Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:57:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6762 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:26:13 am »

Chức năng thứ hai của phân đội, ngoài việc phối hợp tiêu diệt cứ điểm lại là đơn vị cơ động chiến đấu độc lập hỗ trợ bộ đội địa phương các huyện đánh địch bảo vệ phát triển phong trào. Địa bàn hoạt động phân đội tôi khá rộng bao gồm khu căn cứ địa Lê Hồng Phong (thường gọi khu Lê) huyện Hàm Thuận một phần huyện Hàm Tân. Chủ yếu khu Tam Giác sát nách thị xã Phan Thiết, một vùng điển hình cả các tỉnh cực Nam về phong trào du kích chiến tranh. Một vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp. Tam Giác cũng là quê hương của tôi. Trong một trận đánh chúng tôi bắt sống một tên quan hai Pháp, hỏi nó cảm tưởng về vùng đất này. Nó bắt đầu ngao ngán thốt ra: “c’est le coin plus sale et plus dangereux”.

Làm nhiệm vụ đánh mật tập với chiến thuật đặc công tiêu diệt cứ điểm địch, phân đội được trang bị hầu hết tiểu liên các loại của Pháp sản xuất, thủ pháo, lựu đạn mỏ vịt (do ta sản xuất) bộc phá gói, một đến hai khẩu bazoka.

Làm nhiệm vụ cơ động, tôi biên chế phân đội có 3 tiểu đội bộ binh (mỗi tiểu đội được trang bị trung liên của Anh như Bren đầu bạc hay đầu đen, hoặc 24-29 của Pháp, 1 súng phóng lựu Mas 36, hai tiểu liên Tuile hoặc pistolet mas, còn lại súng trường Mas 36 (sau này chúng tôi thay toàn bộ bằng súng trường Môde kiểu Đức, chiến lợi phẩm trận tiêu diệt căn cứ Esépic) ngoài 3 tiểu đội bộ binh còn một tiểu đội súng máy 3 khẩu, một tiểu đội súng cối 60 ly 2 khẩu. Trang bị như thế ngụy quân không bì kịp. Quân Lê dương Pháp cũng không sánh nổi. Trong trận đánh vận động ở cánh đồng Nha Sang nằm giữa quốc lộ 1 và quốc lộ số 8 gần đôn và khu ấp đồng bào công giáo Tầm Hưng. Địch có đại đội Com-măng-đô trên 100 tên do tên quan hai Pháp Bernard nổi tiếng tàn ác đang truy kích vây bắt một tiểu đội của đại đội C bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận. Chúng tôi kịp thời cứu viện anh em thoát vây. Mặc dù quân số ít hơn địch (chỉ 64 đồng chí) nhưng với hỏa lực áp đảo của chúng tôi đánh tan bọn biệt kích khát máu của Pháp, bắn hạ tên Bemard và nhiều tên khác, buộc tháo bỏ cấp hiệu phù hiệu (chúng phải vứt áo để dễ băng bó) kéo nhau chạy tan tác ra quốc lộ 8 và đồn Tầm Hưng.

Một điều khá dễ dãi của cấp trên đối với tôi là tôi được phép tự tổ chức biên chế, tự tuyển quân bổ sung, tự huấn luyện và trang bị. Quân số của phân đội thường trên 60 người. Trong tuyển quân tôi không bao giờ đụng đến anh em dân quân du kích làm giảm sức chiến đấu của địa phương. Ngược lại đến đâu là giúp huấn luyện kềm cặp họ, phối hợp cùng họ chiến đấu.

Được trang bị mạnh, tinh thần chiến đấu cao, bạn bè tin cậy (bộ đội địa phương và dân quân du kích) nhân dân yêu mến hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng. (Bộ đội chúng tôi thời đó chỉ được chính quyền kháng chiến cấp thứ duy nhất là gạo. Đến xã nào xã đó xuất kho cấp. Quần áo mặc từng cá nhân tự lo lấy. Thực phẩm ăn hàng ngày đơn vị tự xoay xở không có kinh phí. Tự lo, tự xoay xở nhưng cũng đều từ dân mà có. Miếng ăn cái mặc đến đôi dép mang dưới chân, chiếc khăn lau mặt, bàn chải đánh răng, chai dầu xoa v.v... cũng do dân lo liệu hết…) Cộng với bản lĩnh vững vàng chúng tôi không hề chối bỏ chuyện đương đầu với bất cứ loại quân nào của Pháp. Quần nhau với quân nhảy dù tại cánh đồng xã Dâu Thạnh (Hồng Sơn) cạnh chân núi Tà Dôn. Đánh chặn từng bước suốt ngày quân Lê dương Pháp đổ bộ tái chiếm Mũi Né ở Rạng, Bàu Sen. Đánh tan, truy kích đại đội Com-Măng-đô Pháp lần thứ hai tại cánh đồng lúa xã Hàm Phú. Đánh bại quân Pháp có xe tăng yểm trợ càn quét vào Xóm Rơ xã Hàm Chính (Tam Giác) bảo vệ thôn ấp này không bị đốt phá cùng nhiều trận khác.

Riêng tôi, ước nguyện ấp ủ bao năm đạt được, tôi như con chim bay bổng lướt gió đó đây ở tuổi hăm hai - hăm ba, đã cùng đơn vị mình (mà hầu như cán bộ chiến sĩ dưới quyền đồng hạng tuổi tôi trở xuống) vùng vẫy, in dấu chân mọi nơi thật “thỏa chí tang bồng” trong sự trìu mến yêu thương của các bậc cha mẹ, các em nhỏ, các cô gái “ ... đợi ngày mai chiến thắng chớ quên trở về làng xưa. Em vẫn mong chờ. Đến ngày ấy đôi ta cùng mơ... ”.

Tôi không hề hối tiếc sự “đánh đổi” này.

Sau đó, trước ngày tập kết ra Bắc, tiểu đoàn 86 được khôi phục. Người ta bố trí tôi vẫn giữ chức trung đội trưởng bộ binh mãi đến năm 1955. Sau đó đảm nhiệm chức vụ đại đội phó đại đội trợ chiến trực thuộc trung đoàn 812, nhưng với cấp trung đội bậc trưởng.

Nếu tính từ ngày tôi được phong trung đội phó sau khi đỗ đầu khóa đào tạo trung đội trưởng 1949, tôi làm cán bộ trung đội 7 năm. Tuy đại đội phó vẫn mặc áo hai túi vá vai với 32 “đường gian khổ” (khi ra Bắc, quân đội ta mặc quân phục thống nhất do Trung Quốc viện trợ. Cán bộ đại đội bậc phó trở lên mặc áo cổ đứng có 4 túi, cán bộ trung đội bậc trưởng trở xuống mặc áo hai túi trên. Nơi vai để mang vác khỏi chóng rách người ta may đệm mỗi vai 16 đường chỉ. Anh em gọi “32 đường gian khổ”).

Không phải vì thế mà tôi buồn.

Với tôi thì mãn nguyện. Được trực tiếp đánh giặc làm tròn đầy đủ bổn phận dù ở cương vị công tác nào, lại còn sống được ra Bắc gặp Bác Hồ, Võ đại tướng... Tôi đã may hơn bao anh em không được phước như mình đã ra đi vĩnh viễn...

Thế cũng quá đủ, tôi không ân hận gì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:28:11 am »

12

ĐẤT THÉP

Đúng như tôi nghĩ, về làm chức tham mưu phó Trung đoàn hai hôm, tôi được Trung đoàn trưởng phái đi bắt liên lạc và bàn giao nhận chiến trường với trung đoàn 2 sư đoàn 9 ở xã Tân Thạnh Tây (nam Củ Chi) nằm trên lộ 8 từ thị trấn Củ Chi đi cầu Lái Thiêu bắc qua sông Sài Gòn đến thị xã Bình Dương (Thủ Dầu Một). Tôi nhủ thầm: “Bắt đầu cái kiếp làm phu lon ton chạy giấy đây”.

Lúc này vừa kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch Mậu Thân. Chuyến đi của tôi chuẩn bị cho đợt 2 mà Trung đoàn 88 sẽ vào cuộc.

Thật bỡ ngỡ khi đặt chân lên địa bàn xa lạ nổi danh “Đất thép”. Tôi như chiếc thuyền con lạc trong biển cả mênh mông. Bốn bề căn cứ Mỹ. Xung quanh sáng trắng đèn dù. Pháo sáng từ đất bắn lên, từ máy bay đảo lượn trên không thả xuống không một phút giây nào ngừng, từ lúc mặt trời vừa lặn hôm trước đến sáng bạch ngày hôm sau. Nó soi sáng từng lùm cây bụi cỏ, soi rõ từng ngón chân trong bàn chân mỗi người. Trên trời từng bầy trực thăng vũ trang chia thành tốp 3 chiếc vãi cơn mưa đạn xuống hai bờ sông ven các kênh rạch, cả những lùm chồi không đủ che kín một thân người ẩn núp. Đại bác từ Bình Dương, Lai Khê, Bến Cát và “dàn nhạc Tân Tây Lan” ở Đồng Dù luân phiên dội đạn xuống các trục đường, bến sông, các khu đất bỏ hoang ở các xã Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, Hố Bò, ven các xóm dân Gò Nổi, Ba Sòng, Xóm Trại, Đồng Lớn, Sa Nhỏ, Cỏ Ống...

Cùng đi với tôi có đồng chí công vụ liên lạc và một du kích dẫn đường. Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ chiều ngày mùng bảy tết tại Bến Đình (Nhuận Đức). Nơi đây tôi nhặt được trong hầm trú ẩn ai đó bỏ quên một tạp chí văn nghệ Quân giải phóng không còn bìa. Tôi ngạc nhiên trong điều kiện vô vàn khó khăn ở chiến trường mà cơ quan tuyên huấn Cục chính trị Miền cho ra một tạp chí in ấn không kém gì miền Bắc. Nội dung các bài viết nhiều thể loại như truyện ngắn, thơ, tranh vui, lý luận, phê bình sáng tác... Cọ một bài thơ tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Để có thể nhìn rõ những dòng chữ cuốn hút tôi mãnh liệt, tôi phải trườn người ló đầu ra khỏi miệng hầm mà có được chút ánh sáng để đọc. Bài thơ có tựa đề: “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!” của Nam Hà, mặc cho trực vũ trang Mỹ nã roc-ket và đại liên xối xả trên đầu. Bài thơ thật tuyệt đã gây nhiều xúc động trong tôi. Một thời gian sau đó tình cờ tôi nghe qua chiếc máy thu thanh bán dẫn giọng một nghệ sĩ nam, trong một buổi phát của đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trầm ấm nhưng đầy cương nghị đọc bài thơ này có nhạc đệm. Tôi lặng nghe như uống từng giọt mật thấm vào lòng. Cảm ơn nhà thơ Nam Hà đã cho ra một tác phẩm tôi yêu thích. Tình cờ tôi được đọc nó trước lúc sắp dân thân vào cảnh “dầu sôi lửa bỏng”.

Dưới ánh sáng trắng đèn dù, tiếng nổ dồn dập của đạn đại bác và ầm ào phành phạch của bầy trực thăng quần đảo trên đầu, tôi lao theo người du kích dẫn đường nhưng miệng vẫn lẩm bẩm mấy câu trong bài thơ ấy: “… nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt... ”.

Chúng tôi băng qua những bãi rừng chồi khoảng giữa hai căn cứ địch. Trước đây, nơi này là thôn ấp rất trù phú thuộc xã Phú Hòa Tây, nay bị Mỹ san bằng thành khu trắng. Bên trái là đồn Cây Me và ấp chiến lược Phú Hòa Đông có đại đội bảo an, nhiều trung đội dân vệ và phòng vệ dân sự có vũ trang chốt giữ. Bên phải là thị trấn Củ Chi và Đồng Dù một căn cứ lớn, tiền đồn quan trọng cửa ngõ hướng Tây bắc Sài Gòn. Đồng Dù nơi trú đóng của sư đoàn 25 bộ binh có biệt danh “Tia chớp nhiệt đới”. Bơi qua rạch Lán The không rộng nhưng khá sâu, nước chảy chậm. Điều quan trọng không ngại chuyện nông sâu mà làm sao ẩn kín khi bơi không để nhiều gợn nước lăn tăn tránh cặp mắt soi mói của trực thăng rọi sáng đèn pha dòm ngó trên trời. Từ đó băng qua một cánh đồng rộng bỏ hoang mọc đầy cỏ lác cao quá đầu người. Nhờ thế chúng tôi chui luồn trong đó che mắt chốt dã chiến của một cụm xe tăng Mỹ cách không xa

Ra khỏi cánh đồng cỏ lác, trước mắt hiện ra một xóm ấp làm tôi hết sức ngỡ ngàng lạ lẫm. Nhà cửa san sát hai bên con đường nhựa phẳng lì trong những khu vườn cây trái sum xuê. Đèn lửa giăng giăng. Thôn trên xóm dưới tiếng cười nói râm ran. Nhiều nhà đang giã gạo xay lúa. Nhà nào cũng sáng lửa bếp. Tiếng động cơ các loại xe máy, xe lam, máy phát điện nổ dòn tan. Thật lạ! Mấy năm ở chiến trường chỉ thấy cảnh rừng núi đồng hoang khô cằn bởi chất độc hóa học Mỹ, bây giờ tôi như bước vào một thế giới mới mẻ sôi động như một ốc đảo hòa bình lọt thỏm bốn bề dày đặc quân xâm lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:31:15 am »

- Đã vào ngoại ô Sài Gòn rồi ư?

- Không - Anh du kích đáp lại lời tôi - Đến Sài Gòn phải 30 ky lô mét nữa. Đây là xã Tân Thạnh Tây của huyện Nam Chi(1). Bộ đội sư đoàn 9 đóng trong ấp. Em đưa thủ trưởng vào đây em coi như hết nhiệm vụ.

Tôi không tin nổi mắt mình và lời anh du kích. Cách ấp 100 mét về hướng Bình Dương có một bót địch với chiếc lồng cu khá cao để quan sát, nơi đó tên lính canh đang ca vọng cổ. Chỗ tôi đứng vẫn nghe rõ mồn một cái giọng eo éo của hắn ta. Phía sau về bên phải nơi chúng tôi vừa chui lòn trong đồng cỏ lác là chốt dã chiến xe tăng Mỹ cách đây hơn nghìn mét. Phía phải theo hướng tay chỉ của anh du kích chưa đầy 3 nghìn mét là căn cứ Đồng Dù. Ngước nhìn lên bầu trời trước mặt một quầng sáng vắt từ Đông sang Tây, hướng đó là Sài Gòn cách đây không mấy xa. Thế mà bộ đội ta vẫn đóng quân ngay đây một cách công khai lộ liễu thế sao? Sự thật rành rành ra đấy mà tôi cứ ngỡ mình nằm mơ..!

Tôi hỏi anh du kích:

- Ta với Mỹ - ngụy sống chung hòa bình với nhau, không đánh nhau à?

Anh cười giải thích:

- Choảng nhau chí chết ấy chứ. Có điều ta với Mỹ chẳng có “giao ước” chi, mà hễ 6 giờ sáng đánh đến 6 giờ chiều nghỉ. Mỹ rút ra đồng cụm đây. Quân ta vẫn ở trong ấp sinh hoạt với nhân dân bình thường. 6 giờ sáng hôm sau “chơi” tiếp. Bọn ngụy trong bót xin ta đừng đánh chúng. Chúng không gây cản trở gì ta. Thỉnh thoảng nịnh anh em mình xin vài điếu thuốc lá thơm “bọn em hút rồi ca cải lương anh nghe”.

- Còn dân?

- Đồng bào lúc này nhà nào cũng có người về làm gạo chăm sóc trâu bò heo gà. Loại gia cầm gia súc này đều có công sự che chắn. Đặc biệt về đêm nhà nào cũng nấu đủ phần cơm cho bộ đội theo sự phân công của cán bộ địa phương. Cơm đủ ăn cả ngày hôm sau. Bốn giờ sáng họ giao nhà cho bộ đội gồng gánh tản cư ra vùng địch kiểm soát như thị trấn Củ Chi, Hòa Phú, Bình Mỹ... Trời sập tối ai về nhà nấy làm công việc thường ngày. Đồng bào về mang theo đồ ăn thức uống tiếp tế liên hoan với bộ đội. Trẻ con hát hò công khai các bài ca cách mạng được các chú giải phóng dạy cho. Thủ trưởng vào xóm xem, muốn nếm thứ gì cũng có. Nhiều hiệu cà phê, quán giải khát, tiệm phở hủ tiếu, cửa hàng bánh kẹo sữa đường.. Rất đông dân Sài Gòn từ người lao động đến trí thức, người hèn kẻ sang, các cụ già đạo mạo đến bọn thanh niên dáng cao bồi... Đêm nào cũng tấp nập về đây để xem mặt quân giải phóng, lính cụ Hồ. Rất nhiều tiểu thư con cái nhà lành cả các chị em cháu chắt của thần “bạch mi” nữa đây.

Tôi cắt ngang:

- Thế họ có mồi chài anh em mình không?

Anh xua tay:

- Không, không. Họ không dám. Không phải vì sợ mà họ phục, phục lăn anh em mình. Bộ đội mình đứng đắn lễ phép không tơ hào một tí gì của dân, dân cho cũng không dám nhận, tôn kính người lớn, yêu mến trẻ con, đứng đắn với phụ nữ... Anh em đã làm dân mến dân yêu và tin cậy. Em ở đây đưa đón cán bộ, du kích ra vào ăn ở hàng ngày. Nhờ bà con đùm bọc che chở. Chứ dễ gì sát nách bọn Mỹ mà trụ được.

Một lần nữa tôi suy ngẫm càng thấm sâu ý tưởng Bác Hồ: “Cá không nước cá sao sống nổi”.

Tôi làm việc với đồng chí Tạ Quang Tỷ phó Tư lệnh sư đoàn 9 anh hùng lực lượng vũ trang và đồng chí trung đoàn trưởng Trung đoàn 2 không mất nhiều thời gian. Kết thúc vào lúc 11 giờ đêm. Các anh đề nghị tôi nghỉ đêm tại tiểu đoàn đang trụ trong ấp. Anh em thu xếp cho hai chúng tôi chỗ nghỉ dưới hầm trong nhà dân. Nhưng tôi muốn hít thở nhịp sống về đêm ở một vùng có những lạ lùng tôi không hiểu nổi. Đánh nhau cả ngày, trời xẩm tối ngưng chiến không cần “hiệp định” để về đêm mỗi bên thư giãn theo cách riêng của mình.


(1) Trước tết Mậu thân ta chia huyện Củ Chi thành 2 huyện Bắc Chi và huyện Nam Chi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:33:58 am »

Tôi gieo mình vào đống rơm to tướng cao quá đầu người trước sân. Đêm nay đúng mùng bảy Tết Mậu Thân. Hương trầm theo gió thoảng từ nhà ai quanh đây tỏa ra thơm dịu làm thư thái tâm hồn. Mùi rạ mới hòa quyện mùi khói bếp ngai ngái nước đái trâu... tạo thứ mùi tổng hợp đặc trưng vùng quê mà tuổi ấu thơ tôi quen thuộc. Tôi đưa 100 đồng tiền Sài Gòn cho cậu liên lạc công vụ ra phố mua cái gì ăn tùy thích. Còn tôi từ đầu hôm đến giờ chưa có miếng chi bỏ bụng nhưng không thấy đói. Sáng nay tôi nhận được 300 đồng, khoản tiền nho nhỏ trong tiêu chuẩn được bồi dưỡng. Tôi rất thèm được nếm lại mùi vị bát phở tái, tô hủ tíu, một tách cà phê Sài Gòn ắt hẳn ngon lắm. Ngoài đường dù đêm đã khuya vẫn còn rộn rịp người qua lại. Anh đèn măng sông đèn khí đá sáng tỏ lối đi. Các cửa hiệu hai bên phố nhỏ nửa thị nửa quê vẫn kẻ ra người vào, vẫn tiếng máy nổ ròn của xe lam, xe máy. Tiếng chày khuya, tiếng nô đùa của trẻ con trong xóm, tiếng nghêu ngao của anh chàng lính ngụy trên tháp canh đang xuống giọng “xề” mở đầu cho bài vọng cổ: “Than ôi! Nước mắm mặn không tiền mua giấm, chứ ái khanh ơi! Có bạc lẻ cho trẫm mượn đỡ hai... ờ đồ... ồng!” lúc này sao tôi muốn nhìn ngắm mọi người. Lâu, lâu lắm trừ phi tiếp xúc với đồng bào Thượng vùng rừng núi Tây Nguyên, một số bà con bám trụ vùng du kích ở Bà Rá (Phước Long) tôi chưa thấy lại bà con người miền xuôi nhất là dân Sài Gòn. Chỉ chuyển dịch không đầy 100 mét là tôi đứng trên con lộ trải nhựa phẳng lì hoặc bước vào một cửa hiệu nào đó. Tôi sẽ thỏa mãn những điều ước muốn của mình. Thế mà tôi vẫn giữ nguyên tư thế nằm bên cạnh đụn rơm không buồn ngồi dậy. Về khuya trời sa sương se se lạnh. Tôi vẫn nằm đó phì phèo mấy hơi thuốc lá Rubi, nhai mấy kẹo dừa do cậu công vụ mua ngoài phố mang về. Tôi ngửa mặt nhìn trời. Màn trời cao, trong, không gợn chút mây. Sao đêm mờ nhạt bởi ánh sáng đèn dù. Tôi tìm trong ấy ngôi sao “chiếu mệnh” của mình không biết ẩn khuất nơi nao.

Tôi đi vào giấc ngủ, một giấc ngủ thoải mái an lành bên trong lò lửa chiến tranh giống như một ốc đảo tí hon nằm lọt thỏm giữa một vùng sa mạc khổng lồ. Trước ngày đánh nhau với bọn sư đoàn 1 “anh cả đỏ ” Mỹ ở nam thị xã Hớn Quản (Bình Long) đến nay, chưa có đêm nào tôi ngủ quá hai giờ.

Có người đánh thức tôi dậy. Lúc này mọi chuyển động cuộc sống trong đêm như đã ngừng quay. Cảnh vật trở lại im ắng. Trời mờ sương đục. Vẫn mùi hương trầm thoang thoảng trong không khí ban mai lành lạnh, thật dễ chịu.

Đồng chí tiểu đoàn trưởng nói với tôi: “chúng mình dùng bữa sáng để còn kịp đón khách đến thăm”. Thoạt nghe tôi chưng hửng nhủ thầm: “Khách nào lại đến chúc xuân nơi này”. Xong lại vỗ trán tự trách: “ ngốc ơi là ngốc”.

Tôi hỏi lại anh:

- Nghe nói thường vào lúc 6 giờ họ mới đến cơ mà.

Anh gật đầu:

- Có thế thật.

- Sao thế nhỉ?

- Tôi tịt như anh. Không rõ trong điều lệnh chiến đấu quân Mỹ có định ra điều này không?

Tôi đáp:

- Chắc không. Có thể do từng tên chỉ huy vận dụng.

Tiểu đoàn trưởng tán đồng ý kiến tôi. Anh nói:

- Hôm đầu chúng ra vẻ hung hăng, tấn công vào đây trên hai hướng chia nhiều mũi. Bị ta nện cho. Mấy chiếc tăng M41, xe bọc thép M113 bị bắn hỏng nằm chình ình ra đó. Thế là cả bọn tháo lui ra xa bắn vãi đạn loạn xạ. Từ bữa đó đến giờ, hễ 6 giờ sáng chúng bày binh bố trận tiến vào nhưng chớm đến tầm B40, B41 của ta chúng nằm lại gọi trực thăng đến quần đảo trợ chiến. Chiều đến khoảng 18 giờ chúng lại lui ra giữa đồng cụm lại như các anh thấy đấy. Hình như chúng không muốn đánh với ta thật sự.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:35:08 am »

- Cần cảnh giác hiện tượng này. Biết đâu chúng tạo một đường nhăn trong suy nghĩ của ta quen cái nếp này của chúng, rồi bất thần làm một điều gì đó ta không kịp trở tay.

- Hoan hô một ý kiến hay. Chúng tôi đã bàn chuyện này.

- Tôi nêu thắc mắc:

- Tại sao chúng không tập trung oanh kích bằng phi pháo vào ấp khi chúng thừa biết có chủ lực ta tại đây.

- Cũng là dấu hỏi của chúng tôi và cấp trên.

- Câu trả lời?

- Một trong mấy lời giải có thể chấp nhận như sau: chúng biết ta sẽ không trụ lâu, đến lúc nào đó rút ra ngoài các hướng chúng thừa biết. Thôn ấp này vốn thuộc kiểm soát của chúng. Nếu ta không đánh bại chúng ở Sài Gòn, vùng này về lâu về dài không thuộc về ta. Thế thì hủy diệt làm gì. Sẽ đẩy dân chúng càng ngã theo cách mạng, lại oán hận chúng. Nhân dân có cớ kéo đi đấu tranh buộc chúng phải bồi thường. Điều này đối phó không dễ với chúng đâu. Bây giờ tạo thế cầm chân ta rồi tổ chức nút chặn bên ngoài các hướng ta có thể lui. Lúc đó sẽ tập trung sức diệt ta ngoài khu trắng.

- Còn lời giải nào khác?

- Nếu có, trong óc các vị bề trên.

Tôi ngẫm nghĩ vấn đề nêu ra của đồng chí tiểu đoàn trưởng. Nếu thế, đó là điều thử thách không dễ cho trung đoàn 88 chúng tôi. Vài ba hôm nữa chúng tôi sẽ đến đây.

Cầm đĩa cơm gạo trắng trong tay có món thịt gà rim mặn và mấy miếng lạp xưởng láng mỡ, tôi hỏi anh:

- Đều đều thế này ư?

- Từ ngày đứng trụ tại đây mọi cái ăn đều của đồng bào nuôi bộ đội ta cả đấy - Anh hất đầu để tôi chú ý đến cái rá đựng đầy cơm nắm, nắm cơm nào cũng to như trái dừa đã bóc vỏ - Cơm trưa bà con lo sẵn cho chúng mình. Có món này - anh chỉ những miếng thịt gà rim mặn và nhúm muối đậu. Tất cả đều bọc trong những túi ni lông trắng nuốt.

- Lo cho cả sư đoàn sức dân sao chịu nổi?

- Một trung đoàn - Anh đính chính câu nói của tôi và tiếp:

- Chi bộ Đảng và cán bộ địa phương từ huyện đến xã thôn bám dân hết sức nhiệt tình vận động quần chúng dốc tiền, dốc gạo tiếp tế nuôi dưỡng bộ đội ta. Ai có gì góp nấy. Tuy ta có đề nghị chi hoặc thanh toán bằng tiền cho dân cũng không được. Đồng bào nói: “Anh em không tiếc xương tiếc máu chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược huống hồ bà con chỉ tốn ít công ít của có thấm vào đâu”.

Tôi lại hỏi: quán xá cửa hiệu họ để nguyên thế à?

- Gần sáng mọi thứ đều cho xuống hầm. Không nhà nào không hầm. Hầm chia mấy tầng. Tầng trên nghỉ ngơi ngủ. Tầng dưới tránh phi pháo. Bộ đội ta vào đây đỡ tốn công làm hầm. Chỉ dốc sức xây dựng công sự chiến đấu vòng ngoài. Nhiều nhà đào cả hầm trú ẩn cho gia súc, gia cầm. Đây anh xem bây giờ không còn ai trong ấp. Chiều đến, tiếng súng ngừng, họ lại gồng gánh trở về với anh em ta. Cuộc sống về đêm lại nhộn nhịp rôm rả. Mỹ à! Chúng thừa biết thừa thấy ấy chứ. Có tên chỉ vào thúng đựng thực phẩm, nhu yếu phẩm của đồng bào từ vùng địch gánh ra cười hỏi: “tiếp tế Việt cộng hả?” Mấy cô gái ta gan đầy mình “lì lợm dễ. sợ”: “Ừ, tiếp tế để họ đánh chúng mày. Về Mỹ đi. Vợ con bọn mày đang ngóng trông từng ngày đấy. Ở đây chết uổng mạng!” trong số lính Mỹ nhiều thằng bặp bẹ tiếng Việt. Nó nghe nó hiểu gật đầu nhe răng cười phát tay ra hiệu: đi, đi...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:55:49 am »

13

THAM GIA ĐỢT HAI CHIẾN DỊCH TẾT MẬU THÂN

Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra
(ca dao)

Lần thứ hai tôi được lệnh tổ chức trung đoàn vượt sông Sài Gòn thâm nhập địa bàn Nam lộ 8. Trước đó một ngày tôi đến kiểm tra mọi công tác chuẩn bị của tiểu đoàn 9. Tiểu đoàn có nhiệm vụ thọc sâu đứng trụ tại ấp Tân Phú Trung, một khu dân cư đông đúc trù phú nằm cạnh quốc lộ Sài Gòn - Củ Chi - Tây Ninh. Nơi đây nói theo cụm từ ta thường dùng “vùng sau lưng địch”. Bộ máy ngụy quân ngụy quyền thiết lập hoàn chỉnh. Sự kiểm soát kềm kẹp của chúng chặt c7g mũi chịu sào” chốt trụ nửa làng phía Bắc. Tiểu đoàn 7 tham gia mở màn đợt 2 chiến dịch bằng tấn công cường tập đồn Cây Me (Phú Hòa Đông) đêm hôm sau, khi tôi từ Tân Thạnh Tây về.

Cuộc chiến đấu không thành công trọn vẹn. Ta chỉ triệt hạ hơn phân nửa đồn, tiêu hao nặng một bộ phận sinh lực, không thực hiện được đánh tiêu diệt gọn. Điều này dễ hiểu vì thiếu công tác chuẩn bị, thiếu điều nghiên chu đáo. Thâm tâm tôi cho chủ trương đánh diệt đồn Cây Me một cách vội vã là sự liều lĩnh mạo hiểm vì không có và chưa tạo ra những yếu tố cần thiết đảm bảo thắng lợi. Đánh giá địch quá thấp do suy luận chủ quan. Tưởng rằng tình thế này “ho” một tiếng tinh thần địch vốn rệu rã chỉ còn nước đầu hàng. Tôi cũng hiểu trung đoàn bị sức ép bề trên buộc phải “lao vào lửa”.

Điều tôi rất đau lòng cho phân đội trinh sát tiểu đoàn 7. Anh em bị tổn thất gần phân nửa quân số. Khi tôi còn là tiểu đoàn trưởng, chúng tôi đã dày công xây dựng nó mặc dù trung đoàn phó và tham mưu trưởng kịch liệt phê phán chỉ trích tôi vì không tuân thủ đúng biên chế. Trên cho phép phân đội trinh sát tiểu đoàn chỉ được tổ chức hai tiểu đội từ 16 đến 20 đồng chí là tối đa. Nhưng qua kinh nghiệm kể cả thời đánh Tây, trinh sát chẳng những tai mắt cho ngươi chỉ huy, mà còn là tay chân dũng mãnh của một cơ thể người rất đắc dụng. Tôi tuyển chọn tổ chức có 30 tay súng thành một trung đội hoàn chỉnh. Tôi truyền thụ mọi kỹ thuật và kinh nghiệm theo cách đánh đặc công, huấn luyện mọi động tác tiềm nhập, trinh sát đeo bám địch, đánh gần, đánh đêm, đánh trong rừng rậm, thao tác sử dụng thông thạo các loại vũ khí, mìn, bộc phá v.v... Tôi xem nó là bộ phận cốt lõi ưu tú của tiểu đoàn, đội dự bị trong tất cả mọi trường hợp chiến đấu.

Nay những bạn chiến đấu với tôi, gần gũi bên tôi chỉ còn năm mươi phần trăm quân số. Sau trận, anh em gặp tôi chỉ biết nắm tay nhìn nhau ứa nước mắt.

Tiểu đoàn 7 không còn mạnh như trước sau trận cường tập đồn Cây Me không thành công trọn vẹn. Nó phải lui nhường bước cho tiểu đoàn 8 và 9 nhảy lên đứng trước.

Về nhận nhiệm vụ ở ban tham mưu trung đoàn, tôi không muốn làm cái bóng vật vờ sau lưng mấy vị, nên đề nghị cho tôi xuống theo sát hỗ trợ tiểu đoàn 8. Điều này trùng hợp ý muốn các vị, có điều người ta chưa đến lúc nói ra với tôi vì còn ngại mang tiếng “đì”.

Chỉ huy tiểu đoàn 8 đều mới đề bạt. Chính trị viên Phát vốn trưởng tiểu ban tổ chức thuộc Ban Chính trị trung đoàn. Anh cũng như tôi ghét nạn “ngồi chai đít thủng đũng quần” ở cơ quan nên xin ra tiểu đoàn chiến đấu. Hai chúng tôi khá hợp ý nhau. Khác chỗ tính tôi trầm tĩnh ít nói nhìn mọi việc bằng nụ cười mỉm. Còn anh thẳng như ruột ngựa, ai nói không phải đốp chát lại ngay. Dưới mắt năm ba người trong số lãnh đạo chỉ huy, anh thuộc loại “khó ưa” như tôi.

Trụ tại Tân Thạnh Đông nhiều chuyện gần giống như Tân Thạnh Tây. Cũng quân Mỹ “sáng triển khai tấn công vào ấp chiều tối lui ra cụm giữa đồng”. Cũng cảnh dân “sáng ra vùng địch, tối về lại ta”. Đồng bào cơm đùm cơm nắm “ráng nuôi tụi nó đánh Mỹ”... Mọi người đứng tận nơi xa miệt ngoài Hòa Phú, Bình Mỹ hay Đông Thạnh... nhìn về xóm ấp thấy đất trời rung chuyển, khói lửa mịt mùng vì cuộc chiến đấu diễn ra giữa quân ta và Mỹ. Nhiều bà má nhiều chị em bưng mặt khóc. Mong sao mau tối chạy về gặp bọn nó xem có sao không? Ôi máy bay quân ăn cướp quần đảo như bầy ong, xe tăng lổm ngổm như cua bò đầy ruộng, má lo cho các con quá. Khi gặp lại các chiến sĩ ta các má vuốt mặt vò đầu, bóp vai nắm tay, hỏi tới hỏi lui có đứa nào hề hấn gì không?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:56:21 am »

Khác ở Tân Thạnh Tây, ở đây không nhộn nhịp ồn ào, không đèn măng-song khí đá, không tiếng động cơ xe lam xe máy, không quán xá cửa hiệu. Mọi hoạt động của quân ta và đồng bào âm thầm trong bóng đêm. Cơm nắm được nấu vắt từ trong các xóm ấp vùng địch kiểm soát, chị em chuyển về hết gánh này đến gánh khác chẳng một tên tề ngụy nào dám cản trở. Chúng tảng lờ để đồng bào làm, còn đồng tình khuyến khích là khác. Có tên nhắn gửi: bà con nói lại với mấy ảnh, bọn tui bị nó bắt phải ra lính. Hoàn cảnh khó khăn đành buông xuôi số phận. Chúng tôi không dám chống cách mạng, chống kháng chiến. Nhờ bà con nói lại mấy ảnh thông cảm”. Lỡ con bò con heo nào trúng đạn chết, đồng bảo bảo anh em cứ xẻ thịt mà ăn đừng ngại. Chúng tôi không nỡ. Vật nuôi của dân, quân thù bắn giết của đau con xót ai nào nuốt trôi. Thuyết phục anh em không được, đồng bào yêu cầu cán bộ địa phương can thiệp. Đồng chí bí thư chi bộ và xã đội trưởng gặp tôi bàn việc này. Chúng tôi chỉ ậm ừ. Nhưng sau nghĩ lại bỏ thì lãng phí, thôi hãy để anh em du kích giải quyết chuyện trên.

Suốt hơn 10 ngày chuyện “sáng đánh tối ngưng”, trung đoàn được lệnh rút về căn cứ phía sau vùng Bưng Cồng - Bàu Trâm chờ lệnh.

Mới 3 hôm chưa được giấc ngủ đầy, trung đoàn lại được lệnh thọc xuống Nam lộ 8. Nghe phong phanh làm cú vét đợt ba. Lần này phải đưa tiểu đoàn 9 đến trụ tại ấp Tân Phú Trung. Việc chỉ huy tiểu đoàn có các thủ trưởng và cơ quan trung đoàn trực tiếp. Tôi được giao nắm lấy tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8 và các đại đội trực thuộc trụ tại 2 xã Trung An 1, Trung An 2 với cương vị chỉ huy tiền phương của trung đoàn.

Hai xã Trung An nằm dọc phía Tây sát sông Sài Gòn. Ca hai trước đây dân cư đông đúc, vườn tược sum suê, đời sống nhân dân sung túc, Bây giờ hoàn toàn thành 2 khu trắng. Bọn ác ôn thủy quân lục chiến “Trâu điên” ngụy được hỗ trợ phi pháo Mỹ mở những trận càn đẫm máu, đánh phá ác liệt, triệt sạch không còn một cây cột nhà, một gốc cây ăn trái. Đồng bào bị gom về các ấp chiến lược Phú Hòa Đông, Bình Mỹ, Hòa Phú. Rất nhiều gia đình tản mác về mé Sài Gòn... Đến khi tiểu đoàn 2 Quyết Thắng của ta nện cho một trận nên thân diệt một tiểu đoàn “Trâu điên” chúng tởn hồn không dám léo hánh đến nữa. Thay vào đó phi pháo hàng ngày không lúc nào ngừng dội xuống

Vì sát sông lại vùng đất trũng, ruộng đồng trước đây phì nhiêu nay thành hoang địa nên các loại cây cỏ dại dễ mọc và phát triển, đặc biệt cây trâm bầu phủ kín các kênh rạch...

Lần này tôi tổ chức trung đoàn vượt sông Sài Gòn qua bến Cây Đa phía bắc cầu Ông Cộ, chếch Đông nam ấp chiến lược Phú Hòa Đông. Sông nơi đây hẹp, chiều ngang khoảng 50 mét. Hai bờ cây mọc rất rậm. Tàn cây chồm ngã ra sông cách bờ hơn 3 mét sà sát mặt nước. Dù trực thăng năm, mười phút một lần bay đến chiếu rọi đèn pha cặp bờ vẫn không phát hiện bộ đội ta ẩn nấp để lần lượt bí mật vượt sông. Trước đó một ngày tôi sục tìm mọi nơi mới gặp đồng chí huyện đội trưởng Hóc Môn Châu Thái Hùng. Qua anh chúng tôi được trợ giúp hai chiếc thuyền nan, mỗi chiếc một lần chở được 10 người cả trang bị. Qua bờ bên kia là đặt chân lên địa bàn Trung An 1. Phải hai đêm mới đưa toàn trung đoàn qua sông an toàn.

Là vùng trũng nên ruộng ngập nước đến quá đầu gối, có chỗ khi thủy triều lên, nước sông tràn vào sâu ngập bụng.. Được cái bờ ngang bờ dọc khá cao hơn mặt nước gần mét. Bờ dày sáu, bảy mươi phân, trâm bầu phủ kín. Nhờ thế anh em khoét hàm ếch dưới chân bờ làm công sự chống phi pháo. Mỗi lần ẩn núp phải ùm xuống nước lặn vào trong ngóc đầu lên. Nước ngập đến bờ vai. Chịu đựng như thế cho đến khi “khúc giao hưởng của dàn nhạc Tân Tây Lan” ở Đồng Dù câm miệng. Chiến sĩ ta như ếch chui khỏi hang lóp ngóp bò lên. Mỗi ngày năm, bảy bận như thế. Ai cũng chỉ mặc độc quần đùi. Vũ khí bọc trong túi ni lông, bằng mọi cách không để ướt súng đạn.

Tôi thật lúng túng không biết bố trí đội hình thế nào với các tiểu đoàn và đơn vị trực thuộc. Cánh đồng ven sông ngập sâu trong nước. Dịch vào bên trong năm ba trăm mét đồng khô hơn nhưng trống trải. Nơi đây mang tính ém dấu quân hơn là hình thành thế trận phòng ngự hay tấn công. Phòng ngự đánh ai đến đây? Quân ngụy khiếp vía tởn hồn co đầu rút cổ trong các đồn bót. Mỹ cho kẹo cũng chẳng dám lết vào. Tàu chiến nhỏ và giang thuyền vũ trang hoạt động thường ngày trên sông Sài Gòn lúc này không dám ló đầu vượt qua khỏi cầu Lái Thiêu. Tội gì mang mạng sông làm bia cho B40, B41. Việt cộng xơi tái. Đánh bằng bom chùm pháo bầy từ cự ly xa, trên không chụp xuống đối với Mỹ an toàn hơn.

Phòng ngự không biết ai đến để đánh. Tấn công nhằm vào ai nơi này một vùng đất gần như hoang dã không một bóng người ngoài vài tổ du kích. Tôi không hiểu chỉ huy cấp trên định liệu thế nào “nhét” chúng tôi vào đây để ngày đêm đưa lưng hứng bom giơ đầu đội pháo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:56:46 am »

Trong lúc các chiến sĩ công binh tìm chọn vị trí chỉ huy thích hợp, tôi được anh em du kích đưa đến trú tạm trong chiếc hầm nổi được đắp trên bờ một cái rạch. Nơi này trước đây cây cối um tùm như một khu rừng con, bây giờ bị pháo đốn phạt gãy đổ tơi bời khô héo tàn lụi. Tuy vây cái hầm vẫn được một lùm tre nhỏ may sao còn sót lại che phủ lên trên. Hầm được đắp nổi bởi những đoạn gỗ to bằng bắp chân thưng ghép bốn chung quanh trừ cửa vừa đủ cho một người chui ra bò vào. Bên ngoài, trên nắp đắp một lớp đất bùn dày 2 gang tay. Hầm rộng chứa được 3 người. Tác dụng cửa hầm chỉ che chắn được mảnh đạn hoặc đạn con bắn thẳng từ xa, không chịu nổi một quả đại bác trúng phải. Cùng ở chung hầm với tôi có hai cán bộ chính trị của cơ quan cấp trên thâm nhập xuống đơn vị. Lẽ ra hai đồng chí ấy ở bên cạnh chính ủy hoặc ban chính trị. Không hiểu sao người ta đẩy họ sang tôi. Âu có bạn bên cạnh lúc này cũng ấm lưng một chút. Gọi sở chỉ huy tiền phương nhưng chỉ mình tôi với một cán bộ đồ bản, một cán bộ tác chiến, tổ thông tin liên lạc. Đến trưa công việc bố trí quân và phương án tác chiến tại chỗ hoàn tất. Đã hai đêm thức trắng để tổ chức chỉ huy bộ đội vượt sông dưới ánh đèn pha soi mói của trực thăng vũ trang, lúc này tôi được chút thời gian ngả lưng bên cạnh hai cán bộ chính trị. Vừa chợp mắt vài phút bỗng nghe tiếng động cơ máy bay trinh sát L19 quần đảo trên đầu và tiếng la thét bên ngoài. Tôi trườn người khỏi hầm quan sát. Thì ra một du kích đang chụp nơm bắt cá giữa ruộng trống, máy bay địch phát hiện siết lượn. Tôi thầm kêu: “Hỏng bét, lộ rồi. Chuẩn bị tư thế đón bản giao hưởng số mấy” đây”?

Tiếng động cơ máy bay phản lực xé gió lao đến. Tôi nhìn lên từ máy bay một chiếc dù trắng bung ra rơi ngay đỉnh đầu. Kinh nghiệm cho biết đây là loại bom dù có sức công phá mạnh từ trên không nổ chụp xuống nhằm sát thương sinh lực lộ trên mặt đất. Tôi lăn vào hầm thét bảo hai anh cán bộ nằm sấp hai tay đỡ ngực như động tác chống sóng xung kích của bom nguyên tử.

Một ánh chớp nhoáng lên đồng lúc tiếng nổ như sét đánh và tôi... Không còn biết gì.

Khi tỉnh lại không rõ ngất lịm bao lâu chỉ thấy toàn thân tôi và hai anh bên cạnh bị phủ lên người một lớp đất dày. Cái hầm và bụi tre biến mất. Ba chúng tôi nằm trơ trên mặt đất. Một cơn ho sặc bụi. Tôi phun ra một bụm máu tươi hòa lẫn trong đất trở nên đỏ sậm gần như màu đen. Thử nhúc nhích cảm thấy toàn thân cử động được tôi mừng. Không bị tê liệt chỗ nào. Nếu bị thương chắc không nặng. Ngực tôi tức ran khó thở. Hai anh vẫn còn ngất lịm tôi lay gọi mãi mới tỉnh. Việc đầu tiên cả hai đều nôn ra máu như tôi. Thật may, ba chúng tôi không bị mảnh đạn mảnh bom nào chạm phải, chỉ bị sức ép chấn động từ trên chụp xuống. Trong lúc đang xoa bóp chân tay lau chùi mặt mũi thì từng tràng pháo bay hướng Đồng Dù câu đến. Mấy đợt đầu chúng bắn ngay bên vượt sông, sau rút tầm về hướng chúng tôi. Tôi thét bảo hai anh chạy theo tôi dọc theo con rạch càng xa tầm pháo càng tốt. Như chúng có mắt, càng chạy làn đạn nổ cứ bám theo. May thay tôi phát hiện hai cái hàm ếch bỏ trống. Chúng tôi lao xuống nước chui vào trong. Nhờ thế cả ba thoát nạn.

Các chiến sĩ công binh tìm được chỗ đặt vị trí chỉ huy cho tôi. Một đất gò chưa tới hai trăm mét vuông nổi lên giữa đồng ruộng khô cách bờ sông khoảng 300 mét. Nơi đây chưa thấy dấu nổ của một quả đạn đại bác nào. Nhờ vậy cây cỏ chưa bị tàn phá. Căn hầm được khoét sâu xuống đất sát chân một ụ gò mối khá to và bụi duối có gốc gần bằng một vòng tay người ôm. Hầm vừa đủ cho ba người. Hai đồng chí cán bộ chính trị sau cơn “chết hụt” đã được gọi về cơ quan. Tại đây có tôi và hai đồng chí trợ lý tác chiến, đồ bản.

Chiều xuống. Mặt trời chỉ con sào là lặn. Bỗng chiếc L19 từ đâu lao đến. Nó bay rất thấp cảm thấy ngang tầm ngọn duối. Quan sát vòng lượn tôi biết nó chú ý gò đất nối nơi đặt sở chỉ huy của tôi. Lúc này trong hầm ngoài ba chúng tôi còn có ba đồng chí thông tin liên lạc vừa mang điện và suất ăn buổi chiều đến. Tôi cho mọi người rút xuống hầm. Hầm lúc này chứa quá tải chật như nêm.

Tôi chủ ý nhường cho anh em đành ngồi bên dưới ngay miệng hầm. Có đồng chí chui ra nhường chỗ cho thủ trưởng. Tôi ra lệnh ai ở đâu ngồi yên đấy. Một ánh chớp lóe lên phía trên đầu cùng tiếng nổ chói tai. Luồng hơi nóng bỏng tạt vào người làm tôi tối tăm mặt mũi. Chiếc máy bay trinh sát phóng hú họa một quả rockét nổ tung kề sát miệng hầm chỉ cách đầu tôi hơn mét. Bà đỡ, tôi bị cháy xém một mảng tóc. Da mặt rộp phồng nhưng không mảnh kim loại nào ghim vào người. Chiếc trinh sát bay đi mất dạng trong bóng hoàng hôn phủ trùm.

Chúng tôi cứ trụ nơi đây “lưng hứng bom đầu đội pháo” đã hơn 10 ngày. Không công việc gì ngoài hàng ngày năm ba bận ngụp lặn trong nước, chui ra hầm lủi vào hang như bầy ếch đói mỗi lần dàn nhạc Tân Tây Lan ở Đồng Dù trỗi khúc. Tuy thế không một ai thương vong.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:57:07 am »

Tôi bó gối cạnh gốc duối miệng lẩm nhẩm đọc bài ca dao: “Con kiến mà leo cành đa/leo phải cành cụt leo ra leo vào/con kiến mà leo cành đào/leo phải cành cụt leo vào leo ra...” thì có tiếng người lao xao ngoài vọng cảnh giới. Tiếp đến có mấy bóng người lô nhô về hướng tôi. Tiếng một chiến sĩ báo cáo có đội trưởng du kích muốn gặp.

Đội trưởng du kích thầm thì vừa đủ tôi nghe:

- Chúng em có 4 người bí mật chốt trụ ở Giồng Riềng cách đây trên 500 mét. Vừa nhập nhoạng tối có chiếc trực thăng bay thấp từ hướng Sài Gòn lên không bật đèn. Trông nó như khối sắt đen sì lù lù hạ độ cao cách mặt đất 10 mét gần ngay hầm bí mật bọn em. Từ máy bay thòng dây thả một người tụt xuống đất. Trực thăng bay đi. Bóng người kia đang loay hoay với cái bồng sau lưng bọn em xông lên bắt gọn. Chắc chắn là tên thám báo. Nó bảo lính thuộc trung đoàn 88. Yêu cầu được gặp thủ trưởng.

Tên thám báo - như đội trưởng du kích cho biết thật là một tiểu đội phó trong trung đoàn. Hắn bị bắt cùng hai đồng chí chiến sĩ khác khi lọt vào ổ phục kích. Mỹ dụ họ đầu hàng. Chấp nhận quy thuận sẽ được khỏi chết, ưu đãi trọng thưởng... người đầu tiên được hỏi kiên quyết chối từ. Anh đả đảo đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Nếu Nguyễn Văn Trỗi trước khi giặc bắn đã ba lần hô to tên Bác còn anh người chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam chỉ kịp hô tên Bác hai lần đã bị tên chỉ huy Mỹ hạ sát bằng phát súng lục ngay bên thái dương! Đồng chí thứ hai anh dũng hy sinh theo gương đồng chí trước. Đến lượt hắn, hắn sợ run không đứng vững nên quỳ gối đầu hàng. Hắn cam kết cộng tác với quân đội Mỹ. Người Mỹ đưa hắn về cấp tốc huấn luyện một số thủ thuật làm điệp viên trong thời gian ngắn khoảng 15 ngày. Trực thăng thả hắn để lộn trở về đơn vị cũ nằm vùng chờ thời nhận chỉ thị sau. Hắn vẫn mặc bộ quân phục bộ đội chính quy từ miền Bắc vào như trước khi bị bắt. Thời điểm này khá nhiều chiến sĩ bị lạc hàng tuần, có khi mươi lăm, hai mươi hôm mới lần dò tìm về được đơn vị là chuyện thường. Thật may ý đồ bọn Mỹ và tên phản bội không lọt khỏi cặp mắt tinh tường cảnh giác của tổ du kích

Ngay trong đêm tôi đã cho áp tải hắn về phía sau để cơ quan chức năng khai thác xử lý.

Vừa xong vụ này có tin tiểu đoàn 9 ở ấp Tân Phú Trung quay về.

Đồng chí Hiến tham mưu trưởng tiểu đoàn ôm chầm lấy tôi. Anh khóc. Chưa kịp nghe anh báo cáo, tôi đoán tiểu đoàn gặp rủi nhiều may ít. Dù trời tối  không nhận rõ sắc diện anh, nhưng dáng người anh phờ phạc như một cái bóng vật vờ. Tôi không tưởng nổi bốn chàng trai lãng tử nổi tiếng của trung đoàn: Nhất Ngọ / Nhì Hiền / Tam Xuyên / Tứ Hiến mà anh là “đệ tứ anh hào” có thân hình cân đối vạm vỡ như một vận động viên cử tạ, lúc này trông anh như tàu lá chuối te tua sau cơn bão lớn.

Tuổi tôi và Hiến suýt soát nhau. Quan hệ cộng tác tuy cấp trên cấp dưới, nhưng lúc này tôi muốn là bạn tâm tình của anh, chia xớt với anh nỗi đau quá lớn. Nỗi đau đó không chỉ riêng anh, cá tôi và mọi người trong Trung đoàn.

Theo lời anh kể: hôm tiểu đoàn 9 vừa đặt chân đến ấp, sự đón tiếp của nhân dân ở đây không vồn vã ân cần như ở Tân Thạnh Đông mặc dù cùng chung huyện và đều nằm trong vùng địch kiểm soát. Mọi người thoáng thấy bộ đội ta họ đã gồng gánh tản cư với nỗi sợ “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”! Nhiều người vẫn gọi ta “Việt Cộng” chứ không bằng từ ngữ thân thương là anh bộ đội Giải phóng như các nơi khác.

Tôi chen lời anh: “Vì thế nên cần chúng ta đến với họ”. Nói câu này tôi sực nhớ chuyện cũ năm xưa:

Năm 1955 khi trung đoàn 812 Cực nam Trung Bộ chúng tôi vừa tập kết ra Bắc được lệnh hành quân từ Thanh Hóa đóng quân ở hai huyện Hải Hậu và Giao Thủy vùng biển của tỉnh Nam Định làm nhiệm vụ chống di cư. Đại đội tôi đến trú quân địa bàn xã Giao Hoan, một xã trăm phần trăm đồng bào theo đạo Công giáo. Đã có khá nhiều gia đình khá giả nghe lời tuyên truyền lừa phỉnh của bọn xấu đã bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi. Phần đông dân nghèo ở lại. Đúng ra họ tiếp tục chuẩn bị trước sau gì cũng “đi theo Chúa vào Nam”. Khi thấy bộ đội ta đến, họ vội then cài cửa đóng không cho vào nhà. Họ xem anh em ta như “quỷ sa tăng” không gặp mặt, không giao tiếp... Khá nhiều anh em nản lòng. Đảng chỉ rõ: “Chính vì thế cần chúng ta đến với họ ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:57:37 am »

Nghe lời Đảng chỉ, anh em kiên trì dùng mọi biện pháp thuyết phục họ. Từ việc bước đầu gây thiện cảm, không cho vào nhà thì xem chuồng trâu chuồng bò nào bỏ không quét dọn để ở. Làm vệ sinh từng nhà, vệ sinh cả xóm, vét giếng khơi mương, cuốc đất tưới cây, sữa dậu đan phên, lợp nhà trét vách... Trích một phần ba khẩu phần lấy gạo trợ giúp gia đình thiếu đói, chăm sóc trẻ em, thăm nom người ốm... Đặc biệt anh em thấm nhuần quan điểm của Đảng và nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào. Anh em khuyến khích họ đi lễ nhà thờ. Trước đây họ sợ bị ta ngăn cấm làm khó dễ, ghi sổ đen... Nhưng với lòng chân thành không chút giả tạo dần dần đã biến từ ác cảm đến thiện cảm, từ xa lánh đến gần gũi. Chúng tôi đã thành công trong nhiệm vụ này.

“Chính vì thế nên cần chúng ta đến với họ”. Tôi lập lại câu nói này với Hiến một cách máy móc mà không nghĩ rằng thời điểm của mỗi việc mỗi khác. Việc làm ngày xưa của chúng tôi ở Hải Hậu - Giao Thủy vào thời bình, không bị gò bó về thời gian. Phải mất hai mươi ngày đến một tháng chúng tôi mới chinh phục được nhân tâm đồng bào theo đạo. Bây giờ anh em tiểu đoàn 9 chỉ có vài tiếng đồng hồ lại đang thời kỳ chiến tranh diễn ra khốc liệt, nhân dân trong vùng địch kiểm soát bị tác động không ít với cái gọi là “chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị” vu khống xuyên tạc của địch... Vì vậy anh em không thể làm gì khác hơn những điều anh Hiến nói.

“Vì thế nên cần chúng ta đến với họ”, Hiến lắc đầu giọng thiếu tự tin: Đến nhưng họ không săn đón, họ sợ. Ta đâu có quyền chặn giữ họ lại. Chỉ vài ba mươi phút họ lặng lẽ tản đi ra các hướng. Làm công tác tuyên truyền vận động với ai đây? Cán bộ địa phương năm bảy người có đây. Họ sống với ta nhưng không thể làm gì hơn. Thế lấy ai “vùng lên nổi dậy?”.

- Theo Hiến dân ở đây tốt hay xấu?

- Tôi không thể chủ quan đánh giá chuyện dân tốt hay xấu. Nhưng chắc chắn họ sợ. Vì sau cú nện đau quá bất ngờ trong mấy ngày Tết làm Mỹ - ngụy choáng váng. Nhưng sau đó dân thấy ta đến lúc này không làm chủ được Sài Gòn, địch phản kích ác liệt, lực lượng ta tổn thất không nhỏ lại bị đánh bật ra khỏi nội ô. Một số mục tiêu chiếm được lại mất vào tay địch; dân cho ta không thể trụ lâu. Ta rút đi để lại cái họa cho họ. Họ sợ sẽ bị trả thù nếu như biểu lộ sự thân thiện ủng hộ Giải phóng. Bọn ác ôn địa phương tuy rụt cổ rúc đầu lủi trốn, nhưng tai mắt chúng còn lại trà trộn trong dân...

Tôi đưa chiếc bi đông kiểu Mỹ có hơn ca nước trà pha đặc cho anh tợp một ngụm. Anh kể tiếp:

- Tiểu đoàn vừa vào ấp lúc khuya, 9 giờ sáng hôm sau quân Mỹ với bầy xe tăng cùng cả đàn trực thăng kéo đến vây đánh. Cũng may vừa đủ thời gian anh em hoàn thành công sự, bố trí đội hình. Quân Mỹ tưởng bất ngờ tấn công lúc ta chưa đứng chân trụ vững nên ồ ạt bám theo xe tăng xông ào lên. Ta nện cho. Mấy chiếc đi đầu bị bắn hạ, nhiều tên Mỹ phơi thây. Chúng thối lui ra xa dùng pháo bầy và trực thăng oanh kích.

Đã hơn mười ngày đánh nhau liên tục như thế. Được cái ban đêm chúng co cụm, nhờ thế ta có chút rảnh tay thu vén giải quyết hậu quả - giọng anh chùng hẳn xuống - có đêm chúng tôi phải mai táng vội vàng hàng chục anh em hy sinh. Đưa về phía sau hàng chục thương binh nặng. Quân Mỹ có lực lượng bổ sung, thay phiên, còn ta đã hao hụt trong chiến đấu lại phải tách một bộ phận chăm sóc tải thương. Quân số càng ít đi...

Có một câu không thể không hỏi anh nhưng tôi chần chừ bao lần chưa dám đề cập. Tôi sợ không đủ sức chịu đựng nếu như nghe được câu trả lời từ miệng anh thốt ra. Tôi hỏi mà cảm thấy lời nói mình tan biến trong cơn gió thoảng, như giọt nước bốc hơi giữa trưa nắng ngày hè. Chi ba từ thôi mà sao tôi mở mồm khó khăn đến thế!

- Tổn thất ta?

- Hơn một trăm!

- Hơn một trăm? Tôi lập lại như kẻ vô hồn. Cảm thấy toàn thân tê dại, đầu óc choáng váng, rát bỏng da mặt như quả roc-ket nổ sát mang tai ngay mép miệng hầm chiều nay.

150 cán bộ, chiến sĩ thương vong của một tiểu đoàn trong 12 ngày trụ ấp để hỗ trợ quần chúng “nổi dậy” đánh quỵ Mỹ, sụp đổ ngụy, giải phóng miền Nam nhân chiến dịch Tết Mậu Thân (!?).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM