Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:10:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Về chiến lược an ninh của Mỹ hiện nay  (Đọc 3130 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:35:33 am »

III. CỦNG CỐ CÁC LIÊN MINH NHẰM ĐÁNH BẠI CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ TOÀN CẦU VÀ HỢP TÁC ĐỂ NGĂN CHẶN CÁC CUỘC TẤN CÔNG NHẰM VÀO CHÚNG TA VÀ BẠN BÈ CỦA CHÚNG TA

"Đối với người Mỹ, ba ngày thoát ra khỏi sự kiện này vẫn chưa phải là chiều dài lịch sử. Nhưng trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử đã rõ ràng: chúng ta phải đánh trả những cuộc tấn công này và giải thoát thế giới khỏi tội ác. Chiến tranh đã được phát động chống lại chúng ta bằng trộm cắp, lừa đảo và giết người. Quốc gia này là một quốc gia hoà bình nhưng nó sẽ trở nên hung dữ khi bị chọc giận. Cuộc xung đột này nổ ra với thời gian và điều kiện do kẻ khác xác định, nhưng nó sẽ chấm dứt theo cách thức và thời điểm do chúng ta lựa chọn."

Tổng thống Bush, phát biểu tại
Nhà thờ Quốc gia, Washington D.C, 14-9-2001


Mỹ đang tiến hành cuộc chiến chống lại khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Kẻ thù ở đây không phải là một chế độ chính trị, một con người, một tôn giáo hay một hệ tư tưởng đơn nhất. Kẻ thù ở đây chính là chủ nghĩa khủng bố - có chủ định và động cơ chính trị khi gây ra bạo lực nhằm vào những người dân vô tội.


Tại nhiều khu vực, những bất bình chính đáng đã ngăn cản sự ra đời của một nền hoà bình bền vững. Những bất bình này đáng được, và phải được giải quyết bằng một tiến trình chính trị. Nhưng không lý do nào có thể biện minh cho khủng bố. Mỹ sẽ không nhượng bộ đối với những yêu cầu của quân khủng bố và sẽ không có bất kỳ thoả thuận nào với chúng. Chúng ta sẽ không phân biệt giữa những kẻ khủng bố và những kẻ cố ý chứa chấp hoặc Viện trợ cho khủng bố.


Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu hoàn toàn khác so với bất kỳ một cuộc chiến tranh nào khác trong lịch sử chúng ta. Cuộc chiến này sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận chống lại một kẻ thù rất khó xác định trong một khoảng thời gian dài. Chúng ta sẽ đạt được tiến bộ bằng việc kiên nhẫn tích luỹ những thành công - có những thành công hữu hình, có những thành công vô hình.


Hôm nay, kẻ thù của chúng ta đã thấy được những gì mà các quốc gia văn minh có thể làm và sẽ làm để chống lại những chế độ chứa chấp, ủng hộ và sử dụng khủng bố nhằm đạt được những mục tiêu chính trị của mình. Ápganixtan đã được giải phóng, các lực lượng liên minh vẫn tiếp tục truy lùng Taliban và Al-Qaeda. Nhưng đây không phải là chiến trường duy nhất chúng ta chiến đấu chống lại bọn khủng bố. Hàng ngàn tên khủng bố được huấn luyện còn ẩn náu tại các cơ sở ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông và khắp châu Á.


Ưu tiên đầu tiên của chúng ta là đập tan và phá huỷ các tổ chức khủng bố trên toàn cầu và tấn công bộ máy chỉ huy của chúng; bộ phận điều khiển, kiểm soát và thông tin liên lạc; ủng hộ vật chất và cung cấp tài chính. Điều này sẽ làm cho bọn khủng bố mất khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động khủng bố.


Chúng ta sẽ tiếp tục khuyến khích các đối tác khu vực phối hợp hành động để cô lập bọn khủng bố. Một khi chiến dịch khu vực khoanh vùng mối đe dọa trong một quốc gia cụ thể, chúng ta sẽ góp phần bảo đảm rằng quốc gia đó có đủ các phương tiện quân sự, công cụ thực thi pháp luật, chính trị và tài chính cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của mình.


Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh của mình để chấm dứt việc hỗ trợ tài chính cho khủng bố. Chúng ta sẽ xác định và cắt đứt các nguồn hỗ trợ cho khủng bố, phong toả tài sản của bọn khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng, ngăn chặn bọn khủng bố tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, không để các hoạt động từ thiện chính đáng bị bọn khủng bố lợi dụng, và ngăn chặn sự trung chuyển tài sản của bọn khủng bố thông qua nhiều mạng lưới tài chính khác nhau.


Tuy nhiên, chiến dịch này cần phải được tiến hành liên tục để phát huy hiệu quả, những tác động tích luỹ tại các khu vực sẽ góp phần đạt được những kết quả mà chúng ta tìm kiếm.

Chúng ta sẽ phá huỷ và tiêu diệt các tổ chức khủng bố bằng các biện pháp sau:

• hành động trực tiếp và liên tục sử dụng tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia và quốc tế. Trọng tâm trước mắt của chúng ta sẽ là các tổ chức khủng bố trên phạm vi toàn cầu và bất kỳ kẻ khủng bố hay nhà nước nào bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố âm mưu giành lấy hoặc sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt hoặc tiền thân của những vũ khí này;

• bảo vệ Mỹ, người dân Mỹ, và những lợi ích của chúng ta ở trong nước và nước ngoài bằng cách xác định và đập tan mối đe dọa đó trước khi nó tiếp cận biên giới chúng ta. Trong khi Mỹ kiên trì tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ không ngần ngại khi hành động đơn phương, nếu cần thiết, để thực thi quyền tự vệ của chúng ta bằng cách tấn công trước bọn khủng bố, để ngăn không cho chúng gây tổn hại đến người dân và đất nước chúng ta; và

• chấm dứt việc tiếp tục bảo trợ, ủng hộ và chứa chấp những kẻ khủng bố bằng cách thuyết phục hoặc ép buộc các quốc gia chấp nhận những trách nhiệm chủ quyền của họ.

Chúng ta cũng sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh tư tưởng để giành thắng lợi trước chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cuộc chiến này bao gồm:

• sử dụng ảnh hưởng đầy đủ của Mỹ, và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè, để làm rõ rằng tất cả các hành động khủng bố là bất hợp pháp, theo đó chủ nghĩa khủng bố sẽ bị xem như chiếm hữu nô lệ, nạn cướp biển, hoặc tội diệt chủng, những hành động mà không một chính phủ đáng kính nào có thể tha thứ hoặc ủng hộ và tất cả phải phản đối;

• ủng hộ các chính phủ ôn hoà và hiện đại, đặc biệt trong thế giới Hồi giáo, nhằm bảo đảm rằng các điều kiện và các hệ tư tưởng khuyến khích khủng bố sẽ không thể tìm được mảnh đất màu mỡ để phát triển ở bất kỳ quốc gia nào;

• loại bỏ các điều kiện cơ bản làm nảy sinh khủng bố bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để tập trung nỗ lực và nguồn lực vào những nơi có nguy cơ cao nhất; và

• sử dụng hiệu quả ngoại giao nhân dân nhằm thúc đẩy nguồn thông tin và tư tưởng một cách tự do để khơi dậy những hy vọng và lòng mong muốn tự do của những người đang sống trong những xã hội bị những kẻ bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu cai trị.

Trong khi chúng ta biết rằng cách phòng vệ tốt nhất của chúng ta là tấn công sắc bén, chúng ta cũng đang tăng cường an ninh nội địa nước Mỹ để bảo vệ nước Mỹ và ngăn ngừa các cuộc tấn công.

Chính quyền đã đề xuất kế hoạch sắp xếp lại tổ chức chính phủ lớn nhất kể từ khi chính quyền Truman thành lập Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Quốc phòng. Với trọng tâm là việc thành lập Bộ An ninh nội địa bao gồm một ban chỉ huy quân sự thống nhất mới và sắp xếp lại một cách cơ bản FBI, kế hoạch tổng thể nhằm bảo đảm an ninh cho tổ quốc của chúng ta có sự tham gia của mọi cấp chính quyền và sự hợp tác giữa nhà nước với khu vực tư nhân.


Chiến lược này sẽ biến thù địch thành cơ hội. Ví dụ, các hệ thống quản lý khẩn cấp sẽ có khả năng tốt hơn để đối phó không chỉ với khủng bố mà còn đối với tất cả các mối đe dọa. Hệ thống y tế sẽ được tăng cường để không chỉ đối phó với khủng bố sinh học mà còn đối với tất cả các bệnh truyền nhiễm và các nguy hiểm gây thương vong hàng loạt. Việc chúng ta kiểm soát biên giới không chỉ giúp ngăn chặn bọn khủng bố mà còn cải thiện việc đi lại hợp pháp một cách có hiệu quả.


Trong khi trọng tâm của chúng ta là bảo vệ nước Mỹ, chúng ta biết rằng để đánh bại chủ nghĩa khủng bố trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, chúng ta cần có sự ủng hộ từ các đồng minh và bạn bè. Ở bất cứ nơi nào có thể, nước Mỹ sẽ dựa vào các tổ chức khu vực và các chính quyền nhà nước để hoàn thành sứ mạng chống chủ nghĩa khủng bố, ở những nơi mà các chính phủ thấy rằng cuộc chiến chống khủng bố vượt quá khả năng của họ, chúng ta sẽ kết hợp ý chí và những nguồn lực của họ với bất kỳ sự giúp đỡ nào mà chúng ta và đồng minh có thể đem lại.


Trong khi tiếp tục truy kích bọn khủng bố tại Ápganixtan, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, cũng như các tổ chức phi chính phủ, và các quốc gia khác để cung cấp viện trợ nhân đạo và sự giúp đỡ về chính trị, kinh tế và an ninh cần thiết nhằm tái thiết Ápganixtan để đất nước này không bao giờ còn có thể lạm dụng nhân dân họ, đe dọa những nước láng giềng và chứa chấp bọn khủng bố.


Trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, chúng ta sẽ không bao giờ quên được rằng mục đích cuối cùng của chúng ta là chiến đấu cho những giá trị dân chủ và lối sống của chúng ta. Tự do và sự sợ hãi đang xung đột với nhau, và sẽ không có sự kết thúc dễ dàng và nhanh chóng cho cuộc xung đột này. Trong khi lãnh đạo chiến dịch chống khủng bố, chúng ta đang phát triển các mối quan hệ quốc tế mới và có hiệu quả và xác định lại những mối quan hệ hiện có theo cách mà chúng ta có thể đối phó với các thách thức của thế kỷ XXI.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:36:47 am »

IV. HỢP TÁC VỚI CÁC NƯỚC KHÁC ĐỂ GIẢI TOẢ XUNG ĐỘT KHU VỰC

"Chúng ta xây dựng một thế giới công bằng, hoặc chúng ta sẽ sống trong một thế giới bị áp bức. Tầm quan trọng của những trách nhiệm chung của chúng ta sẽ thu hẹp những bất đồng của chúng ta."

Tổng thống Bush,
phát biểu tại Berlin, Đức, 23-5-2002


Các quốc gia liên quan cần phải tiếp tục dính líu tích cực vào những tranh chấp khu vực quan trọng để tránh sự leo thang dễ bùng nổ và giảm thiểu những tổn thất cho nhân dân. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, khủng hoảng khu vực có thể gây căng thẳng giữa những đồng minh của chúng ta, gây nên sự đối địch giữa các cường quốc và tạo nên sự lăng nhục thô bạo đối với phẩm giá con người. Khi bạo lực bùng nổ và các nhà nước lúng túng, Mỹ sẽ hợp tác với bạn bè và đối tác nhằm xoá đi những tổn thất và khôi phục sự ổn định.


Không một học thuyết nào có thể dự đoán mọi tình huống trong đó hành động của Mỹ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, được bảo đảm. Chúng ta có những nguồn lực chính trị, kinh tế và quân sự để thực hiện các ưu tiên toàn cầu của chúng ta. Mỹ sẽ tiếp cận từng trường hợp với những nguyên tắc chiến lược sau:

• Mỹ nên đầu tư thời gian và các nguồn lực vào việc xây dựng các mối quan hệ và thể chế quốc tế có thể giúp kiểm soát các xung đột khu vực khi chúng bùng nổ.

• Mỹ nên thực tế về khả năng của mình để giúp đỡ những người không muốn hoặc không sẵn sàng giúp đỡ chính bản thân họ. Ở những nơi và khi nào mọi người sẵn sàng làm phần việc của mình, chúng ta sẽ sẵn sàng hành động một cách quyết đoán.

Cuộc xung đột Ixraen - Palestin rất nghiêm trọng vì những tổn thất về người, vì mối quan hệ thân thiết giữa Mỹ với nhà nước Ixraen và các nước Arập chủ chốt, và bởi tầm quan trọng của khu vực đó đối với các ưu tiên toàn cầu khác của Mỹ. Sẽ không thể có hoà bình cho bất kỳ bên nào nếu không có tự do cho cả hai bên. Nước Mỹ tiếp tục cam kết đối với một nhà nước Palestin độc lập và dân chủ, sống bên cạnh Ixraen trong hoà bình và an ninh. Giống như tất cả các dân tộc khác, người dân Palestin xứng đáng có một chính phủ phục vụ cho lợi ích và lắng nghe tiếng nói của họ. Mỹ sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên đề cao tinh thần trách nhiệm trong khi chúng ta tìm kiếm một giải pháp toàn diện và công bằng cho cuộc xung đột này.


Mỹ, cộng đồng tài trợ quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hợp tác với một chính phủ Palestin được cải tổ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, tăng viện trợ nhân đạo, và một chương trình thiết lập, tài trợ và giám sát một bộ máy tư pháp độc lập thực sự. Nếu người Palestin theo đuổi dân chủ, và pháp quyền, chống tham nhũng và kiên quyết loại bỏ khủng bố, họ có thể giành được sự ủng hộ của Mỹ về việc thành lập một nhà nước Palestin.


Sự ra đời của một nhà nước Palestin dân chủ cũng mang lại nhiều lợi ích cho Ixraen. Sự chiếm đóng thường xuyên đang đe dọa bản sắc và nền dân chủ của Ixraen. Do vậy, Mỹ tiếp tục yêu cầu các nhà lãnh đạo Ixraen có những bước tiến cụ thể nhằm ủng hộ sự ra đời của Nhà nước Palestin có năng lực và uy tín. Để cải thiện tình hình an ninh, quân đội Ixraen cần rút hoàn toàn khỏi các vị trí mà họ đã chiếm đóng trước ngày 28 tháng 9 năm 2000. Và để thực hiện nhất quán những khuyến nghị của Ủy ban Mitchell, Ixraen phải dừng các hoạt động định cư của mình tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Và khi bạo lực suy giảm, quyền tự do đi lại cần được lập lại, để người dân Palestin vô tội có thể trỏ lại với công việc và cuộc sống bình thường. Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng, nhưng trên hết, boà bình lâu dài chỉ có thể được tạo dựng khi người Ixraen và người Palestin giải quyết vấn đề và chấm dứt cuộc xung đột đang xảy ra giữa hai bên.


Tại Nam Á, Mỹ cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết để Ấn Độ và Pakistan giải quyết các tranh chấp của họ. Chính quyền đã đầu tư thời gian và các nguồn lực để xâv dựng các mối quan hệ song phương vững mạnh với Ấn Độ và Pakistan. Chính những mối quan hệ vững mạnh này đã tạo đà để chúng ta đóng một vai trò xây dựng khi căng thẳng trong khu vực trở nên gay gắt. Với Pakistan, quan hệ song phương của chúng ta đã được củng cố với việc Pakistan quyết định tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố và tiến tới xây dựng một xã hội mở cửa và khoan dung hơn. Chính quyền nhận thấy tiềm năng Ấn Độ có thể trở thành một trong những cường quốc dân chủ lớn trong thế kỷ XXI và đã nỗ lực hết sức để chuyển hướng mối quan hệ của chúng ta một cách phù hợp. Sự tham gia của chúng ta vào giải quyết tranh chấp khu vực, phát huy những nền tảng đã tạo dựng được trong quan hệ song phương, trước tiên là tập trung vào xem xét các bước đi cụ thể của Ấn Độ và Pakistan có thể góp phần làm giảm đối đầu quân sự.


Inđônêxia đã có những bước tiến can đảm để xây dựng nền dân chủ thực sự và tôn trọng pháp quyền. Bằng cách đối xử khoan dung với các dân tộc thiểu số, tôn trọng pháp quyền, và chấp nhận các thị trường mở, Inđônêxia có thể tận dụng tối đa cơ hội mà một số nước giáng giềng của họ đã tận dụng đẻ thoát khỏi nghèo đói và tuyệt vọng. Nhờ có sáng kiến của Inđônêxia mà Mỹ có thể tạo sự khác biệt trong hình thức viện trợ của mình.


Ở Tây bán cầu, chúng ta đã hình thành các liên minh linh hoạt với những nước cùng có chung ưu tiên như của chúng ta, đặc biệt là Mêhicô, Braxin, Canađa, Chilê và Côlômbia. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một bán cầu có nền dân chủ thực sự, nơi mà quá trình hội nhập của chúng ta sẽ góp phần tăng cường an ninh, thịnh vượng, cơ hội và hy vọng. Chúng ta sẽ hợp tác với các thể chế khu vực, như Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Mỹ vì lợi ích của cả bán cầu.


Nhiều nước Mỹ Latinh hiện đang phải đối đầu với xung đột khu vực, đặc biệt là xung đột nảy sinh từ bạo lực giữa các nhóm buôn bán ma tuý và đồng bọn của chúng. Cuộc xung đột này và tình trạng buôn bán ma tuý không kiểm soát nổi có thể gây nguy hiểm đến sức mạnh và an ninh của Mỹ. Do vậy chúng ta đã xây dựng một chiến lược năng động nhằm giúp các nước trong nhóm Andean điều chỉnh nền kinh tế của họ, thực thi luật pháp, đánh bại các tổ chức khủng bố, và xoá bỏ việc cung cấp ma tuý, trong khi đó, cũng quan trọng không kém, chúng ta đang nỗ lực giảm nhu cầu sử dụng ma tuý trên chính đất nước chúng ta.


Tại Côlômbia, chúng ta nhận thức được mối quan hệ giữa các nhóm khủng bố và cực đoan đang thách thức an ninh của quốc gia này và các hoạt động buôn lậu ma tuý là nguồn cung cấp tài chính cho hoạt động của các nhóm này. Chúng ta đang nỗ lực giúp Côlômbia bảo vệ các thể chế dân chủ của họ và đánh bại các nhóm vũ trang bất hợp pháp của cả cánh tả và cánh hữu bằng cách mở rộng chủ quyền thực sự trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và đem lại an ninh cơ bản cho người dân Côlômbia.


Tại châu Phi, triển vọng và cơ hội luôn song hành với bệnh tật, chiến tranh và tình trạng nghèo đói kéo dài. Điều nàv đe dọa giá trị cốt lõi của Mỹ - đó là bảo vệ nhân phẩm con người, và ưu tiên chiến lược của chúng ta là đấu tranh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Các quyền lợi và nguyên tắc của Mỹ, do vậy, cũng theo hướng đó: chúng ta sẽ hợp tác với các nước khác vì một châu Phi sống trong tự do, hoà bình và phát triển thịnh vượng. Cùng với các đồng minh châu Âu. chúng ta cần phải giúp đỡ củng cố các nhà nước yếu kém của châu Phi, giúp xây dựng nội lực nhằm bảo vệ biên giới, và tiến hành thực thi luật pháp và xây dựng cơ sở tình báo để xoá bỏ nơi cư trú của những tên khủng bố.


Một môi trường thậm chí còn nguy hại hơn đang tồn tại ở châu Phi khi các cuộc nội chiến lan ra ngoài biên giới quốc gia và tạo nên những vùng chiến tranh trong khu vực. Việc hình thành các liên minh của sự thoả thuận an ninh trên tinh thần tự nguyện và hợp tác là chìa khoá để đối phó với những mối đe dọa xuyên quốc gia đang nổi lên.


Một châu Phi rộng lớn và đa dạng đòi hỏi một chiến lược an ninh đặt trọng tâm vào quan hệ song phương và xây dựng các liên minh tự nguyện. Chính quyền sẽ tập trung vào ba chiến lược có liên hệ chặt chẽ với nhau cho khu vực này, đó là:

• những nước có ảnh hưởng lớn đến các nước láng giềng của mình như Nam Phi, Nigiêria, Kênia, và Êtiôpia đóng vai trò chủ chốt trong các thoả thuận khu vực và cần được quan tâm đặc biệt;

• cần phối hợp với các nước đồng minh châu Âu và các thể chế quốc tế trong việc dàn xếp xung đột trên tinh thần xây dựng và thực hiện các hoạt động gìn giữ hoà bình thành công; và

• những nhà nước đang tiến hành cải cách có hiệu quả và các tổ chức tiểu khu vực của châu Phi phải được củng cố, đây cần được coi như là công cụ hàng đầu nhằm đối phó với các hiểm họa xuyên quốc gia một cách bền vững.


Trên hết, con đường dẫn tới tự do chính trị và kinh tế là con đường chắc chắn nhất để đạt được sự tiến bộ tại vùng Nam Xahara châu Phi, nơi mà hầu hết các cuộc chiến tranh là các cuộc xung đột liên quan đến các nguồn nguyên liệu và sự tiếp cận về chính trị thường được giành giật với những hậu quả tang thương trên cơ sở của sự khác biệt về tôn giáo và sắc tộc. Việc chuyển đổi sang một Liên minh châu Phi cùng với cam kết thực hiện quản lý có hiệu quả và cùng chịu trách nhiệm đối với các hệ thống chính trị dân chủ mỏ ra các cơ hội để củng cố nền dân chủ trên châu lục này.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:38:24 am »

V. NGĂN CHẶN KHÔNG CHO KẺ THÙ ĐE DOẠ CHÚNG TA, ĐỒNG MINH VÀ BẠN BÈ CỦA CHÚNG TA BẰNG VŨ KHÍ HUỶ DIỆT HÀNG LOẠT

"Mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với tự do chính là chủ nghĩa cực đoan và công nghệ. Khi các loại vũ khí sinh học, hoá học, và hạt nhân được sử dụng tràn lan cùng với công nghệ tên lửa đạn đạo, thậm chí cả các quốc gia yếu và những nhóm nhỏ cũng có thể có sức mạnh huỷ diệt để tấn công các quốc gia lớn. Kẻ thù của chúng ta đã tuyên bố điều đó một cách có chủ ý, và đã bị phát hiện khi đang tìm cách sản xuất những loại vũ khí nguy hiểm này. Chúng muốn có sức mạnh để đe dọa chúng ta, hay gây hại cho chúng ta, hay bạn bè của chúng ta - và chúng ta sẽ chống lại chúng bằng tất cả sức mạnh của mình".

Tổng thống Bush, phát biểu tại Học viện
Quân sự West Point, New York, 1-6-2002


Bản chất của mối đe dọa chiến tranh lạnh đòi hỏi Mỹ, cùng với đồng minh và bạn bè của mình, chú trọng vào việc ngăn chặn kẻ thù sử dụng lực lượng và xây dựng một chiến lược huỷ diệt lẫn nhau một cách chắc chắn. Cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xôviết và sự kết thúc của chiến tranh lạnh, môi trường an ninh của chúng ta đang trải qua những biến chuyển sâu sắc.


Việc chuyển từ đối đầu sang hợp tác, một dấu mốc trong quan hệ của ta với Nga, đã mang lại những lợi ích rõ ràng, đó là chấm dứt sự thù địch đã từng chia rẽ chúng ta; sự cắt giảm mang ý nghĩa lịch sử kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên; và hợp tác trên các lĩnh vực như chống khủng bố và phòng thủ tên lửa mà cách đây không lâu chúng ta vẫn cho rằng khó có thể đạt được.


Tuy nhiên, những thách thức chết người mới đã nảy sinh từ các quốc gia thù địch và những kẻ khủng bố. Không có mối đe dọa hiện tại nào có thể so sánh được với sức mạnh huỷ diệt mà Liên bang Xôviết đã chuẩn bị nhằm chống lại chúng ta. Mặc dù vậy, bản chất và động cơ của những kẻ thù mới và quyết tâm của chúng nhằm có được sức mạnh huỷ diệt mà cho đến nay chỉ có những quốc gia mạnh nhất thế giới mới có được, cũng như khả năng ngày càng tăng bọn chúng sẽ sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt để chống lại chúng ta, khiến cho môi trường an ninh ngày nay trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn.


Trong những năm 1990, chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của một nhóm nhỏ các quốc gia thù địch. Mặc dù khác nhau về thế và lực, nhưng những quốc gia này đều có nhiều đặc điểm chung, đó là:

• Đối xử tàn bạo với chính nhân dân nước mình và lãng phí nguồn lực quốc gia vì lợi ích cá nhân của những kẻ cai trị;

• Bất chấp luật lệ quốc tế, đe dọa những nước láng giềng của mình, và nhẫn tâm vi phạm các điều ước quốc tế mà họ tham gia

• Quyết tâm sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt, cùng với công nghệ quân sự tiên tiến, và sử dụng chúng như là các mối đe dọa hay ngang nhiên xây dựng những mô hình xâm lược cho các chế độ của chúng;

• Bảo trợ khủng bố trên khắp trái đất; và

• Bác bỏ những giá trị cơ bản của con người, căm thù nước Mỹ và tất cả những gì mà Mỹ đại diện.

Trong chiến tranh vùng Vịnh, chúng ta đã có những bằng chứng không thể chối cãi rằng những bản thiết kế của Irắc không chỉ hạn chế ở các loại vũ khí hoá học mà Irắc đã sử dụng chống lại Iran và chính người dân của mình, mà cả việc sản xuất vũ khí hạt nhân và các tác nhân sinh học. Trong thập kỷ trước, Bắc Triều Tiên đã trở thành nước cung cấp tên lửa đạn đạo chính trên thế giới, và đã liên tục thử nghiệm các loại tên lửa có khả năng sử dụng đồng thời với việc xây dựng kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt của mình. Các thể chế thù địch khác cũng theo đuổi việc sản xuất vũ khí hạt nhân, sinh học và hoá học. Những quốc gia đang theo đuổi và buôn bán trên phạm vi toàn cầu những loại vũ khí này đã trở thành mối đe dọa ghê gớm đối với tất cả các quốc gia.


Chúng ta phải sẵn sàng để ngăn chặn các quốc gia thù địch này và những kẻ khủng bố trước khi chúng có thể đe dọa và sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt chống lại Mỹ và đồng minh và bạn bè của chúng ta. Để đối phó lại, chúng ta phải khai thác tối đa lợi thế của một liên minh vững chắc, thiết lập các mối quan hệ đối tác mới với các nước thù địch trước đây, đổi mới trong việc sử dụng các lực lượng quân sự, công nghệ hiện đại, bao gồm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa có hiệu quả, và tăng cường thu thập và phân tích thông tin tình báo.


Chiến lược tổng thể của chúng ta chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt bao gồm:

• Các nỗ lực chủ động chống phổ biến vũ khí. Chúng ta phải ngăn chặn và chống lại mọi mối đe dọa trước khi nó xảv ra. Chúng ta phải bảo đảm được rằng những khả năng quan trọng - như phát hiện, phòng thủ chủ động và bị động, và khả năng ứng phó - được chú trọng trong kế hoạch cải cách quốc phòng và các hệ thống an ninh nội địa của chúng ta. Chống phổ biến vũ khí cũng cần phải được đưa vào các học thuyết, chương trình đào tạo và trang bị cho lực lượng của chúng ta và lực lượng đồng minh để bảo đảm rằng chúng ta có thể thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào với kẻ thù được trang bị vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

• Tăng cường các nỗ lực không phổ biến vũ khí nhằm ngăn chặn các quốc gia thù địch và những kẻ khủng bố tiếp cận nguồn nguyên liệu, công nghệ, và kỹ thuật để sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Chúng ta sẽ tăng cường công tác ngoại giao, kiểm soát vũ khí, kiểm soát xuất khẩu đa phương nhằm ngăn chặn các quốc gia và quân khủng bố theo đuổi vũ khí huỷ diệt hàng loạt, và khi cần thiết, cấm phổ biến các công nghệ và nguyên liệu có thể sản xuất loại vũ khí này. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng liên minh để hỗ trợ những nỗ lực này, khuyến khích các nước đồng minh tăng sự hỗ trợ về chính trị và tài chính cho các chương trình không phổ biến vũ khí và giảm mối đe dọa. Thoả thuận mới đây giữa các nước G-8 cam kết sử dụng 20 tỷ USD để xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí đánh dấu một bước tiến quan trọng.

• Xử lý hậu quả một cách có hiệu quả nhằm đối phó với những ảnh hưởng của việc sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt của quân khủng bố và các quốc gia thù địch. Giảm thiểu ảnh hưởng của việc sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt đối với nhân dân chúng ta sẽ giúp ngăn chặn những kẻ có những loại vũ khí này và khuyên ngăn những kẻ đang theo đuổi để có những loại vũ khí này bằng cách thuyết phục kẻ thù rằng chúng không thể đạt được những gì mà chúng mong muốn. Mỹ cũng phải sẵn sàng ứng phó với những ảnh hưởng của việc sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt chống lại lực lượng của chúng ta ở nước ngoài, và giúp đỡ bạn bè và đồng minh nếu họ bị tấn công.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:39:15 am »

• Chúng ta đã phải mất gần một thập kỷ để nhận thức được bản chất thực sự của mối đe dọa mới này. Với những mục tiêu mà các quốc gia thù địch và quân khủng bố đề ra, Mỹ không thể đơn thuần chỉ dựa vào vị thế bị động của chúng ta trong quá khứ. Không có khả năng ngăn chặn những kẻ tấn công tiềm tàng, tính cấp thiết của mối đe dọa ngày nay, và quy mô của mối nguy hại tiềm tàng của các loại vũ khí mà kẻ thù của chúng ta có thể sử dụng không cho phép chúng ta lựa chọn cách đó. Chúng ta không thể cho phép kẻ thù của chúng ta tấn công chúng ta trước.

• Trong chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, chúng ta đã phải đối mặt với sự thù địch lâu dài và gây ra nhiều rủi ro cho chúng ta. Răn đe đã là một biện pháp phòng thủ hiệu quả. Nhưng nếu răn đe chỉ dựa trên những lời đe dọa trả đũa thì khó có thể giúp chúng ta chống lại lãnh đạo các quốc gia thù địch, những kẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, cá cược cả sinh mạng của nhân dân và tài sản quốc gia của mình.

• Trong chiến tranh lạnh, vũ khí huỷ diệt hàng loạt được coi là biện pháp cuối cùng mà việc sử dụng các loại vũ khí này huỷ diệt cả những kẻ sử dụng chúng. Ngày nay, kẻ thù của chúng ta coi vũ khí huỷ diệt hàng loạt là loại vũ khí mà chúng lựa chọn. Đối với những quốc gia thù địch nhũng vũ khí này là công cụ để đe dọa và xâm lược quân sự các quốc gia láng giềng. Những vũ khí này củng có thể cho phép các quốc gia đó hàm dọa Mỹ và đồng minh của chúng ta nhằm ngăn chặn không cho chúng ta răn đe hoặc đẩy lùi hành động xâm lược của chúng. Các quốc gia này cũng coi những vũ khí đó là phương tiện tốt nhất để đối phó với ưu thế vốn có của Mỹ.

• Những khái niệm truyền thống về răn đe sẽ không còn thích hợp để chống lại kẻ thù khủng bố, những kẻ thừa nhận chiến thuật mà chúng sử dụng là nhằm cố ý huỷ diệt và nhằm vào những người dân vô tội, những kẻ tự cho mình là những chiến binh tử vì đạo, những kẻ coi việc không có tư cách công dân là hình thức bảo vệ hữu hiệu nhất cho bản thân. Sự chồng chéo giữa các quốc gia bảo trợ cho khủng bố và quốc gia theo đuổi vũ khí huỷ diệt hàng loạt buộc chúng ta phải hành động.


Nhiều thế kỷ qua, luật pháp quốc tế đã công nhận rằng các quốc gia không cần phải hứng chịu một cuộc tấn công trước khi họ có thể hành động một cách hợp pháp để bảo vệ chống lại những lực lượng tạo ra mối đe dọa tiềm tàng của một cuộc tấn công. Các học giả trong lĩnh vực luật pháp và các luật gia quốc tế thường coi hành động tấn công trước là hợp pháp trước một mối đe dọa tiềm tàng, thường được thể hiện bằng các hành động huy động bộ binh, hải quân và không quân để chuẩn bị tấn công.


Chúng ta cần phải điều chỉnh khái niệm về mối đe dọa tiềm tàng trước những khả năng và mục tiêu của kẻ thù hiện tại. Các quốc gia thù địch và quân khủng bố không tiến hành tấn công chúng ta theo cách thông thường. Chúng biết rằng tấn công theo cách đó sẽ thất bại. Thay vào đó, chúng dựa vào việc sử dụng khủng bố và, có khả năng, sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt - những loại vũ khí có thể được che đậy dễ dàng, phân phối một cách lén lút và sử dụng mà không có cảnh báo.


Mục tiêu của các cuộc tấn công này là nhằm vào các lực lường quân sự và người dân vô tội của chúng ta, trực tiếp vi phạm một trong những quy tắc cơ bản của luật chiến tranh. Những mất mát trong sự kiện 11 tháng 9 cho thấy rằng những tổn thất lớn về sinh mạng của dân thường là một mục tiêu cụ thể của quân khủng bố và những mất mát này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn gấp bội nếu những kẻ khủng bố có được và sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt.


Từ lâu Mỹ đã duy trì giải pháp tấn công trước nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Mối đe dọa càng lớn thì rủi ro của việc không hành động càng cao, và càng buộc chúng ta phải có những hành động được chuẩn bị trước để bảo vệ chính mình, thậm chí cả khi chúng ta chưa biết rõ thời gian và địa điểm của cuộc tấn công của kẻ thù. Để đón đầu và ngăn chặn những hành động thù địch của kẻ thù, Mỹ, nếu cần, sẽ hành động trước.


Mỹ sẽ không sử dụng lực lượng trong mọi trường hợp để tấn công trước các mối đe dọa hiện hữu, các quốc gia cũng không nên sử dụng hành động tấn công trước như là cái cớ để xâm lược. Tuy nhiên, trong thời đại mà kẻ thù của nền văn minh chủ động và công khai theo đuổi công nghệ huỷ diệt mạnh nhất trên thế giới, Mỹ không thể ngồi yên trong khi các mối đe dọa ngày một gia tăng.


Chúng ta sẽ luôn hành động thận trọng và cân nhắc hậu quả của những hành động đó. Để hỗ trợ cho giải pháp tấn công trước, chúng ta sẽ:

• xây dựng khả năng tình báo tổng hợp nhiều hơn và tốt hơn nhằm cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về các mối đe dọa ở bất cứ nơi nào chúng có thể xuất hiện;

• phối hợp chặt chẽ với các đồng minh nhằm hình thành một đánh giá chung về các mối đe dọa nguy hiểm nhất; và

• tiếp tục cải tổ lực lượng quân sự của chúng ta nhằm bảo đảm khả năng tiến hành các hoạt động chính xác và nhanh chóng để đạt được những kết quả quyết định.

Mục đích các hành động của chúng ta sẽ luôn nhằm loại bỏ những mối đe dọa cụ thể đối với Mỹ hay đồng minh và bạn bè của chúng ta. Lý do chúng ta hành động cần phải rõ ràng, dựa trên thực lực và theo đuổi chính nghĩa.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:40:27 am »

VI. MỞ RA MỘT KỶ NGUYÊN MỚI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TOÀN CẦU THÔNG QUA THỊ TRƯỜNG TỰ DO VÀ THƯƠNG MẠI TỰ DO

"Khi các quốc gia đóng cửa thị trường và những cơ hội chỉ được dành cho một nhóm nhỏ những người được hưởng đặc quyền đặc lợi thì không một khoản viện trợ phát triển nào là đủ. Khi các quốc gia tôn trọng nhân dân, mở cửa thị trường, đầu tư cho một hệ thống y tế và giáo dục tốt hơn thì từng đồng đôla viện trợ, từng đồng đôla thu được từ thương mại và vốn trong nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn"

Tổng thống Bush, phát biểu tại Monterrey,
Mêhicô, 22-3-2002


Một nền kinh tế thế giới mạnh sẽ góp phần tăng cường an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách thúc đẩy sự thịnh vượng và tự do trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ bởi thương mại tự do và thị trường tự do tạo ra nhiều việc làm mới và thu nhập cao hơn. Điều này cho phép người dân thoát khỏi đói nghèo, thúc đẩy cải cách kinh tế và luật pháp, chống tham nhũng và thúc đẩy sự bền vững của tự do.


Chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tự do kinh tế bên ngoài biên giới nước Mỹ. Tất cả các chính phủ đều có trách nhiệm xây dựng những chính sách kinh tế riêng và đối phó với những thách thức kinh tế của mình. Chúng ta sẽ sử dụng cam kết kinh tế của mình với các nước khác để nhấn mạnh những lợi ích của các chính sách đem lại năng suất cao hơn và tăng trưởng kinh tế bền vững, bao gồm:

• luật pháp và những chính sách pháp quy hỗ trợ tăng trưởng nhằm khuyến khích đầu tư kinh doanh, tinh thần sáng tạo và các hoạt động kinh doanh;

• các chính sách thuế - đặc biệt là thuế suất biên thấp - nhằm tăng những khuyến khích đối với công việc và đầu tư;

• pháp quyền và không khoan nhượng đối với tham nhũng để người dân vững tin rằng họ sẽ được hưởng những thành quả từ những nỗ lực kinh tế của mình;

• các hệ thống tài chính mạnh cho phép vốn được sử dụng hiệu quả nhất;

• những chính sách tài chính đúng đắn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh;

• đầu tư cho y tế và giáo dục để cải thiện đời sống và kỹ năng của lực lượng lao động và toàn thể nhân dân; và

• thương mại tự do nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng và thúc đẩy việc phổ biến những công nghệ và ý tưởng làm tăng năng suất và cơ hội.

Những bài học của lịch sử đã rõ ràng: các nền kinh tế thị trường, chứ không phải các nền kinh tế mệnh lệnh - chỉ huy với sự can thiệp mạnh của chính phủ, là cách thức tốt nhất để thúc đẩy thịnh vượng và giảm đói nghèo. Những chính sách nhằm tăng cường những cơ chế khuyến khích của thị trường và những thể chế thị trường là phù hợp đối với tất cả các nền kinh tế - các nước công nghiệp hoá, các thị trường mới nổi, và các nước đang phát triển.


Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế cao ở châu Âu và Nhật Bản là tối quan trọng đối với những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Chúng ta muốn đồng minh của mình có những nền kinh tế mạnh vì lợi ích của chính họ, vì lợi ích của nền kinh tế thế giới, và vì lợi ích của an ninh toàn cầu. Những nỗ lực của châu Âu trong việc loại bỏ những rào cản về cơ cấu trong các nền kinh tế của họ, cũng như những nỗ lực của Nhật Bản nhằm chấm dứt tinh trạng thiểu phát và giải quyết vấn đề liên quan đến những khoản cho vay không sinh lời trong hệ thống ngân hàng nước này là đặc biệt quan trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng cơ chế tham vấn thường kỳ của chúng ta với các nước đối tác Nhật Bản và châu Âu, trong đó có cơ chế G7, để thảo luận về chính sách mà các nước này đang sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nước mình và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn.


Tăng cường sự ổn định của các thị trường mới nổi cũng hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những dòng vốn đầu tư quốc tế là cần thiết để tăng cường năng lực sản xuất của các nền kinh tế này. Những dòng vốn này cho phép các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển tiến hành đầu tư nhằm nâng cao mức sống và giảm đói nghèo. Mục tiêu dài hạn của chúng ta là xây dựng một thế giới trong đó tất cả các nước đều có chỉ số tín nhiệm về đầu tư đủ cao để có thể xâm nhập vào thị trường vốn quốc tế và đầu tư cho tương lai.


Chúng ta cam kết tiếp tục thực hiện những chính sách giúp những thị trường mới nổi tiếp cận được với những nguồn vốn lớn hơn với chi phí thấp hơn. Để đạt được điều này, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách nhằm giảm bất trắc trên các thị trường tài chính. Chúng ta sẽ tích cực hợp tác với các nước khác, với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và khu vực tư nhân để thực hiện Kế hoạch Hành động G7 đã được đàm phán hồi đầu năm nay nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính và xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả hơn.


Cách thức tốt nhất để đối phó với khủng hoảng tài chính là ngăn không cho chúng xảy ra, và chúng ta đã khuyến khích IMF tăng cường nỗ lực theo hướng đó. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với IMF để giảm bớt những điều kiện chính sách đối với các khoản vay và hướng chiến lược cho vay của Quỹ vào mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế thông qua những chính sách đúng đắn về tài chính và tiền tệ, tỷ giá hối đoái và chính sách đối với khu vực tài chính.


Khái niệm "thương mại tự do" xuất hiện như một nguyên tắc đạo đức ngay cả trước khi nó trở thành một trụ cột kinh tế. Nêu bạn có thể sản xuất một sản phẩm được người khác cho là có giá trị, bạn cần phải bán được sản phẩm đó. Nếu người khác có thể sản xuất một sản phẩm mà bạn cho là có giá trị, bạn cần phải mua được sản phẩm đó. Đây là tự do thực sự, quyền tự do của một người - hay một dân tộc - để kiếm sống. Nhằm thúc đẩy thương mại tự do, Mỹ đã xây dựng một chiến lược toàn diện bao gồm những nội dung sau:    

• Nắm bắt sáng kiến toàn cầu. Vòng đàm phán thương mại toàn cầu mới mà chúng ta đã góp phần khởi xướng ở Đôha hồi tháng 11-2001 sẽ có một chương trình nghị sự đầy tham vọng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và dịch vụ, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2005. Mỹ đã đi đầu trong việc giúp Trung Quốc và Đài Loan dân chủ hoàn tất việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Chúng ta sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Nga nhằm gia nhập WTO.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:41:10 am »

• Thúc đẩy những sáng kiến khu vực. Mỹ và những nền dân chủ ở Tây Bán cầu đã thoả thuận thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Mỹ, dự kiến hoàn thành vào năm 2005. Năm nay, Mỹ sẽ thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường với các đối tác, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, hàng hoá công nghiệp, dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ. Chúng ta sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho châu lục nghèo nhất, châu Phi, bắt đầu bằng việc tận dụng tối đa những ưu đãi trong khuôn khổ Đạo luật về tăng trưởng và cơ hội của châu Phi, và dẫn tới thương mại tự do.

• Thúc đẩy việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương. Trên cơ sở hiệp định thương mại tự do với Gioócđani có hiệu lực từ năm 2001, trong năm nay, chính quyền sẽ nỗ lực xúc tiến ký kết các hiệp định thương mại tự do với Chilê và Xingapo. Mục tiêu của chúng ta là đạt được những thoả thuận thương mại tự do với các nước phát triển và đang phát triển ở tất cả các khu vực trên thế giới. Trước tiên, chúng ta sẽ chủ vếu tập trung vào Trung Mỹ, Nam châu Phi, Marốc và Ôxtrâylia.

• Đổi mới mối quan hệ đối tác giữa cơ quan hành pháp và Quốc hội. Chiến lược thương mại của mỗi chính quyền đều phụ thuộc vào một mối quan hệ đối tác hiệu quả với Quốc hội. Sau tám năm, chính quyền đã giành lại được sự ủng hộ đa số trong Quốc hội đối với tiến trình tự do hoá thương mại với việc Quốc hội đã thông qua Thẩm quyền Xúc tiến thương mại và những biện pháp mở cửa thị trường khác đối với các nước đang phát triển trong Đạo luật Thương mại năm 2002. Chính quyền của Tổng thống Bush sẽ tiếp tục hợp tác với Quốc hội để thông qua những hiệp định thương mại song phương, khu vực và toàn cầu mới được ký kết theo Thẩm quyền Xúc tiến thương mại vừa được thông qua.

• Tăng cường mối liên hệ giữa thương mại và phát triển. Các chính sách thương mại có thể giúp các nước đang phát triển tăng cường các quyền sở hữu, cạnh tranh, pháp quyền, đầu tư, sự phổ biến tri thức, các xã hội mở, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, và hội nhập khu vực - tất cả đều dẫn đến tăng trưởng, mở ra những cơ hội và xây dựng lòng tin ở các nước đang phát triển. Mỹ đang thực hiện Đạo luật về tăng trưởng và cơ hội của châu Phi nhằm mở cửa thị trường cho hầu hết các sản phẩm được sản xuất tại 35 nước Nam Xahara châu Phi. Chúng ta sẽ tăng cường tận dụng đạo luật này và một đạo luật tương tự dành cho các nước Caribê, và tiếp tục hợp tác với những thể chế đa phương và khu vực để giúp đỡ các nước nghèo tận dụng cơ hội. Bên cạnh mở cửa thị trường, một lĩnh vực quan trọng khác mà trong đó hoạt động thương mại có liên quan mật thiết với vấn đề giảm nghèo chính là sức khoẻ cộng đồng. Chúng ta sẽ bảo đảm rằng những quy định về sở hữu trí tuệ của WTO đủ linh hoạt để cho phép các nước đang phát triển tiếp cận được thuốc chữa trị những bệnh đặc biệt nguy hiểm như HIV/AIDS, lao và sốt rét.

• Thực thi những hiệp định thương mại và luật pháp chống lại những hành động không công bằng. Thương mại phụ thuộc vào pháp quyền; thương mại quốc tế phụ thuộc vào những thoả thuận có thể thực thi được. Những ưu tiên hàng đầu của chúng ta là giải quyết những tranh chấp hiện có với Liên minh châu Âu, Canađa và Mêhicô, và thúc đẩy nỗ lực toàn diện để đối phó với những quy định mới về công nghệ, khoa học và y tế đang cản trở một cách không cần thiết xuất khẩu nông sản và cải tiến nông nghiệp. Luật pháp chống lại những hoạt động thương mại không công bằng thường bị lạm dụng, nhưng cộng đồng quốc tế phải có khả năng giải quyết những mối quan ngại thực sự về trợ cấp của chính phủ và bán phá giá. Tình báo công nghiệp quốc tế làm xói mòn cạnh tranh công bằng và vì vậy cần phải được phát hiện và loại trừ.

• Giúp đỡ các ngành công nghiệp trong nước và công nhân điều chỉnh. Chúng ta đã sử dụng một khuôn khổ luật pháp tốt cho những biện pháp tự vệ trong thời kỳ chuyển đổi để hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp và trong năm nay là ngành sản xuất thép của Mỹ. Những lợi ích do thương mại tự do đem lại phụ thuộc vào việc thực thi những thông lệ thương mại công bằng. Những biện pháp tự vệ này góp phần bảo đảm rằng những lợi ích do thương mại tự do đem lại không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động Mỹ. Trợ giúp điều chỉnh thương mại sẽ giúp người lao động thích nghi với những thay đổi và tính năng động của những thị trường mở.

• Bảo vệ môi trường và người lao động. Mỹ phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng vừa đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn vừa tăng cường thịnh vượng. Chúng ta sẽ đưa những mối quan tâm về lao động và môi trường vào quá trình đàm phán thương mại của Mỹ, tạo ra một "mạng lưới" lành mạnh giữa những thoả thuận đa phương về môi trường với WTO, và sử dụng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những chương trình ưu đãi thương mại, và đàm phán thương mại nhằm cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy thương mại tự do.

• Tăng cường an ninh năng lượng. Chúng ta sẽ tăng cường an ninh năng lượng của mình và thịnh vượng chung của nền kinh tế thế giới bằng cách hợp tảc với các đồng minh, đối tác thương mại và các nhà sản xuất năng lượng để mở rộng các nguồn và các loại năng lượng trên toàn cầu, đặc biệt là ở Tây bán cầu, châu Phi, Trung Á, và khu vực biển Caxpi. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để phát triển các công nghệ sạch và sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn.

Tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với những nỗ lực toàn cầu nhằm ổn định lượng khí nhà kính do tăng trưởng gây ra, kiềm chế lượng khí này ở mức độ nhất định để ngăn cản sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với khí hậu toàn cầu. Mục tiêu bao trùm của chúng ta là giảm lượng khí nhà kính của Mỹ tương đương với quy mô của nền kinh tế, giảm 18% lượng khí tính theo đơn vị hoạt động kinh tế trong vòng 10 năm tới, vào năm 2012. Chiến lược của chúng ta nhằm đạt được mục đích này là:

• duy trì cam kết đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về hợp tác quốc tế;

• đạt được thoả thuận với các ngành công nghiệp chủ đạo trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cung cấp tín dụng chuyển khoản cho các công ty đã có cắt giảm thực sự;

• xây dựng những tiêu chuẩn cải tiến để đo và đăng ký sự cắt giảm khí thải;

• thúc đẩy sản xuất năng lượng tái sinh và công nghệ sử dụng than sạch, cũng như năng lượng nguyên tử - nguồn năng lượng không thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong khi tăng cường khả năng tiết kiệm năng lượng của ôtô và xe tải Mỹ;

• tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu và những công nghệ bảo tồn mới, lên mức 4,5 tỷ USD - đây là mức đầu tư lớn nhất dành cho hoạt động đối phó với thay đổi khí hậu của một nước trên thế giới, và đã tăng 700 triệu USD so với ngân sách năm ngoái; và

• trợ giúp các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước thải ra khối lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc và Ấn Độ, để những nước này có những công cụ và nguồn lực cần thiết để cùng chúng ta nỗ lực phấn đấu vì một môi trường sạch hơn và tốt đẹp hơn.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2022, 08:47:40 am »

VII. MỞ RỘNG LÃNH ĐỊA PHÁT TRlỂN BẰNG CÁCH MỞ CỬA CÁC XÃ HỘI VÀ XÂY DỰNG HẠ TẦNG CƠ SỞ CHO NỀN DÂN CHỦ

"Trong Chiến tranh thế giới thứ hai chúng ta đã chiến đấu vì một thế giới an toàn hơn, và sau đó bắt tay vào tái thiết thế giới này. Ngày nay khi chúng ta bắt đầu một cuộc chiến vì một thế giới yên bình không có khủng bố, chúng ta cũng phải nỗ lực để xây dựng thế giới trở thành một nơi tốt hơn cho nhân loại"

Tổng thống Bush, phát biểu tại Ngân hàng Phát triển
Liên Mỹ, Washington D.C, 14- 3- 2002


Một thế giới, trong đó một số người sống trong tiện nghi và đầy đủ, trong khi một nửa loài người phải sống với mức thu nhập dưới 2 USD một ngày, là một thế giới không công bằng và bất ổn định. Đưa tất cả người nghèo trên thế giới vào vòng phát triển và cơ hội ngày càng được mở rộng là một đòi hỏi cấp bách về đạo đức và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc tế của Mỹ.


Những thập niên viện trợ phát triển ồ ạt đã thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước nghèo nhất trên thế giới. Tồi tệ hơn, viện trợ phát triển thường được sử dụng làm chỗ dựa cho những chính sách thất bại, làm giảm sức ép tiến hành cải cách và kéo dài thêm sự khôn khổ. Kết quả của viện trợ thường được đo bằng số tiền các nhà tài trợ bỏ ra, chứ không phải bằng tốc độ tăng trưởng và mức giảm đói nghèo của các quốc gia nhận viện trợ. Đó là những biểu hiện của một chiến lược thất bại.


Cùng hợp tác với các quốc gia khác, Mỹ đang đương đầu với thất bại này. Chúng ta đã đạt được một sự đồng thuận mối tại Hội nghị của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển tại Monterrey, đó là các mục tiêu viện trợ và sự cần thiết phải thay đổi chiến lược để đạt được những mục tiêu đó.


Mục tiêu của Chính quyền là phát huy tiềm năng lao động của mỗi cá nhân ở mọi quốc gia. Tăng trưởng bền vững và giảm đói nghèo sẽ không thể có được nếu thiếu những chính sách quốc gia đúng đắn. Đối với những chính phủ đã thực sự tiến hành điều chỉnh chính sách, chúng ta sẽ tăng đáng kể viện trợ. Mỹ và các nước phát triển khác cần đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng và rõ ràng: đó là tăng gấp đôi quy mô của các nền kinh tế nghèo nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ tới.


Chính phủ Mỹ sẽ theo đuổi những chiến lược lớn sau để đạt được mục tiêu này:

• Cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức của công cuộc cải tổ đất nước. Chúng ta đề xuất tăng 50% viện trợ phát triển chính thức của Mỹ. Trong khi tiếp tục thực hiện những chương trình hiện có, trong đó có viện trợ nhân đạo dựa trên nhu cầu cụ thể, hàng tỷ đôla viện trợ mới sẽ giúp thiết lập một Tài khoản Thách thức thiên niên kỷ mới cho những dự án tại các nước nơi chính phủ lãnh đạo đất nước một cách công bằng, đầu tư vào con người và khuyến khích tự do kinh tế. Các chính phủ phải chống tham nhũng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, tôn trọng pháp quyền, đầu tư vào y tế và giáo dục, theo đuổi các chính sách kinh tế có trách nhiệm, và đề cao tinh thần kinh doanh. Tài khoản Thách thức thiên niên kỷ sẽ mang lại lợi ích cho những quốc gia đã và đang thực sự tiến hành thay đổi chính sách và thách thức những quốc gia không tiến hành đổi mới.

• Nâng cao hiệu quả của Ngân hàng Thế giới và các ngăn hàng phát triển khác trong việc nâng cao mức sống. Mỹ duy trì cam kết đối với một chương trình đổi mới toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả của Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác trong việc nâng cao đời sống của những người nghèo trên thế giới. Chúng ta đã đảo ngược xu hướng giảm đóng góp của Mỹ và đề xuất tăng 18% đóng góp của Mỹ cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) - quỹ của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo nhất - và Quỹ Phát triển châu Phi. Chìa khoá để nâng cao mức sống và giảm đói nghèo trên toàn thế giới là tăng năng suất, đặc biệt tại các nước nghèo nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương tập trung vào các hoạt động giúp tăng năng suất kinh tế, như cải thiện giáo dục, y tế, pháp quyền và phát triển khu vực tư nhân. Tất cả các dự án, khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại phải được đánh giá dựa trên mức tăng năng suất tại các quốc gia đang phát triển mà chúng có thể đem lại.

• Nhấn mạnh kết quả cụ thể để bảo đảm rằng viện trợ phát triển thực sự tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của người nghèo trên thế giới. Khi nói đến phát triển kinh tế, điều thực sự có ý nghĩa là có nhiều trẻ em được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, nhiều người được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và nước, sạch và nhiều người lao động có thể tìm được việc làm để có thể bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình của mình. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là xác định sự thành công của các chương trình viện trợ phát triển thông qua việc xem xét liệu các chương trình đó có đem lại kết quả hay không. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục yêu cầu viện trợ phát triển của chính mình cũng như viện trợ của các ngân hàng phát triển đa phương phải có các mục tiêu cụ thể và những tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng nhằm đạt được những mục tiêu đó. Với sự lãnh đạo của Mỹ, thoả thuận bổ sung IDA gần đây sẽ tạo ra một hệ thống giám sát và đánh giá giúp đánh giá tiến bộ mà các nước nhận viện trợ đạt được. Lần đầu tiên, các nhà tài trợ có thể liên hệ phần đóng góp của họ cho IDA với việc đạt được các thành quả phát triển thực sự, và phần đóng góp của Mỹ sẽ được liên hệ theo cách này. Chúng ta sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác sẽ phát huy những tiến bộ này nhằm biến việc chú trọng kết quả thực hiện thành một bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ công việc mà các tổ chức này đang tiến hành.

• Tăng viện trợ phát triển dưới hình thức viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay. Sử dụng nhiều hơn nữa các khoản cho viện trợ không hoàn lại dựa trên kết quả là cách tốt nhất giúp các nước nghèo đầu tư có hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội, mà không làm cho các nước này rơi vào cảnh nợ nần ngày càng gia tăng. Với sự lãnh đạo của Mỹ, thoả thuận IDA gần đây đã tăng đáng kể quỹ viện trợ không hoàn lại cho các nước nghèo nhất trong các lĩnh vực giáo dục, phòng chống HIV/AIDS, y tế, dinh dưỡng, nước, vệ sinh và các nhu cầu khác của con người. Mục tiêu của chúng ta là phát huy những tiến bộ đạt được bằng cách tăng sử dụng viện trợ không hoàn lại thông qua các ngân hàng phát triển đa phương khác. Chúng ta cũng yêu cầu các trường đại học, các tổ chức phi lợi nhuận và khu vực tư nhân có những hành động tương xứng với những nỗ lực của chính phủ bằng việc sử dụng những các khoản viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ các dự án phát triển có kết quả.

• Mở cửa các xã hội cho thương mại và đầu tư. Thương mại và đầu tư là động lực thực sự của tăng trưởng kinh tế. Ngay cả khi viện trợ chính phủ tăng thì phần lớn tiền dành cho phát triển phải có được từ thương mại, vốn trong nước, và đầu tư nước ngoài. Một chiến lược hiệu quả cũng cần phải nỗ lực tăng thêm những dòng vốn này. Thị trường tự do và thương mại tự do là những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia của chúng ta.

• Đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Cuộc khủng hoảng về sức khoẻ cộng đồng ở các nước nghèo đang ở mức độ hết sức nghiêm trọng, ở những nước bị ảnh hưởng bởi những đại dịch như HIV/AIDS, sốt rét và lao, tăng trưởng và phát triển sẽ vẫn còn bị đe dọa chừng nào những mối hiểm hoạ này chưa được kiểm soát. Những nguồn lực từ những nước phát triển là cần thiết nhưng sẽ chỉ có hiệu quả khi có quản trị công tốt hỗ trợ cho những chương trình phòng chống và cung cấp cơ sở hạ tầng hiệu quả ở địa phương. Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ quỹ toàn cầu mới cho HIV/AIDS do Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan sáng lập, cũng như trọng tâm của quỹ này là dành cho việc kết hợp ngăn ngừa với một chiến lược điều trị và chăm sóc rộng rãi. Những đóng góp của Mỹ cho quỹ này lớn gấp hơn hai lần số tiền nước tài trợ lớn thứ hai cung cấp. Nếu quỹ toàn cầu này có thể thực hiện được lời hứa của mình, chúng ta sẵn sàng cung cấp nhiều hơn.

• Nhấn mạnh đến giáo dục. Khả năng biết chữ và học tập là nền tảng cho dân chủ và phát triển. Chỉ khoảng 7% các nguồn lực của Ngân hàng Thế giới được dành cho giáo dục. Tỷ lệ này cần được tăng lên. Mỹ sẽ tăng nguồn tài trợ cho giáo dục ít nhất 20%, chú trọng đặc biệt đến giáo dục cơ bản và đào tạo giáo viên ở các nước châu Phi. Mỹ cũng có thể đem công nghệ thông tin đến những nước này, trong đó có những nước có nền giáo dục bị tàn phá bởi đại dịch HIV/AIDS.

• Tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Những công nghệ mới, trong đó có công nghệ sinh học, có tiềm năng cực lớn trong việc tăng năng suất cây trồng ở những nước đang phát triển trong khi sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn và cần ít nước hơn. Ứng dụng khoa học tiên tiến, Mỹ cần góp phần đem lại những lợi ích này cho 800 triệu người, trong đó có 300 triệu trẻ em, đang còn bị đói và suy dinh dưỡng.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2022, 08:50:14 am »

VIII.   XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VỚI NHỮNG TRUNG TÂM QUYỀN LỰC KHÁC TRÊN THẾ GIỚI

"Chúng ta đang có cơ hội tốt nhất kể từ khi xuất hiện quốc gia - dân tộc hồi thế kỷ XVII để xây dựng một thế giới trong đó các cường quốc cạnh tranh trong hoà bình thay vì chuẩn bị chiến tranh".

Tổng thống Bush, phát biểu tại Học viện
Quân sự West Point, New York, 1-6-2002


Mỹ sẽ thực hiện những chiến lược của mình bằng cách thành lập những liên minh - với độ rộng phù hợp - gồm các quốc gia có khả năng và mong muốn thiết lập một cân bằng quyền lực hậu thuẫn tự do. Sự lãnh đạo liên minh có hiệu quả đòi hỏi phải có những ưu tiên rõ ràng, đánh giá về những lợi ích của các bên, và tham khảo thường xuyên với các đối tác trên tinh thần khiêm tốn.


Mỹ khó có thể đạt được những kết quả bền vững trên thế giới nếu không có sự hợp tác lâu dài của những đồng minh và bạn bè của chúng ta ở Canada và châu Âu. Châu Âu cũng là nơi có hai thể chế quốc tế mạnh nhất và có khả năng nhất trên thế giới, đó là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ khi thành lập đã là điểm tựa cho an ninh xuyên Đại Tây Dương và liên châu Âu, và Liên minh châu Âu, đối tác của chúng ta trong việc mở cửa thương mại thế giới.


Cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 cũng là một đòn tấn công đối với NATO, như chính NATO đã thừa nhận khi NATO lần đầu tiên viện dẫn Điều V, điều khoản về phòng vệ. Nhiệm vụ chủ đạo của NATO - phòng vệ tập thể cho liên minh xuyên Đại Tây Dương của các nền dân chủ - vẫn còn đó, nhưng NATO cần phải xây dựng những cấu trúc và năng lực mới để thực hiện được nhiệm vụ này trong bốì cảnh mới. NATO cần phải xây dựng khả năng điều động nhanh chóng những lực lượng cơ động và được huấn luyện đặc biệt bất cứ khi nào cần để đối phó với mối đe dọa đối với bất kỳ thành viên nào trong liên minh.


Liên minh phải có khả năng hành động ở bất kỳ nơi nào mà lợi ích của chúng ta bị đe dọa, thiết lập những liên minh dưới sự chỉ đạo của NATO, cũng như đóng góp cho những liên minh được xây dựng dựa trên những sứ mệnh cụ thể. Để đạt được điều này, chúng ta phải:

• mở rộng NATO bằng cách kết nạp các quốc gia dân chủ mong muốn và có khả năng chia sẻ gánh nặng phòng vệ và thúc đẩy những lợi ích chung của chúng ta;

• bảo đảm rằng lực lượng quân sự của các nước thành viên NATO phải có đóng góp phù hợp trong các cuộc chiến của liên minh;

• xây dựng những tiến trình lập kế hoạch cho phép những đóng góp đó trở thành những lực lượng quân đội đa quốc gia hiệu quả;

• tận dụng những cơ hội và chi tiêu quốc phòng của chúng ta nhằm cải tổ lực lượng quân sự NATO để lực lượng này có khả năng chế ngự những kẻ xâm lược tiềm tàng và giảm khả năng tổn thương của chúng ta.

• tinh giản và tăng cường tính linh hoạt của các bộ tư lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến mới và các đòi hỏi liên quan về huấn luyện, phối hợp và thử nghiệm phương thức tập hợp lực lượng mới; và

• duy trì khả năng phối hợp chiến đấu với các đồng minh ngay khi chúng ta tiến hành những bước đi cần thiết để cải tổ và hiện đại hoá lực lượng của chúng ta.


Nếu NATO thực hiện thành công những thay đổi này, phần thưởng sẽ là mối quan hệ đối tác đóng vai trò trung tâm đối với an ninh và lợi ích của các quốc gia thành viên như từng thấy trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Chúng ta sẽ duy trì quan điểm chung về những mối đe dọa đối với các xã hội và sẽ nâng cao khả năng cùng hành động nhằm bảo vệ dân tộc và lợi ích của dân tộc chúng ta. Đồng thời, chúng ta hoan nghênh các đồng minh châu Âu của chúng ta đã nỗ lực tạo lập một chính sách ngoại giao và khả năng phối hợp phòng vệ lớn hơn với Liên minh châu Âu. Chúng ta cam kết sẽ tham khảo chặt chẽ để bảo đảm những thay đổi này phù hợp với NATO. Chúng ta không thể để mất cơ hội này, cơ hội giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho cộng đồng các nền dân chủ xuyên Đại Tây Dương để đối phó với những thách thức sắp đến.


Các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 đã tiếp thêm nghị lực cho các đồng minh châu Á của Mỹ. Ôxtrâylia đã thỉnh cầu Hiệp ước ANZUS tuyên bố rằng cuộc tấn công 11 tháng 9 là nhằm vào chính bản thân Ôxtrâylia và ngay sau quyết định lịch sử đó đã gửi một số lực lượng chiến đấu thiện chiến nhất thế giới tham gia vào Chiến dịch Theo đuổi tự do bền vững. Nhật Bản và Hàn Quốc đã hỗ trợ hậu cần quân sự ở mức chưa từng có trong vòng vài tuần sau khi xảy ra tấn công khủng bố. Chúng ta đã thắt chặt quan hệ hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố với các đồng minh Thái Lan và Philippin và nhận được sự giúp đỡ vô giá từ các bạn bè thân thiết như Xingapo và Niu Dilân.


Cuộc chiến chống khủng bố đã cho thấy các đồng minh châu Á của Mỹ không chỉ củng cố hoà bình và ổn định trong khu vực mà còn linh hoạt và sẵn sàng đối phó với những thách thức mới. Để tăng cường mối quan hệ đồng minh và tình hữu nghị châu Á, chúng ta sẽ:    • dựa vào việc Nhật Bản tiếp tục xây dựng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế và khu vực dựa trên các lợi ích chung, các giá trị chung của chúng ta và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về quốc phòng và ngoại giao của chúng ta;

• phối hợp với Hàn Quốc duy trì cảnh giác với Bắc Triều Tiên trong khi chuẩn bị cho đồng minh của chúng ta đóng góp vào ổn định khu vực lâu dài và trên phạm vi rộng lớn hơn.

• phát huy mối quan hệ đồng minh 50 năm giữa Mỹ và Ôxtrâylia trong khi tiếp tục cùng giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu - chúng ta đã cùng hành động trong rất nhiều dịp, từ trận chiến ở Biển San hô đến Tora Bora;

• duy trì lực lượng trong khu vực nhằm thể hiện cam kết của chúng ta đối với các đồng minh, các yêu cầu của chúng ta, những tiến bộ công nghệ của chúng ta và môi trường chiến lược; và

• dựa vào sự ổn định do các mối quan hệ đồng minh này tạo ra, cũng như vào những thể chế như ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương để hoạch định các chiến lược song phương và khu vực nhằm kiểm soát những thay đổi trong khu vực năng động này.

Chúng ta lưu tâm đến khả năng phục hồi mô thức cũ về cạnh tranh giữa các cường quốc. Nhiều cường quốc tiềm tàng hiện đang trong quá trình chuyển đổi nội bộ, quan trọng nhất là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ở cả ba nước, những diễn biến gần đây đã tăng thêm hy vọng của chúng ta rằng mối đồng thuận toàn cầu thật sự về các nguyên tắc cơ bản đang từng bước hình thành
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2022, 08:51:04 am »

Với Nga, chúng ta đã xây dựng một mối quan hệ chiến lược mới dựa trên một thực tế cơ bản của thế kỷ XXI, đó là Hoa Kỳ và Nga không còn là kẻ thù chiến lược nữa. Hiệp ước Mátxcơva về cắt giảm Chiến lược tượng trưng cho thực tế mới này và phản ánh một thay đổi cực kỳ quan trọng trong tư duy của người Nga, hứa hẹn đưa đến mối quan hệ lâu dài và hiệu quả với cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga đã đánh giá đúng những yếu kém và chính sách đối nội lẫn đối ngoại hiện tại của nước Nga và thấy cần thay đổi những yếu kém đó. Họ ngày càng hiểu rằng cách tiếp cận của chiến tranh lạnh không phục vụ lợi ích quốc gia của họ và rằng các lợi ích chiến lược của Nga và Mỹ song trùng trong nhiều lĩnh vực.


Mỹ chủ trương sử dụng bước ngoặt này trong tư duy của người Nga để hướng mối quan hệ của chúng ta vào những lợi ích chung và các thách thức mới nổi lên. Chúng ta đang mở rộng mối quan hệ hợp tác sẵn có trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Chúng ta đang hỗ trợ Nga tham gia Tổ chức Thương mại thế giới với các tiêu chuẩn gia nhập không thấp hơn mức thông thường, để thúc đẩy thương mại và đầu tư mà hai bên cùng có lợi. Chúng ta đã thành lập Ủy ban NATO - Nga nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa Nga, các đồng minh châu Âu của chúng ta và chính chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy nền độc lập và ổn định của các quốc gia thuộc Liên bang Xôviết cũ với niềm tin rằng khu vực kề cận ổn định và thịnh vượng sẽ củng cố những cam kết hội nhập của Nga vào cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương.


Đồng thời, chúng ta nhận thức được những bất đồng vẫn chia rẽ chúng ta với Nga, cũng như thời gian và nỗ lực cần bỏ ra để xây dựng được một mối quan hệ chiến lược bền vững. Mối nghi ngờ dai dẳng của lãnh đạo chóp bu của Nga đối với động cơ và chính sách của chúng ta khiến mối quan hệ giữa hai bên chậm được cải thiện. Cam kết không nhất quán của Nga đối với những giá trị cơ bản của nền dần chủ thị trường tự do và những hoạt động không rõ ràng trong việc chống lại phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt vẫn là những vấn đề gây quan ngại sâu sắc. Chính điểm yếu của Nga đã hạn chế các cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, giờ đây các cơ hội đó đã lớn hơn nhiều so với những năm trước, hay thậm chí so với những thập kỷ trước.


Mỹ đã chuyển đổi mối quan hệ song phương với Ấn Độ dựa trên nhận thức rằng lợi ích của Mỹ đòi hỏi một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Chúng ta là hai nền dân chủ lớn, cam kết tự do chính trị và được bảo vệ bởi chính phủ đại diện. Ấn Độ cũng đang tiến tới tự do kinh tế lớn hơn. Chúng ta có lợi ích chung trong các luồng thương mại tự do, gồm cả thương mại qua các tuyến đường biển quan trọng trên Ấn Độ Dương. Cuối cùng, chúng ta có chung lợi ích trong cuộc chiến chống khủng bố và xây dựng một châu Á ổn định về mặt chiến lược.


Vẫn còn những bất đồng, trong đó có việc Ấn Độ phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân, và tốc độ cải cách kinh tế của Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu như trong quá khứ những mối quan ngại này có thể chi phối suy nghĩ của chúng ta đối với Ấn Độ thì giờ đây chúng ta bắt đầu coi Ấn Độ là một cường quốc thế giới đang lên và chúng ta muốn thiết lập những lợi ích chiến lược chung với họ. Thông qua mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Ấn Độ, chúng ta có thể giải quyết tốt nhất mọi bất đồng và tạo lập một tương lai năng động.


Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược của chúng ta nhằm thúc đẩy một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, hoà bình và ổn định. Chúng ta hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hùng mạnh, hoà bình và thịnh vượng. Sự tăng cường dân chủ của Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với tương lai đó. Tuy nhiên, một phần tư thế kỷ kể từ khi bắt đầu quá trình lột xác khỏi những di căn tồi tệ nhất của chủ nghĩa cộng sản, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa có những lựa chọn cơ bản tiếp theo về tính chất nhà nước của họ. Trong khi theo đuổi xây dựng năng lực quân sự hiện đại có thể đe dọa các láng giềng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã đi theo một con đường lỗi thời mà rút cuộc sẽ phương hại đến chính quá trình tìm kiếm tầm vóc vĩ đại của dân tộc mình. Trung Quốc sẽ dần dần thấy rằng tự do chính trị và xã hội là cội nguồn duy nhất của tầm vóc vĩ đại đó.


Mỹ muốn có mối quan hệ mang tính xây dựng với một Trung Quốc đang biến đổi. Chúng ta đã hợp tác tốt trong những trường hợp lợi ích của hai bên song trùng, bao gồm cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hiện nay và việc thúc đẩy ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tương tự, chúng ta đã cộng tác trong vấn đề tương lai của Ápganixtan và đã đề xướng đối thoại toàn diện về chống chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề xuyên quốc gia tương tự. Các mối đe dọa chung về môi trường và sức khoẻ như sự lan tràn của HIV/AIDS buộc chúng ta phải cùng tăng cường phúc lợi cho công dân của chúng ta.


Việc giải quyết các mối đe dọa xuyên quốc gia này sẽ buộc Trung Quốc cởi mở hơn đối với thông tin, thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự và nâng cao các quyền cá nhân. Trung Quốc đã bắt đầu con đường đi đến cởi mở chính trị, cho phép tự do cá nhân nhiều hơn và tổ chức bầu cử cấp thôn, tuy nhiên vẫn cương quyết theo đường lối một Đảng, do Đảng Cộng sản nắm quyền. Còn rất nhiều việc cần phải làm để khiến quốc gia này thật sự chịu trách nhiệm trước nhu cầu và nguyện vọng của công dân họ. Trung Quốc chỉ có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của mình bằng cách cho phép người dân Trung Quốc tự do suy nghĩ, hội họp và thờ phụng.


Mối quan hệ thương mại quan trọng của chúng ta sẽ có lợi khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, điều này sẽ tạo nhiều cơ hội xuất khẩu hơn và cuối cùng là nhiều công ăn việc làm hơn cho các nông dân, người lao động và công ty của Mỹ. Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ tư của chúng ta với kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt 100 tỷ USD. Sức mạnh của các nguyên tắc thị trường và những yêu cầu của WTO về tính minh bạch và khả năng chịu trách nhiệm sẽ thúc đẩy mức độ cởi mở và pháp quyền của Trung Quốc nhằm thiết lập những nền tảng bảo vệ thương mại và công dân. Tuy nhiên, có những lĩnh vực chúng ta còn có những bất đồng sâu sắc. Cam kết của chúng ta về khả năng tự vệ của Đài Loan theo Đạo luật về quan hệ với Đài Loan là một vấn đề. Một vấn đề nữa là nhân quyền. Chúng ta hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện những cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân của mình. Chúng ta sẽ hợp tác để giảm bất đồng trên các vấn đề còn tồn tại, nhưng sẽ không để những bất đồng đó ngăn cản sự hợp tác trên những vấn đề chúng ta thống nhất.


Sự kiện 11-9-2001 đã thay đổi cơ bản bối cảnh của mối quan hệ giữa Mỹ và các trung tâm quyền lực toàn cầu khác và mở ra những cơ hội mới to lớn. Cùng với các đồng minh lâu đời ở châu Âu và châu Á, và các nhà lãnh đạo ở Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, chúng ta phải đưa ra chương trình hợp tác tích cực để những mối quan hệ này không trở nên nhàm chán và không hiệu quả.


Tất cả các cơ quan của chính phủ Mỹ đều gánh vác thách thức này. Chúng ta có thể xây dựng các thói quen tham vấn hiệu quả, tranh luận lặng lẽ, phân tích sáng suốt và hành động chung, về lâu dài, sẽ có những cách thức duy trì ưu thế của các nguyên tắc chung của chúng ta và giữ cho con đường tiến bộ luôn mở rộng.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2022, 08:52:13 am »

IX. CẢI CÁCH CÁC THỂ CHẾ AN NINH QUỐC GIA CỦA MỸ NHẰM TẬN DỤNG CÁC CƠ HỘI VÀ ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG THÁCH THỨC CỦA THỂ KỶ XXI

"Bọn khủng bố đã tấn công biểu tượng của sự thịnh vượng Mỹ. Nhưng chúng không thể chạm đến được cội nguồn của sự thịnh vượng đó.
Nước Mỹ đã thành công bởi vì nhân dân chúng ta lao động chăm chỉ, đầy sáng tạo và dám nghĩ dám làm".

Tổng thống Bush, phát biểu tại phiên họp chung
của Quốc hội, Washington D.c, 20-9-2001


Các thể chế về an ninh quốc gia lớn của Mỹ đã được thiết kế trong một kỷ nguyên khác để đáp ứng những yêu cầu khác. Tất cả các thể chế này cần phải thay đổi.

Đã đến lúc phải tái khẳng định vai trò thiết yếu của sức mạnh quân sự Mỹ. Chúng ta phải xây dựng và duy trì nền quốc phòng để vượt qua thách thức. Ưu tiên lớn nhất của ngành quân sự chúng ta là bảo vệ Mỹ. Để thực hiện việc này một cách hiệu quả, ngành quân sự của chúng ta cần phải:

• cam kết với các đồng minh và bạn bè;

• ngăn cản sự cạnh tranh về quân sự trong tương lai;
   
• chống lại những mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ, đồng minh và bạn bè của chúng ta;

• kiên quyết đánh bại bất cứ kẻ thù nào nếu việc ngăn chặn thất bại.

Sức mạnh vô song của các lực lượng vũ trang Mỹ và sự tồn tại sớm nhất của các lực lượng này đã góp phần duy trì hoà bình ở một số khu vực có tầm quan trọng chiến lược nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các mối đe dọa và kẻ thù mà chúng ta phải đối mặt đã thay đổi, và vì vậy lực lượng của chúng ta cũng phải thay đổi. Một quân đội được cơ cấu để răn đe các quân đội trong thời kỳ chiến tranh lạnh cần phải được cải tổ theo hướng chú ý nhiều hơn đến việc một kẻ thù có thể sẽ đánh theo cách nào thay vì chú ý đến việc cuộc chiến sẽ diễn ra ở đâu và khi nào. Chúng ta sẽ bỏ công sức để vượt qua rất nhiều thách thức về tổ chức thực hiện.


Sự tồn tại của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài là một trong những biểu tượng sâu sắc nhất của cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và bạn bè. Với việc sẵn sàng dùng lực lượng của mình để tự bảo vệ mình và bảo vệ các nước khác, Mỹ đã cho thấy quyết tâm duy trì sự cân bằng quyền lực hậu thuẫn tự do. Để đối phó với sự không chắc chắn và đương đầu với những thách thức về an ninh mà chúng ta phải đối mặt, Mỹ sẽ tiếp tục phải duy trì các căn cứ quân sự trong và ngoài Tây Âu và Đông Bắc Á cũng như các dàn xếp về tiếp cận tạm thời đối với việc triển khai quân đội Mỹ từ xa.


Trước khi cuộc chiến tranh ở Ápganixtan xảy ra, khu vực đó không phải là một ưu tiên trong danh sách các khu vực cần có kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đã phải triển khai quân trên khắp mọi miền của đất nước xa xôi đó và phải tận dụng từng nhánh lực lượng vũ trang. Chúng ta phải chuẩn bị dàn quân nhiều hơn thế bằng cách xây dựng các cơ sở như viễn thám hiện đại, khả năng đánh chính xác từ xa, và thay đổi cách bố trí và triển khai lực lượng. Sự huy động khả năng quân sự to lớn này phải bao gồm khả năng bảo vệ đất nước, thực hiện các hoạt động thông tin, bảo đảm Mỹ có thể tiếp cận với các hệ thống tên lửa ở xa và bảo vệ những cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng của Mỹ trên vũ trụ.


Sự sáng tạo trong các lực lượng vũ trang sẽ phụ thuộc vào việc thử nghiệm các cách tiếp cận mới với chiến tranh, củng cố việc phối hợp thực hiện, phát huy các thế mạnh về tình báo của Mỹ, và tận dụng tối đa khoa học và công nghệ. Chúng ta cũng phải thay đổi cách thức điều hành Bộ Quốc phòng, nhất là trong khâu quản lý tài chính, tuyển dụng và giữ những nhân viên giỏi lại. Cuối cùng, trong khi duy trì tính sẵn sàng trong thời gian trước mắt và khả năng chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, mục tiêu phải là cung cấp cho tổng thống nhiều lựa chọn hơn về quân sự để làm suy yếu tính hiếu chiến hay bất kỳ hình thức nào chống lại Mỹ, các đồng minh và bạn bè của chúng ta.


Lịch sử cho chúng ta thấy rằng việc ngăn chặn có thể thất bại; và kinh nghiệm cho chúng ta thấy một số kẻ thù không thể ngăn chặn được. Mỹ phải và sẽ duy trì khả năng đánh bại bất cứ mưu toan nào của kẻ thù, cho dù đó là một quốc gia hay là một chủ thể phi quốc gia, nhằm áp đặt ý chí của mình đối với Mỹ, các đồng minh và bạn bè của chúng ta. Chúng ta sẽ duy trì các lực lượng đủ để thực hiện các nghĩa vụ của chúng ta, và bảo vệ tự do. Các lực lượng của chúng ta sẽ đủ mạnh để khuyên can những kẻ thù tiềm năng, không theo đuổi các tham vọng phát triển quân sự hòng qua mặt hoặc sánh ngang với sức mạnh của Mỹ.


Công tác tình báo, và cách thức sử dụng thông tin tình báo, là cách phòng vệ đầu tiên mà chúng ta dùng để chống lại những kẻ khủng bố và mối đe dọa từ các quốc gia thù địch. Được thiết kế dựa trên ưu tiên là thu thập nguồn thông tin khổng lồ về một đối tượng lớn và cố định, đó là khối Xôviết, cộng đồng tình báo đang phải đối mặt với thách thức hiện nay là theo đuổi những mục tiêu phức tạp hơn và khó xác định hơn.


Chúng ta phải tạo chuyển biến về năng lực tình báo và xây dựng những năng lực mới nhằm đối phó với những mối đe dọa mới. Công tác tình báo phải được phối hợp đúng đắn với các hệ thống quốc phòng và thực thi pháp luật của chúng ta và phải được điều phối với hoạt động tình báo của các nước đồng minh và bạn bè của chúng ta. Chúng ta cần bảo vệ năng lực hiện có không để cho kẻ thù biết cách gây ra những bất ngờ lớn cho chúng ta. Những kẻ muốn hãm hại chúng ta cũng tận dụng yếu tố bất ngờ để hạn chế khả năng ngăn chặn và đối phó của chúng ta và tăng tối đa những thiệt hại mà chúng ta có thể chịu.


Chúng ta phải củng cố việc cảnh báo và phân tích tình báo để cung cấp các đánh giá đồng bộ về những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Do các đe dọa của các chính phủ nước ngoài và các nhóm có thể được thực hiện ở trong lãnh thổ Mỹ, chúng ta cũng phải bảo đảm việc trao đổi thông tin đầy đủ giữa cơ quan tình báo và thực thi pháp luật.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM