Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:51:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Về chiến lược an ninh của Mỹ hiện nay  (Đọc 3258 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #10 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2022, 08:36:22 am »

Chiến lược an ninh mới của chính quyền Clinton còn dựa trên việc phát triển sức mạnh chính trị. Vị trí lãnh đạo của Mỹ có thật sự vững chắc hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng truyền bá các giá trị tư tưởng và lối sống Mỹ. Trong một thế giới các quan hệ ngày càng phức tạp, mức độ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng cao, sức mạnh của một nước chỉ mang tính tương đối. Chính vì thế tăng cường sức mạnh chính trị là mục tiêu giúp Mỹ có khả năng tập hợp lực lương. Mỹ đã tích cực giúp đỡ những nước có xu hướng chính trị dân chủ kiểu phương Tây, đồng thời thực hiện chính sách dính líu với các nước khác với mục tiêu đem đến những biến đổi về chính trị ở các nước này.


Nhìn chung, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, an ninh chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Đối đầu căng thẳng giữa hai siêu cường, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai khối cạnh tranh làm cho hầu hết các nước trên thế giới đều chú trọng đến vấn đề an ninh. Từ giữa những năm 1970, đứng trước những thay đổi trên thế giới và thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã có những điều chỉnh chiến lược quan trọng. Cũng chính từ thời kỳ đó, nhận thức về an ninh quốc gia và sức mạnh quốc gia đã có những thay đổi quan trọng. An ninh ngày càng trở nên mang tính toàn diện, bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hoá, môi trường... Nhận thức về an ninh của Mỹ cũng có những chuyển biến quan trọng, xuất phát từ sự suy yếu tương đối của Mỹ.


Chiến lược "can dự và mở rộng" của chính quyền Clinton là chiến lược đầu tiên cho thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Mục tiêu bao trùm của Mỹ trong thời kỳ mới vẫn là thiết lập vai trò lãnh đạo thế giới. Đây là yếu tố bất biến chi phối chiến lược đối ngoại của Mỹ trong những thập kỷ tới. Mỹ cho rằng Mỹ đang có thời cơ chiến lược để thực hiện mục tiêu này. Mỹ không còn đối thủ ngang sức như thời kỳ chiến tranh lạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Mỹ bành trướng ảnh hưởng về mọi mặt kinh tế, chính trị và văn hoá. Thực chất của chiến lược "can dự và mở rộng" của chính quyền Clinton là nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng này. Tiền đề cho việc thực hiện thành công chiến lược này là một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đi đầu thế giới về các ngành công nghẹ mũi nhọn. Khi Mỹ đã có thể yên tâm về vị trí nền kinh tế số 1 vững chắc của mình, bỏ xa Nhật Bản, Tây Âu và các nền kinh tế đã từng một thời năng dộng nhất thế giới ở Đông Á, trong nhiệm kỳ thứ hai của Clinton, Mỹ tập trung hơn vào các vấn đề an ninh.


Để đạt được mục tiêu chiến lược bao trùm này, Mỹ chủ trương cải tổ các liên minh an ninh song phương và đa phương cho phù hợp với tình hình mới. Từ thời Nixon, Mỹ đã chú trọng hơn đến việc hợp tác với đồng minh và chia sẻ trách nhiệm. Tuy nhiên, Bush và Clinton đã đi tiếp một bước, coi sự ủng hộ và đóng góp của đồng minh là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc xung đột. Một mặt, ý thức được khả năng không cho phép Mỹ hành động đơn phương và gánh vác toàn bộ trách nhiệm. Mặt khác, hợp tác và chia sẻ trách nhiệm với các đồng minh nhằm xoa dịu dư luận Mỹ, đặc biệt trước những chỉ trích việc Mỹ phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh cho những nước là đồng minh quân sự nhưng lại là những đối thủ cạnh tranh quyết liệt về kinh tế như Nhật Bản và Tây Âu. Vì vậy, một trong những trọng tâm chính sách của Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh là chủ trương duy trì và thậm chí tăng cường các liên minh an ninh song phương và đa phương để đối phó với những thách thức mới. Hơn nữa, việc duy trì và củng cố những dàn xếp an ninh song phương và đa phương thời kỳ chiến tranh lạnh cũng phục vụ một ý đồ quan trọng của Mỹ là kiềm chế đồng minh, ngăn chặn xu hướng độc lập, ly tâm của những nước này đối với Mỹ trong thời kỳ mới khi mối đe dọa chung là "chủ nghĩa cộng sản" đã không còn. Vì vậy, xu hướng Mỹ duy trì và nâng cấp các dàn xếp an ninh song phương và đa phương phục vụ mục tiêu kép của Mỹ là thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, đồng thời khống chế đồng minh dưới sự lãnh đạo của Mỹ.


Chiến lược "can dự và mở rộng" là chiến lược mang tính toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, trọng điểm chiến lược của Mỹ là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung lợi ích an ninh, kinh tế sống còn của Mỹ. Hai khu vực này cũng là nơi tập trung các nước lớn, những đối thủ tiềm tàng có khả năng thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ trong tương lai. Điều này cho thấy, mặc dù chính quyền Clinton chú trọng các thể chế đa phương và quốc tế hơn chính quyền tiền nhiệm, tư duy đối ngoại của Clinton vẫn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực chính trị. Đối với các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga, Mỹ theo đuổi chính sách can dự và kiềm chế ngầm. Tính chất hai mặt trong chính sách của Mỹ đối với các đối thủ tiềm tàng bị chi phối bởi hai yếu tố lợi ích cơ bản. Một mặt, Mỹ có lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh quan trọng trong quan hệ với những nước này. Mặt khác, do Trung Quốc và Nga là hai nước có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh ngang tầm với Mỹ trong một vài thập kỷ tới, chiến lược của Mỹ đối với các đối tượng này phải bao hàm sự kiềm chế sức mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quân sự. Tính hai mặt trong chính sách của Mỹ đối với những đối thủ tiềm tàng sẽ tiếp tục trong nhiếu năm tới.


Nhìn tổng thể có thể thấy tư duy của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chịu ảnh hưởng của hai trường phái lý luận cơ bản là chủ nghĩa hiện thực chính trị và chủ nghĩa tự do. Mặc dù không có chính quyền nào thuần tuý theo chủ nghĩa hiện thực hay tự do, hai trường phái tư duy đối ngoại này luôn tồn tại song song, ảnh hưởng lúc mạnh hơn hay yếu đi tuỳ thuộc một phần vào quan điểm đảng phái của Tổng thống Mỹ. Nhìn chung, các Tổng thống Đảng Cộng hoà thiên hơn về tư duy hiện thực chính trị, trong khi Đảng Dân chủ thiên hơn về chủ nghĩa tự do. Chính sách đối ngoại của chính quyền Clinton thể hiện sự kết hợp, dung hoà giữa chủ nghĩa tự do và hiện thực. Điều này thể hiện không chỉ trong chính sách của Mỹ đối với đồng minh, các đối thủ tiềm tàng, mà còn thế hiện ở phương châm "Mỹ sẵn sàng hành động đa phương khi có thể và đơn phương khi cần thiết". Đây là một đặc điểm quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ: chủ trương chia sẻ gánh nặng trong các vấn đề an ninh quốc tế khi điều này phục vụ lợi ích của Mỹ. Cho dù có những điều chỉnh nhất định theo hướng thiên về chủ nghĩa đơn phương hơn hoặc đa phương hơn, các chính quyền của Mỹ nhìn chung cũng sẽ không thể chỉ dựa vào chủ nghĩa đơn phương hay đa phương thuần tuý vì một thực tế cơ bản: cho dù là siêu cường với ưu thế sức mạnh vượt trội, Mỹ không thể hành động hoàn toàn đơn phương, không tính đến lợi ích của đồng minh và đối tác trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Hơn thế nữa, một mình Mỹ cũng không đủ khả năng để đối phó với các vấn đề toàn cầu, những thách thức an ninh đa dạng đòi hỏi sự hợp tác của nhiều nước trên thế giới.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2022, 06:40:28 am »

CHƯƠNG II
ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC AN NINH


1. Những nhân tố cơ bản chi phối sự điều chỉnh chiến lược an ninh

1.1. Thế và lực của Mỹ

Bước vào thế kỷ XXI, Mỹ được đánh giá là siêu cường hàng đầu thế giới về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ. Vị trí này đã được Mỹ duy trì, củng cố và tăng cường trong suốt thập niên 90 của thế kỷ XX. Đây là nhân tố hàng đầu chi phối sự điều chỉnh chính sách an ninh của Mỹ.


Về sức mạnh quân sự, Mỹ đi đầu trong các công nghệ quân sự và có nguồn tài chính rất dồi dào để biến các ý tưởng quân sự thành hiện thực. Hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) mà Mỹ đang theo đuổi cho thấy sự gắn bó chặt chẽ của giới công nghiệp quốc phòng với chính quyền hiện tại, tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính và nhân lực khổng lồ của Mỹ.


Trên cơ sở sức mạnh đó, chính quyền Bush tuyên bố "quân đội Mỹ phải là đội quân tinh nhuệ, linh hoạt, phải có mặt trước tiên để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở mọi nơi trên thế giới". Nhiều nhà phân tích cho rằng chi phí quốc phòng của Mỹ trong năm 2003 lớn hơn toàn bộ chi phí quốc phòng của 15-20 quốc gia có chi phí quốc phòng lớn sau Mỹ. Khi năm tài chính 2003 bắt đầu vào tháng 10-2002, chi phí quân sự của Mỹ sẽ chiếm 42% tổng chi tiêu quốc phòng của cả thế giới1 (Carl Conetta, The Pentagon's New Strategy, New Budget, New War, Project on Defense Alternatives, 25-6-2002, at http://www.comw.org-pda-0206newwar.html). Cũng vào năm 2003, ngân sâch quốc phòng của Mỹ bằng 93% chi tiêu quốc phòng trung bình hàng năm trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX - thập kỷ mà chi tiêu quốc phòng của Mỹ đạt mức kỷ lục.


Xét về cơ cấu lực lượng, Mỹ có thể mạnh về hạt nhân, về không quân, hải quân và là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu.

Dưới đây là những con số về lực lượng quân sự Mỹ:

• Hơn 200.000 quân Mỹ đang đồn trú ở hải ngoại và 50.000 linh và sĩ quan hải quân trên các đại dương; trong những năm gần đây 35.000 người trong số đó tham gia trực tiếp vào các chiến dịch khẩn cấp, chủ yếu tại Irắc hay vùng Bancăng;

• Hơn 800 cơ sở quân sự ở hải ngoại, trong đó có 60 căn cứ lớn;

• Hiện diện quân sự ở hơn 140 nước, trong đó triển khai quân đội với mức độ lớn (hàng trăm hoặc hàng nghìn quân) tại 25 nước.

• Cam kết mạnh mẽ hỗ trợ phòng thủ hoặc ủng hộ các nỗ lực quân sự của 31 nước và ký hiệp định hợp tác quân sự với 29 nước khác1 (Carl Conetta and Charles Knight, A New US Military Strategy-Issues and Options, Project on Defense Alternatives, 21-5-2001 at http://www.comw.org-pda-0105bm20.html).


Sức mạnh quân sự của Mỹ còn thể hiện ở trình độ công nghệ và kỹ thuật ứng dụng trong quốc phòng. Mỹ đứng hàng đầu thế giới về ứng dụng các công nghệ thông tin và viễn thông vào lĩnh vực quân sự, cũng như trong việc phối hợp và xử lý thông tin trên chiến trường và tiêu diệt các mục tiêu từ xa với độ chính xác rất cao. Washington có những chiến lược khiến các đối thủ không thể dễ dàng bắt kịp về mặt công nghệ, thể hiện rõ ở khoảng cách lớn về chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D); Mỹ đã dành một khoản lớn gấp ba lần cho R&D so với sáu quốc gia hàng đầu kế tiếp Mỹ cộng lại. Một cách so sánh khác là Mỹ đã chi phí cho R&D nhiều hơn toàn bộ chi tiêu quốc phòng của Anh hay Đức. Quân đội Mỹ được trang bị hiện đại, vượt xa các nước khác. Mỹ đi đầu trong lĩnh vực chiến tranh kỹ thuật cao. Nếu như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, số vũ khí kỹ thuật cao như bom thông minh được sử dụng chỉ chiếm khoảng hơn 10%, thì trong cuộc không kích Kosovo năm 1999 con số đó là gần 70% và lên tới gần 90% trong cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan 2001.


Về kinh tế, Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc và có tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển. Điều đáng chú ý là nền kinh tế Mỹ đã có sự biến đổi về chất, có khả năng kéo dài chu kỳ tăng trưởng và vượt qua chu kỳ suy thoái và khủng hoảng như thời kỳ qua cho thấy. Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi trở lại sau thời kỳ suy thoái ngắn và ở mức nhẹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với tỷ lệ tăng trưởng 5,6% trong quý 1-2002. Mức tăng trưởng dù giảm đi, chỉ còn 2,5 đến 3% trong năm 2002, cũng vẫn là mức tăng trưởng cao hơn đáng kể so với các trung tâm kinh tế tư bản chủ nghĩa khác như Tây Âu và Nhật Bản.


Mỹ đi tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế mới, đúng như nhà tương lai học A. Toiler dự báo trong cuốn Làn sóng thứ ba (1980). Nhiều người cho rằng Mỹ tiến vào nền kinh tế mới dựa trên cơ sở cách mạng công nghệ thông tin và sự toàn cầu hoá nền kinh tế thị trường. Ngành thông tin bao gồm thiết kế lưu trữ, truyền tải và xử lý thông tin, các ngành hữu quan và ngành dịch vụ chiếm tới 72% nền kinh tế Mỹ1 (Trần Bá Khoa, "Nền kinh tế mới của nước Mỹ, cái mạnh và cái yếu", Tạp chí Cộng sản, số 14 (7-2001) tại http://www.cpv.org.vn). Vào cuối năm 1999 trên thế giới có 180 triệu người sử dụng Internet thì riêng Mỹ đã chiếm 50% trong số đó. Bốn mươi sáu phần trăm lượng thông tin chu chuyển trên Internet xuất phát từ Mỹ. Trong cả thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 20 triệu việc làm, trong khi Liên minh châu Âu (EU) bị mất 5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng này vẫn chưa khắc phục được.


Mỹ chiếm 4,7% dân số thế giới, nhưng có 31,2% trong số 31,4 nghìn tỷ USD GDP của thế giới1 (The Economist, 27-6-2002). GDP năm 2000 đạt 9.996,2 tỷ USD, lớn gần gấp đôi so với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Nhật Bản (4.619,8 tỷ USD), và gần gấp 10 lần so với nền kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc (1.070,7 tỷ USD) tính theo cân bằng sức mua (PPP)2 (U.S and Asia Statistical Handbook, 2001-2002 Edition, The Heritage Foundation, tr.21). Như vậy, phải mất khoảng hơn 30 năm nữa, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Trung Quốc mỏi có thể đạt mức của Mỹ hiện nay và tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người vẫn thấp hơn3 (Henrry Kissinger, "The Architecture of an American Foreign Policy", in Preparing America's Foreign Policy for the 21st Century edited by David L. Boren & Edward J.Perkins, University of Oklahoma Press, 1999, tr.303). Hơn nữa, thập kỷ đầu của thời kỳ sau chiến tranh lạnh lại chứng kiến một thời kỳ phát triển dài lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khoảng cách giữa Mỹ và các đối thủ, đặc biệt là Nhật Bản và EU, càng được mở rộng vì sự chênh lệch lớn trong tốc độ phát triển kinh tế. Từ năm 1990 đến 1998, kinh tế Mỹ tăng tới 27%, gần như gấp đôi so với EU 15% và Nhật Bản 9% . Tỷ trong kinh tế Mỹ trong kinh tế thế giới tăng hơn 10%, đạt 31% năm 2000 so với hơn 20% thời kỳ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX.


Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong các thiết chế tài chính, thương mại thế giới như IMF, WTO, WB... Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế có sức cạnh tranh rất lớn. Đồng đôla Mỹ chiếm hơn 60% giao dịch thương mại toàn cầu. Đồng đôla là đồng tiền dự trữ quốc gia chủ yếu của hầu hết các nước trên thế giới. Thị trường chứng khoán của Mỹ có vai trò trung tâm trong đời sống tài chính, tiền tệ toàn cầu. Biến động trên thị trường chứng khoán New York tác động đến thị trường chứng khoán ở khắp nơi trên thế giới. Xu hướng chung cho thấy nền kinh tế Mỹ ngày càng gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế thế giới. Gần 1/3 tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ là nhờ vào xuất khẩu. Hiện nay con số các xí nghiệp Mỹ kinh doanh trên toàn cầu chiếm tới 60% tổng số xí nghiệp của Mỹ. Đóng góp của ngành xuất khâu đối với tăng trưởng kinh tế đã vượt ngành xây dựng và ngành gang thép - vốn là hai ngành công nghiệp chủ đạo trong nền kinh tế Mỹ. Sự bành trướng toàn cầu của tư bản Mỹ diễn ra mạnh mẽ cùng với sự bành trướng về chính trị và quân sự. Các công ty xuyên quốc gia khổng lồ của Mỹ (doanh thu của một số công ty này lớn gấp nhiều lần GDP của nhiều nước) phát triển nhanh chóng, nắm phần lớn của cải thế giới, chuyển mạnh sang lũng đoạn các ngành công nghệ cao và tài chính tiền tệ trên thế giới.


Khác với Nhật Bản và Tây Âu, tiềm năng phát triển của kinh tế Mỹ còn mạnh xét về mặt dân số học. Thế hệ những người Mỹ sinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai giờ đây chính là những tác nhân chủ yếu của nền kinh tế. Số lượng các gia đình mà trong đó những người có độ tuổi từ 35-54 đóng vai trò trụ cột về kinh tế hiện lên tới con số 44 triệu. Những người này đang ở giai đoạn đỉnh cao về chi tiêu và tiết kiệm, là một động lực rất quan trọng của nền kinh tế1 (American Special Strengths, Kiplinger.com, tháng 6-2002).


Về khoa học công nghệ. Ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bằng bảy nước giàu nhất sau Mỹ cộng lại và chiếm 40,6% của tổng chi phí toàn cầu là 652.7 tỷ USD2 (Stephen Brooks and William C. Wohlforth, "American Primacy in Perspective", Foreign Affairs, tháng 7/8-2002, Vol, tr. 2).  Bằng phát minh khoa học của Mỹ chiếm hơn 60% toàn bộ số bằng phát minh khoa học trên thế giới. Mỹ đứng đầu 20 trong tổng số 29 ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo vật liệu mới, không gian điều khiển học. Hai phần ba số người đạt giải Nobel về kinh tế và khoa học là công dân Mỹ.


Về văn hoá, các chương trình truyền hình và phim ảnh của Mỹ chiếm tới hơn 3/4 thị trường thế giới. Riêng trong lĩnh vực nghe nhìn, Mỹ chiếm 83,1% từ thu nhập 18,2 tỷ USD sản xuất phim trên thế giới1 (The Economist, 27-6-2002). Toàn cầu hoá được đồng nghĩa với McDonald hoá. Tiếng Anh là ngôn ngữ chủ đạo của Internet và tuyệt đại đa số các chương trình Internet cũng bắt nguồn từ Mỹ2 (Zbigniew Brzezinski, Bàn cờ lớn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999).


Sức mạnh và ưu thế của Mỹ có thể được duy trì trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, sức mạnh Mỹ cần được đặt trong bối cảnh quốc tế, bởi như vậy mới có thể đánh giá được thực chất sức mạnh, quyền lực tương đối của Mỹ so với các trung tâm quyền lực khác cũng như những thách thức mà nước Mỹ phải đương đầu. Việc xem xét những giới hạn đối với sức mạnh của nước Mỹ phải được bắt đầu từ việc đánh giá những xu hướng địa chính trị và an ninh chủ đạo trong thời kỳ hiện nay và trong một vài thập kỷ tới. Trên cơ sở đó mới có thể đánh giá khả năng triển khai chiến lược an ninh của Mỹ trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2022, 06:41:13 am »

1.2. Những xu hướng địa chính trị và an ninh quốc tế: giới hạn đối với sức mạnh của Mỹ

Sự hình thành, điều chỉnh và triển khai chiến lược an ninh của Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XXI chịu sự chi phối mạnh mẽ của bốn xu hướng địa chính trị và an ninh cơ bản. Khác với thời kỳ chiến tranh lạnh, cục diện địa chính trị và an ninh thế giới trở nên phức tạp hơn và khó dự đoán hơn trước bởi sự cộng hưởng của các vấn đề toàn cầu như môi trường, vấn đề nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, sự bất ổn định của nền kinh tế toàn cầu... vượt quá khả năng giải quyết của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, kể cả Mỹ. Hai ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á năm 1997 và sự kiện ngày 11 tháng 9. Vị trí biệt lập về địa lý của nước Mỹ không còn khả năng ngăn cách tác động của những sự kiện ngoài biên giới nước Mỹ. Trong một thế giới toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau, cho dù mạnh đến đâu, nước Mỹ cũng không thể đánh giá thấp những tác động của môi trường quốc tế đối với an ninh quốc gia Mỹ.


Xu thế địa chính trị quan trọng nhất đối với việc hình thành chiến lược an ninh của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới là xu thế đa cực hoá. Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất. Trật tự hai cực sụp đổ. Thế giới đang trong thời kỳ chuyển tiếp sang một trật tự đa cực. Mặc dù vậy, Mỹ không thể chi phối toàn bộ công việc của thế giới và áp đặt ý chí của mình. Quyền lực trong kỷ nguyên toàn cầu hoá trở nên phân tán hơn bao giờ hết. Một trật tự thế giới mới đang hình thành. Cuộc tranh luận về "trật tự thế giới mới" đã dẫn tới những mô tả khác nhau về sự phần bố quyền lực mới như "nhất siêu-đa cường", "một cực, đa trung tâm", hay "đơn-đa cực"... Dù tên gọi có khác nhau, nhưng đều phản ánh một thực tế là Mỹ không thể dễ dàng áp đặt bá quyền lên hệ thống quốc tế. Các chính quyền Mỹ sau chiến tranh lạnh đều nhấn mạnh vai trò của các liên minh và đánh giá cao sự hỗ trợ của các đồng minh trong các nỗ lực quốc tế.


Nhìn vào quan hệ giữa các nước lớn ngày nay có thể thấy cuộc đấu tranh giữa đơn cực và đa cực tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi Mỹ chủ trương một thế giới đơn cực thì các trung tâm quyền lực khác như Nga, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và phần nào đó cả Ấn Độ đều phấn đấu cho một trật tự đa cực, trong đó vị trí bá quyền của Mỹ được kiềm chế và Mỹ không có khả năng áp đặt ý chí của mình trong quan hệ với các nước khác. Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, tinh thần Đại Nga và chính sách độc lập của Ấn Độ không dễ dung hoà với xu hướng bá quyền của Mỹ. Khi không còn một kẻ thù chung và một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, xu hướng ly tâm trong các nước đồng minh của Mỹ tăng lên. Pháp và Đức đã không ủng hộ Mỹ trong chiến dịch "con cáo sa mạc" tấn công vào Irắc tháng 12-1998. Mặc dù đứng về phía Mỹ trong quyết định không kích Kosovo bắt đầu vào tháng 3-1999, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã kiên quyết không nhượng bộ Mỹ và đã không ủng hộ chủ trương bỏ qua vai trò của Liên hợp quốc trong các cuộc xung đột khu vực. Đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản cũng đã có những biểu hiện độc lập về chính sách ngoại giao rõ rệt trong một số vấn đề. Nhật Bản đã không ủng hộ nghị quyết do Mỹ bảo trợ tại kỳ họp hàng năm của Ủy ban nhân quyền nhằm lên án Trung Quốc.


Trong cuộc đấu tranh giữa đơn cực và đa cực, Mỹ luôn tìm cách duy trì và mở rộng ưu thế của mình. Mỹ đã thể hiện sức mạnh vượt trội ở Kosovo (1999), Ápganixtan (2001-2002). Mỹ thắng Đức trong việc giành vai trò lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Mỹ cũng ép Nhật trong khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á (1997), phản đối ý định thiết lập Quỹ Tiền tệ châu Á của Nhật, gây sức ép buộc các nước phải chấp nhận "phương thuốc chữa trị" của Mỹ. Trước cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ ngang nhiên đặt điều kiện với toàn thế giới rằng "chỉ có hai con đường hoặc là theo Mỹ chống khủng bố hoặc đứng về phía khủng bố. Ngay cả toàn cầu hoá là một xu thế khách quan nhưng các nước đều nhìn nhận nó như một hiện tượng do Washington chi phối và giúp phổ biến các "giá trị Mỹ", phục vụ cho lợi ích của Mỹ.


Xu thế lớn thứ hai chi phối chiến lược an ninh của Mỹ trong nhiều năm tới là chủ nghĩa khủng bố quốc tế và sự gia tăng của những thách thức không cân xứng (asymmetric challenges). Trong năm 2001, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, có khoảng 63% các vụ khủng bố diễn ra trên thế giới là nhằm vào công dân hoặc tài sản của Mỹ so với mức 23% của năm 1995. Hoạt động khủng bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động thương mại, hoạt động không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh nói chung của Mỹ. Vấn đề khủng bố quốc tế mà Mỹ là mục tiêu hàng đầu liên quan đến xu hướng phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt hoặc các phương tiện để sản xuất vũ khí này. Mỹ lo ngại việc các nước Mỹ coi là "bất trị" phát triển và sở hữu các loại vũ khí giết người hàng loạt sẽ cung cấp vũ khí hoặc công nghệ sản xuất vũ khí cho các tổ chức khủng bố. Tất cả bảy quốc gia mà Mỹ nghi ngờ là chứa chấp khủng bố cũng bị Mỹ nghi ngờ có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và hoặc hoá học, sinh học ở một mức độ nào đó: Iran, Irắc, Libi, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Xuđăng, Xyri và Cuba.


Chủ nghĩa khủng bố cùng với các mối đe dọa xuyên quốc gia khác thực sự đe dọa nước Mỹ. Nếu như Mỹ tự hào là quốc gia hàng đầu về quân sự và công nghệ thì sự kiện 11 tháng 9 buộc Mỹ phải tự nhìn nhận lại. Những kẻ khủng bố ngày nay dùng điện thoại di động mã hoá cao, e-mail và Internet để truyền đạt thông tin và chuyển tiền bằng điện tử. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho rằng những cuộc tấn công khủng bố đã làm thay đổi các mối đe dọa đối với Mỹ sau chiến tranh lạnh. Ông nói: "Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta đang có định nghĩa về một chiến trường mới, chiến trường của thế kỷ XXI. Đó là một cuộc xung đột kiểu mới. Mặc dù đây không phải là điều đặc trưng của thế kỷ này nhưng với tính chất địa lý và điều kiện của nước Mỹ hiện nay, cuộc tấn công đã có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nước Mỹ".


Sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ, điều bảo đảm ưu thế trong một cuộc chiến tranh thông thường, không còn là yếu tố quyết định trong một cuộc chiến tranh không cân xứng. Như sự kiện 11 tháng 9 cho thấy, kẻ thù của Mỹ sử dụng những phương tiện phi truyền thống như khủng bố, đe dọa hạt nhân hay vũ khí hoá học, chiến tranh tin học hay phá hoại môi trường. Đây là những mối đe dọa không cân xứng đối với Mỹ. Tính chất không cân xứng của nó thể hiện ở ba khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là Mỹ phải bảo vệ toàn bộ những điểm có thể trở thành mục tiêu của khủng bố, trong khi đó, các tổ chức khủng bố chỉ cần nhằm vào một số điểm dễ bị tổn thương nhất để tấn công. Hai là, trong khi Mỹ và các lợi ích của Mỹ là mục tiêu có thể nhìn thấy được thì hoạt động của các tổ chức khủng bố không dễ gì bị phát hiện. Ba là, sự không cân xứng về chi phí và tổn thất. Người ta ước tính rằng việc dàn dựng và tổ chức sự kiện 11 tháng 9 chỉ tốn khoảng 2 triệu USD, nhưng tổn thất mà nó gây ra lên tới hơn 100 tỷ USD. Sự bất cân xứng giữa chi phí khủng bố và tổn thất do khủng bố gây ra sẽ còn lớn hơn nhiều nếu các tổ chức khủng bố sử dụng vũ khí giết người hàng loạt. Tính chất không cân xứng của những mối đe dọa khủng bố thực chất đã làm cho sức mạnh của Mỹ không còn là cơ sở để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ và an toàn cho công dân Mỹ.


Xu thế thứ ba là tầm quan trọng ngày càng tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma tuý, ô nhiễm môi trường, nạn dịch HIV/AID đã thực sự trở thành những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Hơn nữa, trong khi nước Mỹ phải tập trung toàn lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những vấn đề an ninh truyền thống khác vẫn có nguy cơ đe dọa ổn định ở các khu vực, nơi Mỹ có những lợi ích thiết yếu. Sự đan xen giữa các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, những quan ngại an ninh trước mắt và dài hạn, càng cho thấy những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt rất phức tạp, đa dạng và phân tán.


Xu thế thứ tư, xuất phát chủ yếu từ vị thế sức mạnh vượt trội và chính sách ngạo mạn, cường quyền của Mỹ, là chủ nghĩa chống Mỹ (Anti-Americanism) ngày càng trở nên mạnh mẽ trên thế giới. Sự kiện 11 tháng 9 là minh chứng rõ nét nhất, cho dù không phải duy nhất, về tâm lý chống Mỹ. Sự kiện này là đỉnh cao trong một loạt những vụ khủng bố nhằm vào Mỹ trước đó, như vụ tấn công tàu US.S. Cole tháng 10-2000, vụ đánh bom Oklahoma City, vụ đánh bom hai sứ quán Mỹ ở Kenia và Tandania. Thắng lợi của Mỹ ở Ápganixtan không có nghĩa là Mỹ không còn bị đe dọa. Mạng lưới Al Qaeda có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới. Tiêu diệt được mạng lưới này một cách triệt để gần như là không tưởng. Khả năng các tổ chức khủng bố sử dụng vũ khí sinh học, hoá học hay thậm chí hạt nhân càng làm cho nguy cơ khủng bố quốc tế trở nên nghiêm trọng. Cuộc chiến của nước Mỹ với kẻ thù vô hình, hay cuộc chiến không cân xứng, cho dù người ta gọi nó như thế nào, cũng sẽ là một cuộc chiến không có kẻ thắng người thua. Vladimir Shlapentokh, giáo sư Đại học Tổng hợp bang Michigan cho rằng: "Hầu như không thể tìm thấy một quốc gia nào trên thế giới mà tại đó không có tình cảm chống Mỹ", "ít có hệ tư tương nào tại bất kỳ khu vực nào có thể hấp dẫn, mạnh mẽ và quan trọng đối với nhiều người như là tâm lý bài Mỹ".


Vì vậy, điều nghịch lý là ngày nay, cho dù là siêu cường duy nhất với sức mạnh áp đảo, an ninh của nước Mỹ lại trở nên dễ bị tổn thương và nước Mỹ và người dân Mỹ ít an toàn hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm, nước Mỹ không còn cảm thấy bất khả xâm phạm. Và khái niệm an ninh nội địa, điều vốn xa lạ với nước Mỹ, đã trở thành cụm từ không thể thiếu đối với bất cứ tuyên bố chính sách nào của chính quyền Mỹ kể từ sau sự kiện 11 tháng 9. Tháng 7-2002, chính quyền Mỹ đã công bố Chiến lược quốc gia cho an ninh nội địa, một chiến lược tổng thể nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ khủng bố trong lòng nước Mỹ. Bên cạnh đó, ưu thế về sức mạnh quân sự, tiền đề cho chủ nghĩa đơn phương trong chính sách đối ngoại của Mỹ, làm cho sức mạnh của Mỹ trở nên không hiệu quả trong việc đối phó với những thách thức phi truyền thống mà trong đó chủ nghĩa khủng bố quốc tế là mối đe dọa lớn nhất, nhưng không phải duy nhất, đối với nước Mỹ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2022, 06:42:04 am »

1.3. Quan điểm của giới lãnh đạo và công chúng Mỹ

Việc hoạch định và triển khai chiến lược an ninh và đối ngoại của Mỹ phụ thuộc, ở mức độ lớn, vào quan điểm của giới lãnh đạo Mỹ và thiên hướng chính trị trong chính quyền Mỹ. Cho dù mục tiêu cơ bản trong chiến lược an ninh của Mỹ không thay đổi, việc hoạch định chính sách cụ thể nhằm đạt được mục tiêu chiến lược phụ thuộc vào quan điểm của bộ máy hoạch định chính sách an ninh, đối ngoại. Chính vì vậy, chiến lược "ngăn chặn cộng sản" của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh có những bước triển khai khác nhau và phương cách thực hiện khác nhau dưới các chính quyền khác nhau.


Tổng thống Bush con khi lên cầm quyền là một người ít có kinh nghiệm đối ngoại và trong thời gian tranh cử, ông ta đã để lộ rõ sự yếu kém của mình khi không nêu được tên một số nhà lãnh đạo các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trên phương diện là thống đốc bang Texas và là người đầu tiên tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai ở bang này với số phiếu áp đảo, ông ta là người được coi là rất thành công trong việc "hoà giải" trong các cuộc tranh cãi đảng phái, là một chính trị gia trung dung, có thể tập hợp lực lượng từ phía cả hai đảng. Để bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm của Bush con, bên cạnh ông ta có một đội ngũ cố vấn hùng hậu, những "cựu chiến binh" của Đảng Cộng hoà, những người nổi tiếng am hiểu về các vấn đề an ninh, đối ngoại: Phó Tổng thống Dick Cheney, một nhân vật Cộng hoà rất có ảnh hưởng; Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Bush con, từng giữ những vị trí trọng yếu trong lĩnh vực quốc phòng dưới các chính quyền Cộng hoà trước; Colin Powell, vị ngoại trưởng mới là một nhân vật nổi tiếng, một "anh hùng của nước Mỹ" trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân trong thời kỳ khủng hoảng vùng Vịnh năm 1990-1991, ông là người nhấn mạnh đến việc sử dụng học thuyết "được ăn cả, ngã về không", theo đó vũ lực phải được sử dụng với liều lượng mạnh, có mục tiêu rõ ràng và thoát ra nhanh chóng; Condoleezza Rice, cựu giáo sư trường Đại học Stanford, một chuyên gia về Liên Xô cũ và Nga, từng là cố vấn cho George Bush cha về vấn đề châu Âu, trở thành cố vấn an ninh quốc gia, một vị trí có ảnh hưởng hàng đầu trong quá trình hoạch định chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ. Như vậy, những người được coi là cứng rắn, những nhân vật bảo thủ "sáng giá nhất", sẽ chi phối việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại, an ninh của Mỹ trong thời gian tới. Với một nhóm cố vấn như vậy, nước Mỹ có thể sẽ có những quyết sách cứng rắn và thực dụng hơn.


Như đã phân tích ở trên, chính quyền Đảng Cộng hoà thường thiên về chủ nghĩa đơn phương hơn trong cách tiếp cận đối với các vấn đề quốc tế. Thực tế cho thấy, trong khi theo đuổi chủ nghĩa quốc tế mới, chính quyền của Bush (Đảng Cộng hoà) nói chung ít dựa vào các cơ chế đa phương, mà chủ trường dựa vào các liên minh song phương và đồng minh của Mỹ. Quan điểm truyền thống của Đảng Cộng hoà là chính sách đối ngoại của Mỹ phải phục vụ và dựa trên lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ. Thực ra, chính sách đối ngoại của bất cứ nước nào, dù lớn hay nhỏ, đều nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của nước đó. Điều khác biệt ở đây là việc xác định lợi ích quốc gia. Khác với chính quyền Dân chủ của Clinton, chính quyền Cộng hoà thường có xu hướng thực dụng, xác định lợi ích quốc gia một cách hẹp hòi, nhiều khi không tính đến lợi ích của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Quan điểm đó cũng được thổ hiện rõ qua cách nhìn nhận thế giới của cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice. Trong bài viết của mình khi còn là cố vấn cho ứng cử viên Tổng thống Bush, bà Rice đã nhấn mạnh "chính sách của chính quyền thuộc Đảng Cộng hoà chắc chắn phải bắt nguồn từ cơ sở vững chắc là vì lợi ích quốc gia, không phải vì lợi ích của một cộng đồng quốc tế hão huyền"1 (Condoleezza Rice, "Campaign 2000 - Promoting the National Interest", Foreign Affairs, tháng 1/2-2000, Vol. 79, No. 1).


Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống là quan chức liên bang chịu trách nhiệm tối cao về quan hệ của Mỹ với các nước khác. Một quyền lực quan trọng khác do Hiến pháp quy định là Tổng thống là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Mỹ (Điều 2. phần 2). Trong khi Quốc hội được trao quyền tuyên bố chiến tranh, tư cách tổng tư lệnh quân đội đã tạo cơ sở cho Tổng thống Mỹ tăng cường quyền hạn trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện các mục tiêu đối ngoại. Các tổng thống Mỹ đã đưa quân đến bán đảo Triều Tiên, Libăng, Cộng hoà Đôminica và Việt Nam mà không hề có tuyên bố chiến tranh của Quốc hội. Nó đã trở thành cơ sở cho quyền sử dụng vũ lực rộng lớn hơn của Tổng thống trong lĩnh vực đối ngoại. Tổng thống Mỹ có thể quyết định sự tham gia hoặc dính líu của Mỹ vào một cuộc xung đột quốc tế mà không cần tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội.


Như vậy, Tổng thống Mỹ nắm giữ quyền lực cao nhất và chủ yếu nhất trong các vấn đề an ninh, đối ngoại của nước Mỹ. Tuy nhiên, quyền hạn của Tổng thống Mỹ, kể cả trong lĩnh vực đối ngoại, có giới hạn nhất định. Nguyên tắc tam quyền phân lập và nguyên tắc kiểm soát và cân bằng (check and balance), hai nguyên tắc cơ bản chi phối hoạt động của hệ thống chính trị Mỹ, tạo nên tình huống chia sẻ và tranh giành quyền lực không chỉ trong các vấn đề nội trị, mà cả trong các vấn đề đối ngoại giữa ngành hành pháp và lập pháp của Mỹ. Thông qua Quốc hội Mỹ và các thiết chế chính trị như bầu cử, các tổ chức chính trị, xã hội khác ở nước Mỹ, như các nhóm lợi ích, cũng tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì vậy, một tác nhân quan trọng khác trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ là Quốc hội Mỹ. Quan điểm của các nghị sĩ Mỹ về các vấn đề quốc tế cũng là một nhân tố quan trọng tác động đến việc hoạch định và triển khai chiến lược an ninh, đối ngoại của Mỹ.


Nhìn chung, trước sự kiện 11 tháng 9, sự ủng hộ chính trị đối với chính quyền Bush rất yếu do tác động của cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 2000. Sự kiện 11-9-2001 đã thay đổi hoàn toàn bức tranh này. Nó giúp hàn gắn sự rạn nứt và chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị nội bộ Mỹ. Vị thế chính trị mong manh của Bush cũng được củng cố bởi sự kiện 11-9-2001 và tình trạng chiến tranh mà nước Mỹ lâm vào. Lịch sử cho thấy, sự ủng hộ của chính quyền và công chúng Mỹ đối với tổng thống thường lên cao trong các cuộc khủng hoảng. Bush cha đã giành được 89% ủng hộ vào thời điểm kết thúc chiến tranh vùng Vịnh. Theo cuộc thăm dò dư luận ngày 22-9-2001, 90% dân chúng Mỹ ủng hộ cách xử lý khủng hoảng của Tổng thống Bush và đây là sự ủng hộ cao nhất trong lịch sử đối với một tổng thống. Bush cũng nhận được sự ủng hộ của cả hai viện trong Quốc hội. Ngay sau vụ khủng bố một ngày, hai viện đã họp và nhất trí thông qua nghị quyết cam kết trừng trị khủng bố và ủng hộ hoàn toàn đối với tổng thống. Kể từ nghị quyết Vịnh Bắc Bộ năm 1964, đây là nghị quyết được cả hai viện thông qua nhanh nhất và với sự nhất trí cao.


Thắng lợi của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2002 đã củng cố mạnh mẽ vị thế chính trị của chính quyền Bush. Đảng Cộng hoà giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội: 229 ghế tại Hạ viện và 51 ghế tại Thượng viện và 23 ghế thống đốc bang. Như vậy, chính quyền Bush sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội đối với việc theo đuổi những mục tiêu trong chính sách an ninh và đối ngoại.


Thắng lợi của Đảng Cộng hoà cũng cho thấy khuynh hướng bảo thủ đang gia tăng trong công chúng Mỹ. Nếu dư luận công chúng là một nhân tố tác động đến hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ thì có thể thấy xu hướng này biểu hiện rất rõ trong các kết quả thăm dò dư luận sau sự kiện 11 tháng 9. Thăm dò dư luận ngày 28 - 29-5-2002 cho thấy 88% cho rằng khủng bố là một vấn đề quan trọng hoặc rất quan trọng, 82% (so với 68% vào tháng 1-2001) cho rằng các vấn đề quân sự và quốc phòng quan trọng hoặc rất quan trọng1 (http://www.gallup.com-poll-reseales-pr020612). Sự ủng hộ của công chúng là một cơ sở chính trị quan trọng để chính quyền Mỹ tiếp tục tăng ngân sách quân sự trong những năm tới.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2022, 06:43:02 am »

2. Mục tiêu và ưu tiên chiến lược

Mục tiêu chiến lược bao trùm của Mỹ hiện nay và trong thời gian tới vẫn là tập trung củng cố thực lực nước Mỹ và vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ, thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo mà ở đó giá trị của Mỹ được phổ biến, ngăn chặn không cho bất cứ nước nào nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ. Đây là mục tiêu chiến lược dài hạn và là yếu tố bất biến chi phối chiến lược an ninh của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.


Bản báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần (Quadrenial Defense Report) ngày 30-9-2001 của chính quyền Bush đã xác định những lợi ích quốc gia cơ bản của Mỹ:

• Bảo đảm an ninh và quyền tự do hành động của Mỹ bao gồm: chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do của Mỹ; sự an toàn của công dân Mỹ ở trong nước và nước ngoài; bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.

• Tôn trọng những cam kết quốc tế bao gồm: an ninh và thịnh vượng của các đồng minh và bạn bè; ngăn chặn sự thống trị của kẻ thù đối với những khu vực quan trọng, đặc biệt là châu Âu, Đông Bắc Á, miền duyên hải Đông Á, Trung Đông và Tây Nam Á; hoà bình và ổn định ở Tây bán cầu.

• Góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế, bao gồm: khả năng tồn tại lâu dài và sức sản xuất của nền kinh tế toàn cầu; an ninh của vùng biển, vùng trời, không gian và các tuyến thông tin liên lạc quốc tế; quyền tiếp cận các thị trường chủ chốt và các nguồn tài nguyên chiến lược1 (Thông tấn xã Việt Nam, Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần (Quadrenial Defense Report) ngày 30-9-2001, Tài liệu tham khảo số 11/12-2002).


Sự kiện 11 tháng 9 và cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của nước Mỹ ít nhất trong thập kỷ tới. Đối với Mỹ, ở khía cạnh nào đó, chống khủng bố đã thay thế mục tiêu "chống cộng sản" thời kỳ chiến tranh lạnh và trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, là ranh giới phân định bạn thù. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, ngăn chặn không còn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Mỹ. Trong một thời gian, nước Mỹ không có trọng điểm chiến lược đối ngoại mà chỉ có một đường hướng đối ngoại chung chung là "can dự và mở rộng". Theo một nghĩa nào đó, sự kiện 11 tháng 9 đã tạo ra một kim chỉ nam mới cho chiến lược đối ngoại của Mỹ và trọng tâm chiến lược đối ngoại của Mỹ trong tương lai ngắn đến trung hạn sẽ là cuộc chiến chống khủng bố. Mục tiêu chống khủng bố sẽ chi phối và xác định những ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ đối với từng vấn đề, khu vực và đối tượng cụ thể. Đây sẽ tiếp tục là ưu tiên chiến lược của Mỹ, bất kể chính quyền tiếp theo là Cộng hoà hay Dân chủ. Xét cho cùng, nước Mỹ đang ở trong thời chiến, như tờ báo L’Express đã tuyên bố: "Chiến tranh thế giới thứ ba bắt đầu vào ngày thứ Ba, 11-9-2001"1 (Như đã trích trong L.Paul Bremer, "A New Strategy for the New Face of Terrorism", The National Interest, Thanksgiving 2001). Dù có phóng đại, tuyên bố này không hẳn là không có cơ sở. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ là một cuộc chiến tranh dài lâu, với kẻ thù vô hình và đây sẽ là cuộc chiến tranh kỳ lạ, chưa từng có trong lịch sử.


Chính quyền Mỹ cho rằng mục tiêu bao trùm của chính sách chống khủng bố về cơ bản sẽ là ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai. Một chiến lược chống khủng bố toàn diện sẽ bao gồm ba mục tiêu cụ thể. Mục tiêu thứ nhất là đối phó với những lực lượng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự kiện ngày 11 tháng 9 mà Mỹ cho rằng đó là Bin Laden và mạng lưới Al Qaeda. Cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan chính là bước đầu, hay giai đoạn một của cuộc chiến chống khủng bố. Mục tiêu thứ hai trong chiến lược tổng thể là tiêu diệt các cơ sở hoạt động của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Các cơ sở đó có thể là bất cứ nước nào mà Mỹ cho rằng đang nuôi dưỡng, hoặc có khả năng nuôi dưỡng và chứa chấp các tổ chức khủng bố1 (L.Paul Bremer, Sđd). Mục tiêu thứ ba là duy trì một sự nhất trí quốc tế về cuộc chiến chống khủng bố nhằm tranh thủ sự ủng hộ và đặc biệt là sự hợp tác của các nước trên thế giới trong lĩnh vực chia sẻ tin tức tình báo.


Cuộc chiến chống khủng bố, ưu tiên chiến lược trước mắt và mục tiêu chiến lược dài hạn bá chủ thế giới song song tồn tại, và không hẳn đã mâu thuẫn nhau. Chính quyền Mỹ sẽ theo đuổi và thực hiện hai mục tiêu này cùng một lúc, đặc biệt ở châu Á. Hơn thế nữa, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt cũng được tính đến nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn hơn là ngăn chặn không cho bất cứ nước nào nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ. Sự tăng cường hợp tác quân sự với Philippin vì mục tiêu chống khủng bố sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực là tăng cường sự hiện diện quân sự, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cũng tương tự như vậy, việc Mỹ thúc đẩy xu hướng tăng cường quân sự với Ấn Độ, một mặt nhằm phục vụ mục tiêu trước mắt là chống khủng bố. Mặt khác, tăng cường quan hệ với Ấn Độ cũng là một phần quan trọng trong ván bài cân bằng quyền lực của Mỹ đối với Trung Quốc.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2022, 06:45:04 am »

3. Những điều chỉnh chiến lược an ninh chủ yếu

3.1. Cách tiếp cận mới đối với vấn đề phòng thủ

An ninh kinh tế, an ninh quân sự và thúc đẩy dân chủ nhân quyền là ba trụ cột cơ bản trong chiến lược đối ngoại "can dự và mở rộng" của Clinton. Nếu như dưới chính quyền Clintơn, an ninh kinh tế là trụ cột hàng đầu thì dưới chính quyền Bush, an ninh quân sự trở thành ưu tiên số một. Xu hướng này thể hiện ngay từ trước sự kiện 11 tháng 9 với việc chính quyền Bush chủ trương tăng chi phí quốc phòng và cam kết triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Sự kiện 11 tháng 9 và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã tạo cơ hội cho chính quyền Bush tiếp tục đẩy mạnh xu hướng này. An ninh theo nghĩa truyền thống, hay an ninh quân sự, sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ. Ngân sách quốc phòng năm 2002-2003 tăng mạnh, lên tới 379 tỷ USD, tăng 50 tỷ so với năm tài chính trước. Đây là mức tăng ngân sách quân sự lớn nhất của nước Mỹ kể từ thời kỳ dưới chính quyền Reagan. Mức tăng ngân sách quân sự này nhằm tăng cường bảo đảm an ninh nội địa và cuộc chiến chống khủng bố. Thực chất, đây là một ngân sách quân sự thời chiến. Cuộc chiến chống khủng bố đã tạo cơ hội cho lực lượng bảo thủ trong chính quyền Mỹ, mà đứng đằng sau là các tổ hợp công nghiệp quân sự đầy ảnh hưởng, thúc đẩy hơn nữa xu hưởng tăng cường ngân sách quân sự.


Một thay đổi quan trọng khác là sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với vấn đề phòng thủ. Điểm cốt lỗi của đường hướng chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là dựa trên khả năng. Điều này có nghĩa là nếu trước kia, quân đội Mỹ phải chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa cụ thể, thì giờ đây nước Mỹ phải chuẩn bị để đối phó với những khả năng khác nhau mà kẻ thù của nước Mỹ, bất kể đó là một quốc gia hay một thực thể phi quốc gia, có thể có. Theo Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần thì "một mô hình dựa trên các khả năng - mô hình tập trung vào các khả năng chiến đấu khác nhau của một đối thủ hơn là việc xem đối thủ là ai và cuộc chiến có thể xảy ra ở đâu - sẽ mở rộng bức tranh chiến lược"1 (Thông tấn xã Việt Nam, Báo cáo đánh giá quốc phòng bốn năm một lần, ngày 30-9-2001, Tài liệu tham khảo số 11-12/2002). Sự thay đổi trong cách tiếp cận này có khả năng dẫn đến việc tăng cường xu hướng sử dụng vũ lực trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Lý do thứ nhất là sức mạnh quân sự của Mỹ chiếm ưu thế áp đảo. Lôgich thông thường cho thấy khi quyền lực càng nhiều và càng tập trung, người ta càng có xu hướng sử dụng nó. Và nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Lý do thứ hai là cuộc chiến chống khủng bố và môi trường chiến lược ẩn chứa những thách thức an ninh khó lường tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực bảo thủ và hiếu chiến của Mỹ thực hiện ý đồ của mình.


Sự khác biệt lớn thứ ba trong cách tiếp cận là chính quyền Bush đánh giá thấp vai trò của chủ nghĩa đa phương, các hiệp ước kiểm soát vũ khí, các cơ chế luật pháp quốc tế và các nhiệm vụ quân sự phi truyền thống. Chính quyền Bush có xu hướng thực dụng và thiên về hành động đơn phương hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Bush chủ trương không sử dụng quân đội Mỹ vào các sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hoà bình trên thế giới và "chính sách của chính quyền thuộc Đảng Cộng hoà chắc chắn phải bắt nguồn từ cơ sở vững chắc là vì lợi ích quốc gia, không phải vì lợi ích của một cộng đồng quốc tế hão huyền"2 (Condoleezza Rice, "Campaign 2000-Promoting the National Interest", Foreign Affairs, tháng 1/2-2000, Vol. 79, No. 1). Chính vì vậy, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước ABM ký với Liên Xô năm 1972, phủ nhận Nghị định thư Kyoto về môi trường, không tham gia Toà án hình sự quốc tế bất chấp sự phản đối của nhiều nước. Ngoài ra, dấu ấn của sự kiện 11 tháng 9 cũng xuất hiện trong những điều chỉnh quan trọng về chính sách an ninh dưới chính quyền Bush, thể hiện trong tài liệu chiến lược quốc phòng được công bố sau sự kiện 11-9-2001.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2022, 06:46:15 am »

3.2 Thay đổi chiến lược đánh thắng đồng thời hai cuộc chiến tranh khu vực

Những chuyển biến cơ bản trong quan hệ Mỹ-Xô từ cuối những năm 1980 đã giảm thiểu nguy cơ của một cuộc chiến tranh lớn giữa hai siêu cường. Chiến lược quân sự của Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh với trọng tâm là chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực đã lỗi thời. Ngay từ dưới chính quyền Bush cha, chiến lược phòng thủ khu vực đã ra đời. Chiến lược phòng thủ khu vực là sự thay đổi chiến lược quốc phòng lớn của Mỹ thời kỳ sau chiến tranh lạnh, theo đó quân đội Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó và chiến thắng đồng thời hai cuộc xung đột khu vực lớn thay vì một cuộc chiến tranh toàn diện với Liên Xô.


Khái niệm hai cuộc chiến tranh khu vực được hiểu là mỗi một cuộc chiến tranh khu vực phải có quy mô tương xứng với chiến dịch Bão táp sa mạc, trong đó Mỹ triển khai khoảng nửa triệu quân tham gia vào hai cuộc chiến tranh tổng lực xảy ra đồng thời hoặc gần như đồng thời. Thực chất chiến lược đối phó thành công với hai cuộc xung đột khu vực bắt đầu từ nhận thức về mối đe dọa của Irắc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Chiến lược này cho thấy Mỹ sẽ sử dụng số lượng và binh chủng quân đội giống như nhau trong cả hai cuộc chiến - khoảng năm - sáu sư đoàn tác chiến trên mặt đất, bao gồm các binh chủng lục quân và hải quân, 10 phi đội không quân, bốn - năm hạm đội tàu chiến và những đơn vị khác cùng phối hợp với nhau1 (Survival, Vol. 43, No. 1, Spring 2001, tr. 37-52). Mục tiêu của lực lượng này là ngăn chặn sự xâm lược của kẻ thù, phục hồi những mất mát thiệt hai trên lãnh thổ đồng minh và cuối cùng, nếu cần thiết, lật đổ chế độ của kẻ thù cho tới khi một chính phủ mới được thành lập và củng cố quyền lực của mình.


Ngày nay, các quan chức chính quyền Bush lập luận rằng điều đó trở nên không cần thiết và việc duy trì những lực lượng tác chiến đông đảo như vậy là phung phí2 (Dan Koslofsky, Two War Strategy is..., April 23, 2001, at http://www.clw.org-milspend-2war.html). Việc triển khai đồng thời hai chiến lược kiểu như Bão táp sa mạc với sự tham gia của nửa triệu quân là quá mức cần thiết. Mỹ không cần những lực lượng tấn công trên quy mô lớn tại cả hai chiến trường để áp đảo kẻ thù, lật đổ chế độ đối địch. Chỉ cần một chiến dịch như vậy là đủ. Ý tưởng mới này được mô tả trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh rưỡi, bao gồm một cuộc chiến như Bão táp sa mạc và Lá chắn sa mạc (250.000 quân). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ hoàn toàn kế hoạch chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh khu vực để sẵn sàng đối phó với một cuộc xung đột. Trái lại, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ thay đổi về mặt nhận thức với việc lên kế hoạch mới giành thắng lợi trong mọi loại hình xung đột có thể xảy ra1 (US Department of Defense, Quadrennial Defense Review Report, 30-9-2001, tr.18, 21).


Về phương diện kế hoạch, quân đội Mỹ được chuẩn bị sẵn sàng để đánh thắng nhanh chóng bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại đồng minh và bạn bè của Mỹ trong cùng thời điểm. Đồng thời, các kế hoạch tác chiến sẽ tập trung vào tiêu diệt khả năng tấn công của kẻ thù đến tận cùng sào huyệt, vãn hồi khả năng quân sự có lợi tại khu vực và tạo điều kiện chính trị cho việc ngăn chặn các thế lực thù địch. Tuy nhiên, theo bản Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần ngày 30-9-2001, thực hiện lệnh của Tổng thống, các lực lượng quân đội Mỹ sẽ chỉ cần tập trung đánh bại một kẻ thù ở một trong hai cuộc xung đột khu vực là đạt yêu cầu2 (US Department of Defense, Quadrennial Defense Review Report, 30-9-2001, tr.18, 21). Tại chiến trường đó, quân đội Mỹ tiến hành các kế hoạch tác chiến, áp đặt ý chí Mỹ và loại trừ bất kỳ mối đe dọa tương lai nào. Quân đội Mỹ còn có khả năng chiếm lãnh thổ hay tạo điều kiện để thay đổi chế độ nếu cần thiết. Trong cuộc xung đột còn lại, quân đội Mỹ phải nhanh chóng làm thất bại ý đồ của địch thủ, chặn đứng một cuộc xung đột, nghĩa là với mục tiêu khiêm tốn hơn tại chiến trường kia.


Hơn nữa, ít có chuyên gia quân sự nào lại cho rằng xung đột quân sự trong tương lai sẽ diễn ra trên quy mô lớn. Ngay cả nếu trong tương lai có nhiều cuộc xung đột quy mô lớn thì khả năng xảy ra hai cuộc xung đột đồng thời là thấp hơn nhiều so với một cuộc xung đột. Bên cạnh việc đối phó với một cuộc chiến tranh lớn tại khu vực, quân đội Mỹ còn được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống bất ngờ ở quy mô nhỏ hơn, trên tinh thần sẵn sàng phối hợp với các lực lượng bạn bè và đồng minh. Chẳng hạn, nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích của Mỹ, chính quyền Bush chủ trương tăng cường vai trò của các hiệp ước an ninh song phương, tăng cường vai trò quân sự của các nước đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ôxtrâylia, duy trì quyển lui tới, sử dụng căn cứ quân sự (Xingapo), tập trận chung với Thái Lan, Malaixia, Philippin... Ko từ năm 1945 đến nay, Mỹ đã tham gia vào ba cuộc xung đột lớn, và trong cả ba lần, Mỹ đều nhận được sự hỗ trợ của đồng minh.


Như vậy, chiến lược an ninh quân sự của Mỹ nhấn mạnh đến tính thực dụng và linh hoạt. Bộ Quốc phòng đã thừa nhận rằng sở dĩ chiến lược phải nhấn mạnh yếu tố linh hoạt như vậy là vì các tình huống khẩn cấp sẽ rất khác nhau về khoảng thời gian, tần suất, mức độ ác liệt và số lượng nhân sự cần thiết. Để đối phó với các tình huống bất ngờ này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự lưu động (rotational) bao gồm nhiều binh chủng có khả năng triển khai phía trước, hỗ trợ các tình huống khẩn cấp kéo dài tại những vùng thuộc lợi ích quan trọng của Mỹ1 (US Department of Defense, Quadrenennial Defense Review Report, 30-9-2001, tr.21). Rõ ràng chính quyền Bush chỉ chú trọng thực sự vào những khu vực thuộc lợi ích thiết thân.


Trên thực tế, chính quyền Bush tương đối thống nhất với ý kiến cho rằng chiến lược đánh thắng hai cuộc chiến tranh khu vực không phải là giải pháp tối ưu cho Mỹ. Chiến lược này quá đề cao nguy cơ xung đột khu vực và do đó gây trở ngại cho việc đầu tư vào các lĩnh vực quốc phòng khác và hạn chế các ưu tiên quân sự khác. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, một chiến lược như vậy có thể hợp lý khi các khu vực chưa thực sự ổn định, còn ngày nay, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, với sự xuống cấp quân sự của Irắc và Cọng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, sự lớn mạnh của quân đội Hàn Quốc và sự tăng lên nhanh chóng về khả năng quân sự của Bộ Quốc phòng, chiến lược này trở nên không cần thiết, thậm chí là một sự hoang tưởng1 (Michael O' Hanlon, "Prudent or Paranoid? - The Pentagon's Two-War Plans", Survival, Vol. 43, No. 1, Spring 2001, tr. 47). Theo tính toán của các chuyên gia Bộ Quốc phòng Mỹ, việc từ bỏ chiến lược: hai cuộc chiến tranh sẽ tiết kiệm 10 tỷ USD mỗi năm cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Còn nếu tiếp tục duy trì chiến lược nay trong 60 năm tới, Mỹ sẽ phải tiêu tốn 3000 ty USD. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tập trung vào tái cơ cấu lực lượng quân sự, tăng cường hoạt động của quân cảnh, các đơn vị quân tâm lý chiến, chế độ cảnh báo điện tử...


Tóm tại, dưới chính quyền Bush, chiến lược quân sự phòng thủ khu vực đã được điều chỉnh từ chiến lược đánh thắng hai cuộc chiến tranh khu vực sang đánh thắng một cuộc chiến tranh, trong khi có khả năng ngăn chặn cuộc chiến tranh khác và đối phó với nhiều thách thức đa dạng.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2022, 06:47:45 am »

3.3. Chính sách hạt nhân mới

Chính quyền Bush đang theo đuổi một chính sách hạt nhân mới, dựa vào khả năng và tiềm lực hạt nhân của Mỹ, không căn cứ vào các mối đe dọa. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với chính sách hạt nhân của các chính quyền tiền nhiệm. Sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với chính sách hạt nhân cũng nằm trong khuôn khổ sự thay đổi trong cách tiếp cận chiến lược quốc phòng nói chung của chính quyền Bush.


Ngày 1-5-2001, trong bài phát biểu ở Học viện quân sự Maryland, Tổng thống Bush đã nói rõ quan điểm của mình về những mối đe dọa tên lửa mới từ các nước "bất trị", thay thế cho mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường thời kỳ chiến tranh lạnh. Khẳng định sự lỗi thời của khái niệm huỷ diệt lẫn nhau chắc chắn (Mutually Assured Destruction, MAD), Bush chủ trương thiết lập "một kỷ nguyên mới của an ninh hạt nhân" dựa trên phòng thủ tên lửa và cắt giảm vũ khí hạt nhân. Bất chấp cam kết tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân, việc chính quyền Bush quyết tâm triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa là một đòn nặng nề đối với tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Và hơn hết, thế cân bằng hạt nhân đã được thiết lập từ năm 1972 với Hiệp ước ABM giữa Mỹ và Liên Xô trước đây sẽ bị phá vỡ và thế giới lại đứng trước nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới.


Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện một bản Báo cáo Chính sách hạt nhân (NPR) toàn diện nhằm đặt ra phương hướng cho các lực lượng hạt nhân Mỹ trong vòng 5-10 năm tới. Trước đó, Tổng thống Bush đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng cải cách (transformation) quân đội Mỹ và chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới mới và khó lường. Như trên đã phân tích, kết quả của chỉ thị này chính là bản Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần (QDR), và dựa trên QDR, NPR đã tạo ra một cuộc cách mạng đối với lực lượng tấn công hạt nhân trong chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ. Với bản báo cáo này, chính quyền Bush thể hiện quyết tâm loại bỏ những mô hình (paradigms) của chiến tranh lạnh. Đây chính là điều mà bản báo cáo năm 1994 của chính quyền Clinton không thực hiện được.


Bản báo cáo nêu ra bộ Ba trụ cột (Triad), gồm: hệ thống tấn công (cả vũ khí hạt nhân và không hạt nhân); hệ thống phòng thủ; và nâng cấp cơ sở hạ tầng để kịp thời đối phó với các thách thức nảy sinh. Bộ ba này sẽ phối hợp với nhau thông qua hệ thống thông tin tình báo và được hỗ trợ bởi hệ thống Kiểm soát và Chỉ huy (Command and Control).


Mục đích của việc thiết lập bộ ba mới là vừa giúp giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân, vừa tăng khả năng răn đe các cuộc tấn công do sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt gây nên. Việc kết hợp các khả năng mới tạo nên bộ ba này giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược từ 6000 xuống còn 1700-20001 (Tuyên bố của Tổng thống Bush ngày 13-11-2001). Việc cắt giảm này được tái khẳng định trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Putin tháng 5-2002.


Trụ cột thứ nhất của bộ ba, khía cạnh tấn công, sẽ hùng hậu hơn bộ ba thời kỳ chiến tranh lạnh bao gồm tên lửa xuyên lục địa (ICBMs), tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (SLBMs) và máy bay ném bom chiến lược tầm xa. ICBMs, SLBMs và máy bay ném bom chiến lược vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột, tuy nhiên, chỉ là một bộ phận trong bộ ba mới.


Trụ cột thứ hai của bộ ba mới nhằm vào việc phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ - một sự thừa nhận các khả năng tấn công chưa đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công trong môi trường an ninh mới của thế kỷ XXI. Thực ra, ý tưởng phòng thủ tên lửa luôn là một ý tưởng của Đảng Cộng hoà. Tác giả của "cuộc chiến tranh giữa các vì sao" (SDI) là Tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà Reagan. Tuy nhiên, kế hoạch này của Reagan đã không bao giờ trở thành hiện thực vì những lý do kỹ thuật, bất đồng trong nội bộ Mỹ cũng như những thay đổi trong quan hệ Mỹ-Xô từ giữa những năm 1980. Dưới sức ép của Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hoà kiểm soát, trong nhiệm kỳ thứ hai, Clinton đã có thái độ ủng hộ hơn đối với việc triển khai hộ thống phòng thủ tên lửa quốc gia1 (Clinton chưa bao giờ thực sự nhiệt tình với kế hoạch NMD. Trong nhiệm kỳ đầu, ông ta không ủng hộ kế hoạch này. Và theo một cố vấn thân cận, Clinton không muốn được lịch sử biết đến với tư cách là vị tổng thống đã phá vỡ ABM, hiệp ước nền tảng cho sự cân bằng hạt nhân thời kỳ chiến tranh lạnh). Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, ngày 1-9- 2000, Clinton tuyên bố do chưa có đủ thông tin về tính hiệu quả công nghệ nên chưa thể đưa ra quyết định triển khai hệ thống NMD vào thời điểm hiện tại.


Phòng thủ tên lửa là một ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Bush con trước sự kiện 11 tháng 9. Mặc dù cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành ưu tiên hàng đầu, chính quyền Bush vẫn tiếp tục cam kết với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và cho rằng sự kiện 11 tháng 9 củng cố thêm cơ sở cho sự cần thiết phải triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa vì tính chất phức tạp và không lường trước của các mối đe dọa đối với nước Mỹ ngày nay. Hơn nữa, theo các chiến lược gia của chính quyền Bush, bản thân sự phòng thủ cũng có tác dụng làm nản ý chí của những kẻ tấn công, tạo nên khả năng xử lý các cuộc khủng hoảng và bảo đảm khắc phục sự thất bại của răn đe truyền thống1 (Donald Rumsfeld, Forword-Nulear Posture Review, Pentagon, 9-1-2002).


Tháng 12-2001, chính quyền Bush tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước cống tên lửa đạn đạo (ABM), mở đường cho quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) do chính quyền Bush đưa ra vào tháng 12-2002. Khuôn khổ chiến lược mới này của Mỹ, trong đó vấn đề phòng thủ tên lửa là hạt nhân, cho thấy chính quyền Cộng hoà vẫn chưa từ bỏ tham vọng đạt được ưu thế hạt nhân tuyệt đối, thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Khái niệm mới này dựa trên sự xác định lại các thách thức hạt nhân mới đối với Mỹ, chuyển từ nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân ồ ạt sang mối đe dọa tên lửa từ các nước "bất trị" như Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Irắc, Iran. Thực chất, đối phó với những cái gọi là nguy cơ từ các nước "bất trị" chỉ là một mục tiêu trước mắt, và không phải quan trọng nhất. Viêc xây dựng thành công một hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ giúp Mỹ giảm thiểu khả năng răn đe vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Nga, những đối thủ tiềm tàng có khả năng thách thức vị trí của Mỹ trong tương lai. Phòng thủ tên lửa sẽ là cơ sở vững chắc cho sự tự do hành động của Mỹ trên thế giới, không bị hạn chế bởi bất cứ sự răn đe hạt nhân nào. Phòng thủ tên lửa cũng giúp Mỹ giữ vị trí đi đầu, bỏ xa các nước đối thủ cũng như đồng minh về quân sự, một trong những nhân tố hàng đầu xác định vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2022, 06:49:54 am »

Bất chấp quyết tâm của chính quyền Bush trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, có không ít lý do để hoài nghi về tính khả thi của dự án này. Lý do thứ nhất là sự chưa chắc chắn về công nghệ phòng thủ tên lửa. Ngay cả khi điều kiện kỹ thuật cho phép, một hệ thống như vậy cũng dễ dàng bị đối phương làm cho thất bại bởi các biện pháp đối phó tương ứng. Quyết tâm của chính quyền Bush cũng sẽ phải vượt qua được những giới hạn về công nghệ phòng thủ tên lửa, tương tự như kết cục kế hoạch đầy tham vọng "cuộc chiến tranh giữa các vì sao" của Reagan1 (Nhìn chung, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của chương trình SDI: chi phí quá cao; sự không chắc chắn về mặt công nghệ; ảnh hưởng có thể đối với đàm phán Mỹ-Xô về kiểm soát vũ khí). Lý do thứ hai là sự thiếu nhất trí trong nội bộ nước Mỹ. Lực lượng phản đối MD chủ yếu dựa vào một số lý do là hiện thời, hiệu quả công nghệ chưa được kiểm chứng, mối đe dọa từ phía những nước như Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên không thực sự nghiêm trọng và cũng khó lý giải được tại sao những nước đó lại phải tấn công nước Mỹ. Triển khai MD có nghĩa là Mỹ vi phạm Hiệp ước ABM, phá vỡ thế cân bằng chiến lược và tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Cuối cùng, chi phí cao cũng là một yếu tố bất lợi. Dự tính chi phí cho dự án này lên tới 100 đến 200 tỷ USD trong vài năm tới. Ngay khi tình trạng kinh tế Mỹ còn rất khả quan như năm 1999, cũng đã có rất nhiều lo ngại và chỉ trích về sự tốn kém của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hạn chế của Clinton. Giờ đây, khi kinh tế Mỹ, vốn đã suy giảm nặng nề trước vụ khủng bố 11 tháng 9 và nay không tránh khỏi một chu kỳ suy thoái mới, yếu tố chi phí sẽ lại càng trở nên quan trọng. Vì vậy, cho dù chính quyền Bush có quyết tâm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, những yếu tố trên vẫn cho thấy rõ sự không chắc chắn của kế hoạch này.


Trụ cột cuối cùng của bộ ba là nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc phòng. Kể từ sự kết thúc của chiến tranh lạnh, cơ sở hạ tầng quốc phòng của Mỹ có phần xuống cấp và cơ sở hạ tầng hạt nhân chưa được nâng cấp. Theo chiến lược mới, Mỹ sẽ tập trung trong vòng 20 năm tới để tạo ra những thế hệ vũ khí và cơ sở hạ tầng mới. Riêng đối với cơ sở hạ tầng hạt nhân, Bộ Quốc phòng chủ trương cải tạo nâng cấp và tăng cường sự tin cậy cho hệ thống triển khai hạt nhân, huỷ bỏ những vũ khí không cần thiết và chuẩn bị những phương án "giảm sốc" trước những tiến bộ vượt bậc nhanh chóng của công nghệ.


Bên cạnh đó, giờ đây đối tượng tấn công hạt nhân của Mỹ đã mở rộng ra rất nhiều. Theo Báo cáo NPR, Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong ba trường hợp sau: chống lại các mục tiêu có khả năng kháng cự một cuộc chiến tranh không hạt nhân; trả đũa một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, sinh học và hoá học; và trường hợp diễn ra các hoạt động quân sự khẩn cấp. Mỹ đưa một loạt các quốc gia vào tầm ngắm hạt nhân của mình. Tờ Los Angeles Times tiết lộ Mỹ đang cân nhắc kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước Trung Quốc, Nga, Irắc, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Libi và Xyri mà Mỹ cho là đe dọa đối với an ninh của mình. Trên tinh thần của QDR và NPR, Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị các kế hoạch can thiệp bằng vũ khí hạt nhân vào các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, Ixraen và các quốc gia Arập, Ixraen và Irắc, và giữa Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc. Đây được xem là bước ngoặt rất quan trọng trong chính sách hạt nhân của Mỹ sau chiến tranh lạnh. Từ trước tới nay, người ta mới chỉ biết tới kế hoạch tấn công Liên Xô, sau đó là nước Nga-đối thủ có tiềm lực vũ khí hạt nhân sánh ngang với Mỹ.


Ngoài ra, chiến lược này còn có nhiều điểm khác gây bất ngờ cho các nước như "các phương án tấn công hạt nhân sẽ hỗ trợ cho bất kỳ khả năng quân sự nào khác". Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Bush không xem việc sử dụng vũ khí hạt nhân như là phương sách cuối cùng (last resort), mà trái lại, không phân biệt giữa vũ khí hạt nhân với vũ khí thông thường, đi ngược lại một tập quán quân sự quan trọng có từ trước1 (Jane Wales, "US Nuclear Plan Signals a Policy Revolution", San Jose Mecury News, 17-3-2002, tr.1). Trong vòng 50 năm qua, các Tổng thống Mỹ đều duy trì chính sách phân biệt vũ khí hạt nhân với vũ khí thông thường, căn cứ vào tính huỷ diệt ghê gớm của vũ khí hạt nhân. Năm 1947, Tổng thống Truman quyết định đặt kho vũ khí hạt nhân dưới quyền quản lý của Ủy ban Năng lượng nguyên tử, chứ không phải Bộ Quốc phòng như hiện nay.


Thực chất, NPR lấy ý tưởng chính từ một bản báo cáo trước đó của Viện Chính sách công quốc gia (NIPP) do Keith Payne chỉ đạo soạn thảo. Keith Payne chính là người đã đưa ra một loạt các bài viết có ảnh hưởng tới giới quốc phòng Mỹ vào những năm 1980 với nhan đề "Chiến thắng nằm trong tầm tay". Robert Joseph và Stephen Hadley, hai thành viên trong Hội đồng An ninh quốc gia, và William Schneider, cố vấn tư tưởng cho Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, cũng đều tham gia vào việc đưa ra bản báo cáo NIPP. Xét tổng thể, bản báo cáo NIPP cho rằng các mối đe dọa đối với an ninh nước Mỹ trong tương lai là "không thể nhận biết" và "khó lường trước". Do đó, bản báo cáo kết luận: Mỹ phải duy trì kho vũ khí hạt nhân cũng như khả năng chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới. Đáng chú ý nhất là bản báo cáo cho rằng vũ khí thông thường không thể thay thế cho vũ khí hạt nhân bởi vũ khí thông thường không có đủ "sức mạnh huỷ diệt" như vũ khí hạt nhân.


Cùng với việc chỉ thị cho quân đội Mỹ khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tấn công hạt nhân mới, chính quyền Bush ra lệnh sản xuất các loại vũ khí hạt nhân mới nhỏ hơn, có thể tiêu diệt các mục tiêu trong hầm ngầm, boong-ke kiên cố... để sử dụng trong một số trường hợp trả đũa các vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hoá học hoặc sinh học1 (Eisendrath Craig, "US Foreign Policy after Sep. 11", USA Today Magazine, tháng 5-2002). Điều này sẽ dẫn đến việc Mỹ quay trở lại tiến hành các vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất.


Như vậy, chính quyền Bush đã đẩy lên cao khả năng sử dụng đòn đánh hạt nhân phủ đầu. Điểm điều chỉnh chính sách hạt nhân của chính quyền Bush chính là từ bỏ chiến thuật "răn đe" và áp dụng chiến thuật "thúc ép", nghĩa là hiếu chiến và phiêu lưu hơn. Hơn 50 năm qua, khi bắt đầu chiến tranh lạnh, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thẳng thừng bác bỏ giả thuyết chiến tranh "ngăn chặn" hay "phủ đầu", coi đó là di ngược lại các giá trị và nguyên tắc của Mỹ. Chính sách đó đã có ích cho Mỹ nhiều thập kỷ qua và đã đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn chiến tranh lạnh trở thành chiến tranh nóng. Nếu học thuyết răn đe và ngăn chặn đã đủ để đối phó với Liên Xô trước đây, tại sao những học thuyết này lại không có tác dụng chống Irắc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên hiện nay? Các quan chức Mỹ lập luận rằng các nhóm khủng bố hay các quốc gia bất hảo, không giống Liên Xô trước đây, được điều hành bởi những nguyên tắc tự vệ lôgích và có thể tiên liệu được. Bởi bài toán lợi ích thường là vô nghĩa đối với những nước bất trị nên Mỹ không thể chờ đợi để những đe dọa an ninh Mỹ trở thành hiện thực trước khi hành động.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #19 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2022, 06:53:22 am »

3.4. Cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự

Chính quyền Bush đang cố gắng để vượt qua đưực thách thức có tính chiến lược là chuyển cuộc cách mạng quân sự-công nghệ (tác động của công nghệ thông tin đối với cách thức tiến hành chiến tranh) thành cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự (RMA) (chiến lược và tổ chức lực lượng).


Theo Andrew Marshall, Giám đốc Văn phòng Đánh giá trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, "cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự là một cuộc thay đổi lớn về bản chất của chiến tranh do việc ứng dụng những công nghệ mới mang lại, kết hợp với những điều chỉnh căn bản trong học thuyết quân sự cũng như các ý tưởng về hoạt động và tổ chức, làm thay đổi cách thức tiến hành các hoạt động quân sự".


Các nhà lý thuyết quân sự trên thế giới cho rằng việc ứng dụng các công nghệ mới và hệ thống vũ khí đã làm đứt đoạn lịch sử cách thức tiến hành chiến tranh. Liên Xô gọi những sự đứt đoạn đó là "các cuộc cách mạng quân sự-kỹ thuật", còn Mỹ gọi là "cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự". Việc đặt tên khác này của Mỹ hàm ý rằng cuộc cách mạng này còn có những yếu tố bên ngoài kỹ thuật, và tập hợp của tất cả những yếu tố đó tạo thành khả năng quân sự tổng hợp. Điều này cũng có nghĩa là những thay đổi về quân sự sau cuộc cách mạng đó có ý nghĩa sâu sắc và căn bản.


Có hai trường phái khác nhau giải thích về RMA: một trường phái đánh giá những lợi ích thu được của việc tái cơ cấu quốc phòng nhằm tận dụng thành quả của công nghệ thông tin; còn trường phái kia nhấn mạnh nhu cầu cải cách cơ cấu lực lượng quân đội, học thuyết quân sự và huấn luyện nhằm đối phó với "các mối đe dọa không cân xứng" và các kẻ thù của thời "hậu hiện đại"1 (Thomas G. Mahnken, "Transforming the us Armed Forces: Rhetoric or Reality?", Navy War College Review, Summer 2001, tr. 14). Tuy nhiên, hai trường phái này đều thống nhất ở một điểm, đó là cần và có thể tận dụng các tiến bộ về công nghệ để đối phó với các mối đe dọa không cân xứng. Mặc dù vậy, điểm khác mới cơ bản là một bên nhấn mạnh đến "tính ưu việt của công nghệ cao", còn bên kia nhấn mạnh đến "cách thức tiến hành chiến tranh". Sự kiện 11 tháng 9 đã làm mờ nhạt đi sự khác biệt này. Điểm mấu chốt là công luận Mỹ, nhất là giới tinh hoa, giờ đây có xu hướng ủng hộ việc quân đội Mỹ dính líu nhiều hơn ở nước ngoài và việc tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ thời kỳ Reagan. Người ta cho rằng đây là thời kỳ "trăng mật thứ hai" giữa giới quân sự và công luận Mỹ. Với sự ủng hộ của công luận và khả năng về tài chính, RMA sẽ có cơ sở để trở thành hiện thực.


Sau chiến thắng tại chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, giới quân sự Mỹ đã rất hưởng ứng khái niệm RMA. Giới này cho rằng công nghệ cao và đi kèm với đó là chiến lược và chiến thuật quân sự sáng tạo sẽ làm thay đổi bản chất của chiến tranh.


Đề cập lý do phải tiến hành RMA, các quan chức chính quyền Bush, nhất là Bộ Quốc phòng và Bộ Hải quân lập luận: thứ nhất, chiến tranh trong tương lai sẽ khác với chiến tranh ngày nay. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh là một bài học cảnh báo các đối thủ không nên đụng độ quân sự với Mỹ. Do vậy các kẻ thù của Mỹ sẽ tìm những điểm yếu của Mỹ để khai thác, làm suy giảm điểm mạnh và tổ chức các cuộc tấn công không cân xứng. Thứ hai, Mỹ phải cải cách quân đội càng nhanh càng tốt bởi với thực trạng phổ biến vũ khí và công nghệ sản xuất vũ khí như hiện nay, nước Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng trong 10 năm tới chứ không phải là 25 năm1 (25 năm là thời gian mà nhiều chuyên gia dự báo là Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ ngang tầm với Mỹ (peer competitor). Thứ ba, nước Mỹ có những cơ hội thuận lợi để tiến hành RMA, trong đó đáng kể nhất là những tiến bộ về công nghệ, chẳng hạn công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Thứ tư, RMA đòi hỏi phải có thời gian, theo dự tính có thể dao động từ 10-20 năm. Thời gian đó dành cả cho những sai lầm, thất bại và những bài học rút ra1 (Tổng hợp ý kiến của cuộc trao đổi tại Diễn đàn chiến lược của Bộ trưởng Hải quân Mỹ ngày 12 - 13-6-2001).


Mục đích chủ yếu của RMA là tạo thế thượng phong cho quân đội Mỹ, và nhờ đó Mỹ sẽ có khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hiệu quả nhất khỏi các mối đe dọa trong tương lai. Cụ thể, quân đội Mỹ phải có khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng và duy trì khả năng chiến đấu bất kể chiến lược của kẻ thù là như thế nào. RMA cũng đòi hỏi quân đội Mỹ phải tác chiến trên mọi loại hình xung đột, không chỉ là chiến tranh công nghệ cao mà còn các tình huổng khẩn cấp với quy mô nhỏ hơn.


RMA thực chất dựa vào cuộc cách mạng kép, kết hợp với nhau, đó là cách mạng thông tin và toàn cầu hoá2 (Saida Bedar, The Revolution in Military Affairs and the "Capabilities Race", at http://www.unog.ch-unidir-l-04-e6%20bedar.pdf). Do vậy RMA không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự và kỹ thuật. Nó cũng cần được xem xét trong bối cảnh của những biến đổi lớn về mặt xã hội do cuộc cách mạng kép mang lại. Sân chơi quốc tế giờ đây có thêm nhiều diễn viên hơn: công ty xuyên quốc gia, tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông và Mỹ còn đặc biệt chú ý tới các tay chơi "bất hảo" như các lực lượng khủng bố, maphia, phổ biến vũ khí, thanh lọc sắc tộc, v.v... Tất cả những diễn viên khó kiểm soát này trong điều kiện cách mạng kép đều có thể thể hiện quyền lực với nhiều mục đích khác nhau. Như trên đã đề cập, điều này tạo nên các mối đe dọa không cân xứng mà nước Mỹ phải đối phó bằng một cuộc cách mạng tương ứng là RMA.


RMA bao gồm ba cấp độ:

- Công nghệ: tích hợp các công nghệ thông tin mới vào các hệ thống vũ khí hiện có và vào tổ hợp C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy điện toán, tình báo, giám sát và do thám);

- Chiến lược và chiến thuật: tạo ra các kiểu chiến tranh mới bằng công nghệ cao;

- Tổ chức: thay đổi về cơ cấu và tổ chức lực lượng quân đội (sự phối hợp, khả năng quản lý của Bộ Quốc phòng, kết hợp giữa dân sự và quân sự...).

Theo dự báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, với sự kết hợp của ba yếu tố này RMA sẽ xuất hiện vào năm 2025.

RMA sẽ được tiến hành cho tất cả các lực lượng, trước hết là lực lượng hạt nhân. Vì chú trọng tới việc đối phó với các mối đe dọa không cân xứng, Mỹ phải duy trì một lực lượng hạt nhân đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng như đã phân tích ở phần trên. Con số 1700-2000 đầu đạn hạt nhân là đủ để các nước như Pháp, Trung Quốc không thể có hơn, trong khi đủ lớn để các nước "bất hảo" không thể bắt kịp. Hơn nữa, số lượng này cũng đủ để nhằm vào các mục tiêu mà giờ đây không còn chỉ tập trung vào Nga. Về mặt chất lượng, chính quyền Bush tiếp tục chủ trướng không phê chuẩn hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) nhằm đối phó với các khả năng về C3D2 (ẩn núp, che giấu, ngụy trang, chối bỏ và đánh lừa) của các đối thủ có vũ khí hạt nhân.


Chính quyền Bush cũng chủ trương tiến hành RMA đối với các lực lượng thông thường, cố gắng tạo ra các thế hệ vũ khí mới dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ nanô và công nghệ sinh học. Trong thời gian chuyển đổi, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các vũ khí khí tài truyền thống như tàu sân bay, máy bay có người lái, xe tăng và các lực lượng quân tương ứng là 12 tổ hợp tàu sân bay, 12 phi đội bay, 12 sư đoàn tăng thiết giáp, đồng thời tiến hành phát triển và thử nghiệm các thế hệ vũ khí mới. Tuy nhiên, chính quyền Bush đang phải tranh luận gay gắt về phương diện tổ chức do phải duy trì cả hai phương án (RMA và các lực lượng truyền thống còn lại).


Hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu ra một danh sách những việc phải làm để tăng cường khả năng quân sự (capabilities):

- Vũ khí thông minh đòi hỏi phải có quân nhân kỹ thuật cao;

- Thử nghiệm, bao gồm cả việc lập nên các đớn vị phát minh và sáng chế;

- Tình báo, cung cấp chi tiết ý định của các đối thủ tiềm tàng và cảnh báo các cuộc tiến công sắp xảy ra, cũng như khả năng mới của các đối thủ;

- Do thám vũ trụ, theo dõi và giám sát, bảo vệ không gian của nước Mỹ;

- Hệ thống phòng thủ tên lửa;

- Các kế hoạch tác chiến thông tin;

- Quản lý tiền xung đột nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột;

- Nâng cấp hạ tầng cơ sở và hậu cần.


Tóm lại, so với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Bush tỏ ra quyết tâm hơn với RMA. RMA là một cuộc cải cách toàn diện, đòi hỏi phải có thời gian. An ninh, xét cho cùng, mang hàm ý đối phó với các mối đe dọa trong tương lai (forward-looking), do vậy, RMA chính là một chiến lược an ninh chuẩn bị cho tương lai của nước Mỹ. Trước mắt, nội bộ chính quyền Bush còn chưa hoàn toàn thống nhất về RMA: bản chất, nội dung cũng như cách thức tiến hành. Hơn nữa, theo nhiều nhà phân tích quân sự, chiến lược chiến tranh kỹ thuật cao, hay chiến lược an ninh lấy công nghệ cao làm nền tảng chưa hẳn đã hữu ích cho việc đối phó với các cuộc xung đột trong thế kỷ XXI. Cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự, cho dù tên gọi của nó cho thấy tính "cách mạng" trong chiến lược quân sự, vẫn chỉ nhằm để đối phó với các cuộc xung đột, chiến tranh thông thường giữa các quốc gia đối đầu trực diện. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy những cuộc xung đột trong thế kỷ XXI phần lớn là các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và dân tộc. Và điều quan trọng hơn nữa, chiến lược quân sự dựa trên công nghệ cao không có khả năng đối phó với các mối đe dọa không cân xứng, hay chiến lược không cân xứng khi kẻ thù của Mỹ sử dụng những biện pháp như khủng bố hoặc tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ nhằm làm tổn thương nước Mỹ và xói mòn ý chí chiến đấu của Mỹ hơn là đánh bại Mỹ về mặt quân sự1 (William C.Martel, "Công nghệ và sức mạnh quân sự", Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, tháng 10-2002, tr.48).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM