CHƯƠNG II
ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC AN NINH
1. Những nhân tố cơ bản chi phối sự điều chỉnh chiến lược an ninh1.1. Thế và lực của MỹBước vào thế kỷ XXI, Mỹ được đánh giá là siêu cường hàng đầu thế giới về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ. Vị trí này đã được Mỹ duy trì, củng cố và tăng cường trong suốt thập niên 90 của thế kỷ XX. Đây là nhân tố hàng đầu chi phối sự điều chỉnh chính sách an ninh của Mỹ.
Về sức mạnh quân sự, Mỹ đi đầu trong các công nghệ quân sự và có nguồn tài chính rất dồi dào để biến các ý tưởng quân sự thành hiện thực. Hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) mà Mỹ đang theo đuổi cho thấy sự gắn bó chặt chẽ của giới công nghiệp quốc phòng với chính quyền hiện tại, tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính và nhân lực khổng lồ của Mỹ.
Trên cơ sở sức mạnh đó, chính quyền Bush tuyên bố "quân đội Mỹ phải là đội quân tinh nhuệ, linh hoạt, phải có mặt trước tiên để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở mọi nơi trên thế giới". Nhiều nhà phân tích cho rằng chi phí quốc phòng của Mỹ trong năm 2003 lớn hơn toàn bộ chi phí quốc phòng của 15-20 quốc gia có chi phí quốc phòng lớn sau Mỹ. Khi năm tài chính 2003 bắt đầu vào tháng 10-2002, chi phí quân sự của Mỹ sẽ chiếm 42% tổng chi tiêu quốc phòng của cả thế giới
1 (Carl Conetta, The Pentagon's New Strategy, New Budget, New War, Project on Defense Alternatives, 25-6-2002, at
http://www.comw.org-pda-0206newwar.html). Cũng vào năm 2003, ngân sâch quốc phòng của Mỹ bằng 93% chi tiêu quốc phòng trung bình hàng năm trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX - thập kỷ mà chi tiêu quốc phòng của Mỹ đạt mức kỷ lục.
Xét về cơ cấu lực lượng, Mỹ có thể mạnh về hạt nhân, về không quân, hải quân và là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu.
Dưới đây là những con số về lực lượng quân sự Mỹ:
• Hơn 200.000 quân Mỹ đang đồn trú ở hải ngoại và 50.000 linh và sĩ quan hải quân trên các đại dương; trong những năm gần đây 35.000 người trong số đó tham gia trực tiếp vào các chiến dịch khẩn cấp, chủ yếu tại Irắc hay vùng Bancăng;
• Hơn 800 cơ sở quân sự ở hải ngoại, trong đó có 60 căn cứ lớn;
• Hiện diện quân sự ở hơn 140 nước, trong đó triển khai quân đội với mức độ lớn (hàng trăm hoặc hàng nghìn quân) tại 25 nước.
• Cam kết mạnh mẽ hỗ trợ phòng thủ hoặc ủng hộ các nỗ lực quân sự của 31 nước và ký hiệp định hợp tác quân sự với 29 nước khác
1 (Carl Conetta and Charles Knight, A New US Military Strategy-Issues and Options, Project on Defense Alternatives, 21-5-2001 at
http://www.comw.org-pda-0105bm20.html).
Sức mạnh quân sự của Mỹ còn thể hiện ở trình độ công nghệ và kỹ thuật ứng dụng trong quốc phòng. Mỹ đứng hàng đầu thế giới về ứng dụng các công nghệ thông tin và viễn thông vào lĩnh vực quân sự, cũng như trong việc phối hợp và xử lý thông tin trên chiến trường và tiêu diệt các mục tiêu từ xa với độ chính xác rất cao. Washington có những chiến lược khiến các đối thủ không thể dễ dàng bắt kịp về mặt công nghệ, thể hiện rõ ở khoảng cách lớn về chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D); Mỹ đã dành một khoản lớn gấp ba lần cho R&D so với sáu quốc gia hàng đầu kế tiếp Mỹ cộng lại. Một cách so sánh khác là Mỹ đã chi phí cho R&D nhiều hơn toàn bộ chi tiêu quốc phòng của Anh hay Đức. Quân đội Mỹ được trang bị hiện đại, vượt xa các nước khác. Mỹ đi đầu trong lĩnh vực chiến tranh kỹ thuật cao. Nếu như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, số vũ khí kỹ thuật cao như bom thông minh được sử dụng chỉ chiếm khoảng hơn 10%, thì trong cuộc không kích Kosovo năm 1999 con số đó là gần 70% và lên tới gần 90% trong cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan 2001.
Về kinh tế, Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc và có tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển. Điều đáng chú ý là nền kinh tế Mỹ đã có sự biến đổi về chất, có khả năng kéo dài chu kỳ tăng trưởng và vượt qua chu kỳ suy thoái và khủng hoảng như thời kỳ qua cho thấy. Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi trở lại sau thời kỳ suy thoái ngắn và ở mức nhẹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với tỷ lệ tăng trưởng 5,6% trong quý 1-2002. Mức tăng trưởng dù giảm đi, chỉ còn 2,5 đến 3% trong năm 2002, cũng vẫn là mức tăng trưởng cao hơn đáng kể so với các trung tâm kinh tế tư bản chủ nghĩa khác như Tây Âu và Nhật Bản.
Mỹ đi tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế mới, đúng như nhà tương lai học A. Toiler dự báo trong cuốn Làn sóng thứ ba (1980). Nhiều người cho rằng Mỹ tiến vào nền kinh tế mới dựa trên cơ sở cách mạng công nghệ thông tin và sự toàn cầu hoá nền kinh tế thị trường. Ngành thông tin bao gồm thiết kế lưu trữ, truyền tải và xử lý thông tin, các ngành hữu quan và ngành dịch vụ chiếm tới 72% nền kinh tế Mỹ
1 (Trần Bá Khoa, "Nền kinh tế mới của nước Mỹ, cái mạnh và cái yếu", Tạp chí Cộng sản, số 14 (7-2001) tại
http://www.cpv.org.vn). Vào cuối năm 1999 trên thế giới có 180 triệu người sử dụng Internet thì riêng Mỹ đã chiếm 50% trong số đó. Bốn mươi sáu phần trăm lượng thông tin chu chuyển trên Internet xuất phát từ Mỹ. Trong cả thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 20 triệu việc làm, trong khi Liên minh châu Âu (EU) bị mất 5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng này vẫn chưa khắc phục được.
Mỹ chiếm 4,7% dân số thế giới, nhưng có 31,2% trong số 31,4 nghìn tỷ USD GDP của thế giới
1 (The Economist, 27-6-2002). GDP năm 2000 đạt 9.996,2 tỷ USD, lớn gần gấp đôi so với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Nhật Bản (4.619,8 tỷ USD), và gần gấp 10 lần so với nền kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc (1.070,7 tỷ USD) tính theo cân bằng sức mua (PPP)
2 (U.S and Asia Statistical Handbook, 2001-2002 Edition, The Heritage Foundation, tr.21). Như vậy, phải mất khoảng hơn 30 năm nữa, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Trung Quốc mỏi có thể đạt mức của Mỹ hiện nay và tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người vẫn thấp hơn3 (Henrry Kissinger, "The Architecture of an American Foreign Policy", in Preparing America's Foreign Policy for the 21st Century edited by David L. Boren & Edward J.Perkins, University of Oklahoma Press, 1999, tr.303). Hơn nữa, thập kỷ đầu của thời kỳ sau chiến tranh lạnh lại chứng kiến một thời kỳ phát triển dài lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khoảng cách giữa Mỹ và các đối thủ, đặc biệt là Nhật Bản và EU, càng được mở rộng vì sự chênh lệch lớn trong tốc độ phát triển kinh tế. Từ năm 1990 đến 1998, kinh tế Mỹ tăng tới 27%, gần như gấp đôi so với EU 15% và Nhật Bản 9% . Tỷ trong kinh tế Mỹ trong kinh tế thế giới tăng hơn 10%, đạt 31% năm 2000 so với hơn 20% thời kỳ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX.
Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong các thiết chế tài chính, thương mại thế giới như IMF, WTO, WB... Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế có sức cạnh tranh rất lớn. Đồng đôla Mỹ chiếm hơn 60% giao dịch thương mại toàn cầu. Đồng đôla là đồng tiền dự trữ quốc gia chủ yếu của hầu hết các nước trên thế giới. Thị trường chứng khoán của Mỹ có vai trò trung tâm trong đời sống tài chính, tiền tệ toàn cầu. Biến động trên thị trường chứng khoán New York tác động đến thị trường chứng khoán ở khắp nơi trên thế giới. Xu hướng chung cho thấy nền kinh tế Mỹ ngày càng gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế thế giới. Gần 1/3 tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ là nhờ vào xuất khẩu. Hiện nay con số các xí nghiệp Mỹ kinh doanh trên toàn cầu chiếm tới 60% tổng số xí nghiệp của Mỹ. Đóng góp của ngành xuất khâu đối với tăng trưởng kinh tế đã vượt ngành xây dựng và ngành gang thép - vốn là hai ngành công nghiệp chủ đạo trong nền kinh tế Mỹ. Sự bành trướng toàn cầu của tư bản Mỹ diễn ra mạnh mẽ cùng với sự bành trướng về chính trị và quân sự. Các công ty xuyên quốc gia khổng lồ của Mỹ (doanh thu của một số công ty này lớn gấp nhiều lần GDP của nhiều nước) phát triển nhanh chóng, nắm phần lớn của cải thế giới, chuyển mạnh sang lũng đoạn các ngành công nghệ cao và tài chính tiền tệ trên thế giới.
Khác với Nhật Bản và Tây Âu, tiềm năng phát triển của kinh tế Mỹ còn mạnh xét về mặt dân số học. Thế hệ những người Mỹ sinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai giờ đây chính là những tác nhân chủ yếu của nền kinh tế. Số lượng các gia đình mà trong đó những người có độ tuổi từ 35-54 đóng vai trò trụ cột về kinh tế hiện lên tới con số 44 triệu. Những người này đang ở giai đoạn đỉnh cao về chi tiêu và tiết kiệm, là một động lực rất quan trọng của nền kinh tế
1 (American Special Strengths, Kiplinger.com, tháng 6-2002).
Về khoa học công nghệ. Ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bằng bảy nước giàu nhất sau Mỹ cộng lại và chiếm 40,6% của tổng chi phí toàn cầu là 652.7 tỷ USD
2 (Stephen Brooks and William C. Wohlforth, "American Primacy in Perspective", Foreign Affairs, tháng 7/8-2002, Vol, tr. 2). Bằng phát minh khoa học của Mỹ chiếm hơn 60% toàn bộ số bằng phát minh khoa học trên thế giới. Mỹ đứng đầu 20 trong tổng số 29 ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo vật liệu mới, không gian điều khiển học. Hai phần ba số người đạt giải Nobel về kinh tế và khoa học là công dân Mỹ.
Về văn hoá, các chương trình truyền hình và phim ảnh của Mỹ chiếm tới hơn 3/4 thị trường thế giới. Riêng trong lĩnh vực nghe nhìn, Mỹ chiếm 83,1% từ thu nhập 18,2 tỷ USD sản xuất phim trên thế giới
1 (The Economist, 27-6-2002). Toàn cầu hoá được đồng nghĩa với McDonald hoá. Tiếng Anh là ngôn ngữ chủ đạo của Internet và tuyệt đại đa số các chương trình Internet cũng bắt nguồn từ Mỹ
2 (Zbigniew Brzezinski, Bàn cờ lớn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999).
Sức mạnh và ưu thế của Mỹ có thể được duy trì trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, sức mạnh Mỹ cần được đặt trong bối cảnh quốc tế, bởi như vậy mới có thể đánh giá được thực chất sức mạnh, quyền lực tương đối của Mỹ so với các trung tâm quyền lực khác cũng như những thách thức mà nước Mỹ phải đương đầu. Việc xem xét những giới hạn đối với sức mạnh của nước Mỹ phải được bắt đầu từ việc đánh giá những xu hướng địa chính trị và an ninh chủ đạo trong thời kỳ hiện nay và trong một vài thập kỷ tới. Trên cơ sở đó mới có thể đánh giá khả năng triển khai chiến lược an ninh của Mỹ trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI.