Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:04:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6534 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:10:41 am »

Mọi việc tiến hành khẩn trương chu tất không sơ suất.

Bảy giờ pháo binh Mỹ bắt đầu hoạt động. Pháo từ căn cứ Lai Khê bắn lại, Bến Cát bắn qua, Dầu Tiếng bắn xuống, ít ra cũng mươi lăm khẩu bắn cấp tập nhằm vào ô rừng có căn cứ chúng tôi. Đạn rải đều trên diện tích nhỏ hẹp hơn một hecta.

Mọi người đều chuyển xuống tầng hai của địa đạo.  Tôi ngồi lại tầng một bên dưới nấp hầm nơi anh Năm Lê làm bếp để theo dõi nghe ngóng tình hình. Tôi tin Sáu Thành đã ngụy trang kỹ. Việc gì chứ tài gài mìn và ngụy trang anh chẳng kém ai, rất khéo tay. Những quả đại bác xuyên sâu phá công sự thật khủng khiếp. Tiếng nổ của nó trong lòng đất chỉ nghe ục ục, nhưng ngồi trong hầm cảm thấy như một cơn địa chấn với cường độ rất mạnh.

Pháo ngừng bắn sau mươi lăm phút oanh kích. Tiếng trực thăng bầy ầm ầm lao đến. Chúng nã trọng liên, đại liên khắp rừng để dọn bãi hạ cánh. Tôi ngồi ở tầng một nghe rõ mồn một mọi diễn biến trên mặt đất. Tiếng gầm rú của động cơ mấy mươi chiếc tăng và bọc thép, tiếng rít của cánh quạt trực thăng hạ cánh, tiếng la hét của bọn lính Mỹ vừa lao xuống đất... Làm cụm rừng bé xíu chao đảo nghiêng ngã như chú thỏ con bị hàng chục sói dữ bao quanh nhe nanh múa vuốt chực nuốt sống ăn tươi.

Quân Mỹ bao vây toàn bộ khóm rừng, hình thành bủa lưới vòng rộng vòng hẹp, vòng trong vòng ngoài. Khi đổ quân ngoài số trực thăng vũ trang yểm trợ, thường mỗi tốp có từ 7 đến 9 chiếc chở quân. Mỗi chiếc trừ giặc lái có 7 tên lính chiến đấu. Có tất cả 7 lần tốp. Tôi ước tính một tiểu đoàn bộ binh có trên 400 đến 450 quân. Tôi lẩm bẩm với mình: “Chúng đã bủa lưới lúc nào thì phóng lao đây”.

Có tiếng chân đi rầm rập. Tôi nghe cây lá bị xéo đẩy rào rào từ bìa rừng vào hướng hầm ngủ của tôi rồi đến hầm tham mưu trưởng. Chúng kéo nhau đi như đã thông thuộc đường đi nước bước, mặc dù trước khi xuống địa đạo, anh chị em ngụy trang rất kỹ. Ngày thường chúng tôi qua lại không để hình thành dấu mòn. Tôi nghe rõ giọng xì xồ của chúng.

Một tiếng nổ đanh gọn. Tiếp theo tiếng rên rỉ, la thét ồn ào chộn rộn. Tôi quá đổi mừng khấp khởi. Một đồng chí từ tầng hai chui lên bò đến bên tôi thì thào: “Anh Năm hỏi tiếng nổ gì thế? Chúng định dùng mìn đánh hầm ta ư?”. Tôi rỉ tai anh bảo: “Đừng lo đấy là tiếng mìn của Sáu Thành gài bên ngoài hầm. Ít ra cũng một đôi thằng lên thiên đàng. Báo lại anh Năm và anh chị em yên tâm.

Bên trên bọn Mỹ đang phát cây. Tôi biết chúng dọn bãi cho trực thăng cứu thương hạ cánh.

Trái mìn nổ gây thương vong làm bọn Mỹ chậm mất thời gian tìm kiếm miệng địa đạo. 12 giờ trưa, bọn Mỹ lúc này la lối ầm ĩ hơn. Tiếng trực thăng hạ cánh, 10 phút sau bay đi. Tôi vái trời mong sao chúng chui xuống hầm qua bậc thang nhiều cấp thế nào cũng dính quả thứ hai của Thành. Quả thật, tiếng nổ lần này to rền hơn quả thứ nhất. Có thể Thành gài quả thứ hai có sức công phá lớn, mạnh hơn. Tiếng nổ trong hầm kín nên âm vang to hơn ngoài trời. Bọn Mỹ la hét chạy tới chạy lui rầm rập. Ngồi sâu dưới tôi càng khoái chí. Trái mìn nổ sẽ văng tung đất cát càng lấp kín miệng địa đạo trong hàm ếch được ngụy trang bằng cái bếp nám khói đen.

Mỹ loay hoay hơn tiếng đồng hồ giải quyết việc cấp cứu chuyển thương. Sau đó tôi nghe tiếng cuốc đào bới trong hầm ngủ. Mỹ cố tìm miệng địa đạo. Tôi tin chúng khó phát hiện trừ phi có người chỉ dẫn. Nghĩ đến đây tôi đâm lo. Nếu ai đó trong cơ quan phản bội dẫn Mỹ đến thì chuyện sống chết của chúng tôi quyết định trong một hai giờ sắp tới.

Anh Năm Lê cho người lên gọi tôi xuống tầng hai hội ý.

Anh hỏi tôi nhận định chuyện này thế nào? Tôi đưa sự nghi ngờ có người dẫn Mỹ đến căn cứ chúng tôi ra bàn với anh.

Không phải ngẫu nhiên chúng thọc thẳng đến hầm ngủ của tôi và anh như đã từng quen biết. Nếu có kẻ phản bội, người đó là ai? Số anh em trên căn cứ Cá Rô không ai biết hầm anh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:11:36 am »

Anh Năm Lê đồng tình với ý kiến tôi. Tôi nói tiếp: “Điều may, nếu có kẻ dẫn đường chắc chắn phải đi đầu kèm theo một vài tên Mỹ áp tải. Bọn này thương vong do quả mìn đầu của Sáu Thành. Nếu chỉ một tên ta đỡ lo. Điều này chứng tỏ sau khi bị quả thứ hai chúng vẫn không biết miệng địa đạo nên đang đào bới tìm.

- Nếu chứng tìm được miệng địa đạo trong bếp thì sao?

- Chúng chẳng dám mò xuống. Sẽ tìm mọi cách phát hiện lỗ thông hơi và sống địa đạo, dùng chất nổ cực mạnh đánh sập vùi lấp chúng ta ở đây. Tuy sống địa đạo tầng một đất dày đến hai mét, nhưng khó chịu nổi hàng tạ thuốc nổ cho từng điểm đặt của chúng. Giải pháp tốt nhất là trồi lên sống chết với chúng để thoát vây.

- Mười Nỹ, đồng chí là bí thư liên chi bộ tác chiến và văn phòng, tôi thay mặt Đảng ủy cấp trên ủy nhiệm đồng chí tổ chức cuộc đối đầu với quân Mỹ, tìm cách thoát vây trong ngày và đêm nay ra khỏi đây.

Các Đảng viên và số anh chị em ngoài Đảng được triệu tập ngồi dọc tường hầm. Tôi phổ biến tình hình đang diễn ra trên mặt đất. Giả thiết có kẻ phản bội nào đó chỉ dẫn Mỹ đến vây hãm tấn công căn cứ và thủ đoạn nếu chúng phát hiện ra địa đạo. Địa đạo cấu trúc chắc chắn nhưng khó chịu nổi sức công phá nhiều tấn thuốc nổ. Mỹ không tiếc gì chuyện đó. Ta không thể thụ động bó tay chờ chết. Bây giờ đã 15 giờ. Địa đạo còn 3 ngách hầm chui lên... Sau đó tôi đưa phương án phá vây ra bàn. Mọi người tán thành và hạ quyết tâm. Kế hoạch là: mỗi ngách hầm lên, tổ chức một tổ ba người trang bị AK với cơ số đạn đầy đủ. Ba ngách 3 tổ. Từ đây đến khi trời tối nếu thấy hiện tượng quân chúng giang xa để máy bay ném bom tấn xuyên sâu hoặc đặt chất nổ phá công sự loại cực mạnh, đồng loạt xông lên nổ súng đánh tới tấp phủ đầu chúng cho đến tối. Anh chị em còn lại chia thành tổ tự động len lỏi thoát ra vòng vây rút về căn cứ dự bị bên kia. Không rút ra xa vì Mỹ phong tỏa các đường và hướng có thể đi đến. Tôi không quên động viên anh chị em giữ vững khí tiết nếu lỡ sa vào tay địch như gương hai chiến sĩ trung đoàn 88 trong chiến dịch Tết Mậu Thân. Nếu địch chưa phát hiện được địa đạo, đến tối sẽ tìm cách len lỏi bí mật rút khỏi nơi đây.

Anh em tình nguyện xung vào các tổ xung kích nhiều hơn số cần thiết. Tôi chỉ chọn 9 người trong đó tôi làm tổ trưởng một tổ. Đồng chí Sáu Thành bên cơ yếu và đồng chí On trợ lý đồ bản mỗi người phụ trách một tổ. Ai có lựu đạn tập trung cho các tổ chiến đấu.

Lúc này tiếng cuốc bọn Mỹ bên trên lơi dần, vài mươi phút sau ngưng hẳn.

Đã năm giờ chiều.

Tôi trườn lên tầng một tiếp tục nghe ngóng. Tiếng bước chân bọn chúng chuyển về hướng hầm ngủ của tôi. “Chúng tạm thời rời khỏi mục tiêu trong đêm nay nhưng chưa hẳn đã bỏ - tôi nghĩ - Dù sao cũng tạo cho mình cơ hội”.

Sáu Thành bò đến bên tôi báo tin Mỹ rút qua bên hầm ngủ của tôi như tôi dự đoán. Giá như chúng ém quân ngay đây có khi đêm nay buộc phải thực hiện theo phương án chiến đấu thoát vây. Đó là cách giải quyết tình huống không còn cách nào khác. Mọi hành động quân Mỹ không qua khỏi cặp mắt tinh tường của Thành. Miệng địa đạo thứ hai do anh phụ trách trong lùm gai rậm nhiều dây leo rất kín đáo. Tại đây anh quan sát mọi diễn biến hoạt động quân Mỹ. Anh cho biết hai quả mìn nổ đã có bốn cáng thương đưa lên trực thăng. Trời tối hẳn anh trồi lên mặt đất đến chỗ hầm ngủ anh Năm Lê ra tín hiệu rồi mở nắp cho chúng tôi lên. Mọi việc gì tiếp đến sẽ bàn sau.

Mọi việc tiến hành suôn sẻ. Chúng tôi lần lượt trở lên hầm ngủ. Nơi này Mỹ đào bới lung tung phản phất mùi máu tanh nồng. Đồng chí On trợ lý đồ bản và một đồng chí khác tình nguyện xung phong đi trinh sát chung quanh cụm rừng dò xem chỗ nào có khoảng trống trong màn lưới Mỹ bủa vây để đưa đoàn thoát ra. Một điều tôi không ngờ, bốn cô gái chị nuôi, y tá thư ký đánh máy xin trở lại bếp nấu ăn làm bữa cơm tối và cho cả ngày mai. Chúng tôi đã nhịn bữa ăn trưa nhưng không ai thấy đói. Khui bếp và giếng nước, đỏ lửa trong đêm có nên liều lĩnh mạo hiểm không? Quân Mỹ đang bí mật ém phục ngay hầm ngủ của tôi chỉ cách bếp 50 mét. Rất dễ lộ nguy hiểm lắm. Đồng chí quản lý và các em gái quả quyết làm được.

Bếp nấu được âm xuống đất như hầm bí mật, miệng lên xuống có nắp đậy kín được ngụy trang, có hệ thống thông khói theo phương pháp bếp Hoàng Cầm. Ở đây khu đất cao nên đào sâu đến 11 mét, mùa khô vẫn nhiều nước. Cả hai khi đã đậy nắp, ngụy trang kỹ, người lạ đứng kề bên khó phát hiện. Suốt ngày hôm nay bọn Mỹ lùng sục khắp nơi vẫn chưa phát hiện. Tin ở khả năng và sự khéo léo của chị em, đặc biệt kinh nghiệm và tháo vát của đồng chí quản lý, chúng tôi yên tâm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:12:28 am »

Hai tiếng đồng hồ sau, tổ trinh sát trở lại mang về cho chúng tôi nỗi mừng tưởng không có gì quý hơn. Anh em cho biết Mỹ bao vây chặt cụm rừng. Cách vài ba mươi mét một chiếc M113 hoặc tăng lù lù án ngữ. Bộ binh chúng rải đều im hơi lặng tiếng. Ngay mùi thuốc lá thơm chúng thường dùng cũng không ngửi thấy. Phát hiện được qua mùi thơm của dầu xoa chống muỗi. On cho biết trong cái khó ló cái may, Mỹ vây kín nhưng vẫn còn đường thoát. Đơn vị Mỹ phong tỏa hướng chúng tôi về căn cứ dự bị là đơn vị được phái lùng sục tìm địa đạo chúng tôi trong ngày. Hiện chúng bí mật ém lại trong căn cứ để theo dõi hoạt động của ta trong đêm. Vì vậy hướng ta cần phải rút ra Mỹ bỏ trống. Lại một sự ngẫu nhiên trùng hợp khó tin.

Làm như có bàn tay huyền bí nào bố trí xui khiến bọn Mỹ như thế. Chúng tôi ai cũng mừng như bắt được vài tạ gạo.

Gạo đối với chúng tôi lúc nào cũng quý hiếm. Nhiều lúc ta phải hy sinh mạng sống mới kiếm được năm ba bao gạo. Cơm ăn tối, cơm vắt ngày mai được mang đến.

- Có phát hiện Mỹ phục gần đây không?

- Nghe rõ chúng bẻ nhành cây xua muỗi tuy chúng đã xoa dầu chống muỗi. Rừng kín dày. Cây cối bị đại bác bắn làm tróc gốc gãy cành la liệt lại càng kín hơn. Chị em thận trọng từ cái nhắc tay, từng bước chân xê dịch. Lúc nấu đậy kín nắp hầm không lọt ánh lửa ra ngoài... mình sợ nó một, nó mình gấp mười. Đố thằng nào dám rời xa chỗ nằm năm ba bước nghe ngóng động tĩnh. Thằng nào cũng lo rúc đầu co cổ sợ bị tấn công. Vả lại trong rừng đêm tối khẽ vang nhiều tiếng động như cành gãy nhánh rơi, con chim đập cánh, con chuột rúc hang, con rắn mối lướt trên lá ủ… Làm lính Mỹ chết khiếp sợ đặc công Cộng Sản mò đến. Nếu nghi ngờ chúng không dám bắn. Bắn bị lộ làm hỏng kế hoạch. Chúng âm thầm theo dõi có hay không sự xuất hiện của ta. Nếu có từ đâu chui lên. Chỉ bắn trả khi bị tấn công.

Ban ngày bom pháo đinh tai ức nhức óc, làm chao đảo xáo động như muốn chặt xới bằm nát cả khu rừng, về đêm lại yên tĩnh lạ lùng. Không hề một tiếng nói, tiếng kêu của bọn Mỹ, hay một phát tín hiệu, một quả pháo sáng...

Chúng tôi kiên nhẫn đợi đến khuya để cho quân Mỹ mệt mỏi lịm trong giấc ngủ sẽ bí mật rút ra. Chúng tôi cho kiểm tra việc mang xách của từng người trong khi di chuyển không để phát ra tiếng động, dặn dò chu đáo tránh để xảy ra một sơ suất nhỏ mang đến tai họa không lường.

Một giờ sáng ngày 29 tháng chạp năm Kỷ Dậu (1970) chúng tôi như ngậm tăm bí mật, thận trọng, lách qua khỏi vòng vây của Mỹ rút về căn cứ dự bị bên kia lộ ủi. Như thế chúng tôi đã lộn lại trụ sau lưng chúng khoảng 150 mét nằm ngoài vòng vây, nơi chúng không chú ý đến.

Tiểu đội vệ binh tiếp tục trụ lại căn cứ của anh em. Tên chỉ điểm không biết chỗ này tất nhiên quân Mỹ cũng không biết

Về đến căn cứ dự bị ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bao nỗi âu lo được vơi đi. Cái nguy hiểm đang rình rập sát nách được đẩy ra xa đôi chút...

Sau khi thoát hiểm còn chút thời gian trước khi trời sáng, tôi và Tham mưu trưởng bàn xem kẻ nào phản bội dẫn Mỹ đánh trúng phóc vào căn cứ. Trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, anh Năm Lê đập khẽ vào vai tôi báo hiệu anh đã tìm ra đáp số bài toán vướng mắc đầu óc cả hai suốt ngày hôm nay. Anh thì thầm vào tai tôi: “Thằng Đ. Chết tiệt này chứ không ai”.

- Sao nó biết hầm anh?

- Dạo xe Mỹ tiến sát bìa rừng phía đông căn cứ, cái đêm mà cậu rình bọn nó đấy. Thằng Đ, tôi đang giao nhiệm vụ cho hắn ngay hầm ngủ của tôi. Tôi cho hắn cùng xuống địa đạo. Ngoài hắn ra không ai biết. Hắn là trợ lý của cậu, hắn biết rõ hầm ngủ của cậu. Dĩ nhiên căn cứ này hắn thuộc trong lòng bàn tay. Nhưng vì sao hắn bị Mỹ bắt, bị bắt trong trường hợp nào? Lúc nào? Điều cả hai chúng tôi chưa khẳng định.

Vậy tên phản bội nào đó vẫn là ẩn số.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:13:25 am »

Chỉ vài hôm sâu bài toán này đã được giải

Đ. là một tiểu đoàn trưởng có tiếng gan lì, đánh trận dũng cảm. Vóc người anh ta cao lớn, da đen ngâm trông như một đại hán, quê Quảng Bình, trình độ học lực mới hết lớp ba nhưng tài tán gái loại “vua”. Đi đến đâu vài ba hôm Đ. đã có “em ôm” bất kể đẹp xấu. Không hiểu sao người ta lại điều hắn về làm trợ lý tác chiến cho tôi. Làm cái nghề này không gì ghê gớm, nhưng đòi hỏi phải có một vốn kiến thức nhất định về phương pháp tổng hợp nhận định đánh giá tình hình rút ra vấn đề kết luận về địch về ta, về phương thức hoạt động tác chiến, về xây dựng phát triển các phong trào du kích chiến tranh, đấu tranh chính trị của quần chúng... Phải dự thảo xây dựng phương hướng hành động, phương án tác chiến, công tác bảo đảm.v.v... Đòi hỏi anh ta làm việc này thà cho anh ta chịu phạt bỏ đói còn hơn. Sở trường và khả năng duy nhất của anh ta về làm cán bộ tác chiến là được cử đi làm phái viên chiến trường. Nhiệm vụ này với anh ta rất thích hợp. Được đi đây đi đó có dịp “cà kê dê ngỗng” nhậu nhẹt tán tỉnh...

Sử dụng cán bộ không đúng người đúng việc là lỗi của lãnh đạo. Tôi đề nghị anh Năm Lê đồng ý bố trí anh ta xuống trung đoàn bộ binh 268. Nơi đây vốn khuyết một tham mưu phó trung đoàn.

Được quyết định của Bộ Tư lệnh, nhận nhiệm vụ mới tuy ở chức “quyền” nhưng Hai Đ. sướng như muốn phát điên. Chính cái đêm đến gặp tham mưu trưởng nhận nhiệm vụ mới là lúc anh buộc phải cho hắn xuống địa đạo khi xe tăng Mỹ ép sát mé rừng.

Trung đoàn bộ binh 268 thường đứng chân vùng Trảng Bỏ - Bờ Lới. Đơn vị thường xuyên nóng ra hoạt động vùng An Tịnh và một số xã Nam Trảng Bàng. Hai Đ. về đây như thả hổ về rừng. Xã An Tịnh là xã có phong trào du kích chiến tranh khá mạnh thuộc vùng tranh chấp. Về đêm nhiều ấp nhất là những ấp giáp vùng căn cứ ta hầu như ta hoàn toàn làm chủ. Mặt trời chưa khuất hẳn cán bộ, bộ đội... ùn ùn kéo vào các ấp đặt hàng lấy gạo mua bán lắm thứ. Là dịp mọi người bù khú tán tỉnh tổ chức nhậu nhẹt, đờn ca tài tử... Nơi này thường diễn ra những cuộc gặp gỡ người ngoài khu với kẻ trong thành ra hội ngộ.

Hai Đ. về đơn vị mới thời gian ngắn, không thể cưỡng lại lực hấp dẫn lôi cuốn anh ta vào vòng xoáy lắm thứ chuyện ở những xóm ấp này. Anh ta bị gài bẫy trụ lại ban ngày để cho bọn Mỹ đến tóm cổ.

Đ. bị bắt, tính gan lì dũng cảm như lời đồn đại ca ngợi anh ta “chạy thoát” đâu mất. Bị lôi ra khỏi hầm bí mật anh ta quy phục đầu hàng. Mỹ vớ được Hai Đ. như hốt được bạc, anh ta vốn cán bộ tác chiến tất nhiên phải nắm chắc tình hình hoạt động, tổ chức, vị trí các căn cứ cơ quan tham mưu phân khu 1, thứ mà quân Mỹ tốn bao công sức trong nhiều năm không lần ra dấu vết.

Bị bắt ngày 25 tháng chạp âm lịch, một ngày sau anh ta dẫn Mỹ vây đánh căn cứ Cá Rô (Bến Chùa). Củ Chi là một trong mấy căn cứ cơ bản của phòng tham mưu. Hiện nơi đây có một bộ phận 20 anh em của văn phòng trú đóng. Trong vùng còn nhiều cơ quan khác. Văn phòng đã tổ chức được một chuyến đi vượt sông Sài Gòn qua Củ Chi mua sắm lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho Tết sắp đến.

Sáng ngày 26 tháng chạp Mỹ bất ngờ đổ quân vây chụp. Rừng khu vực này không lớn. Anh em xây dựng hai hệ thống địa đạo, một của văn phòng, một của ban thông tin. Nhưng của ai nấy biết. Người bộ phận này không rõ hệ thống địa đạo bộ phận kia. Địa đạo văn phòng, tên Hai Đ. quá rành. Hắn đã nhiều lần chui xuống bò lên. Cả hai miệng hầm hắn nắm trong tay.

Vận dụng chiến thuật “Bủa lưới phóng lao”, Mỹ dùng trực thăng chở quân bất ngờ đổ chụp nơi khu đất trống hình thành ngay thế vây chặt đón lỏng. Việc đầu tiên chúng chặn vít hai miệng hầm. Sau đó giở trò kêu gọi chiêu hôi dụ hàng, đe dọa đủ điều.

Cuộc đổ quân vây chụp của Mỹ thật bất ngờ. Anh chị em bên trong địa đạo trước cái chết gần kề động viên nhau thà hy sinh quyết không hàng giặc. Mọi người nắm tay nhau biểu thị lòng quyết tâm sắt đá. Anh em tổ chức hai đội trang bị AK, lựu đạn, bố trí hai đầu sẵn sàng tiêu diệt nếu tên nào có gan mò xuống. Mỹ có kinh nghiệm không bao giờ dám thò chân xuống hầm. Chúng chỉ ở bên trên la hét kêu gọi dụ dỗ... Đáp trả mọi cố gắng của chúng bằng sự im lặng. Mỹ cay cú ra lệnh dùng thuốc nổ đánh hầm. Chúng đào lỗ âm gần mép theo sống địa đạo chôn thuốc nổ cực mạnh lần lượt đánh từng đoạn một.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:14:49 am »

Đoạn địa đạo văn phòng dài 50 mét. Mỹ đánh từ hai đầu lại. Lúc còn 20 mét đoạn giữa, anh em phải dồn siết chặt bên nhau. Nhiều người bị chấn động của bộc phá mồm mũi rỉ máu. Nghe chúng đào lỗ chôn thuốc nổ trên đầu như tiếng cuốc đào huyệt chôn mình. Mọi người sẵn sàng đón đợi cái chết thê thảm trong năm hết Tết đến. Không ai dao động. Không lời đề nghị tìm cái sống nhục nhã. Có tiếng của đồng chí nào đó vang lên: “Bác Hồ ơi! Chúng con sắp đến với Bác đây!”.

Một điều ngẫu nhiên lạ lùng lại xảy ra, tiếng đào xới chôn mìn của bọn Mỹ bỗng ngừng hẳn. Mọi thứ tiếng ồn ào tất bật bên trên dịu dần, tản xa...

Thì ra đúng 18 giờ Mỹ ngưng hoạt động nghỉ tay tắm rửa ăn tối. Có thể chúng cho bọn “Việt cộng” như cá nằm trên thớt chạy đâu cho thoát.

“Mô phật, Bác Hồ linh thiêng đã cứu chúng con”!

Anh chị em sướng run. sắp phải vào cửa chết lại được quay lại. Đồng chí phụ trách lên tiếng: “nếu chúng đánh tiếp, chúng ta chết. Chúng ngừng đêm nay mọi người sẽ sống”.

Khi tên Hai Đ. ẩn trú trước đây trong địa đạo, chỉ có hai miệng hầm lên xuống. Khi hắn đi rồi anh em khoét thêm một ngách làm miệng hầm thứ ba được trổ giữa đoan địa đạo. Hắn không biết miệng hầm này.

Anh chị em kiên nhẫn đợi đến khuya khi quân Mỹ sau một ngày tất bật vất vả, chúng lăn ra ngủ say như chết. Anh em thành lập tổ cảm tử sẵn sàng chiến đấu kềm chân Mỹ để các đồng chí khác thoát vây nếu bị lộ. Lúc bấy giờ cách đó hơn 50 mét, một tổ thông tin từ miệng địa đạo bí mật của mình ngóng về hướng văn phòng hồi hộp lo âu cho đồng đội. Địa điểm này tên Hai Đ. chưa hề biết đến. Khi bắt được liên lạc với nhau anh chị em không xiết nỗi mừng. Đúng như từ cõi chết trở về.

Điều làm Mỹ sững sờ ngạc nhiên vì ngày hôm sau chúng tiếp tục đánh sập toàn bộ đoạn địa đạo còn lại. Chúng đinh ninh không một tên “Việt Cộng” nào thoát được chết. Chúng ra sức bươi móc nhưng chẳng thấy chi ngoài mấy bì gạo, một số thực phẩm, nhu yếu phẩm tung tóe trộn lẫn bụi đất vung vãi khắp nơi. Tuyệt nhiên không một xác người, một khẩu súng, một trang tài liệu, ngay cả một băng đạn để để làm chiến tích cũng không.

Chúng tôi sống chung với quân Mỹ cách nhau một dải rừng hẹp. Ban ngày mọi người sống và làm việc dưới địa đạo. Địa đạo nơi nào rộng nhất chỉ 1,2 mét, thường chỉ 0 8 đến 1 mét, chiều cao từ 1 đến 1,2mét, dưới rộng trên hẹp dần, như hình tam giác cân, đầu ôm tròn để tạo sự phân lực hợp lý, tăng thêm sự bền chắc. Cách 3 đến 4 mét có lỗ thông hơi moi xuyên hai bên hông đoạn hào để tạo dòng đối lưu không khí. Lỗ thông hơi dưới rộng gần bằng cái xô đựng nước, càng lên cao càng nhỏ dần, đến gần mặt đất chỉ còn cái lỗ nhỏ bằng ngón tay cái thông qua một đoạn tre chọc thủng mắt (nếu chung quanh đó có những bụi tre) hoặc một khúc cây mục rỗng ruột khó ai phát hiện. Xây dựng địa đạo một tầng hai tầng đã khó, nhưng khó nhất là khoét đào hệ thống thông hơi. Với chúng tôi nếu địa đạo một tầng, sống của nó phải dày 2 mét đất (mới đủ sức chống lại xe ủi, xe tăng cày xéo bên trên). Với độ dày này khoét lỗ thông hơi hai bên, đường khoét chênh chếch phải đến 2,5 mét. Địa đạo 2 tầng phải nhân gấp đôi. Từ dưới xoi lên, người xoi trong tư thế gò bó với chiều dài 5 mét không phải dễ làm. Cần có người tay nghề giỏi nhiều kinh nghiệm và có dụng cụ chuyên dùng. Dù ở sâu dưới đất miệng địa đạo đã lấp kín nhưng không gây khó thở, bên trong vẫn có gió lùa mát rượi, thậm chí nằm ngủ phải đắp chăn chống lạnh (tác dụng của lỗ thông hơi nếu đào đúng cách). Mọi tiếng động bên trên nghe rõ. Để làm việc như đọc tài liệu, sách báo hay viết lách, đánh máy chữ chỉ bằng một loại đèn cầy (sáp) vì nó không có muội khói gây độc ô nhiễm không khí. Nếu lấy được những khối pin máy vô tuyến điện của Mỹ, ta gắn bóng đèn pin để chiếu sáng quá tuyệt.

Trừ tham mưu trưởng và mấy cô gái, chúng tôi luân phiên trực gác. Các đồng chí cơ yếu về căn cứ riêng. Miệng địa đạo ẩn trong vùng gai rậm nhiều dây leo nên rất kín đáo. Bịt mảnh vải dù loang lổ điệp màu với cây rừng để ngụy trang, chúng tôi ló đầu khỏi miệng hầm quan sát.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:15:53 am »

Có chuyện xảy ra. Giữa trưa trời nắng gắt, không gió. Vào mùa khô cuối năm lá rụng đầy mặt đất chuẩn bị cho nẩy những nụ mầm xuân. Tôi đang làm việc dưới ánh nến chập chờn, đồng chí trực bò đến bên tôi với giọng nói hồi hộp trong hơi thở dồn dập:

- Mỹ đến anh Mười ạ!

- Mỹ đâu?

- Gần miệng địa đạo, cách em chừng mươi lăm mét.

- Nhiều không?

- Em nhìn chỉ thấy một thằng. Rõ... rõ ràng thằng Mỹ.

Tôi vội chui lên, từ từ nhích từng phần một nắp hầm dịch sang bên, phủ kín tấm vải dù ló đầu quan sát. Chẳng thấy gì ngoài ánh nắng trưa xuyên qua kẽ lá thành những đốm sáng lay động lắc lư. Tôi kiên trì nghe ngóng phóng tầm nhìn các hướng, tai căng ra nghe tiếng động. Suốt nửa giờ như thế vẫn không phát hiện điều gì nghi ngờ. Tôi nhủ thầm: “Bọn Mỹ không dám đi lẻ một thằng sâu vào rừng. Đồ nhát như thỏ đâu dám mò mẫm vào đây. Anh chàng này luôn ám ảnh bọn chúng. Thần kinh anh ta căng thẳng, lại giữa trưa nóng bức dễ tạo ra ảo ảnh. Chuyện bình thường. Tuy thế tôi không cho phép mình chủ quan khinh suất, đề phòng chúng có nhiều tên mai phục đâu đây. Không được khinh thường bọn trinh sát Mỹ rất thông thạo kỹ thuật do thám. Tôi tự đảm phiên trực này cho đồng chí ấy hơn một giờ. vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi yên tâm bàn giao cho đồng chí khác trở về với công việc của mình.

Chiều xuống, đợi mặt trời lặn hẳn, bóng tối bao trùm, sau khi trinh sát kỹ trong khu vực không thấy dấu vết bọn Mỹ thâm nhập, chúng tôi mới lên mặt đất hít thở không khí trong lành. Các chị em moi miệng hầm bếp, giếng nước thổi cơm tối. Mọi người luân phiên rửa ráy tắm giặt. Việc sinh hoạt bình thường nhưng khi làm lại không đơn giản. Chị nuôi nấu bếp ngoài việc che chắn không để ánh lửa lọt ra ngoài, còn làm sao không để thoát ra mọi thứ mùi không kình thường như khê khét... để bịt những cái mũi thính hơi của bọn trinh sát Mỹ. Khi tắm rửa muốn không để lại dấu vết chúng tôi dồn lá khô cành gãy qua một chỗ, nước không vung vãi làm ướt sạch lá cây. Mờ sáng hôm sau nước khô cào lá lấp làm sao không ai nhận ra có bàn tay con người nhúng vào việc này. Phải tạo ra cảnh tự nhiên y hệt như vốn có của nó. Mọi người lặng lẽ đợi bữa cơm tối. Gọi bữa cơm chứ khẩu phần mỗi người được sét chén nhỏ nấu bằng gạo hẩm với tí muối quẹt (muối pha loảng trong nước hòa chút bột ngọt cô đặc sền sệt).

Ăn xong, mọi người lặng im, kẻ dựa gốc cây trầm ngâm người xếp chân bằng ngồi như thiền. Không chuyện vãn, không phát tiếng sặc tiếng ho... điều gì muốn nói đã nói với nhau dưới địa đạo. Cần lắm đến gần bên nhau rỉ tai nói thầm. Không một ai được mắc võng. Nơi buột dây dễ để lại dấu vết trên thân cây...

Quân Mỹ mấy hôm đầu còn giữ bí mật. Vài ngày sau yếu tố bất ngờ không còn, chúng tha hồ la to lớn tiếng. Nhờ thế chúng tôi dọ biết từng cụm đóng quân của chúng. Gần chúng tôi nhất có một cụm Mỹ khoảng 40 tên đóng ngay bìa ủi bên trên đoạn địa đạo ăn thông từ căn cứ dự bị chúng tôi đang ém đến chỗ tiểu đội vệ binh.

Mờ sáng khi bóng sao mai nhô lên lấp ló trên ngọn cây, mọi người xuống địa đạo mang theo vắt cơm bằng nắm tay dành cho bữa ăn trưa.

Cứ thế, chúng tôi sống suốt 25 ngày đêm cùng quân Mỹ kiên trì vây hãm chúng tôi. Các cô gái chừng ấy thời gian không hề thấy được ánh sáng mặt trời.

Căn cứ, nơi Mỹ tấn công bị đào xới bươi móc nát tan hoang tìm ra hầu hết các địa đạo của từng bộ phận, hầm ngủ, hầm bếp giếng nước... Nhưng không mò đâu ra những thứ chúng cần như người, vũ khí, tài liệu, kho tàng để có cái làm chiến tích. Bộ Tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh Mỹ tung vào cuộc vây quét này một lực lượng không dưới năm trăm tên vừa lính chiến đấu, lính công binh, biệt kích, trinh sát và cả chiến đoàn xe tăng thiết giáp, được máy bay ngày đêm yểm trợ nhằm vào một nhóm không quá 20 người của chúng tôi. Mỹ thực hiện cuộc vây quét dài ngày mà suốt 10 năm chống Mỹ tôi chỉ gặp lần này là một.

Sau khi thoát khỏi vòng vây, một hai ngày sau, bộ máy hoạt động của chúng tôi tiếp tục vận hành thông suốt. Chúng tôi vẫn duy trì đều đặn hàng ngày việc liên lạc bằng vô tuyến điện với các cơ quan chỉ huy lãnh đạo cấp trên. Cũng từ đây - nơi chúng tôi - vẫn phát đi những chỉ thị mệnh lệnh, kế hoạch, ý kiến giải quyết những vấn đề cụ thể cho các đơn vị địa phương dưới quyền.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:16:54 am »

*
*   *

TIẾNG NỔ TRONG ĐÊM GIAO THỪA

Tôi không còn nhớ đêm giao thừa giữa năm Kỷ Dậu (1969) với năm Canh Tuất (1970) là đêm 29 hay 30, nhưng đêm đó là đêm giao thừa đáng nhớ.

Sau khi thoát vây, tại căn cứ dự bị lúc bóng tối bao trùm cả khu rừng, chúng tôi lần lượt lên khỏi địa đạo để phơi mình trong cơn gió se lạnh của thời tiết đang bước sang xuân. Đồng chí tham mưu trưởng tự tay đong gạo. Đón năm mới khẩu phần làm bữa ăn tối nay được một lon sét sữa bò gạo hẩm làm bữa cơm muối quẹt mừng xuân. Thường ngày mỗi người một lon cho cả hai bữa. Một lon sét gạo sẽ thành hai chén sét cơm. Thế cũng “quá sang” trong tình cảnh này của chúng tôi. Trên căn cứ Cá Rô anh em đã làm một chuyến tiếp phẩm từ Củ Chi về đã bị quân Mỹ trộn lẫn đất bụi. Chúng tôi chưa biết tin này. Đến giờ phút sắp hết năm, chúng tôi không hy vọng gì chuyến tiếp tế về đến đây nữa. Thôi thì có hai chén cơm mừng cơn thoát hiểm đã là may rồi.

Cơm xới ra chưa ăn được lưng bát, hai tiếng nổ rền tiếp nhau chếch về hướng Tây tây nam nơi mép rừng bên phải chúng tôi đang trụ. Đây là tiếng mìn định hướng Mỹ. Sống ở đây sát lưng địch, chúng tôi an tâm không sợ phi pháo chúng bất ngờ oanh kích. Tiếng nổ nơi có con đường mòn từ cứ đang bị Mỹ vây về hướng đi lên căn cứ Cá Rô. Tôi lo, không còn chút “khoái khẩu” nào của hai chén cơm gạo hầm. Biết đâu có anh em trên ấy về sa vào bẫy mìn quân Mỹ. Thủ đoạn phục kích đánh mìn hoặc gài mìn chết là lối đánh phổ biến gần đây của biệt kích Mỹ. Tôi đang thì thầm trao đổi với anh Năm Lê, nghe có tiếng bước chân, tiếng người khe khẽ rì rầm. Một đồng chí đến báo có Tám Hiền và Năm Thanh từ căn cứ Cá Rô thoát vây về đây. Tám Hiền là cán bộ tài vụ của phòng tham mưu. Năm Thanh phụ trách quản trị hành chánh. Hai anh cùng điều hành số anh em trên căn cứ Cá Rô lo chạy gạo và mua sắm chút ít đồ Tết. Nghe hai anh kể chúng tôi mới tường tận chuyện Hai Đ. bị bắt dẫn Mỹ về đánh căn cứ. Anh chị em thoát được không ai thương vong. Mọi người trên ấy chưa ai biết cứ chúng tôi đang bị Mỹ tấn công. Chỉ phỏng đoán chừng chừng nên hai anh quyết định về lại dưới này xem tình hình ra sao.

Cùng đi với hai anh có Lũy, cậu bé liên lạc của văn phòng. Lũy mới 14 tuổi. Đi theo kháng chiến lúc còn bé tí tẹo vừa tròn ngày sinh năm thứ mười một. Em tuy nhỏ nhưng rất tháo vát nhanh nhẹn, ngoan hiền lại rất bạo gan. Trong cơ quan ai cũng mến yêu em.

Trên đường về em luôn đòi đi trước trinh sát thăm dò phát hiện dấu vết Mỹ. Hai anh không cho bắt phải đi sau cùng. Đến cách rìa ủi của căn cứ khoảng 300 mét em vọt lên nói khẽ: “Em cảm thấy có điều gì đó không ổn, hai anh hãy núp sau gờ đất này để em mò lên trước xem sao”. Hai anh chưa kịp giữ em lại, Lũy đã biến vào đêm tối. Mấy phút sau tiếng mìn định hướng nổ tạt về phía hai anh. Nguy rồi, Lũy dẫm phải mìn Mỹ - hai anh thảng thốt kêu thầm gục đầu xuống gờ đất ân hận tự trách mình. Đau buốt cả lòng vì xấu hổ. Lũy dành lấy cái chết thay hai anh. Biết địch phục vây căn cứ, hai anh gạt nước mắt tạt qua cụm rừng có căn cứ dự bị hy vọng gặp được chúng tôi.

Nghe tin Lũy hy sinh ai nấy như rụng rời tay chân chết tiếng cả người. Mấy cô gái cố kềm tiếng khóc bật to chỉ ôm nhau sụt sùi tiếc thương đứa em ngoan 14 tuổi đầu đã ra đi bằng cái chết thê thảm.

Trời mờ sáng, mọi người xuống địa đạo với tâm trạng nặng nề đau xót. Đồng chí On xung phong cùng Tám Hiền, Năm Thanh dè dặt lần dò trở lại nơi xảy ra thảm họa cho Lũy, cố tìm thi thể em. Nhưng sức nổ cực mạnh cùng lúc của hai quả mìn định hướng đã pha trộn thể xác em hòa tan trong đất bụi. Một mảnh vải nhỏ của bộ đồ em mặc cũng không còn vươn vất nơi lùm cỏ chà cây. Một giọt máu của em cũng bị vùi lấp hoặc tan biến trong khói bụi. Lũy chết để lại chúng tôi nỗi đau như muối xát lòng!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:18:42 am »

*
*   *

Trong cuộc vây quét của giặc Mỹ vào căn cứ, có tiểu đội vệ binh đóng cùng cụm rừng với chúng tôi cách xa trên 200 mét. Quân Mỹ không biết nên không chú ý đến. Vì vậy chúng tôi vẫn để anh em bám cứ, mặc dù một toán đông Mỹ chốt ngay trước mặt tiểu đội.

Có việc xảy ra hay hay giữa anh em chiến sĩ ta với bọn Mỹ tôi viết thành câu chuyện “Bám cứ” tặng anh em.

Xin ghi lại đây câu chuyện này.

BÁM CỨ

Tin tình báo chính xác, có kẻ chỉ điểm dẫn đường, bộ Tư lệnh Mỹ quyết xóa sổ một cơ quan chỉ huy đầu não Việt Cộng. Đó là phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Phân khu 1 Bắc Sài Gòn - Gia Định. Đơn vị từ Củ Chi vượt sông Sài Gòn về căn cứ phía sau đóng tại các lõm rừng Tây Bưng Cồng thuộc xã Thanh Tuyền huyện Bến Cát (Bình Dương).

Mỹ sử dụng một tiểu đoàn bộ binh kết hợp công binh biệt kích thuộc sư đoàn 1 “anh cả đỏ” ở Lai Khê bất ngờ dùng trực thăng đổ chụp. Chiến đoàn bọc thép vài mươi chiếc M113, tăng M41 từ hai chốt dã chiến Rạch Kiến - Phố Bình cơ động đến bao vây lõm rừng ngang dọc không quá 400 mét. Các trận địa pháo Lai Khê, Bến Cát, Dầu Tiếng cùng hỏa lực của máy bay ném bom và trực thăng vũ trang dồn dập cấp tập liên hồi để yểm trợ bộ binh và cơ giới tấn công.

Người Mỹ hí hửng chộp trúng đích. Bằng trận tập kích tiêu diệt bất ngờ chớp nhoáng họ tin chắc thành công. Hốt mẻ lưới này sẽ giải tỏa áp lực quân Giải phóng đè nặng nơi cửa ngõ Bắc Sài Gòn.

Vòng vây hình thành. Chốt kín vòng trong, đón lõng vòng ngoài.

Mỹ không nhầm. Họ đánh trúng mục tiêu.

Tuy bị bất ngờ, nhưng ta luôn thường trực cảnh giác, chuẩn bị chu đáo, có phương án dự phòng nên không hề hấn gì. Sau một ngày chịu đựng căng thẳng ém dưới địa đạo được xây dựng hai tầng, ta lợi dụng đêm tối, dò biết chỗ hở trong vòng vây khép kín của Mỹ, hai mươi cán bộ chiến sĩ trai có, gái có lách khỏi vòng vây chuyển đến căn cứ dự bị ở lõm rừng bên cạnh an toàn.

Đó là đêm cuối năm Kỷ Dậu (1969) sắp bước sang đầu năm Canh Tuất (1970).

Suốt ngày lùng sục không kết quả, Mỹ quyết không bỏ cuộc. Họ cho rằng chưa khui ra đối phương chứ không chụp vuột, Mỹ chuyển từ thế đánh chớp nhoáng sang thế vây dài ngày. Họ chà xát, xâm chỉa từng mét vuông đất để tìm địa đạo, hầm bí mật, kho tàng mà Mỹ cho là còn ẩn kín đâu đó. Họ tin Việt Cộng không thể thoát vây. Bị phong tỏa dù là “Thánh” ẩn sâu trong lòng đất đến lúc cũng phải trồi lên. Khó ai chịu nổi lâu ngày. Họ kiên trì vây hãm để bọn Cộng Sản biến thành “những con giun đất”.

Mùng bảy Tết Nguyên đán (1970).

Kể từ ngày Mỹ bất chợt đổ quân đánh phá ác liệt căn cứ đến nay đã 8 hôm. Tiểu đội vệ binh có 7 chiến sĩ được lệnh trụ lại căn cứ do không bị Mỹ phát hiện, để theo dõi bám địch. Đội trưởng Vĩnh, Tết này tuổi được 24. Anh quê Thái Mỹ một xã phía tây huyện Củ Chi. Lầm lì ít nói nhưng anh rất thành thạo chế các loại mìn gài tự động, trăm quả ăn chắc trăm. Đội phó Châm tuổi tròn 23. Anh vốn sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biết chút ít tiếng Anh. Vóc dáng thư sinh vui tính nhưng rất gan lì. Thích được đi trinh sát địch. Năm chiến sĩ còn lại có Bình quê địa phương Bến Cát. Còn Hùng, Dũng, Trọng, Dõng đều quê Miền Bắc vùng Hà Tây, Phú Thọ. Tuổi đời các anh 24 trở lại, nhưng thâm niên chiến đấu không ai dưới 3 năm. Trừ Trọng có vợ một con. Số kia đều trai tân. Trọng thường bị anh em chê là “dê con ham nhảy cái” sớm. Mỗi lần thế là Châm có dịp trêu Trọng. Anh ngâm mấy câu ca dao theo điệu sa mạc:

... Em ham giàu nên em lấy thằng bé bí tí ti
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ
Em đem thân cho thằng Trọng nó dày vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng
Cũng đa mang là gái có chồng
Chín đêm đã phải nằm không cả mười...
Nói ra sợ chị em cười...


Trọng cãi lại: “Nằm không mà tớ đúc ra một thằng nhóc à”. Sợ bị trêu tiếp Trọng chặn trước: “Thằng nhóc là bản sao chính hiệu con nai vàng của tớ đây. Nó giống tớ như đúc”. Một đồng chí khác chêm vào: “Sau này nó giống thằng Trọng - bố nó - cả cái tính ham nhảy cái sớm nữa đây”. Trọng cười hả hê: “Thế là tớ có kẻ nối dòng. Mấy cậu thì... trơ đếch hà... hà”.

Đại khái chuyện thường ngày trong tiểu đội là thế. Hiện giờ giặc sát nách, có chuyện chi chỉ thì thầm bên tai.

Căn cứ tiểu đội cùng cụm rừng với cứ chỉ huy nhưng ở cuối lõm. Tên chỉ điểm không biết. Nhờ vậy tuy nằm trong vòng vây nhưng bọn Mỹ không chú tâm đến. Cửa địa đạo sát mé rừng cách chốt Mỹ gần nhất không quá vài trăm bước chân. Nó ẩn kín trong lùm gai rậm. Anh em ngụy trang rất khéo. Đứng gần sát bên khó phát hiện. Ló đầu lên khỏi miệng hầm từ bên trong quan sát rất rõ mọi hành động bọn Mỹ bên ngoài.

Tết đã qua hơn tuần. Đón xuân trong hầm sâu bằng nhấm nháp mấy nắm gạo rang sắp hết. “Không ngờ quân Mỹ vây quét dài ngày. Nó chơi trò ú tim với ta đến bao giờ? Làm sao đây? Gạo ăn đã hết…”. Câu hỏi đặt ra được lập lại nhiều lần nhưng chưa có lời giải.

Đội phó Châm thường ngày ló đầu quan sát cảnh giới - Anh thường trực thay các đồng khí khác ngoài phiên gác của mình. Mọi hành động địch không qua mắt anh. Chợt một ý định táo bạo lóe trong đầu. Anh đề xuất cùng đội cách giải quyết bế tắc. Anh em bấm tay nhau tán đồng thay tiếng reo khi tìm được giải pháp độc đáo.

Mỗi ngày khoảng 8 giờ Mỹ ở các chốt được trực thăng mang đến các bữa ăn trong ngày. Thực phẩm đóng hộp. Nước uống tinh khiết trong bao ni lông, mỗi bao đựng 5 đến 7 lít nước. Mỹ ít khi dùng hết khẩu phần trong ngày. Thừa gom lại từng đống đủ loại, xế chiều trực thăng “quả chuối bay” hai cánh quạt (chinock) cẩu đến những thùng to đựng nước có vòi tắm. Chốt Mỹ trước mắt lính ta cứ mặt trời nghiêng bóng ngóng cổ đợi trực thăng thả nước và quần áo sạch. Lần này đến lượt chúng qua chốt bên cạnh ở mép rừng phía phải cách đó khoảng 300 mét để tắm rửa thay quần áo. Cả trung đội kéo đi không để ai trực gác. Đơn vị cơ giới đã rút sau một tuần vây hãm chà xát không kết quả. Chỉ còn lính bộ binh, công binh... chốt lại tiếp tục lùng sục tìm kiếm, chúng đinh ninh chẳng ma Việt Cộng nào dám hó hé đến gần.

Đã nắm quy luật, chờ dịp này chiến sĩ ta ra tay. Theo kế hoạch của Châm, anh em trồi lên mặt đất. Tốp cảnh giới, tốp tiếp cận mục tiêu. Thoáng chốc đống đồ hộp to tướng, những bọc nước cho vào bao tải tuôn nhanh xuống hầm. Xong xóa kỹ dấu vết. Việc này lính ta nhiều kinh nghiệm và khéo tay.

Bọn Mỹ trở lại vừa đi vừa hát nghêu ngao. Có tên rống ồ ồ như bò cái động đực. Chúng sảng khoái sau buổi tắm được thay đồ sạch, sắp được tống lắm thứ vào mồm trong bữa ăn chiều.

Bỗng cả bọn sững sờ kinh ngạc. Đống thực phẩm to tướng biến mất. Không phải chúng lo mất phần ăn. Điều chúng không sao hiểu: Ai vào đây? Ai cuỗm sạch mọi thứ ngay mũi chúng? Việt Cộng ư? Cả tuần, ngày nào cũng biệt kích công binh, bầy chó thính hơi lùng sục, xâm nát lõm rừng không sót mét vuông nào nhưng chẳng thấy ai? Thế Việt Cộng từ đâu ra?

Công bằng mà nói, với lực lượng đông, mạnh, trang bị được nhiều phương tiện hiện đại tối tân, Mỹ có thu đôi chút kết quả. Phát hiện mấy đoạn địa đạo, gần chục hầm ngủ bỏ không, khám phá giếng nước hầm bếp... còn người không có ma nào tuy dấu vết rành rành còn đấy. Chẳng có vũ khí lương thực kho tàng tài liệu gì đáng giá. Toàn những nùi giẻ rách, những túi ni lông đựng mắm tôm thối hoắc... Bọn Mỹ bàn tán xôn xao cãi vã om sòm. Bỗng có tiếng thét: “Ghost V.C” (ma Việt Cộng) làm cả bọn hốt hoảng. Có đứa nằm rạp xuống đất, có đứa bò lết vào bụi cây ẩn núp. Tên to béo đầu trọc, mình trần nước da đỏ au cười hô hố như điên. Không rõ hắn cười chế nhạo sự bất lực của hắn hay để xua đi hơi hám thần chết xem chừng phảng phất đâu đây. Tiếng cười dần lạc giọng. Lính ta dưới hầm nghe rõ mọi chuyện, nhưng không phân biệt tên Mỹ cười hay khóc.

Muộn nhưng đội vệ binh hưởng cái tết với nhiều thực phẩm Mỹ khá xôm tụ. Tiềm tiệm cả đội có đủ lương ăn hơn tuần tha hồ thi gan cùng bọn Mỹ xem ai bám trụ đến cùng cho biết.

Anh em lăn ra cười khùng khục trong cổ họng khi chàng lính sinh viên thầm thì kể điều mắt thấy tai nghe về bọn Mỹ. Anh diễn lại điệu bộ bọn chúng rồi thề nặng lời không thêm bớt hư cấu chút nào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 08:20:57 am »

*
*   *

TIỂU ĐOÀN THÔNG TIN MỘT TẬP THỂ ANH HÙNG

Kể năm ba chuyện tiêu biểu ở chiến trường phân khu 1, không nói đến đoàn thông tin là thiếu sót lớn dù chỉ đề cập đôi nét.

Gọi tiểu đoàn là gọi theo biên chế, thực ra từ cơ quan chỉ huy đến các đài trưởng, báo vụ viên, liên lạc vận động, trinh sát vệ binh hành chánh hậu cần... Quân số chỉ hơn một đại đội. Cả ban Thông tin Phòng Tham mưu cùng sống chung với tiểu đoàn.

Vị trí đóng quân của tiểu đoàn ngay địa bàn cầu Xéo cặp sông Thị Tính. Suốt hơn hai năm cho đến khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường và sau này, tiểu đoàn không thay đổi vị trí. Cứ đêm đêm tín hiệu vô tuyến điện từ đây vọt lên không trung tỏa đi bốn phương. Ngay chúng tôi cũng thấy lạ, không hiểu tiểu đoàn có bí quyết gì lại ngang nhiên công khai thách thức sức mạnh của bom đạn Hoa Kỳ. Mỹ thừa biết tọa độ bám trụ của đơn vị, huy động nhiều lần B52 trút xuống đây không biết mấy trăm quả bom đủ cỡ đủ loại. Cứ năm ba ngày máy bay lại mang bom đến quấy rầy. Pháo đơn pháo bầy bắn chán rồi cũng thôi. Mỗi đầu người sống ở đây phải đội số bom chắc chắn nhiều hơn tuổi đời của mình. Hố bom chồng lên hố bom. Thế nhưng, với lượng sắt thép khổng lồ không tưởng nổi vẫn không dập tắt dù chậm một giờ các tín hiệu thông tin vẫn đều đều phát sóng.

Ngoài sử dụng bom đạn, Mỹ đã bao lần tung vào đây một lực lượng không ít bộ binh, thiết giáp. Nhưng vào đến rìa ngoài vùng đóng quân tiểu đoàn và cơ quan thông tin, một vùng bất khả xâm phạm Mỹ phải chùn tay thối lui. Nếu bộ phận nào của chúng liều lĩnh thọc vào chỉ phải mang xác người xác xe trở về, làm dài thêm thành tích cho những dũng sĩ anh hùng này. Lính Mỹ rất sợ bị thương vong nên dùng hỏa lực đánh phá là chính. Nhưng điều đó không làm suy suyển tinh thần bám trụ kiên cường của những chiến sĩ thông tin.

Mỗi cán bộ chiến sĩ thông tin ở đây chẳng những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, mà còn là những chuyên gia chế tạo tài ba đủ các loại mìn như chống tăng có sức công phá rất mạnh, mìn sát thương cá nhân, mìn định hướng sát thương tập thể... Mìn được bố trí trên cao, dưới đất, đủ kiểu nhiều loại. Quân Mỹ bước vào vùng này như lọt vào thế trận “thiên la địa võng” chỉ nhận những cái chết khủng khiếp rùng rợn.

Các chiến sĩ tuy làm nhiệm vụ thông tin liên lạc còn là những trinh sát thiện nghệ có cái mũi rất thính và cặp mắt tinh tường. Mỹ không vào được căn cứ, vẫn giăng bẫy phục kích nhưng không bao giờ bắt được mồi. Chán rồi thôi. Vài ba tháng mở cuộc hành quân ven rìa lấy lệ.

Một vài năm trước khi rút khỏi chiến trường Mỹ tung ra nhiều phương tiện điện tử hiện đại nhất thời bấy giờ như máy dò tiếng động, tự động xác định tọa độ mục tiêu nhanh chóng báo cho máy bay, pháo binh oanh kích kịp thời chính xác. Vật này chúng thường sử dụng hai loại: một loại gắn vào chiếc dù con như dù pháo sáng thả từ trên máy bay xuống dính vào tàn cây. Dù và máy đều sơn tiệp màu cây lá nên khó phát hiện. Một loại dùng máy bay phóng như phóng róc-két. Chiếc máy thuông dài cắm sâu ngập đất chỉ lòi cột ăng ten có nhánh y như cành cây khô. Hai loại này phát hiện mọi tiếng động có bán kính trên dưới 500 mét báo ngay về trung tâm. Tại đây có bộ phận xử lý phân biệt tiếng động nào tự nhiên như cây gãy nhánh rơi, vật chạy chim vỗ cánh... tiếng nào từ radio, tín hiệu vô tuyến điện, bước chân người đi, xe thồ, xe súc vật kéo... gặp trường hợp thứ hai, theo tọa độ máy xác định, chỉ huy lập tức ra lệnh cho máy bay hoặc pháo binh đã được phân công trên từng khu vực ở thực địa tiến hành oanh kích bằng bom đạn hay rải chất độc hóa học. Kể thì chậm nhưng chúng xử lý rất nhanh. Nhận được tín hiệu, một hai phút sau máy bay cất cánh hoặc pháo binh hoạt động. Độ chính xác cao, sai lệch tính từng mét.

Thế nhưng, cánh thông tin nhà ta đã bố trí đài quan sát theo dõi phát hiện chúng thả dù hoặc phóng máy thu tiếng động, như anh chị em thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh quan sát cắm cờ đánh dấu vị trí bom nổ chậm máy bay thả xuống. Không hiểu bằng cách nào anh tiếp cận vô hiệu hóa chúng, tháo gỡ mang về mà không bị máy phát hiện.

Các loại máy này trở thành những học cụ thiết thực cho anh em. Họ tháo từng bộ phận, mày mò nghiên cứu để nắm cấu tạo tính năng máy, nghĩ cách loại trừ tác dụng nó. Anh em lập lại sơ đồ thiết kế của máy gửi về cơ quan chuyên môn cấp trên tham khảo.

Một xưởng nho nhỏ sản xuất máy thu thanh bán dẫn ra đời từ những linh kiện các máy phát hiện tiếng động của Mỹ được anh em tháo ra sử dụng. Chiếc radio đầu tiên chất lượng tốt ra đời. Sau đó những chiếc khác được sản xuất phân phối cho các phân đội.

Nói về tiểu đoàn và ban thông tin tôi chỉ biết và nêu một phần nhỏ sự tích tôi nghĩ mỗi chiến sĩ ở đây là một anh hùng. Tiếc thay tôi không dịp nào được tận mắt và bằng đôi chân của mình đến được vị trí tiểu đoàn mặc dù nó cách tôi không quá một giờ đi bộ. Chưa ai biết hết về họ, nói hay viết về họ những con người trở thành huyền thoại đối với chúng tôi. Họ là những thanh niên ba miền Trung - Nam - Bắc hội tụ ở một chiến trường mà ông Năm Quốc Đăng một lão thành cách mạng, khi đó là phó Tư lệnh phân khu đã nói: “Ai ở chiến trường này 3 tháng đủ tiêu chuẩn trở thành đoàn viên Thanh niên Lao động, 6 tháng thành Đảng viên”. Riêng tôi, tôi nghĩ: “Nếu ai ở tiểu đoàn thông tín bám trụ tại cầu Xéo suốt mấy năm qua đều có thể trở thành anh hùng”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2022, 08:00:53 am »

16

MÁY BAY CHIẾN LƯỢC B52 "THẦN CHẾT” CỦA GIẶC MỸ

Giữa và cuối đợt hai chiến dịch Tết Mậu Thân, Mỹ chuyển sang phản kích ác liệt trên toàn bộ chiến trường miền Nam nói chung và địa bàn phân khu 1 Bắc Sài Gòn - Gia Định nói riêng từ những tháng giữa xuân 1968 và 1971.

Bằng những thủ đoạn tàn bạo quỷ quyệt của các hoạt động quân sự đan xen lẫn nhau với chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý chiêu hồi dụ hàng... Mỹ - ngụy thu được một số kết quả trong việc đánh dạt lực lượng ta ra khỏi các địa bàn xung yếu, ổn định lại tình hình nội ô, tái kiểm soát ven đô, củng cố, mở rộng hệ thống phòng thủ vòng ngoài, lấn chiếm vùng tranh chấp, đánh phá liên tục vùng giải phóng và ven tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thực hiện chiến lược “Quét và giữ”.

Một trong những con bài biểu thị sức mạnh Mỹ là sử dụng tập trung máy bay ném bom hạng nặng B52.

Ngoài các cuộc hành quân càn quét... Mỹ đánh phá bằng B52 liên tục trên diện tích khoảng 100 ky lô mét vuông từ khu vực Rạch Bắp - Bưng Cồng ven tỉnh lộ 14 chay cặp sông Sài Gòn như vùng Rạch Kiến, đông tây Đường Long, bắc Bến Súc, Bến Chùa, Thanh An... sâu vào bên trong như Bàu Nổ, Ôrô, sông Thị Tính, Cầu xéo, Bàu Trâm - Tà Leng đến giáp nam sở cao su Dầu Tiếng.

Ngày nào cũng nghe tiếng bom từng tràng dài của B52 nổ rền kéo dài như sấm dậy chỗ này chỗ khác. Bình thường mỗi ngày chúng đánh từ 1 đến 2 đợt. Mỗi đợt 6 chiếc chia thành 2 tốp, mỗi tốp 3 chiếc. Mỗi chiếc mang từ 20 đến 30 tấn bom. (Nếu mỗi quả bom 100 kg thì mỗi chiếc mang được từ 200 đến 300 quả. Nếu bom nặng 200 kg, mỗi chiếc mang được từ 100 đến 150 quả. Loại bom này rơi xuống đất gây nổ tạo thành một hố có đường kính rộng từ 6 đến 8 mét, sâu từ 4 đến 5 mét. Vài năm cuối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, số bom được chở trên mỗi chiếc B52 ít đi khoảng một phần ba). Tốp sau hoạt động cách tốp trước 15 phút. Với số bom của một đợt (2 tốp bằng 6 chiếc) có từ 120 đến 160 tấn rải dài tàn phá mọi sinh vật dưới đất thành một luồng trên dưới 2 ky lô mét, bề rộng từ 150 đến trên 200 mét. Nếu là rừng dày trong luồng B52 đi qua không còn một thân cây nào nguyên vẹn đứng vững. Tất cả bị phang đứt ngang, cắt cụt, trốc gốc, ngã rạp trông thật hoang tàn kinh khủng. Sức chấn động của bom khó một cành nào còn lá.

Trong đợt hoạt động tái chiến tỉnh lộ 14 từ ngã ba Rạch Bắp đến Bến Súc - Thanh An - Suối Dứa Nam Dầu Tiếng, một cánh rừng từ Bưng Cồng đến Bến Súc kéo dài khoảng 10 ky lô mét, sâu vào bên trong 2 đến 3 ky lô mét, Mỹ cho B52 đánh liên tục ngày đêm suốt 72 giờ trên 30 đợt. Mỗi đợt cách nhau 2 tiếng đồng hồ. Vị chi có tất cả 180 lần chiếc. Nếu mỗi chiếc chỉ chở 20 tấn bom, chúng rải trên diện tích từ 30 đến 35 ky lô mét vuông đã phải hứng chịu 3600 tấn bom trong ba ngày đêm liền. Hố bom này chồng lên hố bom kia. Nếu gặp may đứng chệch bên ngoài luồng bom B52 đi qua từ 1,5 ký lô mét đến 2 ký lô mét thấy lửa khói bùng lên cuồn cuộn kéo dài đến 2 ký lô mét che lấp một góc trời, tưởng không một sinh vật nào trong vòng của nó có thể sống sót.

Trong những ngày bị oanh kích khốc liệt này, chúng tôi phải liên tục di chuyển từ căn cứ này đến căn cứ kia nhưng vẫn không thoát ra khỏi khu vực nằm trong tầm ngắm của chúng. Chúng tôi suýt mất mạng nhiều lần. Luồng bom sát nách chúng tôi, có quả chỉ cách 50 mét. Sau mỗi trận như vậy đầu óc chúng tôi choáng váng, người lảo đảo tai lùng bùng ngây ngất hàng giờ mới trở lại trạng thái bình thường.

Hôm từ Bưng Cồng rút về trụ ở căn cứ cạnh Đường Long, chúng tôi ngày đêm thấp thỏm không biết tai họa giặc Mỹ giáng xuống lúc nào. Mọi người luôn trong tư thế đón đợi “tử thần” giặc Mỹ. Tinh thần căng thẳng hồi hộp lo âu

Thường trước khi đánh B52 vùng nào, Mỹ thường cho máy bay trinh sát L19 quần đảo năm bảy vòng dùng loa phóng thanh có công suất cực mạnh từ trên trời dội xuống chỉ năm từ lặp đi lặp lại “Chiêu hồi hay tử thần”. Câu này vang vọng khắp không trung, lan tỏa mọi vùng nghe rất rùng rợn. Đây là một thủ đoạn tác động tâm lý khủng bố tinh thần.

Kim đồng hồ trên tay tôi chỉ đúng 4 giờ 30 phút chiều chưa nghe tiếng động cơ máy bay, nhưng tiếng rít kinh hồn của hàng trăm quả bom đồng loạt xé không khí lao xuống đất. Tiếng nổ ùng ục. Mặt đất như lên cơn sốt rung động dữ dội. Ngồi nép trong hầm được xây dựng bằng những cây gỗ có đường kính 15 đến 17 phân tây, ken dày âm sâu xuống đất khá chắc chắn, thế mà hầm cứ đung đưa chao đảo như con thuyền đang lướt sóng.

Hú hồn! Quả bom cuối cùng của tốp máy bay thứ nhất cách chúng tôi 50 mét. Nắm quy luật 15 phút sau tốp thứ hai sẽ đến rải bom nôi tiếp luồng. Chúng tôi lọt trong bàn tay “tử thần” của chúng. Phải thoát khỏi ngay nơi này. Tôi vọt lên khỏi hầm lệnh cho mọi người khẩn trương lao ra Đường Long theo con đường xe bò chạy thật nhanh về Bến Súc.

Trong vòng 15 phút cuộc đua tốc độ hiếm có giữa chúng tôi với bầy B52 Mỹ. Kẻ tít trên trời với độ cao 15 nghìn mét, tốc độ 800 đến 1000 km giờ. Người dưới đất chạy bán sống bán chết trong rừng giỏi lắm 2 nghìn mét trong 15 phút. Thời gian chậm nhanh vài ba phút quyết định mạng sống chúng tôi, nhóm người cảm thấy bé bỏng, bất lực trước bầy thiên lôi hung ác.

Ra khỏi mép rừng đến lộ 14 cách Bến Súc 100 mét gặp con mương cạn chạy cặp mép đường. Nền đường có độ cao hơn mét. May mắn gặp được địa hình địa vật che đỡ khá tốt, chúng tôi lao xuống nằm nối đuôi nhau ép sát lòng mương đợi cơn sấm sét sắp đến. Lạy trời! cầu sao luồn bom đừng vãi trúng lưng.

Tôi ngước nhìn trời. Bầu trời trong xanh không gợn chút mây. Ba con chim sắt xuất hiện theo đội hình hàng dọc từ hướng Nam bay lên. Nhìn thấy nó trước khi tiếng động cơ trầm rền vọng đến tai(1). Chiếc đi đầu vừa đảo ngoặc thì tiếng xé gió rít lên kinh hồn của bom rơi, hàng trăm tiếng nổ như sét đánh nối tiếp nhau kéo dài. Đất cát thân cây đá sỏi... lao vun vụt qua người chúng tôi. Mặt trời chưa lặn hãn nhưng mây bụi làm tối sầm như đang lúc ban đêm. Nằm ép sát đất, đất rung nẩy như ngồi trên xe tải chạy trên mặt đường xấu gồ ghề đầy ổ gà ổ trâu.


(1) Do tốc độ bay của máy bay nhanh hơn tiếng động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM