Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:25:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự phản bội của Goóc-ba-trốp  (Đọc 2162 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2022, 07:52:43 pm »

+ Đối với việc bầu cử Quốc hội ở Cộng hoà dân chủ Đức.

Chính quyền Bonn đã trực tiếp nhảy vào cuộc ngay từ khi đòi "bầu cử tự do", "chuẩn bị vận động tranh cử" và khi tiến hành bầu cử vào ngày 18-3-1990 thông qua các hành động: kích động dân chúng trước hết là các đảng phái, tổ chức chính trị đối lập đòi bằng được phương thức bầu cử tự do theo kiểu phương Tây; tạo dựng "con bài" và "chiêu bài" trong quá trình vận động tranh cử; chi phí tài chính cho một số đảng phái, liên minh tranh cử đã được chính quyền Bonn đứng ra thu xếp hoặc chấp nhận, thủ tướng H.Kolh đã chi 7 triệu DM cho "Liên minh vì nước Đức" để vận động tranh cử Quốc hội ngày 18-3-1990. Trực tiếp tham gia vận động tranh cử cho các lực lượng chính trị được chính quyền Bonn bảo trợ. Thậm chí ngay tại Đông Đức các chuyến đi sang Cộng hoà dân chủ Đức vào thời gian vận động tranh cử và bầu cử Quốc hội Cộng hoà dân chủ Đức của Thủ tướng Cộng hoà liên bang Đức H. Kohl và một loạt lãnh tụ các đảng phái chính trị cũng như các chính khách khác ở Cộng hoà liên bang Đức đã được báo chí ở Cộng hoà dân chủ Đức, Cộng hoà liên bang Đức và các nước khác trên thế giới công khai đưa tin.

- Phản ứng của Liên Xô đối với tình hình Cộng hoà dân chủ Đức:

Là một nước có quan hệ đặc biệt với Cộng hoà dân chủ Đức kể từ khi thành lập tới nay, Liên Xô đương nhiên muốn Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức tiến hành cải tổ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội theo xu hướng chung. Điều đó thể hiện qua các chuyến đi công khai hoặc không công khai của E.Honecker, E.Krenz và một số nhà lãnh đạo SED sang thăm Liên Xô trong các tháng 9, 10 và 11-1989. Ngược lại quan điểm "cải tổ" hay chỉ "tiếp tục cải cách" ở Cộng hoà dân chủ Đức cũng được nêu ra trong các chuyến đi thăm Cộng hoà dân chủ Đức của Ligachev (tháng 8-1989) và Gorbachev (tháng 10-1989). Về hình thức bên ngoài hai bên đều tuyên bố ủng hộ lẫn nhau, nhưng thực chất về vấn đề này quan điểm của Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức (ít nhất là dưới thời Tổng Bí thư Honecker) với Liên Xô không thống nhất, nếu không nói là mâu thuẫn. Tuy nhiên ở đây xin chỉ nêu ra lời phát biểu của Tổng Bí thư uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 17-11-1989 trước tình hình chính trị xã hội đang diễn ra ở Cộng hoà dân chủ Đức: "Cuộc cải cách ở Cộng hoà dân chủ Đức nằm trong quá trình đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta hoan nghênh những gì đang diễn ra ở Cộng hoà dân chủ Đức". Ngoài ra trên thực tế, Đại sứ quán Liên Xô và 38 vạn quân Liên Xô đóng ở Cộng hoà dân chủ Đức không có phản ứng gì trước diễn biến chính trị xã hội diễn ra ở Đông Đức, ngoài việc phản đối những phần tử quá khích đả kích, bài Xô, xâm phạm tới tượng đài Hồng quân Liên Xô ở thủ đô Berlin và một số thành phố khác. Một vấn đề có thể nói là duy nhất được Liên Xô đặc biệt lưu ý và công khai ủng hộ Cộng hoà dân chủ Đức là việc tái thống nhất nước Đức theo công thức "2+4" (Hai nhà nước Đức và 4 nước: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp cùng thảo luận về vấn đề tái thống nhất nước Đức), không được thay đổi đường biên giới giữa các quốc gia châu Âu đã được xác lập sau chiến tranh thế giới thứ hai và khi hai nước Đức thống nhất phải trung lập hoá (không là thành viên của khối NATO hay Vác-sa-va).


- Phản ứng của các nước khác:

+ Trung Quốc: ủng hộ quan điểm "Tiếp tục cải cách kinh tế xã hội" ở Cộng hoà dân chủ Đức, tiếp tục xây dựng, phát triển và bảo vệ xã hội chủ nghĩa ở Đông Đức. Trong chuyến đi thăm Cộng hoà dân chủ Đức ngày 10-10-1989, Diêu Y Lâm (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) đã tuyên bố "ủng hộ Cộng hoà dân chủ Đức tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội" ca ngợi "Những thành tựu vĩ đại của Cộng hoà dân chủ Đức 40 năm qua" và sau đó trao đổi với E.Honeckerr và các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức bài học kinh nghiệm chống động loạn phản cách mạng xảy ra ở Thiên An Môn, Trung Quốc những tháng giữa năm 1989.

+ Việt Nam: Đối với diễn biến chính chính trị xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nói chung và ở Cộng hoà dân chủ Đức nói riêng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức chăm chú theo dõi và mong muốn các nước anh em mạnh dạn gạt bỏ những sai lầm tiến hành đổi mới trên cơ sở xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại mọi hành động phủ định, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ VII và lần thứ VIII (khóá VI) đã thể hiện tập trung về sự đánh giá và quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam về chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2022, 07:54:38 pm »

IV. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở CỘNG HOÀ DÂN CHỦ ĐỨC TỪ KHI "LIÊN MINH VÌ NƯỚC ĐỨC" LÊN CẦM QUYỂN ĐẾN TRƯỚC NGÀY SÁT NHẬP VÀO CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

1. Tình hình chính trị.

Sau khi kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội mới của Công hoà dân chủ Đức, với thắng lợi của "Liên minh vì nước Đức" (Gồm 3 đảng phái CDU, DSU và DA), L.Maziere (Chủ tịch đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU) đã được quyền đứng ra lập chính phủ mới gồm 25 Bộ trưởng do chính L.Maziere làm thủ tướng. Nội các mới ở Cộng hoà dân chủ Đức bao gồm: Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) giữ chức Thủ tướng và 10 ghế Bộ trưởng; Đảng xã hội Dân chủ Đức (SHD) 7 ghế Bộ trưởng; Liên minh xã hội Đức (DSU) 2 ghế Bộ trưởng; Liên minh tự do Đức (FDB) 3 ghế Bộ trưởng và Đảng Khởi phát Dân chủ một ghế Bộ trưởng. Điều đáng chú ý là, lần đầu tiên trong 40 năm qua, một chính phủ không cộng sản được lập ra ở Đông Đức. Tổng thư ký SDU Diestel giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quyền chủ tịch SPD M.Meckel giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và chủ tịch DA là R.Epenmann giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và giải trừ quân bị. Mặc dù vấn đề chính trị có tính chất thời sự lúc này ở Cộng hoà dân chủ Đức là việc tái thống nhất nước Đức và mối quan hệ tiền tệ giữa Đông Đức và Tây Đức, nhưng chính phủ mới ở Cộng hoà dân chủ Đức đã và đang hướng đất nước này đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.


Ngay sau khi lên cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Maziere đã sa thải ngay lập tức 33.121 nhân viên cơ quan an ninh quốc gia dưới thời E.Honecker; đồng thời lập cơ quan điều tra hồ sơ lưu trữ dưới chính thể cộng sản, kiểm tra giải thể lực lượng Stasi (ám chỉ cơ quan an ninh quốc gia).


2. Tình hình xã hội

Lúc này tình hình an ninh, trật tự xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức diễn ra rất phức tạp. Lần đầu tiên ở Cộng hoà dân chủ Đức (kể từ 40 năm qua) đã nảy sinh một loạt vấn đề xã hội có tính chất nghiêm trọng:

- Tình hình thất nghiệp:

Theo thông báo của Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Cộng hoà dân chủ Đức, vào thời điểm này ở Đông Đức có khoảng từ 60 đến 70 ngàn người thất nghiệp (phần lớn nhân viên an ninh, cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội dưới thời E.Honecker và công nhân một số nhà máy bị phá sản). Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội cũng đã dự đoán rằng, một khi nền kinh tể thị trường tự do và sự thống nhất hệ thống tiền tệ giữa Đông Đức và Tây Đức được xác lập trên thực tế thì sẽ có khoảng 3,6 triệu người chắc chắn sẽ không có việc làm. Còn theo Bộ trưởng Bộ kinh tế Cộng hoà dân chủ Đức thì con số thất nghiệp ở Đông Đức những năm tới sẽ là 2.540.000 người.

- Tình trạng suy sụp tâm lý xã hội: Kể từ đầu năm 1990 tâm trạng của các tầng lớp xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức diễn biển rất phức tạp: hoang mang, sợ sệt, mất niềm tin, chán nản vừa hy vọng, chờ đợi, vừa thất vọng vì trước mắt đời sống tinh thần và đặc biệt là vật chất giảm sút. Tệ nạn nghiện rượu, nghiện ma tuý, khủng hoảng gia đình, đang trở nên phổ biến dẫn tới sự phân hoá xã hội. Con số người mắc bệnh tâm thần gia tăng. Thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ tự sát.

- Tình trạng mất an ninh và trật tự xã hội: Là mối lo lắng của dân chúng ở Cộng hoà dân chủ Đức. Ngày 22-4-1990, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hoà dân chủ Đức Diestel đã phải thốt lên rằng: "Hiện nay đang có sự câu kết giữa các phần tử cực đoan của hai nước Đức, coi bạo lực là một phương tiện để đạt được các mục tiêu chính trị. Bọn côn đồ đã gây ra các vụ lộn xộn ở các sân vận động, tuyên truyền các tư tưởng phát xít, sử dụng bạo lực chống lại cá nhân và các cơ quan xã hội".


3. Tình hình Đảng chủ nghĩa xã hội dân chủ (PDS).

Chính biến xảy ra ở Cộng hoà dân chủ Đức đã gây ra sự tổn thất vô cùng nặng nề cho Đảng xã hội chủ nghĩa Đức. Ngoài việc Đảng bị mất quyền lãnh đạo đất nước, các lãnh tụ của Đảng hoặc bị bắt giam, xử lý, hoặc bị vô hiệu hoá và phần lớn đảng viên, trước hết là những đồng chí chuyên làm công tác đảng vụ từ trung ương tới cơ sở bị thất nghiệp. Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đã và đang đứng trước thực trạng sau đây:

+ Số lượng đảng viên bị giảm sút nghiêm trọng.

Từ chỗ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức có tới 3 triệu đảng viên đến tháng 4-1990 chỉ còn chừng 60 đến 70 nghìn (một số ít, chủ yếu là các Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo từ Ủy viên Trung ương trở lên bị khai trừ còn phần lớn đã tự ý trả lại thẻ Đảng vì nhiều lý do khác nhau);

+ Chất lượng của số đảng viên còn lại cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

Thông qua các dấu hiệu: suy sụp về tinh thần, mất niềm tin vào Đảng, giảm niềm tin vào sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, thậm chí thể hiện tâm trạng chán nản, giảm sút ý chí chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, hoảng sợ, lo lắng bị trả thù, căm giận, oán trách tất cả. Tuy vậy vẫn còn một bộ phận đảng viên trung kiên và có bản lĩnh vẫn tin tưởng vào thắng lợi có tính chất tất yếu của chủ nghĩa xã hội cho nên vẫn kiên trì hoạt động, củng cố, phát triển Đảng và tổ chức đấu tranh chống lại những kẻ muốn thủ tiêu Đảng và đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân và những người lao động.


Với cái tên mới là "Đảng chủ nghĩa xã hội Dân chủ", Đảng tăng cường hoạt động củng cố tổ chức từ trung ương tới cơ sở, và cơ chế hoạt động của Đảng trong tình hình mới. Trước mắt PDS đang tiến hành vận động tranh cử cho cuộc bầu cử ở các địa phương, trong đó có chú trọng tới việc ủng hộ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của những người nước ngoài đang sống và làm việc ở Cộng hoà dân chủ Đức, phản đối mọi hiện tượng kỳ thị chủng tộc và thù địch với người nước ngoài. Ví dụ cuộc vận động tranh cử ở thủ đô Berlin của Đảng PSD được tiến hành tại khu vực Ahrensfelde (ngoại ô Berlin, nơi có 1.700 công nhân Việt Nam đang sinh sống và làm việc). Ngày 24-4-1990, Bí thư thành uỷ PSD thành phố Berlin tuyên bố công khai: "Các tổ chức PSD ở thủ đô Berlin sẵn sàng kết nạp những người nước ngoài thường trú ở đây vào tổ chức của Đảng". Ngoài ra, cựu Tổng Bí thư của SED (Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức) E.Honecker đã phản bác lời buộc tội ông "phản bội Tổ quốc, vi phạm Hiến pháp" và bác bỏ lời bịa đặt, vu cáo các ông "bán tù nhân chính trị ở Cộng hoà dân chủ Đức cho Cộng hoà liên bang Đức lấy 75 triệu DM gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ". Kết quả là, Viện kiểm sát tối cao Cộng hoà dân chủ Đức đã phải huỷ bỏ lời buộc tội trên và chỉ còn kết tội ông là "thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại cho quốc gia".


4. Tình hình Quân đội nhân dân quốc gia Đức:

Chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức cũng đã làm cho "Quân đội nhân dân quốc gia" phân hoá và mất sức chiến đấu, thể hiện bằng các dấu hiệu: giảm sút về quân số (từ 175.000 quân nhân đến nay chỉ còn chừng 100.000 người, chủ yếu do bỏ ngũ tới 80.000 người, một số ít bị bắt hoặc quản chế, trong đó có cả Bộ trưởng quốc phòng Kesler); tinh thần quân nhân khủng hoảng sâu sắc dẫn tới kỷ luật lỏng lẻo, thậm chí có quân nhân bán cả quân trang, quân dụng hoặc bỏ trốn sang Tây Đức (trong đó có nhiều sĩ quan là đảng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức). Trong quá trình chính biến "Quân đội nhân dân quốc gia" và lực lượng hậu bị chiến lược của nó đã bị trung lập hoá.


5. Tình hình cơ quan an ninh quốc gia (Bộ An ninh):

Ngay từ khi bắt đầu xảy ra chính biến và sau đó, cơ quan An ninh quốc gia nhân dân Đức (một trong những lực lượng chuyên chính trọng yếu nhất và vững mạnh nhất của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức lúc đó) đã trở thành đối tượng bị tiến công và vô hiệu hoá thể hiện qua việc: Bộ trưởng An ninh cùng với 5.000 sĩ quan An ninh cấp cao đã bị bắt. Cơ quan An ninh từ cấp Trung ương tới cấp địa phương huyện bị giải thể. Trụ sở làm việc của cơ quan an ninh các cấp bị bao vây, canh giữ. Mọi hoạt động của cơ quan an ninh đều bị đình chỉ. Hàng vạn nhân viên an ninh đã lâm vào tình trạng thất nghiệp. Hiện nay họ vẫn bị tiếp tục sa thải và đang bị điều tra. Ngoài ra những sĩ quan và hạ sĩ quan An ninh được đào tạo trong các trường An ninh đang làm việc ở Bộ Nội vụ đang có nguy cơ bị sa thải. Những người cộng sự ít nhiều với cơ quan An ninh trước đây cũng đều bị tố cáo.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2022, 07:56:11 pm »

6. Tình hình lực lượng cảnh sát (Bộ Nội vụ).

Là một lực lượng đông đảo và công cụ chuyên chính sắc bén làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức - lực lượng cảnh sát (thuộc Bộ Nội vụ) ngay từ lúc đầu và trong quá trình diễn ra chính biến đã bị phân hoá. Một bộ phận bị vô hiệu hoá, bị bắt giữ hoặc buộc thôi việc, chủ yếu là số sĩ quan cao cấp và những nhân viên có quan hệ công tác đặc biệt với cơ quan An ninh quốc gia. Ngay từ khi Hội đồng Bộ trưởng Cộng hoà dân chủ Đức đứng đầu là chủ tịch W.Stopz từ chức tập thể thì thượng tướng F.Dickel, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Tư lệnh trưởng lực lượng cảnh sát nhân dân Đức cũng bị mất chức và bị quản chế.


Người thay thế Dickel là L.Ahrendt (Đảng viên SED và sau này đổi tên thành PDS), một bộ phận bị trung lập hoá và sau đó phục vụ cho chính quyền mới. Sau khi chính phủ do Thủ tướng L.Maziere đứng đầu và Bộ Nội vụ do Diestel làm Bộ trưởng thì L. Ahrendt trở thành cố vấn cho Diestel. Chính phủ của Thủ tướng L.Maziere chủ trương sa thải tất cả các sĩ quan giữ chức vụ lãnh đạo thuộc Bộ Nội vụ là đảng viên Đảng chủ nghĩa xã hội dân chủ (PDS).


Nhận xét chung về nguyên nhân dẫn tới chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức

Chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức đã gây ra tổn thất nặng nề không những đối với những người cộng sản Đức nói riêng mà còn đối với phong trào cộng sản quốc tế và chủ nghĩa xã hội nói chung. Vậy nguyên nhân dẫn tới chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức là gì?.

1. Nguyên nhân bên trong.

- Kể từ khi thành lập nước tới thời điểm chính biến, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức đã không thực thi đúng đắn đường lối, chính sách độc lập, tự chủ trên cơ sở của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa.

Trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại trên một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chính trị, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những biểu hiện chủ quan, thiếu nhạy bén trong việc đánh giá tình hình chính trị - xã hội trong nước, đặc biệt là thực trạng nội bộ Đảng và nội bộ nhân dân cũng như diễn biến của tình hình quốc tế và tác động, ảnh hưởng của nó đối với Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức. Chính vì vậy mà không phát hiện ra những nguy cơ tiềm tàng có thể dẫn tới sự khủng hoảng toàn diện và sâu sắc của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cộng hoà dân chủ Đức. Và hơn thế nữa, khi dấu hiệu của khủng hoảng chính trị xã hội xuất hiện, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trước hết là Tổng Bí thư E.Honecker đã không đưa ra được những giải pháp cần thiết và có thể để khắc phục nó, nhằm từng bước ổn định tình hình. Khi tình hình chính trị - xã hội trở nên nghiêm trọng, những người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã tỏ ra bị động, lúng túng và thậm chí có lúc thả nổi, bất lực, rút lui từng bước và sau đó còn chịu chấp nhận thất bại.


- Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức suy yếu nghiêm trọng cả trên lĩnh vực nhận thức lý luận và tổ chức hoạt động thực tiễn trước "tư duy chính trị quốc tế mới trong thời đại ngày nay". Cụ thể là:

+ Người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức là Tổng Bí thư E.Honecker về cuối đời đã tỏ ra không đủ dũng khí, bản lĩnh và tư chất của người đứng đầu Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới. Tổng Bí thư Honecker đã phạm những sai lầm lớn như: quan liêu, tự mãn, bảo thủ, không những không chịu đổi mới mà còn gây cản trở cho sự đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ko cả lĩnh vực chính trị và kinh tế.

+ Mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức nói riêng và nội bộ nhân dân nói chung đã xuất hiện hàng chục năm nay đã không được phát hiện kịp thời, nhận ra đầy đủ và giải quyết triệt để dẫn tới cuộc đấu tranh trong nội bộ diễn ra một cách âm thầm mà không kém phần gay gắt. Tình trạng đó kéo dài làm cho mâu thuẫn nội bộ nhân dân trở thành mâu thuẫn đối kháng tạo tiền đề cho sự bùng nổ khủng hoảng - chính trị-xã hội sâu sắc không kiểm soát được. Trên thực tế, cả trong nội bộ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức lẫn các lực lượng chính trị - xã hội khác đều nói tới chủ nghĩa xã hội nhưng là với màu sắc khác nhau như "chủ nghĩa xã hội dân chủ", "chủ nghĩa xã hội nhân đạo" theo cách hiểu riêng. Nhưng thế nào là chủ nghĩa xã hội đích thực, chân chính thì không được nghiên cứu, thảo luận để thống nhất nhận thức và hành động, về vấn đề này, trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức giữa E.Honecker (Tổng Bí thư), E.Krenz (Bí thư Trung ương phụ trách công tác Tư tưởng, An ninh và Quốc phòng); K. Hager (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Văn hoá - tư tưởng) và đặc biệt là H. Modrow (Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh uỷ Dresden) đã tỏ ra không thống nhất.

+ Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã có những sai lầm nghiêm trọng nhưng không chịu nhận ra và khắc phục như: tham nhũng, lạm dụng chức quyền giành đặc quyền, đặc lợi dẫn tới hậu quả là bộ phận lớn quần chúng và cả đảng viên cộng sản mất lòng tin vào Đảng, vào chủ nghĩa xã hội (xem lại phần những tiêu cực trong nội bộ Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức đã trình bày ở phần trên).

+ Trong nội bộ Đảng từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở đã có những đảng viên có biểu hiện bất mãn (điển hình là H.Modrow), cơ hội, hữu khuynh (điển hình là E.Krebz)... không được phát hiện, đấu tranh, phê bình và xử lý kịp thời.

+ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức được lập ra trên cơ sở sát nhập hai Đảng: Đảng Cộng sản và Đảng xã hội dân chủ Đức, thực chất tư tưởng chính trị không thuần nhất.

+ Một bộ phận lớn đảng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, lúc bình thường thì nhận thức và hành động như một cái máy (phải chăng là một đặc điểm tâm lý dân tộc của người Đức) nhưng khi tình hình có sự đột biến lớn thì đã bộc lộ tâm trạng bất mãn, hoang mang, dao động, thậm chí hoảng loạn dẫn tới những suy nghĩ và hành động mất phương hướng làm cho Đảng thêm suy yếu cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Từ đó có thể nói rằng, lực lượng đảng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức trong thời gian vừa qua đông (tới 2,3 triệu trên số dân 17 triệu người) nhưng không mạnh. Đó là điều cần suy nghĩ về công tác xây dựng Đảng trong 40 năm lãnh đạo chính quyền trong điều kiện hoà bình.

+ Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức đã phạm phải sai lầm trong việc nhìn nhận, đánh giá và chủ trương đổi mới một số vấn đề như:

Vai trò của quần chúng nhân dân và công tác vận động quần chúng bị coi nhẹ. Không chú ý đầy đủ tầm quan trọng sống còn của mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng. Trên thực tế mối quan hệ này có thể được thể chế hoá trên bình diện pháp lý. Ở Cộng hoà dân chủ Đức từ trước tới nay không có khái niệm "quần chúng làm chủ tập thế", không có "phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc". Vì không nhận thức được "chèo thuyền là dân" nên cũng không thấy được "lật thuyền cũng là dân" cho nên không đánh giá đúng tâm trạng của quần chúng đối với các lĩnh vực. Khi quần chúng bị kích động và phản ứng quyết liệt thì Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức không có giải pháp nào có hiệu quả nhằm hướng dẫn quần chúng tránh những hành động tiêu cực. Một số nhu cầu cấp bách của quần chúng như du lịch đã không được giải quyết thoả đáng gây ra tư tưởng và tâm lý bất bình kéo dài trong quần chúng.


Về vấn đề thanh niên: Từ khi thành lập nước Cộng hoà dân chủ Đức cho đến năm 1989, đặc biệt từ tháng 8-1989 hàng loạt công dân Đông Đức bỏ trốn sang Tây Đức phần lớn là những người thuộc thế hệ trẻ. Vì sao những người sinh ra, lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa, được giáo dục và được hưởng những thành quả của chủ nghĩa xã hội lại từ bỏ chủ nghĩa xã hội? Phải chăng, Đảng không nhận thức đầy đủ những mặt yếu và mặt mạnh của thế hệ trẻ và âm mưu của kẻ thù nhằm vào đôi tượng này? Phải chăng Đảng mới chỉ thiên về quan điểm cho rằng thế hệ trẻ là chủ nhân của ngày mai mà không coi trọng nhận thức vai trò quan trọng của họ trong hiện tại để từ đó có phương pháp luận đúng đắn trong việc vạch ra chính sách đối với thanh niên? Vì vậy mà công tác giáo dục niềm tin lý tưởng, phẩm chất và chính sách đối với thanh niên đã tỏ ra không có hiệu quả.


Về vấn đề các phương tiện truyền thông đại chúng: Trước, trong quá trình xảy ra chính biến Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gần như buông lỏng, thả nổi việc quản lý các phương tiện truyền thông đại chúng, ngược lại với trước kia nó được quản lý rất chặt chẽ và kiểm soát hết sức gắt gao (các thông tin đưa ra công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đều được các chuyên gia An ninh tư tưởng các cấp nghiên cứu, quyết định). Trong số 600 tờ báo, tạp chí xuất bản hàng ngày, hàng tuần ở Cộng hoà dân chủ Đức có nhiều tờ báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương kể cả báo Đảng và đặc biệt là báo "Thế giới trẻ" của giới thanh niên, báo của giới hoạt động văn hoá - nghệ thuật, báo của Tôn giáo... đã đưa tin ảnh và những bài viết có tính chất kích động biểu tình chống đối. Ví dụ: ngày 15-10-1989 tờ "Nước Đức mới" (cơ quan ngôn luận của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức) đã đăng thư ngỏ và lời bình luận chỉ trích Chính phủ "không đảm bảo điều kiện làm việc" và "những hạn chế trong việc di chuyển chỗ ở"... làm tăng thêm sự bất bình ở cả trong lẫn ngoài nước. Đảng đã không nắm và lãnh đạo được công tác thông tin báo chí, không chống trả nổi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, chiến tranh tâm lý của địch, một trong những vấn đề có tính chất quyết định của cuộc chính biến.


Vấn đề lực lượng chuyên chính: Trước và trong chính biến Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đã không nắm và kiểm soát được "Quân đội quốc gia nhân dân" để lực lượng quan trọng này bị phân hoá từ trên xuống dưới và ngay từ những ngày đầu khi xảy ra chính biến, quân đội đã bị vô hiệu hoá và sau đó bị trung lập hoá. Đối với lực lượng An ninh và cảnh sát, Đảng cũng chỉ nắm được những người lãnh đạo cao nhất là Bộ trưởng An ninh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tư lệnh lực lượng cảnh sát nhân dân. Đến khi họ bị bắt và quản thúc thì lực lượng này đã hoạt động mất phướng hướng. Hơn thể nữa, người chỉ huy cao nhất của lực lượng An ninh và cảnh sát cũng như Quân đội kể từ 5 năm qua lại chính là E.Krenz (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương phụ trách An ninh, Quốc phòng vừa là kế cận và sau đó lại bất đồng với E.Honecker) đã "góp phần" không nhỏ vào việc vô hiệu hoá lực lượng An ninh và trung lập hoá lực lượng cảnh sát. Chính Krenz là người đã cách chức Bộ trưởng An ninh, Bộ trưởng Nội vụ và sau đó quản thúc họ giải thể cơ quan An ninh quốc gia... Tóm lại, sự suy yếu của Đảng từ trên Trung ương không những làm mất lòng tin của quần chúng và một bộ phận lớn đảng viên đối với Đảng, với chủ nghĩa xã hội trong Tôn giáo, các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan và các lực lượng phi xã hội chủ nghĩa khác triệt để lợi dụng thời cơ hoạt động nhằm thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cộng hoà dân chủ Đức.

- Các tầng lớp xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức, trước hết là thế hệ trẻ (chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng vũ trang và trong các trường đại học, cao đẳng cũng như trong tầng lớp công nhân) đã bị các phần tử thù địch, đối lập, cơ hội, bất mãn với Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức lợi dụng, hướng họ vào những hoạt động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì sao họ bị lợi dụng? Nguồn gốc sâu sa của vấn đề là ở chỗ, họ không những bị mất lòng tin, bất mãn với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn bị lối sống phương Tây, đời sống vật chất ở Tây Đức và các nước tư bản khác hấp dẫn lôi cuốn cả trên phương diện thực tế lẫn hoạt động tuyên truyền, tác động của đôi phương. Từ tâm lý "vọng ngoại, bài nội" về vật chất tới chỗ "vọng ngoại, bài nội" cả trên lĩnh vực chính trị-xã hội, họ đã trở thành tác nhân đáng kể trong quá trình chính biến.

Cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, mệnh lệnh hành chính trong quản lý kinh tế, xã hội được thực thi trong 40 năm qua đã bộc lộ những sai lầm, lạc hậu nhưng không được nghiên cứu nghiêm túc, đổi mới triệt để nên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng: mất cân đối trong kinh tế, căng thẳng về tâm lý xã hội, dẫn tới đặc quyền đặc lợi, lợi dụng quyền hành, địa vị, chủ nghĩa bình quân và bất công bằng xã hội. Đương nhiên thực trạng đó đã làm cho quần chúng nhân dân, kể cả đảng viên và những người lao động chân chính bất bình, bất mãn, không tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa và đến khi bị tác động, kích thích họ đã có hành động chống lại một cách cực đoan hoặc ít nhất là không ủng hộ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2022, 07:56:42 pm »

2. Nguyên nhân bên ngoài.

Chính biến xảy ra ở Cộng hoà dân chủ Đức vừa qua không thể không tính tới nguyên nhân, tác nhân từ bên ngoài. Sự ảnh hưởng từ bên ngoài đối với diễn biến chính trị - xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức không chỉ đơn thuần là "chất xúc tác" mà đã trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định tới sự thay đổi chế độ xã hội ở Đông Đức.


Ngoài những nguyên nhân chung là sự khủng hoảng về lý luận và mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực trong bối cảnh của tình hình thế giới hiện nay và chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức xảy ra còn do những nguyên nhân, tác nhân sau đây:

- Ảnh hưởng, tác động có tính chất dây chuyền của những biến động chính trị - xã hội ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hunggari - những nước xã hội chủ nghĩa láng giềng có chung đường biên giới với Cộng hoà dân chủ Đức. Những cuộc biểu tình, đình công, bãi công, bãi khóa, sự nhượng bộ, rút lui của Đảng Cộng sản và sau đó là sự ra đời của chính phủ liên hiệp gần như không cộng sản... đã ảnh hưởng tới tư duy và hành động của các tầng lớp xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức hàng ngày, hàng giờ qua nhiều kênh thông tin cả trực tiếp lẫn gián tiếp (truyền hình, phát thanh, báo chí, du lịch...).

- Ảnh hưởng, tác động có tính chất quyết định của quá trình "tư duy chính trị quốc tế mới", chương trình "cải tổ" chính trị, kinh tế, xã hội do Liên Xô khởi xướng và những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội đa dạng, phức tạp đã và đang diễn ra ở Liên Xô - một trong những chỗ dựa quan trọng của nước Cộng hoà dân chủ Đức. Hơn thế nữa, đã có những dấu hiệu cho thấy, những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ Liên Xô đã "bật đèn xanh" cho việc "cải tổ" ở Cộng hoà dân chủ Đức hoặc ít nhất là Liên Xô đã tỏ thái độ thả nổi, bỏ mặc trước diễn biến chính trị - xã hội ở Cộng hoà dân chủ Đức.

- Chủ nghĩa đế quốc, trước hết là nhà cầm quyền Tây Đức đã coi Cộng hoà dân chủ Đức là một trong những mục tiêu, đối tượng tiến công hàng đầu của chúng trong chiến lược thủ tiêu chủ nghĩa xã hội bằng phương pháp "diễn biến hoà bình" thay vì chiến tranh quân sự vừa tốn kém và không hiệu quả mà chúng đã từng sử dụng chống cộng hoà dân chủ Đức cũng như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác trước đây không thành công. Chính vì vậy mà ngay từ mùa xuân năm 1989, chính quyền Tây Đức đã ráo riết tiến hành một cuộc "chiến tranh lạnh" chống Cộng hoà dân chủ Đức trong bối cảnh, tình hình thế giới và châu Âu đang có sự thay đổi, diễn biến rất đa dạng, phức tạp. Từ chỗ sử dụng miếng mồi kinh tế, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ, phân hoá nội bộ tới việc can thiệp trực tiếp, trắng trợn vào nội bộ của Cộng hoà dân chủ Đức bằng mọi phương thức, thủ đoạn kể cả quá trình trước, trong và sau khi diễn ra chính biến. Trước thái độ của Liên Xô và thái độ cứng rắn của lãnh đạo Cộng hoà dân chủ Đức, khác với những thủ đoạn ở Hungari, nhà cầm quyền Tây Đức đã triệt để lợi dụng khó khăn, khoét sâu mâu thuẫn sai lầm trong nội bộ Cộng hoà dân chủ Đức, kích động và lôi kéo được quần chúng mạnh mẽ tạo thành một áp lực chính trị của quần chúng trợ giúp tối đa lực lượng đối lập và cuôi cùng trở thành một trong những tác nhân chủ yếu gây ra chính biến ở Cộng hoà dân chủ Đức.


Thực tế ở Cộng hoà dân chủ Đức cũng cho thấy rằng, một số đảng viên cấp cao của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (Đảng Cộng sản) có tư tưởng cơ hội hữu khuynh như E.Krenz, H.Modrow... sau khi gạt bỏ và xử lý nặng nề đối với một số lãnh tụ Đảng và Nhà nước đồng thời giải thể cơ quan An ninh quốc gia nhằm xoa dịu quần chúng và tranh thủ lực lượng đõi lập để củng cố quyền lực vừa nắm được, song cũng chỉ trong thời gian ngắn họ cũng bị loại bỏ bằng mọi cách. Không những họ bị mất quyền lãnh đạo mà ngay cả quyền tham gia chính phủ Liên hiệp lớn cũng không giữ được. Bởi vì một chân lý đơn giản là những lực lượng đối lập, thù địch với chủ nghĩa cộng sản khi nắm giữ được quyền lực chúng không bao giờ chấp nhận những người cộng sản.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM