Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:01:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Về chiến lược an ninh của Mỹ hiện nay  (Đọc 3131 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2022, 06:27:19 am »

Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần của Mỹ, được công bố ngày 30-9-2001, tức là sau 11 tháng 9, vẫn khẳng định: "Hiện có khả năng một đối thủ quân sự có cơ sở nguồn lực đáng gờm nổi lên ở châu Á. Miền duyên hải Đông Á - từ vịnh Bengan đến biển Nhật Bản - tiêu biểu cho một khu vực đặc biệt mang tính thách thức". Như vậy, cho dù Trung Quốc không còn bị công khai gọi là "đối thủ chiến lược", Báo cáo Đánh giá quốc phòng vẫn hàm ý Trung Quốc khi đề cập những thách thức đối với nước Mỹ. Trong khi đó, "có những khoảng cách rất lớn ở chiến trường châu Á. Mật độ bố trí căn cứ của Mỹ và cơ sở hạ tầng trên tuyến đường đó thấp hơn so với những khu vực quan trọng khác. Mỹ cũng có ít sự bảo đảm hơn đối với việc tiếp cận các cơ sở ở khu vực này"1 (Thông tấn xã Việt Nam, "Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần", Tài liệu tham khảo số 11-12-2002, tr.9). Đây là những lý do khiến bản báo cáo đã đưa vị trí của Đông Á lên trước châu Âu. Báo cáo khẳng định sự cần thiết phải tái cơ cấu lực lượng của Mỹ để có thể đối phó hữu hiệu với các thách thức ở Đông Á và đề nghị tăng cường sức mạnh hải, lục, không quân cho khu vực Đông Á, Tây Nam Á và Trung Đông.


Ba là điều chỉnh chính sách đối với bán đảo Triều Tiên. Mỹ vẫn theo đuổi những mục tiêu không đổi ở bán đảo Triều Tiên, bao gồm duy trì ổn định, không phổ biến hạt nhân, hoà giải trên bán đảo Triều Tiên và củng cố liên minh an ninh Mỹ - Hàn1 (Joel Wit, "The United States and North Korea", Policy Brief #74, 3-2001, http://www.brookings.org). Vì vậy, mặc dù chỉ trích chính sách của chính quyền Clinton, chính quyền Bush cũng không có sự lựa chọn chính sách nào phục vụ lợi ích của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên tốt hơn là duy trì đối thoại, tiếp xúc và can dự với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt thể hiện ở cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền Bush.


Đúng vào lúc Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến ở Irắc, khủng hoảng hạt nhân xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sau khi Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đưa ra tuyên bố không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân và yêu cầu các thanh tra vũ khí hạt nhân phải rời Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Như vậy, Mỹ lại đứng trước một tình thế khó khăn mới. Tình hình hiện nay có những điểm giống với cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu những năm 1990. Cuộc khủng hoảng hạt nhân thời kỳ đó đã được tạm thời giải quyết với Hiệp định khung năm 1994. Theo hiệp định này, phía Mỹ đồng ý dàn xếp việc cung cấp hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và 500.000 tấn dầu nặng mỗi năm cho đến khi lò phản ứng nước nhẹ đầu tiên hoàn thành nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đổi lại, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ cho phép quốc tế thanh sát hai cơ sở hạt nhân đang hoạt động, đồng ý không tái chế các chất thải từ lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon.


Sự sụp đổ của Hiệp định khung năm 1994 đặt chính quyền Bush trước những sự lựa chọn khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tập trung vào vấn đề Irắc. Tình hình trước mắt còn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, ít có khả năng Mỹ sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Triều Tiên như tinh thần của Học thuyết chiến tranh phòng ngừa. Khác với Irắc, bán đảo Triều Tiên là nơi đan xen lợi ích của nhiều nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Sự có mặt của nhân tố vũ khí hạt nhân cùng với lợi ích của các đồng minh của Mỹ ở khu vực này làm cho khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm hiện nay là thấp. Mặt khác, xét từ cách tiếp cận cứng rắn và thực dụng của chính quyền Bush, cũng ít có khả năng chính quyền Bush chịu thoả hiệp nhanh chóng với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, chấp nhận những yêu cầu mà Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đưa ra. Giải pháp Mỹ gây sức ép đối với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên thông qua Liên hợp quốc để tiến tới một thoả thuận mới có thể chấp nhận được với các bên là hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Sự cải thiện gần đây trong quan hệ giữa các nước lớn cũng như sự chia sẻ lợi ích của các nước lớn ở khu vực này cho thấy Mỹ có thể tìm được sự đồng thuận của các nước lớn khác trong vấn đề Triều Tiên để phục vụ mục tiêu chính sách cao nhất của Mỹ là ngăn không cho Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân và không phát triển các loại tên lửa tầm xa.


Bốn là điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á. Từ sau sự kiện 11 tháng 9, Đông Nam Á càng trở nên quan trọng đối với Mỹ. Mỹ coi đây là mặt trận thứ hai chống khủng bố chủ yếu vì hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, ở Đông Nam Á tập trung một số nước có cộng đồng Hồi giáo đông đảo và Hồi giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị khu vực. Thứ hai là sự tồn tại của một số nhóm Hồi giáo cực đoan, có liên hệ với mạng lưới Al Qaeda ở khu vực này. Hơn nữa, nhìn về lâu dài, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á cũng phục vụ mục tiêu lâu dài của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc.


Mỹ thúc đẩy mạnh quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, với một số nước Đông Nam Á, điển hình là Inđônêxia và Philippin. Tháng 1-2002, sau khi chiến dịch "Tự do bền vững" ở Ápganixtan đã loại bỏ được Taliban và tiêu diệt được phần lớn cơ sở của Al Qaeda, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ bước sang giai đoạn 2 với tuyên bố điều 650 quân trong lực lượng chống khủng bố của Mỹ sang Philippin để hỗ trợ và đào tạo lực lượng của Philippin tiêu diệt Abu Sayyaf, một nhóm khủng bố mà Mỹ cho là có liên hệ với mạng lưới Al Qaeda1 (Rensselaer Lee and Raphel Perl, "Terrorism, the Future, and U.S. Foreign Policy", CRS Issue Brief for Congress, 26-3-2002). Trong khi đó, Philippin đồng ý cho Mỹ sử dụng không phận Philippin và tiếp cận các căn cứ quân sự Mỹ trước đây tại Philippin là Subic và Clark. Tổng thống Bush đã cam kết viện trợ kinh tế và quân sự cho Inđônêxia trị giá hơn 700 triệu USD để đổi lại sự hợp tác của nước này trong chiến dịch chống khủng bố. Quốc hội Mỹ bỏ qua các điều khoản cấm viện trợ vũ khí cho Inđônêxia. Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Inđônêxia để đổi lại sự ủng hộ của nước này đối với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Vai trò của Inđônêxia, với tư cách là một nước có số dân theo Đạo Hồi đông nhất thế giới, cũng rất quan trọng đối với Mỹ vì tăng cường hợp tác với những nước Hồi giáo ôn hoà là một thành tố chính sách quan trọng của Mỹ khiến cho cuộc chiến chống khủng bố không trở thành "cuộc xung đột giữa các nền văn minh".


Việc Mỹ tăng cường sự hiện diện và mở rộng hợp tác quân sự đối với khu vực Đông Nam Á vì mục tiêu chống khủng bố đã làm tăng thêm tính phức tạp và khó lường trong môi trường an ninh khu vực. Sự cải thiện trong quan hệ Mỹ - Trung từ sau sự kiện 11 tháng 9 có tính chất sách lược hơn là chiến lược. Trong quan hệ Mỹ - Trung, sự nghi ngờ về mục tiêu và ý đồ giữa một siêu cường đang mưu cầu vị trí độc tôn và bá quyền thế giới với một cường quốc đang trỗi dậy còn rất lớn. Bởi vậy, những hành động tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ cho dù với mục tiêu công khai chống khủng bố, ở Đông Nam Á và Trung Á, những khu vực sân sau của Trung Quốc, không khỏi khoét sâu những nghi kỵ và mâu thuẫn lâu dài trong quan hệ Mỹ - Trung.


Tóm lại, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương là hai khu vực chiến lược chủ yếu của Mỹ thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, vị trí của châu Á ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ vì ở đây tồn tại những thách thức lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ. Đặc biệt, sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một quan ngại an ninh dài hạn đối với Mỹ bởi khả năng nước này thách thức vị trí siêu cường và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tương lai. Trong khi đó, khu vực này vẫn thiếu vắng một cơ chế hợp tác an ninh hữu hiệu, một cơ chế Mỹ có thể dựa vào để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Chính vì vậy, giới hoạch định chiến lược, đặc biệt là giới quân sự của Mỹ, ngày càng chú trọng hơn đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược toàn cầu từ châu Âu sang châu Á đã bắt đầu manh nha từ dưới chính quyền Clinton. Dưới chính quyền Bush, tư duy đối ngoại hiện thực chính trị của bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh đã đẩy quá trình này thêm một bước. Tuy nhiên, sự kiện ngày 11-9-2001 và cuộc chiến chống khủng bố đã tạo ra một bước ngoặt mới trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ. Do ưu tiên trong những năm tới là cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ cần sự hợp tác của các nước lớn khác trong đó có Trung Quốc. Việc cải thiện quan hệ của Mỹ với Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố không có tính chất lâu dài. Một khi nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế bị đẩy lui, những mâu thuẫn chiến lược khó có thể dung hoà giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ lại bộc lộ rõ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #31 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:29:29 am »

CHƯƠNG IV
TÁC ĐỘNG CỦA CHIẾN LƯỢC AN NINH MỚI CỦA MỸ


1. Việc triển khai chiến lược an ninh mới của Mỹ

Irắc không chỉ là mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ mà còn là nơi thử nghiệm Học thuyết tấn công phủ đầu của chính quyền Bush. Hơn thế nữa, Chiến lược an ninh quốc gia với một định nghĩa đầy đủ nhất và những "tiêu chuẩn" của một nước mà Mỹ coi là bất trị cùng với phương cách để đối phó với những nước bất trị này dường như được dựng nên để biện minh và làm cơ sở cho việc Mỹ tấn công quân sự Irắc.


Hiện tại, Mỹ theo đuổi một chiến lược toàn cầu hòng thiết lập sự lãnh đạo của Mỹ và truyền bá giá trị của Mỹ trên toàn thế giới. Để đạt mục tiêu này, Mỹ có lợi ích không chế, kiểm soát và duy trì một cán cân lực lượng có lợi đối với Mỹ tại những khu vực trọng yếu của thế giới. Trung Đông là một trong những khu vực Mỹ có lợi ích sống còn. Khủng bố quốc tế, vấn đề phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, đặc biệt là khi những vũ khí này rơi vào tay những nước mà Mỹ coi là bất trị là những mối đe dọa đối với vai trò lãnh đạo, sự tự do hành động và lợi ích của Mỹ trên thế giới. Vì vậy, chính quyền Mỹ cho rằng Mỹ phải "hành động trước" để ngăn chặn và răn đe.


Tại sao Mỹ coi Irắc là trọng điểm của cuộc chiến chống khủng bố, là cuộc thử nghiệm đầu tiên của Học thuyết chiến tranh phòng ngừa, mặc dù chưa chứng minh được mối liên hệ giữa Saddam và Al Qaeda? Có bốn nguyên nhân chủ yếu.


Một là, Irắc là tâm điểm hội tụ những thách thức lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ trong thời kỳ hiện nay. Thay đổi chế độ ở Irắc sẽ phục vụ những lợi ích chiến lược, kinh tế, chính trị của Mỹ ở khu vực này. Mỹ có những lợi ích chiến lược và dầu mỏ to lớn ở Trung Đông. Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Irắc là lợi ích hàng đầu: thay đổi chế độ Saddam Hussein, thiết lập sự hiện diện quân sự ở Irắc sẽ giúp đặt toàn bộ khu vực dưới sự kiểm soát của Mỹ, giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Arập Xêút, tạo ra một thế chiến lược có lợi cho Mỹ ở khu vực. Và hơn hết, trừng phạt Irắc sẽ giúp Mỹ có được sự tự do hành động, răn đe các cường quốc thù địch thách thức lợi ích của Mỹ. Yếu tố dầu mỏ cũng là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng trong tính toán của Mỹ. Irắc có trữ lượng dầu lớn thứ hai trên thế giới, ước tính lên tới 112,5 tỷ thùng hay 11% toàn bộ trữ lượng dầu của thế giới1 (Miriam Pemberton, "War in Iraq: The Oil Factor", Foreign Policy in Focus, tháng 9-2002). Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ của Mỹ chiếm một phần tư của toàn thế giới và Mỹ phải nhập khẩu hơn một nửa số này. Theo Báo cáo chính sách năng lượng của chính quyền Bush tháng 5-2002 (còn gọi là báo cáo Cheney), đến năm 2020, Mỹ sẽ phải nhập hai phần ba lượng dầu tiêu thụ. Chính quyền Bush có liên hệ mật thiết với với giới công nghiệp dầu mỏ: cả Tổng thống Bush và Phó Tổng thống Cheney đều đã từng làm việc trong lĩnh vực này. Bốn mươi mốt quan chức cao cấp trong chính quyền Bush đã từng là giám đốc điều hành chính hoặc có cổ phần đáng kể và các mối liên hệ tài chính khác với giới công nghiệp dầu mỏ. Cuối cùng, một chế độ thân Mỹ theo hướng dân chủ ở Irắc sẽ giúp Mỹ thay đổi cơ bản bàn cờ chính trị ở Trung Đông, giúp cho các giá trị Mỹ thâm nhập vào khu vực vốn được coi là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển. Irắc cũng là nước "cứng đầu cứng cổ", là hiện thân của chủ nghĩa chống Mỹ. Sự đối đầu không che đậy, sự thù địch của chính quyền Saddam Hussein với Mỹ làm cho Mỹ lo ngại về khả năng nước này phát triển vũ khí giết người hàng loạt và truyền bá công nghệ và loại vũ khí này cho các tổ chức khủng bố và các nước "bất trị" khác. Mỹ đặc biệt lo ngại khả năng các nước được coi là "bất trị", các tổ chức khủng bố sử dụng vũ khí giết người hàng loạt (WMD) tấn công vào các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài cũng như trên lãnh thổ Mỹ.


Hai là, so với hai đối tượng khác trong "trục ma quỷ" là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và Iran, chính quyền Bush cho rằng Irắc là mục tiêu dễ bị tổn thương hơn cả do nước này chưa có vũ khí hạt nhân và sau một thời gian dài cấm vận đã bị suy yếu đáng kể. Hơn nữa, khác với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, cho dù còn có một số nước phản đối việc Mỹ tiến hành chiến tranh để thay đổi chế độ ở Irắc, các nước lớn có lợi ích ở đây, đặc biệt là Nga, Trung Quốc, EU có khả năng dàn xếp và thoả hiệp với Mỹ về vấn đề này. Nói một cách khác, cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh ở Irắc có thể chấp nhận được, đặc biệt khi mà cái lợi đạt được từ cuộc chiến tranh này là rất lớn như đã phân tích ở trên.


Ba là, cuộc chiến chống khủng bố tạo điều kiện cho chính quyền Bush giải quyết một vấn đề còn dang dở từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Nhiều quan chức trong chính quyền Bush hiện nay đã từng phục vụ dưới chính quyền Bush cha cho rằng quyết định hồi tháng 2-1991 của Mỹ không tiến vào lật đổ Saddam là một sai lầm lớn cần được khắc phục, và thời điểm hiện nay, trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố, là cơ hội vàng.


Bốn là, chính quyền Bush đã đặt cược vào ván bài Irắc. Tương tự như Reagan đã đi vào lịch sử nước Mỹ như một vị Tổng thống đã "có công" chiến thắng trong chiến tranh lạnh, Bush muốn là tổng thống đi vào lịch sử với dấu ấn là vị Tổng thống đã mang lại cái gọi là "hoà bình và dân chủ" đến vùng Vịnh.


Thời điểm đầu năm 2003 là thời điểm tương đối thuận lợi đối với Mỹ. Về nội bộ, Quốc hội Mỹ ủng hộ chính quyền Bush sử dụng vũ lực trong vấn đề Irắc. Đây là yếu tố rất quan trọng, về cơ bản công chúng Mỹ trở nên ủng hộ việc sử dụng vũ lực trong cuộc chiến chống khủng bố kể từ sau sự kiện 11 tháng 9. Hơn thế nữa, nhìn chung đa số công chúng Mỹ cũng ủng hộ học thuyết tấn công phủ đầu, sử dụng vũ lực đổ tấn công ngăn chặn trong cuộc chiến chống khủng bố. Về quốc tế, Mỹ đã phần nào thành công trong việc thuyết phục đồng minh và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố thông qua việc gây sức ép, mặc cả và đổi chác với các nước nhằm lôi kéo sự ủng hộ, hoặc chí ít là sự ngầm chấp nhận việc Mỹ tấn công Irắc để loại bỏ Saddam Hussein. Nếu không có sự kiện 11 tháng 9, yếu tố quốc tế không thể thuận lợi như vậy đối với chính quyền Bush.


Về mặt chính trị, nếu không đưa ra được những bằng chứng có tính thuyết phục về sự liên hệ của Irắc với mạng lưới khủng bố quốc tế và không có được sự đồng thuận của Liên hợp quốc và sự ủng hộ rộng rãi của đồng minh, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Irắc sẽ xói mòn liên minh quốc tế chống khủng bố. Điều trớ trêu là trong khi trọng tâm của chính sách đối ngoại Mỹ trong thời gian tới là duy trì liên minh quốc tế chống khủng bố, thì điều kiện thiết yếu đối với cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu do Mỹ phát động, với việc biến Irắc và khả năng tấn công quân sự Irắc nhằm thay đổi chế độ ở đây thành trọng điểm giai đoạn II của cuộc chiến chống khủng bố và sẽ làm tan rã liên minh quốc tế chống khủng bố. Hơn thế nữa, nó sẽ khoét sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo, làm gia tăng tâm lý chống Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả trong các đồng minh thân cận.


Bên cạnh đó, việc tấn công quân sự Irắc cũng có những mạo hiểm đối với Bush về mặt chính trị nội bộ. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều hơn vào kết quả của cuộc tấn công quân sự.

Về mặt quân sự, thách thức đối với chính quyền Bush là tiến hành một cuộc tấn công quân sự để có thể chiến thắng nhanh chóng và ít thương vong. Trong khi đó, giới quân sự Mỹ vẫn chưa có phương án hữu hiệu để trung lập hoá nguy cơ phản công bằng vũ khí hoá học hoặc sinh học. Hơn nữa, thay vì ngăn chặn những hành động khủng bố trong tương lai, cuộc tấn công quân sự của Mỹ sẽ khiêu khích và kích động các tổ chức khủng bố thực hiện những cuộc khủng bố khác. Cuộc không kích trả đũa Libi năm 1986 là một ví dụ điển hình. Chính cuộc không kích này đã là nguyên nhân dẫn đến vụ đánh bom máy bay của hãng hàng không Pan Am 103 của Mỹ hai năm sau đó.


Về mặt tài chính, theo nhiều đánh giá, chi phí cuộc chiến có thể gấp từ 2 đến 4 lần chi phí của cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, tức từ 100 đến 200 tỷ USD so với 57 tỷ USD của năm 1991. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ có thể chịu được chi phí này. Điều khó khăn hơn là tái thiết Irắc và duy trì ổn định ở đây. Trong bối cảnh các đồng minh không sẵn lòng gánh vác những chi phí tài chính như trong thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cuộc chiến của Mỹ ở Irắc có thể đưa chính quyền Bush con vào tình trạng như chính quyền Bush cha, tức là chiến thắng về đối ngoại sẽ không đủ trang trải cho thất bại về kinh tế và tài chính.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:32:02 am »

2. Chiều hướng chính sách của Mỹ sau Irắc

Việc Mỹ coi Irắc là trọng điểm của giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống khủng bố, mặc dù sự liên hệ giữa việc Mỹ đánh Irắc và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ không có cơ sở rõ ràng, không khỏi làm người ta lo ngại: vậy đâu là giới hạn cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, và nước nào sẽ là mục tiêu tiếp theo của sự biểu dương sức mạnh quân sự của Mỹ?


Nhìn lại những điều kiện can thiệp quân sự và thực tế chính sách can thiệp của Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ những năm 1990, có thể thấy toát lên ba nét nổi bật. Thứ nhất, điều kiện quan trọng nhất để Mỹ can thiệp vào một cuộc xung đột ngoài biên giới của mình được các nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh là khi lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ hoặc của đồng minh bị đe dọa. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân việc xác định lợi ích nào là lợi ích quốc gia sống còn bị đe dọa lại là vấn đề rất lớn bởi không có một công thức rõ ràng nào để xác định nó. Điều này có nghĩa là các nhà lãnh đạo Mỹ thời kỳ sau chiến tranh lạnh có khả năng can thiệp vào một phạm vi các vấn đề rộng hơn và ít liên quan trực tiếp hơn đến cái gọi là lợi ích sống còn của Mỹ. Thứ hai, sự can thiệp quân sự phải được sự ủng hộ của quốc hội và đồng minh, chi phí có thể chấp nhận được, có sự chỉ huy và kiểm soát rõ ràng, khả năng giành thắng lợi cao, ít thương vong và có điểm rút ra rõ ràng1 (Christopher, 4-1993). Thứ ba, những nhân tố nội bộ Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong các quyết định đối ngoại của Mỹ. Đấu tranh đảng phái, thời điểm trước bầu cử hay nhân tố cá nhân Tổng thống Mỹ trong một số trường hợp có thể có tác động không nhỏ đối với một cuộc phiêu lưu quân sự của nước Mỹ. Quyết định ném bom Irắc của Mỹ hồi tháng 12-1998 là một minh chứng điển hình cho mối liên hệ chặt chẽ giữa nhân tố đối nội và đối ngoại. Tổng thống Clinton đã phải tỏ ra quyết đoán và mạnh mẽ trong vấn đề Irắc để phần nào cải thiện hình ảnh của một vị Tổng thống đang gặp nhiều bê bối. Việc Mỹ tấn công Kosovo vào thời điểm NATO kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và chuẩn bị thông qua khái niệm chiến lược mới không chỉ trùng hợp ngẫu nhiên với thời kỳ Mỹ chỉ còn một năm nữa là bầu cử tổng thống. Kosovo cũng là một canh bạc lớn cuối cùng của Clinton với hy vọng làm mờ nhạt hình ảnh của một vị Tổng thống của các vụ bê bối. Tương tự như vậy, thời điểm Mỹ đưa vấn đề Irắc ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 9-2002 cũng là để nhằm hướng dư luận ra khỏi những vụ bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mà bản thân Tổng thống Bush và các cố vấn thân cận của ông ta cũng có phần liên quan. Thời điểm Mỹ đánh Irắc một năm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 cũng là sự tính toán kỹ lưỡng, tính đến nhân tố chính trị nội bộ.


Trên cơ sở ba yếu tố nêu ra ở trên, có thể thấy ít có khả năng Mỹ sẽ tấn công quân sự một nước khác trong "trục ma quỷ" ngay sau cuộc chiến của Mỹ ở Irắc. Thứ nhất, chính quyền Bush sẽ phải tập trung vào các vấn đề đối nội, chuẩn bị cho cuộc chạy đua năm 2004. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tiềm ẩn nhiều vấn đề và sự phục hồi của kinh tế Mỹ không chắc chắn. Thứ hai, Mỹ cần sự hợp tác của đồng minh và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bối Nếu Mỹ vung tay quá trán thì rạn nứt trong liên minh chống khủng bố của Mỹ sẽ không thể cứu vãn và chủ nghĩa chống Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh.


Thứ ba, xét từ góc độ chi phí chiến tranh, khả năng giành thắng lợi nhanh, ít thương vong thì cả Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và Iran đều khó có thể đáp ứng điều kiện này. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên làm người ta lo ngại rằng nước này sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ. Thực chất, các chiến lược gia của Mỹ khó có thể vạch ra một chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, ít thương vong ở khu vực này nếu tính đến tiềm lực quân sự của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, vị trí địa lý của nước này và khả năng can thiệp của Trung Quốc.


Vậy trong những hoàn cảnh nào thì Mỹ sẽ can thiệp ở châu Á? Và khả năng Mỹ can thiệp ở khu vực này lớn đến đâu và ở mức độ nào? Ở châu Á, hiện có ba điểm nóng tiềm tàng: bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan và tranh chấp biển Đông. Việc Mỹ duy trì liên minh an ninh Mỹ - Nhật và thậm chí mở rộng phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bao gồm cả "khu vực xung quanh Nhật Bản" với việc sửa đổi Phương châm hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật tháng 9-1997, dường như là một bước chuẩn bị cho sự can thiệp của Mỹ, với sự hỗ trợ hậu cần của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.


Tuy nhiên, Mỹ khó có thể trông chờ ở sự ủng hộ của đồng minh của Mỹ ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, trong trường hợp Mỹ can thiệp vào khu vực này. Nội bộ Nhật Bản cũng chưa có được sự nhất trí về vai trò cụ thể của Nhật Bản trong trường hợp Mỹ tiến hành can thiệp ở châu Á. Nói tóm lại, Mỹ khó có thể trông chờ Nhật Bản ủng hộ và tham gia vào một cuộc phiêu lưu quán sự nào đó của Mỹ ở eo biển Đài Loan hay ở biển Đông.


Cả Irắc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đều bị Mỹ nghi ngờ phát triển vũ khí hạt nhân và đòi hỏi hai nước này phải mở cửa các cơ sở bị tình nghi cho thanh tra của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuy nhiên, trong trường hợp Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, các bên liên quan đã đạt được một thoả thuận khung theo đó Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đồng ý ngừng các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy 500.000 tấn HFO và các lò phản ứng nước nhẹ. Cơ chế chủ yếu để xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ là thông qua Tổ chức Phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên (KEDO). Đàm phán bốn bên giữa Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc cũng góp phần làm giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin trên bán đảo Triều Tiên.


Mỹ phải tính đến vai trò của Trung Quốc, Nga, và ở mức độ nào đó là Ấn Độ, trong các vấn đề an ninh ở châu Á. Nói một cách khác, thế đa cực tương đối vững chắc ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một nhân tố cản trở những cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ ở châu Á. Sau vấn đề bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan là một vấn đề an ninh có tiềm năng gây mất ổn định ở khu vực.


Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã đi đến đỉnh cao căng thẳng hồi năm 1996 khi Mỹ cử hai tàu sân bay đến vùng eo biển Đài Loan để răn đe cuộc tập trận của Trung Quốc ở khu vực này. Tuy nhiên, khi đến bên bờ của sự đổ vỡ, hai nước đã kịp thời điều chỉnh quan hệ và một giai đoạn nồng ấm trong quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu với quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Cho dù vẫn tồn tại những khác biệt cơ bản và những mâu thuẫn to lớn giữa hai nước, đã hình thành một nhận thức sâu sắc ở cả phía Mỹ và Trung Quốc về tầm quan trọng và sự cần thiết phải hợp tác để giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu.


Những nhân tố nói trên sẽ có tác động mạnh mẽ đèn quyết định can thiệp quân sự ở châu Á. Tuy nhiên, những nhân tố này không loại trừ khả năng can thiệp quân sự của Mỹ ở khu vực này. Trong những hoàn cảnh đặc biệt và do tính toán sai lầm về chiến lược và lợi ích của chính quyền Mỹ vào thời điểm đó, Mỹ có thể can thiệp với mức độ khác nhau ở khu vực này.


Việc Mỹ đặt Học thuyết Chiến tranh phòng ngừa giới hạn trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố và ứng phó với các nước "bất trị" cho thấy khả năng sử dụng vũ lực lan tràn đối với các đối tượng khác chưa hẳn đã được đặt ra. Xét cho cùng, chính quyền Bush cũng phải nhận thức được giới hạn sức mạnh của nước Mỹ trong một thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau. Bản thân nước Mỹ cũng đang gặp những khó khăn nội bộ lớn, đặc biệt là nguy cơ suy thoái kinh tế và việc giải quyết một loạt những vụ bê bối tài chính của các tập đoàn và công ty lớn. Số phận chính trị của Bush con phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng phát triển kinh tế của nước Mỹ chứ không phải vào các cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Bài học thất cử nhiệm kỳ II của Bush cha chắc hẳn không thể bỏ qua nếu George W. Bush không muốn đi theo vết xe đổ của Bush cha hơn một thập kỷ về trước.


Điều đáng lo ngại hơn là sự thắng thế hiện nay của phe bảo thủ trong chính quyền Mỹ có nghĩa là chính sách của Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tầm nhìn và quan điểm của những nhân vật bảo thủ như Dick Cheney, Donald Rumsfeld và Paulfowitz. Chiến thắng của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11-2002 cho thấy sự ủng hộ chính trị trong nước đối với chính quyền Bush. Đối với chính quyền Bush, điều này không chỉ có nghĩa nội bộ Mỹ ủng hộ chính sách của chính quyền Bush trong thời gian vừa qua mà còn là cơ sở chính trị nội bộ để chính quyền Bush thúc đẩy việc thực hiện những ý đồ và tham vọng của mình trong thời gian tới. Xét từ góc độ này, chương trình nghị sự chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền Bush, được hậu thuẫn bởi Quốc hội do Đảng Cộng hoà kiểm soát ở cả hai Viện, sẽ trở nên hung hăng hơn do ảnh hưởng của nhóm bảo thủ trong chính quyền Bush.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #33 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:33:24 am »

3. Tác động đối với thế giới và khu vực

Điều chỉnh chiến lược an ninh của Mỹ nói chung và Học thuyết Chiến tranh phòng ngừa của chính quyền Bush nói riêng có những hệ luỵ trước mắt cũng như lâu dài đối với thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việc chính quyền Bush công bố Học thuyết Chiến tranh phòng ngừa cho thấy ít nhất hai điều. Thứ nhất, là siêu cường duy nhất, Mỹ tự cho phép mình định ra luật chơi, thay đổi luật chơi đã được cộng đồng quốc tế lập ra từ năm 1945 với việc thành lập Liên hợp quốc. Với việc đưa ra khái niệm tấn công phòng ngừa Mỹ đã tự đặt mình cao hơn luật pháp quốc tế. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, một quốc gia chỉ có thể sử dụng vũ lực chống lại một quốc gia có chủ quyền khác trong hai trường hớp. Trường hợp thứ nhất là theo điều 51, một quốc gia được quyền tự vệ, sử dụng vũ lực để đánh trả sự tấn công của một quốc gia khác. Trường hợp thứ hai là khi hoà bình và an ninh quốc tế bị đe dọa và được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngay chính Henry Kissinger cũng cho rằng việc chính quyền Bush chủ trương can thiệp quân sự để thay đổi chế độ là thách thức cả hệ thống quốc tế bởi vì nó đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Thứ hai là học thuyết của Bush thể hiện rõ ràng mục tiêu bá chủ thế giới. Cho dù đây không phải là điều mới mẻ bởi các chính quyền trước của Mỹ cũng đều theo đuổi mục tiêu này, chính quyền Bush đã đi xa thêm một bước khi không chỉ tự cho mình là sen đầm quốc tế, mà còn tự cho mình đứng cao hơn cộng đồng quốc tế. Nói một cách khác, ngay chính nhiều học giả Mỹ cũng cho rằng đây là sự hành xử của một đế chế. Một sen đầm quốc tế làm theo mệnh lệnh của cộng đồng quốc tế. Một đế chế tự mình đưa ra quyết định và cũng đớn phương thực hiện quyết định đó. Và nước Mỹ ngày nay không chỉ là sen đầm quốc tế, mà còn đang cư xử như một đế chế.


Điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ có tác động đối với những xu thế quốc tế chủ đạo thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Cho dù chiến tranh thế giới khó có thể xảy ra, thời kỳ hoà bình và ổn định tương đối trên thế giới kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc đã chấm dứt. Sự cương quyết trả đũa của Mỹ và những tuyên bố mạnh mẽ về sự sẵn sàng theo đuổi cuộc chiến cho đến khi "tất cả các nhóm khủng bố có địa bàn hoạt động toàn cầu được phát hiện, ngăn chặn và đánh bại"1 (Phát biểu của Tổng thống George W.Bush trước hai Viện Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ ngày 20-9-2001) báo hiệu cho sự bắt đầu của một "vòng xoáy bạo lực" mới trên thế giới. Tính chất và phạm vi không giới hạn của cuộc chiến vô hình mà nạn nhân chủ yếu sẽ là những người dân vô tội càng làm tăng tình trạng thiếu an ninh và bất ổn trên thế giới. Trên thực tế, nạn khủng bố ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vụ khủng bố ở Bali, vụ bắt cóc con tin ở Nga và những vụ khủng bố ở Trung Đông cho thấy khủng bố quốc tế ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa an ninh của nhiều nước và khu vực trên thế giới.


Một trong những đặc trưng nổi bật của thời kỳ sau chiến tranh lạnh là các quốc gia trên thế giới đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế. Người ta nói đến cuộc chạy đua về kinh tế trong thời đại toàn cầu hoá đã thay thế cho cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ chiến tranh lạnh. Kể từ sự kiện 11 tháng 9 và Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề khủng bố và chống khủng bố quốc tế sẽ chiếm ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, cướp biển, nhập cư bất hợp pháp, v.v..., vốn đã ngày càng trở nên quan trọng kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, sẽ càng trở nên cấp bách hơn. Và vấn đề này sẽ chiếm ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực trong thời gian tới.


Một hệ quả quan trọng khác của điều chỉnh chiến lược an ninh của Mỹ là vấn đề chạy đua vũ trang. Như trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ nêu rõ, một mặt Mỹ phải duy trì và mở rộng khoảng cách sức mạnh để ngăn chặn một cường quốc nổi lên thách thức vị trí của Mỹ. Đó là tính toán của Mỹ. Những cường quốc nằm trong tầm ngăn chặn của Mỹ đương nhiên sẽ phải có đối sách tương ứng để tăng cường sức mạnh quân sự của mình, tránh khả năng bị phụ thuộc hoặc bị Mỹ dùng sức mạnh quân sự o ép. Một ví dụ điển hình là mặc dù Nga đã phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" đối với việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước ABM và xúc tiến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, tháng 1- 2003, Nga tuyên bố cũng sẽ xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ an ninh cho mình. Điều này cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang với quy mô có thể nhỏ hơn so với thời kỳ chiến tranh lạnh đã bắt đầu, chủ yếu do chính sách của Mỹ gây ra. Mặt khác, một mục tiêu quan trọng khác của Mỹ là các nước "bất trị". Đây cũng chính là mục tiêu của Học thuyết Chiến tranh phòng ngừa. Để chống lại ý đồ của Mỹ, do không có khả năng đối đầu quân sự trực diện với Mỹ, những nước hoặc những tổ chức thù địch với Mỹ sẽ ngày càng sử dụng những biện pháp không cân xứng. Đối với những đối tượng này, việc tăng cường sức mạnh quân sự thông thường có thể không được đặt ra. Nhưng việc tìm kiếm, sở hữu những loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, đặc biệt là bộ ba vũ khí hạt nhân sinh học và hoá học sẽ càng ráo riết hơn bao giờ hết.


Quan hệ giữa các nước lớn Mỹ, Nga, Trung Quốc cũng có những biến chuyển quan trọng sau sự kiện ngày 11 tháng 9 và trước những điều chỉnh chính sách mạnh mẽ của các nước, đặc biệt là Mỹ và Nga. Có thể thấy ít nhất ba nét nổi bật. Một là mặt hợp tác trong quan hệ giữa những nước này tăng lên đáng kể so với thời kỳ trước đó. Hai là sự đấu tranh giữa xu thế đơn cực và đa cực giảm do các nước lớn chia sẻ lợi ích trong cuộc chiến chống khủng bố. Ba là những dấu hiệu manh nha phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn trước đó, do việc Mỹ - Nhật và Nga - Trung tăng cường hợp tác và mặt cạnh tranh nổi lên trong quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, đã giảm đáng kể. Yếu tố hoà hợp quyền lực (concert of power) nổi lên rõ nét hơn với khả năng Mỹ, Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác và có khả năng đi đến thoả hiệp trên một số vấn đề gai góc. Những thay đổi này, nếu có tính chất lâu dài, sẽ có tác động quan trọng đối với trật tự thế giới trong thế kỷ XXI. Trật tự thế giới thời kỳ sau chiến tranh lạnh đến nay có thể coi là một thế giới "đơn - đa cực"1 (Samuel Huntington, "The Lonely Superpower", Foreign affairs Vol. 78, No. 2, tháng 3/4-1999) như cách gọi của học giả Mỹ Samuel Huntington.


Chiến tranh lạnh kết thúc, lợi ích quốc gia thay thế ý thức hệ trở thành tiêu chí quan trọng nhất trong các mối quan hệ và tập hợp lực lượng quốc tế. Sự kiện ngày 11 tháng 9 và sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, sẽ vạch một đường phân giới mới trong nền chính trị quốc tế. "Mọi quốc gia, mọi khu vực đang đứng trước một quyết định. Hoặc họ đứng về phía chúng ta, hoặc họ đứng về phía khủng bố1 (Phát biểu của Tổng thống George W.Bush trước hai Viện Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ ngày 20-9-2001) là tuyên bố chính sách thẳng thừng và mạnh mẽ của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Powell cũng phát biểu, từ nay Mỹ sẽ đánh giá quan hệ với các nước khác căn cứ vào sự hợp tác chống khủng bố của quốc gia đó với Mỹ. Như vậy, ít nhất trong vài năm tới, trên thế giới có thể sẽ hình thành tập hợp lực lượng mới. Một liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ cầm đầu và hạt nhân là các nước đồng minh của Mỹ trong NATO, đặc biệt là Anh, và phần nào là đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia sẽ được hình thành. Vòng ngoài của liên minh này bao gồm các nước muốn tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề ly khai, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo trong nội bộ của mình. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakixtan và các nước Cộng hoà Trung Á là những trường hợp như vậy. Đối lập với liên minh quốc tế này sẽ là mạng lưới khủng bố quốc tế được một số ít quốc gia bảo trợ. Tuy nhiên, đây chỉ là một liên mình lỏng lẻo, một sự liên kết nhất thời của các nước nhằm đối phó với một mối đe dọa chung trước mắt là chủ nghĩa khủng bố và phục vụ các tính toán lợi ích riêng. Tập hợp lực lượng của những nước "đồng sàng dị mộng" sẽ nhanh chóng tan vỡ một khi mục tiêu chống khủng bố không còn là mục tiêu bao trùm trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ.


Điều chắc chắn là biện pháp trả đũa quân sự sẽ chỉ khoét sâu thêm hận thù giũa Mỹ và thế giới Hồi giáo, làm cho thế giới ngày càng trở nên bất ổn định. Không ít người Hồi giáo sẵn sàng tham gia vào cuộc Thánh chiến chống Mỹ và phương Tây. Chính vì vậy, cho dù Mỹ và các đồng minh đã nhiều lần khẳng định đây không phải là một cuộc chiến tranh chống lại Đạo Hồi và thế giới Hồi giáo, cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Ápganixtan, đặc biệt là cuộc chiến của Mỹ ở Irắc, nguy cơ cuộc chiến chống khủng bố trở thành cuộc xung đột giữa phương Tây và Hồi giáo, hay luận thuyết "cuộc xung đột giữa các nền văn minh" của Samuel Huntington trở thành thực tế, càng lớn hơn bao giờ hết. Bởi vậy, việc tăng cường sử dụng vũ lực và sức mạnh quân sự nhằm đạt các mục tiêu trước mắt của Mỹ sẽ để lại những hậu quả về lâu về dài.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #34 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:34:46 am »

KẾT LUẬN


Dưới chính quyền Bush con, chiến lược an ninh của Hoa Kỳ đã có những điều chỉnh quan trọng, về cơ bản xu hướng điều chỉnh này đã bắt đầu hình thành từ trước sự kiện 11-9-2001. Tuy nhiên, sự kiện 11 tháng 9 và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã đẩy nhanh sự điều chỉnh này cũng như tạo ra một số thay đổi về thứ tự ưu tiên trong chương trình nghị sự an ninh của Mỹ.


1. Tiền đề của sự điều chỉnh chiến lược an ninh dưới chính quyền Bush là ưu thế sức mạnh vượt trội của Mỹ trong một thế giới không còn thách thức từ phía Liên Xô. Nước Mỹ chiếm ưu thế sức mạnh trên tất cả những lĩnh vực then chốt của sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Trong những năm 1990 dưới hai nhiệm kỳ của Clinton, kinh tế Mỹ đã có sự phát triển ngoạn mục, tạo cơ sở cho Mỹ củng cố sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin mà Mỹ đi đầu, đã giúp cho Mỹ không những giữ mà còn mở rộng khoảng cách đối với các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng về kinh tế. Trong vòng hai đến ba thập kỷ tới, khó có cường quốc nào có thể thách thức vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ.


2. Từ sau cuộc chiến ở Ápganixtan, vị thế siêu cường hàng đầu của Mỹ càng được củng cố. Nói một cách khác, cuộc chiến chống khủng bố đã tạo ra một số chuyển biến có lợi cho Mỹ. Thứ nhất, cuộc chiến chống khủng bố đã giúp củng cố cơ sở quyền lực chính trị của chính quyền Mỹ, vốn rất yếu sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000. Thứ hai, cuộc chiến chống khủng bố đã giúp cải thiện đáng kể quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ cùng với những nhượng bộ của Nga trong các vấn đề như phòng thủ tên lửa, mở rộng NATO về phía đông tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ trong việc theo đuổi những mục tiêu và ý đồ chiến lược của mình. Nó cũng giúp Mỹ làm suy yếu tập hợp lực lượng chống Mỹ giữa các nước lớn chủ trương một trật tự thế giới đơn cực là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ ba, cuộc chiến chống khủng bố cũng giúp Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở nhiều nơi trên thế giới, xâm nhập vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga và Trung Quốc, thực hiện chiến lược lâu dài nhằm kiểm soát nguồn dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ở Trung Á1 (Vùng biển Caspie chứa khoảng 270 tỷ thùng dầu, khoảng 20% trữ lượng dầu và 1/8 toàn bộ nguồn khí đốt thiên nhiên trên thế giới), củng cố ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh. Như vậy, cuộc chiến chống khủng bố đã tạo cơ hội cho Mỹ thúc đẩy việc thực hiện những ý đồ chiến lược dài hạn là thiết lập bá quyền trên toàn thế giới, ngăn chặn ảnh hưởng của các đối thủ tiềm tàng.


3. Bộ máy hoạch định chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền Bush bao gồm phần lớn những nhân vật bảo thủ, theo đuổi một chương trình nghị sự kiểu đế quốc mới (neo-imperial). Chính quyền Cộng hoà của Tổng thống Bush thi hành một chiến lược an ninh dựa trên ưu thế sức mạnh của Mỹ, bất chấp những ràng buộc quốc tế. Thắng lợi ban đầu trong cuộc chiến chống khủng bố đã giúp củng cố cơ sở quyền lực chính trị của chính quyền Bush và tăng ảnh hưởng của phe bảo thủ, hiếu chiến trong chính quyền Mỹ. Đây là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến chiều hướng chính sách của Mỹ trong thời gian tới.


4. Điều chỉnh chiến lược an ninh quốc phòng dưới chính quyền Bush thể hiện lập trường cứng rắn truyền thống của Đảng Cộng hoà trong vấn đề phòng thủ. An ninh quân sự trở thành trụ cột chủ đạo; tư tưởng chiến lược mang tính tấn công hơn thể hiện ở học thuyết chiến tranh phòng ngừa và chính sách hạt nhân mới; mưu cầu ưu thế và an ninh tuyệt đối thông qua việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.


5. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ mà cốt lõi là học thuyết Bush thực chất chủ trương tiếp tục phát triển thế mạnh quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ một thế lực nào có thể nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ. Bắt nguồn từ định nghĩa hẹp hòi về lợi ích quốc gia của Mỹ, "lợi ích của Mỹ bị đe dọa khi lãnh thổ của Mỹ bị đe dọa, nhân dân Mỹ bị nguy hiểm và đồng minh của My bị thách thức"1 (George Bush on Foreign Policy, Issue 2001: Every Political Leader on Every Issue, at http://issue2000.org/celeb), chiến lược an ninh quốc phòng của chính quyền Bush thể hiện tính thực dụng cao - một đặc điểm của các chính quyền Cộng hòa.


6. Những điều chỉnh quan trọng này trong chiến lược an ninh của Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI được thúc đẩy mạnh hơn trước trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố. Thực chất, nó phục vụ mục tiêu lâu dài, không đổi của Mỹ là thiết lập một nền hòa bình kiểu Mỹ trên toàn thế giới. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ không những không dẫn đến thay đổi mà còn củng cố cơ sở tư tưởng chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ cần khống chế khu vực ngoại vi đại lục Âu-Á thì mới có thể kiểm soát được toàn thế giới. Đại lục Âu-Á là bộ phận cấu thành cơ bản của chiến lược lớn của Mỹ nửa cuối thế kỷ XX và ít nhất trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI1 (Nữu Tiến Chung, Dự báo chiến lược thế kỷ XXI, Học viện Quan hệ quốc tế, 2002, tr. 100-101). Sự kiện 11 tháng 9 trên thực tế đã tạo điều kiện cho việc đặt chân vào những khu vực có vị trí chiến lược thiết yếu ở Trung Á, phục vụ lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ là ngăn chặn sự trỗi dậy của một cường quốc có khả năng đe dọa vị trí của Mỹ trong tương lai.


7. Châu Á ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ cả trong tương lai ngắn và dài hạn. Cuộc chiến chống khủng bố mặc dù có phạm vi toàn cầu, thực chất tập trung chủ yếu ở châu Á, đặc biệt là Tây Nam Á và Đông Nam Á. Về lâu dài, đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho châu Á sẽ trở thành trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ XXI. Trên thực tế, xu hướng chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ theo hướng chú trọng châu Á hơn đã bắt đầu diễn ra từ cuối thập kỷ 90 thế kỷ XX và được đẩy mạnh dưới chính quyền Bush.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #35 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2022, 06:35:38 am »

8. Cho dù ít coi trọng các thể chế quốc tế và chủ nghĩa đa phương hơn so với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Bush vẫn chú trọng quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh an ninh chủ chốt của mình ở châu Âu và châu Á. Những liên minh an ninh đa phương và song phương thời kỳ chiến tranh lạnh vẫn chiếm giữ vị trí trung tâm trong chiến lược an ninh của Mỹ. Quan hệ an ninh chính trị giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu và châu Á không những có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, mà còn có tầm quan trọng to lớn đối với khả năng thực hiện chiến lược bá chủ toàn cầu của Mỹ. Đây là hai cánh chiến lược chủ yếu của Mỹ và quan hệ đồng minh an ninh với Tây Âu và Nhật Bản là trụ cột trong chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Mặc dù những trở ngại trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng cùng với xu hướng hành động đơn phương, bá quyền và ngạo mạn của Mỹ1 (Một số học giả Mỹ,  cũng chỉ trích Mỹ đang trở thành một "siêu cường cô đơn" và "siêu cường bất hảo" (rouge superpower) với xu hướng bá quyền, hành động đơn phương, không tính đến lợi ích của chính các đồng minh của mình. Xem thêm Sammuel Huntington, "The Lonely Superpower", Foreign Affairs, Vol. 78. No. 2, tháng 3/4-1999; Gary Wills, "Bully of the Free World", Foreign Affairs, Vol. 78, No. 2, tháng 3/4-1999), những liên minh an ninh này vẫn có cơ sở để tồn tại và phát triển trong một vài thập kỷ tới. Mặt khác, sự thay đổi trong tương quan lực lượng, ý chí độc lập của các đồng minh, cũng như những khác biệt nhất định về nhận thức và xác định lợi ích chiến lược làm cho những mối quan hệ này ngày càng trở nên bình đẳng hơn. Điều này cũng có nghĩa là các đồng minh của Mỹ không đơn thuần là những công cụ chiến lược của Mỹ mà còn là những trung tâm kinh tế, chính trị lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh với Mỹ trong một thế giới đang tiến tới đa cực.


9. Những điều chỉnh chiến lược an ninh của chính quyền Bush có những hệ luỵ quan trọng đối với Việt Nam. Trong tính toán của Hoa Kỳ, Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong cân bằng chiến lược ở Đông Á và quan hệ với Việt Nam phục vụ lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Á - Thái Bình Dương. Lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và khả năng Trung Quốc có thể thách thức vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trong tương lai, Mỹ cho rằng Việt Nam có thể tạo nên một đối trọng trong tương lai đối với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Một mặt, Mỹ chủ trương lôi kéo Trung Quốc vào khu vực và thế giới. Mặt khác, Mỹ vẫn triển khai chính sách cân bằng chiến lược ở khu vực để đề phòng những bất trắc nếu chính sách can dự của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không thành công. Vị trí địa chiến lược, địa chính trị làm cho Việt Nam trở thành một nhân tố đáng kể trong những tính toán cân bằng quyền lực của Hoa Kỳ. Mỹ cũng không muốn Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng từ Việt Nam ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á1 (Frederick Z. Brown, "Vì sao Hoa Kỳ phải bình thường hóa quan hệ với Việt Nam", Tạp chí Quân sự nước ngoài tháng 1-1994, tr. 38-39). Cuộc chiến chống khủng bố về ngắn hạn có thể làm giảm ưu tiên của chính sách cân bằng với Trung Quốc trong chương trình nghị sự của Mỹ. Tuy nhiên, về lâu dài, mục tiêu kiềm chế Trung Quốc của Mỹ vẫn không đổi. Vì vậy, sự quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam, cụ thể hơn là khả năng tiếp cận cảng hoặc sử dụng các cơ sở hạ tầng, là rất quan trọng về mặt chiến lược. Một bản báo cáo của Rand đã khuyến nghị chính quyền Bush củng cố các dàn xếp an ninh sẵn có với các nước Đông Nam Á (khu vực mà hiện nay Mỹ không có sự hiện diện quân sự thường trực) và thiết lập các dàn xếp mới với Philippin, Inđônêxia và có thể là Việt Nam nhằm chuẩn bị cho các tình huống quân sự nảy sinh ở khu vực này và đặc biệt là ở biển Đông2 (Zalmay Khalizad, The United States and Asia: Toward a new US. Strategy and force posture, RAND, 2001). Không ít học giả Mỹ cho rằng Việt Nam có hai tố chất để có thể trở thành đối tác chiến lược của Mỹ. Một là vị trí của Việt Nam: Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để triển khai lực lượng ra biển Đông. Hai là Việt Nam có lịch sử lâu dài chống lại sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc3 (AAron L. Friedberg, Asia Allies: True strategic partners, tr. 214-215).


10. Vào thời điểm này, khi Mỹ điều chỉnh chính sách mạnh mẽ để phục vụ cùng một lúc những mục tiêu chiến lược trước mắt và lâu dài trong một thế giới mà những thách thức đặt ra đối với nước Mỹ là vô cùng phức tạp và đa dạng, một câu hỏi lớn đặt ra về nguy cơ quen thuộc đối với các đế chế hùng mạnh là "sự quá dàn trải". Paul Kennedy, một sử gia nổi tiếng của Mỹ, đã nhận định hơn một thập kỷ trước đây trong cuổn sách Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc về sự suy yếu của Mỹ và về "thực tế trớ trêu và lâu dài là tổng số những lợi ích và nghĩa vụ toàn cầu của Mỹ ngày nay lớn hơn nhiều so với sức mạnh của Mỹ để bảo vệ cùng một lúc tất cả những lợi ích và nghĩa vụ đó"1 (Paul Kennedy, "Thay đổi kinh tế và xung đột quân sự từ 1500 đến 2000: Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc", Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr.73). Những dấu hiệu ban đầu đã xuất hiện. Việc nước Mỹ tăng mạnh ngân sách quân sự đang đưa nước Mỹ quay trở lại thời kỳ thâm hụt ngân sách như dưới thời Reagan. Trong khi đó, thâm hụt cán cân thương mại nặng nề tiếp tục đe dọa đồng đôla Mỹ. Nền kinh tế tuy đã ra khỏi suy thoái nhưng vẫn ẩn chứa những thách thức tiềm tàng. Đây là những nguy cơ thực tế đối với một nước Mỹ đang lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để tăng cường sức mạnh và thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài bá chủ thế giới của mình. Mặc dù hãy còn quá sớm để kết luận rằng những nguy cơ này sẽ dẫn đến sự suy yếu hay sụp đổ của đế chế Mỹ, kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy thời kỳ phát triển cực thịnh của các đế chế cũng là thời kỳ báo hiệu sự bắt đầu đi xuống. Xét cho cùng, không có gì là tồn tại vĩnh cửu và nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #36 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:32:07 am »

PHỤ LỤC

CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA
CỦA HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ

Tháng 9 năm 2002


LỜI MỞ ĐẦU

Những cuộc chiến vĩ đại của thế kỷ XX giữa tự do và chủ nghĩa chuyên chế đã kết thúc với thắng lợi quyết định thuộc về các lực lượng tự do và với một hình mẫu bền vững duy nhất cho sự thành công của các quốc gia - đó là: tự do, dân chủ và kinh doanh tự do. Trong thế kỷ XXI, chỉ có những quốc gia nào cam kết bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm tự do chính trị và tự do kinh tế mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của nhân dân và bảo đảm cho họ một tương lai thịnh vượng. Nhân dân ở khắp mọi nơi đều mong muốn được tự do ngôn luận, tự do chọn lựa người lãnh đạo, tự do tôn thờ những gì họ muốn, tự do giáo dục con em mình, cả nam và nữ, tự do sở hữu tài sản, và tự do hưởng thụ thành quả lao động của mình. Những giá trị của tự do đó là đúng và chính đáng đối với mọi người, ở mọi xã hội - và nhiệm vụ bảo vệ những giá trị này trước kẻ thù là lời kêu gọi chung của những người yèu tự do trên toàn thế giới và của mọi thời đại.


Ngày nay, Mỹ đang có vị thế không ai sánh bằng về sức mạnh quân sự và những ảnh hưởng kinh tế, chính trị to lớn. Để giữ vững được di sản và các nguyên tắc, chúng ta không sử dụng sức mạnh để gây áp lực giành lấy ưu thế đơn phương. Thay vào đó, chúng ta tìm cách tạo ra một sự cân bằng quyền lực vì tự do của con người: những điều kiện mà trong đó tất cả các quốc gia và các xã hội có thể tự chọn cho mình những phần thưởng cũng như thách thức của tự do chính trị và kinh tế. Trong một thế giới an toàn, con người có thể làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ bảo vệ hoà bình bằng cách chống lại chủ nghĩa khủng bố và những kẻ bạo tàn. Chúng ta sẽ gìn giữ hoà bình bằng cách xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa các cường quốc. Chúng ta sẽ mở rộng hoà bình bằng cách khuyến khích các xã hội mở cửa và tự do trên mọi châu lục.


Bảo vệ đất nước trước kẻ thù là cam kết đầu tiên và căn bản của chính quyền liên bang. Ngày nay, nhiệm vụ này đã thay đổi đáng kể. Kẻ thù trong quá khứ cần những quân đội hùng mạnh và năng lực công nghiệp to lớn để có thể đe dọa Mỹ. Ngày nay, những mạng lưới trong bóng tối của các cá nhân cũng có thể đem sự hoảng loạn và tổn thất đến bờ cõi của chúng ta với cái giá thấp hơn để mua một chiếc xe tăng. Lực lượng khủng bố được tổ chức để thâm nhập vào các xã hội mở cửa và hướng sức mạnh của công nghệ hiện đại chống lại chúng ta.


Để chiến thắng được hiểm hoạ này, chúng ta phải tận dụng tất cả những công cụ có sẵn trong "kho vũ khí" của chúng ta - sức mạnh quân sự, cải thiện phòng thủ đất nước, thực thi luật pháp, tình báo, nỗ lực to lớn nhằm triệt tiêu nguồn tài trợ cho khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu là công việc của toàn thế giới, được thực hiện trong khoảng thời gian không xác định. Mỹ sẽ giúp đỡ những nước cần sự trợ giúp của Mỹ chống khủng bố. Mỹ sẽ không bỏ qua bất kỳ quốc gia nào thoả hiệp với khủng bố, trong đó có cả những quốc gia chứa chấp những kẻ khủng bố, bởi vì đồng minh của khủng bố là kẻ thù của nền văn minh. Mỹ và các nước hợp tác không cho phép những kẻ khủng bố xây dựng những căn cứ mới. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm cách xoá bỏ chỗ trú ẩn của những tên khủng bố ở khắp mọi nơi.


Hiểm hoạ chết người mà dân tộc ta phải đối mặt chính là sự giao thoa của chủ nghĩa cực đoan và công nghệ. Kẻ thù của chúng ta đã ngang nhiên tuyên bố rằng chúng đang tìm kiếm vũ khí huỷ diệt hàng loạt, và bằng chứng cho thấy chúng đang nỗ lực hết mình để đạt được điều này. Mỹ sẽ không để những nỗ lực này thành công. Chúng ta sẽ xây dựng hệ thống phòng vệ chống tên lửa đạn đạo và các phương tiện phóng đạn khác. Chúng ta sẽ hợp tác với các quốc gia khác để ngăn chặn, kiềm chế và xoá bỏ mọi nỗ lực của kẻ thù trong việc tìm kiếm những công nghệ nguy hiểm. Và từ góc độ cư xử thông thường cũng như để tự vệ, Mỹ sẽ hành động chống lại mọi mối de dọa trước khi chúng được hình thành đầy đủ. Chúng ta không thể bảo vệ nước Mỹ và bạn bè của chúng ta bằng cách hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra. Vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng đập tan mọi kế hoạch của kẻ thù, sử dụng lực lượng tình báo giỏi nhất và hành động một cách thận trọng. Lịch sử sẽ có phán quyết nghiêm khắc đối với những ai thấy hiểm họa đang đến gần mà không hành động. Trong thế giới mới mà chúng ta vừa mối bước vào, con đường duy nhất dẫn đến hoà bình và an ninh là con đường hành động.


Trong khi bảo vệ hoà bình, chúng ta cũng sẽ tranh thủ cơ hội lịch sử này để duy trì hoà bình. Ngày nay, cộng đồng quốc tế đang đứng trước cơ hội lớn nhất kể từ khi các quốc gia dân tộc ra đời vào thế kỷ XVII, đó là lúc các cường quốc cạnh tranh trong hoà bình thay vì phải liên tục chuẩn bị cho chiến tranh. Ngày nay, các cường quốc đã cùng chung một chiến tuyến, đoàn kết bởi hiểm hoạ của bạo lực khủng bố và hỗn loạn. Mỹ sẽ dựa vào những lợi ích chung đó để tăng cường an ninh trên toàn cầu. Chúng ta cũng ngày càng đoàn kết lại nhò những giá trị chung. Nước Nga đang ở giữa thời kỳ quá độ đầy hứa hẹn, đang vươn tới một tương lai dân chủ và là một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phát hiện ra rằng tự do kinh tế là nguồn lực duy nhất cho sự thịnh vượng của quốc gia. Sẽ có lúc họ nhận thấy rằng tự do xã hội và chính trị là nền tảng duy nhất cho sự vĩ đại của dân tộc. Mỹ sẽ khuyến khích việc thúc đẩy dân chủ và mở cửa kinh tế ở hai quốc gia này, bởi vì đó là nền tảng tốt nhất cho sự ổn định trong nước và trật tự quốc tế. Chúng ta sẽ phản đối mạnh mẽ sự hiếu chiến của các cường quốc khác - ngay cả khi chúng ta hoan nghênh việc theo đuổi sự thịnh vượng, thương mại và phát triển văn hoá một cách hoà bình.


Cuối cùng, Mỹ sẽ tận dụng thời điểm đầy cơ hội này để mở rộng những lợi ích của tự do trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ tích cực mang niềm hy vọng về dân chủ, phát triển, các thị trường tự do và thương mại tự do đến khắp mọi nơi trên thế giới. Sự kiện ngày 11-9-2001 đã dạy cho chúng ta một bài học rằng một quốc gia yếu như Ápganixtan cũng có thể gây mối hiểm hoạ lớn đối với lợi ích quốc gia của chúng ta, không kém các quốc gia hùng mạnh. Sự nghèo đói không làm cho người ta trở thành những kẻ khủng bố hay giết người. Tuy nhiên nghèo đói, thể chế kém cỏi và tham nhũng có thể làm cho các quốc gia yếu kém dễ bị tổn thưdng trước những mạng lưới khủng bố và mạng lưới buôn bán ma tuý ngay trong lãnh thổ của họ.


Mỹ sẽ sát cánh cùng bất cứ quốc gia nào quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn bằng cách tìm kiếm và đem lại những phần thưởng của tự do cho nhân dân nước mình. Tự do thương mại và thị trường tự do đã chứng tỏ khả năng đưa cả một xã hội ra khỏi nghèo đói, vì vậy, Mỹ sẽ hợp tác với từng quốc gia, từng khu vực và cộng đồng thương mại toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới buôn bán tự do và nhờ đó phát triển một cách phồn vinh. Mỹ tăng cường viện trợ phát triển thông qua "Tài khoản thách thức Thiên niên kỷ" đối với các quốc gia được lãnh đạo một cách công bằng, đầu tư vào con người và khuyến khích tự do kinh tế. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới trong các nỗ lực nhằm làm giảm tổn thất ghê gớm do HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác gây nên.


Trong khi xây dựng một sự cân bằng quyền lực vì tự do, Mỹ được định hướng bởi niềm tin rằng tất cả mọi quốc gia đều có những trách nhiệm quan trọng. Các quốc gia được hưởng tự do cần phải nỗ lực chống khủng bố. Các quốc gia đang phụ thuộc vào sự ổn định trên thế giới cần phải góp phần ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Các quốc gia đang tìm kiếm viện trợ quốc tế cần phải điều hành quốc gia mình một cách khôn ngoan để các nguồn viện trợ được sử dụng có hiệu quả. Để thúc đẩy tự do, trách nhiệm là điều mà chúng ta phải mong muốn và đòi hỏi.


Chúng ta cũng được định hướng bởi niềm tin rằng không có một quốc gia nào có thể tự mình xây dựng một thế giới an toàn hơn và tốt đẹp hơn. Các liên minh và thể chế đa phương có thể nhân sức mạnh của các quốc gia yêu chuộng hoà bình lên gấp bội. Mỹ tiếp tục cam kết đối với các thể chế bền vững như Liên hợp quốc, WTO, Tổ chức các nước châu Mỹ, NATO cũng như các liên minh lâu đòi khác. Sự thống nhất về chí hướng sẽ giúp nâng cao năng lực của các thể chế bền vững này. Trong mọi trường hợp, nghĩa vụ quốc tế cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Không thể thực hiện những nghĩa vụ này một cách hình thức để tranh thủ sự ủng hộ mà phải hướng tới những kết quả thực tế và cụ thể.


Tự do là một nhu cầu tất yếu của nhân phẩm con người, là quyền lợi mà từ khi ra đời mỗi người, ở mọi nền văn minh, đều được hưởng. Xuyên suốt lịch sử, tự do đã bị đe dọa bởi chiến tranh và khủng bố, tự do đã bị thách thức bởi sự xung đột ý chí giữa các cường quốc và mưu đồ ma quỷ của những kẻ bạo tàn, và tự do đã được thử thách bởi sự lan rộng của nghèo đói và bệnh tật. Ngày nay, loài người nắm trong tay cơ hội để mở rộng thắng lợi của tự do đối với tất cả những kẻ thù đó. Mỹ hoan nghênh trách nhiệm lãnh đạo của chúng ta trong sứ mệnh vĩ đại này.

GEORGE BUSH
Nhà Trắng
17 tháng 9 năm 2002
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #37 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:32:44 am »

MỤC LỤC


I. Tổng quan chiến lược quốc tế của Mỹ

II. Đấu tranh cho những khát vọng về nhân phẩm

III. Củng cố các liên minh nhằm đánh bại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và hợp tác đê ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào chúng ta và bạn bè của chúng ta

IV. Hợp tác với các nước khác để giải toả xung đột khu vực

V. Ngăn chặn không cho kẻ thù đe dọa chúng ta, đồng minh và bạn bè của chúng ta bằng vũ khí huỷ diệt hàng loạt

VI. Mở ra một kỷ nguyên mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua thị trường tự do và thương mại tự do

VII. Mở rộng lãnh địa phát triển bằng cách mở cửa các xã hội và xây dựng hạ tầng cơ sở cho nền dân chủ

VIII. Xây dựng chương trình nghị sự cho các hoạt động hợp tác với những trung tâm quyền lực khác trên thế giới

IX. Cải cách các thể chế an ninh quốc gia của Mỹ nhằm tận dụng các cơ hội và đối phó với những thách thức của thế kỷ XXI
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #38 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:33:30 am »

I. TỔNG QUAN CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ CỦA MỸ

"Sự nghiệp quốc gia của chúng ta luôn luôn lớn lao hơn nền quốc phòng của chủng ta. Chúng ta chiến đấu, như chúng ta vẫn thường chiến đấu vì một nền hoà bình chính nghĩa, một nền hòa bình hậu thuẫn tự do. Chúng ta sẽ bảo vệ nền hoà bình đó khỏi những mối đe dọa của khủng bố và những tên bạo chúa. Chúng ta sẽ bảo vệ nền hoà bình ấy bằng cách xây dựng quan hệ hữu hảo giữa các cường quốc. Và chúng ta sẽ mở rộng nền hòa bình đó bằng cách khuyến khích sự phát triển của các xã hội tự do và mở cửa trên tất cả các châu lục."

Tổng thống Bush, phát biểu tại Học viện
Quân sự West Point, New York, 1-6-2002


Mỹ chưa bao giờ có được sức mạnh và ảnh hưởng vượt trội trên thế giới như hiện nay. Được duy trì bởi niềm tin vào những nguyên tắc về tự do và giá trị của một xã hội tự do, vị trí hiện tại của Mỹ cũng đi kèm với những trách nhiệm, nghĩa vụ và cơ hội lớn lao hơn bao giờ hết. Sức mạnh to lớn của quốc gia này cần phải được sử dụng nhằm thúc đẩy một sự cân bằng quyến lực hậu thuẫn cho tự do.


Trong suốt thế kỷ XX, thế giới đã bị chia rẽ bởi một cuộc đấu tranh gay gắt về tư tưởng, đó là cuộc đấu tranh giữa những quan điểm chuyên chế huỷ diệt với tự do và bình đẳng.

Giờ đây, cuộc đấu tranh lớn ấy đã chấm dứt. Những quan điểm quân phiệt về giai cấp, quốc gia và chủng tộc từng hứa hẹn những điều không tưởng và chỉ mang lại nỗi thống khổ đã bị đánh bại và không còn tính thuyết phục. Hoa Kỳ hiện đang bị đe dọa bởi các quốc gia thất bại hơn là bởi các quốc gia xâm lược. Chúng ta bị đe dọa bởi những công nghệ huỷ diệt đang nằm trong tay một số ít những kẻ thù hận, hơn là bởi những hạm đội và quân đội hùng mạnh. Chúng ta phải đánh bại những mối đe dọa này vì lợi ích của quốc gia, của các đồng minh và bè bạn của chúng ta.


Đây cũng là thời điểm đầy cơ hội cho nước Mỹ. Chúng ta sẽ nỗ lực để biến thời điểm đầy ảnh hưởng này thành những thập kỷ hoà bình, thịnh vượng và tự do. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ dựa trên nền tảng của chủ nghĩa quốc tế đặc trưng của Mỹ, phản ánh sự kết hợp giữa các giá trị cũng như các lợi ích quốc gia của chúng ta. Mục đích của chiến lược này là để góp phần tạo nên một thế giới không chỉ an toàn hơn mà còn tốt đẹp hơn. Mục tiêu của chúng ta trên con đường dẫn tới sự tiến bộ rất rõ ràng, đó là tự do về kinh tế và chính trị, quan hệ hoà bình với các quốc gia khác, và tôn trọng nhân phẩm của con người.


Đây không chỉ là con đường dành riêng cho nước Mỹ, mà còn mở rộng cho tất cả các quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu này, Mỹ sẽ:

• Đấu tranh cho những khát vọng về nhân phẩm;

• Củng cố các liên minh nhằm đánh bại chủ nghĩa khủng bố quốc tế và phối hợp để ngăn ngừa các cuộc tấn công nhằm vào chúng ta và bạn bè của chúng ta;

• Phối hợp với các nước khác để giải toả xung đột khu vực;

• Ngăn ngừa không để kẻ thù đe dọa chúng ta, các đồng minh và bạn bè của chúng ta bằng vũ khí huỷ diệt hàng loạt;

• Mở ra một kỷ nguyên mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua thị trường tự do và thương mại tự do;

• Mở rộng lãnh địa phát triển bằng cách mở cửa các xã hội và xây dựng hạ tầng cơ sở cho nền dân chủ;

• Xây dựng chương trình nghị sự cho hoạt động hợp tác giữa các trung tâm quyền lực thế giới chính; và

• Cải tổ các thể chế an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nhằm tận dụng cơ hội và đối phó với những thách thức của thế kỷ XXI.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #39 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2022, 06:34:23 am »

II. ĐẤU TRANH CHO NHỮNG KHÁT VỌNG VỀ NHÂN PHẨM

"Một số người lo ngại rằng sử dụng ngôn từ đúng và sai có vẻ không được ngoại giao hay không lịch sự cho lắm. Tôi không đồng ý với ý kiến này. Những hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi phải có những biện pháp khác nhau, nhưng không đòi hỏi những giá trị đạo đức khác nhau."

Tổng thống Bush, phát biểu tại Học viện
Quân sự West Point, New York, 1-6-2002


Để đạt được những mục tiêu của mình, nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta là phải xác định rõ chúng ta đấu tranh cho cái gì: Mỹ phải bảo vệ tự do và công lý bởi vì những nguyên tắc và nguyện vọng này là đúng và phù hợp với tất cả mọi người ở mọi nơi. Không một quốc gia nào sở hữu riêng những nguyện vọng này, và không một quốc gia nào tách ròi khỏi chúng. Các bậc cha mẹ trong mọi xã hội đều mong muốn con cái mình được giáo dục và không phải sống trong nghèo đói và bạo lực. Không một ai trên trái đất này lại mong muốn mình bị áp bức, lại khát khao cuộc sống nô dịch hay chờ đợi một cách háo hức tiếng gõ cửa lúc nửa đêm của lực lượng cảnh sát mật.


Nước Mỹ phải kiên định với những nhu cầu không thể bàn cãi về nhân phẩm, đó là pháp quyền, giới hạn đối với quyền lực tuyệt đối của nhà nước, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, công lý, tôn trọng phụ nữ, hoà đồng tôn giáo và chủng tộc, và tôn trọng quyền tư hữu.


Những nhu cầu này có thể được đáp ứng bằng nhiều cách. Hiến pháp Mỹ đã bảo đảm điều đó cho chúng ta một cách đầy đủ. Nhiều quốc gia khác, với lịch sử và văn hoá không giống nhau, đứng trước những hoàn cảnh khác biệt cũng đã thành công trong việc đưa những nguyên tắc cơ bản này vào hệ thống luật pháp của mình. Lịch sử thường không mấy khoan dung đối với những quốc gia tảng lờ hoặc xem thường các quyền và các khát vọng của nhân dân họ.


Là một nền dân chủ đa chủng tộc, kinh nghiệm của nước Mỹ đã khẳng định niềm tin của chúng ta rằng con người với di sản và đức tin khác nhau có thổ cùng chung sống và phát triển trong hoà bình. Lịch sử của chính chúng ta là cuộc đấu tranh lâu dài để giữ vững lý tưởng của mình. Ngay cả trong những giờ phút lâm nguy nhất, những nguyên tắc đã được khắc ghi trong Tuyên ngôn độc lập vẫn là kim chỉ nam cho chúng ta. Nhờ đó, xã hội Mỹ không chỉ mạnh hơn, mà còn tự do và bình đẳng hơn.


Ngày nay, những lý tưởng này là sợi dây cứu mạng cho những ai bảo vệ tự do nhưng còn đơn độc. Và khi cửa đã mở, chúng ta có thể khuyến khích sự thay đổi như chúng ta đã làm ở Trung và Đông Âu từ năm 1989 đến 1991, hoặc ở Belgrade năm 2000. Khi chúng ta chứng kiến tiến trình dân chủ diễn ra ở những nước và lãnh thổ bạn bè như Hàn Quốc và Đài Loan và chứng kiến những nhà lãnh đạo dân bầu thế chỗ các tướng tá ở Mỹ Latinh và châu Phi, chúng ta đã thấy được những ví dụ về sự cáo chung của các hệ thống chuyên chế, đem lại sự kết hợp hài hoà giữa lịch sử và truyền thống của mỗi quốc gia với những nguyên tắc mà tất cả chúng ta đều theo đuổi.


Tổng kết những bài học trong quá khứ và tận dụng cơ hội hiện có, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ phải khởi đầu từ những niềm tin cốt lõi và hướng tới những khả năng có thể mở rộng tự do.

Những nguyên tắc của chúng ta sẽ định hướng cho các quyết định của Chính phủ về hợp tác quốc tế, tính chất của viện trợ nước ngoài, và sự phân bổ các nguồn lực. Những nguyên tắc này sẽ định hướng cho các hành động và việc phát ngôn của chúng ta tại các tổ chức quốc tế.


Chúng ta sẽ:

• chỉ ra một cách chân thực sự vi phạm những nhu cầu không thể tranh cãi về nhân phẩm con người, dùng tiếng nói và lá phiếu của chúng ta tại các tổ chức quốc tế để thúc đẩy tự do;

• dùng viện trợ nước ngoài để thúc đẩy tự do và ủng hộ những ai đấu tranh không bằng bạo lực cho tự do, bảo đảm rằng các quốc gia đang hướng tới nền dân chủ được cỉền đáp xứng đáng cho mỗi thành tựu mà họ đạt được;

• lấy tự do và sự phát triển của các thể chế dân chủ làm mục tiêu chính trong các quan hệ song phương, tìm kiếm sự đoàn kết và hợp tác với các nền dân chủ khác, đồng thời gây sức ép đối với các chính phủ phủ nhận quyền con người nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn; và

• đặc biệt nỗ lực trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo và tự do lương tâm, cũng như bảo vệ các quyền tự do này khỏi sự xâm phạm của các chính quyền hà khắc.

Chúng ta sẽ đấu tranh vì nhân phẩm của con người và chống lại nhũng ai đi ngược lại sự nghiệp đó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM