Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:01:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6538 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #120 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:09:05 am »

Bây giờ mình sẽ gặp lại gia đình ở quê Phan Thiết (Bình Thuận). Má đã tuổi 74. Bà ngoại chắc không còn. Vợ con đang sống ở miền Bắc. Mười năm không được tin. Đứa con gái lớn khi từ biệt ra đi nó mới hơn 3 tuổi, thằng em vừa tròn 3 tháng, cả ba mẹ con tự lo sinh tồn dưới bom đạn cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ. Hình bóng cả ba lúc nào cũng theo mình trong cuộc hành quân xẻ dọc Trường Sơn thâu đêm suốt sáng, sau một trận chiến ác hệt hay trong giấc ngủ chập chờn dưới lòng địa đạo. Phải - Trong ba lô không có gì quý giá nhưng căng đầy hạnh phúc và niềm kiêu hãnh tự hào!

Xe tôi trở lại con đường đã đi hôm qua.

Mặt trời xế bóng chúng tôi đặt chân lên lộ 1 (Củ Chi - Tây Ninh). Điều khác biệt đập ngay vào mắt lúc này là vô vàn cờ giải phóng đủ mọi kích cỡ. Cờ chăng qua đường, cờ trên ngọn cây, cờ nơi cửa ngõ, cờ trước hiên nhà... Chiều xuống gió lộng. Cờ bay như những cánh bướm rợp màu xanh đỏ điểm sao vàng. Có điều màu xanh không đồng nhất. Có lẽ người dân mới nhận thức cờ giải phóng có hai màu xanh đỏ ngôi sao vàng ở giữa. Còn màu xanh đậm nhạt thế nào chưa hình dung, nên có màu xanh nước biển, xanh lá cây, xanh dương, xanh da trời... Cửa mọi nhà không còn đóng kín như hôm qua. Sáng nay trên đường từ sở chỉ huy cánh Tây-Nam và binh đoàn 232 về, lai rai một số nhà đã mở cửa. Giờ đây nhà nào cửa cũng mở toang. Sinh hoạt nơi nơi trở lại bình thường. Tuy thế vẫn còn e dè không mấy người ra đường. Nhiều trẻ nít nghịch ngợm cũng chỉ nép mình bên trong rào dậu lấp ló nhìn ra. Náo nhiệt ồn ào là những tốp, toán lính ngụy bỏ ngũ, rã ngũ hay được quân ta phóng thích kéo dài từng đoàn từ hướng Củ Chi về Trảng Bàng và các huyện khác trong tỉnh Tây Ninh. Họ toàn mặc quần đùi, mình trần, tay không, không mũ không giày. Họ lột bỏ vứt đi tất cả thứ gì của sắc phục “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa”. Những thứ đó không tạo ra vinh quang mà chỉ bắt họ mang vào thân điều nhục nhã. Họ đi vung tay múa chân la hét tỏ sự vui mừng tột độ khi thấy mạng sống lúc này vẫn còn, có thể lành lặn. Ít giờ nữa họ về tới nếp nhà quen thuộc. Bao người thân của họ đang nóng lòng đón đợi. Họ tung hô giải phóng muôn năm! Hòa bình muôn năm! Đoàn người kéo dài hàng ky lô mét. Nhiều chiếc xe buýt chở đầy nghẹt những người như họ. Họ bám vào thành xe, chen nhau trên nóc xe. Mỗi khi nhìn thấy xe tôi cắm cờ giải phóng chạy qua ngược chiều với họ, họ tung hô vang trời: Giải phóng muôn năm! Hòa bình muôn năm!

Một tình huống bất ngờ xảy ra. Trong đám đông lính rã ngũ, một tốp ba người tách ra chạy đón đầu xe tôi. Hai đồng chí vệ binh lập tức cho đạn lên nòng. Tôi vẫy tay ra hiệu yên tâm, đoạn ra trước đầu xe xem họ giở trò gì? Ba người đến trước chúng tôi rập chân hơi cúi gập người chào theo kiểu nhà binh. Một trong số họ như viên chức hơn là lính tráng xin phép chúng tôi nói mấy câu cảm tưởng. Họ vui mừng chiến tranh kết thúc. Hòa bình trở lại điều mà mọi người như họ van vái mong mỏi ngày đêm. Đất nước độc lập thống nhất, bản thân họ cũng được giải phóng. Họ được cách mạng khoan hồng. Rất biết ơn giải phóng. Quân giải phóng quá tốt ngoài sự tưởng tượng của họ... Họ luôn lập đi lập lại câu giải phóng tốt lắm. Đội ơn giải phóng. Hòa bình muôn năm!

Anh Chín Lộc nói mấy câu động viên khích lệ, hoan nghênh họ thức thời, nhận biết điều phải. Không muốn tiếp tục duy trì chiến tranh. Điều này chỉ làm cho máu người Việt thêm đổ chỉ có lợi cho bọn hiếu chiến bên kia đại dương. Anh giải thích vắn tắt chính sách tù hàng binh của Nhà nước cách mạng....

Khi chúng tôi nói chuyện với người đại diện của họ, đám đông kéo đến tuân thủ giữ một khoảng cách nhất định, lắng nghe chăm chú, trật tự. Anh Chín Lộc dứt lời họ vỗ tay hoan hô vang dậy. Những khẩu hiệu giải phóng muôn năm! Hòa bình muôn năm! Lặp đi lặp lại vang xa...

Đồng bào ngay thị trấn Củ Chi cũng như các thị tứ ven đường ở trong nhà dè dặt nhìn ra. Một số tỏ ra hồ hởi phấn khởi, còn lại thái độ không ác cảm cũng chưa tỏ ra vồn vã thân thiện. Ngoài đường vắng tanh. Thỉnh thoảng xuất hiện năm ba tốp du kích hoặc cán bộ địa phương hối hả làm nhiệm vụ. Những chiếc xe buýt chở lính “Cộng hòa tan ngũ chạy về hướng Tây Ninh. Những xe vận tải Zin to lớn sơn màu cỏ úa của quân ta phủ kín vải bạt lướt qua về hướng Sài Gòn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #121 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:09:36 am »

Chúng tôi vượt qua cầu Tham Lương. Điện hai bên đường bật sáng. Những xí nghiệp đầu tiên đập vào mắt như nhà máy bột ngọt Vifon, nhà máy dầu ăn Nakyco... đặc biệt nhà máy dệt Vinatexco... làm chúng tôi không ít ngỡ ngàng. Trông nó bề thế, khang trang to đẹp. Như bác nhà quê ra phố lần đầu cái gì cũng làm tôi lạ mắt. Đồng chí Thành cán bộ quân báo được phái đi cùng chúng tôi vốn sinh trưởng tại Sài Gòn. Anh Chín Lộc cũng thế. Anh Chín thoát ly mấy mươi năm, còn Thành chia tay Sài Gòn chưa quá 7 năm. Trở về anh không nhận ra vùng này. Anh cũng như tôi thấy cái gì cũng lạ. Anh bảo lúc ở nhà, nơi này là đồng không mông quạnh. Anh chậc lưỡi: “Gớm, chỉ mấy năm thằng Mỹ đẩy Sài Gòn ra tới đây”.

Anh Chín Lộc đưa tay quét một vòng từ đông sang tây đập vai tôi bảo: “Cái vừng sáng bồn chồn thương nhớ... đó” của Lê Anh Xuân bắt nguồn từ đấy. Anh hất đầu về phía một rừng đèn điện sáng lóa chạy dài tít tắp. Cặp mắt tôi lâu ngày quen nhìn bóng đêm ở miền rừng núi đồng quê, giờ nhìn muôn vàn bóng điện như muôn vì sao đêm lấp lánh thật lạ mắt, thú vị.

Tôi nhận ra sân bay Tân Sơn Nhất về phía trái. Lửa bốc cao ngùn ngụt từ một đám cháy nơi nào đó trong sân bay. Tôi đoán đấy là hậu quả của pháo binh hạng nặng tầm xa quân ta cấp tập vào đây lúc mờ sáng trong giai đoạn hỏa lực chuẩn bị. Điều này làm tôi sực nhớ đến chuyện cách đây hơn hai năm.

Khoảng tháng giêng năm 1973 khi tôi còn là Trung đoàn trưởng trung đoàn đặc công 119 trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền. Được sự hỗ trợ giúp đỡ nhiều mặt của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, tôi trực tiếp cùng đồng chí tỉnh đội phó Châu chỉ huy đơn vị ĐKB (một loại hỏa tiễn chiến thuật tầm gần) phóng 42 quả loại nặng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi đã vượt qua bao khó khăn tưởng chừng không kham nổi. Mệnh lệnh của đồng chí Hoàng Văn Thái Tổng tham mưu phó và Trần Văn Trà tư lệnh B2 giao cho tôi phải đánh phủ đầu vào vị trí xung yếu này trước giờ GMT ngừng bắn có hiệu lực theo hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết. Đồng chí Ba Trần tham mưu phó B2 chuyển lệnh của hai đồng chí trên cho tôi, và nhấn mạnh ý nghĩa chính trị của trận tập kích hỏa lực này. Đặc biệt trận đánh phải thực hiện trước giờ ngừng bắn. Bộ Tư lệnh Miền chỉ thị đường dây hậu cần (814) và tỉnh đội Bình Dương bằng mọi giá hỗ trợ chúng tôi thực hiện cho được nhiệm vụ, đặc biệt bảo đảm đưa từ 40 đến 50 quả đạn vào trận địa phóng.

Sau khi dự bữa cơm chiêu đãi tiễn chân tại Bộ tham mưu Miền ở bên kia biên giới Việt Nam, tôi một mình với chiếc xe đạp xuyên rừng mất 2 ngày 1 đêm về chiến khu Bàu Cá Lóc của Bình Dương, tập trung đơn vị chuyên bắn hỏa tiển khẩn trương chuẩn bị.

Khó khăn nhất của chúng tôi là chọn trận địa bắn.

Nếu theo trục hữu ngạn sông Sài Gòn thâm nhập xuống Hóc Môn tiến công hỏa lực ở cự ly vừa phải vào khu Tân Sơn Nhất là địa bàn hoạt động quen thuộc của tôi khi còn ở trung đoàn 88 và sau này về phân khu 1. Nhưng trục này thuộc phạm vi tác chiến đã được phân công cho đơn vị bạn (trung đoàn 115). Hướng thâm nhập của tôi phía tả ngạn sông Sài Gòn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương nơi tôi còn lạ nước lạ cái. Mục tiêu lại chếch về hướng của trung đoàn đặc công 115. Tầm bắn ĐKP xa nhất 11km. Phải chọn trận địa bắn đến mục tiêu 10 km trở lại bảo đảm chắc trúng. Mục tiêu càng xa tản mác đạn rơi càng rộng. Hơn nữa lần bắn này để bảo đảm gọn nhẹ khi luồn vào vùng địch, chúng tôi không mang theo nòng pháo mà đắp bệ phóng. Đáp ứng yêu cầu trên, trận địa phải nằm sâu trong vùng địch . 42 quả tên lửa, mỗi quả tháo rời 3 bộ phận từ 4 đến 6 người vận chuyển, số đạn đó phải có từ 150 đến 200 dân công (tỉnh ủy và tỉnh đội Bình Dương đã phải huy động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các cơ quan quân, dân, chính, Đảng làm nhiệm vụ này). Ngoài ra còn 3 đại đội bộ binh yểm trợ và cơ quan chỉ huy...

Chừng ấy người luồn sâu vào hậu cứ địch, vượt qua bao nhiêu đồn bót, những ổ phục kích, những cặp mắt cú vọ săn đêm của bọn bình định nông thôn, bọn gián điệp do thám phượng hoàng hòa lẫn trong dân là điều vô cùng kho khăn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #122 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:10:11 am »

Trong giai đoạn chuẩn bị, sở chỉ huy chúng tôi đặt tại hầm đá, (một căn hầm trước đây quân Nhật khai thác lấy đá) trong khu rừng diện tích khoảng nửa héc-ta. Đây là “căn cứ lõm” nổi tiếng ở địa phương, Mỹ - ngụy không sao mò vào. Đồn bót của chúng trước mặt, hai bên chúng tôi cách bảy tám trăm mét. Cứ mỗi chiều sắp tối, một cán bộ quân báo kỹ thuật đến trải tấm bản đồ trong vùng báo cáo với chúng tôi các điểm đêm nay chúng sẽ phục kích. Nhìn lên bản đồ nếu ai không quen “tính nết” của chúng sẽ hoảng lên. Hàng chục điểm chấm bằng bút chì xanh chi chít lên mặt bản đồ địa hình 1/50.000. Đây là những tọa độ ghi dấu địch sẽ phục kích báo cáo lên cấp trên của chúng mà nhân viên kỹ thuật của ta thường xuyên bắt được qua sóng vô tuyến.

Thật ra chúng bịp cấp trên của chúng. Mười điểm nhưng chỉ một đến hai điểm là có thật.

Tuy nhiên chui qua được mạng lưới tai mắt này, đưa một lực lượng không ít dùi sâu vào vùng địch mà không bị lộ làm đầu óc tôi muốn mụ đi khi suy nghĩ tìm cách khắc phục.

Chúng tôi phải mất cả tuần để bắt liên lạc với cơ sở, tổ chức Đảng, du kích mật vùng Lái Thiêu. Được sự lãnh đạo chặt chẽ, khôn khéo của Đảng bộ địa phương, một lòng một dạ của quần chúng trung kiên đã vô hiệu hóa tai mắt bọn tình báo gián điệp nằm vùng. Lực lượng vũ trang mật đã tổ chức đường dây dẫn dắt lực lượng chúng tôi thâm nhập đến đích an toàn trong đêm tối của những ngày giáp Tết. Trận địa bắn tại xã Bình Nhâm cách bắc chi khu Lái Thiêu của giặc chưa tới nghìn mét.

Viên đạn cuối cùng được phóng đi trước giờ ngừng bắn có hiệu lực cho cả đôi bên 15 phút. Cuộc tập kích hỏa lực trúng mục tiêu gây kinh hoàng cho Mỹ-ngụy, một thắng lợi mang nhiều ý nghĩa chính trị.

Một cái đập mạnh vào vai làm tôi giật mình cắt đứt dòng hồi tưởng, lôi tôi trở về thực tại. Đồng chí Thành quân báo chỉ về hướng bên trái xe đang chạy báo cho biết đó là trại lính dù ngụy Hoàng Hoa Thám. Dưới ánh đèn đường tôi xác định lên bản đồ tìm con đường dẫn vào sân bay gần nhất. Tôi chỉ cho mọi người biết ô kẻ hình chữ nhật bằng bút chì đen. Đó là ô do tôi xác định tọa độ theo lệnh đồng chí Ba Trần chuyển qua Bộ Tư lệnh pháo binh chiến dịch thông báo cho biết đó là trại Đa-vít nơi phái đoàn quân sự của ta đang trú đóng, yêu cầu “miễn trừ” đừng có mà đụng đến khi pháo ta cấp tập vào sân bay. Căn cứ bản đồ, con đường xuyên qua trại lính dù đến Đa-vít là ngắn nhất, cần phải hỏi thăm đường. Nhưng tại chỗ chúng tôi dừng xe cũng như suốt đoạn đường đi qua không hề thấy một bóng ai, không một chiếc xe dù là xe thô sơ. Phố xá vắng tanh. Nhà, phố nào cửa cũng đóng im ỉm. Chỉ có điều làm người ta không có cảm giác đây là vùng đất chết do đèn đường rực sáng.

Tôi gõ cửa một căn phố. Im lặng. Đến lần thứ ba, tôi tự xưng quân giải phóng xin hỏi thăm đường. Chủ nhà thận trọng hé cửa vừa đút lọt bàn tay. Một giọng thều thào vọng ra: “Ông cần gì?” Tôi trình bày lý do. Hình như qua khe cửa hẹp chủ nhân nhìn rõ chúng tôi và chiếc xe jeep cắm cờ giải phóng. Cánh cửa gỗ được kéo rộng hiện ra một cụ già qua giọng nói vẻ cởi mở hơn. Ông khuyên chúng tôi vào sân bay không nên xuyên qua trại lính dù, mà xuống ngã tư Bảy Hiền qua Lăng Cha Cả đến trước cổng Bộ Tổng tham mưu ngụy có đường vào. Tôi dò trên bán đồ qua sự chỉ dẫn của ông. Thành quân báo biết đường này. Tôi cám ơn ông cụ định quay ra xe. Ông giữ chúng tôi lại mong được thông cảm. Ông nói: “Quân giải phóng đánh chiếm thành phố, ai cũng thấy xe tăng Bắc Việt - Việt Cộng ầm ầm tràn vào trại lính dù. Tổng thống tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa nay. Nhưng gia đình ông cũng như mọi nhà vẫn dè dặt. Họ sợ trong lúc hỗn quân hỗn quan bọn xấu lợi dụng xông vào vơ vét. Chúng tra khảo bắt nộp của, giết người không nương tay nên không một ai dám ló ra đường”. Tôi liếc nhìn vào trong nhà thấy mấy bóng người lấp ló sau bức màng trúc lay động. Nếu nghĩ không lầm, tôi đoán họ tò mò nhìn trộm xem mấy “ông giải phóng” ra sao? Ông xin phép nói thêm lời cuối: “Lúc đầu tôi tưởng quý ông là quân Bắc Việt, không dè Việt Cộng. Toàn nói giọng Nam”. Ông tấm tắc khen chúng tôi ăn mặc đẹp chững chạc nho nhã khác hẳn lính cộng hòa.

Vì vội, tôi chỉ giải thích vắn tắt cho ông rõ cái từ “Bắc Việt, Việt Cộng” là do Mỹ-ngụy gán cho quân giải phóng. Thực chất chỉ là một.

Cám ơn ông. Chúng tôi tiếp tục chuyến đi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #123 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:10:49 am »

Đèn pha xe tôi chiếu sáng khung cửa to lớn đồ sộ của Bộ Tổng tham mưu ngụy. Nhận rõ sắc phục quân ta qua lại bên trong chúng tôi rất mừng. Anh em cũng dễ nhận ra chúng tôi qua lá cờ giải phóng cắm ở đầu xe. Một số chạy đến vây lấy tíu tít chào hỏi, chúc mừng, hoan hô... Hỏi ra mới biết đây là một đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 10 đánh chiếm cơ quan đầu não ngụy quân và chốt giữ tại đây.

Tạm biệt, chúng tôi quay đầu xe lao vào cổng sân bay. Lòng vòng thế nào lọt vào đường băng cất hạ cánh. Tại đây chúng tôi bắt gặp khắp nơi hàng trăm xe máy đủ kiểu đủ loại bị vứt bỏ. Có những chiếc ôtô sang trọng đắt tiền không chủ nép bên lề đường còn cả chìa khóa gắn vào ổ khóa điện.

Đến sát chân đài chỉ huy sân bay, xác định trên bản đồ một lần nữa thấy trại Đa-vit cách đấy không xa, tôi cho xe chạy thẳng đến đó. Cách cả trăm mét, anh em trong trại nhận rõ lá cờ giải phóng trên xe vội mở cổng ùa ra vay đón chúng tôi. Chưa kịp xuống xe đã có hàng chục câu hỏi tới tấp đặt ra. Chúng tôi thông tin đến các đồng chí chi tiết hơn về năm cánh quân của ta đồng loạt tấn công Sài Gòn. Chuyện tổng thống ngụy quyền tuyên bố đầu hàng anh em ở đây đã rõ qua đài Hà Nội, đài Sài Gòn. Tôi cũng thông tin đến các đồng chí sự lo âu của Bộ Tư lệnh và anh Ba Trà đối với anh em trong này. Anh em xô lại công kênh chúng tôi hò reo vang trời chúc mừng chiến thắng.

Các đồng chí phụ trách ở đây đưa chúng tôi tham quan một vòng trại Đa-vit. Một khu nhà trệt, tường gạch lợp tôn hoặc ngói xi măng. Tuy có trần nhưng nóng kinh khủng. Đêm xuống đã lâu không khí vẫn oi bức. Ai cũng mình trần. Tôi lẩm bẩm: “Ở Sài Gòn mà nóng và muỗi thế này, ở chiến khu thoải mái hơn”. Các anh chỉ chúng tôi xem một vòng hào có những ụ chiến đấu, hầm tránh bom pháo chắc chắn bao bọc chung quanh trại. Các anh ở đây cho biết như dự đoán cấp trên, đến lúc nào đó bọn ngụy sẽ làm khó dễ. Chúng sẽ cắt những chuyến bay từ đây về Lộc Ninh (một huyện lỵ bắc thị xã Bình Long ta đã giải phóng trước khi hiệp định Paris về Việt Nam có hiệu lực, sau trở thành gần như “thủ đô” vùng căn cứ kháng chiến của ta. Nên anh em trước đó đã tranh thủ qua những chuyến bay ra vào bí mật chuyển một số vũ khí đạn dược đưa vào trại. Dần dà đủ số cần thiết để trang bị mọi người sẵn sàng chiến đấu.

Theo những điều khoản cụ thể của hiệp định Paris, Mỹ-ngụy phải chọn vị trí ở và làm việc cho hai phái đoàn ngoại giao quân sự của Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỗi tuần chúng phải cho một chuyến trực thăng để chuyên chở cán bộ nhân viên hai phái đoàn ta từ trại Đa-vit về Lộc Ninh và ngược lại.

Chiến thắng Tây Nguyên đã làm ngụy hoang mang lo sợ. Chúng giở trò lật mặt phong tỏa phái đoàn ta tại trại Đa-vit. Ở đây như bị giam lỏng không ra khỏi hàng rào. Anh em mất liên lạc với chỉ đạo bên ngoài nên không nắm được tình hình cụ thể. Mọi việc chỉ trông vào cái radio. Hôm phi đội không quân ta sử dụng máy bay chiến lợi phẩm A37 do Nguyễn Thành Trung (một sĩ quan lái máy bay chiến đấu của không quân ngụy phản chiến ném bom dinh Tổng thống ngụy rồi lái máy bay về với ta. Anh cũng là cơ sở của ta gài vào hàng ngũ địch) dẫn đường ném bom Tân Sơn Nhất. Lúc đầu cứ ngỡ đây là hành động phản chiến của nhóm phi công ngụy.

Hai ngày qua pháo binh ta cấp tập vào sân bay và các mục tiêu gần đó, anh em đoán chắc thời cơ phản công đã đến nên quá đỗi mừng mà cũng lo. Tất cả sẵn sàng chiến đấu đến cùng nếu chúng bày trò tấn công hủy diệt.

“Đây - Đồng chí hướng dẫn vừa nói vừa chỉ cho tôi xem một lỗ thủng to bằng cái nong nơi bức tường căn phòng dành cho các cuộc họp báo quốc tế - Một quả đạn pháo của ta rơi lạc vào đây làm một đồng chí quan sát bên trên thương vong”.

Tôi hỏi các anh chuyện cơ sở bên Ban binh vận Trung ương Cục có cho người bắt liên lạc với đoàn để đưa anh em thoát khỏi nơi đây khi tình huống tấn công của ta được thực hiện. Các anh cho biết dạo trước được phổ biến một kế hoạch như thế. Những ngày gần đây chưa thấy cơ sở nào móc nối thực hiện chuyện này.

Anh Chín Lộc đập vai tôi gật gù như đã rõ câu chuyện giữa tôi và ông Ba Trần trao đổi lúc trưa ở căn cứ chỉ huy sở.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #124 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:11:22 am »

Tôi bổ sung cho anh biết thêm.

Trong khi cơ quan tham mưu và Bộ Tư lệnh chiến dịch tháo luận giải quyết các tình huống khi chuẩn bị và thực hiện kế hoạch chiến dịch, một vấn đề đặt ra làm sao bảo đảm an toàn cho phái đoàn thương quyết quân sự của ta trong trại Đa-vit. Các anh được thông báo bên Ban binh vận hạ quyết tâm trước lãnh đạo Trung ương Cục bảo đảm thực hiện thành công kế hoạch dùng cơ sở bên trong đã được chuẩn bị sẽ đưa toàn thể đồng chí ta thoát ly khỏi Đa-vít đến một điểm hẹn tại Hóc Môn. Bên Bộ tham mưu Miền cho lực lượng đón rước về căn cứ.

Kế hoạch xem rất khả thi. Lãnh đạo Trung ương Cục tin tưởng.

Nhiều lần cơ quan chính trị Miền làm việc với Ban binh vận đều nhận sự đảm bảo như thế.

Đêm tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đến Quốc hội đọc diễn văn từ chức và trao quyền cho Trần Văn Hương cũng là lần đầu trong đời tôi biết ti vi là gì.

Xem xong đoạn này ông Ba Trần giao nhiệm vụ cho tôi đi ngay trong đêm đến Ban binh vận hỏi lại một lần nữa kế hoạch được triển khai thế nào mới yên tâm.

Suốt 5 giờ từ chiến khu Tà Thiết thuộc huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Long, trên con đường mòn một lối đi gồ ghề khúc khuỷu, chiếc Honda 90 xuyên màn đêm đến Lò Gò thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh, vất vả lắm mới tìm được căn cứ Ban binh vận. Giờ này người ta còn thức tổ chức liên hoan tưng bừng. Không rõ người ta ăn mừng về cái gì. Dọ hỏi mãi vẫn không tìm ra ông Bảy D. người ta bảo không biết ông đi đâu? Ông là trưởng ban. Chỉ có ông nắm kế hoạch. Ngoài ông ra chẳng ai biết mô tê gì?

*
*   *

Anh em trong trại pha cho chúng tôi một soong đầy sữa đặc, một chậu mì tôm. Hai món ăn chính trong trại suốt thời gian giặc ngụy phong tỏa. Suốt cả ngày chúng tôi không có miếng cơm vào bụng, chỉ nhâm nhí tí lương khô do Trung Quốc viện trợ. Mừng chiến thắng nên chẳng ai thấy đói. Tuy vậy uống ly sữa, ăn vội bát mì, chúng tôi bắt ghế ra sân hàn huyên mọi thứ chuyện. Trời quá nóng, mọi người quây quần bên nhau rôm rả với niềm vui chiến thắng.

Một đồng chí trong phái đoàn đến nói với tôi, lo âu cho các đồng chí quốc tế Balan, Hung-ga-ri không biết lúc này ra sao? Họ ở một nơi riêng biệt. Tuy không có nhiệm vụ bắt liên lạc với họ, nhưng chúng tôi thấy trách nhiệm mình sẵn sàng đi tìm. Chẳng một ai trong phái đoàn từ trước đến giờ bọn ngụy cho phép đến gặp họ. Chúng tôi xác định vị trí ở của họ tự đi tìm lấy.

Xe chúng tôi lướt qua nhiều phố vắng. Đèn đường sáng trưng. Đường phố rộng thênh chạy sâu hun hút. Không một bóng người, một chiếc xe, một lá cờ... Thỉnh thoảng bắt gặp mấy chú mèo hoang băng vút qua dưới ánh đèn pha lẫn vào hẻm tối.

Lần đầu tiên đến Sài Gòn tôi không biết đâu là đâu. Anh Chín Lộc và Thành quân báo luôn tay chỉ trỏ gọi những tên đường phần lớn là tên những nhân vật lịch sử.

Theo vòng xoay một bùng binh lớn, Thành cho biết đây là Ngã Sáu Lê Văn Duyệt sẽ qua đường Trần Quốc Toản một đoạn (nay là đường 3 tháng 2), theo đánh dấu trên bản đồ Thành cho xe dừng trước một cổng sắt cao quá đầu gần mét. Bên trong, một tòa nhà nhiều tầng to lớn đồ sộ (nay là khách sạn Kỳ Hòa thuộc quận 10). Chúng tôi lúng túng không biết gọi cửa thế nào. Bên trong bỗng nhiều tiếng hét: “Cờ giải phóng kìa. Bộ đội ta đến rồi”. Một đoàn người ta có, Tây có túa ra. Cửa sắt mở toang. Chúng tôi bị siết chặt trong những vòng tay. Tai muốn ù bởi những tiếng reo: Hoan hô chiến thắng, Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

Giống như vừa đến trại Đa-vít, hàng chục câu hỏi được phát ra. Anh em trong này chỉ biết tin qua đài phát thanh. Tốp chúng tôi là quân giải phóng đầu tiên anh em nhìn thấy. Chúng tôi lập lại nội dung thông báo tình hình và kể năm ba chi tiết đã nắm được.

Đến lúc này mới được giới thiệu với nhau. Mây đồng chí Hung-ga-ri, Ba Lan cao lớn cứ nắm hai tay chúng tôi mà lắc, sau đó chăm chú nghe tôi và anh Chín Lộc nói qua phiên dịch. Các đồng chí sung sướng, xúc động đến nghẹn lời khi phát biểu chào mừng chiến thắng của các đồng chí Việt Nam cũng là chiến thắng của Ba Lan và Hung-ga-ri xã hội Chủ Nghĩa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #125 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:14:50 am »

21

TÌM MỘ

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất Nước gần 2 năm, chị vợ anh Hiến từ Hà Nội vào tìm đến nhà tôi hỏi thăm về sự hy sinh của chồng. Tôi và anh Tư Hượt đưa chị trở lại chiến khu xưa tìm mộ anh ấy. Chị đang là công nhân, Đảng ủy viên nhà máy rượu Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều gốc dân thủ đô.

Khi đưa chị đến chỗ anh hy sinh, địa hình ở đây một lần thay đổi. Trước đây, năm 1971 Mỹ ủi trắng thành bình địa. Chỉ cách sáu bảy năm đã lại thành khu rừng tự nhiên rậm rịt. Cây đã cao đến năm sáu mét. Cây cầy cổ thụ là vật chuẩn đánh dấu ngôi mộ tập thể hai anh đã bị Mỹ dùng mìn đánh gục và thiêu hủy chẳng để lại dấu tích. Không còn biết đâu là mộ, chị đành hương hỏa giữa rừng nơi tôi ước đoán anh ngã xuống mà khóc anh. Nhìn chiếc khăn tang chị chít trên đầu (tuy anh đã mất 7 năm) và tiếng khóc não lòng của chị, tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi không thể có lời an ủi nào hơn là để chị trút bao nỗi buồn thương qua tiếng nức nở người vợ khóc chồng.

Hơn hai tiếng đồng hồ chị vẫn ngồi đó gục đầu vào thân cây lặng đi. Tôi mơ hồ như hồn chị xuất ra khỏi thể xác bay đi gặp vong linh anh lởn vởn đâu đó! Còn tôi đứng cách chị mươi lăm bước chân lẩm nhẩm câu thuộc câu chăng bài hát “Chiêu hồn” học được trong những ngày đầu cách mạng :

“... Dưới lá cờ thiêng bay trên non chiêu hồn bao anh em đồng chí. Vì đời hy sinh cùng vì dân điêu linh đã khuất lánh trần đi. Đèo cao ôi hoang vu gió núi rào chiều sang thu…”

Năm 1985, tôi được cử ra Hà Nội học ở Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc Phòng) có đến thăm gia đình chị ở Phố Huế. Chị và đứa con trai (anh chị chỉ có một đứa duy nhất) ở trong căn nhà nhỏ hẹp 9 mét vuông. Bàn thờ anh đã chiếm phần trang trọng nhất trong căn phòng. Con trai hai anh chị nay đã 21 tuổi. Giống trường hợp như tôi, anh đi chiến trường khi chị vừa sinh cháu được vài tháng tuổi. Bây giờ cháu cao lớn có khuôn mặt, vóc dáng y hệt bố. Chị vẫn ở vậy với con. Tuổi trạc bốn mươi, nhưng nét xuân sắc thời con gái chưa phai nhạt mấy.

Đúng như Hiến lúc còn sống mỗi khi tâm sự riêng tư với tôi, anh ngâm mấy câu trong bài thơ “Nhà tôi” nổi tiếng của tác giả Yên Thao:

“…
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai bước đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào có mấy ai vui
Em lặng hồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ..!


Chị vẫn là công nhân có chân trong ban lãnh đạo Đảng nhà máy rượu. Chị chuyện trò với tôi mà hai khóe mắt đẫm nước. Tôi thầm cảm phục chị. Tiễn chồng ra đi khi chị vừa sinh con đầu lòng ở lứa tuổi đôi mươi. Thế mà bây giờ chị đã trên bốn mươi vẫn một dạ nuôi con thờ chồng. Vợ tôi chỉ đợi tôi mười năm ba tháng. Còn chị đã trên hai mươi năm gối chăn lạnh lẽo. Ôi! Có sự thủy chung son sắt nào hơn!

Chị cho biết căn nhà này vốn hai vợ chồng ở khi mới cưới. Bây giờ anh đã mất. Mấy người anh em bên chồng cả mẹ chồng xua đuổi đòi lại căn nhà. Nếu phải ra đi không biết mẹ con trú ngụ nơi đâu? Nhờ chính quyền địa phương can thiệp và sự giúp đỡ của anh chị em đồng nghiệp trong nhà máy, chị mới “bám trụ” được cho đến nay. Nhưng hàng ngày họ hàng bên chồng cứ gây khó dễ, hăm he, kiện cáo...

Tôi ra về đầu óc miên man nặng trĩu suy nghĩ về số phận con người suýt nữa đâm phải người đàn ông đi ngược chiều. Ông trợn mắt lầm bầm gì đó với tôi. Tôi cúi đầu xin lỗi mặc dù ông ta đi trái luật giao thông.

Cuối năm 1988, tôi phụ trách chỉ huy trưởng trung tâm tập huấn chiến dịch, chiến thuật cho cán bộ trung cao cấp quân sự phía Nam do Quân khu 7 quản lý, bất ngờ gặp lại chị. Lần này hai mẹ con vào cùng con trai của ông Năm Dũng người đã hy sinh cùng lúc với anh Hiến chồng chị. Cả ba người được tạm trú tại bộ phận tiếp tân T67 Quân Khu.

Anh con trai ông Năm Dũng trên ba mươi rất giống cha. Con giống bố chuyện thường tình, nhưng cả hai liệt sĩ đã để lại giọt máu của mình đều giống cha như đúc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #126 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:15:18 am »

Chuyến đi vào Nam của ba người không ngoài tìm kiếm mộ chồng, mộ cha tuy rất vô vọng. Ít ra cũng biết nơi chồng mình, cha mình đã ngã xuống ra đi vĩnh viễn bởi những làn đạn cay nghiệt của quân thù.

Tôi xin phép Quân khu nghỉ 5 ngày để đưa chị và mấy cháu trở lại chiến khu xưa. Tôi được trên cấp cho hai ôtô và một tổ công tác 4 chiến sĩ. Nếu tìm được mộ cất luôn hài cốt mang về.

Để dễ tìm vị trí mộ, tôi ghé thị xã Bình Dương tìm nhà đồng chí Chức. Anh vốn là cán bộ cơ yếu từng sống cạnh tôi khi ở chiến trường phân khu 1. Chính tự tay anh và mấy chiến sĩ vệ binh lợi dụng hầm ẩn phi pháo cá nhân, khoét rộng thành huyệt mai táng hai anh Dũng và Hiến ngay sau lúc bị máy bay truy sát bên cạnh gốc cây cầy.

Chức đã xuất ngũ trở thành ông chủ tiệm phở nho nhỏ ở góc đường trong thị xã. May mắn tôi gặp được cả hai vợ chồng. Vợ anh vốn là cô em y tá từng sống chung với chúng tôi, khi ở phòng tham mưu phân khu 1. Tôi là chủ hôn cho hai người trong buổi lễ đơn giản ở chiến khu. Lâu lắm chúng tôi không gặp lại nhau.

Nghe tôi nói về chuyện tìm mộ, hai vợ chồng sốt sắng rất có trách nhiệm với đồng chí mình. Cô Liễu vợ Chức đòi theo vì buổi chiều bất hạnh ấy có mặt cô tại hiện trường. Tôi dùng “quyền người chỉ huy cũ” quyết định cô ở nhà lo cho ba cháu nhỏ và quản lý thay chồng cửa hiệu vỏn vẹn hai chiếc bàn gỗ mộc cũ kỹ, khách ăn chỉ ngồi được năm sáu người.

Một lần nữa, cảnh vật bởi bàn tay con người làm thay đổi. Khu rừng cây non mấy hec-ta nơi căn cứ xưa lại bị ủi trắng. Thay vào đó những hàng cây cao su mới trồng được một năm tuổi vươn mình thẳng tắp ngút ngàn. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nơi đây đâu còn. Thay vào đó vài ba năm nữa cao su lớn lên sẽ chảy vàng trắng làm giàu đất nước.

Chúng tôi đứng đó ngóng trông bốn hướng đất trời mênh mông. Không còn chi dấu vết để lại một thời bom đạn. Hòa bình đã trở lại nơi này 14, 15 năm. Bến Chùa phố chợ nhỏ vùng đất rừng heo hút thời kháng chiến bây giờ đang thay da đổi thịt. Những ngôi nhà gạch chắc chắn vững chãi thay cho những túp lều tre nứa ọp ẹp thuở nào, chạy dài dọc theo trục lộ 14. Nhà nào cũng bao bọc bởi những khu vườn trồng cây ăn trái đang mùa sai quả. Có những vườn điều rậm rịt như rừng.

Chúng tôi chia nhau trú nhờ nhà hai mẹ con má Tám. Nhà má xưa kia cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các cơ quan trú đóng rải rác trong vùng. Ai cần mua gì như đường sữa, thuốc lá, bột ngọt, muối, xà bông, dầu xoa đá lửa... đăng ký với má hôm trước, hôm sau ra nhận về. Má chỉ lấy công làm lời. Má sống với người con gái đang tuổi dậy thì và cậu con trai út còn tuổi thiếu nhi.

Lần này gặp lại gia đình má khi tôi đưa chị Hiến và hai cháu về thăm căn cứ cũ, tìm mộ hai anh. Má chụp vò đầu tôi như hồi còn trẻ chửi vung lên: “Mồ tổ tụi bay. Nước nhà thống nhất độc lập rồi “dìa” Sài Gòn ở nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng chẳng thèm nhớ đến cảnh cũ người xưa. Bây giờ nếu giặc trở lại, tao mà thèm nuôi giúp bọn mày”. Tuổi má xấp xỉ tám mươi trông còn cứng cáp nhanh nhẹn.

Nói xong má lại cười, vừa bỏm bẻm nhai trầu, má tiếp: “Nói cho “dui”, bọn Mỹ có cho kẹo cũng chẳng bao giờ dám léo hánh đến xứ mình nữa phải không con”. Rồi má kể ra vanh vách một loạt tên họ mà má quen biết khi xưa rồi hỏi tôi bây giờ bọn nó ở đâu? làm gì? Có mạnh khỏe không? Gia đình thế nào?...

Thật tình sau giải phóng đã nhiều năm, anh chị em li tán mỗi người mỗi nơi để mưu sinh. Có người đang tại ngũ như tôi, có người đã phục viên, chuyển ngành... tôi không biết hết. Tuy đất nước đã độc lập tự do, nhưng những năm đầu rất khó khăn trong cuộc sống. Bản thân tôi xoay xở cho cuộc sống gia đình rất vất vả. Con trai tôi học phổ thông trung học, mỗi tuần phải dành 3 đêm cùng thằng bạn nó đạp xích lô kiếm thêm tiền để mua sách vở. Tiền lương tôi tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ngày hai bữa cơm rau với ít cá khô muối mặn. Cũng may được Nhà nước cho thuê rẻ căn nhà có chỗ trú ngụ. Nếu về quê chẳng có nhà cửa ruộng vườn gì.

Một câu mở đầu bài hát của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền “Chưa yên vui cho trọn ngày. Súng thép đã nắm vào tay…”. Chiến tranh biên giới Tây nam xảy ra, tôi lại ra mặt trận với đôi dép lốp, cái lon thực phẩm khô móc ngang lưng, ruột tượng gạo vòng trên cổ như thời đánh Mỹ.

Sáu năm bốn tháng ở chiến trường Campuchia, một năm đi học ở Hà Nội. Có mấy thời gian chung sống với gia đình. Tôi chẳng lo được gì cho hai con. Nhưng tôi tin chúng sẽ lớn lên và tự tin bằng đôi chân của chúng. Bây giờ yên tâm, cả hai đã vào đại học.

Tôi ngồi tỉ tê với má đôi chuyện về mình, rồi giới thiệu tình cảnh chị Hiến mà chồng chị nằm trong số anh chị em má vừa hỏi thăm. Lúc anh hy sinh ngay hôm sau má và bà con Bến Chùa đã biết, nhưng lâu ngày má quên. Giờ nhắc lại thấy chị lặn lội từ Bắc vào tìm kiếm mộ chồng, má khóc...

Tôi chưa biết làm thơ ngắt câu ráp vần thế nào, nhưng một ý thơ bật ra trong đầu tôi, xin phép lại vào đây một đoạn:

Mẹ Việt Nam ơi!
Ba mươi năm máu hòa nước mắt
Nay đã thanh bình
Mẹ vẫn trăn trở chuyền mình
Thắp sáng ngọn đèn
Ai còn, ai mất(?)
Có những chuyến tàu nối Nam Bắc
Kéo những toa tàu chờ đầm nước mắt
Nước mắt rơi buồn khóc người đã khuất
Nước mắt nỗi mừng cho ngày gặp mặt
…”


Lần này chúng tôi về trú năm ba hôm ở nhà má và người con gái của má. Những năm xưa chúng tôi đóng gần đây, cô là thiếu nữ mới lớn, không đẹp nhưng đằm thắm, mặn mà dễ thương. Lính ta nhiều cậu tranh nhau xin làm rể má. Má hẹn đôi ba năm nữa hãy hay. Nay cô thành góa phụ một con. Đứa con gái bây giờ gần bằng tuổi cô dạo đó.

Cả hai mẹ con lăng xăng dọn dẹp dành chỗ nghỉ cho anh chị em. Nhà má và nhà người con gái được xây dựng kiên cố, nền cao, mái ngói tường gạch, cửa kính trông rất khang trang. Má cho biết nhờ thằng út nay là quản đốc một nông trường cao su ở Dầu Tiếng xây nhà cho má và chị nó. Cái giếng mội năm xưa ở góc vườn, đêm đêm chúng tôi từ căn cứ ra đây họp chợ vừa tranh thủ tắm giặt vẫn còn. Nước trong như lọc. Uống vào ngọt mát như nước mới lấy trong tủ lạnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #127 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:15:54 am »

Suốt ba ngày chúng tôi bươn bả lặn lội khắp nơi, xác định vật chuẩn phương hướng, tranh cãi nhau, ước đoán chỗ này chỗ nọ, nhưng không xác định được vị trí cũ của gốc cây cầy. Nghi chỗ nào đào chỗ nấy. Mùa khô lại trên độ cao, triền dốc thoai thoải, đất cứng, Anh em thay phiên nhau kiên nhẫn đào.

Dù không tìm ra mộ, ít nhiều cũng an ủi, dịu bớt nỗi đau người mất chồng kẻ mất cha, chúng tôi mất những đồng đội đồng chí thân thương!.

Lãnh đạo địa phương nghe chúng tôi về tìm kiếm mộ liệt sĩ đến thăm hỏi. Bên ấm trà xanh trong khu vườn râm mát, các anh kể lại câu chuyện mới xảy ra vài ba năm gần đây.

Khi đoàn xe ủi của sở sao su Dầu Tiếng về ủi khu rừng này để trồng cao su, người ta phát hiện một miệng địa đạo đen ngòm sâu trong lòng đất. Có người tò mò mạo hiểm chui vào. Anh ta bắt gặp một xác chết khô trong tư thế ngồi, lưng tựa vào vách hào. Đoạn địa đạo dài chưa rõ bao nhiêu, không biết còn những gì trong đó, anh ta hốt hoảng chui ra trình báo địa phương. Từng mét đất được dè dặt bốc lên. Khúc địa đạo dài khoảng 50 năm mét. Có đoạn đã bị vùi lấp, có đoạn còn. Người ta tìm thấy 20 tử thi ở nhiều tư thế khác nhau. Ít ra đã 15 năm, xác các liệt sĩ chỉ còn bộ xương, nhưng qua quần áo vật dụng, người ta biết được trong những đồng chí hy sinh bao nhiêu nam bao nhiêu nữ. Có đồng chí nữ nhẫn vàng vẫn trong lóng xương ngón tay, giây chuyền vàng trên cổ, cả cái gương nhỏ cùng chiếc lược con trong túi áo... Có người ngồi lưng dựa vách hầm, báng gỗ AK bị mối, mọt ăn rỗ, nòng thép hoen rỉ vẫn gác nơi vai hoặc dựa bên cạnh. Có xác ngồi gập người trên gối với đôi chân co lại. Có xác nằm thẳng như đi vào giấc ngủ...

Có thể cái chết đến với họ bất thần. Hoặc họ bình thản đón đợi tử thần từ từ đến khi biết không còn con đường sống.

Không ai rõ họ thuộc đơn vị cơ quan nào?

Nhưng khi nghe kể tôi biết.

Những năm 1969-1971, Mỹ đánh phá ác liệt bằng mọi lực lượng, phương tiện chúng có từ vùng ven đô đến các khu tranh chấp, lấn chiếm vùng giải phóng đến sát mép sông Sài Gòn. Các cơ quan quân, dân, chính, Đảng phải tạt sang bên kia biên giới thuộc vùng đất Campuchia tạm lánh né để bảo toàn lực lượng. Một số bám trụ lại địa phương duy trì sự có mặt của ta, tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo phong trào. Riêng lực lượng vũ trang phân khu 1 có các trung đoàn như 16, 268, tiểu đoàn 2 Quyết Thắng, tiểu đoàn 4 đặc công Gia Định vẫn bám trụ địa bàn. Cơ quan Bộ Tư lệnh, phòng chính trị phải di chuyển sang bên kia biên giới. Phòng hậu cần, đặc biệt có 3 bệnh xá quyết không di dời trụ vững tại đến ngày toàn thắng. Sau này đồng chí chủ nhiệm quân y và một bác sĩ trưởng của một bệnh xá được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Các ban thuộc Phòng Tham mưu như thông tin, pháo binh, công binh, quân lực, cơ yếu và tác chiến văn phòng dưới sự lãnh đạo chỉ huy của phó Tư lệnh tham mưu trưởng vẫn kiên cường bám trụ, nhưng phải phân tán từng bộ phận để dễ di chuyển lánh né những cuộc vây quét khốc liệt, oanh kích liên miên của B52 và các binh đoàn hỗn hợp trên mặt đất của Mỹ.

Khi chúng tôi đóng trong căn cứ phía tây Đường Long bắc Bến Súc, cách chúng tôi về hướng tây bắc hơn nửa giờ xuyên rừng có một ban trực thuộc phòng tham mưu, một cơ quan tuyên huấn thuộc phân khu ủy xây dựng căn cứ ở đây. Không rõ vì sao bị lộ, một đơn vị thiết giáp Mỹ cày nát liên tục vùng này trong mây ngày liền. Tiếp đến chúng ủi khu vực trên thành vùng trắng.

Chúng tôi nhận được báo cáo mật: Có 20 anh chị em mất tích. Số người sống sót di chuyển chỗ khác. Nghe nói sau này cho người quay lại tìm sau khi Mỹ rút nhưng không tìm ra.

Bây giờ đã rõ. 14 năm sau số người mất tích được công nhân lái xe ủi của sở cao su Dầu Tiếng và bà con địa phương moi lên từ một đoạn địa đạo chắc do xe tăng hoặc máy ủi của Mỹ nghiến sập vùi lấp ngạt thở mà chết.

Các liệt sĩ được qui tập về nghĩa trang Bến Cát. Thấy hài cốt nhưng không không nhận dạng được tên họ mỗi người. Cơ quan đơn vị cũ sau chiến tranh đã giải thể. Kẻ còn sống mỗi người li tán mỗi nơi. Bộ phận làm chính sách đành xếp họ vào nhóm “Những liệt sĩ chưa tìm ra tên họ”.

Thật đau xót! Dù sao vong linh các anh chị đã được hội tụ với đồng đội đồng chí, nơi mọi người lui tới viếng thăm, tưởng niệm. Vong linh các anh chị không còn vất vưởng nơi mảnh rừng bao lần thay cây đổi lá suốt hơn chục năm trời không có được nén hương thơm!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM