Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:18:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Liên khu II những ngày đầu Thủ đô kháng chiến  (Đọc 3168 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« vào lúc: 11 Tháng Tư, 2022, 07:24:42 am »

- Tên sách: Liên khu II những ngày đầu Thủ đô kháng chiến
- Tác giả
- Nhà xuất bản: Hà Nội
- Năm xuất bản: 2001
- Người số hóa: giangtvx, vnmilitaryhistory
 

LỜI GIỚI THIỆU


20 giờ 03 phút ngày 19 tháng 12 này cách đây 55 năm, quân dân Thủ đô ta đã nhất tề theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ chỉ huy quân sự tối cao, nổ súng vào binh lực quân đội Viễn chinh Pháp đã ở trong thế trận sẵn sàng tấn công đánh úp cơ quan lãnh đạo đầu não của ta, tiêu diệt lực lượng quân đội và làm chủ Thủ đô ta sau 24 tiếng.


Hành động tập kích chiến lược phản chuẩn bị quân địch đã sẵn sàng tấn công đó của ta đã mở đầu cho cuộc chiến 60 ngày đêm: Hà Nội, tổ chức chiến trường thành 3 Liên khu nội thành và 5 Khu ngoại thành, thực hiện thế trận chiến tranh "trùng độc chiến" trong đánh ngoài vây, "trong đánh ra ngoài đánh vào" đã kiên quyết đánh bại quân địch tấn công bằng lực lượng quân sự ưu thế, ngăn chặn từng bước chúng tiến, tiêu hao tiêu diệt của chúng một bộ phận đáng kể sinh lực tinh nhuệ và phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại, giam chân được chúng tại địa bàn Thủ đô trong khoảng thời gian gấp đôi thời gian quy định trong kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nước chuyển vào trạng thái chiến tranh rồi bảo toàn lực lượng rút lui, đi tiếp cuộc "toàn quốc kháng chiến chống Pháp" trường kỳ, 9 năm sau được kết thúc bằng thắng lợi "chấn động địa cầu" của ta ở Điện Biên Phủ, dẫn tới việc ký kết hiệp định quốc tế Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương và giải phóng Tổ quốc ta ở nửa phần phía Bắc.


Thành công trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân dân chiến trường chính Hà Nội mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, ngay từ bước đầu đã làm phá sản ý đồ chiến tranh xâm lược đánh nhanh thắng nhanh của chúng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại vô cùng kính yêu của dân tộc, đánh giá cao là "Đại Thắng Lợi". Các Liên khu và Khu của Thành đều đã có phần đóng góp ít nhiều quan trọng của mình vào "Đại Thắng Lợi" chung đó và thắng lợi của Khu nào, Liên khu nào cũng đều là kết quả của sự hợp đồng tác chiến của các đơn vị trên chiến trường toàn Thành.


Liên Khu II Hà Nội đảm đương nhiệm vụ đánh địch ở phần đông nam rộng lớn, kiểm soát các con đường chiến lược dẫn về hướng nam của Thành phố, Liên khu có nhiều nỗ lực và đã góp phần thành công lớn.

Để ghi lại công tích đó, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp, 5 năm trước đây, Ban liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II đã kịp thời đưa ra mắt bạn đọc tập hồi ký "Liên khu II những ngày đầu Thủ đô kháng chiến" quyển I. Tập hồi ký đã có nhiều tác dụng tích cực nhưng do hoàn cảnh, còn có những tồn tại, khiếm khuyết.


Năm nay, kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp lần thứ 55, anh em cho ra đời tập Hồi ký quyển II, bổ sung thêm nhiều nội dung quyển I chưa đề cập hoặc đã đề cập nhưng vẫn còn chưa đầy đủ. Nhưng nói đủ thì vẫn có thể còn chưa đủ, nói bớt khiếm khuyết thì vẫn là chưa tránh khỏi còn khiếm khuyết. Nhưng đây là một cố gắng quý báu của anh em, rất đáng được trân trọng.


Nhân danh nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu đặc biệt Hà Nội, sau còn có tên là Chiến Khu XI, tôi xin giới thiệu quyển II tập Hồi ký "Liên khu II những ngày đầu thủ đô kháng chiến" với các bạn đọc. Mong các bạn xem rồi góp cho ý kiến. Còn chuyện hay đáng nói thì chúng ta còn viết để ghi lại, nội dung thiếu thì chúng ta còn bổ sung, còn cải tiến được thì chúng ta cải tiến. Việc đóng góp thật dồi dào tư liệu về cuộc kháng chiến đã lùi sau về quá khứ của các Liên khu và Khu vẫn rất cần thiết để chúng ta sẽ dựng lên được cuốn lịch sử tổng hợp, tổng kết đầy đủ, hoàn chỉnh hơn những tài liệu hiện có về thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân ta trên phạm vi toàn Thành.


NGUYỄN VĂN TRÂN
nguyên Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến thành phố Hà Nội
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2022, 07:25:54 am »

LỜI TỰA


Kỷ niệm 55 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/2/2001), Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II Hà Nội xuất bản cuốn sách "Liên khu II những ngày đầu Thủ đô kháng chiến" tập II. Cuốn sách tập hợp hồi ký của các đồng chí đã từng sống và chiến đấu tại Liên khu II trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 12 năm 1946.


Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II đã xuất bản cuốn "Liên Khu II những ngày đầu Thủ đô kháng chiến" tập I. Cuốn sách giúp cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên hiểu rõ hơn lịch sử oai hùng của vùng đất Hai Bà Trưng; nhận thức rõ hơn giá trị của cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay là nhờ một phần hy sinh to lớn của các chiến sĩ, nhân dân Liên khu II ngày đó.


Tiếp nối truyền thống cách mạng, tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của đồng bào chiến sĩ Thủ đô nói chung, của quận Hai Bà Trưng nói riêng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho lực lượng vũ trang và nhân dân quận Hai Bà Trưng, cán bộ, đảng viên, nhân dân vững bước tiến vào kỷ nguyên mới với thế đoàn kết ổn định và phát triển. Đảng bộ và nhân dân cùng với lực lượng vũ trang của Quận phát huy phẩm chất anh hùng cách mạng, truyền thống đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm đem hết năng lực, trí tuệ xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ XXII, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.


Nhân dịp xuất bản cuốn sách này, Ban thường vụ Quận ủy mong được độc giả đóng góp những ý kiến xây dựng cho cuốn sách, cung cấp thêm tư liệu, tài liệu giúp công tác nghiên cứu, biên soạn cuốn lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Hai Bà Trưng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến được phong phú, đầy đủ, toàn diện hơn. Xin chân thành cám ơn các đồng chí cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã từng chiến đấu ở Liên khu II, chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc...


NGÔ VĂN NGỌC
Bí thư quận ủy
Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2022, 07:27:12 am »

LỜI NÓI ĐẦU


Cuộc chiến 60 ngày đêm (19/12/1945 - 19/2/1947) của quân dân Hà Nội mở cầu cuộc Toàn quốc Kháng chiến chống Pháp giành đại thắng lợi đã được ghi dấu là một mốc son sáng chói trong lịch sử đương đại của Thủ đô và của cả nước.


Quân dân Liên khu II chúng ta đã bằng những nỗ lực chiến đấu và phục vụ chiến đấu vượt bậc, đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan cách mạng và lòng tin chắc thắng vào sự nghiệp chính nghĩa cao đẹp của mình đã đóng góp được phần quan trọng trong "Đại Thắng Lợi" chung đó của Thành phố.


Để ghi lại công tích đó, mùa đông năm 1996, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 cuộc kháng chiến, tập Hồi ký "Liên khu II những ngày đầu Thủ đô kháng chiến" đã ra mắt bạn đọc.

Cuốn sách giới thiệu với các độc giả về địa bàn Liên khu, sự chuẩn bị của nó để đi vào chiến tranh, diễn biến lịch sử và một số câu chuyện kể của những người trong cuộc.

Cuốn sách đã phát huy được tác dụng:

1. Đối với những người đã tham chiến, cuốn sách "kể về mình" đã gợi cho mỗi người nhớ lại, với lòng tự hào một thời trai trẻ oanh liệt, đầy gian nan thử thách, có nhiều ấu trĩ, nhưng họ đã thắng lợi vượt qua và tác động khuyến khích họ sốt sắng tham gia "Tổ chức hoạt động tình nghĩa đồng đội Kháng chiến Liên khu II" mới được thành lập.

2. Nó đóng góp phần tư liệu lịch sử kháng chiến của Liên khu II vào việc tổng kết "Cuộc chiến 60 ngày đêm" của thành phố và cùng với các nhân chứng sống, phục vụ ở mức độ nhất định cho việc viết lịch sử các quận, các phường, trong kháng chiến đã từng nằm trên địa bàn.

3. Độc giả đang là cư dân các phố, phường trong kháng chiến nằm trên địa bàn, dân cũ hay dân mới, đã luống tuổi hay còn ít tuổi... qua nội dung của quyển Hồi ký, biết được rõ thêm về lịch sử đáng tự hào của mảnh đất mình đang ở và tăng thêm tính gắn bó với nó, đồng thời nhận thức được rõ nét hơn về võ công, về sự hy sinh gian khổ và cả về những tấm gương sáng của những lớp người đi trước chiến đấu cho cuộc sống của mình bây giờ để có lòng kính trọng và biết ơn theo đúng đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.


Tuy nhiên, bên cạnh những "cái được", cuốn Hồi ký còn có một số điều "chưa được":

1. Cơ bản nhất là tính toàn dân toàn diện của cuộc chiến tranh chưa được phản ánh lên đầy đủ do sự thiếu vắng của một số nội dung quan trọng như vấn đề Đảng lãnh đạo, vấn đề chính quyền điều hành, vấn đề giải quyết các mặt về đời sống vật chất tinh thần cho dân và các lực lượng chiến đấu. Phần hoạt động quân sự được nói đến nhiều nhất nhưng cũng còn những mặt như việc: nắm địch, nắm ta, việc chống lại hoạt động biệt kích, gián điệp của địch và việc sinh hoạt nội bộ trước, sau trận đánh của các lực lượng, còn chưa được đề cập; hoạt động của các đoàn thể cứu quốc - phụ nữ, thanh niên... có được nói lên nhưng còn ít và chưa ngang tầm với thành tích các anh chị em đã đạt được.

2. Có những nội dung hoặc chi tiết trong các bài viêt phản ánh vấn đề chưa thật chính xác; cùng một việc nhưng được phản ánh khác nhau, có chỗ được hư cấu thêm, không đúng thực tế, gây tranh cãi, hoài nghi và thắc mắc. Vấn đề đã được giải quyết nhưng không phải là không còn những "tồn đọng" đáng tiếc.

3. Về in ấn còn khá nhiều sai sót phải cải chính.


Nguyên nhân của những "điều chưa được" nói trên là do:

1. Việc thu thập tư liệu cho nội dung cuốn Hồi ký - việc có tầm quan trọng hàng đầu - đã không đạt được yêu cầu đề ra về số lượng cũng như về chất lượng. Cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng tới 50 năm. Nhiều cán bộ nắm vai trò chủ chốt đã qua đời, những nhân chứng hiện còn sống, tuổi đời đã khá cao, sức khỏe đã giảm sút, đầu óc không còn được minh mẫn như xưa, có người nhớ không ra phản ánh lại những sự kiện lịch sử bằng viết tay hay bằng nói, từ vị trí trước đây của mình, có nhiều khó khăn, không đầy đủ và có những phần phiến diện, sai lệch.

2. Ban Biên tập chưa lường hết được những khó khăn của việc lấy tư liệu từ các đồng đội của mình như trên viết và lại còn bị không chế, thúc ép bởi thời hạn đặt ra - chỉ có hai tháng - phải hoàn thành cuốn Hồi ký để kịp dùng làm quà tặng anh chị em nhân ngày kỷ niệm. Vì vậy, việc rà soát lại những bài anh chị em viết nộp, rồi so sánh, đối chiếu, phát hiện những chỗ sai, sửa lại những chỗ chưa đúng... đã không làm được đến nơi đến chốn như ý muốn. Vả lại, trong thực tế, không cùng trong cuộc với anh chị em, cũng khó phát hiện được hết những chỗ anh chị em viết sai, đành phải bằng lòng với phương châm "người viết hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình", không thể nào làm khác.

3. Việc tổng kết cuộc chiến của Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô làm chậm, tập Hồi ký ra mắt bạn đọc rồi mới được hoàn thành, đó là một tình huống không mấy thuận lợi cho công việc biên tập: Việc xây dựng nội dung của tập Hồi ký đã không thừa hưởng được kết quả của một công việc nghiên cứu khoa học công phu và chính xác giúp tránh được những sai phạm về viết hay nói về lịch sử không đáng để xảy ra.

Năm nay - năm 2001 - năm đầu tiên của thế kỷ XXI là năm kỷ niệm lần thứ 55 ngày mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

Thể theo nguyện vọng của anh chị em đồng đội tham gia cuộc chiến 60 ngày đêm khi đó, đến năm nay lại đã già thêm 5 tuổi, và được sự đồng tình khuyến khích của trên - Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II Hà Nội tiếp tục trình ra mắt bạn đọc tập Hồi ký "Liên khu II những ngày đầu thủ đô kháng chiến" quyển II, bổ sung thêm những nội dung quyển I chưa đề cập, cụ thể là về các đơn vị tham chiến, về các trận đánh nổi bật đã được Bộ Tư lệnh Quân khu tổng kết, về chiến công của một số anh chị em đã khuất và cũng ở như quyển I, là những hồi ức của các đồng đội lần này mới tham gia viết bài.


Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II Hà Nội xin trân trọng giới thiệu cuốn Hồi ký thứ hai này với bạn đọc.

Được tăng thêm lực lượng và rút kinh nghiệm những việc đã làm, những người biên soạn đã có nhiều cố gắng để không mắc lại những khiếm khuyết như ở quyển 1. Tuy nhiên, công việc không đơn giản, cũng chưa dám khẳng định là sẽ không còn thiếu sót. Mong các bạn đọc cảm thông và góp cho ý kiến.


Cuối cùng Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II Hà Nội trân trọng cảm ơn Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội, Văn phòng Liên hiệp đường sắt Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội đã giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.


BAN LIÊN LẠC
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #3 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2022, 07:28:06 am »

LỜI KÊU GỌI CỦA CHỦ TỊCH Hồ CHÍ MINH


Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Viêt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu quốc!

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh tới giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lâp và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Ngày 20-12-1946
Hồ Chí Minh
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2022, 07:28:47 am »

MỆNH LỆNH CHIẾN ĐẤU


GỬI CÁC ĐƠN VỊ VỆ QUỐC ĐOÀN, DÂN QUÂN,
TỰ VỆ TRUNG, NAM, BẮC


Tổ quốc lâm nguy.

Giờ chiến đấu đã đến!

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội vệ quốc quân, dân quân, tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy.

Phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.

Hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Luôn luôn khăng khít với đồng bào.

Cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ và vô cùng gian khổ, nhưng chính nghĩa thuộc về ta, chúng ta nhất định thắng lợi.

Tiêu diệt thực dân Pháp!

Viêt Nam độc lâp và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Quyết chiến!


Ngày 19 tháng 12 năm 1946
Võ Nguyên Giáp
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 06:50:36 am »

TIỂU ĐOÀN 77 TIẾP PHÒNG QUÂN CỦA CHÚNG TÔI
(Tiếp phòng quân: Sau Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, ta đồng ý cho Pháp đưa quân vào thay thế quân Tưởng (làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật). Ta và Pháp thỏa thuận: mỗi bên cử một tổ đơn vị quân đội cùng tiếp nhận việc phòng vệ các cơ sở do quân Tưởng trước đây canh giữ. Số đơn vị này ta gọi là Tiếp phòng quân; phía Pháp gọi là Armée de relève (NXB))


Tổng khởi nghĩa thắng lợi...

Cách mạng Tháng Tám thành công!

Một đòi hỏi cấp bách được đặt ra đối với những người lãnh đạo: PHẢI KỊP THỜI CÓ NGAY MỘT LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỦ TIN CẬY ĐỂ BẢO VỆ THÀNH QUẢ CỦA CÁCH MẠNG!

Ở tại Hà Nội (thủ phủ của Bắc bộ khi ấy), Thành ủy (dưới danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh) quyết định: Cấp tốc trưng tập các thanh niên ưu tú trong hàng ngũ Công nhân cứu quốc, thành lập hai chi đội Giải phóng quân của Hà Nội. Một đơn vị đóng tại trại Bảo an binh, một đơn vị đóng tại Bắc bộ phủ. Đồng thơi trưng tập các phần tử ưu tú trong hàng ngũ Thanh niên cứu quốc trong toàn thành lại. Thành lập Đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, làm nhiệm vụ tuần phòng canh gác những nơi cần thiết khác trong thành phố...


Theo chủ trương đó của Đảng, chỉ ba ngày sau đã hình thành hai tổ chức vũ trang kể trên của Hà Nội. Và những tổ chức vũ trang đầu tiên đó của Hà Nội chính là tiền thân của 5 tiểu đoàn chính quy mang danh hiệu Vệ quốc đoàn của Hà Nội (nửa năm sau); tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân là một trong số 5 tiểu đoàn kể trên...


Ngày 22/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 71/SL. Sắc lệnh quy định nhiều vấn đề cho quân đội, trong đó có điều khoản: Cho phép Chiến khu XI (mật danh quân sự dành cho Thành phố Hà Nội) được thành lập 5 tiểu đoàn quân chính quy. Mang số hiệu: 77, 101, 145, 212, 523...


Trên thực tế thì các tiểu đoàn kể trên đã được hình thành kể từ ngày ta ký với Pháp Hiệp định 6/3 (quân Pháp được phép vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng). Ta cần thiết phải có một số đơn vị quân đội (lấy tến là Tiếp phòng quân) để phối hợp cùng quân đội Pháp giữ gìn an ninh cho cả hai bên. Tiểu đoàn 77 là một trong số các đơn vị kể trên.


Để có được 5 tiểu đoàn quân chính quy theo sắc lệnh số 71/SL, Hà Nội dựa vào hai chi đội Giải phóng quân và đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu làm hạt nhân nòng cốt, và tuyển chọn trong hàng ngũ thanh niên ở các khu phố, ai có đủ tiêu chuẩn (sức khỏe và học lực) tình nguyện tòng quân thì tiếp nhận họ vào đội ngũ.


Trên cơ sở đó, chỉ trong một thời gian ngắn Hà Nội đã thành lập đủ 5 tiểu đoàn hoàn chỉnh về quân số. Tất cả đều có thể lực tốt và 100% biết chữ - trong đó quá nửa là học sinh bậc trung học. Đây là hiện tượng hiếm. Bởi vì dân Việt Nam ta khi ấy 95% là mù chữ.


Lịch sử ra đời của tiểu đoàn 77 (cùng bốn tiểu đoàn bạn) của Hà Nội nói gọn lại là như thế. Và tôi đã có vinh hạnh được là một đội viên của tiểu đoàn từ đấy...

Có một chi tiết tôi nghĩ lúc này cũng nên nhắc đến: Khi ấy chúng tôi (kể cả từ chỉ huy tới lính trơn) nhận bộ quân phục và khẩu súng, trong lòng chỉ rộn ràng một ý nghĩ: "Là dân Hà Nội, được cách mạng tin cậy cho cầm súng để bảo vệ Thủ đô. Đây là một vinh dự không gì sánh nổi" (mặc dù chúng tôi ai nấy đều biết rõ rằng tiếp nhận cuộc sống của một quân nhân cách mạng sẽ... cơm ăn không đủ no, áo quần không đủ thay, luyện tập và lao động thì nặng nhọc như... lính. Và không lương vô thời hạn. Trong khi ấy, đồng đội của tôi có rất nhiều cậu sinh trưởng trong các gia đình nổi tiếng giàu có hoặc quyền thế tại Hà Nội).


... Tình hình Hà Nội lúc bấy giờ rất căng thẳng, "trăm công nghìn việc" chồng chéo lên nhau, nhiều lúc tưởng chừng như bế tắc. Song tựu trung, hết thảy mọi việc diễn ra cần phải kịp thời giải quyết đều nằm trong ba điều chống do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt đề ra: CHỐNG GIẶC ĐÓI - CHỐNG GIẶC DỐT - CHốNG GIẶC NGOẠI XÂM...


Là lính Hà Nội (nơi trung tâm chính trị của cả nước) nhất cử nhất động của chúng tôi nhất thiết có quan hệ với ba điều chống đó. Tất nhiên đối với việc đi dạy Bình dân học vụ và tiết kiệm trong sự ăn, mặc v.v... thì chúng tôi chỉ phải "đóng vai phụ", riêng đối với việc chống ngoại xâm thì chúng tôi có mặt không kể ngày đêm.


Danh nghĩa là tiểu đoàn 77 Tiếp Phòng Quân, đối tượng "chống" của chúng tôi khi ấy rất rõ ràng, cụ thể: Quân lính xâm lược Pháp! Chúng chính là những kẻ hàng ngày "cộng tác" với chúng tôi. Hơn ai hết tôi được chứng kiến không còn thiếu một hành vi bỉ ổi nào mà lũ quân viễn chinh nước Đại Pháp "biểu diễn" nhằm khiêu khích chúng tôi (kể cả việc chúng đứng đối diện trước vọng gác của chúng tôi chừng năm bước, vạch quần ra đái...). Nói cách khác: Ngoài tinh thần yêu nước và lòng căm thù quân xâm lược của mỗi người lính nói chung đối với bọn lính thực dân Pháp, thì những người lính Tiếp phòng quân (trong đó có tiểu đoàn 77) chúng tôi có cái "may mắn đặc biệt" là được thực sự tai nghe mắt thấy chính bản thân bọn nhà binh Pháp "trình diễn" hàng ngày trước mắt mình, hết sức chân thực và sinh động. Chính chúng đã... "làm tranh phần việc" của đồng chí chính trị viên đại đội: liên tục củng cố và "tưới dầu" vào những trái tim đang ngày đêm sôi bỏng, đòi "bốc lửa" của chúng tôi. Khiến cho mỗi chúng tôi từng ngày một, lòng yêu nước và chí căm thù giặc càng được khàng định rõ ràng, cụ thể và vững chắc trong ý thức của mình.


Từ ngày thành lập cho tới trước ngày toàn quốc kháng chiến (22/5 đến 19/12/1946) với "tầm nhìn" ở mức một đội viên như tôi khi ấy, thì tiểu đoàn 77 của chúng tôi thường trực đảm nhiệm hai việc chính: Canh gác, phòng tuần (kể cả độc lập lẫn phối hợp với quân Pháp); học tập chính trị, luyện tập quân sự (cho mình và hướng dẫn lại giúp anh em Tự vệ Thành). Ngoài ra những ngày bước vào "tích cực chuẩn bị kháng chiến" thì chúng tôi dốc sức vào công việc đào đắp hầm hố và xây dựng công sự cho đơn vị mình, đồng thời tham gia cùng các đội Tự vệ Thành, lập chiến lũy ở các khu vực trọng điểm (trong địa giới hoạt động của tiểu đoàn) khi có chiến sự xảy ra. Càng gần đến ngày nổ ra chiến tranh, công việc chuẩn bị của chúng tôi càng khẩn trương, cấp bách, vất vả.


Như đã giới thiệu ở trên chúng tôi hết thảy là "dân Hà Nội" (có nghĩa khả năng lao động xốc vác hơi... yếu), đã thế lại còn tới quá nửa là học trò thuộc giới "dài lưng tốn vải, ăn no lại nam" công việc giấy tờ bút mực thì còn khả dĩ, chứ cái món lao động chân tay thì không chỉ "hơi yếu" mà là... rất yếu. Vậy mà quyền lợi và nghĩa vụ quân nhân được xác định trong quyển Quân quy do đại tá Phan Tử Lăng biên soạn, lại không có một khoản nào "chiếu cố dành cho "họ". Như vậy, có nghĩa "họ" cũng "ngang bằng" như mọi anh em khác trong tất tần tật mọi công việc: tập luyện, chiến đấu, công tác và sinh hoạt... (điều đó là một thử thách quá lớn đõi với họ).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 06:51:35 am »

Với bản chất học trò, chúng tôi bắt tay vào đào một hầm ngầm từ trong trại Vệ quốc đoàn trung ương, xuyên qua đường Hàng Bài sang rạp Majestic, để đặt quả bom nặng hai tạ. Chờ khi xảy ra cuộc chiến sẽ giật cho nó nổ, tiêu diệt bọn Pháp đang chiếm giữ tại đấy. Rồi tham gia cùng các đội tự vệ khu Chợ Hôm đào đắp một chiếc ụ chiến đấu cực to tạ ngã năm Lê Văn Hưu - Lò Đúc. Những việc đó quả thật "rất không hợp" với các
cậu học trò đang tập sự làm lính. Song, mặc dù sầy vai, tóe máu tay, trẹo khớp chân... vẫn không anh nào bỏ cuộc. Chỉ riêng điều đó đã khiến chúng tôi yên tâm, tin tưởng vào nhau, sẵn sàng nhập trận ...


Nhưng trong những ngày chuẩn bị hết sức khẩn trương ấy, cũng có những việc rất hấp dẫn, ví như việc đi hướng dẫn cánh Tự vệ Thành học quân sự. Anh em đa số là học sinh, ai nấy thông minh, sôi nổi và tự giác rất cao. Bởi vậy công việc của một huấn luyện viên trở nên dễ dàng, thoải mái vô cùng. Chương trình bố trí học 5 ngày, mỗi ngày hai buổi. Thực tế chỉ cần một nửa thời gian đã đủ. Có sự ấy là do: trình độ của huấn luyện viên thì có hạn mà nhận thức của người học lại quá nhạy. Kết quả ngày nào cũng vẫn như ngày nào: "huấn luyện viên" với "quân lính" rất sẵn thì giờ giải lao, xoàng cũng là hát và ngâm thơ có nhạc đệm, có những buổi tối "bốc" lên mang bóng đá ra đá với nhau "một gôn" rất say sưa... (chính tôi cũng không ngờ rằng trong thời gian tham gia công việc huấn luyện quân sự cho Tự vệ Thành ấy đã thu được những kết quả vượt ra ngoài yêu cầu rất xa. Cụ thể: Khi nổ ra tác chiến, tiểu đoàn 77 của chúng tôi đã đánh địch đúng ngay trong khu vực có các đội tự vệ mà chúng tôi huấn luyện. Nói cách khác, giữa chúng tôi với anh em đã có sẵn một tình bạn đặc biệt, cũng là dân Hà Nội, cũng là học trò, cũng kề vai đánh Pháp). Có lẽ, từ cái nền rất đặc biệt như thế, đã nảy sinh một hiện tượng rất thú vị: Trong suốt thời gian tiểu đoàn 77 chúng tôi đánh Tây tại Hà Nội (lớn nhỏ kể có hàng chục trận), không một trận nào vắng anh em tự vệ khu Chợ Hôm cùng đánh. Cuối cùng, kết quả mỗi 24 trận đánh cũng thật khó khẳng định rằng đó là công của ai. Bởi vì về trang bị thì chúng tôi có "tươm" hơn anh em chút đỉnh, về tinh thần hăng hái thì ngang nhau, riêng về cái món "lợi dụng địa hình địa vật" thì anh em ăn đứt chúng tôi (mặc dù chúng tôi cũng là dân Hà Nội, nhưng anh em mới chính là thổ công). Cũng may thời bấy giờ chưa có tổ chức khen thưởng, nếu có chắc là phải chia đều theo tỉ lệ đầu người!


Bước vào chiến đấu.

Tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân chúng tôi là một tiểu đoàn hoàn chỉnh. Gồm một ban chỉ huy tiểu đoàn với tiểu đoàn bộ, 3 ban chỉ huy đại đội, mỗi đại đội có đại đội bộ, và 3 trung đội, mỗi trung đội có ban chỉ huy (thời bấy giờ do điều kiện tác chiến phân tán nên trung đội có liên lạc và cấp dưỡng riêng), với 3 tiểu đội...

Ban chỉ huy tiểu đoàn:

Tiểu đoàn trưởng là đ/c Hoàng Kiện.

Chính trị viên tiểu đoàn là đ/c Hồng Kỳ.

Ban chỉ huy các đại đội:

Đại đội 1: Đại đội trưởng là đ/c Nguyễn Văn Ngọc. Chính trị viên là đ/c Trung Thành.

Đại đội 2: Đại đội trưởng là đ/c Quang Biền. Chính trị viên là đ/c Việt Sơn.

Đại đội 3: Đại đội trưởng là đ/c Bảo Cường. Chính trị viên là đ/c Nguyễn Ngọc Tấn.

(Tôi có dò hỏi nhưng không nhớ được hết tên các ban chỉ huy trung đội và các tiểu đội trưởng. Vì vậy tôi xin người đọc miễn lỗi cho).


Trước giờ nổ súng, tiểu đoàn chúng tôi đặt ban chỉ huy ở khu vực Chợ Hôm. Lực lượng tác chiến phân bố như
sau:

Đại đội 1: Bố trí tại khu vực ga Hàng Cỏ - Nhà Hỏa Lò - Sở Hỏa xa Việt Điền...

Đại đội 2: Đại bộ phận bố trí ở khu vực Đồn Thủy (2 trung đội), còn 1 trung đội bố trí tại Bộ Quốc phòng (trường Trưng Vương bây giờ).

Đại đội 3: 2 trung đội bố trí tại trại Vệ quốc đoàn trung ương, còn 1 trung đội ở phố Bà Triệu (thành viên đội Liên kiểm Việt Pháp).


... Bắt đầu nổ súng. Tiểu đoàn nhất loạt tấn công quân Pháp trên toàn tuyến. Ta chủ động nổ súng mãnh liệt vào mọi mục tiêu đã chuẩn bị trước. Quân địch bị động ngay từ phút đầu. Một số vội vã rút chạy (nhà đại tá La-mi), đa số cố thủ chống lại (Đồn Thủy, rạp Majestic, ga Hàng Cỏ, Bà Triệu, khu Bác Cổ...) ta kiên quyết tấn công tiêu diệt gọn một số (ở viện Rađium, rạp Majestic, các ổ đề kháng gần khu Bác Cổ, trong đó trận đánh rạp Majestic diễn ra ác liệt nhất, ta đánh hơn 14 giờ liên tục mới diệt xong).


Sáng ngày hôm sau (20/12/1946), quân Pháp từ những vị trí đóng quân bắt đầu nống ra, phản công lại quân ta rất dữ dội. Quân ta anh dũng chăn đánh từng bước tiến của bọn chúng, trên khắp mọi nơi. Ở khu vực đại đội 1, quân Pháp từ trong thành tiến ra chia quân làm 2 mũi (mỗi mũi chừng 200 quân với 2 xe tăng) đi theo 2 đường: Một, theo đường Cửa Nam qua Tràng Thi, Quán Sứ... các đơn vị bạn (Tự vệ chiến đấu và Tự vệ Thành) liên tiếp đánh chặn suốt dọc đường nhưng vì lực mỏng không đủ sức cố thủ. Nên sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt, các đơn vị bạn đành phải rút lui. Đến 8 giờ thì quân Pháp tiến được vào khu vực đại đội 1. Lợi dụng cấu trúc kiên cố của nhà Hỏa Lò, đại đội 1 đã chặn đứng mọi đợt tấn công của địch. Mũi thứ hai theo đường Hàng Lọng (phố Lê Duẩn bây giờ), 1 trung đội của đại đội 1 cùng với các đơn vị bạn ngoan cường chặn đánh rất dũng mãnh. Quân Pháp cầu cứu pháo tầm xa bắn dữ dội vào nhà ga rồi cho xe tăng xông lên húc đổ tường. Quân ta không đủ sức đề kháng, bị bật sang phía Khâm Thiên (Liên khu III).


Tại khu vực đại đội 2: Quân Pháp từ Đồn Thủy cũng chia quân làm hai cánh. Một cánh tấn công trực tiếp vào nơi đại đội cùng các đơn vị bạn đang trấn giữ là STAI- QUAI. Chúng có 2 xe tăng và 2 xe bọc thép cùng 200 quân. Sau 3-4 giờ chống cự quyết liệt không lại, quân ta phải rút về vùng Thanh Lương - Đống Mác (với STAI- QUAI ta với địch còn tiếp tục giành đi giật lại nhiều lần...). Cánh quân thứ hai của chúng có 1 xe tăng và 2 xe bọc thép cùng 200 quân, từ Đồn Thủy ra đường Trần Hưng Đạo qua đường Hàn Thuyên đến ngã năm Lò Đúc - Lê Văn Hưu, chọc thẳng vào nhà thờ Hàm Long đón bọn Pháp kiều và tay sai (người Việt). Rồi quay lên tấn công trại Vệ quốc đoàn trung ương và rạp Majestic.


Tại khu vực đại đội 3: Quân Pháp cậy có xe tăng và thiết giáp ào ạt xông lên tấn công đồng loạt cả 3 nơi một lúc (trại Vệ quốc đoàn trung ương, rạp Majestic, Bộ Quốc phòng) chúng tôi cùng các đơn vị bạn chống trả quyết liệt hơn ba tiếng đồng hồ mới chịu rút. Đêm hôm ấy, còn lại bao nhiêu ổ đề kháng của bọn Pháp nằm ở Liên khu II Hà Nội (các phố Lò Đúc, Lê Văn Hưu, Hàng Bài, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thượng Hiền, Bà Triệu, Nguyễn Du...) chúng tôi cùng các đơn vị bạn quét dọn bằng hết.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 06:52:15 am »

Hình thái chiến đấu từ hôm ấy cho đến hết ngày 24/12/1946 chuyển thành giằng co, tranh chấp giữa ta với Pháp trong khu vực bờ sông qua Phố Huế đến Bà Triệu (mặt nam từ phố Nguyễn Công Trứ sang phố Tô Hiến Thành, mặt bắc từ phố Nguyễn Du qua Phố Huế, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên...).


Rất nhiều trận đánh lớn, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên diễn ra ở khu vực này. Tiêu biểu là các trận: Bệnh viện Pasteur; Nhà máy rượu; Ngã 5 Lê Văn Hưu - Lò Đúc; Ba Hàng; Thanh Lương; số nhà 16 Nguyễn Du (trụ sở Bộ Tổng tham mưu); dọc phố chợ Hôm... Quân ta với quân Pháp suốt bốn ngày bốn đêm giằng đi giật lại với nhau trong khu vực ấy.


Với một cự ly không quá 500 mét, nằm giữa 5 đường trục rộng rãi, thẳng băng (đường Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm, Phố Huế, Mai Hắc Đế, Bà Triệu...) mà quân Pháp lại chiếm ưu thế tuyệt đối về sức mạnh của chiến xa, cơ giới, không quân và pháo binh... Trong khi quân ta, ngoài hai tiểu đoàn bộ đội Hà Nội là tiểu đoàn 77 và 212 còn có chừng 200 Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu cùng khoảng hơn 500 Tự vệ Thành... khi bắt đầu nổ súng. Đến lúc này đã được bổ sung thêm một tiểu đoàn bộ đội từ Hà Đông ra chi viện (tiểu đoàn 56). Về quân số như vậy là ta nhiều hơn địch. Còn về trang bị thì quân Pháp mạnh hơn quân ta gấp bội (đây là nói trong khoảng thời gian trước ngày 15/12/1946, sau ngày đó, Liên khu II Hà Nội còn được tăng cường thêm một tiểu đoàn bộ đội nữa từ Sơn Tây về mang số hiệu 64).


Trong bài viết này, chủ ý của tôi chỉ muốn kể về tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân "của mình". Song thực tế tình hình chiến đấu khi ấy không cho phép tôi thực hiện ý muốn đó được, bởi vì: với đặc điểm của địa hình Hà Nội, cộng với đặc điểm của "con người Hà Nội"- cụ thể là các thanh niên Hà Nội mà anh em trong tiểu đoàn 77 chúng tôi cũng nằm trong số đó. Nói thực lòng "tính tổ chức" của anh em thời bấy giờ chưa lấy gì làm ... "cao" cho lắm cho nên khi quân Pháp tiến đánh bất cứ chỗ nào, thì trừ những đơn vị đang phải trực tiếp phòng ngự ở nơi ấy ra, các đơn vị (hoặc cá nhân) khác - đặc biệt là anh em Tự vệ Thành - hễ nghe thấy súng nổ là sẵn sàng kéo đến "đánh hôi" bất kể ngày đêm. Với các đơn vị bạn không biết thế nào, chứ đối với tiểu đoàn 77 chúng tôi thì, giữa chúng tôi với anh em tự vệ khu vực Chợ Hôm (dù ít dù nhiều) đã sẵn có tình "thầy trò, bè bạn" từ trước, nay lại kề vai sát cánh giữa trận tiền, ai nấy đều bộc lộ hết mình, đánh Tây chí tử! Anh em tự vệ không muốn tỏ ra lép vế trước chúng tôi (những "đồng hương" của họ đang mặc quân phục chính quy), nên cực kỳ xông xáo, dũng cảm. Đặc biệt: Anh em là những thổ công tại đấy nên rất thông thạo từ đường ngang lối tắt, đến các "xó xỉnh" kín đáo trong từng đường phố. Bởi vậy họ di chuyển hết sức mau lẹ và chính xác. Tôi còn nhớ một trường hợp: Khi quân Pháp hùng hổ tiến cong vào Phố Huế tiểu đội của chúng tôi có nhiệm vụ cùng các đơn vị bạn trấn giữ ngã tư Phố Huế - Hòa Mã. Thấy súng nổ dữ dội ở cả hai đầu phố chúng tôi chưa hiểu nếp tẻ ra sao thì đồng chí tiểu đội trưởng tự vệ đã rủ: "Ngồi đây chờ sung rụng hay sao? Các cậu theo tớ...". Anh ta nói xong lập tức vùng dậy đi ngay. Các chiến sĩ tự vệ bám theo. Tiểu đội trưởng của tôi vốn là học sinh trường Lu-i "Bạt" (Trường Louis Pasteur, một trường trung học tư thục do người Pháp mờ - ở chỗ trụ sở Bộ Tài chính ngày nay), anh đứng phắt lên tặc lưỡi quát: "Đi thôi các cậu". Chúng tôi theo gót anh em tự vệ một hồi thì đến một căn gác rất rộng rãi, có ban công hướng mặt ra đường (sau này tôi mới biết đó là ngôi nhà số 132 Bùi Duy Dần). Hai tiểu đội trưởng thống nhất kế hoạch: cắt ba người mang các chai xăng crếp và lựu đạn ra nằm bẹp ở ban công, chờ nếu có cơ giới xuất hiện thì đả. Số còn lại, những ai có súng, đứng sau cửa ra vào và hai bên cửa sổ đánh bộ binh địch (cả hai tiểu đội chúng tôi gộp lại chỉ có 8 khẩu súng trường các kiểu, còn thì gươm, mã tấu, thậm chí cả dao găm... Chỉ 3-4 phút sau đã nghe tiếng xe cơ giới rõ dần, rồi thì một chiếc xe bọc thép ầm ầm lao tới. Ba đồng chí của ta vội tương những chai xăng crếp xuống, chưa kịp bồi lựu đạn thì chiếc xe đã vọt qua mất. Tiểu đội trưởng của tôi buột miệng văng ra một câu: "Đánh chác như cái con..." (hình như biết đã lỡ lời, anh lập tức im bặt). Đồng chí tiểu đội trưởng tự vệ rủ: "Tôi với ông ra phân công ba "đứa" chúng nó ném xăng, hai "thằng" mình "chơi" lựu đạn. Chờ nó quay ra, đi đâu mà vội?" Có vẻ lọt tai, tiểu đội trưởng của tôi ra ngay. Không ngờ lại còn một chiếc nữa đang tiến đến.


Cùng một lúc cả xăng crếp lẫn lựu đạn phóng xuống. Tên lái xe hoảng hốt thế nào mà quặt tay lái đột ngột khiến chiếc xe vượt lên vỉa hè, húc vào một cây cơm nguội, khựng lại ngay. Bọn bộ binh trong xe vội nhảy xuống định chạy tháo thân nhưng không kịp, các tay súng của ta đã nhanh tay hơn. Chỉ trong phút chốc cả chiếc thiết giáp lẫn một tiểu đội quân Pháp đã bị ta "hóa kiếp". Trận đánh diễn ra hết sức nhẹ nhàng, đơn giản. Cứ ngỡ như đùa...


Kể từ những trận đánh "nhỏ lẻ" như thê cho tới những trận đánh lớn, mỗi bên có tới hàng mấy trăm quân, bắn nhau suốt ngày, có thể nói không ngoa rằng hầu như không một trận nào thiếu sự hiệp đồng tác chiến đầy hiệu lực giữa anh em tự vệ với bộ đội. Chính vì thế, sẽ là không đúng nếu có ai kết luận rằng: "Trong cuộc chiến 60 ngày đêm chống Pháp ở Liên khu II Hà Nội thì trận X hay Y hoặc Z là chiến công riêng của đơn vị A hay B hoặc C..." (ngoại trừ các trận diệt một số ổ đề kháng tại gia đình Pháp kiều trong đêm 19/12/1946) tất nhiên tôi chỉ dám lấy tư cách cá nhân để nói lên ý nghĩ này.


Sang đến ngày 25/12/1946 (sau 6 ngày Liên khu II Hà Nội kháng chiến) quân Pháp rút được kinh nghiệm, chúng không ham quần thảo với quân ta trong các phố, mà tập trung sức mạnh cơ giới và binh hỏa lực vào 3 mũi nhọn, dọc theo 3 con đường chính: Lò Đúc, Phô Huế, Bà Triệu... Đánh thông xuống tận cây đa Nhà Bò; Ô Cầu Dền; và đường Đại Cồ Việt... (chúng không còn dám mơ "quây Việt Minh" vào gọn trong lòng từng chiếc vó, rồi "nhẹ nhàng" nhấc vò lên, bắt sống không bỏ sót một... con tép mại!...).


Ngoài những đơn vị chặn địch trên ba trục đường kể trên, toàn bộ lực lượng của ta vẫn giữ được nguyên vẹn, rút về phía sau, lập thành mặt trận Ô Cầu Dền...

Dựa vào lợi thế địa hình (con sông Tô Lịch chạy gần như nằm ngang phía Nam Hà Nội, suốt từ Ô Đống Mác qua Ô Cầu Dền đến Ô Đồng Lầm (ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt). Và, tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân của chúng tôi vẫn là một trong số các đơn vị được đứng ở vị trí tiền duyên của mặt trận: Đại đội 2 vẫn trấn giữ phía Đông (khu vực Đống Mác - Ba Hàng), đại đội 1 vẫn trấn giữ phía Tây (khu vực Tây Bắc Việt Nam học xá - Đại Cồ Việt (tiếp giáp Kim Liên - Hồ Bảy Mẫu), đại đội 3, (sau 6 ngày đêm chiến đấu quân số hao hụt nghiêm trọng, đã được hợp nhất với 1 đại đội của tiểu đoàn Hà Đông (D 56) vẫn trấn giữ trục đường trung tâm: Phố Bạch Mai...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 06:52:46 am »

Một giai đoạn chiến đấu mới bắt đầu. Trong giai đoạn này, bên quân ta, trên toàn tuyến vẫn giữ vững chủ trương tác chiến do trên đã vạch ra "cố gắng chặn bước tiến của địch càng lâu càng tốt"!

Với lợi thế địa hình có sẵn (con sông Tô Lịch), tuyến chiến đấu mới này của Liên khu II Hà Nội được mọi người gọi bằng cái tên đầy kiêu hãnh: mặt trận Ô Cầu Dền!...

Lúc này nhớ lại, quả thật mặt trận Ô Cầu Dền là một niềm kiêu hãnh lớn của Liên khu II Hà Nội. Bởi vì, nhìn lại lịch sử 60 ngày đêm chống Pháp bảo vệ Thủ đô của quân dân Hà Nội ngày ấy, đã có nơi nào (trong cả 3 Liên khu) lập một trận tuyến trên một địa hình trống trải, nhà cửa thưa thớt... chống cự với địch, cầm chân chúng suốt từ 25/12/1946 cho đến 17/1/1947 (23 ngày đêm liên tục). Làm được "sự tích" đó, ngoài tài năng tổ chức và lãnh đạo của cấp trên và tinh thần gan góc quyết chiến của quân sĩ thì con sông Tô Lịch là một lợi thế cực kỳ quan trọng, góp phần rất lớn làm nên thành tích rực rỡ ở mặt trận Ô Cầu Dền. Đến đây tôi xin phép được mở một dấu ngoặc để diễn giải đôi điều suy nghĩ của cá nhân tôi về mặt trận Ô Cầu Dền: Nếu đem so với "sự tích" ở khu phố cổ thuộc Liên khu I thì rất là... thiếu khiêm tốn; tôi không muốn. Song, công bằng mà nói thì hầu hết các khu vực khác của Liên khu I (nằm ngoài khu phố cổ) đều đã phải rời bỏ rất sớm để lui về tổ chức phòng ngự trong lòng khu phố cổ. Điều đó tự nó nói lên một thực tế: Địa hình những nơi phải rút bỏ là nhà cửa có phần thưa thớt, đường phố lại rộng rãi (rất tiện cho chiến xa và xe cơ giới vận động), tương tự như địa hình của các Liên khu II và III. Riêng trong khu phố cổ, đường hẹp không tiện cho chiến xa và xe cơ giới hoạt động; nhà cửa dày đặc, đông đúc, sức công phá của bom và đại bác không mấy hiệu quả. Chỉ còn hy vọng vào bộ binh; và địch đã thử: Trận Đồng Xuân, trận chợ Gạo, trận rạp Tố Như và v.v... đã cho chúng thấy rằng chúng đã bị lạc vào một "mê hồn trận", chơi trò "bịt mắt bắt dê" với đối phương!... Rốt cuộc chúng đành áp dụng kế sách: Bao vây chặt, hòng chờ Việt Minh chết đói... không cần đánh cũng xong! Vả lại có giải tỏa được thế bị bao vây tấn công ở Liên khu II và Liên khu III thì mới có thể rảnh tay tập trung binh hỏa lực giải quyết dứt điểm Liên khu I. Trong khi ấy (tình hình ở Liên khu III thế nào, tôi không rõ), còn ở Liên khu II chúng ta, sau 6 ngày cầm chân địch trong nội thành, chúng ta lui về lợi dụng cái thế hiểm trở (đối với chiến xa và xe cơ giới) của con sông Tô Lịch - tuy không thể bì được với lợi thế của khu phố cổ, nhưng trong ba yếu tố làm thành sức mạnh của quân đội Pháp: Bộ binh, pháo binh, chiến xa, thì con sông Tô Lịch đã giúp quân ta tạm thời loại bỏ được một, đó là chiến xa và xe cơ giới.


Cái khác nhau và giống nhau giữa Liên khu I với Liên khu II chúng ta, tôi nghĩ là ở điểm ấy chứ không phải yếu tố con người như một vài bài báo từng lý giải. Bởi Con Người giữa các Liên khu là một.

Trở lại với mặt trận Ô Cầu Dền: Liền trong 4 ngày (25, 26, 27 và 28) quân Pháp hung hăng dốc sức tấn công liên tục vào hai trọng điểm của phòng tuyến, là khu vực Ô Cầu Dền - Ba Hàng - Thanh Lương và Thanh Lương - Ô Đống Mác. Ở nơi nào quân Pháp cũng dùng máy bay dội bom, đại bác bắn phá dọn đường chán chê rồi mới cho xe tăng hùng hổ xống lên và bộ binh lũ lượt bám theo. Các đơn vị thuộc tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân đang cùng các đơn vị bạn trấn giữ tại Ô Cầu Dền; Ba Hàng; Ô Đống Mác; Thanh Lương... đều đã kiên cường chặn đứng hết thảy mọi đợt tấn cống của địch, giữ vững trận địa. Kết quả: ở cả hai nơi, ta đều diệt được xe tăng và xe bọc thép của quân Pháp (ở Ô Cầu Dền bằng ba-dô-ca, ở Ba Hàng bằng ét-xăng crếp và lựu đạn).


Ngoài những trận đánh "có bài có bản", hầu như ngày nào quân Pháp cũng nã đại bác, ném bom và cho quân tới "quấy rối" trên bất kỳ điểm nào mà chúng muốn, suốt dọc phòng tuyến của ta. Về phần quân ta:
hầu như đêm nào các đơn vị trong tiểu đoàn 77 cũng cùng các đơn vị bạn cho quân của mình luồn sâu vào trong nội thành, bắn phá đến gần sáng mới rút ra...


... Cho đến ngày 15/1/1947, quân Pháp từ các nơi về tập trung lại thành một lực lượng cực mạnh, ào ạt tấn công vào khu vực Ba Hàng, chọc thẳng xuống Vĩnh Tuy, rồi quặt vào vượt qua Mai Động, đánh chiếm ngã tư Trung Hiến, Ngã Tư Vọng... bao vây "chặt" quân ta vào trong một "gọng kìm thép" (theo như lời chúng) để tiêu diệt gọn!... Nằm trong gọng kìm của quân Pháp, quân ta đã giữ vững khu vực Việt Nam học xá trong ba ngày (16,17,18/1/1947) tổ chức đưa hàng nghìn đồng bào cùng toàn bộ lực lượng quân ta ra ngoài an toàn, cùng với đầy đủ trang bị.


Cuối cùng, một trung đội của tiểu đoàn 77 do trung đội trưởng Thực chỉ huy được giao nhiệm vụ "đứng chân" tại làng Hoàng Mai hỗ trợ cho một số anh chị em còn ở lại đó giữ các kho thuốc men, lương thực và các thứ chiến lợi phẩm khác chưa kịp chuyển đi. Thì ngày 1/2/1947 quân Pháp tập trung tới 2 tiểu đoàn, do 1 tên quan ba chỉ huy, tiến vào càn quét làng Hoàng Mai. Trung đội đồng chí Thực đã sát cánh cùng dân quân làng Hoàng Mai chiến đấu với quân Pháp suốt từ 5 giờ sáng đẽn 16 giờ chiều, cùng họ tiêu diệt gần 60 tên địch (trong đội có 28 người thì hi sinh 17). Và trung đội này chính là đơn vị cuối cùng của Liên khu II rút khỏi Hà Nội.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2022, 06:53:11 am »

THAY LỜI KẾT

Mãi sau này, qua chuyện trò với những anh em có trình độ am hiểu sâu sắc về chiến tranh, tôi mới biết rằng: Thế trận mà Bộ chỉ huy đã định trước cho Liên khu II Hà Nội khi ấy hình thành 3 tuyến phòng ngự từ trong ra ngoài: tuyến thứ nhất từ ga Hàng Cỏ theo đường Trần Hưng Đạo đến Đồn Thủy. Tuyến thứ hai, từ phố Nguyễn Du qua phố Lê Văn Hưu đến ngã năm Lò Đúc. Tuyến thứ ba, từ ngã tư Kim Liên qua ngã tư Đại Cồ Việt, đê Bành Lao đến Ô Đống Mác...


Trên cơ sở nhận thức đó, nay nhìn lại thì thấy: quả nhiên tiểu đoàn 77 Tiếp Phòng Quân của chúng tôi cùng các đơn vị bạn đã lần lượt thực hiện ý đồ chiến thuật đó của Bộ Chỉ huy mặt trận một cách chính xác và rất có hiệu quả. Và, trong lòng tôi cũng ngầm nảy sinh một chút hãnh diện:


Thì ra tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân "của mình" cũng đáng mặt là một trong 5 đứa "con đẻ" của Hà Nội đấy chứ nhỉ: vào trận, ngay lập tức toàn tiểu đoàn có vinh dự được cùng các đơn vị bạn nổ những phát súng đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc; trong quá trình diễn biến chiến đấu trong Liên khu II Hà Nội, toàn tiểu đoàn luôn có mặt cùng các đơn vị bạn đứng ở vị trí tiền duyên trực tiếp đối mặt với quân thù; khi rút quân cũng lại có vinh dự được nổ phát súng cuối cùng của các lực lượng bộ đội Liên khu II Hà Nội đánh Pháp (trung đội đồng chí Thực cùng dân làng Hoàng Mai đánh Pháp trong ngày 1/2/1947 - trước ngày Liên khu II giải thể).


Có may mắn được là một đội viên của tiểu đoàn 77 Tiếp phòng quân còn sống đến tận hôm nay, tôi tiếc là không biết viết hồi ký và cũng không có khả năng viết sử ký. Nhưng tiểu đoàn 77 là vinh dự của đời tôi, tôi không thể không viết về tiểu đoàn 77 "của mình": nơi đã cho tôi cơ hội để thể hiện phẩm giá của một Thanh Niên Hà Nội bằng chính sinh mệnh của bản thân...


Hà Nội, ngày 6 tháng 9 năm 2001
NGUYỄN QUANG THỎA
(Nguyên đội viên đại đội 3, tiểu đoàn 77- Tiếp phòng quân)
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM