tôi đã biến ngôi nhà của mình thành nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng của cách mạng, đồng thời tích cực tham gia các cuộc đấu tranh hợp pháp với kẻ thù. Năm 1960, ông đã dẫn đầu đoàn biểu tình xông vào chém tên quận trưởng quận Hiếu Nhơn khi bọn chúng đang xua quân lùng xục, bắt bớ, đánh đập dân làng. Ngô Đình Diệm đổ, Nguyễn Văn Thiệu lên thay, rồi Mỹ đưa quân qua, làng xóm quê hương ngày càng bị chiến dịch “ba sạch” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch) làm cho tan hoang. Nhưng cha tôi vẫn bám trụ trên mảnh đất Điện Dương cát trắng, một lòng son sắt với cách mạng. Ngày 20 tháng 1 năm 1967, ở tuổi 57 ông đã dẫn đầu đoàn quân nông dân dùng mã tấu, gậy gộc ngăn chặn cuộc hành quân của Nam Hàn để cho du kích chiến đấu rút lui bí mật. Ông đã bị quân Nam Hàn xả súng bắn chết ngay trên mảnh đất quê hương. Ông hy sinh để lại cho con cháu không phải là tiền của, gia sản mà là giọt máu son sắt trên tấm bằng Tổ quốc ghi công (được Nhà nước truy tặng năm 1976). Không kiên cường như cha, mẹ tôi - bà Ngô Thị Hữu là người phụ nữ tần tảo chịu thương chịu khó, đảm đương hầu hết công việc làm ra hạt lúa, củ khoai, hũ mắm... để nuôi chồng con và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Thời son trẻ, mẹ tham gia hội phụ nữ xã tổ chức đấu tranh hợp pháp với địch, chống bắt chồng, con đi lính... Công việc của mẹ âm thầm lặng lẽ như bao đời nay những người đàn bà biển vẫn thế, nhưng trong lòng vẫn hoài thai bao bọc những hạt cát hy vọng trong đêm đen lịch sử. Lòng mẹ như đại dương, che chắn và ru tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến, dạy tôi biết làm điều phải, biết lao động để sống, biết gắn bó với quê hương bà con lối xóm. Có lẽ chính vì tính mẹ hiền như thế mà những công việc mẹ làm cho cách mạng cũng bình dị như là chuyện giúp chồng, giúp con, nhưng đã tạo thành chỗ dựa vững chắc cho những căn hầm bí mật, cho ba, anh tôi có thể tham gia các hoạt động kháng chiến.

Trong tình cha và lòng mẹ, tám anh em chúng tôi, trừ hai người mất lúc nhỏ, một chết vì bom đạn giặc, còn lại (ba trai hai gái) đã lớn lên. Với sự bao bọc của cha mẹ uống sữa nguồn dòng họ và quê hương, anh em chúng tôi đã tiếp bước truyền thống, tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên. Người anh trai thứ ba là Trần Minh Thọ vào những năm 50 của thế kỷ trước, anh theo cậu tôi là Ngô Trường Thuận dự các buổi bình dân học vụ. Năm 1954 cậu tôi tập kết ra Bắc, anh Thọ ở lại hoạt động tại địa phương vào du kích rồi làm xã đội trưởng. Trong một trận chống càn không cân sức vào tháng 11 năm 1967, du kích xã đánh lui nhiều đợt tấn công vào làng của một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Từ khi mặt trời vừa mọc đến lúc hoàng hôn, khi thì băng mình trên cát bỏng, lúc lặn ngụp dưới cỏ lùng, cỏ lác để tránh đại bác, máy bay... quần lộn, chiến đấu đến đợt tấn công cuối ngày của bọn quỷ sa tăng thì lúc ông bị thương gãy chân nhưng vẫn bình tĩnh kiềm chế và ra lệnh cho du kích rút lui rồi rút chốt lựu đạn giả chết nằm chờ... Trong lúc vừa tỉnh vừa mê bọn lính thủy đánh bộ Mỹ đến gần và hoảng loạn kêu “vi...xi...xi” (Việt cộng), ông lăn mình xả loạt đạn cuối cùng rồi tung lựu đạn... nhưng không nổ, chúng nhào tới ôm chặt ông tiêm thuốc mê băng bó để khi tỉnh dậy có thể khai thác được gì ở ông. Đến khi mặt trời khuất sau những nỗng cát, bọn trực thăng HU-1A hạ cánh chở ông về trại giam Non Nước, nhưng chúng đã không thể khuất phục được người con kiên trung của quê hương “một tấc không đi, một li không rời”. Chẳng khai thác được gì chúng giam ông cho đến sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rồi đày ra Côn Đảo đến khi Hiệp định Pa-ri ký kết năm 1973, ông được trao trả tại Lộc Ninh rồi về làm Chính trị viên Đại đội bộ binh 2 huyện Điện Bàn. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, anh tôi về làm Bí thư xã, rồi giám đốc Công ty Thủy sản huyện Điện Bàn. Sau đó nghỉ hưu, hiện nay là Chủ tịch tù yêu nước của huyện và tham gia các hoạt động của địa phương. Bước chân anh tôi vẫn trải dài trên cát tiếp tục đóng góp cho đời những gì mà bà con chòm xóm cũng như cấp ủy, chính quyền xã Điện Dương hằng tin tưởng như những năm dài kháng chiến giải phóng quê hương.

Riêng chú em út là Trần Minh Chín, cũng giống tôi ngày trước, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, em tôi chưa đến tuổi nhập ngũ, với quyết tâm là cùng các anh giúp sức đuổi bọn diệt chủng ra khỏi biên thùy, em đã khai tăng tuổi và đăng ký nghĩa vụ lên đường. Sau thời gian huấn luyện ở Sư đoàn 859 (Quân khu 5) và bổ sung sang chiến đấu giúp bạn Campuchia. Khi đất nước Chùa Tháp được giải phóng, em tôi được về nước và tiếp tục cuộc đời binh nghiệp của mình trải qua những cương vị từ binh nhi... đến đại tá, Trưởng phòng Cán bộ Cục Chính trị Quân khu 5; đến tháng 6 năm 2010 đảm nhiệm chức vụ Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 315 (Quân khu 5). Là Đáng ủy viên Quân khu nhiệm kỳ (2010-2015) cùng Ban chấp hành Đảng bộ xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh... Em tôi là thế hệ kế tiếp truyền thống của hai anh và gia đình để cha mẹ tôi nơi vĩnh hằng yên nghỉ thảnh thơi.

Như cây đa ngày một lớn lên, tỏa thêm nhiều cành nhánh, từ cha mẹ tôi đã sinh thành nên hơn 40 cháu, chắt nội, ngoại trong đó có 6 cháu nội trai (1 cháu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Điện Dương, 5 cháu là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam) 3 gia đình anh em chúng tôi đã có 14 người đứng trong đội ngũ của Đảng. Các con cháu đã biết phát huy truyền thống của gia đình, tộc họ, học tập rèn luyện nên người, giúp ích cho đời, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dù ở trong hay ngoài quân đội, cán bộ nhà nước hay làm người lao động bình thường.

Có một nhà thơ đã viết: “Không yêu được họ hàng, yêu chi nổi nhân dân” Từ nguồn cội thân thương với một tình yêu giản dị, tôi bước ra đời dấn thân vào binh nghiệp gắn bó với bao đồng đội, đồng chí, đồng bào, như một chiếc thuyền bắt đầu từ bến nhỏ đi dần ra khơi, đi dần vào biển lớn.


(1) Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì các dòng họ từ miền Bắc vào châu Ô, Lý (Bắc miền Trung) từ thời nhà Hồ (sau năm 1402) và cuộc di dân lớn thứ hai, bắt đầu sau khi vua Lê Thánh Tông lập Đạo thừa tuyên Quảng Nam năm 1471.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:16:05 am »

Tuổi thơ

Khi đất nước quê hương bị kẻ thù giày xéo, chết chóc đau thương máu và nước mắt đã tràn ngập làng quê bé nhỏ, từ một cậu học trò tiểu học tôi được các người chị dẫn đường hòa vào biển lớn cách mạng tháng 10 năm 1962, tuổi 12 được cậu ruột và chú Hoàng kết nạp vào đội công tác mật từ thị xã Hội An đến các vùng Điện Dương và cánh bắc Quảng Đà. Sau những tháng ngày dìu dắt tôi trưởng thành và được bầu làm thiếu đoàn trưởng thiếu niên Tiền phong của xã... đến tháng 3 năm 1963, là 13 tuổi, cậu tôi đưa lên núi để gia nhập vào đội công tác Đ64. Vậy là tôi đã giã từ trường lớp, bạn bè, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu...

Những vết đòn roi

Tôi nhớ trận đòn, tên cảnh sát quất vào đầu tôi cái tát và thầy giáo H.C ghi vào sổ điểm 2. Không phải buổi đó mà cách đó hai năm (năm học 1960 - 1961) tại một mảnh sân trường ở làng cát Cẩm Hải quê tôi (nay là Điện Dương) vì quá mải mê cái trò bịt mắt bắt dê, tập trận giả làm ná cao su “bắn nát đầu bọn giặc”. Và cũng cái ngày mà Đủ bạn học của tôi bị thầy giáo ném thước trúng vào giữa thái dương, máu trào ra lai láng giữa phòng học của lũ trẻ thơ “ngông cuồng” khờ dại ham chơi, tinh nghịch, tôi hiểu mình hơn. Lũ học trò chúng tôi lại bị bắt quỳ trên xơ mít. Tôi van xin: “Thầy ơi! Đừng đánh em nữa vì mẹ ốm em phải nấu cơm và đưa cơm cho cha đi biển nên đêm chưa học bài thuộc...”. Nhưng thầy đâu màng những tiếng van xin thất vọng bị chặn lại. Tiếng tróc... tróc...” của roi dương (cành phi lao) đau xé da và rát buốt hai đầu gối vì gai vỏ mít.

Từ đó, từ cái hôm đó, sau những trận đòn của bạn, của bản thân do không thuộc bài bị thầy phạt, tôi cứ căm cái cách trị học trò của nhà trường mà nền giáo dục của chế độ cũ bảo là phương pháp để học sinh nhanh chóng thông minh và để “phụng sự Tổ quốc khi hữu sự”. Rồi những cái tát, tiếng nguyền rủa của bọn cảnh sát, bảo an, hội đồng xã v..v.. cũng thường ám ảnh những đứa trẻ của gia đình bị tình nghi giúp đỡ kháng chiến. Bị nhiều trận đòn đau, song chúng tôi vẫn cứ cần mẫn học hành chứ đâu có hiểu hết những việc gì đang xảy ra chung quanh cái trường học mà bốn bề là hàng rào dày kẽm gai, rồi gót giày đinh tuần tra của lính ngụy lạo xạo ngày đêm...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:17:18 am »

Lửa cháy và ý thức bùng lên

Năm học 1960 - 1961 đã qua, năm học 1962 - 1963 tôi không được đến trường. Quê hương đã có tiếng súng phá kèm, diệt điệp. Tôi theo các anh, các chị với tâm trạng vui vui. Các chị bảo cầm báo thì cầm báo, cầm giấy thì cầm giấy, bảo vào thành vào thị thì vào. Cứ như vậy tôi đi vào thực hiện những lời dạy của các chị. Thấy việc tôi làm ngày có kết quả, các chị lại cho lựu đạn bảo cài trên cầu lúc xe ngụy đi qua, hoặc lúc xe đậu hay tạm dừng ở bãi trú quân khi chúng ngủ say. Có lần (trong mùa xuân 1963) tôi và Đình (tên thật là Nuôi, sau này đi bộ đội, hy sinh) xông vào một tốp lính đi đường ném lựu đạn diệt 3 tên thu 2 súng rồi biến vào rừng dương chạy miết về nhà. Bao nhiêu việc táo bạo mà tôi thấy vui thích và cuốn hút tôi vào như trò ú tim. Những việc ấy chị Ngành - người “chỉ huy” của tôi chỉ còn biết mắng yêu: “Bọn bay liều như vậy có ngày không ai đến ứng cứu kịp đâu nghe...”. Chị nói vậy nhưng chị ôm chặt chúng tôi vào lòng, tôi thấy mắt chị vui. Và mùa xuân năm ấy tôi được chính thức vào đội do chị chỉ huy làm những gì mà chị thấy vừa sức của mỗi đứa.

Việc học sao không lôi kéo tôi ham đến vậy, mà sao những công việc mạo hiểm kia cứ mỗi ngày đưa tôi vào không khí sôi động của lứa tuổi 12. Tôi hành động mạo hiểm mà không biết sợ là gì. Một hôm tôi từ dưới biên chạy về nhà, khi nhìn thấy bọn lính bảo an đang xúm quanh một hình nộm bằng rơm “gầy như que củi” đầu đội mũ nan, tay bưng cái rổ có một ít lát khoai khô, một bên có tấm biển đề “7 người cộng sản bu ống đu đủ không gãy” chúng vừa chỉ, vừa cười hí hố mà không nhìn dòng chữ viết bằng than đè lên: “Đả đảo Ngô tổng thống, Hồ Chí Minh muôn năm” và dưới cái hình nộm đó, tối qua các chú du kích chỉ cho tôi và Đình cài hai quả lựu đạn M.26 của Mỹ rồi dòng dây vào gốc cây keo ở cạnh chuồng heo nhà tôi. Nhân lúc không nhìn thấy, tôi hô to: “Các ông ơi! Việt cộng kìa...” rồi nhanh như sóc nhảy vào gốc keo giật dây, một tiếng ầm ầm làm cả bọn đang lùng sục trong làng chạy ra hốt hoảng vãi đạn loạn xạ xúm lại khiêng đồng bọn. Tôi kịp thời lao xuống giếng nước mà cha tôi đào để tưới nước khoai vào những ngày nắng nóng cách sân nhà tôi chừng 200m rồi chui vào hầm bí mật nơi chú Minh Hoàng, cán bộ Huyện ủy nằm vùng đang ở đó. Chú xoa đầu tôi đang thở hổn hển rồi tấm tắc: “Giỏi... tuổi nhỏ, chí lớn... Giỏi... Giỏi thiệt...” rồi tôi ngủ say trong vòng tay của chú.

Và có lần vào Hội An về, cha tôi quát: “Mi là thằng mất dạy, ai bảo mi đi đầu đoàn biểu tình sáng nay...”. Cha tôi mắng nhưng ông đâu có nói hết lời và cũng chẳng thấy ông bảo không được làm việc ấy. Bởi chỉ vì tôi sợ nói ra cha tôi không cho làm và may sao đêm đó chị Ngành nghe được đến an ủi tôi và xin cha để chị dạy bảo các em. Ấy là lời của một bà chị và cũng là một vị “chỉ huy” hàng ngày giao nhiệm vụ cho tôi (...)..

Tôi nhớ Nhung, em sinh ra cùng tôi trên mảnh đất mà mỗi hạt cát cũng mang một vết thương, rì rầm những câu chuyện về lẽ sống. Cũng từ đó và chính mảnh đất này chắp cánh và nâng bước đời tôi.

Trên mỗi lối mòn bãi cỏ, vườn ươm nơi sân trường vắng bóng thầy trò, rồi những buổi trăng thanh soi bóng trên các sân nhà chúng tôi hết đóng kịch “lưỡi gươm đẫm máu” rồi hát vang bài ca “Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng...” rồi những đêm gần như không ngủ, tôi và Nhung hô to “đả đảo đế quốc Mỹ! Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!”. Cứ như vậy suốt một quãng thời gian dài khi tôi làm Thiếu đoàn trưởng Thiếu niên Tiền phong của xã, tôi cùng Nhung và các bạn trang lứa như bầy chim chưa đủ lông đủ cánh, cứ chập chững bay đi mãi vào cuộc sống lạc quan những ngày đầu quê tôi vừa giải phóng.

Tất nhiên lúc đó tôi chỉ biết nghe theo các anh chị về bảo Nhung và các em đi đào hầm, đặt chông, báo cho du kích biết là Mỹ - ngụy đi lối nào, và “chạy đưa giấy” hết chỗ này sang chỗ khác... vắt chân lên cổ mà chạy cho nhanh đến chỗ hẹn để gặp du kích. Hết ngày này qua ngày khác, công việc cuốn hút tôi có lúc như quên ăn, thậm chí quên cả việc “tề gia nội trợ” mà mẹ đã dặn (lúc đó không còn ai lớn trong nhà nên tôi phải đảm nhiệm cái “vinh dự” lớn lao ấy). Thật vậy, không biết mấy lần tôi bị cha lôi về nằm sấp lên ván và đánh cho bốn, năm roi dương liễu vì bỏ việc nhà mẹ dặn (đi chợ, mua rau heo, giã gạo nấu cơm, giặt giũ quần áo v...v).

Nhưng dù có bốn, năm chứ hàng trăm roi cũng không thể bắt tôi ở nhà. Mặc dầu cha biết việc tôi làm là có ích nhưng vì tuổi tôi còn nhỏ cha sợ lỡ việc lớn sau này mới biết cách dạy của cha là để che mắt mọi người, chứ thâm tâm cha rất muốn vì lúc đó ở nhà có nuôi ba cán bộ cơ sở, kể cả chú Minh Hoàng (đã hy sinh sau này).

Đánh mãi nên lì đòn... Vào một sáng mùa thu, tôi được chị Ngành giao nhiệm vụ đóng vai “học sinh” trường Trần Quý Cáp - Hội An cùng với Đình (tức Nuôi) lãnh trách nhiệm làm liên lạc cho đoàn đấu tranh chính trị. Tôi không chần chừ nhận ngay. Cha không hề biết và tối hôm đó cha bảo: “Mai con ở nhà nấu cơm cho các chú du kích và các em ăn; cha mẹ đến tối và không biết đến bao giờ mới về”. Tôi cứ “dạ” mà trong bụng chẳng lấy gì làm phấn khởi...

Sáng hôm đó mới 3 giờ gà chưa gáy nhưng khắp các nẻo đường của làng quê cát, tôi thấy không biết bao nhiêu đoàn và mỗi đoàn không biết bao nhiêu người, mà chỗ nào cũng có, kẻ khăn người nón, bà gánh ông mang băng cờ khẩu hiệu... Tôi và Đình được trang bị chẳng kém gì các chàng “thư sinh” của thị xã chạy khắp các đoàn biểu tình, chỗ nào cũng thấy người từ già đến trẻ. Chạy đến đoàn này đến đoàn khác, tôi thấy cả những bà chị đầu bịt khăn, tay bồng con nhỏ, tay xách mo cơm cũng hăng hái đi cùng đoàn.

Có tiếng gọi từ hàng trên xuống dưới của một phụ nữ: “Hùng... Hùng! Bắt đầu nghe em”. Đó là mật hiệu, là mệnh lệnh. Tôi vâng và chạy, chị nói theo: “Hai em đi khỏe và học giỏi nghe” đó cũng là mật hiệu liên lạc. Tôi chạy theo đoàn người hết ngả này đến ngả khác, từ Tân Khai, Hà My, Hà Quảng, chợ Cầu và nhiều nơi khác. Bà con rùng rùng đổ về ngã ba cầu Phước Trạch quận Hiếu Nhơn đó là mục tiêu tiến công từ nhiều hướng, cả những xã, phường Hội An cũng tiến vào. Tôi và Đình hăm hở và tìm mọi cách để lách qua các đoàn người lao về phía trước đoàn biếu tình nơi mà người chỉ huy đang đợi. Nhưng vượt qua chưa được hai phần ba đoàn thì phía trước có tiếng gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, không được bắn vào bà con!” Đó là lời hịch và mệnh lệnh của những người chính nghĩa đang kêu gọi bọn lính gác quận. Nhưng không, bất chấp những lời kêu gọi khẩn thiết của đồng bào, địch vẫn nổ súng và tiếng kêu vang lên: “Có người trúng đạn bà con ơi!”. Mắt tôi nhìn thấy hai người đàn ông cầm băng rôn đi đầu ngã xuống trước họng súng của bọn lính đang chốt giữ cầu Phước Trạch. Trong sóng người nhô lên, tôi phải tìm cách quay lui để báo tin cho chị Ngành. Khi ra khỏi, tôi bắt đầu chạy về báo tin, bọn lính phát hiện bắn theo rào rào trên đầu. Băng về tới điểm hẹn thì các anh chị ra đón. Mặt cắt không còn giọt máu, tôi hổn hển: “Chết... chết hai người”. Chừng để một lát cho tôi lại sức hoàn hồn, các anh chị hội ý nhanh và rồi chị Ngành bảo: “Bây giờ, em chạy xuống nói với bà con là tiếp tục tấn vô quận, khoảng 10 giờ trưa, chị sẽ cho người tiếp tế cơm nước”. Thế là tôi lại băng đi, khi trở lại, người ở đâu đã kéo đến nghìn nghịt. Hướng có tiếng súng nổ đã có thêm 3 người nữa bị địch bắn trọng thương. Các chú nằm đó trên đầu cầu, máu loang thắm đỏ những tấm băng đắp. Tìm được người chỉ huy trực tiếp đoàn biểu tình, tôi truyền đạt lại mệnh lệnh chỉ đạo và chú ấy lập tức kêu gọi bà con: “Đồng bào hãy tiếp tục tiến lên, cho đến khi nào quận chấp nhận yêu cầu không bắn phá vào làng xóm và bồi thường tính mạng cho người đã chết”. Rồi chú ấy kéo tay tôi đi lên phía trước. Bất ngờ gặp cha sợ mất hồn vì biết cha sẽ la. Nhưng sao lúc đó cha chẳng nói chi, chỉ hỏi: “Chứ giày dép con đâu? Quần áo ràng mà lấm bùn đất nhiều rứa?”. Ánh mắt cha nhìn như quở trách mà chan chứa yêu thương con trẻ.

Cuộc đấu tranh của bà con Điện Dương (Cẩm Hải - Hội An) đến 17 giờ cùng ngày thì kết thúc. Quận trưởng quận Hiếu Nhơn đã phải chấp thuận yêu cầu của những người biểu tình. Tối hôm ấy những người chỉ huy cuộc biểu tình họp rút kinh nghiệm. Riêng tôi thì bị cha lừ mắt như muốn đánh đòn vì không nghe lời mẹ dặn ở nhà nấu cơm tiếp tế.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:19:33 am »

Xa mẹ

Tháng 3 năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền Nam. Quê tôi bắt đầu oằn lưng vì giày đinh và xích xe tăng Mỹ. Cuộc sống đảo lộn. Tiếng súng lại vang xa và nổ nhiều ở các xóm làng Quảng Đà yêu dấu. Trong giấc nồng tôi mơ bồng súng xông vào đám quỷ sa tăng đang ào ạt đổ vào cảng Đà Nẵng (...). Sông Hàn cuộn sóng, đường phố tràn ngập máu và nước mắt. Tôi hét to trước cảnh một tên Mỹ cắp một em bé ném vào bụng xe vì em chưa kịp bê thùng cà rem chạy khỏi đường để xe chúng qua. Và cứ thế tôi kêu thét: “Không... không được!”. Cặp mắt thơ dại ngây ra khi tôi chợt tính, thấy cha ôm chầm lấy tôi mà dỗ và lau mồ hôi. Rồi ông sờ soạng khắp người tôi xem có sao không. Tôi lại thiếp đi trong chiếc chiếu còn thơm mùi cói, trong hơi thở của cha tỏa khắp...

Biết tôi khao khát một cuộc ra đi (như đã có lần đi vào tháng 3 năm 1963), cha mẹ băn khoăn lắm. Lần đi trước, khi anh Nhan, Chính trị viên Đ.64 về nhận quân thì anh Minh Hoàng - Huyện ủy viên hoạt động ở nhà tôi nói với anh Nhan: “em còn nhỏ quá, tuổi 13 có điều kiện hoạt động hợp pháp trong đội công tác binh vận...”. Đến lần này thì cậu tôi cũng lên căn cứ nên nhất quyết đưa tôi đi cùng.

Cha mẹ băn khoăn không phải vì lẽ tôi đi sẽ thiếu người lo cơm nước cho cha, anh đi biển. Cũng không sợ thiếu một tay đỡ đần mẹ trong việc nhà và trông nom hai em nhỏ. Hình như cha mẹ chưa thể nào tin đứa con thứ sáu mới mười lăm tuổi đầu dám xung phong vào bộ đội. Mà cha mẹ nào không thương nghĩ và nhìn đứa con thơ dại. Mẹ sợ tôi cực, mẹ lặng lẽ ngồi vá chiếc áo cũ cho tôi. Anh Ba Thọ thì không nói gì, hai em Tám, Chín nhìn tôi ngơ ngác: “Anh muốn làm anh giải phóng à?”. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ một câu: “Tui đi!”. Cha rằng: “Mày mà sợ cực quay lui, tao chặt làm ba khúc”. Nói rồi ông lặng lẽ bảo anh và tôi cùng sửa soạn thuyền lưới ra biển. Một cuộc ra biển để tìm kiếm chút cá tôm làm mâm cơm cúng ông bà cho tôi lên đường...

Đêm trước lúc ra đi, gió nồm mát rượi, nhìn bốn bức phên không còn ai ngoài mẹ và hai em. Tôi ôm mẹ, hôn em rồi mang chiếc gùi lặng lẽ ra đi. Không dám hỏi thêm cha mẹ điều gì. Bởi mẹ tôi hay rớm lệ, Tám còn bé, Chín em út đang ngủ say. Cha đi biển chưa về, anh ba Thọ thì lặn lội ngoài trảng. Đêm say đắm trong muôn vàn mùi vị. Chỉ có mùi nước biển bốc lên mằn mặn là khác, khác hẳn với không trung của đêm tháng ba ở vùng cát. “Con đi mẹ đừng nói với cha và anh, đừng bảo gì với Tám, Chín nghe mẹ”. Tôi nói và lùi dần ra khỏi cửa. Gió nồm vùng biển đưa tôi xa dần, xa dần cái miền quê đầy khát vọng của tuổi thơ. “Nhớ gửi thơ về nghe con!”, “Dạ” tôi trả lời và khuất dần sau mấy hàng dương uốn mình vẫy theo trong đêm gió biển. Biển lại cuộn theo từng đợt sóng và rồi phẳng lặng với dân chài như bao năm rồi họ lặn lội nơi đây. Để sống mãi với biển, họ đã đi lên trên đại dương dập dềnh sóng nước, vượt qua những hiểm nguy nhiều lúc như chiếc lá mong manh trong bão tố. Đứa con của biến như tôi ra “biển đấu tranh cho độc lập của quê hương” sẽ có bao nhiêu người nâng bước? Chắc chắn là nhiều, như lá rừng dương góp phần thổi bùng lên ngọn lửa...

Từ buổi đó cho đến những năm tháng chiến đấu sau này và khi biên giới Tây Nam vẫy gọi lần thứ hai tôi ra đi mà lòng luôn nung nấu những vần thơ về mẹ:

                        “Thưa mẹ, con đi”:

                        Xa mẹ tuổi mười ba
                        Nay mới ghé qua nhà
                        Xuân xanh tròn ba sáu
                        Đời vẫn còn bôn ba
                        Mẹ ơi! Con đi nhé
                        Biên cương đang đợi kia...


(Điện Dương, tháng 3-1963
Đông Bắc Campuchia tháng 3-1986)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:23:19 am »

Chương hai

TỪ CHIẾN TRƯỜNG ĐẾN CHIẾN TRƯỜNG

Nháy núi

... Đêm về khuya, biển lùi dần. Chúng tôi men theo nỗng cát dọc đường số 6 từ Điện Dương ra sở Mỹ (Bệnh viện người cùi - bệnh phong do Mỹ xây dựng) đến Điện Ngọc, huyện Điện Bàn giáp Hòa Hải huyện Hòa Vang rồi men theo bờ ruộng của Điện Thắng để vượt đường 1A. Hành trang không có gì nhiều chỉ có 2 bộ quần áo bà ba cũ, đôi dép cao su, lương thực là 2 ổ bánh mỳ và một cặp đường đen mẹ tôi nhét vội vào cái gùi, mà sao lúc này cảm thấy nằng nặng trên vai. Tôi vừa xốc lại cái gùi thì có một tín hiệu phía trước: “Nằm xuống!”. Lợi dụng bờ ruộng chúng tôi tản ra để ẩn nấp, từ hướng Đà Nẵng vào Vĩnh Điện có một tốp lính đi tuần tra... Tôi buột miệng: “Bị lộ à?”. Đình bấm vai: “Chưa chắc, có khi bọn nó đi theo quy luật...”. Bình tĩnh chờ lệnh.

Nằm áp người vào lòng đất mẹ, hương lúa đông xuân vừa lên đòng lòng tôi nhẹ nhõm và thầm cảm ơn các anh, chị du kích đã dạy cho tôi biết về cách phòng tránh khi trên đường gặp địch, thở không phát ra tiếng động, nằm mà địch đi qua không biết, mắt nhìn mà không để phát ra ánh sáng nhất là khi có đèn pha ô tô chiếu vào v..v.. Tôi đang miên man nghĩ suy thì lệnh: “Vượt đường”, tôi và mọi người cắm đầu chạy một mạch cho đến khi vượt qua khỏi nỗng Bầu Mưng, xã Điện Thắng rồi lẩn vào làng để kiểm tra quân số đi tiếp...

Cứ thế, đêm quê hương trải dài theo bước chúng tôi di, luồn lách giữa khoảng cách của huyện Điện Bàn và huyện Hòa Vang để tránh bọn giặc và chỉ điểm. Đêm thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, phía trước chúng tôi là một miền xanh bất tận. Tôi vui quá reo lên: “Ôi rừng, anh em ơi!”. Suối chảy róc rách, tôi dừng lại làm một hơi thật đã khát, rồi quơ tay tung nước lên cao để làm mưa..., không ngờ đã vô tình làm cho các chú chim đang ngái ngủ tung cánh vẫy vùng giữa đại ngàn xao động nắng xuân.

Tất cả đều mới lạ, một người con của biển được lên rừng, từ đỉnh núi của dốc xe đạp (tên giao liên thường gọi khi qua đây) tôi nhìn về biển: “Phương đông hừng sáng, nắng lên đỏ ngàn...” đã in sâu trong tâm trí của tôi để rồi sau này thay lời kết của bài thơ (Đêm biên cương nghe vọng lời non nước - Dáng núi năm 2003).

Núi rừng là điểm dừng chân đầu tiên của tôi để làm quen với môi trường mới, môi trường quân giải phóng Quảng Đà và biết thêm phiên hiệu của đơn vị là K71; anh Ngọc và anh Sen là người lớn nhất và lần đầu tiên tôi được nghe mọi người gọi là thủ trưởng, rồi các anh bảo chúng tôi hàng ngày phải gọi nhau bằng đồng chí. Còn bọn chúng tôi thì trố mắt nhìn nhau. Đứa thì cao, đứa thì thấp mặt mũi chẳng ai giống ai (răng) mà gọi đồng chí? Tôi đang thắc mắc thì anh Ngọc vỗ vai: “Đồng chí có nghĩa là đồng chí hướng đi đánh giặc, giải phóng quê hương anh bạn ạ...!”. À là như vậy? Tôi thở phào rồi lẩn vào đám đông vì xấu hổ... Sau một tuần ổn định biên chế, vì tôi nhỏ nhất đơn vị nên được anh Ngọc và anh Sen cho ở chung một chỗ, hàng ngày cùng hai anh đi rừng với anh em. Người chặt cây, bẻ lá, san nền để làm nhà. Chiều về, anh Ngọc giao cho tôi một tay lưới cước ra suối đánh cá cho đơn vị cải thiện. Bởi Đình giới thiệu ở nhà tôi đã theo cha và anh đi đánh cá biển nên các anh tin tưởng. Tôi suy ngẫm về câu nói mỗi lần ngồi bên cha vá lưới: “Nhứt chạng vạng nhì rạng đông...”. Có nghĩa là vào thời điểm đó thường đánh bắt được nhiều cá, tôi vận dụng làm theo mỗi lần chiều đến và sáng ra lúc nào cái ăng-gô cũng đầy ắp vừa tung tăng vừa nghêu ngao: “Thuyền ơi! Thuyền lưới ơi! Dưới khoang, nhặt cá đầy...”. Cứ hát đại cho đến lúc về đến nhà mọi người chạy ra trầm trồ nhiều, nhiều hỉ? Anh Ngọc và anh Sen cứ xoa đầu, không chọn nhầm “ngư phủ”.

Biết vậy, hằng ngày tôi vẫn đều đặn đi tập quân sự, học 10 lời thề, 12 điều kỷ luật và nhất là mỗi lần nghe cả đơn vị hát bài: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước...” rồi: “Vì nhân dân quên mình...” cứ cháy lên theo ngọn lửa bập bùng quanh lán, trại... làm cho núi rừng, khe suối, chim muông cùng hòa chung bản nhạc thôi thúc chúng tôi ra trận...

Cái gì đến rồi cũng đến, giữa những ngày tháng tư, tôi đang thu lưới bắt mẻ cá lúc chạng vạng dưới suối, thì Đình chạy ra gọi về sinh hoạt đơn vị. Hai chúng tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi không biết có chuyện gì? Vì mọi hôm tôi mải miết đánh bắt cá tối 21 giờ mới về, bữa nay về sớm vậy? Sau khi giao cá cho anh nuôi, tôi chạy lên báo cáo anh Ngọc, anh Ngọc hỏi: “Hôm nay đủ liên hoan cho đơn vị một bữa không?”. Tôi định thưa thì anh Sen an ủi: “Nói cho vui thôi, đã có một con heo và thịt hộp, rồi cá của Hùng nữa là đã đời rồi, đừng lo! về thay quần áo để đi sinh hoạt đơn vị”. “Dạ!”.

Núi rừng, tây Quảng Đà về đêm càng yên tĩnh lạ thường. Dưới ánh đèn tự tạo thắp bằng dầu rái của những người dân đi đốt than còn sót lại, đơn vị thu gom đồ dùng mỗi khi sinh hoạt tập trung, tôi cứ mải nhìn lên mái nhà lợp bằng lá trung quân còn tươi xanh rồi liên tưởng những ngày đi rừng bị vắt cắn, muỗi đốt, thèm muối, đói cơm, sao đời vẫn vô tư vậy. Và nữa nhớ nhất là mỗi khi được xuống đồng bằng vùng A Điện Bàn, vùng B Đại Lộc để gùi gạo, vào những buổi chiều khi mặt trời khuất núi rồi, vùng giáp ranh, đồng bằng hiện lên trước mắt là những cánh đồng lúa xanh rì rào trước gió, thấp thoáng các nếp nhà dân tỏa khói lam chiều. Đêm đến, chỗ nào có ánh đèn chớp chớp trong các lùm cây hoặc gốc rơm đó là “tín hiệu” an toàn, nhân dân báo hiệu không có địch đi càn quét. Tôi cùng anh em nhào tới hạ gùi đổ gạo, muối, có hôm có cả thịt, cá hộp và đường sữa... ước chừng 15 đến 20kg vừa sức của mỗi đứa... xong xuôi, các mẹ, các chị thu giấy ghi nhận rồi dẫn vào nhà “chiêu đãi” một bữa no say đến khi tiếng gà gáy báo hiệu chở nhứt, tôi và anh em lại lên đường bịn rịn chia tay những tấm lòng thơm thảo của nhân dân đồng bằng Quảng Đà dành cho mỗi lần đi gùi gạo...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 08:25:34 am »

Đi gùi gạo, có khi cũng đổi bằng máu nếu gặp địch phục kích không về được trong đêm hoặc trên đường đi cũng có lần bị phi pháo chặn đường rồi biệt kích, thám báo rình rập ngày đêm.

Có lần từ vùng B Đại Lộc, tôi và Ư cùng tiểu đội vừa ra khỏi nhà dân chuẩn bị lên ranh (vùng giáp giới giữa đồng bằng và căn cứ), vừa đi thì thấy mấy bụi chà là lá sắc nhọn như chông tua tủa những trái vàng, trái đen đang lấp lánh những giọt sương mai. Tôi bảo Ư nghỉ làm mấy quả đỡ khát nước nhân thể chờ phía sau lên rồi cùng vượt dốc Ông Thủ (tên địa phương quen gọi). Bất ngờ một loạt pháo bầy ụp tới, tôi vơ vội chiếc gùi rồi cắm đầu chạy tìm chỗ ẩn núp. Khi quay lại nhìn thấy Ư đang lê chân mà cái gùi gạo vẫn cõng trên lưng. Tôi đến cạnh dìu Ư, thấy bắp chân phải đã trúng mảnh pháo, tôi cầm máu rồi cố hết sức bình sinh cõng gùi của mình và khoác gùi của Ư trước ngực, vừa động viên Ư vừa kéo vào một tụ thủy gần đó ngồi chờ.

Khi cả đơn vị tới, nhìn tôi chỗ nào cũng rớm máu. Anh Ngọc sờ soạng khắp người và hỏi: “Mi bị thương chỗ mô mà máu ra nhiều rứa?”. Tôi ấp úng: “Không! Em không việc chi” rồi chỉ sang Ư đang nằm lấy sức. Anh Ngọc đến chăm sóc cho Ư, tôi mới sực nhớ là mình bị gai, lá chà là cào khi tìm chỗ tránh pháo...

Đình, tôi và Ư ba anh em cùng thôn. Nhưng Ư lớn tuổi hơn đang ôn lại những gì mà ba đứa từ ngày xa quê đến nay chưa có dịp chuyện trò.

Rồi đơn vị đứng dậy, trực ban báo cáo anh Ngọc: “Đơn vị đã đông đủ mời thủ trưởng làm việc...!”. Tất cả ngồi xuống, anh Ngọc ra lệnh! Và giới thiệu anh Sen phát biểu với đơn vị:

- Như các đồng chí đã biết, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Đà đã điều các đại đội Đ61, Đ62, Đ63 xuống các vùng địch còn kìm kẹp, kết hợp với nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược. Đại đội Đ64 là đại đội trợ chiến, gồm hỏa lực ĐKZ, cối 81 và đại liên, phối hợp với bộ binh và đặc công, đêm 30 tháng 5 năm 1961 với truyền thống “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” bí mật dùng cối và ĐKZ tập kích sân bay Đà Nẵng, lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai...

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới mà vị trí chiến lược của tỉnh Quảng Đà bao giờ cũng thành mảnh đất đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Khi mà chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã sụp đổ hoàn toàn, ngụy quyển ở miền Nam rệu rã, ngày 8 tháng 3 năm 1965 hơn 3.000 quân thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ từ Ô-ki-na-oa ào ạt đổ bộ lên Đà Nẵng.

Miền núi là nơi các lực lượng vũ trang cách mạng phát triển để tiến về đồng bằng đánh địch, “phá ấp chiến lược” giải phóng nông thôn, giải phóng nhân dân... Do vậy, thời gian huấn luyện của chúng ta phải tạm ngừng để bổ sung quân số cho các đơn vị chuẩn bị mở rộng lực lượng và thành lập đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn...

Anh Sen nói vừa dứt, cả hội trường vang dậy tiếng vỗ tay dội vào vách núi tỏa lan một hồn thiêng sông núi: “Ra đi giữ trọn lời thề. Diệt chưa hết giặc chưa về quê hương...” cứ âm vang mãi khi những cánh tay giương cao sẵn sàng... sẵn sàng...

Tiếp theo, anh Ngọc đọc danh sách từng tiểu đội, ai đi đâu, đơn vị nào rất rõ và to. Đến lượt tôi, anh hỏi: “Hùng bao nhiêu tuổi? Từ ngày về đây cân được bao nhiêu cân?”. “Dạ, em sinh năm Canh Dần 1950, hôm vô đơn vị cân được 35kg!” Anh ngạc nhiên: “Ủa mi mới 15 tuổi à, 35kg có vác nổi nòng cối 81 không?”. Như sợ chưa được đi về đơn vị chiến đấu, tôi nhanh miệng nói “tuổi nhỏ nhưng cố gắng tập luyện sẽ tăng cân ạ. Cho em đi lần này nghe thủ trưởng? Thôn em có ba đứa; Đình, Ư đi, em ở lại thì buồn... buồn lắm!”.

Từ đầu hàng quân, anh Sen đến cạnh tôi và ân cần: Thôi được, sau đây về láng gặp nhân viên quân lực hướng dẫn bổ sung vào hồ sơ trước khi về đơn vị, thời gian chúng ta còn ba ngày để chuẩn bị...

Đêm đó và ba ngày còn lại, tôi, Đình, Ư mỗi đứa một ý nghĩ. Trong ba đứa thì Ư hơn tôi và Đình tới 2, 3 tuổi, còn tôi và Đình cùng là tuổi Dần (theo hồ sơ gốc trước khi đi). Bây giờ bổ sung như thế nào đây? Băn khoăn nghĩ mãi không ra...

Anh Ngọc đến và hỏi: “Ba đứa đang bàn mưu tính kế gì mà thì thầm mãi vậy?”. Ư thay tôi và Đình trình bày: “Hai đứa không biết tính tuổi như thế nào cho đúng ý thủ trưởng - Sen nói!”. À ra vậy, rồi anh Ngọc mách đường, nếu hai đứa cùng sinh năm 1950 thì mới 15 tuổi, e đơn vị mới không nhận đâu, vì bọn bay chưa đủ vị thành niên mà... Nghe đến đây, tôi lại thắc mắc: “Sao hôm học chính trị, thủ trưởng bảo Bác Hồ kêu gọi toàn dân kháng chiến thì không kể trẻ già, trai, gái. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm...”. Răng bọn tôi 15 tuổi mà không vào bộ đội chủ lực của tỉnh được? Anh Ngọc cười rồi bế thốc tôi lên: “Thằng này giác ngộ thật, đưa ngay cả lời Bác Hồ dạy ra để thách đố cấp trên...”. Rồi ông ôn tồn chí dẫn tôi và Đình bổ sung hồ sơ khai tăng lên một tuổi cho tròn 16 tuổi.

Và từ đây năm sinh của tôi là 1949, được bổ sung về Đại đội hỏa lực Đ64.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM